Wednesday, March 14, 2012

Sức khỏe của chúng ta(131)

Chuột rút
Đang đắm mình trong giấc ngủ say, đột nhiên ông Vân thấy bắp chân co giựt liên hồi rồi đau nhức từ gót chân lên đầu gối, đau chịu không nổi, như cắt thịt đứt da.Ông nhăn nhó ôm chân la làng. Bà Vân nằm bên cạnh vội vàng nhổm dậy, kiếm hộp dầu cù là thoa thoa, bóp bóp, an ủi.
Mấy phút sau, cơn đau giảm dần nhưng bắp chuối còn mỏi. Ông bà Vân không ngủ trở lại được, bèn rủ nhau dậy nấu nước sôi pha trà Thái Nguyên uống, nhắc lại chuyện đời xưa.

Sáng hôm sau lật đật đi bác sĩ để tìm hiểu nguyên do, điều trị. Từ mấy tuần lễ nay, chân ông cứ bị đau thắt như vậy nhiều lần.

Thưa đó là ông Vân đã bị chứng “chuột rút” ở bắp thịt dưới chân.

Ông Vân chẳng phải là người duy nhất với “nửa đêm thức giấc đau chân” như vậy. Cùng lúc đó có cả triệu người khác cũng đang ôm chân nhăn nhó. Con chuột nó rút cơ bắp chuối của quý thân hữu và nó không chịu nhả ra, cơ liên tục co cứng, gây đau.

Tiếng Hồng Mao gọi là “leg cramp”, người mình gọi giản dị là
“Chuột Rút” hoặc “Vọp bẻ”.
Vậy Chuột Rút là gì?

 Chuột rút là sự co thắt đột ngột, ngoài ý muốn và gây đau ở một bắp thịt làm cho sự cử động khó khăn. 
Chuột rút có thể xẩy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường thấy ở bắp chuối giữa đầu gối và cổ chân, bắp thịt đùi và hông (cơ đùi trước và đùi sau giữa đầu gối và hông), dọc theo bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Cơ co có thể chỉ lâu vài giây đồng hồ tới vài phút nhưng cũng có thể hết đi rồi co trở lại.

Bệnh thường xẩy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc sau khi vận động, sử dụng cơ bắp lâu dài.

Bệnh thấy ở mọi giới mọi tuổi nhưng nhiều hơn ở lớp trẻ và lão niên trên 65 tuổi

Nguyên Nhân

Nguyên nhân của chuột rút chưa được biết rõ, có thể là là do vận động quá mức hoặc trong tình trạng tĩnh tại quá lâu như khi ngủ ban đêm, khi ngồi lâu cùng vị trí.

a-Chuột rút ban đêm có thể vì:

-Ban ngày đứng lâu trên mặt bằng cứng, cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc
-Có tật ở bàn chân, như trường hợp không có độ cong của mu bàn chân, gót chân nằm phẳng trên mặt đất (flat-foot) khiến cho bắp thịt luôn luôn căng
-Thiếu nước trong cơ thể
-Người hơi mập, chân chịu sức nặng liên tục
-Mang giầy quá chật, gót quá cao
-Mất cân bằng chất điện giải trong máu
-Tác dụng của một số dược phẩm như thuốc statin, prednisone, thuốc lợi tiểu chữa cao huyết áp làm giảm K và magnesium trong máu,
-Thiếu K, Na. vì ói mửa, tiêu chẩy, đổ nhiều mồ hôi
-Chuột rút trong các bệnh tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu hồng cầu, bệnh tuyến giáp hoặc nội tiết, bệnh thận đang lọc máu...
-Rối loạn tuần hoàn, bệnh mạch máu chi dưới khi đi lại nhiều.
b-Chuột rút sau khi vận động thường thấy ở các bắp thịt lớn, kéo dài tới vài chục giây đồng hồ. Nguyên do có thể vì:
-Cơ bắp mệt mỏi
-Vận động quá lâu, quá mạnh
-Vận động khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh
-Mất chất điện giải trong cơ thể như K, magnesium, muối natri, calcium.
-Tích tụ acid lactic trong bắp thịt sau khi vận động lâu dài.
- Mới đây có giải thích cho rằng, rối loạn dẫn chuyền tín hiệu giữa cơ bắp và dây thần kinh bị rối loạn, cho nên dù não bộ muốn cơ thư giãn sau khi co nhưng cơ vẫn tiếp tục co, gây ra đau. Theo giải thích này, người ngồi làm việc lâu, ngồi không ngay ngắn đúng vị thế cũng hay bị chứng co cứng cơ đau nhức này.
c-Sách Danh Từ Y Học do bác sĩ Lê Khắc Quyến:

Theo biên soạn có ghi nhiều chứng chuột rút liên quan tới một số nghề nghiệp khác nhau như chuột rút thợ cạo, chuột rút người đánh máy, chuột rút văn sĩ, chuột rút người hầu bàn, chuột rút điện báo viên, chuột rút người vắt sữa bò, chuột rút diễn giả...Đây là những công việc mà người thực hiện phải dùng đi dùng lại một số bắp thịt. Riêng trường hợp chuột rút nhà diễn giả, chắc là hăng say, miệng dính chặt vào micro, nói thao thao bất tuyệt, nên con chuột trong bắp thịt lưỡi mệt mỏi, co cứng.

Điều trị

Thường thường chuột rút không kéo dài lâu và không gây ra hậu quả trầm trọng. Tuy nhiên, khi đang lái xe, điều khiển máy móc hoặc đang bơi lội thì tai nạn có thể xảy ra. Sau đây là một số phương thức nên áp dụng để giải tỏa cơn đau:
-Nhẹ nhàng thoa bóp bắp thịt bị co

-Khi chuột rút ở bắp chuối, nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn lên phía trần nhà, hướng về đầu gối.
-Khi co cơ bắp đùi, nhờ người kéo thẳng chân ra, nâng cao gót chân đồng thời ấn đầu gối xuống.
-Khi co cơ xương sườn, nên hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt quanh ngực
-Tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt
-Thong thả đạp xe đạp chừng dăm phút trước khi đi ngủ
-Đặt một cái chăn ở cuối chân giường để các ngón và bàn chân khỏi chúi xuống trong khi ngủ. Bàn chân chúi xuống làm căng thẳng bắp chuối.
-Mang giày thích hợp, không bó chặt bàn chân, gót giày không quá cao.
-Bơi lội cũng giúp vươn duỗi cơ bắp, giảm co cứng cơ.
-Mang tất đàn hồi hơi ép vào mạch máu để tránh máu ứ đọng ở tĩnh mạch hạ chi.
Có người nói để một cục xà bông dưới khăn phủ giường để tránh chuột rút. Xin quý thân hữu áp dụng thử coi và “công bố” kết quả cho bà con biết mà làm theo.

Thuốc Quinine sulfate được coi như khá công hiệu để điều trị chuột rút, nhưng có nhiều tác dụng ngoại ý không tốt (ù tai, rối loạn thị giác, chóng mặt, buồn nôn, giảm tiểu cầu, rối loạn nhịp tim), cho nên cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ khi dùng. Vì lẽ đó, từ năm 1995, Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ cấm bán tự do các loại thuốc bổ (tonic) có chất quinine. Đang có thai, bệnh thận, bệnh tim không được dùng quinine.

Dược phẩm có hoạt chất diphenhydramine hydrochloride (benadryl), sinh tố E, thuốc thư giãn cơ (equanil, miltown), veramil hydrochloride (Calan, Isoptin, Verelan), chloroquine phosphate (Aralen Phosphate) và hydroxychloroquine sulfate (Plaquemil sulfate) cũng có đôi chút công hiệu.

Phòng ngừa

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cho nên xin hiến vài mẹo vặt để phòng tránh:
-Uống nước đầy đủ. Liên hệ nhân quả giữa thiếu nước và chuột rút chưa được biết rõ, nhưng khi cơ thể thiếu nước thì chuột rút xẩy ra. Vì thế, cần uống nước đầy đủ trước, trong khi và sau khi tập luyện cơ thể và trước khi đi ngủ buổi tối.

-Thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần vận động cơ thể.
-Tập vươn duỗi chân mỗi buổi sáng, trước khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối:
a-Đứng thẳng cách xa tường 15 cm, gót chân chạm đất

b-Giữ gót chân chạm mặt đất, ngả mình về phía trước, hai bàn tay chống lên tường
c-Đẩy hai bàn tay lên trên, giống như lau tường, càng cao càng tốt
d-Giữ nguyên vị trí trong 30 giây, rồi buông tay xuống, thư giãn.
Nhắc lại các động tác trên năm lần.
-Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt. Làm như vậy để máu dễ dàng lưu thông ở bắp chuối
Trước khi vận động cơ thể, nên dành mươi phút “hâm nóng” toàn thân và “vươn duỗi” cơ bắp để tránh chuột rút.

Chuột rút bắp chân khi có thai.

Phụ nữ có thai thường hay bị chuột rút vào tháng thứ sáu của thai kỳ và kéo dài khi bụng ngày càng lớn. Khó khăn thường xảy ra vào ban đêm.

Nguyên nhân chưa được biết rõ. Có ý kiến cho là vì:
-Thiếu calcium, phospho, magnesium,

- Do các cơ ở dưới chân phải mang sức nặng quá lâu của dạ con, thai nhi nên mệt mỏi hoặc
-Thai nhi và tử cung lớn dần, cơ và dây chằng tử cung căng giãn
- Sức nặng và độ lớn của tử cung ảnh hưởng lên các mạch máu ở hạ chi.
Để tránh khó khăn này:

-Không nên đứng hoặc ngồi tréo chân quá lâu

-Vươn duỗi bắp thịt cẳng chân (bụng chân, bắp chuối) nhiều lần trong ngày và trước khi đi ngủ.
-Cử động khớp cổ chân, các ngón chân trong khi ngồi, ăn cơm, đọc sách báo hoặc coi TV
-Chậm rãi đi bộ nếu bác sĩ không cấm
-Tránh làm việc quá mệt mỏi, nằm nghỉ khi cần
-Uống nước đầy đủ.
-Tắm nước ấm trước khi đi ngủ để thư giãn bắp thịt
Nếu đang bị chuột rút, có thể thoa bóp bắp thịt hoặc chườm với bình nước nóng; vươn duỗi bắp chuối, kéo bàn chân và ngón chân về phía ống quyển, nhẹ nhàng đi lại để bắp thịt thoải mái, tránh chúi đầu ngón chân khi thả lỏng bắp thịt...

Có ý kiến cho là dùng thêm calcium hoặc magnesium cũng giúp giảm thiểu chuột rút, nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Nếu chuột rút kéo dài, xảy ra nhiều lần thì nên đi bác sĩ để tìm ra căn nguyên và điều trị, vì đôi khi có thể là do cục máu hạ chi

Hội chứng Chân- Không -Nghỉ (Restless Leg Syndrome)

Đây là một rối loạn chuyển động của chân mà nguyên nhân chính chưa được biết rõ. Khoảng từ 3 tới 15% dân chúng bị hội chứng này.

Người bệnh than phiền có cảm giác khó chịu, rần rần như có con vật gì đó bò ở dưới da, nhất là khi nằm ngủ ban đêm hoặc ngồi lâu. Để giải tỏa khó chịu, họ phải liên tục cử động chân bằng cách đi lại, vươn duỗi chân. Bệnh nhân ngủ không yên và không ngồi lâu, như đi xa trên máy bay hoặc xe hơi.

Nguyên nhân gây ra hội chứng chưa được xác định. Có ý kiến cho là do rối loạn hệ thần kinh, thiếu hóa chất dopamine ở não bộ, do gen di truyền hoặc cơ thể thiếu khoáng sắt.

Một số yếu tố liên hệ tới hội chứng này là:
 
-Giới tính:
thường thấy ở nữ giới nhiều hơn nam giới.
-Tuổi tác: hội chứng tăng với tuổi: rất ít ở tuổi thiếu niên, nhiều hơn sau 65 tuổi.
-Liên hệ gia đình:
2/3 người bệnh có liên hệ gia đình và thường xẩy ra trước tuổi 40.
-Phụ nữ có thai:   Khoảng 20% phụ nữ mang thai than phiền bị rối loạn này, nhưng sau khi sinh con thì hết bệnh.
-Lo âu có thể gây ra sự bất an, đứng ngồi không yên tương tự như hội chứng Chân Không Nghỉ.
-
Lọc máu: Nhiều người lọc máu vì thận suy cũng than phiền bị hội chứng này. Sau khi được thay thận thì hội chứng hết.
-
Hội chứng cũng thấy trong các bệnh như viêm xương khớp, tiểu đường, mập phì, nghiện rượu, thiểu năng tuyến giáp, thiếu hồng cầu, bệnh cơ bắp, thương tích não bộ tủy sống...
-Một số dược phẩm
như thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, chống suyễn, chống nghẹt mũi, lợi tiểu...cũng có thể gây ra hội chứng.
-Cơ thể thiếu
chất sắt, magnesium, folic acid...
-Cơ thể mệt mỏi
, nhiều căng thẳng, tiếp xúc quá lâu với lạnh.
-Caffeine
, nicotine, chất rượu đều có thể gây ra hội chứng.
Hậu quả của hội chứng chân luôn luôn chuyển động là mất ngủ và bệnh nhân luôn luôn ở trong tình trạng “đứng ngồi không yên”, gây ra mệt mỏi.

Bệnh có thể điều trị được. Trước hết là chữa nguyên nhân hoặc các rủi ro đưa tới bệnh.

Thuốc ropinirole (Requip) đã được chấp thuận để chữa HCCKN.

Ngoài ra các thuốc gabapentin (Neurontin), clonidine, carbidopa-levodopa, tramadol (Ultram) cũng có vài công hiệu.
Tất cả các thuốc này cần được bác sĩ chỉ định, hướng dẫn cách dùng, theo dõi kết quả cũng như tác dụng ngoại ý.
BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC
Chân bị chuột rút (vọp bẻ) vào ban đêm, tiếng Anh gọi là “nocturnal leg cramps” rất thường gặp ở người lớn tuổi và không phải là hiếm gặp ở người trẻ hơn. Tuy gây khó chịu, mất ngủ, nhưng chứng này thường không nguy hiểm. Thường thì chuột rút chỉ kéo dài vài giây hoặc nhiều lắm là vài phút, nhưng sau đó triệu chứng ê đau có thể kéo dài cả ngày hay vài ngày.
Ở người lớn tuổi, thần kinh ở chân, nhất là vùng bắp chuối hoặc bàn chân thường trở nên “khó chịu”, dễ bị kích thích hơn. Ðiều này làm cho bắp thịt bị co bóp và đọng chất calcium ở trong các tế bào của các bắp thịt nhiều hơn, khiến cho chúng khó giãn ra hơn.
Nguyên nhân thường gặp nhất của chứng chuột rút là không có nguyên nhân rõ ràng (idiopathic-tự phát). Ngoài ra, các nguyên nhân có thể gặp là:
Sự thiếu nước và chất khoáng trong cơ thể như calcium, magnesium, sodium, potassium. Ðiều này có thể xảy ra sau khi thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, khi có bầu (có thể do thiếu chất Magnesium.)
Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, sự giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân (flat feet.)
Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết.
Ðôi khi, một số bệnh thần kinh như bệnh Parkinson, các bệnh về bắp thịt (myopathies), các rối loạn về thần kinh (neuropathies) cũng gây ra triệu chứng chuột rút.
Việc đầu tiên là phải xem ta có bị các yếu tố nào như đã kể trên hay không, để tránh. Việc thiếu các chất khoáng có thể xác định bằng cách thử máu. Uống sữa hoặc một hai viên calcium mỗi ngày (nhớ uống nhiều nước khi uống calcium) cũng là điều tốt ở người lớn tuổi - dễ bị loãng xương -. Ở người lớn tuổi, cảm giác khát thường giảm đi, và do đó, có thể bị thiếu nước mà không biết. Nên nhớ uống đủ nước, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục.
Những người ít vận động có thể thử ngừa chuột rút ban đêm bằng cách đạp xe đạp tại chỗ (stationary bicycle) một ít phút buổi tối trước khi đi ngủ.
Các bài tập đơn giản làm căng (stretch) bắp chuối cũng có thể có ích.

Một trong những cách đơn giản có thể làm tại nhà là đứng thẳng các tường khoảng một thước, giơ thẳng hai tay chống vào tường, rồi nghiêng người về phía trước, làm cho bắp thịt ở bắp chuối căng ra, giữ ở tư thế này khoảng 10-30 giây, lập lại khoảng 5 lần, làm như vậy bốn lần một ngày trong tuần đầu, sau đó mỗi ngày hai lần.
Một số điều khác cũng có thể có ích là chườm nóng ở các bắp thịt bị ảnh hưởng, nhất là trước và sau khi tập thể dục. Cũng cần để ý mang giày vừa vặn và thích hợp. Người Việt Nam chúng ta thường mang săng đan hoặc giày ba ta đế phẳng mềm khi đi bộ, có thể làm cho bàn chân bị mất độ vòm cần thiết, cũng có thể gây ra chuột rút và đau bắp chuối hay các bắp thịt ở bàn chân. Chúng ta nên dùng các loại giày đi bộ đế cứng, loại tương đối tốt.
Khi đã bị chuột rút, lắc lắc bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên cũng có thể giúp ích.
Một số phương pháp đơn giản khác đôi khi cũng có thể giúp ích là đi tắm hoặc ngâm (trong bồn tắm) nước ấm hoặc xoa bóp bằng nước đá
Nếu các biện pháp trên chưa đủ hiệu quả, một số thuốc có thể giúp ích. Thuốc thường được dùng nhất là “ký ninh” (Quinine - ở Việt Nam thường được dùng trị sốt rét) dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, một số thuốc khác cũng có thể sẽ được bác sĩ cho dùng thử. Các thuốc này có thể là thuốc làm giãn bắp thịt, vitamin E, diphenhydramine, Verapamil, Chloroquine. Gabapentin... Các thuốc này thường chỉ dùng theo kinh nghiệm, chứ chưa được chứng minh một cách khoa học bằng các nghiên cứu. Có thuốc có hiệu quả ở người này nhưng lại không có hiệu quả ở người khác.
Ðiều quan trọng là mỗi thuốc đều có thể có các tác dụng phụ nguy hiểm (tùy theo từng trường hợp riêng biệt) và được dùng ở liều thích hợp cho từng người và từng bệnh khác nhau. Nếu không được theo dõi bởi bác sĩ, không nên tự tiện dùng thuốc (dù) mua không cần toa bác sĩ hoặc “mượn” thuốc của người quen.
Nếu thử các biện pháp không dùng thuốc mà vẫn chưa thấy bớt, ta nên đến bác sĩ để được thăm khám, thử máu, và được kê toa thích hợp.
Nếu không chỉ là chuột rút thỉnh thoảng vào ban đêm, mà là đau, chuột rút thường xuyên khi đi bộ, đó có thể là triệu chứng của nghẽn các động mạch đến chân. Trong trường hợp này, cần đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.  
NHỨC ĐẦU
Tôi bị chứng nhức đầu kinh niên, mỗi lần đau thì như búa bổ, mắt mờ đi muốn ói, chữa đủ thứ thuốc không khỏi. Xin bác sĩ vui lòng chỉ cách chữa và cho biết các nguyên nhân. Ông Minh.
 Nhức đầu là vấn đề khá  phức tạp và khá phổ thông vì hầu như ai cũng bị nhức đầu không khi này thì  khi khác.
  Chứng này khiến người bệnh thường xuyên đi khám bác sĩ đồng thời lại gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh không những chịu đựng sự đau như búa bổ trên đầu, mà còn những mất ngủ, mất tập trung, dễ kích thích, bực mình vì những lý do không đâu. Họ còn sợ tiếng động, sợ ánh sáng khiến đôi khi phải thu mình trong bóng tối.
  Chín mươi phần trăm các trường hợp nhức đầu xẩy ra mà không có nguyên nhân, còn 10% là dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh trong cơ thể, như tai biến mạch máu não, nhiễm độc hoặc u bướu não, các bệnh răng miệng, mắt, viêm xoang mặt.
 1- Chứng đau nửa đầu
Đây là loại nhức đầu khá thông thường mà các cụ ta gọi là Thiên Đầu Thống (Migraine Headache)
Nhức đầu xẩy ra khi mạch máu trên não co hẹp  lại rồi giãn ra rất nhanh khiến thành mạch máu căng đau  theo mỗi nhịp tim đập. Cơn đau bắt đầu từ phần giữa trán hoặc phía trên  con mắt rồi lan ra một nửa  đầu và có thể kéo dài cả mấy giờ đồng hồ, đôi khi cả hai ba ngày.
 
Bệnh nhân thường bị ói mửa, sợ ánh sáng và tiếng động, mất tập trung, không suy nghĩ được, tất cả đều gây trở ngại cho công ăn việc làm. Đôi khi ngửi mùi gì lạ, leo cầu thang hay làm việc nặng nhọc cũng khiến họ nhức đầu.
 
Trong nhiều trường hợp, có một vài dấu hiệu báo trước như mỏi mệt, bẳn tính, bồn chồn, mắt mờ, nổ đom đóm mắt, tai ù, tê đầu ngón chân tay, chóng mặt, buồn nôn.
 
Các chuyên gia về nhức đầu đều nhận thấy là người mắc bệnh này thường rất nguyên tắc, làm gì cũng muốn cho toàn hảo, có phương pháp, kiềm chế tức giận cũng như không chịu dưới quyền  điều  khiển người khác.
 
Đã có nhiều cố gắng tìm hiểu căn nguyên nhức đầu này nhưng chưa có giải thích thỏa đáng.
 
Nhức nửa đầu thường xẩy ra cho nhiều người trong cùng gia đình. Nữ giới hay bị bệnh hơn nam giới nhưng ở trẻ em thì con trai hay bị nức nửa đầu hơn con gái.
 
Có giải thích cho là bán thiên đầu thống gây ra do sự thay đổi hóa chất trong não bộ hoặc sự thay đổi kích tố, nhất là estrogen có thể là nguy cơ gây thiên đầu thống ở nữ giới khi họ có kinh kỳ mỗi tháng.
 
Một vài thực phẩm cũng có thể gây ra cơn nhức đầu ở một số người như  pho mát cũ, bột ngọt, hành, rượu vang, sữa chua, giấm.
 
Dược phẩm thường dùng để giảm đau: Ibuprofen, Naproxen, Ergotamine, Sumatriptan, Naratriptan.
 
 2- Nhức đầu do căng thẳng
 
Trường hợp một ông chủ báo cứ mỗi hai tuần phải lo bài vở để báo lên khuôn. Gần đến ngày in báo là ông ta thấy nhức đầu như búa bổ, cơ thịt ở cổ như cứng lại, quay nhẹ cũng gây đau. Ông ta đang ở dưới một  tâm trạng căng thẳng vì chưa đủ bài lấp kín các trang báo.
 
Sự căng của cơ thịt  là phản ứng tự nhiên cho các khổn lực (Stress). Nếu không được giải tỏa bằng thư giãn thì cơ thịt căng sẽ trở nên đau đớn và kéo theo sự co của các mạch máu, làm cho cơn đau nặng hơn. Khi sờ vào thì cơ thịt như sưng lên từng cục nhỏ.
 
Đây là loại nhức đầu thông thường nhất mà đa số chúng ta đôi khi ai cũng có thể mắc phải, nhất là khi tâm thần căng thẳng, thể xác mệt mỏi. Nhiều người cho là do tưởng tượng  nhưng thựa ra là các cơn đau đều có lý do.
 
Chẳng hạn đi làm phải tập trung lái xe nhiều giờ trên xa lộ kẹt cứng  lưu thông; cận ngày nộp giấy tờ thuế lợi tức mà chưa làm xong là vài thí dụ cụ thể.
 
Đa số bệnh nhân là những người có khuynh hướng kiềm chế  cơn nóng giận, bực mình, lo âu và thấy cuộc đời đẫy rẫy những căng thẳng. Họ luôn luôn phấn đấu, làm việc không kể thời gian, bất mãn với sếp lớn, không thỏa mãn với việc làm.
 
Nhiều khi vị thế không đúng của cổ khi nằm ngủ, đánh máy chữ, nói điện thoại cũng làm cơ thịt căng co. Có người nhức đầu vì uống nhiều cà phê, nước trà hoặc  rượu mạnh.
 
Người bệnh than phiền đau nhức trên tất cả đầu, nhức như có cái vòng kim cô của Tây Vương Mẫu siết chặt quanh đầu. Các cơ thịt ở cổ, ở mặt co căng, nhức nhối. Bệnh nhân không ói mửa hay có dấu hiệu gì về thị giác như  trong bệnh thiên đầu thống.
 
Nhức đầu do căng thẳng thường giảm đi  khi dùng vài loại thuốc đau nhức thường như  Tylenol, Aspirin. Một vấn đề là đôi khi người bệnh dùng quá thường xuyên các thuốc đau nhức có chất cafeine, khiến họ trở nên ghiền cà phê.
 
Có thể đắp nước ấm, dùng heating pad, thoa bóp  để làm  thư giãn cơ thịt cũng giúp giảm đau.
 
Nhức đầu loại này đôi khi không cần thuốc trị mà chỉ cần tránh căng thẳng, giải quyết khó khăn, sống với tâm hồn bình thản, thư giãn cơ thể cũng hết.
 
Thuốc thường dùng: Ibuprofen, Naproxen, Hydrcodone; thuốc thư giãn tâm thần Fluoxetine, Doxepin, Amitryptiline.
 
 3- Cluster headache
Còn một loại nhức đầu nữa gọi là cluster headache. Loại này thường có nhiều ở đàn ông hơn đàn bà. Cơn đau kéo dài chừng nửa giờ, đau kinh khủng ở nửa đầu, nhất là ở chung quanh hay đằng sau con mắt. Người bệnh thường có thêm vài triệu chứng như chẩy nước mũi, nước mắt, mắt đỏ.
Thuốc thường dùng: Ergotamine, Prednisone, Sumatriptan, Clonidine.
  Kết luận.
  Các thuốc trị kể trên có nhiều tác dụng phụ, cần được sự hướng dẫn của bác sĩ.
  Ngoài ra xin khám bác sĩ ngay nếu:
  Bất chợt nhức đầu nặng hơn các cơn đau khác;
Nhức đầu tăng dần trong 6 tháng;
Nhức ở một điểm trên đầu;
Khi có  kèm theo các dấu hiệu thần kinh;
Nhức đầu xẩy ra hai ba lần trong tuần.
Phải uống thuốc liên tục hay tăng lượng thuốc để bớt đau;
Nhức đầu kèm ói mửa;
Nhức đầu với sốt nóng, nổi ngứa trên da hoặc cổ cứng nhắc;
Nhức đầu khi vận động cơ thể;
Nhức đầu sau khi bị chấn thương xương sọ.
BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC 
Đời Sống và Stress
“Quê người há chẳng phường xanh mắt
Cảnh nghịch ai không chóng bạc đầu”
Trần Danh Án (1)
 
Nếu các ông Nghị của Denver đồng ý thì nơi đây sẽ là một thành phố đầu tiên trên thế giới mà dân chúng được bảo vệ khỏi những khổn lực, căng thẳng.
            Đó là nhờ ở nhà hoạt động Jeff Peckman với đề nghị “ Initiative for Safety Through Peace”. Một sáng kiến an toàn trong hòa bình mà anh ta chuyển sang Hội Đồng Thành Phố để yêu cầu thảo luận, biểu quyết.
Jeff là thành viên của Đảng Luật Thiên Nhiên (Natural Law Party). Anh ta yêu cầu thành phố phải bảo đảm sự an bình của dân chúng bằng cách chấp nhận và cổ võ cho việc giảm căng thẳng của mọi người. Chẳng hạn đặt âm nhạc thư dãn nơi công cộng, cải biến phần ăn trưa của học sinh, tổ chức nhiều cơ hội để dân chúng cắm trại, vui đùa... sau những ngày làm việc vất vả...
Theo Jeff, “ căng thẳng (stress) là một loại rác rưởi mà thành phố phải hốt bỏ”.
Nghe thấy vậy, cụ Ba Phải Giao Chỉ phán rằng: “ Anh chàng này trẻ người non dạ vậy mà “ lói lăng cũng có ný ”. Ngoại cảnh rối loạn, tâm thân bất ổn thì đời sống làm sao mà an bình cho được”.
Denver là thành phố trên năm trăm ngàn dân cư, với nhiều điều tốt: tội ác rất thấp, không khí trong lành, một năm có 300 ngày nắng ấm, 60% dân chúng ham học, có thẻ mượn sách ở thư viện
Phản ứng của các quan ông quan bà nghị viên về đề nghị của Jeff đều có vẻ rất “ căng”.
Một ông nghị nói “dân chúng bầu chúng tôi lên đâu có phải để bàn cãi, giải quyết cái đề nghị kỳ quặc, phù phiếm như vậy” .
Một bà nghị khác than phiền” Chúng tôi đang rất căng thẳng (stressed out) vì cái đề nghị điên khùng của anh ta”.  
            Vậy thì stress là cái gì mà cần phải một điều luật để giải quyết. Và nguy hại của nó ra sao?
Stress trong đời sống không phải là điều mới lạ. Tổ tiên ta xưa kia cũng có những căng thẳng: sợ thú rừng ăn thịt; sợ nước lũ cuốn trôi; sợ thần linh trừng phạt. Nhất là sợ về nhà bị vợ cằn nhằn vì đi săn không bắt được mồi. Lại phải ôm Trăng ngủ ghế đá ngoài trời...Và còn nhiều thứ sợ khác nữa.
Rồi tới thời đại văn minh ngày nay thì cũng có cả trăm thứ căng thẳng. Có người đã ví stress là hậu quả của nếp sống tiến bộ. Cuộc sống hàng ngày của ta như như chạy đua với nhiều đòi hỏi. Đa số những căng thẳng có liên hệ tới công việc làm ăn. Theo thống kê, con người hôm nay làm việc cả trăm giờ nhiều hơn vào vài chục năm về trước. Biết bao nhiêu nhu cầu cho gia đình, cho sức khỏe, cho an toàn cá nhân, tài chánh. Chúng ta có nhiều vấn đề cả ngàn lần nhiều hơn tổ tiên ta mà thời gian để giải quyết thì cũng chỉ có vậy.
Cô thư ký mới bị sếp lớn khiển trách, dọa cho nghỉ việc. Tim cô đập nhanh, cuống họng khô, nghẹn ngào không nói được. Tối về than phiền với chồng: “Em đang bị stress đây”
Một ông chủ bút bù đầu kiếm bài cho số báo cuối tuần , hít khói thuốc liên hồi, nhức đầu, mặt nhăn như bị rách cũng kêu đang bị stress.
Một bà chủ tiệm Phở đông khách, đếm tiền không kịp, thở dài, nói:” Chán quá! em muốn sang tiệm vì công việc nhiều stress quá”! Nhưng chẳng bao giờ thấy bà sang tiệm mà chỉ thấy mỗi buổi chiều mang tiền tươi đi gửi ngân hàng đều đều. Thực là trăm khó khăn đổ lên đầu stress. Stress đã là đề tài cho nhiều nghiên cứu khoa học từ cả thế kỷ nay.
Năm 1920, nhà sinh học uy tín Hoa Kỳ Walter Cannon đã tả căng thẳng như là một đáp ứng: “chống cự hoặc bỏ chạy”, để bảo toàn sinh mệnh” - tả hay tẩu- (Fight or Flight). Bình thường thì phản ứng này giúp ta vượt qua khó khăn bằng sự gia tăng vài hóa chất trong cơ thể. Nhưng nếu liên tục, hóa chất cao sẽ đưa tới tác dụng không tốt
Rồi phải đợi tới năm 1956, danh từ Stress mới được Y sĩ Gia Nã Đại gốc Áo Hans H Selye phổ biến trong quần chúng. Theo Selye, “Stress là một phản ứng không đặc biệt của cơ thể trước một đòi hỏi nào đó. Nó là một phần của đời sống con người”.
Nhà tâm lý học Mc Grath lại coi “stress như một sự mất thăng bằng giữa đòi hỏi và khả năng đáp ứng. Khi đáp ứng không thỏa đáng sẽ có hậu quả không tốt”.
Một tác giả khác, Richard Lazarus cho “stress là một diễn tả chủ quan từ tâm trí, nên nó xuất hiện tùy theo cách nhìn của con người với sự việc”.
Nói một cách giản dị thì stress là đáp ứng của ta trước một khó khăn xẩy đến với ta.
            Vì thế, trước cùng một biến cố mà người này cho là căng thẳng thì người khác lại cho là bình thường. Chẳng khác gì miếng filet mignon tốt với người thiếu hồng cầu thì lại không tốt với người dị ứng với thịt bò. Hoặc việc tranh luận với bà vợ về bát canh cua quá mặn không có gì là stress. Nhựng sự tức giận, đập bàn đập ghế mới là stress.
Vào một thời điểm nào đó, chúng ta ai cũng có stress. Cũng như ai cũng có thể bị cảm lạnh, nhức đầu. Cảm lạnh, nhức đầu không ở lại lâu. Nhưng stress có thể làm phiền ta cả tuần, cả tháng. Có khi lâu hơn và có thể hủy hoại ta.
Nhóm nghiên cứu bên Nga đã thử nghiệm khả năng chịu đựng ghen tuông của một chú chuột. Họ chia cách một cặp vợ chồng chuột vào hai cái lồng. Cho một chuột đực lạ vào lồng có chuột cái. Anh chồng tức điên lên mỗi khi thấy vợ mình âu yếm với tình lang mới mà không làm gì được để cứu bồ. Mấy tháng sau chú ta chết vì bệnh tim mạch, mặc dù vẫn được ăn uống đầy đủ.
Rõ là:
“ Giết nhau chẳng cái dao cầu
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa” - Cung Oán Ngâm Khúc.
Nhưng không phải stress bao giờ cũng không tốt.
Vừa phải, stress là những khích lệ, thử thách mà khi vượt qua ta thấy phấn khởi. Horace đã từng phát biểu: “Khó khăn làm phát lộ thiên tài; sự thịnh vượng làm chìm đắm nó”.
Cho nên ít quá thì buồn chán mà nhiều quá thì khó khăn. Trung dung là tốt.
 Một nhà tâm lý học đã ví: kiếm cái trung dung trong căng thẳng chẳng khác khi lên dây đàn. Quá chùng không ra tiếng mà quá căng lại đứt dây.
            Có những dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của stress:
-Một cảm giác buồn buồn;
-Một bồn chồn, lo âu, bất an;
-Trong người thấy như khó chịu, nhậy cảm, dễ gây gổ, tức giận;
-Rã rời mệt mỏi, kém tập trung, kém suy nghĩ , không quyết định.
Rồi:
-Lơ là, trễ nải trong công việc;
-Tự cô lập với bạn bè, sinh hoạt xã hội;
-Ám ảnh với những ý nghĩ tiêu cực;
-Mất ăn mất ngủ; chóng mặt nhức đầu; hay đau vặt; huyết áp lên cao, nhịp tim nhanh chậm bất thường...
-Lạm dụng rượu, thuốc để giải tỏa khó khăn...
Khi có những dấu hiệu này thì chẳng nên chờ đợi tự chúng tan đi. Mà cần kiếm thầy kiếm thuốc.
Cố vấn tâm lý. Cán bộ xã hội. Thầy thuốc tâm thần. Thuốc tây, dược thảo. Lại còn kinh nghiệm cha ông, vợ-chồng đóng cửa chỉ dẫn cho nhau. Thiếu gì mà cũng hiệu nghiệm. Nhưng chớ mượn rượu tiêu sầu, lấy việc chích hồng phiến, bạch phiến làm vui.
Ngoài ra, mỗi người có cách riêng để giải quyết stress vì ảnh hưởng của nó  tùy theo trường hợp. Đẹp người xấu ta. Vui buồn tùy cảm nhận. Việc nặng nhẹ tùy khả năng chuyên môn.
Nhưng Stress trở thành có vấn đề khi ta để nó lôi cuốn ta đi.
 “ Lòng người thì có hạn, ước muốn thì vô cùng.
 
Lấy cái có hạn mà theo cái vô cùng: Nguy hại thay!”
 Rồi bất mãn, trầm cảm, buông xuôi.
Sao ta không tự lượng sức mình. Chẳng nên “cố quá” để rồi thành ‘quá cố”!!!
BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC  
Rối Loạn Cương Dương

Từ 27 tháng 5 năm 2005 vừa qua, truyền thông cũng như giới y khoa Hoa Kỳ đều sôi nổi đưa tin, thảo luận về trường hợp lão nhân Jimmy Grant bị mất thị giác mắt phải vì dùng Viagra. Ông ta đã kiện công ty sản xuất thuốc này. Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đang điều tra sự việc. Nhà sản xuất thuốc dự trù sẽ in thêm lời cảnh báo trên giấy giới thiệu dược phẩm để lưu ý người tiệu thụ và tránh trách nhiệm pháp lý. Trong khi đó thì mấy vị thầy cãi đã vội vàng đưa các vụ kiện tập thể hãng bào chế ra ba tòa quan lớn. Gọi là để bảo vệ người dùng thuốc cũng như có dịp làm giầu cho chương mục ngân hàng của mình.
Cũng trong tháng 5, 2005, Hội các bác sĩ tiết niệu Hoa Kỳ đại hội ở San Antonio, Texas, và đưa ra một hướng dẫn mới về điều trị rối loạn cương dương. Vì rối loạn này đang là mối lo tâm phúc cho cả mấy trăm triệu người trên thế giới.
Coi vậy thì mất khả năng giao hợp của nam giới là vấn đề khá quan trọng. Lang tôi xin cùng quý thân hữu cập nhật lại cái sự rối loạn này cũng như phương thức cứu chữa.
Bất lực sinh lý của người nam thực ra không phải là vấn đề mới lạ. Nó đã được nói tới từ thuở xa xưa.
Danh y Ba Tư Avicenna vào thế kỷ thứ X đã lưu ý là bệnh tiểu đường có thể gây ra bất lực. Sách y học cổ Trung Hoa đã ghi nhiều loại thuốc để kích thích khả năng làm tình.
Nguyên nhân tâm lý của bất lực đã được S. Freud diễn tả từ năm 1912.
Năm 1926, bác sĩ T. W. Hughes ở Atlanta, Georgia đã kể ra tới hơn mười nguy cơ đưa tới bất lực như mộng tinh và xuất tinh quá độ, bệnh lậu, co hẹp miệng dương cụ, thủ dâm, lo âu, trầm buồn, quá bận bịu với công việc, hoang dâm vô độ hoặc tiết dục quá lâu, bệnh của trứng dái...
Và có một thời kỳ, người ta tin rằng bất lực là do đấng vô hình trừng phạt hoặc do kẻ thù trù ếm nên đã có chuyện đi cầu nguyện thánh thần hoặc xin giải bùa chuộc lỗi.
Danh từ Rối Loạn Cương Dương (Erectile Dysfunction) được y giới sử dụng từ năm 1992 để thay thế cho từ ngữ Bất Lực Tình Dục (Impotence).
Theo nghĩa thông thường, bất lực là để chỉ một người thiếu sức mạnh, quyền lực hoặc sinh lực.
Với y khoa, bất lực diễn tả vấn đề khó khăn trong đời sống sinh lý người đàn ông, không hoàn tất được việc giao hoan vì sự yếu mềm của dương cụ.
Được gán cho từ này, người nam thấy như có một mặc cảm trách nhiệm về một sự kiện ngoài ý muốn đồng thời cũng làm giảm phần nào cái hùng tính đàn ông của họ. Vì chữ bất lực hơi có tính cách thành kiến, chê bai. Trong khi đó, Loạn Cương Dương nhẹ nhàng và hướng tới khía cạnh khoa học về một bệnh mà người nam chẳng may vướng mắc như có thể mắc phải các bệnh khác.
Loạn cường dương có thể xảy ra cho bất cứ người nào, hoặc lâu dài hoặc tạm thời ngắn hạn. Người bệnh có thể a)hoàn toàn không cương được; b)khi cương khi không hoặc c)chỉ cương thoảng qua. Như vậy rối loạn không phải là chuyện bình thường nhất là ở tuổi già. Nhiều người có một chút khó khăn nhưng vẫn có khả năng phòng the nhè nhẹ, vẫn có con và một số rối loạn có thể vượt qua.
Xưa kia, bệnh nhân chỉ âm thầm chịu đựng chứ không giám khai nói với ai, ngay cả với thầy thuốc gia đình vì ngại ngùng, mắc cỡ. Cũng nhiều người nghĩ là vô phương chữa chạy. Nó là một sự thực không được vui lắm cho nạn nhân cũng như người bạn đường. May mắn là bệnh ít khi đưa tới nguy hiểm cho tính mệnh. Và một số người có thể an phận với rủi ro vì họ không có nhu cầu thỏa mãn thú vui xác thịt.
Bệnh được chẩn đoán bằng y sử, siêu âm coi máu tới dương cụ nhiều ít, đo cương cứng khi ngủ (noctural penile tumescence), đo lượng testosterone, prolactin trong máu.
Cũng xin ôn lại “cương dương” là gì”.
Đây là một phản ứng vô ý thức (involuntary reaction) để đáp ứng lại với sự kích thích, khêu gợi tình dục. Người nam không thể có cương cứng (erection) chỉ vì anh ta muốn, kiểu “trên bảo dưới nghe”, mà cần một mời chào, mơn chớn. Các khuyến dụ này thúc đẩy não bộ, hệ thần kinh, trái tim, mạch máu, các kích thích tố cùng ngồi lại với nhau làm việc để đưa máu vào dương cụ. Máu tràn ngập hai phần xốp của cơ quan này khiến chú em vừa dài lớn vừa cương lên. Thế là ta có erection để làm tình.
Trở ngại do loạn cương dương
Loạn cương dương có thể gây ra một số trở ngại cho cuộc sống người đàn ông.
Trước đây, vì không giao hợp được, họ có thể mất khả năng làm cha. Cũng nên phân biệt sự mất khả năng giao hợp này với sự vô sinh, không có con được của người đàn ông (sterility). Nhưng với sự tiến bộ của y khoa học hiện đại, với thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong phòng thí nghiệm, thì vô sinh được giải quyết dễ dàng.
Loạn cương dương có thể đưa tới căng thẳng cho sự hòa hợp của đôi vợ chồng. Người chồng thì bực bội với sự yếu kém khả năng giao hợp của mình, trở nên e dè, lo âu, buồn chán. Người phối ngẫu thì tuyệt vọng trước vấn nạn của người chồng, đôi khi có ý nghĩ bất trung với tình lang do nhu cầu đòi hỏi sinh lý cá nhân.
Người có loạn cương dương thường cũng có những vấn đề sức khỏe trầm trọng như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ảnh hưởng tới công việc làm ăn. Họ trở nên kém tập trung, kém suy xét, kém sáng kiến vì ám ảnh với rối loạn của mình. Họ cũng chi phí nhiều tiền cho các môn thuốc được giới thiệu là “cải Lão hoàn Đồng”, “Đêm bẩy ngày ba”.
Nhiều người vì bất lực sinh lý, trở nên hung bạo hoặc tự cô lập, thụ động. Có chứng minh cho thấy sự thỏa mãn tình dục làm con người hung dữ trở nên thuần hậu hơn.
Người cao tuổi cũng thường có vấn đề với khả năng làm tình nên đời sống của họ không được xuôi xả cho lắm.
Nguy cơ đưa tới Loạn Cương Dương
Trong Nhiễu Loạn Cương Dương, nguyên lý chính yếu là do trở ngại trong việc lưu chuyển máu tới dương vật hoặc rối loạn thần kinh chuyển tín hiệu kêu gọi sự cương của bộ phận này. Theo các nhà y học, từ 80-90% rối loạn phát xuất từ tổn thương thế chất; 10- 20% có nguyên nhân tinh thần.
Sau đây là một số nguy cơ đưa tới Loạn Cương Dương.
1-Trở ngại lưu thông máu có thể là do động mạch dẫn máu vào dương cụ bị thu hẹp, cứng, nghẹt. Thuốc lá thường làm động mạch co nên hút nhiều thuốc lá có thể là một nguy cơ.
2-Ảnh hưởng tới thần kinh như rượu, dùng ít thì làm cho hăng hái nhưng nhiều thì ỉu xìu. Shakespeare đã có nhận xét: “Rượu khơi động sự ước muốn nhưng lấy đi khả năng diễn xuất làm tình”.
3-Crack, Cocaine, thuốc phiện dùng ít thì kích thích nhưng dùng nhiều đến ghiền cũng là nguy cơ đưa tới không cương. Cần sa làm giảm số tinh trùng chứ không ảnh hưởng mấy tới sự cương.
4-Một vài dược phẩm như các thuốc về tim mạch Aldomet, Inderal, Lopressor, Serpasil; thuốc an thần, trị trầm cảm Valium, Librium, Thorazine, Equanil, Elavil, Tofranil; các thuốc chống dị ứng, thuốc ngủ Barbiturates; thuốc bao tử Tagamet; do tác dụng phụ của bức xạ trị liệu cũng đều đưa tới yếu xìu sinh lý.
5-Giải phẫu chấn thương chạm tới dây thần kinh điều khiển sự cương dương, giải phẫu cắt bỏ tuyến nhiếp hoặc do chấn thương cột sống.
6-Vài bệnh của hệ thần kinh như Đa Xơ Cứng (Multiple Sclerosis), u bướu não, bệnh tổng quát cơ thể như tiểu đường, thận suy đều là nguy cơ của bất lực sinh lý.
7-Các chứng tâm lý như lo âu, trầm cảm, bất đồng xô xát trong tình nghĩa vợ chồng, mặc cảm e ngại kém tài nghệ.
8-Cho tới bây giờ, nhiều người vẫn còn tin là thủ dâm cũng đưa tới bất lực và mộng tinh. Ðó chỉ là hiểu chưa tới mức.
9- Huyền thoại nói già là hay bị rối loạn cương dương. Điều này cũng có một phần nào đúng, nhưng không có nghĩa là già thì bất lực hoặc bất lực là hậu quả của sự hóa già. Tuy nhiên người cao tuổi thường mắc một số bệnh như tiểu đường, tim mạch nên có thể có biến chứng kém khả năng cương cứng. Và nếu không có các bệnh này thì các cụ vẫn “phòng the” được như thường cho tới tuổi thật già.
Giải quyết vấn nạn
Từ nhiều ngàn năm, con người đã khổ công tìm kiếm môn thuốc công hiệu để làm giảm vấn nạn này. Cổ nhân ta đã có những bài thuốc “Nhất dạ lục giao”, những Tam Tinh Hải Cẩu”. Trong dân gian Đông Tây đã có những tin tưởng rằng một vài sinh vật, cỏ cây có tác dụng cường dương, kích dục. Nào là thực phẩm có hình dạng giống cơ quan sinh dục như con sò, quả chuối; rồi dương vật cá xấu, chó, dê hầm thuốc bắc; tắc kè, cá ngựa, cá hồi ngâm rượu; “mị dược chi vương” dâm- dương- hoắc (vua các thuốc quyễn rũ ái ân), nấm cục, rau hẹ. Ngọc hành huơu đã được Hyppocrates coi như món ăn trợ dương, ích tinh.
Nhưng mọi phương thức dường như cũng không mang lại kết quả như ý muốn.
May mắn thay, với sự tiến bộ của y khoa học hiện đại, “nỗi buồn nam giới” này đã được làm sáng tỏ và đã có nhiều phương tiện để giúp phục hồi, tránh bực bội, bối rối, căng thẳng. Nhờ đó, nhiều nạn nhân đã hùng dũng nhập cuộc mây mưa rồi sau đó cao giọng ngâm:
“ Đời không ái ân, đời vô vị.
Kiếp sống không yêu, kiếp sống thừa”. Xuân Diệu(?).
Nhưng cũng xin thưa trước rằng, không có một giải pháp nào thích hợp cho mọi người, mọi tuổi. Cho nên ta cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên về tiết niệu có kinh nghiệm với Rối Loạn Cương Dương để ước định rồi chữa chạy khó khăn của mình.
Và trong đại hội tại thành phố San Antonio, Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ đã đưa ra một hướng dẫn để thầy thuốc hội viên điều trị rối loạn cho bệnh nhân. Hướng dẫn này đề nghị ưu tiên dùng các thuốc viên mới bào chế rồi mới áp dụng phương thức khác.
Thực vậy, sự xuất hiện của thuốc viên Viagra vào tháng 3 năm 1998, Levitra vào tháng 8 năm 2003 rồi Cialis vào tháng 11 năm 2003, đã mang lại một cuộc cách mạng trong việc điều trị loạn cương dương và đem nhiều niềm vui cho hầu hết những nạn nhân của bệnh.
Khi chưa có các thuốc viên này thì người bệnh được bác sĩ đề nghị mua máy hút máu cho Nó to lên, gắn chim nhựa, nhét thuốc vào ống tiểu, chích thuốc giãn nở mạch máu vào dương cụ.
Máy hút có mục đích đưa nhiều máu về cơ quan sinh dục rồi cột phía dưới bằng dây cao su để tiếp tục cương. Dùng đúng chỉ dẫn, dụng cụ này an toàn, có thể giữ cương cứng đủ thời gian giao hợp, nhưng không nên lâu quá 30 phút kẻo dây cột gây bế tắc máu lưu thông. Phương pháp cũng ít tốn tiền hơn giải phẫu hoặc thuốc uống. Tuy nhiên có người than phiền khi giao hợp thì thấy đau, tê, trầy da đôi khi không có xuất tinh.
Gắn chim giả có nhiều loại: loại hơi cứng với hai miếng silicone được gắn vào dương cụ, nên bộ phận này luôn luôn cương; loại bơm dung dịch lỏng: hai ống co giãn gắn vào dương cụ, nối với bình chứa dung dịch gắn trên bụng, có một bơm nhỏ. Khi muốn cương, bơm cho dung dịch vào hai ống. Giao hợp xong, mở khóa, dung dịch trở về bình chứa. Chín mươi phần trăm người gắn chim giả cho biết rất thoải mái, công hiệu. Nhưng phí tổn giải phẫu hơi cao, cả dăm bẩy ngàn mỹ kim. Phương pháp này thường chỉ dùng cho người không đáp ứng được với các trị liệu khác, vì nó vô hiệu hóa bất cứ khả năng cương cứng còn sót lại của người bệnh.
Hồi tháng 6 năm 2005, bác sĩ Jonathan Lazare ở Nữu Ước giới thiệu phương pháp gắn một thiết bị vào túi ngọc hành và dương cụ. Khi muốn làm tình chỉ cần bơm thiết bị là có cương dương.
Theo kinh nghiệm của nhiều người đã dùng, thuốc chích rất công hiệu vì cương lực xẩy ra sau khi chích mươi phút, máu dồn đầy dương cụ và có thể kéo dài cả ngày, thỏa mãn được nhiều đối tượng. Tác dụng phụ rất ít ngoại trừ đôi khi bị cương cứng kéo dài quá lâu, rất đau (priapism), cần giải phẫu. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải chích vào chỗ đó khiến nhiều người đã ngại vì đau. Thuốc chích thường dùng là Aprostadil, Caverject, Edect, papaverine.
Thuốc nhét ống tiểu MUSE (Medicated Urethral System for Erection) cũng tốt nhưng mau tàn (mươi phút) và đắt (hơn hai chục đô xanh một huờn).
Về các thuốc viên
Ba thuốc Silenafil (Viagra), Vardenafil (Levitra) và Tadalafil (Cialis) có thể coi như cứu tinh của những người bị Rối Loạn Cương Dương. Thuốc vừa dễ dùng vừa kéo dài hiệu lực mà giá cả cũng vừa phải (mươi đồng tiền Mỹ một viên). Nhưng muốn công hiệu, thuốc cần sự hợp tác của con người: lòng ước muốn ái ân của người nam và sự hỗ trợ, khêu gợi của người nữ. Chứ không phải khơi khơi nuốt vội một viên rồi lên giường nằm chờ là cương cứng xuất hiện.
Xin nhắc lại là để có cương dương, cần có sự phối hợp của lòng ước muốn tình dục, của tế bào xốp, các mạch máu ở cơ quan sinh dục và của một chuỗi những phản ứng hóa học tạị chỗ.
Tín hiệu ước muốn tình dục từ não bộ được chuyển xuống “thằng nhỏ” khiến nó tiết ra một hỗn hợp hóa chất GMP. Hóa chất này làm lớp tế bào xốp ở dương cụ nở ra, máu theo động mạch mở rộng tràn ngập cơ quan khiến nó cương lên cho tới khi máu rút lui qua tĩnh mạch, sau khi ái ân đã thỏa mãn.
Trong diễn tiến này, ở người loạn cương dương, một phản ứng hóa học xảy ra tại chỗ với chất enzyme phosphodiesterase-5 (PDE-5) làm GMP tan hàng, khiến tế bào xốp không nở đủ lớn để ngăn chặn sự thất thoát máu qua tĩnh mạch. Hậu quả là đứa nhỏ xìu xuống mau lẹ. Chính ở chỗ khó khăn này mà bộ ba Ngự Lâm Pháo Thủ ra tay hành hiệp: chúng ngăn sự hủy hoại GMP, máu sẽ vào nhiều mà không thoát đi nên dương cụ cương lâu hơn. Đó là cơ chế tác dụng của các thuốc này. Các thuốc có một số đặc tính giống nhau cũng như khác nhau. Khác nhau về phân lượng, về thời gian hiệu lực và vài tác dụng ngoại ý.
Viagra rất công hiệu nhưng cũng có vài trở ngại. Nhà bào chế lưu ý bệnh nhân là không nên dùng nếu đang chữa bệnh đau thắt tim bằng thuốc Nitroglycerin, sợ rằng có thể làm hạ huyết áp quá mức. Ngoài ra cũng nên cẩn thận khi mới hồi phục Tai Biến Động Mạch Não, Nhồi Máu Cơ Tim hoặc đang bị cao huyết áp, lở bao tử, ruột, ung thư máu, các bệnh của võng mạc. Tác dụng ngoại ý của Viagra gồm có nhức đầu, nóng mặt, khó tiêu hóa, nghẹt mũi, tiêu chẩy, thay đổi nhìn mầu sắc.
Tác dụng thay đổi nhìn mầu sắc được xác nhận sau khi một tai nạn rơi máy bay mà các điều tra viên muốn biết có liên quan tới Viagra không. Máy bay do một nam tài tử Mỹ lái gặp nạn khi ông ta đáp xuống phi trường. Chính quyền yêu cầu thử nghiệm coi xem ông ta có uống Viagra. Theo nhiều báo cáo thì thuốc có ảnh hưởng tới khả năng nhìn mầu sắc của phi công khiến họ không phân biệt được mầu xanh và xám là màu của đèn dùng trên phi đạo và trong phòng lái. Hãng bào chế thuốc cũng cho hay là trong thời gian thử nghiệm thuốc ở đàn ông, có 3% người nói có khó khăn khi phân biệt hai mầu này.
Rồi ngày 27 tháng 5, 2005, một tác dụng ngoại ý quan trọng của Viagra được loan báo. Lão nhân Jimmy Grant ở Mỹ cho hay là sau khi dùng Viagra từ năm 1998, mới đây ông thấy mất thị giác một bên mắt. Đồng thời cũng có hơn bốn mươi trường hợp mất thị giác tương tự được công bố. Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ đang nghiên cứu vấn đề để đưa ra biện pháp thích hợp. Nhà bào chế thì đã nghĩ tới chuyện ghi thêm lời cảnh báo người dùng Viagra về rủi ro này trong giấy giới thiệu thuốc. Gọi là để tránh trách nhiệm pháp lý. Nhưng các vị thầy cãi đã mau chân hơn và đã quảng cáo mời “nạn nhân của Viagra” cùng nhau kiện tập thể hãng thuốc.
Cũng nên lưu ý là trên thị trường có những thuốc với tên nhái gần giống như Viagra. Chẳng hạn thuốc Veagra, khiến người tiêu thụ dễ nhầm lẫn. Và cũng có thuốc cùng hoạt chất nhập cảng lậu vào Mỹ như Powergrov, Pesagra, Caverta, Penagra.
Nên nhớ là Viagra giảm hiệu lực nếu ăn uống quá thịnh soạn hoặc ăn thực phẩm nhiều mỡ béo.
Đang hân hoan với Viagra thì vào ngày 19 tháng Tám năm 2003, Cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ lại chấp nhận cho ra đời thuốc viên mới toanh Levitra. Đây là đối thủ đáng kể của Viagra trong thị trường dược phẩm và mang lại rất nhiều lợi nhuận cho chủ ông nhân. Thế là từ nay các cụ có thêm một lựa chọn để mang lại mùa xuân cho mình và vui vẻ người bạn tâm tình. Công hiệu của Levitra cũng bắt đầu từ 20 tới 40 phút sau khi uống, bụng đói hoặc no cũng được và cũng kéo dài tới 4 giờ . Tác dụng ngoại ý tương tự như Viagra với nhức đầu, nóng mặt, khó tiêu, xây xẩm nhưng chưa có báo cáo nào về rối loạn thị giác như Viagra.
Xin nhắc lại là Viagra có mầu blue, hình bầu dục; còn Levitra thì mầu cam.
Tin vui lại liên tục đến vào cuối năm 2003 khi các cụ có thêm một lựa chọn thứ ba. Đó là thuốc Cialis với công dụng kéo dài từ những 24 tới 36 tiếng đồng hồ và tác dụng ngoại ý rất ít với nhức đầu và khó tiêu, nhức lưng, nghẹt mũi. Nghe mà mừng. Mừng vì tha hồ mà giao hoan. Nhưng cũng lo. Lại khối người “Hoang dâm Vô Độ” . Và cũng nhiều lão bà “Gớm, hồi này sao mà ông nó dai sức thế, làm sao tôi chịu nổi”.
Có điều cũng xin lưu ý là các thuốc này không phải là có thể áp dụng cho mọi người. Nếu đã bị cơn suy tim, tai biến não, rối loạn nhịp tim trong sáu tháng vừa qua hoặc đang uống thuốc có hoạt chất Nitrate (Nitroglycerine) cho angina thì không nên dùng. Nitrate và ba thuốc làm nở mạch máu và đưa tới hạ huyết áp quá mức bình thường.
Ngoài ra, cũng xin nhắc tới vài loại thuốc cỏ cây với mệnh danh là “Viagra Thiên Nhiên” được giới thiệu là làm tăng khả năng cương cứng. Một trong nhóm là chất yohimbine triết từ vỏ cây Coryanthe yohimbe mọc nhiều tại rừng nhiệt đới Tây Phi châu. Từ lâu chất này được biết tới như có công dụng tăng cường sinh lực và khả năng phòng the. Thuốc làm giãn nở mạch máu ngoài da và niêm mạc do đó làm hạ huyết áo và tăng máu tới mặt ngoài của dương cụ. Như vậy thuốc làm giãn nở mạch máu toàn thân chứ không phải chỉ riêng dương cụ như Ba Chàng Ngự Lâm. Dùng phân lượng quá cao có thể đưa tới rủi ro cho sức khòe nhất là khi bị thấp huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, gan, thận, bệnh tâm thần hoang tưởng, lo âu. Cơ quan Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ không coi đây là chất an toàn khi dùng.
Nói thêm là nhiều người cho rằng dùng thêm sinh tố E hoặc testosterone làm tăng khả năng tình dục. Cũng như các sinh tố khác, sinh tố E cần thiết cho cơ thể nói chung chứ không chỉ riêng cho chức năng cương cứng của cơ quan sinh dục.
Với testosterone, khi thiếu thì ước muốn tình dục có thể giảm. Dùng thêm có thể tăng ước muốn chút đỉnh chứ không làm “quý tử” cang cường hơn. Và dùng quá nhiều lại có rủi ro ung thư nhiếp tuyến.
Kết luận
Hiện nay còn nhiều thuốc trợ giúp cho Rối Loạn Cương Dương đang được nghiên cứu, trình bày công hiệu và an toàn với chính quyền. Hy vọng là thuốc sớm hoàn tất để giúp nam nhân giải quyết được một trong nhiều vấn nạn ái ân.
Thực là khoa học quá chu đáo. Lo đến cả cái chuyện phòng the riêng tư của con người.
BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC 
KHAI TRƯỜNG và CHÍCH NGỪA
Thế là các em học sinh lại sắp trở về với trường ốc, sau mấy tháng nghỉ trong một mùa hè nóng bức.
 
 Cha mẹ bận rộn lo sắm sửa quần áo đồng phục, sách vở cho con em. Đồng thời cũng không quên đưa con em tới phòng mạch bác sĩ để khám sức khỏe tổng quát, nhất là cập nhật hóa sổ chích ngừa các bệnh có thể ngừa được.
 
      Nói tới chích là các em sợ, sợ đau. Mà các bậc cha mẹ đôi khi cũng e dè không tin tưởng ở công hiệu của chích ngừa hoặc ngại có phản ứng của thuốc chủng.
 
Nhà chức trách quan tâm tới vấn đề sức khỏe của dân chúng thì chặt chẽ hơn: hầu hết các tiểu bang tại Mỹ đòi hỏi một số chích ngừa trước khi các em có thể đi học. Trường học ở nhiều tiểu bang áp dụng luật một cách khắt khe, đòi hỏi trẻ em bất luận lớp nào phải xuất trình giấy chứng nhận chích ngừa một số bệnh cần thiết trước khi vào học.
 
 Câu chuyện ngừa bệnh này dường như cũng nêu ra nhiều khúc mắc, nên xin cùng tìm hiểu thêm.
 
 Tính miễn dịch của cơ thể
 
Ngay khi còn nằm trong lòng mẹ, thai nhi đã được thiên nhiên trang bị cho một hệ thống phòng thủ, bảo vệ để chống lại bệnh tật, đó là “tính miễn dịch”.
 
 Đây là một hiện tượng di truyền được tạo ra do một số tế bào đặc biệt trong máu và hạch bạch huyết sản xuất chất kháng thể để tìm diệt mầm gây bệnh. Ban đầu nó còn kém phát triển, nhưng trong thời gian mà cơ thể lớn lên, nó được tăng cường bằng những yếu tố phòng bệnh từ máu và sữa mẹ. Nhờ đó con người tự nhiên tránh được một số bệnh mà các động vật khác thường mắc phải.
 
 Khi mạnh, cơ thể có thể ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh, nhưng nếu vì lý do nào đó mà cơ thể yếu đi, mầm độc sẽ lấn át, gây ra bệnh. Có điều hay đáng lưu ý là thường thường khi đã bị bệnh một lần thì lần sau sẽ được miễn khi chẳng may nhiễm độc vì cơ thể đã được kích thích để hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại bệnh đó. Đây cũng là nguyên tắc của việc tạo ra miễn dịch bằng sự tiêm chủng: gây ra một bệnh rất nhẹ để tạo ra sức đề kháng với tác nhân của bệnh đó.
 
 Ngoài sự miễn dịch, lớp da bao bọc cơ thể cũng là thành trì chống mầm độc ngoại xâm từ môi trường chung quanh; chất acid chua trong bao tử có công dụng tiêu diệt vi trùng tình cờ còn lẫn trong thực phẩm; chất nhờn ở cơ quan hô hấp và tiểu tiện đưa đẩy chất có hại ra khỏi cơ thể.
 
 Nguồn gốc sự chủng ngừa bệnh
 
Sự chủng ngừa đã được dùng ở Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp từ ngàn năm trước, khi họ tìm cách ngừa bệnh đậu mùa bằng chất liệu lấy từ người bệnh gắn vào người lành. Sau đó, nhiều y khoa học gia cũng lưu tâm khảo cứu thêm về vấn đề này.
 
 Nhưng phải đợi tới năm 1796, sự việc mới được cụ thể hóa. Một y sĩ người Anh, Edward Jenner, nhận thấy là người vắt sữa ở những con bò có bệnh đậu mùa bị lây bệnh nhưng đồng thời họ cũng đã tạo ra được tính miễn dịch với bệnh này. Ông bèn chủng đậu bò (cowpox) cho con người với hy vọng bảo vệ không bị bệnh đậu mùa (smallpox) trong những dịp tiếp cận với mầm bệnh sau này.
 
 Để chinh phục y giới về kết quả việc khảo cứu, ông ta chủng cho chính con trai của mình và đứa bé không bao giờ mắc bệnh. Bác sĩ Jenner đã thành công và đặt nền móng cho việc chế biến thuốc chủng an toàn chống bệnh nhiễm khuẩn ở các quốc gia Tây Âu.
 
Từ Anh, thuốc ngừa đậu mùa nhập cảng Mỹ quốc. Được thông báo sự công hiệu của thuốc chủng, Tổng Thống Thomas Jefferson bèn áp dụng cho thân nhân, gia đình, và cả bà con lối xóm nữa.
 
 Cách bào chế thuốc chủng ngừa
 
Nhắc lại là để có thể gây ra bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn cần được tăng gia sinh sản và gây tổn thương cho các cơ quan, bộ phận của cơ thể.
 
 Trong thuốc chủng, mầm gây bệnh được chế biến để không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản rất ít, không đủ mạnh để gây ra bệnh nhưng có khả năng tạo ra kháng thể chống lại mầm bệnh về sau này.
 
 Thuốc chủng được chế tạo với những cách khác nhau, trong đó:
 
1.      Gene của mầm độc đã được thay đổi khiến sự sinh sản tuy còn nhưng rất yếu (bệnh sởi, quai bị, trái dạ, tê liệt loại uống).
 
2.      Gene bị tiêu diệt hoàn toàn không còn sinh sản (thuốc chủng tê liệt loại chích).
 
3.      Thuốc chủng chỉ dùng một phần của mầm độc, không có gene nên vô sinh (chủng ngừa viêm gan B, ho gà).
 
4.      Thuốc chủng mà độc tố của mầm độc đã bị vô hiệu hóa (bệnh yết hầu, phong đòn gánh).
 
 Ở bên Mỹ, sau khi các viện bào chế sản xuất, thuốc được đưa cho cơ quan Thực và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm tra coi có an toàn và công hiệu không.
 
 Rồi một ủy ban  khác gồm các chuyên viên có trình độ cao về dịch học và bệnh trẻ em sẽ thảo luận về ích lợi, phí tổn của thuốc, đưa ra lời khuyến cáo nên dùng thuốc chủng như thế nào.
 
 Giai đoạn cuối là các trường học thường đòi hỏi trẻ em muốn nhập học phải có giấy chứng nhận đã chích ngừa một số bệnh. Tất nhiên, riêng tại Hoa Kỳ, cha mẹ có thể từ chối sự chủng ngừa vì lý do tôn giáo, đạo đức, quan niệm sống hay chủng tộc.
 
 Nhiều người không chấp nhận, ngần ngại chích ngừa vì một vài hiểu lầm cho là chủng ngừa không công hiệu, không an toàn, có thể gây ra tác dụng phụ hoặc gây ra bệnh. Có người lý luận là cứ để tự nhiên có tính miễn dịch sau khi mắc bệnh hơn là chủng ngừa, vì chủng ngừa đôi khi làm suy yếu tính miễn dịch tự nhiên của trẻ em.
 
 Thực tế cho hay không có thuốc ngừa nào an toàn 100%. Tuy nhiên, trông vào kết quả sự chủng ngừa với các bệnh trên thế giới, ta thấy sự ích lợi quá to lớn so sánh với một số tác dụng phụ thường nhẹ nhàng, không nguy hiểm. Thuốc chủng ngừa bệnh đã là một trong mười kỳ công trong phạm vi y tế công cộng của thế kỷ 20.
 
 Hữu hiệu của chủng ngừa
 
Giáo sư Nhi khoa Samuel Katz của Duke University Medical Center, người có nhiều kinh nghiệm về chủng ngừa, đã quả quyết: “Sự tạo ra tính miễn dịch là phương tiện hữu hiệu duy nhất để làm giảm số bệnh tật và số tử vong ở trẻ em”.
 
 Để thấy sự công hiệu của thuốc chủng, xin hãy coi qua vài thống kê sau đây về một số bệnh:
 
1.      Bệnh tê liệt:
 
Trước khi có thuốc chủng bệnh này vào thập niên 50, cả ngàn trẻ em bị bệnh, làm tê liệt hạ chi phải mang nạng, ngồi xe lăn; nhiều bệnh nhân bị liệt hô hấp phải nằm trong lồng phổi sắt để thở.
 
 Từ năm 1997, không còn trường hợp tê liệt nào được báo cáo ở nước Mỹ và các nước Tây bán cầu. Năm 1994, một trận dịch tê liệt từ Ấn Độ xâm nhập Gia Nã Đại nhưng nhờ chích ngừa ráo riết nên đã chặn đứng được dịch này.
 
 2.      Bệnh sởi:
 
Còn nhớ khi xưa ở bên nhà hầu hết trẻ con bị ban sởi với số tử vong cao vì các biến chứng như sưng phổi, viêm não, tổn thương não bộ. Đó là do không có chích ngừa đầy đủ. Cho nên các cụ ta khi đó thường nói là đừng tính có bao nhiêu con cho tới khi chúng sống sót sau bệnh ban sởi.
 
Ngày nay con cháu ta bên Mỹ này năm thì mười họa mới có em mắc bệnh sởi, nhờ chương trình chủng ngừa sởi ở đây rất chu đáo, hầu như bắt buộc ngay từ khi các em vào học lớp mẫu giáo. Năm 1941, chưa có chủng ngừa, có gần 900.000 trường hợp bệnh sởi. Thuốc chủng được bào chế năm 1962, và năm 1997, chỉ còn trên 100 trường hợp.
 
 3.      Bệnh đậu mùa
 
Một thời làm thiệt mạng nhiều người trên thế giới, nay coi như đã bị xóa sổ các bệnh ho gà, yết hầu, phong chẩn đã giảm rất nhiều nhờ chủng ngừa.
 
Nếu ngưng chương trình chủng các bệnh có thể ngừa được thì chắc ta sẽ thấy bột phát trở lại những trận dịch chết người kinh khủng như vào đầu thế kỷ vừa qua.
 
 Các bệnh nên chích ngừa
 
Hiện nay 10 loại chủng ngừa sau đây được khuyến cáo nên áp dụng vì công hiệu miễn dịch cao: yết hầu (Diphteria), uốn ván (Tetanus), ho gà (Pertussis), tê liệt (Polio), ban sởi (Measles), quai bị (Mumps), phong ban (Rubella), viêm gan B (Hepatitis B), viêm não B (H. influenza B), thủy đậu (Varicella).
 
 Việc chủng ngừa thường bắt đầu thực hiện khi các em mới sanh hoặc được 2 tháng. Tới khi chúng lên 2 tuổi thì hầu như 80% việc chủng ngừa đã được hoàn tất.
 
Thuốc chủng có thể gom chung với nhau cho tiện, chẳng hạn ngừa quai bị, sởi, phong ban với nhau, yết hầu, uốn ván, ho gà cùng một lúc.
 
 Lịch trình chích ngừa:
 
a.       Mới sanh: chích viêm gan B (Hep B) lần đầu;
 
b.      Hai tháng: ho gà, uốn ván, yết hầu (DTaP), tê liệt (Polio), H. influenza (Hib) lần đầu + Hep B lần thứ nhì
 
c.       4 và 6 tháng: DTaP lần thứ nhì + Hib lần thứ nhì rồi thứ ba;
 
d.      2 tháng: thủy đậu, ban sởi, quai bị, phong ban (MMR) lần đầu + Hib lần thứ tư;
 
e.       5 tháng: Hep B lần ba + DTaP lần thứ tư;
 
f.        4 tới 6 tuổi: MMR lần thứ nhì + Polio lần thứ tư.
 
 Thường thường tất cả các chích ngừa này được hoàn tất sau năm sáu lần tới phòng mạch bác sĩ.
 
 Một câu hỏi hay được đặt ra là nếu mình quên một lần chủng ngừa theo lịch trình thì phải làm sao? Xin thưa là không bao giờ quá trễ để chích ngừa. Khi lịch trình bị gián đoạn vì quên, ta không phải chích lại từ đầu mà chỉ cần chích từ lần đã ngưng.
 
 Phụ huynh nhiều khi cũng bối rối không biết phải chích bao nhiêu lần để có miễn dịch hoàn toàn hoặc bao giờ phải chích bồi dưỡng, bổ sung. Đặc biệt là các em hay nghịch ngợm chạy nhẩy dễ té ngã trầy da, nguy cơ nhiễm bệnh phong đòn gánh gia tăng nên cần chích tăng cường thuốc ngừa này mỗi mười năm.
 
 Do đó, cần giữ sổ chích ngừa cẩn thận để ghi nhớ, theo dõi lịch trình chích ngừa đã được chuyên gia y tế ấn định, nhất là khi di chuyển sang địa phương khác, hoặc khi thay đổi bác sĩ gia đình.
 
 Ở Hoa Kỳ, đa số các chương trình chích ngừa đều miễn phí hoặc lệ phí rất thấp, qua các trung tâm y tế địa phương hay tại phòng mạch bác sĩ.
 
 Phản ứng phụ và trường hợp không chích ngừa
Tác dụng phụ của thuốc chủng cũng thường xẩy ra nhưng rất nhẹ: chỗ chích hơi sưng, hơi đau, ngưa ngứa, nhiệt độ hơi lên cao. Trong các trường hợp này, ta có thể cho con em uống một liều thuốc giảm sốt acetaminophen (Tylenol). Nhớ là không nên cho thuốc Aspirin. Cho con em uống nhiều nước để hạ nhiệt; mặc quần áo thoáng nhẹ; chườm khăm tẩm nước ấm.
 
 Hạn hữu lắm mới có phản ứng mạnh như khó thở, hạ huyết áp, nổi ngứa cùng mình, ngất xỉu ngay sau khi chủng. Khi bị phản ứng mạnh như vậy thì không được chủng ngừa với thuốc chủng đó nữa.
 
 Khi các em có các dấu hiệu sau đây thì nên cho bác sĩ hay ngay:
 
Nhiệt độ đo ở hậu môn lên trên 105 F;
Nếu da xanh rờn và con em  đi cà nhắc;
Con em khóc liên tục cả mấy giờ sau khi chích ngừa;
Con em kêu thét lên;
Cơ thể con em run giựt.
 
 
Các em bị bệnh ung thư, bệnh liệt kháng (AIDS) cũng không nên chủng loại thuốc trong đó mầm bệnh chỉ bị làm suy yếu, như thuốc chủng bệnh sởi, quai bị, phong ban, thủy đậu, tê liệt.
 
 Trẻ em đang đau ốm thì tùy theo trường hợp: nặng với nóng sốt cao vì nhiễm trùng thì hoãn chủng ngừa chờ tới khi bình phục; còn các em chỉ bị đau nhẹ như viêm tai, ho, sổ mũi, tiêu chẩy thì đều có thể chủng ngừa được. Bác sĩ gia đình sẽ cho ta lời khuyên quyết định.
 
 Kết luận
 
Bệnh tật không phải tự nhiên tan biến đi. Mặc dù con người đã ý thức được những nguyên nhân gây bệnh, đã sống điều độ, vệ sinh hơn, y học đã cống hiến nhiều phương tiện trừ bệnh tật, nhưng bệnh tật vẫn còn luẩn quẩn đó đây chỉ chờ cơ hội thuận tiện là xâm nhập cơ thể ta.
 
 Cho nên sự phòng ngừa bệnh, mà chủng ngừa là một, vẫn còn rất quan trọng. Vả lại, “An ounce of prevention is worth a pound of cure” hoặc, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
 
Chỉ cần một sự quan tâm, dành ra một chút thì giờ để thực hiện sự phòng ngừa này là ta có thể tránh được những dịch bệnh gây tử vong cao như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 giết gần 20 triệu người trên thế giới; giúp cả ngàn trẻ em tránh được khuyết tật bẩm sinh về tim, mắt, điếc và chậm trí do Rubella từ mẹ truyền cho con; cứu sống cả triệu trẻ em trên thế giới khỏi thiệt mạng vì bệnh sởi.
  Đấy là phần thưởng của mũi thuốc chích mang lại sức khỏe tốt cho con người. Chẳng lẽ ta lại bỏ qua những cơ hội phúc lợi mà xã hội đã ân cần cung ứng, hiến dâng.
 BÁC SĨ NGUYỄN Ý-ĐỨC 
LÀM SAO CHỮA CHỨNG ÐẦY HƠI VÀ “XÌ HƠI”?
Hỏi:Tôi rất là rất là xấu hổ vì việc này: Bao tử tôi làm như lúc nào cũng có hơi, và nhiều khi tôi không kềm được, đang có đông người mà cứ “tủm tủm”. Có cách nào để chữa bệnh này không? (một người không muốn nêu tên)
  Ðáp:Có rất nhiều nguyên nhân làm cho đầy hơi. Và do đó tùy theo nguyên nhân mà cách chữa khác nhau. 
Nếu bên cạnh việc đầy hơi, ông có triệu chứng gì khác, như đau bụng, tiêu chảy, tiêu ra máu, sụt cân, vân vân, nguyên nhân có thể là các bệnh có thể nguy hiểm như viêm ruột, ung thư... và ông nên đi bác sĩ càng sớm càng tốt.
  Nếu chỉ hay bị “xì hơi” thôi mà không có triệu chứng khác, thường gặp nhất là do cách ăn uống, thiếu vận động, hoặc một hội chứng gọi là hội chứng nhột bụng (irritable bowel syndrome). 
Việc đầu tiên nên làm là kiểm tra xem các thức ông đang ăn uống hàng ngày, có thức nào là thủ phạm hay không. Ông cần một “nhật ký ăn uống” để làm điều này có hiệu quả (phải ghi xuống một cuốn sổ). Ðầu tiên ông nên hạn chế các thức ăn uống hàng ngày, để dễ kiểm soát xem thức ăn nào hay tạo ra hơi trong ruột của mình nhiều. Mỗi ngày, ông viết vào sổ tay xem hôm đó mình ăn những gì, và mức độ đầy hơi tăng hay giảm như thế nào.
Các thức hay tạo ra hơi nhiều, đầu tiên là sữa và các chất có sữa. Nếu đây là thủ phạm, ông nên tạm ngưng dùng chúng một thời gian, sau đó dùng lại ít ít, rồi tăng lên từ từ, đến mức nào mà bắt đầu thấy bắt đầu “dư hơi” thì ngừng lại ở mức đó.
  Nhai kẹo cao su, hút thuốc (nuốt hơi), và một số loại thức ăn khác cũng có thể tạo ra nhiều hơi. Các thức ăn này gồm: Giá (Brussels sprouts), các thức ăn có chất cám (bran), các loại đậu (beans), bắp cải (cabbage), các loại đường nhân tạo (artificial sweeteners), các loại nước nước có ga (carbonated beverages) và rượu (alcohol). Mức độ tạo ra hơi của mỗi loại thức ăn ở mỗi người khác nhau. Khi biết được nguyên nhân, ta có thể bớt loại đó lại tới mức không còn nhiều hơi quá. Không nên bỏ hẳn nếu đó là các loại thức ăn tốt như sữa, đậu, rau.
  Một số phương pháp khác tuy đơn giản nhưng cũng quan trọng trong việc giúp làm bớt đầy hơi:
- Ăn chậm, nhai kỹ. Vì đầy hơi là dấu hiệu của thức ăn không tiêu hóa tốt. Nhai để nghiền nát thức ăn và giúp cho các loại men trong nước bọt góp phần tối đa vào việc tiêu hóa thức ăn.
- Ăn uống một cách thoải mái. Thoải mái, tránh căng thẳng là một cách tránh đầy hơi.
  - Ði bộ, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn, và thể dục thường xuyên, giúp đẩy hơi xuống phần dưới của ruột.
- Một động tác thể dục đơn giản có thể giúp giảm đầy hơi là nằm ngửa, co đầu gối phải lên ngực, ép xuống, giữ khoảng mười giây, rồi sau đó qua đầu gối bên kia, lập lại nhiều lần.
Nếu các biện pháp trên chưa đủ hiệu quả, một số thuốc bán không cần toa bác sĩ có thể giúp trong một số trường hợp. Một trong số các thuốc này là các thuốc có chứa chất simethicone, có thể giúp làm vỡ các bóng hơi trong phần trên của hệ thống tiêu hóa. Chất này có trong các thuốc như Di-Gel, Mylanta Gas, Maalox... Thuốc chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp.
Một số chất khác có thể mua không cần toa bác sĩ, cũng có thể làm giảm đầy hơi là:
  - Lactase: Làm giảm đầy hơi do các thức ăn có chất sữa, lactase có trong các sản phẩm như LactAid, Lactrase, and Dairy Ease.
  - Alpha galactosidase: Là một loại men, giúp tiêu hóa một số chất bột đường phức tạp (complex carbohydrates). Chất men này giúp tiêu hóa chất đường có trong các loại đậu và một số rau trái. Alpha galactosidase có trong sản phẩm có tên là Beano.
  - Bismuth: Là một chất làm giảm viêm bao tử và ruột, và đôi khi có thể làm giảm đầy hơi. Nó cũng có thể làm giảm bớt mùi hôi khi ợ hơi. Chất này có trong Pepto Bismo. Và thuốc này làm cho phân có màu đen.
- Than hoạt tích (activated charcoal), đôi khi cũng có thể làm giảm hơi trong phần dưới ruột già. Chất này có thể làm bón và cũng làm cho phân có màu đen.
- Ðôi khi, uống nước ấm hoặc nước trà với vài giọt tinh dầu bạc hà, quế, hay gừng sau khi ăn, cũng có thể giúp cho một số bệnh nhân.
Một số thuốc khác cũng có thể làm giảm đầy hơi. Tuy nhiên, các thuốc này cần phải được bác sĩ (thăm khám trước khi) kê toa.
Nói tóm lại, để giảm chứng đầy hơi, và “xì hơi”, ta cần chú ý đến chế độ ăn của mình, vận động thể lực đúng mức. Một số thuốc mua không cần toa bác sĩ có thể giúp ích. Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả như ý, bác sĩ có thể kê toa một số thuốc có thể có hiệu quả hơn.
Nếu bên cạnh việc đầy hơi, ta còn có các triệu chứng khác như sụt cân, rối loạn về tiêu hóa, đau bụng... ta cần phải đến bác sĩ càng sớm càng tốt, vì đó có thể là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.
Mong ông sẽ giải quyết được vấn đề và luôn mạnh khỏe.
TẬP THỂ DỤC BAO NHIÊU THÌ ÐỦ
Hỏi:
Có lúc tôi nghe nói tập thể dục 20 phút mỗi ngày, ba ngày mỗi tuần là đủ. Có lúc lại nghe nói năm lần, mỗi lần 30 phút. Rồi lại sáu lần, mỗi lần một tiếng. Rồi lại có người nói tập mỗi lần chỉ cần 10 phút nhưng phải tập mạnh, và tập vài lần mỗi ngày. Như vậy là như thế nào? Tập như thế nào mới đủ? (ông Thịnh, Irvine) 
Ðáp:
Tất cả những điều ông kể trên đều từng là các khuyến cáo của các hội y khoa. Vì người ta luôn có các nghiên cứu và tìm ra các điều mới, nên các khuyến cáo đôi khi thay đổi đến mức chóng mặt. 
Nói chung, nguyên tắt là nếu có thể sắp xếp thì giờ và đủ sức, thì tập mỗi ngày vài lần một cách mạnh mẽ (vigorously) là tốt nhất. Tuy nhiên, thật ra, bao nhiêu là đủ là tùy theo sức và hoàn cảnh của mỗi người. 
Ðối với những người lớn tuổi (hoặc không lớn tuổi lắm mà do bệnh tật làm cho) sức yếu, thì vận động nhẹ nhàng, làm vườn, làm việc nhà, múa vài bài Tai Chi, cũng giúp làm giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch. 
Nếu ta không có thì giờ, và do công việc làm mà không vận động thể lực nhiều lắm, thì tập thể dục nhẹ nhàng vài lần một tuần cũng làm giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch xuống phân nữa. 
Nếu đã tập thể dục vài lần một tuần, thì mục tiêu kế tiếp là tập mỗi ngày. Tập mỗi ngày, sẽ giúp tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, và ích lợi cho tim mạch sẽ tăng lên. 
Khi đã tập hàng ngày rồi, thì, tăng lên vài lần mỗi ngày, với các động tác mạnh hơn, sẽ càng tốt. 
Tóm lại, nguyên tắc là nên vận động thể lực, và tìm cách gia tăng thể dục, tùy theo sức mình và thời gian cho phép. Dĩ nhiên, nếu ta coi sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, thì ta phải “cho phép” thời gian cho việc quan trọng này. Thể dục sẽ giúp ta làm việc hiệu quả hơn để bù lại khoảng thời gian ta dành cho nó.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thể dục không chỉ có lợi cho tim mạch, mà còn giúp phòng một số bệnh ung thư, tiểu đường... Tình trạng thiếu bền sức có thể biến thành các bệnh kinh niên như tiểu đường, cao huyết áp, vân vân, chỉ trong vòng hơn mười năm.
Mong rằng ông sẽ tìm ra giờ để nghỉ ngơi và thể dục hàng ngày. 
Thân mến 
Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Biến Chứng Bệnh Tiểu Đường
Bệnh tiểu đường hiện nay là một trong những bệnh thông thường nhất trên nước Mỹ. Ðây là một bệnh kinh niên và lâu ngày đưa đến những biến chứng nguy hại cho sức khoẻ và tính mạng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù mắt, hư thận, bất lực (impotence). Bị bệnh tiểu đường càng lâu thì càng dễ bị nhiều biến chứng. Tuy nhiên các biến chứng có thể tránh được không xảy ra hoặc có thể làm chậm lại nếu lượng đường trong máu được kiểm soát chặt chẽ thật gần với lượng đường bình thường.
 
Những biến chứng thường xuyên có thể xảy ra cho bệnh nhân bệnh Tiểu Ðường:
 
1. Hư răng: Bệnh này dễ gây đau nứơu răng do đóng vôi, và nhiễm trùng. Miệng lưỡi hay khô và hôi miệng. Bệnh nhân phải khám răng định kỳ thường xuyên, đánh răng cho kỹ và nhất là không hút thuốc lá.
 

2. Hư mắt (diabetic retinopa-thy): Mắt mờ chưa chắc là đã cần thay kiếng, nhưng rất có thể là do đường trong máu quá cao vào lúc đó. Hạ lượng đường trong máu xuống có thể giúp thị lực khá ngay. Những mạch máu nhỏ dễ nghẽn và bị bể trong lòng mắt (retina) là nguyên nhân chính gây ra mù lòa tại Mỹ. Chúng ta nên để ý những triệu chứng như là mắt mờ, thấy chấm đen trước mặt, đau mắt, nhìn thấy cái gì cũng hai hình cả, đèn chớp chớp trước mắt (flashing lights), hay không nhìn thấy những hai phía bên cạnh. Những người bệnh tiểu đường cũng hay dễ bị cườm nước (glaucoma) và cườm khô (cataract). Những năm đầu vừa mới bị tiểu đường thì thường không có triệu chứng, nhưng chúng ta cũng phải đi khám mắt ít nhất mỗi năm một lần để bác sĩ có thể phát hiện sớm những thay đổi trong retina và chữa trị cho đúng cách.
 
3. Hư thận (diabetic nephropa-thy): Tiểu đường là một trong những nguyên do chính làm hư thận tại Mỹ, với khoảng 4000 trường hợp ở giai đoạn cuối (end stage renal disease) được phát hiện mỗi năm. Tiểu đường loại 1 chóng bị hư thận hơn loại 2. Ðuờng lưu thông cao trong máu lâu ngày sẽ làm hư những mạch máu nhỏ, dẫn đến hư thận. Khi thận bị hư hoàn toàn bệnh nhân sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, người bị phù, khó thở, mê sảng vào giai đoạn cuối vì do thận không lọc nước tiểu và các chất độc và dơ trong máu do cơ thể phát ra. Áp huyết sẽ lên cao. Một khi thận bị hư hại hoàn toàn chỉ còn cách duy nhất để duy trì tính mạng là dùng máy lọc thận (dialysis). Thử nước tiểu đo microalbumin thường xuyên hàng năm sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm để kịp thời chữa trị làm cho thận hư chậm lại. Dùng thuốc để giữ cho lượng đường luôn luôn càng gần mức bình thường, giữ áp huyết cho dưới 130/80, ăn uống bớt chất đạm và ăn nhạt là điều tối cần thiết để bảo tồn chức năng thận.
 
4. Tai biến mạch máu: Bệnh nhân rất dễ bị chứng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não làm bán thân bất toại đa số là do bị bệnh mỡ cùng với áp huyết cao mà bệnh nhân tiểu đường hay gặp phải. Thống kê cho thấy là 65% tử vong ở bệnh nhân tiểu đường là do tai biến mạch máu mà ra. Nguyên nhân chính là mỡ, đường lâu ngày làm nghẽn và cứng các động mạch khiến cho máu không lưu thông tới được các bộ phận cần thiết. Bệnh nhân phải để ý đến những triệu chứng như là khó thơœ, mệt, đổ mồ hôi, đau ngực khi làm việc hơi nặng. Bàn chân lạnh tím, hay đau bắp vế chân khi đi bộ, mất lông chân là những triệu chứng nghẽn mạch dẫn máu về chân. Kiềm giữ lượng đường ở mức tốt (hba1c dưới 7%) sẽ giúp giảm tyœ lệ nguy cơ biến chứng. Thể dục hay thể thao thường xuyên, tránh béo phì, uống thuốc chống mỡ cao, hạ áp huyết, không hút thuốc, uống một viên Aspirin 81 mg mỗi ngày.
 
5. Ðau hệ thống thần kinh (diabetic neuropathy) gồm có 2 loại:
 
• Peripheral neuropathy: Tiểu đường càng lâu thì càng dễ bị, thường ảnh hưởng nhiều nhất ở phía dưới chân, gây đau nhức từ đầu gối trở xuống bàn chân vào ban đêm, như kiến bò hay kim đâm, hay tê hẳn, có thể đau ở bàn tay. Bắp thịt có thể bị teo,yếu dần, khó cử động. Mắt cũng có thể bị tê liệt. Vì do tê, mất cảm giác, nên bệnh nhân dễ bị lở loét dưới bàn chân do đi đạp phải vật nhọn hoặc cọ sát bởi đôi giầy chật, rồi từ đó gây nhiễm trùng và có thể bị cưa chân. Bệnh nhân cần phải kiểm soát bàn chân mỗi tối trước khi đi ngủ, mặc quần ống cho thoaœi mái và nên tham khảo với bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ Bộ Khoa (podiatrist) nếu có triệu chứng gì khác lạ.
 
• Autonomic neuropathy: Bệnh nhân sẽ bị xáo trộn nhịp tim, huyết áp chạy không đúng gây ra chứng chóng mặt (postural hypotension), tiêu chảy táo bón bất thường, buồn nôn mửa, đi tiểu khó khăn, khô âm đạo và nhất là bị chứng liệt dương. Bệnh nhân liệt dương bây giờ đỡ khổ hơn lúc trước nhiều, vì có thuốc chữa trị khá hiệu quả. Nên tham khảo với bác sĩ. 6. Ðau chân (foot problems): Hội chứng đau chân rất là thông thường ở bệnh tiểu đường do mạch máu không lưu thông và giây thần kinh hư (diabetic neu-ropathy), rồi từ đó gây ra lở loét (ulcer) dưới bàn chân và làm hư thối (gangrene). Chúng ta phải để ý nếu vết thương nhỏ nơi chân không lành. Nếu để tới giai đoạn gangrene thì chỉ còn cách là cưa chân để chặn đứng lại sự nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng hay bị nấm dưới chân (athlete foot) làm ngứa ngáy, khó chịu, nấm trong móng chân làm đau ngón chân và có thể bị mất móng chân. Khô da chân, hay chai da dưới bàn chân (corns, calluses) cũng dễ gây ra lở loét mà chúng ta cũng cần phải để ý. Nếu chúng ta bị tiểu đường thì mỗi khi đi bác sĩ nên cởi hết vớ giày ra để khám. Chớ nên đi chân không ngoài đường, bãi biển, trong vườn, dễ bị cắt đứt da khi đạp phải vật nhọn vì cảm giác không còn, gây ra nhiễm trùng. Nên mang giầy tốt, khít khao, tắm rửa chùi khô bàn chân, thị sát bàn chân mỗi ngày là những điều phải làm để tránh hậu quả. Cũng phải thường xuyên gặp bác sĩ Bộ Khoa để được khám và chữa trị cho tường tận.
 
7. Ðường quá cao (Hyperglycemic hyperosmolar non ketotic coma): Là một hội chứng hay gặp phải ở người già trên 60, tiểu đường loại 2 mà đang bị một bệnh gì khác như nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi, bị stress, bệnh tim, chaœy máu ruột, hư thận, stroke. Bệnh nhân sẽ khát nước và đi tiểu rất nhiều trước khi trở nặng vào nhà thương, sẽ mê man vì thiếu nước nặng, lượng đường trong máu có thể lên tới cả ngàn. Trường hợp này có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không vào nhà thương kịp. Tiểu đường loại 1 cũng có hội chứng tương tự (diabetic ketoacido-sis) gặp phải ơœ những ai không cẩn thận trong vấn đề ăn uống, chích thuốc Insulin không đúng cách, sai liều hoặc không chích hoặc đang bị một bệnh nào khác làm cho cơ thể không đủ insulin dù vẫn chích cùng liều như mọi lần. Bệnh nhân thường là giới trẻ, sẽ ói mửa, đau bụng, khát nước và đi tiểu, xuống cân do mất nước, có thể bị hôn mê. Ðường trong máu sẽ lên tới vài trăm (400-600), có ketones trong máu và nước tiểu. Cả hai trường hợp trên đều phải vô nhà thương để tiếp nước, chích insulin và tìm chữa bệnh đi kèm.
 
8. Ðường quá thấp (hypo-glycemia, dưới 70 mg/dl): Thường xảy ra ở những ai bỏ bữa ăn, ăn xái giờ mà vẫn uống thuốc hoặc chích insulin, exercise quá độ hôm đó, hay uống rượu hơi nhiều. Bệnh nhân sẽ bất ngờ như muốn xỉu, nhức đầu, tay chân bủn rủn, toát mồ hôi lạnh, hoa mắt, có thể té bất tỉnh, giựt kinh phong. Nếu còn tỉnh táo để có thể uống một ly nước cam hay ăn một miếng bánh thì sẽ khỏe lại ngay. Bệnh nhân tiểu đừơng, nhất là những ai phải nsulin thì lúc nào cũng nên có một miếng bánh, cục kẹo, trái cây trong cặp hoặc trong xe để ăn liền khi gặp trường hợp trên. Bệnh nhân cũng nên có một thuốc chích gọi là glucagon để sẵn ở nhà, đề phòng trường hợp bị hôn mê không biết trời trăng để ngậm kẹo, thì người thân sẽ dùng thuốc này chích để cho lượng đường lên cấp tốc, hầu cứu sống họ. Nếu đường thấp hay xảy ra thường xuyên thì nên cho bác sĩ biết để điều chỉnh lại thuốc hay gặp nhà dinh dưỡng để được cố vấn về cách ăn uống.
 
9. Bệnh ngoài da: Bệnh nhân dễ bị da khô do mất nước vì đi tiểu nhiều, ít mồ hôi vì đau giây thần kinh đặc biệt là mồ hôi nơi chân. Da bị ngứa ngáy làm bệnh nhân gãi, rách da và từ đó làm nhiễm trùng, gây mụn nhọt. Bệnh nhân mập mạp thường hay bị nấm chỗ háng, nách và dưới vú nếu là đàn bà. Da bị nấm sẽ đỏ rát, có mụn nước, đau đớn, ngứa ngáy rất là khó chịu (candidiasis). Chúng ta phải để ý làn da nhất là ở phía dưới chân thường xuyên, xem xét những chỗ bị đỏ, đổi màu, mọc mụt nước làm ngứa ngáy, đều có thể gây nhiễm trùng.
 
Bác Sĩ Jean Lương Phụng Hoàng: tốt nghiệp Y khoa tại University of Saint Etienne ở Pháp và tốt nghiệp Chuyên khoa bệnh Nội Thương tại Long Island Jewish Hospital. Hiện bác sĩ Hoàng đang hành nghề với Hamilton Medical Group tại San Jose, California.(SongManh) 
Bệnh U Sầu - Trầm Cảm "Em có nghe tiếng sóng gầm gió thét
Vang vọng về trong mất mát lẻ loi
Tiếng giầy lê giữa phố vẫn đông người
Lang thang bước trong khung trời thương nhớ"
(Xuân Dương)

Có lẽ đó là lời than, tiếng trách của gã thất tình khi người yêu lặng lẽ ra đi... Nhưng sự mất mát, nỗi buồn phiền chán nản, lẻ loi này có đáng kể không, khi so với những khủng hoảng của người Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư?

Không ít thì nhiều, chúng ta đã hoặc đang ngậm ngùi với những ưu tư, buồn phiền, sầu não, mất mát, sót sa - mỗi khi tiếng thời gian gõ lại nốt nhạc trùng của thảm họa lịch sử khó quên này. Rồi như thế, cuộc sống vẫn trôi đi với những hỉ, nộ, ái, ố. Và có lẽ nhờ vào khả năng "quên mà sống", con người vẫn chưa hoàn toàn "chết ngộp" trong "bể khổ".
Tuy nhiên trong một số người, những nỗi bất hạnh, những cơn khổ đau cứ thế tiếp tục chồng chất, đẩy họ vào hố sâu của cõi buồn phiền, không ánh sáng. Sự chán nản, nỗi đớn đau như thế sẽ tiếp tục giầy vò thể xác và tinh thần, khiến cuộc sống của họ trở nên không tưởng và tắc lối. Khi sự buồn rầu, chán nản trở nên quá thái và kéo dài quá lâu, những người này cần được cứu vớt. Họ đang mang trên người một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng: Bệnh u sầu.

Bệnh U Sầu là gì?
Buồn rầu là một trạng thái "không vui" mà có lẽ chúng ta ai ai cũng từng trải qua. Nếu nhẹ, chúng ta chỉ bị "sa sút" tinh thần đôi chút, rồi bình phục trở la.i. Đó là những "mặn, ngọt, chua, cay" trong cuộc sống. Nếu "rút tỉa" kinh nghiệm từ những bài học đắng cay này, chúng ta sẽ trở nên minh mẫn và sáng suốt hơn. Nhưng nếu sự buồn phiền cứ tiếp tục chồng chất, cả tinh thần lẫn thể xác của chúng ta đều như bị thôi miên và lôi cuốn vào cơn lốc của đau khổ và thất vo.ng. Bấy giờ sự buồn bã không còn là một trong những "nổi trôi" của cuộc sống mà đã biến thành một căn bê.nh.
Sự khác biệt chính yếu của những sự buồn bã "thông thường" và bệnh u sầu không hoàn toàn dựa vào thời gian và tình trạng nặng nhẹ của căn bê.nh. U sầu được xem như là một căn bệnh, khi chúng ta không kiểm soát được sự suy nghĩ của chính mình. Bệnh nhân đôi khi cảm thấy buồn phiền một cách vô lý. Mỗi ngày một buồn hơn, chán nản hơn mà không hiểu tại sao.

Nguyên Nhân đưa đến bệnh U Sầu:
Tuy với sự tiến triển vượt bực của y khoa, người ta vẫn chưa hiểu rõ những gì đã xẩy ra trong tế bào óc có thể đưa đến những cảm giác như yêu, thương, buồn, phiền, nhung nhớ, rầu rĩ, chán nản, thất vọng v.v. Khi não bộ bị tổn thương vì một lý do nào đó, một số hoá chất trong óc bị xáo trộn đưa đến nhiều triệu chứng và hậu quả khác nhau.
U sầu/trầm cảm cũng có thể được xem là một bệnh di truyền. Một bộ óc "yếu ớt" có thể dễ bị tổn thương bởi những biến cố hơn là một bộ óc "khỏe mạnh". Nếu chúng ta "thừa hưởng" những đặc tính di truyền tốt cho một bộ óc "cường tráng", chúng ta đỡ bị bệnh u sầu hơn. Những chấn thương của não bộ có thể gây ra từ một biến cố trầm trọng xẩy ra một cách bất ngờ (như mất nước, nhà cửa tan nát, gia đình ly tan v.v.), hoặc từ những tin buồn, chuyện không may, nỗi bất hạnh, lo lắng, buồn phiền, tức tối, giận dữ, hoặc sự bất mãn căng thẳng v.v. chồng chất lên nhau từ năm này qua tháng nọ.
Vì thế, bệnh u sầu - trầm cảm không phải là một bệnh tưởng tươ.ng. Người bệnh thật sự bị bệnh, chứ không phải đang đóng kịch, để được sự chú ý của người chung quanh. Họ cũng rất muốn sống một cuộc đời hạnh phúc và vui vẻ như mọi người nhưng vì những thay đổi trong não bộ của họ đã lấy mất đi trí óc sáng suốt của họ.

Ai có thể bị Bệnh U Sầu?
Chúng ta ai ai cũng có thể bị. Người bị bệnh u sầu tuy thường cảm thấy cô đơn, nhưng họ không lẻ loi. Tại Hoa Kỳ, ít nhất 5.3% người lớn hoặc 17 đến 20 triệu người đang bị bệnh trầm cảm. Phái nữ với tỷ lệ 12% mỗi năm bị mắc bệnh u sầu nhiều hơn phái nam, với tỷ lệ 7% mỗi năm. Nói một cách khác, cứ 1 trong 5 người nữ sẽ có nguy cơ bị bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời của họ (lifetime risk).
Người Việt Nam rải rác khắp nơi trên thế giới, sau biến cố 30 tháng tư, gặp rất nhiều trở ngại trong việc thích ứng với đời sống trên đất khách, quê người. Sự mất mát, nỗi khổ đau, tủi nhục và trở ngại về ngôn ngữ cũng như những khác biệt văn hóa đã là một trong những nguyên nhân chính đưa đến bệnh u sầu/trầm cảm của rất nhiều người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới. Theo bản tường trình chính thức của thành phố Queensland tại Úc, người Việt tị nạn tại Úc là một trong những di dân nghèo nhất tại đây, với trình độ học thức thấp kém, và thường phải làm những công việc hèn kém so với khả năng của họ. Khi gia nhập vào cuộc sống mới, những bậc phụ huynh vì yếu kém về sinh ngữ, cảm thấy bất lực vì lệ thuộc vào con cái. Họ trở nên bất mãn vì cảm thấy quyền dạy dỗ con cái theo truyền thống Khổng ? Lão bị "tước đi". Giá trị gia đình và nhân phẩm cá nhân như bị đánh mất khi phải "ngửa tay xin tiền" từ những cơ quan từ thiê.n. Nỗi uất ức vì bất đồng ngôn ngữ, sự tức tối vì những kỳ thị chủng tộc, nhục nhã vì thiếu khả năng kiếm tiền nuôi gia đình, đau đớn về thể xác vì tuổi tác cũng như do những ngày tháng đầy đọa, hành hạ trong tù lao cộng sản, những ác mộng hằng đêm, v.v. đã và đang là những nguyên nhân chính đưa đến bệnh u sầu, trầm cảm của những người Việt tỵ nạn lớn tuổi. Những người phụ nữ bị hãm hiếp trên hành trình lưu lạc tìm tự do, cũng không thoát khỏi những cơn buồn phiền, chán nản và u sầu.
Tại Hoa Kỳ, Việt Nam là sắc dân tỵ nạn Á Châu đứng hàng thứ 4, sau Trung Hoa, Phillipines và Ấn Độ. Dựa theo tài liệu của ông Trần V. Thanh đăng tải trong Social Work Research (March 2003) u sầu/trầm cảm là một trong những bệnh tâm thần hàng đầu của người Việt Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Người Việt lại thường "đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại", nên xem bệnh u sầu là một sự tủi nhục cho gia đình. Vì thế, họ thường cắn răng chịu đựng và "khóc lẻ loi, một mình".
Ngay cả trẻ em sinh trưởng tại hải ngoại, cũng có thể bị bệnh này. Theo thống kê gần đây, khoảng 4% các thanh niên thiếu nữ đang bị bệnh trầm cảm một cách nặng nề. Vì trẻ em thường có những cơn buồn "vô cớ", người lớn thường có khuynh hướng lơ là về những triệu chứng của bệnh u sầu trong lứa tuổi "nhức đầu" này. Dựa theo the National Cancer Institute, ít nhất 1.9% trẻ em từ 7 đến 12 tuổi, và từ 10 đến 15% học sinh trường trung học đã và đang bị bệnh u sầu trong một thời gian ngắn. Trong số này, một số trẻ em cần phải chữa trị gấp rút trước khi bệnh trở nên quá nă.ng.
Dựa theo bác sĩ Norman Sartorius, cựu chủ tịch Hội Bệnh Tâm Thần Thế Giới (World Psychiatric Association), người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng, thường chấp nhận những triệu chứng của bệnh trầm cảm như những nắng mưa của cuộc sống nên không đi khám bê.nh. Vì thế, nhiều người trong chúng ta có thể đang bị bệnh này, nhưng không nói ra vì ảnh hưởng bởi nền giáo dục và văn hóa của người Á Châu. Theo tôi nghĩ, đây là một sự chịu đựng không công bằng và khá tàn nhẫn (khi nghĩ rằng đây là một bệnh có thể chữa trị được).

Triệu Chứng của Bệnh Trầm Cảm
Khác với sự hiểu lầm của quần chúng, đây không phải là bệnh tưởng tượng, hoặc bệnh tâm thần tầm thường, dễ chữa. Chỉ cần ăn uống đầy đủ hơn, tập thể dục thường xuyên hơn, giải trí đều hòa hơn, làm việc hăng say hơn, vui chơi với bạn bè và người thân nhiều hơn, là tinh thần sẽ bớt "căng thẳng" và mọi chuyện sẽ "vui vẻ" trở lại như " bình thường". Xin thưa, đây không phải là bệnh dễ chữa.
Vì nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, và có thể đã ăn sâu trong tiềm thức, nên bệnh không thể tự nhiên "biến mất" đươ.c. Bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và chữa bệnh đúng cách.
Nếu không được chữa, tinh thần người bệnh dần dần sa sút. Họ bắt đầu thu nhỏ về thế giới riêng tư với những ê chề, buồn bã, tuyệt vo.ng. Cuộc sống trở nên vô nghĩa, chán nản. Ban đầu họ chỉ có những tư tưởng như "sao cũng được", nhưng lâu dần, "Có tôi, hay không có tôi đời vẫn thế. Đã ai phải cần đến tôi". Từ tư tưởng "Không mợ, chợ vẫn đông người", họ có thể đi xa thêm một chút nữa. " Tôi chỉ là mối nhục cho gia đình, một một gánh nặng cho xã hội, không đáng sống". Những cảm giác chán đời có thể trở nên mỗi ngày một mãnh liệt hơn. Họ mất dần tự tin, và dần dần xa lánh đời sống chung quanh. Rồi khi quá tuyệt vọng, họ có thể tự tìm cho mình một cái chết, để chấm dứt những nỗi phiền đau không tưởng mà dường như "Trời Đất" chỉ dành riêng cho họ.
May mắn thay, không phải ai mắc bệnh trầm cảm cũng bị nặng như vâ.y. Một số người chỉ có những triệu chứng rất nhẹ và mơ hồ. Họ ban đầu chỉ cảm thấy người không vui, lâng lâng như câu thơ "Hôm nay trời nhẹ lên cao; Ơ hay chẳng hiểu vì sao tôi buồn". Họ có thể chỉ buồn bã, ăn không ngon, ngủ không yên. Lâu dần, họ có thể cảm thấy "trống rỗng", sống không ngày mai, bức rức, bồn chồn, khó chịu, khó tập trung tư tưởng. Họ có thể cảm thấy buồn "rười rượi", thất vọng, chán nản, giận dữ không nguyên cớ. Đầu hoặc tứ chi có thể bị nhức mỏi, thiếu năng lư.c. .
Người bị bệnh u sầu thuờng lúc nào cũng cảm thấy buồn bã, chán chường, không tha thiết việc gì cả, họ cảm thấy nhỏ bé, thua kém bạn bè. Họ cũng thường cảm thấy yếu đuối về cả hai mặt: thể xác và tinh thần. Họ như người "không hơi", không tập trung được tư tưởng. Biếng ăn, mất ngủ và xuống cân. Bệnh nhân lớn tuổi thường cảm thấy khó chịu, đau đớn khắp cơ thể.

Cách Định Bệnh và Chữa Bệnh
Đây là một căn bệnh rất thường xuyên và dễ nhầm lẫn với nhiều trạng thái khác nhau, nên lối định bệnh khá rắc rối. Người ta phân biệt thành rất nhiều bệnh u sầu khác nhau tùy theo nặng nhẹ, triệu chứng, nguyên nhân cũng như hoàn cảnh. Và vì thế lối chữa trị cũng trở nên không kém phức ta.p. Vì khuôn khổ bài viết chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết của mỗi loại bệnh u sầu. Người ta thường phân biệt nhiều loại bệnh khác nhau như major depression, bi-polar depression, manic depression, post-traumatic depression, post-partum depression, child depression, teen depression v.v.
Nói một cách tổng quát, đây là một căn bệnh cần được theo dõi và chữa trị bởi nhiều chuyên gia khác nhau, cũng như cần được sự giúp đỡ và khuyến khích của gia đình. Người ta nhận thấy nếu người bệnh và người thân thương cởi mở hơn trong việc chữa bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và chóng lành bệnh hơn.
Tâm lý trị liệu (psychotherapy): Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và điều trị bởi bác sĩ tâm thần (phychiatrist), hoặc bởi nhà tâm lý học (psychologist) bằng những phương thức khác nhau. Chính yếu của phương pháp này là "nói". Khi nói chuyện, bệnh nhân có thể cùng người bác sĩ tâm lý đào xâu vào ký ức, hoặc "mổ sẻ" những lý do đưa đến những căng thẳng, phiền muộn gây ra bệnh u sầu. Tuy nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Nhiều người cho rằng, chỉ có những kẻ hèn yếu mới cần phải đi "tâm sự" với một bác sĩ "điên". Nếu cảm thấy buồn phiền, một người đàn ông "thuần túy" chỉ cần uống vài chai bia là hết ngay. Than thở với một người khác không hề quen biết về những lẻ loi, mất mát, buồn phiền của mình, không khác gì mấy . . ."mụ đàn bà, lắm chuyện" nói lải nhải ở chợ trời. Thưa quý ông, không! Trăm lần không. Phải can đảm lắm, phải hùng dũng lắm mới có thể tuyên bố với người khác là :"tôi đang bị bệnh u sầu, trầm cảm, xin giúp tôi tìm lại niềm vui". Vâng quý vị thử đứng trước gương và lập lại câu nói trên xem. Vạn sự khởi đầu nan. Nếu vượt qua khỏi trở ngại đầu tiên này, gần như 50% bệnh u sầu của quý vị đã thuyên giảm. Đây không phải là mục gỡ rối tơ lòng như trong "dear Abby" hoặc "Talk Show của Quỳnh Hương ? Quốc Thái, mà là những phương pháp trị liệu có phương pháp với mục đích xoá mờ những khúc mắc sâu sa, những tổn thương trầm trọng trong ký ức v.v. Người "trong cuộc" thường càng tự gỡ, càng rối bời, càng tuyệt vo.ng. Đa số những nguyên nhân đưa đến bệnh u sầu thường rất thầm kín, rất tế nhị, nhưng không kém phần phức ta.p. Quá phức tạp để người bệnh tự giải quyết lấy. Nếu làm được họ đã không bị bệnh u sầu. Vì thế, ngoài thuốc men, tâm lý trị liệu đóng một vài trò quan trọng trong việc chữa bệnh u sầu, gây ra từ những tổn thương não bộ sau những biến cố tâm lý.
Tùy theo bệnh lý, cũng như nguyên nhân của bệnh, nhiều phương thức khác nhau có thể được đem ra ứng dụng, từ yoga, thiền, tập thể dục, chữa bằng nhạc, đấm bóp v.v.
Thuốc men: Trong những năm gần đây nhiều loại thuốc chữa bệnh u sầu mới hơn, tốt hơn, và ít phản ứng phụ đã được ứng dụng một cách rất hiệu quả. Hai loại thuốc chính với khả năng thay đổi chất hoá học noradrenaline và serotonin trong não bộ. Người được chữa trị cảm thấy thoải mái và "yêu đời" hơn rất nhiều. Họ có thể ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn. Tìm lại sinh lực và cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Tóm lại, bệnh u sầu, trầm cảm là một căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác, tinh thần, suy nghĩ, tâm linh, thể lực, đời sống hằng ngày và nhiều điều khác nhau nữa. Bệnh u sầu không phải là một cảm giác buồn phiền qua loa. Đây cũng không phải là một dấu hiệu của một tinh thần yếu ớt. Và bệnh không thể tự chữa trị được một cách dễ dàng. 

Bác Sĩ Bùi Xuân Dương tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại University of Bern, Switzerland. Tốt nghiệp chuyên khoa nội thương và hệ thống tiêu hoá và gan tại St. Louis University, Missouri. www.DuongBuiMD.com
VĂN HÓA ẪM THỰC VÀ SỨC KHỎE TÌNH DỤC
 
VĂN HÓA ẪM THỰC
 
Văn hóa ẫm thực đi song song với sự phát triễn văn minh của loài người , trong thời kỳ sơ khai cổ đại khi con người còn ăn lông ở lỗ , ăn tươi nuốt sống cho đến khi biết lấy lá che thân , biết tìm vào nơi hang động để cư trú , biết dùng đá để đánh lữa sưởi ấm , biết chế tác các dụng cụ để săn bắt , đun nấu....nền văn hóa ẫm thực của loài người đã có một bước tiến dài từ hái lượm ,thô sơ , đơn giản đến biết cách trồng trọt gieo cấy ,tích trử lương thực , thực phẫm đến việc chế biến lương thực thành các món ăn từ đơn giản cho đến thật cầu kỳ
 
Ăn là một nhu cầu bản năng của con người để tồn tại
 
Sinh sản cũng là một bản năng và hình thức tự vệ của con người để chống lại sự tiêu diệt , sinh sản là hậu qủa của hoạt động tính dục
 
Ở Á Đông người ta quan niệm sự khoái cảm hạnh phúc cùa con người theo thứ tự ưu tiên như sau  : Ăn , Ngủ , Hoạt dộng tình đục và Thải chất cặn bả ra khỏi cơ thể bằng đường tiêu hóa
 
Bốn yếu tố này luôn luôn có sự liên hệ mật thiết qua lại với nhau , nó bao hàm toàn bộ sức khỏe của con người , chỉ cần một sự rối loạn mất cần bằng một trong 4 yếu tố này là có thể làm đảo lộn cuộc sống của một cá nhân gây nên một hệ qủa dây chuyền cho vợ chồng con cái...và đôi khi ảnh hưởng đến xã hội
 
Văn hóa ẫm thực của mổi dân tộc được thành hình và tồn tại theo sự tiến hóa và lịch sử văn minh của dân tộc đó , nó có nét đặt trưng riêng , ít bị đồng hóa nhất so với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác như y phục , kiến trúc , âm nhạc , lễ nghi  , giao tiếp , ứng xữ , tư tưởng....
 
Qua thời kỳ sơ khai , văn hóa ẫm thực bắc đầu dần dần để lại dấu ấn mà qua đó khi nghiên cứu , so sánh giữa các nền văn hóa ẫm thực của các dân tộc có vùng địa lý khác nhau như ẫm thực vùng biễn khác với vùng núi , vùng đồng bằng , sình lầy khác vơi cao nguyên sa mạc , vùng ôn đới khác với nhiệt đới , châu Âu , châu Mỹ khác với châu Á châu Phi....các nhà nghiên cưu mới thấy vô cùng ngạc nhiên trước sự phong phú đa dạng của các món ăn , cách chế biến bảo quản , cách trình bày ,và triết lý nhân sinh , tôn giáo trong văn hóa ẫm thực của mỗi dân tộc mỗi thời đại
 
SỨC KHỎE TÌNH DỤC

Sức khỏe tổng quát của con người bao gồm : sức khỏe tâm thần và sức khỏe về thể chất , sức khỏe tình dục là một loại sức khỏe vừa có yếu tố tinh thần lại vừa có yếu tố vật chất nó là một loại sức khỏe tổng hợp , cho nên khi kiễm tra , theo dõi hay điều trị một rối loạn về sức khỏe tình dục đòi hõi một kiến thức khá phức tạp , đa dạng , không những người thầy thuốc phải có một sự hiểu biết về mặt tâm lý học, xã hội học , môi trường mà còn một số kiến thức chuyên sâu về khoa y học tình dục ...
 
Sức khỏe tình dục bao gồm hai yếu tố : khả năng ham muốn và hoạt động tình dục, nếu có sự suy giảm một trong hai yếu tố là sẽ có vấn đề về sức khỏe
 
Suy giảm ham muốn tình dục thường do thiếu hụt nội tiết tố trong khi đó không có khả năng thực hiện ham muốn thường do yếu tố tâm lý hoặc do một số các yếu tố bệnh lý        
 
Suy nhược tình dục nói chung là một tình trạng không làm thoả mãn được mình và người hôn phối.
 
Tình dục bao gồm tình yêu và thân xác , một rối loạn về tình dục có thể ảnh hưởng và chi phối hầu hết các khía cạnh của cuộc đời
 
          Trong lảnh vực tình dục có hai vấn chính mà các nhà nghiên cứu , các nhà khoa học quan tâm đến :
 
          1/  Ham muốn tình dục
 
          2/ Thực hiện một cách có chất lượng ham muốn đó
 
Trục trặc , rối loạn một trong hai vấn đề đó sẽ làm cho chất lượng của cuộc sống mất đi niềm vui và sự sản khoái  , đó là vấn đề liên quan đến sức khỏe tình dục
 
Ham, ước muốn tình dục chịu sự chi phối của các yếu tố , gia đình , xả hôi , giáo dục , môi trường , thể chất và nhất là kích thích tố Testosteron…
 
          Ngoài các yếu tố về sức khỏe và tinh thần tổng quát muốn Hoạt động Tình dục có hiệu quả thì cơ quan sinh dục phải đáp ứng đây đủ  chức năng
 
Nếu ngừơi ta cho rằng khám phá ra điều bí ẫn của cơ chế hoạt động tình dục       là do sự biến đổi các chất dẫn truyền sinh hóa ở đầu mút dây thần kinh ở bộ phận sinh dục .
 
Mỗi khi có ham muốn tình dục thì cơ thể sẽ phóng thích ra Nitric Oxide (NO) , NO là sản phẩm cuối cùng của kích thích và ham muốn
 
 TÌNH DỤC TRONG VĂN HÓA ẪM THỰC
 
 Trong quá trình tiến hóa và để bảo đảm cho sức khỏe lao động sinh tồn và duy trì nòi giống con người biết chọn lựa các thực phẫm tốt , thích hợp , có lợi cho cơ thể nhất để ăn, uống...biết phân biệt , biết loại bỏ các thành phần không cần thiết hay độc chất trong thực phẫm , biết tránh và chọn lựa các thực phẫm nào cần cái nào không cần để dùng , biết cách chế biến nhiều thức ăn , món ăn ngoài việc nướng và luột
 
Có thể nói cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử văn hóa ẫm thực là khi con ngưởi khám phá ra lửa và từ lửa con người biết làm chín thức ăn , biết chế biến phát minh các thức ăn mới , biết xữ dụng gia vị làm phong phú và hợp khẩu vị hơn
 
Văn hóa ẫm thực càng ngày càng tiến cao , xa hơn với mục tiêu rất rõ ràng là phục vụ cho sức khỏe và hạnh phúc con người
 
Các hình thức chế biến thực phẫm mổi ngày mỗi đa dạng hơn từ hình thức đơn giản như nướng thức ăn trực tiếp lên ngọn lửa , luột sôi trong môi trường nước người nội trợ đã khám phá ra các hình thức khác như lùi trong tro , nướng trong lu , bọc thức ăn bằng đất sét , lá chuối , lá sen , giấy bạc.... trui hay rang trong chảo  , chiên trong dầu mỡ , hấp , chưng cách thủy , cho lên men , ấp , ủ , phơi , vùi , đông lạnh , ngâm , cho kỉến , ong ...hiện đai như sóng vibra , quang học ,tia....Tóm lại là nấu nướng chiên xào bằng mọi cách , dưới mọi hình thức... để phụ vụ cho cái khẩu vị
 
Nghê thuật trong văn hóa ẫm thực như cách ăn cách uống , phong thái , người đối diện , người phục vụ , môi trường..., trang trí trong văn hóa ẫm thực như môi trường , bày biện bàn tiệc , mâm , chén bác , đủa muổng , ly cốc , khăn ... , cách bài trí bàn ăn , thức ăn cũng trở nên những yếu tố làm thăng hoa món ăn và mang lại thoải mái cho thực khách
 
Ngoài việc ăn ngon thì ăn uống cái gì là phù hợp và tăng cường , duy trì  cho sức khỏe của con người là một vấn đề lớn trong chế độ dinh dưởng .
 
Từ khi con người bắc đầu đi tìm thuốc trường sanh , đi tìm thuật cải lảo hoàn đồng thì vấn đề sức khỏe tình dục cũng đã được đề cập đến . Tổng quát
 
Y học : Dược phẫm
 
Ẫm thực : Chế độ dinh dưỡng
 
Nói cho cùng cũng chỉ là một
 
Chế độ dinh dưởng cho một người bệnh dĩ nhiên phải tuân thủ những nét chính của văn hóa ẫm thực nó còn mang tính chất của một công cụ hổ trợ cho việc trị liệu , một đầu bếp giỏi , một người nội trợ đãm đang sẽ biết cách chế biến các món ăn  phù hợp với tình trạng sức khỏe ,tuổi tác , khẫu vị riêng và bệnh tật của bệnh nhân  , một bệnh nhân cùng mắc một chúng cao huyết áp nhưng ngừơi Việt Nam , người Nhật Bản lại có khẫu vị khác với người Đức hay Ý nên thức ăn của họ cũng phải nấu nướng khác nhau, nghệ thuật nấu ăn là phải biết chọn lưa thưc phẫm , biết cách pha chế cho phù hợp tối ưu nhât là cho từng cá nhân .
 
 Thực phẫm gì không lợi cho tình trạng suy thận , suy tim , mất ngũ , thức ăn gì lại có ích cho chứng suy gan , suy hô hấp , khó thở , ích bụng đầy hơi và cái gì là mầm mống và là kẻ thù của đời sống chăn gối
 
Rượu và thuốc lá là kẻ đồng hành phá hủy , gặm nhắm bào mòn sức khỏe tình dục
 
Trong quá khứ người Trung quốc nói " Liên dương khuất liểu dâm dương thảo,dã hội nhiệt trung vi giao tiếp " và trong Tố Nữ kinh người  ta cũng đọc thấy công thức pha chế  Võ Hậu Tửu là loại rượu dành riêng cho Võ Tắc Thiên để điều trị tình trạng suy nhược tình dục ,  sách cũng đề cập đến tác dụng của Dâm Dương Thảo , rượu chế từ loại cây này gọi là Tiên Linh Tì Tửu hay Dâm Dương Tưủ .
 
Sách Tiền Hán Thư chép vua Tùy Dương Đế xuống chiếu cầu ai có toa thuốc Cừơng Dương thì dâng lên. Vợ của Hoa Phù đã dâng vua một toa thuốc gọi là Ích Đa Tán có công hiệu trong việc trị bệnh liệt dương và tăng cường sinh lực. Ngoài ra còn các toa thuốc như Cực Yếu Phương, Cát thị Phương,Lão Bà Phương, Bản Thảo của Tô Kinh, Bí Mật Yếu Thuật Phương vẫn còn lưu truyền cho đến bây giờ .
 
Trong lịch sử nước ta có nhiều vị Hoàng Đế đã mấy lần xuống chiếu cầu người dâng thuốc trị bệnh liệt dương như Hoàng Đế Lý Thần Tông , Hòang Đế Trần Dụ Tông, Khải Định Hoàng Đế
 
Trong nhân gian vẫn còn lưu truyền những thang thuốc của vua Gia Long, Minh Mạng ,nhữ ng thức ăn ,thức uống trị bênh liệt dương như rượu rắn tam xà ngũ xà…rượu tắc kè, rượu bìm bịp, cá ngựa, sừng con tê giác, lộc nhung, cao lộc, ngọc dương , ngầu pín , đom đóm...
 
 Hiện tại người ta đang quan tâm đến vai trò của con Đom Đóm , những nghiên cứu gần đây cho thấy sự phát sáng của đom đóm là một quá trình biến đổi của chất có liên quan đến chất NO
 
DINH DƯỠNG & SỨC KHỎE TÌNH DỤC

Để tránh tình trạng suy giảm tình dục thì chế độ tiết thực thích hợp sẽ làm giảm thiểu đáng kể và làm nâng cao cải thiện được sự suy nhược tình dục
 
          Hiện nay các nhà khoa học đã hiểu rõ cơ chế của của sự suy giảm này là do chất NO , đó là chất quyết định, N là thành phần của chất đạm
 
          Một nghiêng cứu lâm sàng trên người khi dùng 4 gr L-Arginine , mỗi ngày 2 lần cho thấy có sự cải thiện rất rỏ như sau :
 
Gia tăng lượng kích thích tố tăng trưởng HGG
 
Giãm huyếp áp
 
Làm nhanh quá trình hồi phục các tổn thương phần mền
 
Điều hòa lưu thông tuần hoàn
 
Cải thiện các rối loạn chức năng tình dục
 
Thiếu Arginine sẽ làm giảm , rối loạn chức năng tình dục , giảm ước muốn , arginin là gia tăng lượng máu đến cơ quan sinh dục , tăng nhạy cảm cho các mô ở dương vật và âm vật gây , cải thiện chức năng cương và làm cho việc đạt được cực khoái dể dàng hơn vì thế mà L-Arginine được xem như một yếu tố quan trọng ,          L- Arginine và testosteron có nhiều ở đâu trong cây cỏ và động vật đó là điều bí ẩn . Hiện tại người ta đã biết cây dâm dương thảo , các bộ phận sinh dục và một vài động vật và côn trùng có chứa một hàm lượng cao của hai thành phần này
 
Khoa học ngày nay cho thấy là một số thực phẫm có chứa kích thích tố , tiền chất , chất vi lượng hay các yếu tố có lợi và gây hưng phấn cho sức khỏe tình dục
 
Thức ăn làm từ những thứ dể tìm và rẽ như mật ong , trứng ,cá khô , thịt đông , mực ,tộm rong biễn và các hải sản có chứa một hàm lượng iode cao , nghêu sò ốc hến chứa kẽm một yếu tố vi lượng thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất tinh trùng và testosteron
 
Ngoài ra trong loại nhuyển thể còn có dopamine là một loại kích thích tố gây ra khoái cảm...., dich hòan , dương vật của gà heo bò chưa testosteron...
 
Cần tây chứa androsterone giúp tăng cường hưng phấn ở phụ nử , hạnh nhân có lợi cho phụ nữ vì có chứa lignan một chất gân giống với kích thích tố oestrogen, 
 
Măng tây, cà chua , cà rôt , dưa chuột , dưa leo , trái bơ có nhiều chất dầu omega-3 giúp kéo dài sức bền của cơ thể ,
 
Xoài , dâu tây , du đủ , dưa hấu , lựu chứa phytoeostrogene một chât có lợi cho sự hưng phấn và gợi tình , một loại kích thích tố nữ  , dậu phộng chứa nhiều arginine , isoflavon....
 
Hành tỏi , tiêu ớt , gừng quế... giúp cho máu lưu thông đến cơ quan sinh dục đều có tình cường dương , tốt cho suy nhược tình dục.
 
Nói tóm lại một chế độ tiết thực giàu chất L- Arginine  , khoáng chất , càc kích thích tố sinh dục và các chất có tác dụng làm gia tăng việc tưới máu , tuần hòan lưu thộng tốt sẽ giúp giử gìn sức khỏe tình dục
 
Văn hóa ẫm thực là một nét độc đáo của mỗi dân tộc mỗi quốc gia là niềm hảnh diện và cũng là sản phẫm hấp dẫn đễ giới thiệu giao lưu với mọi người trên khắp thế giới
 
Khách và chủ khi đối ẫm , trong chốn thân tình một câu hỏi mà cả chủ lẫn khách đều muốn biết để trao đổi với nhau là bí quyết để giữ gìn và tăng cường sức khỏe tình dục trong văn hóa ẫm thực của quốc gia bạn là gì , chúng ta có cái gì độc đáo để giới thiệu với khách đây , có lẻ đợi các bài viết sau vậy.
BS HỒ ĐẮC DUY
TAI BIẾN NÃO LIỆT BÁN THÂN Á KHẨU NGĂN NGỪA RA SAO?
I- Tai Biến Mạch Máu Não
 
Cụ nọ tuổi đã thất tuần nhưng béo tốt, ăn ngon, ngủ khỏe bỗng dưng một hôm vào nhà tắm rồi không thấy bước ra. Nghe tiếng cụ ú ớ, con cháu hoảng hốt vội xúm vào vực cụ dậy. Cụ bị bại xuội nửa thân người. Ðang tự săn sóc lấy, chả phải nhờ vả ai, giờ tàng tật, sống dựa vào người khác, cụ chán quá, ngày nào cũng đòi chết. Ông kia còn tệ hơn. Mới chớm sáu mươi, làm lụng cặm cụi cả ngày không biết mệt, thế mà bất thần ông bò dậy cũng không nổi, mà nói cũng ra câu nữa. Ông bị liệt bán thân và á khẩu. Giờ đây chả còn mấy ai đổ tội cho "trúng gió" hay "mắc phong" nữa. Quần chúng đã quen với những trường hợp "đứt gân máu" kể trên. Thực ra mạch máu có thể "đứt", bể, vỡ mà cũng có thể nghẹt, tắc nữa. Mạch máu não bể hay nghẽn đều gọi chung là Tai biến mạch máu não {cerebral vascular accidents] hay kích não{stroke}. Trước đây người ta phải bơm chất cản quang tuyến vào mạch để chứng minh mạch máu não bị nghẽn. Giờ đây nhờ có kỹ thuật quang tuyến định vị trí CT Scan, quang tuyến từ trường MRI {magnetic resonance imaging}, mạch não nghẹt hay mạch não bể được chẩn định rất nhanh chóng.
 
Nhờ xác định sớm được mạch não nghẹt, bác sĩ có thể cho thuốc tan nút nghẹt để kịp thời tái lập lưu thông cho máu đến óc, trước khi óc bị nẫu bầm mà chết {infarted}. Bởi thế, bệnh nhân lỡ bị kích não phải đưa đến trung tâm trị kích não ngay để nếu có nghẹt mạch còn kịp thời tiêm thuốc hóa tan nút nghẹt.
 
Có máu lưu thông, óc được nuôi dưỡng không bị nẫu, và phần cơ thể liên hệ không bị tàng tật bại xuội, và khả năng nói được bảo tồn...
 
Bại xuội, thất ngôn... thấy mà ngao ngán cho người, sợ hãi cho mình, liệu có có phương thức phòng ngừa không? Thưa có.
 
II Phòng Ngừa Tai Biến Não.
 
Ngừa hơn là chữa. Ðó là hoài bão của y học bấy lâu nay.
 
Muốn ngừa tai biến não, ta phải hóa giải những yếu tố nguy hại đưa đến tai biến não. Sáu yếu tố nguy hại hiển nhiên là: Cao máu {hypertension} , Tim nẫu bầm {tức MI = myocardial infartion = tìm nhồi máu = heart attack = kích tim}, Tiền sảnh tim nhịp run loạn {atrial fibrillation}, Tiểu đường {diabetis mellitus}, Mỡ trong máu {blood lipides}, Ðộng mạch trực thẳng hai bên cổ {carotid arteries} nghẽn tắc âm thầm {không triệu chứng gì cả {asymptomatic stenosis}.
 
Ngoài ra 4 yếu tố về nếp sống cũng phải thay đổi. Ðó là thuốc lá, rượu, vận động cơ thể và ẩm thực.
 
Tai biến não là nguyên do chính đưa đến tử vong và tàn phế trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm 3/4 triệu người không may bị kích não kẻ chết người còn, đa số mang ít nhiều di chứng, tật nguyền, trị liệu tốn phí. Hiện số 4 triệu người bịn tai biến não còn sống sót. Tai biến não là gánh nặng cho cá nhân cũng như nhà nước. Hoa Kỳ đã tiêu hết 40 tỷ đô la mỗi năm để săn sóc, chữa trị cho bệnh nhân tai biến não.
 
Khi đã nhận diện được các yếu tố nguy hại, mọi cố gắng phải dồn vào phòng ngừa bằng cách thay đổi các yếu tố ấy, nhất là tại các nước yếu kém tài chính, quĩ y tế eo hẹp, không có chương trình xã hội trợ giúp người nghèo khó tàn phế.
 
A. Thay Ðổi Yếu Tố Bệnh Hoạn Nguy Hại:
 
1. Bệnh Cao Máu.
 
Máu cao rất âm thầm, cho nên dẫu nhiều người mắc phải không đo không biết. Bệnh không triệu chứng, bởi thế chúng ta hay lơ là, chểnh mảng điều trị. Ở Mỹ, có đến 43 triệu người mắc chứng cao máu. Nhưng cứ 3 người bệnh mới có 1 người chữa trị tốt, với kết quả hạ áp huyết xuống dưới 140/90, con số trên chỉ chỉ áp huyết thời tim co systolic pressure, con số dưới chỉ áp huyết thời tim giãn diastolic pressure. A¨p huyết 140/90 là lằn ranh bước vào định nghĩa bệnh căng máu.
 
Giảm áp huyết là giảm nguy hiểm tai biến não. Ðúng thế, bớt áp huyết thời tim giãn {diastolic pressure} chừng 5-6 mm thủy ngân là đã ngừa được 42% nguy hại tai biến não. Người già trị căng máu thời tim co {systolic pressure}bớt nguy hại tai biến não đến 36%.
 
Người lớn tuổi hay bị cao máu{tỷ số 60-70%}. Thế cho nên đến quá nửa số {55%} trường hợp tai biến não ở tuổi trên 75 tuổi.
 
2. Chứng Tim Nẫu bầm {MI= heart attack = kích tim}
 
Ðã bị kích tim rồi là dễ bị tai biến não, nhất là ở năm đầu{31%}. Vì vậy người bị kích tim phải trị ngừa tai biến não bằng thuốc giảm máu đông {anticoagulant}, thuốc chống đông cầu vón lại {antiplatelet agent} và thuốc giảm mỡ {lipid lowering agent}.
 
Mạch vòng tim {coronary arteries } là mạch dẫm máu đến thành tim. Mạch bị đút nút tắc nghẽn làm tim đau vì không có máu đến nuôi. Thành tim do đó bị bầm nẫu, nguy hiểm cho tính mạng. Muốn tránh cho mạch máu khỏi bị nghẹt, bệnh nhân phải dùng thuốc chống máu đông tạo ra những nút nghẹt.
 
Thuốc làm giảm máu đông như warfarin , hay thuốc chống đông cầu {platelets} vón cục như aspirin vừa cần thiết để trị ngừa mạch vòng tim bị nghẹt và ngừa mạch não bị tắc.
 
Cho thuốc chống đông máu đúng liều cần thiết cũng rất khó: liều cao làm mạch não chảy máu, liều thấp ngừa được tắc mạch tim thì lại vô hiệu với mạch não. Tốt nhất là làm sao cho INR {international normalized ratio = tỷ lệ quốc tế độ đông so với bình thường} đạt mục tiêu 2.5, xê xích giữa 2-3 thôi.
 
Thuốc chống đông cầu {platelets} vón cục như aspirin dùng trị nghẹt mạch tim với kết quả khả quan, nhưng đối với tắc mạch não thì kết quả chỉ khiêm tốn thôi.
 
Thuốc làm giảm mỡ trong máu, vẫn dùng để ngừa kích tim tái lại, cũng có kết quả ngừa kích não.
 
3. Tiền Sảnh Tim Nhịp Run Loạn
 
Tim phải cũng như tim trái có buồng tim {ventricule} thành vách là một bắp thịt giầy co lại giãn ra nhịp nhàng. Tim co lại để bơm máu, giãn ra để hứng máu từ buồng ngoài, tức tiền sảnh tim {atrium} chảy vào. Thành vách tiền sảnh tim mỏng thôi nhưng cũng co giãn nhịp nhàng để giúp máu chảy vào buồng tim. Khi tiền sảnh tim không đập nhịp nhàng nữa, máu vẫn chảy vào buồng tim được, như máu đầy túi thì trào ra khỏi miệng, nhưng tiền sảnh tim run loạn {fibrillation} không bơm máu ra, làm máu dễ vón cục. Máu cục nhỏ nhoi thôi nhưng dẫn lên đầu là chặn tắc nghẹt mạch não.
 
Ðể ngừa tai biến não, bệnh nhân bị tiền sảnh tim run loạn phải uống warfarin, thuốc làm giảm độ máu đông hoặc thuốc chống đông cầu platelets như aspirin. Ai uống warfarin, ai uống aspirin? Warfarin phải dùng khi chứng tiền sảnh tim nhịp run loạn đi chung với các yếu tố nguy hại khác như : tai biến mạch não ngắn hạn, hay dài hạn trong quá khứ máu cao tim yểu tiểu đường. Nếu tuổi đã cao{trên 75}, có hay không có các yếu tố nguy hại vừa kể, người bị chứng tiền sảnh tim nhịp run loạn kinh niên cũng uống thuốc warfarin.
 
4. Bệnh Tiểu Ðường
 
Người mắc tiểu đường hay bị tai biến não. Ðộ đường cao làm động mạch lớn mau đóng mảng mỡ{atherosclerosis}. Cholesterol nặng nhẹ đảo lộn.
 
5. Ðộng mạch trực cổ {carotid arteries} bị nghẽn âm thầm.
 
Carotid endarterectomy tức Giải phẫu bóc lớp lót trong của động mạch {endothelium}nghẹt giảm được 5.9% tử vong và di chứng của tai biến não trong khoảng 5 năm. Chỉ giải phẫu khi mạch bị nghẹt ít ra cũng đến 60% và thành tích của toán giải phẫu đo bằng tử vong kỹ thuật phải dưới 3%.
 
B Thay Ðổi Nếp Sống
 
1. Cai Thuốc.
 
Thuốc lá tăng gấp đôi nguy hại tai biến não. Càng hút nhiều càng dễ bị tai biến não. Thuốc hút làm dầy lớp trong của động mạch. Máu cũng dễ đông, và đông cầu cũng dễ vón lại với thuốc lá. Người không hút, chỉ thụ động hít khói người chung quanh hà ra, cũng gia tăng nguy hại tai biến não.
 
2. Cữ Rượu
 
Rượu gia tăng tai biến não. Mạch máu dễ vỡ vì rượu làm máu cao. Mạch máu cũng dễ nghẹt vì rượu làm máu dễ đông, và đông cầu dễ vón cục, tim dễ loạn nhịp, và máu dẫn lên óc giảm. Uống ít, rượu có phần che chở nhờ gia tăng cholesterol nặng, bớt vón đông cầu và hạ độ fibrinogen.
 
3. Năng Vận Ðộng Cơ Thể
 
Thể dục giảm các yếu tố nguy hại gây tai biến não: tiểu đường bớt, fibrinogen giảm, cholesterol nhẹ xuống và đông cầu bớt vón.
 
Nên đi bộ nhanh ngày 30 phút.
 
4. Ăn Uống Chừng Mực
 
Ăn ít mỡ thôi.
 
Tránh mặn vì muối gây cao máu.
 
Ăn thiếu folate, B6 và B12 làm homocystein tăng và tai biến não tăng.
 
Ăn rau trái nhiều bớt tai biến não, có lẽ nhờ chất oxidants và chất potassium.
 
Kết Luận:
 
Ðời sống tĩnh tại cặm cụi trong phòng giấy di chuyển cơ giới, bước bước xe vật chất sung mãn, thịt thà dầu mỡ béo bổ dễ đưa đến bép phì, máu cao, tiểu đường, cholesterol đảo lộn, thứ hại cao, thứ tốt hạ, toàn những yếu tố nguy hại cho tim mạch, tai biến cho não. Lại còn thuốc thơm, phì phèo hết điếu này đến điếu nọ rượu mạnh, lúy túy chén chú chén anh. Nếp sống phong lưu thật, nhưng coi chừng chúng ta giám phải một giá đắt: Tai Biến Mạch Máu Não!
Nhưng yếu tố nguy hại sửa được, DO CH´NH TA.
Bác sĩ Thiện Y

No comments:

Post a Comment