Friday, January 6, 2012

Cây sapochê (hồng xiêm)

CÂY hồng xiêm (hay còn gọi là Sapochê)
Hồng xiêm hay Sapochê hay Lòng Mứt là một trái cây nhiệt đới khá đặc biệt vì trong quả có một chất nhựa ăn được, dùng làm một thành phần trong kẹo chewing gum và hột có móc nên đã gây ra nhiều tai nạn cho trẻ em ham ăn nên nuốt..vội. Cây sapôchê có nguồn gốc tại vùng Yucatan và có thể trong cả khu vực Nam Mexico, Bắc Belize và Đông-Bắc Guatamala. Trong vùng này đã có lúc con số cây trồng lên đến 100 triệu cây. Cây đã được du nhập và trồng khắp vùng nhiệt đới Nam Mỹ, Đông Indies ..và Florida (Hoa Kỳ). Trong thời kỳ thực dân, cây được đưa sang Philippines và sau đó đến vùng nhiệt đơí Á Châu và đến Tích Lan vào 1802.
Cây được trồng rất nhiều tại vùng ven biển Ấn Độ (Maharastra, Madras, Bengal..), có những đồn điền rộng đến 2000 hecta. Tại Mexico, có đến 4000 hecta dành riêng để trồng sapôchê chỉ để lấy nhựa chicle. Cây được khai thác thương mãi tại Sri Lanka, Philippines, vùng Palestine.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan là nơi trồng nhiều sapôchê nhất (gần 20 ngàn hecta, thu hoạch trên 55 ngàn tấn/ năm). Do đó Sapochê, khi được du nhập sang Việt Nam đã được gọi là hồng 'xiêm'.

http://www.gocbep.net/imgupload/im12233138231.jpgTên khoa học và các tên khác:

Manilkara zapota thuộc gia đình thực vật Sapotaceae

Tên Anh-Mỹ :Sapota, Sapota plum, Naseberry
Pháp: Sapotier (Sapotillier); Mexico: Chicle; Thái Lan và Kampuchea: Lamoot
Manilkara là tên Mã Lai của quả sapôchê; Zapota là do tiếng Nam Mỹ tzapolt = mềm. Tên Anh ngữ Sapodilla là dạng thu gọn của sapota.
Đặc tính thực vật:

Cây thuộc loại thân mộc, lớn chậm, sống lâu năm: tại vùng nhiệt đới có thể cao đến 30-40m, tuy nhiên các cây ghép thường thấp hơn (10-15m). Cây chịu được gió mạnh, thân phân cành nhiều. Vỏ thân có chứa một chất nhựa dính gọi là chicle. Lá dầy, dài 7.5 đến 15 cm rộng 2.5-3.5 cm, mọc so le, lá hình thuôn trái soan hay hình trứng, gốc lá thuôn, đầu lá tù hay hơi nhọn; mặt trên màu xanh lục bóng, mặt dưới nhạt hơn.

Hoa nhỏ, đường kính chừng 1 cm, dạng hình chuông, mọc đơn độc ở nách lá, màu trắng hay vàng nhạt.
Quả mọng, hình trứng, có khi gần như tròn, đưởng kính 4-8 cm; vỏ mỏng màu nâu. Phần thịt phía trong màu thay đổi từ vàng nhạt đến nâu-đất, khi chín có mùi thơm và vị ngọt khá ngon. Quả chứa từ 2 đến 10 hạt. Hạt dẹt, cứng, màu đen hay nâu có viền mầu trắng, bóng, dài chừng 1.5-2 cm, có móc nhọn ở một đầu, rất dễ tách ra khỏi phần thịt của quả.
Cây trổ hoa quanh năm và có thể kết quả mỗi năm hai đợt.

Sapôchê là một cây đòi hỏi thời tiết của vùng nhiệt đới: cây trưởng thành có thể chịu nhiệt độ lạnh 26-28 độF trong nhiều tiếng đồng hồ. Cây non sẽ chết khi nhiệt độ xuống 30 độ F. Điều kiện thổ nhưỡng của California không thích hợp với sapôchê vì thời tiết lạnh vào ban đêm.


Tại nhiều vùng trên thế giới, các nhà trồng cây ăn trái đã lai tạo được nhiều chủng Sapochê khác nhau. Các chủng này được phân biệt theo hình dạng của quả như quả 'tròn', quả 'hình trứng'.


Tại Ấn Độ: Sapôchê được gọi là Baramasi, Sapota, Tree potato. Số chủng lên đến gần 100 loại với những loại được ưa chuộng để xuất cảng như Kalipatti (quả nhỏ, rất ngon), Calcutta Special (quả to), Cricket Ball ( quả rất to, thịt dòn rất ngọt), Bangalore (quả to, có khía).


Tại Indonesia: Sapôchê hay Sawo được xếp thành 2 nhóm theo hình dạng cúa lá cây: Cây bình thường có lá hẹp, đầu lá nhọn và Cây mọc dạng bụi có lá thuôn hơi phình. Những chủng quan trọng nhất như Sawo koolon (quả to, mọc đơn độc, da dầy, thịt chắc, thích hợp để chuyên chở đi xa), Sawo madja (quả to, vị ngọt pha trộn với hơi chua, rất thơm).


Tại Florida (Hoa Kỳ): Sapochê được nghiên cứu để khai thác thương mãi. Các chủng đã được lai tạo để cho quả có phẩm chất cao. Chủng Russell là chủng đầu tiên được lai tạo tại Florida Keys cho quả gần như tròn, đường kính 10 cm, da màu nâu đỏ có những vệt xám, thịt màu đỏ lợt nhưng năng xuất không đều. Chủng được trồng hiện nay là Prolific lai tạo tại Homestead năm 1951, quả hình cầu-nón đường kính 6.2-9cm, có khi hơi thuôn dài, thịt màu hồng-nâu khá nhọt. Cây cho rất nhiều quả (mỗi cây hàng năm có thể cho từ 90-180 kg quả). Chủng Brown Sugar, cũng phát xuất từ Homestead từ 1948. Quả trung bình, dài 5-7.cm, gần như tròn. Vỏ mỏng màu nâu nhạt, thơm, Quả rất ngọt, mọng nước.

Tại Philippines, những chủng được trồng thông dụng nhất là Ponde rosa, Java, Sao Manila..và Prolific (từ Mỹ).

Tại Việt Nam cũng có những chủng địa phương nổi tiếng như 'Xuân Đình' (ngoại ô Hà Nội), 'Cần Thơ': quả khá to, hơi thuôn tròn..

Giá trị dinh dưỡng:

100 gram quả phần ăn được chứa:
- Calories 83
- Chất đạm 0.44 g
- Chất béo 1.10 g
- Chất xơ 1.40 g
- Calcium 21 mg
- Sắt 0.80 mg
- Phosphorus 12 mg
- Potassium 193 mg
- Sodium 12 mg
- Beta-Carotene (A) 60 IU
- Riboflavin (B2) 0.020 mg
- Niacin (B3) 0.200 mg
- Pantothenic acid (B5) 0.252 mg
- Pyridoxine (B6) 0.037 mg
- Ascorbic acid (C) 14.7 mg

Về phương diện dinh dưỡng: Quả sapôchê lúc chưa chín chứa nhiều tannins (loại proanthocyanidins) nên rất chát. Khi quả chín, tannin được chuyển đổi hầu như hoàn toàn, chỉ trừ trong phần vỏ. Lượng tannins trong quả thay đổi từ 3.16 đến 6.45 %.


Nói chung, tại nhiều nơi trên thế giới, quả sapôchê chín, có thể ăn tươi hay tốt hơn ướp lạnh, xẻ làm đôi và ăn bằng muỗng xúc. Sapochê được xem là món ăn tráng miệng lý tưởng, tuy nhiên nên cẩn thận đừng nuốt hột, vì hột có móc có thể gây thương tổn cổ họng. Thịt của quả có thể xay chung với các trái cây khác làm nước uống hay thực phẩm để giải khát.

Tại Indonesia, sapochê còn được sắt lát mỏng, chiên xào; tại Mã Lai quả được hầm chung với nước cốt chanh hay gừng.

Thành phần hóa học:

Ngoài thành phần dinh dưỡng trong quả (như trên). Các phần của cây còn chứa một số hợp chất:
Hạt chứa: Saponine (1%) ; Hợp chất đắng Sapotinin (0.08%); dầu béo; cyanhydric acid.. Hạt được xem là có độc tính: Ăn hơn 6 hạt có thể bị đau bụng và ói mửa.
Độc tính của hạt sapochê:
Dịch chiết bằng nước của hạt Sapôchê có độc tính cấp tính khi thử trên chuột nhà và chuột nhắt (liều chích qua màng phúc toan LD50= 190 mg/kg đối với chuột nhắt và 250 mg/kg đối với chuột nhà) gây ra các triệu chứng khó thở, ngộp thở và co giật. Phân chất dịch chiết xác nhận chất gây độc là hợp chất loại saponin, nhiệt bền, liều LD50= 30-50 mg/kg khi chích, nhưng không độc khi cho uống. (Toxicon No 22-1984)

Vật lạ lọt vào đường hô hấp tại Việt Nam:

Tai nạn vật lạ lọt vào đường hô hấp thường xẩy ra nơi trẻ em và chỉ thỉnh thoảng mới gặp nơi người lớn. Vật lạ này tùy thuộc vào cách ăn uống của nạn nhân. Tại BV Phạm Ngọc Thạch, Saigon đã ghi nhận (2004), 50 trường hợp vật lạ lọt vào đường hô hấp trong đó đa số là do hạt sapochê. Hạt được lấy ra sau khi nạn nhân được gây mê tại BV. Hạt sapôchê không cản quang, nên sự định bệnh thường chỉ được xác nhận sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng do phản ứng. (Revue de Pneumologie Clinique Số 60-2004)

Một số nghiên cứu về Sapôchê :

Hoạt tính sinh học của các Polyphenols trong quả sapôchê:
Dịch chiết từ quả sapôchê bằng methanol có chứa một số chất chống oxy-hóa loại polyphenol, trong đó có Methyl 4-O-galloylchlorogenate (1); 4-O-galloylchlorogenic acid (2); methyl chlorogenate (3); dihydromyricetin (4); quercitrin (5); myricitrin (6); (+)-catechin (7); (-)-epicatechin (8); -gallocatechin (9) và gallic acid (10). Trong số 10 chât polyphenol này: chất (1) có hoạt tính kháng oxy-hóa mạnh nhất và diệt được tế bào ung thư ruột già (nơi người) giòng HCT-116 và SW-480 (liều IC50= 190 và 160 microM. Hợp chất (2) cũng có hoạt tính kháng oxy-hóa tốt. (Journal of Natural Products Số 66-2003).

Hoạt tính ngừa ung thư ruột già của Zapotin:

Zapotin hay 5,6,2',6'-tetramethoxyflavone, trích được từ quả sapochê có hoạt tính diệt các tế bào ung thư ruột già giòng SW480, SW620 và HT-29
Zapotin có khả năng tạo hiệu ứng apoptosis trên tất cà các giòng tế bào ung thư ruột già và có thể ngăn ngừa sự mất hexosaminidase nơi ruột của chuột bị gây ung thư. Zapotin có tiềm năng được dùng làm chất ngừa và chống ung thư, đặc biệt là ung thư ruột già (Nutrition and Cancer Số 57-2007)



Một số phương thức sử dụng:

Gỗ thân cây: Gỗ thân sapôchê thuộc loại gỗ cứng, bền; gỗ đã được dùng để xây cất các đền thờ cũa thổ dân Maya và khi các nhà khảo cổ tìm ra các đền thờ cổ thì gỗ vẫn còn nguyên vẹn. Gỗ sapôchê còn được dùng làm đà đường rày xe lửa, ván lót sàn nhà, cán dụng cụ.. Gỗ nơi tâm, màu hồng đỏ rất được ưa chuộng để làm cánh cung, giường ghế, bàn tủ và tủ nhà bếp (nhưng mạt cưa gây khó chịu cho mũi).
Vỏ cành hay vỏ thân: Tại Phillipines: vỏ thân chứa nhiều tannin được ngư phủ dùng nhuộm màu buồm ghe tàu và lưới đánh cá.

Y-dược dân gian:

Y dược dân gian tại nhiều quốc gia sử dụng một số bộ phận của cây để làm thuốc:
- Quả xanh, do chứa nhiều tannin, nên được nấu chín hay sắc, lấy nước sắc uống đề trị tiêu chảy. Quả xanh và hoa được sắc để dùng trị bệnh phổi.
- Lá vàng, già sắc, lấy nước uống trị ho, cảm lạnh và tiêu chảy.
- Nước sắc vỏ cây dùng trị cảm sốt, trị kiết lỵ và tiêu chảy.
- Hạt giã nát được xem có tác dụng lợi tiểu, có thể giúp tống xuất sạn thận (?), đắp vào vết thương để trị vết cắn do côn trùng độc. Tại vùng Yucatan, nước sắc hạt được dùng làm thuốc gây giảm đau và giúp thoát mồ hôi.
- Cũng tại Yucatan: lá Sapôchê và lá su-su (Chayote) được sắc và uống hàng ngày để giúp hạ huyết áp.
- Tại Việt Nam: Quả sapôchê chín được xem là có vị ngọt, tình mát có tác dụng bổ dưỡng, sinh tân dịch, giải khát và nhuận tràng: Để trị táo bón, ăn mỗi lần 3-5 quả. Quả xanh có vị chát, tính bình dùng trị tiêu chảy, làm săn da. Hạt có tính lợi tiểu và hạ sốt.

Sapôchê và Chewing gum:

Một phó sản quan trọng của cây Sapochê là chất nhựa dẻo (gummy latex) gọi là chicle, chứa 15% caosu và 38% nhựa. Tên gọi chicle do tên do thổ dân Nahuatl đặt cho nhựa tziktli, có nghĩa là 'vật có tính dính' Chicle đã được dùng trong một thời gian dài để làm một thành phần chính yếu trong công nghiệp chế tạo chewing gum nhưng hiện nay số lượng được dùng giảm bớt và thay thế bằng nhựa trích từ các cây khác hoặc bằng nhựa nhân tạo (từ cuối thập niên 1960, các nhà chế tạo chewing gum đã dùng loại nhựa tổng hợp gốc butadiene, rẻ hơn là chicle thiên nhiên).

Chicle là một chất không vị và không độc hại được lấy bằng cách khía từ vỏ cây sapôchê hoang hay được trồng trong khu vực Yucatan (Mễ), Belize và Guatamala. Nhựa được kết tụ bằng cách quậy trong nồi nấu lửa nhỏ và sau đó đổ vào khuôn để tạo thành bánh, xuất cảng. Các công đoạn chế biến bao gồm làm khô, nấu chẩy, loại bỏ tạp chất, trộn với các nhựa, gôm khác, thêm chất ngọt, vị, hương liệu, rồi cán thành phiến mỏng, và cắt thành các dạng mong muốn.


Người Maya đã nhai nhựa khô từ thời xa xưa: Tướng Antonio Lopez de Santa Ana đã giới thiệu món nhựa nhai này cho người Mỹ vào năm 1866 khi ông đang chờ tại Đảo Staten để vào Mỹ, Ông đã mời người con của Thomas Adams nhai thử! Ông này, lúc đầu, đã nghị đến việc dùng nhựa chicle để làm răng giả, nhưng sau đó quyết định dùng nhựa để chế tạo loại..kẹo để nhai. Ông đã trộn thêm vị và hương thơm..và đã khởi phát kỹ nghệ kẹo chewing gum. Vào năm 1930, Mỹ đã nhập cảng đến gần 6400 tấn nhựa chicle.


Các nhà nghiên cứu đã tìm cách trích chicle từ lá và quả sapochê xanh, nhưng kết quả không đạt được mong muốn: phải cần đến 3200 chiếc lá để có thể lấy được..450 gram nhựa.


Dược Sĩ Trần Việt Hưng, thư viện Việt Nam
Trong việc trồng và chăm sóc hồng xiêm ghép (hay còn gọi là Sapochê) cần chú ý đến khâu bón phân, phòng trừ sâu bệnh và chống gió bão cho cây.
Kỹ thuật trồng hồng xiêm ghép (Sapochê)
Kỹ thuật trồng hồng xiêm ghép (Sapochê)
Cách trồng
Đào hố rộng 60cm, sâu 30-40cm, bón lót 30-40 kg phân chuồng hoai mục + 2 kg supe lân, trộn đều với đất bột, đặt cây vào giữa hố sao cho mặt bầu ngang mặt hố, lấp kín tưới ẩm và che nắng cho cây. Khoảng cách cây: 7x7m hoặc 8x8m.
Chăm sóc
Hồng xiêm ra quả quanh năm nên có nhu cầu phân bón cao. Khi cây còn nhỏ tưới nước phân chuồng hoặc phân ngâm ủ pha loãng theo tỷ lệ tăng dần 1/10 - 1/13. Khi cây lớn cho nhiều quả có thể bón 50-100 kg phân chuồng, 0,6-1,0 kg urê, 0,1-1,0 kg supe lân và 0,6-1,0 kg sulfat kali cho một cây. Đào rãnh theo hình chiếu của tán cây bón phân và lấp kín rãnh. Thời gian bón tháng 2-3 và tháng 6-7.
- Chống gió bão cho cây:
Rễ hồng xiêm ăn nông, nên hằng năm cần đắp thêm bùn ao vào gốc để tầng rễ phát triển dày và cây cứng cáp.
- Mùa mưa bão cần chằng các cành chính vào các cây lớn, phạt bớt cành dày và cành ngoài tán.
Phòng trừ sâu bệnh
Hồng xiêm được xem là cây ăn quả ít sâu bệnh, nhưng để bảo đảm cho cây sinh trưởng tốt, ra hoa đậu quả được nhiều cần chú ý các loại sâu bệnh sau:
- Rệp hại hồng xiêm: Phòng trừ, nếu ít thì dùng tay bắt giết, nếu nhiều có thể sử dụng Supraci (0,2%), Sherpa (0,2%) để phun.
- Ruồi hại quả : Thu nhặt quả bị hại trộn với vôi đem chôn. Dùng bẫy bả, dùng 1-2 giọt Methyleugenol (mêtiongiênol) + vài giọt Dipterex 5%, đĩa đặt bả đặt trên giá treo cách mặt đất khoảng 1 m trong tán cây nơi râm mát. Vườn 1 ha đặt 1-2 bả, bảy ngày thay bả một lần.
- Ngài hại lá, hại hoa: Xuất hiện và gây hại quanh năm, nhưng hoạt động mạnh vào lúc hồng xiêm có cành non. Phòng trừ: dùng Sherpa (0,2%), Polytrin (0,2%), Sumicidin (0,2%) phun vào trước lúc hoa nở.
- Bệnh đốm trên thân và cành lớn: Phòng trừ bằng cách dùng các loại thuốc gốc đồng (hỗn hợp Boocđô, oxit clorua đồng, Copper-zinc để phun hoặc có thể dùng vôi quét lên thân cây và các cành lớn để phòng ngừa.
- Bệnh đốm lá cây gây hại trên lá và quả, phòng trừ bằng cách phun Copper-zinc 0,3% chế phẩm hay Mancozeb 0,25% chế phẩm.

Sự hồi sinh của cây sapochê (hồng xiêm) trong những năm gần đây đã khiến cho nông dân trồng loại trái cây này phấn khởi. Hiện nay, sapochê được các thương lái thu mua tại vườn với giá từ 14.000-15.000 đ/kg tùy loại, tăng bình quân 20% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức giá này, nông dân thu lợi nhuận khoảng 120-150 triệu đồng/hecta. Và để phát triển bền vững cây sapochê đặc sản này, huyện Châu Thành (Tiền Giang) - nơi trồng sapochê nhiều nhất tỉnh - đang tiến hành xây dựng thương hiệu tập thể cho cây sapochê Mặc Bắc.

Đầu năm mới, về vùng chuyên canh sapôchê tỉnh Tiền Giang, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận được tâm trạng phấn khởi của bà con vì giá sapôchê tăng cao kỷ lục. Vừa hái những trái sapôchê to tròn trên cành cho vào giỏ để ngày mai kịp giao cho thương lái, ông Phan Hoàng Đức ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành (Tiền Giang) vừa cho biết: “Hiện nay, giá sapôchê cao nên tôi tranh thủ bán trước một phần trên diện tích 2.000m2 để sắm sửa Tết. Phần còn lại sẽ để cận tết bán, giá sẽ cao hơn”. Gia đình ông Dũng có 6.000m2 vườn trồng sapôchê. Năm 2010, gia đình ông thu được gần 3 tấn sapôchê bán với giá 10.000-11.000 đồng/kg. Đầu năm nay, thương lái đến tận vườn đặt mối thu mua với giá cao, từ 14.000 -15.000 đồng/kg nên ông Đức sẽ có một cái tết ấm cúng và sung túc.

Ông Nguyễn Văn Mười, nông dân trồng sapôchê ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành (Tiền Giang) nói: “Gần đây, diện tích trồng sapôchê giảm mạnh nên giá cả tương đối ổn định. Sản lượng giảm, không đủ hàng cung ứng cho thị trường các tỉnh trong cả nước nên buộc các thương lái phải tranh nhau mua bằng cách đẩy giá lên”.

Một thương lái chuyên thu mua trái sapôchê ở chợ Vĩnh Kim (Tiền Giang) - bà Trần Thị Yến khẳng định, chỉ cần giá sapôchê giữ ở mức 7.000 đồng/kg là nông dân đã có lời. Do đó, bà con trồng sapôchê chỉ cần thường xuyên chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để cây cho năng suất cao, trái đều đẹp thì bà con sẽ có thu nhập khá và ổn định.

Ông Lê Văn Ri, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang cho biết: "Trong những ngày đầu năm mới, giá đạt 14.000-15.000 đ/kg tùy loại, tăng bình quân 20% so với cùng kỳ năm trước". Với giá trên, bình quân mỗi hecta đất trồng sapôchê cho lợi nhuận từ 120 – 150 triệu đồng.
Để giúp phát huy thế mạnh cây sapôchê, tạo điều kiện tăng thu nhập cho nông hộ, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực như: chuyển giao kỹ thuật thâm canh, xử lý cho trái mùa nghịch hoặc rải vụ trong năm, tuyển chọn giống tốt cho năng suất cao, khuyến khích trồng theo ngưỡng an toàn, qui hoạch vùng trồng chuyên canh tập trung, để cây sapôchê phát triển bền vững, rất cần có quy hoạch, định hướng, giúp sức của các ngành, các cấp.
http://xttm.agroviet.gov.vn/ASPXBackend/uploads/Rauqua/hong%20xiem.jpg

1 comment:

  1. Gỗ cây sapoche hay các loại gỗ khác khi được ứng dụng trong trang trí nội thất đều mang lại giá trị cao cho ngôi nhà của bạn. Hiện tại chúng tôi đang cung cấp và phân phối sàn gỗ công nghiệp giá rẻ và uy tín

    .....................
    Bán sàn gỗ công nghiệp giá rẻ và uy tín tại TpHCM

    ReplyDelete