Friday, August 26, 2011

Đất Phương Nam(2)

“Việt Nam: Một thời để nhớ”, đến với độc giả hằng tuần, ghi lại tất cả những cái hay, cái đẹp của đất nước và con người Việt Nam trước đây, mà tiêu biểu là thời gian trước khi chế độ tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam sụp đổ hồi Tháng Tư năm 1975. Không phải đất nước và con người Việt Nam ngày nay dưới chế độ Cộng Sản hoàn toàn không có gì là hay, là đẹp, nhưng nếu dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới hiểu biết được tường tận chủ nghĩa Cộng Sản - như những gì họ hiểu ra khi Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết, cha đẻ của các chế độ độc tài, đảng trị cộng sản thế giới, cùng các nước chư hầu ở Ðông Âu tan rã hồi năm 1991 - thì những người Cộng Sản Việt Nam đã không thể nào đánh chiếm được Miền Nam tự do cách nay hơn ba thập niên, để rồi đưa đẩy đất nước đến chỗ đầy những hỗn loạn xã hội và ô nhiễm môi trường trong khi con người Việt Nam thì ngày càng thêm phân hóa trước cái hố cách biệt quá sâu giữa người giàu và người nghèo, bởi vì quyền lực và tiền bạc chỉ tập trung vào tay giới đảng viên và cán bộ cộng sản thống trị đất nước.
Trên trang báo này là các nhận định, hoài niệm hoặc tâm tình về những gì thể hiện nét đẹp và cái hay của “một thời vàng son xưa cũ” (the good old days) hoặc của “những ngày xưa thân ái” (như ý nhạc Phạm Thế Mỹ), tỉ như một “Hà Nội ba mươi sáu phố phường,” một “Huế đẹp, Huế thơ” và một “Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Ðông” hoặc, ấn tượng hơn, là cái hương vị đậm đà của một tô phở Bắc, cái nét e ấp trong tà áo dài tha thướt của một nữ sinh Ðồng Khánh và mấy câu vọng cổ ngọt đến lịm người trên sông nước Tiền Giang. Gần đây nhất và mang tính thời sự hơn, “Việt Nam: Một thời để nhớ” có thể chỉ là lời tâm sự về một Sài Gòn cũ với “nắng còn in trên đại lộ” nơi có dáng dấp của một “dáng huyền còn đứng nghiêng nghiêng” như từng được thể hiện qua lời nhạc của Nam Lộc, người “nhạc sĩ của Tháng Tư”...
Các bài viết đăng tải trên trang “Việt Nam: Một thời để nhớ” không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Nhật Báo Người Việt, mà chỉ là quan điểm riêng của từng tác giả. Muốn đóng góp bài vở cho trang “Việt Nam: Một thời để nhớ” xin quý vị email về địa chỉ: vannphan@yahoo.com.
Võ Long Triều
http://www.sinhcafe.com.vn/Thumbnail.aspx/1/0/0/7460f97c242442278b96efe188086a88-DB_songCuuLong_opentour%20(14).jpg/DB_songCuuLong_opentour%20(14).jpgTuổi già con người hay sống lại với những kỷ niệm xa xưa. Ngồi một mình tưởng nhớ thời thơ ấu, hay kể lại cho con cháu những thú vui mà bây giờ chúng nó không còn cơ hội để thưởng thức bởi hoàn cảnh và điều kiện sinh sống không giống như thời đã qua. Cũng có lúc cùng với bạn bè nhâm nhi trà rượu kể cho nhau: Hồi đó tao thế nầy mầy thế khác, quê tao ruộng ít vườn nhiều, quê mầy ruộng đồng mênh mông, đến mùa lúa chín nhìn giống như mặt biển vàng rực rỡ. Mỗi khi gió đùa sống gợn nhưng lúa vàng không rớt xuống đồng.
Làng tôi nhỏ tên gọi là Phú Thuận, cạnh bên Tân Hưng và Châu Hưng, thời Pháp thuộc nhập ba xã thành Châu Phú Hưng, quận Bình Ðại, trước thuộc tỉnh Mỹ Tho sau nhập vào tỉnh Bến Tre. Khai sanh của tôi vẫn ghi tên xã Châu Phú Hưng tỉnh Mỹ Tho.
Thời tiết miền Nam, đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hai mùa: Mưa và Nắng. Mưa từ khoảng tháng 4 cho đến tháng 10, nắng từ tháng 11 đến tháng 3. Trận mưa đầu mùa gọi là “sa mưa dông”. Năm nào hạn hán, đồng khô cỏ cháy thì dân chúng xôn xao, già trẻ bé lớn đều than vang khấn vái. Bởi vì ruộng khô, nhà nông không cày cấy được, trễ mùa thất thu gia đình khốn khó. Những gia đình không phải nông dân cũng cần hứng nước mưa chứa vào lu, mái, để dành uống suốt năm. Khi tấm giặc thì dùng nước sông nước viếng. Do đó trời mưa hay nắng hạn quan trọng vô cùng đối với dân trong làng.
http://vistalandtravel.com/images/tours/2008_07/281/Song%20nuoc%20cuu%20long.jpg
Nắng hạn đi bơi
Nếu cuối tháng 4 mà trời vẫn còn nắng hạn, dân làng tha oán, hương chức hội tề nhóm họp liên miên, bàn tán có nên tổ chức “Ði Bơi” để cầu trời xin mưa hay nên chờ đợi. Ði bơi là một truyền thống lâu đời của làng tôi. Một hình thức toàn ban hương chức hội tề và dân làng cầu trời một cách trang trọng và thành khẩn nhằm mục đích duy nhứt là xin trời mưa xuống cho dân nhờ.
Hương chức hội tề có nghĩa là ban lãnh đạo làng xã. Ban cố vấn gồm hai bậc trưởng thượng uy tín nhứt trong làng: Hương Bái, Hương Bồi do ban hành chánh của làng bình bầu và ông Hương Cả đích thân mời thỉnh. Nhiều vị Bái, Bồi hoặc khiêm nhường, hoặc muốn làm giá, nên eo xách từ chối đôi ba lần trước khi nhận chức. Hai vị nầy chủ xướng việc tế lễ cúng bái trong làng như cúng thần hay tế trời đất.
Ban hành chánh gọi là hương chức hội tề gồm có 12 vị: Hưng Cả (chủ tịch), Hương Chủ (phó chủ tịch), Hương Sư (cố vấn), Hương Trưởng (ngoại vụ), Hương Chánh (nội vụ), Hương Giáo (giáo dục), Chán Hương Quản và phó (cảnh sát) Hương Thân (thư ký nôi dịch), Hương hào (thư ký ngoại dịch), Chán Lục Bộ và phó (tài chánh, nhiệm vụ chính là thu thuế ). Thời pháp thuộc, lúc tôi còn nhỏ có khoản thuế thân là ác nghiệt nhứt. Mỗi người dân trong làng từ 21 tuổi trở lên phải đóng thuế mỗi năm để có quyền sinh sống trong làng. Người ta bị xét giấy thuế thân như xét thẻ căn cước bây giờ. Có người nghèo quá trốn thuế bị chánh lục bộ đề nghị Hương Quản bắt “đóng trăn”. Nhiều người ở tỉnh thành không biết đóng trăn là gì, có lẽ cũng nên giải thích sơ qua.
Cây trăn làm bằng hai tấm ván dầy bề ngang năm tất bề dài khoảng hai thước, chồng lên nhau theo chiều đứng của bề ngang, kẹp trong bốn cộc cứng chắc ở hai đầu, tấm ván trên có thể kéo lên hạ xuống. Trên mặt hai tấm ván có khoét hai lỗ nhỏ vừa với cổ chân người. Tội phạm đút hai chân vào, tấm ván trên hạ xuống, trên hai cộc cây của hai đầu có cây nêm đóng cứng lại, hai tấm ván khít rịt không kéo lên xuống được nửa cho tới khi có người mở nêm. Tội nhân chỉ còn nằm chờ hương chức hội tề phân xử hay giải về quận hoặc tỉnh thành. “Ðóng trăn” đồng nghĩa với còng nằm bây giờ, bằng một thanh sắt xỏ ngang còng chân đóng dính vào sàn nhà.
Nếu hạn hán kéo dài làng phải tổ chức “đi bơi”. Ban hội tề chỉ thị cho ông“dân trường”, người tùy phái của làng đi khắp nơi thông báo ngày dân làng phải đi bơi. Trai tráng và người khỏe mạnh trong làng phải đem theo “cây dầm”, loại chèo tay ngắn để bơi, những ai không có dầm phải cầm theo một khúc cây giả như cây chèo.
Sáng sớm ngày phải đi bơi, tiếng mõ đánh ba hồi lợi ba dùi, dân làng tụ tập trong sân đình cũng gọi là “nhà việc”, nơi hương chức hội tề nhóm hợp.
Mõ hồi một là tiếng mõ đánh liên hồi rồi ngưng và đệm liền thêm một tiếng. Ðó là tiếng còi báo động có việc khẩn cấp. Còn mõ ba hồi lợi ba dùi là để tập họp dân làng với mục đích gì đó. Mõ hai hồi lợi hai dùi là việc quan, gọi hương chức hội tề, thường là Hương cả và Hương Quản.
Cái mõ thường làm bằng một khúc cây gốc “mù u” dài khoản một thước rưởi. Giữa thân mõ có khoét một lỗ bề ngan chừng 5 phân, dài một thước, đục bộng ruột. Dùi mõ cũng làm bằng cây mù u ngắn. Mõ đánh nghe tiếng cum ngân vang, dội xa. Dùng làm vật báo hiệu cho dân trong làng.
Sau ba hồi mõ mọi người có mặt đầy đủ, hương chức hội tề mặc khăn đóng áo dài, có ông đội nón lá, ông nào giàu đội “nón cụ”, kết bằng cánh lông chim, lông vịt màu xanh hay đen trên chót nón có gắn hình tháp nhọn bằng kim khí màu bạc, quay nón bằng vải nhiễu xanh hay đỏ. Tất cả xăn ống quần lên khỏi đầu gối. Ý nghĩa là sẽ có nước nhiều đến nỗi phải xăn quần lên mà lội.
Ông Hương cả dẫn đầu, tất cả hàng một theo sau. Ông lớn tiếng hô to:
- Lạy trời mưa xuống! Mọi người la theo:
- Hố bơi! (Tay cầm chèo hay cầm cây giả bơi như ngập nước phải ngồi thuyền.)
- Cầu trời cho ruộng nước đầy đồng!
- Hối bơi!
- Dân làng cày cấy dài công!
- Hố bơi!
- Ðược mùa no ấm mọi người vui tươi.
- Hố bơi!
- Dân Làng Phú Thuận rập đầu!
- Hố bơi!
- Cầu xin trời phật thương tình
- Hố bơi! Một ông hội tề nào đó cũng xướng:
- Cả làng cầu khẩn ơn trên!
- Hố bơi! Một người dân nào đó cảm hứng dạng miệng cũng xướng theo:
- Chúng con cầu xin trời đất!
- Hố bơi!
- Mưa xuống cho ruộng đầy nước cho lúa đầy đồng.
- Hố bơi!
Ðám đông theo hàng dọc đi khắp trên các bờ đê, hết thửa ruộng nầy đến thửa ruộng khác, cứ như thế mà xướng hô và cứ như thế mà bơi cho đến trưa mới trở về sân làng giải tán. Năm bảy ngày sau mà trời chưa mưa lại phải đi bơi nữa. Và nếu có mưa thì mọi người khoan khoái bảo rằng nhờ đi bơi. Thời tôi còn sống trong làng có dịp chứng kiến được ba lần dân đi bơi trong đó có thân phụ tôi.
Cúng đình tế thần
Mỗi năm làng phải tổ chức “đám đình” một lần để cúng Thần cầu xin cho dân an và sinh hoạt của làng phát đạt.
Thần là một bài vị do vua sắc phong ghi tên một danh tướng, để trong một hợp nhỏ màu đỏ bên ngoài có mạ kim tuyến vàng. Bởi vậy mới có câu “Sinh vi Tướng tử vi Thần”. Tên ông thần làng Phú Thuận, tôi có biết qua lúc còn nhỏ, nay đã quên.
Ðám đình nào cũng phải có một gánh hát bội diễn lại những chuyện cổ tích bên tàu thường dựa vào chuyện Tam Quốc Chí. Cũng có năm phải tế lễ đặc biệt cúng trời đất thần thánh mỗi khi có hạng hán hay thiên tai do bệnh truyền nhiễm hoành hành. Lệ cúng đình mỗi năm theo ngày tháng qui định, kéo dài ba ngày. Các hương chức cấp cao từ Chánh Hương Quản trở lên phải cúng một mâm xôi đậu, vị nào nghèo xin làng châm chế cúng xôi trắng như ông Hương Giáo Sen cũng không thành vấn đề, các hương chức nhỏ cúng xôi trắng. Lệ cúng đình phải có một hoặc nhiều con heo quay và heo trắng. Chầu hát, heo quay, heo trắng thường do các ông trưởng thượng giàu sang cúng hiến dù là hương chức hay dân thường. Nếu không đủ vật tế lễ thì làng xuất tiền “công nho” ra mà mua hay trả tiền thuê gánh hát.
Ngày chánh lễ cửa đình mở rộng, Ông nội tôi, Quan Huyện, đi đầu, Hương Bái, Hương Bồi khăn đóng áo dài trịnh trọng theo sau, học trò lễ mặc áo dài bằng nhiễu xanh đầu đội mũ quan có vải lòng thòng sau lưng chấm ót, chấp tay đứng hai hàng. Ông Bái khởi xướng có ca có kệ: Cúc cung bái.., học trò lễ phụ họa nghe êm tai rợn người.
Hành lễ xong, đãi tiệc linh đình, quan ngồi bàng quan, dân ngồi trên hai bộ ván cũng thường gọi là bộ ngựa ở nhà sau, hết đợt nầy tới đợt khác, người trong làng xúm nhau xào nấu dọn ăn cho đến khi hết người dự.
Sáng hôm sau dân trường bưng mâm theo ông Hương Hào Ba xin yết kiến ông nội tôi. Ông Ba đại diện làng kiến thịt cho Quan Huyện. Trên mâm có một đầu heo quay, đủ mọi thứ lòng, tim gan phèo phổi, mỗi thứ một miếng nhỏ, một đuôi heo, một miếng thịt và một gốc xôi cắt xéo. Tục lệ là phải kiến “đầu đuôi thủ vĩ,” có nghĩa là tượng trưng cho tất cả con heo.
Nhiệm vụ của gánh hát là phải về làng sớm hai ngày. Chiều chiều giống trống lắt cắt lùng tùng để quảng cáo cho dân biết và loan truyền sang làng lân cận để họ tham dự. Trai gái hồ hởi chờ ngày xem hát, thực tế nhứt là có dịp làm quen, trêu ghẹo nhau giao tình. Con nít thì ăn hàng, xem hát, phá phách đủ trò. Bánh kẹo chỉ có bánh ích, kẹo đục, hột vịt lộn, bắp rang bắp nấu, bánh phòng, mía, sửa đậu nành. Vậy mà trẻ con ăn uống hết ngày nầy sang ngày khác hết đêm nầy sang đêm khác vẫn còn muốn ăn. Ban đêm có hát bội đông người xem, ban ngày thì đám con nít vui đùa đông nghẹt. Tuồng hát do ban hội tề bàn thảo và chọn những khúc truyện nào phải diễn trong ba đêm. Sau khi chọn cốt truyện rồi, Hương Trưởng Biện tới nhà tôi trình cho ông nội và thỉnh ý xem ông chấp thuận hay muốn thay đổi cốt truyện tuồng hát. Luôn luôn ông nội tôi bảo: Làng quyết định sau tôi thuận vậy, cần gì phải thay đổi. Nhưng ông thường hỏi ai đưa ra đề nghị và ai thuận, ai bát như thế nào, rồi ông bình luận vắn dài cưới ngất với vẽ hài lòng.
Ðêm hát đầu tiên ông nội tôi được mời “cầm chầu”. Có nghĩa là ngồi trước một cái trống to đề trên khuôn, vừa tầm tay, dùi trống vấn vải đỏ. Mỗi khi ông nội tôi cảm thấy hay vì điệu múa, tiếng hát ly kỳ, cảnh tượng cảm động, Tướng công giận dữ thì ông đánh thùng một tiếng tỏ ý ông khen hay, hai tiếng khá hay, ba tiếng rất hay, nổi hứng ông đánh bốn năm tiếng khen hay lắm thật hay Có khi ông cầm tiền bảo người hầu đem quăn lên sân khấu thưởng cho một đào kép nào đó thì đào kép đó hát vừa xong đoạn của mình vào trong phải trở ra liền cuối sát đầu, chân bước lui nhanh chống với tiếng trống cơm nhỏ đánh liên hồi. Ðào kép đó lập lại ba lần tỏ vẻ lạy tạ ơn. Gánh hát nào mà không được người cầm chầu khen thưởng bằng tiếng trống thì đừng hồng năm sau trở lại làng tôi hát tiếp.
Nhười ta thường nói trong đời có bốn cái ngu trong đó có cái ngu cầm chầu. Bởi vì khi người cầm chầu mà khen thưởng không đúng lúc, đúng thì, sẽ bị người xem phê bình và chế diễu khinh khi. Mà thói thường đâu có ai cùng một ý với ai, bởi vì đoạn hát nầy có người cho là hay, có thể người khác thấy dỡ, hoặc dù có hay cũng chưa đáng ba dùi trống. Hay là có chỗ không đáng một tiếng thùng.
Tiếng đồn ông nội tôi cầm chầu hay. Có lẽ vì chức quan của ông khá lớn đối với dân làng nên người ta không dám chê, hay vì tuổi già ông đã từng đọc và bàn qua khá nhiều về truyện Tam Quốc Chí.*Mùa nắng bắt đầu, tôi đi xôm lươn
Thời tiết đồng bằng sông Cửu Long có hai mùa: nắng và mưa. Ðồng ruộng khô dần, bùn sệt cứng, bước chân đi không lún. Những con lươn còn sống sót rút sâu xuống hang. Ðêm đêm chúng nhoi đầu thò mỏ ra hứng sương. Do đó, người đi xôm lươn ban ngày nhìn kỹ mặt đất thấy chỗ nào có một lỗ nhỏ trơn lu, hay lợn cợn dính vài hột bùn còn ướt do lươn ngậm đất lấp lỗ thông hơi thì biết liền bên dưới có lươn.
Tôi học xôm lươn, nghéo ếch là do bác Ba Ninh chỉ cách và mách dạy kinh nghiệm. Bác Ba là người giúp việc cho gia đình tôi từ lúc bác còn nhỏ cho đến khi bác lớn khôn. Ông nội tôi cưới vợ cho bác và cấp cho vợ chồng bác 2 công dòng, gần đất thánh gia đình có lăng mộ của ông cố tôi. Vợ chồng bác ba Ninh trồng khoai, tỉa bắp, nuôi heo, nuôi gà để sinh sống.
Mỗi khi nhà tôi có cúng giỗ, đám tiệc hay ngày Tết thì cả nhà bác tự nguyện đến dọn dẹp nhà cửa, chưng bông, phụ lo việc bếp núc. Cũng có khi cần người lao lực ba tôi chỉ hú một tiếng là có mặt bác ngay, cùng với một người bạn trang lứa của bác cũng sống bằng sự giúp đỡ của ông nội tôi. Bác Ba là dân nhậu nên biết nấu những món ăn ngon như: lươn rút xương, lươn um dừa, lươn xào lăn, ếch bầm xào khô, cháo ếch đậu xanh, lá cách xào nhái, chim chuột, quay chảo. Vì là dân nhậu nên bác thường đi kiếm mồi trong thiên nhiên bằng cách đào chuột, đuổi chim, nghéo ếch, xôm lươn, câu rê... Tôi thường theo bác trong mọi sinh hoạt thích thú đó mỗi khi bãi trường về quê.
Cây xôm lươn làm bằng thanh sắt nhỏ dài độ một thước. Ðầu trên tra cứng vào cán cây tròn bằng cổ tay dài một tấc, vừa đủ để nắm chặt xôm sâu. Ðầu dưới cây xôm chẻ làm đôi, nông rộng ra độ một phân, giũa nhọn, chặt ngạnh để lươn dính vào không tuột ra được.
Buổi sáng đi sớm, lươn còn luồn trong bùn cạn, xôm dễ trúng. Càng về trưa lươn càng lặn sâu tránh nóng, người xôm phải nhấn lút cây chĩa, có khi cũng không trúng nó. Mỗi lần tìm được lỗ hơi thì cứ đâm thẳng cây xôm xuống bùn, đâm chung quanh một vùng chừng một thước vuông. Nếu may mắn trúng vào lưng nó thì cây xôm động đậy ngay, tay cầm cây xôm cứ vặn tròn nhiều vòng cuốn tròn con lươn lại làm cho nó khó vùng vẫy để thoát thân. Và cứ thế mà từ từ kéo nó lên gỡ ra bỏ vào đục.
Cái đục là một thứ giỏ tròn đan bằng tre, miệng ống cao có nắp đậy, có giây mang. Những ai lười không mang đục theo thì chỉ cần một sợi giây lát xỏ vào mang xuyên qua miệng con lươn, xách theo chờ cơ hội xỏ thêm nhiều con khác nếu trúng mối. Ngày nào đi về tay không thì khỏi mất công mang đục lè kè. Không mang theo đục cũng có cái lợi là đi dọc đường, người quen hỏi đi đâu mình nói đi xôm lươn, dù là trên đường về nhà tay không, tránh khỏi bị người ta yêu cầu dở đục cho xem thử có nhiều hay ít.
Sự tò mò của dân quê trong làng nó có một thứ thâm tình khó nói. Họ ngưỡng mộ nếu thấy mình xôm được nhiều lươn, họ tội nghiệp nếu thấy cái đục trống rỗng! Còn người chủ đục thì sượng sùng mắc cỡ, hoặc khi có nhiều thì phải biếu xén hàng xóm láng giềng. Người nào ích kỷ chỉ xôm vài con đủ ăn, đủ nhậu ngày đó thôi. Còn những con lươn ngoài đồng thì “rộng đó” chờ ngày khác. Làng tôi có ba người nổi tiếng là tay nghề xôm lươn nghéo ếch. Bác Ba Ninh, Dượng Ba Thình và Chú Sáu Lưu, cả ba đều là dân nhậu lai rai, sống ngày qua ngày một cách thoải mái. Họ cuốc dòng trồng khoai, cày ruộng gặt lúa theo mùa. Ðuổi chim nghéo ếch đào chuột theo lúc. Tôi thường dự những buổi nhậu của Bác Ba Ninh và bạn bè bác, những món tôi thích ăn nhứt là lươn xào lăn, ếch bầm xúc bánh tráng và chim mỏ nhát quay chảo. Thiên hạ đồn rằng thịt lươn có tính cường dương, lúc nhỏ tôi ăn thường nhưng không biết nó có dương tính hay không? Tôi thuộc loại “phá mồi”Ô nghĩa là chỉ biết ăn mà không biết nhậu. Bác ba luôn luôn nhắc mời tôi: “Ăn đi con”, mặc dù chỉ có một con lươn hay vài con ếch không đầy một dĩa mà tôi chĩa gần hết phân nữa. Các bác vui thấy tôi ưa thích món nầy hay món khác còn mấy ổng thì chỉ cần vài trái me non, me giốt hay khế chua, nhâm nhi uống hết xị rượu nầy đến xị khác, có khi tôi ăn no nê về nhà mà trưa chiều trở lại còn thấy đám nhậu sần sì người tỉnh, người say.
Người ta có thể bắt lươn bằng cách đặt ống trúm. Họ lấy một ống tre dài hai mắt, đầu cuối có mắt tre bít lại, phần trên chẻ ra thành nhiều cộng banh lớn ra, đương với nan tre vuốt mỏng chừa lỗ vuông nhỏ, đầu trên đậy bằng một cái hom, con lươn chun vô được mà không thể chui ra. Trong cái bộng tre đương đó người ta bỏ mồi thúi, thường là ruột gà, rắn chết sình chặt từng khúc ngắn. Ðem ống trúm ghim xuống bùn trong mương hay rạch, vài ngày sau lấy lên có thể bắt được lươn.
Mình lươn có nhớt rất trơn, nhớt là một phương tiện tự vệ, mỗi khi bị nắm bắt, tự nhiên mình lươn tiết ra một chất nhớt trơn tru để thoát nạn. Cho nên kỹ thuật bắt lươn không phải là mò trúng nó dưới bùn rồi nắm chặt. Nắm trọn mình con lươn trong tay mười lần nó vuột ra hết tám, chín lần. Người bắt lươn mỗi khi mò trúng nó thì quấu hai ngón tay trỏ và giữa, siết chặt vào ba ngón còn lại, làm cho xương sống nó công sức luồn vuột của nó bị giảm thiểu tối đa. Mò bắt lươn trong mương, trong đìa tát cạn tôi có làm qua. Còn đặt ống trúm thì chưa bao giờ tôi thử.
Cuộc sống của mấy ông bợm nhậu nói trên thật thanh nhàn an phận, không ganh đua, không tham vọng. Con cái trong nhà giúp cha mẹ nối nghiệp nhà nông. Hình như cuộc sống của họ bị đóng khung vào giai cấp nông dân. Họ chấp nhận như vậy. Sung túc hay đói khổ chỉ nhờ trời mưa nắng thuận mùa hay nghịch cảnh.
Lúc tôi còn nhỏ thấy họ chân lấm tay bùn thì tội nghiệp. Thấy họ vui chơi hưởng lạc với bạn bè qua ly rượu chén trà, tôi tiếc giùm cho họ. Tại sao họ không tận sức lao động tạo thêm điều kiện cho gia đình mình vươn lên. Bây giờ tuổi đời quá thất thập, vinh nhục, sang giàu có nếm đủ thì tôi lại tiếc rẻ sao mình không được ông trời ban phát cho một nếp sống giản dị an nhàn như vậy? Phải chăng là vì tôi đứng núi nầy trông núi nọ?
Thật ra, sống trong xã hội nào cũng vậy, nhà quê, tỉnh thành, xứ tân tiến hay nghèo chậm tiến, nơi nào cũng có những người ham danh, tham lợi, bon chen ganh ghét, đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái. Nơi nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Nhưng thông thường, đa số người dân quê chất phác thật thà, lòng dạ cởi mở trọng nghĩa, khinh tiền, nhứt là người miền Nam thời đại trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Có những buổi trưa xôm lươn về, trời nắng chang chang, mấy thằng chăn trâu đồng tuổi với tôi ngồi chễm chệ trên lưng con trâu đang cúi sát đầu, mài miệng nó trên đám cỏ cùng còn sót ở các bờ đê. Mùi nắng khét, bùn tanh, pha mùi rơm rạ là đặc hương của đầu mùa nắng. Chiều tối, người ta đốt rơm tưới thêm nước với mục đích tạo thật nhiều khói để un cho muỗi bớt cắn trâu trong chuồng. Mùi khói đó đối với tôi có một hương thơm đặc biệt. Tất cả mùi thơm của lúa chín, của bông cau, của mạ non, mùi bùn, mùi khói là những đặc thù của ruộng vườn quê tôi. Nó làm tôi nhớ lại cái định nghĩa cụm từ “lòng yêu nước” do Thiếu Tướng cố Tổng Thống Charles de Gaulle, người hùng đã cứu nước Pháp hai lần, viết trong quyển hồi ký “L'appel du 18 Juin” của ông. Khi ông tự hỏi lòng yêu nước là gì? Thì ông cũng tự trả lời: Phải chăng là mùi thơm của đồng quê, lúa mì, cây cỏ, nó khiến cho con người cảm nhận bổn phận phải bảo vệ mùi hương đó cho xứ Pháp tồn tại dù phải hy sinh tính mạng của mình. Tôi nghĩ ông Charles de Gaulle có lý. Yêu nước, thương quê hương là như vậy. Nhớ nhà là cái gì? Phải chăng là nhớ đồng quê, làng xã của mình, hay là đường phố với hàng cây bóng mát, với nhà lầu, cao ốc, xe cộ đầy đường đối với người ở tỉnh thành. Nhớ như bài hát nhớ Saigon của nhạc sĩ Nam Lộc: Saigon ơi ta đã mất người trong cuộc đời.
Có những buổi chiều mặt trời sắp lặn, từng đoàn năm ba con trâu lớn nhỏ, với người mục đồng nón lá trật sau lưng, đầu trần, ngâm nga một vài câu vọng cổ buồn. Hay là xa xa có tiếng vi vu của anh chăn trâu nào đó biết thổi sáo, giọng thăng trầm thật ảo não trong cảnh chiều tà. Hay là có ai đó ngồi trên lưng trâu hút gió lẩn biến trong màu tím sậm dần của hoàng hôn. Thật là thơ mộng, tiếc rằng lớn lên tôi không còn cơ hội thưởng thức được những cảnh trời chiều đẹp buồn như vậy. Nếu không, biết đâu tôi cũng đã thành thi sĩ vô danh.
*Nghéo ếch
Ði sâu vào mùa nắng, đất ruộng càng khô, những dấu chân trâu giẫm đầy trên ruộng, khắp đồng lồi lõm, đi guốc không được, chân không thì bị cấn đau. Cũng may mà còn mấy gốc rạ, do người cắt lúa không tận gốc, cho nên cứ đạp trên đó mà đi thì không bị cấn. Dân quê làng tôi, thời đó ít có ai mang giày dép, trừ khi lên tỉnh thành hay đi đám tiệc, có người mang dép đi dự đám cưới đám giỗ, tiệc xong ra về họ lột khăn đống cởi áo dài vắt vai, cởi dép cặp nách đi chân không, có ông còn lột cả quần dài mặt quần cụt, áo bà ba về nhà. Bộ đồ bà ba là y phục thông dụng nhứt cho người lớn, nam cũng như nữ trong làng. Nông dân lao động thì mặc quần đùi, áo bà ba rách vá nhiều lỗ, cho dù trong nhà của họ lúa ví đầy bồ, trong tủ có giấy xăng nhét đầy “ruột ngựa”. Ruột ngựa là một thứ dây nịt may bằng vải có nhiều ngăn đựng tiền để cất giấu. Ðêm ngủ cột vào lưng sợ “ăn trộm đào ham”, hay phòng khi hữu sự chạy giặc, trốn cướp thì cột vào hông mà chạy. Ăn trộm đào hầm có nghĩa là đa số nhà ở thôn quê làm bằng cây, vách ván hay vách lá. Kẻ trộm muốn vào nhà chỉ cần khoét sát vách một lỗ to dưới đất, đủ rộng để cho người chui vô chui ra vào nhà lấy quần áo, lục tủ tiền.
Trở về chuyện nghéo ếch cũng là một trong những sinh hoạt vô cùng thích thú của thời thơ ấu mà bây giờ tôi nghĩ lại còn mơ tiếc. Ðôi khi tôi ôn tất cả những thú vui của tuổi đời từ nhỏ đến ngày nay và biết rằng không khi nào tôi sống lại được những giây phút đó. Vì vậy tôi ngầm thưởng thức bằng kỷ niệm, bằng mơ mộng trong trí nhớ. Ðôi khi bị bà xã quấy rầy, kêu tôi nói chuyện nầy chuyện khác, lôi tôi về với thực tế của hiện tại, tôi hay càu nhàu trách móc.
Nắng khô loài ếch còn sống sót, lớp nhảy vào rừng hay bụi rậm, chui nằm dưới nhiều lớp lá, hay trong những hang hóc, gốc cây, chờ đêm đêm nhảy ra ăn sương hứng mát. Lớp ếch khác đào hang trên ruộng còn ướt, sâu cạn tùy theo ruộng gò, ruộng trũng. Chúng ngậm đất lấp lỗ hang từng ngụm làm nắp hang sần sùi, sáng sớm còn ỷ ướt. Ðến trưa nắng khô nhưng vẫn biết được là hang ếch vì quan sát kỹ thấy chung quanh rìa tròn, lấp đất vụng về, sần sùi như dấu ráp từng ngụm đất. Lấy cây khều mạnh, bật nấp ra thấy liền một hang sâu cạn tùy ếch lớn nhỏ, tùy gò hay trũng. Ếch to thường gọi là “ếch bung”. Loài ếch nhái cũng như loài cá, trời cho chúng nó một giác quan đoán biết được mùa khô sắp đến, phải chịu đói khát thời gian dài, nên chúng tìm mọi cách ăn thật nhiều tạo đầy mỡ trong cơ thể để tiêu hao dần lúc nắng hạn không có mồi. Giống như loài ốc ở Âu Châu, chúng ăn no đủ mập để ngủ Ðông. Hay là chim, thú ở vùng tuyết lạnh cũng phải chuẩn bị cho thời gian thiếu thực phẩm.
Loài cá đồng thì cảm nhận được mùa khô sắp đến nên cá lóc, cá rô, cá trê đua nhau bỏ ruộng hướng về sông, rạch hay ao đìa mà lội, lóc, nhảy, tìm đường sống. Do đó người ta mới làm hầm đón ngả đi của chúng mà bắt, hoặc những con di chuyển không kịp kẹt lại nằm trên những vũng nước nhỏ sắp khô, người ta chui vào ruộng lúa chín tìm bắt gọi là “bắt cá cạn”. Còn tôi bây giờ tạm thời đi nghéo ếch.
Cây nghéo làm bằng thanh sắt thép nhỏ, thường là cây kèo của dù hư. Người ta lấy nó chặt ngạnh, giũa nhọn, uốn cong chừng hai phân. Lưỡi nghéo được tra vào một cán cây tre dài một thước. Lúc đầu mới tập nghéo tôi theo bác ba Ninh. Về sau tôi đi rảo quanh ngoài ruộng một mình, nếu gặp hang, lật nắp, thò nghéo xuống đụng phải vật gì mềm thì biết liền có ếch. Nghéo trúng, ếch la to nghẹo nghẹo inh ỏi, tôi mừng rỡ kéo lên. Thường trúng bụng lòi phèo, đổ ra một thứ gì như cái bông có tia tia màu cam, đó là mở ếch người ta gọi là “mùng tơi”. Ếch nào có nhiều mùng tơi là ếch đó mập. Tôi gỡ bỏ ếch vào đục, còn bác ba Ninh tôi thấy bác cột dây ngang eo con ếch, cột nhiều con thành một xâu xách lòng thòng. Ếch sống lâu khó chết dù lòi ruột đổ máu mà từ trưa đến xế chiều về tới nhà chúng vẫn sống nhăn.
*Mùa mưa bắt đầu tôi đi soi ếch
Trời sa mưa giông, đám mưa đầu mùa thường có giông to gió lớn, sấm sét ầm ĩ, mây đen giăng mịt trời, những lằn sét chớp như điện xẹt từng đường dài cong queo. Cảnh tượng đó đối với thằng nhỏ như tôi thật hãi hùng. Một phần vì sợ giông bão sập nhà một phần vì sợ trời gầm sét đánh trúng mình. Dù trong đầu tôi nghĩ nhà nền đúc tường gạch làm sao sập được, vậy mà tôi cứ mãi đứng nhìn cây cối đưa qua, quặc lai gần như chúng nó muốn ngả. Cái sợ vẫn ám ảnh tôi cho đến hết cơn mưa. Trời mưa như xối nước, sân trước nhà đầy nước, chảy xuống ruộng không kịp. Hột mưa lớn từ trên cao rớt xuống văng bọt lí tí cùng sân. Cơn mưa tạnh, gió lặng, khí mát, khoan khoái lạ thường.
Ðứng sau nhà nhìn ra đồng ruộng mênh mông nước ngập đều, nếu không có những bờ đê ngăn cách sẽ giống như mặt biển im lìm không sóng gợn. Cảnh tượng quen thuộc nầy toàn dân trong làng ai cũng chờ đợi từ mấy tháng nay. Người thì van vái cho trời mưa đúng lúc cày cấy kịp thời, người thì mong mỏi trời mưa vì nước chứa uống suốt mùa khô đã cạn. Chờ mong, trông đợi, rồi cuối cùng hớn hở vui mừng nhứt là tôi bởi vì tối nay tôi sẽ được đi soi ếch với chú tư Phiến, người giúp việc trong gia đình mà tôi gọi một cách thân thương là “binh tướng”. Chú tư có trách nhiệm chăm sóc anh em chúng tôi.
Nhiều ngày trước chú đã chuẩn bị lồng đèn, giỏ đục để đi soi ếch nhái rồi. Chú biết thế nào trời cũng phải mưa trong đôi ba ngày sắp tới, vì mây đen và sấm sét đã báo hiệu rồi, chỉ còn chờ gió lạnh đùa hơi nước đọng đổ xuống như giội nước tưới rau liên tục.
Trời hơi sậm tối là đã nghe tiếng ếch nhái khởi sự kêu vang. Quệt quệt là tiếng ếch, trẹt trẹt trẹt... kít kít là nhái ngan, có nghĩa là nhái nhỏ giống như ếch con, ngắt nghen ngắt nghen là nhái bầu nhỏ bằng ngón tay màu cam lợt. Dùng chúng làm mồi câu cá lóc là tốt. Trời tối dần, tiếng ếch nhái càng kêu ran trời, inh ỏi, lạ thường, khuya một chút đệm thêm tiếng ễnh ươn kêu quền quang kéo dài như tiếng trống đệm hay đờn viô-lông-xen kéo rền trong một bản nhạc hòa tấu. Thật ly kỳ ngay cả đối với những người thường nghe qua nhiều lần, huống chi là đối với người lạ ở tỉnh thành về quê thì họ càng ngạc nhiên hơn nữa. Người khác nghĩ gì tôi không biết, chớ đối với tôi, tiếng kêu không ngừng của muôn ngàn ếch nhái hòa thành một thứ nhạc ly kỳ ghi mãi trong trí nhớ của tôi. Và cứ mỗi khi nghĩ lại, tôi hình dung được cảnh tượng đó hiện rõ trước mắt, tiếng ếch nhái gần như còn dội bên tai như thật. Cái dấu ấn đó in sâu trong đầu, mỗi lần khơi động lại, nó hiện ra toàn diện hình như mới xảy ra ngày hôm qua.
Người ta nói khi con người sắp chết sẽ nhớ lại trong khoảnh khắc toàn bộ những kỷ niệm vui buồn của đời mình, chắc rồi vào những giờ cuối tôi cũng sẽ thấy cảnh tượng nầy hiện lại trong đầu, âu cũng sẽ là một bản nhạc tiễn đưa tôi đi đầy lý thú!
Ðèn soi ếch thông thường làm bằng ba miếng ván nhỏ ghép lại, một miếng nhỏ bít đầu dưới để đèn chông, một bít đầu trên có quai cầm tay. Cây đèn chông có tim đốt bằng dầu lửa chiếu sáng hơn dầu dừa và khó tắt. Nhà nghèo ít tiền không mua dầu lửa, người ta lượm dừa khô nạo ra thắng lấy dầu đốt ít sáng dễ tắt. Cây đèn để trong cái lồng mặt trống rọi sáng trước mặt cho phép thấy xa chừng hai thước. Mỗi người đi soi ếch thông thường ai cũng có hộp quẹt máy hay bao diêm để đốt đèn trở lại khi bị gió tắt. Có người bó tròn nguyên một tào lá dừa đốt thành đuốc đi soi, không tốn dầu, khỏi sợ gió tắt nhưng phải có một người vác theo vài ba cây đưốc mới đủ soi. Những ai không có quẹt lửa, gió thổi tắt đèn thì mò đến chỗ nào còn đèn sáng mà mồi. Có người xài đèn khí đá với những cục đá hóa chất bỏ vào một bình bằng kim loại đổ nước vô, đá xì hơi ra một lỗ thật nhỏ đốt cháy. Ðèn khí đá sáng ngời tỏa chiếu khá xa gió thổi không tắt. (đá “calcium carbide” cộng với nước, nhả ra khí a-xê-ti-len C2H2 đốt cháy. Ngày xưa thường dùng trong những ngọn hải đăng hoặc đốt sáng dưới các hầm mỏ)
Nhà quê người ta hay nói lúc “đỏ đèn” có nghĩa là trời tối tất cả mọi nhà đều đốt đèn thắp sáng. Cũng vào lúc đó, nhiều người xách đèn ra ruộng soi ếch. Càng tối càng đông người, về khuya cả trăm ánh sáng trải đều khắp ruộng làng. Ai ai cũng ham đi soi ếch bắt nhái. Tay trái cầm đèn, rà sát mặt nước, tay phải chụp lấy ếch nhái. Chụp trật không sao, đi vài bước nữa sẽ còn con khác. Ếch nhái ở đâu mà tự nhiên có nhiều như vậy? Chúng nó là những con vật ẩn thân trong rừng bụi hoặc dưới hang. Hết nắng hạn đến mưa rào, đúng lúc chúng nhảy ra lặn lội, chọn bè chọn lứa vừa ý bắt cập để sinh sản. Trời càng về khuya tiếng kêu rân bớt dần, bản nhạc hòa tấu diêu lại, tại vì đó là lúc ếch nhái đã bắt cặp nằm im hưởng lạc. Thường con đực nhỏ hơn con cái vì nó có buồng trứng to. Con đực nằm trên lưng con cái hai tay ôm chặt. Ðó là lúc chúng dạn dĩ nhứt, bất chấp tiếng động, không sợ người, mình chỉ cần thò tay bắt bỏ vào đục mà không thề sẩy. Một buổi tối như vậy chú tư, anh năm và tôi bắt hơn nửa đục vừa ếch vừa nhái. Sáng ngày trong đục dính đầy trứng xanh xanh đen đen của những con ếch nhái chờ có nước để sinh đẻ liền.
Hôm sau tại chợ làng có gần chục người đem ếch nhái ra bán từng xâu, rẻ rề. Tình trạng soi ếch nhái kéo dài cả tuần mới hết. Nhà tôi ăn nào nhái kho sả, đùi ếch chiên, xào lá cách nước dừa, nấu cháo, muối nướng vân vân. Ngon thật là ngon.
Con cóc ít thấy trong những ngày sa mưa dông, nhưng trong mùa trước khi mưa chúng nghiến răng nghe trèo trẹo. Bởi vậy mỗi khi cóc kêu là báo hiệu trời sắp mưa. Cho nên người ta nói con cóc là cậu ông Trời. Thịt cóc ăn được, nhưng phải bỏ hết ruột gan, không làm giập mật, phải rửa thật sạch. Con cóc không có thịt nhiều chỉ có bộ xương dính ít thịt. Người ta bầm ra nấu cháo ăn rất ngọt. Ngon hơn thịt ếch nhái nhưng phải tránh những con cóc tía màu đỏ còn gọi là cóc lửa. Gan cóc có vị độc như gan con cá nóc, dân làng tôi có người trúng độc. Lấy bông cây khế nghiền nát vắt nước uống giải độc không chết. Ðôi khi cũng có người chết vì không biết vị thuốc nầy.
Cô bảy tôi chặt đầu, lột da ếch làm thịt, hay tay trên của nó bịt đầu vuốt vuốt, thật là tội nghiệp, cô cười nói: Nó đang tìm cái đầu ráp vô đó. Có con chấp hai tay trên của nó lại, bà Hai Nghi nói nó lạy mình xin tha đó tụi bây, lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tội nghiệp thôi. Tôi lấy da ếch còn ướt bịt liền vào một lon sữa bò hay một gáo dừa khô nhỏ làm trống đánh lùng bùng, trò chơi của tôi với những đứa con nít trong xóm giả dạng hát Sơn đông hay đánh trống chầu.
Thịt ếch ăn ngon, nhưng chặt đầu lột da là cảnh tượng khá đau lòng. Bây giờ tôi mới thấm câu nói của đại triết gia Goethe, người Ðức: “Cái đau khổ của người nầy đem hạnh phúc lại cho người khác” (le malheur de l'un fait le bonheur de l'autre). Câu nói chí lý trong bất cứ chuyện gì, từ mua bán đổi chác, đấu tranh chánh trị, tranh đua thể thao, giao dịch xã hội, thậm chí trong chuyện nhỏ nhoi nầy là con ếch đau khổ tôi ăn thịt nó ngon lành.
Bẩy mươi lăm tuổi đời tôi nhìn lại tất cả mọi việc xẩy ra đều thấy đúng theo nhận định của Goethe. Nghĩ lại chuyện đời mà xem: Tổng thống đắc cử vui mừng hớn hở, ứng viên thua cuộc buồn tiếc tủi thân. Cộng sản chiếm miền Nam vui mừng chiến thắng, nhưng làm cho hàng triệu người đau khổ, nào cải tạo, nào bỏ xứ ra đi, và cả triệu người phải bỏ xác trên biển cả và rừng sâu.
Ðảng viên cộng sản cướp đất bán cho người nước ngoài làm giàu, tạo xe hơi nhà lầu, con cái ăn xài phủ phê. Cướp đất của nông dân làm sân golf cho cán bộ và người giàu tiêu khiển, hoặc bán cho người ngoại quốc xây dựng nhà máy kỹ nghệ bất chấp ảnh hưởng tai hại cho môi trường sống của dân chúng hay không, những sự kiện đó khiến cho hàng trăm ngàn người tan hoang nhà cửa đói rách lầm than. Phải chăng là cái khổ của người nầy gây vui sướng cho người khác?
Bắt cá cạn
Trời sinh những loại cá đồng có một giác quan thứ sáu, chúng nó biết khi nào mùa khô sắp đến phải tìm đường về những nơi có nước, ao đìa hoặc sông rạch. Ðìa là những ao lớn thật sâu nằm giữa ruộng, người ta vét đìa đấp đất cao hai bên bờ chừa hai đầu trống không đấp đất để đường cho cá xuống đìa vào mùa khô. Người ta còn đốn những chà cây bỏ xuống đầy khắp để cản trở kẻ gian câu cá trong đìa của mình. Giác quan thứ sáu của những loại cá đồng chỉ đường cho chúng đi một cách thật kỳ lạ. Giống như loài cá Salmon mỗi năm tới mùa đẻ trứng, từng bầy đen nghẹt bỏ biển vào sông, theo suối vượt đèo trở về nguồn gốc nơi chúng mới sinh ra ở Alaska để nhả trứng nối dòng.
Một nhánh của sông Cửu Long chảy ngang làng tôi bên hướng Bắc thẳng ra cửa Ðại, nhập vào biển Ðông. Cập sát bờ sông, rộng chừng một cây số bề ngang, chạy dài qua nhiều làng xã ra tới cửa biển là những vườn dừa dầy đặc với mương rạch dẫn nước nuôi cây. Thẳng về hướng Nam độ ba cây số là đồng lúa mênh mông bị cắt ngay giữa bằng một con đường đá chưa tráng nhựa chạy dài tới quận Bình Dại nằm ngay cửa biển.
Sống trong môi trường đó con cá nó biết hướng nào có nước phải tìm về, dù phải đi ngang qua lộ đá có khi phải bỏ xác. Tất cả sẽ di tản bằng mọi cách từ thửa ruộng nầy sang thửa ruộng khác dẫn ra sông qua các mương rạch nằm sát mí ruộng. Những con nào lốc không kịp, nhảy chưa tới mương đìa sông rạch thì đành chịu trận nằm phơi trong vũng nước cạn còn sót lại trong các thửa ruộng lúa chính vàng.
Thời điểm đó tôi hay chui lội trong những đám lúa chín để bắt cá cạn. Ðó là điều cấm kỵ bởi vì có thể làm rụng lúa ít nhiều. Các chủ ruộng luôn dòm ngó kiểm soát, sợ trâu ăn lúa dựa bờ, sợ có người tước bông lúa nuôi gà và đại kỵ là có người chui vào đó mà bắt cá cạn. Em tôi và tôi thường lợi dụng cái thế con cháu của chủ điền nên các chú bác tá điền nể nang không làm khó dễ.
Ðiều đó còn có thể giúp họ mượn cớ để xin ông nội tôi giảm bớt địa tô vì thất mùa và cũng vì chúng tôi phá phách. Ông nội tôi luôn luôn chế giảm rất nhiều để chuộc cái lỗi của con cháu ông đã phá làng phá xóm. Vả lại trong làng gần như tất cả đều xem nhau như là bà con xa gần dù không có chút liên hệ máu mủ gì cả. Từ thời ông cố tôi đến ông nội, năm nào cũng châm chế cho rất nhiều người, trừ những năm mưa thuận gió hòa lúa phơi đầy sân. Phần chúng tôi thì cứ ỷ lại làm bừa mỗi khi có cơ hội.
Thằng Tôn và tôi chui vào ruộng lúa, nằm đại trên đất bùn, trườn lết từ từ kiếm những vũng nước còn đọng lại, không hơn một thước vuông, cá lóc nằm phơi cựa quậy khó khăn, cử động không được như thường vì ít nước, có con nằm ngay đơ phùng mang ngáp thở. Ít khi gặp cá rô hay cá trê vì hai loại cá nầy di chuyển dễ hơn cá lóc.
Con cá rô di chuyển bằng cách nằm nghiêng, giương cái mang ra tạm cấm xuống đất hất mình tới, hoặc dựa trên cỏ mà lắc đi dù chậm nhưng chỗ nào cũng đi tới được. Còn cá trê thì dùng hai cái ngạnh bên trái và phải của nó tạm ghim vào đất hay cỏ mà lắc qua lắc lại đi đâu cũng tới. Chỉ có cá lóc là phải công mình chỏi nước chỏi đất mà phồng tới, đụng cây thì rớt lại tìm đường khác. Ðiều không may cho giống cá nầy là những bờ đê ngăn ruộng thường mộc cây lức cao thắp tùy nơi. Nhưng trời cũng cho chúng nó sức mạnh chỏi đuôi phóng khá cao. Cá di chuyển vào đêm lúc chạng vạng tối.
Làm hầm bắt cá
Thời điểm cá tìm đường ra sông, anh năm và tôi say mê việc làm hầm bắt cá. Muốn làm hầm phải quan sát và nghiên cứu con đường nước nào thuận tiện, ruộng lúa nào có nước sâu nằm gần các “ruộng gò” cao hơn. Ngoài việc đi quan sát còn phải hỏi thăm mấy chú bác trong làng đã từng làm hầm bắt cá mỗi năm lúc mùa khô bắt đầu.
Xế chiều là anh em tôi vác tàu lá dừa, mang nốp ngũ, xách đục (nốp là hai lớp đệm đan bằng giây lát, lớp dưới dùng như chiếu trải trên cỏ hay đất để nằm, lớp trên đang dính liền nhau dùng như chiếu đắp che sương, đầu đuôi và bên hông nốp dính nhau chừa một bên trống để người chui vào và mí nốp có độ hai tất xếp vào trong để sau khi chui vào người ta nằm đè lên mí xếp đó cho muỗi mồng trùng dế không vào được, nốp đôi là để hai người dùng, nốp chiếc dùng cho một người. Ðục là vỏ đựng cá). Chúng tôi làm hầm sớm để kịp hoàn tất trước khi trời tối.
Tới nơi chúng tôi đã quan sát và chọn trước, móc đất làm hầm. Chúng tôi lựa chỗ nước sâu của thửa ruộng nơi loài cá thích tập trung. Lội xuống móc đất đắp bờ thành một cái hầm bề dài độ 3 thước, bề ngang 5 tất, sâu 5 tất. Ðắp xong tát nước cạn, lấy bùn tô láng miệng hầm đắp lài xuống mí nước. Sau đó cấm những tàu lá dừa phía sát bờ ruộng lưa thưa đủ để chặn cá lóc phóng nhảy trúng vách lá rớt xuống hầm.
Chúng tôi trải nốp nằm trên bờ ruộng chờ tối trời cá bắt đầu di chuyển. Ðèn chông để sẵn trong lòng đèn bằng cây nhưng không đốt sáng vì muốn tránh làm cho cá sợ. Khoảng một hai giờ sau khi mặt trời lặn cá bắt đầu đi. Chúng tôi ngồi im, hay nói chuyện rù rì nhỏ to chờ nghe những tiếng “sạch” như ai chọi vật gì vào các tàu lá. Chúng tôi đếm 1 rồi khều nhau đắc ý. Sạch, 2, sạch 3 cứ đếm như vậy đến mười thì bật quẹt đốt đèn tới hầm bắt cá. Những con cá lóc nằm cựa quay cùng với nhiều cá rô và cá trê đã giương mang giương ngạnh mượn bùn lắc lư trèo lên miệng hầm và rớt xuống lỗ.
Cái thú vị làm cho say mê là những tiếng sạch lớn hay nhỏ mình có thể đoán được trọng lượng của con cá. Có khi mới đếm được 4, 5 tiếng “sạch” mà lòng nôn nóng, đứa nầy khều đứa kia muốn bật đèn đi bắt cá rồi. Nếu những tiếng “sạch” đó nối tiếp gần nhau thì chần chờ không nên vội vàng bắt sớm để tránh làm động những con cá gần đó vì sợ hãi phải đi tìm đường khác. Có khi tham lam chờ đợi thì cũng có lúc nghe tiếng “chũm” nghĩa là con cá nào đó phóng ngược ra ngoài ruộng nước, cũng có khi mình đếm mười mà chỉ bắt được 7 hay 8 là vì có con lọt vào hầm rồi mà còn tìm cách phóng đi trúng vách lá lần thứ hai, thứ ba làm mình đoán sai. Cá rô cá trê thì đa số chỉ nằm chờ đó bởi vì dù có tìm cách lắc lư gì thì vách đứng thân hình nó nặng đành phải rớt xuống hầm nằm chờ bắt về kho tộ hay nấu canh chua!
Càng về khuya càng ít cá, cho đến khi gần sáng lại có một đợt lai rai nhưng không bằng đêm tối mới bắt đầu. Cái khổ của thân tôi là chui vô nốp anh năm lúc nào cũng giành nằm ngoài. Tôi phải nằm trong, bít miệng nốp lại ngột ngạt khó thở tôi đành phải dùng ngón tay xỏ lủng một lỗ khá lớn để thở, nhưng có khi muỗi chui vào anh năm cằn nhằn chửi đổng.
Muỗi, cá, cũng giống như loài người, ăn uống có giờ giấc. Ðầu hôm muỗi vo ve châm chít liên miên rồi lại bớt đi tử khoản 10 giờ chờ đến gần sáng chúng lại đi kiếm mồi cũng như cá chỉ tìm mồi vào lúc chạng vạng tối và khi gần sáng. Ðó là lệ thường nhưng cũng có những con lai rai tìm mồi giữa đêm khuya.

Câu cá
Ông bà mình hay nói “Trời sanh voi thì Trời sanh cỏ” nghĩa là thiên nhiên cung cấp cho con người đủ vật chất để sống. Ở các nơi khác tôi không biết như thế nào chớ ở miền Nam dân làng tôi sống thoải mái bằng cách bắt cá, bắn chim, nuôi vài con gà thả chạy rong tự chúng kiếm mồi trùng dế mà sống, nuôi ít con vịt thả ngoài đồng mùa khô ăn mót lúa đổ, mùa mưa lặn lội kiếm tép mồng cá con ăn mập phì.
Nắng thì bẫy chim, thổi chim, chấm chim, gài cu. Mưa thì soi ếch, câu rê, câu cắm, đặc lờ, hớt cá. Nhà nông thì cuốc dòng trồng rau cải, khoai bắp, làm ruộng gặt lúa, dù là tá điền phải trả địa tô xong vẫn còn đủ sống quanh năm. Một vài người được xem như “nghèo mạt” trong làng cũng có cơm no, áo ấm nhờ sức lao động của họ. Bối cảnh chung thời đó, dù còn bị Tây đô hộ nhưng cũng hưởng được thái bình, tự do tín ngưỡng. Cai tổng hà hiếp, thằng Tây bóc lột nhưng còn chừa đủ hay thừa thãi cho người dân sống an lành. So với ngày nay cán bộ tham nhũng, cướp đất đánh dân, bất kể người thân đã từng bao che cho bọn chúng tự gọi là “cách mạng” nhưng khi được ăn trên ngồi trước thì phản lại số người đã từng cưu mang “cái gọi là cách mạng đó”. Nói về câu cá thì tuổi thiếu thời của tôi chưa biết có dây câu bằng ny-long, chưa biết có cần câu với máy quay. Dây câu của chúng tôi làm bằng những sợi chỉ tháo ra từ những bao xi-măng hay mua một “cuồng nhợ” trong tiệm “hàng xén” đem về sắp đôi sắp tư, máng một đầu vào móc đinh trên cột nhà hay nhờ người cầm đầu dây đó rồi kê bắp vế lên mà se cho tới khi dây săn cứng thì mới cho hai sợi từ từ nhập lại thành dây câu dài ngắn tùy ý. Dây ngắn dễ se, dây dài khó thực hiện vì lúc nhập đôi phải cho giây “ăn” với nhau từ từ. Nếu không, dây bị so le vừa xấu vừa không bảo đảm rắn chắc.
Cần câu làm bằng những cây trúc, dài ngắn tùy ý, câu cá rô, cá trê thì cành ngắn hai ba thước, dây câu một thước rưởi là đủ. Cần câu rê phải dài bốn năm thước tây. Những cây trúc ít khi ngay thẳng suông đuột, có chiều công đúng vọng như mình muốn. Vì vậy người ta phải hơ lửa uốn cho đầu cần cong đúng vọng. Thông thường sau khi hơ lửa uốn xong người ta để cây nằm xuống đất đống nhiều nọc nhỏ ép cây trúc theo trìu ngay và cong đẹp như ý của mình muốn. Cuối gốc cần câu rê còn phải vót một cây nạn gắn vào để chịu cây cần trên đùi khi quăng dây. Dây dài năm bảy thước tùy theo người câu thiện nghệ hay không.
Cần câu cắm, làm bằng cây tre thật già, dài khoảng bẩy tất, ba tất đầu cần vót sạch ruột chỉ chừa vỏ cây dịu quặt rắn chắc, và một mắt nhỏ ở đầu để cột dây và lưỡi câu vào. Gốc cần vuốt nhọn để dễ cấm vào đất của bờ ruộng.
Câu cá trê cá rô ở ao đìa hay ruộng sâu, câu cá chốt cá út thì ở mương rạch với mồi trùng mồi dế mồi dán. Thả câu ngầm, có phao hay không tùu ý. Nếu cột phao thì khỏi cầm giữ cần câu chỉ ngồi nhìn phao rung rinh, cá ăn kéo phao chìm xuống là giựt dính cá. Có khi cũng xẩy vì giựt quá mạnh tét mép cá hay tự con cá ngậm mồi chưa trọn vẹn, mới ngậm ngoài môi, lưỡi câu chưa vướng vào mép cá. Cái phao là một lá lúa, lá cỏ xếp làm đôi làm ba cột gúc trên dây câu, chừa khoản sâu vừa phải theo ước đoán của mình ở độ sâu nào có cá lững lờ chờ mồi. Cũng có thể thả hết dây, mồi chìm tận đái nơi mà cá trê thường lội kiếm mồi hôi thúi. Thời tôi còn nhỏ làm gì có những thứ phao làm sẵn, nhỏ lớn đủ cỡ đủ mầu bán trong các quầy hàng chuyên môn dành cho khách đam mê nghề câu như ngày nay.
Câu rê là cả một sự khéo tay, tính toán nhịp nhàng. Thường câu cá lóc hay ếch ở ruộng. Nhiều tay câu nghề, bán cá mà sống. Riêng tôi thời đó còn nhỏ nên chỉ đeo theo mấy chú mấy bác xem cho thỏa mãn sự ham muốn thèm thuồng, và học hỏi cách thức với quyết tâm chính mình sẽ thực hiện khi đủ sức cầm cần và sử dụng dây nhợ dài thậm thược bằng ba bốn lần chiều cao của bản thân tôi.
Trước hết là phải uống lưỡi câu bằng cây “kèo dù”, một loại thanh thép phế thải của cây dù hư. Mài thật nhọn, giũa hoặc khắc cho có ngạnh, uốn công, thắt chặt vào dây nhợ cột cứng trên đầu cần. Người câu thường sử dụng mồi nhái con, móc từ miệng nhái xuống tận đuôi hình thù tay chân con nhái còn giống y như nó còn sống. Khi kéo rê nhẹ cá lốc tưởng như con nhái đang nhảy bèn táp phập là hết đời.
Muốn kéo rê giữa cỏ lúa mà không bị vướng mắc thì người ta xỏ trước vào sợi dây một ống bộng, ngắn, của long gà khá lớn để khi móc mồi xong, người ta ngắt một cọng rạ, cọng lúa, tốt nhứt là cọng cỏ ống, ghim một đầu vào lưỡi câu, đầu kia xỏ vào ống long gà, như vậy cục mồi suông đuột không thể bị vướng mắt vào cỏ lúa vì lưỡi câu bị dấu trong cọng cỏ ống rồi. Khi cá hay ếch táp vào, cọng cỏ bật ra lưỡi câu máng hàm là xong việc.
Khó khăn nhứt trong việc câu rê là chỏi cần câu dài trên đùi. Tay cầm sợi dây có mồi khá nặng, để lòng thòng độ năm tất, quay vù vù vừa quan xa vừa hạ cần câu xuống cho mồi đi xa tối đa. Rồi mới từ từ rê nhẹ, con nhái chết hết leo trên lúa rớt xuồng nước lội qua cỏ nếu có cá thì đương nhiêu nó rượt theo mà táp mồi. Nếu có ếch nằm lú đầu với hai con mắt thồ lộ thì người câu thấy rõ nên cứ quăn mồi vào hướng ếch nằm thì chắc chắn bắt được nó. Mỗi thửa ruộng thường có vài ba con cá lóc đói chờ tử thần là thợ câu đi qua xóa sổ. Cũng có những thửa ruộng cá nhiều mấy chú mấy bác quần tới quần luôi bắt cả đục. Phần tôi đứng vựa mé ruộng nhắp lên nhắp xuống cũng có khi bắt được cá to vào gần bờ chờ nhái hay dế thất lạc. Và cũng có khi tôi bắt được ếch lớn ngồi vựa mé chờ cào cào bươm bướm hết thời bay bậy. Người biết câu rê chịu khó đi cả ngày thế nào cũng bắt được cá bán để mua gạo hay đổi thịt là chuyện thường.
Ðầu mùa mưa người ta thường bắt được cá lớn vì chúng nó từ sông rạch vào ruộng sanh nở cho nên mới có chuyên hớt cá rồng rồng là những bầy hàng mấy ngàn cá lóc con. Thời pháp thuộc cấm tuyệt đối hớt cá rồng rồng với mục đích dưỡng ngư. Tuy nhiên vẫn có người phá lệ và những vị “Hương Quản” (cảnh sát làng) cũng dễ giải làm ngơ.
Ngoài việc xúc cá rồng rồng khi ruộng còn trống chưa cầy bừa cấy lúa, người ta hay đi nôm bắt được cá lớn đầy trứng trong bụng. Cái nôm làm bằng những thanh tre vót nhọn một dầu, đang cứng vào nhau thành một vòng tròn đường kính độ năm bảy tất, trên đầu túm lại thành một khoanh tròn đủ rộng để cầm nôm và thò tay vào bắt khi nôm trúng cá. Ði nôm thì dễ mà bắt được cá rất khó vì vừa lội vừa chụp nôm xuống nước. Bước đi của mình động mạnh làm cá sợ lội tránh xa, con nào vô phước, dạn dĩ còn ở gần nôm trúng nó phóng đụng thành nôm lịch kịch, mình biết ngay, thò tay vào chận bắt. Khi gặp cá trê thì phải lừa thế mà bắt nó, thường phải tìm cách đè nhẹ, ép đầu nó vào thanh nôm, nắm cho bằng được cái đầu và hai ngón tay kẹp sau hai cái ngạnh của nó mà kéo ra. Sơ ý bị ngạnh nó đâm thì đau nhứt nhiêu hơn là sự vui mừng bắt được cá. Cá trê lét hay trê trắng có nọc độc hơn cá trê vàng. Nọc cá là nhớt của nó. Khi bị chạm trúng mình nó tiết ra liền một thứ nhớt trơn tru giúp nó thoát thân. Loại nhớt đó khi làm cá nếu bị trầy tay dính nhớt thì cũng đau nhứt như bị cá dâm. Loại cá ngác ở sông ở biển, cùng một giống với cá trê, tiết nọc càng độc, đau nhứt càng nhiều, hay là con cá ở sông có hình thù xấu xí người ta thường gọi là cá “mặt quỉ”, ai bị nó đâm trúng đau nhứt vô cùng có thể bị lên cơn sốt nằm đôi ba ngày mới hết đau.
Ðầu mùa mưa ruộng đầy nước, cuối tháng nước sông dâng cao, gọi là nước rông, hay “con nước ba mươi”, tràn vào ruộng, cá lớn cá bé theo dòng nước mà vào, khi nước xuống người ta hay đặt “lờ”. Cái lờ có hình thù một cái đục lớn, có lỗ cho cá tép chui vô được mà ra không được, gọi là cái 'hôm”. Ðầu miệng hôm người ta gắn thêm một ống “trúm” tròn. Ðầu nhỏ nhét vào miệng hôm, đầu to có đường kính rộng chừng năm tất. Người ta đặt lờ chận nước ruộng chảy về sông bằng cách tháo bờ đất của ruộng chừng năm tất, nước tràn ào ra, đặt ông trúm vào đó, bồi đất kín chung quanh miệng trúm, cá tép chảy vào cái lờ được chỏi cứng bằng cây hai bên. Một con nước rông như vậy hay sau một cơn mưa to nước tràn, đổ lờ có thể được năm mười kí lô cá trắng tép mòng, loại cá tép nhỏ xíu nhưng béo thịt ngọt nước. Cũng có khi lọt vào một hai con cá trê cá lóc cá rô. Cá trắng, tép mồng rửa sạch bỏ vào nồi sắp thành một lớp cá tép một lớp thịt heo ba rọi, kho lạc cuốn rau sống bánh trang ăn ngon không biết ngừng hoặc ăn với cơm còn ngon hơn nhiều thứ cao lương mỹ vị.
Cái thú vui của thời tôi còn thơ ấu bây giờ thế hệ con cháu tôi không còn cơ hội thưởng thức nữa. Cho dù chúng nó có nghe cha ông kể lại thì cũng mường tượng một cách mơ hồ không thể tận hưởng được mùi vị của đồng quê miền Nam nơi chôn nhau cắt rún của ông cha chúng nó.
Câu sông
Câu cá cũng nhiều kiểu cách, câu sông, câu rạch, câu ruộng, câu đìa tùy theo loại cá mình muốn câu tùy thời gian ngày hay đêm. Câu sông theo con nước, muốn bắt cá lớn có hai loại thông thường là cá lăng, cá bông lau. Phải có dây dài và chắc, quấn trên một miếng ván dài ba tấc, hai đầu khuyết sâu để cuốn chỉ vào đó. Lưỡi câu lớn, mồi to, cột thêm cục chì nặng, nhà quê không có chì thường lượm sắt vụn, thậm chí cột một chùm đinh nặng chừng 5 hoặc 10 gờ-ram. Khác với ngày nay cần câu có máy quay, có chỉ nylon rắn chắc đủ cỡ lớn nhỏ, có chì nặng nhẹ hình tròn hình dài, có lưỡi dành cho đủ loại cá.
Thời tôi còn nhỏ người câu cầm dây có chì nặng quay vòng vòng để lấy trớn quăng mồi thật xa ra sông chìm ngấm tận đáy. Thời đó tôi chưa có sức cũng chưa biết quay chì để lấy trớn nên mồi không đi xa, tôi chỉ bắt được cá út bằng cườm tay là thường, nhưng cũng có đôi ba lần may mắn bắt được cá bông lau nặng một hai ký. Những lần đó cả nhà và anh em chúng tôi xúm nhau bàn tán. Người thì nói con cá đó nó đui nên lội ngang vướng câu, người thì nói số mạng tôi lớn nên Hà Bá sợ mới bắt cá móc vào câu tặng tôi, người thì nói chó dắt gặp may! Sự thật có lẽ cá đói vào bờ kiếm ăn hay vì nước chảy mạnh giữa dòng sông cá nhỏ trốn vào bờ nước yếu dễ bơi, cũng có thể nó đi tìm những trái bần chín mùi từ trên cây rụng xuống, nổi lình bình trên mặt nước hay chúng nó đi tìm những con vật chết trôi chết nổi ven bờ.
Có một lần tôi thấy ông Hương Lễ, tên Tự, câu một con cá bông lau nó lôi quá mạnh ông cầm dây tuốt rát tay rướm máu, ông phải cởi áo quấn vào tay để chịu trận. Vừa cầm dây ông vừa la bài hãi có lúc ông quýnh quáng la: bớ làng xóm ơi! Nhưng kịp thấy mình hố nên sửa lại bớ “bà con” ơi. Bởi vì câu bớ làng xóm là chỉ để kêu cấp cứu hay báo động mà thôi. Thiên hạ ở gần xóm nghe la xúm nhau bu quanh ông Tự. Chừng đó ông lấy lại bình tĩnh huênh hoang tự hào: “Con cá quá bự bà con ơi, quá bự, tôi gặp vận may rồi, quá bự, con heo con hay con bò con đây? Bán con cá nầy gia đình tôi mua gạo ăn cả tháng vân vân và vân vân. “Bà con”, trong đó có tôi nôn nóng chờ xem con gì mà to dữ vậy? Giằng co mãi gần nửa giờ con cá mệt đừ ông Tự mới lôi được nó vào bờ. Không cân nhưng ai cũng đoán mò con cá nầy phải trên mười kí, dài hơn một thước. Ông Tự phải chạy về nhà lấy giây cột đầu và đuôi mượn người cầm đầu cây phụ khiêng cá về nhà vì ông không muốn lôi nó lết bết trên đất làm trầy da con cá khó bán. Tôi về nhà thuật chưa hết chuyện ông Tự câu được cá bông lau trên mười kí thì bà Hương Lễ Tự đầu đội khăn vằn tay bưng rổ cá khứa sẵn từng khứa đem vào nhà tôi bán. Ông nội tôi nghe nói bước ra sân chắt lưỡi mỉm cười nói với bà nội: Bà biểu sắp nhỏ mua giùm cho thím Hương Lễ ba khứa đi, lựa khứa bụng có mỡ ngon chiều nấu canh chua.
Câu cắm
Câu cắm là một thú vui khác, nó khá nhộn nhịp, hồi hộp, hấp dẫn, có khi cũng mệt nếu khi nào có cá nhiều. Cần câu cắm ngắn, làm bằng tre thật già chẻ ra từng cọng bằng ngón tay út. Vót bỏ ruột tre của phân nữa thân trên, chỉ chừa vỏ tre cứng diệu, quặt lên quặt xuống dễ dàng, đầu cần chừa một mắt nhỏ để thắt dây câu vào không bị tuột. Phân nửa thân dưới người ta vót nhọn gốc cây câu để dễ cắm vào đất mềm của bờ ruộng. Dây câu ngắn có tra lưỡi vào, ngay một phần ba đầu dưới cần câu có một vòng dây cột ngang dùng để móc lưỡi câu vào trong tư thế nghỉ câu. Tư thế nầy giống như một cây cung nhỏ bị bẻ công một phần ba đầu trên.
Anh em chúng tôi không đứa nào biết chuốt cần câu cắm. Mấy chú giúp việc trong nhà chỉ vót giùm vài ba cần để cắm quanh nhà chơi mà thôi. Vì thế kỳ nghỉ hè năm đó anh Năm và tôi quyết định đặt mua một trăm cần. Chúng tôi lựa đêm tối trời, cá dạn ăn hơn là khi có trăng sáng. Anh Năm quẩy đục lớn chờ đựng cá, đục nhỏ đựng nhái con, gáo dừa đựng trùng nằm dưới một lớp đất. Tôi mang nóp đi theo vào sở ruộng Ðìa Sen, ruộng sâu của nhà, tá điền là ông sáu Mọi.
Cắm câu người ta móc mồi trùng hay mồi nhái, sau đó cắm chặt gốc cần vào bờ đê ruộng, lưỡi câu và mồi chìm xấp xỉ dưới mặt nước. Nếu là mồi nhái thì chỉ móc vào đùi nó để cho con nhái nhảy vọt tới vọt lui khêu gợi cá lóc vồ nó cho sớm.
Mỗi lần cắm câu người ta thường mang theo năm bảy chục hay một trăm cần, có người cắm tới hai trăm cần trên một bờ đê dài mấy trăm thước. Chúng tôi cắm mỗi cần dang xa gần hai thước, cắm xong một trăm cần trời mới chạng vạng tối. Vậy mà giữa lúc đang cắm nghe đầu kia cá mắc câu giãy lủm chủm phải bỏ chạy tới đó gỡ bỏ vào đục, đậy nắp kỹ, thả xuống nước ngâm cho nó sống. Thế rồi anh Năm và tôi thay phiên nhau chạy nhanh hết đầu nầy đến đầu khác, có khi hai đứa đang gỡ cá mà nghe có chỗ nào đó giãy lủm chủm gỡ không kịp. Nhưng cũng trong một thời gian ngắn thôi, rồi chúng tôi lại trải nóp ngồi vui sướng kiểm điểm sự thắng lợi.
- Ðêm nay coi bộ khai trương có nhiều khách hàng đó mầy.
- Nhiều cá thì ham thiệt mà sao thấy hồi hộp tim đập thình thình. Nhứt là khi nó giãy một lượt hai ba con sợ gỡ không kịp nó sút.
Lại lủm chủm nữa, tiếng giãy khá mạnh, có lẽ cá lớn, anh Năm chạy gỡ, tiếng anh vọng từ xa, đúng rồi cá lóc lớn hơn cườm tay.
Cái khoái lạc của sự thành công nó lâng lâng trong người, cái hồi hộp chờ đợi còn làm tăng thêm niềm vui sướng. Tôi không biết những người cắm câu bắt cá bán để nuôi gia đình có cảm giác như thế nào? Có lẽ ngoài cái sung sướng nắm được con cá trong tay còn cái vui, cái an ủi là sẽ có được thêm ít tiền. Ngoài cái hồi hộp chờ cá cắn câu giãy lủm chủm họ còn ước mơ nghe được nghe tiếng giãy thường hơn nữa. Họ tưởng tượng vợ con sẽ vui mừng. Chắc sự thưởng thức của họ nhiều hơn và sâu đậm hơn sự vui mừng của tôi.
Hay là cũng có thể giống nhau, vì khi đứng nhìn một “chiến lợi phẩm” cường độ vui mừng chắc cũng giống nhau trong khoảnh khắc đó.
Riêng tôi, ngoài những con cá bắt được, còn có mùi thơm cỏ lúa của đồng quê mà tôi đã từng hít thở từ lúc mới lên năm lên mười, cảnh vật buổi hoàng hôn chiều xuống tối dần, gió thoảng sương lạnh, muôn ngàn sao lấp lánh trên nền trời tối đen. Tất cả những thứ đó nó in sâu trong đầu tôi, nó gợi nhớ gợi thương những lúc xa quê hương tôi cảm thấy chạnh lòng.
Ruộng sâu, lúa cao, muỗi nhiều. Chúng tôi đứa nào cũng mặc quần đùi áo tay ngắn, cả hai đập xành xạch nhưng chưa đứa nào chịu chung vô nóp vì còn muống nghe tiếng cá giãy dù là đã thưa dần. Trời về khuya sương càng lạnh hai anh em tôi đành chui vào nóp. Nằm yên, cơn ngủ ru tôi vào giấc lúc nào không hay biết. Hừng sáng anh Năm đánh thức tôi dậy.
- Mầy ngủ như chết, đêm hồi hôm tao còn đi gỡ thêm hai con nữa, toàn cá trê.
Chúng tôi quảy cá về nhà, phân chia cho đầu nầy vài con đầu kia vài con, hãnh diện khoe rằng chúng tôi cũng thuộc vào thợ câu chớ có phải là công tử bột đâu. Kỳ thật câu là một thú vui đặt biệt, một sự đam mê mà những lúc bãi trường chúng tôi bỏ mặc những “bài làm hè”, phải góp khi vào lớp lúc tựu trường. Năm nào tôi cũng bị phạt quì gối vì có làm bài đâu mà góp. Nhưng lúc quì gối tôi sung sướng hồi tưởng lại những thú vui hưởng được trong kỳ nghỉ hè. Bây giờ nhớ lại thời thơ ấu, tôi cảm thấy lâng lâng buồn muốn sống lại những ngày đã qua nhưng vĩnh viễn không bao giờ đi ngược thời gian được!
Những trái nhãn lồng, chùm giuộc, trứng cá là niềm vui của tuổi trẻ ở nhà quê
Con nhà giàu hay con nhà nghèo ở thôn quê chỉ khác nhau khi tối về nhà cha mẹ, đứa được nuông chìu ăn ngon ngủ kỹ, đứa chỉ có đủ cơm no bụng, chăn gối mùng mền tả tơi rách rưới. Nhưng ban ngày khi chúng chạy rong trong làng tìm bạn vui chơi với nhau thì thằng nào cũng như thằng nấy. Mấy đứa con nhà giàu thường lâm vào thế hạ phong bởi vì chúng nó không thuộc đường đi nước bước, không biết hang cùng ngõ hẻm, nơi nào có cây có trái, chỗ nào có thể hái trộm, trái nào ăn được, trái nào không. Thời còn thơ ấu tôi thích nhứt là đi chơi với thằng Có, nó chăn bầy trâu của ông Hương Quản, tên Họa, ở gần nhà tôi.
Thằng Có nó biết rành nhà của ai có cây chùm giuộc ở sát mí rào, nhà của ông bà nào có cây trứng cá, de nhánh ra đường, mồ mả của ông Bái Ba có nhiều cây trứng cá che mát toàn khu mộ, trái chín đầy, chim trao trảo ăn không hết. Những tháng nghỉ hè từ trường Saint Joseph ở Mỹ Tho về làng, sáng hôm sau là tôi đi kiếm thằng Có. Chúng tôi hẹn nhau vào những buổi chiều nắng nhẹ khi thì ngoài ruộng gần Mỏ Neo, khi thì trên giồng cỏ gần nhà bác Hai Châu. Bởi vì buổi trưa trời nắng chan chan, ra khỏi nhà là bị rầy, có khi còn bị hăm sẽ ăn đòn nếu người nhà thấy tôi dang nắng đầu trần.
Việc trước tiên và hấp dẫn nhứt đối với tôi là cỡi trâu. Bởi vì khi tôi còn học trường làng, thầy tư Nhơn bắt phải học thuộc lòng bài:
Ai bảo chăn trâu là khổ?
Không, chăn trâu sướng lắm chớ!
Ðầu đội nón mê như che lọng
Tay cầm cành tre như roi ngựa
Ngất nghểu trên mình trâu
Hai câu trên nó in sâu trong đầu và có những lúc ngán học, lười biếng tôi tự nhủ: Thà đi chăn trâu tôi cũng bằng lòng, còn hơn phải học nhọc nhằn với chữ nghĩa, cộng trừ nhơn chia.
Thằng Có đỡ tôi ngồi trên lưng trâu rồi nó thót lên ngồi sau vịn sợ tôi té. Con trâu đi chậm rãi nhưng cái lưng của nó lớn quá, hai chân tôi thì ngắn nhỏ không kẹp được vào đâu, không đạp vào chỗ nào để giữ được thăng bằng. Vậy mà sao thằng Có nó ngồi vắt võng vững vàng như không. Tin vào bàn tay của nó vịn trên vai, tôi yên lòng ngắm cảnh đẹp của nắng chiều bao trùm cánh đồng rộng mênh mông trước mắt, tôi khoan khoái hưởng cái mát dịu của gió nhẹ lay động mấy ngọn trâm bầu hay cây me keo, tôi hít thở mùi rơm rạ, mùi bông bắp, mùi mạ non, xen lẫn mùi hôi trâu mà bây giờ nhớ lại tôi hình dung rõ, phân biệt được mùi hương của từng thứ như tôi đang sống trong cảnh vật đó dù là tưởng tượng.
Thằng Có và tôi thường hái trứng cá ở khu mộ ông Hương Bái, thường gọi là Bái Ba. Nó thích ăn thứ trái đó còn tôi thì ưa những trái nhãn lồng chín vàng, ruột chua chua ngọt ngọt thắm mát miệng. Cũng có khi tính con nít muốn phá làng phá xóm thằng Có rủ tôi đi hái trộm chùm giuộc. Nhà ông Hương Cả tên Hộ, con của ông Bái Ba, có cây chùm giuộc chua ở gần mé rào nó có thể chui qua hàng rào cây dúi vào hái được. Ăn chua lè chua lét mà nó nhai luôn cả hột nghe giòn rụm, ngốn ngáo thấy phát thèm, bây giờ nghĩ lại vị chua tôi còn nhỏ giãi rùng mình.
Sâu tuốt phía trong gần nhà có cây chùm giuộc ngọt, thằng Có nói khó ăn cắp lắm vì nhà nầy có chó. Nó nói lâu lâu mầy về chơi tao cũng liều hái cho mầy vài trái thử coi được không. Nó bỏ trâu ăn trên mé giồng xa, hai đứa đi hái trộm trái cây của người ta, một trò nghịch ngợm lý thú nhưng tôi hồi hộp lo sợ quá. Còn thằng Có tỉnh bơ cười chúm chím lộ vẻ anh hùng coi chuyện nguy hiểm “như pha”. Vừa nghe nó nói vào sâu trong sân nhà có chó là tôi tản đi xa, trở về phía bầy trâu 5 con đang ăn trên mé đồng. Ði chưa được bao xa là tôi nghe tiếng chó sủa, nhìn lại thấy thằng Có chạy trối chết tay cầm một nắm vật gì trắng có đất có lá tôi đoán là chùm giuộc. Thì ra anh ta bị chó phát hiện hoảng hồn, hốt đại một nắm trái cây rụng dưới đất chạy ù ra, chui càn qua hàng rào dúi, bị cây cào tét tay áo, sướt thịt rướm máu, nhưng miệng nó cười toe tét đưa tôi mấy trái cát bụi dính đầy: Cho mầy nè, mầy ăn chua không được thì có trái ngọt đây. Ba trái còn nguyên, hai ba trái khác thúi dập bỏ đi, tôi chùi hai trái bỏ vào miệng một trái còn một trái nhét vào mồm nó, trái kia tôi bỏ túi để dành.
Gặp lại bầy trâu, chúng nó đang liếm sang đầu hai hàng bắp non của người ta, thằng Có thất thanh chạy lại cầm roi tre quất bừa hết con nầy đến con khác, rượt chúng nó chạy thật xa ra giồng bỏ tôi lại một mình lủi thủi theo sau. Tới nơi nó nói không ra lời: Chết mẹ tao rồi, nếu ai biết được trâu tao ăn bắp của họ thì tao sẽ bị đòn nát đít.
Tội nghiệp thằng Có quá, chiều hôm đó đi chơi mất vui, nhưng cũng chiều hôm đó lòng tôi biết rung động vì tình bạn mặn nồng thắm thiết qua sự liều lĩnh hy sinh của thằng Có. Nó muốn tìm trái cây ngọt cho tôi nên chấp nhận rủi ro, có thể bị đòn. Bị đòn là cái chắc, vì ở miệt Giòng Lớn nầy có trâu ai ngoài trâu của ông Hương Quản Họa? Về nhà, tối ngủ tôi nhớ thằng Có và thương nó quá, nó nghèo phải đi ở đợ chăn trâu, mấy thằng con nít trong làng có đứa nào dám chơi với nó đâu? Con nhà khá giả đi chơi với chăn trâu là điều cấm kỵ. Mỗi khi đi chơi với thằng Có tôi phải lén trốn nhà vì khoái cỡi trâu. Cũng có lần anh Năm kiếm tôi không được, bắt gặp tôi đi chơi với thằng Có, anh mét cô Bảy tôi bị đòn, và nhiều lần bà gì ghẻ hửi thấy mùi trâu, biết tôi đi chơi với thằng Có bà mét cha, khi thì ông rầy la hăm he dữ dội, khi thì ông đánh cho mấy roi, khóc nhưng cũng không chừa. Bạn thân của thằng Có là 5 con trâu của ông Quản Họa. Cái bánh ngon nhứt nó được ăn là “bánh ít” mỗi khi có đám giỗ trong nhà ông chủ.
Ðôi khi trong nhà làm bánh, tôi bỏ túi vài cái bánh men bánh gai đem cho nó. Thằng Có mừng rỡ sáng mắt cười toe tét. Nó không nói cám ơn mà chỉ nói: Mầy giàu sướng quá có bánh ăn hoài. Nó ăn hai cái để dành mấy cái, nói là để dành chớ một hồi sau dằn cơn thèm không được, nó lấy ra nuốt hết. Nghĩ như vậy tôi thấy buồn, cái buồn của thằng con nít, không sâu sắc có lý có ý nghĩa, mà do tính ngây thơ nhẹ dạ, đã là con nít hễ vui thì cười, buồn thì khóc. Tôi không khóc nhưng nước mắt tràn ra khóe, quẹt đôi ba lần tay áo ẩm ướt.
Vớt cá lia thia
Sau những trận mưa giông dữ dội, ruộng nổi nước khoảng hơn một tháng sau là có thể đi vớt cá lia thia ngoài đồng. Trẻ con ở nhà quê đa số đứa nào cũng biết vớt cá, đá cá lia thia. Trước khi đi vớt cá tôi phải chuẩn bị chai hủ sẵn ở nhà, lựa những chai không, cạn rượu, khô nước, trong trắng không có màu để cho mình dễ nhìn rõ vóc dáng và màu sắc con cá. Tuy nhiên lỗ chai nhỏ thì làm sao thả cá vô, vớt cá ra, thay nước, hay bỏ thức ăn vào cho nó được?
Do đó tôi phải cắt chai bằng cách tìm một cộng sắt nhỏ, bẻ cong thành khoanh tròn, đút vào đầu chai kéo xuống cho vừa tầm cao mình muốn, thường là giữa chai. Lấy cọng sắt ra đưa vào lửa nướng cho khoanh tròn nóng đỏ. Tròng khoanh tròn vào cổ chai kéo xuống vừa tầm mình định, nhúng liền chai và khoanh sắt trong chậu nước. Tai nghe tiếng rắc, chai nức bể làm hai ngay chỗ khoanh sắt thắt ngang, cái chai trở thành một dụng cụ nuôi cá lý tưởng.
Cá nuôi trong nhà không thể dùng tay bắt nó vì lỡ tay bóp mạnh hư cá hoặc tróc vảy. Người ta thường dùng vải mùng may dính vào một khoanh kẽm tròn nhỏ thành cái vợt để vớt cá sang chai, sang chậu hay vớt lăng quăng, trùng chỉ, bỏ vào cho cá ăn. Muốn có chậu lớn nuôi những con cá quí thì phải mua, tôi cũng đua đòi mua hai ba chậu.
Vớt cá ngoài đồng bằng một rổ xúc lớn, lỗ thưa con tép nhỏ cũng không lọt ra ngoài, bề sâu cao hơn rổ thường. Thằng Tôn em tôi đi theo xách thùng có đựng sẵn nước. Chúng tôi đi dọc theo bờ ruộng nhìn kỹ những bụi cỏ hay lác, chỗ nào có một đốm bọt trắng bằng bàn tay hay nhỏ hơn là chỗ đó có cá lia thia nằm dưới đống bọt. Lội nhẹ xuống ruộng, từ từ đi gần sát đống bọt đặt miệng rổ thật nhanh cách bọt chừng hai ba tất, chân trái đùa mạnh nước vào rổ, mười lần bắt được cá trống hai ba lần. Thường chỉ bắt được cá mái đang giữ ổ trứng, có khi bắt cả hai trống mái đang chuẩn bị làm tình, ít khi bắt được một mình cá trống, khi nào thấy đống bọt nhỏ thì biết nó đang nằm dưới đó nhả bọt làm nhà cho con mái sinh sản.
Tạo hóa sinh chim cá con trống thường có bông có mã đẹp, có tiếng hát điệu múa hay để chúng dễ khêu gợi phái nữ theo mình. Con cá lia thia trống có màu xanh, phướn đỏ, cá mái trắng chợt sọc rằng.
Chúng tôi chỉ bắt cá trống đem về bỏ vào chai, lấy giấy ngăn không cho hai bên thấy nhau. Bởi vì thấy nhau là chúng phùng mang diệu qua diệu lại lấy trớn cắm đầu hả miệng xắn vào chai tưởng mình cắn được đối phương. Như vậy sẽ làm hư miệng cá và khi đá độ thật, nó dễ bị thua. Tuy nhiên lâu lâu cũng phải rút ngăn giấy ra để cho chúng nó sừng sộ phùng mang diệu võ dương oai tỏ thái độ hung hăng rồi ngăn trở lại liền. Ðó là cách duy trì tập dợt tính hung hăng đấu đá của chúng.
Thằng Tôn và tôi chia đôi, cá của đứa nào tự ý nuôi sóc và sẽ lựa chọn những con cá “ngon lành” nhứt của mình cho đá nhau. Bên nào thua phải cõng bên thắng ba vòng sân nhà, tương đối rộng lớn. Nuôi cá bằng những con lăng quăng, ấu trùng của muỗi. Món ăn ngon nhứt của cá lia thia là trùng chỉ, màu đỏ, ngắn nhỏ như sợi chỉ, loại trùng nầy tương đối khó kiếm, chỉ bắt gặp nó sống trong bùn sình, bùn non dưới đái ao hồ. Tôi thường thay thế trùng chỉ bằng những con trùng con, tìm thấy khi đào trùng để câu cá. Trong mỗi lọ cá chúng tôi bỏ một vài cộng rong trứng xanh um nổi trên mặt nước như mái nhà che để cho cá núp dưới đó.
Ðôi khi chúng tôi cũng cho cá đẻ gọi là “ép cá” vì tính tò mò và cũng vì tuổi nhỏ bất cứ thứ gì lạ mà tôi không biết là muốn làm thử cho bằng được. Trước tiên phải tìm một cái “thạp da bò”, loại lu đựng chừng vài chục lít nước, bên ngoài của thạp sơn một lớp men màu vàng đục như da bò nên dân quê làng tôi gọi là thạp da bò. Ðổ nước vào đó hơn nửa lu, bỏ rong vào cho nhiều rồi lựa hai ba con cá mái bụng to có nghĩa là chúng đang mang bụng trứng, cộng với một con cá trống mà thôi, thả tất cả vào lu. Khi nào thấy có một về bọt tương đối lớn, gần bằng bàn tay, bọt nhỏ mịn hơn bình thường, dầy đặt nổi trên mặt nước, là đã có cá đẻ rồi. Muốn chắc cá đã đẻ hay chưa thì lấy cọng tre đưa vào phía dưới bọt kéo lên nhiều lần xem có trứng dính vào đó không? Nếu có thì phải vớt ngay con cá trống ra nếu không chính nó sẽ ăn những con cá con mới nở.
Muốn đá cá chúng tôi vớt hai con bỏ vào một chậu lớn đủ rộng cho hai võ sĩ quyết đấu ăn thua. Cá trống màu xanh phướn đỏ thật đẹp vậy mà khi thua bỏ chạy nó đổi màu trắng nhợt vì sợ hãi hùng, hết biết đường chạy đụng vào vách chậu lung tung trong khi đối phương hung hăng rượt cắn trối chết. Thú vui là nhìn hai con cá cắn nhau đứt vi, đứt phướn, tróc vảy. Và nhứt là khi hai con đều xắn mạnh vào nhau hai miệng cá bị răng kẹp dính nhau, gọi là “khấu”, chúng lắt lư hồi lâu mới nhả ra được. Khi cá của mình thắng thì vỗ tay la ó miệng cứ nhắc ba vòng sân. Khi thua mặt bí sị hăm he lần sau sẽ trả thù. Ðá cá chỉ đơn giản như vậy mà hai anh em chúng tôi say mê năm nào hễ đến mùa là chuẩn bị đi hớt cá.
Thú vui nuôi cá lia thia là nhìn chúng nó phùng mang vươn phướn đá bóng khi mình kéo tấm giấy ngăn qua một bên. Và vui sướng nhứt là khi đá độ mình thắng cuộc. Tuy còn nhỏ chơi với anh em trong nhà không ăn thua tiền bạc nhưng sự hãnh diện thắng cuộc nó đốt cháy sự tự ái trong lòng và kích thích mình ra công chịu khó o bế con cá như người ta đấm bóp võ sĩ trước khi lên đài... Phải chăng từ đó mà nẩy sinh những sự đam mê trong lòng của tuổi trẻ ngay khi còn vui đùa với bạn bè lúc ấu thơ?
Tôi cũng từng theo người lớn tham dự những trận đá cá ăn tiền ly kỳ thú vị, tôi cũng từng nghe các bác bài vẽ những mánh khóa làm cho cá sung hung dữ và khi cá bị tróc vi trầy vảy thì đem về nên thả vào nước có bỏ thêm một chút xíu muối để làm cho kỳ vi của cá mau lành, vảy cá mau ra trở lại. Nhưng nếu bỏ muối quá nhiều có thể làm hai con mắt cá bị hư gọi là “nổ mắt”thậm chí cá bị ngất ngư hay chết.
Có rất nhiều loại cá lia thia, cá phướn đẹp nhưng không phải loại đá độ hung dữ, cá xiêm to con màu xanh biết, cá đồng, cá xiêm lai với cá đồng là loại đấu đá hay nhứt. Tại Fresno, có nhiều người Mường (Hmong) ưa thích đá cá ăn tiền. Có những tiệm chuyên môn bán cá đá và loại cá giá mắt nhứt là loại cá mua từ Việt Nam. Thật là một điều lạ qua nước Mỹ nầy tôi mới biết.

Tát đìa

Trong bài viết về bắt cá cạn tôi đã tả sơ cái đìa là một ao lớn thật sâu nằm giữa đồng ruộng, hai bên bờ trồng cây che mát, hai đầu để trống gọi là miệng đìa, người ta vét đất lài từ mí ruộng xuống ao sâu để cho cá dễ xuống đìa vào mùa khô. Gia đình tôi có ba cái đìa: Ðìa Sen dù không có cây sen nào nhưng vẫn gọi là đìa Sen, Ðìa Lá gần mương đầy cây dừa nước gọi là đìa lá. Ðìa Bầu có cây trâm bầu to lớn mọc quanh bờ che mát. Ðìa nhiều cá nhứt là đìa Sen nằm giữa ruộng sâu mênh mông, mùa khô cá rút về đó thấy sẵn có ao to đúng là nơi trú ẩn lý tưởng trong mùa khô.
Mỗi năm khoản tháng chạp khi gió có mùi hương lạ, mùi rơm ra ẩm ước, mùi đồng lúa mới gặt xong, nhà tôi gọi đó là gió Tết; là thời gian phải chuẩn bị tát đìa vì cũng là lúc dân làng rảnh việc nên dễ huy động những tay lực lưỡng tham gia tát nước. Trước khi tát đìa nhiều việc cần phải chuẩn bị:
1- Dọn sẵn chừng 20 cái lu bự còn gọi là máy lớn chứa đầy nước để rộng cá.
2- Kiểm soát lại những giỏ có bề sâu dùng đựng hay gánh cá đi đường xa. Giây quay phải thật chắc, thường làm bằng lạc dừa.
3- Ðường di chuyển cá từ đìa về đến nhà tôi khá xa. Tôi thấy có sẵn một đôi trâu kéo “cộ” trên sàng cộ có lót lá chầm và bốn bên dừng lá cao hơn một thước. Cộ là một loại xe bằng cây thấp, cao hơn mặt đất chừng 5 tất. Bề ngang một thước rưởi hoặc hai thước, dài ba thước. Bánh xe được thay thế bằng hai cây đà dọc thật to, đầu cong quớt cao để lướt qua những bờ đê của ruộng, mặt cộ lót những cây ngang kềm cứng. Người ta thường dùng cộ để kéo lúa, cộ rơm từ ruộng về nhà. Trâu kéo cộ đi trên ruộng đất khô nẻ lồi lõm cũng giống như chó kéo xe trợt tuyết đi chậm mà ta thường thấy trong TV hay Cinéma.
4- Tuyển đủ nhân công để tát nước, ít nhứt từ 16 đến 20 người.
5- Phải có sẵn hai “gàu sòng”, phòng khi một bị hư. Gào sòng làm bằng nang tre đương thật khít, sơn bít bằng dầu hắc hay dầu chay, múc nước vào không chảy. Ðầu trên miệng lớn, tròn bằng một ôm tay đường kính chừng 6 tất, dài sáu bảy tất, đít gàu tóp nhỏ dần cúi đáy chỉ còn chừng 3 tất. Miệng gàu kết một cây ngang thật cứng chắc, đích gàu cũng vậy. Người ta cột vào hai đầu cây ngang trên miệng và dưới đay mỗi bên hai sợi dây dài bện bằng lạc dừa thật rắn chắc, hoặc dây lượt xe đánh bằng xơ của vỏ dừa. Dù chắc mấy cũng phải có dây phòng hờ khi bị đứt. Bốn đầu dây cột vào một khúc cây ngắn chừng một tất dùng làm tay cầm.
6- Dọn chỗ ngồi trên bờ ao thật trống trải thoải mái cho những cặp “tát sòng” rộng đường xoay trở và có chỗ để họ trải nóp ngủ đêm.
7- Vét một cái giếng cạn có nước vừa đủ để giội rửa cá cho hết bùn khi gánh đi hay cộ về.
8- Nhân công bắt cặp, tay đôi. Khi tát hai người ngồi xa nhau, tay mặt cầm dây cột miệng trên của gàu, tay trái cầm giây cột đít dưới của gàu. Hai người cầm dây căng thẳng cái gàu, rùng xuống hất gàu ra xa chạm mặt nước, tay trái kéo lên tay mặt hạ xuống, cái gàu ụp vào nước múc vô đầy, tay mặt kéo mạnh lên, tay trái hạ theo rồi hai người cùng một lượt đưa gàu nước ra khỏi miệng ao, tay trái căng thẳng dỡ hỏng đít gàu đổ nước ra hết, rồi cứ như thế mà múc đổ hằng trăm hàng ngàn gàu nước. Mỗi cặp tát sòng phải có động tác nhịp nhàng ăn ý với nhau. Năm nào cũng vậy họ quen biết từ lâu, tự họ tìm người hợp ý hợp tình với mình để cặp nhau tác sòng. Cặp này tát mệt, thay tay đổi cặp khác, họ thay phiên nhau tát từ chạn vạng tối cho tới sáng mặt trời vừa ló dạng thì đìa phải cạn nước vì bắt cá và cộ về nhà không thể để nắng trưa làm chết cá. Do đó trước khi tát, người thân tín của gia đình tôi là bác ba Ninh và bác ba Cử phải tới nơi ước lượng chừng bao nhiêu cặp tát nước và thời gian bao lâu mới cạn đìa lúc mặt trời vừa mọc, tùy theo năm đó có ít hay nhiều nước. Có khi phải khởi sự tát lúc xế chiều thì mới kịp bắt cá lúc sáng sớm. Sau nầy người ta dùng máy bom nước, tiện lợi hơn nhưng mất cái đặc thù của thôn quê Miền Nam lúc tôi còn thơ ấu.
Mỗi khi tát đìa ông nội tôi bịt khăn đầu kiểu mấy ông nhà quê, tay xách ba-ton tới xem thật sớm. Chúng tôi cũng kéo theo hết bọn vì không thể bỏ qua cơ hội rất hứng thú mỗi năm chỉ thưởng thức được có ba lần. Chỉ có tát Ðìa Sen nhà tôi mới chuẩn bị kỹ càng như vậy chớ Ðìa Bầu thì cần ít người tát, cá không nhiều, gánh vài ba chục gánh là hết, không cần đến cộ. Ðìa Lá còn ít hơn nữa, gần sát vườn dừa mương rạch bên cạnh, cá di chuyển ra sông cần chi phải ở lại đìa.
Sự sung sướng của ông nội tôi lúc tuổi già là nói chuyện khào với nhân công đang tát, nhắc chuyện năm ngoái năm xua, kể lại kỷ niệm ngày ông còn trẻ. Hoặc thúc hối họ lẹ tay chuyển gàu nếu thấy còn nước nhiều hay là khen thưởng vì thấy nước đã cạn và một hai người xách giỏ lội xuống bắt những con cá lớn trước. Họ có nhiệm vụ gánh về mau bỏ vào lu máy đày nước rộng cho chúng sống lâu. Cá lóc thật lớn bằng bắp chuối hay bắp vế thông thường ông nội tôi không cho phép giết ăn, ông buộc phải rộng chúng nó sống chờ đến mùa mưa sẽ thả lại trong đìa cho nó tiếp tục sinh sản.
Nguyên tắc là phải bắt cá lớn trước nhưng trên đường rượt theo cá lớn nếu có cá nhỏ hơn thì cũng cho vào vỏ luôn. Ðứng trên bờ thấy cá lớn chạy lướt trên bùn rẻ sống, thiên hạ la ó chỉ trỏ, lớn họng nhứt là anh em chúng tôi, các chú dưới đìa hô to: Coi kìa, coi kìa, xe hơi chạy dưới nước đó! Cả đám cười vang dậy trong đó có đám đông dân nghèo kéo tới “bắt hôi”, nghĩa là bắt mót những con cá đã chui vô bùn mà nhóm người làm công bắt không hết. Nhân công bắt cá dàn hàng ngang và từ từ bắt, được nhiều cá họ xách giỏ đổ vào cộ, ông nội thấy khá nhiều liền ra lệnh cộ về nhà gắp. Cá lóc, cá trê, cá rô to bỏ vào lu rộng chờ ngày ngày Tết, đám giỗ hay giết ăn hàng ngày. Còn cá nhỏ để thành đống, chết sẽ làm mắm liền trong ngày. Năm nào trúng mùa cá nhiều phải cộ ba bốn cộ. Cá nhỏ đổ từng đống theo loại nhìn thấy tôi phát ớn luôn.
Trong lúc bắt cá mạnh ai nấy la ó, phê bình, phát biểu. Nào là cá nhiều quá, nào là cá rô ít, năm nay trúng mùa, năm ngoái ít cá. Người nầy khen người kia bắt giỏi, hay tiếng kêu phải chờ nhau để theo cho kịp hàng. Lâu lâu có tiến kêu trời, ui da, hay chửi cha chửi mẹ con cá trê đâm nhứt quá. Có người bất cẩn bị đâm nhứt quá chịu không nổi phải ra về, người khác thay thế. Mấy chú tát xong nhào xuống bắt cá ít lắm cũng phải sáu bảy người.
Bắt qua một lược bắt lại một lược rồi bắt sơ qua một lần nữa là đề cho “con hôi” tràn xuống mạnh ai nấy bắt. Thông thường họ bắt cá nhỏ, ai cũng có bởi vì những con chui xuống bùng lâu nó ngợp phải trồi lên là bị chụp liền. Khắp nơi dưới mặt đìa đều có người. Ðôi khi có người đạp trúng cá lốc thật to bắt được nó là người nhà tôi yêu cầu đổi lấy con cá đó bằng một đục đầy cá nhỏ họ mừng rỡ vô cùng. Do đó tôi thường nghe tiếng van vái “ông ngay ông địa làm ơn cho tôi mò trúng một con thật bự đổi lấy đục cá về nhà tôi sẽ cúng ông một nải chuối”. Những tiếng cầu xin ông Ðịa thật vui, buồn cười mà cũng thật tội nghiệp.
Có những đứa bé gái nhỏ cũng xách đục bắt hôi nhưng mò không lợi người ta chỉ có vài ba con cá sặc nhỏ mặt buồn hiêu, anh năm và tôi gọi nó cho thật nhiều cá, mặt nó sáng rỡ miệng cười toe toét. Con nít nhà quê không biết nói tiếng cám ơn. Phải nhìn cặp mắt và gương mặt của nó mới cảm thông được sự cảm động ngây thơ của nó đáng thương vô cùng. Nhiều đứa thấy vậy phân bì cười đùa nói “phải biết trước hồi nãy tôi không thèm bắt chờ mấy cậu cho còn nhiều hơn tôi bắt nữa”.
Ngoài cái vui và khoan khoái nhìn thấy cá, chúng tôi cũng lội bắt nhưng chỉ tìm cá lóc hay cá rô chớ không dám đụng tới cá trê. Bắt cá là một thú vui khá đặc biệt khi túm được nó giãy giụa trong tay, cho mình một cảm giác khoái lạc lạ thường.
Mỗi lần đi xem tát đìa là chúng tôi lận theo một gói muối ớt và vài chục cây tre vót nhọn chừng 7 tất. Lội bùn phá đám, bắt cá, chai rong, xem đầu nầy hỏi đầu kia, tới khoảng 10 giờ là khởi sự đói rồi. Chúng tôi bắt những con cá lóc bằng cườm tay thọc cây vào miệng xóc tới đuôi, rửa sơ, cấm ngược đầu xuống đất, rải lên một lớp rơm dầy, xẹt diêm đốt rơm cháy tàn là cá chín, như vậy gọi là “nướng trui.” Tay cầm con cá tay cầm nắm rơm bẻ cong lại cạo sạch vẫy cháy đen. Cá còn nóng hổi gỡ từng miếng chấm muối ớt ăn ngon lạ kỳ, ăn đến no mới thôi, ruột cá vừa béo vừa ngon thật khó tìm nơi nào có được món ăn như vậy. Cá tươi mềm mụp còn ướt nước ngọt, không khô và lạc như cá nướng do các quán ăn ở chợ Cầu Ông Lãnh hay nơi khác bán cho khách hàng.
Mắm đồng
Trong bài viết tả quang cảnh tát đìa bắt được nhiều cá, một số rất ít cá thật lớn được rộng nuôi sống trong lu nước chờ mùa mưa sẽ được phóng sinh để tiếp tục sản xuất. Nuôi trong lu mái như vậy không cần phải cho ăn, con cá ốm đi nhưng vẫn sống ba bốn tháng chờ cơn mưa đầu mùa, đìa ngập nước là chúng được tự do bơi lội tìm mồi.
Ða số cá nhỏ hơn sống trong lu mái chờ người nhà bắt ra làm thịt thường ngày hay đám giỗ hoặc ngày Tết. Còn lại hàng đống cá lớn, cá nhỏ đã chết hoặc còn sống mà không đủ lu mái rộng để kéo dài sự sống của chúng.
Những năm tôi còn thơ ấu, sau khi xem tát đìa trở về tắm rửa xong tôi đeo theo bà nội. Bà ngồi trên bộ ván gõ vừa ngoáy trầu vừa chỉ huy một đám người trai gái, bà con hay láng giềng cộng thêm những người giúp việc trong nhà chuẩn bị cá để làm mắm. Việc đầu tiên, bà phán là tất cả xúm vô lựa cá chia thành ba loại: cá lóc, cá trê, cá rô đổ thành đống riêng biệt.
Hai chú đàn ông phải đi ra tận vườn dừa đốn mấy chục tàu lá dừa nước, chặt ngọn chừa đủ dài bằng chiều cao của một người đứng sổng lưng. Sau đó róc bỏ phân nửa lá phần dưới thân cây, kế tiếp chặt ngắn chom lá còn lại chừa khoảng ba tấc cách thân cây. Mấy chú ở nhà vác hai cái thạp da bò cao lớn bỏ cá lóc vào gần đầy lu, đổ nước lúp xúp trên mặt cá.
Ba hoặc bốn chú đứng chung quanh lu, mỗi người cầm một tàu dừa nước còn lá ở đầu cây chọt lên chọt xuống trong cái lu đầy cá. Bốn người cứ thế mà sọc lên sọc xuống, vẩy cá từ từ tróc hết, đến khi nào nhìn tất cả những mình cá trắng da, nghĩa là vẩy bị tróc ra hết thì mới ngưng tay. Làm trắng vẩy một lu cá như vậy phải ngưng tay thay nước một hai lần và có khi phải thay tàu lá dừa nước nhiều lần.
Nhìn cá tương đối sạch vẩy thì mấy chú đổ ra. Bà nội đã phân công cho năm ba cô ngồi trước dao thớt chờ cá đổ ra là chặt đầu đuôi, mổ bụng đem ra bờ giếng, kéo nước rửa sạch, đưa vào chờ bà nội tự tay muối cá bằng muối hột và bỏ vào thạp, quê tôi thường gọi là mái vú, bởi vì chung quanh miệng mái có hai cục đất lớn hơn ngón chân cái do tay người thợ sản xuất bóp dẹp gắn vào mặt ngoài. Hai cái nút đó người nhà quê xem như hai cái vú cho nên gọi là mái vú. Thân mái rộng bùng binh, miệng mái túm lại, có khả năng chứa vài trăm lít nước.
Sở dĩ bà nội tôi tận tay muối cá vì bà cho rằng những người giúp việc không biết dùng lượng muối như thế nào cho vừa đủ mặn để thấm vào da thịt con cá và để cho sự lên men biến thịt cá thành trạng thái mắm, nghĩa là không bị sình thúi vì thiếu muối, vi trùng sinh sản làm cho cá hư thúi. Hay là con mắm bị cứng thịt do muối nhiều làm cho quá trình biến chất thịt cá khó khăn nên con mắm giống cá muối hơn là cá mắm.
Bỏ cá vào lu, mấy chú phải xếp ngay hàng, đều đặn, nhận thật cứng, từng lớp một. Khi cá sắp lên tới miệng còn độ 4 phân thì mấy chú cắt những mo cau khô đậy thật kín hai lớp trên mặt cá và lấy những thanh tre bằng hai ba ngón tay, chuốt dẹp độ dầy lối hai phân tây, gài cong ngang qua miệng mái túm rụm và đứng cứng trên hai cây chõi. Thường mấy chú phải dùng ba hay bốn vòng cung làm cho mặt mo cau đậy trên lớp cá thật sát thật cứng. Sau đó nấu nước muối đổ lên mặt, cao chừng một tấc. Như vậy coi như xong, thông thường phải chờ gần cả năm thì con mắm mới ngon. Dấu hiệu mắm ngon và có thể tháo dở ra ăn được khi nào thấy trên mặt nước muối khởi sự có dòi lội lêu bêu nghĩa là lúc đó cá đã thành mắm cho nên chất pro-tê-in đã thắm qua mo cao lên tới nước muối mới có sinh ra dòi.
Nếu muối ít thì khi người ta thấy có mùi hôi thúi phải dở ra ngay, nếu chưa quá muộn thì còn có thể muối lại, gài vào lu nhưng đợt mắm đó sẽ không ngon. Nếu cá đã quá sình thì đành phải đổ bỏ thôi.
Nếu gài mắm để quá lâu ngày mà không thấy thạp mắm chuyển mùi hay có dòi thì biết thạp mắm đó cũng không ngon. Bởi vì muối cá quá mặn.
Ðúng kỳ dở mắm, người ta rang gạo vàng, xay nhỏ, rắc ít nhiều vào thân con mắm gọi là thính mắm, rồi gài trở lại với mục đích làm cho con mắm thơm tho hơn.
Còn lại những đống cá trê, cá rô, hay cá sặc nhỏ con thì quá trình biến chế thành mắm cũng theo một thể thức như đã nói trên. Ðó là phương pháp làm mắm của bà nội tôi mà cả làng ai cũng học và cũng khen mắm ngon.
Câu cá rô non
Sau những cơn mưa khí trời lại mát, hơi nước kéo theo mùi cây lá, mùi cỏ nhẹ nhàng dễ chịu. Mỗi cơn gió thoảng qua là nhập vào tâm một cái gì in sâu vào đầu, một cảm giác của nhà quê, đồng ruộng mà khi đi học ở tỉnh xa nhớ nhà, nhớ đồng ruộng, là nhớ thứ hương vị đó. Sáng sớm hôm nay bước ra khỏi nhà thấy sân còn ướt, do đám mưa lớn đêm qua. Mặt trời chói lọi tươi đẹp hơn mọi ngày, lòng tôi tự nhiên thấy cảm hứng. Vào nhà tôi khều anh Năm, rủ:
-Ði câu cá rô non chơi anh Năm, hình như mùa cá non năm nay mình chưa được ăn cá non chiên dòn.
-Ði thì đi nhưng phải thọt ổ kiến vàng lấy mồi đã.
Câu cá rô non cũng đòi hỏi lắm công phu. Trước tiên là phải tìm một cành trúc ngắn có độ cong suông chiều. Một cây kim gút bẻ cong đầu, thành lưỡi câu thật nhỏ không cần chặt ngạnh. Lấy chỉ may áo quần xe đôi chừng một thước rưỡi cột lưỡi vào cần. Vấn đề mồi câu mới là rắc rối. Chúng tôi lấy một cây trúc thật dài, cột một cái rổ lòng thòng chừng ba tấc trên đầu cây, chừa ngọn trúc độ vài tấc. Xong rồi đi tìm ổ kiến vàng trên những cây trâm bầu, me keo, hay cam quít, đưa cây xọc vào ổ kiến, trứng kiến trắng phếu nhỏ hơn mút đũa rớt vô rổ, đồng thời cũng có đầy kiến bò tứ tung chung quanh rổ, dọc theo cành trúc. Tay tôi phải vổ mạnh liên hồi lên thanh trúc để cho những con kiến té xuống đất và tránh làm sao cho chúng nó không bò đến tay chân mình vì kiến vàng cắn rất đau.
Chúng nó là một loại kiến ăn sâu bọ trời sinh ra để quân bình thiên nhiên. Sâu, rầy phá bông phá trái thì có kiến vàng ăn sâu. Nhiều nơi người ta đi tìm những ổ kiến cắt nhẹ nhàng trọn ổ đem bỏ trên cây của những vườn cam quít, vú sữa, sa-bu-chê để trừ sâu. Thọc được chừng hai ba ổ kiến vàng là đủ câu cả buổi sáng.
Cá rô “non” là những con cá rô nhỏ bằng hai ngón tay, mới được sinh nở lúc ruộng nổi nước nhờ “sa mưa giông”. Những con cá rô “mề” bụng đầy trứng theo nguồn nước của mương, rạch từ sông Cửu Long di chuyển vào ruộng theo giác quan trời phú cho nhiều loài cá. Chúng nó biết đường tìm về nơi được sinh ra và lớn lên để tiếp nối dây chuyền sinh sản mà tạo hóa đã ban cho. Như loài cá Salmon ở Alaska, Mỹ Quốc. Hay cá bông lau ở Biển Hồ Ton-Lê- Sáp, xứ Cam-pu-chia.
Con cá bông lau chỉ sinh đẻ tại Biển Hồ mà thôi. Người ta không thể nuôi ép cho nó sản xuất mà chỉ chờ mùa nước của Biển Hồ tràn ra sông Cửu Long, chừng đó vô số cá con, nhỏ bằng tâm nhang hoặc lớn hơn, theo giòng nước ra sông miệt Hồng Ngự, Châu Ðốc tụ thành những cụm màu xám đen dưới nước. Người dân Hồng Ngự, Châu Ðốc, tới mùa nước rông chèo xuồng đi vớt những con cá bông lau con gọi là “cá bọt”. Họ đem về thả vào ao nuôi chờ lớn bằng ngón tay, bán lại cho ngư dân nuôi thành cá tra to lớn mình thấy ngoài thị trường. Cá tra dù thuộc nòi giống của cá bông lau nhưng không bao giờ sinh sản ở ao hồ nhân tạo. Người ta vớt “cá bọt” nuôi lớn chớ không có nơi nào sản xuất được cá tra con. Thông thường không ai thấy buồng trứng trong bụng cá tra.
Cá rô thịt ngọt béo, nếu là cá to thì gọi là “cá rô mề”, nếu kho tộ mỡ của nó tươm đầy, hay nấu canh chua ăn với cơm không biết ngán. Dân làng tôi giàu hay nghèo đều ưa thích cá rô mề kho. Những người nông dân tát ao tát vũng hay câu được cá rô mề lớn bằng bàn tay hay lớn hơn, ít khi chịu bán ra, họ để lại nhà ăn vì may mắn có được cơ hội. Nhiều người nhịn ăn đem kiến cho chủ điền của họ hay các ông quan trong làng Hương Cả, Cai Tổng, hay quan Huyện.
Cá rô non cũng ngọt cũng béo nhưng người ta không kho, không nấu mà họ đem rửa sạch không cạo vẩy, chiên dòn cuốn với bánh tráng rau sống chấm nước mắm tỏi ớt, ăn ngon hơn thịt gà thịt vịt. Mỗi năm chỉ ăn cá rô non được một mùa. Không phải chợ nào cũng có người bán, nhà nào cũng mua được cá non để ăn.
Ðầu mùa mưa, cầy cấy xong, ruộng nước trong veo, nhiều nơi người ta đứng dựa mé bờ nhìn xuống thấy từng bầy năm mười con, có khi mấy chục con chờ những con muỗi mòng đáp trên mặt nước hay cắm đầu tìm kiếm những con lăng quăng trốn dưới gốc mạ non hay cỏ lát mọc trong ruộng. Dân trong làng ít người câu cá rô non vì không phải ruộng nào cũng có cá và câu cả ngày cũng không được bao nhiêu, nên không ai chịu bỏ công oan uổng. Còn tôi lúc thiếu thời luôn luôn tìm hưởng những thú vui ngoài đồng hơn là sống trong nhà buồn chán.
Câu cá rô non rất dễ, cứ móc một trứng kiến thả xuống chỗ nào mình thấy cá là rất nhiều con dành nhau đớp mồi. Dở nhẹ tay đưa lên bờ có khi không cần gỡ, cá dính lòng thòng ra khỏi mặt nước nó giẫy dụa rớt trên bờ vì lưỡi câu không có ngạnh hay rớt ngay trong miệng đục nếu mình rê nó vào đó. Nhìn rõ thấy cá đớp mồi gây cảm xúc hồi hộp nhẹ nhàng làm cho sự đam mê càng phấn chấn, dù phải dang nắng hay bị kiến vàng cắn khi đi kiếm mồi, anh Năm và tôi không năm nào bỏ qua một mùa câu cá rô non.
Ðặt bung
Cái bung làm bằng tre, đương thành giỏ hình bầu dục, lớn nhỏ tùy ý, thông thường bề dài sáu tấc, ngang ba tấc, cao năm tấc. Bên phía mặt bầu dục, người ta chừa một lỗ hình chữ nhựt ba tấc cao, bảy phân ngang, rồi đặt vào đó một cái hom tréo thật lỏng lẻo để cá chui vô dễ dàng mà ra không được. Nắp bung làm bằng cây có cửa, lỗ nhỏ chừng năm phân vuông, mở ra gài lại được để bỏ mồi vào bung khi cần.
Người ta đặt bung gần cuối mùa lúa, khi lúa trổ đòng đòng nghĩa là có bông búp trong thân cây. Thời gian đó cá trong ruộng cũng lớn, đặt bung là phương tiện đặc biệt dùng để bắt cá trê. Có hai loại cá trê sống trong ruộng: Trê lét da trắng, trê vàng da vàng với ít nhiều đốÔm bông. Cá trê lét ăn tạp mồi hôi thúi, cá trê vàng kén ăn hơn.
Anh Năm và tôi cũng như thường lệ hễ chỗ nào có cá có chim là có mặt chúng tôi tìm cách bẫy bắt. Nếu tính theo nhà Phật thì chúng tôi phạm tội sát sinh dẫy đầy.
Bắt cá bằng cách đặt bung có phần cực khổ hơn cắm câu hay đặt lờ, đặt lợp, đặt nò. Trước hết phải dang nắng cả ngày để bắt cua đồng, dọc theo mé ruộng, đôi khi bị cua kẹp bầm tay rướm máu vì mình còn nhỏ chưa có kinh nghiệm. Ðã vậy còn phải bắt khá nhiều đem về bằm nhỏ bỏ vào hũ để ủ cho nó sình lên thúi dậy. Nếu là mồi đặt cá trê vàng thì không nên để sình thúi quá lâu và phải thêm một vài tai vị nghiền nát hay ngũ vị hương càng tốt. Trước khi sử dụng phải đổ vào đó thật nhiều dầu dừa để khi bỏ mồi vào bung lớp màng màng của dầu dừa tỏa ra đem mùi hôi thúi nhử cá ở xa.
Quảy bung và mồi thúi đi xa cũng có phần khó chịu. Trước khi đi tới chỗ nào ước đoán có cá, chúng tôi phải hỏi thăm người quen trong làng, ruộng nào sâu có cá nhiều? Bà con ai cũng tốt bụng vui vẻ chỉ, bởi vì họ biết chúng tôi nghịch ngợm đi tìm vui chớ không phải bắt cá để ra chợ bán.
Tới nơi chúng tôi đã chọn, lội xuống moi đất đặt cái bung sát mé bờ, ngập nước chừa năm phân gần sát nắp. Sau đó be bùn chung quanh thật kỹ, vuốt thật láng, nhứt là cái miệng hom phải tô bùn cho trơn tru giống như hang cá vô ra vậy. Trong khi lội nước đấp bùn thì đỉa trâu, đỉa mén cứ bu đeo vào chân, may mắn là chúng tôi sợ sâu mà không sợ đỉa. Những con đỉa gây phiền phức chúng tôi phải bắt quăng chúng nó liên hồi làm cho thời gian chuẩn bị kéo dài chớ thật ra chúng nó không hút được bao nhiêu máu của chúng tôi. Bởi con nào vừa đeo vào chân thì tôi nhổ nước miếng vào tay vuốt qua thân nó là nhả ngay rồi cầm quăng thật xa chỗ mình móc đất nhưng chúng cũng trở lại nhanh chóng hình như chúng nó đánh hơi được mùi da thịt của người.
Ðặt xong cái bung chờ cho nước lắng bùn đục, trong trẻo lại bình thường, chúng tôi mới mở nắp bỏ hai muỗng mồi ngồi chờ cá vô. Ðầu hôm từ lúc chạng vạng tối chúng tôi phải bỏ mồi liên tục khoảng mười lăm phút một lần. Thoạt đầu cá mới vô chừng vài ba con thì chưa nghe chúng giẫy, đến khi có vài chục con thì giẫy dụa lạch chạch, róc rách liên hồi. Cá càng nhiều càng nghe tiếng giẫy lớn, những tiếng cá giẫy trong bung cộng thêm màng màng hôi thúi tỏa ra ngoài là một cách gọi đàn, cá bu vào khu có mùi hôi tưởng chừng như trong hang có mồi nên đồng bọn mới giành nhau tranh ăn dữ dội. Sự thật cá càng quậy càng giẫy thì mồi càng văng ra cá bên ngoài càng muốn chui vô.
Chúng tôi ngồi rình thấy cá tụ chung quanh ăn móng, quậy tới quậy lui, lội qua lội lại, dợn nước đục ngừ, rồi cũng chui vào bung hết. Sự hồi hộp và hứng thú ngồi nhìn cá từ xa lai rai hay từng bầy gắp rút chui vào bung của mình cho tôi một cảm giác sung sướng lạ kỳ. Mặc dù phải thức khuya châm mồi, muỗi cắn đập mãi vẫn còn nhưng sự ham mê bắt tôi ngồi đó có khi đến gần sáng. Ðêm nào không có hoặc ít cá thì anh em chúng tôi chui vô nóp nằm bàn tán, tiếc rẻ công lao mình dành cho bao nhiêu khổ cực mà chỉ bắt được hơn chục con cá. Có khi hai đứa nghĩ rằng mình đi học làm chi cho nặng óc, xa nhà nhớ mấy em thà đi câu cá đặt bung chài lưới sống như mọi người thoải mái hơn là phải tuân theo kỷ luật nhà trường.
Một vài khi chúng tôi thức đêm không thấy có chút mệt mỏi vì cá nhiều, hàng trăm con nằm sắp lớp, hai đứa phải gồng tay giở bung lên khỏi bờ, cá đầy hơn nữa bung. Chúng tôi khệ nệ khiêng về vui vẻ. Cả nhà bàn tán hai ba ngày chưa thôi. Chúng tôi đi khoe cùng làng, mấy chú mấy bác không ngớt lời khen ngợi và có ông còn bảo:
-Tao sẽ bắt chước tụi bây tới đó kiếm vài con cá cho mấy đứa nhỏ nó ăn.
Bác Ba Tàn kể công:
-Tao chỉ chỗ thì nhứt định phải có cá, nếu không thì chỉ cho tụi bây làm gì?
Bác khoác lác như vậy chớ nhiều lần bác chỉ chỗ tụi tôi đi cắm câu, sáng chỉ mang về hai ba con cá lóc nhỏ.
Cái thú vui ở miền quê khi lặn lội đi câu cá hay bắt chim thật là thú vị, đầy cảm hứng, hồi hộp, khoan khoái khó tả mà người ở tỉnh thành không thể biết được. Tình nghĩa đậm đà, giản dị, thấm thía của bà con láng giềng miền Nam quê hương tôi cũng là điều khó thấy ở vùng đô thị. Bây giờ tuổi đã quá thất thập, sống qua nhiều nơi, nhiều xứ, vào những thời điểm khác nhau, nhớ lại những kỷ niệm xa xưa lòng vẫn thấy cảm hứng, bồi hồi, bồng bột không kém lúc thiếu thời.
Bắn chim
http://www.baophuyen.com.vn/Portals/0/2007/07/09-10/070709-gc2.jpg
Ai có sống qua cảnh náo nhiệt của thành phố, xe cộ đầy đường, rầm rộ khua động không ngừng, cho dù đã quen nhưng đôi khi họ cũng ước ao được sống những ngày yên tĩnh, đầu óc lắng dịu không bị căng thẳng vì sự ồn ào náo nhiệt luôn tác động vào tâm não con người.
Và ai đã sống qua cảnh đồng quê êm ả, chiều nhìn mặt trời dần dần lặn mất dưới rặng cây, tối xem trăng sáng chói như đèn trời soi cảnh vật... về khuya thỉnh thoảng có tiếng chim vạt kêu đêm như nó chia sẻ nỗi buồn với những người có tâm sự.
Ða số những ai đã sống qua cảnh êm đềm, giản dị của đồng quê, thế nào họ cũng ước mơ hưởng được cuộc sống an nhàn như vậy. Con nít thơ ngây như tôi sinh ra nơi nầy càng cảm thấy khắng khít dính liền với mùi ruộng lúa, mùi khét trâu, mùi khói rơm ung mũi, những thứ đó nó quyện vào tâm não con người tôi hễ xa thì nhớ, hễ gần thì không muốn bỏ đi.
Những đứa trẻ quen ở thành thị, có đủ mọi thứ đồ chơi nào xe hơi, xe tăng đụng biết lui, trống đường biết tiến, nào súng bắn xẹt lửa y như thật, vân vân... Như thằng con tôi 11 tuổi được về làng thăm quê nội. Con của người láng giềng trạc tuổi của nó sang rủ đi gài bẫy “chim mắt thao”. Dĩ nhiên thằng con tôi tò mò, xin phép cho bằng được để đi theo xem điều mới lạ nầy như thế nào?
Trong cái lồng nhỏ, phân nửa trên để trống có đầy đủ đồ ăn mà loại chim mắt thao ưa thích, phân nửa dưới nhốt con chim mồi. Cửa lồng trên mở rộng có sợi dây cột vào để kéo sập bất cứ lúc nào. Ngày hôm đó thằng con tôi đi chơi tới xế chiều mà không thấy đói vì nó mãi hồi hộp theo dõi chim rừng đáp trên lồng vô hay không vô ăn mồi?... Rồi cứ như thế làm cho nó say mê đến khi bắt được hai con mới chịu về. Từ đó mỗi khi nghỉ Hè là nó cứ nằng nặc xin về quê nội với mục đích tìm những thú vui lạ mà thành thị không thể cho nó hưởng được.
Thuật chuyện con tôi để giải thích chuyện của bản thân mình, vốn sinh ra và lớn lên trong làng, dù có đi Mỹ Tho, Sài Gòn học nhưng mỗi khi bãi trường là lặn lội khắp nơi trong làng tìm những thú vui quen thuộc. Ðời người có những chuyện khó quên, thậm chí không thể quên được là thú vui mà mình cho rằng tuyệt vời hay chuyện đau thương buồn tủi để lại một dấu ấn trong lòng.
Chuyện thích thú nhứt của tôi là “giựt chim” trên những đám mạ mới gieo. Sự mong chờ, sự ước ao chim về ăn mồi lúa vừa lú mầm, gieo đầy trên mảnh ruộng mới được tát cạn nước. Sự hồi hộp khi bầy chim đậu trên cành mà chưa chịu đáp xuống lưới, sự vui mừng khi giựt tay lưới sập bắt được vài ba chục con chim se sẻ, dòng dọc, áo già hay chim sắc... Chim sắc nhỏ con, lông màu nâu, mỏ sậm đen, chim áo già cũng nhỏ, lông đỏ, khoan cổ đen, mõ trắng ngà thật đẹp, chim dòng dọc to hơn một chút, còn gọi là dòng dọc nghệ, lông vàng có đệm ít lông đen trên mình hay trên cánh, mỏ vàng, chim sẻ lông nâu và đen pha lẫn, con trống có vành mắt đen chim mái không có.
Ôi! Ðam mê nó ngấm thấu tận lòng, mãi cho đến lớn lên mang chức tước đầy người mà vẫn còn lặn lội tìm cách sống lại những ngày thơ ấu đó. Ðôi lúc tôi cũng thoát được ra khỏi vòng ràng buộc của xã hội trưởng giả quan quyền. Những giờ phút đó nó quí báu làm sao!
Nói về kỷ niệm khó quên trong đời còn một chuyện thứ hai tôi ghi nhớ mãi là thời còn du học bên Pháp. Có một đêm trăng rằm sáng chói rọi xuống biển tuyết trắng xóa khắp nơi. Tôi cùng với ba người bạn đồng song cỡi ngựa giữa cảnh đẹp trời khuya, ngao du đi hết làng nầy sang làng khác ở khu ngoại ô thành phố Paris. Lúc đó tôi có cảm tưởng lạ lùng như mình đang lạc trong cõi thần tiên,
Trở về cái thú bắn chim, trẻ con trong làng bắn chim toàn bằng ná thung, quê tôi gọi là giàng thung, gồm một cái “nạng” làm bằng nhánh cây có cháng hai, chặt về hơ lửa uống cho bầu cong thật tốt, xong cắt chừa năm phân làm gốc, bảy phân hai cây chia ra thành nạng. Ðầu hai cây nạng, mỗi bên cột một dây thun bằng ruột xe hơi, dài chừng hai tấc cuối đầu dây thun cột dính với một miếng da dùng kềm đạn nhắm mục tiêu mà bắn.
Có người nhờ thợ mộc cưa lọng một cây nạng bằng gỗ, bào chuốt láng lẩy thật đẹp. Còn tôi thì lựa những thân cây cứng dẻo như cây duối, cây ổi, đốn những cháng hai đem về uốn cong đúng chiều dùng làm ná thung cũng tốt. Ðạn bắn chim thường bằng đất sét vò tròn phơi khô. Nhưng có khi lười biếng tìm những đống đá sỏi hốt cả nắm làm đạn cũng xong. Giàn thung chỉ bắn được những loại chim nhỏ như se sẻ, trao trảo, dòng dọc. Loại chim lớn hơn như cu đất, cu ngói, dù bắn trúng nó vẫn không ngã trừ khi đứng gần sát, hoặc trúng đầu hay trúng cánh gẫy, làm chinh gió nó bay không được phải té xuống đất mình rượt bắt. Có khi nó lủi vào bụi rậm, bụi gai thì cũng chịu thua.
Thổi chim
Thay vì bắn bằng giàn thung, làng tôi có vài người lớn họ dùng ống đồng dài chừng hai thước, lỗ nhỏ bằng ngón tay út, lấy đất sét mềm vò tròn nhét vào lỗ rồi nhấm vào con chim mà thổi thật mạnh. Viên đạn bắn ra xa nhưng không mạnh bằng giàn thung. Lợi thế của ống đồng thổi chim là dễ nhắm trúng đích. Nhưng con nít như tôi thời đó chỉ biết đi theo xem chơi thấy lạ nhưng không đủ hơi để thổi. Chú bảy Hồng cho thổi thử nhưng cục đất sét đi không xa có khi còn mắc kẹt giữa ống đồng vì yếu hơi.
Chấm chim
Chấm chim có phần rắc rối công phu hơn. Trước hết là phải có một cây trúc thật dài, uốn suông đuột ngay thẳng. Ðầu cây thoa đầy mủ, muốn chấm trúng chim mình phải rình rập tới gần những con chim thật dạn hoặc buổi chiều sắp tối, chim về ngủ cả bầy đầy trên cây. Chúng líu lo chí chóe giành nhau chỗ đậu ngủ qua đêm bất kể có người đang rình rập. Tôi thích chấm chim kiểu nầy nhưng khó tìm ra những cây có chim thường về ngủ. Hoặc có mà ở xa nhà hay gần những cụm cây um tùm, đi về đêm tối sẽ bị gia đình rầy la.
Muốn chấm chim phải chặt cây lấy mủ. Loại mủ tốt là mủ cây mít, cây sa-kê, cây sa-pu-chê. Thông thường trộn ba thứ càng tốt. Lấy được mủ rồi về nhà phải nấu lại cho sôi làm mất chất nước lộn trong mủ. Trò chơi nầy chẳng những khó khăn mà còn dơ bẩn vì khi mủ dính tay phải lấy dầu dừa hay dầu lửa chùi mới sạch.
Tuy nhiên nếu lấy mủ thoa đầy một nhánh cây, đem cấm giữa đồng ruộng, những nơi có chim thường đến như gần đống rơm cao nghệu, hay trên những đám mạ mới gieo, lúa mọc mầm, nằm phơi la liệt trên đám ruộng sạch cỏ, cạn nước, có khi cũng bắt được khá nhiều chim.
Giựt chim
Trò chơi nầy hơi rắc rối nhưng vô cùng thú vị. Trước hết phải làm một tay lưới. Chúng tôi không tự làm được mặc dù rất dễ nhưng cái khó là canh dây, cột dây như thế nào cho tay lưới nhẹ giựt và sập cho thật mau. Do đó chúng tôi phải nhờ bác ba Ninh làm giùm. Lưới giựt chim gồm có hai mảnh riêng rẽ, dài hai thước, ngang một thước. Bốn bề ngang cột dính vào một thanh tre nhỏ cũng ngắn một thước như nhau. Nếu để hai tấm lưới nằm trên mặt đất cách nhau đúng hai thước. Bốn góc bên trong có bốn khoen dây dùng để cấm nọc cho bốn đầu cây nầy dính cứng dưới đất nhưng có thể lung lay xoay đi xoay lại dễ dàng. Còn lại hai đầu cây trên mỗi bên cột một sợi dây dài chừng hai thước, đầu dây có khoen đề cấm nọc dính xuống đất. Hai đầu cây ở đoạn dưới tay lưới cột liền nhau dây lòng thòng dài độ bốn thước, giữa sợi dây nầy nối liền với một sợi khác thật dài chừng hai mươi thước có tay cầm.
Vấn đề khéo léo của người “bắt tay lưới” là làm sao điều chỉnh dây nhợ cho cân bằng chính xác. Làm thế nào để khi nắm giựt nó úp hai miệng lưới vô đúng hai thước đất trống đã chừa bên trong. Còn người mang tay lưới đi vực chim phải cắm những cây nọc sao cho tay lưới không bị chỏi và xếp lại thật mau khi giựt sập để kịp úp bầy chim đang ăn trong khoảnh đất trống bốn thước vuông có chim mồi cột trong đó và có lúa rải đầy nhử chim rừng vào ăn.
Mỗi khi trong làng có đám mạ nào mới gieo trên đất ruộng sạch cỏ, vừa tát cạn nước, để lộ ra những hột lúa vừa nẩy mầm phơi trần dầy đặc, sẽ mọc thành mạ non nếu không bị chim trời mổ nuốt. Biết được có đám mạ là em tôi quẩy lồng, tôi vác lưới đi giựt chim. Tới nơi chúng tôi tìm khoảnh đất gần bờ đê cắm lưới. Trải lưới xong cắm ba bốn con chim mồi dính chân trong dây, chớp chớp cánh muốn bay mà không bay được. Rải thêm lúa rồi đi tìm một nhánh cây khô trụi lá có nhiều cành, cắm ngay trên đầu lưới cách xa chừng vài thước để chim rừng có chỗ đậu trước khi đáp xuống vùng đất có chim mồi và đầy lúa.
Ðặt để tay lưới xong, chúng tôi kéo sợi dây có tay cầm thẳng đường và giựt thử xem có nhậy sập không? Mọi thứ đều chuẩn bị chu đáo, xong chúng tôi đi tìm những cành cây đầy lá bẻ đem về cắm thành một cái chòi núp kín đáo không để chim rừng thấy bóng người. Ngồi trong cái chòi đó chờ lũ chim xấu số bay về.
Khi thì chờ thật lâu mới thấy bóng chim về, khi thì còn đang làm chòi núp chưa kịp xong là chim đã kéo về cả đàn, thấy bóng người hoảng sợ bay mất, hoặc cũng có khi đàn chim vì đói mà đáp liều vào chỗ có lúa để kiếm ăn. Nhưng tôi vừa bén mảng đến cầm dây là chúng nó vội vàng bay mất. Những buổi sáng sớm hoặc xế chiều là thời điểm thuận lợi nhứt để giựt chim. Bởi vì sáng chim bay đi kiếm mồi, chiều tìm chỗ ăn no trước khi về nơi nghỉ ngủ qua đêm.
Chúng tôi ngồi trong chòi nói toàn chuyện chim với cá. Ít khi nào nói chuyện học hành, có chăng là than phiền năm nay thầy cho quá nhiều bài phải làm trong dịp Hè. Và năm nào cũng đành chịu phạt đổi lấy sự vui chơi trong ba tháng nghỉ Ðang nói năng lăng xăng bỗng nhiên hai đứa đồng thanh suỵt nhỏ, mắt nhìn năm ba con chim sắp đáp trên cành. Thằng Tôn xì xào nói nhỏ:
- Ít quá, tụi nó có xuống cũng đừng giựt. Thà bắt cho đáng mẻ lưới, trước sau gì cũng có chim mà lo gì?
- Mầy quên rằng có bao nhiêu lần đi về chỉ có hơn chục con hay có lần tay không? Bây giờ có bao nhiêu là tao chụp lấy bấy nhiêu. Chờ chúng nó đáp xuống là tao giựt liền. Trong lúc anh em đang bất đồng, ba con chim sắt nhỏ đáp xuống, năm con khác vẫn đậu trên cành cây đầu lưới.
Thằng Tôn bực mình nói hơi lớn tiếng:
- Chúng nó phân vân cái gì mà không chịu xuống?
Tôi lại suỵt bảo nó im rồi nói nhỏ:
- Chim sắc và chim áo già nhát lắm, có thể nói được là chúng nó khôn hơn loài dòng dọc, chim sẻ háu ăn.
Chờ không lâu cả đám sà xuống, tôi lanh tay giựt mạnh, lưới sập bắt trọn 8 con chim sắc, chúng nhảy cà dựng dưới mặt lưới. Hai đứa chúng tôi chạy ra gỡ mau bỏ vào lồng rồi căng lưới chạy vào chòi núp chờ nữa.
Lâu thật lâu, nắng chiều dịu bớt, mặt trời ngã dần xuống cao khỏi ngọn trâm bầu chừng một sào. Chúng tôi quyết định sẽ cuốn lưới khi mặt trời xuống khoảng giữa thân cây. Thằng Tôn tiếc hùi hụi, than xuất hành nhằm giờ xui ngày rủi.
Từ xa cách hai thửa ruộng trước mặt, tôi thấy một bầy chim bay nhưng không định hướng được chúng nó sẽ về đâu? Tôi khều thằng Tôn chỉ, nó sáng mắt, vẫy tay ngoắc bầy chim làm như nó muốn gọi chúng về đây. Thật vậy, bầy chim hướng mau về đám mạ chúng tôi đang ngồi, ngày càng rõ nét, thấy được là dòng dọc nghệ. Rồi một đám chim sắc từ đâu bay đến lại đậu thêm trên cành khô.
Chúng nó đậu đầy nhánh cây trước lưới, không còn chỗ trống, một đám hơn chục con đáp ngay vào vòng lưới. Tim tôi đập liên hồi, tay cầm sợi dây nắm chặt. Thằng Tôn khều lưng tôi không ngừng. Hình như tôi run hay nó run vì sung sướng hồi hộp. Cái giây phút tuyệt vời, một sự ước mơ lâu dài bây giờ mới tới. Nhưng lại phải chờ. Thằng Tôn ghé tai tôi muốn nói nhỏ gì đây? Tôi vội xô nhẹ đầu nó ra, tay trái bịt miệng nó. Hai tay nó lại ngoắc ngoắc mời chim đáp xuống. Giây phút hồi hộp chờ đợi... Tại sao lâu qua mà chúng nó không đáp xuống, mặt tôi nóng ran, ruột gan bời rời mấy con chim sắc bị bắt nhốt trong lồng kêu inh ỏi, vài ba con chim sắc khác trong bầy chim trước mặt, bay về hướng chòi, đậu trên mấy nhánh trăm bầu phủ đầu chúng tôi. Hai anh em tôi thằng nào cũng bất động, gần như cứng người vì mừng, vì sợ chúng phát hiện có người sẽ hè nhau bay mất tất cả. Bầy chim trên cành chớp cánh hạ dần cả đám không biết bao nhiêu đã lọt vào, tôi vội lấy hết sức giựt mạnh, hai mảnh lưới ụp vào, lố nhố đám chim mắc lưới nhảy tung tăng. Thằng Tôn la hét vỗ tay mừng rỡ nó nói gì tôi cũng không nghe, tay tôi xách lồng chạy như bay ra ngồi gỡ từng con bỏ vào lồng. Tim vẫn còn đập nhưng đầu tôi lấy lại bình tĩnh dần.
- Trúng mối rồi anh Sáu ơi!
- Ðố mầy biết được bao nhiêu con?
- Ít lắm phải năm sáu chục.
- Có thể như vậy lắm.
- Chim dòng dọc nghệ nhiều, quay chảo ăn mệt nghỉ.
- Nhổ lông mổ ruột cũng mệt nghỉ!
- Vậy thôi giở lưới thả cho tụi nó bay làm phước, mình khỏi nhổ lông mổ ruột anh chịu không?
- Thằng khỉ mầy đừng dở hơi.
Anh em chúng tôi vừa gỡ chim vừa đếm tất cả bảy mươi sáu con cộng với tám con chim sắc bắt được là 84, nhốt chặt lồng không còn chỗ bay, chúng giẫm lên nhau kêu inh ỏi.
Thằng Tôn đề nghị cuốn lưới về, nhưng lòng tham và sự ham mê của tôi chưa chịu ngừng. Banh lưới ngồi chờ, thỉnh thoảng có chim về không đông, mỗi bầy chừng vài chục con nhưng đậu trên cành kêu hót, có lẽ chúng nghe đồng bọn kêu ré và hiểu rằng bọn chúng đã gặp cơn nguy. Vì vậy không có bầy nào chịu đáp xuống, Từ đó chúng tôi rút kinh nghiệm đi giựt chim đem theo hai lồng, có chỗ rộng nhốt chúng thoải mái không la inh ỏi có thể làm kinh động giống chim cùng loại.
Chiều hôm đó nhà chúng tôi ăn cơm như bữa tiệc. Thằng Tôn và tôi mặc sức kể chuyện, mạnh miệng, hào hùng, nhưng không thể tả được tâm trạng vui mừng, cái cảm giác lo âu hồi hộp trong lúc chúng tôi chờ đợi bầy chim đông nghẹt đang quan sát mấy con chim mồi và thức ăn đầy dẫy mà chưa chịu đáp xuống.
Cái thú vui của tuổi thơ là ở đó, sự đam mê buộc tôi nhớ mãi quê nhà, nhớ cảnh thiên nhiên hữu tình, nhớ đồng ruộng mênh mông, sông rạch trải dài, phải chăng những cái đó tạo cho tôi lòng yêu nước thương dân?
Giựt Cu
Trong bài viết về thú vui của tuổi trẻ khi chúng tôi vác lưới đi giựt chim thì tôi đã mô tả khá rõ ràng về hình dáng và tác động của tay lưới dùng làm bẫy để bắt chim rừng. Nhưng lưới giựt cu có phần khác hơn đôi chút. Thứ nhứt tay lưới lớn hơn, hai mảnh lưới có bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi. Như vậy bề mặt khoảnh đất trống dành cho chim đậu rộng gấp đôi. Thứ hai lỗ lưới lớn hơn để tránh bị cản gió khi cần giựt nhanh. Thứ ba các dây nhợ phải to và chắc hơn vì tay lưới lớn.
Kỹ thuật giựt cu đòi hỏi phải lanh trí, lanh tay hơn giựt chim dòng dọc, áo già. Bởi vì con chim cu rất mạnh. Nó đập cánh mạnh và nhanh, Ðậu trên cành cây hay dưới đất chúng vừa chớp cánh vừa vọt chân. Do đó chim cu cất cánh bay bổng chớ không bay ngang rồi mới lên bổng như chim sẻ. Vì vậy giựt cu là phải giựt ngay khi chim mới vừa sà vào lưới chưa kịp đậu xuống đất. Nếu để cho chúng nó đậu xuống đất rồi mới giựt thì mười lần sẩy mất hết chín rưỡi vì hai miệng lưới vừa chớp là con chim đã vọt thẳng ra ngoài tầm lưới rồi. Cho nên khi chúng sà vào khu đất trống có cu mồi thì phải lẹ tay giựt mạnh, úp ngay cả lũ chưa kịp đặt chân xuống đất. Có đôi khi một hai con vừa đụng đất vọt lên trúng đồng bọn té ngay xuống.
Nhanh trí lẹ tay tôi có, nhưng sức mạnh tôi thiếu nên rất nhiều lần ham đi giựt cu một mình tôi làm sẩy chim không biết bao nhiêu lần. Khi nào đi với anh Năm thì tôi bắt được nhiều hơn vì ảnh không cho tôi sờ tay vào giây lưới. Thịt cu ngon ngọt, quay chảo hay bầm nhỏ nấu canh với đọt bầu non là món dân quê làng tôi hay thưởng thức.
Giựt cu trên những đám mạ mới gieo ít khi có, phải lựa những đám cỏ thấp có bông cỏ nhiều. Chim cu rất nhác nên chúng thường tìm nơi có cây rậm hay đồng cỏ hoang vu. Chúng nó thích ăn bông cỏ, ăn lúa khô hơn là ăn lúa nẩy mầm, trừ lúc chúng nó đói thiếu mồi.
Khổ nỗi là tôi thích vác lưới đi một mình tới đám cỏ rậm có nhiều bông, chim cu thường xuống cả bầy do ông ba Hàn chỉ cho tôi, nó nằm trong khu vườn của ông Hương Sư Liên. Nhà bác Liên có cô con gái trạc tuổi tôi tên Thời. Cứ mỗi lần cô ta thấy bóng tôi vác đồ nghề đi ngang qua cây cầu sau hè là cô hớn hở lớn tiếng chào hỏi nói năng xa gần, líu lo đủ thứ. Phần tôi thì hồi hộp cười đùa trả lời, khi thì tự nhiên khi thì ấp úng. Gần như đôi bên hai đứa có một cái gì ẩn ý chứa trong lòng mà không dám nói ra hay là không biết nói làm sao để diễn tả lòng mình.
- Cậu sáu đi gài bẫy bắt hết mấy đám chim cu sau nhà, em bắt cậu phải đền em đấy.
- Cô Thời muốn tôi đền cái gì đây? Chim nhiều mà bác Liên không thích bắt ăn thịt để nó phá phách, tôi bẫy giùm cho mà em không cám ơn còn đòi tôi phải đền nữa sao?
- Bắt đền chớ sao? Chim gáy nghe êm tai, sáng sớm nghe vui, xế chiều nghe buồn bã, cái thú ở nhà quê của em là như vậy đó, chớ đâu phải như cậu Sáu đi học ở tỉnh thành có đủ thú vui.
- Ði học xa không vui đâu, nhớ nhà lắm, nhớ bác Hương Sư nhớ bà con lối xóm.
- Cậu sáu nhớ bẫy chim hay nhớ ba em?
- Tôi nhớ cô Thời nhiều hơn nhớ bẫy chim.
Con nhỏ xí một cái, lại còn hứ thêm, rồi trợn mắt nhìn tôi trân trân, mỉm cười vui vẻ tiếp:
- Nói thật hay nói xạo vậy cậu Sáu?
- Nói thật!
Những câu nói đùa qua lại của hai đứa trong lứa tuổi mười ba, lời lẽ ngây ngô, không đâu vào đâu cả mà sao tôi thấy nó ngọt ngào quá. Trải lưới xong rồi, tôi ngồi trong chòm cây chờ cu về mà đầu cứ lập đi lập lại mấy câu vừa trao đổi với con Thời sao thấy lòng nó lâng lâng thích thú. Một thứ cảm giác chắc chắn không phải là tình, không phải đùa cợt, không phải chọc ghẹo trai gái. Nó có một cái gì đôi bên muốn gởi gấm, một thứ trìu mến qua những câu nói ngây ngô vô nghĩa nhưng làm cho người nghe thấy nhẹ lòng khó quên.
Gác Cu
http://farm4.static.flickr.com/3225/3289593394_110fdfe83a_b.jpgGác cu phải nuôi một con chim mồi, chim trống biết gáy và phải gáy hay. Chẳng những gáy hay mà còn phải gáy rất thường. Gáy hay là “gáy hai giọng” có con gáy ba giọng, nhưng giọng thứ ba thường nghe rất nhỏ. Hai giọng không phải là giọng hát khác nhau mà là cùng giọng nhưng thêm một tiếng đệm. Có nghĩa là con chim thường gáy: Cục cú cu... cu. Còn chim gáy hai giọng nó kéo thêm một tiếng cu nữa: Cục cú cu... cu... cu. Rất ít khi nghe có giọng thứ ba, nếu có thì giọng thứ ba nghe rất nhỏ. Ông Ba Hàn ở xóm Giồng Lớn gần nhà tôi chuyên giựt cu, gác cu, bán cu mồi, bán cu ăn thịt. Ông có một con cu mồi quí như vàng gáy ba giọng, tôi có nghe qua tiếng gáy ba giọng của nó.
Gác cu như thế nào? Trời phú cho loài chim này giống như bồ câu nuôi trong nhà, chúng có hai đặc tính: Thứ nhứt là một vợ một chồng, trừ khi bạn tình của nó chết. Thứ hai là anh hùng cái thế trong lãnh thổ của nó, không cho phép bất cứ con chim nào lạ bay vào lãnh thổ đó mà trổ tài dê chim mái trong vùng. Và nó cũng không chấp nhận nghe tiếng gáy nào khác, hay hơn giọng kêu của nó. Cái tính “anh chị” ghen tương và kiêu căng đó khiến cho nó chết “vì đàn bà”.
Bẫy dùng để gác cu hình thù nhỏ, bề ngang chừng hai tấc rưỡi bề dài chừng bốn tấc. Mặt dưới bằng phẳng, phân nửa mặt trên đương bằng nan tre hình bầu tròn như nửa quả bóng, đó là lồng nhốt cu mồi, có cửa để bắt chim ra thả chim vào. Phân nửa bên còn lại có hình vòng thon như trái xoài bao trùm lưới, có lò xo kéo lên bật xuống do một hệ thống gài với một cây gác ngang để chim rừng đứng vào thì sụp lò xo bật xuống nhốt con chim rừng bay tới đá lộn với cu mồi.
Người đi gác cu dùng cây sào thật cao có móc, đưa bẫy cu đặt vững chắc trên nhánh cây, tàu dừa, hoặc máng trên cành bằng cách này hay cách khác rồi ngồi chờ cu gáy. Chim phải gáy thường, gáy mãi cho đến khi con cu chủ chốt trong vùng nghe tiếng gáy mới lạ của cu mồi bèn nổi giận tìm đến mà đá thì bị sập bẫy. Người gác cu chuyên nghiệp người ta thường tập con chim mồi cất tiếng gáy mỗi khi họ búng tay nghe chóc chóc hay hút gió kêu phù phí là chim cất giọng cú cu ngay. Cũng có khi tiếng gáy của cu mồi quá mê ly dụ được chim mái đã lẻ bạn bay tới đáp vào bẫy sập mất mạng.
Người ta thường nói: Ở đời có bốn cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Làm mai tốt ngày, tốt tuổi, thì vợ chồng người ta hạnh phúc, bằng khômg êm ấm thì mình bị phiền trách. Lãnh nợ là cái ngu lớn nhứt bởi vì đa số người lãnh nợ đều phải giang đầu ra trả và kêu trời. Cầm chầu thì luôn luôn bị chỉ trích không ít thì nhiều. Bởi vì trong một vở hát bội khi nào người cầm chầu muốn khen hát hay thì đánh một tiếng thùng trên cái trống chầu có vấn một miếng vải đỏ thắt gút to cho trang trọng. Kép hát thật hay thì chầu hai tiếng, ba tiếng thùng. Nhưng ở đời bá nhân bá tánh, câu hát này mình thấy hay người khác cho là thường, thậm chí dở ở điểm này hay điểm khác. Cô đào này đẹp, hát không hay mà vẫn đánh thùng. Cho nên sau một tuồng “hát bội” khắp nơi trong làng người ta phê phán chức sắc cầm chầu giỏi dở, công bằng hay háo sắc. Vậy thì khôn ngoan nhứt là đừng có ngu mà cầm chầu.
Còn cho rằng gác cu là ngu thì tôi thắc mắc. Phải chăng là tại chờ đợi quá lâu, hoặc cả ngày bỏ công ăn việc làm, bỏ mặc vợ con đi gác cu mà không bắt được con chim nào cả thì quả là ngu. Nếu nhà nghèo phải lặn lội kiếm cơm cho gia đình mà chọn nghề gác cu thì có thể xem đó là ngu. Nhưng nếu người khác cho đó là một thú vui, khi gác cái lồng cu lên cao, ngồi chờ trong vườn cây mát rượi, nếu là vườn dừa có những cây cao trổ bông thơm phức, gió thoảng đưa hương lướt nhẹ qua từng hồi, cảnh vật im phăng phắc, tiếng cu gáy như ru hồn. Chờ đợi trong cảnh này đâu phải là ngu? Cho dù chờ không có chim đến, phải đi nơi khác thì cũng đứng ngồi dưới những rặng cây cao bóng mát. Không phiền hà đụng chạm tới ai, không bị phê bình chỉ trích gì cả. Nếu cả ngày chỉ bắt được có vài con hoặc đi về tay không thì cũng chẳng phải là ngu vì thỏa mãn được cái thú vui mình đã chọn.
Riêng cá nhân tôi lúc còn nhỏ không có khả năng đi gác cu mà cũng không được ông Ba Hàn cho phép đi theo vì ông sợ tôi đứng ngồi lộ liễu chim không dám về. Nhưng sau này khi nên danh phận tôi tạo được hai mẫu vườn ở khu cầu kinh Sài Gòn có trồng dừa, có trồng cau, có đầy đủ loại cây cao bóng mát. Ngoài ra gần đó còn có những vườn dừa nên tôi thường nghe tiếng cu đất gáy rân, gợi cho tôi những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi bèn sinh ra ý nghĩ nuôi cu mồi để nghe tiếng gáy và sắm một giàn bẫy gác cu để nhớ lại những kỷ niệm thời xa xưa ấy. Nhớ những buổi trưa nắng gắt, cảnh vật im lìm, tiếng cu gáy êm tai, hay những lúc chiều tà tiếng cục cú cú cu kéo dài nghe buồn bã thấm thía. Cảnh vật thiên nhiên của miền Nam Việt Nam in sâu trong đầu tôi một dấu ấn mãi mãi không quên nhứt là ngày nay phải sống trong cảnh tha hương vọng quốc.
Ðuổi chim
Ðồng quê miền Nam ruộng lúa mênh mông, khi lúa chín đầy đồng thì đủ các loại chim luồn lỏi dưới rặng lúa vàng ăn hột rụng trên đất cứng sắp khô. Ðó là thời gian nhà tôi hay tổ chức đuổi chim. Nhưng đuổi chim trong ruộng lúa là điều cấm kỵ bởi vì nhiều người chia nhau lội trên ruộng đầy bông lúa chín vàng sẵn sàng rụng nếu bị lay động mạnh. Do đó người ta chỉ đuổi chim trong ruộng nhà hay như gia đình tôi chỉ cần thông báo cho các chú các bác tá điền rủ họ cùng đi với chúng tôi thực hiện cuộc đuổi bắt.
Cái bẫy gài để bắt chim gọi là cái “Bống”. Nó có hình dáng tròn như một cái ống to có đường kính chừng năm tất, dài ba thước chia làm hai ngăn, đan bằng nan tre lỗ nhỏ. Mỗi ngăn có cửa gài thật chắc để thò tay bắt chim được. Ðầu trên bít chịt, đầu dưới có một hom tre thật mỏng vô được dễ dàng mà ra không được. Chặng giữa cũng có một hom giống y như vậy. Sở dĩ người ta chia làm hai ngăn là để phòng khi có nhiều chim quá chúng nó có chỗ dồn vào đó, và nếu chim đầy chúng giẫy giụa quá mạnh phá gãy hom ngoài bay mất thì chim sẩy cũng không hết, vẫn còn một số đã vào ngăn trong. Tính toán là như thế chớ ít khi bị sẩy mất chim, bởi vì dù cho có đầy chim nhưng làm cho sút hay gãy cái hom không phải dễ.
Trước khi đi đuổi chim phải xem coi ruộng nào thường nghe chim “cúm núm” kêu. Cúm núm là một loại gà nước tiếng kêu của nó to: cúm núm... cúm núm... túc... túc... túc... Sau khi lựa những thửa ruộng mình nghi là sẽ có nhiều chim rồi thì tập trung chừng bảy tám người, ba bốn chú vác liếp, mang bống, cộng thêm ba anh em chúng tôi, thằng nào cũng hăm hở, mừng rỡ vì biết sẽ có nhiều chim và là một trò chơi quá dễ dàng mà kết quả luôn luôn tốt đẹp.
Người nhà quê dùng cái liếp để phơi thuốc lá. Sau khi sắc lá thuốc nhỏ bời rời, người ta kéo thành rê mỏng ép trên mặt bằng của cái liếp đan bằng tre hoặc bằng cây sậy đập giập, bề ngang cái liếp lớn độ năm tấc, bề dài hai thước, liếp tre dùng được lâu bền, liếp sậy nhẹ nhưng mau hư.
Vác liếp đi đuổi chim mấy chú mượn liếp sậy để nhẹ vác. Tới nơi mấy chú mấy bác dùng liếp ấn nhẹ xuống đất, dựng sát hai bên cái bống, mỗi bên sắp mười liếp chạy dài nghiêng chiều thành một góc khá rộng kể từ cái bống. Xong rồi chúng tôi bắt từ phía đối diện với chỗ đặt bống, chia mỗi người đứng cách xa nhau, lội xuống ruộng tay vạch nhẹ cây lúa, chân bước chậm, miệng la hù... hù... với mục đích đuổi những con chim đang ở trước mặt chạy tới. Khi bước đi còn cách xa cái bống thì hù... hù... khá lớn tiếng, đi lại càng gần thì tiếng hù càng nhỏ bởi sợ lớn tiếng chim hoảng hồn bay bổng ra khỏi ruộng là mất một con mồi. Cứ đi như vậy gần tới đích, đoàn người gom tụ nhau cho đến tận cái bống thì thấy chim ơi là chim. Nào cúm núm, cò ma, chằng nghịch lông ức màu xanh óng ánh, mỏ nhát bông trắng bông đen mập ú lù, ốc cao mỏ đỏ nhỏ con ngon thịt.
Hết thửa ruộng nầy đến thửa ruộng khác có khi đuổi hai lần có khi ba lần đuổi bắt nhiều chim chia nhau ăn nhậu vui vẻ. Làm sao tôi không ham đuổi chim bởi vì biết trước khi đi thế nào cũng có nhiều chim và cái thú vừa lội trong lúa vừa hù, vui thích nhứt là tới nơi thấy cái bống chứa đủ thứ chim giẫy giụa tìm đường thoát thân không được.
Những thú vui mà thế hệ của tôi sống ở đồng quê miền Nam được chứng kiến và vui hưởng chắc không còn có thể tìm lại được nữa. Tiếc rằng người viết không đủ tài năng để mô tả, diễn đạt đầy đủ ý nghĩa, phơi bày tận cùng hết ý những cảm nghĩ sâu đậm trước những thú vui cảnh đẹp của miền Nam thân yêu ngày trước.
Những trò chơi quê mùa của tuổi trẻ
http://www.vinhlong.gov.vn/Portals/0/Gallery/915/1-%20Buoi%20Nam%20Roi%20My%20Hoa.jpg

Thời gian lúc tôi còn thơ ấu 1940-1950, trẻ con trong làng, giàu cũng như nghèo không có được những món đồ chơi như đám con tôi sau này, nào xe hơi chạy bằng pin điện, nào tàu con chạy trên nước, búp bê biết nói biết cười, thậm chí súng M16 bằng nhựa bắn xẹt lửa. Càng không thể tưởng tượng như bây giờ mấy đứa cháu tôi ở Mỹ có đủ thứ đồ chơi nhằm thỏa mãn sự tò mò, óc sáng tạo của chúng nó hay khêu gợi sự thích thú về âm nhạc và màu sắc. Ðồ chơi vừa đem lại sự thích thú vừa là phương tiện giáo dục cho trẻ con thời đại ngày nay. Ðồ chơi nhiều đến nỗi chất cả đống trong một góc nhà hay cả một phòng dành cho chúng nó vui đùa phá phách.
Nhưng xét cho cùng mỗi thế hệ có những món chơi thích hợp với thời đại của thế hệ đó và cũng thỏa mãn được những thú vui hay sự ưa thích của đám con nít sống trong xã hội lúc bấy giờ.
Tuổi thơ của tôi ở nhà quê có những thú vui rất thông thường giản dị, kể lại chỉ có những độc giả ngoài năm mươi tuổi mới hiểu được vì đã thấy hay có chơi qua, như bẫy chim, bắt tổ chim, đánh trổng, u nước, mổ đáo tường, đá banh chuối v.v...
Bẫy cò
Trò chơi vui thích nhứt, ít khi bắt được chim nhưng mỗi lần gài dính một con cò bị treo cổ lòng thòng trên cần bẫy là một sự vui mừng khó tả, một thành công, một chiến thắng của anh em tôi và là một đề tài để chúng tôi hãnh diện bàn tán khoe khoang, đôi khi còn thêm mắm dậm muối cho ra vẻ ta đây là thiện nghệ.
Còn đối với những người trong nhà như bà cô tôi hay mấy chú giúp việc thì họ chế nhạo rằng: Tao có vạch con mắt nó thấy một bên bít chịt còn một bên sưng tù vù hình như con cò nầy không thấy đường đó tụi bây! Cho dù có nói gì đi nữa thì chúng tôi cũng được ăn một món thịt cò bầm nhỏ có xả ớt, xào khô, xúc bánh tráng nước dừa và món canh lá bầu non với thịt cò ngon ơi là ngon.
Ðồng ruộng miền Nam thời đó có chim đầy đồng, nước ngập có tràn bè, giang sen, diệc mốc, bay qua đáp xuống tìm cá. Mùa gặt lúa xong, nhiều cánh đồng còn ít nước đọng vũng, những nơi đó cò trắng đáp từng đàn hàng trăm con, lăn xăng tìm nhái con, cá nhỏ còn sót lại, ngày nào cũng thấy trắng ruộng. Khoản thời gian đó là thuận tiện nhứt để gài bẫy cò.
Bẫy cò rất đơn giản. Một cần tre thật dịu dài hai thước, một sợi dây chắc chừng một thước, khoản bảy tấc dây cột dính vào một thanh tre nhỏ chừng năm phân, giữa thanh tre cột một dây có lưỡi câu để móc cá con hay nhái làm mồi nhử cò. Ba tấc dây cuối cùng còn lại làm vòng tròn như thòng lọng để siết cổ cò. Khi gài bẫy người ta khoét lỗ tròn hoặc lợi dụng lỗ chân trâu có nước khá sâu. Cần bẫy cắm sâu vào đất, hai bên miệng lỗ cắm hai thanh tre xéo ở đầu miệng, gài cây ngang có cá mồi dính trong lưỡi câu. Cò mổ cá, cây ngang sụp, cần tre bật, vòng thòng lọng thắt đầu cò treo cổ chờ chết. Cũng có khi cò giẫm chân trúng bẫy, nó giãy giụa bay hết trớn, nếu cần bẫy cắm không sâu dưới đất hay thòng lọng siết chân nó không chặt thì sút chân bay mất hoăỳc nhổ luôn cần bẫy mất cả chì lẫn chài.
Trong trường hợp cò bị rủi ro mắc chân thì rất khó gỡ, nó bay tứ tung khó lòng bắt trúng nó bởi vì phải e chừng nó mổ vào tay rách thịt, nếu không may trúng mắt có thể bị đui. Người lớn hay nhát chúng tôi về vụ đui mắt nên mỗi lần như vậy là chúng tôi dùng roi quất cho cò ngã chết mới dám lại gần.
Cái vui mừng, sự hồi hộp khi thấy con cò bị treo cổ, giống như tôi được giải nhứt trong lớp trúng thưởng cuối năm, hay bỗng nhiên ông nội gọi cho một số tiền lớn. Sung sướng vì có cơ hội để khoác lác với bạn bè. Còn đôi khi cò bị vướng chân thì mừng ít sợ nhiều, chỉ khi nào đập chết con cò tháo gỡ xong thì nỗi sợ mới biến thành sự vui mừng không được hớn hở trọn vẹn.
Ðánh trổng tán u
Bộ trổng gòm một cây thước tròn gọn để cầm tay, dài độ năm sáu tấc và một con trổng nhỏ bằng ngón tay cái dài một tấc rưởi hoặc hai tấc. Buổi chiều trời mát rủ nhau ra ruộng khô hoặc tìm sân, bãi nào trống. Khởi sự lấy đầu cây thước xoi khoét một lỗ nhỏ xiên vừa để con trổng nằm nhóc đầu lên, lú ra một chút, đủ để đập xuống đầu nó con trổng văng bổng lên, gọi là chặt gồng, đồng thời đánh mạnh vào con trổng, gọi là tán, cho nó đi càng xa mịt mù càng tốt. Ðứa nào tán xa hơn là ăn, đứa nào tán gần là thua, đứa nào tán hụt thì thua chắc. Thằng nào ăn thì cầm con trổng và cây thước trong cùng một tay, thảy bổng con trổng lên tán trúng cho đi thật xa, con trổng vừa rớt xuống đất thằng thua bắt đầu chạy đi lượm con trổng về, miệng phải kêu lớn u.u.u không được đứt hơi, nếu chạy xa trở về mà đứt hơi thì phải tán lại và u lại cho tới khi nào đem được con trổng về đúng luật lệ mới khởi sự chơi bàn khác. Nếu kẻ thắng tán hụt con trổng rớt tại chỗ thì khỏi u. Người lớn đánh trổng ăn tiền, người ta tán con trổng đi xa và lấy cây thước vừa đi vừa đo tổng cộng bao nhiêu thước rồi hai bên trừ số sai biệt, được bao nhiêu thước là phải chung bấy nhiêu xu.
U nước
Một đám bạn bè chia nhau bắt bồ thành hai phe. Gạch một lằn ranh chia thành hai nước. Một thằng bên này chạy qua lằn mức bên kia miệng kêu lớn u.u.u không được phép đứt hơi, lấy tay bắt trúng mình một đối thủ và chạy thoát về kịp bên nước mình thì đối thủ bị bắt trúng chịu chết ra khỏi hàng ngũ. Nếu anh chàng u.u.u.. xong qua nước người ta mà bị kẻ địch xúm nhau bắt cứng bên đó hoặc đứt hơi nửa chừng thì coi như chết phải ra sân. Cứ như vậy mà chơi cho đến khi nước nào hết quân là thua.
Chọi đáo ăn cổng
Mỗi thằng có một đồng xu, bằng đồng hay bằng chì, nặng nhẹ, lớn nhỏ tùy ý miễn sao cầm vừa tay và đừng quá lớn vì người ta sẽ chọi dễ trúng đồng tiền của mình. Thời tôi còn nhỏ có một xu bằng đồng, lớn bằng rưỡi đồng quarter dollar của Mỹ, nó mỏng và nhỏ, người ta chọi khó trúng nhưng nhẹ quá không vừa tay khó chơi. Do đó đa số đi tìm chì hay đồng nấu chảy, đổ vào một lỗ đất khoét sẵn cho vừa ý mình. Ðợi chì hay đồng nguội, lấy lên mài bằng mặt, dẹp tròn vừa tầm chọi cho sướng tay. Ai có tiền thì nhờ thợ bạc làm bằng đồng chì theo ý muốn của mình.
Chọi đáo thường chơi hai đứa, thằng đi trước thảy xu xa gần tùy ý, gọi là “thí”, thằng sau nhắm chọi trúng là ăn, nếu không trúng thì đồng xu của mình văng gần hay xa đồng của người ta phải để y đó cho người ta chọi trúng thì thua. Ai thua khom lưng xuống cho kẻ thắng trận leo lên lưng cầm đồng tiền của kẻ bại thảy xa gần tùy ý rồi nhắm nó mà chọi trúng thì được ngồi trên lưng cho người ta cõng tới đó lượm xu trở về mức khởi điểm. Thường trước khi chơi phải giao hẹn: Có quyền nhảy lên lưng ngựa hay không? Nếu là có thì tội nghiệp cho kẻ thua! Thằng bạn nó lấy trớn phóng lên lưng mình có khi muốn té chúi nhũi. Con nít ác ôn như vậy đó, nhưng mọi thằng vẫn thấy đó là vui là thích khi được hành tội người khác.
Mổ đáo tường
Trước khi chơi phải vẽ một khung lớn hình chữ nhựt. Ðầu dưới lấy gạch kê một tấm ván dài năm tấc ngang ba tấc, nằm ngửa mặt, đủ độ nghiên để cầm đồng xu mổ vào đó nó chạy quanh như thế nào mà không ra khỏi đường vẽ cao nhứt. Ai mổ ra khỏi lằn mức trên cao thì coi như chết. Lượm xu về để trên dấu chết cách tấm ván chừng năm tấc. Mọi người đều nhắm canh làm sao để mổ cho đồng xu của mình nằm cao trên hết thì có quyền chọi những xu của người khác nằm dưới, rồi cứ tiếp tục chọi nếu trúng thì tiếp nửa, nếu trật thì người kế tiếp chọi đồng xu của người dưới mình. Ai thua thì đưa lưng ra chịu cho người khác cỡi. Con nít chơi ăn cõng người lớn chơi ăn tiền nhưng ít khi thấy người lớn chơi mấy cái trò như vừa tả trên đây.
Ðá banh chuối
Làm một trái banh chuối quá dễ, lấy những tàu chuối khô, tuốt lá, còn lại tàu khô xé ra làm dây, nối liền nhau từng khúc dài. Cuộn lá chuối khô, dùng giây quấn chặt thành một cục tròn nhỏ, rồi cứ thế mà quấn lá thêm vào, ràng dây siết chặt thành một cục tròn lớn hơn. Lớp thứ ba phải dùng toàn bằng dây quấn thành một trái banh lớn nhỏ tùy ý bọn con nít trong làng chơi chung với nhau. Rồi hai thằng đầu đảng bắt bồ, chia làm hai phe, khi nào có lẻ một thằng thì bên nào ỷ mạnh sẽ chấp bên kia thêm một cầu thủ.
Ðá banh trên đường lộ, bằng phẳng dễ chơi nhưng thỉnh thoảng có người lớn đi ngang qua thì phải ngừng, nếu là thằng nhỏ trong làng đi qua thì không ngừng nhưng có thằng liến khỉ xong vô đá bậy một cái rồi chạy thì cả lũ chưởi bới inh ỏi, có thằng tức giận bỏ sân rượt theo dĩ nhiên là chạy không kịp! Vui thật là vui. Nếu không may gặp cha mẹ hay cô bác của một cầu thủ đang hăng hái giành banh thì người cô bác đó đứng lại xỉ vả cả đám một hồi rồi đuổi xuống ruộng mà đá. Ruộng lồi lõm làm sao đá? Chỉ lấy chân dích banh và chạy theo giành, tất cả đám “xây lố cố” chúng tôi quần riết thửa ruộng cũng bị san bằng thành sân banh!
Những ngày nghỉ bãi trường, chiều nào không đánh trổng thì cũng chọi đáo, u nước hay đá banh chuối cho tới chạng vạng tối mới về nhà tắm rửa.
Bắt ổ chim
Kỷ niệm ở đồng quê, sự đam mê của tuổi trẻ thật đơn sơ giản dị. Những thế hệ con em sinh ra ở thành thị không chung đụng với thiên nhiên, khó biết loài chim sinh trưởng như thế nào? Nếu có đứa nào ham muốn nuôi chim thì cha mẹ cho tiền mua thú sắm lòng. Chim biết hót, chim biết nói chúng lại tự hỏi làm sao chim nói được tiếng người?
Tôi đã từng bắt khá nhiều ổ chim, đã từng nuôi cưởng biết nói, dồng dộc đeo theo mình, cu đất cu ngói lớn khôn bay mất, chim sẻ khó dạy, chim sắc dễ nuôi. Nhưng có hai loại chim tôi nuôi thành công và mãi ham mê cho đến khi lớn lên có gia đình, thành danh mà vẫn tìm mọi cách kiếm cho bằng được loại chim mình đã từng nâng niêu khi còn thơ ấu. Ðó là dồng dộc nghệ và cưởng.
Những thứ chim như cu đất cu ngói dễ nuôi nhưng bị gia đình rầy vì nuôi chim con phải nhai gạo rồi ngậm mỏ nó vào miệng mình, chúng xóc nuốt như chim mẹ ngậm mỏ chim con mà súng mồi. Hai loài chim này rất ngu, nuôi lớn nhớ rừng bay mất. Chim sẻ đầy sân đầy nhà lớn lên chúng nghe tiếng đồng loại nhập bọn bỏ mình, gọi mấy nó cũng không về.
Có lần tôi đi câu thấy bầy le le con, tôi rượt bắt được ba con đem về nuôi chung với bầy vịt lớn lên nó sinh sống như vịt trong nhà, đi ăn rồi về cho dù có le le rừng đeo theo rủ rê cũng không dụ được. Có lẽ nó đã quen thân tiếng vịt nên không hiểu được tiếng chim đồng loại của nó. Cũng giống như báo chí đưa tin có một cô gái người Miên lạc trong rừng lúc còn bé. Cha mẹ tìm được nó quên hết tiếng người.
Chim cưởng làm ổ trên các ngọn cây cao chót vót, thường là cây keo có gai. Cưởng làm ổ bằng cành khô lá rụng, cũng có khi bằng rác rến, lông chim lông gà vải vụn, bất cứ thứ gì chúng có thể làm thành một ổ to che nắng che mưa và bên trong mềm êm để chim con sống thoải mái. Ổ cưởng có lỗ chui vô chui ra gọi là cái vòi. Khi nào cưởng con lớn thì cái vòi được lót dài thêm, đề phòng cưởng con bị té chết vì giông gió ngọn cây chuyển động mạnh. Muốn bắt cưởng con vừa lớn để nuôi thì phải canh chừng khi thấy cái vòi ổ dài ra chừng hai tất là phải chấp cây thật cao thọt cho rớt nguyên ổ nếu không chim con có thể té chết. Vòi ổ cưởng dài trên ba tấc là cưởng con biết bay chọt rớt ổ cũng không bắt được con nào.
Nuôi cưởng con từ lúc nhỏ thật công phu, mỗi ngày bắt cào cào châu chấu cho nó ăn không đủ phải cho ăn thêm cơm. Nhưng nếu ăn nhiều cơm sẽ khó tiêu, do đó phải cho cưởng ăn ớt thật nhiều. Mỗi ngày nó nuốt ít nhứt năm ba trái ớt hiểm. Cưởng lớn lên phải lột lưỡi và để nó sống gần nơi có tiếng nói của người. Người ta hay treo lồng cưởng gần bếp hoặc thả cưởng đi tự do nhưng thỉnh thoảng phải cho nó ăn nơi nào mình muốn nó quanh quẩn nơi đó.
Lột lưỡi là bắt cưởng nắm trong tay trái, tay phải vạch mỏ, kéo lưỡi nó ra, bên dưới lưỡi cưởng có một vãi trắng, lấy móng tay khều nhẹ từ từ, vãi trắng đó tróc ra, nắm kéo thật nhẹ không cho đứt chót lưỡi, nếu đứt chót thì hết nói luôn phải nuôi con khác. Cưởng lớn chừng một năm hoặc hơn tùy con, sẽ biết nói theo những gì mình dạy nó từng tiếng. Nuôi lâu nó hiểu được tiếng người và nói theo thói quen kêu “ba ơi có khách”, “đi đâu đó”, “cậu sáu đâu rồi”, “ăn cơm” vân vân. Trong nhà có một con chim biết nói là một kỳ công, một sự hãnh diện, một niềm vui giải trí khi mình đối thoại với nó hết câu này đến câu khác toàn những gì nó thuộc lòng.
Chim dồng dộc nghệ long vàng bông đen, mỏ vàng, loài chim này có giác quan khôn lanh, sống theo bầy, nó chỉ đóng ổ nơi nào có loại ong bần đầy vẩy, ngọn dừa, ngọn cây bần, chỗ nào có ong là có ổ dồng dộc. Không ai có thể trèo lên cây đó bắt ổ của nó. Muốn bắt chim phải dùng cây sào cao có lưỡi hái giựt đứt cuống thì mới bắt được ổ. Tuy nhiên phải luôn đề phòng ong đánh sưng mặt.
Loài chim này có biệt tài kiến trúc rất khéo mà tôi chưa từng thấy loài chim nào làm ổ khéo léo và chắc chắn như vậy. Chim cu làm ổ sơ sài bằng mấy cành khô nhỏ gác xuyên qua xuyên lại, đứng ở dưới nhìn lên thấy hai trứng của nó trắng phau. Còn chim dồng dộc chúng bay đi tước từng giây lát nhỏ dài, đem về đương thành một cuống to bằng ngón tay đình liền với cành cây chạy dài xuống độ ba tấc rồi bung phình ra như một cái chén lớn tròn bầu thụng xuống, trên miệng chén đó có một vòi thòng xuống, vòi ngắn khi chim mới đẻ, nở chim con càng lớn vòi càng thòng dài ra. Ổ chim đương thật kỹ, tay người xé không rách, hình thù giống như một cái chén lớn treo lòng thòng có cái vòi dài hay ngắn tùy theo. Ðó là ổ chim mái. Còn ổ chim trống thì đơn sơ như nửa cái chén úp mặt xuống có dây đương ngang để chim trống đậu ngủ ban đêm.
Lớn lên tôi thường bày vẽ cho con tôi thưởng thức những thú vui gần với thiên nhiên trong đó có việc bắt ổ chim đem về nhà treo như một thứ vật trang trí trưng bài hoang dã đẹp mắt. Thằng nhỏ có nuôi một con chim con thật khôn, lớn lên nó đi đâu chim theo đậu trên vai thỉnh thoảng kêu the thé rỉa cổ áo, mổ tóc, nó hay bay dẫn đường thật dễ thương.
Bây giờ tuổi già nhớ lại, điểm từng việc đã làm, từng hành động đã qua, tôi bồi hồi, ngồi im tưởng tượng. Ước gì trời cho tôi nhỏ lại sống một thời gian ngắn, ôi! biết bao nhiêu vui sướng, tôi hình dung cõi tiên, cảnh phật, thiên đàng chắc cũng chừng ấy vui mừng và lạc thú đơn giản như vậy.
Chim bìm bịp
Trong bài trước tôi có mô tả thú vui của trẻ con hay bắt tổ chim. Ðã nói bắt tổ chim mà không nói đến sự tìm kiếm bắt ổ bìm bịp thì quả là thiếu sót. Bởi lẽ chim bìm bịp có nhiều giai thoại được dân quê truyền miệng mà lúc còn thơ ấu chuyện con bìm bịp gây khá nhiều thắc mắc và mơ ước cho tôi. Chim bìm bịp lớn hơn con cu đất, lông màu nâu, đuôi dài, mỏ to, lông cổ, lông đầu màu đen. Ðặc tính của loài chim này là sống dựa mé sông và mương rạch. Tại sao? Bởi vì chúng ăn mồi cá tép cho nên mỗi khi nước rồng sát để lòi bãi bùn đầy lổ hang của cá thòi lòi, cá bống sao, còng gió nhỏ con có màu sắc hoặc xám xì như cua, thậm chí con tèn hen hay ốc lát đều là những món ăn thông thường của bìm bịp.
Bìm bịp có hai tiếng kêu rất đặc biệt. Khi chúng bước nhẹ trên bãi bùn hay đứng rình trước hang cá, lỗ còng, chờ bọn chúng lú đầu ra là nhanh như chớp mổ, xóc nuốt liền. Nếu trong lúc kiếm ăn mà có tiếng động hay bóng người thì chúng kêu “cốc cốc cốc...” Hình như để báo động với đồng loại rằng có nguy hiểm. Ðặc biệt lúc chúng tìm mồi khi nước rồng ló bãi cho đến khi nước khởi sự lớn ngập một hai tấc đất là người ta nghe bìm bịp trong vùng lớn tiếng kêu vang “bịp bịp bịp bịp...” một hơi dài rồi xuống giọng nhỏ dần. Hình như để lưu ý đồng loại là đã hết giờ không còn bắt mồi được nữa. Do đó mà dân gian, hạng người sinh sống bằng nghề câu, chài lưới, hay chở hàng buôn bán đầu làng cuối chợ theo sông rạch của miền Nam có câu hát rằng:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,
Buôn bán chẳng lời chèo chống mỏi mê!
Loài chim bìm bịp làm ổ những nơi rậm rạp, bụi cây gai góc khó tìm. Cho dù biết được hướng đó có ổ của nó, muốn vô tìm cho ra thì cũng vô cũng gian khổ. Tiếng đồn rằng con bìm bịp là thầy trật tả. Tại sao có chuyện ly kỳ như vậy? Bởi vì theo lời đồn đãi thì người nào tìm được ổ bìm bịp, có chim con thì bẻ chân bẻ cánh chúng nó để lại trong ổ, rồi một hai ngày sau trở lại lấy những lá cây bột sình của chim mẹ đấp vào chim con cho lành xương tan máu. Và cứ làm như vậy để lấy thuốc cho tới khi chim lớn, bắt hết chúng nó ngâm rượu cùng với bùn và lá đã thu được từ trước đến nay. Cái đó gọi là thuốc rượu con bìm bịp.
Câu chuyện tôi tin có thật bởi vì ở xã Phú Thuận của tôi lâu lâu có vài ba anh “Ba Tàu sân đông múa võ” để bán thuốc cho người hiếu kỳ bu xem chung quanh. Trong số đó thường có anh em chúng tôi. Bởi vì trước khi sân đông mãi võ thì họ đánh trống lùng tùng xèn báo tin. Thường là ngay những lúc nhóm chợ buôn bán đầy người.
Trong lời quảng cáo nhiều thứ thuốc có “Thuốc rượu con bìm bịp, uống vô hết nhứt lành xương, xoa ngoài hết đau, uống vào bổ thận, bổ xương. Mại vô, mại vô đi.” Vừa hô to lời quảng cáo tên mãi võ bốc ra từ hủ thuốc một con bìm bịp lông lá còn nguyên vẹn, nước rượu sậm màu chảy ròng xuống hủ. Rồi tên mãi võ bỏ con bìm bịp vô hủ, tay đấm mạnh thình thịt vào ngực anh ta, cầm chai thuốc đổ vào ngực xoa bóp lia lịa cười ha hả miệng hô to “Bà con thấy chưa? Không tức ngực, không bầm, không đau, không nhức, thuốc thần thuốc tiên mại vô bà con, mại vô mua đi.”
Rồi một cảnh tượng khác làm tôi hãi hùng khi mà đầu óc tôi còn quá non trẻ: Anh “Ba Tàu” mãi võ cầm một cây kiếm suông đuột, dài độ năm tấc, anh hả họng thật to, đút lưỡi kiếm từ từ vào cổ họng thụt lút cán kéo lên kéo xuống hai ba lần, lấy ra và tiếp tục hô to lời quảng cáo “dầu cù là hiệu ông tiên đau đâu xoa đó, xức vô hết liền.” Hết múa võ đến màn đấu võ “cụi”. Ðó là nghề của Ba Tàu sân đông nhưng nó vô cùng hấp dẫn và hứng thú đối với chúng tôi lúc thiếu thời.
Trở lại thuốc rượu con bìm bịp, điều làm tôi mơ ước kiếm được tổ chim để thử bẻ chân bẻ cánh tìm những vị thuốc bí mật do trời phú cho loài chim này. Tôi rình rập mãi mới thấy một cặp chim thường bay vào hướng bụi rậm gần mé sông, đầy cây ô-rô lá gai góc, lên tới bờ phải vạch bụi mà đi. Chúng nó khôn ngoan dụ người đi lạc hướng, chúng bay về ngõ khác cứ chui vào bụi rồi lòn ra, bay xa rồi trở lại cũng chui vào các bụi đó. Mặc cho tôi vạch kiếm khắp nơi, kiếm từng bụi cây cũng không thấy ổ.
Tôi tiếp tục rình rập, tới lui nơi đó vì tôi tin chắc phải có ổ của hai con bìm bịp này. Cho đến một ngày tôi nghe bìm bịp con kêu nhỏ tiếng cốc cốc,... cốc cốc,... cốc cốc,... ở phía đối diện với các lùm bụi tôi đã càn quét nửa tháng trước. Thì ra chim mẹ đã gạt tôi đi lạc hướng với mục đích bảo vệ chỗ ở của nó. Bây giờ tìm ra thì chim con đã lớn biết bay chập chững, dù không được xa nhưng lùm bụi cản đường làm sao rượt bắt được!
Thời gian lâu sau đó cũng đôi chim bìm bịp này dẫn tôi đến khu lùm gần bên, tôi biết khôn nên cứ tìm những hướng đối ngược với chổ chúng chui vào. Kiếm ra được ổ có 4 trứng màu xanh có bông đen, lớn hơn ngón tay cái. Tôi thò tay mân mê, bẻ nhánh cây làm dấu để ngày sau biết đường tìm, vài hôm tôi trở lại, chim bỏ ổ vì có mùi hôi tay người mó vào. Chúng nó bỏ trứng đi tìm nơi khác mà sinh sản. Kết quả tôi chưa bao giờ biết được xác thực bìm bịp có thuốc trật tả kỳ diệu như người đời truyền tụng.
Bơi lội
Có những đứa bạn đồng hương trạc tuổi tôi, chiều chiều hết đá banh, đánh trổng, hay vật lộn trên những đống rơm, mình mẩy trầy trụa ngứa xót. Chúng nó nhảy đùng xuống mương, xuống rạch, bơi lội xơi xởi, người nổi ló đầu ngang ngực. Bơi như rái mà hình ảnh không giống như trong sách học. Sách vẽ người lực sĩ nằm bơi chân duỗi thẳng đập nước, tay sải nhẹ nhàng lớp lang. Còn mấy thằng này lội ngang lội ngược tay móc xuống nước như tìm kiếm một thứ gì chìm gần bên hông. Dù bơi như thế nào tụi nó vẫn nổi không chìm, vẫn tắm vui vẻ lặn lội tứ tung. Còn tôi mơ ước ngưỡng mộ, thèm được như chúng nó. Nghĩ tới lúc về nhà phải xối tắm từng gáo nước thì ước mơ biết lội của tôi nổi dậy mãnh liệt. Tâm sự với ai ngoài thằng Có, nó chăn bầy trâu của ông Hương Quản Họa gần nhà. Nó bảo:
- Mầy cứ bắt một con chuồn chuồn trâu, màu xanh, con lớn, cho nó cắn rún là mầy biết lội ngay.
- Có thật không?
- Thật mà.
- Mầy có cho nó cắn rún mầy không?
- Có, mấy chú lớn, kể cả ông chủ tao cũng bảo tao như vậy.
Tôi mừng thầm, sáng ngày hôm sau tôi bám quanh mấy cây lựu trước nhà kiếm bắt cho bằng được một con chuồn chuồn trâu, loại lớn hơn chuồn chuồn thường, dỡ áo lòi rún đút dầu con chuồn chuồn vào nó cắn đau điếng thấy mấy ông trời! Tay giựt mạnh, đầu con chuồn chuồn sứt ra còn dính trên da rún. Ðau quá nhưng lòng mừng thầm ngày nay mình sẽ biết lội. Tôi còn tự nhủ mình phải đủ gan chịu đau, bắt thêm một con khác cho nó cắn một lần nữa mới chắc ăn. Nghĩ như vậy vì cái rún đã hết đau. Tôi làm gan bắt một con chuồn chuồn khác cho cắn lần thứ hai đau quá tôi vội buông tay con chuồn chuồn bay mất.
Chiều hôm sau tôi chờ cho trận cút bắt, trốn kiếm trong những đống rơm ngoài đồng chấm đứt, tụi nó kéo nhau ra mương dừa gần đó nhảy ào xuống tắm la ó om sòm. Tôi ngập ngừng lưỡng lự vì lần đầu tiên muốn xuống nước. Sự ham mê thúc giục tôi nhảy ùm xuống mương. Chìm lỉm! Uống nước ừng ực, sợ hãi vô cùng, nhưng đầu còn tỉnh táo, hai tay mò vào đất lần đi thẳng vô bờ, tôi ngóc đầu lên thở được. Nhưng cũng còn bán tín bán nghi, chưa biết mình bị thằng Có gạt. Tôi đứng dựa mé mương khoát nước tắm rửa cũng cười như mọi người nhưng đầu cứ tự hỏi sao thằng Có biết lội mà mình không biết?
Ðêm đó tôi ngủ không ngon vì đầu thắc mắc chờ sáng sớm phải hỏi lại thằng Có xem sao? Nó lùa trâu đi xa nhà một khoảng, tôi vòng ngã trước đón đường gặp nó hỏi ngay:
- Có, sao hôm qua tao nhảy xuống mương không nổi, lội không được uống nước thấy mồ?
- Ai biểu mầy ngu, nghe lời tao mầy ráng chịu! Nó cười hô hố. Tự nhiên tôi phát khùng, dọng cho nó một thoi vào sườn, chửi mắng túi bụi. Nó không dám đánh lại, nó vừa chạy vừa lêu lêu nói:
- Tao bị người ta gạt thì bây giờ gặp mầy tao gạt lấy vốn lại cho huề. Nó chạy trối chết tôi không thèm rượt theo, trở về buồn bã vì ngu bị gạt và quyết tâm phải tập bơi cho bằng được. Khôi hài nhưng có dại mới nên khôn, những trò chơi ấu trĩ đó nó để lại cho tôi những kỷ niệm nhớ đời.
Công cấy
Miền Nam là vựa lúa của cả xứ. Mùa mưa nông dân dọn đất gieo mạ xong là cày, bừa, trục những khu ruộng mênh mông còn lại, dọn sạch cỏ lác chờ ngày cấy. Cấy lúa và nhổ mạ thường xẩy ra cùng ngày. Ðám mạ chừng một công đất có thề cấy trên vài ba mẫu ruộng.
Nhổ mạ phải là đàn ông, bởi công việc khá nặng cần sức. Quần đùi, nón lá, áo bà ba đen, ngang lưng cột một chùm giây lạt dừa, một thứ giây làm bằng da cây dừa nước chẻ nhỏ phơi khô. Người nhổ mạ khom lưng nắm từng nạm lúa non giựt mạnh tróc rể đưa chân đập gốc mạ vào cho văng bớt bùn dính theo rể lúa, nếu bùn còn nhiều người nông dân cầm nắm mạ diệu qua diệu lại trong nước cho bùn rớt ra. Nhổ được ba bốn nắm anh ta thò tay rút một sợi giây quấn ngang bó lại để tại chỗ đó. Những bó mạ này sẽ được chủ ruộng kéo đi ném gần nhóm nữ công đang cấy, họ mở ra, mạnh ai nấy lấy từng nắm, tước nhỏ đôi ba tép cấm xuống bùn và cứ thế mà vừa cấy vừa lui dần ngược về phía sau lưng. Người cấy lúa nào cũng có một cây nọc giắt sau lưng dành cho những ruộng gò đất cứng, Họ sẽ cầm nọc ấn xuống cho có lổ để nhét tép mạ vào. Ruộng gò khó cấy do đó tìm nhân công không dễ.
Chủ ruộng muốn cấy phải lựa ngày không trùng với những đám cấy khác. Trong xã của tôi nông dân quen biết nhau hết. Sự quen biết lâu năm trở thành như bà con, ai cũng chú cũng bác cũng anh cũng tui. Ruộng anh cấy mấy ngày xong? Rồi tới phiên tôi nhé. Người nghèo cô đơn thì cấy lấy tiền, lấy lúa. Người có ruộng thì cấy vần công, nghĩa là tôi cấy ruộng anh hôm nay mấy ngày thì mai này vợ con anh cấy trả lại cho đồng công. Còn dư thiếu sẽ tính tiền bằng lúa hay trả bằng những ngày công làm việc khác tùy theo sự dàn xếp đôi bên. Mọi sự thương lượng dựa trên tình người. Trong làng tôi không cần có hợp tác xã, không cần hiệp hội nông dân để quản lý hay phân xử, không ai hà hiếp bóc lột ai. Tất cả là một sự hòa hợp có tình có nghĩa của người đồng hương.
“Công cấy” là những người đàn bà con gái trong làng. Vận áo bà ba đen quần dài, đầu đội nón lá, “vo” quần cao lên khỏi gối, người nào sợ đĩa thì cột giây bó chặt quần phủ tới mắt cá. Tất cả dàn hàng ngang đứng đều cách nhau chừng hai thước đủ để đưa tay cấy 5 tép lúa phía trước mặt. Ðám đông phụ nữ người khom kẻ đứng, tay trái cầm nắm mạ tay phải tước, cắm lia lịa xuống bùn, cứ vậy mà lui dần về phía sau, cảnh tượng sống động xem thật đẹp mắt.
Tôi thích theo công cấy để nghe hò, để xem mặt những cô gái quê mùa có vẻ đẹp ngây thơ mà thằng con nít như tôi chưa biết yêu, chưa biết tình, nhưng vẫn biết nhìn, biết khen, biết muốn làm quen nói đùa với mấy cô thôn nữ đẹp. Biết nhìn những cặp đùi trắng phau, lòng thấy lâng lâng mà không biết tại sao? Bây giờ nhớ lại tôi còn thấy vui, thấy nhớ, thấy thèm, thấy tiếc vì không khi nào có thể hưởng được cái thú vị xa xưa của thời thơ ấu đó nữa!
Cái khổ của tôi là sanh ra trong giai cấp khá giả, con cháu nhà quan trong một làng quê nhỏ hẹp, nên tôi chịu sự kỳ thị do sự tự ti của đa số dân làng. Ðiều đó làm tôi rất khó chịu, không thể tự nhiên chào hỏi nói đùa với những người tôi thích. Cái xã hội còn vướng mùi phong kiến nó cách ly tôi với những người tôi muốn làm thân.
Ðiệu hò của mấy chục người đàn bà cùng một giọng cất tiếng vang rân kéo dài với nhiều giọng pha lẫn, nghe thật lạ, thật êm. Một người đang khom lưng cấy bổng đứng dậy lớn tiếng xướng “Hò... tất cả rập theo tiếp chữ hơ... ơ... ơ... kéo thật dài rồi ngưng, người xướng ngôn tiếp tục:
“Hò chơi cho trọn buổi chiều,
Keo sơn quấn chặt sợi chỉ điều với nhau”... ơ... ơ
Hay là
“Hò... hơ... ơ...
Gió đưa gió đẩy bông trang...
Bông búp về nàng bông nở về anh... ơ...”
Tôi nghe điệu hò như bản hợp ca có nhiều giọng, tôi thầm khen những câu xướng lúc khôi hài, lúc có ý nghĩa, lúc trữ tình thơ ngây, lúc tục tằn nhưng không thô lỗ vì nó có thể hiểu ngầm hai nghĩa.
Những câu hò, những sáng kiến bất ngờ, tự nhiên và bén nhạy của các thiếu nữ quê mùa đối đáp với nhau, hoặc với một chàng thanh niên nào đó có tình ý với cô nào trong nhóm người đang khom lưng cấy. Người thanh niên xen vào đám nữ công, đứng gần hoặc xa ý trung nhân, tét lúa vừa cấy vừa hò những câu trữ tình mà chính anh ta đã chuẩn bị trước. Một màn hí kịch như vậy làm cho mọi người hưng phấn quên mệt. Người thanh niên đó có thể rời đám đông bỏ đi bất cứ lúc nào cũng như anh đã đột nhiên xen vào không ai biết trước. Dĩ nhiên anh ta không phải là người xa lạ, ai cũng biết anh là dân trong làng hoạc ở xã lân cận. Và sau đó mặc cho những lời bàn tán, cấp đôi cấp lứa, phỏng đoán ngược xuôi.
Những điệu hò, những câu đối đáp của hàng trăm đám người cấy lúa, nếu có ai theo ghi chép và đúc kết lại, tôi chắc sẽ thành một bản văn có thể nói là văn hóa dân gian của miền Nam rất hồn nhiên có đầy ý nghĩa.
Vì muốn nghe hò mà tôi luôn theo công cấy, khi thì đi với anh Năm, khi thì đi với bác ba Cử, người giúp việc cho ông nội lâu năm, trở thành người của gia đình có nhiệm vụ xem chừng mấy đứa cháu của ông. Bác ba ham vui, tính nết khôi hài bãi buôi, nói cà lăm và tội nghiệp là bác bị sứt môi.
Trong làng hễ có công cấy ở đâu là thấy có tôi ở đó... Người ta cấy từ sáng sớm tới chiều mặt trời gần lặn mới thôi. Có khi chúng tôi ở chơi nghe hò đến đứng bóng, nghĩa là lúc con người đứng thẳng, mặt trời rọi từ trên đầu không thấy bóng mình chiếu trên đất, còn gọi là đúng ngọ, 12 giờ trưa. Giờ đó có người gánh cơm ra dọn sẵn trên bờ ruộng, công cấy ngồi dọc hai bên. Ðồ ăn gồm canh bí rợ nấu dừa, cộng với mắm cá lốc, cá trê chưng. Xen kẽ giữa các tô mắm, thố canh có vài thúng cơm trắng bới sẵn trên mấy tàu lá chuối lót dưới đít thúng. Quanh năm đám cấy nào cũng vậy, năm nào cũng như năm nấy, hai món ăn truyền thống này luôn dành cho công cấy. Ðôi khi ông chủ ruộng “mời lơi” chúng tôi:
- Gặp bữa, cậu Năm, cậu Sáu dùng cơm với chúng tôi cho vui. Ðồ ăn không nhiều bằng ở nhà nhưng mấy cậu thấy vui sẽ ăn ngon hè.
Bí nấu dừa có chuối xiêm chín mùi trông thấy ngon muốn ăn rồi. Nhưng đối với tôi vì có mặt con Xin, con của bác chín Ninh tôi bèn xáp vô liền, anh Năm và bác Ba phải theo. Tôi lựa chỗ đối diện với nó để ăn lơ là, cốt ý là ngắm nhìn khuôn mặt ngây thơ xinh đẹp lạ thường, có ma lực cuốn hồn tôi, nhìn mãi không chán. Cặp đùi nó trắng phau quần xăn khỏi gối làm tôi cảm thấy lâng lâng mà không biết tại sao? Tuổi tôi còn quá nhỏ, lòng chưa dậy thì mà đã thích nhìn gái đẹp! Phải chăng là tính trời cho? Ðàn ông con trai ai thấy gái đẹp mà không nhìn?
Cứ đeo theo mãi những đám cấy trong làng tôi học và nhớ được nhiều câu hò, nó in sâu vào đầu khó quên hoặc vì nó hợp cảnh với mình hay nó ngụ ý vui:
“Hò... hơ... mọi người tiếp ơ... ơ... ơ... kéo dài....
Bạc với vàng con đen con đỏ...
ơ... đôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều ơ... ơ...”
Người xướng hò vừa ngừng, liền có cô hay bà nào đó đứng lên:
Hò... hơ... ơ... ơ...
“Vừa nhìn thấy em là anh muốn như Kim Trọng... ơ...
ơ... anh Kim Trọng thấy chị Thúy Kiều liền thương... ờ... ơ...”
Tôi chẳng biết Kim Trọng, Thúy Kiều là ai nhưng cứ tưởng là mình sẽ thương một cô gái nào đó trong tương lai cũng giống như mình đang để ý con Xin vậy thôi.
Một người khác hò giọng gay gắt:
Hò... hơ... ơ... ơ...
“Con gái khôn lấy nhằm chồng dại ... ờ...
Tiếc bông hoa lài cậm bãi cứt trâu ờ... ơ...”
Bác ba Cử bổng nhiên nổi hứng đứng trên bờ mà trổi giọng hò sảng:
Hò... hơ... ơ.. ơ.. ơ...
“Ớ này em kia khom lưng cấy lúa... ờ...
ơ... Ðưa cái mông chờ có đứa nào rờ không?... ơ... ơ...”
Trời đất ơi cha nội này hò gì kỳ vậy? Tôi liền cười không thể nín được. Tức khắc có một bà cũng đanh đá không vừa đứng lên:
Hò... hơ... ơ... ơ... ơ...
“Gió Nam non thổi lòn bụi lứt... ơ...
ơ... Cám cảnh thương người nó sứt cái môi ... ờ... ơ...”
Bác Ba xụ mặt, mắc cỡ cứng người nói:
- Thôi về tụi bây. Anh Năm và tôi vừa cười vừa nói:
- Khoan, ở lai xem có ai nói gì bậy bạ nữa không?
Một người khác hò:
Hò... hơ... ơ... ơ... ơ...
“Bình bồng từng đám che trời... ơ...
ơ... Lang thang bay khắp bầu trời quê ta... ơ...”
Có người trả lời ngay:
Hò... hơ... ơ... ơ... ơ...
“Lang thang bay khắp bầu trời quê ta... ơ...
ơ... Ðó là... ơ... đó là... đó là đám mây chớ gì.... ơ...”
Hò... hơ... ơ... ơ... ơ...
“Thò tay mà ngắt ngọn ngò... ơ...
ơ... Thương em đứt ruột mà giả đò ngó lơ.. ơ...”
Còn khá nhiều câu hò khi dài khi ngắn, tả tình tả cảnh nhưng tôi không nhớ rõ nên xin bỏ qua, tôi tin rằng độc giả thông cảm vì sau hơn sáu mươi năm mà tôi còn nhớ được vài câu hò chứng tỏ trí nhớ của tôi còn chưa lụn bại.
Võ Long Triều(trích từ NVOL)

No comments:

Post a Comment