Khám phá ẩm thực
Đây là lý do thứ hai phổ biến nhất ở các du khách, sau lý do học ngôn ngữ nước ngoài thì đó là một chuyến đi dành cho ẩm thực. Bạn có thể tìm hiểu truyền thống ẩm thực địa phương và có thể thực hiện hầu như bất cứ nơi nào trên thế giới. Tại Pháp, bạn sẽ được làm quen với các đặc thù của việc làm các loại nước sốt khác nhau. Ở Ý, bạn sẽ được dạy làm pizza như thế nào và làm mì ống ra sao. Tại Singapore bạn sẽ được thảo luận về chức năng của ẩm thực châu Á truyền thống, của các loại thảo mộc và gia vị. Và ở Thụy Sĩ, bạn sẽ được thử làm món tráng miệng sô cô la và tự tay làm sô cô la cùng với những chương trình riêng đào tạo trang trí món ăn.
Vì vậy, bạn hãy chọn chính xác các món ăn bạn muốn tìm hiểu và quyết định chuyến khám phá ẩm thực đó.
Sống khỏe
Ngày nay, những du khách có lối sống lành mạnh chọn những bờ biển không phải để ăn uống hoặc tắm nắng mà họ hy vọng tập thể dục với không khí trong lành sẽ tốt hơn nhiều so với các phòng tập thể dục. Đối với họ, thể thao và các câu lạc bộ thể dục thường xuyên tổ chức các tour du lịch đặc biệt. Chương trình của mỗi lần như vậy thường có nghĩa là du lịch thể thao. Họ sẽ có liên tiếp 2-3 các hoạt động thể thao trong ngày. Một số các chuyến đi cũng liên quan đến hoạt động thể chất như một chuyến đi bộ đến vùng núi hoặc bơi tại các hồ bơi.
Những người muốn làm giàu cho mình không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần thì lại thích tham gia các tour yoga. Ở đây họ được giao lưu với các lớp học cùng các bậc thầy thực sự trong hơn 2-3 tuần. Đây là quãng thời gian để yoga của tất cả các nơi học hỏi lẫn nhau và sau 2-3 tuần mỗi người đều có khả năng đạt được một mức độ cao hơn kỹ năng yoga đã có trước đó.
Thể thao dưới nước
Có những người không thể tưởng tượng cuộc sống của họ mà không có biển hoặc đại dương thì họ sẽ thế nào. Họ đến các bãi biển không chỉ để nằm dài trên cát và bơi lội, họ muốn thử các môn lướt sóng, lướt gió, du thuyền, bơi thuyền... Để có tất cả những kỹ năng khá phức tạp đó mất khoảng 10 ngày nếu có một lớp lý thuyết trước đó. Du lịch là một chuyến đi áp dụng lý thuyết và thực hành các môn thể thao.
Tốc độ
Đi du lịch mang lại cho rất nhiều cơ hội cho những ai yêu thích tốc độ. Ai sẽ từ chối cơ hội học tập về xe máy, xe hơi thể thao và thậm chí cả xe đua tại các đường đua chứ? Trong suốt mùa đông, có 2-3 ngày để bạn có thể tìm hiểu làm thế nào để lái xe trên hồ đóng băng ở Phần Lan hoặc trên các tuyến đường núi cao ở Italia. Người Italia không thờ ơ với tốc độ và bạn sẽ cùng những chiếc xe đẹp tham gia khóa học lái xe Ferrari, Lamborghini và có thể tham gia thử thách vượt qua các chặng đường ở Monza, Adria, Vallenuge. Nếu một chiếc xe bình thường là quá ít đối với bạn thì đây là cơ hội duy nhất để có được giấy phép lái xe đua.
Ở các quốc gia, bạn có thể đi xe máy quanh năm. Tại Ý cũng có những chương trình tương tự với xe máy, tùy thuộc vào mức độ ban đầu của các kỹ năng. Và các cơ hội khác dành cho trẻ em là học đi các loại xe đạp.
Sáng tạo
Nếu bạn quan tâm đến nhà cửa thì chắc chắn bạn sẽ quan tâm rất nhiều đến việc học hỏi các thiết kế mới. Bạn có thể tham gia các lớp dạy thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan và sửa chữa các căn hộ với chính hai bàn tay của chính bạn.
Thời trang cũng là những mối quan tâm hàng đầu của các quý bà thậm chí không ít quý ông mê mẩn nó. Du khách sẽ có một khóa học về việc sắp xếp tủ quần áo trong chuyến đi đến các cửa hàng tốt nhất châu Âu hoặc được đào tạo tại một chương trình may nghệ thuật ở Arena de Verona, Ý hàng tháng. Ít hơn là các lớp trang điểm tổng quát và làm tóc, vì vậy nếu bạn muốn bạn luôn có thể tìm thấy những việc phù hợp với sở thích của bạn.
Du lịch là một cơ hội lớn để tổ chức một tour nhiếp ảnh tuyệt vời. Bạn có thể trở thành một thành viên của những người đam mê nhiếp ảnh, có thể đi kèm với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp địa phương. Bạn sẽ học hỏi thêm từ những lời khuyên liên quan đến các chế độ chụp và bố cục khung hình và những địa điểm tham quan thú vị nhất cho chuyến du lịch. Chuyến đi với các bức ảnh tuyệt đẹp sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên.
Cuối cùng, bạn có thể đi đến Tây Ban Nha và học một khóa học nhảy flamenco cháy bỏng, đến Scotland để cải thiện các kỹ năng chơi kèn túi. Và những lớp học: dệt in hoa ở châu Á, đúc tiền ở Bulgaria hay thậm chí nghệ thuật tạo hình trên cát ở Ai Cập.
Kết hợp du lịch với việc tham gia học hỏi thêm những điều mới mẻ sẽ mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu và biết đâu đấy là sự khởi đầu cho một niềm đam mê mới.
Trà Cổ nằm ở cực Ðông Bắc đất nước thuộc tỉnh Quảng Ninh, kề sát biên giới Trung Quốc, cách thị xã Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái 8 - 9 km. Cư dân bán đảo nhỏ này vốn gốc ở Ðồ Sơn di cư đến sinh sống và lập nghiệp.
Bằng ca nô hay tàu thủy chạy từ Hải Phòng đến Móng Cái với quãng đường 206 km hoặc từ Hồng Gai với hành trình 132 km, bạn sẽ đến bãi biển Trà Cổ. Nếu bạn đi đường bộ từ Hà Nội, theo đường 18, Hà Nội - Hòn Gai đến Tiên Yên rồi rẽ đường số 4 đi th? xã Móng Cái để ra bãi biển Trà Cổ. Hiện nay đường ra bãi biển Trà Cổ hiện đã có hệ thống đê ngăn và đường đi được mở rộng làm mới rất thuận lợi cho việc thông thương.
Bãi biển Trà Cổ được mệnh danh là "bãi biển trữ tình nhất Việt Nam" với bãi tắm rộng và bằng phẳng, nền cát trắng mịn hòa trong nền nước biển xanh biếc suốt bốn mùa. Bởi Trà Cổ là rìa bên ngoài của một đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo thành, nên bên bờ biển là những cồn cát cao từ 3 đến 4 m, có làng ấp và dân cư trú đông đúc, chủ yếu sống nghề nông và chài lưới. Sát bờ biển là các dải rừng phi lao chắn gió, râm mát giữ cát và gần đó còn có hệ thống sinh thái rừng ngập mặn.
Bờ biển Trà Cổ dài tới 17 km từ mũi Gót ở phía Bắc đến mũi Ngọc ở phía Nam, đủ sức chứa hàng vạn khách du lịch đến nghỉ mát, tắm biển. Do cách xa các thành phố , khu công nghiệp, bến cảng, nên Trà Cổ có khí hậu mát mẻ, nồng nàn hương biển và không gian tĩnh mịch và còn mang đậm nét "hoang sơ". ở nơi đây, chưa hề thấy sự hiện diện của "bãi biển thương mại", rất ít hàng quán, hàng bán rong. Nếu bạn muốn thưởng thức hải sản tươi sống, có thể mua được ở ngay bên bờ biển khi thuyền chài ngư dân đi đánh bắt về.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Trà Cổ là 22,7oC, có 4 tháng nhiệt độ xuống tới 20oC (vào tháng 12 - tháng 3 năm sau), tháng nóng nhất vẫn là nhiệt độ lý tưởng với mức từ 26 - 28oC.
Nếu bạn đi nghỉ mát đúng vào dịp cuối tháng 5 âm lịch, bạn sẽ được tham gia "Hội làng Trà Cổ" diễn ra từ ngày 30/5 - 6/6 âm lịch. Ðoàn thuyền rước từ Trà Cổ lên đường đi về quê tổ Ðồ Sơn từ ngày 25/5, ngày 30/5 thì đoàn thuyền rước từ Ðồ Sơn trở về Trà Cổ và bắt đầu cho 6 ngày lễ hội tưng bừng đặc trưng cho đời sống ngư dân vùng biển.
Được đánh giá là ngôi đình khá đồ sộ ở địa đầu đất nước và hoàn toàn mang dấu ấn nền văn hoá Việt. Đình Trà cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1462 trên một vùng đất rộng nằm ở phía nam phường Trà Cổ, Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), Thờ sáu vị Thành Hoàng đã có công lập lên xã Trà Cổ ( nay là phường Trà Cổ) cách đây gần 600 năm. Đình có tất cả 48 cột lim đặt trên đá, trong đó có những cột cao gần 05 m, chu vi khoảng 1,5m, các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là Hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng đối diện nhau: " Nam Sơn Tịnh Thọ( Nước nam bền vững); Địa cửu thiên trường( Đất vững trời dài)"
Lễ hội Đình Trà Cổ- Phường Trà Cổ được tổ chức hàng năm, vào ngày 01 tháng 06 âm lịch với rất nhiều nét độc đáo như rước " Ông Voi" , thi nấu ăn...
Nhà thờ xứ Trà Cổ
Được xây dựng năm 1880, nhà thờ Trà Cổ là nhà thờ lớn nhất vùng Đông bắc Việt Nam, dù bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng nhà thờ vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính mê hồn của mình qua từng đường nét kiến trúc, những bức phù điêu...
Thanh bình Trà Cổ
Du khách đã đến miền Bắc nhiều lần, phần nào đã “no nê” với vịnh Hạ Long thì xin mời lên Trà Cổ, một chốn nghỉ mát rất đỗi quyến rũ.
Có thể đến với Trà Cổ bằng đường biển hay đường bộ. Nếu đi đường biển, khách có thể chọn canô hoặc phổ biến hơn là tàu cánh ngầm xuất phát từ Bãi Cháy, Quảng Ninh (khoảng 132km) hoặc từ Hải Phòng (khoảng 206km).
Đi tàu cánh ngầm êm như đi máy bay vậy, và cũng khá nhanh, khách hoàn toàn không sợ say sóng. Mỗi ngày có hai chuyến, sáng và chiều từ Trà Cổ về Bãi Cháy, và một chuyến từ Hải Phòng tới Trà Cổ.
Còn đường bộ mất thời gian hơn vì đường đèo khá ngoằn ngoèo nhưng cảnh hai bên đường lúc nào cũng trải rộng một màu xanh mát mắt, chắc chắn sẽ mang lại nhiều cảm giác thú vị.
Được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất VN, Trà Cổ trải dài gần 15km, là rìa của một hòn đảo bồi tự nhiên do tác động của sóng và dòng biển ven bờ tạo nên. Không xa bờ biển là những cồn cát cao chừng 3 - 4m, với các dải rừng phi lao chắn gió, giữ cát và gần đó còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn chưa hề bị xâm phạm.
Cát ở đây trắng, mịn chẳng khác nào bãi biển Nha Trang. Nhưng nếu như Nha Trang là cô gái tân thời thì Trà Cổ được ví như một nàng thiếu nữ thôn quê còn e ấp bởi tốc độ phát triển du lịch ở đây rất chậm.
Cho tới hôm nay, tuy đã phát triển hơn nhiều so với gần 10 năm trước nhưng Trà Cổ vẫn giữ được nét thanh bình. Hàng quán có mọc lên đông đúc hơn nhưng không hề xô bồ.
Đặc biệt, an ninh ở Trà Cổ luôn được bảo đảm, ôtô luôn phải đậu ở bãi và xe ôm thì tuyệt đối không được đi lại nơi có đông người qua lại.
Gần Trà Cổ có một nơi đón bình minh hoặc hoàng hôn cực kỳ lãng mạn, đó là Cồn Mang. Cồn Mang cách Trà Cổ chừng 6km. Cát ở đây chắc và mịn đến mức có thể thoải mái phóng xe máy trên bãi biển mà không hề sợ lún hay trơn trượt.
Ngồi trên những hòn đá to, lắng nghe những con sóng bạc đầu rì rào vỗ về đá và xung quanh hoàn toàn vắng vẻ, có cảm giác như mình được hòa tan cùng thiên nhiên, tự do, thư thái và tĩnh tại.
Cũng gần Cồn Mang, có một điểm địa đầu Tổ quốc, gắn liền với câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu: Từ Trà Cổ rừng dương/Tới Cà Mau rừng đước. Đó là mũi Sa Vĩ, nét bút đầu tiên tạo hóa vẽ nên chữ S của VN. Phóng tầm mắt ra xa là đất Trung Quốc. Khung cảnh thanh bình thật khó để người ta có thể liên tưởng đến những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh biên giới mà dấu tích còn sót lại là một vài căn hầm trú ẩn dọc hai bên đường.
Trên đường ngược về từ Cồn Mang tới Trà Cổ, du khách không quên dừng chân ở nhà thờ Trà Cổ kiến trúc tuyệt đẹp và rất cổ kính, được xây dựng từ năm 1880 và được tôn tạo năm 1995.
Đình Trà Cổ, cũng là một trong những niềm tự hào của người dân địa phương, được xây dựng vào năm 1462 và được sửa chữa khá nhiều lần sau này nhưng vẫn giữ nguyên được những nét đặc trưng về phong cách kiến trúc cũng như nghệ thuật chạm khắc như lúc khởi dựng.
Đình thờ thành hoàng làng là sáu vị tiên công người Đồ Sơn, Hải Phòng đã có công lập nên xã Trà Cổ cách đây hơn 400 năm (nay là phường Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Quận He (Nguyễn Hữu Cầu), một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh, cũng được thờ tại đình. Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức hằng năm, từ ngày 30-5 đến 6-6 âm lịch. Nét độc đáo của lê hội Trà Cổ là hội thi làm cỗ, thi nấu ăn và một số hoạt động văn hóa khác.
Một Trà Cổ đẹp và yên bình như thế chưa được khách du lịch biết tới quả là phí phạm. Côn Đảo: Côn Đảo có gì mà thăm! Côn Đảo chỉ là một đảo nhỏ của nước Việt, diện tích khỏang 76 Km2, dân số hơn 6 ngàn, xưa kia là trại giam tù của Pháp và Mỹ, nơi đọa đày những người yêu nước Việt đến tận cùng !
Hơn 113 năm, dưới thời Pháp-Mỹ, Côn Đảo bị làm nhiệm vụ giam cầm, đày ải và trấn áp những người yêu nước, còn cảnh đẹp của thiên nhiên buộc phải ngủ vùi.
Trại tù Phú Sơn |
Sau 1975, Côn Đảo từng bước xây dựng thành điểm du lịch, nhưng chủ yếu chỉ vòng quanh thị trấn với những nhà tù chồng chất bao xương máu của những người con yêu nước, du khách sẽ tìm hiểu cội nguồn của đau khổ và chứng tích tội ác hành hạ con người, bằng những kỹ thuật đánh đập và tra tấn dã man nhất trên trần gian
Mũi Lò Vôi
Vài năm gần đây, phần thiên nhiên ban tặng đã lần lượt được biết đến từ những nhóm nhỏ tự khám phá, do vậy cảnh quan còn rất hoang sơ, tiềm năng tự nhiên của Côn Đảo vừa được đánh thức sau giấc ngủ khá dài.
Hòn Bảy Cạnh
Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, trên mỗi đảo đều có những bãi tắm trên cả tuyệt vời, nước trong xanh nhìn rõ tận bàn chân, bãi rất lài, có nơi cách bờ cả cây số cũng còn lài, sâu chưa đến 1 mét, nhiều nơi sóng lặng yên như trong hồ, bơi rất thích. Riêng vòng quanh đảo chính có gần 10 bãi tắm chưa ai đi thăm hết được vì mỗi chuyến đi chỉ 3-4 ngày chưa đủ thời gian để đến với thiên nhiên.
Phía Tây của Côn Đảo có hơn 4 bãi tắm nhưng không có đường bộ để đến. Chỉ đến được Bãi Đầm Trầu và Bãi Ông Đụng, trong đó Bãi Đầm Trầu nằm cạnh sân bay Cỏ Ống là bãi đẹp nhất, từ đường chính phải lội bộ hoặc đi xe máy thêm 1,5 Km. Trên đường đi có Miếu Cậu theo truyền thuyết thờ con Chúa Nguyễn Ánh.
Bãi Ông Đụng nhìn toàn đá, nhưng qua lớp đá là bãi thật đẹp
Đến Bãi Ông Đụng phải dùng con đường phía sau thị trấn, xuyên qua núi Chúa và băng qua rừng mưa nhiệt đới, đây là một bãi nhiều đá nhưng thoát ra vài mét là một bãi biển rất lài, ra xa hơn có đầy san hô đẹp mắt. Trên đường đi sẽ gặp cầu Ma Thiên Lãnh nơi hành hạ người tù đến chết chứ cầu không bao giờ xây xong.
Bãi Nhát nhìn về Đỉnh Tình Yêu
Ở phía Đông, từ bắc xuống nam có một con đường độc đạo dài gần 30 Km chạy dọc bờ biển, lần lượt có nhiều bãi tắm đẹp: Bãi Vòng, một bãi rất dài nhưng bị bỏ hoang vì đường đi rất khó; Bãi Đất Dốc đang được đầu tư từ Việt Kiều Mỹ, bãi có cát trắng mịn; Bãi Lò Vôi rất lài, dài cả cây số nằm bên nghĩa trang Hàng Keo; Bãi trung tâm thị trấn dài khoảng 2km nằm bên con đường đẹp nhất Côn Đảo là Tôn Đức Thắng, nơi tập trung nhiều nhà nghỉ nổi tiếng và giá rất cao, phía sau dãy khách sạn này là khu nhà tù; Bãi đá trắng kéo dài trên đường về phía Nam đến mũi Cá Mập; Bãi Nhát nhìn về đỉnh Tình Yêu là một bãi cát trắng tinh, nhưng có sóng mạnh nhất trong các bãi, nếu tắm buổi chiều sẽ ngắm được hoàng hôn rơi qua đỉnh Tình Yêu rất tuyệt vời; Đi tiếp về phía Nam có Cảng Bến Đầm là hết con đường độc đạo.
Núi Côn Đảo rải đều trên cả 16 hòn, hòn nào cũng có núi. Tại đảo chính có núi thánh giá cao nhất đảo với 577 mét, mỗi chiều về mây che phủ trắng đỉnh, không khí mát lạnh như vùng cao nguyên lâm viên, nhìn xuống Côn Đảo thấy cảnh đẹp mê người, cạnh đó là núi chúa cao 509 mét.
Núi luôn có rừng, và rừng ở Côn Đảo khá đặc thù so với nơi khác: nguyên sinh và thứ sinh cũng có, rừng trên đất cát, cả rừng ngập mặn. Rừng có nhiều giống loài thực vật rất đặc trưng, hiếm, quý; đặc biệt có hệ rừng đồng bằng sông Cửu Long, rừng Đông Nam Bộ, thâm chí có cả rừng Bắc Bộ; chưa có rừng quốc gia nào có đặc tính này; vì cách xa đất liền nên rừng không có thú lớn, thú nhỏ có khá nhiều, và có những loài khá đặc biệt như Sóc đen thường gặp ngay trên đường, đúng ra phải gọi là Sóc đỏ dạ vì ngay bụng có chùm lông vàng đỏ, còn tên khoa học là gì chưa ai định được các nhà khoa học tạm gọi là là Sóc hai màu Côn Đảo (RafutarBicolor Condorensis).
Mũi Tà Bê nơi ngắm bình minh đẹp nhất Côn Đảo
Xung quanh Côn Đảo là vùng biển với biết bao giống loài thủy động vật còn phải nghiên cứu lâu dài, nhà nước đã thành lập Vườn Quốc Gia Côn Đảo để tạo điều kiện quản lý, nghiên cứu và phát triển; tưởng vườn Côn Đảo là loại nhỏ cách xa đất liền chẳng có gì phải quan tâm, nhưng nếu nghiên cứu sâu rộng thì đây là một vườn quốc gia có những giống lòai không đâu có, San hô, thủy sinh động thực vật đều có những loài cực quý hiếm, những năm gần đây đã có sự xuất hiện của “bò biển”(seacow) người dân gọi là cá cúi là loài thú sống dưới biển, chuyên ăn cỏ, mỗi lần chỉ đẻ một con và có vú cho con bú, có bộ sinh dục ngòai, đây là loài được liệt vào sách đỏ rất quý hiếm, lòai này gần với “mỹ nhân ngư” nhất, tại Côn Đảo còn sót được 17 con.
An Sơn Miếu nơi thờ Bà Hoàng Phi Yến
Dù không có nhiều dân, nhưng trên đảo có nhiều truyền thuyết. Truyền thuyết có ảnh hưởng đến tâm linh trên đảo là bà Hoàng Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, vợ thứ chúa Nguyễn Ánh.
Miếu Cậu nơi thờ Hoàng Tử Cải con Chúa Nguyễn Ánh
Chuyện kể rằng khi bị Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh bảo bà đưa con trai là Hoàng tử Cải để ông gửi làm con tin nhờ viện binh của Pháp giúp chống lại Tây Sơn, bà khuyên can “chuyện chống Tây Sơn là chuyện nội bộ, kêu bên ngoài giúp sợ mang tiếng không hay”. Thế là chúa nổi cơn thịnh nộ, cho bà là thông đồng với địch, nên lệnh giết, nhưng nhờ quân thần can ngăn nên bà phải bị biệt giam trên hòn phía Nam sau này gọi là hòn Bà. Rồi ông cho thuyền đi trốn sang Phú Quốc, nhưng Hoàng Tử Cải đòi có mẹ mới chịu đi, Chúa nổi nóng nắm đứa con vừa hơn 4 tuổi quăng ngay xuống biển. Sau này người dân lập miếu để thờ bà gọi là An Sơn miếu và truyền tụng câu ca dao: gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Câu ca dao trên mọi người đã nghe từ lâu nhưng không hiểu nó có ăn nhập thật sự tới chuyện bà Phi Yến hay không, đang chờ các nhà nghiên cứu sử bổ sung, vì trong gia phả chính thống người ta chưa thấy tên bà Lê Thị Răm lẫn tên Hoàng Tử Cải, chỉ biết Hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc về Pháp để làm con tin. Nhưng cũng có thể vì bà bị chúa trị tội nên người ta không đưa vào gia phả chăng? Đấy là chuyện của nhà sử học, là người dân ta nên biết qua truyền thuyết này để tâm hồn có thêm nét văn hóa nhân văn.
Nhà Lưu niệm Võ Thị Sáu, nơi giam chị một đêm trước khi xử bắn
Hiện nay nhiều người du lịch Côn Đảo đều đến thăm mộ Chị Võ Thị Sáu, một linh thần của đảo, nhiều người chọn giờ cúng là 12 giờ trưa hoặc giữa đêm khuya lúc 0 giờ. Chị sinh năm 1933 (có tài liệu ghi 1935) tham gia công an địa phương tại quê nhà huyện Đất Đỏ thuộc Bà Rịa. Năm 1950 chị bị bắt trong lúc tham gia giết tề, chị bị kêu án tử hình khi chưa đến tuổi trưởng thành, dư luận lúc đó lên án rất gay gắt, chúng phải giam chị hai năm trong đất liền, ngày 22 tháng 1 năm 1952, chúng chuyển chị ra Côn Đảo và 7 giờ sáng ngày 23/01/1952 chúng xử bắn chị.
Mộ Chị Võ Thị Sáu lúc nào cũng có người đến cúng suốt ngày đêm
Qua hôm sau mộ và bia chị hiện lên ngay, chúng ra lệnh phá bỏ và liên tiếp cứ sau khi chúng lệnh đập xong lại có bia mộ khác dựng lên, chúng hành hạ tù nhân liên quan đủ mọi cách vẫn không lay chuyển được tình hình. Có chúa đảo nghe những linh ứng của chị Sáu, ông cho làm tấm bia để sống những ngày an ổn. Tên chúa đảo sau ông, vừa nhậm chức xong ra lệnh đập bia tiếp, sau đó tên chúa đảo này cũng chết bất đắc kỳ tử, nên mọi người cho rằng chị rất linh thiêng, luôn ở quanh đảo che chở cho mọi người. Hiện nay khi có bất cứ chuyện gì người dân đều cầu khẩn đến Chị. Gần đây nhiều người đã gọi bằng Cô Sáu hay Bà Sáu vì sự linh ứng chị ban cho mọi người.
Bình Minh Côn Đảo
So sánh với các nơi, có thể khẳng định Bãi Đầm Trầu của Côn Đảo là bãi đẹp nhất Việt Nam, nước trong nhất, bãi lài nhất, các khu du lịch Phuket của Thái Lan cũng không thể hơn; về cảnh quan, nhiều nơi, từng cảnh có thể đẹp hơn Côn Đảo nhưng nếu phối hợp giữa các hòn như non bộ thật, cùng sự tán sắc của bình minh và hòang hôn thì Côn Đảo vẫn ở tốp đầu. Và điều cuối cùng nếu so sánh sự sạch sẻ và yên tĩnh của các nơi thì điều này chắc chắn Côn Đảo lại đứng đầu. Hãy đến Côn Đảo một lần để tận hưởng hạnh phúc của con người trong hiện tại.
Du Khách đang đổ bộ lên Hòn Cau
nơi cố Thủ Tướng Phạm Văn Đồng bị đày khổ sai, hiện là một bãi để rất tốt của Vích( Rùa biển)
Côn Đảo được thiên nhiên ban tặng quá nhiều nguồn lợi và cảnh đẹp, như một nàng tiên đã qua giấc ngủ vùi. Giờ là lúc mọi người góp tay lại đưa Côn Đảo tiến lên đúng với tầm cao mới. Xin hẹn bài sau để nói tiếp về Côn Đảo-bàn thờ tổ quốc và bệ phóng tương lai.
Đừng ngại, hãy bỏ lại sau lưng tất cả vướng bận,khoác ba-lô lên vai và đi đến bất cứ nơi nào bạn thích.Hãy để những dặm đường xa vẫy chào bước chân bạn, để những cánh đồng mượt mà màu lúa mới dịu dàng lên đôi mắt bạn, để những đóa hoa dại ven đường níu giữ tâm hồn bạn, để sóng, để đá, để cát, để núi non ngập tràn trong cảm xúc… Có một khuya nào đó, bạn bỗng da diết thèm nghe tiếng sóng xô bờ, thèm những đợt gió biển lồng lộng lùa vào mái tóc, đừng ngại ngần những chờ đến ngày mai, đừng sắp đặt khoảng thời gian thong thả… Hãy gọi cho “chiến hữu”, kẻ từng lang thang cùng bạn trên nhiều chặng đường gió bụi, biết đâu, người bạn đồng hành ấy cũng đang thao thức nhớ về một tiếng sóng nào xa lắc…
Rồi khi đàn chim biển đầu tiên bay về nơi bình minh đang cựa mình thức giấc, hãy để đôi chân trần được dẫm lên nền cát lạnh, để sóng biển xoa dịu những mệt mỏi đã in hằn bao ngày tháng. Trong nắng sơm tinh khôi, từng khóm thuyền thúng nhấp nhô trên đầu sóng. Đã có lúc tưởng chừng như sóng sẽ nhấn chìm những chiếc thúng nhỏ nhoi, nhưng kỳ lạ thay, nó vẫn vẹn nguyên, dù chịu biết bao con sóng ào ạt.
Đêm. Biển Cần Giờ lùi ra xa đến tận 5 km. Tối đen như mực. Bờ bên kia, TP Vũng Tàu lung linh ánh đèn màu rực rỡ. Lần theo đoàn người tiến dần ra biển, góp nhặt những con sò, con nghêu như một thứ lộc biển để kiếm sống. “Ba cùng” một đêm ngắn ngủi, nhưng bạn sẽ thấy mình “sống” được nhiều hơn khi hiểu thêm về những phận người, phận đời nhập nhòa ở phía bên kia phồn hoa đô hội. Biết đâu, bạn thấy lại mình của những tháng như mới hôm qua… Thấy nhớ. để rồi nhận ra mình hãy còn vạn lần may mắn, và nhận ra, những toan tính, tham vọng xa xôi bỗng trở thành vô nghĩa…
Những câu thơ thôi thúc đến nỗi bạn muốn biết cái xóm Đạo êm đềm dường ấy ở đâu, và bạn muốn được đặt chân đến đấy… Một cái click chuột trên net, bạn sẽ thật ngạc nhiên khi thấy rằng xóm Đạo Tha La chỉ cách TP HCM khoảng 60 km (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Nơi ấy, trong những ngõ trúc quanh co uốn lượn, những mái nhà yên bình và ấm cúng rũ bóng giữa nắng trưa. Đâu đấy, có tiếng trẻ ê a đọc bài chen lẫn tiếng gà trưa cục tác. Nơi ấy, sau tiếng chuông chiều thong thả, những đàn bò nhởn nhơ gặp cỏ triền sông, đàn trẻ thơ vui ngắm những cánh diều vút cao trong hoàng hôn lộng gió; những khóm thuyền thương hồ thả neo ngơi nghỉ ở bến sông... Về Tha La, một buổi chiều như thế, thấy lòng mình bỗng chốc nhẹ tênh. Kyrgyzstan, tên chính thức Cộng hoà Kyrgyz, là một quốc gia tại Trung Á. Nằm kín trong lục địa và nhiều đồi núi, nước này giáp biên giới với Kazakhstan ở phía bắc, Uzbekistan ở phía tây, Tajikistan ở phía tây nam và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở phía đông nam. Xứ Úc thòi lòi đi dễ khó về Tôi không biết tại sao người Việt ở Úc lại đặt tên cho xứ này là Xứ Thòi Lòi. Có lẽ tại xứ này có nhiều cá thòi lòi là một loại cá bống trắng hay sao đó mà ngay hôm đến Úc, ghé thăm nhà bạn tôi, trong bữa cơm đầu tiên, trên bàn ăn, tôi đã thấy có mặt đĩa cá thòi lòi tẩm bột chiên. Cái tên “Xứ thòi lòi” nghe sao mà tình tự dân tộc, đậm đà ruộng lúa, nương dâu, đồng chua, nước mặn vô kể. Úc còn có cái tên là “Miệt dưới” hay “Miệt vườn”, gợi nhớ tới bóng dừa, hoa cau, con đò, mái chèo thênh thang sóng nước rập rờn một miền nam nắng cháy. Nó khiến tôi thấy mến, tự nhủ lòng, mình phải đi Úc một chuyến. Nhân đứa cháu lấy chồng mời tôi qua dự đám cưới, thế là mình có cớ “qua bên ấy xem thử” cái xứ thòi lòi có quê như cái tên không? Nghe tôi đi chơi Úc, bạn bè ai cũng háo hức. Họ nhắn, nhớ kể chuyện xứ “Down under” cho họ nghe. Mấy đứa cháu thì nhắc, đem về cho tụi nó con Kangaroo hay con Koala. Tôi không hào hứng lắm khi nghĩ tới đường bay dài 23 tiếng đồng hồ từ Mỹ tới Brisbane mà phải ghé tới hai trạm Melbourne và Sidney để lấy thêm khách. Có lẽ nỗi trở ngại về địa dư quá xa xôi mà dân Mỹ ít ai đi du lịch Úc châu chăng? Hơn nữa, thời tiết hai nơi lại trái ngược hẳn nhau, nên mỗi mùa hè vừa dự định đi Úc tôi bỗng đổi ý vì sợ qua Úc trúng phải mùa đông mà tôi rất ghét đi du lịch trong mùa lạnh. Cuối cùng tôi cũng được cỡi Kangaroo qua Úc. Nói đùa chứ tôi được ngồi máy bay có hình con “gà rù” (Kangaroo) của hãng Qantas mà bay rề rề đến 23 tiếng qua Úc. Vì mua vé trễ nên tôi bị hai chuyến bay chuyển tiếp thành hơi lâu, chứ nếu bay thẳng tôi chỉ phải ngồi 14 tiếng thôi. Tôi đến Brisbane buổi sáng. Vừa xuống máy bay, tôi đã cảm được làn gió mơn man từ đâu thổi đến báo hiệu một ngày mát trời, không nhiều nắng. Brisbane là một thành phố nổi tiếng với những cánh buồm, biển xanh và cát trắng. Nó cũng là thủ phủ và là thành phố đông nhất bang Queensland của Úc. Queensland quanh năm nắng ấm, lại có bờ biển vàng (Gold coast) là nơi có vùng san hô Great Barrier Reef. Dãy san hô ngầm lớn nhất thế giới này đã được cơ quan Liên Hiệp Quốc (Unesco) xếp vào hàng di sản thiên nhiên hiếm qúy của nhân loại. Tôi được chở đi thăm thành phố biển nên thơ. Cái khác biệt đầu tiên đập vào mắt tôi là hình dáng bên ngoài của người Úc. Họ ăn mặc ít chạy theo thời trang như người Âu châu nhưng nét mặt và lối cư xử tôi thấy mài mại dân Ăng lê theo đúng cái câu “Lạnh và phớt tỉnh như Ăng Lê” vậy. Nhìn chung người Úc khoẻ mạnh, ít có người mập phì, tôi để ý (ngay tại Sydney cũng vậy) có nhiều tiệm bán dụng cụ thể thao hay cắm trại ngoài trời. Tôi đoán dân Úc chuộng thể thao và thiên nhiên nên họ trông cân đối hơn người Mỹ. Ngay đến trong công viên gần bãi biển Sunshine Coast chính phủ cũng cho đặt vài dụng cụ tập thể thao với mục đích khuyến khích người dân năng tập thể thao. Bờ Biển Vàng (Gold Coast) dập dìu du khách. Cũng giống những bãi biển du lịch khác, Gold coast đầy những cửa tiệm bán quà lưu niệm và thức ăn nhanh. Tôi thấy không những ở đây, phi trường và Sydney(còn nơi khác ở Úc mà tôi không rõ) có rất nhiều những tiệm bán thức ăn nhanh. Kỹ nghệ fast food của Mỹ xâm chiếm thị trường Úc mạnh mẽ không biết từ hồi nào mà tôi thấy các hiệu ăn nhanh như Mac Donald, Hungry Jack’s (chi nhánh của Burger King), KFC có mặt ở khắp nơi. Trẻ em xứ này hệt như Mỹ mê ông Mac ngày đêm. Tính đến nay Mac Donald (theo cách viết trên bảng hiệu ở Úc- McDonald’s) đã có khoảng 780 tiệm, thuê mướn 85,000 nhân viên trên toàn nước Úc. Du khách ghé Bờ Biển Vàng ai cũng bị thu hút bởi hình ảnh tươi mát rất đẹp của các cô Meter Maids mặc đồng phục bikini đi vòng quanh khu du lịch. Theo định nghĩa nguyên thủy, Meter Maids là những người cảnh sát đi phạt các chiếc xe đậu quá giờ ở các meter. Nhưng để thu hút du khách, các tay doanh thương quanh khu này, bỏ tiền thuê các cô gái tóc vàng, có hình dáng tuyệt mỹ đi diễu hành dọc theo con phố biển. Mấy cô mang các túi đựng bạc cắc đến gần các meter "cứu bồ" du khách bằng cách bỏ thêm bạc cắc vào các meter bị quá hạn giờ. Du khách hay chạy lại chụp hình với các cô, nhất là nam giới. Tuyệt chiêu câu khách này của các tay doanh thương chỉ có tại đây.Ngoài ra, Úc còn nổi tiếng với những bãi biển nude rất đẹp, những bãi biển của người giàu tiền mà nghèo quần áo. Một điều nữa, tôi cũng nghiệm ra dân Úc không thích nhận những bích chương quảng cáo thương mại cho lắm nên trên hộp thư của phần lớn các nhà tư nhân đều có ghi “No junk mail please”. Rời Brisbane, tôi bay qua Sydney thăm bạn bè và thành phố cảng lớn và lâu đời nhất nước Úc. Tôi được bạn dắt đi xem Nhà hát Opera Sydney và Cầu Cảng (Harbour Bridge) vào một ngày mưa gió sụt sùi. Người bạn say sưa nói về kiến trúc rất đẹp và độc đáo của Nhà Hát hình vỏ sò này. Có người gọi nó là Nhà Hát Con Sò, người gọi là Nhà hát Ngao Hóng Gió. Nó không những đẹp vì hình tượng nghệ thuật bên ngoài trông như những cánh buồm căng trong gió hay những cánh sò đang chen nhau mở rộng giữa lòng đại dương mà còn là một sân khấu nghệ thuật lớn nổi tiếng của thế giới. Anh bạn tôi đã từng ra vào nhà hát này nhiều lần không những để thưởng ngoạn mà còn trình tấu. Tôi loanh quanh ở khu nhà hát và hải cảng ẩm ướt, gió lồng lộng thổi khiến tôi gây lạnh. Tôi ghé bên anh thổ dân Úc chụp hình với cây kèn độc đáo Didgeridoo của anh. Người Úc rất yêu âm nhạc và nghệ thuật, nên Nhà Hát Opera Sydney bận rộn quanh năm. Trong khi thổ dân Úc biết duy trì và phát huy âm nhạc cổ truyền của họ với sự sáng tạo và cách làm mới chúng bằng những kỹ thuật tân tiến nên những vở trình diễn của họ ở nhà hát rất gây ấn tượng. Lưu lại Úc vài ngày tôi mới thấm thía cái khổ của du khách Mỹ phải đương đầu với vật giá Úc. Mức sinh hoạt của hàng hoá, thực phẩm và giá cả ở Úc đắt hơn Mỹ tới hai, ba lần. Tôi hỏi ra mới biết lương tối thiểu ở Úc bây giờ là $14.31 trong khi ở Mỹ có $8.00. Có thế chứ, nhưng đi sâu vào các ngành nghề, mức lương bổng của các kỹ sư, bác sĩ, y tá..v..v...ở Úc so với Mỹ thì tôi thấy không chênh lệch bao nhiêu, đôi khi còn thấp hơn Mỹ nữa. Tuy nhiên dân Úc được chính phủ lo toàn bộ về chi phí y tế, lệ phí khám bác sĩ, bệnh viện, chính phủ trả 100%. Hầu hết các loại thuốc đặc trị cần phải sử dụng lâu dài đều được chính phủ trả phụ cho bệnh nhân từ 70% - 90% giá bán qua chương trình PBS (Pharmaceutical Benefits Scheme) do bộ y tế ban hành. Toàn dân Úc đều được hưởng quyền lợi này không cần phải mua bảo hiểm gì hết. Một người nếu có bảo hiểm chỉ thêm quyền được chọn tên bác sĩ và bệnh viện (tư) mình muốn mà thôi. Trong khi dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế với một giá rất cao. Hơn thế nữa, chính phủ Úc còn lồng trong sự đãi ngộ của an sinh xã hội là một chính sách cưỡng bách giáo dục. Tất cả trẻ em tại xứ Kangaroo đều là tài nguyên của nước Úc, cha mẹ chỉ là người nuôi dùm đứa trẻ này cho nước Úc mà thôi. Bất kể cha mẹ giàu hay nghèo mỗi đứa trẻ sinh ra chính phủ cho ngay bà mẹ một số tiền, gia giảm tùy theo tình trạng kinh tế của từng thời điểm, hiện nay là $5000 đô Úc. Ngoài ra hàng mỗi hai tuần, bộ xã hội sẽ tự động gửi (không cần phải đơn từ xin lãnh gì hết) vào tài khoản(account) của cha mẹ một số tiền "family allowance" mà người Việt ở Úc hay gọi là "tiền sữa", cho đến khi đứa bé được 18 tuổi. Tất cả học phí cho các nhà trẻ mẫu giáo, tiểu học, trung học chính phủ trả 100%, cha mẹ chỉ phụ thêm tiền sách vở, dụng cụ học đường v.v... Ngược lại, đứa trẻ sẽ “bị” cưỡng bách phải chích ngừa đầy đủ theo lịch, và đến trường học đủ buổi. Bộ xã hội liên kết với trường học (bằng computer) nơi gửi các báo cáo về đứa nhỏ, nếu cha mẹ không đem con chích ngừa đúng lịch, không cho con đi học là trọn bộ "tiền sữa" sẽ bị cắt ngay, chừng nào đi học lại đàng hoàng mới phát lại. Có nhiều bà mẹ Việt Nam, Tết dẫn mấy đưá nhỏ về VN chơi ham vui qua trễ, mấy đứa nhỏ bỏ học có khi cả tháng, bộ xã hội tự động cắt tiền sữa khi mấy đứa nhỏ đang ở ngoài nước Úc. Nếu nặng nề hơn, như chính phủ cảm thấy đứa trẻ bị bạc đãi về tinh thần (học hành không ổn định) hay thể xác (bị cha mẹ hay bất cứ ai đánh), thì nó sẽ bị “tịch thu” cha mẹ không được quyền nuôi nó nữa, nhà nước sẽ giao cho nơi khác nuôi để nó được “ăn học” đàng hoàng hơn… Điều này làm cho nước Úc ngày nay có tỷ lệ zero phần trăm trẻ em bị mù chữ. Lên bậc đại học chính phủ lại giúp đỡ sinh viên học sinh học lên cao bằng những tài trợ tài chánh (trả một phần lớn học phí đại học) hoặc cho vay. Hành động này không những nâng cao dân trí mà còn là một đầu tư to lớn vào chất xám quốc gia mang lại một tương lai giàu mạnh cho đất nước. Đất rộng, người thưa, tài nguyên phong phú, Úc còn có nhiều ngân quỹ tài trợ cho những chương trình bảo tồn văn hoá nghệ thuật mà nhiều nước tiên tiến đang cố gắng làm mà vì thiếu tiền không đeo đuổi nổi. Ngoài ra, nước Úc còn là nơi rất chú trọng về cơ hội bình đẳng (equal opportunity) cho mọi người. Người thất nghiệp hay lợi tức thấp có việc phải đáo tụng đình, chính phủ trợ cấp 100% chi phí luật sư qua chương trình hỗ trợ luật pháp (legal aid) của bộ xã hội. Điều này giúp cho người nghèo không dễ bị người giàu ... ăn hiếp bằng kiện tụng. Bàn tay khéo léo đỡ đầu của chính phủ Úc cũng không quên đến dân tị nạn Việt Nam. Thảo nào ở Sydney, đi đâu tôi cũng nghe tiếng Việt líu lo, đúng là “Đất lành chim đậu”. Tôi được dắt đi thăm ba khu chợ Việt Nam ở Sydney. Tôi thích cấu trúc hợp quần của phố Việt ở đây. Nó tập trung các cửa tiệm vào vài con đường chính hơn là rải ra như lối phát triển dân cư của người mình ở khu Little Sài Gòn ở Cali, Hoa Kỳ. Đi dọc theo một con đường chúng ta có thể vào tất cả các hàng ăn, tiệm tạp hoá, nhà thuốc tây hay nhà băng, chợ búa mà không phải lái xe vì chúng nằm san sát vào nhau. Tôi phát giác ra một điều rất logic là điạ dư càng gần Việt Nam, khu phố Việt mình càng đượm nét quê hương hơn. Tôi thấy có những cửa hiệu thịt tươi, cửa hàng trái cây lộ thiên (bên Mỹ ít có) và những tiệm cà phê với nhiều khách hàng ngồi giải khát ngoài trời ngắm người qua lại trông thật nhàn du. Nhất là tiếng mời chào inh ỏi khi tôi bước vào chợ, gợi tôi nhớ chợ Bến Thành. “Chế ơi, mua dùm ký hồng, ký nho đi Chế”. Tôi hơi ngạc nhiên khi bị gọi là “Chế” . Tôi chợt nhận ra rằng phần lớn những người buôn bán ở đây là người Việt gốc Hoa nên họ gọi tôi là “Chế” nghĩa là “Chị” hay “Cô”. Nhìn những trái na (măng cầu dai) đẹp và to như trái bưởi tôi mê quá. Trái cây ở Úc loại nào cũng to hơn ở Mỹ, những con cua cũng lớn gấp ba, gấp bốn giống cua Canada ở Mỹ. Ngay đến những cái nấm nút (button musrooms) cũng to lớn dị thường làm tôi trố mắt. Hiệu vải thì rất nhiều trong khi ở Mỹ không còn ai may lấy để mặc nữa, nên có rất ít tiệm vải. Bạn tôi cho biết, các phụ nữ Việt ở Úc hầu như đều may quần áo lấy mà mặc. Người Việt ở Úc ít bon chen, se sua chạy theo vật chất mà sống thoải mái, an nhàn hơn người Việt ở Bolsa, Hoa Kỳ. Có một chuyện khá đặc biệt liên quan đến người Việt tỵ nạn mà dường như chỉ có ở Úc mà thôi. Đó là các cựu quân nhân VNCH của miền nam Việt Nam trước 75 đều được chính phủ và người dân Úc công nhận y như cựu quân nhân của Úc. Họ được tất cả các quyền lợi đãi ngộ của chính phủ và dân chúng dành cho cựu quân nhân Úc. Từ trợ cấp bằng tiền mặt (lương cựu quân nhân) đến các ưu đãi của xã hội như miễn phí, giảm giá trên hầu hết các dịch vụ liên quan đến đời sống như, tàu xe, điện, nước. Nói chung là hầu hết các loại bills là những thứ đè nặng trên vai con người ở những nước tiên tiến, các cựu quân nhân VN đều được miễn giảm, hoặc chiết giảm y như chính các cựu quân nhân Úc. Sự việc được chấp nhận từ người dân đóng thuế của Úc dành những đãi ngộ xã hội (bằng tiền thuế của họ) cho cựu quân nhân Việt Nam trước 75, tôi thiết nghĩ là một vinh dự và vinh danh cho tập thể cựu quân nhân VNCH tại Úc. Điều này nói lên tấm lòng của chính phủ và nhân dân Úc đến hôm nay vẫn nhìn nhận công trạng của những quân nhân đứng ở chiến tuyến phía Nam cùng với cha anh của họ trong thời điểm của cuộc chiến VN năm xưa. Những cựu quân nhân VN này cũng xứng đáng được hưởng những gì mà người Úc đang đãi ngộ cha anh của họ. Tất cả những điều tôi biết được về Úc đều do bạn bè kể lại. Hơn một tuần ở xứ thòi lòi, tôi hòa nhập vào dòng chảy hài hoà và êm dịu của đời sống dân Úc. Tôi thấy lòng mình cũng trầm xuống, ít bon chen và ồn ào hơn. Duy có tình bạn bè thì càng lúc càng đậm đà, so với sự giao tình chỉ bằng email qua lại xưa nay. Khi lên phi trường Sydney về Mỹ, tôi tự nhủ, trời còn thương dân tị nạn Việt Nam mình quá đi. Từ thưở tạo thiên lập địa, ông trời nặn ra năm châu, còn nhớ nặn ra cái châu Úc đất rộng, người thưa này nằm gần Việt Nam, để khi hữu sự dân mình có chỗ chạy qua lánh nạn. Đã vậy còn được dân Úc đãi ngộ ân cần, đối xử tử tế, không phân chủ khách, ai cũng sống nhàn nhã, thong dong như người trong nhà. Điều này khiến Du khách Mỹ như tôi khi rời Úc, lòng vẫn ngậm ngùi với câu “Xứ Úc thòi lòi đi dễ khó về” Trịnh Thanh Thủy tạp ghi Thái Hồ - Hồ nước ngọt lớn thứ ba Trung Quốc nằm giữa hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang có diện tích 2250 km2 và độ sâu trung bình 2m. Khu bảo tồn tự nhiên này có tới 90 tiểu đảo và nhiều bãi đánh cá. |
No comments:
Post a Comment