Wednesday, May 30, 2012

Chạy đua vũ trang(11)

Xếp hạng các “đại gia” bán vũ khí

Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm (SIPRI) vừa công bố danh sách 100 hãng bán vũ khí lớn nhất thế giới. Trong số này Nga chiếm 11 hãng, nhưng chỉ có 1 hãng lọt vào top 20.
Tuy chỉ có 11 hãng trong top 100, nhưng điều này cho thấy các "đại gia" sản xuất vũ khí của Nga đang ngày càng khẳng định vị thế. Nếu như năm 2008 chỉ có 7 hãng của Nga, thì tới năm 2009 là 9 hãng. Và trong danh sách năm 2010 mà SIPRI vừa công bố, Nga có tới 11 hãng. Điều này tương ứng với tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga: từ 6,7 tỉ USD năm 2008 lên 10 tỉ USD năm 2010.
 
Máy bay Su-30MK - Ảnh:sukhoi.org
 Xin được nói ngay là hiện nay tuy đang là năm 2012, nhưng SIPRI mới công bố số liệu của năm 2010. Điều này có lý do của nó. Khi làm bảng xếp hạng, SIPRI căn cứ vào doanh số bán vũ khí, khí tài của các hãng bán ra trong nội địa cũng như trên thị trường thế giới. Ngoài ra, còn phải thu thập thông tin về hoạt động của các hãng này cũng như "sức khỏe" tài chính của họ. Danh sách 100 hãng sản xuất và bán vũ khí hàng đầu thế giới công bố khá chậm, bởi SIPRI còn phải kiểm tra và kiểm chứng lại các thông tin, số liệu đã thu thập được. Như vậy, bảng xếp hạng năm 2011 sẽ chỉ được công bố vào năm 2013.
Gấu Nga trỗi dậy
Trong top 100 của năm 2010 có 11 hãng của Nga. Trong số này có 1 hãng lọt vào top 20 nhờ có doanh số bán hàng cao. Đó là hãng PVO Almaz Antey, chuyên sản xuất hệ thống tên lửa không đối không và hệ thống tên lửa phòng thủ. Trong năm 2010, Almaz Antey đứng thứ 20 khi bán được 3,95 tỉ USD vũ khí, nhiều hơn 690 triệu USD so với năm 2009 (đứng thứ 23).
Ở vị trí thứ 21 là Liên hiệp xây dựng hàng không - OAK, bán được 3,44 tỉ USD vũ khí khí tài. Tuy thế, tổng doanh thu của OAK trong năm 2010 là 4,22 tỉ USD, phần bán vũ khí (3,44 tỉ USD) chiếm 82%. Vị trí thứ 47 là hãng Trực thăng Nga, bán được 1,91 tỉ USD sản phẩm, chiếm 71% tổng doanh thu của hãng này. Vị trí 51 thuộc về Liên hiệp đóng tàu (OSK), bán được 1,65 tỉ USD vũ khí, chiếm 70% tổng doanh thu.
 
Máy bay Su-32
Liên hiệp xây lắp động cơ - ODK, bán được 1,25 tỉ USD vũ khí, chiếm vị trí thứ 62 trong bảng xếp hạng. Đáng chú ý là doanh thu bán vũ khí chỉ chiếm 44% tổng doanh thu của ODK. Tuy khá khiêm tốn, nhưng ODK lại tiến bước dài trên bảng xếp hạng, từ vị trí 91 của năm trước nhảy lên gần 30 bậc. Tập đoàn Tên lửa chiến thuật - TRV, đứng ở vị trí 69 (tụt một bậc so với năm trước), bán ra thị trường 1,01 tỉ USD vũ khí, chiếm 90% tổng doanh thu của tập đoàn này.
Nhà sản xuất xe tăng và toa xe đường sắt Uralvagonzavod bán được 730 triệu USD, chiếm vị trí 89. Nhà máy này có mức bán vũ khí thấp nhất so với các hãng khác của Nga, chỉ chiếm 40% tổng doanh thu. Điều này phản ánh thực trạng là Bộ Quốc phòng Nga cũng như khách hàng nước ngoài không đặt mua nhiều các xe tăng hạng nặng cũng như các toa xe đường sắt. Ở vị trí 92 là hãng sản xuất động cơ Salyut, bán được 690 triệu USD sản phẩm, chiếm 95 % tổng doanh thu của hãng này. 
Ngoài top 100, Nga còn góp mặt các hãng tên tuổi khác: Sukhoi (1,36 tỉ USD), Yarkut (1,33 tỉ USD), Sevmaspredpriatie (1,24 tỉ USD). Tuy nhiên, các hãng này không được xếp hạng vì thuộc OAK và OSK - đã có mặt trong top 100.  
Có thể dự báo trong top 100 của năm 2011, số lượng các hãng của Nga góp mặt sẽ tăng lên đáng kể. Bởi tổng kim ngạch xuất khẩu của năm 2011 đạt 13,2 tỉ USD.
Mỹ vẫn dẫn đầu
Nói về xuất khẩu vũ khí, chưa quốc gia nào có thể qua mặt Mỹ. Chính vì thế mà không có gì đáng ngạc nhiên khi hãng Lockheed Martin đứng đầu top 10 do bán được 35,73 tỉ USD vũ khí, khí tài. Vị trí thứ 2 thuộc về BAE Systems (Anh) với 32,88 tỉ USD. Từ vị trí thứ 3 đến thứ 6 lần lượt là các hãng của Mỹ: Boeing (31,26 tỉ USD), Northrop Grumman (28,15 tỉ USD), General Dynamics (23,94 tỉ USD) và Raytheon (22,98 tỉ USD).
Vị trí thứ 7 theo SIPRI là hãng EADS của châu Âu, bán được 16,36 tỉ USD vũ khí, khí tài. Tiếp theo đó là Finmeccanica của Ý với 14,41 tỉ USD. Vị trí thứ 9 và thứ 10 lần lượt thuộc về hai hãng của Mỹ là L-3 (13,07 tỉ USD) và  United Technologies (11,41 tỉ USD).  
 
Chiếc F-35A của hãng Lockheed Martin - Ảnh: lockheedmartin.com
Đề cập đến các vị trí thủ lĩnh thì cũng không quên các hãng đứng chót: cùng được 660 triệu USD là Patria của Phần Lan và Force Protection của Mỹ. Thấp hơn một chút - 650 triệu USD là hãng GenCorp và AAR và cuối cùng là MTU Aero Engines của Đức với 640 triệu USD. Doanh thu từ bán vũ khí của toàn thế giới năm 2010 là 230 tỉ USD, chiếm 56% tổng doanh thu của các hãng góp mặt trong top 100.
Bảng xếp hạng của  SIPRI được nhà xuất bản SIPRI Yearbook công bố hằng năm. Trong mùa xuân này còn 2 ấn phẩm nữa sẽ được ấn hành là Báo cáo về việc cung cấp khí tài cho các quốc gia và Thống kê chi phí quân sự của các nước trên thế giới.
Các hãng của Nga trong bảng xếp hạng SIPRI
(Top 100 năm 2010)
Vị trí
hãng
Doanh số bán vũ khí *
Tổng doanh thu
% tổng doanh thu
20
Almaz Antey
3.950
4.436
89
21
OAK
3.440
4.222
82
47
Trực thăng Nga
1.910
2.677
71
51
OSK
1.650
2.359
70
62
ODK
1.250
2.805
44
69
TRV
1.010
1.120
90
89
Uralvagonzavod
730
1.814
40
92
Salyut
690
490
95

-
Sukhoi
1.360
1.466
93
-
Yarkut
1.330
1.548
86
-
Sevmaspredpriatie
1.240
1.381
90
* triệu USD
 Ông Vương Hoàng

Nga bội thu xuất khẩu vũ khíNgày 17.2 vừa qua, Nga chính thức công bố tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí 2011 đạt 13,2 tỉ USD, vượt kế hoạch đề ra khá nhiều.

Ông Mikhail Dmitriev - Giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga (FSVTS) cho biết, theo kế hoạch xuất khẩu vũ khí Nga năm 2011 là 11,6 tỉ USD (năm 2010 là 10,4 tỉ USD), nên con số 13,2 tỉ USD thật ấn tượng. Dự kiến xuất khẩu vũ khí năm 2012 của Nga là 13,5 tỉ USD. "Chúng tôi tin rằng kế hoạch này sẽ được hoàn thành", Mikhail Dmitriev nói.

 máy bay Su 30MK2
Su-30MK2 được nhiều quốc gia ưa chuộng
Trước đó, vào ngày 25.1, lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ Nga (Rostexnologia) - ông Chemezov cho biết, xuất khẩu vũ khí Nga năm 2011 là 12 tỉ USD. Trong đó 10,7 tỉ USD là của Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, phần còn lại là của một số nhà máy quốc phòng bán phụ tùng trực tiếp cho nước ngoài. Ông Mikhail Dmitriev cho biết thêm, khoảng 50% giá trị xuất khẩu vũ khí thuộc về không quân, bộ binh chỉ chiếm 11%, phòng không 10% và hải quân 10%, còn lại là một chuyên ngành hẹp khác.
Giám đốc Rosoboronexport - ông Anatoli Isaikin, vào ngày 2.2 vừa qua nói: Nga đạt kết quả cao xuất khẩu vũ khí trong năm 2011 là do việc thực hiện và hoàn thành các hợp đồng đã ký kết với các đối tác tốt. Theo lời ông Isaikin, Rosoboronexport đang nắm trong tay số lượng hợp đồng mua bán vũ khí trị giá từ 33 - 35 tỉ USD. Còn theo đánh giá của Trung tâm chiến lược và công nghệ Nga (SAST), tổng giá trị hợp đồng mua bán vũ khí của Nga ký với các nước ngoài hiện là 41,5 tỉ USD.
 xuất khẩu; vũ khí; máy bay; xe tăng; hàng không mẫu hạm
Hàng không mẫu hạm Vikramaditya
Năm 2011, Nga xuất khẩu vũ khí cho 57 quốc gia và vùng lãnh  thổ, trong đó có Ấn Độ, Algeria, Trung Quốc, Venezuela… Còn với các quốc gia như Lào, Mali, Singapore, Đức, Uruguay, Czech… Rosoboronexport khôi phục lại quan hệ trong lĩnh vực cung cấp vũ khí, khí tài. Một trong những hợp đồng có giá trị của Nga là bán máy bay chiến đấu Mig-29SE cho Myanmar và máy bay tiêm kích Su-30MK2, xe bọc thép cho Uganda.
Ngoài ra, trong năm vừa qua, Turkmenistan và Algeria còn ký hợp đồng mua xe tăng T-90S của Nga. Trong đó Turkmenistan mua 30 chiếc, còn Algeria ký hợp đồng với Rosoboronexport mua 120 chiếc T-90S. Tổng giá trị hợp đồng là 500 triệu USD.
xuất khẩu; vũ khí; máy bay; xe tăng; hàng không mẫu hạm
Tăng T-72 là loại mà Venezuela sẽ mua của Nga. Ảnh: Wikipedia
Nói đến thành công, nhưng không quên thất bại. Vào năm 2011, do cuộc nội chiến của Libya, Nga mất hết các hợp đồng trị giá khoảng 4 tỉ USD đã ký với nước này. Bên cạnh đó giới hàng không Nga còn thua cuộc đấu thầu 126 chiếc máy bay tiêm kích thuộc dự án MMRCA của Ấn Độ (chiến thắng cuối cùng thuộc về chiếc Rafale của Pháp). Thất bại tại Ấn Độ được phía Rosoboronexport giải thích là do chiếc Mig-35, cạnh tranh với Rafale,  F-16C/D và F/A-18E/F (Mỹ), JAS 39 Gripen (Thụy Điển), Typhoon (Eurofighter - châu Âu) chưa đi vào sản xuất hàng loạt. 
Rất khó dự báo chính xác việc Nga thực hiện hợp đồng xuất khẩu vũ khí đã ký với nước ngoài trong năm 2012. Chẳng hạn, với Syria - một trong những nước mua nhiều vũ khí của Nga tại khu vực Tây Á - hiện tình hình rất phức tạp, các phe phái và chính quyền đang tiến đến bờ vực của cuộc nội chiến. Nga đang thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa cơ động bờ biển Bastion và tên lửa hành trình siêu âm Yakhont cho Syria. Nga cũng đã ký với Syria cung cấp 24 chiếc tiêm kích Mig-29M/M và 8 hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk-M2E.
Trong bối cảnh phương Tây muốn cấm vận vũ khí đối với Syria, thì hợp đồng mua bán vũ khí của Nga với nước này luôn có nguy cơ bị phá vỡ. Theo lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga - Anatoli Antonov, Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Syria, trong khi vẫn tuân thủ các quy định của quốc tế. Anatoli Antonov nói với hãng tin RIA - Novosti: Chúng tôi không vi phạm các điều khoản cấm hay không cấm của quốc tế. 
Dù vậy, FSVTS vẫn đánh giá khá lạc quan xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2011. Theo các nhà phân tích của tổ chức này, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 có thể còn vượt mức con số 13,5 tỉ USD mà ông Mikhail Dmitriev thông báo và sẽ đạt 14 tỉ USD. Báo cáo của FSVTS ghi nhận, tính đến tháng 2.2012, với các hợp đồng mua bán vũ khí đã được ký kết của Nga với các đối tác, đảm bảo cho xuất khẩu vũ khí của Nga ổn định và tăng trưởng trong vòng 3 năm tới.
Một trong những đối tác truyền thống trong lĩnh vực này của Nga là Ấn Độ. Theo đánh giá của FSVTS, trong năm 2012, Nga sẽ cung cấp một lượng lớn vũ khí, khí tài cho Ấn Độ như 2 chiếc tàu khu trục  Talvar dự án 1135.6, hàng không mẫu hạm Vikramaditya (tàu Đô đốc Gorshov trước đây), 40 máy bay trực thăng Mi-17V5 và Ka-31. Trước đó vào cuối tháng 1.2012, hải quân Ấn Độ đã nhận từ Nga chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 920 triệu USD.
Tính chung, theo đánh giá của FSVTS, Nga sẽ xuất khẩu vũ khí, khí tài cho Ấn Độ với tổng kim ngạch gần 7,7 tỉ USD. Con số này chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga năm 2012 và chiếm tới 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ trong năm này.
Trong năm 2012, Nga sẽ xuất khẩu 50 chiếc Su-30 thuộc nhiều kiểu loại cho một số nước. Trong đó có 30 chiếc Su- 30MKI sẽ cung cấp cho Ấn Độ, 8 chiếc Su-30MKA cho Algeria, 2 chiếc Su-30MK2 cho Indonesia, 2 chiếc Su-30MK2 cho Uganda… Ngoài ra, theo hợp đồng đã ký vào năm 2011, Nga sẽ còn nâng cấp cho Ấn Độ từ 15 - 20 chiếc Su-30MKI.
Venezuela đã thỏa thuận mua xe tăng T-72, xe bọc thép BTR-80 của Nga. Lãnh đạo Nga cho biết, để nâng cao sức mạnh của quân đội, Tổng thống Hugo Chavez có thể sẽ chi 4 tỉ USD để mua vũ khí, khí tài của xứ sở bạch dương.
Tuy mừng rỡ với việc vượt kế hoạch xuất khẩu vũ khí khí tài năm 2011, nhưng Giám đốc FSVTS - Mikhail Dmitriev lưu ý Nga còn kém xa Mỹ trong lĩnh vực này. Hiện Mỹ có tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí, khí tài nhiều gấp 2,5 lần so với Nga. Theo một số nguồn thông tin, năm 2011 Mỹ đứng đầu thế giới về xuất khẩu trong lĩnh vực quân sự, đạt 34,8 tỉ USD.
Ông Vương Hoàng

Nhật phá luật xuất khẩu vũ khí

Sau 44 năm, Chính phủ Nhật Bản vừa xem xét lại đạo luật cấm nước này xuất khẩu vũ khí và nới lỏng nhiều quy định để có thể mua bán vũ khí trên thị trường quốc tế.
Giờ đây các hãng sản xuất vũ khí của Nhật Bản có thể tham gia vào các chương trình thiết kế, sản xuất vũ khí khí tài cũng như bán sản phẩm quân sự ra nước ngoài. Trước hết là tham dự một phần vào việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu và thiết kế sản xuất máy bay tiêm kích đa năng F-35 Lighning II.
Cần nhắc lại rằng, đạo luật cấm xuất khẩu vũ khí bao gồm ba điều khoản, có hiệu lực tại Nhật Bản từ năm 1967. Ba điều khoản đó cấm các nhà máy quốc phòng của Nhật Bản bán vũ khí, khí tài cho các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, các quốc gia đang tham dự vào các xung đột quốc tế và các quốc gia bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí.
Đến năm 1976, ba điều khoản được gộp làm một: Chính phủ Nhật Bản nghiêm cấm xuất khẩu bất cứ loại vũ khí khí tài nào. Tuy thế, luật nào cũng có kẽ hở. Một số nhà máy của nước này vẫn có thể bán cho Mỹ động cơ tên lửa và tham gia vào chương trình thiết kế tên lửa đánh chặn của Mỹ.

Mô hình chiếc ATD-X Shinshin của Nhật - Ảnh: Wikipedia
Vì có luật cấm, nên năm 2010, chương trình thiết kế tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA mà Mỹ và Nhật Bản hợp tác đâm vào ngõ cụt. Chương trình còn đứng trước nguy cơ phải hủy bỏ. Theo thỏa thuận, Nhật sẽ cung cấp động cơ tên lửa cho SM-3 và thiết kế chương trình bảo vệ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng thủ Aegis như dự kiến SM-3 sẽ được biên chế vào hệ thống  này.
Không những thế, khi Mỹ định xuất khẩu hệ thống phòng thủ chống tên lửa qua châu Âu thì Nhật phản đối kịch liệt. Tokyo đã yêu cầu Washington phải có thỏa thuận nếu muốn xuất khẩu công nghệ cho một nước thứ ba. Sự hợp tác Mỹ - Nhật trong chương trình này bắt đầu từ năm 2004, còn các khảo sát, nghiên cứu được tiến hành trong những năm 2006 - 2009. Theo kế hoạch, chương trình được triển khai vào năm 2010, kéo dài khoảng 6 năm và chỉ có Mỹ - Nhật mới có toàn quyền sử dụng công nghệ của chương trình này. Vào tháng 10.2009, ông Robert Gates khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã yêu cầu người đồng nhiệm bên phía Nhật Bản - ông Tosimi Kitazawa, nới lỏng các quy định để có thể xuất khẩu SM-3 sang châu Âu.

Xe tăng Type 90 do Nhật sản xuất - Ảnh: Wikipedia
Vào mùa xuân 2010, lần đầu tiên Nhật Bản muốn nới lỏng các điều khoản cấm xuất khẩu vũ khí khi cho thành lập nhóm soạn thảo các quy định mới trong lĩnh vực này. Tuy thế, đến tháng 12.2010, mọi ý đồ bị phá sản hoàn toàn khi chính Chính phủ Nhật Bản phủ quyết chuyện này. Sở dĩ như vậy, vì chính phủ muốn có sự ủng hộ của đảng Dân chủ xã hội, tổ chức luôn chống lại việc cho phép xuất khẩu vũ khí, khí tài. Việc ủng hộ này tạo điều kiện để Quốc hội Nhật Bản thông qua ngân sách năm 2011.
Sau một năm đóng băng, vào tháng 12.2011, cuối cùng Nhật Bản cũng nới lỏng điều luật. Ngày 27.12, chính phủ nước này thông báo đã xem xét lại các điều khoản cấm và từ nay trở đi, các hãng của Nhật Bản có thể cùng Mỹ, Úc, Hàn Quốc, các nước thuộc NATO thực hiện các chương trình quân sự và sản xuất vũ khí. Ngoài ra, các nhà máy có thể cung cấp vũ khí, khí tài cho các nước để sử dụng trong các sứ mạng nhân đạo như chiến dịch cứu hộ hay chở hàng hóa đến các khu vực bị thảm họa thiên nhiên. "Điều này cho thấy giờ đây Nhật Bản có thể tích cực hơn trong các chiến dịch vì hòa bình của quốc tế, đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố và hải tặc", Thủ tướng Nhật  Yoshihiko Noda tuyên bố.
Nguyên nhân để Nhật nới lỏng các điều khoản cấm xuất khẩu vũ khí là nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc phòng và khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí của mình phát triển công nghệ. Một vài chuyên gia quân sự cho rằng, việc Tokyo mua 42 chiếc F-35A Lightning II của hãng Lockheed Martin cũng là yếu tố tác động đến quyết định sửa luật của Nhật Bản. Như vậy, nước này có thể tổ chức láp ráp F-35A trên lãnh thổ của mình cũng như tham gia vào chương trình thiết kế loại máy bay trên.
Nhờ sửa luật mà Nhật Bản được hưởng lợi khá nhiều. Thứ nhất, Tokyo có thể bán các phát minh công nghệ, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia (theo dự báo đến tháng 3.2012, nợ công của Nhật Bản sẽ là 13 nghìn tỉ USD). Thứ hai, nếu lắp ráp F-35A trên lãnh thổ Nhật Bản, sẽ tạo ra nhiều việc làm và tạo thêm khoản thu cho ngân sách quốc gia. Hơn thế, ngoài Mỹ và Nhật Bản, loại tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm này còn được cung cấp cho Anh, Na Uy, Canada, Úc, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác.
Tham dự vào chương trình F-35, các nhà máy của Nhật Bản có thể tiếp cận rộng rãi với công nghệ Mỹ. Các kinh nghiệm thu được là rất quý giá, bởi Bộ Quốc phòng Nhật Bản lâu nay muốn thiết kế chiếc máy bay thế hệ thứ năm - ATD-X cho riêng mình. Nhật còn có thể tự duy tu bảo dưỡng, sửa chữa F-35 mà không cần sự trợ giúp của Mỹ cũng như thành lập trung tâm bảo dưỡng F-35 và phục vụ cho các nước khác như Úc, Anh… Ngoài ra, Tokyo cũng có cơ hội xuất khẩu hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho châu Âu. Mỹ từ nay cũng không cần sự đồng ý của Nhật mới cung cấp SM-3 cho các nước châu Âu.
Tựu trung, giờ đây một Nhật Bản hòa bình đang có bước tiến đầu tiên đến quá trình quân sự hóa. Trong một vài năm gần đây, nước này đã xem xét việc trưng cầu dân ý về thay đổi điều 9 của hiến pháp năm 1947. Điều 9 này cấm Nhật Bản có quân đội riêng. Vào năm 2006, có chút ít thay đổi khi lực lượng phòng vệ Nhật Bản trở thành tổ chức quân sự và cho phép thành lập Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Một bước đi hợp lý nữa sẽ diễn ra là thay đổi hẳn điều 9, cho phép Nhật Bản tham dự vào các sứ mệnh hòa bình quốc tế.
Ngữ Tử Yên

Nga thử thành công tên lửa đánh chặn 53T6

Vào trung tuần tháng 12.2011, tại bãi phóng Sary-Shagan của Kazakhstan, Nga đã bắn thử thành công tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Moscow.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa đánh chặn có số hiệu 53T6 và căn cứ vào số hiệu thì nó được biên chế vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Moscow từ năm 1995 (hệ thống A-135). Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng Nga nói, đây là loại tên lửa hoàn toàn mới. Có lẽ Nga có một vài thay đổi trong thiết kế 53T6 như thay động cơ mới và nâng cấp chương trình bảo vệ…
Cuộc thử nghiệm tên lửa đánh chặn 53T6 diễn ra vào lúc 12 giờ 1 phút (giờ Moscow) ngày 20.12.2011, nhằm kiểm tra tính năng kỹ thuật của hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Phó tư lệnh lực lượng phòng thủ phòng không - vũ trụ, tướng Sergei Lobov cho biết, tên lửa 53T6 đã chinh phục mục tiêu theo đúng thời gian quy định.
Tất nhiên, không có thông tin chi tiết về loại tên lửa mới 53T6 mà hầu như ai cũng muốn biết. Hay chí ít cũng phải có vài số liệu các tính năng kỹ thuật chính của loại tên lửa này. Còn loại tên lửa 53T6 (cũ) có từ thập niên 1990 dài 10m, đường kính 1m và trọng lượng gần 10 tấn. Nó có thể tiêu diệt tên lửa hành trình ở khoảng cách 80 km với trần bay là 30 km.
 
Việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn 53T6 tại bãi Sary-Shagan của hệ thống A-135 thường diễn ra và là điều bình thường. Trong vòng 4 năm gần đây đã có 3 cuộc thử nghiệm mà lần gần nhất là vào tháng 10.2010, được cho là để kiểm tra các yếu tố, thành phần cấu thành để nâng cấp sâu rộng hệ thống A-135. 
Hệ thống A-135 được Liên Xô thiết kế vào năm 1971. Hệ thống này nhằm thay thế cho hệ thống A-35 cũ kỹ, lạc hậu. Khi đó A-135 có 2 loại tên lửa là 51T6 nhằm đối phó với các mục tiêu có trần bay trên 100 km và tầm bắn tới 600 km và 53T6 có công dụng như đã nêu.
Nghị quyết về khởi công xây dựng hệ thống A-135 được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký vào năm 1978 và bên cạnh đó là chỉ thị bắt đầu hiện đại hóa hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Cần nhắc lại rằng, xây dựng hệ thống A-135 nằm trong khuôn khổ "Hiệp định về hệ thống phòng thủ chống tên lửa" mà Liên Xô và Mỹ ký vào năm 1972. Theo đó mỗi nước có quyền xây dựng không quá 2 hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Mỗi hệ thống chỉ được trang bị không quá 100 tên lửa đánh chặn. Đến năm 1974, điều kiện của hiệp định được siết chặt hơn: Cho phép mỗi bên chỉ có một hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Theo hiệp định Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa của mình tại căn cứ quân sự Grand Forks, North Dakota. Thế nhưng 1 năm sau đó Mỹ lại tháo dỡ hệ thống này. Còn Liên Xô quyết định bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại Moscow. "Hiệp định về hệ thống phòng thủ chống tên lửa" bị vô hiệu hóa từ tháng 6.2002, khi Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa tại châu Âu.
 
Tên lửa đánh chặn có số hiệu 53T6 trên mặt đất và khi phóng thử ngày 20.12 vừa qua - Ảnh: vpk-news.ru
Phần lớn hệ thống A-135 được hoàn tất vào giữa những năm 1980. Trong quá trình hình thành hệ thống này, Liên Xô đã tiến hành thử nghiệm thành công hàng loạt tên lửa đánh chặn, hạ gục các tên lửa hành trình. Cho đến năm 1995, lúc nào cũng có 100 tên lửa trực chiến tại hệ thống A-135.
Ngoài tên lửa đánh chặn 51T6, (được trang bị đầu đạn hạt nhân để tăng cao khả năng hạ gục tên lửa hành trình của đối phương), hệ thống A-135 còn có trạm radar Don-2HP. Radar có hình kim tự tháp, chiều dài và rộng đều là 100m, còn chiều cao là 35m. Trạm radar này có khả năng kiểm soát khoảng không gian ở tầm xa đến 2 nghìn km (theo nguồn thông tin khác là 3,7 nghìn km) và trần quan sát là 40 nghìn km. Đảm bảo cho radar hoạt động tốt là siêu máy tính Elbruc-2.
Tên lửa đánh chặn 51T6 chính thức rút ra khỏi hệ thống A-135 vào những năm 2002 - 2003 do đã quá thời hạn phục vụ. Tuy thế, theo một vài nguồn tin chưa được khẳng định, hiện số tên lửa này vẫn được sử dụng để trực chiến (!?). Không những thế, hiện Nga còn muốn cải tiến loại tên lửa này và biên chế vào hệ thống A-235 (hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn gồm 3 lớp: tầm ngắn, tầm trung và tầm xa). Dự kiến đến năm 2015 hệ thống A-235 sẽ hoàn tất.
 
Trạm radar Don-2HP - Ảnh: vpk-news.ru 
Thiết kế và lắp đặt hệ thống A-235 do tập đoàn Almaz-antey của Nga đảm nhiệm. Không chỉ lắp đặt 3 lớp tên lửa đánh chặn, Almaz-antey còn đưa nhiều trang thiết bị kỹ thuật tối tân khác nhằm phục vụ nhiệm vụ đánh chặn của hệ thống này. Như vậy, A-235 trong tương lai gần sẽ thay thế hệ thống A-135 và đương nhiên sẽ có nhiều điểm ưu việt so với trước đây. Chẳng hạn, siêu máy tính Elbruc-2 sẽ bị loại và thay vào đó là loại siêu máy tính đời mới có công suất mạnh hơn là  Elbruc-3M. Với 3 lớp tên lửa đánh chặn, A-235 sẽ có loại tên lửa 51T6, có khả năng hạ gục mục tiêu cách 1,5 nghìn km và có trần bay là  800 km. Ở tầm trung là tên lửa 58R6, hạ gục mục tiêu dưới 1 nghìn km và có trần bay 120 km. Ở tầm ngắn là tên lửa 53T6 (vừa thử nghiệm ngày 20.12.2011), có khả năng hạ gục mục tiêu cách 350 km và có trần bay là 40 - 50 km. Hệ thống này dự kiến sẽ có một số tên lửa đánh chặn mang đầu đạn hạt nhân.
Từ trước đến nay việc thử nghiệm các tên lửa đánh chặn của Nga thường diễn ra khá lặng lẽ. Tuy thế, lần thử mới đây báo chí lại đưa tin khá ầm ĩ và các nhà phân tích quân sự cho rằng, chẳng qua Moscow muốn như thế để gây sự chú ý cũng như là "đòn đáp trả" việc Mỹ tiếp tục triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ của mình tại châu Âu. Động thái này không khác mấy khi vào tháng 11.2011, Nga rầm rộ tuyên truyền việc triển khai dàn radar loại mới tại Kaliningrad.
Trước đó, từ năm 2008, Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG, đã thành lập hệ thống tên lửa phòng thủ thống nhất, liên kết và thường xuyên trao đổi thông tin giữa các hệ thống phòng thủ khác nhau trong khu vực. Hơn thế, quan điểm của Nga là hệ thống tên lửa phòng thủ thống nhất sẽ có nhiều tầng, nhiều lớp, bao gồm nhiều hệ thống tên lửa hiện đại từ tầm ngắn như Tunguska, Tor-M2, Pansir-S1, hay tầm trung và tầm xa như S-300, S-400 và từ năm 2015 là S-500.
Vào tháng 1.2011, Tổng tham mưu trưởng Nga - tướng Nicolai Marakov tuyên bố, việc thành lập hệ thống tên lửa phòng thủ thống nhất, cho phép Nga mở rộng tầm kiểm soát và có thể hạ gục bất cứ loại tên lửa hành trình nào từ mặt đất, trên không hay từ trên biển.
Xem ra khó có thể hy vọng Nga hay Mỹ sẽ có sự nhượng bộ nào trong việc thiết lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa.
Ngữ Tử Yên

S-500 và hệ thống phòng thủ vũ trụ của Nga



Tập đoàn sản xuất tên lửa Almaz-antey (Nga) vừa tuyên bố trong năm 2012 này sẽ xây dựng nhà máy mới sản xuất tên lửa tối tân nhất: S-500 “Prometei” để phục vụ hệ thống phòng thủ vũ trụ.
Nhà máy mới sẽ được xây dựng tại thành phố Hạ Novgorod và là nhà máy thứ 46 của Almaz-antey tại nước Nga. Sắp tới sẽ có thêm một nhà máy mới khác nữa cũng của tập đoàn này tại tỉnh Kirov. Tổng cộng sẽ có 3 nhà máy chuyên sản xuất tên lửa phòng thủ và tên lửa tấn công cho lực lượng phòng thủ hàng không - vũ trụ Nga.
Theo dự báo của đại diện Bộ Quốc phòng Nga và Almaz-antey, hệ thống tên lửa S-500 “Prometei” có thể bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào năm 2014. Sau đó vào khoảng 2015, những hệ thống S-500 đầu tiên sẽ được biên chế vào lực lượng vũ trang nước này. Nếu nhà máy mới ở Hạ Novgorod chưa thể vận hành ngay, khi đó Almaz-antey sẽ sử dụng các nhà máy khác để sản xuất S-500.

Một cuộc bắn thử tên lửa S-400 - Ảnh: wartechnic.ru
Cho đến nay, thông tin chi tiết về hệ thống S-500 còn là một ẩn số. Tuy thế, giới quân sự đánh giá rằng, hệ thống này sẽ gọn hơn, cơ động hơn và hiệu quả so với S-400 “Triumf”, loại mà hiện quân đội Nga đang có 3 sư đoàn.
Theo một số nguồn thông tin, nhiều khả năng hệ thống S-500 “Prometei” sẽ có radar lưới hiện đại (AFAR), có bán kính hoạt động 600 km (xa hơn 200 km so với S-400 “Triumf”). S-500 có khả năng phát hiện và cùng lúc chinh phục 10 mục tiêu đạn đạo, đang bay với tốc độ 7 km/giây. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể đánh chặn các tên lửa hành trình và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ không đối không.
S-500 “Prometei” sẽ liên kết hệ thống phòng thủ thống nhất của Nga mang tên A-135 “Amur”, nhằm tạo thành lá chắn bảo vệ thủ đô Moscow và khu vực trung tâm của nước Nga. Hiện thống phòng thủ thống nhất này sử dụng trạm radar “Don-2N”, đặt tại làng Sophrino, ngoại ô Moscow cùng bệ phóng tên lửa 53T6, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở độ cao 30 km và cách xa 80 km. Trước đây, trong hệ thống phòng thủ của Moscow còn có tên lửa 51T6 “Azov” có tầm hoạt động là 350 km. Tuy nhiên những năm 2002 - 2003 do quá thời hạn sử dụng nên loại tên lửa này bị loại khỏi quân đội Nga.
Cùng với việc chuẩn bị có hệ thống S-500, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cải tiến, nâng cấp A-135 “Amur”. Vào cuối tháng 12.2011, tại trường bắn thử Sary-Shagan ở Kazakhstan, các chuyên gia Nga đã thử nghiệm loại 53T6 cải tiến dành cho A-135. Hiệu quả cuộc thử nghiệm này như thế nào không được Nga tiết lộ.
Không loại trừ việc sản xuất S-500 “Prometei” sẽ bị kéo dài và trong 3 - 4 năm nữa hệ thống này chưa thể hiện diện tại Moscow, lúc đó A-135 “Amur” vẫn là lá chắn hạt nhân duy nhất của Nga. Đáng chú ý là A-135 chỉ có thể bảo vệ một phần lãnh thổ của Nga. 

Radar “Voronezh” đang được Nga triển khai rộng khắp - Ảnh: nador.ru
Trước mắt, các hệ thống tên lửa như S-300, S300V4, S-400 vẫn là phương tiện phòng thủ đáng tin cậy và tốt của Nga. Ngoài S-500, dự kiến tới năm 2020, Nga sẽ có thêm 30 hệ thống tên lửa tầm trung “Vityaz”. Tựu trung, từ nay đến năm 2020, lực lượng phòng thủ hàng không - vũ trụ Nga sẽ được chi 20%/tổng ngân sách quốc phòng của nước này. Trong vòng 7 - 8 tới, Chính phủ Nga dự chi ngân sách quốc phòng là 23.000 tỉ rup (tương đương 760 tỉ USD).
Trong khuôn khổ chương trình xây dựng lực lượng phòng thủ hàng không - vũ trụ, đến năm 2016 hệ thống thông tin liên lạc của Nga sẽ hoàn toàn chuyển qua chuẩn kỹ thuật số. Như vậy, việc phát hiện, dò tìm mục tiêu các loại kể cả tên lửa hành trình của đối phương sẽ được nhanh hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn. Các loại radar lạc hậu như “Dnepr”, “Volga” và “Daryal” sẽ được thay thế mới hoàn toàn. Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa (SPRN) bao gồm các radar “Voronezh” sẽ được bố trí rộng khắp trên lãnh thổ Nga, trước mắt là tại Lekhtusi (khu vực Leningrad), Armavir (vùng Krasnodar) và Kaliningrad (khu vực phía tây xa nhất của Liên bang Nga). Tiếp đến radar “Voronezh” sẽ lắp đặt tại Pechore (Cộng hòa Komi, thuộc Nga), Barnaul (vùng Altai), Eniseisk (vùng Krasnoyasky) và Omsk, Olennegorsk (vùng Murmansk).
Nga còn đặt radar tại nước ngoài như ở Sirya, phía nam Damascus nhằm kiểm soát khoảng không thuộc Israel, Jordan và Ả Rập Xê Út. Trạm radar của Nga ở Sirya còn có thể liên kết với trạm radar của Sirya đặt ở Li-băng và như vậy nó có thể kiểm soát không phận của vùng Địa Trung hải, kể cả không phận của Hy Lạp và Cuprus.
Moscow còn thuê địa điểm ở Azerbaijan (300 triệu USD/năm) để đặt  trạm radar “Daryal” nhằm phát hiện tên lửa hành trình. Nga còn dự tính triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tại Cộng hòa Armenia. Đó là chưa kể trong khuôn khổ của Hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), đến năm 2015, Nga sẽ trang bị hệ thống S-400 cho Belarus và Kazakhstan. Dù trên danh nghĩa là bảo vệ hai quốc gia láng giềng, nhưng thực tế là bảo vệ Moscow từ xa. 
Tựu trung, đến năm 2020, dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng thủ hàng không - vũ trụ Nga có thể sẽ có hệ thống phòng thủ - tấn công tên lửa chiến lược 3 lớp lớn nhất thế giới. Hiện chỉ có Mỹ là nước có hệ thống phòng thủ tên lửa có thể bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Hàng loạt các thành phần thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được đặt tại Anh, Pháp, Ấn Độ và Trung Quốc. Mỹ đang dự tính xây dựng thêm một lớp phòng thủ tên lửa thống nhất tại châu Âu, giáp với biên giới nước Nga và nó mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu dù Nga đang phản đối rất mạnh kế hoạch này. Có thể thấy cuộc đua tranh giữa Mỹ và Nga trong triển khai hệ thống phòng thủ - tấn công tên lửa chiến lược khó có điểm dừng.

3 lớp hệ thống tên lửa phòng thủ và tiến công của Nga
* Lớp phòng thủ tầm ngắn (30 - 40 km): Bao gồm các  tên lửa như các hệ thống:“Buk”, “Panxir-S1” và “Morphei” để bảo vệ các công trình nhỏ.
* Lớp phòng thủ tầm trung (40 - 200 km): Bao gồm các hệ thống tên lửa như: S-300, S-300V4, “Vityaz” để bảo vệ các cơ sở công nghiệp lớn, các trung tâm hành chính, các căn cứ quân sự.
 * Lớp phòng thủ tầm xa (từ 200 km trở lên): Bao gồm các hệ thống tên lửa hiện đại nhất như S-400 và S-500, có khả năng đánh chặn các mục tiêu do thám, máy bay chiến lược của đối phương, cũng như tiến công và đánh chặn tên lửa hành trình… Trong tương lai sẽ có thêm hệ thống S-1000.
Ông Vương Hoàng

3 comments:

  1. Rất cảm ơn về bài viết của bạn, bài viết rất hay và ý nghĩa.
    Nếu bạn có nhu cầu về chăn ga gối đệm liên hệ bên mình nhé
    hộ CHĂN GA GỐI SÔNG HỒNG
    *********************************************************************************************
    CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT VÀ ĐẦU TƯ MINH PHONG
    ĐC: 113 Nguyễn Trãi, P. Thượng Đình, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội
    Điện thoại: 024 6260 5064 - Hotline: 0981.212.212 - 1900.636.746
    Website: www.thegioidemonline.com

    ReplyDelete
  2. Du lịch cùng với vietnam motorbike tours Loop Bike Tours bạn sẽ cảm nhận mới hoàn toàn khác với những lần phượt trước đây, tại sao không thử

    ReplyDelete
  3. Trên đây là tổng hợp tất cả những thông tin về lý do đã có Visa nhưng vẫn bị từ chối nhập cảnh vào nước Mỹ: https://unitedairlines-vn.com/ve-may-bay-di-my. Mong sẽ giúp ích được cho bạn đọc rất nhiều. Chúc các bạn luôn có những giây phút du lịch thư giãn nhất.

    California là một thành phố với nhiều điểm tham quan hấp dẫn, book vé máy bay giá rẻ đi Denver và cùng với đó là vô số các trung tâm thương mại, địa điểm mua sắm cho các tín đồ shopping. Vậy những kinh nghiệm mua sắm tại Cali mà các tín đồ du lịch của chúng ta cần lưu ý là gì?

    ReplyDelete