Wednesday, March 28, 2012

Tôn giáo(1)

23 Tôn Giáo lớn nhất thế giới:
1.Christianity (Tin Lành và Thiên Chúa): 2.1 tỷ tín đồ
2.Islam (Hồi Giáo): 1.3 tỷ tín đồ
3.Secular/Nonreligious/Agnosti...(không tôn giáo) 1.1 tỷ tín đồ
4.Hinduism (Ấn Độ Giáo): 900 triệu tín đồ
5.Chinese traditional religion (Đạo truyền thống ở Trung Quốc): 394 triệu tín đồ
6.Buddhism (Phật Giáo): 376 triệu tín đồ
7.primal-indigenous: 300 triệu tín đồ
8.African Traditional & Diasporic (Đạo truyền Thống ở Châu Phi): 100 triệu tín đồ
9.Sikhism (Sikh – Ấn Độ): 23 triệu tín đồ
10.Juche: 19 triệu tín đồ
11.Spiritism (Đạo Thông Linh): 15 triệu tín đồ
12.Judaism (Do Thái Giáo): 14 triệu tín đồ
13.Baha'i: 7 triệu tín đồ
14.Jainism (Đạo Giai-Na  -  Ấn Độ): 4.2 triệu tín đồ
15.Shinto (Đạo Thần Mặt Trời  -  Nhật Bản): 4 triệu tín đồ
16.Cao Đài(Việt Nam): 5 triệu tín đồ
17.Zoroastrianism (Đạo thờ Thần Lửa): 2.6
triệu tín đồ
18.Tenrikyo (Ỏ Nhật Bản): 2 triệu tín đồ
19.Phật giáo Hòa Hảo (Việt Nam): 1.5 triệu tín đồ
20.Neo-Paganism: 1 triệu tín đồ
21. Unitarian-Universalism (Ở Hoa Kỳ): 800.000
22.Rastafarianism (Ở Jamaica): 600.000
23.Scientology (Ở Hoa Kỳ): 500.000 
Tôn giáo là gì?
Lịch sử hình thành thuật ngữ “Tôn giáo”

“Tôn giáo” là một thuật ngữ không thuần Việt, được du nhập từ nước ngoài vào từ cuối thế kỷ XIX. Xét về nội dung, thuật ngữ Tôn giáo khó có thể hàm chứa được tất cả nội dung đầy đủ của nó từ cổ đến kim, từ Đông sang Tây.
Thuật ngữ “Tôn giáo” vốn có nguồn gốc từ phương Tây và bản thân nó cũng có một quá trình biến đổi nội dung và khi khái niệm này trở thành phổ quát trên toàn thế giới thì lại vấp phải những khái niệm truyền thống không tương ứng của những cư dân thuộc các nền văn minh khác, vì vậy trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều quan niệm, định nghĩa khác nhau về tôn giáo của nhiều dân tộc và nhiều tác giả trên thế giới.

“Tôn giáo” bắt nguồn từ thuật ngữ “religion” (Tiếng Anh) và“religion” lại xuất phát từ thuật ngữ “legere” (Tiếng Latinh) có nghĩa là thu lượm thêm sức mạnh siêu nhiên. Vào đầu công nguyên, sau khi đạo Kitô xuất hiện, đế chế Roma yêu cầu phải có một tôn giáo chung và muốn xóa bỏ các tôn giáo trước đó cho nên lúc này khái niệm “religion” chỉ mới là riêng của đạo Kitô. Bởi lẽ, đương thời những đạo khác Kitô đều bị coi là tà đạo. Đến thế kỷ XVI, với sự ra đời của đạo Tin Lành - tách ra từ Công giáo – trên diễn đàn khoa học và thần học châu Âu, “religion” mới trở thành một thuật ngữ chỉ hai tôn giáo thờ cùng một chúa. Với sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản ra khỏi phạm vi châu Âu, với sự tiếp xúc với các tôn giáo thuộc các nền văn minh khác Kitô giáo, biểu hiện rất đa dạng, thuật ngữ “religion” được dùng nhằm chỉ các hình thức tôn giáo khác nhau trên thế giới.
Thuật ngữ “religion” được dịch thành “Tông giáo” đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ XVIII và sau đó du nhập vào Trung Hoa. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, vào thế kỷ XIII, thuật ngữ Tông giáo lại bao hàm một ý nghĩa khác, nó nhằm chỉ đạo Phật (Giáo: đó là lời thuyết giảng của Đức Phật, Tông: lời của các đệ tử Đức Phật).
Thuật ngữ Tông giáo được du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX, nhưng do kỵ húy của vua Thiệu Trị nên được gọi là “Tôn giáo”.
Như vậy, thuật ngữ tôn giáo ban đầu được sử dụng ở châu Âu nhằm chỉ một tôn giáo sau đó thuật ngữ này lại làm nhiệm vụ chỉ những tôn giáo.
Một số thuật ngữ tương đồng với tôn giáo
Tôn giáo là một từ phương Tây. Trước khi du nhập vào Việt Nam, tại Việt Nam cũng có những từ tương đồng với nó, như:
- Đạo: từ này xuất xứ từ Trung Hoa, tuy nhiên “đạo” không hẳn đồng nghĩa với tôn giáo vì bản thân từ đạo cũng có thể có ý nghĩa phi tôn giáo. “Đạo” có thể hiểu là con đường, học thuyết. Mặt khác, “đạo” cũng có thể hiểu là cách ứng xử làm người: đạo vợ chồng, đạo cha con, đạo thầy trò… Vì vậy khi sử dụng từ “đạo” với ý nghĩa tôn giáo thường phải đặt tên tôn giáo đó sau từ “đạo”. Ví dụ: đạo Phật, đạo Kitô…
- Giáo: từ này có ý nghĩa tôn giáo khi nó đứng sau tên một tôn giáo cụ thể. Chẳng hạn: Phật giáo, Nho giáo, Kitô giáo… “Giáo” ở đây là giáo hóa, dạy bảo theo đạo lý của tôn giáo. Tuy nhiên “giáo” ở đây cũng có thể được hiểu với nghĩa phi tôn giáo là lời dạy của thầy dạy học.
- Thờ: đây có lẽ là từ thuần Việt cổ nhất. Thờ có ý bao hàm một hành động biểu thị sự sùng kính một đấng siêu linh: thần thánh, tổ tiên… đồng thời có ý nghĩa như cách ứng xử với bề trên cho phải đạo như thờ vua, thờ cha mẹ, thờ thầy hay một người nào đó mà mình mang ơn… Thờ thường đi đôi với cúng, cúng cũng có nhiều nghĩa: vừa mang tính tôn giáo, vừa mang tính thế tục. Cúng theo ý nghĩa tôn giáo có thể hiểu là tế, tiến dâng, cung phụng, vật hiến tế… Ở Việt Nam, cúng có nghĩa là dâng lễ vật cho các đấng siêu linh, cho người đã khuất nhưng cúng với ý nghĩa trần tục cũng có nghĩa là đóng góp cho việc công ích, việc từ thiện… Tuy nhiên, từ ghép “thờ cúng” chỉ dành riêng cho các hành vi và nội dung tôn giáo. Đối với người Việt, tôn giáo theo thuật ngữ thuần Việt là thờ hay thờ cúng hoặc theo các từ gốc Hán đã trở thành phổ biến là đạo, là giáo.
Khái niệm tôn giáo
Khái niệm tôn giáo là một vấn đề được giới nghiên cứu về tôn giáo bàn cãi rất nhiều. Trong lịch sử đã từng tồn tại rất nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo:
- Các nhà thần học cho rằng “Tôn giáo là mối liên hệ giữa thần thánh và con người”.
- Khái niệm mang dấu hiệu đặc trưng của tôn giáo: “Tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên”.
- Một số nhà tâm lý học lại cho rằng “Tôn giáo là sự sáng tạo của mỗi cá nhân trong nỗi cô đơn của mình, tôn giáo là sự cô đơn, nếu anh chưa từng cô đơn thì anh chưa bao giờ có tôn giáo”.
- Khái niệm mang khía cạnh bản chất xã hội của tôn giáo của C.Mác: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, nó là tinh thần của trật tự không có tinh thần”.
- Khái niệm mang khía cạnh nguồn gốc của tôn giáo của Ph.Ăngghen: “Tôn giáo là sự phản ánh hoang đường vào trong đầu óc con người những lực lượng bên ngoài, cái mà thống trị họ trong đời sống hàng ngày …”
Tôn giáo là gì?
Để có khái niệm đầy đủ về tôn giáo cần phải chú ý:
- Khi nói đến tôn giáo, dù theo ý nghĩa hay cách biểu hiện nào thì luôn luôn phải đề cập đến vấn đề hai thế giới: thế giới hiện hữu và thế giới phi hiện hữu, thế giới của người sống và thế giới sau khi chết, thế giới của những vật thể hữu hình và vô hình.
- Tôn giáo không chỉ là những sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và xã hội, do thiếu hiểu biết dẫn đến sợ hãi và tự đánh mất mình do đó phải dựa vào thánh thần mà còn hướng con người đến một hy vọng tuyệt đối, một cuộc đời thánh thiện, mang tính “Hoàng kim nguyên thủy”, một cuộc đời mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chung sống. Nó gieo niềm hi vọng vào con người, dù có phần ảo tưởng để yên tâm, tin tưởng để sống và phải sống trong một thế giới trần gian có nhiều bất công và khổ ải.
Như vậy: Tôn giáo là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý - văn hóa khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau.
Bản chất, nguồn gốc của tôn giáo
- Tôn giáo xuất hiện từ rất lâu và con người mặc nhiên chấp nhận nó. Việc đặt ra câu hỏi: “Tôn giáo là gì” mới chỉ được giới khoa học đặt ra trong thời gian gần đây, khi mà vấn đề tôn giáo trở thành bức xúc và phức tạp. Khi câu hỏi này được đặt ra cũng là lúc mà tôn giáo trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học riêng biệt. Đối tượng nghiên cứu của tôn giáo xuất phát từ châu Âu khá sớm nhưng bộ môn khoa học về tôn giáo chỉ ra đời vào cuối thế kỷ XIX.
- Tôn giáo là một sản phẩm của lịch sử. Trong các tác phẩm của mình C. Mác đã khẳng định: “Con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người”. Tôn giáo là một thực thể khách quan của loài người nhưng lại là một thực thể có nhiều quan niệm phức tạp về cả nội dung cũng như hình thức biểu hiện. Về mặt nội dung, nội dung cơ bản của tôn giáo là niềm tin (hay tín ngưỡng) tác động lên các cá nhân, các cộng đồng. Tôn giáo thường đưa ra các giá trị có tính tuyệt đối làm mục đích cho con người vươn tới cuộc sống tốt đẹp và nội dung ấy được thể hiện bằng những nghi thức, những sự kiêng kỵ…
- Rất khó có thể đưa ra được một định nghĩa về tôn giáo có thể bao hàm mọi quan niệm của con người về tôn giáo nhưng có thể thấy rõ rằng khi nói đến tôn giáo là nói đến mối quan hệ giữa hai thế giới thực và hư, của hai tính thiêng và tục và giữa chúng không có sự tách bạch.
Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph. Ăng nghen đã có một nhận xét làm cho chúng ta thấy rõ bản chất của tôn giáo như sau: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế.”.
Nguồn gốc của tôn giáo
Vấn đề nguồn gốc của tôn giáo là một trong những vấn đề quan trọng nhất của tôn giáo học mácxít. Nhờ vạch ra được nguyên nhân xuất hiện và tồn tại của hiện tượng nào đó mà sự giải thích nó mới mang tính khoa học. Đối với hiện tượng tôn giáo cũng vậy.
V. I. Lênin đã gọi toàn bộ những nguyên nhân và điều kiện tất yếu làm nảy sinh niềm tin tôn giáo là những nguồn gốc của tôn giáo. Nguồn gốc đó bao gồm:
a. Nguồn gốc xã hội của tôn giáo
Nguồn gốc xã hội của tôn giáo là toàn bộ những nguyên nhân và điều kiện khách quan của đời sống xã hội tất yếu làm nảy sinh và tái hiện những niềm tin tôn giáo. Trong đó một số nguyên nhân và điều kiện gắn với mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, một số khác gắn với mối quan hệ giữa con người với con người
- Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên: tôn giáo học mácxít cho rằng sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên là một nguồn gốc xã hội của tôn giáo. Như chúng ta đã biết, mối quan hệ của con người với tự nhiên thực hiện thông qua những phương tiện và công cụ lao động mà con người có. Những công cụ và phương tiện càng kém phát triển bao nhiêu thì con người càng yếu đuối trước giới tự nhiên bấy nhiêu và những lực lượng tự nhiên càng thống trị con người mạnh bấy nhiêu. Sự bất lực của con người nguyên thủy trong cuộc đấu tranh với giới tự nhiên là do sự hạn chế, sự yếu kém của các phương tiện tác động thực tế của họ vào thế giới xung quanh. Khi không đủ phương tiện, công cụ để đảm bảo kết quả, mong muốn trong lao động, người nguyên thủy đã tìm đến phương tiện tưởng tượng hư ảo, nghĩa là tìm đến tôn giáo. F. Ăngghen nhấn mạnh rằng tôn giáo trong xã hội nguyên thủy xuất hiện do kết quả phát triển thấp của trình độ lực lượng sản xuất. Trình độ thấp của sự phát triển sản xuất đã làm cho con người không có khả năng nắm được một cách thực tiễn các lực lượng tự nhiên. Thế giới bao quanh người nguyên thủy đã trở thành cái thù địch, bí hiểm, hùng hậu đối với họ. Chúng ta cần thấy rằng, sự thống trị của tự nhiên đối với con người không phải được quyết định bởi những thuộc tính và quy luật của giới tự nhiên, mà quyết định bởi mối tính chất mối quan hệ của con người với tự nhiên, nghĩa là bởi sự phát triển kém của lực lượng sản xuất xã hội, mà trước hết là công cụ lao động.
Như vậy, không phải bản thân giới tự nhiên sinh ra tôn giáo, mà là mối quan hệ đặc thù của con người với giới tự nhiên, do trình độ sản xuất quyết định. Đây là một nguồn gốc xã hội của tôn giáo.
Nhờ hoàn thiện những phương tiện lao động và toàn bộ hệ thống sản xuất vật chất mà con người ngày càng nắm được lực lượng tự nhiên nhiều hơn, càng ít phụ thuộc một cách mù quáng vào nó, do đó dần dần khắc phục được một trong những nguồn gốc quan trọng của tôn giáo.
- Mối quan hệ giữa người và người: nguồn gốc xã hội của tôn giáo còn bao gồm cả phạm vi các mối quan hệ giữa con người với nhau, nghĩa là bao gồm các mối quan hệ xã hội, trong đó có hai yếu tố giữ vai trò quyết định là tính tự phát của sự phát triển xã hội và ách áp bức giai cấp cùng chế độ người bóc lột người.
Trong tất cả các hình thái kinh tế - xã hội trước hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, những mối quan hệ xã hội đã phát triển một cách tự phát. Những quy luật phát triển của xã hội biểu hiện như là những lực lượng mù quáng, trói buộc con người và ảnh hưởng quyết định đến số phận của họ. Những lực lượng đó trong ý thức con người được thần thánh hoá và mang hình thức của những lực lượng siêu nhiên. Đây là một trong những nguồn gốc xã hội chủ yếu của tôn giáo.
Trong các xã hội có đối kháng giai cấp, sự áp bức giai cấp, chế độ bóc lột là một nhân tố quan trọng làm nảy sinh tôn giáo.
Người nô lệ, người nông nô, người vô sản mất tự do không phải chỉ là sự tác động của lực lượng xã hội mù quáng mà họ không thể kiểm soát được, mà còn bị bần cùng cả về mặt kinh tế, bị áp bức cả về mặt chính trị, bị tước đoạt những phương tiện và khả năng phát triển tinh thần. Quần chúng không thể tìm ra lối thoát hiện thực khỏi sự kìm kẹp và áp bức trên trái đất, nhưng họ đã tìm ra lối thoát đó ở trên trời, ở thế giới bên kia.
b. Nguồn gốc nhận thức của tôn giáo
Để giải thích nguồn gốc nhận thức của tôn giáo cần phải làm rõ lịch sử nhận thức và các đặc điểm của quá trình nhận thức dẫn đến việc hình thành quan niệm tôn giáo.
Trước hết, lịch sử nhận thức của con người là một quá trình từ thấp đến cao, trong đó giai đoạn thấp là giai đoạn nhận thức tự nhiên cảm tính. Ở giai đoạn nhận thức này (nhất là đối với cảm giác và tri giác), con người chưa thể sáng tạo ra tôn giáo, bởi vì tôn giáo với tư cách là ý thức, là niềm tin bao giờ cũng gắn với cái siêu nhiên, thần thánh, mà nhận thức trực quan cảm tính thì chưa thể tạo ra cái siêu nhiên thần thánh được. Như vậy, tôn giáo chỉ có thể ra đời khi con người đã đạt tới một trình độ nhận thức nhất định. Thần thánh, cái siêu nhiên, thế giới bên kia… là sản phẩm của những biểu tượng, sự trừu tượng hoá, sự khái quát dưới dạng hư ảo. Nói như vậy có nghĩa là tôn giáo chỉ có thể ra đời ở một trình độ nhận thức nhất định, đồng thời nó phải gắn với sự tự ý thức của con người về bản thân mình trong mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Khi chưa biết tự ý thức, con người cũng chưa nhận thức được sự bất lực của mình trước sức mạnh của thế giới bên ngoài, do đó con người chưa có nhu cầu sáng tạo ra tôn giáo để bù đắp cho sự bất lực ấy.
Nguồn gốc nhận thức của tôn giáo gắn liền với đặc điểm của của quá trình nhận thức. Đó là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn, nó là sự thống nhất một cách biện chứng giữa nội dung khách quan và hình thức chủ quan. Những hình thức phản ánh thế giới hiện thực càng đa dạng, phong phú bao nhiêu thì con người càng có khả năng nhận thức thế giới xung quanh sâu sắc và đầy đủ bấy nhiêu. Nhưng mỗi một hình thức mới của sự phản ánh không những tạo ra những khả năng mới để nhận thức thế giới sâu sắc hơn mà còn tạo ra khả năng “xa rời” hiện thực, phản ánh sai lầm nó. Thực chất nguồn gốc nhận thức của tôn giáo cũng như của mọi ý thức sai lầm chính là sự tuyệt đối hoá, sự cường điệu mặt chủ thể của nhận thức con người, biến nó thành cái không còn nội dung khách quan, không còn cơ sở “thế gian”, nghĩa là cái siêu nhiên thần thánh.
c. Nguồn gốc tâm lý của tôn giáo
Ngay từ thời cổ đại, các nhà duy vật đã nghiên cứu đến ảnh hưởng của yếu tố tâm lý (tâm trạng, xúc cảm) đến sự ra đời của tôn giáo. Họ đã đưa ra luận điểm” “Sự sợ hãi sinh ra thần thánh”.
Các nhà duy vật cận đại đã phát triển tư tưởng của các nhà duy vật cổ đại - đặc biệt là L.Phơbách – và cho rằng nguồn gốc đó không chỉ bao gồm những tình cảm tiêu cực (sự lệ thuộc, sợ hãi, không thoả mãn, đau khổ, cô đơn...) mà cả những tình cảm tích cực (niềm vui, sự thoả mãn, tình yêu, sự kính trọng...), không chỉ tình cảm, mà cả những điều mong muốn, ước vọng, nhu cầu khắc phục những tình cảm tiêu cực, muốn được đền bù hư ảo.
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã giải quyết vấn đề nguồn gốc tâm lý của tôn giáo khác về nguyên tắc so với các nhà duy vật trước đó. Nếu như các nhà duy vật trước Mác gắn nguyên nhân xuất hiện tôn giáo với sự sợ hãi trước lực lượng tự nhiên thì chủ nghĩa Mác lần đầu tiên vạch được nguồn gốc xã hội của sự sợ hãi đó.Lịch sử hình thành tôn giáo và một số hình thức tôn giáo trong lịch sử
Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội. Đặc điểm quan trọng trong ý thức tôn giáo là một mặt nó phản ánh tồn tại xã hội. Mặt khác, nó lại có xu hướng phản kháng lại xã hội đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó. Vì vậy, từ khi ra đời đến nay, cùng với sự biến đổi của lịch sử, tôn giáo cũng biến đổi theo.
- Với những thành tựu to lớn của ngành khảo cổ học, người ta đã chứng minh được sự tồn tại của con người cách đây hàng triệu năm (từ 4 – 6 triệu năm). Tuy nhiên, với những hiện vật thu được người ta khẳng định: có đến hàng triệu năm con người không hề biết đến tôn giáo. Bởi vì tôn giáo đòi hỏi tương ứng với nó là một trình độ nhận thức cao, nó là sản phẩm của tư duy trừu tượng trong một đời sống xã hội ổn định.
- Hầu hết trong giới khoa học đều thống nhất rằng chỉ khi con người hiện đại – người khôn ngoan (Homo Sapiens) – hình thành và tổ chức thành xã hội, tôn giáo mới xuất hiện. Thời kỳ này cách đây khoảng 95.000 – 35.000 năm. Tuy nhiên trong thời kỳ đầu mới chỉ là các tín hiệu đầu tiên. Đa số các nhà khoa học đều khẳng định tôn giáo ra đời khoảng 45.000 năm trước đây với những hình thức tôn giáo sơ khai như đạo Vật tổ (Tôtem), Ma thuật và Tang lễ… đây là thời kỳ tương ứng với thời kỳ đồ đá cũ.
- Bước sang thời kỳ đồ đá giữa, con người chuyển dần từ săn bắt, hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi, các hình thức tôn giáo dân tộc ra đời với sự thiêng liêng hóa các nguồn lợi của con người trong sản xuất và cuộc sống: thần Lúa, thần Khoai, thần Sông… hoặc tôn thờ các biểu tượng của sự sinh sôi (thờ giống cái, hình ảnh phụ nữ, phồn thực…), đó là các vị thần của các thị tộc Mẫu hệ. Khi đồ sắt xuất hiện, các quốc gia dân tộc ra đời nhằm mục đích phục vụ cho sự củng cố và phát triển của dân tộc. Tất cả các vị thần ấy còn tồn tại chừng nào dân tộc tạo ra vị thần ấy còn tồn tại và khi dân tộc tiêu vong, các vị thần ấy không còn nữa.
- Trong thời kỳ văn minh nông nghiệp, nhiều đế chế ra đời và thâu tóm vào mình nhiều quốc gia. Do nhu cầu một tôn giáo của đế chế, những tôn giáo như Phật, Nho, Kitô, Hồi… đã xuất hiện từ trước trở thành tôn giáo của đế chế và được chấp nhận như một tôn giáo chính thống. Theo thời gian, do nội dung của các tôn giáo manh tính phổ quát, không gắn chặt với một quốc gia cụ thể, với các vị thần cụ thể, với nghi thức cụ thể của một cộng đồng tộc người, dân tộc hay địa phương nhất định nên sự bành trướng của nó diễn ra thuận lợi, dễ dàng thích nghi với các dân tộc khác. Do vậy, dù được phổ biến bằng cách nào (chiến tranh hay hòa bình), các tôn giáo đó đã được các quốc gia bị lệ thuộc trực tiếp hay gián tiếp, tự giác hay không tự giác tiếp nhận và trên nền tảng của tôn giáo truyền thống, biến đổi thành tôn giáo riêng của quốc gia đó. Sự bành trướng kiểu như vậy diễn ra trong suốt thời kỳ văn minh công nghiệp và cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý rằng, giữa tôn giáo khu vực hay tôn giáo thế giới vừa chung sống cạnh nhau, vừa tranh chấp xung đột nhau và không ít trường hợp, với sự ủng hộ của các thế lực quân sự, chính trị, chiến tranh tôn giáo đã xảy ra. Những tôn giáo như Kitô, Hồi do tính cực đoan của mình (chỉ coi chúa hay thánh của mình là đối tượng tôn thờ duy nhất) nên ban đầu đi đến đâu cũng khó chung sống với các tôn giáo khác đã có mặt ở đó từ trước. Còn một số tôn giáo phương Đông như Nho, Phật thì khác, chúng chấp nhận hòa đồng với các tôn giáo bản địa, có xu hướng trần tục nhiều hơn là thế giới bên kia.
- Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một xã hội công nghiệp, xã hội này đòi hỏi phải có một tôn giáo năng động và tự do hơn, khó chấp nhận một tổ chức, một giáo lý với những nghi thức cứng nhắc, phức tạp. Tình trạng độc tôn của một tôn giáo trong một quốc gia đã bắt đầu chấm dứt và chấp nhận sự đa dạng trong đời sống tôn giáo. Từ đây quan niệm và sau là chính sách tự do tôn giáo ra đời, phát triển nhanh hay chậm và thể hiện khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Những yếu tố lỗi thời được huỷ bỏ hoặc tự thay đổi, thay thế để thích nghi. Với xu thế quốc tế hóa ngày càng gia tăng, việc mỗi cá nhân chỉ biết đến tôn giáo của mình đã trở nên lạc hậu. Mỗi người đều rằng trên thế gian có nhiều thánh thần, có nhiều tôn giáo. Họ bắt đầu hoài nghi và lựa chọn, thần thánh được mang ra tranh luận, bàn cãi và làm nảy sinh xu thế thế tục hoá tôn giáo và xu thế này ngày càng thắng thế.
- Trong thời đại ngày nay, khi mà xu thế toàn cầu hóa đang chi phối mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, sự nâng cao về trình độ học vấn và đặc biệt là những thành tựu của khoa học và công nghệ đã làm cho các tôn giáo ngày càng trở nên thế tục hóa kéo theo sự đa dạng trong đời sống tôn giáo. Từ đây xuất hiện các ý kiến khác nhau trong một tôn giáo và dẫn đến sự chia rẽ trong các tôn giáo một cách có tổ chức, bùng nổ các giáo phái và xuất hiện nhiều tôn giáo mới. Bản thân trong các tôn giáo khu vực và thế giới cũng có những biểu hiện khác trước: số tín đồ ngày càng tăng nhưng số tín đồ thực tế giảm, nghĩa là người ta theo đạo nhưng không hành đạo, nhiều tín đồ bỏ đạo để theo các “đạo mới”. Trong nội bộ các tôn giáo có sự chia rẽ thành những giáo phái với những tính chất cấp tiến, ôn hòa hoặc cực đoan.
Một số hình thức tôn giáo trong lịch sử
- Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp (Tôn giáo nguyên thủy): Ăng nghen cho rằng tôn giáo xuất hiện từ ngay trong thời kỳ nguyên thủy, từ những quan niệm hết sức dốt nát, tối tăm, nguyên thủy của con người về bản thân mình và thiên nhiên bao quanh họ. Các tôn giáo nguyên thủy, sơ khai thể hiện niềm tin bản năng của con người và lúc ấy chưa gắn với các lợi ích về kinh tế - xã hội. Các hình thức phổ biến của tôn giáo nguyên thủy là các dạng sau:
+ Tô tem giáo (thờ vật tổ): Tô tem theo ngôn ngữ của thổ dân Bắc Mỹ nghĩa là giống loài. Đây là hình thức tôn giáo cổ xưa nhất, thể hiện niềm tin vào mối quan hệ gần gũi, huyết thống giữa một cộng đồng người (thị tộc, bộ lạc) với một loài động thực vật hoăïc một đối tượng nào đó. Tô tem giáo thể hiện hình thức nhận biết đầu tiên về mối liên hệ của con người với các hiện tượng xung quanh. Chẳng hạn: một bộ lạc tồn tại được nhờ săn bắt một loài động vật nào đó dẫn đến xuất hiện một ảo tưởng về mối quan hệ giữa loài vật đó với cộng đồng người săn nó và cuối cùng con vật này lại trở thành tổ tiên chung – là một tô tem của một tập thể nào đó.
+ Ma thuật giáo : Ma thuật theo tiếng Hi lạp cổ là phép phù thủy. Đây là biểu hiện của việc người nguyên thủy tin vào khả năng tác động đến tự nhiên bằng những hành động tượng trưng (cầu khấn, phù phép, thần chú…) nghĩa là bằng con đường siêu nhiên. Nhờ các biện pháp ma thuật, người nguyên thủy cố gắng tác động đến những sự kiện và làm cho nó diễn ra theo ý mình mong muốn. Về sau, ma thuật trở thành một thành tố quan trọng không thể thiếu được của các tôn giáo phát triển. Việc thờ cúng của bất kỳ tôn giáo nào cũng phải có ma thuật (cầu nguyện, làm phép…). Tàn dư của ma thuật là các hiện tượng bói toán, tướng số ngày nay.
+ Bái vật giáo: Bái vật theo tiếng Bồ Đào Nha là bùa hộ mệnh, phép lạ. Bái vật giáo xuất hiện vào lúc mới hình thành tôn giáo và sự thờ cúng. Bái vật giáo đặt lòng tin vào những thuộc tính siêu nhiên của các vật thể như hòn đá, gốc cây, bùa, tượng… Họ cho rằng có một lực lượng siêu nhiên, thần bí trú ngụ trong vật đó. Bái vật giáo là thành tố tất yếu của sự thờ cúng tôn giáo. Đó là sự thờ cúng các tượng gỗ, cây thánh giá… hoặc lòng tin vào sức mạnh kỳ quái của các lá bùa…
+ Vật linh giáo: Là hình thức tôn giáo xuất hiện muộn hơn, khi mà ý thức của con người đã đủ khả năng hình thành nên những khái niệm. Vật linh giáo là lòng tin ở linh hồn. Lòng tin này là cơ sở quan trọng để hình thành nên quan niệm về cái siêu nhiên của người cổ xưa. Giai đoạn này đã có ảo tưởng cho rằng có hai thế giới: một thế giới tồn tại thực sự và một thế giới siêu nhiên, trong đó thế giới siêu nhiên thống trị thế giới thực tại. Thế giới siêu nhiên này của người nguyên thủy cũng đầy đủ động vật, thực vật, các đối tượng do tinh thần tưởng tượng ra và không khác biệt gì lắm so với thế giới thực tại.
- Tôn giáo trong xã hội có giai cấp: khi xã hội phân chia giai cấp, xuất hiện các nhà nước, quốc gia với các vùng lãnh thổ riêng biệt, tôn giáo lúc này không chỉ còn là một nhu cầu tinh thần của quần chúng mà còn là một phương tiện để giai cấp thống trị duy trì sự thống trị áp bức giai cấp và bóc lột của mình và thực hiện sự bành trướng, xâm lược vì vậy tôn giáo gắn liền với chính trị và bị dân tộc hóa. Từ đó đã dẫn đến sự xuất hiện các tôn giáo dân tộc và tôn giáo thế giới.
+ Tôn giáo dân tộc: Đặc trưng của tôn giáo dân tộc là tính chất quốc gia dân tộc của nó. Các vị thần được tạo lập mang tính quốc gia dân tộc và phạm vi quyền lực giới hạn trong phạm vi quốc gia. Thậm chí một số tôn giáo lớn cũng bị dân tộc hóa ở mỗi quốc gia và trở thành tôn giáo có tính chất quốc gia. Ví dụ Anh giáo (Thanh giáo), các dòng khác nhau của đạo Hồi…
+ Tôn giáo thế giới: Sự phát triển của các tôn giáo vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia đã hình thành nên các tôn giáo khu vực và thế giới như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo… Khác với các tôn giáo dân tộc, tôn giáo thế giới mang tính đa quốc gia, ảnh hưởng đến nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới.
(Trích lại từ quyển Lý luận tôn giáo và vấn đề tôn giáo ở Việt Nam của GS. Đặng Nghiêm Vạn)
Đạo Cao Đài là một tôn giáo được thành lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Tên gọi Cao Đài theo nghĩa đen chỉ "một nơi cao", nghĩa bóng là nơi cao nhất ở đó Thượng đế ngự trị; cũng là danh xưng rút gọn của Thượng đế trong tôn giáo Cao Đài, vốn có danh xưng đầy đủ là "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Để tỏ lòng tôn kính, một số các tín đồ Cao Đài thường gọi tôn giáo của mình là đạo Trời.
Tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra các tôn giáo và cả vũ trụ này. Tất cả giáo lý, hệ thống biểu tượng và tổ chức đều được "Đức Cao Đài" trực tiếp chỉ định. Và đạo Cao Đài chính là được Thượng đế trực tiếp khai sáng thông qua Cơ bút cho các tín đồ với nhiệm vụ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, có nghĩa là Nền đạo lớn phổ độ lần thứ Ba.
Cao Đài là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáoNho giáo. Các tín đồ thi hành những giáo điều của Đạo như không sát sinh, sống lương thiện, hòa đồng, làm lành lánh dữ, giúp đỡ xung quanh, cầu nguyện, thờ cúng tổ tiên, và thực hành tình yêu thương vạn loại qua việc ăn chay với mục tiêu tối thiểu là đem sự hạnh phúc đến cho mọi người, đưa mọi người về với Thượng đế nơi Thiên giới và mục tiêu tối thượng là đưa vạn loại thoát khỏi vòng luân hồi.
Tuy được khai sinh chính thức vào năm 1926, Cao Đài nhanh chóng phát triển về quy mô và số lượng tín đồ. Theo thông tin của Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, dẫn thống kê năm 2010 của các tổ chức Cao Đài, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao Đài). Ngoài ra, có khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Châu ÂuÚc. Theo trang thông tin và truyền giáo Cao Đài hải ngoại, số tín đồ Cao Đài là khoảng 5 triệu. 
Lịch sử của đạo Cao Đài gắn liền với sự phổ biến Cơ bút tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, Cơ bút là nền tảng căn bản cũng như mọi yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo Cao Đài từ quá khứ đến hiện tại, từ việc thu nhận tín đồ, phong chức sắc, ban hành luật đạo, các nghi thức cúng tế, phẩm phục, kinh điển, thậm chí đến các thiết kế cơ sở thờ tự cũng được thông qua bởi hình thức Cơ bút.
Hai hình thức Cơ bút ảnh hưởng đến sự ra đời của tôn giáo Cao Đài là thuật Xây (xoay) Bàn (la table tournante) theo thuyết Thông linh học (Spiritisme) đến từ Pháp, và Đại ngọc cơ (大玉機) xuất xứ từ Trung Quốc.
Những môn đồ đầu tiên
Các tài liệu về tôn giáo Cao Đài đều thừa nhận người được xem là tín đồ đầu tiên của đạo là ông Ngô Văn Chiêu. Là một viên chức trong chính quyền thực dân Pháp, vốn chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo, một nhánh của Tam giáo, thường sử dụng hình thức cơ bút để giao tiếp với giới thần tiên, trong những năm 1921 đến 1924, ông đã thông qua các cơ bút để hình thành những nền tảng đầu tiên của đạo Cao Đài và truyền bá cho nhóm bạn hữu công chức tại Sài Gòn, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi một nhóm tu tập tịnh luyện, chứ chưa phát triển thành một Tôn giáo.
Cùng giai đoạn này, một nhóm công chức gốc Tây Ninh làm việc trong chính quyền thực dân Pháp khác ở Sài Gòn, chịu ảnh hưởng của phong trào Thông linh học gồm Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài SangPhạm Công Tắc, thường xuyên tổ chức cầu cơ ở đường Arras. Do các thành viên ban đầu mang họ Cao và họ Phạm, nên còn được gọi là nhóm Cao - Phạm. Nhóm còn có một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Hiếu, tức Hương Hiếu, vợ ông Cao Quỳnh Cư. Nhóm này cũng được cho là tiếp xúc với Thượng đế qua danh hiệu AĂÂ vào khoảng tháng 7 năm 1925. Nhóm cũng độc lập xây dựng nền tảng giáo lý riêng và cũng phát triển thêm nhiều người, quan trọng nhất là việc thu nhận thêm ông Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, người có giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.

Hợp nhất khai đạo

Qua các liên hệ cá nhân, giữa các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ hợp nhất. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với tên ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả. Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được bổ túc và hoàn thiện dần. Số lượng tín đồ nhanh chóng phát triển lên hàng chục ngàn người. Một đàn cơ quy mô được thành lập ở Cầu Kho, về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho, được xem là thánh thất đầu tiên của đạo Cao Đài.
Việc phát triển số lượng tín đồ nhanh chóng đòi hỏi phải có người lãnh đạo với quyền vị chính thức. Vì vậy, giữa cuối tháng 4 năm 1926, thông qua việc giáng cơ, các tín đồ đầu tiên đã tôn xưng ông Chiêu là Giáo tông và may sẵn bộ đạo phục riêng cho ông. Tuy nhiên, ông Chiêu từ chối ngôi vị Giáo tông, do những bất đồng trong việc hình thành giáo hội, và từ đó không tham gia cũng như không có liên quan gì đến các hoạt động phát triển của giáo hội Cao Đài.
Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong xã hội, kèm theo tờ khai tịch đạo của 247 tín đồ. Sau đó, các tín đồ tổ chức 3 nhóm truyền đạo khắp Nam Kỳ. Và ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19 tháng 11 năm 1926), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức lễ ra mắt rất long trọng tại chùa Gò Kén, còn gọi là Từ Lâm Tự, Tây Ninh với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt.

Thăng trầm nền đạo

Tuy vậy, giữa các tín đồ đã xuất hiện những quan điểm bất đồng về cách thức tu tập, tổ chức giáo hội, hoặc do những mục đích cá nhân, cũng dần tách ra để hình thành các nhánh Cao Đài độc lập. Một số nhánh thành lập tổ chức giáo hội (Hội Thánh), một số khác hoạt động độc lập, cũng không thành lập tổ chức giáo hội. Ngoài ra, còn một số tổ chức của các tín đồ Cao Đài mang tính chất đoàn thể cũng được thành lập.
Lý giải cho hiện tượng này, các tín đồ Cao Đài tin rằng việc hình thành các nhánh Cao Đài khác nhau đã được Thượng đế tiên tri qua bài cơ điểm tên 12 tín đồ đầu tiên, sẽ hình thành 12 nhánh Cao Đài. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu, trong đó có cả tín đồ, số lượng các nhánh Cao Đài khác nhau tùy theo thời điểm chứ không cố định là 12 phái. Theo thời gian, các nhánh Cao Đài diễn ra nhiều cuộc chia tách, sát nhập, thống kê trong lịch sử có hơn 30 tông phái khác nhau. Rất nhiều nỗ lực hoạt động để thống nhất giáo hội nhưng đều bất thành do những chỉ trích và trở ngại từ nhiều phía, kể cả giữa các tín đồ.

Trong cơn động loạn của dân tộc

Sự phân chia các hệ phái không làm giảm tốc độ phát triển tín đồ, Cao Đài nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ, thậm chí phát triển ra cả ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và cả Cao Miên. Các lãnh đạo Cao Đài đều là những người có học thức, có địa vị xã hội và rất có ảnh hưởng đến dân chúng. Vì vậy, Cao Đài luôn là đối tượng hoặc lôi kéo, hoặc đả kích của các thế lực nắm chính quyền.
Người Pháp ra tay trước tiên. Một tôn giáo có tổ chức như hình thái nhà nước có nhiều khả năng lôi kéo quần chúng đe dọa đến sự cai trị của chính quyền thực dân. Dưới áp lực của thực dân Pháp, các chỉ dụ cấm đạo ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, CampuchiaLào đã được ban hành. Đỉnh điểm, ngày 28 tháng 6 năm 1941, lo ngại việc một tôn giáo hoạt động mạnh ở Sài Gòn và phụ cận có thể rơi vào ảnh hưởng của người Nhật, bấy giờ đã xâm nhập Đông Dương và ra sức lôi kéo các nhóm tôn giáo, chính trị người Việt ủng hộ Chính sách Đại Đông Á, chính quyền thực dân Pháp bất ngờ tấn công vào các tín đồ Cao Đài, bắt giữ Hộ pháp Phạm Công Tắc và đày đi Madagascar. Nhiều chức sắc Cao Đài khác cũng bị bắt giam hoặc quản thúc. Tòa Thánh Tây Ninh bị chiếm đóng. Nhiều thánh thất Cao Đài các cũng bị chiếm đóng hoặc phá hủy.
Cả người Nhật lẫn Việt Minh đều tranh thủ ra sức lôi kéo các nhóm Cao Đài. Do sự vận động của các cán bộ Việt Minh, một nhóm các chức sắc Cao Đài, nòng cốt ở các phái Tiên Thiên, Ban Chỉnh ĐạoMinh Chơn Đạo, đã bí mật thành lập Hội Cao Đài Cứu Quốc. Hội hoạt động chủ yếu ở các vùng xa ở Tây Nam Bộ, bí mật tập hợp lực lượng trên nền tảng Thanh niên Đạo đức đoàn dưới sự lãnh đạo của Cao Triều Phát cố vấn Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, có xu hướng chống cả Pháp lẫn Nhật. Người Nhật thì can thiệp mở lại Tòa Thánh Tây Ninh tại Sài Gòn, đổi lại việc Giáo sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh), người tạm thời thay mặt Hộ pháp Phạm Công Tắc lãnh đạo các tín đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh, tập hợp các tín đồ hợp tác với quân đội Nhật để chống Pháp. Khá đông tín đồ Cao Đài được tuyển làm nhân công của xưởng đóng tàu Nichinan của quân đội Nhật tại Nam Bộ. Một lực lượng bán vũ trang Cao Đài được ra đời với tên gọi Nội ứng nghĩa binh, dưới danh nghĩa được Hoàng thân Cường Để chỉ thị thành lập để liên minh với Nhật Bản.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, lực lượng bán vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh mặc đồng phục trắng, đội mũ bê-rê, vũ trang bằng gậy tre vọt nhọn tham gia hỗ trợ Nhật đảo chính Pháp tại Sài Gòn. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 6 năm 1945, được sự hậu thuẫn của Hội Cao Đài Cứu Quốc, một đại hội các hệ phái Cao Đài (không có Tòa Thánh Tây Ninh) được tổ chức tại Sài Gòn, thành lập tổ chức Cao Ðài Hiệp Nhứt 11 Phái và bầu ông Cao Triều Phát làm Chủ tịch. Trong Cách mạng tháng Tám, nhiều nhóm bán vũ trang Cao Đài đã gia nhập Cao Đài Cứu Quốc và tham gia giành chính quyền ở khắp Nam Bộ.
Sau khi giành được chính quyền cuối tháng 8 năm 1945, nhiều chức sắc Cao Đài được chính quyền Việt Minh mời ra tham chính. Tại Tây Ninh, một tín đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là ông Trương Văn Xương được mời làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chánh tỉnh, một chức sắc Cao Đài thuộc Tòa Thánh Tây Ninh khác là Giáo sư Thượng Chữ Thanh (Đặng Trung Chữ) được mời làm cố vấn.
Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, các nhóm lực lượng vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tham chiến tại các mặt trận số 1 và số 2, chiến đấu ở mặt Đông và Bắc Sài Gòn. Sau khi vào Nam, đặc phái viên Trung ương Nguyễn Bình đã tổ chức hội nghị An Phú Xã, thống nhất tổ chức các đơn vị vũ trang thành các chi đội Vệ Quốc đoàn. Lực lượng vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được tổ chức thành 2 chi đội số 7 do Nguyễn Thanh Bạch chỉ huy và chi đội số 8 do Nguyễn Hoài Thanh chỉ huy.
Tuy nhiên, trước sức mạnh của quân Pháp, các mặt trận nhanh chóng tan vỡ. Nhiều đơn vị vũ trang tan rã, hoặc trở thành những lực lượng quân phiệt cát cứ, không chịu sự chỉ huy thống nhất. Một số chức sắc cao cấp và chỉ huy quân sự Cao Đài đã đưa lực lượng của mình tự rút về Tây Ninh và tự xây dựng các căn cứ để bảo vệ Tòa Thánh Tây Ninh.
Hành động cát cứ này là lý do để các phần tử Việt Minh quá khích lên án các tín đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh là phản bội. Một vài cuộc xung đột đẫm máu đã nổ ra bắt nguồn từ những tín đồ Cao Đài và các phần tử Việt Minh quá khích. Một số đơn vị vũ trang Cao Đài bị tước khí giới trong những cuộc thanh trừng nội bộ. Giáo sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh) cũng bị bắt tại Chợ Đệm và bị giải giam tại Cà Mau cùng với Giáo sư Hồ Văn Ngà, Chủ tịch Việt Nam Độc lập Đảng.[9]
Nắm được sự mâu thuẫn này và để tranh thủ thêm đồng minh trong cuộc chiến chống Việt Minh, chính quyền Pháp cho phép Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa Thánh Tây Ninh, đổi lại các tín đồ Cao Đài sẽ không tấn công người Pháp và được quân Pháp bảo trợ. Thậm chí, chính quyền Pháp còn cho phép các lãnh thổ do Tòa Thánh Tây Ninh kiểm soát có quyền tự trị. Lực lượng vũ trang Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh được chính quyền Pháp bảo trợ và trang bị vũ khí, do Trung tướng Trần Quang Vinh làm Tổng tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành làm Tham mưu trưởng[10], có vai trò như một lực lượng bổ sung (Forces supplétives), hỗ trợ quân Pháp trong các chiến dịch tấn công Việt Minh.
Bất đồng với sự hợp tác này, một số chức sắc Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tham gia kháng chiến đã gia nhập Cao Đài Cứu Quốc, mở rộng thành Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hiệp Nhứt. Các lực lượng vũ trang của Cao Đài Cứu Quốc được tập hợp thành Trung đoàn 124, chiến đấu cho đến hết cuộc Kháng chiến chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Việt Minh. Phản ứng trước việc này, lãnh đạo Tòa Thánh Tây Ninh tuyên bố trục xuất các chức sắc và tín đồ Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh nào tham gia Cao Đài Cứu Quốc.

Hợp tan - Tan hợp

Sau năm 1954, tổ chức Cao Đài Cứu Quốc tuyên bố giải thể. Các phái liên hiệp trước đây trở về sinh hoạt riêng rẽ. Một số chức sắc tập kết ra Bắc, hình thành Hội Thánh Duy Nhất thuần túy sinh hoạt tôn giáo dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại miền Nam, Tòa Thánh Tây Ninh dưới sự hậu thuẫn của người Pháp đã trở thành Hội Thánh Cao Đài lớn nhất, đại diện cho cả tôn giáo Cao Đài, có quân đội riêng, có ảnh hưởng chính trị mạnh, đã trở thành cái gai lớn thời Quốc gia Việt Nam dưới Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Để dẹp các trở ngại trong việc thâu tóm quyền lực, Thủ tướng Diệm đã mua chuộc, gây chia rẽ trong nội bộ, và cuối cùng tấn công lực lượng quân đội Cao Đài, buộc Hộ pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Campuchia cho đến ngày ông liễu đạo.
Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh chỉ được công nhận trở lại tại miền Nam từ năm 1965, khi Hội đồng tướng lĩnh lên nắm quyền và muốn xóa đi thành kiến tôn giáo. Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, các tín đồ tốt nhất chỉ thuần túy sinh hoạt tôn giáo, không nên can thiệp vào chính trị, vì vậy các tổ chức Cao Đài không còn ảnh hưởng mạnh đến chính trịxã hội như trước.
Các tín đồ Cao Đài một lần nữa phải chịu thử thách khi những người Cộng sản nắm quyền kiểm soát toàn bộ Việt Nam. Nhiều chức sắc Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh bị chính quyền mới buộc tội là đã cộng tác với những kẻ thù, thậm chí đã tham gia chống đối chính quyền mới. Năm 1979, một Hội đồng Chưởng quản Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được thành lập, đại diện cho giáo hội, đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền. Các tổ chức, hệ phái Cao Đài khác cũng là đối tượng công kích, khi bị chính quyền mới buộc tội tuyên truyền cho tệ nạn mê tín. Các hoạt động tôn giáo hoàn toàn bị hạn chế, chỉ giới hạn những sinh hoạt trong nhóm nhỏ tín đồ.

Một tôn giáo lớn tại Việt Nam

Cùng với chính sách mở cửa của chính quyền Việt Nam, các tôn giáo, trong đó có cả Cao Đài giáo cũng được dễ thở hơn. Tòa Thánh Tây Ninh được mở cửa lại cho các hoạt động tôn giáo lớn của hàng triệu tín đồ, thậm chí được xem như một điểm di tích tham quan du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Từ năm 1995 đến 2011, chính quyền bắt đầu công nhận các tổ chức tôn giáo Cao Đài như những tổ chức hợp pháp, gồm 9 Hội Thánh Cao Đài, 1 tổ chức giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức), 1 Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi và 18 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập. Ước tính hiện tại, toàn đạo có khoảng gần 3 triệu tín đồ trong cả nước, sinh hoạt tại 38 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở Nam Bộ. Ngoài ra, có khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Canada, Campuchia, Châu ÂuÚc.
Các tổ chức giáo hội Cao Đài được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân[12] xếp theo số lượng tín đồ:
  1. Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh: là tổ chức Hội Thánh Cao Đài đầu tiên, được thành lập năm 1926, và cũng là Hội Thánh lớn nhất với hơn 1 triệu 312 ngàn tín đồ, với 371[13] thánh thất, 110 điện thờ Phật mẫu, phân bổ trong 32 tỉnh thành trong cả nước. Khoảng 3 vạn tín đồ đang cư trú tại nước ngoài như Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Campuchia. Địa bàn có đông tín đồ nhất là tỉnh Tây Ninh. Được Nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân ngày 9 tháng 5 năm 1997. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).
  2. Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo: là tổ chức giáo hội Cao Đài lớn thứ hai, được thành lập năm 1934, quản lý hơn 80 vạn tín đồ, với hơn 299 thánh thất ở 25 tỉnh thành. Một số lượng nhỏ tín đồ cư trú tại nước ngoài. Địa bàn có đông tín đồ nhất là tỉnh Bến Tre. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân ngày 8 tháng 8 năm 1997. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Bến Tre (phường 6, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
  3. Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên: là tổ chức giáo hội Cao Đài lớn thứ ba, được thành lập năm 1932, quản lý hơn 8 vạn tín đồ, với hơn 127 thánh tịnh ở rải rác 15 tỉnh thành. Là Hội Thánh Cao Đài được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân sớm nhất vào ngày 29 tháng 7 năm 1995. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Châu Minh (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
  4. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài: là tổ chức giáo hội Cao Đài lớn thứ tư, được thành lập năm 1956, quản lý gần 1,5 vạn tín đồ, với 61 thánh thất nằm rải rác 17 tỉnh thành. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 24 tháng 9 năm 1996. Trung ương Hội Thánh đặt tại Trung Hưng Bửu Tòa (phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng).
  5. Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo: là tổ chức giáo hội Cao Đài đứng thứ năm, được thành lập năm 1935, quản lý 47 thánh thất phân bổ trong 4 tỉnh. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Cà Mau. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 2 tháng 8 năm 1996. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Ngọc Sắc (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).
  6. Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý: là tổ chức giáo hội Cao Đài đứng thứ sáu, được thành lập năm 1931, quản lý khoảng 1 vạn tín đồ trên khắp 32 tỉnh, thành phố trực thuộc hệ thống 38 tỉnh, thành có cơ sở thờ tự Cao Đài, với 30 thánh thất và các trường quy[14]. Địa bàn có đông tín đồ nhất là tỉnh Tiền Giang, địa phương có nhiều thánh thất nhất là tỉnh Long An. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 14 tháng 3 năm 2000. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Chơn Lý (xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)
  7. Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho Tam Quan: là tổ chức giáo hội Cao Đài đứng thứ bảy, được thành lập năm 1960, quản lý 33 thánh sở. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Bình Định. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 28 tháng 4 năm 2000. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Cầu Kho Tam Quan (xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
  8. Hội Thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu: là tổ chức giáo hội Cao Đài đứng thứ tám, được thành lập năm 1956, quản lý 16 thánh tịnh. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Hậu Giang, Cần Thơ. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 27 tháng 7 năm 1996. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Long Châu (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).
  9. Hội Thánh Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý: là tổ chức giáo hội Cao Đài đứng thứ chín, được thành lập năm 1955, quản lý 14 thánh sở. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Kiên Giang. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 8 tháng 7 năm 1998. Trung ương Hội Thánh đặt tại Tòa Thánh Ngọc Kinh (xã Mông Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).
Ngoài ra còn 2 tổ chức Cao Đài cũng được công nhận tư cách pháp nhân là:
  1. Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi là một tổ chức pháp nhân đại diện của các tín đồ Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh[15], thành lập năm 1926, quản lý 8 cơ sở và khoảng 6.000 tín đồ. Địa bàn có đông tín đồ nhất tại Cần ThơHậu Giang. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 26 tháng 4 năm 2010. Trị sở trung ương đặt tại Thánh Đức Tổ đình (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ).
  2. Giáo Hội Cao Đài Việt Nam Bình Đức: là một tổ chức giáo hội Cao Đài, được thành lập vào năm 1961, quản lý có 9 cảnh, 6 thánh thất, 16 cảnh Trường qui với hơn 2.300 tín đồ ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh[16]. Được nhà nước Việt Nam công nhận pháp nhân vào ngày 17 tháng 7 năm 2011. Trung ương giáo hội đặt tại Thiên Tòa Hoàng Đạo (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang)

Tương quan tôn giáo Cao Đài


Nghi lễ Cao Đài
Cao Đài là một tôn giáo lớn được xem là "trẻ" nhất tại Việt Nam. Trong chưa đến 100 năm hình thành và phát triển, Cao Đài thể hiện là một tôn giáo mới, có tính dung hợp các tôn giáo lớn tại Việt Nam, mà chủ yếu là Tam giáo. Nhiều khái niệm cũng như hình thức của các tôn giáo lớn đều có thể thấy biểu hiện một phần tại Cao Đài.
Khác với hầu hết các tôn giáo có nguồn gốc lâu đời thường phủ nhận các tôn giáo khác, các tín đồ Cao Đài chấp nhận có tôn giáo khác và những tôn giáo đó hình thành nền tôn giáo Cao Đài. Họ lý giải đấy chính là ý đồ của Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm cụ thể, và tôn giáo Cao Đài chính là tôn giáo duy nhất do Thượng đế lập ra ở lần thứ 3 và là lần cuối cùng để phổ độ cho chúng sinh, không còn phân biệt tôn giáo, dân tộc hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới nữa. Chính vì vậy, điểm đặc biệt trong tôn giáo Cao Đài là sự tôn trọng tín ngưỡng và phong tục, không ép buộc tín đồ phải từ bỏ hoặc hạn chế các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng hay phong tục cổ truyền của mình.
Tuy nhiên, với tư cách là một tôn giáo bảo vệ truyền thống, Cao Đài là một tôn giáo có những quy định rất chặt chẽ và khá bảo thủ, cứng nhắc. Tuy được xem là một tôn giáo trẻ và phát triển rất nhanh ở giai đoạn khai đạo, Cao Đài lại có những yêu cầu khắt khe về tính truyền thống, ít có sự cải sửa thay đổi nhằm bảo vệ tối đa những nét đặc trưng của tôn giáo mình. Chính điều này đã làm cho Cao Đài trở thành một trong 2 tôn giáo đặc thù của vùng Nam Bộ.

Phương Đông

Phật giáo

Phật giáo là một tôn giáo lớn tại Việt Nam nên có ảnh hưởng lớn đến tôn giáo Cao Đài. Một số nhân vật Phật giáo cũng được tôn thờ trong đạo Cao Đài như Nhiên Đăng Cổ Phật, Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Bồ Tát, và được xem như những vị tôn trưởng vô hình trấn giữ nền đạo. Pháp môn Tuyển độ của Cao Đài chịu ảnh hưởng rất lớn từ pháp môn Thiền của Phật giáo Thiền tông.
Trong tổ chức Hội Thánh Cao Đài, ngôi vị Hộ pháp của đạo Cao Đài cũng được mượn hình ảnh từ hình tượng các Hộ pháp trong Phật giáo. Thậm chí, phái Thái, một trong 3 phái trong tổ chức Nam phái của Hội Thánh Cao Đài, được xem là tượng trưng của Phật đạo trong Đại đạo Cao Đài, với đạo phục màu vàng tượng trưng cho áo cà sa của các nhà sư.

Lão giáo

Chịu ảnh hưởng rất lớn từ Minh Sư đạo, một nhánh của Thiên Sư đạo, có thể nói vũ trụ quan của Cao Đài gần sát với vũ trụ quan của đạo Hoàng Lão. Quan niệm Thượng đế có ngôi vị cao hơn tất thảy, phương pháp cơ bút để các đấng vô hình truyền dạy, các con số linh thiêng như 1 (Thiên Nhãn), 2 (Âm Dương), 3 (Tam giáo), 5 (Ngũ chi), 8 (Bát Quái), 12 (Thời Quân)... đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ Lão giáo. Một số nhân vật trong đạo Lão cũng được tôn thờ như Lão Tử, Lý Bạch. Thậm chí, trong một số Hội Thánh Cao Đài, Lý Bạch còn được xem là giữ ngôi vị Giáo tông vô hình, nên thường được nhiều tín đồ Cao Đài gọi kính trọng là Lý Giáo tông.
Trong tổ chức Hội Thánh, vị trí Bát Quái Đài là khu vực thiêng liêng nhất, chỉ dành cho các vị tiên trưởng vô hình, được xem như là nơi lập pháp của đạo. Hầu hết các văn bản pháp luật đạo, được các tín đồ tin là được giáng cơ từ Bát Quái Đài. Trong tổ chức Nam phái, cách đặt tên các phái cũng chịu ảnh hưởng từ Tam Thanh trong Lão giáo với biến cải đôi chút; thậm chí, phái Thượng, một trong 3 phái của Nam phái, cũng được xem là đại diện cho Lão giáo, với đạo phục màu xanh tượng trưng cho y phục các đạo sĩ. Vai trò của phái Thượng còn được đề cao khi trong tổ chức Hội Thánh Cửu Trùng Đài, chức phẩm của phái Thượng được xem là cao hơn so với 2 phái còn lại. Người giữ ngôi vị Thượng Chưởng pháp được quy định có thể thay mặt cho chức vị Giáo tông để chủ trì công việc của Cửu Trùng Đài.

Nho giáo

Cũng như Phật giáo và Lão giáo, Nho giáo cũng được xem là có ảnh hưởng rất lớn đến đạo Cao Đài. Nho giáo được trong đạo Cao Đài được đề xướng qua triết lý Nho tông chuyển thế. Nếu như Lão giáo ảnh hưởng nhiều về mặt vũ trụ quan và cách thức tu tập thì Nho giáo hảnh hưởng rất nhiều về cách thức hành lễ. Đại diện cho Nho giáo là Khổng Tử cũng được trong Bát Quái Đài.
Trong tổ chức Hội Thánh Cao Đài, phái Ngọc, một trong 3 phái trong tổ chức Nam phái Cửu Trùng Đài, được xem là tượng trưng của Nho giáo, với đạo phục màu đỏ.

Tín ngưỡng dân gian

Có thể nói tín ngưỡng dân gian Nam Kỳ đã có ảnh hưởng rất lớn đến đạo Cao Đài. Hầu hết các hoạt động tôn giáo của đạo Cao Đài chú trọng đến các nghi lễ trong gia đình liên quan đến phong tục truyền thống của người Việt ở Nam Kỳ như cưới hỏi, tang ma, cầu siêu… Những nghi lễ ấy mặc dù được tổ chức theo nguyên tắc và triết lý của đạo Cao Đài, nhưng lại không quá xa lạ với phong tục truyền thống của người Việt. Hơn nữa, các nghi lễ này đều được tổ chức quy củ, có sự tham gia đông đảo của chức sắc, chức việc và đạo hữu, làm không khí trong các buổi lễ trở nên trang trọng, tôn nghiêm[17]. Mặt khác, rất dễ nhận thấy nhạc lễ Cao Đài (đặc biệt là Đại đàn) mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam với cung cách đi trò lễ, nhạc cổ truyền trong các buổi lễ tại đình, miếu dân gian.

Ngũ chi Minh đạo

Ngũ chi Minh đạo (chữ Hán: 五支明道) là một thuật ngữ trong tôn giáo Cao Đài dùng để chỉ các nhánh tôn giáo phát triển từ Minh Sư đạo, một tôn giáo có sự tương hợp gần nhất với đạo Cao Đài, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển của đạo Cao Đài.
Cao Đài Từ điển định nghĩa như sau:
"Ngũ Chi Minh Đạo là năm nhánh Đạo có tên khởi đầu bằng chữ MINH, có nguồn gốc từ nhà Minh bên Tàu.
Ngũ Chi Minh Đạo gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân."
—Nguyễn Văn Hồng, "Cao Đài Từ điển", mục Ngũ Chi Minh Đạo
Trong lịch sử, một số nhánh của Ngũ chi Minh đạo sát nhập vào với đạo Cao Đài như tông Phổ tế của Minh Sư, hoặc Minh Tân, Minh Đường. Một số không còn tồn tại như Minh Thiện, hoặc vẫn phát triển độc lập như Minh Sư đạo, Minh Lý đạo.

Phương Tây

Công giáo

Công giáo bấy giờ đã phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp. Tuy nhiên, với các tín đồ Cao Đài đầu tiên, vốn là những người có tinh thần dân tộc, sự dung nạp Công giáo thể hiện một chừng mực không va chạm với truyền thống. Chính vì vậy, hình tượng Chúa Giêsu của Công giáo được xem là biểu trưng của Thánh đạo, một chi đạo trong Ngũ chi Đại đạo.

Hồi giáo

Giai đoạn khai đạo Cao Đài cũng chính là giai đoạn Hồi giáo phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng dân tộc Chăm, MalayIndonesia, ở cả Trung Kỳ lẫn Nam Kỳ, dưới sự bảo trợ của chính quyền thực dân. Mặc dù vậy, Hồi giáo lại rất ít được nhắc đến trong đạo Cao Đài, chỉ hiện diện với tư cách là một tôn giáo có dung hợp từ Do Thái giáo và Công giáo, cũng thuộc chi Thánh đạo trong Ngũ chi Đại đạo.

Thông linh học

Thông linh học (Spiritisme) tuy chỉ mới từ châu Mỹ thâm nhập vào châu Âu nửa cuối thế kỷ 19, tuy nhiên, với sự xuất tác phẩm "Cuốn sách của linh hồn" (tiếng Pháp: Le livre des esprits) ngày 1 tháng 4 năm 1857 bởi Allan Kardec, Thông linh học đã trở thành đối tượng tìm hiểu và nghiên cứu về tính chất triết lý của nó.
Sự ảnh hưởng của Thông linh học đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt tâm linh của những tín đồ đầu tiên, vốn có kiến thức Tây học. Trong đó, quan trọng nhất là nhóm môn đồ Cao - Phạm, nền tảng hình thành Hội Thánh Cao Đài sau này.

Giáo lý cơ bản

Tam kỳ phổ độ

Các tín đồ Cao Đài tin rằng Thượng đế là Đấng sáng lập ra vũ trụ và hình thành nên các tôn giáo. Theo thời gian, tùy theo địa phương, Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm, và được phân làm 3 kỳ phổ độ với 3 nhánh khác nhau:
  • Nhứt kỳ Phổ độ: Là thời kỳ hình thành các tôn giáo trên thế giới gồm Phật giáo ở Ấn Độ, Tiên giáo, Nho giáoTrung Hoa, Do Thái giáoTrung Đông. Thời kỳ này Thượng đế mặc khải cho các đệ tử đầu tiên thay mặt mình để truyền đạo.
  • Nhị kỳ Phổ độ: Là thời kỳ chấn hưng các nền tôn giáo trên thế giới. Các tín đồ Cao Đài cho rằng sau một thời gian phổ độ, các giáo lý được Thượng đế truyền dạy theo thời gian đã bị các tín đồ diễn giải sai lạc, không còn mang đúng giáo lý nguyên thủy của Ngài. Vì vậy, Thượng đế một lần nữa đã truyền dạy cho các đệ tử của mình ở các nơi trên thế giới, thực hiện hiện vụ chấn hưng nền đạo. Từ đó hình thành Phật giáo Đại thừa, Đạo giáo, Khổng giáo, Thiên Chúa giáo. Thời kỳ này các tôn giáo được chấn hưng và phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi ranh giới vùng miền quốc gia, dần truyền bá ra thế giới.
  • Tam kỳ Phổ độ: Là thời kỳ tất cả các tôn giáo đều hợp thành một tôn giáo duy nhất dưới quyền cai quản Thượng đế, được Thượng đế điều hành, truyền giảng thông qua hình thức cơ bút. Đây cũng là lý do một số tín đồ gọi tôn giáo của họ là "Đạo Thầy" với hàm ý họ là những người thọ giáo trực tiếp từ Thượng đế.

Tam giáo quy nguyên


Ảnh Cao Đài Tam Thánh ở Tòa Thánh Tây Ninh. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor HugoNguyễn Bỉnh Khiêm
Khái niệm cơ bản, thể hiệp sự dung hợp các tôn giáo hình thành nên đạo Cao Đài được gọi là "Tam giáo quy nguyên" (Ba tôn giáo sẽ hợp về một mối). Theo họ, ở thời kỳ phổ độ lần thứ 3, các tôn giáo lớn sẽ hợp nhất giáo lý thành một nền Đại Đạo duy nhất và được truyền bá bằng tiếng Việt[18]
Bên cạnh đó, khái niệm "Ngũ chi phục nhất" (Năm nhánh đạo sẽ trở thành một nền đạo lớn) được đi kèm với "Tam giáo quy nguyên", với cùng ý nghĩa. Theo đó, "Ngũ chi" hàm chỉ các tôn giáo trên toàn thế giới, kể cả Tam giáo, thực chất cũng chỉ là 5 nhánh đạo (con đường) gồm Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Năm nhánh này thể hiện năm nấc thang tiến hóa từ thấp lên cao trong quá trình tu tập của các tín đồ, dù theo hướng nào thì cũng quy về một mối.[19]

Thiên nhãn

Quan điểm của các tín đồ Cao Đài thì Thiên Nhãn biểu trưng cho con mắt của Thượng Đế nhìn thấy rõ tất cả những hành vi thiện ác của khắp nhân gian, để khen thưởng hay xử phạt một cách công bình. Trước Thiên nhãn, không ai có thể che dấu hay chối cãi được.
Ngoài ra, biểu tượng Thiên nhãn còn ý thức Đại đồng, vì dù bất cứ quốc gia, chủng tộc, hoặc tôn giáo nào, thì biểu tượng Thiên nhãn đều giống nhau và không phản ảnh đặc tính phân biệt nào.

Những tính chất khác

Đạo Cao Đài nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các tín đồ, giữa nam và nữ trong xã hội. Khi xưng hô với nhau, tín đồ Cao Đài sử dụng các từ "huynh', "đệ", "tỷ", "muội" (tức là anh chị em một nhà), tùy theo giáo phẩm, tuổi tác, giới tính. Khi kính cẩn, họ còn thêm "Hiền" phía trước những đại từ nhân xưng trên ("hiền huynh", "hiền tỷ"...).
Một Tộc đạo Cao Đài có 2 cơ thể thờ tự là "Thánh thất" và "Điện thờ Phật Mẫu". Mỗi Tộc đạo đều có chương trình truyền bá giáo lý.

Một số tín đồ nổi tiếng

Phật giáo Hòa Hảo, hay còn gọi là đạo Hòa Hảo, là một tông phái Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Theo thống kê năm 2009 có khoảng 1.433.252 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khiến tôn giáo này trở thành tôn giáo có số tín đồ đông thứ ba tại Việt Nam. tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là An Giang với 936.974 tín đồ Phật Giáo Hòa Hỏa là tỉnh có số tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đông nhất cả nước chiếm 44% dân số toàn tỉnh và chiếm 65% tín đồ Phật giáo Hòa Hảo trong cả nước .[1] tiếp đến là Cần Thơ (227.117 tín đồ) và Đồng Tháp (196.143 tín đồ) . Hiện nay, trong thư viện của hơn 30 quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ những tài liệu sách báo về đạo này.
Đạo Hòa Hảo ra đời tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vào năm 1939 do Huỳnh Phú Sổ sáng lập.
Huỳnh Phú Sổ, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1920 (tức 25/11 Kỷ Mùi), là con của Huỳnh Công Bộ. Thuở nhỏ, ông được cha cho học hết bậc sơ Pháp-Việt tại một trường ở huyện. Ông có tiếng thông minh, có năng khiếu thơ văn, nhưng vì luôn đau ốm nên không thể tiếp tục học lên bậc cao hơn. Sau đó, ông đi lên núi Cấm tìm thầy chữa bệnh và tại đây ông đã tu theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Đoàn Minh Huyên (1807-1856) sáng lập.
Huỳnh Phú Sổ tự nhận mình là bậc "sinh như tri", biết được quá khứ nhìn thấu tương lai, được thọ mệnh cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni, xuống hạ giới có nhiệm vụ truyền bá cho dân chúng tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương để "Chấn hưng Phật giáo, cứu độ chúng sinh khỏi sông mê, biển khổ và đưa tới chốn Tây phương cực lạc". Ông chữa bệnh cho người dân bằng các bài thuốc đã học trong lúc đi chữa bệnh, đồng thời qua đó ông truyền dạy giáo lý bằng những bài sám giảng (còn gọi là sấm giảng) do ông soạn thảo. Vì vậy chỉ trong vòng 2 năm từ 1937 đến 1939 số người tin theo ông đã khá đông và ông trở nên nổi tiếng khắp vùng.
Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (tức 4 tháng 7 năm 1939), Huỳnh Phú sổ bắt đầu khai đạo, khi ông chưa tròn 20 tuổi. Nơi tổ chức lễ khai đạo chính là gia đình ông. Ông đã lấy tên ngôi làng Hòa Hảo nơi mình sinh ra để đặt tên cho tôn giáo mới của mình: đạo Hòa Hảo hay Phật giáo Hòa Hảo. Sau đó, ông được các tín đồ suy tôn làm giáo chủ mối đạo, và gọi ông bằng cái tên tôn kính là Huỳnh Giáo Chủ.
Kể từ đó, ông lần lượt làm nhiều bài thơ ca, sau được tập hợp lại thành quyển Sấm giảng thi văn giáo lý, có phần gần gũi với tư tưởng thần bí và tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ lúc bấy giờ.

Thời kỳ Nhật xâm chiếm


Tổ đình Phật giáo Hòa Hảo, xưa thuộc làng Hòa Hảo, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Sang năm 1941, đạo Hòa Hảo tiếp tục gia tăng số lượng tín đồ của mình một cách nhanh chóng. Khi Nhật vào Đông Dương, Pháp lo ngại Nhật tranh thủ giáo phái Hòa Hảo nên đã câu thúc Huỳnh Phú Sổ ở Châu Đốc, Bạc Liêu, Cần Thơ. Năm 1942, Nhật vận động được giáo chủ Hòa Hảo về Sài Gòn. Tại đây ông đã vận động được nhiều nhân vật hoạt động chính trị thân Nhật vào đạo Hòa Hảo để gây thanh thế, đồng thời thời gian này nhiều thanh niên theo đạo Hòa Hảo cũng tham gia các tổ chức của Nhật.
Năm 1946, Huỳnh Phú Sổ cùng với những người lãnh đạo Hòa Hảo thành lập tổ chức Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng gọi tắt là "Đảng Dân xã" vào Tháng Chín năm 1946 bao gồm lực lượng nòng cốt trong Hòa Hảo và tổ chức Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng. Đảng Dân xã có điều lệ và chương trình hành động, cơ cấu tổ chức riêng, có vai trò như một tổ chức chính trị. Từ đó Hòa Hảo vừa có đạo vừa có đảng mang hình thức gần với một tổ chức chính trị. Khối Hòa Hảo còn tổ chức lại lực lượng vũ trang vào Tháng Sáu năm 1946 mang tên "Nghĩa quân Cách mạng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực".[2]

1947-1963 lực lượng võ trang

Năm 1947, Huỳnh Phú Sổ mất tích trong khi trên đường đi hòa giải giữa Việt Minh và Hòa Hảo; theo các tài liệu Tây phương và Việt Nam Cộng hòa thì ông bị Việt Minh thủ tiêu. Sau đó nội bộ Hòa Hảo tách ra làm mấy nhóm; có nhóm ngả theo Việt Minh, nhóm thì chống lại, gây ra những vụ thanh toán và tranh giành ảnh hưởng có khi đẫm máu. Mỗi nhóm cát cứ ở những vùng như Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ.
Chính phủ Đệ nhất Cộng hòa sau khi thành lập năm 1955 thì mở những cuộc hành quân như "Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng" rồi "Chiến dịch Nguyễn Huệ" để bình định các giáo phái hầu thống nhất quân lực. Các lãnh tụ Hòa Hảo như tướng Trần Văn Soái (biệt danh Năm Lửa) rút về cố thủ Đồng Tháp; tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) thì đem quân về chống giữ ở Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá. Bị truy nã Trần Văn Soái ra hàng còn Lê Quang Vinh thì bị bắt, sau đem xử tử.[3]

1963-1975

Năm 1964 sau khi Nền Đệ nhất Cộng hòa bị lật đổ đạo Hòa Hảo có sự củng cố lại về tổ chức, xây dựng mở mang các cơ sở tôn giáo, văn hóa, xã hội. Hệ thống Ban trị sự được kiện toàn từ trung ương đến cơ sở (hình thành cơ cấu tổ chức 4 cấp trung ương, tỉnh, huyện, ). Đảng Dân xã cũng được củng cố để hỗ trợ cho đạo, đồng thời cơ quan lãnh đạo Hòa Hảo có sự phân đôi thành 2 ban trị sự trung ương: phái cũ do Lương Trọng Tường, phái mới do Huỳnh Văn Nhiệm đứng đầu.
Năm 1972 Lê Quang Liêm tách ra khỏi phái cũ của Lương Trọng Tường thành lập ban trị sự trung ương mới. Lúc này đạo Hòa Hảo có tới 3 ban trị sự trung ương cùng tồn tại cho đến thống nhất đất nước. Dù phân hóa, Phật giáo Hòa Hảo tiếp tục phát triển vào thời Đệ nhị Cộng hòa trong đó một sự kiện lớn là việc thành lập Viện Đại học Hòa Hảo năm 1972 ở Long Xuyên. Khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ thì các nhóm Hòa Hảo điều hành tổng cộng sáu trường trung học phổ thông, một viện đại học và hai bệnh viện. Tất cả những cơ sở này bị chính quyền mới cưỡng đoạt.[4]
Đến nay, Hòa Hảo vẫn phát triển chú yếu trong vùng tứ giác Long Xuyên. Số lượng tín đồ khoảng 2 triệu người.
Hiện nay, Ban trị sự và chính quyền huyện Phú Tân có ý định xây dựng tượng đài Đức huỳnh giáo chủ tại 1 địa điểm ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân.
Giáo lý Hòa Hảo

Sấm giảng đạo Phật giáo Hòa Hảo.
Giáo lý Hòa Hảo được thể hiện trong những bài sấm kệ do Huỳnh Phú Sổ biên soạn, bao gồm 6 tập:
  1. Sấm khuyên người đi tu niệm
  2. Kệ của người Khùng
  3. Sấm giảng
  4. Giác mê tâm kệ
  5. Khuyến thiện
  6. Những điều sơ học cần thiết của kẻ tu hiền
Có thể nhận thấy giáo lý Hòa Hảo là sự tiếp thu và nâng cao tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương của Đoàn Minh Huyên, gồm phần "Học Phật" và phần "Tu nhân":
  • Phần "Học Phật": chủ yếu dựa vào giáo lý đạo Phật song được giản lược nhiều và có thêm bớt đôi chút. Tinh thần chính là khuyên tín đồ ăn ngay ở hiền.
  • Phần "Tu nhân": theo giáo lý Hòa Hảo tu nhân có nghĩa là tu "tứ ân hiếu nghĩa"- đó là 4 điều Đoàn Minh Huyên, đã chỉ ra, bao gồm Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân đồng bào nhân loại, Ân tam bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Đạo Hòa Hảo khuyên tín đồ vừa học Phật vừa tu nhân để tạo nên công đức. Có công đức để trở thành bậc hiền nhân. Song, họ đặc biệt yêu cầu tín đạo phải tu nhân, cho rằng việc tu hành phải dựa trên đạo đức, trước hết đạo làm người: Thiên kinh vạn điển, hiếu nghĩa vi tiên (Không có tu nhân thì không thể học Phật, hoặc học Phật mà chẳng tu nhân thì cũng vô nghĩa); Dụng tu Tiên đạo, tiên tu Nhân đạo; Nhân đạo bất tu, Tiên tu viễn ký (Muốn tu thành Tiên Phật trước hết phải tu đạo làm người, đạo người mà không tu thì Tiên Phật còn xa vời). 
Nghi lễ và tổ chức
Đạo Hoà Hảo chủ trương tu tại gia hơn là đi lễ chùa. Họ chủ trương giúp đỡ người nghèo hơn là cúng tiền xây chùa hay tổ chức lễ hội tốn kém. Những buổi lễ được tổ chức rất đơn giản và khiêm tốn, không có ăn uống, hội hè. Lễ lộc, cưới hỏi hay ma chay không cầu kỳ như thường thấy ở những tôn giáo khác. Họ cho đó là những sự phung phí thay vì dùng tiền đó dể giúp đỡ những người thực sự cần đến.
Đạo Hòa Hảo không có tu sĩ, không có tổ chức giáo hội mà chỉ có một số chức sắc lo việc đạo và cả việc đời. Không có nơi thờ công cộng, trung tâm của đạo ở làng Hòa Hảo gọi là tổ đình cũng chỉ mang tính gia tộc. Đạo này không xây dựng chùa chiền, không có tượng ảnh thờ. Vật thờ của đạo Hòa Hảo hiện nay là tấm vải có màu nâu sẫm (trần điều) trên bàn thờ (còn gọi là trang thờ) đặt ở gian chính giữa và xây một bàn thông thiên ở sân trước của nhà. Việc thờ phụng này thể hiện tư tưởng của Phật giáo: "Phật tại tâm, tâm tức Phật". Đạo Hòa Hảo thờ Phật, ông bà tổ tiên và các anh hùng tiên liệt có công với đất nước, không thờ các thần thánh nếu không rõ nguyên nhân.
Lễ vật khi thờ phúng cũng rất đơn giản chỉ có hoanước lạnh (nước mưa, nước lọc tinh khiết). Ban đêm đốt đèn ở bàn thờ trong nhà và bàn thờ thông thiên. Khi thờ tín đồ chỉ đọc sấm giảng do thầy Huỳnh Phú Sổ soạn và niệm lục tự Nam-mô-a-di-đà-Phật với mục đích tĩnh tâm và cầu vãng sanh Tịnh Độ. 
Các ngày lễ tết
Trong một năm, theo âm lịch đạo Hòa Hảo có các ngày lễ, Tết chính:
Những thánh địa tôn giáo vĩ đại nhất

Những công trình đóng góp vai trò không nhỏ trong mỗi loại hình tôn giáo. Ngoài chức năng tôn giáo của chúng, ngày nay các công trình này còn là những kỳ quan của thế giới. Dưới đây là danh sách những công trình tôn giáo cổ đại mới được đánh giá là vĩ đại nhất.

1. Đền thờ Pantheon

Đền thờ Pantheon
Đền thờ Pantheon, “Mọi vị thần”, là một trong những công trình La Mã được bảo tồn tốt nhất. Một ngôi đền đã từng tồn tại ở trên địa điểm này trước đó trong nhiều năm, tuy nhiên ngôi đền chúng ta thấy ngày nay được thiết kế bởi Hoàng đế Hadrian vào năm 126 sau CN. Công trình này được biến thành nhà thờ Thiên chúa giáo vào thế kỷ thứ 7.
Mặt trước của ngôi đền trông giống như một mái cổng đền La Mã kinh điển, được đỡ bởi các cột trụ. Thường thì các ngôi đền La Mã phải được chiêm ngưỡng từ bên ngoài mới thấy đẹp, tuy nhiên Patheon thì khác, bên trong của nó được đánh giá rất cao. Đằng sau mái cổng là một nhà mái vòm tròn. Ở giữa mái vòm lớn là một lỗ tròn, gọi là mắt đơn. Mắt đơn là nguồn ánh sáng duy nhất và là biểu tượng phóng dụ của Thần.

2. Các hang động Ajanta, Ấn độ

Các hang động Ajanta, Ấn độ
Việc xây dựng những hang động này được tiến hành khoảng từ năm 200 trước CN đến năm 600 sau CN. Quần thể hang động này đã bị rừng che phủ và bị "bỏ quên" trong nhiều thế kỷ. Một sỹ quan người Anh tên là John Smith đã khám phá ra ngôi đền trong khi đi săn hổ ở địa phương vào năm 1819. Ngày nay, ta có thể thấy tên và ngày phát hiện lại ngôi đền của sỹ quan này được viết bằng vết mực chì khá mờ trên những bức tường.
29 hang động đã được khai quật thấy, mặc dù không phải tất cả những hang động đều được trang trí phong phú. Những hang động nào chứa đầy những tác phẩm điêu khắc và tranh họa được xem là những kiệt tác của Ấn độ cổ đại. Hầu hết những tranh vẽ trên tường đều kể về cuộc đời Đức Phật, những tranh khác nói về cuộc sống của những con người cổ đại, những người đã chạm khắc các hang động này.

3. Chùa Borobudur, Indonesia

Chùa Borobudur, Indonesia
Chùa Borobudur được xây dựng vào thế kỷ thứ 8, sau đó bị rừng rậm che kín và mất tích, rồi được người ta khám phá lại vào thế kỷ 19, là kỳ quan Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới, được UNESCO xếp vào di sản thế giới năm 1991.
Công trình này được cấu thành từ 0,6 triệu mét khối đá đặt trên 6 tầng thềm hình vuông. Mỗi tầng thềm này có trang trí những trụ gạch khắc chạm tinh xảo. 500 tượng Phật được trong các hốc tường để phật tử có thể cầu khấn. 6 bậc thềm tạo thành một lối đi theo thứ tự lên cao dần. Lối đi hơn 3km này không hề dễ dàng. Khi bạn đi dọc theo con đường, các trụ gạch sẽ phô diễn những hình ảnh luật Karma và câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật. Ở trên đỉnh, có ba bảo tháp lớn (stupa).
Các vụ phun trào núi lửa địa phương là nguy cơ đe dọa đối với quần thể tôn giáo này. Vụ phun trào gần đây nhất vào năm 2010 đã bao phủ cả khu chùa với một lớp tro mỏng. Người ta e sợ rất có thể một vụ phun trào núi lửa nào đó sẽ phá hủy tất cả những chạm khắc bao quanh những công trình.

4. Khu đền Delphi, Hy Lạp

Khu đền Delphi, Hy Lạp
Tuy không quá hoành tráng, Delphi lại có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới tâm linh của người phương tây. Quần thể đền thờ, sân vận động và điện thờ với ngôi đền chính Delphi là trung tâm thờ cúng thần Apollo, vị thần được tất cả cư dân các thành bang Hy Lạp cổ kim ngưỡng mộ và tôn kính. Năm 1997, nó được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

5. Kim tự tháp Teotihuacan, Mexico

Kim tự tháp Teotihuacan, Mexico
Từng là một trong những thành phố lớn của thế giới, Teotihuacan có nguồn gốc gây nhiều tranh cãi. Người ta không đồng nhất về chuyện ai đã xây dựng thành phố này, tuy nhiên, song đều đồng thuận nó ra đời vào khoảng năm 450 sau Công nguyên.
Trong thành phố này nổi tiếng nhất là kim tự tháp Mặt trời và kim tự tháp Mặt trăng. Các kim tự tháp ở đây dùng là nơi hiến tế người và vật. Có một con lộ rộng tên là Đại lộ tử thần chạy thẳng từ kim tự tháp Mặt trăng đến kim tự tháp Mặt trời, xuôi xuống ngôi đền Quetzalcoatl ở gần đó. Đi dọc con lộ này rất dễ khiến ta liên tưởng đến những lễ hội tôn giáo lớn hẳn đã từng diễn ra ở đây.

6. Khu đền Ziggurat ở thành phố Ur, Iraq

Khu đền Ziggurat ở thành phố Ur, Iraq
Quần thể đền thờ Ziggurat là một kim tự tháp bậc thang khổng lồ, được xây dựng từ Thời kỳ đồ đồng để tôn vinh chúa trời Nanna của người Sumer cổ đại nổi tiếng. Từ đó nó được tái xây dựng nhiều lần nữa. Cấu trúc hiện tồn tại ngày nay đã được sửa chữa rất nhiều trong thời của tổng thống Saddam Hussein và đã bị hư hại nhỏ trong Chiến tranh vùng Vịnh. Tuy là một trong những kỳ quan vĩ đại nhất của thế giới cổ đại còn đến ngày nay, rất ít du khách tới đây tham quan.

7. Quần thể đền Karnak, Ai Cập

Quần thể đền Karnak, Ai Cập
Được xây dựng vào thế kỷ 14 trước Công nguyên bởi pharaoh Ramses II, khu đền Karnak hàng năm thu hút hàng triệu khách thập phương thế giới. Nằm bên cạnh dòng sông Nile, Karnak là một trong những địa điểm tôn giáo lớn nhất thế giới. Nó bao gồm những thánh đường và đền thờ bằng đá chạm.
Chỉ riêng ngôi đền đại Amun-Re đã rất đáng để chúng ta tới thăm, tuy nhiên bạn cần nhiều hơn một ngày để thưởng thức toàn bộ khu đền. Những trụ gạch, các tháp cột, và những rừng cột trụ đã mê hoặc nhiều đoàn làm phim Hollywood tới đây. Tiêu biểu như bộ phim bom tấn Transformers: Revenge of the fallen cũng sử dụng bối cảnh Karnak.

8. Bãi đá Callanish, Anh Quốc

Bãi đá Callanish, Anh Quốc
Bãi đá Callanish thuộc Đảo Lewis, xuất hiện từ khoảng 2900 đến 2600 năm trước CN, khoảng cùng thời gian với Stonehenge. Truyền thuyết kể rằng những viên đá xám là vết tích còn lại của Những người khổng lồ, những người đã từ chối theo Thiên chúa giáo và Thánh Kieran của người Thiên chúa giáo đã biến họ thành đá để trừng phạt.
Nếu bạn đã chán bãi đá Stonehenge, thì bãi đá Callanish là một địa điểm thay thế hoàn hảo. Bãi đá Callanish được ưa chuộng hơn bãi đá Stonehenge bởi tuy nó khó tiếp cận hơn nhưng chính thế nó lại cho cảm giác hài lòng du khách hơn nhiều. Stonehenge giờ nằm rất gần hai con lộ lớn đầy tiếng ồn xe qua lại. Trang listverse đánh giá Stonehenge đã bị tác động bởi thời gian và "sự tiến bộ" của con người.
9.Jerusalem là một thành phố cổ Trung Đông nằm trên lưu vực sông giữa Địa Trung HảiBiển Chết tại độ cao 650-840 mét. Thành phố nằm phía đông của Tel Aviv, phía nam của Ramallah, phía tây của Jericho và phía bắc của Bethlehem.Jerusalem có lịch sử lâu dài, Theo thần thoạitruyền thuyết Do thái, Jerusalem được xây dựng bởi ShenEver, tổ tiên của thánh tổ Abraham. Theo những đồ vật khảo cổ học đã được tìm thấy, sự định cư tại Jerusalem bắt đầu tồn tại từ 3 nghìn năm trước Công Nguyên. Theo những nguồn tin tức lịch sử, thành phố được nhắc đến lần đầu tiên vào những năm 2 nghìn trước Công Nguyên. Lúc đầu, thành phố được xây dựng và sáng lập nên bởi người Canaanite (có thể, nhưng cũng không nhất thiết phải là người Jebusite, người đã chiếm giữ thành phố cuối thời kỳ đồng thiếc) và trở thành thủ đô những vương quốc Do Thái: Israel, JudahJudea trong thời kỳ Ngôi đền Thứ nhấtthời kỳ Ngôi đền Thứ hai. Thành phố tiếp tục giữ vai trò quan trọng là Đất Thánh trong thời kỳ thống trị của người Hồi Giáo. Jerusalem là thành phố linh thiêng nhất của đạo Do Thái, và có ý nghĩa đặc biệt với đạo Cơ-đốcđạo Hồi.
Tập tin:Temple mount.JPGTừ năm 1948 đến 1967, phần phía Tây của Jerusalem được quản lý bởi Israel như thủ đô của đất nước, trong khi phía Đông Jerusalem được quản lý bởi Jordan. Thành phố hợp nhất lại bởi thắng lợi của Israel trong Chiến tranh sáu ngày, mặc dù địa vị của thành phố vẫn bị tranh chấp. Luật của Israel từ năm 1980 tuyên bố Jerusalem như thủ đô 'vĩnh viễn, không bị chia cách của Israel, trong khi Đông Jerusalem lại được cho là thủ đô đang được chờ đợi của đất nước Palestina sau này. Địa vị của những nơi linh thiêng trong thành phố cũng đang bị tranh cãi.
Với số dân 704.900 (từ ngày 31 tháng 12 năm 2004 [2]), Jerusalem là thành phố không đồng nhất, tiêu biểu cho nhiều loại dân tộc, tôn giáo và những nhóm kinh tế xã hội. Khu vực được gọi là "Thành phố cổ" được bao vây bởi những bức tường và bao gồm bốn khu: Khu Armenia, Cơ Đốc, Do TháiHồi giáo. Thị trưởng hiện giờ của Jerusalem là Uri Lupolianski, người Haredi đầu tiên được giữ chức nhiệm này.
Tập tin:StPetersBasilicaEarlyMorning.jpg10.Thành Vatican là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ bao gồm một vùng đất được xây tường bao kín, nằm trong lòng thành phố Rôma, Ý. Với diện tích xấp xỉ 44 hécta (108,7 mẫu Anh), đây là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới.  Nước này được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng (756 tới 1870 sau Công Nguyên) rộng lớn hơn trước đó. Dù được Giám mục Rôma (Giáo hoàng) điều hành, Thành Vatican chính thức là một nền quân chủ. Các quan chức cấp cao nhất của nhà nước đều là giáo chức của Giáo hội Công giáo Rôma. Đây là một lãnh thổ có chủ quyền của Tòa Thánh (Latinh: Sancta Sedes) và là nơi có của Điện Tông Tòa – nơi ở của Giáo hoàng – và Giáo triều Rôma. Vì thế, dù trụ sở giáo hội theo nguyên tắc của Tòa thánh Vatican (Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô) nằm bên ngoài biên giới của Thành, tại Rôma, Thành Vatican được cho là thủ đô chính quyền của Giáo hội Công giáo Rôma.
Cái tên Vatican có từ thời xưa, trước khi Kitô giáo ra đời, xuất phát từ chữ La tinh Mons Vaticanus, nghĩa là ngọn đồi Vatican. Lãnh thổ Vatican là một phần của Mons Vaticanus, và sát kề Cánh đồng Vatican nơi Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Cung điện Giáo hoàng, Nhà nguyện Sistine, và nhiều bảo tàng được xây dựng, cùng với nhiều công trình kiến trúc khác. Cho tới năm 1929 vùng này là một phần của rione Borgo Rôma. Tách biệt khỏi thành phố và nằm trên bờ phía tây sông Tiber, đây là vùng mở rộng về sau của thành phố và được bảo vệ khi Giáo hoàng Lêô IV cho gộp vào trong bức tường bao thành phố và sau này được mở rộng thành những bức tường kiểu pháo đài hiện nay bởi các Giáo hoàng Phaolô III, Piô IV, Ubanô VIII. Khi Hiệp ước Latêranô năm 1929 quy định hình dạng hiện nay của Thành phố được khởi thảo, thực tế rằng đa phần lãnh thổ đề nghị đều nằm bên trong vòng tường này khiến nó được dùng để định nghĩa ranh giới. Ở một số đoạn biên giới không có tường xây khiến những dãy nhà ở đó trở thành một phần biên giới, và một phần nhỏ biên giới được xây dựng mới ở thời hiện đại. Lãnh thổ bao gồm Quảng trường Thánh Phêrô, không thể tách rời với phần còn lại của Rôma, và vì thế một đường biên giới ảo với Ý được quy định chạy dọc giới hạn bên ngoài của quảng trường nơi nó giáp với Piazza Pio XIIVia Paolo VI. Via della Conciliazione nối Quảng trường Thánh Phêrô với Rôma qua Ponte Sant Angelo. Con đường nối to lớn này được Mussolini xây dựng sau khi ký kết Hiệp ước Latêranô.
Theo Hiệp ước Latêranô, một số tài sản của Tòa Thánh nằm trong lãnh thổ Ý, mà nổi tiếng nhất là Castel GandolfoNhà thờ Thánh Phêrô, được trao quy chế lãnh thổ bên ngoài tương tự như đối với các đại sứ quán. Những tài sản đó, rải rác trên toàn bộ RômaÝ, nơi đóng trụ sở và làm việc của các định chế cần thiết cho tính chất và nhiệm vụ truyền đạo của Tòa Thánh.

Vườn


Một phần của những khu vườn thành Vatican
Trong lãnh thổ của thành Vatican là những khu vườn thành Vatican (tiếng Ý: Giardini Vaticani), chiếm hơn một nửa diện tích lãnh thổ. Những khu vườn được thành lập từ thời đại Phục Hưng và thời kỳ Baroque. Chúng chiếm xấp xỉ 23 hecta (57 acres), chiến phần lớn đồi Vatican. Điểm cao nhất là 60 mét (200 ft) trên mực nước biển. Những bức tường đá bao quanh khu vực trên ở phía Bắc, Nam và Tây.

Lãnh đạo nhà nước

Giáo hoàngex officio nguyên thủ quốc gialãnh đạo chính phủ của Thành Vatican. Giáo hoàng đồng thời là giám mục Giáo phận Rôma, Tòa Thánh, và là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Danh hiệu chính thức của Giáo hoàng tại Thành Vatican là Lãnh đạo tối cao của Nhà nước Thành Vatican.
Giáo hoàng là một vị vua không truyền tử, nắm quyền lực tuyệt đối, có nghĩa là quyền lập pháp, hành pháptư pháp tối cao đối với Thành Vatican. Giáo hoàng là vị vua chuyên chế duy nhất tại Châu Âu.
Giáo hoàng được bầu với quyền lực trọn đời bởi Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Các quan chức chính phủ chính của Thành Vatican là Hồng y Ngoại giao (ngoại trưởng), Chủ tịch Ủy ban Nghi lễ của Nhà nước Vatican, và Chưởng ấn Thành Vatican.
Giáo hoàng hiện tại là Benedict XVI, tên khai sinh là Joseph Ratzinger và là người Đức. Hồng y Tarcisio Bertone của Ý là ngoại trưởng. Tổng giám mục Ý Giovanni Lajolo vừa là Chủ tịch Ủy ban Lễ nghi vừa là Thủ hiến Vatican. Cả Bertone và Lajolo đều được Giáo hoàng banedict XVI chỉ định vào tháng 9 năm 2006.
Ngay trước sự chuyển đến của Kitô giáo, nó được cho rằng đây là phần đất hoang, không có người sinh sống của Rome. Vùng đất ấy được thần thánh bảo vệ chu đáo, hoặc ít nhất là nơi không thích hợp để sinh sống. Khu vực này cũng đã là nơi trước kia thờ phượng nữ thần Phrygian Cybele và người chồng là Attis suốt thời gian của Đế quốc La Mã Cổ đại. Agrippina Cả (14 trước Công nguyên - 18/10 năm 33 sau Công nguyên) đã rút nước ở ngọn đồi và những khu vực lân cận để xây khu vườn của bà từ trước thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Hoàng đế Caligula (31/8/12 - 24/1/41 sau Công nguyên, triều đại: 37 - 41 sau Công nguyên) bắt đầu xây dựng một trường đấu vào năm 40 sau Công nguyên và được hoàn thành bởi Nero, trường đấu Gaii et Neronis. Tháp kỉ niệm Vatican được sáng tạo một cách độc đáo bởi Caligula từ Heliopolis để trang hoàng trường đấu và cũng là vật còn sót lại đến ngay nay. Khu vực này trở thành nơi tử đạo của nhiều Kitô hữu bởi ngọn lửa lớn ở Rome vào năm 64 sau Công nguyên. Truyền thuyết cổ xưa kể rằng nơi này Thánh Phêrô bị đóng đinh treo ngược vào thập giá. Đối diện đấu trường là một nghĩa trang tách ra bởi Via Cormelia. Những công trình chôn cất, lăng tẩm và mồ mả nhỏ cũng như bàn thờ thần ngoại của những tôn giáo khác được xây dựng kiên cố trước khi công trình quảng trường Constrantinian Thánh Peter được xây dựng một nửa vào thế kỉ 4 sau Công nguyên. Những tàn tích của nghĩa trang ngày một tăng dần lên qua các triều đại Giáo hoàng khác nhau suốt thời kì Phục Hưng, cho đến khi chúng được khai quật có hệ thống theo lệnh của Giáo hoàng Piô XII từ năm 1939 đến năm 1941.
Vào năm 326, ngôi thánh đường đầu tiên, quảng trường Constantinian, được xây dựng trên mộ của thánh Peter. Từ khi xuất hiện thánh đường, bắt đầu có dân cư nhưng thưa thớt quanh quảng trường. Nơi ở của Giáo hoàng nằm gân quảng trường, được xây dựng ngay từ thế kỉ V trong suốt triều đại Giáo hoàng Symmachus (? - 19/6/514, triều đại: 498 - 514). Các Giáo hoàng trong một vai trò không thuộc tôn giáo đã đến cầm quyền các khu vực lân cận, lập ra Nhà nước của Giáo Hoàng, có quyền lực trên phần lớn bán đảo Ý hơn một nghìn năm đến giữa thế kỉ 19, khi lãnh thổ của Nhà nước của Giáo hoàng bị tịch thu bởi sự thành lập của Vương quốc Ý. Trong thời gian ấy, Vatican, nhưng đúng hơn là điện Lateran, những thế kỉ gần đây là lâu đài chính phủ Ý, không phải là nơi ở thường xuyên của Giáo hoàng, mà là tại Avignon, Pháp.
Vào năm 1970, tài sản của Giáo hoàng bị bỏ lại trong một trường hợp không rõ ràng khi Rome tự sáp nhập bởi Piedmontese sau sự kháng cự yếu ớt của lính Giáo hoàng. Giữa năm 1861 và 1929, uy tín của Giáo hoàng được đề cập trong quyển "Những câu hỏi về Giáo hội Công giáo La Mã". Giáo hoàng không bị làm phiền tại nơi ở của các Ngài, và được công nhận bởi sự bảo lãnh của pháp luật. Nhưng các Ngài không được vua Ý công nhận khi ra luật ở Rome, và họ từ chối cho phép vùng đất Vatican cho đến khi sự bất hòa của đôi bên được giải quyết vào năm 1929. Các nước khác tiếp tục duy trì sự công nhận quốc tế rằng Tòa Thánh là một thực thể tối cao. Ý không có ý định can thiệp vào Tòa Thánh trong thành Vatican. Tuy nhiên, họ đã tịch thu tài sản của Giáo hội ở nhiều nơi, đặc biệt bao gồm lâu đài chính phủ Ý, nơi ở chính thức trước kia của Giáo hoàng. Giáo hoàng Pius IX (13/3/1792 - 7/2/1878, triều đại: 1846 - 1878), quốc trưởng cuối cùng của Nhà nước của các Giáo hoàng, đã nói rằng sau khi Rome sáp nhập, Ngài là "Người tù của Vatican". Mốc quan trọng là vào ngày 11/2/1929 giữa Tòa Thánh và vương quốc Ý. Hiệp ước được kí kết giữa Benito MussoliniPietro Cardinal Gasparri thay mặt cho vua Victor Emanuel III, và Giáo hoàng Pius XI (31/5/1857 - 10/2/1939, triều đại: 1922 - 1939) thay mặt cho Tòa Thánh. Hiệp ước Lateran và giáo ước (hiệp ước giữa Giáo hoàng và chính phủ một nước) đã thành lập Thành Quốc Vatican (nước Vatican), cùng với việc công nhận Công giáo có vai trò quan trọng tại Ý. Năm 1984, một giáo ước mới giữa Tòa Thánh và Ý sửa đổi một số điều khoản của giáo ước trước đây, bao gồm vị thế của Công giáo như quốc giáo của Ý. 
Quân đội thành Vatican rất đặc biệt vì nó là đội quân chính quy nhỏ nhất và lâu đời nhất trên thế giới, Lính Thụy Sĩ. Được thành lập vào ngày 22 tháng 1 năm 1506 bởi Giáo hoàng Julius II, nó trước tiên được cấu thành bởi lính đánh thuê Thụy Sỹ từ Liên bang Thụy Sỹ. Quân số hiện nay vào khoảng trên 100 người đồng thời kiêm luôn công tác cận vệ Đức Giáo Hoàng. Việc tuyển mộ lính mới rất hạn chế, chỉ đàn ông Công Giáo Thụy Sỹ mới được đăng ký.
Palatine Guard of Honor and the Noble Guard đã bị giải tán dưới triều đại giáo hoàng Phaolô VI.
Body of the Gendarmeria (Corpo della Gendarmeria) hoạt động như lực lượng cảnh sát của vùng.
Vatican không có lực lượng không quân cũng như hải quân. Việc phòng thủ bên ngoài được đảm nhận bởi những bang nước Ý xung quanh.
Thủ hiến Vatican, thường được biết đến như Thủ tướng Vatican, có trách nhiệm như một thị trưởng, tập trung vào các vấn đề về Vatican, bao gồm an ninh quốc gia, ngoại trừ các mối quan hệ bên ngoài. Vatican có hai lực lượng giữ gìn an ninh hiện đại: quân Swiss Guards (quân Thụy Sĩ), gồm những người đàn ông Công giáo Thụy Sĩ tự nguyện và quân Corpo della Gendarmeria dello Stato della Città del Vaticano.
Quyền lập pháp được trao cho hội đồng Giáo hoàng Vatican, đứng đầu là Thủ hiến. Các thành viên là những Hồng Y được Giáo hoàng bổ nhiệm, nhiệm kì 5 năm.
Tòa án tối cao Vatican là tập hợp của 3 tòa án: tòa Apostolic Signatura (tòa án Giáo hoàng), tòa Sacra Rota Romana (tòa án tối cao), tòa Apostolic Penitentiary (tòa sám hối). Đó cũng là những cánh tay pháp luật đắc lực của Tòa Thánh (tầm quan trọng không cao). Hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở Giáo luật. Nếu Giáo luật không thích hợp, một bộ luật đặc biệt của khu vực sẽ được áp dụng, thường theo sự cung cấp của nước Ý
Thành Quốc Vatican, một trong những nước châu Âu nhỏ, nằm trên ngọn đồi Vatican, ở phía tây bắc của Rome, vài trăm mét phía tây sông Tiber. Vatican có đường biên giới (tổng cộng dài 3.2 km hay 2 dặm, tất cả đều nằm trong nước Ý) là một bức tường thành được xây dựng nhằm bảo vệ Giáo hoàng khỏi các thế lực tấn công từ bên ngoài. Tình hình biên giới phức tạp hơn tại quảng trường thánh Peter đối diện thánh đường thánh Peter, nơi đường biên giới chính xác phải nằm cắt ngang quảng trường, vì thế có một đường biên giới ảo được Ý quy định chạy dọc giới hạn bên ngoài quảng trường được quy định bởi [[cột Basilica], giáp với Piazza Pio XIIVia Paolo VI. Thành Quốc Vatican là quốc gia nhỏ nhất trên thế giới với diện tích khoảng 0.44 km2 (108.7 mẫu Anh (acres)).
Khí hậu Vatican giống như khí hậu Rome ; nhiệt độ, thời tiết Địa Trung Hải êm dịu, những cơn mưa tuyết bắt đầu từ tháng 9 đến giữa tháng 10 và mùa hạ khô nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Một nét đặc trưng của khí hậu Vatican là thường có sương mù đọng lại nhiều. 
Vatican, chính thành phố đã là một công trình văn hóa có ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng. Những công trình như Vương cung thánh đường Thánh Phêrônhà nguyện Sistine là nơi tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, trong đó có những tác phẩm của những nhà nghệ thuật lừng danh như Botticelli, BerniniMichelangelo. Thư viện Vatican và những bộ sưu tập của viện bảo tàng Vatican có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa họcvăn hóa. Năm 1984, Vatican được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đặc biệt là chỉ một Vatican thôi nhưng lại bao gồm cả đất nước (Vatican là một thành phố, nhưng cũng là một đất nước).
Dân số thường trực của Vatican, nam chiếm ưu thế hơn, mặc dù có hai dòng tu của các sơ ở Vatican. Một bộ phận chiếm số dân nhỏ là các tu sĩ cao niên và các thành viên còn lại (thường là người dân) của các giáo phận, giáo xứ. Những công dân, nhân viên tòa đại sứ ở Vatican thường sống ngoài thành.
Du lịch và các cuộc hành hương là các nhân số quan trọng trong đời sống hằng ngày của Vatican. Giáo hoàng thường làm lễ Misa hàng tuần và các lễ khác, và thường xuất hiện vào các ngày lễ lớn như lễ Phục sinh. Trong những sự kiện đầy ý nghĩa, như những nghi thức ban phước lành, các lễ tấn phong (giám mục, phong Chân phước ...), Ngài thường làm lễ ngoài trời ở quảng trường Thánh Phêrô.Thể thao:Vatican không có một liên đoàn thể thao hay sân vận động nào. Đôi khi nó được xem như có một đội tuyển bóng đá quốc gia. Đội tuyển chơi tại Stadio Pio XII ở Ý.
Theo một kết quả khảo sát, Vatican có số dân thường trú nhỏ, nhưng với hàng triệu khách du lịch mỗi năm, Thành Vatican có tỷ lệ tội phạm trên đầu người thuộc hàng cao nhất trên thế giới, hơn gấp hai mươi lần so với Ý. Năm 2002, một kết quả từ Tòa án Giáo hoàng, chánh công tố Nicola Picardi trích dẫn từ những thống kê cho thấy: có 397 vụ vi phạm pháp luật dân sự và 608 vụ vi phạm pháp luật hình sự. Mỗi năm, hàng trăm khách du lịch trở thành nạn nhân của nạn móc túi và giật giỏ, giật tiền. Thủ phạm gây ra, không ai khác chính là các du khách, nhưng ngoài ra còn đến 90% vụ vi phạm chưa được giải quyết.
Lực lượng cảnh sát Vatican là Corpo Della Vigilanza.
Như theo Hiệp ước Lateran 1929 giữa Tòa thánh VatianÝ, chính quyền Vatican có quyền khởi tố và giam giữ các nghi can.
Vụ giết người gần đây nhất ở Vatican xảy ra vào năm 1998, khi một thành viên của quân Swiss Guard giết hai người trước khi tự sát.
Vatican đã bãi bỏ việc kết án tử hình vào năm 1969, nhưng nó vẫn được thực hiện vào thời gian trước, Nhà nước của các Giáo hoàng vào ngày 9 tháng 7 năm 1870 tại Palestrina, khi Agabito (Agapito) Bellomo bị chém đầu (bởi máy chém) vì tội giết người.

Văn hoá

Kiểu trang phục sử dụng khi vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô phải là kiểu được thiết kế nhã nhặn và thích hợp cho việc viếng thăm các khu vực tôn giáo. Các du khách và người hành hương đều được nhác nhở về việc đó, vì Tòa thánh Vatican không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật mà còn là một nhà thờ. Sau đây là các kiểu trang phục bị ngăn cấm (khi bước vào thánh đường)
  • Áo không có tay áo
  • Áo hở rốn
  • Áo (phụ nữ) hở giữa
  • Áo in/mang những lời tục tĩu, báng bổ
  • Có quá nhiều đồ trang sức

Hệ thống chính trị

Do những lí do lịch sử, hệ thống nhà nước của Vatican rất đặc biệt, một hệ thống nhà nước "độc nhất vô nhị". Những người đứng đầu là Thư kí của Vatican. Hồng Y giáo chủ thành Vatican, và Thủ hiến Vatican. Ở đây, giống như những viên chức khác, tất cả đều được sự bổ nhiệm của Đức Giáo hoàng, cũng như có thể bị cách chức bởi Ngài bất kì lúc nào.
Trong suốt thời gian Trống ngôi Giáo hoàng (bắt đầu từ khi Giáo hoàng cũ mất và cho tới khi bầu cử vị Giáo hoàng mới), viên thị thần của Giáo hội Công giáo La Mã, trước đây Thư kí của Vatican, hay Hồng Y giáo chủ thành Vatican sẽ thiết lập một hội đồng có vai trò đứng đầu Tòa Thánh. Một Ban đứng đầu Vatican gồm viên thị thần và ba Hồng y khác (được chọn bằng cách bỏ thăm theo thứ bậc các Hồng y) được thành lập. Mọi quyết định của Ban này đều phải được sự tán thành của Hồng y đoàn.
Tập tin:The Holy Kabbah in Makkah.jpg11.Mecca hay Makkah là thành phố thánh địa của đạo Hồi.
Theo quy định của đạo Hồi, mỗi giáo dân ít nhất một lần trong cuộc đời phải hành hương về thánh địa Mecca bằng chính kinh phí của bản thân mình và trước khi đi phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cho người thân (những người ở nhà, không đi hành hương) trong thời gian mà họ đi vắng. Vào tháng Ramadan, người Hồi giáo hành hương về đây (và chỉ có người Hồi giáo mới được về đây). Sau khi hành hương đến Mecca, tín đồ đạo Hồi sẽ có được danh hiệu là "Haj" hoặc "Haji".
Với dân số 1.700.000 (2008), thành phố có vị trí 73 km (45 dặm) từ nội địa Jeddah trong một thung lũng hẹp ở độ cao 277 m (909 ft) trên mực nước biển.
Mỗi năm, hàng triệu người Hồi giáo thực hiện Hajj hành hương đến Mecca đi bộ bảy lần quanh Kaaba và hơn 13.000.000 người thăm Mecca hàng năm.
Mecca được cai-quản bởi Tòa-thị-chính Mecca, một hội-đồng thành-phố gồm có mười-bốn thành-viên được bầu tại địa-phương do thị-trưởng (được gọi là Amir) đứng-đầu, thị-trưởng được Chính-phủ Saudi chỉ-định. Thị-trưởng hiện-tại của thành-phố là Osama Al-Barr.
Mecca là thủ-phủ của tỉnh Makkah, bao-gồm lân-cận Jeddah. Thống-đốc tỉnh là hoàng-tử Abdul Majeed bin Abdul Aziz từ năm 2000 đến khi qua đời vào năm 2007. Ngày 16 tháng 5 năm 2007, hoàng-tử Khalid al Faisal được bổ-nhiệm làm thống-đốc mới.
Lý do chính của người Hồi giáo đến Mecca là để cầu nguyện trong Masjid al-haram. Thông thường, họ thực hiện các Umrah, cuộc hành hương ít hơn, trong khi truy cập vào Masjid al-haram. Mỗi năm một lần, Hajj, người hành hương lớn, diễn ra tại Mecca và các trang gần đó. Trong Hajj, nhiều triệu người khác nhau chủng tộc và tôn thờ các dân tộc trong unison.
Hồi giáo dạy rằng nếu một người thực hiện Umrah hoặc Hajj đúng và với ý định chân thành (để xin Thiên Chúa), tất cả anh / cô ấy được tha tội. Trong năm 2009, Hajj bắt đầu vào ngày thứ tư ngày 25 tháng 11.
12.  Sarnath (Lộc uyển)& Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
Có rất nhiều truyền thuyết đẹp và thần bí liên quan đến thánh địa Phật giáo Sarnath. Đó là thánh địa Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới. Tên của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Buddha Sàkya Munil gắn liền với tên của địa danh này rất sâu sắc. Theo ghi chép sau khi đắc đạo dưới cây bồ đề. Phật tổ chuyển pháp luân). Chuyển pháp luân có nghĩa là Đức Phật thuyết giảng về quy luật tự nhiên của vạn vật cho 5 tu sĩ khổ hạnh trong lần thuyết pháp đầu tiên ở vườn (Sarnath) đến Sarnath (Lộc uyển- “vườn thượng uyển hoang dã của hươu”. Đây là khu rừng có rất nhiều hươu sống ung dung tự tại không lo bị săn bắn.). Ở đây, phật tổ đã giác ngộ 5 tì khưu (tu sĩ khổ hạnh). Từ đó, Phật giáo truyền bá rộng rãi. Sarnath nhờ đó trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
 Bồ Đề Đạo Tràng
Bodh Gaya - Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật Thích Ca giác ngộ và giải thoát (Ảnh: lichsuvn.info)
Tương truyền, Phật tổ suy nghĩ 7 ngày, ban đầu ngài dự định ở nguyên vị trí để “thực chứng mọi việc", song thần Hindu là Brahma (thần Sáng tạo) thuyết phục Phật tổ truyền dạy các chân lý cao siêu mà các thần khác không biết cho dân chúng. Vì vậy, Phật tổ mới quyết định thuyết pháp cho chúng sinh. Với tâm nguyện đại từ đại bi Phật tổ muốn chúng sinh thoát khỏi bể khổ, thoát khỏi kiếp luân hồi, để đến bến bờ, của thế giới cực lạc. Sau khi trải qua 7 ngày nữa, Phật tổ quan sát mọi phiền não khổ cực của cuộc đời và căn duyên của chúng sinh. Sau 14 ngày nữa, ngài quyết định đi khắp nơi thuyết giảng đạo pháp, song nên bắt đầu từ nơi nào?
Cuối cùng, Phật tổ nhớ đến 5 người được các đại thần, quốc sư phái đến để hầu hạ chăm sóc người. Năm người này có căn cơ đạo hạnh rất sâu. Phật tổ quyết định trước tiên giáo hoá cho họ.
Lộc Uyển
Lộc Uyển (Sanarth), nơi Phật Thích Ca thuyết pháp về giải thoát lần đầu tiên (Ảnh: lichsuvn.info)
Sarnath nằm ở giữa hai con sông Hằng và Porona. Đây là một khu có nhiều rừng cây tươi tốt, hoàn cảnh yên tĩnh, một nơi lý tưởng cho người tu hành sinh sống. Năm người được Phật tổ lựa chọn đã tu luyện khổ hạnh trong rừng ở Sarnath.
Cái tên Sarnath có xuất xứ gắn liền với một truyền thuyết rất đẹp và cảm động. Xưa kia, trong một khu rừng có một con hươu đầu đàn rất hùng dũng và thông minh. Nó dẫn hàng ngàn con hươu mai hoa cùng đến sống ở nơi phong cảnh tuyệt đẹp Sarnath. Điều bất hạnh đã xảy ra, nơi đó xuất hiện một ông vua thích ăn thịt hươu. Cứ vài ngày, ông ta lại dẫn đoàn đi săn bắt hươu. Đoàn đi săn này là những binh sĩ chuyên săn hươu. Họ đem rất nhiều chó săn, chim ưng, vây chặt khu rừng hươu. Lần nào, con hươu đầu đàn cũng phải khó khăn lắm mới dẫn đàn hươu vượt vòng vây tháo chạy chỉ để lại một số con hươu làm mồi cho kẻ săn.
Sau nhiều lần suy nghĩ, con hươu đầu đàn quyết định vào hoàng cung quỳ xuống trước mặt nhà vua van xin: “Chúng tôi sống trong đất nước của nhà vua, chỉ mong người bảo vệ chúng tôi, để chúng tôi có thể an cư lạc nghiệp. Theo chúng tôi biết, nhà vua rất thích ăn thịt hươu. Chúng tôi cũng không dám trốn tránh, chỉ hy vọng ngài báo cho chúng tôi biết số lượng hươu cần ăn mỗi ngày. Chúng tôi nhất định chọn lựa giao đủ số lượng thịt hươu, quyết không thất tín”.
Sau khi từ tạ ra về, vua hươu triệu tập toàn đàn, tuyên bố kết quả đàm phán với nhà vua. Từ đó về sau, mỗi ngày đều có một con hươu đích thân đi vào cung vua hiến thân. Nhà vua cũng không phải vào rừng săn bắn nữa.
Phật Thích Ca Mâu Ni
Phật Thích Ca giác ngộ dưới gốc cây bồ  đề tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ảnh:lichsuvn.info)
Một hôm, đến lượt con hươu cái bụng mang dạ chửa phải vào hoàng cung chịu chết. Vua hươu thấy thương tình liền đề nghị nhà vua cho mình chết thay. Cảm động trước tấm lòng ấy, nhà vua liền ra lệnh cho đầu bếp thả vua hươu và hạ lệnh quân dân toàn quốc từ nay về sau không được săn bắt giết hại hươu nữa. Kẻ nào vi phạm sẽ bị trừng phạt rất nặng.
Vua hươu trở về rừng cùng sống với bầy đàn. Từ đó, khu rừng này trở thành thiên đường của hươu và cũng được người đời gọi là “vườn thượng uyển" hoang dã của hươu.
Sau này, vườn thượng uyển hoang dã ấy trở nên nổi tiếng bởi được Phật tổ chọn làm nơi chuyển pháp luân. Thế kỷ thứ VII, cao tăng Trung Quốc Đường Huyền Trang đi Ấn Độ lấy kinh, khu rừng này rất phồn hoa, đình đài lầu các vô cùng tráng lệ. Sau đó, Sarnath dần dần hoang tàn, nhưng truyền thuyết vẫn sống mãi.
  13.Thánh địa Varanasi - nơi ở của Thần Shiva: Thánh địa Hindu giáo, thành cổ Varanasi nổi tiếng nằm ở phía Đông Nam các bang miền Bắc Ấn Độ, nơi tả ngạn đoạn chảy cong hình lưỡi liềm trung du sông Hằng. Dân số thành này có khoảng 800 nghìn người. Thành phố có rất nhiều ngõ thông nhau và rất nhiều điện đền chùa miếu. Mỗi năm Varanasi đón từ 2 đến 3 triệu người hành hương đến lễ thần Shiva và tắm rửa nước thánh trên sông Hằng.
Trước kia, Varanasi gọi là “Benares”, lịch sử còn gọi là “Gasi” (Nơi ánh sáng của các vị thần chiếu dọi). Vì thành phố ở giữa sông Varana và sông Asi, năm 1957, thành phố Benares quyết định đổi tên thành Varanasi. “Varanasi” là sự kết hợp tên của hai con sông bao quanh thành phố này.
“Varanasi” trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “Ánh sáng của Ấn Độ”
Thành cổ Varanasi là một thành phố lịch sử lớn nhất bên bờ sông Hằng. Tương truyền, 6000 năm trước, thành phố này do thần Shiva - một vị thần của Hindu giáo (Ấn Độ giáo) lập ra. Thần Shiva là vị thần thứ ba trong ba vị thần lớn nhất của Hindu giáo. Thần Shiva trú ngụ ở thành phố Varanasi, bất cứ người nào chết ở đây đều đến được với thần Shiva, cho dù họ mang nặng nghiệp (karma) xấu thế nào.
Đền Đại Bồ Đề thế kỷ V - VI (Ảnh: thuvienhoasen.org)
Từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI TCN, thành phố Varanasi đã trở thành trung tâm học thuật của Ấn Độ. Thế kỷ thứ V TCN, Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã từng đến đây. Ngài đã truyền giáo lần đầu tiên ở rừng Sarnath, cách thành phố Varanasi l0km về phía Tây Bắc. Thế kỷ VII, cao tăng đời Đường Trung Quốc Huyền Trang cũng từng đến đây. Trong cuốn “Đại Đường TâyDu ký”,Huyền Trang miêu tả rất tường tận về kiến trúc lâu đời, cuộc sống nhân dân, tình hình tôn giáo và sự phồn vinh của thành phố này. Thế kỷ XII, vương triều cổ đại Ấn Độ đã từng lập kinh đô ở đây. Ngày nay, tuy Varanasi ở Ấn Độ chỉ là thành phố loại trung bình nhưng lại nổi tiếng trên thế giới với tiếng tăm thành địa Ấn Độ giáo.
Ớ Ấn Độ, phần lớn tín đồ đạo Hindu cả đời có 4 lạc thú: Kính thờ thần Shiva; đến sông Hằng tắm nước thánh và uống nước ở đây; kết bạn với thánh nhân; cư trú ở thánh địa Varanasi.
Sông Hằng bắt nguồn từ chân núi phía Nam dãy núi Himalaya, dài 2580km. Đó là con sông dài nhất, diện tích lưu vực rộng nhất ở Nam Á. Sau khi chảy vào Ấn Độ, sông Hằng hòa vào sông Araknanda và vẫn mang tên sông Hằng. Người Ấn Độ gọi sông Hằng là sông Thánh, coi sông Hằng là hóa thân của nữ thần Ganga, vợ của thần Shiva. Vì vậy, họ rất kính trọng sông Hằng. Tương truyền, sự kính trọng này bắt nguồn từ một truyền thuyết. Thời xưa, sông Hằng chảy xiết sóng to gió lớn, thường gây ngập lụt, phá hủy mùa màng, tàn hại sinh linh. Để rửa sạch lỗi lẫm của các bậc tiền bối, có một quốc gia đã cầu xin các thần trên trời giúp đỡ thuần phục sông Hằng, tạo phúc cho dân chúng. Thần Shiva đến chân núi Himalaya xõa tóc xuống mặt đất làm cho dòng thác sông Hằng chảy qua tạo thành 7 dòng nước chảy từ từ, tưới mát đồng ruộng hai bên bờ sông.
Từ đó, nhân dân ở hai bờ sông Hằng được sống yên ổn. Để cảm ơn thần Shiva, nhân dân Ấn Độ đã ví sông Hằng là sông Thánh. Hàng năm đi hành hương đến thánh địa Varanasi, nơi ở của thần Shiva, họ đều xuống sông này tắm rửa, gột bỏ mọi tội lỗi trong năm.
Sáng sớm mỗi ngày, hàng nghìn hàng vạn tín đồ đạo Hindu từ khắp nơi trong nước đến bên bờ sông Hằng để tắm nhằm siêu thoát bụi trần, hy vọng sau này có thể đến thế giới cực lạc. Đây là một biện pháp an ủi tâm linh tốt nhất của tín đồ đạo Hindu và cũng là vinh dự của một tín đồ. Hai bờ sông hình lưỡi liềm trong thành phố Varanasi có tới 64 bến tắm xây thành bậc để phục vụ lễ tắm rửa.
Thành phố Varanasi hiện nay vẫn giữ được hơn 2000 ngôi đền lớn nhỏ. Có ngôi đền hùng vĩ huy hoàng, có ngôi đền bé nhỏ xinh xắn, điêu khắc tinh xảo. Phong cách kiến trúc đền miếu ở đây đa dạng, biểu hiện sắc thái tôn giáo đậm đà. Trong đó, có ngôi đền Hồi giáo xây từ thời vương triều Mughal (1526 - 1857) .
Trên rất nhiều ngọn tháp của đến thờ Ấn Độ có rất nhiều khám đá điêu khắc tinh xảo và đỉnh nóc bằng vàng nguyên chất. Hàng năm, ở thành phố Varanasi có tới hơn 400 lễ hội tôn giáo. Thậm chí, một ngày có tới hai lễ hội. Hoạt động lễ hội tôn giáo hầu như diễn ra trong các đền thờ.
Trên thế giới này không có chỗ nào lại có một phong tục kỳ dị như ở Varanasi. Khi vào thành phố này, bạn sẽ phát hiện nơi đây đậm mùi chết chóc, đầy lo âu. Đối với tín đồ đạo Hindu, sự kiện quan trọng nhất trong đời người là cái chết. Điều tốt nhất là để cho linh hồn mãi mãi được siêu độ trong vòng luân hồi sinh tử. Vì vậy hành vi cả đời của một tín đồ đạo Hindu đều xoay quanh việc trọng đại này. Varanasi là thành phố do thần Shiva sáng lập. Từ thế kỷ thứ VI TCN, Varanasi đã trở thành trung tâm tôn giáo và duy trì đến tận ngày nay.
Khi biết mình không sống được bao lâu nữa, điều đầu tiên tín đồ Hindu giáo nghĩ đến việc du lịch Varanasi. Đây là chuyến du lịch không trở về! Họ sẽ đến sông Hằng tắm gội, rửa mọi tội lỗi trong cuộc đời. Vì vậy thành phố Varanasi có rất nhiều người già, người ốm, người chết, quả phụ. Trên các bậc đá ở ven bờ sông Hằng, đống củi để hỏa táng cháy suốt ngày này sang ngày khác. Dưới con mắt người ngoại đạo, điều này thật bi thảm, nhưng người Hindu giáo lại cho đó là điểm cuối cùng của con đường đau khổ trong cuộc đời. Thành phố Varanasi mãi mãi tràn đầy không khí chúc mừng.
Tín đồ Ấn Độ giáo (Hindu giáo) cho rằng, thi thể của người phàm phải được thiêu cháy. Chỉ có thánh nhân ngoại lệ bởi họ đã hợp nhất với thần rồi. Sau khi chết, thi thể của thánh nhân được các tín đồ đặt lên vòng hoa, buộc đá đặt xuống sông Hằng. Khi vòng hoa chìm dần xuống nước, rất nhiều tiếng trống tiếng nhạc vang lên để tiễn linh hồn lên với thượng đế. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn còn diễn ra tập tục bi thảm người đàn bà góa nhảy vào đống lửa đang thiêu thi thể người chồng quá cố để sớm kết thúc cuộc đời khổ nạn, mãi mãi ở bên người chồng thân yêu. Tập tục này sau đó bị cấm ở thời đại thực dân Anh cai trị ở Ấn Độ.
Tương truyền,bên cạnh bãi hỏa táng nóng bỏng có một cái giếng được đào khi thần sáng tạo Brahma (còn gọi là Bàlamôn) sáng tạo ra thế giới. Giếng này tượng trưng cho cái chết và sự sống trong vòng luân hồi sinh tử. Theo truyền thuyết của Ấn Độ giáo, nguồn nước giếng có được từ dãy núi Himalaya, thậm chí đến trước cả sông Hằng. Thần Brahma đã dùng đĩa sắt để đào cái giếng này.
14.Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người:

Nếu như phải chọn ra một công trình kiến trúc vĩ đại nhất, bí ẩn nhất của con người, chắc chắn Kim Tự Tháp sẽ là một ứng viên cực kỳ sáng giá. Cùng với xác ướp, tượng nhân sư, các kim tự tháp vĩ đại của người Ai Cập là chủ đề yêu thích của các bộ phim, câu truyện phiêu lưu, truyện kinh dị... Cho đến nay, vẫn chưa có một câu trả lời chính thức, đầy đủ, chính xác nào cho những bí ẩn của Kim tự tháp. Không phải ngẫu nhiên mà trong 7 kỳ quan thế giới (cổ đại), Kim Tự tháp Giza đứng ở vị trí cao nhất và là kỳ quan cuối cùng còn sót lại cho đến ngày nay.

Kim tự tháp là gì?

Kim tự tháp là cách gọi chung của các kiến trúc hình chóp có đáy là hình vuông và bốn mặt bên là tam giác đều. Trong suy nghĩ của đa số chúng ta, các Kim tự tháp chỉ có riêng ở Ai Cập nhưng thực tế dạng công trình này có ở khắp nơi trên thế giới và là tác phẩm của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Với mỗi nền văn hóa, Kim tự tháp lại có những đặc điểm và mục đích sử dụng rất riêng.
Với người Ai Cập cổ đại, Kim tự tháp là công trình được xây dựng và sử dụng như một lăng mộ dành cho nhà vua. Đây cũng là các kim tự tháp nổi tiếng và bí ẩn nhất thế giới cổ đại. Theo sử sách, các nhà vua ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên họ làm sẽ là bắt đầu xây dựng kim tự tháp cho chính mình. Ngoài ra, một số truyền thuyết cũng cho rằng kim tự tháp là nơi mà người Ai Cập bảo vệ các bí mật vĩ đại nhất của mình.
Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Tiếp theo phải nhắc đến các kim tự tháp của người Mesopotamia mà chúng ta hay gọi là Ziggurats. Các Ziggurat là một phần trong những ngôi đền thờ cúng thiêng liêng nhất của người Mesopotamia.

Kim tự tháp của các nền văn minh ở châu Mỹ mà nổi bật là người Maya được sử dụng làm nơi hiến tế (con người) cho thần linh cũng là những công trình hết sức đáng chú ý.

Ngoài ra, các dân tộc khác như Nigeria, Greece, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Roman, Ấn Độ và cả Indonesia cũng có những Kim Tự tháp riêng cho mình với những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, không có bất cứ Kim Tự Tháp nào khác có thể so sánh được về độ vĩ đại, kỳ bí với những công trình của người Ai Cập, vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến những lăng mộ của Pharaon.

Vì sao Kim tự tháp Ai Cập lại chứa nhiều bí ẩn đến vậy?

Nếu như các công trình kim tự tháp khác con người gần như đều có câu trả lời chính xác về cách thức mà người xưa đã sử dụng thì riêng với những kim tự tháp Ai cập, đây còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Kim tự tháp, chưa cần đến những câu chuyện hư cấu bởi chúng ta đã có vàn những bí ẩn về trình độ phát triển khoa học và kỹ thuật của người Ai Cập xưa.
Điểm đầu tiên cần phải được nhắc đến là việc các Kim tháp được xây dựng từ các khối đá thiên nhiên nguyên khối, hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta dùng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá có cân năng đôi khi đến cả chục tấn được đẽo gọt và ghép lại với nhau theo một cách không thể hoàn hảo hơn, điều này đảm bảo độ vững chắc, hoàn hảo và trường tồn với thời gian. Các khối đá này được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng. Trên thực tế, kim tự tháp lớn và nổi tiếng nhất của Ai cập hiện nay đã tồn tại được trên dưới 5000 năm. Phải biết rằng, loại đá này không phải luôn được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn km. Đồng thời, cách mà người Ai Cập chuyển được những tảng đá nặng hàng tấn này vào những vị trí chính xác để hòan thành kim tự tháp còn là điều bí ẩn.
Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Thêm nữa, kim tự tháp cũng chứng minh một điều là người Ai Cập đã biết đến số Pi - một hằng số mà sau này Archimedes được coi là người đã phát hiện ra. Các kim tự tháp luôn có một tỷ lệ kích thước rất chuẩn dựa trên việc tính toán được số Pi. Ví dụ như Kim tự tháp Kheops, nếu chúng ta lấy hai lần chiều cao chia cho diện tích đấy, chúng ta sẽ được số Pi. Đây được coi là tỷ lệ chuẩn và hiệu quả nhất để xây dựng những kiến trúc như thế này. Bên cạnh đó, các kim tự tháp cũng được làm chi li đến mức dù được ghép từ các khối đá lớn, riêng biệt nhưng chúng ta thậm chí không thể luồn một lưỡi dao sắc mảnh vào giữa hai phiến đá. Tại kim tự tháp Kheops, chiều cao chênh lệch giữa hai cạnh đối diện ở mức dưới 2cm - một độ chính xác đến kinh hoàng nhất trong điều kiện người Ai Cập không có các máy móc đo đạc chính xác như hiện nay.
Tiếp theo là cách mà người Ai Cập hiểu về hiệu ứng nhiệt và một số yếu tố mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể làm rõ. Không gian bên trong các kim tự tháp được cho là sẽ đảm bảo điều kiện hoàn hảo về nhiệt độ, độ ẩm... để giúp bảo quản xác của các Pharaon một cách tốt và hoàn hảo nhất. Cuối cùng phải kể đến sự hiểu biết đáng kinh ngạc về thiên văn, các chòm sao và các định hướng xuất sắc của người Ai Cập. Chỉ bằng cách quan sát các vì sao, họ đã định hướng một cách chính xác gần như tuyệt đối (sai số dưới 3 độ).

Nó được xây dựng như thế nào?

Trước tiên phải nói rằng quá trình xây dựng thực sự một kim tự tháp còn là một bí ẩn chưa có lời giải xác đáng. Tất cả những gì chúng tôi đề cập đến sau đây chỉ là những giả thiết được các nhà khoa học cho là có lý nhất về cách người ta xây dựng chúng.
Đầu tiên phải nói tới những điểm khoa học đã thống nhất về cách thức người tay xây dựng Kim Tự Tháp. Các công trình vĩ đại này luôn được các Pharaoh khởi động ngay sau khi họ lên ngôi và sẽ mất tới hàng chục năm để hoàn thành một kim tự tháp. Trong thời gian này, một lượng nhân công khổng lồ sẽ được các vị vua của Ai Cập huy động để xây lăng mộ cho mình. Nói chung, số lượng nhân công phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lương thực, thời tiết, chiến tranh... nhưng được cho là dao động từ khoảng 20.000 đến 100.000 người làm việc liên tục. Số lượng nhân công này sẽ được thay thế thường xuyên bởi xây dựng kim tự tháp là công việc rất khổ ải và làm sức khỏe những nô lệ này kiệt quệ. Theo các tài liệu có được, một nhân công trung bình chỉ có thể phục vụ trong khoảng 3 năm là tối đa.
Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Nguyên liệu được sử dụng trong các Kim Tự Tháp Kheops được lấy chủ yếu từ mỏ đá nằm cách không xa Kim tự tháp này. Tuy nhiên, lớp đá bọc ngoài kim tự tháp phải lấy từ sông Tura về đến nơi xây dựng Kim tự tháp. Mỗi khối đá nặng chừng 2,5 đến 8 tấn được di chuyển vượt sông, vượt hàng trăm km để về đến nơi xây dựng. Quá trình này, kinh ngạc, sử dụng hoàn toàn sức người. Ngoài ra, đá granite phải được lấy từ Aswan, một địa điểm cách công trình chừng 935km. Người ta ước tính, việc di chuyển một khối đá mất chừng khoảng 2 tháng ròng rã.
Tất nhiên, người Ai Cập không thể kéo lê các tảng đá nặng hàng tấn này suốt một quãng đường dài như vậy. Ngoài việc sẽ cực kỳ tốn công sức, các khối đá đã được đẽo gọt này sẽ bị hư hại nghiêm trọng. Để giải quyết, họ sử dụng các thanh trượt bằng gỗ, kéo bằng dây thừng đến công trường. Tất nhiên, dù như vậy, công sức bỏ ra để di chuyển một tảng đá cũng là rất lớn.

Đưa đá lên cao

Đây là bước gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng một kim tự tháp. Hãy nhớ một điều quan trọng là người Ai Cập khi đó hoàn toàn chưa có các loại máy móc hiện đại hỗ trợ. Ngay cả bây giờ, tức là khoảng 4000 năm sau khi các kim tự tháp Giza được hoàn thành, việc nâng các khối đá nặng hàng tấn lên độ cao hàng chục mét vẫn là một thử thách lớn. Vậy tại sao, 4000 năm trước, con người, cụ thể là người Ai Cập đã làm được việc đó?
Giả thiết đầu tiên, đơn giản nhất tuy nhiên bản thân tôi thấy là không thực tế cho lắm là người Ai Cập xưa đã sử dụng cần trục và ròng rọc để đưa các khối đá này lên cao. Giả thiết này sẽ rất hợp lý nếu như kim tự tháp được xây bằng gạch hoặc những phiến đá nhỏ hơn. Còn với Kim tự tháp, việc đưa các khối đá nặng chừng 2,5 tấn có vẻ khá khó khăn.
Trước hết, nếu sử dụng ròng rọc đơn, chúng ta sẽ phải cung cấp một lực tương đương trọng lực của nó. Một phiến đá trung bình 2,5 tấn và nếu mỗi công nhân có "lực tay" tương đương 100 kg, chúng ta sẽ cần ít nhất 25 người cùng kéo một phiến đá. Tất nhiên, đây là một con số chấp nhận được. Tuy nhiên, liệu 25 người đó có đủ sức để kéo liên tục hòn đá lên hay không? Ngoài ra, lực kéo tương đương sẽ giảm vài lần nếu chúng ta sử dụng ròng rọc kép (như minh họa dưới hình vẽ). Nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta có thể chế tạo ra những ròng rọc có khả năng chịu đựng được lực kéo khổng lồ này là một bài toán khó giải. Ngoài ra, đưa được lên cao sau đó làm thế nào để đưa những viên đá này vào đúng vị trí? Giả thiết này có vẻ không hợp lý lắm.
Kim Tự Tháp - Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người
Giả thiết thứ hai, được nhiều nhà khoa học chấp nhận hơn và cũng hợp lý hơn hẳn: người ai cập đã xây dựng những đường dốc bằng đất khổng lồ để đưa những viên đá lên cao. Những đường dốc này được xây dựng vòng quanh Kim tự tháp và sau khi hoàn thành được phá bỏ. Các đường dốc bằng đất này giúp giảm đáng kể lực cần thiết để đưa hòn đá lên cao đồng thời cũng cho phép nhiều người cùng kéo lên dễ dàng hơn.
Cụ thể, người Ai cập sẽ xây dựng một đường dốc dài có độ dốc thấp từ mặt đất đến phần đang xây dựng dở của Kim Tự tháp. Sau đó, khi xây dựng lên những phần cao hơn, người ta sẽ kéo dài con dốc nhằm đảm bảo độ dốc ở mức thích hợp với quá trình xây dựng. Để kéo những viên đá từ chân dốc lên, người ta sử dụng những thanh gỗ tròn nhằm giảm ma sát. Những tốp nhân công với số lượng thay đổi phù thuộc vào kích cỡ phiến đá sẽ được huy động lần lượt.
Càng lên cao, chiều dài của con dốc sẽ càng phải kéo dài và công việc của những người nhân công sẽ càng vất vả. Tuy nhiên, may mắn cho họ, số lượng những phiến đá ở trên cao càng ngày sẽ càng ít. Theo tính toán, tới 96% vật liệu được sử dụng ở 2/3 dưới của tháp.
Tất nhiên, không phải chỉ có một đường dốc duy nhất được sử dụng vì nếu thế, xây dựng một kim tự tháp sẽ mất cả trăm năm. Ngoài 2 hoặc 3 đường dốc chính được sử dụng liên tục, họ còn xây dựng các đường dốc phụ và nhỏ hơn để mang được nhiều đá lên các phần của kim tự tháp nhất có thể.

Xây dựng và hoàn thành

Sau khi đưa đá lên cao, các nhân công sẽ đưa những hòn đá này vào đúng vị trí của nó. Các khối đá được liên kết với nhau dựa hoàn toàn vào trọng lực của chúng, người Ai Cập không phải sử dụng bất cứ loại vật liệu liên kết nào. Tùy vào kim tự tháp, thứ tự sắp đặt các viên đá, họ sẽ tạo nên các cấu trúc bên trong khác nhau. Nói chung, kiến trúc bên trong các kim tự tháp luôn hướng đến một điểm chung là tạo ra các hành lang ảo cho linh hồn nhà vua đi đến được các vì sao.
Sau khi hoàn thành việc đặt các viên đá để tạo nên hình dáng của kim tự tháp. Người Ai Cập sẽ tiến hành trau chuốt mặt ngoài và mặt trong của kim tự tháp cho đến khi hoàn tất. Công việc chau chuốt được thực hiện từ trên xuống dưới. Họ sẽ lược bỏ các phần lồi ra của mặt Kim Tự tháp, các đường dốc được gỡ bỏ, mặt trong của kim tự tháp sẽ được khắc chữ...

Kim tự tháp và quá trình hoàn thành nó vẫn là niềm tự hào của người dân Ai Cập. Sự vĩ đại và kỳ diệu của Kim Tự Tháp thể hiện rõ trình độ và sự sáng tạo của người dân Ai Cập. Cho đến nay, những bí ẩn trong quá trình xây dựng nó vẫn là một câu hỏi lớn của nhân loại.

No comments:

Post a Comment