Thursday, February 9, 2012

Mưu sinh dưới đáy đại dương

Ở biển Tây (Nam bộ), nghề lặn biển hấp dẫn cánh đàn ông từ bao đời nay nhưng cũng đầy bất trắc khiến bao nhiêu cảnh ngộ sinh nghề tử nghiệp.
Cách cảng An Thới (H.Phú Quốc, Kiên Giang) không xa, Hòn Gỏi nằm giữa nhóm đảo chằng chịt vốn là nơi dung dưỡng không ít người tứ cố vô thân. Trên những chiếc ghe nhỏ, dân Hòn Gỏi chu du từ quần đảo Hải Tặc, qua vùng Cổ Gồng, xuống Nam Du, Thổ Chu… Họ tham gia vào các sự kiện “nóng” ở dưới đáy biển Tây Nam, như tìm kiếm ở các con tàu đắm bí ẩn, quần thảo ngọc trai, đục dương đen ở mực nước chết tận ngoài hải phận quốc tế…
Mở mắt dậy là... chui xuống biển
Nhiều thập niên trước, Hòn Gỏi chỉ có trên chục nóc gia sống bằng nghề câu, lặn mé bắt ốc, hải sâm bán về đất liền. Nằm trong vùng biển trù phú với vô số ngọc trai và những con tàu đắm chứa đầy cổ vật, thế nhưng chẳng ai nghĩ phải làm gì với mớ tài sản khổng lồ ở sâu dưới đáy. Chỉ đến khi nghe đồn một người đi biển ở An Thới may mắn lặn được con sò điệp ngậm hạt ngọc thật to, bán đủ tiền đóng được vài chiếc xuồng đi biển, người dân Hòn Gỏi cùng nhiều đảo khác trong vùng vịnh bắt đầu cuộc “đổ bộ” xuống đáy biển.


Sau chuyến lặn bị “tê”, thợ Hà Văn Tài trở về với tấm thân bất toại - Ảnh: Tiến Trình
Ông Võ Minh Quang (Hai Quang), một thợ lặn kỳ cựu đã giải nghệ, nhớ lại: Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều ghe từ các vùng biển xa đã đến đây quăng neo. Những con người “bèo nước gặp nhau” nhanh chóng kết thân và cùng… rủ nhau xuống biển. Lần này, dân đảo không chỉ lặn “hơi tài” (lặn không cần dưỡng khí) mà mua bình nén khí, máy nổ và dây thông hơi dài hàng trăm mét để “làm ăn lớn” hơn. Nếu trước đây, thợ lặn giỏi lắm cũng chỉ lặn sâu được 5-7m nước, thì với phương tiện hỗ trợ, họ có thể lặn sâu 50-60 sải nước (một sải tương đương 1,6m). Vẫn săn tìm sò điệp, nếu hên thì có ngọc, còn ngược lại, vỏ của loại sò này cũng có giá trị cao. Ngư dân Lê Văn Đực kể: “Hồi đó, vỏ sò điệp được thương lái mua về bán lại cho các cơ sở sơn mài ở miền Đông. Bán 5 vỏ sò là mua được 1 chỉ vàng rồi, ham lắm!”.
Cùng với sự kiện hàng loạt tàu cổ được phát hiện rải rác các nơi trong vùng vịnh, cơn sốt ngọc trai, sò điệp, hải sâm… là hấp lực lớn để nhiều ngư dân bỏ câu, bỏ lưới tìm xuống đáy sâu. Hòn Gỏi lại tiếp nhận nhiều thanh niên trai tráng các nơi tìm đến để học nghề thợ lặn và nơi đây trở thành “thủ phủ” của dân làm nghề bám đáy biển. Một thợ lặn lâu năm trên đảo đúc kết: “Ở đây đàn bà, con nít mở mắt dậy đã nhìn ra biển. Đàn ông mở mắt dậy là chui xuống biển”.
Trở về từ đáy biển
“Nhà thằng Thới, nhà Chín Nu, Phúc “đại ca”, Tiền con Út An, Cò, Hải, Kiên là…9!”. Anh Phạm Bá Phước (Hải), người giữ đền cá ông trên đảo bấm ngón tay điểm tên những thợ lặn quá cố. Sống đời nổi trôi, hai mươi năm trước, anh trôi dạt về đây và được dân đảo cưu mang để theo nghề lặn nước sâu. Hải được người dân Hòn Gỏi quý mến nhờ tánh hay giúp người. Không biết chữ, anh nhờ đám con nít ghi lại tên của những người tử nạn, hoặc bị “tê” (tai biến) nhưng còn sống. Hải nói, từ khi anh về đây đến nay trên đảo đã có 18 thợ lặn bỏ mạng, 2 người tàn phế; còn số bị thương, chân teo thì “không thể đếm hết”.


Một góc đảo Hòn Gỏi - Ảnh: Tiến Trình
Dọc hai bên triền dốc vắt ngang đảo, những xóm nhà san sát nép dưới rặng cây. Trong khung cảnh yên bình, đám con nít nhảy lò cò dưới tán dừa, thỉnh thoảng lại ùm xuống biển, thi nhau lặn. Bên mâm rượu với những người vừa từ đáy biển trở về, ông Trưởng ấp Hòn Gỏi nói đảo nhỏ này có 100 hộ dân thì có đến 80 hộ làm nghề thợ lặn. Còn những thợ lặn lại nói con số ấy nhiều hơn. “Tới Hòn Gỏi, hễ thấy người nào chân bị teo tóp hoặc đi cà thọt, thì đích thị là thợ lặn”, anh Nguyễn Văn Tốt chỉ cách nhận diện đồng nghiệp của mình, với chúng tôi. Theo anh, đó là hậu quả của những lần bị “tê” dưới đáy biển. Nhiều người bị nạn được đồng nghiệp giảm áp (bằng cách đưa trở lại đáy biển với độ sâu và thời gian tương ứng khi nạn nhân xuống biển trước đó - PV) thì giữ được mạng, nhưng không sao tránh khỏi những dị tật như các cơ chân không phát triển, thậm chí bại liệt.
Hải dẫn tôi đến nhà anh Hà Văn Tài (29 tuổi). Ba năm trước, sau một ca lặn, Tài lên tàu khi thấy bụng hơi đau. Nằm ngủ một lát, thức dậy thì toàn thân tê buốt. Bạn lặn lập tức đưa anh trở lại đáy biển nhưng không còn kịp. Gia đình chở anh lên TP.HCM chữa trị, nhưng cũng chỉ cứu anh thoát khỏi đời sống thực vật. Tuy không họ hàng thân thích, Hải cũng bỏ công ăn việc làm theo nuôi Tài 4 tháng trời. “Trước ba nó còn sống, người ta chỉ ở đâu tui cũng đưa nó đi. Giờ ổng chết rồi, không còn ai quơ quào lo tiền chữa trị cho nó nữa”, mẹ Tài rơi nước mắt. Thấy khách lạ đến nhà Tài, bà Lê Thị Có chạy sang bắt chuyện. Bà nói, anh Tạ Quốc Sinh con bà cũng bị “tê” trong một lần lặn tìm ngọc trai. Mặc dù đã được đưa lên TP.HCM điều trị, nhưng hiện Sinh vẫn phải sống đời thực vật. “Hôm thằng Sinh gặp nạn, thằng Hùng (Lê Quang Hùng) tức tốc đưa em trở lại đáy biển để giảm áp, nhưng bất cẩn giờ cũng bị tê liệt một chân. Ở đây không chỉ có 2 đứa con tôi, mà thợ lặn bị “tê” nhiều lắm. Nếu gặp được thầy thuốc giỏi, nhà báo nhớ chỉ giùm nhé…”, bà Có khẩn thiết.
Ở lưng chừng dốc, chúng tôi ghé lại ngôi nhà của bà Phạm Thị Vận. Bà có 2 con là Hạnh, Phúc - đều là thợ lặn và đều lần lượt bỏ bà mà đi. Anh Phúc bỏ lại người vợ trẻ với 4 đứa con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Trong đó, cháu Nguyễn Thị Bích Liên bị suy thận mãn tính. Giờ em phải tự chống chọi với bệnh tật do không có tiền thang thuốc.
Hải nói dân “tê” ở trên đảo này nhiều kể không hết. Nhà ông Đực bị què, nhà ông Lạc bên đây cũng què. Bên đây nhà thằng Hải chết, vợ dẫn con đi biệt xứ. Trong kia là mộ ông Kim, vợ bỏ đi, nay mồ mả lạng hết… Còn đằng kia là mộ thằng Thái, quê tận Cà Mau. Nó lặn chết mấy năm rồi, nhưng vợ vẫn ở đây chăm sóc mồ mả… “Còn phần tui không vợ con, nếu có chết thì bà con cô bác ở đây chắc không bỏ”, Hải ngậm ngùi.
Có vô vàn lý do đưa đến số phận không may của những tay lặn thượng thặng trên vùng biển Tây. Sau bao nhiêu trường hợp nhãn tiền, những đúc kết dường như chỉ là chuyện mơ hồ.

Thợ lặn Nguyễn Hoàng Anh thường một mình ra khơi với mớ đồ nghề trên chiếc xuồng cũ kỹ
“Vùng nước chết”
Những con “mương” uốn lượn dưới lòng đại dương luôn là nơi ẩn chứa nhiều bất ngờ. Ở đó, một thợ lặn có thể tìm được sản vật quý báu đến mức ngạc nhiên và đây cũng chính là nơi hay “níu chân” người xấu số. Tuy nhiên, các thợ lặn gan lì thì qua bao nhiêu tầng nước cũng chưa phải là mối đe dọa. Lâu ngày, họ cũng vượt qua nỗi ám ảnh của cạm bẫy để có thể ung dung trong cuộc mưu sinh. Thợ lặn Nguyễn Hoàng Anh, người có trên 20 năm chinh chiến dưới đáy sâu với những lần vào ra cửa tử thần, bảo "cách duy nhất để một thợ lặn giữ được an toàn là bỏ nghề". Còn không thì dù người có kinh nghiệm mấy cũng chẳng đoán trước điều gì sẽ xảy đến. Như anh, có lần khi từ độ sâu 20 sải nước tại vùng “Cổ Rồng” ngoi lên đã bị “tê” suýt chết, may nhờ hai người bạn mang anh trở lại đáy biển kịp thời. Hoảng vía, Hoàng Anh không dám bén mảng đến vùng biển nguy hiểm đó nữa. Lần sau, chỉ lặn ở độ sâu 4 sải nước, nhưng anh lại bị “quay mô tưa” (người có cảm giác xoay tròn mất thân bằng) tưởng chết, lại được mang trở xuống đáy biển suốt 4 giờ mới trở lại bình thường. Nhắc lại, anh rùng mình: “Tui nghĩ lại mình lớn mạng thiệt, chứ bạn bè tui chết nhiều không dám nhớ, chết không trở tay kịp”.
Hoàng Anh có một người bạn thân tên là Lợi Anh, hai người thường rủ nhau đi cùng một hướng mỗi khi ra khơi. Một lần lặn chung ở “con mương” cạnh vùng biển An Thới, Lợi Anh gặp 2 con ghẹ khổng lồ. Chúng không bỏ chạy mà cứ như muốn đương đầu lại với những người xâm phạm vào lãnh địa bí ẩn của mình. Rất vất vả, anh thợ lặn mới tóm được cặp ghẹ lạ này. Lúc lên ghe anh còn tỉnh rụi, nói là mang cặp ghẹ này về cho con gái. Nhưng rồi bỗng dưng anh ngoẻo ngang chết. Hoàng Anh nói bạn anh không phải bị “tê” bình thường mà còn trúng phải làn nước độc nên không thể cứu chữa.
Nhắc đến chuyện này, thợ lặn Đặng Văn Mộng tặc lưỡi: “Tội nghiệp ông Phương “trời đánh” ở Bãi Thơm, lặn giỏi lắm. Có lần ông lặn trúng bầy đột, chưa đầy một giờ mà đã kiếm trên chục triệu. Nhưng cũng chính lần đó ông gặp nước độc, lên không nổi. Khi người ta mang ông lên ghe thì toàn thân đã bất toại, đến giờ vẫn phải nằm một chỗ. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé qua thăm, cho ít tiền”. Hay như trường hợp ghe ông Sáu Tím, đi trên ghe có 4 người, gặp vùng nước độc, 3 người xuống biển rồi không lên được. Chỉ mình ông sống sót. Sau khi lần lượt đưa 3 người bạn về nơi an nghỉ, ông Sáu cũng bán ghe và bỏ luôn nghề lặn.
"Vùng nước độc" là nỗi ám ảnh thường trực của những thợ lặn khi đang ở đáy biển. Nhiều thợ lặn nói đó là vùng nước có màu vàng đục như màu dầu ăn, trôi vô định ở mực nước sâu. Tôm cá khi lọt vào vùng nước này cũng trở nên dại đi. Những thợ lặn không cảnh giác gặp phải thì coi như xấu số. Thợ lặn Phạm Bá Phước nói chúng thường xuất hiện vào mùa gió nam, khi biển “quay gió”, kéo theo những làn nước lạ bị đẩy ra theo các con “mương”. Nhưng cũng có thợ lặn khác giải thích, làn nước nguy hiểm này xuất phát từ những loài sinh vật độc hại dưới đáy biển; lại có người bảo nước độc cũng là do con người thải ra khi đánh bắt và các thợ lặn túc trực dưới đáy sâu là những người lãnh đủ.
Không còn lựa chọn
Nhiều thợ lặn chứng kiến đồng nghiệp gặp rủi ro, vì lo sợ cho số phận của mình đã bỏ nghề. Nhưng rồi cũng vì thắt ngặt mà họ lại tìm xuống đáy sâu. Trần Văn Đông (xã Gành Dầu, H.Phú Quốc) tới giờ vẫn còn xót dạ khi nghĩ đến anh bạn xấu số tên Nhựt. Anh Đông nói bạn anh lặn rất giỏi. Anh này thường đi theo các tàu ra lặn ở vùng biển quốc tế tìm “đồ cao cấp”, mỗi chuyến về kiếm vài chục triệu. Trong một chuyến lặn chứng kiến có người tử nạn, anh Nhựt về tâm sự với bạn: “Tui bể quá không làm nữa”. Nhưng trong lần bay ra Phú Quốc đón vợ con về đất liền, sau khi nhậu chia tay các bạn lặn, anh lại theo tàu “làm một chuyến kỷ niệm” rồi tìm kế khác sinh nhai. Không ngờ chuyến lặn cuối cùng ấy, anh đã vĩnh viễn không trở lên được nữa.
“Dân lặn có nhiều cách chết lắm, không chỉ gặp áp suất hay nước độc mới bị "tê". Nào là lặn bị vướng lưới chết, vuột ống hơi cũng chết, đang lặn tàu chạy qua vướng đường ống “sinh tử” cũng chết… Người bị "tê" nằm một chỗ vài năm sau chết có, chết ở dưới biển mang lên cũng có. Ở xóm này chết hết 10 thợ lặn, còn bị “xịt lụi” thì nhiều…”, thợ lặn Trần Văn Lô kể về cái sự bạc bẽo của nghề bằng một giọng thản nhiên đầy chấp nhận. Anh nổi tiếng là một thợ lặn lì lợm ở xóm Lò Than (xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc). Mấy năm trước, Lô thường theo các tàu đi xa đục dương đen. Đó luôn là những chuyến đi đầy bất trắc. Cây dương đen chỉ mọc ở vùng biển sâu năm, sáu chục sải nước. Để tìm được loại cây quý này, thợ lặn phải đi xa về hướng nam.
Nhiều lần ra vào “cửa tử thần”, nhưng Trần Văn Lô vẫn giữ thái độ bình thản: “Nếu bị "tê" thì giảm áp, nghỉ vài bữa lại lặn tiếp”. Trong một lần Lô bận việc không ra khơi, người bạn thế chỗ anh không ngờ lại là người thế mạng cho anh. Anh này bị trúng nước độc mà chết, xác anh được ướp nước đá chở về đảo. Cùng chuyến đó có hai thợ lặn tên Gió, To cũng ở xóm Lò Than. Rồi hai anh em nhà này cũng bỏ nghề đục dương đen để quay về vùng biền gần kiếm sống.
Những câu chuyện về người xấu số được dân lặn nhắc đến như là chuyện phải đến. Có người vì sợ “tới quận mình” mà bỏ nghề lặn nước sâu, chỉ quanh quẩn các bãi mà lặn sò, lặn ốc. Thế nhưng, số phận nghiệt ngã chưa hẳn đã buông tha cho họ. Gần nhất, hai anh em thợ lặn ở Bãi Bổn (Phú Quốc) trong lúc lặn vẫn chạy máy tiếp hơi. Điều không ai nghĩ đến là một cơn sóng đã đánh mạnh làm máy tự động vào số, chiếc ghe không người lái bất ngờ chạy đi, bỏ lại chủ nhân dưới đáy đại dương. Bị mất hơi giữa chừng, người em xấu số không lên được. Người anh cố gắng ngoi lên mặt nước nhưng cũng bị thương nặng, trở thành người tàn phế.
Trong giới thợ lặn ngang dọc trong khắp vùng vịnh Tây Nam, có một người khá nổi tiếng và tên tuổi gắn liền với những biệt danh Thuồng luồng biển, Quái kiệt trên đảo Phú Quốc, Kỳ nhân dưới đáy sâu…
“Quái kiệt” đó là Sáu Hà (Nguyễn Văn Hà), ở Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc, Kiên Giang. Những biệt danh trên được bạn lặn gán cho ông vì khả năng ở cả ngày và có thể đánh giấc hàng giờ dưới đáy biển. Từ dưới sâu, câu chuyện ấy “bay” lên mặt nước, được các thợ lặn kháo nhau và ông được biết đến nhiều qua những đồn đoán như một giai thoại của đời lặn biển.
“Nghiện" biển
Đến Hàm Ninh, chúng tôi đã thấy được sự nổi tiếng của Sáu Hà khi hỏi nhà ông hầu như ai cũng biết. Có người còn nhiệt tình xách xe dẫn khách đến tận lối ra xóm lặn. Thấy khách lạ đến hỏi, người đàn ông khoảng 50 tuổi có thân hình “phì nhiêu” tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tui có quen chú hả?”. Nhưng ngay sau đó, ông trở nên vui vẻ khi biết chúng tôi là nhà báo.

Mua bán sản phẩm tại bến đậu của các thợ lặn ở Phú Quốc - Ảnh: T.T
Câu chuyện bắt đầu khi ông canh cánh rằng vùng biển này bây giờ bị các ghe cào quấy rối dữ quá. Họ “nuốt” trọn từ mặt nước xuống đáy sâu, hủy hoại cả những thứ mà họ không lấy được. Ông nói như thể biển là cánh đồng của nhà mình xanh tốt bỗng có người cho máy vào bừa xới. Biển bị “xử tệ” như thế nên thợ lặn ngày càng khó kiếm sống hơn.
Sau thời gian bị vợ không cho xuống biển vì chứng cao huyết áp, Sáu Hà không cưỡng nổi thôi thúc, tìm cách về với biển. Hôm chúng tôi đến, ông và các thợ lặn trong xóm Bãi Bổn (xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc, Kiên Giang) lui cui trét chai cho chiếc ghe mới, chuẩn bị hạ thủy. Ông nói “nhờ” bệnh, bị giảm cân mà ông bây giờ đã “gọn” hơn trước, chỉ còn trên 130 kg. Nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để ông giữ chắc kỷ lục là thợ lặn… có trọng lượng nặng nhất xứ đảo. Có lẽ, một điều cơ bản khác hơn giữa ông với nhiều thợ lặn xuống đáy biển kiếm cơm là ông xuống biển gần như là một nhu cầu. Sáu Hà nói ông trở nên “nghiện” đáy biển lúc nào không hay. “Tui ở nhà hoài bứt rứt lắm chú. Nhà không có ghe tui cũng quá giang ghe khác đi biển hà”, ông cười khà.
Chứng "nghiện" biển với ông đã có từ thuở mới 8-9 tuổi, lúc theo cha đi kiếm sống. Thấy con ở trên xuồng không chịu ngồi yên, cha ông đã “quẳng” Sáu Hà xuống biển, buộc dây cho đeo lủng lẳng vào cột chèo. “Lúc đó dưới biển “đồ” nhiều lắm; hải mã, ốc nhảy, đột trắng (hải sâm) còn rất nhiều. Mà người ta cũng đâu có “vùi” dưới biển như bây giờ, đúng là người khôn của khó”, Sáu Hà nói.
Thích ngủ dưới... biển
Mười tuổi, Sáu Hà đã học lặn “hơi tài”, lặn bắt các sản vật ở gần bờ. Đến khi các thợ lặn có thêm sự trợ giúp của bình nén khí thì việc ở lì dưới đáy trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trung bình một thợ lặn cũng chỉ có thể lùng sục dưới sâu nhiều nhất 2-3 giờ. Bởi nếu ở lâu dưới đáy, áp suất và nhiệt độ thấp dễ dẫn đến nguy cơ bị “tê”. Song, với Sáu Hà thì khác. Ông nói nếu không đói và đủ dưỡng khí, ông có thể ở dưới đáy biển cả ngày mà không cần ngoi lên. Thời gian ở dưới đáy lâu là vậy, nhưng ông ít khi bắt được nhiều sản vật hơn các thợ lặn khác. Ông thú nhận, khi xuống biển, ông rất thong dong và thường xuyên... đánh giấc mỗi khi buồn ngủ.

“Quái kiệt” Nguyễn Văn Hà, thợ lặn được biết đến như người có sở thích... ngủ dưới đáy biển - Ảnh: T.T
Chuyện Sáu Hà ngủ dưới biển, lần đầu được ông nhìn nhận như là một tai nạn hơn là “thi thố” gì. Cách nay gần 10 năm, trong một lần lặn bắt hải mã, bạn lặn thấy ông nằm bất động một chỗ. Anh này hoảng hốt vì nghĩ ông đã bị “tê”. Nhưng khi đến gần khều nhẹ thì ông giật mình tỉnh dậy. Sáu Hà nhớ lại: “Hôm đó tui nhậu nhiều quá, sáng xuống biển cứ thấy buồn ngủ. Biết ngủ dưới này là nguy hiểm, tôi cũng cố gắng đi kiếm “đồ”. Nhưng rồi chẳng bao lâu lại ngủ thiếp đi lúc nào không hay”.
Lúc đầu, khi nghe chuyện Sáu Hà ngủ dưới biển ai cũng nghĩ là... chuyện tiếu lâm, bởi chẳng ai dại đến mức chui xuống biển mà ngủ. Nhưng rồi sau đó, thỉnh thoảng người ta lại thấy ông “đứng hình” dưới đáy biển, bạn lặn phải đánh thức ông dậy. Có người cắc cớ thấy ông ngủ đã đến gần “cúp” ống hơi, không thở được ông lại choàng tỉnh. Lâu dần, khi xuống biển ai cũng lo kiếm “đồ” để bán, chẳng còn quan tâm nhiều chuyện bạn lặn “liều” như thế. Nhiều lúc Sáu Hà phải mất hồn khi đang ngủ trong vô thức đã nhả luôn ống hơi khỏi miệng. Bị vuột ra, chiếc ống không đứng một chỗ mà “nhảy” khắp nơi, làm ông rất khó khăn bắt lại. Có những lần không bắt kịp ống hơi, ông một phen uống đầy nước biển.
Nhiều lần riết rồi thành thói quen, không ai còn lạ gì khi thấy Sáu Hà đánh giấc dưới đáy sâu. Lúc ông xuống biển, người trên tàu thấy bọt khí di chuyển thì biết ông đang làm, còn thấy nó đứng một chỗ thì biết đích thị ông lại ngả lưng vào đâu đó mà đánh giấc. Ông “chia sẻ” cảm giác ngủ dưới đáy biển: “Nó rất dễ chịu, mát hơn ngủ phòng có máy điều hòa và không sợ ai quấy rầy”. Tuy nhiên, trong các thợ lặn ở biển Tây, có lẽ duy nhất ông có cảm giác kỳ lạ và “dễ chịu” như thế.
Khi biết Sáu Hà có thói quen kỳ khôi như thế, người nhà cũng không khỏi lo lắng. Đến khi ông bị chứng cao huyết áp giày vò, vợ và các con ngăn không cho ông đi biển nữa. Nhưng không đi biển thì lại buồn, lại “nóng nực chịu không nổi”, lại thêm bạn nhậu rủ rê, thế là ông lại có cớ nói với bà nhà xuống biển vừa tránh sa vào chè chén, lại kiếm được tiền. Lý do quá hợp lý, khiến vợ ông không còn cách nào để ngăn ông trở lại biển.
Nhìn chiếc ghe mới, Sáu Hà háo hức như đứa trẻ vừa được cho quà. Hôm chúng tôi đến, ông nói vậy là mình sắp được trở lại đáy biển. Lần này, ông sẽ lặn cả ban đêm, là lúc nhiều sinh vật biển ra khỏi nơi ẩn nấp, dễ kiếm tiền hơn. Cũng còn bởi với ông, lặn biển đêm hay ngày chẳng khác nhau là mấy.
Hạ độc dưới đáy sâu
Có một “cuộc chiến” xảy ra âm ỉ dưới đáy biển, giữa một bên là các thợ lặn lục lạo tìm sản vật và một bên là các thợ lặn săn bắt theo “kiểu mới”. Thợ lặn Đặng Văn Trãi (ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, H.Phú Quốc, Kiên Giang) rưng rức: "Vùng này trước đây cá sinh sản rất nhanh. Cá mú, cá ngựa, ốc… nhiều lắm. Nhưng mấy ghe cào điện đã tàn sát hết. Nếu không có họ thì dân lặn ở đây sống khỏe lắm. Thời gian trước dân lặn thủ công còn bắt được cá mú. Nhưng sau không bắt được nữa, người ta phải dùng thuốc...”.


Chất cực độc
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó giám đốc Sở KH-CN tỉnh Kiên Giang cho biết: Chất xianua natri là chất cực độc, tồn tại ở dạng muối. Chỉ cần 0,12 đến 0,2 gr là có thể giết chết một người khỏe mạnh. Chất này được sử dụng tinh lọc các loại khoáng sản... nếu dùng để đánh cá thì không tránh khỏi việc hủy hoại hàng loạt các sinh vật khác. Theo ông Niệm, nếu sử dụng “chiêu” hạ độc này, sẽ có đến 90% loại cá bị chết khi mang khỏi mặt nước. “Ngoài ra chất xianua natria còn có thể giết chết các thảm san hô và sinh vật khác xung quanh khu vực đổ thuốc xuống bắt cá”, ông Niệm nói. Ngay cả người sử dụng các loại cá bị trúng độc nặng này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ tử vong.

Thợ lặn ở vùng biển Tây giờ lại chia ra làm 2 “phái”, một bên là dân lặn thủ công, bên còn lại thì sử dụng những thứ khác để đánh bắt nhiều hơn.
Thợ lặn Châu Văn Hên bức xúc: “Dân lặn chân chính chúng tôi lâu nay rất “căm” mấy tay xài thuốc kiểu này. Cũng là dân lặn với nhau, nhưng họ kiếm ăn theo kiểu khác chúng tôi lắm”. Vùng biển Phú Quốc vừa chứng kiến một đợt rừng san hô bị chết hàng loạt, chết dữ dội. L.V.T, thợ lặn chuyên đưa khách du lịch ngắm san hô ở vùng biển An Thới nói: "Nhiều lúc anh lấy làm áy náy với khách, vì san hô đang đẹp lộng lẫy bỗng chuyển sang màu vàng, rồi “chết lây” ra một khu vực rộng lớn. Khách du lịch không phải bỏ tiền ra lặn xuống biển chỉ để thấy một rừng san hô điêu tàn”. T. nói thêm, là người dân Phú Quốc, sống gắn bó dưới đáy biển nổi tiếng giàu có một thời, anh không khỏi chạnh lòng. San hô chết, hệ động thực vật sống cộng sinh trong vùng vì thế không thoát khỏi bị đe dọa. Trong nhiều nguyên nhân được xác định, người ta không loại trừ có sự tiếp tay của dân lặn hạ độc để bắt cá. Ngoài những chất độc, thuốc nổ từ lâu cũng được dùng tới để tấn công vào những vùng có địa thế phức tạp. Thậm chí, cánh lặn tìm phế liệu cũng sử dụng thuốc nổ để công phá những con tàu đắm.
Một thợ lặn cho biết, là dân trong nghề, không khó để điểm mặt những thợ lặn “hạ độc thủ” này. Trong mỗi chuyến biển, họ thường đem theo những viên thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc. Thuốc màu trắng, tròn, to bằng ngón chân cái, có mùi hôi rất khó chịu. Đó là chất xianua natri. Trước khi lặn, người ta cho một viên vào chai khoảng 1 lít nước. Đầu tiên thợ lặn xuống các rạn san hô “đánh giá tình hình”. Nếu có nhiều cá, người ta sẽ dùng lưới bao quanh khu rạn, sau đó dùng thuốc đã pha đổ vào miệng hang. Cá bị trúng độc lớp chết, lớp bị ngất, còn nhiều sinh vật nhỏ hơn sẽ bị chết hàng loạt. Mỗi lần hạ độc như thế, chất độc lan nhanh, vì vậy vùng bị ảnh hưởng không chỉ có các hang cá hay rạn san hô mà còn cả khu vực gần đó. Thợ lặn tên H. (thị trấn Dương Đông) thú thật: “Mỗi chuyến đi chừng hai, ba ngày với cách đánh dùng thuốc, ít nhất chúng tôi cũng kiếm được 50 kg cá mú, nhiều cũng vài trăm ký, thu được trên dưới 10 triệu đồng”. Đây là khoản thu không nhỏ đối với các thợ lặn mò mẫm để bắt từng con ốc, cá ngựa.
Nhưng nhiều thợ lặn đã cự tuyệt cách bắt “thiếu đạo đức nghề nghiệp”. Thậm chí có những cuộc xung đột xảy ra. Các thợ lặn “chánh phái” bất bình khi thấy biển bị hủy diệt đã báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các vụ xử phạt diễn ra rất ít, bởi tang vật mang theo rất dễ phi tang. Mà để bắt được quả tang các vụ hạ độc rất khó, bởi không thể… lặn theo các thợ lặn để biết họ đang làm gì dưới đáy sâu.


Cá chết dưới đáy biển sau khi bị hạ độc - Ảnh: Tiến Trình
Biển đang nghèo đi
Theo một cán bộ của Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cho biết, không chỉ có thợ lặn tại Phú Quốc đánh bắt kiểu hạ độc, mà còn có các ghe lặn từ tận miền Trung vào. Không chỉ chất độc, người ta còn dùng cả chất nổ. Thời gian trước, Bộ đội biên phòng Kiên Giang đã kết hợp các lực lượng chức năng bắt giữ một tàu của ngư dân Quảng Ngãi mang theo 57 kg thuốc nổ TNT để đánh cá.
Rạn san hô và thảm cỏ biển ở Phú Quốc rất phong phú. Gồm 260 loài san hô, 9 loài cỏ biển, trong hệ sinh thái này có 166 loài rong biển; 258 loài động vật gồm 154 loài cá, 47 loài thân mềm, 25 loài da gai... trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đặc biệt có 2 loài cá cơm là Spratelloides gracilis và Stolephorus indicus là nguyên liệu chính để làm đặc sản nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Đặc biệt hơn, các thảm cỏ biển ở Phú Quốc còn gắn liền với sự tồn tại của các loài động vật quý hiếm đang cần được bảo vệ ở Việt Nam và thế giới như bò biển (còn được gọi là dugong, cá cúi, mỹ nhân ngư), vích cỏ (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eremochelys imbricata), rùa da (Dermochelys coriacea), ốc nhảy đỏ lợi (Strombus luhuanus), trai ngọc môi đen (Pinctada margaritifera)... Sự giàu có một thời đã tạo nên thương hiệu cho những sản vật từ vùng biển Phú Quốc như ngọc trai, nước mắm, cá ngựa... và các đặc sản phục vụ du lịch. Tuy nhiên, cũng chính sự trù phú này đã “dẫn dụ” nhiều tàu ở nơi khác đến, họ mang theo những hình thức đánh bắt rất khác lạ với những ngư dân truyền thống. Không cạnh tranh nổi, nhiều ngư dân bỏ nghề. Những ngư dân còn bám trụ lại, một số đã chuyển sang hình thức đánh bắt khác. Sự khốc liệt đó đã diễn ra trên mặt nước rồi sâu dần xuống đáy biển.
Với dân lặn ở Phú Quốc, họ chỉ biết rằng mỗi ngày xuống đáy biển, nỗi thất vọng càng lớn. Thợ lặn Trần Văn Đông nói, việc dân lặn mang thuốc độc bắt cá chỉ xuất hiện chừng 5 năm nay, nhưng hậu quả đã thấy. Một thợ lặn cao tuổi tâm sự: "Xuống biển bây giờ hầu như cái gì cũng ít. Trước cá mú, con vài chục ký cũng có, giờ thì chỉ kiếm được con bằng bàn tay". Thợ lặn Nguyễn Văn Năng (thị trấn An Thới) nói ngày trước do trên mặt nước ít sản vật người ta mới xuống biển. Giờ dưới đáy biển ngày càng nghèo đi. Vừa nguy hiểm, vừa khó kiếm tiền hơn, nhiều thợ lặn không thể đi xa thì đành bỏ nghề. Còn như ông Năng, ông nói mấy tháng nay ông không lặn nữa mà sắm câu, lưới để hành nghề trên mặt nước. Với dân lặn mà nói, như thế chẳng khác nào bỏ nghề.

Mạo hiểm nghề lặn biển

Không chỉ nổi tiếng khắp miền Trung với nghề lặn biển đêm, xóm Ghềnh Cả (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), còn tự hào là nơi đầu tiên chế tạo ra chiếc đèn lặn biển mang thương hiệu “đèn lặn Bình Châu”.
Giải pháp của người đi biển
Anh Hiếu, người đã gắn bó với nghề làm đèn lặn hơn bốn năm. Ảnh: Văn Minh
Ngư dân Nguyễn Chì (thôn Châu Thuận) nói: “Cách đây trên chục năm, khi chiếc “đèn lặn Bình Châu” chưa ra đời, mỗi chuyến ra khơi người dân phải mang theo hàng trăm chiếc đèn, hàng ngàn cục pin, hàng chục ký dây cao su cùng ngần ấy trọng lượng bao nilông. Còn bây giờ thì không cần phải thế nữa”. Nguyên nhân của những chuyến ra khơi đầy “phụ kiện” ấy là do trước đây ngư dân sử dụng đèn pin để lặn là chủ yếu.
Ông Chì nhớ lại: “Đèn pin sau khi ra ngư trường sẽ được bỏ vào một hoặc hai lớp bao nilông, sau đó dùng dây cao su buộc thật chặt vào. Mỗi phiên lặn kéo dài hai tiếng, một ngư dân phải mang theo ít nhất ba – bốn cây như thế”. Ông Trương Quang Trị, một ngư dân có thâm niên trên 20 năm theo nghề lặn biển cho biết, sở dĩ phải mang nhiều như vậy là do người lặn biển phải làm việc ở nơi có áp lực nước rất lớn (độ sâu trung bình khoảng 35m), trong khi khả năng chịu lực của nilông là khá kém.
Để giải quyết cho vấn đề này, cách đây trên chục năm, một số ngư dân đã nghĩ ra một giải pháp dùng một chiếc đèn khác để thay thế đèn pin. Vậy là chiếc đèn lặn biển mang thương hiệu “đèn lặn Bình Châu” ra đời. Ông Võ Văn Ba, một trong năm người làm đèn nói: “Đến bây giờ, cũng không người nào biết ai là “cha đẻ” thực sự của chiếc đèn này. Chỉ biết chiếc đèn đầu tiên được ngư dân sử dụng cách đây khoảng 12 – 13 năm gì đó”. Theo ông Ba, do thiếu kinh nghiệm, nên những chiếc đèn ban đầu có tuổi thọ ít hơn bây giờ”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách làm một chiếc đèn lặn cũng khá đơn giản. Cấu tạo của nó bao gồm: một chai thuỷ tinh (loại 5 xị); một bóng đèn 110kW; một miếng mút xốp; một ít ximăng và hắc ín. Chai thuỷ tinh sau khi dùng lửa cắt bỏ phần miệng sẽ được rửa sạch, cho bóng đèn vào, dùng miếng mút xốp chặn lại, sau đó đổ xi măng và hắc ín vào là sẽ có một chiếc đèn lặn hoàn hảo. Toàn bộ quy trình này kéo dài khoảng 30 – 45 phút.
Nghề phụ, nhưng sống được
Với người dân Ghềnh Cả, ngoại trừ nghề lặn biển ra, tất cả những nghề khác đều là nghề phụ. Và nghề phụ thì chỉ dành cho những người bị nạn do lặn biển, hoặc do một vài lý do khác mà không bám biển được. Anh Nguyễn Tấn Hiếu, một thợ làm đèn ở thôn Châu Thuận là một người như vậy.
Cách đây bốn năm, trong một lần đi biển, anh Hiếu chẳng may bị nạn khiến một chân không còn đi đứng bình thường được. Cộng với việc bị bệnh tim hành hạ, nên anh quyết định bỏ nghề đi biển để chuyển sang làm đèn. “Mỗi chiếc đèn sau khi làm ra có giá 20.000 đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, còn lời khoảng 3.000 – 4.000 đồng. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi làm khoảng 50 chiếc, kiếm được khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Tuy không cao bằng nghề lặn biển, nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng và một đứa con sống được”, anh Hiếu nói.
Không dừng lại ở quy mô gia đình nhỏ lẻ như anh Hiếu, gia đình ông Võ Văn Ba hoạt động theo kiểu “phân xưởng” với nhiều quy trình khác nhau. Một số quy trình phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm do ông tự tay làm; một số công đoạn đơn giản như: cắt chai, rửa chai, cắt mút xốp thì do ông thuê mướn. Ông Ba cho biết, mỗi ngày ông sản xuất khoảng vài trăm chiếc đèn lặn, tuy nhiên, hiện chỉ có một số ít trong số đó là xuất đi ngoại tỉnh, còn phần lớn thì tiêu thụ tại địa phương. Ông Ba ao ước, nếu Nhà nước đầu tư quảng bá thương hiệu “đèn lặn Bình Châu” thì chắc chắn trong thời gian tới, ông cùng những người sản xuất đèn lặn ở Ghềnh Cả sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Trong khi đó, anh Hiếu lại cho biết, khắp các làng chài ven biển Quảng Ngãi quê anh có rất nhiều ngư dân bị nạn. Nếu được giúp đỡ vốn, hướng dẫn cách làm đèn lặn, tạo đầu ra cho sản phẩm… thì cũng là cách giúp những đối tượng không may này ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Văn Minh
Trước đây rắn biển (còn gọi là "đẻn") dùng để phục vụ dân nhậu là chính, nay còn được gom để bán cho các đường dây lùng mua để xuất khẩu ra nước ngoài. Một trong những địa phương nổi tiếng nhất trong chuyện săn lùng rắn biển chính là ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi có bãi biển du lịch nổi tiếng Thiên Cầm. Người dân nơi đây cũng đã chứng kiến không ít tai họa đến từ những chuyến đi săn đẻn.
Lặn ngụp mò sò dưới đáy đại dương, đi săn rắn biển cực độc làm đặc sản... ngư dân ở miền ven biển Hà Tĩnh vẫn phải đối mặt hàng giờ với những hiểm nguy từ trong lòng biển. Đã có không ít những nỗi đau "biển ép", vẫn còn đó nhiều người phải liều mình kiếm miếng ăn bằng những nghề hiểm nguy, cái chết cận kề. Thế mới biết cuộc mưu sinh ở khúc ruột miền Trung vẫn đang mang tải bao nỗi nhọc nhằn.

Rắn biển được bán tại các khu du lịch.
Lặn biển mò sò - Tử thần rình rập
Theo thống kê của UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thì trong gần 10 năm trở lại đây, xã có khoảng 500 lượt thanh niên trai tráng lên đường vào miền Nam làm nghề lặn biển thuê. Trong 10 năm đó, 40 người trong số họ quay về quê mẹ trên xe tang, 10 người sống quãng đời còn lại bằng đời sống... thực vật, khoảng 50 người thì bị các di chứng khác. Mới thấy, kiếm được miếng cơm từ biển cơ cực thế nào.
Chúng tôi đến đèo Ngang, huyện Kỳ Anh vào buổi bóng xế tà, đứng ở nơi khi xưa của nữ sĩ Huyện Thanh Quan viết nên bài thơ "Qua đèo Ngang" nổi tiếng. Đèo Ngang bây giờ đã lại "cỏ cây chen lá đá chen hoa" như xưa vì người ta đã đào một đường hầm chui qua lòng núi, dần quên con đèo cùng với cổng trời cho cỏ lá mọc hoang vu.
Nằm dưới chân đèo Ngang nên biển Kỳ Anh vẫn nổi tiếng với gió mạnh và cát bay. Các xã ven biển ở đây không có lạch để tàu lớn ra vào đánh cá, ngư dân chỉ đánh bắt cá bằng thuyền nhỏ gần bờ hoặc làm nghề lặn biển. Nhưng con tôm, con cá gần bờ cũng ngày càng cạn kiệt, đất chật, người đông, người già trẻ em thì quay lại với ruộng đồng, thanh niên phải lên đường vào các tỉnh miền Nam kiếm kế mưu sinh bằng nghề lặn biển thuê. Những ngôi làng thợ lặn ra đời từ đó. Thanh niên trai tráng đi làm nghề lặn đã mang những đồng tiền mồ hôi nước mắt về để xây dựng những ngôi nhà khang trang, cho cuộc sống nơi đây đỡ nhọc nhằn hơn, nhưng họ cũng mang về những nỗi đau "biển ép".
Chúng tôi đến nhà anh Phan Công Hồng ở thôn Bắc Thắng - một trong những nạn nhân bi thảm nhất của nghề lặn biển còn sống thoi thóp 10 năm nay. Căn nhà trống hoác trống huơ và trông cũng tội nghiệp như chủ nhân của nó đang nằm ở góc nhà, tay run run cầm thìa, miệng trệu trạo nhai bữa cơm chiều khó nhọc. Bữa cơm chỉ có bát cơm, bát nước mắm và một ít moi biển. Cứ mỗi lần ai nhắc đến chuyện của mình là anh lại bỏ bữa nên chúng tôi giữ ý, chỉ chào hỏi qua loa rồi đợi anh ăn xong mới dám nói chuyện.
Học hết lớp 12, Phan Công Hồng trở thành chỗ dựa chính cho bố mẹ già. Vùng biển Kỳ Xuân nghèo nàn không kiếm được cái ăn, Hồng theo đám trai làng lũ lượt kéo vào Hàm Tân, Bình Thuận làm nghề thợ lặn. Anh lặn thuê cho một con tàu khai thác sò huyết, mỗi ngày khoảng 6 tiếng đồng hồ, thợ lặn phải ngâm mình trong nước biển ở độ sâu 10-20m. Công việc vất vả và nguy hiểm nhưng cũng được trả công tương đối cao nên Hồng không quản ngại, anh làm việc chăm chỉ, lặn ở những vùng nước sâu nhất với tâm niệm: phải tích cóp tiền để sửa sang cho cha mẹ căn nhà dột nát.
Vào ngày 17/7/1998, Hồng cùng 10 người cùng xã đang lặn dưới nước sâu bắt sò tại vùng biển Hàm Tân, Bình Thuận thì chủ ghe phát hiện có kiểm ngư liền vội kéo anh em thợ lặn lên nhanh để đánh ghe bỏ chạy, tránh phạt. Do mọi người kéo anh lên tàu quá nhanh làm cho áp suất trong người Hồng bị thay đổi đột ngột. Ngồi bệt trên sàn tàu, Hồng thấy choáng váng, mặt mày tái mét, bụng dưới tê buốt. Theo kinh nghiệm, mọi người vội cột chì vào người và dòng dây thả Hồng xuống biển, nhưng do chưa "trả" đúng độ sâu nên không có hiệu quả. Hồng mê man bất tỉnh, sau đó được điều trị tại Vũng Tàu một thời gian dài nhưng nửa người dưới đã bị bại liệt hoàn toàn.
Gần 10 năm nay, anh sống như một đứa trẻ, mọi sinh hoạt cá nhân đều tại chỗ và do cha mẹ già phục vụ. Bà Giàng, mẹ anh tuổi đã ngoài 60 mếu máo: "Nhà tui vô phúc quá chú ơi! Tuổi già cứ tưởng thảnh thơi, giờ hai cái thân già lại phải cáng đáng thằng con nửa sống nửa chết thế này". Bà khóc, ông quay sang quát, bà ngồi quệt nước mắt - giọt nước mắt người già sao mặn chát và tội nghiệp.

Anh Phan Công Hồng bị bại liệt vì lặn biển.
Các chủ tàu khai thác sò biển ở vùng Phan Thiết, Bình Thuận rất thích thuê mướn những thợ lặn ở xã Kỳ Xuân vì họ làm việc rất chăm chỉ, không ngại khó, ngại khổ. Mỗi tàu có một bình ôxy dùng chung cho khoảng 7-8 thợ lặn. Khi làm việc, mỗi người được phát một ống dài, nối vào mũi và cứ thế lặn ngâm mình hàng giờ liền trong lòng biển. Ngoài ra không có bất cứ một thiết bị bảo hộ nào khác. Để lặn được sâu và không bị trồi lên, chủ tàu phát cho mỗi thợ một túi chì nặng để buộc vào người.
Cứ thế, người thợ lặn miệt mài nhặt sò cho vào túi, đến giờ ăn cơm, họ được kéo lên từ từ để thích nghi dần với áp suất. Bữa cơm trưa cũng vội vàng và họ lại tiếp tục ngâm mình trong lòng biển. Càng đến mùa du lịch, du khách đổ về càng nhiều, nhu cầu sò biển càng tăng thì những người thợ lặn thuê lại càng phải mò mẫm nhiều dưới biển.
Cũng phải thừa nhận rằng, nghề lặn biển thuê mang đến cho người dân xã Kỳ Xuân đời sống khấm khá hơn, trong xã có nhiều ngôi nhà kiên cố, nhà cao tầng được xây dựng bằng tiền của những người thợ lặn mang về. Nhiều thanh thiếu niên, thậm chí chưa bước ra khỏi ghế nhà trường đã tính chuyện nối gót các bậc cha anh vào miền Nam, mong đổi đời bằng nghề lặn biển. Và nỗi đau cứ thế nối dài thêm. Hầu hết những người lâu năm trong nghề thợ lặn, không bị tai nạn nghề nghiệp thì về sau cơ thể cũng bị suy nhược, chân tay yếu, thậm chí bại liệt. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Viễn, ở xóm Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân. Anh đã từng đi lặn thuê suốt 12 năm và bị biến chứng, ở tuổi 41, đôi bàn chân của anh bại liệt hoàn toàn, chỉ có thể ngồi xe lăn.
Có không ít thợ lặn nhận thức được nguy hại về sau, nhưng có nhiều người cũng vì miếng cơm manh áo rồi cứ phải liều, cũng có người muốn từ bỏ nghề lặn biển. Như dân miền biển thường nói: ăn cơm thủy thần thì trước sau gì thủy thần cũng đòi lại cái gì đó. Anh Nguyễn Hữu Trình, 44 tuổi, trong một lần chứng kiến cái chết của một thanh niên lặn thuê cùng làng đã toan bỏ nghề lặn. Nhưng nghĩ đến cảnh vợ con cơ cực ở nhà, anh cố thêm vài chuyến nữa, nhưng một trong những chuyến lặn cuối cùng đó, anh đã phải trả giá.
Cứ thế, cái nghề nghiệt ngã này cướp đi của Kỳ Xuân không biết bao nhiêu "kình ngư": Phan Ngọc Sâm, Phan Bình, Phạm Văn Hận... Khi ra đi, họ là những trai tráng, khi về, họ chỉ còn là những phế nhân.
Săn rắn biển - nghề nguy hiểm
Chẳng biết từ bao giờ, người dân ở các vùng biển dọc miền Trung lại truyền tai nhau rằng: rắn biển là loại thần dược có một không hai, thậm chí dân nhậu còn "viện dẫn sách Tàu" là: rắn biển sắc với 140 vị thuốc thì... trường sinh bất lão. Hay thô thiển hơn một chút là các chủ nhà hàng hay quảng cáo "đêm ông uống, sáng ra bà vừa quét sân vừa hát dân ca".
Trước đây rắn biển (còn gọi là "đẻn") dùng để phục vụ dân nhậu là chính, nay còn được gom để bán cho các đường dây lùng mua để xuất khẩu ra nước ngoài. Chính vì thế mà những người dân vùng biển cũng sôi sục với những cuộc săn lùng rắn biển. Một trong những địa phương nổi tiếng nhất trong chuyện săn lùng rắn biển chính là ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi có bãi biển du lịch nổi tiếng Thiên Cầm. Nhiều ngư dân cứ thế vượt biển săn rắn và người dân nơi đây cũng đã chứng kiến không ít tai họa đến từ những chuyến đi này. Nhiều người vẫn gọi "con đẻn" bằng cái tên hàm chứa nỗi sợ hãi: "Mãng xà biển".
Chẳng mấy ngạc nhiên, khi về công tác tại Hà Tĩnh, tôi được bạn bè mời đi thưởng thức đặc sản rắn biển ở khu du lịch biển Thiên Cầm. Loại này vẫn được dân nhậu khen là "viagra của biển cả", chính vì vậy mà rắn biển tăng giá vùn vụt. Chủ nhà hàng lôi từ trong thùng xốp đựng nước ra một con rắn biển to hơn ngón tay cái một chút, quát giá là 150 nghìn đồng. Sau vài câu quảng cáo về tác dụng "ông uống bà khen", nhân viên nhà hàng bắt đầu thao tác, đầu tiên là "chế rượu đẻn": một chai rượu tiết, một chai rượu mật.
"Phải pha riêng ra hai chai vì hai cái có tác dụng riêng: chai rượu mật đắng, hạ hỏa, tiêu đờm, tăng khí huyết; còn chai rượu tiết uống sau giúp bổ thận, tráng dương” - nhân viên của quán vừa giải thích cho tôi vừa lấy dây thép nhỏ, treo đầu rắn lên rồi cắt tiết. Trong khi khách uống rượu thì con rắn biển được lột da, băm viên quấn với lá lốt rồi nướng làm món "chốt hạ".
Trong những cuộc nhậu rầm trời, người ta tán dương công dụng của rắn biển nhưng ít ai biết được: đã không ít ngư dân bỏ mạng vì những cuộc săn lùng rắn biển này.
Người đầu tiên ở Cẩm Nhượng bị “mãng xà biển” cắn chết là ông Lê Văn Giảng. Trong một lần đi biển, tình cờ, mẻ lưới của ông dính được một con rắn biển to. Thông thường vài loài rắn lặt vặt thì ông cũng ném đi nhưng nghe nói con đẻn này bán được mấy trăm nghìn/1kg nên ông cố bắt. Đưa tay chụp lấy cổ con đẻn như cách bắn rắn truyền thống nhưng ông Giảng bị bất ngờ vì con rắn biển vươn đuôi quấn lấy tay ông rồi siết chặt. Cả cánh tay tê dại, ông buộc phải buông cái đầu rắn ra. Vừa lơi tay, ông đã bị rắn biển quay đầu cắn ngay. Thuyền cách bờ khoảng 25 hải lý, mở hết tốc lực khoảng 2 tiếng là về đến đất liền nhưng không kịp. Chỉ một chốc sau, người ông đã lạnh ngắt.
Sau cái chết của ông Giảng, người ta bắt đầu cảnh giác với “mãng xà biển” hơn. Ông Nguyễn Tiến Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng cho biết: “Người dân không còn trực tiếp dùng tay bắt rắn mà lấy vợt để xúc lên rồi cho thẳng vào can nhựa trong suốt”.
Nhưng cẩn thận chưa phải là tất cả, cũng đã có những cái chết đến là oan ức. Đó là trường hợp của cháu Hải, 12 tuổi, học sinh lớp 6 ở xóm Lô Ngà. Cha của Hải đi biển bắt được một con rắn biển tương đối to, nhốt dưới thuyền đợi ngày biển động thì ở nhà làm thịt. Hôm thịt rắn, cái đầu rắn được chặt vứt đi, bé Hải thấy cái đầu rắn miệng nó cứ há hốc như trong phim hoạt hình thì cho tay vào nghịch, chẳng hiểu sao cái đầu ngậm lại, răng nanh nọc đâm vào tay. Một lúc sau cháu bé đã hoa mắt, tức ngực, khó thở, người nhà tức tốc đưa cháu ra trạm xá nhưng không cứu kịp.
Những người làm nghề chài lưới ở Cẩm Nhượng vẫn xem rắn đẻn là loài độc nhất biển khơi, bị cắn mà cấp cứu chậm một chút thì chỉ có nước mất mạng. Người dân phân ra 4 loại đẻn: đẻn cơm, đẻn rồng, đẻn xanh, đẻn cò... theo hình dáng cơ thể nhưng có đặc điểm chung là cả 4 loại đều có độc tố mạnh và đuôi rắn rất khỏe, có thể lao như xé sóng để phóng độc, mà khi đã dính độc thì con mồi mềm nhũn. Rắn đẻn có con dài đến 2m, có thể nặng tới 4kg. Mùa đông, loài rắn độc này lặn sâu xuống đáy biển săn cá con làm thức ăn. Đến kỳ sinh nở vào mùa hè, rắn đẻn thường kéo từng đàn bơi lượn, nổi trên mặt nước săn mồi.
Thầy lang vườn "trị" được rắn biển
Cách đây mấy năm, con trai duy nhất của ông Lê Văn Giảng, người đã bị rắn đẻn cắn chết là anh Lê Văn Hội cũng nối nghiệp cha khi xưa đi lùng đẻn bán kiếm tiền. Trong một lần đang cân rắn bán cho lái buôn, con rắn đẻn lờ đờ tưởng gần chết đã ngóc đầu dậy tợp vào tay anh một nhát. Hàng xóm tá hỏa đưa anh lên trạm xá nhưng chưa đến nơi anh đã đổ gục xuống, mặt tái nhợt. Nhưng may mắn hơn người cha, anh được ông Nguyễn Chu Khai, một người dân ở vùng ven biển đưa một loại thuốc lạ bôi vào vết thương. 5 phút sau anh hồi tỉnh.

Ông lang Khai cùng thuốc trị rắn biển cắn.
Ông Khai cũng từng đi buôn rắn đẻn sang Trung Quốc, liều thuốc này được ông bào chế từ 10 viên thuốc mà năm 1985, một người Hoa chuyên buôn rắn đẻn tặng với lời dặn: "Người bị đẻn cắn đã gục xuống thì cho uống 2 viên, người mới bị cắn thì uống 1 viên ngay là khỏi". Với 10 viên thuốc đó, ông đã nhờ bạn bè là bác sĩ nghiền ra, bào chế để cứu rất nhiều người.
Theo như Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng Trần Hải Dương thì ông Khai chưa một lần thất bại. Trừ những trường hợp đến quá muộn. Được biết ông Khai làm việc này hoàn toàn tự nguyện, đã nhiều lần ông được người ta đón đi Sầm Sơn, Thanh Hóa, Hà Nội để cứu người bị đẻn cắn. Ông chữa bệnh cứu người mà không đòi hỏi tiền bạc vì theo ông "làm gì tính được giá cho một mạng người".
Cũng vì mạng người là vô giá nên nhiều người dân đang dần ý thức được những nguy hiểm trong công việc của mình. Nhiều người dân khi được hỏi đều nói rằng: "Cứ nghĩ là lao mình sẽ hốt được bạc, nào đâu biết công việc nguy hiểm đến thế này". Ông Trần Hải Dương cho biết chính quyền xã đang tích cực vận động và phổ biến cho người dân những kiến thức an toàn lao động.
Hy vọng những rủi ro ngày càng ít dần, để cuộc sống của người dân ven biển miền Trung bớt nhọc nhằn
Sống bằng nghề khai thác sò gai, ngư dân ở vùng biển Quảng Ninh hàng ngày phải lặn hơn 20 mét nước, đào xới đáy biển. Đối mặt với sức ép của nước, cái lạnh giá của mùa đông và cả sự hung dữ của biển cả, họ trở nên nhỏ bé với các phương tiện thô sơ, cũ kỹ.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Sau một đêm tạm trú tại bến, ngư dân lại chuẩn bị đồ lặn để ra khơi. Nỗi lo của thợ lặn không chỉ là sóng gió mà còn phải tìm cho ra bãi sò. Kính lặn được rửa cẩn thận bằng những điếu thuốc lá.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Trong khi đó, những thợ lặn tỏ ra khá căng thẳng khi chuẩn bị đồ để xuống nước. Trang bị của một thợ lặn khá đơn giản: quần áo, kính lặn, ống thở, túi lưới, búa và 17 kg chì đeo quanh người. Vừa đối mặt với nguy hiểm dưới lòng đại dương, thợ lặn vừa phải thở qua chiếc máy bơm khí cũ kĩ và đầy khói dầu.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Để có thể cố định điểm khai thác, ban đầu chỉ có 1 thợ lặn xuống nước tìm vỉa sò. Sợi dây bơm khí thở là đường sống duy nhất của họ. Nó cũng dùng để kéo thợ lặn lết dưới đáy biển. Không chịu nổi sức nặng, nhiều dây thở bị rò, không khí thoát ra rất mạnh.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Túi sò đầu tiên lên nhưng thợ lặn vẫn tiếp tục công việc trong nhiều giờ tuỳ theo vỉa sò nhiều hay ít. Khi phát hiện vỉa sò lớn, lần lượt các thợ lặn khác cũng lao xuống. Sau gần 5 tiếng đồng hồ quần thảo dưới đáy đại dương, bữa cơm trưa diễn ra chớp nhoáng.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Buổi chiều, sau gần 10 tiếng làm việc, phần lớn thợ lặn đều lên nghỉ vì mệt và lạnh. Có những người rất khoẻ, chỉ tạm nghỉ trên mặt nước rồi tiếp tục công việc. Sản phẩm thu được không chỉ là sò mà còn là những động vật biển khác.
Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien Chum anh Mao hiem nghe lan bien
Thuyền trưởng mệt mỏi cho tàu quay về bến. Ở đó, thợ làm sò đã sẵn sàng bắt tay vào việc chế biến. Về đến bến thì đã tối, sò được đổ thẳng xuống bãi, đợi nước rút sẽ có người đến nhận. Để có được 1kg đanh sò trị giá 50.000 đồng, thợ lặn phải làm gần 2 giờ dưới đáy biển.
Mạnh Tuấn
Đi thẳng vào thôn Xuân Tiến, ghé vào một quán bên đường để hỏi nhà những người đã từng làm nghề lặn sò, chúng tôi gặp ngay một “người trong cuộc”.
Anh Trần Văn Sáng, 36 tuổi, đang loay hoay với chiếc quạt điện sửa dở liền bắt chuyện ngay khi chúng tôi vừa hỏi. “Tôi cũng từng làm nghề ấy ở Bình Thuận, nhưng bây giờ bỏ rồi, nguy hiểm lắm chú ạ. Tôi vẫn còn may mắn vì về sớm nên không bị nước ép cho tê liệt. Chú cứ vào làng mà xem, những người đi lặn ở Bình Thuận về bây giờ bị bại liệt hai chân phải đi cà lê cà lết nhiều lắm, có người không đi được nữa phải dùng xe lăn. Còn người chết vì bệnh này cũng nhiều lắm”.
Nhìn qua các lối xóm, thấy ở đây nhà cửa cũng khang trang, hầu hết là nhà mới được xây, có vài ngôi nhà hai tầng cao lớn. Hỏi ra mới biết, khoảng hai năm trở lại đây, vì quá sợ cái nghề lặn biển bắt sò nguy hiểm nên thanh niên trong làng đã vay vốn đi lao động ở các nước Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan… nên nhiều nhà cũng khá giả lên. Nhưng còn rất nhiều người vì không có điều kiện đi lao động nước ngoài thì vẫn theo nhau vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.
Thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi xưa nay vốn có hai nghề làm ruộng và đi biển. Nói là nghề vậy thôi chứ thực ra người dân ở đây không trông mong có ngày khá giả nhờ chính đất và biển quê mình. Bình quân mỗi nhà chỉ có hai sào ruộng, lúa cho năng suất cao cả hai vụ trong năm thì cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Bờ biển ở đây không có bãi, vũng neo đậu tàu thuyền nên rất khó phát triển nghề biển. Trước đây, người trong làng vẫn đi ghe câu cá và lặn bắt tôm hùm nhưng phương tiện quá nhỏ và tôm thì bắt lắm rồi cũng hết nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Nghe nói ở Bình Thuận có nghề lặn sò thu nhập cũng khá, thế là đàn ông thanh niên khỏe mạnh trong làng rủ nhau vào trong đó làm thuê cho các chủ tàu, chỉ những người đã già và không đủ sức khỏe mới ở nhà. Nhưng vào đó, công việc buộc phải lặn nhiều giờ liên tục dưới nước sâu, nhiều người do chịu sức ép của áp suất nước quá nhiều nên đã bị bại liệt hai chân, trở về quê với thân thể tàn tật. Và có nhiều người không về nữa.
Dù biết nguy hiểm là thế nhưng vì mưu sinh, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi vẫn tiếp tục vào Bình Thuận làm nghề lặn sò.
“Bây giờ vào làng tìm thanh niên rất hiếm, chỉ thấy đàn bà, trẻ con, người già và những người không đủ sức đi biển thôi. Đàn ông, thanh niên đi hết rồi, không đi Bình Thuận thì cũng đã đi nước ngoài. Ở bên làng Thắng Lợi cũng thế. Ở nhà toàn đàn ông chống nạng và đi cà nhắc”, anh Sáng cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của anh Sáng, chúng tôi tìm gặp những người đàn ông đang độ tuổi sung sức nhưng phải mang chứng bệnh tê liệt hai chân từ lòng biển Phan Thiết (Bình Thuận) trở về.
Làm “âm phủ”, chết "trần gian!”
Ông Vững ngồi kể lại những tháng ngày vất vả mưu sinh dưới đáy biển Bình Thuận.
Ông Vững ngồi kể lại những tháng ngày vất vả mưu sinh dưới đáy biển Bình Thuận.
Ông Nguyễn Xuân Vững (54 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, xã Kỳ Xuân) là một trong những người có “thâm niên” cao nhất trong nghề lặn biển bắt sò ở làng này. Trò chuyện, ông phải ngồi trên giường vì đôi chân của ông bây giờ đã bị tê liệt, không thể cựa quậy một cách bình thường, cố gắng lắm thì cũng chỉ đi lại được xung quanh nhà, không đi được xa.
“Năm 1991, tôi cùng với nhiều anh em trong làng đi vào Bình Thuận lặn thuê cho các chủ tàu trong đó. Tuy thu nhập cao hơn làm ở quê rất nhiều nhưng nghề này rất nguy hiểm, sống chết lúc nào không biết...”.Ông Vững.
Cũng như ông Vững, người ở thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi rời quê vào cảng Phan Thiết, họ đi liên hệ với các chủ tàu rồi theo tàu ra khơi.
Nghề lặn sò thường sáng đi, tối về, thời gian lặn dưới nước trung bình 8 giờ một ngày. Trên mỗi tàu có khoảng 12 đến 15 người lặn. Khi tàu ra cách bờ khoảng 25 - 30 km thì neo lại và bắt đầu công việc lặn bắt sò. Trên tàu có máy bơm khí ô-xy và ống dẫn khí cho người lặn ngậm vào miệng khi lặn xuống. “Người lặn phải mặc bộ áo lặn, những thứ đó thì mấy năm gần đây mới có chứ trước kia không có đâu, bây giờ anh em phải tự mua với giá 3 triệu đồng một bộ”, ông Vững nói.
Khi lặn xuống, mỗi người phải mang một chuỗi chì 15-20kg vào thắt lưng (để người dễ chìm xuống), một cái cào có răng bằng sắt và một vợt đựng sò mang trên cổ, cái vợt này khi đựng đầy sò phải nặng tới 50-60 kg.
Xot xa lang nghe lan bien
Từ một người đàn ông khỏe mạnh, trụ cột của cả gia đình, Nguyễn Văn Viễn bây giờ sống dựa vào người vợ và những đồng tiền ít ỏi chắt chiu được từ ngày xưa.
Để bắt được sò, phải lặn sâu đến gần 20 sải tay, có khi sâu đến 25 sải tay (người trên tàu thường thả dây xuống nước để đo độ sâu trước khi lặn xuống, theo thói quen, họ đo theo đơn vị sải tay). Có loại sò nằm trên mặt cát như sò huyết, sò điệp; nhưng có loại sò móng tay thì nằm sâu trong cát, để bắt được loại này phải đào xuống cát lút cả cánh tay.
Công việc của người lặn sò cứ im lặng dưới đáy biển trong sự rình rập của tử thần.
Ông Vững kể: “Đang cào sò, tôi bỗng có cảm giác khó thở, đôi chân bỗng nhiên tê buốt và mất cảm giác, may mà lúc đó còn có thể trồi lên mặt nước kịp thời. Đó là do lặn quá lâu nên bị áp suất nước ép, một hồi lâu mới bình thường trở lại. Ngày sau vẫn tiếp tục lặn, tôi không ngờ rằng vì nhiều lần bị như thế nên bây giờ đôi chân tôi sắp bị tê liệt hoàn toàn. Tôi đã chấm dứt 15 năm làm nghề lặn sò cách đây 2 năm”.
Anh Nguyên Văn Viễn (40 tuổi, ở thôn Xuân Tiến, Kỳ Xuân) đã có 12 năm làm nghề lặn sò ở biển Bình Thuận hiện bị liệt hai chân không thể đi lại. Anh trò chuyện với chúng tôi: “Tôi thấy chứng bệnh này rất lạ nhưng không hiểu vì sao. Không phải người có sức khoẻ yếu mới bị như thế, ngay cả những người rất khoẻ vẫn bị.
Nhiều người đã chết vì chứng bệnh này nhưng không giống nhau, có người chết ngay dưới nước, có người chết khi đã lên tàu, và có người đang ngồi hút thuốc bỗng lăn ra co giật rồi chết luôn... Khi làm việc thì như ở dưới âm phủ, nhưng những người chết đều chết trên trần gian. Có ngày chết đến mười mấy người trên nhiều tàu. Buổi sáng đang ngồi uống cà phê với nhau thế nhưng buổi chiều có thể thiếu đi một hai người”.
Ở hai thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi có hơn 1.000 hộ dân mà có tới 43 người đã chết vì nghề lặn sò ở Phan Thiết. Nhiều người đang phải vật lộn với đôi chân tê liệt mặc dù đã tìm nơi chữa trị nhưng không thể khỏi bệnh, cuộc sống của họ đang chết dần chết mòn.
Phan Viết Bình luôn khóc khi có khách thăm.
Phan Viết Bình luôn khóc khi có khách thăm.
Gặp anh Phan Viết Bình (40 tuổi, ở thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Xuân) mới thấy được nỗi xót xa mà nhiều người ở đây phải gánh chịu vì cuộc sống mưu sinh. Đôi chân tê liệt của anh đã nhiều năm không cử động được giờ đây thịt bắt đầu bị thối.
Sau một tháng đi chạy chữa ở Hà Nội trở về cũng vẫn phải nằm một chỗ trên giường. Từ 7 năm nay, ngôi nhà nhỏ và ba đứa con thơ đều do một mình vợ anh gánh vác. Anh nói: “Ở thôn này rất nhiều người bị liệt chân nhưng họ vẫn còn chống nạng đi được, chỉ có anh Hồng ở xóm Nam Thắng cũng phải nằm một chỗ như tôi. Bây giờ sống mà không làm gì được thì cũng không khác gì đã chết”.
Hình ảnh những người đàn ông đi cà nhắc trên cây nạng gỗ hoặc ngồi trước thềm nhà nhìn xa xăm ngậm ngùi chia tay chúng tôi. Vẫn còn nhiều người thôn Xuân Tiến và Thắng Lợi đang ngụp lặn đâu đó dưới đáy biển Bình Thuận. Ai sẽ trở về lành lặn, ai sẽ ra nhập vào đội cà nhắc? Tất cả dường như trông chờ vào sự may rủi dưới lòng đại dương mênh mông kia...

No comments:

Post a Comment