Wednesday, February 8, 2012

Sức khỏe của chúng ta(126)

10 “kiêng kỵ” để Tết khỏe
(Dân trí) - Dịp Tết là cơ hội để vui chơi, gặp gỡ, tụ tập, kèm theo cũng là những buổi tiệc liên miên. Những bữa tiệc này khiến bạn mệt mỏi, tăng cân, thậm chí mang bệnh... Vì vậy, phải có bí quyết thì ngày Tết mới vui vẻ mà vẫn đảm bảo sức khỏe. Chớ để tăng cân
Phần lớn thức ăn ngày tết được chuẩn bị trước vài ngày và thường rất béo hoặc rất ngọt, ít chất tươi, rất ít rau xanh...Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện dinh dưỡng, các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, nem, thịt đông, giò xào, chả, bánh kẹo... đều là những thực phẩm giàu năng lượng. Nếu chúng ta ăn nhiều, “ăn mọi lúc, mọi nơi” sẽ dẫn tới tăng cân, béo phì và đây là nguy cơ để dẫn tới một loạt các loại bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường....
Mỗi người cần có sự lựa chọn thông minh, phù hợp trước thực đơn rất đa dạng trong ngày Tết
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày, cơ thể chỉ cần khoảng 2.300calo, nếu lượng calo thừa hoặc thiếu đều có hại cho cơ thể. Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều thịt. Cần hạn chế ăn thịt mỡ. Khi gói bánh chưng, bánh tét, thịt làm nhân bánh cũng cần được chọn kỹ nhằm giảm lượng mỡ xuống mức tối đa. Không nên tận dụng dầu đã qua sử dụng để tiếp tục nấu món khác.
Các loại bánh chưng, bánh tét, rất giàu năng lượng (trên 200Kcal/100g) và có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, những trường hợp thích ăn các món bánh này mà không muốn tăng cân, nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ) với dưa hành và sau đó tráng miệng bằng dưa hấu là đủ. Nếu muốn ăn thêm thì nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào… ăn tăng các loại rau sống và trái cây có nhiếu chất xơ và ít ngọt như dứa, bưởi, thanh long, dưa hấu…
Cẩn thận thực phẩm nguội
Đặc biệt, ngày Tết hiện nay các gia đình thường mua các loại thực phẩm nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xườn, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… dự trữ trong tủ lạnh vào dịp tết vì là các món ăn cơ động, ít ngán, được nhiều người ưa thích từ trẻ con đến người lớn. Theo TS Hoàng Kim Thanh, Giám đốc trung Tâm truyền thông Viện dinh dưỡng, các thực phẩm này nhìn chung đều quá mặn, có một số thì quá béo (như lạp xưởng, giò thủ, chân giò hun khói…) nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Việc ăn các thực phẩm này với các chất bảo quản trong đó dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp... Hơn nữa, trong các sản phẩm này luôn chứa chất béo bão hòa triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Mặt khác có một loại axit béo Tran sinh ra trong quá trình chế biến tạo vị giòn ngon đều có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (ảnh hưởng tới chức năng hệ tim mạch, chức năng tuyến tụy, làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường...).
Các món giò thủ, thịt đông, thịt kho tàu cũng chứa một lượng mỡ động vật cao, vì vậy không nên ăn nhiều hoặc ăn thường xuyên. Vì vậy, nên giảm bớt những món ăn này và thêm vào đó là các loại cua, tôm, cá. Những ngày thường, canh riêu cá không phải là món ăn xa xỉ nhưng lại rất hấp dẫn trong ngày Tết. Cá có giá trị sinh học cao nhờ chứa các axit amin thiết yếu được cơ thể hấp thụ hoàn toàn cho việc tăng trưởng và đổi mới các tế bào. Ngoài ra, cá còn chứa sắt, một thành phần rất dễ được đồng hóa trong cơ thể, giúp thân hình thon thả. Các loại "cá gầy” (dưới 3% lipid) hoặc ''nửa-béo" (3%-6% lipid) không mang vào cơ thể quá 80-120 kcalo/100g. Ngay cả "cá béo" (6%-10% lipid) cũng ít khi vượt quá 130-150 kcalo/100g.
Thói quen không ăn rau trong những ngày Tết là một sai lầm tai hại. Đây là nguồn cung cấp vitamin C giàu có cho cơ thể. Điều không thể tránh khỏi trong ngày Tết là bạn cảm thấy ngán tất cả các loại thức ăn kể cả là thơm ngon, bổ dưỡng. Khi đó một đĩa rau xanh, một đĩa xà lách hay hoa quả mát sẽ là cách hay nhất để bạn nhìn các món ăn với con mắt thân thiện hơn. Hơn nữa, rau quả còn là loại thực phẩm giúp bạn đẹp da và tránh tăng cân trong dịp tết, cung cấp thêm chất xơ cần thiết giúp ruột hoạt động tốt, ngăn cản chứng táo bón, đầy hơi....Nếu thiếu chất này, sẽ làm cơ thể xuất hiện các triệu chứng: chảy máu chân răng, ăn không ngon miệng, da có những vết bầm tím do tụ máu...
Trong ngày Tết, phần lớn các món ăn là đồ nguội, do đó bệnh nhân phải hết sức chú ý đến vấn đề vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Hạn chế đồ uống có gaz và cồn
Thật khó có thể kiểm soát được mình trong những cuộc vui ngày Tết nhưng sức khoẻ là vàng ngọc, bạn hãy hạn chế tửu lượng trong bữa nhậu vì những cuộc vui quá chén sẽ làm bạn mệt đến hôm sau. Rượu, bia là những thực phẩm có độ cồn cao. Độ cồn trong bia chứa 3%-6%, trong rượu nếp 5%, rượu trắng và rượu màu có độ cồn cao 39%. Uống rượu thường xuyên có hại cho thận, gan dạ dày và nhiều cơ quan khác.
Theo TS Lâm, đồ uống co gaz và cồn là những chất dễ hoà tan nên khi hấp thụ vào cơ thể chúng tập trung chủ yếu ở bộ phận tổ chức não (nơi thu hút chất béo) sẽ thường gây ra sự kích thích, nên thường để lại những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, tốt nhất chỉ nên uống chút sâm- panh hoặc rượu vang khai vị để kích thích tiêu hoá. Nên uống nhiều nước để tạo điều kiện cho quá trình lọc các chất cặn bã trong cơ thể. Vào những ngày Tết, bạn nên mua thêm nhiều loại hoa quả tươi dự trữ trong tủ lạnh. Các loại sinh tố cà rốt, táo, dưa hấu... là nguồn cung cấp năng lượng lớn cho cơ thể. Nếu bạn cần thải chất độc thì nên uống sinh tố thập cẩm gồm cà chua, lê, lá bạc hà hòa cùng nước chanh.
Tết của những người hiện đại không chỉ dừng lại ở việc ăn uống, nghỉ ngơi nữa mà phải là giải trí, chơi Tết. Vì vậy, ăn uống khoa học sẽ là cách tốt nhất đảm bảo cho chúng ta chơi Tết vui vẻ và có một sức khoẻ dồi dào trong năm mới.
Bận rộn suốt cả năm nên năm mới luôn khó tránh được việc ăn uống, vui chơi quá đà. Tuy nhiên, đối với một số người bệnh, các chuyên gia khuyến nghị nên kiêng 10 điều sau đây để có một cái Tết an toàn, khỏe mạnh:

Rượu - Kỵ người mắc bệnh gan
Người mắc bệnh gan uống rượu sẽ trực tiếp làm tổn thương tế bào gan, thậm chí làm cho tế bàn gan biến đổi hoặc chết mòn, làm cho bệnh tình càng thêm nặng.
Dầu mỡ - Kỵ người mắc bệnh mật
Trong thời gian Tết thường chuẩn bị nhiều món ăn, người mắc bệnh mật nếu ăn lượng thức ăn chứa quá nhiều dầu mỡ sẽ làm gia tăng gánh nặng cho túi mật, từ đó dẫn đến viêm túi mật cấp tính. Vì vậy, người mắc bệnh mật nhất định phải kiêng mỡ.
Tụ tập - Kỵ người cảm
Tiết trời hàn lạnh, lại đi ra ngoài nhiều, chúng ta dễ trúng gió và cảm lạnh. Nếu đi thăm họ hàng tụ họp cùng nhau, rất dễ làm cho bệnh truyền nhiễm lây lan. Vì vậy, người bị cảm không nên đi ra ngoài, tốt nhất là ở nhà điều dưỡng, nghỉ ngơi, như thế vừa nhanh chóng hồi phục và cũng tránh được lây nhiễm cho người khác.
No - Kỵ người bệnh tuyến tụy
Trong thời gian Tết, các món sơn hào hải vị phong phú, nếu dung nạp quá nhiều sẽ kích thích tuyến tụy bài tiết dịch tụy, làm cho áp lực tuyến tụy tăng cao, gây ra viêm tuyến tụy cấp tính.
Ồn ào - Kỵ người huyết áp cao
Tết là lúc họ hàng, người thân tụ họp với nhau, ồn ào có thể làm cho não luôn ở trong trạng thái hưng phấn, làm cho catecholamine trong cơ thể bài tiết ra nhiều, từ đó thúc đẩy tim đập nhanh, máu lưu thông tăng tốc, tiểu động mạch co rút, huyết áp tăng cao từ đó dẫn đến bộc phát bệnh tim mạch.
Mệt - Kỵ người bị bệnh mạch
Tết làm nhiều việc nhà mệt mỏi hoặc vui chơi quá độ sẽ làm cho nhịp tim đập nhanh, tim chịu thêm gánh nặng, huyết quản tăng cao, có thể dẫn đến đau tim từng cơn, tắc nghẽn cơ tim hoặc não đột quỵ.
Ngọt – Kỵ người mắc bệnh tiểu đường
Trong dịp Tết người mắc bệnh tiểu đường nên tránh đồ ngọt, nếu không sẽ làm cho cơ thể gia tăng gánh nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Thuốc lá - Kỵ người mắc bệnh viêm mạch máu
Tết là dịp người thân, bạn bè đến nhà chúc Tết, người bị bệnh viêm mạch máu dễ tiếp xúc với khói thuốc, làm cho tiểu cầu tăng lên và ngưng tụ, đồng thời ngăn chặn protit chất xơ hóa giải, làm cho huyết dịch ở trong trạng thái ngưng tụ cao, từ đó làm cho bệnh tình thêm nặng.
Thức đêm - Kỵ người viêm loét đường tiêu hóa
Những người bị viêm loét dạ dày hoặc đường ruột nếu cũng thức đêm cùng người nhà hoặc xem tivi cả đêm, sẽ làm cho cơ thể quá mệt mỏi hoặc ngủ không đủ, dễ làm cho bệnh phát tác hoặc bệnh tình nặng thêm.
Lạnh – Kỵ người mắc bệnh đường hô hấp mãn tính
Trong thời gian Tết, nhiệt độ khá thấp, vì vậy người bị bệnh về đường hô hấp ví dụ như viêm khí quản, phế quản, khí phổi phù thũng vv nên chú ý giữ ấm phòng chống hàn lạnh, tránh để bị lạnh và đề phòng bệnh cũ tái phát.
Tâm lý ngại đến BV trong những ngày đầu năm vì sợ xui xẻo càng làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.
Kết hợp các món ăn chưa hợp lý
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2, cho rằng các bữa ăn ngày Tết tập trung rất nhiều chất tinh bột, chất đạm, chất béo. Bên cạnh đó, những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn (có nhiều muối, bột ngọt) thường có trong ngày Tết sẽ không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp hay bệnh lý gan thận.
Trong khi rau và trái cây là những nguồn cung cấp chất xơ và các vitamin giúp cơ thể khỏe mạnh, chất xơ còn giúp cơ thể giảm hấp thu chất béo, điều hòa đường huyết... lại thiếu. Bác sĩ Thu Hậu khuyên, các gia đình nên chế biến vừa phải, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, bảo đảm không dư năng lượng mà lại cảm thấy ngon miệng, nên hạn chế chiên xào và ăn các thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, cũng nên tăng phần thủy hải sản thay thịt vì sẽ ít gây tăng cholesterol. Đồng thời, chọn những món ăn có nhiều rau để tăng chất xơ và giảm năng lượng...
Một điều đáng lưu ý nữa là khi đi chúc Tết, người lớn thường đến mỗi nhà uống chút ít rượu bia cho có không khí, trẻ con thì thoải mái uống nước ngọt, sau đó cùng thưởng thức rất nhiều loại bánh mứt, kẹo. Chế độ ăn mất cân bằng như vậy sẽ gây ra một số bệnh lý, nhất là trẻ em và người già là những đối tượng kém khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường sống.
Tránh ngộ độc hàn the
Bác sĩ Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết nhiều món ăn ngày Tết có thể có phụ gia, hàn the. Những món ăn như giò chả, nem chua, mì sợi, dưa chua thường có các chất phụ gia để làm tăng độ dai, giòn. Trong bảo quản thực phẩm tươi sống hoặc chế biến lạp xưởng, người ta thường sử dụng hàn the để thực phẩm chậm phân hủy và giúp giữ sắc đỏ, tạo màu đẹp mắt. Hàn the có độc tính cao đối với cơ thể con người, chỉ cần 15 g hàn the đã đủ gây độc cho người lớn. Còn với trẻ em, chỉ cần 1g hàn the đã đủ để gây ngộ độc cấp, gây tổn thương đến nhiều cơ quan và có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Theo bác sĩ Giảng, bằng cảm quan không thể phát hiện hàn the trong thực phẩm mà nên hạn chế ăn những thức ăn có thể có chứa hàn the...
Ngoài ra, cần lưu ý đến việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ trong những ngày Tết vì BV đã từng tiếp nhận những trường hợp trẻ bị hạ đường huyết vì đói lả do mải chơi. Những ngày này, người lớn thường bận rộn, giờ giấc ăn uống bị xáo trộn, người này lại tưởng người kia đã cho trẻ ăn, còn bản thân trẻ lại ham vui quên cả đói.
Cần quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn
Những thay đổi trong sinh hoạt ngày Tết đã tạo ra những nguy cơ về phương diện sức khỏe. Vì vậy, theo các bác sĩ, cần quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn những ngày thường, đặc biệt là trẻ em. Dù bận rộn đến mấy cũng không nên bỏ bữa. Với người già và trẻ em nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế. Không để hạt dưa, hạt bí gần tầm tay của trẻ để tránh bị sặc dị vật. Thức ăn đã nấu cần được bảo quản cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Tạo thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn. Lưu ý, khi đi chơi Tết cũng phải bảo đảm những điều kiện vệ sinh này.
Với thuật ngữ “ăn Tết” nên hầu như nhiều người đều bận rộn công việc mua sắm các loại thực phẩm sử dụng trong các ngày Tết và dự trữ cho những ngày sau Tết khi chợ búa, hàng quán chưa mở cửa sinh hoạt. Các loại bánh chưng, bánh tét, bánh ngọt, trái cây, rau quả, mứt, kẹo, các loại hạt khô, rượu, bia, nem, chả, tré, thịt nguội, thịt đông lạnh, thức ăn thủy hải sản... được dự trữ khá dồi dào và phong phú tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Do điều kiện bảo quản thực phẩm trong nhiều ngày có thể không tốt nên nguy cơ bị ngộ độc thức ăn, thức uống không bảo đảm an toàn vệ sinh, đặc biệt các loại thực phẩm đã chế biến sẵn là điều không thể tránh khỏi. ThS.BS Đình Thạc, chuyên viên tham vấn Nhi khoa - BV Nhi đồng I TP.HCM cho biết: “Thức ăn ngày Tết rất phong phú nên cần có cách ăn uống phù hợp. Chẳng hạn ăn bánh chưng, bánh tét phải kèm theo dưa hành bởi các loại bánh này rất giàu năng lượng. Do đó, ở người thừa cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý dạ dày có tăng tiết dịch vị… không nên dùng nhiều hai loại bánh này. Các loại giò lụa, giò thủ… cũng hay được dự trữ trong tủ lạnh vào dịp Tết, cung cấp chủ yếu chất đạm cho bữa ăn, riêng với giò thủ thì thành phần chất béo cao hơn, chủ yếu là axit béo no bão hòa nên cũng tránh dùng cho những người có vấn đề về huyết áp, tim mạch và các bệnh lý chuyển hóa mỡ. Các loại thức ăn khô như tôm khô, lạp xưởng, bò khô nhìn chung đều khá mặn, một số quá béo nên cũng không tốt cho người cần kiêng muối và mỡ. Rượu, bia và thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị tiêu chảy nặng, ngộ độc. Vì thế, đối với những người đang mắc các bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp… cần cẩn trọng và tuân thủ khẩu phần ăn thường ngày”.
Đối với tủ lạnh trong những ngày Tết không nên chứa quá đầy thức ăn. Nên gia tăng việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sau khi đã mở bao bì. Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, nên điều chỉnh thấp nhiệt độ, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. Những ngày sau Tết, cũng có thể bị ngộ độc do sử dụng thức ăn đã dự trữ quá lâu từ trong Tết. Vì vậy, không nên dùng thức ăn “tồn kho” sau Tết nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh. Đã có nhiều vụ ngộ độc thức ăn xảy ra tại gia đình do sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn đã được dự trữ từ những ngày trước Tết.
Cách xử trí tại nhà khi bị ngộ độc thực phẩm
BS. Đình Thạc cho biết: “Khi phát hiện bị ngộ độc thực phẩm, nên ngưng ngay những thức ăn bị nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, có cảm giác hơi mệt mỏi, nôn ói và đi ngoài dưới 5 lần, mạch huyết áp bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà. Chú ý cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, đảm bảo thức ăn vừa được chế biến và an toàn tuyệt đối. Thêm vào đó là cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, nhất là các loại nước uống giàu vitamin. Nếu sau hai ngày, các dấu hiệu ngộ độc thuyên giảm thì tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà. Còn người bị ngộ độc có biểu hiện mệt mỏi nhiều, choáng váng, nôn ói và đi ngoài liên tục hoặc biểu hiện trụy mạch thì phải đưa ngay đến bệnh viện. Người già, trẻ em rất dễ bị ngộ độc nhanh và nặng. Do vậy khi sơ cứu, nếu bệnh nhân nôn ói nhiều nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao và nghiêng sang một bên để tránh hít sặc chất nôn, ói vào đường hô hấp. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm nôn ói và cầm tiêu chảy vì sẽ giữ độc tố lại cơ thể làm bệnh trầm trọng hơn. Khi đưa về chăm sóc tại nhà, nên chú ý cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ thức ăn mềm, dễ tiêu…”.
Như vậy, biết cách chọn thực phẩm, kết hợp với việc ăn uống điều độ cũng là cách mang lại sức khỏe cho bạn trong những ngày xuân.
Người đái tháo đường nên chú ý bổ sung chất xơ từ rau, trái cây trong bữa ăn và cân đối các chất đạm, béo, đường trong mỗi bữa ăn để giữ gìn sức khỏe.
Một số lưu ý dưới đây giúp bạn chọn thực phẩm ăn Tết hợp lý với tình trạng bệnh.
Sáng tạo từ các món ăn cổ truyền
Quy tắc là cân đối khi nấu và để ý lượng khi ăn. Cụ thể như khi gói hoặc mua bánh chưng, bánh tét, bạn nên chọn loại nhân ít thịt mỡ, bánh cỡ nhỏ hoặc trung bình. Món canh, súp, hầm ít xương, hạn chế thịt mỡ, ưu tiên các loại rau lá xanh (bó xôi, rau cải, súp lơ xanh), thay vì rau củ (cà rốt, khoai tây, bắp ngọt) vì rau củ thường chứa lượng đường cao hơn rau lá xanh... Các loại dưa hành là thức ăn tốt vì chúng cung cấp lượng chất xơ, cùng với men tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần để ý lượng muối cho vào dưa hành, có thể rửa bớt khi ăn, vì muối là loại gia vị cần lưu ý cho các bệnh lý tim, huyết áp cao hay bệnh mạch vành tim, “bạn đồng hành” của đái tháo đường. Các món chiên xào nên dùng dầu thực vật, các loại đường dành cho người ăn kiêng, đái tháo đường.
Ngoài ra, bạn nên để ý những món “ăn cho vui” của ngày Tết như hạt bí, hạt hướng dương… vì vui miệng sẽ dễ ăn nhiều. Chúng lại chứa lượng đường và chất béo cao. Thay thế các loại kẹo ngọt, nước ngọt bằng lượng vừa phải trái cây tươi hoặc nước trái cây hay một số loại bánh kẹo đặc biệt được chế biến bằng đường thay thế.
Người bệnh đái tháo đường nên chọn thực phẩm phù hợp để giữ gìn sức khỏe cho ngày Tết.
Bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ, ít ngọt
Đó là các loại rau củ quả. Ngoài các món dưa kiệu, bạn có thể mua thêm rau sống như xà lách, dưa leo, các loại rau thơm, hành ngò… cất sẵn trong tủ lạnh. Không chỉ giúp cho bữa ăn ngày Tết thơm ngon, ít ngấy, chúng còn cung cấp lượng chất xơ, vitamin cần thiết. Chất xơ giúp chất bột đường sau khi đưa vào cơ thể, sẽ được hấp thu dần vào máu, nên không làm đường huyết tăng cao.
Ngày Tết bận bịu, bạn thường khó bảo đảm ăn đúng giờ do đó nên chuẩn bị các thức ăn phù hợp với người đái tháo đường để “chữa cháy” khi đói như bánh quy làm từ ngũ cốc nguyên cám, ít ngọt hoặc sữa chuyên biệt dành cho người bệnh này. Sữa dành cho người đái tháo đường có thể dùng như bữa ăn chính, thay thế bữa ăn phụ hoặc ăn dặm khi đói. Đặc biệt, với cơ chế phóng thích đường chậm, phóng thích đường từ từ vào máu, sữa chuyên biệt này vừa giúp ổn định đường huyết, đảm bảo cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể ngay khi bạn bận rộn với Tết.
Ăn uống hợp lý, kiểm soát lượng đường
Nguyên tắc ăn Tết cho người đái tháo đường là nên ăn khi đói và ngưng khi đã lưng bụng. Đồng thời luôn ý thức kiểm soát lượng đường trong thức ăn. Trong một bữa không nên ăn thả cửa những món khoái khẩu nhưng không tốt cho sức khỏe trong một bữa, mà hãy “trải ra” mỗi bữa vài miếng nhỏ. Ăn kèm thật nhiều rau. Ngoài ra, bạn không nên nhịn hoàn toàn hoặc quá kiêng khem làm cơ thể mau đói, thiếu chất. Điều này có thể khiến bạn dễ ăn bù quá nhiều sau đó. Nếu biết cách lựa chọn và chế biến các món ăn phù hợp, ăn cân đối và để ý lượng khi ăn, người bệnh sẽ có được một cái Tết trọn vẹn với gia đình và bạn bè.

Măng tây xào tỏi - Ảnh: Hạ Huy
Giữ đầu óc tỉnh táo và phớt lờ những ám ảnh khó chịu của bia rượu là điều khả thi đối với những ai chọn lựa loại thực phẩm như măng tây và mật ong.
Ngày tết là thời điểm chúc tụng và họp mặt tiệc tùng kéo dài. Để tận hưởng ngày tết trọn vẹn, giảm tình trạng nhộn nhạo bao tử và quay cuồng đầu óc, hãy chọn lọc những thực phẩm hỗ trợ gan xử lý tốt chất cồn, và giúp cơ thể nhanh chóng loại bỏ chất uống độc hại này.
Măng tây
Đây là loại thực phẩm bạn có thể nhấm nháp trước mỗi khi dùng tiệc. May mắn là có thể làm nhiều món ăn chỉ với măng tây, như măng xào, hấp, kho thịt, lẩu măng, canh măng... Chỉ cần chịu khó xử lý là có thể làm bớt mùi hăng của măng, giúp món ăn dễ chịu hơn.
Nước cam
Hình như ít ai để ý đến chuyện nên uống một ly nước cam sau trận nhậu túy lúy. Suy cho cùng, bia rượu với nước cam có vẻ chẳng ăn nhập gì với nhau. Tuy nhiên, giới chuyên gia dinh dưỡng Mỹ khuyên trước khi lên giường ngủ, hãy bổ sung cơ thể bằng loại vitamin này, vì vitamin C giúp gan phân hủy chất cồn nhanh hơn, đồng thời tăng tốc độ đào thải rượu bia khỏi cơ thể.
Hỗn hợp mật ong và sữa chua
Một loại thức uống khác có thể góp phần xua đi ảnh hưởng của bia rượu chính là hỗn hợp mật ong và sữa chua. Trộn 3 muỗng súp mật ong với sữa chua nguyên kem ít béo (sữa chua làm theo công thức của Hy Lạp), hoặc mật ong pha nước ép cam. Đường fructose đẩy nhanh tốc độ phân hủy chất cồn ở gan.
Cà phê
Chất cồn khiến mạch máu giãn nở, và đây là phản ứng khiến đầu của bạn nhức như búa bổ. May mắn là đa số người thích uống cà phê vào buổi sáng do công dụng kích thích thần kinh. Hiệu ứng này giúp co lại những mạch máu bị giãn nở quá mức. Lưu ý, chỉ cần một ly cà phê là đủ, nếu không muốn cơ thể bị mất nước thêm do ảnh hưởng của caffein.
Cỏ mạch
Đây là chất giải độc tố tự nhiên, có tác dụng tẩy sạch độc chất trong cơ thể, cung cấp nước và năng lượng cho các tế bào. Đối với những người mê thức uống hữu cơ, cỏ mạch được xếp vào dạng thực phẩm tăng lực cho sự sống. Do vậy, các chuyên gia khuyên nên uống một ly nước xay từ cỏ mạch để nhanh chóng tẩy sạch chất có hại trong cơ thể đồng thời bổ sung nước, và thêm 1 ly nữa vào buổi sáng hôm sau để tái tạo năng lượng cho một ngày mới.
Tuyệt chiêu giảm cân lành mạnh trước tết
(Dân trí) - Bạn không cần phải lo lắng vì bị đói hoặc các phương pháp đốt cháy calo gây hại khác để giảm cân. Dưới đây là một số tuyệt chiêu giảm cân lành mạnh trước tết:
Mỗi ngày một trái cam

Hãy tạo thành thói quen ăn ít nhất 1 trái cam hoặc quýt mỗi ngày. Ăn cam, bưởi hoặc chanh hàng ngày sẽ giúp thúc đẩy chuyển hóa và đốt cháy calo một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh việc ăn cam quýt tươi giàu vitamin C, bạn có thể làm món salad cam kết hợp với sữa chua ít béo.
Dầu dừa thúc đẩy chuyển hóa

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng dầu dừa thay cho các loại dầu thực vật khác. Dầu dừa kiểm soát chức năng tuyến giáp và cần thiết để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy nhiều calo hơn.
Lựa chọn một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước mỗi bữa chính

Để giảm cân lành mạnh và nhanh chóng hãy lựa chọn một bữa ăn nhẹ lành mạnh trước mỗi bữa chính. Bạn có thể ăn một trái táo hoặc bơ 10 phút trước bữa ăn chính để giảm lượng thực phẩm tiêu thụ một cách tự nhiên.
Các thực phẩm nguyên cám

Hãy đưa các thực phẩm nguyên cám vào kế hoạch ăn uống nếu bạn muốn giảm cân trong thời gian nhanh nhất. Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định rằng tiêu thụ thực phẩm nguyên cám có thể đảm bảo quá trình giảm cân lành mạnh.
Các thực phẩm giàu magiê

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì lượng magiê tối ưu mà mỗi người nên tiêu thụ là 320mg/ngày để duy trì tốc độ trao đổi chất tốt nhất. Bánh mỳ nguyên cám, rau chân vịt và bơ lạc là những thực phẩm giàu magiê mà bạn có thể đưa vào kế hoạch giảm cân trước tết.
Không hiếm gặp chứng tiểu đường giả ngày Tết!
(Dân trí) - Không chỉ mang những mối nguy tiềm ẩn dẫn đến tăng cân, béo phì, tim mạch… mà việc ăn quá nhiều thực phẩm ngọt ngày Tết khiến không ít người phải cấp tốc đi khám ngay đầu năm vì ngỡ bị tiểu đường…
Vô số các loại thực phẩm, bánh kẹo ngọt ngày Tết hấp dẫn trẻ
Chị Thu Lan (Nghệ An) giờ vẫn không quên nổi ngày đầu năm mới năm ngoái phải đưa con vào bệnh viện tỉnh Nghệ An khám vì bỗng nhiên thằng bé 2 tuổi nhà chị đi tiểu rất nhiều, lúc sau lũ lượt kiến ruồi bâu đến.
Trước đó, chị cho con về quê ăn Tết cùng ông bà từ 25 âm lịch. Về nhà, thằng cu nhất định không chịu uống sữa bột mà đòi uống sữa Milo của anh họ. Vị ngọt, thơm của vị sữa này khiến cu cậu rất thích, ngày uống cả 6 gói. Chưa kể, gần Tết nên ông bà đã sắm sửa bánh kẹo, cháu nội về được ông bà cưng chiều cho ăn thoải mái.
Đến 30 Tết hai vợ chồng chị mới về đến nhà, cũng chưa nhận thấy sự thay đổi này, chỉ thấy con liên tục đi tè, lại nghĩ chắc con uống quá nhiều nước. Đến sáng mùng một, ăn uống xong, chuẩn bị đưa con đi chúc Tết họ hàng, làng xóm thì cu cậu đòi đi tè và tè luôn ra sân nhà ông bà. Chuẩn bị đồ đạc xong xuôi, cả nhà lên xe đi chúc Tết thì chị thấy bãi nước tiểu của con đã có chi chít kiến, ruồi bâu đến. Quá lo lắng, hai vợ chồng thay vì đi chúc Tết đã chở thẳng con tới viện khám. Xét nghiệm nước tiểu thấy có đường trong nước tiểu, bác sĩ đã bắt bé ở lại viện chờ đến lúc đói lấy máu xét nghiệm, may mắn lượng đường trong máu vẫn ở dưới ngưỡng cho phép.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, hiện tượng có đường trong nước tiểu nhưng xét nghiệm máu lúc đói thì không phát hiện như cháu bé trên không phải là cá biệt mà khá hay gặp trong ngày Tết, không chỉ gặp ở trẻ em, mà cũng xảy ra ở cả người lớn, còn gọi là hiện tượng tiểu đường giả.
Bởi ngày Tết, thực phẩm ngọt đường được rất nhiều người ưa chuộng trong ăn uống. Khi ăn một khối lượng đường rất nhiều trong một thời điểm nhất định thì chuyển hóa đường của cơ thể không đáp ứng nổi, làm tăng đường huyết nhất thời, dẫn đến hiện tượng một số cháu có thể tìm thấy đường trong nước tiếu sau bữa ăn.
“Nếu tìm thấy đường trong nước tiểu sau bữa ăn, điều đó cảnh báo chúng ta rằng chúng ta đã ăn một bữa quá nhiều đường. Nếu cứ duy trì thì không tốt cho cơ thể, lâu dần sẽ khiến từ tiểu đường giả thành tiểu đường thật. Bởi lượng đường trong máu tiếp tục tăng cao khiến cơ thể, tuyến tụy lập tức tiết ra insulin để kéo lượng đường trong máu xuống. Đó là một sinh lý bất bình thường. Tuyến tụy cùng một lúc phải sản xuất quá nhiều insulin đến lúc nó mệt không sản xuất nổi nữa sẽ khiến thành đái tháo đường thật”, TS Dũng cảnh báo.
TS Dũng đưa ra lời khuyên, nếu thấy có hiện tượng khi đi tiểu mà kiến ruồi bâu vào bãi nước tiểu, tốt nhất nên cho người bệnh đi thử đường huyết lúc đói để xác định là tiểu đường giả hay thật. Nếu xét nghiệm máu khi đói mà lượng đường huyết vẫn cao cho thấy tuyến tụy bắt đầu phản ứng kém, lười sản xuất insulin hơn cần có sự tham vấn của bác sĩ để lựa chọn chế độ ăn phù hợp.
“Ăn quá nhiều đường (gồm bánh kẹo, nước ngọt…) trong ngày Tết rất nguy hiểm vì làm hại tuyến tụy. Vì thế, người lớn cần tự điều chỉnh chế độ ăn sao cho phù hợp, không ăn quá nhiều đồ ngọt. Với con trẻ cũng cần sự nhắc nhở, giám sát, tránh trường hợp đường huyết tăng bất thường vì ăn quá nhiều đồ ngọt. Tái diễn hiện tượng này nhiều lần, nhiều ngày sẽ thực sự khiến tuyến tụy mệt mỏi, không còn tiết insulin thì sẽ rất nguy hiểm, vì khi đó là tiểu đường thực sự”, TS Dũng cảnh báo.
Thực phẩm Tết trên thị trường đã vô cùng đa dạng và phong phú khiến các bà nội trợ không khỏi choáng ngợp. Biết khéo léo sắp xếp, các bà nội trợ sẽ giúp cả nhà có được cái tết vừa ấm cúng, ngon lành, an toàn, tiết kiệm mà lại tốt cho sức khoẻ.
Chọn mua kẹo, mứt tết nên tránh chọn loại có nhiều màu sắc sặc sỡ. Có thể thay kẹo, mứt bằng trái cây và các loại hạt sấy khô. Ảnh: Hồng Thái
Món ăn ngày Tết
Nồi thịt kho trứng: vào những ngày cận tết, mặt hàng thịt thường tăng giá ở các chợ, nên mua thịt trong siêu thị hoặc cửa hàng lớn để yên tâm về giá và đảm bảo thịt đã qua kiểm duyệt. Nếu quá bận rộn thì có thể mua thịt trước vài ngày đến một tuần. Khi mua về nên rửa sạch, cắt thành từng khối tuỳ ý, để ráo nước, nếu chưa nấu ngay thì cho vào bao nilông cột kín để vào ngăn đông. Trước khi chế biến, mang thịt từ ngăn đông xuống để ở ngăn mát khoảng một ngày để rã đông từ từ, thịt sẽ ngon. Khối thịt càng lớn thì thời gian rã đông càng lâu. Không nên rã đông bằng lò vi sóng sẽ kém ngon.
Để tránh dư thừa và hâm đi hâm lại nhiều lần, chỉ nên kho vừa đủ dùng, kho xong để lượng đủ một ngày ăn trong nồi, phần còn lại cho vào từng hộp nhựa (hoặc bao nilông) vừa cho một bữa ăn và bảo quản đông lạnh. Khi cần sử dụng, sẽ lấy từng phần rã đông từ từ và hâm sôi lửa nhỏ.
Canh khổ qua hầm: chỉ nấu vừa đủ vì hâm nhiều lần khổ qua sẽ mềm nhũn, dễ ngán.
Canh măng hầm: có thể chia nhiều phần để đông lạnh và ăn dần vẫn ngon. Bữa ăn nhiều đạm, có thêm chén canh măng đỡ ngán. Măng không có nhiều giá trị dinh dưỡng mà nhiều chất xơ giúp chống táo bón, quét sạch chất độc, chất thải, cholesterol ra khỏi cơ thể.
Canh rau: có thể nấu sẵn nước dùng (hầm xương thịt) chia từng phần để đông lạnh, khi cần ăn thì đun sôi và cho rau tươi vào sẽ có được món canh rất nhanh, ngon mà đổi món mỗi ngày. Hoặc dùng làm món lẩu thập cẩm cũng rất hấp dẫn.
Bánh chưng: mua bánh mới và bảo quản trong tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó và nhớ để nguyên bao lá bên ngoài để bảo vệ phần bánh còn lại. Nếu ăn không kịp thì nên để ngăn đông, khi cần ăn sẽ hấp nóng bằng hơi nước hoặc lò vi sóng.
Dưa món, dưa kiệu: món ăn kèm này giúp bữa ăn thêm ngon miệng nhưng chứa nhiều muối, nên ăn có mức độ.
Các món chế biến sẵn như chả lụa, giò thủ, thịt nguội, bì, thịt đông, dưa lỗ tai heo… là những món ăn nhanh và ngon miệng nhưng rất giàu đạm và béo. Chất béo từ da, dạ dày và mỡ heo chứa nhiều chất béo no và cholesterol dễ làm tăng tình trạng xơ vữa thành mạch và tăng huyết áp.
Thịt heo, bò, cá, tôm, mực tươi: chỉ mua vừa đủ, chia thành từng phần để ngăn đông và ăn dần trong mấy ngày tết. Thịt heo, bò rất dễ mua, mùng 2 tết siêu thị đã bán trở lại nên không cần trữ nhiều. Cá đồng cũng dễ mua ngay trong tết, nhưng cá biển thì thường ra giêng mới có hàng tươi nên có thể mua một ít để dành.
Rau xanh, củ, quả: rau rất dễ bị héo và úng nên không mua nhiều và cần dùng trước, bắp cải, bông cải, càrốt bảo quản được lâu hơn nên sẽ dùng sau. Khi mua rau về nên giũ sạch đất cát, cắt bỏ gốc rễ, gói giấy hút ẩm và cho vào bao nilông đục lỗ rồi trữ trong ngăn mát của tủ lạnh sẽ bảo quản được lâu. Tránh dùng giấy báo để gói rau vì mực in chứa nhiều chì không tốt cho cơ thể, chất liệu để làm giấy báo cũng không đảm bảo vệ sinh.
Bánh, mứt, kẹo: chọn loại bánh ưa thích bọc trong từng gói nhỏ vừa tiện trưng bày tiếp khách lại không sợ bị mềm, cũng dễ bảo quản. Không ăn nhiều mứt vì dễ tăng cân, làm trẻ biếng ăn bỏ bữa, người có tuổi tăng đường huyết. Không chọn loại có nhiều màu sắc sặc sỡ. Có thể thay kẹo, mứt bằng trái cây và các loại hạt sấy khô. Lượng đường tự nhiên trong trái cây sấy khô dễ ăn mà không làm rối loạn mức đường trong máu.
Trái cây chưng tết: chọn loại có vỏ dày, có thể để lâu không sợ hỏng. Bưởi, cam, quýt, thanh long, dưa hấu, xoài, táo có thể để được vài ngày hoặc lâu hơn. Khi sử dụng nhớ chọn loại mau hỏng dùng trước. Nho rất mau hỏng nên khi cúng xong là cho vào bao nilông bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh ngay. Các loại khác sau vài ngày chưng tết, nếu ăn không kịp thì có thể “thanh toán” nhanh bằng cách cắt nhỏ làm món cocktail, hoặc nước ép trái cây.
Thức uống cho xuân
Nên chuẩn bị sẵn trà ngon để tiếp khách. Nước trà gừng giúp ấm bụng và dễ tiêu hoá khi ăn những bữa tiệc thịnh soạn.
Nước ép thơm giúp dễ tiêu hoá khi ăn nhiều thịt cá. Nước ép trái cây đóng hộp chứa nhiều đường và ít vitamin so với nước trái cây tươi, không nên uống quá thoải mái.
Nước ngọt có gas, các loại xirô chứa rất nhiều đường mà không có dưỡng chất cần thiết nên chỉ dùng ít thôi.
Không uống nhiều rượu bia vì có hại cho gan, dạ dày, não, tim mạch. Có thể dùng nước trái cây lên men trong các bữa tiệc thay cho rượu bia, vừa ngon, giá cả chấp nhận được mà không sợ tác hại như thức uống có cồn.
Bí quyết chọn hạt dưa an toàn
Hạt dưa rất hữu ích với người bị viêm gan, rối loạn lipid máu... Vậy làm thế nào để có thể sử dụng sản phẩm này một cách an toàn:

Ảnh minh họa
Người tiêu dùng có thể phân biệt hạt dưa an toàn hay không an toàn dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu công nghiệp (dùng nhuộm vải sợi...) thường có màu sáng bóng, không bị nhòe phai, kể cả khi tiếp xúc với nước vẫn không bị lem lấm.
- Hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm có màu sắc tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng, dễ bị phai, nhòe khi gặp nước nên màu rất dễ lem vào tay hay da, mỗi khi sử dụng. Khi để ẩm sẽ lấm màu vào vải bông, vải lụa.
Với dấu hiệu trên, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chọn được hạt dưa nhuộm phẩm màu thực phẩm để mua. Màu hồng đỏ của hạt dưa nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm thường đem lại sắc hồng tươi thắm cho đôi môi thiếu nữ, tạo nét duyên dáng đáng yêu vào những ngày đầu Xuân. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Đây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu chế biến hạt dưa để lấy dầu ăn và làm thực phẩm thay thế cho một số loại đậu hạt.
Theo Đông y, hạt dưa có vị ngọt, tính mát khi chưa rang chín, sau khi rang có tính bình, tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực. Nếu dùng chữa bệnh thì dùng hạt dưa luộc tốt hơn hạt dưa rang.
Một công trình nghiên cứu của Đại học Benin (Nigeria) ghi nhận hạt dưa có tác dụng giúp ổn định men gan và lượng lipid huyết thanh rất có ích cho người bị viêm gan và những người bị rối loạn lipid máu (mỡ trong máu cao), giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch.
Theo Lương y Đinh Công Bảy
Nỗi ám ảnh thực phẩm Tết
Thịt lợn bơm nước, ôi thiu, thực phẩm hết hạn sử dụng, ngâm hoá chất, phẩm màu... đang là thực trạng nổi cộm được phát hiện vào những ngày cuối năm. Đây là điệp khúc “đến hẹn lại lên” đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa tìm ra được thuốc trị...
Mứt tết “thi gan” cùng bụi và ruồi
Dọc phố Hàng Buồm (Hà Nội), mặc xe cộ qua lại tấp nập, xe bồn đi rải nước rửa đường và lao công thi nhau quét rác, vô số loại mứt tết vẫn ngang nhiên bày bán ken đặc vỉa hè với muôn kiểu màu sắc rất bắt mắt. Mứt tết được bày trực tiếp vào các khay đủ màu như mứt khoai môn, nho, dâu tây, kiwi, me xào... “làm bạn” cùng ruồi nhặng và bụi bẩn, đặc biệt là không một loại mứt nào ghi rõ xuất xứ nguồn gốc.
Mứt tết không nguồn gốc phơi bụi trên vỉa hè phố Hàng Buồm (Hà Nội)
Với bàn tay móng đen sì cáu bẩn, bốc một nhúm mứt nho, bà chủ hàng mứt đầu phố hồ hởi mời chào: “Ăn thử đi cháu, nho khô nhập từ Mỹ xịn đấy, ngọt và thơm lắm! Có mấy loại liền tha hồ chọn, mua nhiều cô để rẻ cho!”. Người này còn giới thiệu các “đặc sản” cao cấp khác như mứt kiwi New Zealand, hồng đào Nhật... với giá trên trời (300.000 - 400.000đ/kg). Từng miếng mứt kiwi nhão nhoét xanh rì được khẳng định là nhập quả tươi từ New Zealand về đang chảy nước do không được che chắn.
Ngoài các loại mứt, nhiều thực phẩm khác như hạt điều, hạnh nhân, kẹo bánh các loại... cũng được bán theo kilôgram với từng túi to. Hạt điều ép chân không được mời chào là đặc sản miền Nam, song khi nhìn nhãn mác, ngoài cái tên Kim Thanh ra thì không một thông tin nào về nơi sản xuất, ngày sản xuất được in trên sản phẩm. Điều đáng nói là giá của các loại mứt tết, bánh kẹo không hề rẻ, dao động từ 200.000 - 500.000đ/kg tùy loại. Và dù không có thông tin về xuất xứ, không ít người tiêu dùng vẫn lựa chọn để mua với lý do là hàng hóa phong phú, dễ lựa chọn, được thử chất lượng tận nơi nên có phần... yên tâm.
Trong khi đó, tại các chợ Hàng Bè, Ngọc Hà..., phụ gia thực phẩm dùng làm nước lẩu, nướng, các loại gia vị bột ớt, hạt điều... vẫn được bày bán tràn lan để phục vụ nhu cầu làm thực phẩm tết. Chỉ với 10.000đ là có thể mua được gói gia vị “lẩu gà thuốc bắc” hoàn chỉnh mà theo một chủ hàng tạp hóa chợ Ngọc Hà là “nước ngọt lừ hết chê!”. Tất cả mọi thông tin xuất xứ trên các gói gia vị này đều mù mờ, có nơi không hề ghi địa chỉ sản xuất.
Còn tại TPHCM, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đặng Văn Đức đã cho các cơ quan báo chí “mục sở thị” lô hàng mứt kém chất lượng khoảng 1 tấn không chứng từ đang chờ xử lý. Theo đó, các loại mứt như kiwi, táo đỏ, chà là... vẫn còn màu sắc đẹp mắt mới nhìn thoạt trông như mới với vỏ bên ngoài in toàn tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các loại mứt này đều bốc ra mùi hôi.
Theo Chi cục Quản lý thị trường, nếu không phát hiện và tịch thu kịp thời, lô hàng hơn 1 tấn mứt trên sẽ được tẩm chất bảo quản và đưa ra ngoài thị trường để bán cho người tiêu dùng nhâm nhi trong dịp tết. Không chỉ các loại mứt, các loại củ kiệu, củ cải, dưa hành và cả thịt heo... đều được ngâm hóa chất bảo quản và tẩy trắng. Gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện trên 1,5 tấn đầu, mông, ức gà đông lạnh đã hết hạn sử dụng. Vụ việc trên đã được chuyển sang Chi cục Thú y TPHCM để xử lý.
Hãi hùng bún miến
Cống rãnh đen ngòm, mùi chua của tinh bột, miến phơi đầy đường và ngoài cánh đồng vào những ngày có nắng là đặc trưng của hai xã Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức - Hà Nội). Sản xuất miến dong là nghề chính ở hai xã này, nhưng trong miến có bao nhiêu phần trăm tinh bột củ dong lại phụ thuộc vào thương lái! Một người dân xã Dương Liễu (xin được giấu tên) cho hay: “Miến bình thường được làm bằng bột dong.

Từng phên miến bẩn được phơi cạnh rác và cống rãnh thối tại Dương Liễu. Ảnh: D.H
Muốn giảm giá thành cần trộn thêm bột sắn, tùy theo mức giá đặt của thương lái có thể trộn theo các tỉ lệ 20 - 30% hay 50%. Miến trộn bột sắn khi nấu dễ bị nát”. Ngoài cách pha trộn bột sắn, trộn phẩm màu cũng là “công nghệ” được áp dụng tại hai làng nghề làm miến này. Tùy theo khách đặt hàng, từ màu trắng đục của miến người sản xuất có thể hóa phép cho miến thành nhiều loại màu khác nhau: Vàng, vàng sẫm, ngả xanh, trắng tinh...
Sau khi nhuộm các loại phẩm màu được người sản xuất cam đoan là “phẩm màu thực phẩm”, miến được rửa trước khi phơi khô. Hộ nào chăm chỉ rửa vài lần cho sạch phẩm bám trên miến, ai làm ẩu thì chỉ tráng qua rồi cứ thế đem phơi. Cuộc đua giảm giá thành sản xuất đã khiến nhiều hộ gia đình ở Dương Liễu, Minh Khai tự tay phá hoại thương hiệu miến của hai làng nghề này.
Anh P.V.L ở xóm Minh Hòa 3, xã Minh Khai - hộ sản xuất miến xuất khẩu - phản ánh: “Nhiều hộ dân không muốn làm sản phẩm kém chất lượng nhưng do đơn đặt hàng yêu cầu giá phải rẻ nên tìm nhiều cách làm để hạ giá thành. Khoảng hai năm trở lại đây, số hộ làm miến kém chất lượng đã tăng nhanh, nguyên nhân đến từ sức ép của thương lái và sự dễ dãi của thị trường”. Theo anh L, miến dong có giá 32.000 - 34.000đ/kg xuất xưởng, nhưng nếu pha trộn, cắt bớt công đoạn, làm ẩu giá chỉ còn 27.000 - 28.000đ/kg, thậm chí thấp hơn.
Quản lý như “muối bỏ bể”


Liên tiếp các vụ thịt lợn, trâu, bò thiu thối, không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện gần đây. Ảnh: D.H - V.T - Đ.T
Thời gian qua, 6 đoàn công tác liên ngành kiểm tra công tác ATVSTP trước Tết Nhâm Thìn của Hà Nội phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ buôn bán vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Mới nhất, vụ bắt 31 tấn thực phẩm thịt và nội tạng trâu, bò tại Bình Minh, Thanh Oai ngày 4/1/2012 đang phân hủy đã báo động về chất lượng ATVSTP.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng cũng vừa phát hiện được hàng loạt vi phạm ATVSTP. Cụ thể, theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, ngày 9/1, qua kiểm tra tại một cơ sở sản xuất mứt hạt sen ở quận 6, cơ quan này đã phát hiện gần 4 tấn mứt trái cây nhập lậu từ Trung Quốc đang ở trong kho. Trước đó, cơ quan quản lý thị trường TP còn phát hiện và tịch thu trên một tấn mứt như chà là, trần bì, khoai lang, táo đỏ kém chất lượng cũng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng, lý do khiến công tác quản lý vẫn như “muối bỏ bể” là chế tài xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn thấp, không đủ sức răn đe, chi phí tiêu hủy cao hơn tiền nộp phạt. Trong khi đó mức phạt cao nhất hiện nay mới là 30 triệu đồng/vụ và chế tài xử phạt vẫn chưa đồng nhất, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi.
Làm thế nào để chọn được thực phẩm an toàn trong dịp tết, nhất là các loại mứt, hạt dưa?
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết: Đối với mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Phải đọc kỹ nhãn hiệu bao bì, đặt niềm tin vào những nhà sản xuất có tên tuổi, uy tín trên thị trường để đánh giá; mua ở nơi tin cậy như siêu thị, đại lý, hàng quán quen biết... có kiểm soát chất lượng và vệ sinh.
Dùng các giác quan nhìn, ngửi, sờ, nếm... để phát hiện mứt có bị mốc thâm kim hay mốc xanh, mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không. Đối với hạt dưa, nên chọn loại hạt có màu đỏ nâu tự nhiên, không có màu đỏ hay hồng tươi cũng không bị cháy đen; không chọn loại có phết dầu lên vỏ bóng lưỡng; khi cầm cắn thì tay, môi, lưỡi không dính màu đỏ; hạt bên trong màu trắng ngà, có vị bùi béo đặc trưng. Nếu thấy hạt dưa có màu lạ, mùi hôi dầu hay hôi mốc, ăn thấy vị đắng khác lạ thì không nên dùng.
Mẹo hay chữa bệnh tại nhà
(Dân trí) - Với sự hỗ trợ của những vật dụng, đồ dùng hoặc thực phẩm cực kỳ thông dụng, bạn có thể tự tin làm bác sỹ gia đình. Điều đáng nói là cách thức của chúng dường như “không giống ai” nhưng lại hiệu quả thực sự.
Dưới đây chỉ là 15 trong số hàng trăm mẹo hay được giới thiệu trong cuốn: “Cẩm nang bác sỹ khuyên dùng để điều trị bệnh tại nhà” đã phát hành và tái bản hơn 16 triệu bản tại Mỹ:
1. Rượu Vodka trị mùi hôi chân
Nếu chân bạn thường tỏa ra mùi không mấy dễ chịu, bạn có thể lấy khăn thấm vodka để lau chân. Vodka chứa cồn, vừa khử trùng vừa có tác dụng làm ráo da, vì thế có tác dụng khử mùi.
2. Bút chì chống đau đầu
Khi bị lo lắng hay stress, bạn thường bạnh hàm, nghiến răng, điều này sẽ khiến cơ mặt từ hàm đến thái dương bị căng và gây đau đầu. Giải pháp đơn giản là: Đặt 1 chiếc bút chì giữa 2 hàm mà không cắn răng, tự nhiên cơ hàm, cơ mặt được thư giãn, sẽ tránh được đau đầu.
3. Sữa chua trị hôi miệng
Nghiên cứu ban đầu cho thấy vi khuẩn có lợi trong sữa chua, ở mức độ nào đó, có thể lấn áp loại vi khuẩn gây hơi thở kém thơm tho, hoặc ít nhất cũng tạo được một môi trường khắc nghiệt đối với loại khuẩn “thiếu tế nhị” ấy.
4. Cam thảo trị chai sần
Cam thảo chứa các chất giống estrogen có thể làm mềm phần da chai sần. Tại nhà bạn có thể làm như sau: xay một ít cam thảo, trộn với nửa thìa sáp chống nẻ, bôi hỗn hợp này vào vùng da chai sần.
5. Bóng tennis (hoặc vỏ đồ hộp) chữa đau mỏi bàn chân
Để mát-xa cho lòng bàn chân, bạn chỉ việc cởi giày, lăn từng chân trên một quả bóng tennis hoặc vỏ đồ hộp trong 1-2 phút. Muốn có tác dụng thư giãn hơn, có thể lăn chân trên 1 chai nước mát.
6. Dầu ô-liu trong điều trị Eczema
Thoa dầu ô-liu trực tiếp lên vùng da bị mẩn ngứa, các chất chống ô-xy hóa có trong dầu sẽ giúp giảm hiện tượng viêm nhiễm thường đi kèm eczema.
Thoa 5ml dầu lên vùng da khoảng 6,5cm2, da sẽ được bảo vệ tránh bị khô nứt; nếu cần có thể đắp dầu rồi quấn ni-lông qua đêm để giữ ẩm.
Ngoài ra, các chất chống ô-xy hóa trong dầu ô-liu còn giúp chống sẹo và các vết thâm.
7. Đường chữa nấc cụt
Bạn bị nấc cụt? Hãy nuốt một thìa đường, vài phút sau hiện tượng này sẽ dứt. Các bác sỹ cho rằng, đường tác động lên cơ thần kinh, ngăn việc điều kiển cơ hoành co rút và gây nấc cụt.
8. Ô-liu hoặc chanh trị say tàu xe:
Khi bị say tàu xe, miệng bạn tăng tiết nước bọt, gây ra cảm giác buồn nôn. Hợp chất tannin có trong ô-liu giúp làm khô nước bọt. Vì vậy, ngay khi có cảm giác buồn nôn mà ăn đôi ba quả ô-liu, ngậm một 1 lát chanh tươi bạn sẽ thấy khác hẳn những lần “khốn đốn” vì say xe khác.
9. Dầu thực vật trị móng tay giòn
Móng tay giòn là triệu chứng báo hiệu móng của bạn thiếu độ ẩm trầm trọng. Ngoài việc nên thường xuyên dung kem dưỡng tay, bạn hãy thử với biện pháp sau: Trước khi đi ngủ, bôi dầu ăn vào tay sau đó đeo găng tay làm bếp hoặc bọc ni-lông, vừa giữ cho dầu không dây ra giường, vừa giúp dầu thấm vào da, cung cấp độ ẩm cho cả da và móng tay.
10. Kem hoặc sữa chua lạnh chữa phỏng miệng
Vòm miệng của bạn rất mỏng và nhạy cảm với đồ ăn nóng. Nếu không kịp đợi cho lát pizza kịp nguội và bị… phỏng miệng, hãy nhanh chóng ngậm 1 thìa đầy kem hoặc sữa chua lạnh sẽ giảm rát tức thời và hạn chế phồng rộp. Không có sẵn kem bạn có thể ngậm một ngùm nước lạnh hoặc viên đá.
11. Kẹo cao su vị quế hoặc bạc hà giảm stress khi lái xe
Một nghiên cứu do NASA tài trợ cho thấy, bạc hà giảm 20% cảm giác mệt mỏi và lo lắng cho người lái xe; bạc hà và quế giảm 25% cảm giác ức chế, cáu bẳn và tăng 30% độ tập trung; có đến 30% số người tình nguyện tham gia khảo giác cho biết họ cảm giác hành trình ngắn hơn khi vừa lái xe vừa nhai kẹo cao su vị quế hoặc bạc hà. Nếu không phải là người có thói quen ăn kẹo cao su, bạn có thể mua 2 loại hương liệu để trong xe.
12. Táo làm trắng răng
Các loại rau và hoa quả giòn nói chung có tác dụng gần như bàn chải đánh răng vậy vì việc nhai chúng có ảnh ảnh hưởng tốt tới men răng, loại bỏ cao răng. Riêng táo lại có acid malic nhẹ giúp loại bỏ các chất cặn bám rõ rệt.
Khả năng ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc vào chất lượng chuyện trò
(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới nhất, những đứa trẻ không chỉ học nói bằng nghe mà còn học qua cách đọc khẩu hình, điều này có nghĩa rằng chất lượng tiếp xúc rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, chứ không phải là các chương trình DVD mới nhất
Điều này diễn ra trong giai đoạn thần kỳ, khi từ giai đoạn bập bẹ những tiếng vô nghĩa sang những tiếng có âm tiết đầu tiên là “bà bà”, “mẹ mẹ”.
Các nhà khoa học Florida (Mỹ) đã phát hiện ra rằng bắt đầu ở khoảng 6 tháng tuổi, những đứa trẻ sẽ bắt đầu nhìn có mục đích, tìm hiểu sự cử động của miệng khi nói chuyện với chúng.
“Những đứa trẻ sẽ bắt chước, phải tìm ra cách để tạo hình đôi môi của mình để có thể phát ra những âm thanh mà chúng nghe thấy”, nhà tâm lý học David Lewkowicz, ĐH Florida Atlantic, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Đây là một quá trình vô cùng phức tạp”.
Rõ ràng trẻ không cần phải mất 1 thời gian quá dài để có thể hấp thụ các động tác phù hợp với âm thanh cơ bản. Đúng sinh nhật đầu tiên, trẻ đã bắt đầu dùng mắt tìm kiếm nơi phát ra giọng nói, trừ khi chúng nghe những âm thanh lạ (tiếng nước ngoài). Và rồi chẳng bao lâu, trẻ sẽ quen với việc đọc khẩu hình.
“Đây là một phát hiện khá thú vị”, chuyên gia tâm lý Bob McMurray, ĐH Iowa, người cũng đang nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ, đánh giá.
Trẻ em “biết những gì chúng cần biết và chúng có thể phát huy sự chú ý của mình với những gì là quan trọng ở thời điểm đó”.
Nó cũng cung cấp thêm bằng chứng rằng chất lượng tiếp xúc rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, chứ không phải là các chương trình DVD mới nhất.
Nghiên cứu mới này vừa được đăng tải trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia tuần này.
Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa”
(Dân trí) - Trước một rừng truyền thông và cả những chiêu trò khuyến mại hấp dẫn, nhiều bà mẹ “loạn” vì không biết sữa nào thực tốt? Cuộc trò chuyện giữa 2 bà mẹ dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời?
Cùng tới công viên vào một ngày nắng đẹp, 2 người phụ nữ rạng rỡ trong niềm hạnh phúc bên những cô cậu bé đáng yêu như những thiên thần. Sau khi chọn được vị trí nghỉ ngơi ưng ý, 2 người mẹ đã cùng nhau chia sẻ bao điều nhưng nhiều nhất vẫn là kinh nghiệm nuôi con. Và thật tình cờ, tôi đã được nghe cuộc đối thoại này:
Bà mẹ “sữa bình”: Nhóc nhà chị được bao nhiêu cân rồi? Trộm vía, công chúa nhà em được 6,5 ki-lô rồi đấy.
Bà mẹ “bầu sữa”: Cu tí mình được 5 cân hơn thôi.
Bà mẹ “bình sữa”: Vậy hay chị chuyển qua loại sữa bột… em đang dùng đi. Nhóc nhà em lên cân vậy là nhờ sữa này đó. Mà lại còn được rất nhiều khuyến mãi nữa chị, toàn đồ chơi đẹp và trí tuệ thôi, thích lắm.
Bà mẹ “bầu sữa”: Cân nặng của nhóc nhà chị vậy nhưng là đúng với chuẩn tăng trưởng của trẻ đấy. Chị cũng mua đồ chơi cho con đây này.
Bà mẹ “bình sữa”: Đẹp và xịn quá! Chắc giá mắc phải không chị? Chị chuyển qua sữa như em nè, đồ chơi miễn phí mà con lại tăng cân tốt.
Bà mẹ “bầu sữa”: Uh, đồ chơi chất lượng nên giá không thấp rồi nhưng mua sữa như em cũng đâu có rẻ. Chị chia sẻ thật lòng, em đừng giận nhé! Sữa bột tốt đến mấy vẫn chỉ là đồ hộp thôi.
Em để ý không, từ trẻ em cho tới người già, ai ai cũng chuộng sữa tươi nguyên chất. Thế nên, nhiều nhà kinh doanh mới phải nhấn bằng những từ rất mạnh như 100%, “thật sự” tự nhiên… trong các quảng cáo sữa của họ. Nhiều thương hiệu khác thấy được nhu cầu này, chẳng đã “hô biến” sữa hoàn nguyên thành sữa tươi nguyên chất… khiến người tiêu dùng bức xúc, tẩy chay đấy thôi.
Rồi nữa, anh xã nhà chị ở Nga về bảo sữa mẹ ở đó được ưu tiên lắm bởi ngay cả những trường hợp đặc biệt không thể nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định một loại sữa tươi dành cho trẻ sơ sinh được mang tới hằng ngày và dùng đến khi nào mẹ có thể cho bú lại, chứ không phải là bất kỳ loại sữa bột công thức vượt trội nào đâu.
Một điểm nữa, bản thân chúng ta đều rất thích ăn đồ tươi ngon, đồ hộp, đồ đông lạnh chỉ là hãn hữu. Đó là vì nó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thực sự ngon nữa. Vậy thì sao mình lại cho những thiên thần non nớt như thế này phải ăn sữa hộp trong khi mình có sữa tươi xịn 100%?
Bà mẹ “bình sữa”: Chị nói thật đúng nhưng sữa mẹ sao đủ dinh dưỡng bằng sữa bình? Sữa bột được bổ sung đầy đủ, thậm chí còn được tăng cường gấp bao nhiêu lần những dưỡng chất thiết yếu giúp con mình lên cân tốt, thông minh, khỏe mạnh. Em thấy bảo mình ăn đồ tươi thật đấy nhưng quan trọng còn là hấp thụ thế nào và liệu có thể ăn đủ ngần đó lượng thức ăn để cơ thể tiết ra đúng lượng vitamin, khoáng chất mình cần không? Ví như phải ăn cả cân cá hồi mới cung cấp đủ nhu cầu DHA của cơ thể… Mình không ăn được vậy thì là sữa của mình sẽ thiếu chất đó rồi…
Bà mẹ “bầu sữa”: Em à, đúng là hàm lượng các vi chất trong thực phẩm không nhiều nhưng những thực phẩm có vi chất đó lại rất phong phú. Như DHA chẳng hạn, không phải riêng các hồi đâu mà trứng, thịt gà, tôm hấp, rau lá xanh đậm… đều rất phong phú chất này. Đây cũng là những thực phẩm rất giàu các vi chất quý giá khác như vitamin A, D cũng như những axit amin quý giá….
Mỗi ngày, mình ăn đủ 4 nhóm thực phẩm là đường - tinh bột (gạo, bắp, nếp…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (các chất béo không no), vitamin và muối khoáng (rau, củ quả) với cách chế biến hợp vệ sinh, chia làm 6 - 8 bữa trong ngày thì khi vắt trọn bầu bú mẹ, sữa có thể đặc sánh với lượng dinh dưỡng nổi lên có thể chiếm tới một nửa cốc đấy.
Bà mẹ “bình sữa”: Lúc mới sinh, em cũng gắng đấy chứ nhưng thấy cân nặng nhúc nhích tăng, sữa cảm giác về không nhiều, không đủ cho bé bú, bé cũng nhanh đói nữa vì sữa em loảng, trong veo í chị ạ. Cả nhà sợ cháu không tăng cân, em lo quá nên chuyển qua sữa bình. Dùng sữa này thấy ổn hơn hẳn, bé no lâu hơn, em cũng không phải ăn quá nhiều nữa…

Hãy nhìn ánh mắt của 2 em bé này, bạn sẽ hiểu sợi dây kết nối tình cảm mẹ con bắt đầu từ đâu...
Bà mẹ “bầu sữa”: Mới sinh sữa sẽ về chưa nhiều là chuyện bình thường mà. Chị cũng vậy thôi nhưng nếu em tin tưởng, quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ, nguồn sữa sẽ được sản sinh nhanh chóng. Bởi tinh thần rất quan trọng nhé, chỉ huy tất cả đấy.
Em có muốn thì hooc-môn tăng sữa mới tiết ra nhiều, rồi em sẽ chăm cho con bú nhiều hơn, em cũng sẽ học được rằng phải cho con bú hết một bên bầu vú rồi mới chuyển sang bên kia bởi sữa càng cuối là sữa càng đặc, càng chất lượng và khi làm như vậy, sữa tốt sẽ càng được sản sinh nhiều. Rồi em sẽ tích cực ăn uống hơn để con có sữa tốt nhất. Những lúc có chút lo lắng, sữa về chưa được nhiều, em sẽ biết là phải uống một cốc sữa nóng để tăng tiết sữa nhanh, rồi nghỉ ngơi, chia sẻ để hết lo, tinh thần phấn chấn trở lại… sữa sẽ lại về dồi dào, vắt đi chẳng hết ý chứ…
Còn vụ tăng cân của mẹ, em cũng đừng lo lắng. Em cứ cho con bú mẹ 100% và thực hiện đúng cách như chị nói, trọng lượng của em sẽ không tăng nhiều đâu. Mà đến khi đi làm rồi cai sữa, đa phần chúng ta đều giảm cân đó em. Nếu cơ địa mình dễ tăng cân thì tập thêm thể dục và nhờ bác sĩ tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng nữa.
Bà mẹ “bình sữa”: Nghe chị nói thú vị thật đấy nhưng em thấy nuôi sữa bột vẫn nhàn hơn vì không phải nấu nướng cho mẹ; mẹ cũng sạch sẽ, giữ phom tốt hơn và quan trọng là bé lại tăng cân nhiều hơn, nên em thấy yên tâm hơn.
Bà mẹ “bầu sữa”: Ăn uống của mẹ dù cho con bú hay không vẫn phải đảm bảo vì thời kỳ nuôi con rất vất vả, mình ốm thì ai chăm con, chưa kể còn có thể lây bệnh cho con nữa…
Đúng là cho bú bình, mẹ sẽ sạch sẽ, gọn gàng hơn nhưng em sẽ phải sắm nhiều bình, nhiều núm vú rồi liên tục phải vệ sinh dụng cụ, đồ dùng mỗi khi cho bé ăn bằng cách luộc sôi hay sử dụng máy tiệt trùng… Hộp sữa mở ra mở vào nhiều, hạn sử dụng ngắn... cũng gây ra các vấn đề không nhỏ đâu.
Đêm đêm, khi bé đói, nếu ủ sữa sẵn thì không yên tâm vì sợ sữa lên men mà dậy vài lần bật đèn, pha sữa… thì cũng đâu gọi là nhàn. Còn như chị, chỉ cần kéo áo, vệ sinh quầng và núm vú là có thể cho con bú bất kỳ đâu rồi…
Còn tăng cân, quan trọng là con phát triển theo đúng biểu đồ tăng trưởng và khỏe mạnh. À nữa, tăng cân chỉ là 1 tiêu chí thôi nhé, cái chính là con khỏe mạnh ít bệnh tật. Em chắc cũng đọc nhiều rồi, các nghiên cứu đều chứng minh rằng sữa mẹ rất nhiều kháng thể, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của con đấy! Những kháng thể sống từ cơ thể mẹ chắc chắn phải xịn hơn gấp nhiều lần những chất có trong đồ hộp chứ, đúng không em?

Cuộc trò chuyện đột ngột dừng lại khi 2 em bé cùng oe oe thức giấc. Hai bà mẹ chăm chú nựng nịu và ôm con vào lòng. Trong khi bà mẹ “bầu sữa” vừa nựng nịu vừa nhẹ nhàng vén áo để cái miệng tròn vo ôm trọn lấy bầu vú thì bà mẹ “sữa bình” gọi người giúp việc đứng gần đó lại, lấy ra túi ủ sữa, cầm bình sữa rỏ thử sữa vào cổ tay xem còn quá nóng không. Sau khi lắc đi lắc lại một chút cho sữa giảm bớt nhiệt độ trong tiếng nựng nịu không ngớt của bà mẹ “sữa bình”, khuôn miệng xinh xắn cũng được ôm trọn lấy núm vú.
Ngắm 2 bà mẹ trẻ say sưa cho con ăn, tôi chợ nhớ lại cách đây 7 năm, khi con trai tôi 1,5 tuổi. Những ngày đó, trưa và chiều nào tôi cũng thu xếp để về với con thật sớm bởi tôi không muốn nhóc tì chờ mẹ không ngủ và yêu lắm cảm giác háo hức, vồ vập của cậu con trai nhỏ tuổi, chẳng kịp để mẹ rửa tay, thay quần áo, cứ vội nhào vào mẹ. Mẹ chỉ kịp ngồi xuống, vệ sinh nhanh bầu vú, là cái miệng nhỏ xinh đã ôm trọn lấy, mỗi tay ôm 1 bầu ngực mẹ và rồi bàn chân xinh xinh bắt đầu đập đập theo nhịp nhạc, mắt hấp háy nhìn mẹ, nhoẻn cười mà không rời vú mẹ. Phải đến câu chuyện nào thú vị lắm, cu cậu mới nhả ra 1 chút, cười toe nịnh bợ rồi lại vồ vập vào bầu sữa ngay.
Mong sao, 2 người mẹ trẻ đang hạnh phúc ngập tràn bên những đứa con đáng yêu kia cũng sẽ có được những giây phút thăng hoa, hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó.
Thai phụ luôn mang theo sữa công thức khi đi đẻ
(Dân trí) - “Khi đi đẻ, gần như 100% bà bầu đều mang theo sữa ngoài và bình bú vì e ngại đẻ xong chưa đủ sữa cho con. Nếu có thì cũng còn tâm lý “có tí sữa dính đầu ti, sao đủ bé ăn” nên rất nhiều trẻ phải ăn sữa ngoài ngay sau sinh.
“Dù chỉ “tí sữa dính đầu ti” nhưng trong sữa non, lượng protein gấp 10 lần sữa trưởng thành và chứa rất nhiều kháng thể tốt cho em bé. Tuy nhiên, với tâm lý sợ con không đủ no, rất nhiều trẻ sơ sinh đang phải chịu thiệt thòi vì không được bú nguồn sữa quý giá này”, BS CK II Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa Sản 2, bệnh viện Phụ sản TƯ, cho biết.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh: H.Hải
Gượng đau cho con bú
Sáng 9/8, có mặt tại khoa sản 2 bệnh viện phụ sản TƯ, chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều sản phụ vừa sinh xong và những trẻ sinh non trước đó.
Các y tá dẫn chúng tôi đến thăm một bé trai đẻ non ở tuần 28 do mẹ bị rau tiền đạo phải mổ cấp cứu. Khi mới sinh hồi cuối tháng 5, em bé này chỉ nặng 1,1kg. Gia đình chia sẻ, nuôi dưỡng em bé lúc đầu cực kỳ khó khăn, mẹ lại phải mổ nên sữa “về” muộn. Nhiều lần gia đình đã định pha sữa công thức cho bé uống nhưng các bác sĩ đã khuyên chỉ nên cho bú sữa mẹ vì uống sữa công thức rất dễ khó thở, chướng bụng do đường tiêu hóa của trẻ sinh non còn rất yếu, men tiêu hóa, nhu động ruột đều kém.
Dù dùng dụng máy hút sữa để lấy sữa từ bầu ngực mẹ nhưng lúc đầu, hút mãi sữa chỉ ra vài giọt, đổ chưa đầy chiếc thìa 3ml. Nhiều lúc nản lòng, sợ bé đói, các thành viên trong gia đình căng thẳng với nhau vì nghe theo bác sĩ cố vắt sữa hay cho bé uống sữa ngoài còn hơn để bé đói. Nhưng cứ từng chút, từng chút 1, chỉ chừng 5ml sữa là đổ vào cốc để bón cho bé. Dần dần, sữa đã về nhiều hơn, hút được 70ml/bên. Sau một tháng sinh, bé đã lên được 2,2kg, nặng gấp đôi lúc đẻ.
“Chỉ từ lượng sữa mẹ rất ít ban đầu, nhưng sau một tháng, cân nặng của bé đã vượt cân nặng khi sinh. Điều này cho thấy nuôi dưỡng bằng sữa mẹ rất thành công. Tôi rất mong các bà mẹ nhìn vào trường hợp này để có lòng tin mình đủ sữa, lượng sữa của mình đủ cho con bú để kiên trì với sữa mẹ”, BS Lan nói.
Cùng nằm trong khoa sản 2, sản phụ Trần Thị Hoài (Đông Ngạc, Từ liêm) sinh mổ đã được 3 ngày, cũng đang cố xoay người để cho con, em bé nặng 3,7kg, bú. “Sau khi sinh xong khoảng một giờ bác sĩ đã cho người nhà đưa em bé xuống để mình cho bé bú luôn. Thực ra, lúc đầu mình nghĩ mổ đẻ thì đau, sữa về muộn nên chắc không cho con bú ngay được, vì thế có chuẩn bị sữa mang theo. Nhưng khi được bác sĩ tư vấn, mình quyết định cho bé bú sớm, dù lúc đó, lấy tay bóp đầu ngực chỉ có tí sữa trong chảy ra. Xoay mãi tư thế để bớt đau, cố cho con bú; con háu ăn ngậm vú rất chặt nhưng mình cảm giác chẳng bao nhiêu, định bụng nói người nhà pha sữa cho bé. Nhưng rồi được các bác sĩ ở đây động viên, mình lại cho con ngậm ti tiếp… Hai ngày đầu quả là vất vả vì vừa đau, vừa ít sữa, em bé khóc, đấu tranh tư tưởng sữa ngoài hay không… cuối cùng cũng qua. Đến hôm nay thì mình đã rất nhiều sữa, sau mỗi cữ bú, em bé đều rất thoải mái, ngủ ngon giấc”, chị Hoài chia sẻ.
Gần đó là sản phụ Tạ Thị Cúc (21 tuổi ở xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội) sau mổ đẻ cũng đang cố nghiêng người để bà ngoại đưa miệng bé vào ti mẹ. “Dù chưa có sữa, nhưng em vẫn cho con ngậm ti mút để kích thích sữa về nhanh hơn”.
Tạo niềm tin cho sản phụ
BS Lan cho biết, khi sinh ra, em bé luôn có phản xạ đòi ăn. Nhiều gia đình, vì thấy bé đòi ăn mà mẹ chưa về giường sau đẻ, thậm chí về rồi nhưng lại cho rằng không có sữa nên pha sữa ngoài cho bé ăn. Khi thấy những trường hợp này, các bác sĩ, y tá đều khuyên không nên cho trẻ ăn sữa ngoài.
Theo BS Lan, nhận thức của bà mẹ về sữa mẹ ngày càng tốt hơn nhờ sự giúp đỡ của y tế. Vì sau đẻ xong, dù mẹ còn đau nhưng rất nhiều người vẫn gượng dậy, xoay người cho con bú. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận các bà mẹ vẫn cho con ăn thêm sữa ngoài.
“Dù sữa non rất tốt, lượng protein gấp 10 lần sữa trưởng thành và chứa rất nhiều kháng thể tốt cho em bé nhưng nhiều mẹ vẫn băn khoăn bé bú được ít nên không phải ai cũng chấp nhận chỉ cho con bú sữa mẹ, một bộ phận các bà mẹ vẫn cho con ăn thêm sữa ngoài những ngày đầu sau sinh. Còn thường sau tuần đầu sau sinh, các mẹ đều cho con bú hoàn toàn”, BS Lan nhận định.
Ngoài tâm lý sợ không đủ sữa cho bé bú, các bà mẹ cũng bị áp lực với gia đình (bị gia đình nói không có sữa, phải cho con ăn thêm, chứ để con khóc khản cổ, đói lả…), thêm nữa là chưa chủ động do vừa sinh nên vẫn phải cho con ăn thêm sữa ngoài. Vì thế, ngoài tư vấn cho các sản phụ, các bác sĩ cũng phải tư vấn cho người nhà, để sản phụ có thể nhận được sự động viên từ chính những người thân trong gia đình, củng cố niềm tin mình đủ sữa cho con bú.
Để sản phụ đủ sữa cho con bú, cần uống nhiều sữa, nước ấm, ăn đủ dinh dưỡng và cho bé bú thường xuyên kể cả khi vú mềm, cảm giác như hết sữa. Vì bé có ngậm núm vú, mút vú mới kích thích sữa về nhanh. Ngoài ra có thể ăn thêm một số đồ ăn mà dân gian quan niệm nhiều sữa, vì đây cũng là một giải pháp tinh thần, sản phụ nghĩ ăn xôi nếp, ăn cháo chân giò… là nhiều sữa thì cũng góp phần thoải mái tinh thần, tin tưởng đủ sữa thì sữa sẽ về nhiều hơn.
Dù có rất nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng hiện Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thấp nhất khu vực (chỉ chiếm khoảng gần 20%). Kết quả điều tra mới nhất năm 2010 cho thấy ở Việt Nam chỉ có 61% trẻ được bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng, trẻ sơ sinh cần được cho bú sớm (trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh) và được nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời (không uống thêm nước hoặc bất cứ thứ gì khác), sau đó ăn bổ sung hợp lý nhưng vẫn duy trì cho bú mẹ đến 24 tháng tuổi.
Ngọt ngào như dòng sữa mẹ
(Dân trí) - “Hãy cho trẻ bú mẹ ngay trong 1 giờ đầu sau sinh và cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không nước không sữa bột, không thức ăn bổ sung. Để trẻ có đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển, các bà mẹ tiếp tục cho bé bú đến 24 tháng tuổi…”
Đó là thông điệp ngành y tế phát động và kêu gọi các bà mẹ nhân “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cung cấp kháng thể tăng cường đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên nhịp sống công nghiệp và quá trình đô thị hóa đã và đang khiến cho các bà mẹ không có được điều kiện tốt nhất về mặt thời gian để nuôi dưỡng con thơ bằng bầu sữa của mình. Bên cạnh đó, những quảng cáo tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ có tác động tiêu cực khiến một số bà mẹ không còn tin tưởng vào dòng sữa của mình.
Theo thống kê của Viên dinh dưỡng quốc gia, hiện cả nước chỉ có 19,4% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Điều đó đồng nghĩa với hơn 80% số trẻ còn lại có nguy cơ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì… gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của giống nòi.
Trước những nguy cơ trên, ngành y tế kêu gọi các bà mẹ hãy cho trẻ bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Bên cạnh đó mọi người mọi nhà, và những tổ chức đơn vị hãy quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để các bà mẹ được nuôi con bằng bầu sữa mát lành giàu dinh dưỡng của mình để thế hệ tương lai của đất nước có được sự phát triển tốt nhất cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Hành động theo lời kêu gọi này, sáng 6/8 tại TPHCM hơn 200 bà mẹ đã “trình diễn” cho con bú để quảng bá và thức tỉnh mọi người về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Bầu sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn gắn kết tình cảm giữa mẹ và bé

Cho con bú càng nhiều, tuyến sữa của mẹ tiết ra càng nhiều

Bú mẹ giúp trẻ tránh được nhiễm trùng và các bệnh mãn tính không lây
Nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại lợi ích kinh tế cho từng gia đình
Trẻ bú mẹ góp phần giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, béo phì

Không thức ăn nào thay thế được sữa mẹ

Hãy cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh

Cho con bú giúp bầu vú của mẹ cân đối “đẹp mắt” hơn.

Bản thân của sữa mẹ là liều vắc xin quý báu cho trẻ

Hãy nâng đỡ tương lai của trẻ bằng bầu sữa của mình

No comments:

Post a Comment