Sáu giờ sáng ngày 2 tháng 9, 2010, tàu cặp bến Skagway. Bến tàu nằm sát vách núi ở phía Nam. Tàu chúng tôi cũng cặp bến xa thị trấn nhứt. Phía trước là chiếc Island Princess cặp bến gần Skagway hơn. Từ tầng 15 nhìn về Skagway thì chẳng thấy gì vì sương mù còn dầy đặc. Bên trái chỉ thấy một chiếc du thuyền của hãng Holland America đang cặp bến ở đó. Từ tàu đó vào thành phố chắc chắn sẽ gần hơn tàu của chúng tôi rất nhiều. Bến nào cũng vậy, tàu Holland America bao giờ cũng cặp bến gần hơn tàu Princess của chúng tôi.
Thị trấn Skagway xinh đẹp nhìn từ trên cao. |
Chúng tôi vào đó để hỏi giá tua. Họ có rất nhiều tua đi chơi khắp nơi. Tôi hỏi tua đi thăm vùng Ðèo Trắng (White Pass) giống như xe lửa. Họ nói giá 50 đô la/một người. Tua dài 2 giờ rưỡi và sẽ khởi hành lúc 9 giờ 30. Nếu vào thành phố thì giá tua chỉ 45 đô la, nhưng thấy trời mưa, tôi đành mua vé ở đây. Hơi mắc, nhưng tới đây rồi không lẽ không đi đâu chơi!.
Trong khi chờ xe, ta hãy tìm hiểu sơ qua về thành phố Skagway này.
Skagway - một thời vàng son:
Phố xá Skagway nơi chỉ có hơn 800 cư dân. |
Theo dòng lịch sử thì từ thời tiền sử đã có người Tlingit cư ngụ. Họ sinh sống bằng cách bắt cá và săn thú để trao đổi với những dân tộc khác. Năm 1887, một thuyền trưởng người da trắng tên là William “Billy” Moore đã tới đây bằng tàu hơi nước để đo đạc vùng biên giới giữa Mỹ và Canada. Ông này và con trai tên Ben đã khai khẩn 160 mẫu đất ở cửa sông Skaway vì ông tiên đoán rằng ở vùng nội địa của vùng này có nhiều vàng. Ông xây nhà, làm bến tàu, lập xưởng cưa gỗ...
Ðúng vậy, từ năm 1896, người ta đã khám phá thấy có vàng ở vùng Krondike thuộc Lãnh Thổ Yukon của Canada, nằm ở phía Ðông và cách Skagway 600 trăm dặm. Ngày 29 tháng 7, 1897, chiếc tàu hơi nước Queen cặp bến tàu của ông William đem theo những người tìm vàng. Ðây là chiếc tàu đầu tiên đem những người tiên phong tới đây. Sau đó thành phố đã nhanh chóng phát triển. Tiệm rượu, salon, văn phòng, khách sạn... liên tiếp mọc lên. Năm 1898 nơi đây đã có từ 8,000-10,000 cư dân. Skagway trở nên thành phố lớn nhứt Alaska thời đó. Có lúc dân số Skagway lên tới 20,000 người. Do ở xa nên vật giá gia tăng, mà thành phố lại không có an ninh nên một nhóm băng đảng nổi lên thống trị và làm trùm thành phố. Nhóm này do ông trùm tên Jefferson Randolph “Soapy” Smith lãnh đạo. Tên này còn tổ chức lừa gạt những người mới đến bằng cách tổ chức dịch vụ điện tín. Ai mới đến đều muốn gởi điện tín về cho gia đình. Hắn tính mỗi bức điện 5 đô la. Mà thật ra, lúc đó làm gì có đường điện tín truyền từ Skagway về nội địa nước Mỹ. Hắn còn có một tổ chức mật báo, một nhóm dân quân lo việc an ninh, một tờ báo...
Thành phố nằm dưới quyền của chúng trong hai năm thì trong một cuộc đấu súng, Smith bị bắn chết bởi Frank Reid, một kỹ sư của thành phố.
Skagway chỉ là trạm đầu tiên của những người tìm vàng. Họ phải vượt qua một đoạn đường dài 600 dặm vượt biên giới để vào Canada. Nhưng chuyến đi này rất gian khổ. Chánh quyền Canada bắt mỗi người phải đem theo 1 tấn đồ dùng vì không muốn họ bị chết đói trong vùng băng tuyết. Họ phải đi qua một dãy núi rất cao, vượt qua Ðèo Trắng (870 mét). Nhiều người đem theo ngựa để vượt núi. Họ bắt ngựa làm việc quá sức nên ngựa chịu không nổi mà chết. Có tới 3,000 con ngựa đã bỏ xác trên đường vào vùng đất hứa. Do đó Ðèo Trắng còn có tên là Dead Horse Trail.
Năm 1898, đoạn đường sắt từ Skagway vào chân Ðèo Trắng đã xây xong. Ðến năm 1900, toàn bộ tuyến đường sắt từ Yukon đi White Horse (Canada) đã hoàn tất và đưa vào hoạt động. Xây cất tuyến đường sắt này cũng rất khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng với quyết tâm và nhẫn nại, các kỹ sư và công nhân đã thực hiện con đường trong thời gian kỷ lục.
Một điều không làm cho người đầu tư vui lòng chút nào. Ðó là khi đường sắt làm xong thì vàng ở Krondike (và cơn sốt tìm vàng) cũng vừa hết.
Ðoạn đường sắt này phục vụ tới năm 1982 thì ngừng vì quặng mỏ cũng hết nên không cần chuyên chở nữa.
Ðến năm 1988, đường sắt được mở lại để phục vụ một nhu cầu khác. Ðó là du khách. Cảnh đẹp vùng White Pass đã lôi cuốn họ tới đây, và nhờ đó, đường sắt được phục hồi mặc dù giá tua không rẻ chút nào: trên 100 đô la cho một chuyến du ngoạn kéo dài hơn 3 tiếng.
Vài chuyện lạ về Skagway:
Dân số của thị trấn là 834 người. Mùa Hè có thêm chừng 1,000 người từ nơi khác đến để phục vụ du lịch. Mỗi năm có khoảng 450 du thuyền cặp bến Skagway vào mùa Hè. Trong ngày có 3 tàu cặp bến thì số người trong thị trấn tăng lên gấp 10 lần.
Trường học của thị trấn có khoảng 100 học sinh từ lớp 1 tới 12. Có 12 thầy cô giáo. Phần lớn thầy cô đều có bằng Cao Học. Học sinh ở đây học rất giỏi, thường thi đậu 100%.
Skagway có một trạm y tế với 3 y tá. Khi bịnh nặng phải chuyển bịnh nhân về Juneau bằng máy bay.
Ðường thủy vào Skagway có tên là Lynn Canal. Ðây không phải là một con kinh mà thật ra là một Fjord (vịnh biển hẹp do băng hà tạo ra).
Tuy được thành lập do cơn sốt vàng nhưng Skagway không có vàng. Vàng ở Yukon thuộc Canada cách đây 600 dặm Anh.
Bà Sarah Palin là cư dân của Skagway. Bà đã ở đây từ năm 2 tuổi tới 6 tuổi.
Chuyến thăm viếng Ðèo Trắng của chúng tôi:
Xe lửa du ngoạn vùng Ðèo Trắng. |
Chúng tôi tiết kiệm hơn nên mua tua thăm Ðèo Trắng bằng xe minivan. Xe khởi hành lúc 9 giờ 30. Ðầu tiên xe chạy ngang thị trấn Skagway với các cửa tiệm bán đồ kỷ niệm. Sau đó xe ra khỏi thành phố và ngừng ở trạm đầu tiên là:
Nghĩa trang những người tìm vàng: Nơi đây chôn cất những người tiên phong đến đây tìm vàng hơn hai trăm năm trước. Anh tài xế kiêm hướng dẫn chỉ cho chúng tôi ngôi mộ của “Soapy” Smith nằm ngoài bìa rừng và của kỹ sư Frank Reid nằm ngay giữa với trụ đá cao để vinh danh người anh hùng.
Mười phút sau, chúng tôi lên đường tiếp tục. Chúng tôi và xa lộ Krondike nối liền Skagway và vùng Yukon của Canada. Nói là xa lộ nhưng đường cũng chỉ có hai làn xe mà thôi và cũng rất vắng xe. Lâu lắm mới thấy một chiếc xe chạy ngược chiều. Ðường đèo quanh co. Hai bên rừng thông xanh cây cao vài chục mét. Cảnh trí cũng khá đẹp.
Bây giờ chúng tôi ngừng lại tại một trạm ngắm cảnh đầu tiên trên đèo. Từ đây, chúng tôi nhìn qua bên kia vách núi thì thấy đường xe lửa chạy men vách núi bên đó. Thỉnh thoảng lại có một chiếc cầu gỗ bắc qua những đoạn mà vách núi cong gắt. À thì ra, con sông Skagway chảy ở phía dưới ngăn vách núi ra làm hai phần. Phần bên kia đã làm đường xe lửa rồi nên đường xa lộ phải làm men theo vách núi phía bên đây. Dưới sâu, dòng sông Skagway có nước màu ngọc thạch đang cuồn cuộn chảy xuống. Ðột nhiên có một xe lửa chạy xuống ở bên kia, mấy du khách bên đây đua nhau chụp hình một cách hào hứng.
Chúng tôi lên xe để được đưa lên cao dần. Bên trái là trạm xét biên giới của Mỹ nhưng từ đây tới biên giới thật sự còn khá xa.
Chừng 10 phút sau xe ngừng để chúng tôi xuống ngắm cảnh. Ðây là một thác nước ở vách đá bên kia núi. Thác có tên là Pitchfork. Thác không rộng, bề ngang chắc chừng 10-20 mét là cùng. Thác nhỏ nhưng cao nên nước chảy mạnh và trông khá đẹp. Kế bên thác có một đường ống dẫn nước. Ðó là đường ống áp suất để chạy máy thủy điện cho Skagway.
Tiếp tục lên đường, bây giờ xe chạy ngang một chiếc cầu treo kiểu dây thẳng. Ðó là cầu Moore. Ðây là cầu bắt ngang một vực sâu rộng khoảng hơn 30 mét. Vực này được tạo thành do động đất chớ không phải là một con sông. Do đó cầu được xây hơi đặc biệt trên một trụ duy nhứt và có dây treo để có thể chịu được sự co giãn khi động đất. Chúng tôi sẽ chụp hình cầu này khi trên đường trở ra.
Càng lúc xe càng lên dốc cao. Những cây thông hai bên đường ngày càng lùn lại vì lạnh nên phát triển chậm. Mây mù dầy đặc, chỉ có thể nhìn xa chừng 20-30 mét. Chúng tôi đã tới đỉnh đèo Trắng. Cao độ đỉnh đèo là 1003 mét. Lúc này rừng thông chỉ lùn như những cây bonsai mà thôi.
Dòng suối trên đường phân thủy, phân nửa nước chảy về Ðại Tây Dương, phân nửa chảy ra Thái Bình Dương. |
Xe ngừng tại một thác nước bên đường. Thác này tuy nhỏ nhưng rất đặc biệt. Nước từ trên đỉnh thác chảy xuống sẽ phân làm hai. Một phần nước chảy về phía Mỹ để ra Thái Bình Dương. Một phần nước sẽ chảy qua Canada để ra Ðại Tây Dương. Chúng tôi đang đứng ở Ðường Phân Thủy của hai đại dương lớn trên thế giới.
Sau khi chụp hình thác nước ở đường phân thủy, xe chạy một đoạn ngắn nữa vào nước Canada đến Tormented Valley để xem cảnh quan hơi lạ của vùng thảo nguyên phương bắc rồi quay về. Từ lúc giã từ Skagway lên đây, mấy chục cây số không thấy có một mái nhà, không một dân cư nào. Hai bên đường thật hoang vu, vắng lặng. Anh hướng dẫn cho biết từ đây vào thị trấn đầu tiên của Canada cũng xa vài chục cây số nữa. Dọc đường cũng không một bóng người như ở đây.
Xe quay trở lại. Trạm đầu tiên chúng tôi ngừng chụp hình là tấm bảng “Welcome to Alaska.” Ở đây tôi mới thấy có bia kỷ niệm tuyến đường xa lộ Krondike do sự hợp tác của hai nước Mỹ-Canada cùng thực hiện. Chúng tôi đã qua biên giới Canada hồi nãy thì bây giờ đã trở lại để về Mỹ. Ðúng là chỉ “đi chơi cho biết.”
Trạm ngừng tiếp theo là một điểm ngắm cảnh thung lũng và chụp hình chiếc cầu treo Moore Creek. Sau đó chúng tôi ngừng tiếp ở một thác nước thật lớn ngay bên vệ đường để xem và chụp hình trước khi tới trạm xét của Mỹ. Ở đó, ông cảnh sát chỉ hỏi bác tài xế về quốc tịch của những du khách trên xe mà không lên xe xét hỏi gì cả.
Lúc này đã gần 12 giờ trưa, tưởng chuyến đi đã kết thúc, nhưng không, chúng tôi còn được đưa tới điểm ngắm cảnh cuối cùng. Ðó là một nơi xem cảnh thị trấn Skagway từ trên cao: đó là Skagway Scenic Overlook. Từ đây, nhìn xuống phía dưới, thị trấn Skagway cảnh đẹp tuyệt vời. Sát chân núi sau rừng thông là con sông Skagway nước xanh màu ngọc. Cạnh bờ sông là phi trường Skagway trông giống như một xa lộ không xe. Xa hơn một chút là thị trấn Skagway nhà cửa nho nhỏ đầy màu sắc. Xa hơn nữa là bến tàu với ba chiếc du thuyền to lớn đang cặp bến. Phía sau chân trời là dãy núi xanh xanh cao ngất tận mây. Bên tay phải thấp thoáng một băng hà của dãy núi ở bên kia vịnh biển. Cảnh trí trông thật vắng lặng, thanh bình.
Hơn 12 giờ trưa, chúng tôi được đưa trở lại thị trấn Skagway để tự do thăm viếng nơi đây.
Viếng thăm phố xá Skagway:
Xe ngừng ở góc đường Broadway và 7th St. để chúng tôi tà tà đi bộ vừa ghé xem các cửa tiệm dọc hai bên đường chính Broadway của Skagway vừa đi về tàu. Giống như các nơi khác ở Alaska, dọc phố Skagway, người ta bán đồ kỷ niệm, đồ da, lông thú, và nhiều nhứt cũng là tiệm nữ trang. Nhà cửa ở đây trông cũng rất xinh xắn. Ðặc biệt là lề đường không tráng xi măng mà lát bằng gỗ. Có thể gỗ ở đây lại rẻ hơn xi măng chăng? Có một căn tiệm mà bề mặt được trang trí đặc biệt với các mảnh gỗ màu xám. Tiệm có tên là Camp Skagway No.1 được xây từ năm 1899. Căn nhà cổ này là kiến trúc được chụp hình nhiều nhứt ở Alaska vì hình dáng đặc biệt của nó.
Căn nhà được chụp hình nhiều nhứt Alaska. |
Từ thị trấn về tàu có xe buýt (shuttle) với tiền xe chỉ 2 đô la, nhưng chúng tôi từ từ đi bộ vì trời đã hết mưa (lúc nào khi trở lại tàu cũng hết mưa!). Ăn trưa, nghỉ ngơi xong cũng hơn 4 giờ.
Tiệc hải sản:
Chiều nay chúng tôi lên tầng 14 xem người ta nướng cá tôm để ăn chơi vui vẻ ở đây. Ăn buffet ở trong nhà hàng chưa đã, người ta còn tổ chức nướng hải sản như tôm cá để du khách thưởng thức nữa. Họ có bán bia rượu để du khách nhâm nhi. Ðúng là đi cruise thì ăn uống tối ngày. Tương tự như vậy, trên tàu có buffet bánh ngọt rồi. Vậy mà còn có xe đẩy bánh ngọt và sữa đi vòng vòng để mời bà con ăn thử. Bánh ngọt rất ngon mà ăn nhiều dễ mập lắm!!!
Ngắm nhìn cảnh đẹp Lynn Canal:
Ðúng 5 giờ, tàu khởi hành trở lại. Lúc này trời còn sáng, cảnh vật hai bên bờ Lynn Canal (thật ra là một fjord) cũng rất đẹp với núi đồi, rừng thông, thác nước, mây trắng lững lờ. Chiều nay trời nắng đẹp. Ðây là ánh nắng đầu tiên mà chúng tôi thấy từ khi rời Seatle tới nay. Với ánh nắng đẹp đẽ đó, ngồi bên cửa sổ tàu ở lầu 14, bên một ly cà phê, ngắm cảnh núi đồi khi tàu di chuyển bạn sẽ có một cảm giác thật tuyệt vời về một ngày nhàn rỗi. Thử nghĩ nếu ở Cali, ta đi du thuyền vừa ăn tối vừa ngắm cảnh, một lần như vậy cũng tốn vài ba trăm đô. Ở đây phong cảnh đẹp hơn, mọi người hân hoan vui vẻ. Thế là thú vị quá rồi.
Xem show “I got the music”:
Chiều nay chúng tôi ăn tối ở nhà hàng buffet. Lúc 8 giờ chúng tôi xuống rạp hát để xem show thì thấy khán giả đã ngồi chật rạp. May thay, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra được hai chỗ gần nhau. Trên tàu Princess này rạp hát hơi nhỏ nên show nào cũng hết ghế.
Tàu Princess cặp bến Skagway. |
No comments:
Post a Comment