Friday, August 26, 2011

Long Xuyên - Châu Đốc - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau



Ði từ Cần Thơ qua An Giang và Châu Đốc mới thấy chuyện "bắn tốc độ" đã khiến lưu thông thêm lâu và phiền phức chứ không giúp cho tai nạn giao thông bớt đi. Nhiều công trình cầu đường đang làm nên bụi bay mịt mù mà không thấy phun tưới nước? Dù thị xã(châu thành) của tỉnh nào cũng mọc lên khá nhiều nhà lầu mới, chợ & thương xá mới, nhà hàng & khách sạn nhiều hơn nhưng rõ nhất là khoảng cách giàu-nghèo. Có đi qua mới thấy, mới biết, mới hiểu nhiều hơn...
1. An Giang là một tỉnh ở miền Nam Việt Nam, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, một phần nằm trong tứ giác Long Xuyên. Phía tây bắc giáp Campuchia (104 km), tây nam giáp tỉnh Kiên Giang (69,789 km), nam giáp thành phố Cần Thơ (44,734 km), đông giáp tỉnh Đồng Tháp (107,628 km).
Tỉnh An Giang gồm có thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Ðốc và 9 huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu,Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn. An Giang có mạng lưới kinh rạch chằng chịt, ngoài ra còn có sông Hậu, một nhánh của sông Mê Kông chảy qua địa bàn tỉnh An Giang, cùng với sông Cái Lớn đổ ra biển Rạch Giá thuộc Kiên Giang, có dãy Thất Sơn với ngọn núi Cấm cao 716m ở tỉnh An Giang giáp giới Cambodia.

Phật Di Lặc khổng lồ
Tới Châu Đốc thì không thể ghé danh thắng số một ở đây, Miếu Bà Chúa Xứ

Ngay sát bên Miếu Bà là lăng Thoại Ngoại Hầu, một danh tướng nổi tiếng thời Nguyễn
Nếu bạn là một người thích leo núi thì chặng đường từ chân núi Miếu Bà lên đến đỉnh núi quả là một thách thức với một số đoạn bậc thang dốc thẳng đứng. Đây là cảnh miếu Bà nhìn từ giữa đỉnh núi

Còn đây là thị xã Châu Đốc nhìn từ đỉnh núi Sam

Chợ Châu Đốc buổi tối có rất nhiều món ăn ngon mà bạn không thể bỏ qua

Làng nổi Châu Đốc vào buổi sáng

Từ Châu Đốc đi khoảng 25km, bạn sẽ tới núi Cấm, danh thắng rất nổi tiếng chỉ đứng ngay sau Núi Sam. Từ chân núi Cấm để lên đến đỉnh bạn phải bắt nên bắt xe để khỏi phải lội bộ con đường dài tới ...8km này

Trên núi có một ngôi chùa với khuôn viên rất đẹp, có thể nói còn hơn cả Trúc Lâm Thiền Tự ở Đà Lạt nữa

Tượng Phật khổng lồ trên Thiên Cấm Sơn, biểu tượng nổi bật của núi Cấm

An Giang cũng là nơi xuất phát nhiều tôn giáo đặc biệt của Nam Bộ như: Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo. Những tôn giáo này gắn liền với Thất Sơn, vùng núi huyền bí và linh thiêng. Ngoài ra còn có đạo Kitô, Cao Ðài và Hồi Giáo. Giáo phận Long Xuyên gồm hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và huyện Thốt Nốt thuộc tỉnh Cần Thơ với diện tích 10,255 km2. 24/11/1960, Giáo Phận Long Xuyên được thiết lập với nhà Thờ Chính Tòa Long Xuyên (9 Nguyễn Huệ A, P. Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang).
Long Xuyên & Châu Đốc là thành phố giàu nhất và lớn thứ 2 & 3 sau Cần Thơ cho dù nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính yếu.
Tại núi Sam có những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử như:
- Lăng Thoại Ngọc Hầu (1761-1829). Ông có công đào kênh Thoại Hà từ Long Xuyên đến Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế dài 90km.
- Chùa Tây An với Ðức Phật Thầy Tây An, Giáo tổ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.
- Thánh địa của Phật giáo Hòa Hảo ở Phú Tân.
- Miếu Bà Chúa Xứ có rất đông khách hành hương, đặc biệt vào Ngày Vía Bà (24-27 tháng 4 Âm Lịch) hằng năm. Ngoài ra còn có Núi Cấm, đồi Tức Dụp.
Thành phố Long Xuyên có Ðền Tôn Ðức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng (Cù Lao Ông Hổ).
Núi Tượng, huyện Thoại Sơn có Óc Eo nổi tiếng với những di tích khảo cổ.
a. Long Xuyêntỉnh lỵ của tỉnh An Giang. Thành phố Long Xuyên có diện tích khoảng 130 km², dân số 350000 người (năm 2007), là đô thị cấp 3 trực thuộc tỉnh, nằm bên hữu ngạn sông Hậu. Long Xuyên cách Sài Gòn 189 km về phía Tây Nam, cách biên giới Campuchia 45 km đường chim bay. Long Xuyên là đô thị sầm uất thứ hai tại miền Tây Nam Bộ chỉ sau thành phố Cần Thơ. Đây là nơi sinh của hai chính trị gia nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam hiện đại: ông Nguyễn Ngọc Thơ, cựu Phó Tổng thống của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa và ông Tôn Đức Thắng.
Long Xuyên là một thành phố rất phát triển về thương mại (chủ yếu là mua bán lúa gạo) và công nghiệp
chế biến thủy sản (như cá basa), với hơn sáu nhà máy và hơn 10000 công nhân. Tổng số dân địa phương: 3,995,339 người. Ða số dân chúng làm nghề nông, nuôi trồng thủy sản và tiểu thủ công nghiệp (mộc, nuôi tằm, dệt lụa...).
Trường
Đại học An Giang ở thành phố Long Xuyên là trường đại học lớn thứ hai trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long. Giáo sư Võ Tòng Xuân là hiệu trưởng đại học An Giang. Năm 1970, trường được thành lập với tên Trường Sư Phạm Long Xuyên với vỏn vẹn 4 lớp và 260 giáo sinh. Sang đến năm 1976 thành trường Cao Đẳng Sư Phạm An Giang. Cuối năm 1999, thành lập Trường Đại học An Giang. Tháng 1 năm 2001, Thủ Tướng Chính Phủ ký quyết định cho phép xây dựng trường Đại Học An Giang trên khu đất 40 hecta với tổng kinh phí đầu tư lên đến 35 triệu USD, chịu sự quản lý và hỗ trợ tài chính của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh An Giang và chịu sự giám sát chuyên môn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Đội ngũ cán bộ giảng viên nhà trường gồm 414 người, kể cả những gương mặt trẻ tuổi và những người có thâm niên nhiều kinh nghiệm, trong đó có 2 tiến sĩ, 81 thạc sĩ và 270 cử nhân được đào tạo trong và ngoài nước. Số sinh viên của trường hiện nay là khoảng 3700 (4 khoa: Khoa Sư Phạm, Khoa Kinh Tế và Quản trị Kinh Doanh, Khoa Nông Nghiệp và Tài Nguyên Thiên Nhiên, Khoa Kỹ Thuật - Công Nghệ và Môi Trường); trong đó có 1500 sinh viên chính quy học chương trình đào tạo giáo viên cấp ba. Có 5 Trung Tâm: Ngoại Ngữ, Tin Học, Phát triển Nông Thôn, Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Nhân Văn,Phát Triển Nguồn Lực Cộng Đồng. Trung Tâm Ngoại Ngữ và Tin Học phụ trách các chương trình đào tạo cho công chúng và các lớp miễn phí cho giáo viên và sinh viên trường, đặc biệt cho những sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn thông qua Dự án Đường đến Đại học (Pathways to Higher Education Project) do Tổ Chức Ford tài trợ.
Chợ nổi Long Xuyên cũng giống như chợ nổi Cái Bè, cái Răng... Gồm cả trăm ghe, thuyền tụ lại để buôn bán hàng hóa, nhất là nông sản, ai bán loại nào sẽ treo hàng đó trên cây sào cao để khách dễ nhận biết. Ngoài ra, khách còn được thưởng thức những món ăn, nước uống hết sức là bình dị trên chiếc xuồng chèo của những cô gái miệt vườn như: Bánh canh ngọt, lạt, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê... Chợ nổi đông đúc nhất từ 6h - 8h sáng.
Đến Châu Đốc, An Giang mà không đi thăm làng nổi cá bè quả là một điều thiếu sót". Chương trình du ngoạn "làng nổi" được tổ chức ngay lập tức vào buổi chiều hôm đó. Xuồng lướt trên sông tạo nên những con sóng nhấp nhô. Mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bên bờ sông Bassac. Nếu lấy thị xã Châu Đốc làm tâm điểm thì ngược lên đầu nguồn sông Hậu, làng bè trải dài hơn 3 cây số, xuôi trở xuống thì làng bè cũng kéo dài hơn 3 cây số. Rẽ về hướng huyện Châu Phú, làng bè trải dài 4-5 cây số, sau đó thưa thớt dần, rồi làng bè qui tụ đông đúc và dày đặc hơn là đoạn sông ở huyện Tân Châu với chiều dài 7-8 cây số. Số lượng bè tăng vọt khoảng 7-8 năm trở lại đây vì phong trào nuôi cá ba sa xuất khẩu thu lợi cao. Chỉ cần giá cá ổn định khoảng 12.000-13.000 đồng/kg là các chủ nhà bè đã có lãi cao. Vì thế, phong trào nuôi cá bè đua nhau nở rộ. Đóng một cái bè nuôi cá tốn không dưới 100 triệu đồng vì dạng bè kích cở rộng rãi, dưới đáy sâu khoảng 10m được bọc bằng lưới kẽm hoặc cây đóng thưa. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Kiếm một miếng đất giá vài chục triệu đồng ở thị xã cũng khó. Thay vì vậy, người ta lấy số tiền đó đóng bè, neo đậu dưới sông vừa có nhà ở mà không cần tốn tiền mướn hoặc mua bến bãi vừa chẳng lo sơ tán khi mùa nước nổi. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè giống như một chiếc trẹt bề ngang 4m, dài 7-8m. Do nhu cầu sinh họat của dân cư, nhiều dịch vụ phục vụ khác phát sinh trên các bè: cửa hàng, sửa chữa máy móc, bán xăng dầu,... Vậy là hình thành làng nổi. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này, không khác gì chiếc xe máy của người dân trên bờ. Khách du lịch cũng thích đi trên các tắc ráng, vỏ lãi, hay xuồng gắn máy đuôi tôm tham quan làng nổi. Ghé tham quan điểm nuôi cá bè của chị Huỳnh Thị Nương, chủ nhân của 8 chiếc bè. Đến nơi đây, ngoài tận mắt chứng kiến quy trình chế biến thức ăn cho cá, chúng tôi còn thấy thích thú hơn khi thải mồi xuống bè hàng ngàn con cá vẩy đuôi tranh nhau đớp mồi, làm nước bắn tung tóe ướt sũng cả mặt sàn bè. Ngồi trên bè, hứng những luồng gió mang hơi nước mát lạnh từ ngoài sông thổi vào, dường như đã xua tan hết cái nóng bức của mùa hè. Chia tay với người dân làng bè thì trời vừa sẫm tối. Làng bè trên sông Bassac bắt đầu lên đèn. Anh sáng từ các nhà bè phản chiều xuống nước trông giống như thành phố về đêm nổi trên sông.
Cù lao Ông Hổ do phù sa sông Hậu bồi đắp. Trên cù lao có ngôi nhà gỗ, nơi gìn giữ những kỷ niệm về Tôn Đức Thắng trong khuôn viên hoa trái xum xuê. Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng cách Trung tâm Thành phố Long Xuyên bởi một nhánh sông Hậu chảy qua.
Khu Du lịch Núi Cấm - Tịnh Biên: Núi Cấm là ngọn núi đẹp nhất trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn ở miền Tây Nam Bộ, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 90km theo Quốc lộ 91 đến Châu Đốc rồi đi Tịnh Biên. Núi có độ cao 705m. Từ Tri Tôn vào đến chân núi Cấm khoảng 8 cây số, bên phải là khoảng ruộng mênh mông làm phong cảnh thông thoáng bao la, thoảng hoặc có vài bụi cây, có thể thấy mặt trời sát với đất khi nó mọc cũng như lúc nó lặn. Phía bên trái là hướng của núi, một dãy núi già nằm rơi rớt trên phần chót của Việt Nam, như bám đất bám đời bảo vệ cái biên giới về hướng tây nam của chúng ta. Chúng ta có thể thấy rãi rác hoặc từng cụm cây thốt nốt, một dạng cây có quả tựa những trái dừa nước cho chất lượng đường với mùi thơm tuyệt hảo. Từ chân núi lên tới vồ Bồ Hông (nơi được mệnh danh là nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long, cao 710m), chúng tôi phải mất trên ba tiếng đồng hồ vừa đi vừa la cà ở các quán võng (nếu đi xe ôm chỉ mất độ 20 phút). Trên đó có một miếu thờ Quan Âm, một chùa gọi là Linh sơn tự và một tượng phật Di Lặc rất to. Có những láng trại được cất sơ sài để khách hành hương có thể nghỉ qua đêm và có cho mướn chăn mùng để khách sử dụng. Nếu người đi đường riêng rẻ thì nhớ đem theo giấy chứng minh nhân dân để mượn mùng mền. Giá mướn mùng mền là 10 ngàn một đôi. Một ly cà phê sửa giá 3000 đồng, thức ăn thì chỉ 2000 - 4000 một tô, dĩa ( bánh xèo , bún riêu, cơm...chay). Theo chân những người hành hương lên núi Cấm, núi Tô vùng Châu Đốc, chúng ta thấy được một khía cạnh tâm linh đã đưa con người đến gần lại với nhau. Mọi người dù quen hay lạ, đi cùng nhau chặng hành trình lên núi hành hương, họ cảm thấy thông cảm nhau hơn, cởi mở cùng nhau hơn. Thông thường cứ vào tháng giêng và tháng 7 âm lịch, đa số Phật tử đã rủ nhau đi hành hương năm non bảy núi, số lượng người hành hương này phải nói là đông vô kể, nghèo giàu đủ mọi thành phần. Gọi là Thiên Cẩm Sơn vì ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh “cẩm tú sơn kỳ”, nổi tiếng với nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ, mỗi tên vồ đều gắn liền với một truyền thuyết và mang nhiều ý nghĩa kỳ thú như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Ông Bướm, vồ Đầu, vồ Bà… Đó là năm vồ hay năm non mà khách hành hương thường hay đến để chiêm bái. Ngoài ra, dọc theo các lối đi, du khách còn có dịp khám phá thêm nhiều điểm hấp dẫn khác như vồ Pháo Binh, vồ Chư Thần, điện Rau Tần, điện Cửu Phẩm, điện Mười ba tầng, đặc biệt là điện Kín, điện Cây Quế, hang Ông Hổ, động Thủy Liêm, vồ Mồ Côi, miếu Mười Cô… mỗi nơi đều có một sự tích ly kỳ, một không gian huyền ảo đầy màu sắc tín ngưỡng, như gợi lại thời hoang sơ từ thuở khai sơn phá thạch. Hấp dẫn nhất là những câu chuyện thêu dệt về bác vật Lang xuống hang thám hiểm bị mất tích, chuyện Nguyễn Ánh lập trạm binh trên vồ Đầu, chuyện bạch hổ ở vồ Bồ Hông, chuyện đôi rắn hổ ở điện Cây Quế, chuyện ông Ba Lưới bắt rắn hổ mây… Từ trên Vồ Bò Hong nhìn xuống chùa Phật Lớn (thuộc ấp An Bình, xã An Hảo), du khách thấy như một lòng chảo lớn bao quanh bởi các ngọn núi trập trùng thuộc Thiên Cấm Sơn như : Võ Đầu, Vồ Bò Hong, Vồ Thiên Tuế… Dưới chân núi về phía Đông là khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm có diện tích khoảng 100ha, có các khu dịch vụ giải trí, có nhà hàng Kaolin phục vụ các món ăn đặc sản vùng sơn cước. Từ Lâm Viên có lối mòn lên núi ta ghé tắm suối Thanh Long, một con suối thiên nhiên, thơ mộng, rồi tiếp tục cuộc hành trình lên đến ngả ba là khu khách đã bước vào khu “Cao nguyên Núi Cấm”, quẹo phải khoảng 1 km là đến Vồ Thiên Tuế, tiếp theo trở ngược về hướng trái theo đường dốc lên chùa Phật Lớn, trên đường đi ta có thể ghé thăm Động Thuỷ Liêm, qua Ô Cát thăm Vồ Bạch Tượng (một tảng đá lớn có hình con voi trắng đứng uy nghi bên sườn núi). Tiếp đến là chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, rồi đến Vồ Bò Lớn, Vồ Bò Hong đỉnh cao nhất của Núi Cấm và cũng là đỉnh cao nhất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, tại đây nếu trời xanh ta có thể nhìn thấy tận vùng biển Hà Tiên. Nhờ cảnh quan tươi đẹp và những rừng cây thoáng mát, với nhiều gốc cổ thụ trăm năm sừng sững giống như những tán dù khổng lồ đã tạo cho núi Cấm trở thành một khu du lịch sinh thái lý tưởng. Lên núi Cấm, ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh của núi rừng Tây Nam, thưởng thức hương vị ngọt ngào của các loại xoài núi, mít núi, chuối, sầu riêng, bơ và mảng cầu núi, du khách còn có dịp dừng chân nơi các quán võng tha hồ nghe tiếng suối róc rách hoặc ngủ đêm tại các quán trọ để lắng nghe hơi thở của núi rừng. Nếu có thời gian, du khách sẽ viếng thăm các ngôi chùa khá thâm u như chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, Trung Sơn Thiên Tự, nổi tiếng nhất là chùa Vạn Linh, một ngôi chùa cổ xưa đã được trùng tu nhiều lần vì chiến tranh tàn phá. Năm 1929, hòa thượng Thích Thiện Hạ Quang chỉ dựng lên một cái am bằng cây lá đơn sơ để ẩn tu. Vào năm 1940, cái am nhỏ đó mới bắt đầu đổi thành chùa Vạn Linh. Đến năm 1995, chùa bắt đầu được xây dựng lại thành một quần thể kiến trúc tôn giáo quy mô. Bản thân của ngôi chùa này đã là một nguồn mỹ cảm, ấn tượng nhất là ba ngôi bảo tháp trước tiền đường, nổi bật với ngôi Quan Âm Các chín tầng nằm giữa tiền đường, tạo nên một phong cảnh trang nghiêm và trầm mặc. Tháng 10 năm 2003, Ban Quản trị chùa Phật Lớn lại thiết kế mỹ thuật và thi công tượng Phật Di Lặc cao nhất Đông Nam Á với 33,60m sừng sững giữa một vùng cây cối xanh um, rộng trên 2ha, mặt hướng về chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh. Đây là một công trình nghệ thuật, một kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Ngoài tượng Phật ra, nơi đây còn toát lên một vẻ đẹp hài hòa của lối kiến trúc tôn giáo với thiên nhiên, bao bọc xung quanh toàn là núi đá, cổ thụ, cây cảnh, hoa thơm cỏ lạ với nhiều lối mòn, hồ nước, ao sen và những dòng suối tự nhiên. Điều kỳ thú nhất là khách tham quan đứng ở bất cứ nơi nào trên các vồ núi cũng đều nhìn thấy tượng Phật màu trắng sáng, ngồi uy nghi giữa một không gian xanh ngát. Càng đến gần, khách hành hương càng thán phục bàn tay tài hoa của các nhà mỹ thuật đã tạc gương mặt đức Phật một cách sống động, với nụ cười bao dung và thánh thiện.
Vì sao Núi này được gọi là Núi Cấm? Có 2 giả thuyết được dân gian truyền lại là: Trước kia Núi Cấm rất hiểm trở, nhiều thú dữ không ai dám tới chỉ những nhân vật siêu hình được thêu dệt một cách huyền bí, ngự trị trên những vồ cao. Nên vô tình người dân quanh vùng tự cấm mình không được xâm phạm đến khu vực đó. Lại có truyền thuyết ngày xưa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh phải chạy lên núi trốn nên truyền lệnh không cho bất cứ ai lên núi và từ đó núi có tên là Núi Cấm. Kể từ năm 2005, Tịnh Biên đã tiến hành khai thác tuyến đường từ chân núi đến chùa Phật Lớn, hiện đã trải nhựa tới vồ Thiên Tuế và bắt đầu thông xe bốn bánh để cho khách du lịch và người hành hương vừa ngồi xe vừa vãng cảnh, đồng thời trong tương lai sẽ bố trí thêm các loại hình giao thông độc đáo ở từng đoạn đường như cáp treo, xe ngựa… Ngoài phương tiện xe bốn bánh, du khách lên núi có thể đi bộ ngắm cảnh hoặc đi xe ôm cũng rất tiện lợi. Anh Ba Trung, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe Honda ôm núi Cấm cho biết, hiện nghiệp đoàn có trên 600 xe phục vụ suốt ngày theo giá quy định (30.000 đồng/người/chuyến lên). Ngồi xe ôm tuy đường đất đá chông chênh nhưng du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị của cảnh quan núi Cấm. Hướng tới, khu du lịch cũng sẽ ra sức bảo tồn rừng nhiệt-ôn đới, gồm rừng đặc chủng, rừng hổn giao, rừng trồng để làm xanh hóa môi trường và tăng thêm vẻ phong phú cho cảnh quan, đồng thời mở thêm các cụm dịch vụ du lịch với các khu nghỉ dưỡng, khu di tích và làng văn hóa, khu du lịch hành hương với diện tích cả ngàn héc-ta. Đặc biệt là khu chùa Vạn Linh nằm cạnh khu rừng bốn mẫu trồng toàn tràm bông vàng và keo tai tượng, quanh năm xanh mát. Du khách đến đó cảm thấy như đi giữa các khu lăng tẩm ở cố đô Huế. Trước chùa Vạn Linh uy nghiêm là hồ Thủy Liêm mênh mông, có sức chứa 60.000m² nước với kinh phí trên 8 tỷ đồng, nay đã bắt đầu cung cấp nước cho 500 hộ dân trên núi Cấm. Nay mai, một khi các hạng mục công trình được xây dựng hoàn chỉnh, đặc biệt là chùa Phật Lớn được trùng tu và nâng cấp, núi Cấm sẽ giữ được nét hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với cảnh quan nhân văn, giữa công trình kiến trúc và công trình thiên tạo như ao, hồ, suối, thác, hang động để núi Cấm thật sự trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thất Sơn là tên gọi chung bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang: núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Nhỏ hay núi Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn).
Từ vồ Bò Hông nhìn toàn cảnh núi Cấm với tháp chùa Vạn Linh (bìa trái) và tượng Phật Di Lặc cao 33,6m - Ảnh: Trần Thế Dũng
Trên chiếc du thuyền Khám Phá Mekong khởi hành từ bến Đá (TP Long Xuyên, An Giang), chúng tôi hướng tới huyện Tịnh Biên sau khi rẽ sang kênh Vĩnh Tế - thủy lộ dài gần 100km, do quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu huy động sức người đào - nối Châu Đốc - Hà Tiên đi qua Tịnh Biên theo đường biên giới tây nam, nhờ đó vùng đất dữ Hậu Giang hoang vu trở nên trù phú, yên bình, đến ngày nay con kênh đào vẫn còn nguyên giá trị.
Những ngọn núi mang tên loài chim
Đúng 14g chúng tôi bắt đầu lên núi Két thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Sau vài trăm bậc đá toát mồ hôi mới đến được khối đá tạo hình đầu chim két ngoạn mục. Từ đây phải vượt hàng loạt dốc đá và những vòm hang lộ thiên để lên đỉnh núi. Thiết bị định vị toàn cầu GPS hiển thị con số 252m so với mặt biển trong khi theo nhiều tài liệu, cả những trang web du lịch, đỉnh núi Két chỉ cao 225m.
Qua đêm tại thị trấn Tri Tôn, rạng sáng chúng tôi phóng xe vòng quanh núi Cô Tô thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn để tìm đường lên đỉnh núi. Nhờ thế mà được dịp ngắm núi ở mọi góc cạnh, nhìn được dáng con chim phụng đang xoải cánh bay giữa đồng bằng mênh mông, có điều ở vạt núi chếch về phía tây được ví là đuôi chim phụng đang bị lở lói từng ngày bởi những tiếng nổ mìn rung chuyển núi rừng từ những công trường khai thác đá ngày đêm. Chẳng biết đến lúc nào thì ngọn núi hình chim phụng rồi sẽ chỉ còn trong sách vở!
Chỉ mất vài chục phút xe ôm đã tới Sân Tiên ở độ cao 298m, sau đó cuốc bộ theo lối mòn đến đỉnh Cô Tô. Với giá 80.000 đồng “khứ hồi”, đi xe ôm cũng là cách trải nghiệm nhớ đời bởi những khúc cua tay áo, những đoạn leo dốc ngược, những lúc xe đột ngột thắng gấp để nhường đường cho xe ngược chiều ào ào thả dốc. Lên đến Cấp Nhất chóp đỉnh Cô Tô, chúng tôi chạm tay vào cột mốc bêtông ở độ cao 614m.
Xuống núi, tới vồ Hội - một phiến đá rộng rãi, chênh vênh trong khuôn viên chùa Bồng Lai - là nơi hành hương của khách thập phương, cũng là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng biên viễn tây nam Tổ quốc: núi Dài, núi Cấm phía bắc, núi Tà Lơn phía tây và huyện lỵ Tri Tôn phía nam.
Ảnh: Trần Thế Dũng
Một hình ảnh đặc biệt trong chuyến đi: anh Thanh, người dẫn đường cho chúng tôi, khi lên núi Dài bắt được đôi trăn đang giao phối trong một đám cỏ. Trong ảnh: con trăn đực đang siết chặt cổ và tay anh Thanh, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm sống ở vùng núi Dài anh đã cắn mạnh vào đuôi con trăn buộc nó nới lỏng vòng siết. Con trăn này dài khoảng 3m và nặng gần 10kg!
Những ngọn núi của truyền thuyết
Núi Tượng ở thị trấn Ba Chúc chỉ cao 145m. Tháng 4-1978, khi Khmer Đỏ tràn qua biên giới thảm sát dân làng Ba Chúc, nhiều người đã chạy lên núi Tượng trốn lánh trong hang nhưng vẫn bị lính Pol Pot truy tìm và tàn sát. Từ núi Tượng, chúng tôi đến với núi Nước thật ra chỉ là một quả đồi cao 17m, được hình thành bởi những tảng đá chồng chất lên nhau chẳng khác một hòn non bộ khổng lồ. Dưới chân núi có chùa cổ Linh Bửu - được tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xây dựng năm 1884 - không gian thanh tịnh, cảnh trí tươi đẹp.
Núi Dài hay Ngọa Long Sơn (thuộc huyện Tri Tôn) với đỉnh gần như bằng phẳng trải dài hơn 8km, khó xác định đâu là điểm cao nhất. Dù trên núi có hai di tích lịch sử quốc gia là điện Trời Gầm và đồi Ma Thiên Lãnh nhưng Ngọa Long Sơn vẫn là con rồng đang yên ngủ bởi chưa khai thác du lịch được. Xưa kia núi Dài từng đầy rẫy ác thú.
Tương truyền vào năm 1819, khi Thoại Ngọc Hầu huy động dân binh xuống đóng trại tại Ba Chúc, chuẩn bị đào kênh nối Châu Đốc - Hà Tiên, đêm xuống tuy người đông song lúc nào cũng phải nổi lửa hoặc đánh động để xua đuổi cọp thường lảng vảng xung quanh. Huyền thoại Thất Sơn còn nói tới con nưa chín mũi (giống như trăn nhưng mũi có tới chín lỗ nhỏ) hết sức hung dữ, có con thân mình to bằng cây cột nhà!
Đường lên núi Dài có thể nói là gian truân nhất trong số các ngọn núi vùng Thất Sơn. Càng lên cao cây cối càng dày đặc, che khuất hẳn lối đi. Đôi ba lần chúng tôi bị lạc, khi đó người dẫn đường phải leo lên ngọn cây định hướng hoặc hỏi thăm những người lên rừng hái lá thuốc. Giữa trưa, sau nhiều nỗ lực chúng tôi mới lên tới đỉnh. GPS báo độ cao là 578m.
Chưa kịp lấy lại sức sau buổi sáng khám phá núi Dài, quá trưa chúng tôi lên tiếp núi Dài Nhỏ - Năm Giếng ở thị trấn Nhà Bàng (thuộc huyện Tịnh Biên) với năm hốc đá đầy ắp nước nằm kề nhau trên cùng một khối đá thoai thoải. Quanh năm những “giếng tiên” này đều có nước, có lúc còn tràn qua miệng giếng. Đường lên đỉnh Ngũ Hồ Sơn không một bóng người, bị chắn ngang bởi vồ đá chông chênh, phải bám dây leo để bò lên. Lại chặt cây mở đường như khi lên đỉnh núi Dài. Đến đỉnh núi, thiết bị GPS báo độ cao 268m.
Núi Két - Ảnh: Trần Thế Dũng
Nóc nhà đồng bằng sông Cửu Long
Núi Cấm, người địa phương thường gọi núi Ông Cấm, từ xưa được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng nhất vùng Bảy Núi. Tên núi được cho là có từ thời chúa Nguyễn Phúc Ánh, khi ông bị quân Tây Sơn truy đuổi phải lên núi lánh nạn. Để giấu tung tích nên chúa sai quan quân cấm dân lai vãng. Một giả thuyết khác là ngài Phật thầy Tây An từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế.
Cấm Sơn còn mang bao truyền thuyết kỳ bí về các ông đạo tu hành đắc đạo thành tiên, những người khai sơn đả hổ, chém mãng xà, thu phục ác thú, những người ngậm ngải tìm trầm nhưng bị kho báu biến thành “xà niêng” điên dại...
Chúng tôi lên đỉnh núi Cấm bằng một lối nhỏ dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh xung quanh. Sau hai giờ rong ruổi trên những bậc đá gập ghềnh giữa không gian yên tĩnh và khí hậu mát mẻ, chúng tôi đặt chân lên độ cao 535m. Ở đó sừng sững tượng Phật Di Lặc cao đến 33,6m. Thật khó tin ở nơi địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài hoành tráng đến thế.
Để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này, các nghệ nhân đã phải thi công suốt ba năm. Từ chùa Vạn Linh chúng tôi lên đến vồ Bò Hông, mỏm đá lớn trên chóp đỉnh Thiên Cấm Sơn ở độ cao 710m - điểm cao nhất của miền Tây Nam bộ, từ đây ngắm nhìn một vùng không gian bao la gắn liền với những truyền thuyết, nhân vật, sự kiện của thời Nam tiến khai hoang mở đất hào hùng...
Đó cũng là ngọn núi cuối cùng của Thất Sơn mà tôi từng ao ước sẽ có ngày được đặt chân lên tất cả.
Khu Du lịch Hồ Thoại Sơn trong vùng Bảy núi, núi Sập thuộc huyện Thoại Sơn cách thành phố Long Xuyên 29 km theo đường tỉnh lộ 943.
Khu Du lịch Hồ Soài So - Tri Tôn có suối Bạc đổ xuống Hồ Soài So rộng 5ha, có dung tích 400.000m3 bên ngọn núi Tô và những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Khu vực này có một số chợ bò nổi tiếng, như: Bến bò xã Lương Phi - Ba Chúc, cầu Cây Me, Nhà Bàn,… Các chợ bò này hoạt động liên tục, không chỉ trong địa phương mà còn “xuyên quốc gia”, sang Campuchia. Bò Bảy Núi thịt ngon do được nuôi vỗ cẩn thận. Vì vậy, khi đến vùng này, khách luôn được thưởng thức các món ăn được pha chế từ bò ngon không đâu có được. Món ngon nổi tiếng là bò xào lá vang. Đến Nhà Bàn, chỉ cần 10.000đ là khách có thể có được một dĩa bò xào lá vang đầy “tú hụ”, ăn thỏa thuê nhưng muốn ăn được tô cháo bò thì phải đến thị trấn Tri Tôn. Băng ngang núi Két (Phụng Hoàng Sơn), con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc như tranh vẽ, một bên là những “cánh rừng” xoài phủ rợp bóng mát, một bên là những “lũng sâu” được trồng đầy các loại rau màu. Con đường đẹp ấy càng đẹp thêm hơn với bóng những chòm cây thốt nốt mọc chơ vơ trong đồng trống, mọc thành cụm như “ốc đảo”. Cháo bò Tri Tôn nhiều nơi bán. Nhưng đúng điệu nhất là quán cuối tỉnh lộ 948 bên kia cầu là đường Trần Hưng Đạo (thị trấn Tri Tôn), giá 10.000 đồng/tô… Bò Bảy Núi ở Tri Tôn (cách Châu Đốc 60 km) nổi tiếng thịt ngon nhờ được vỗ béo cẩn thận. Món ngon có tên tuổi là bò xào lá vang, chỉ 20.000 đồng có thể thưởng thức dĩa bò xào lá vang đầy “tú hụ”. Ngoài chùa Xvayton (Xà Tón) nổi tiếng cổ kính và còn lưu giữ được bộ kinh Slấc-rích (kinh viết trên lá thốt nốt khô), khách sẽ được thưởng thức món lót lòng vừa quen mà vừa lạ: cháo bò. Ngoài việc nhẩn nha nhai những lát thịt bò thái mỏng chín tái ửng hồng trải trên mặt tô cháo, khách còn được thưởng thức cái ngon của lòng bò. Nào một miếng lá sách trắng đục vừa giòn vừa dai, nào miếng gan đăng đắng vị bùi, nào miếng phổi “phập phều” trong răng lạ miệng, và nữa những miếng phèo nhân nhẩn giòn dai, cùng miếng tủy bò béo ngậy, trong vị mặn cay của nước mắm gừng. Đầu lưỡi chưa dứt tê mê thì lại được tận thưởng cảm giác ngon ngọt của miếng huyết bò “tan” chậm trên mặt lưỡi. Múc từng muỗng cháo cho vào miệng, hàng bao nhiêu vị tràn ngập trong kẽ răng nhưng nổi bật nhất là vị chua thanh của nước trái trúc (một thứ trái giống như trái chanh nhưng vỏ xù xì, được trồng ở miền núi này) và vị cay của ớt hiểm xanh (hoặc ớt sừng trâu bằm), vị giòn lạt của giá sống cùng mùi rau thơm sẽ khiến bao nhiêu “nặng nề” của thực phẩm hầu như tan biến hết. Tô cháo dần làm “hồi sinh” lục phủ ngũ tạng khách sau một đêm ngủ đầy sảng khoái trong không khí tốt lành của một miền quê núi. Cuộc đời sẽ càng thêm thi vị biết bao nếu như cạnh bên khách còn có vài người bạn chí cốt nhâm nhi ly rượu đế trắng sủi tăm trong một buổi chiều bảng lảng hay một buổi sáng đầy sương, lành lạnh… Cháo bò Tri Tôn chỉ có ba nơi bán mà nơi ngon nhất là bên hông chợ. Vừa lạ vừa ngon vừa bổ dưỡng vừa rẻ (chỉ khoảng 5.000đ/tô) nên cháo bò Tri Tôn được nhiều khách phương xa tìm đến. Trong dịp Lễ hội Đua bò lần thứ 13 năm 2004 vừa diễn ra ở Tà Miệt, Lương Phi, sau đêm ngủ ở thị trấn, khách phương xa đều đổ dồn về mấy quán cháo bò này để thưởng thức món đặc sản độc đáo này trước khi hòa mình cùng không khí sôi động của cuộc đua bò đầy hào hứng và say mê. Trước 1975, ở đây có Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng và lực lượng Bảo An của PGHH nên VC rất khó tấn công cho dù đây là vùng núi duy nhất ở vùng ĐBSCL và là biên giới Việt – Miên.
Thành phố Long Xuyên có nhà hàng Hải Yến (27 Tôn Đức Thắng, P.Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Thực đơn chỉ duy nhất một món cá basa quen thuộc nhưng các món ăn được chế biến khá phong phú từ các món dân dã như: canh chua basa, basa kho tộ, chả cá basa... cho đến các món ăn mang phong cách Châu Âu như: basa lăn bột chiên sốt cà, philê basa đút lò phô mai...
b. Châu Đốc: là một thị xã trực thuộc tỉnh An Giang, nằm trên bờ sông Hậu, cách Saigon khoảng 250 km về phía tây, sát biên giới Việt Nam với Campuchia, có chiều dài lịch sử gắn liền với những câu chuyện ly kỳ về Bà Chúa Xứ Núi Sam (có Lễ hội Bà Chúa Xứ vào khoảng tháng tư âm lịch hằng năm), cũng như việc huy động sức dân đào kênh thủy lợi Vĩnh Tế và trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Châu Đốc là nơi có thể tìm hiểu về văn hóa, dân tộc Chàm và Khmer,có thể thấy các thánh đường Hồi giáo. Từ Saigon đi xe đò mất khoảng 6 tiếng để đến Châu Đốc. Chợ và phố ở Châu Đốc cũng khang trang, sầm uất hơn. Ghé Châu Đốc là phải thưởng thức các loại mắm nổi tiếng, nhất là mắm lóc đu đủ nhưng tôi lại thích bún mắm, canh chua cá basa và đường Thốt Nốt nơi đây hơn hết. Đi xuồng qua xem làng bè nuôi cá để coi kỹ nghệ nuôi cá xuất khẩu rồi ghé 1 làng Champa (Chà Châu Giang) với nghề dệt thủ công cổ truyền. Nơi đây tôi đươc chỉ cho xem mực nước lụt dâng cao qua cột nhà sàn. Tôi cũng ghé thăm một đền thờ Hồi Giáo và cũng là trường dạy chữ & đạo cho các em. Nhìn chung, đồng bào nơi đây còn nghèo lăm. Chị chèo đò cho tôi qua sông chỉ mong kiêm được $15,000 VNĐ/ ngày là mừng rồi. Chị chỉ mới 26 tuổi mà đã có 3 đứa con, chồng là thương binh, chị là "trụ cột" chính nên trông già đi rất nhiều. Nhiều ông Tây bà đầm du lịch theo kiểu balô cũng đến đây để đi tàu lên Nam Vang hay Siem Rep, hay sẽ đi tiếp qua Hà Tiên. Họ rất thích thú với kiểu du lịch văn hóa như vậy, nhất là khi ngồi xuồng ba lá trên sông mênh mông sóng nước, hay đi giữa những xóm làng VN nghèo khổ, bình dị. Đi dạo trên công viên dọc bờ sông có tượng những chú cá basa rồi qua vườn Tao Ngộ rồi đến chùa Hùynh Đạo, đình Châu Phú mới thấy Châu Đốc hôm nay vươn lên nhờ biết khai thác du lịch, thủy sản dù chỉ là 1 tỉnh nhỏ ở miền Tây. Đêm ở thị xã Châu Đốc cũng vui và êm ả. Sau khi đến thắp nhang cầu khấn Phật Bà Quan Âm ở chùa Bồ Đề Đạo Tràng, tôi ghé qua mua bắp nướng rồi nhâm nhi ly chè, vừa nhìn sinh hoạt người dân Châu Đốc về đêm, vưà hóng gió từ dưới sông thổi lên mát rượi. Sáng hôm sau, lên chùa Bà Chúa xứ mới thấy dân mình rất tin tưởng thần thánh. Qua Lăng Thoại Ngọc Hầu và Tây An Tự rồi lên viếng chùa Hang (Phước Điền Tự) trên sườn một núi trong 7 ngọn núi ở Thất Sơn), nhìn qua biên giới Việt - Miên nhưng không thấy đâu là ranh giới giữa cánh đồng mênh mông vẫn trắng xoá nước lụt dâng cao, chỉ còn thấy những cây dừa và thốt nốt vươn cao trên trời xanh và biển nước.Mùa lũ về cũng chính là mùa làm ăn của người dân. Từ mô hình nuôi lươn, nuôi ếch, nuôi tôm đến nuôi cá lóc đăng quầng.
Châu Ðốc có quán cơm Duy rất nổi tiếng tại Tân Châu, chuyên phục vụ các món ăn đặc sản: chả cá chiên, tôm kho tàu, canh chua cá lăn. Đặc sản địa phương gồm các loại mắm (lóc, trê, thái...), khô cá lóc, cá tra phồng, sặc bổi..., đường thốt nốt và chè trái thốt nốt.
Châu Đốc cũng là một địa điểm mua sắm, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam với Campuchia,
Thái Lan, Malaysia...; nhất là hàng lậu nên giá cả cạnh tranh một phần vì là hàng trốn hoặc miễn thuế.
Từ Châu Đốc vượt khoảng 30km qua xã Khánh Bình, bên kia biên giới Miên chưa đầy 1 km, khách có thể đến các sòng bạc (casino). Các di tích danh thắng của thị xã Châu Đốc gôm:
- chùa Tây An (Tây An cổ tự), nằm tại ngã ba núi Sam (chân núi) thuộc xã Vĩnh Tế thị xã Châu Đốc, do tổng đốc An Giang-Hà Tiên, Doãn Uẩn đôn đốc xây dựng năm 1847. Chùa có phong cách kiến trúc hồi giáo Ấn Độ.
- lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và nhị vị phu nhân, nằm cạnh chùa Tây An (chân núi Sam), đối diện miếu bà chúa Sứ. Thoại Ngọc hầu, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, (1761 - 1829) là một danh tướng của triều Nguyễn, có công lớn trong việc mở mang khai phá nhiều vùng đất phía Tây Nam
Việt Nam sau khi đến Trấn thủ Vĩnh Thanh (nay là địa bàn thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Kiên Giang). Ở chức vụ này, ông đã có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kênh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là:
* Đắp lộ Núi Sam - Châu Đốc, dài 5 cây số trong năm 1826 - 1827, huy động gần 4.500 nhân công. Đoạn nằm trong nội ô thị xã Châu Đốc hiện nay vẫn còn mang tên Ông.
* Đào
kênh Thoại Hà (hay kênh Ba Thê, núi Sp) dài hơn 32km ở núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818 với khoảng 1.500 nhân công, nối liền Long Xuyên - Rch Giá. Triều đình đã lấy tên ông để đặt cho tên núi, tên sông.
* Đào
kênh Vĩnh Tế dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc - Hà Tiên nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan, dài hơn 90 cây số, huy động trên 80.000 nhân công thực hiện từ năm 1819 - 1824. Con kênh được Nguyễn văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824). Khi hoàn thành, vua Minh Mạng (triều Nguyễn) lấy tên vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu thị Vĩnh Tế,hay Châu Vĩnh Tế, Châu Thị Tế (?-1826), là người gốc Khmer (Miên) và đóng góp nhiều công sức trong việc tổ chức khai khẩn và đào kênh này đặt tên cho con kênh kéo dài 205 dặm rưỡi từ Châu Đốc đến Giang Thành, Hà Tiên; song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia. Bà cũng được vua Minh Mạng phong là Nhất phẩm Phu nhân. Có giá trị lớn về các mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động xây dựng đất nước của dân ta và chính sách coi trọng thuỷ lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.
- núi Sam: Từ xa, ta thấy núi có dáng dấp như một con Sam đeo bám trên cánh đồng. Có truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia từng là hòn đảo nhô lên trên biển (lúc biển còn bao phủ toàn vùng), là nơi có nhiều Sam sinh sống nên được gọi là “Học lãnh Sơn” nghĩa là núi con Sam. Núi có diện tích khoảng 280ha, với độ cao vừa phải (241m), đây là loại núi trẻ. Mỗi mùa hè đến, trên sườn Núi Sam lại được tô điểm rực rỡ một màu đỏ của phượng vĩ, làm Núi Sam càng tươi mát hơn cùng với những hang động kỳ thú. Bên cạnh đó còn có cả một hệ thống kênh rạch bao quanh, cùng với hệ thống đền, chùa cổ kính trên sườn núi tạo nên một phong cảnh đẹp, hữu tình giữa vùng đồng bằng trù phú. Vào thời nhà Nguyễn, Núi Sam thuộc thôn Vĩnh Tế, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ngày nay là phường Núi Sam. Thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang đã gọi khu này là Khu Du lịch Núi Sam vì nơi đây tập trung nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử văn hoá được Bộ Văn Hoá công nhận xếp hạng như: Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu,
- Đền thờ bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh Châu Đốc do phu nhân của ông Nguyễn văn Thọai (Thoại Ngọc Hầu) xây khoảng đầu thế kỷ 19 nhưng bức tượng bà Chúa Xứ thì rất xưa và vẫn còn là môt điều huyền bí. Năm 1938, ông Malleret (giám đốc viện khảo cổ Sài gòn) đến núi Sam, viếng miếu Bà và xác nhận pho tượng tạc từ thời Trung Cổ (khoảng gần hai ngàn năm), nhiều nét tương tự các pho tượng thời Bà La Môn của Ấn Đô, bởi mái tóc dợn sóng, mũi cao. Pho tượng được tạc bằng loại đá tốt, màu xanh (không giống loại đá ở vùng núi Sam) có hình dạng nam thần, điêu khắc trong tư thế ngồi, chân trái co vào, chân phải duỗi thẳng, tay phải đặt lên đầu gối, tay trái chỏi ra sau. Thực ra cánh tay bên phải đã bị gãy mất và được phục chế lại bằng một loại đá khác. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25m, được tạc liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10cm. Về trang phục, tượng được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng, sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Cổ tượng nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to bản, hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ có đến thăm vùng này, vào miếu Bà Chúa Xứ, họ rất ngạc nhiên là được gặp loại tượng thần Shivalinga ở khu vực núi Sam trong danh xưng Bà Chúa Xứ!
Việc tìm thấy tượng Bà cũng là chuyện lạ. Xưa kia ở núi Sam, quân Xiêm thường hay vượt biên giới sang cướp phá. Chúng thấy pho tượng cổ này đẹp định cướp mang về nước nhưng chỉ kéo xuống triền núi rồi nặng quá phải bỏ lại. Khi giặc Xiêm rút, dân quanh vùng kéo cả làng tới định mang tượng xuống nhưng vẫn không lay chuyển được. Họ cầu khấn rồi được Bà nhập vào môt cô gái, tự xưng là Bà Chúa Xứ và truyền cho dân làng dùng 40 thiếu nữ đồng trinh tắm rửa sạch sẽ rồi Bà mới cho phép khiêng về thờ. Xem ra bức tượng ở Tháp Bà Nha Trang và tượng bà Chúa Xứ Châu Đốc rõ ràng là những hình tượng không giống người Việt nhưng người dân ở đây đều tin tưởng cả hai bà đều là hóa thân của Mẫu Liễu hay bà Liễu Hạnh. Phần đông dân chúng miền Nam đều tin là sự hóa thân của bà chúa Liễu Hạnh tựa như bồ tát Quán Thế Âm sinh ra ở Đại Hàn là Thị Kính, giáng trần ở Việt Nam là Chúa Ba, chùa Hương. Vì vậy, khi hóa thân, bà Chúa Tháp Bà hay bà Chúa Xứ Châu Đốc không cần phải có dáng dấp người Việt.

Theo lời các cụ già kể lại, ngôi miếu Bà được xây dựng đầu tiên bằng cây lá vào khoảng những năm 1820- 1825. Còn về chung quanh lai lịch của tượng bà thì có nhiều truyền thuyết khác nhau:Có truyền thuyết kể rằng, một hôm dân địa phương vào núi đốn củi, tình cờ họ phát hiện tượng bà nằm ở giữa rừng, bèn về báo cho dân làng, sau đó dân làng đã cùng nhau đưa tượng về, lập miếu thờ. Một truyền thuyết khác kể rằng có một vị thần linh tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc đã báo mộng cho dân làng; Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam, đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân sống an lành và làm ăn phát đạt. Sau đó, 9 cô gái được chọn cử lên đỉnh núi tìm tượng đá và quả nhiên, họ đã gặp một tượng đá trong tư thế ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, bèn khiêng về, kỳ rửa sạch sẽ, và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được "an vị" tại miếu làm ngày lễ Vía Bà. Một truyền thuyết khác nữa gắn với chiến công của Thoại Ngọc hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm ngày lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới tây nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà vợ thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm, vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết thêm rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng. Lại có truyền thuyết gắn với lễ Vía bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng tư là thời vụ bà con xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cầu Bà, hy vọng mùa sẽ được bội thu. Nhân dịp này, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi, rồi lâu dần thành lệ. Từ một hội làng Vĩnh Tế mang đặc điểm lễ cầu mùa trong nông nghiệp đã dần biến thành lễ Vía bà, thu hút đông đảo khách thập phương từ các nơi ngày càng đông. Miếu bà là một di tích kiến trúc nghệ thuật có tiếng ở miền nam, cũng chính từ ngôi miếu này đã nảy sinh ra bao truyền thuyết và lễ hội mà người đời truyền tụng. Miếu Bà Chúa Xứ và khu núi Sam hàng năm đón hàng triệu lượt người trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái.Theo thông lệ hàng năm, Vía bà Chúa Xứ được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26 và 27 tháng tư âm lịch. Vía chính là ngày 25. Có người cho rằng xưa kia dân làng phát hiện ra tượng Bà vào ngày đó. Có thuyết cho là sau khi sạ lúa thắng lợi nên tổ chức hội hè ăn mừng và làm lễ cúng tạ ơn, lâu dần thành lệ. Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam An Giang tô chức rất long trọng: Mở đầu là Lễ phục hiện Rước tượng Bà từ 14 giờ đến 16 giờ tại Bia Liệt sĩ. Lễ Tắm Bà từ 0 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau. Lễ Thỉnh sắc Thần (Ông Thoại Ngọc Hầu và phu nhân) về Miếu Bà. Nhiều người tin tưởng vay tiền của Bà thì làm ăn sẽ khá và sau đó về hậu tạ với rất nhiều lễ vật quý giá chất đầy trong 1 gian nhà lầu xây kế bên. Khách đi hành hương ngủ lại đêm nằm la liệt khắp nơi vì thị xã cũng hết phòng trọ. Ðiều đó cho thấy tín ngưỡng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân; kể cả cán bộ ! Thích nhất là nghệ thuật đơm hoa kết trái thành rồng - phụng hay những giỏ trái cây ngũ sắc thật cầu kỳ, khéo léo của những nghệ nhân.
- chùa X
à Tón: là một công trình kiến trúc đặc thù của người Khmer Tri Tôn, là một di tích cổ trên 200 năm.
c. Khu di chỉ văn hóa Óc Eo thuộc vùng núi Sập - Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Thành cổ Óc Eo là một thương cảng thời trung cổ bị chìm dưới đất, được phát hiện khi nhân dân đào kênh xáng Ba Thê. Đây là một địa danh được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Là một khu di tích cổ rộng lớn, gắn liền với vết tích vật chất của vương quốc Phù Nam, một quốc gia hùng mạnh ở vùng Đông Nam Á cách nay khoảng hai nghìn năm.

d. Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch sinh thái rộng trên 700ha, nằm giữa lòng tứ giác Long Xuyên, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Chiếc xuồng ngỏ sẽ rẽ nước đưa du khách đến với cảnh đẹp của thiên nhiên, với bạt ngàn màu xanh của tràm cùng ánh nắng vàng óng ả của bầu trời hoà quyện với tiếng chim hót líu lo, tiếng gió rừng xào xạc, ... Chính vẻ sống động của thiên nhiên đã làm cho tâm hồn bạn thêm thoải mái và dẽ chịu hơn cho chuyến tham quan của mình. Hoàng hôn buông xuống, thấp thoáng trong rừng tràm là những ngôi nhà sàn nho nhỏ, xinh xinh, được cột chặt vào thân cây trông giản dị mà tuyệt đẹp. Du khách sẽ bị bất ngờ và ấn tượng trước cảnh đàn dơi quạ có đến 5.000 con đeo mình trên các ngọn tràm. Rồi từng đàn cò trắng, cò đen, sếu đầu đỏ, ... lên đến hàng vạn con chấp chới bay về tổ ấm, một không gian của sự sum vầy, hạnh phúc đang diễn ra trước mắt bạn. Thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành là điểm nổi bậc nhất mà du khách có thể tìm thấy ở rừng tràm Trà Sư ( như tràm chim Tam Nông bên Ðồng Tháp).

e. Ba Chúc: Vụ thảm sát Ba Chúc xảy ra tại xã Ba Chúc, Tri Tôn, tỉnh An Giang trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978. Xã nằm cách biên giới Campuchia khoảng 7 km.
Trong vòng 2 tuần từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 4 năm 1978, 3157 dân thường Ba Chúc vùng quanh núi Tượng và núi Dài đã bị quân Khmer Đỏ thảm sát (trong tổng số 16 ngàn dân xã Ba Chúc). Phần lớn nạn nhân bị sát hại vào ngày 18 tháng 4, khi một toán quân Khmer xâm nhập dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học rồi thảm sát. Những người sống sót trốn được vào núi Tượng, tuy nhiên họ bị phát hiện ra vài ngày sau. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp và đóng cọc vào cửa mình, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết.
Đây là một trong những sự kiện dẫn tới Chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam và Việt Nam đóng quân tại Campuchia sau này.
Chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng tại đây quần thể chứng tích tội ác và Nhà nước Việt Nam đã công nhận là Di tích Căm thù theo quyết định 92/VH-QĐ ngày 10 tháng 7 năm 1980. Nhà mồ Ba Chúc là nơi lưu giữ xương cốt của hơn 1100 nạn nhân trong cuộc tấn công.
f. Người Chăm Islam ở Châu Đốc - An GiangMỗi khi nói về dân tộc Chăm, không ít người trong chúng ta lại thắc mắc: Vì sao lại có người Chăm ở Châu Đốc, trong khi vương quốc Chăm của họ lại ở miền Trung Việt Nam?
Quay lại lịch sử, với những biến cố chính trị xã hội, người Chăm từ niềm Trung di cư sang Campuchia rồi ngược về Châu Đốc và tạo nên cộng đồng Chăm ở đấy cho đến tận bây giờ.
Sự xuất hiện của người Chăm ở Campuchia:Theo các cổ thư của Trung Quốc, thì từ năm 190, một người tên là Khu Liên (1) thuộc vùng Tượng Lâm (2) đã kêu gọi nhân dân trong vùng đứng lên chống lại sự cai trị hà khắc của nhà Hán. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Khu Liên đã thành lập một vương quốc tên là Lâm Ấp (3) vào năm 192, mà sau này chính là vương quốc Champa, cát cứ ở miền Trung Việt Nam. Vào bấy giờ, miền Nam vẫn còn thuộc vương quốc Phù Nam.
Qua sử liệu của Trung Quốc, ta thấy được vương quốc Champa đã có sự hình thành và phát triển từ rất sớm, còn trước cả nước Đại Việt (Việt Nam) gần 8 thế kỷ. Tuy nhiên, do chiến tranh mà vương quốc Champa dần dần biến mất, sát nhập vào lãnh thổ chung của Việt Nam và trở thành một bộ tộc không thể tách rời trong hơn 54 dân tộc anh em tại Việt Nam.
Và cũng chính bởi chiến tranh, mà khốc liệt nhất là cuộc chiến năm 1471, người lãnh đạo nước Đại Việt - vua Lê Thánh Tông - đã tiêu diệt gần như hoàn toàn vương quốc Champa, ở đây chính là địa bàn vương quốc Vijaya có kinh thành Đồ Bàn. Số thì bỏ mạng ngoài sa trường, số thì bị bắt làm tù binh. Và trong đó, có rất nhiều người vượt lên trên Tây Nguyên, qua khỏi vùng Kontum ngày nay, chạy sang nước Chân Lạp (nay là Campuchia) để cư trú. Đợt tị nạn đông nhất có ghi rõ số lượng là vào năm 1692, khi Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đánh chiếm vùng Khánh Hoà (Kauthara). Sử liệu Khmer đã ghi lại: có khoảng 5000 gia đình người Chăm đã băng rừng, vượt núi để đến Chân Lạp xin tị nạn.
Vào năm 1833, nhân việc con nuôi của tả quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi (4) nổi dậy đánh chiếm thành Phiên An (thành Gia Định cũ). Trong cuộc nổi dậy này, Lê Văn Khôi đã dựa vào một thế lực rất lớn từ cộng đồng người Chăm, lúc này đang được hưởng quyền tự trị. Đến năm 1835, cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi bị dập tắt. Vua Minh Mạng đã cho thi hành những chính sách hà khắc đối với người Chăm: phân biệt đối xử với những ai đã theo cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi; xoá bỏ quyền tự trị của trấn Thuận Thành (Panduranga). Dân số Chăm định cư tại Chân Lạp đông lên. Không chỉ định cư tại Chân Lạp, người Chăm còn di cư sang cả nước Xiêm La (Thái Lan bây giờ).
Sự xuất hiện của người Chăm ở An Giang: Thời vua Minh Mạng, nhờ sự tài giỏi về quân sự, vị vua này đã khiến các nước phiên bang như Ai Lao (Lào ngày nay), Chân Lạp đều thần phục Việt Nam và phải chịu sự bảo hộ của Việt Nam. Tuy nhiên, sự bảo hộ này bị một số người Khmer thân Xiêm La chống đối. Mãi đến thời vua Tự Đức (năm 1854), sau khi Khmer nhờ quân Xiêm La đuổi quân Việt ra khỏi lãnh thổ, đồng thời dùng chính sách bài Việt và cứng rắn với người Chăm, quyền tự trị của người Chăm tại một số tỉnh của Chân Lạp như Kompong Cham bị bãi bỏ.
Nhiều chức sắc cao cấp của cộng đồng Chăm tại đây nổi lên, vì không muốn bị đồng hoá với người Khmer. Năm 1858, người Chăm đã nổi dậy chống lại Hoàng Gia Chân Lạp là vua Ang Duong. Lấy viện cớ này, vua Ang Duong mang 10.000 quân đến càn quét bộ tộc Chăm và giết chết nhiều thủ lãnh người Chăm. Tuyên án khổ sai cho 6000 người khác. Một thủ lãnh Chăm dẫn hàng ngàn người Chăm khác đến Châu Đốc để xin nhà Nguyễn tị nạn. Họ chia làm 7 làng Chăm. Địa thế không liền nhau, nhưng cùng nằm dọc theo hai bên bờ sông Cửu Long trải đến giáp với Campuchia.
Còn có một nhóm nhỏ khác theo ông hoàng Pôchecoc về định cư ở vùng Tây Ninh. Được sự chấp nhận và cho phép mở mang khai khẩn và buôn bán làm ăn.
Người Chăm ở An Giang chủ yếu làm nghề chài lưới trên sông, vì vốn từ cổ xưa cha ông họ là những người sống trên biển rất tài giỏi. Và một phần do vùng đất ở đây không có nhiều đất đai để canh tác.
Sau biến cố 30/4/1975, có khá nhiều người Chăm ở Châu Đốc, Tây Ninh vì trốn sự hà khắc và cai trị độc tài đã liều mình chạy qua Campuchia để làm mồi cho bọn Khmer Đỏ, cũng như là bọn cướp. Phần bị giết, phần bị lột sạch tiền của. Rồi từ Campuchia trốn sang biên giới Thái Lan để xin tị nạn chính trị. Số người trốn đi hiện nay cư ngụ tại nhiều bang trên đất Mỹ.
II. Đời sống của người Chăm Islam Châu Đốc
Kể từ khi được phép của triều Nguyễn, các làng Chăm mọc lên định cư rải rác nằm dọc theo hai bên bờ sông Hậu, trải dài đến giáp biên giới Campuchia. Có tất cả 7 làng Chăm Châu Đốc: Koh Taboong, Mat Chruk, Koh Kaboak, Plây Kênh, Plao Ba, Koh Kaghia, Sabâu, tương ứng với các địa danh tiếng Việt là Châu Giang, Đa Phước, Châu Phong, Lama, Vĩnh Tường, Bún Lớn, Bún Bình Thiên, Đồng Cô Kỵ. Hiện nay, có khoảng 13.700 người Chăm Islam tại đây với khoảng 2100 hộ, cũng dần thích nghi với cuộc sống mới. Tuy nhiên, những nét văn hoá đặc trưng của tín đồ theo đạo Islam không vì thế mà bị biến dạng hay hoà tan theo xu hướng hoà nhập cùng thời đại.
Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX, bộ tộc Chăm theo đạo Islam ở Châu Đốc sống một cuộc sống khép kín, ít khi giao tiếp với bên ngoài, nên chỉ có một số ít người biết được tiếng Việt. Một phần là vì vào thời buổi bấy giờ, hệ thống giao thông đường bộ chưa được phát triển, mở mang như sau này, nên đại đa số người dân chỉ lưu thông bằng đường thuỷ. Những con tàu chạy bằng hơi nuớc, những chiếc ghe chành (“ghe chài” theo tiếng địa phương) là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Bên cạnh đó là sự bài bác âm thầm trong cộng đồng đối với những người giao du với người Việt, học theo thói xấu uống rượu, hút thuốc, nhảy đầm… theo phong cách phương Tây, nó nằm trong các Haram (5) của kinh Koran.
Chỉ cách nhau độ khoảng 100m, nhưng dường như giữa bên này sông - thôn xóm của người Chăm, và bên kia sông - đô thị của người Việt, đã có một khoảng cách rất lớn nếu xét về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống dân chúng. Một bên là nhà cao cửa rộng, những mái nhà ngói đỏ, lợp tôn với đủ màu sắc khác nhau. Còn một bên là những mái lá nhà sàn, cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nào cũng có một cầu thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong hầu như không có bàn ghế, nên khi có khách đến thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa phần lớn sát vào nhau, và cả làng dường như không có nhà nào trồng quả.
Và khác với người Việt bên kia sông, người Chăm bên này theo mẫu hệ.
Đời sống văn hóa
Người Chăm Islam tại đây, đàn ông lớn nhỏ phải để tóc ngắn và khi tham gia sinh hoạt cộng đồng trong làng phải đội nón nỉ màu đen dành cho người nhỏ tuổi, còn người lớn hơn đội nón màu trắng. Những người ở xa về quê, nếu để tóc dài sẽ nhận sự đàm tếu từ làng xóm, cho đó là sự thiếu đứng đắn, nhận được sự bài xích từ cộng đồng, có khi gia đình bị lên án thậm tệ.
Còn đối với phụ nữ già trẻ, khi ra đường phải đội khăn phủ đầu, nếu không muốn bị đánh giá là không tốt. Nhưng chiếc khăn đội bỏ xuôi xuống hai bên màng tang, để được vắt lên trong lúc làm việc, chớ không bắt chước theo kiểu dáng hoàn toàn che bó lại chỉ chừa hai con mắt như người Arap. Người Chăm Islam thường vận Sà-rong quấn quanh mình, dài đến gót chân. Ngôn ngữ họ sử dụng không phải tiếng Việt mà là tiếng Chăm cách tân, có ảnh hưởng ít nhiều với tiếng Khmer và tiếng Mã Lai. Nói “tiếng Chăm cách tân” là để tránh sự hiểu lầm như của một số người rằng ngôn ngữ của người Chăm sử dụng là ngôn ngữ Mã Lai và người Chăm hiện nay đang cư ngụ tại Châu Đốc là do di cư từ Mã Lai sang.
Người Chăm Châu Đốc có tập tục ăn bốc, đây là một điều rất xa lạ đối với người Việt, nếu không có những hiểu biết về văn hoá thường xảy ra tình trạng coi thường tập tục này. Trước khi ăn phải rửa tay, chỉ sử dụng ba ngón giữa và ngón cái của bàn tay phải để đưa cơm vào miệng, trong khi bàn tay trái chỉ để cầm những gì dơ bẩn. Khi nói đến cuộc sống đời thường của người Chăm Châu Đốc, người ra không thể bỏ qua một lễ hội truyền thống đua ghe Ngo (6), mà xuất xứ quan hệ mật thiết với ngành nghề đi biển truyền thống của vương quốc Champa xa xưa, ngày nay đã hoàn toàn biến mất trong sinh hoạt của người Chăm Phan Rang - Phan Rí. Đối với khách du lịch thập phương, món đặc sản của người Chăm Châu Đốc chính là món Tung Lò Mò, nó chính là Lạp xưởng nhưng được làm bằng thịt bò.
Đời sống tâm linh: Đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Chăm Châu Đốc gắn liền với nguyên lý tôn thờ một thượng đế là Allah. Điều đó đã chế ngự hoàn toàn cuộc sống văn hoá của người dân. Nó vô hình chung đã tạo thành mặc cảm và định kiến đối với nề nếp đời sống không phải Islam. Họ có khuynh hướng như phải thu mình lại để bảo tồn những gì mình hiện có trong phạm vi thôn ấp. Mỗi ngày, người Chăm Islam cầu nguyện 5 lần, bắt đầu khi trời vừa rạng sáng, trưa ngọ, xế chiều, chạng vạng và trở về khuya và mỗi lần như vậy họ lại đến các thánh đường trong làng để cầu nguyện, mặt quay về hướng Tây, là hướng về Thánh Địa Mecca, một địa điểm linh thiêng với người theo Islam.
g.Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng Ở Tri tôn
h. Món ăn:
Có bốn món ăn ngon dân dã của người Lục Tỉnh là: cá lóc nướng trui, thịt ba rọi xắt phay, mắm thái và tôm đất luộc lột vỏ. Ðây là bốn món ăn ngon mà khoái khẩu, hấp dẫn, được dân sành điệu ngợi khen và đặt mỹ danh là “Tứ quí”- Bốn món ăn quí trong dòng ẩm thực Lục Tỉnh, chẳng thua gì bát bửu cao lầu của Tàu... Mắm là món ăn đã từ lâu rất quen thuộc với người miền Nam nhưng cái tên mắm ba khía nghe còn lạ tai bởi nhiều người không biết ba khía là con gì! Thấy người Tàu sống ở Miền Tây ưa ăn mắm ba với cháo trắng nên người mình tưởng lầm rằng món mắm ba khía gốc của người Tàu! Không phải vậy!
Mắm ba khía được người bán gọi theo tên địa phương làm ra nó như mắm ba khía Bạc Liệu, ba khía Châu Ðốc, ba khía Rạch Gốc, ba khía Năm Căn, Cà Mau,v.v... Trong đó mắm ba khía Cà Mau có tiếng ngon nhứt. Mắm ba khía Cà Mau nay trở thành thương hiệu. Con ba khía giống như con cáy ở miền Bắc dùng làm mắm cáy. Ba khía thuộc loại cua, có càng và ngoe, sống vùng nước mặn. Ba khía nhỏ hơn cua, gần giống như con rạm, con còng. Con ba khía màu “sậm sịt“như màu đất bùn, trên mu/mai có khía nên ai đó đạt tên là con ba khía(nghe rất Nam kỳ... cục!).
Về An Giang là tha hồ ăn uống nhiều món dân dã, đồng quê.
Ðầu tiên là thịt trâu 10 món (tái chanh, nhúng dấm, nướng vĩ, luộc, khà nước dừa, móng trâu hầm, lẫu thịt trâu, cháo thịt trâu, phở trâu, "ngọc ngưu tiềm thuốc bắc"). Ăn đám cưới với thịt trâu mới là..."ấn tượng" ! Trâu quay (như heo quay) ăn với bánh mì và xì dầu, hay với bánh hỏi và rau sống với nước mắm, hoặc bánh tráng (bánh đa). Chưa hếế, thịt trâu xáo khoai môn, xào xả ớt, nấu càri hay kho tàu, nướng lá cách hay quấn lá lốt... Cháo và bún thịt trâu nữa ! Không biết khi quay phim "Mùa len trâu", người ta có giới thiệu thịt trâu 10 món không ?

Kế tiếp là Rùa 7 món, Gà hấp hèm, Gỏi sầu đâu hay gỏi bòn bòn. Bò 7 món núi Sam khác với bò 7 món Ánh Hồng hay Pagolac, nhất là khô bò và mắm bò ót. Món bò xào lá giang hay canh chua lá giang cũng ngon hết xẩy. Không thể thiếu Mắm (ít nhất là 10 món mắm đủ loại), trong đó có mắm Prahốc làm bằng cá Trey ( có tới 20 loại khác nhau, ngon nhất là cá Trey riel dài khoảng 70-150 cm và loại cá Trey lênh dài từ 100 - 170cm) nhưng dân Châu Ðốc bây giờ làm bằng cá lóc ngộp. Người Khmer còn có món canh chua cá và cá kho tộ theo kiểu Khmer cũng ngon lắm. Châu Ðốc sống bằng nghề nuôi cá bè nên tha hồ ăn cá 100 món và rất nhiều loại khô.Về Long Xuyên phải ăn thử cơm rượu và cốm dẹp - đây là 2 món mà tôi mê nhất từ hồi còn bé. An Giang còn nhiều món ăn lắm, tôi nhớ không hết và kể bao nhiêu cũng không xuể.
2. Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, phía bắc và tây bắc giáp Hậu Giang, phía nam và tây nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía đông bắc giáp Trà Vinh, phía đông và đông nam giáp biển 72 km.
Tỉnh lỵ của Sóc Trăng hiện nay là thành phố Sóc Trăng, cách Saigon 231 km.Sóc Trăng là vùng đất trẻ, được hình thành qua nhiều năm
lấn biển nên địa hình bao gồm phần đất bằng, xen kẽ là những vùng trũng và các giồng cát, nghiêng từ tây bắc xuống đông nam và có hai tiểu vùng địa hình chính: vùng ven sông Hậu với độ cao 1,0-1,2 m, bao gồm vùng đất bằng và những giồng cát hình cánh cung tiếp nối nhau chạy sâu vào giữa tỉnh; vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có những khu vực nằm giữa các giồng cát, không hình thành vùng tập trung với độ cao trung bình 0,5-1,0 m.
Trên địa bàn Sóc Trăng có hai sông lớn là
sông Hậusông Mỹ Thanh, đổ ra biển qua cửa Định An, Tranh ĐềMỹ Thanh. Tỉnh Sóc Trăng trong thời Pháp thuộc là một phần của tỉnh Bạc Liêu. Năm 1955, dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa, Sóc Trăng được lập thành tỉnh riêng lấy tên là tỉnh Ba Xuyên, còn tỉnh lỵ có tên là Khánh Hưng.
Sau năm 1975, tên Sóc Trăng được dùng lại.Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của
tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang).
Sóc Trăng có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm
thành phố Sóc Trăng và 8 huyện là: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh ChâuNgã Năm với 102 xã, phường và 8 thị trấn. Sóc Trăng có diện tích tự nhiên 3223,3 km². Trên địa bàn tỉnh có 26 dân tộc, chủ yếu là người Kinh, người Khmerngười Hoa. Sóc Trăng có 350.000 người Khmer, đông nhất trong số các địa phương có người Khmer sinh sống, chiếm 28,9% dân số toàn tỉnh và chiếm 32,1% tổng số người Khmer của cả nước.Có nền văn hóa ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer với nhiều màu sắc hấp dẫn.
Các nhà thổ nhưỡng chia tài nguyên đất Sóc Trăng làm 6 nhóm chính, nhưng không thấy có nhóm đất sét. Mặc dù vậy, đất sét Sóc Trăng lại được nhiều người nhắc đến vì đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của nhiều công trình kiến trúc địa bàn tỉnh, tiêu biểu là Bửu Sơn tựchùa Mã Tộc.
Ẩm thựcBánh Pía và bánh Mè-Láu là 2 loại bánh đặc sản của Sóc Trăng mà tôi mê t nh, nay được xuát khẩu đến các nước trên thế giới cho người Việt như tôi ăn ...đ thèm. Lạp xưởng Sóc Trăng ngon nổi tiếng. Bún nước lèo là đặc sản của toàn tỉnh Sóc Trăng đi đâu trong tỉnh bạn cũng sẽ gặp được những quán bún nước lèo này, thậm chí ở một số thành phố lớn ở Việt Nam, bạn cũng có thể bắt gặp được món bún nước lèo này. Bánh cống ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Đây là loại bánh làm từ thịt heo băm nhuyễn, bột sắn và hột đậu xanh, với nước nắm chua ngọt.Bò nướng ngói (đặc sản của huyện Mỹ Xuyên): thịt bò được nướng trên tấm ngói, gói rau bún chấm vói nước nắm nêm pha với ít khóm.

Bánh canh bột gạo Sóc Trăng: Về vùng Bảy Núi-An Giang, nếu huyện Tri Tôn nổi tiếng món cháo bò thì ở huyện Tịnh Biên cũng nổi tiếng không kém với món bánh canh bột gạo Sóc. Chất lượng gạo Sóc Bảy Núi (loại lúa gạo mà người đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi trồng trên các thửa ruộng ven chân núi) cũng giống như gạo lúa mùa (Trắng Chùm, Trắng Lùn, Trời Cho…) ở đồng bằng Nam bộ vậy nên cọng bánh canh làm từ loại gạo này cũng dẻo dai, thơm ngon tuyệt vời. Vượt chặng đường xa đến tham quan vùng Thất Sơn, du khách có thể dạo phố ẩm thực của tỉnh lộ 948. Tại đây, khách có thể gọi các món bánh canh giò heo, bánh canh cá lóc, bánh canh tôm, bánh canh gà, bánh canh thập cẩm… tùy thích. Tô bánh canh nóng hổi với các cọng bánh dẹp hòa cùng nước súp của giò heo, xương gà, cá lóc đồng, tôm càng,… ngọt ngào biết mấy. Thực khách cứ múc nước chấm chan vào tô bánh canh sẽ càng làm tăng thêm vị đậm đà của bánh, cộng với vị ớt cay cay, mùi thơm của ngò gai, hành lá, khiến tô bánh canh thêm hấp dẫn. Bánh canh phố núi Vĩnh Trung được bán với giá rất phải chăng, 7.000đ/tô.
Ngoài ra con một số món như: bún sào Thạnh Trị, bún gỏi già....

Di tích
Tỉnh Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ. Nếu du khách về Sóc Trăng muốn tham quan hết chùa chiền, tháp cũng phải mất cả tuần lễ. Tuy nhiên, du khách vẫn thường chọn những ngôi chùa lớn và kiến trúc đẹp nhất, để vừa chiêm ngưỡng nét nghệ thuật độc đáo về kiến tạo, vừa tìm hiểu phong tục tập quán của giới phật giáo người Việt, Khmer, vùng đồng bằng Nam bộ. Có lẽ ngôi chùa nổi tiếng được nhiều người biết đến ở Sóc Trăng là chùa Dơi.
- Chùa Mã Tộc (hay chùa Dơi): Chùa tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3 thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách trung tâm thị xã khoảng 2 km. (chi tiết...). Chùa được xây dựng cách đây 400 năm, có hàng ngàn bảo vật quý gồm tượng Phật và tứ linh Long-Ly-Quy-Phượng đều được nặn bằng đất sét. Chùa còn có tên là chùa Dơi vì ngôi chùa này từ lâu đã là nơi trú ẩn của khoảng 1 triệu con dơi, phần lớn có sải cánh 1-1,2 m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5 m. Đây là một ngôi chùa đẹp hài hòa trong khoảng không gian xanh bốn mùa, cây cối ở đây cao to và là nơi cư ngụ của hàng trăm loài chim muông. Đặc biệt là trong khuôn viên của chùa khá rộng, nơi đây có hàng vạn con dơi quạ cư trú bao đời nay, chúng treo mình trên những cành cây cao vào ban ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi bay đi kiếm ăn khắp vùng, lúc trời sáng dơi lại trở về nơi đây. Chính vì vậy chùa có tên rất dễ nhớ và ấn tượng là Chùa Dơi. Điều thú vị nữa là dơi cư trú kín cả khuôn viên nhưng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong khu vực chùa nơi chúng nương náu. Chùa Dơi còn được gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatne. Chùa này được xây dựng vào thế kỷ 16 và được trùng tu nhiều lần. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer. Du khách đến tham quan chùa không thể bỏ qua những giây phút ngắm nhìn pho tượng Đức phật cổ bằng đá cao 1,5 mét và nhìn bộ Kinh Phật viết trên lá cây Thốt nốt. Rất nhiều nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đều vào chùa tu hành học kinh phật một thời gian sau đó mới trở về với đời thường.
- Bửu Sơn tự (hay chùa Đất Sét): Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn tự nằm ở khóm 1, phường 5, thị xã Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và nhiều thứ khác đều làm bằng đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam. (chi tiết...). Đây là một am thờ đã qua nhiều đời của dòng tộc họ Ngô, có tất cả tượng
Phật đến linh thú, bảo tháp, đỉnh trầm đều được làm từ đất sét. Phần lớn do ông Ngô Kim Long sáng tạo trong suốt 42 năm (1928-1970). Ngoài ra, trong chùa còn có 8 cây nến, hai trong đó đã đốt liên tục trong 35 năm kể từ năm 1970 khi ông Ngô Kim Long qua đời. Sáu cây nến lớn chưa đốt, mỗi cây sẽ có thời gian cháy liên tục khoảng 70 năm.

Chính điện ở chùa Ông Bổn
Chùa Ông Bổn còn có tên gọi là chùa A Côn, hay Hòa An Hội Quán là một ngôi chùa cổ có tuổi đời trên 130 năm, tọa lạc số 09, đường Nguyễn Văn Trỗi, khóm 1, phường 1, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một di tích nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Hoa ở Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo tài liệu của Ban quản trị chùa thì vào năm 1875, chùa Ông Bổn được xây dựng tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Sóc Trăng. Đến năm 1911 được trùng tu lần thứ nhất và đổi tên là Hòa An Hội Quán cho đến nay. Qua 7 lần trùng tu vào các năm 1953, 1969, 1987, 1990, 1994, 1999 có kiến tạo gia cố thêm, nhưng vẫn đảm bảo được hiện trạng cũ nên ngôi chùa mới khang trang như ngày nay. Do chùa nằm trong trung tâm của tỉnh lỵ nên rất thuận tiện cho việc cúng bái, cũng như rất thuận lợi cho du khách đến tham quan dù bằng đường bộ hay đường thủy.Chùa được cất theo hình chữ Phú - tượng trưng cho sự ấm no, phú quý. Chùa cất tuy không cao nhưng thoáng đãng, mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa. Sân chùa tuy không lớn nhưng sạch sẽ. Mái chùa lợp ngói ống phủ lớp rêu phong. Trên mái nóc có tượng lưỡng long chầu nguyệt - cách trang trí truyền thống trong các ngôi chùa Hoa. Trên các gờ mái cũng có tượng rồng, kỳ lân nằm trải dài. Phía trước mái hiên chùa có treo một dãy đèn lồng đỏ càng làm tôn vinh thêm vẻ đẹp rực rỡ của ngôi chùa. Chùa Ông Bổn được xây dựng với chất liệu hoàn toàn bằng đá, gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Ngôi chùa có mặt tiền chính diện hướng về hướng Nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp nổi bằng xi măng rộng khoảng một thước là hai đại tự Tăng Phước - ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc, tạo thêm vẻ bề thế cho ngôi chùa. Ngoài ra, ở bên hữu khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh tượng trưng cho thần thổ địa của địa phương. Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viền nền tam cấp trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa... đều được các nghệ nhân người Hoa đời trước tạc bằng đá tảng của Trung Quốc. Ngôi chùa được thợ xây dựng theo dạng phân kim tam cấp qua thước Lỗ Ban - theo hình chữ Phú - tượng trưng theo quan niệm của người Hoa. Vào bên trong ngôi chùa, du khách sẽ choáng ngợp trước một “rừng” hoành phi câu đối bằng chữ Hán được treo và ốp cột từ gian tiền điện đến gian chính điện, với nội dung ca ngợi công đức của các vị thần. Phía bên trái (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ Bạch Hổ uy nghi, bên phải là bàn thờ của Thanh Long hùng dũng - đây vừa là yếu tố phong thủy, lại vừa là vật linh nhằm để trấn giữ tà ma, xua đi những điều xui xẻo, không hên. Gian chính điện gồm ba gian. Gian chính giữa thờ Trịnh Ân, tức Cảm thiên đại đế là vị phúc thần trong tâm thức của bà con người Hoa nơi đây. Tương truyền, Trịnh Ân là vị khai quốc công thần, văn võ song toàn, sống vào triều đại nhà Tống bên Trung Quốc. Ông có nhiều công lớn trong việc dạy dân bền chí làm ăn để khẩn hoang, lập ấp và khuyên mọi người phải biết giữ lễ nghĩa, giữ vẹn thuần phong mỹ tục. Do bị gian thần hãm hại nên ông bị triều đình khép vào tội chết. Lúc xử trảm ông, đất trời cảm động trút cơn mưa, điểm vần sắc hồng. Dân chúng thấy điềm trời như thế nên càng tỏ lòng thương tiếc và lập miếu thờ ông làm vị phúc thần. Chuyện này lan đến triều đình, làm vua tỉnh ngộ, thương cảm và phong sắc cho ông là Cảm thiên đại đế, tức lòng trung cảm động đến trời.
Bên trái gian chính điện là bàn thờ của Phúc Đức Chính Thần, bên phải là trang thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trước gian chính điện còn có hai hàng bát bửu hai bên. Đặc biệt nét điêu khắc trong chùa đã đạt đến mức điêu luyện, thể hiện được nét tinh xảo, tài hoa của các nghệ nhân Trung Quốc đời trước. Tiêu biểu, các bức điêu khắc gỗ, hoành phi chạm trổ ba lớp, tượng thờ bằng gỗ, câu đối bằng gỗ quý, các tượng gỗ chạm trổ các linh vật: long, lân, quy, phụng, nai, hạc... đều thể hiện các điển tích cao quý mà các vua chúa ngày xưa thường dùng trang trí trong cung đình, như: lân hóa rồng, rồng hóa long dây lá, Bá Ngư chầu hoàng, Bá Ngư Điểu Chích... tất cả đều là các tác phẩm điêu khắc, hội họa đặc biệt quý hiếm thể hiện đúng theo khuôn mẫu bên Trung Quốc. Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là tượng gỗ thờ Ông Bổn, Ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, sơn son thiếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình thái tuế, ba bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu... các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc ba lớp và dát vàng rất tinh xảo. Chùa Ông Bổn ở Sóc Trăng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở đây, mà còn là nơi thu hút đông đảo bà con người Kinh, người Khmer cũng như khách thập phương đến đây tham quan cúng bái trong các dịp rằm, lễ tết, ngày vía Ông... Bên cạnh đó, chùa Ông Bổn còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc của bà con người Hoa và thông qua đó đã tập hợp, đoàn kết mọi người cùng nhau đóng góp, gây quỹ làm công tác từ thiện...
Bãi Xàu (thị trấn Mỹ Xuyên) cách thị xã Sóc Trăng 5 cây số về hướng Đông Bắc, là một trong những vùng đất cổ xưa và phát tích rất sớm về tiềm năng kinh tế, văn hóa của tỉnh Sóc Trăng. Tại Bãi Xàu bên xóm Chợ cũ có nhóm quần thể kiến trúc văn hóa của người Khmer, Kinh, Hoa cùng đòan kết chung sức xây dựng như Đình thờ thần cất năm 1880, Chùa Luông Bassac của người Khmer cất năm 1872,Chùa Kleang của người Khmer cất năm 1533, Chùa Phật của người Việt cất năm 1875, Chùa Ông Lớn cất năm 1976. Chùa Ba Thắc trùng tu năm 1987. Tại "xóm mới" trong khu vực chợ Bãi Xàu hiện nay còn có chùa Bà Mã Chân cất năm 1892, Chùa Xén Cón cất năm 1901, Miếu hội thờ thần cất năm 1884....Sở dĩ bà con ta ngày nay quen gọi là Bãi Xàu, do phiên âm từ tiếng Khmer là srok Bày Chau, dịch nghĩa là sóc "ăn cơm sống" của người Khmer. Bãi Xàu, địa danh của Sóc Trăng - tên nôm của huyện Phong Nhiêu là thị trấn mua bán lúa gạo lớn trên con sông Mỹ Xuyên nên gọi làng ấy là Mỹ Xuyên thôn. Vào những thập niên 70, thương cảng Bãi Xàu chính là con sông nằm cặp chợ Mỹ Xuyên, vẫn còn được sử dụng là phương tiện lưu thông chính để mua bán lúa gạo ngon nhất ở miền Tây. Cơ sở này do ông Huỳnh Yến Truyền, người Hoa gốc địa phương làm đại lý hoạt động mua bán cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu lúa gạo cho tổng đại lý xuất khẩu lúa gạo trên Sài Gòn của con cháu ông Mã Hí điều hành. Tại khu vực này lúc bấy giờ có nhiều nhà máy xay lúa, xưởng cưa, công xi rượu, chợ búa, phố chợ... hoạt động kinh tế rất sung túc, sầm uất, phát triển thêm các nghề truyềng thống từ các sản phẩm phụ của lúa gạo như nghề làm bánh tráng xóm Bà Lèo, nghề nuôi heo và quay heo phát triển mạnh nhờ dân địa phương nấu rượu lấy hèm để chăn nuôi...Tuy nhiên, do con sông Bãi Xàu bị phù sa bồi lắng nên cạn dần, lòng sông đầy bùn, ghe xuồng lớn không hoạt động hiệu quả. Từ đó, chính quyền địa phương đã lấp khúc giữa sông Bãi Xàu trên khu vực chợ để xây phố nhà mở rộng thêm khu vực chợ Mỹ xuyên. Ghe xuồng thì tập trung ở kinh đào (đầu kinh Tiếp Nhật) trên đường đi Lịch Hội thượng, cách đấy khoảng 1 cây số. Một chợ lớn khác, tiêu biểu cho "thương cảng Bãi Xàu" ngày xưa là chợ Nhu Gia ở xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) nhờ có con sông rất lớn và sâu thuận tiện cho ghe xuồng, tàu lớn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, là tuyến đường chính ăn thông với các xã huyện nhà, các huyện lân cận và liên tỉnh. Nếu có kế hoạch qui hoạch đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và khai thác đúng mức thì chính con sông Nhu Gia giàu tiềm năng kinh tế này có thể mở ra triển vọng là "thương cảng Bãi Xàu" mới của huyện Mỹ Xuyên và của Sóc Trăng xưa và nay nói chung.

- Cù lao Dung - một huyện mới của tỉnh Sóc Trăng. Chạy dọc bên sông Hậu với hơn 40km chiều dài, càng về cuối càng nở phình ra, tạo nên hai cửa sông lớn: Định An và Trần Đề, hai trong nhiều cửa ngõ chính đi vào vùng sông nước khu Tây Nam Bộ. Cù lao Dung có diện tích gần 25.000ha, với dân số 58.000 người. Đây là huyện giàu có, trù phú bậc nhất của Sóc Trăng.Những khách mới đến Cù lao Dung lần đầu nếu không có người hướng dẫn, sẽ rất dễ bị đi lạc bởi những bờ bao-cũng chính là đường đi nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh rẫy như những bờ tường thành băng ngang, xẻ dọc như mê cung. Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài của Cù lao Dung đã lên đến trên 300km. Còn bờ bao phía trong thì khó mà có thể tính hết được. Bờ bao cũng chính là sự bảo đảm sống còn đối với mỗi gia đình giữa một vùng sông nước mênh mông, thủy triều lên xuống, thiên tai đe dọa. Đi trên bờ bao, ta có thể thò tay ngắt một chùm Sapôchê ngay trước mặt bên này, hoặc đưa tay qua bên kia bẻ một trái cam vàng ngọt, quả là thú vị. Còn khi nước lớn, đi dạo trên những con rạch ngoằn ngoèo bằng vỏ lãi hay bằng xuồng thì bạn mới cảm nhận được hết cái thi vị của miệt Cù Lao. Những mái nhà, những tán cây, rẫy mía ngút tầm mắt. Người dân Cù Lao rất hiếu khách! Đến nhà nào, bạn cũng được mời những đặc sản có trong vườn nhà. Đó có thể là một ly nước dừa ngọt mát hay rổ cam, chùm nhãn… Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyện ngày xưa be bờ, mở đất… hay chuyện đánh tây bằng tầm vông, mã tấu… chuyện hay chuyện bắt kình ngư ngày xưa, tin rằng bạn khó mà dời gót. Nếu gặp may, bạn có thể được đãi món đặc sản xứ Cù lao mà bây giờ có thể nói rằng rất hiếm, đó là cá Bống Sao kho chồn, một món ăn dân dã nhưng chỉ nếm qua một lần thì khó có thể quên. Cá bống sao chỉ lớn độ hơn ngón chân cái, nhưng gan cá thì lại to gần bằng cái bụng của chính nó. Vị nhẫn nhẫn, bùi bùi của gan cá bống sao, cộng với mùi hăng hăng, nồng nồng, ngọt ngọt của rau cải trời mọc quanh vườn nhà quả là tuyệt. Một món khác cũng rất hấp dẫn: cá thòi lòi (còn gọi là cá lóc nói) nướng trui, ăn kèm bún, rau sống chấm nước mắm chua. Món này bỏ xa món cá lóc. Khi bắt được một chú thòi lòi, tin rằng với những du khách “yếu lòng” khó có thể vùi chú cá vào đống lửa than vì đôi mắt lộ tròn to ngơ ngác, bộ vi lưng màu sắc lộng lẫy vươn cao như lá cờ ra trận của một viên dũng tướng. Khi buổi chiều dần xuống, được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên con rạch Bần, rạch Tráng, bạn mới thấy hết nét đẹp và thơ của xứ Cù Lao với những rặng bần trải dài hút mắt, tiếng đàn ong vi vu tìm mật. Hoàng hôn xuống, lấp loá đèn đom đóm như đêm hội hoa đăng trên sóng nước cù lao. Cả một dải Cù lao Dung xanh tươi, trù phú bây giờ đã có điện về khắp nơi, nhìn từ bên đất liền sang vào những đêm trời đẹp có thể thấy lấp lánh ánh điện như một thành phố nổi trên sông. Đến Sóc Trăng, bạn hãy ghé thăm mảnh đất Cù lao Dung.
Sóc Trăng là một tỉnh có đông đảo người Khmer đang sinh sống. Cuộc sống của người Khmer luôn gắn với những ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa đều là một công trình văn hóa đặc thù của người Khmer. Ở Sóc Trăng ngoài các ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Dơi, chùa Đất Sét, chùa Khleang... và còn có chùa Chén Kiểu.
- Chùa Chén Kiểu thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Từ Sóc Trăng, theo hướng Quốc lộ 1 về Bạc Liêu, cách thị xã Sóc Trăng 10km là đến chùa Chén Kiểu. Từ xa, đã thấy nổi lên màu sắc sặc sỡ của nóc chùa với nhiều màu sắc sặc sỡ bởi được cẩn bằng mảnh chén, mảnh tô kiểu. Trước cổng chùa là hai con sư tử bằng đá ngồi trên một bệ cao, mặt hướng ra đường như bảo vệ ngôi chùa. Trên thành cổng có dòng chữ Khmer và chữ quốc ngữ: “Chùa Sà Lôn (Chén Kiểu)”. Bên trên đó là 3 ngôi tháp, tháp giữa cao hơn hai tháp hai bên, được chạm khắc, đắp nổi các hình tượng mang tính biểu trưng văn hóa truyền thống Khmer Nam bộ. Trong lòng tháp giữa có một tượng phật được bảo vệ bằng tấm kiếng. Theo một vị sư cao niên cho biết, chùa Chén Kiểu được cất bằng lá vào khoảng năm 1815 trên một nền đất rộng, có tên là “Sà Lôn”. Trong thời kỳ chiến tranh, chùa bị bom đạn làm hư hại nhiều, được xây cất lại vào năm 1969 với hiện trạng như đến nay. Lúc ấy, kinh phí chùa không dồi dào nên các nghệ nhân sáng tạo bằng cách sử dụng các mảnh vỡ chén kiểu để trang trí và chùa có tên gọi nôm na là “Chén kiểu” cho đến giờ.Khuôn viên chùa Chén Kiểu rất rộng với nhiều cây xanh, tạo cho bạn cảm giác thật thoải mái, thư nhàn, giúp bạn từ từ chiêm ngưỡng các công trình xây dựng, như: chính điện, sa la, cột cờ... Nếu vì đường xa mệt, bạn muốn nghỉ ngơi thì có thể ngồi dựa lưng trên những chiếc ghế xếp, hoặc nằm võng dưới gốc cây trong quần thể cây xanh của chùa. Thả mình trong ghế, nhâm nhi ly cà phê hay ngụm nước mát lành, gió hiu hiu thổi, cành cây xào xạc, một vài chiếc lá vàng rơi sẽ làm cho tâm hồn bạn lâng lâng niềm cảm khoái...Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, nóc chùa Chén Kiểu gồm 3 mái so le, mái trên cùng nhỏ hơn hết. Ở gờ mỗi lớp mái đều có trang trí hoa văn, họa tiết, các tượng truyền thống của văn hóa Khmer, mang ước vọng an lành và siêu thoát. Mái trên hình tam giác được trang trí đẹp như tấm thảm nhiều màu sắc phơi mình giữa bầu trời. Hai đầu đao ở hai bên cong vút như có sự giao cảm tâm linh với đấng cứu rỗi cho linh hồn con người, phù hộ độ trì cho chúng sinh được an bình, lạc nghiệp. Mặt sau chính điện là một mảng tường được đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ trông rất đẹp mắt và sắc sảo, cho thấy tài nghệ và công phu của các nghệ nhân Khmer xưa đối với một kiến trúc nghệ thuật.Chính điện chùa rộng rãi, thoáng mát, với 16 hàng cột to. Quanh các cây cột đều được chạm khắc, đắp nổi các hình ảnh trong truyền thuyết văn hóa Khmer. Hai bên bức tường có nhiều tranh vẽ kể câu chuyện đức Phật Thích Ca từ khi sinh ra cho đến khi đắc đạo. Gian thờ là một quần thể gồm 20 tượng phật lớn nhỏ, với nhiều tư thế đứng, nằm, ngồi, được bố trí hợp lý, mỹ thuật. Khói hương nghi ngút, ánh sáng của các ngọn nến lắt lay theo từng cơn gió nhẹ làm cho ngôi chùa vốn đã tôn nghiêm lại càng tôn nghiêm hơn.

Cồn Mỹ Phước - Nếu nói về "Du lịch xanh" ở Sóc Trăng thì cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, là một điểm thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh. Nơi đây mang đặc thù của những vùng cây trái chuyên canh ở các cù lao trên sông Hậu thuộc Sóc Trăng cũng như ĐBSCL. Đông vui nhất là vào dịp tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) hàng năm hoặc mùa hè - mùa trái cây chín rộ, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn lượt du khách đổ về các vườn cây trái sum suê trĩu quả. Cách thị trấn Kế Sách chừng 10 km, muốn tới cồn Mỹ Phước khách có thể đi bằng cả đường thuỷ và đường bộ thuận tiện. Đất xứ cồn này từ xưa đã nổi tiếng với cây hồng xiêm, xoài, sầu riêng..., có vườn trồng tỉa thêm cam quýt. Thu nhập chính của người xứ cồn chủ yếu dựa vào canh tác vườn cây đặc sản với diện tích trên 300 ha. Bên cạnh đó, các nhà vườn ở Mỹ Phước đã xây dựng mô hình vườn sinh thái để thu hút du khách; trong đó, nổi bật là điểm vườn của gia đình ông Tư Việt. Chỉ với 4,5 ha vườn nhãn, nhưng gia đình ông đã cải tạo, dành chỗ nghỉ ngơi cho khách. Một gian hàng kinh doanh thức ăn đặc sản miệt vườn cũng được thiết lập với bến đò, nhà vệ sinh khá khang trang..., thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan. Không riêng gì điểm du lịch của ông Tư Việt, nhiều nhà vườn khác cũng đã thực hiện mô hình vườn sinh thái. Qua đó, nhà vườn có thể bán được trái cây và có thêm thu nhập thêm từ các dịch vụ "ăn theo". Nhằm phát huy lợi thế này, Công ty du lịch Sóc Trăng cũng đã liên kết đầu tư vào một số điểm du lịch tại cồn Mỹ Phước để sửa sang lại bến bãi, mở rộng khu sinh hoạt vườn. Không biết tỉnh Sóc Trăng có muốn mời ông Trần Dũ và hội đồng hương Sóc Trăng tham gia vào những dự án phát triển Sóc Trăng hay chưa? Cũng cần có ý kiến lắm chứ.
Nem Lai Vung: Nghề làm nem phát triển mạnh ở xã Tân Thành, xã Long Hậu, thị trấn Lai Vung và được xem là làng nghề truyền thống lâu năm nhất ở Đồng Tháp. Nem Lai Vung buổi đầu chỉ sản xuất tập trung ở xã Tân Thành, dần dần nghề phát triển, được bảo hộ nhãn hiệu với tên gọi “nem Lai Vung -Đồng Tháp”. Những chiếc nem do người dân làng nghề làm ra có vị chua, ngọt, hơi cay, chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây cũng là món ăn phổ biến trong các bữa tiệc của người dân Nam Bộ.Cách làm và chế biến nem khá công phu. Thịt nạc lọc hết gân, mỡ, xắt mỏng cho vào cối, thêm đường, muối vừa đủ và xay nhuyễn. Xay xong cho da heo (bì), thính vào trộn, không quên rắc vài hạt tiêu và miếng tỏi xắt mỏng. Nem được gói vào lá chùm ruột hay lá vông non, bên ngoài bọc một lớp lá chuối. Mức độ lên men, chua mau hay chậm là do lớp lá bọc bên ngoài dày hay mỏng. Cột nem bằng dây nylon, kết thành 10 chiếc gọi là xâu nem. Một ngày sau khi gói, nem bắt đầu lên men chua, đến ngày thứ ba thì thật sự “chua” rộ. Khi tháo ra ăn, nem tạo nên sự hỗn hợp hương vị chua, cay, mặn, ngọt, thêm độ giòn của mấy cọng bì càng tăng vị độc đáo khi thưởng thức. Về làng nghề Lai Vung ta nghe câu ví: “Từng gói, từng gói nếu ai không giỏi thì gói không đều/Từng lá nhỏ tươi bao tròn viên thịt/Để lá ít ít thì nem lâu chua /Để thịt vừa vừa thì nem lâu chín...”.(Theo Dương Thị Hồng Nga)

3. Bạc Liêu
“Bên nước ngọt, biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi; dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu…” những mô tả về xứ Bạc Liêu trong bài "Bạc Liêu hoài cổ" của nhạc sĩ Thanh Sơn đã nói nhiều lắm về vùng đất giàu có vi nhng rung lúa, rung mui và những con người tt bng của vùng đất phù sa ven biển này.
Sau 1975, Bạc Liêu & Cà Mau sát nhập lại thành tỉnh Minh Hải mà Cà Mau là trung tâm hành chánh nên hầu như mọi đầu tư xây dựng cơ bản đều dồn cho Cà Mau,kể cả các trung tâm thương mại và cơ sở hạ tầng; trong khi Bạc Liêu lại bị bỏ rơi như 1 Huyện lớn mà thôi. Bây giờ quê hương công tử Bạc Liêu sao mà lặng lẽ... Thắng cảnh ít ỏi, hoang sơ, ngành du lịch không để lại chút dấu ấn nào! Vậy mà về Bạc Liêu vẫn trăn trở, lưu luyến… Bạc Liêu đón tôi bằng cơn mưa dầm dề ngày cuối tuần. Ánh nắng không đủ sức rẽ tầng mây xám xịt cho ngày chút sắc vàng. Chuyến du lịch balô một mình của tôi hướng về chùa Xiêm Cán – ngôi chùa được coi là đẹp nhất của Bạc Liêu và đã tồn tại hơn một thế kỷ.
Phường Nhà Mát hiện là khu có nhiều "địa danh" nổi tiếng của Bạc Liêu. Đi vô Giồng Nhãn, bạn sẽ thấy Miếu Cá Ông (ngay kế bên UBND Phường và trường trung học), cây xoài thọ trên 300 năm và nổi tiếng nhất là chùa Xiêm Cán - một trong những chùa Khmer lâu đời nhất miền Nam VN. Nằm đối diện với con đường chạy ra biển, dẫn đến các trang trại nuôi tôm mênh mông của dân Bạc Liêu là chùa Xiêm Cán – ngôi chùa cũng là ngôi trường của người Khmer - dân tộc sống khá đông ở Xã Vĩnh Trạch Đông. Vừa qua lễ Ok Om Bok được tổ chức vào ngày trăng rằm tháng 10 âm lịch hàng năm – Lễ hội được coi là quan trọng nhất trong ba lễ: Chol Thnăm Thmây, Đôn Ta, Ok Om Bok của người Khmer nhưng ngôi chùa chẳng còn chút dư âm của ngày tết. Lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào thời điểm chuyển dần từ mùa mưa sang mùa khô, mùa màng nông nghiệp bắt đầu cho thu hoạch, trong đó có nếp mới. Theo truyền thuyết, để ghi nhớ công ơn của Thần Mặt trăng - vị thần điều động mùa màng trong năm, người Khmer lấy nếp mới thu hoạch giã thành cốm dẹp để cúng trăng và tiến hành các nghi thức tạ ơn Thần mặt trăng và tiễn đưa thần nước. Bước 17 bậc thang của chùa Xiêm Cán để vào trong chánh điện, còn gọi là Sala theo tiếng Khmer, một mình tôi ngẩn ngơ giữa chốn tôn nghiêm. Không có nhang khói nghi ngút như những ngôi chùa nổi tiếng khác, xung quanh tôi, bốn bức tường và nóc chánh điện đầy tranh vẽ về quá trình tu hành khắc khổ của Đức Phật Thích Ca qua vô lượng kiếp mới đạt thành. Ánh sáng của một ngày mưa âm u lọt vào chánh điện. Nơi đây, các sư cả đã tu tập cả đời, nghe những bi ai của cõi trần, thấu chữ từ bi, dạy chúng sinh năm điều quan trọng của đời người và cuộc sống là: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, trí tuệ. Bác Sáu, một người sinh ra và lớn lên ở Bạc Liêu giải thích: Đối với người Khmer, ngôi chùa vừa là chốn linh thiêng vừa là trường học, là mái nhà chung che chở và đùm bọc về tinh thần và trí tuệ cho người dân, là nơi hội tụ cả văn hóa và tâm linh của người Khmer. Gần gũi và quan trọng như vậy nên chùa còn là sân chơi cho trẻ em. Trẻ em Khmer vẫn thường tung tăng vui đùa ở khu vực các lăng mộ trong khuôn viên chùa Xiêm Cán mà chẳng bao giờ bị cá sư cả la rầy. Đây cũng là sân chơi duy nhất cho trẻ em của xã. Ai đến Bạc Liêu cũng phải đi hết một ngày khu vườn nhãn(Giồng Nhãn), ra ngắm biển bồi. Ngắm chứ không tắm bởi biển phù sa – không trong mà luôn đục và sình. 2 con đường chính của Bạc Liêu tập trung các công thự nguy nga đồ sộ nhất(Tỉnh Ủy, UBND & HDND) là đường Nguyễn Tất Thành và Hòa Bình. Liệt sĩ Lê Thị Riêng và Trần Huỳnh được đặt tên cho công viên và 2 con đường lớn, chợ, trường học.
http://helenkhanhvy.files.wordpress.com/2010/04/nha-cong-tc6b0-bac-lieu-2.gifKế đó là đến Khách sạn Công tử Bạc Liêu nằm ngay bờ sông trong thị xã, nay do Công Ty du Lịch Bạc Liêu quản lý, là nơi ăn sáng, uống nước, đãi tiệc, tham quan hoặc thuê phòng nghỉ lại. Dấu ấn một thời vàng son của Bạc Liêu – xứ công tử nằm ngay bên bờ sông lớn. Dinh thự của gia đình Đại Điền chủ lớn nhất Bạc Liêu Trần Trinh Trạch – cha Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, hoàn thành năm 1919 nay dẫu rêu phong vẫn uy nghi. Hai tòa nhà này ngày nay là dĩ vãng một thời vàng son trong so sánh với những tòa nhà bề thế sinh sau đẻ muộn khác ở xung quanh. Nền đường đã được tôn cao nên tòa nhà như thấp xuống. Nhà ở của Đại điền chủ Trần Trinh Trạch nay là khách sạn, nhà hàng phục vụ du khách. Nhiều nhà chòi mới được cất thêm trong khuôn viên “tư gia Công tử Bạc Liêu” làm chỗ ăn, uống cà phê. Ở Bạc Liêu có hai Đại điền chủ người Việt, một ông chăm chỉ làm ăn, một ông ăn chơi mát trời nhưng người ta chỉ nhớ đến cậu Ba Huy với những huyền thoại nức tiếng: đi vũ trường bằng sáu chiếc xe lôi: chiếc chở gây, chiếc chở nón… là người mua xe lái đi thăm đồng đầu tiên ở Đông Dương, là công tử ăn chơi “số dzách”… sẵn sàng “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu”.
Trên con đường mang tên Cao Văn Lầu hướng ra biển, du khách sẽ viếng thăm ngôi mộ của vợ chồng cố soạn giả Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) - tác giả của bài "Dạ cổ hoài lang" bất hủ, nằm trong khu tưởng niệm nhạc sĩ trứ danh này với 1 rạp hát ngoài trời. Sau đó, lần theo con đường Cao Văn Lầu, cách trung tâm thị xã Bạc Liêu khoảng 6 km, du khách sẽ được thăm vườn chim Bạc Liêu. Con đường băng qua cầu Quay ra Nhà Mát cũng mang tên Cao Văn Lầu với nhiều hàng quán bán thức ăn bình dân rất ngon mà rẻ, như quán bún bò cay của cô Nguyệt, nhiều quán bún nước lèo Bạc Liêu, nhiều xe bán sữa đậu xanh & đậu nành, sinh tố... dọc theo lề đường, hay khu chợ dọc theo bờ sông.
Di tích Phước Đức cổ miếu tọa lạc tại số 74 Điện Biên Phủ, Phường 3, Thị xã Bạc Liêu là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, được một nhóm người Hoa xây dựng vào khoảng năm 1810, bàn thờ chính là thờ Ông Bổn - Một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành. Đến với Phước Đức cổ miếu, bạn sẽ tận mắt thấy dược kiến trúc đặc biệt theo cấu trúc của người Hoa cổ. Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Phải nói rằng mỗi bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Những tấm biển bằng đá cũng như bằng gỗ khắc chữ Hán và mạ vàng cũng là những tác phẩm có giá trị được khắc sắc xảo theo lối viết Hành thư và Khải thư trông uy nghiệm và hùng mạnh. Các tác phẩm nghệ thuật ấy đã được các nghệ nhân liên kết với nhau một cách hài hòa và chặt chẽ tạo thành một kiến trúc độc đáo vô song. Với giá trị nghệ thuật ấy, Phước Đức cổ miếu đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và hàng năm vào dịp lễ Tết có rất đông người Hoa vào lễ bái, cúng dường.
Một nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu bây giờ đối với khách hành hương, du lịch chính là Quán Âm Phật Đài. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm đã được xây dựng từ năm 1973 do chủ trương của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hội Bạc Liêu, suốt thời gian xây dựng đã được sự đóng góp nhiệt tình của bà con Phật tử và các nhà hảo tâm xa gần, nhất là Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh (Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự thời đó) đã đóng góp một phần công sức rất lớn. Tượng cơ bản hoàn thành vào đầu năm 1975, tượng cao mười một mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông thuộc khu vực ấp Nhà Mát xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát thị xã Bạc Liêu), mặt xoay ra biển.Đoạn đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài chỉ có 8km, du khách có thể di chuyển bằng taxi hay xe ôm tuỳ thích. Gần khu Quán Âm Phật Đài cũng có nhiều nhà trọ phục vụ tập thể khách hành hương giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn mỗi phòng, vấn đề tiện nghi ở nhà trọ dĩ nhiên hạn chế nhưng cũng không đến nổi thiếu thốn. Quán ăn rất nhiều chay mặn đều có, trong những ngày lễ các hàng quán ở đây mở cửa suốt cả ngày đêm. Chung quanh Quán Âm Phật Đài có nhiều quầy hàng, bán đủ các loại đồ đạc cần dùng cho du khách, kể cả những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa của miền “muối mặn đồng chua” này, nhất là lực lượng nhiếp ảnh ở đây.
Ở Bạc Liêu có họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ bé thuộc Giáo Phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của Ấp 2 Xã Tân Phong, Huyện Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu, là nơi chôn cất hài cốt và di ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Cha Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước, Làng Tấn Đức, nay thuộc Ấp Mỹ Lợi, Xã Mỹ Luông, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang. Tháng 03-1930, ngài về phục vụ họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con di tản, Cha Bề Trên Địa Phận Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng kêu gọi ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo nhưng ngài trả lời: "Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết." Ngày 12-3-1946, ngài bị bắt với trên 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo trong lẫm lúa của Ông Giáo Sự tại Cây Gừa. Do sự tranh chấp giữa các giáo phái, vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay cho những người bị bắt chung. Ngài mất khi đang thi hành nhiệm vụ chủ chăn. Xác của ngài được vớt lên từ một cái ao của Ông Giáo Sự, với vết chém sau ót, ngang mang tai và thân xác trần truồng như Chúa Giêsu trên thập giá. Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh Nhà Thờ Khúc Tréo. Năm 1969, hài cốt ngài được dời về Nhà Thờ Tắc Sậy, là nơi ngài thi hành nhiệm vụ trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay được trùng tu và khánh thành ngày 04-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy. Nhà thờ Tắc Sậy bây giờ to đẹp hơn, có khá nhiều người từ nước ngoài về lễ bái.
http://images.dvt.vn/Images/Uploaded/Share/2010/07/12/cho-moi.jpg
Dự án xây mới chợ Bạc Liêu được khởi công ngay sau khi di dời tiểu thương về chợ tạm và chợ Cầu Xáng, thời gian hoàn thành dự kiến sau 18-24 tháng.

Khi hoàn thành, chợ Bạc Liêu sẽ có 2 khu, trong đó khu chợ A có vốn đầu tư 65 tỉ đồng gồm 1 trệt, 1 lầu để chuyển trở lại 1.500 tiểu thương từ bên chợ tạm; khu chợ B gồm 9 tầng và 1 tầng hầm có vốn đầu tư 115 tỉ đồng là khu phức hợp, thương mại cao cấp kết hợp hệ thống nhà hàng, khách sạn và văn phòng cho thuê.Công ty Minh Thắng còn xây thêm chợ Cầu Xáng - hay còn gọi là chợ nông sản đầu mối - nằm cạnh kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu (gần cầu Bạc Liêu 2) với kinh phí 30 tỉ đồng để tiếp nhận trên 300 tiểu thương chuyên kinh doanh hàng nông sản từ chợ trung tâm thị xã Bạc Liêu về đây.
"Thương quá Bạc Liêu.. Dù đi xa trăm hướng nhưng nỗi hoài hương vẫn vang vọng bên lòng những người con đất Bạc Liêu." Tôi nghĩ, đó là tại con ba khía, tại con cá chốt, tại dưa bồn bồn... Ba khía của xứ này cứ tự nhiên mà sinh sôi. Món ăn nhà nghèo mà đi vào nỗi nhớ, trở thành nỗi thèm của biết bao con người. Thương hải tang điền, có ai ngờ bồn bồn năm xưa bỏ ngổn ngang trên bờ ruộng mà nay thành quà biếu trang trọng. Món ăn quê của người Bạc Liêu thành đặc sản hớp hồn biết bao du khách. Ba khía, cá chốt kho chấm dưa bồn bồn có mặt ở quán cơm bình dân cho đến nhà hàng sang trọng. Giá từ vài ngàn đến mấy chục ngàn chỉ do một cái chỗ ngồi.Còn những người không phải sinh sống ở Bạc Liêu như đám du khách bụi chúng tôi không hiểu sao chưa về, chưa xa mà đã nghe trong lòng ngẩn ngơ, thương nhớ Bạc Liêu nhiều đến kì lạ. Đâu chỉ bởi dưa bồn bồn, nồi kho hay tô ba khía trộn. Lưu luyến nhất là bởi tình người. Ngẫm nghĩ lại câu nói của một người Bạc Liêu: “Bây giờ, đừng hiểu cụm từ “công tử Bạc Liêu” là ăn chơi vô độ. Khái niệm này theo thời gian tượng trưng cho tính cách phóng khoáng, mến khách Nam bộ” chẳng sai chút nào. Người khách phương xa nào mà không thấy ấm lòng khi được người Bạc Liêu bỏ hẳn một ngày chủ nhật chở đi dưới thời tiết lúc mưa, lúc nắng để khám phá Bạc Liêu. Đi uống nước cam ở dinh thự xưa của Công tử Bạc Liêu, chở đi xuống thăm lại Giá Rai, Hộ Phòng mà còn mua vài ký tôm khô để đem về Mỹ nhậu chơi. Tấm lòng của người Bạc Liêu còn rộng rãi ở chỗ là trước mùa khai giảng, ông lặng lẽđi mua đồng phục, mua sách vở, động viên từng trẻ em người Khmer chịu đi học và kiên trì bám lớp, bám trường. “Giống như là mướn đi học vậy nhưng có mướn cũng phải làm”, ông quả quyết. Tâm nguyện của ông là ở Bạc Liêu, con em gốc Khmer nhà ai muốn học và có thể đi học, ông sẽ tài trợ mọi chi phí, cao mấy cũng được. Vậy mà ở Vĩnh Trạch, ông tìm không ra một người leo đến cấp ba, vào đại học. Buồn làm sao. Tôi đã thấy những gia đình Khmer con cái nhỏ nhít sắp một hàng cao dần đều. Dù là con trai hay con gái, tất cả đều có điểm giống nhau: đen đúa, quần áo lấm bùn, nhiều em chỉ mặc quần chứ không mặc áo, từng đám tóc bết vào nhau bởi nước phèn, nước mặn… Tại xã Vĩnh Trạch Đông – xã nghèo nhất thị xã Bạc Liêu, nơi chủ yếu là người Khmer sinh sống, trẻ em biết đi coi như là đã biết vào đời. Chuyện sinh tồn ở tuổi lên năm lên ba đơn giản lắm: ngày ngày ra biển với một cái lon sữa bò rỉ sét, một hũ chao, bắt cua biển con bỏ vào hũ rồi đem bán cho các trại giống. Bóng dáng những đứa trẻ lấm lem cúi đầu đi ngoài biển bồi làm thắt trái tim tôi. Một con cua chỉ có 1.000đ, mỗi ngày kiến chừng 5.000đ, 10.000đ là việc bắt cua đủ say mê với trẻ em và cha mẹ chúng hơn là trường học. Theo con đường chạy men theo biển bồi, tại khu Nhà Mát, không xa xã Vĩnh Trạch Đông tuy bây giờ còn hoang sơ nhưng đã có một dự án du lịch tầm cỡ “treo” sẵn mấy năm qua. Người ta dự tính sẽ khai thác vùng biển phù sa này. Sẽ có hồ tắm nước mặn, hồ tắm nước ngọt, có nhà hàng nổi… Mong sao khu du lịch này sẽ đem lại cơm áo cho người dân nơi đây để đừng có cảnh quá cách biệt: bao vây bên ngoài khu du lịch sang trọng – nơi người ta đến để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống là những mảnh đời lầm than, vất vả kiếm cái ăn. Ðến Bạc Liêu để hiểu biết nhiều hơn về Bạc Liêu.
Bạc Liêu là một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, được khai mở vào cuối thế kỷ 17 và được phù sa bồi đắp nên Bạc Liêu có nhiều cánh đồng lúa bao la. Phía bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, tây bắc giáp Kiên Giang, tây và tây nam giáp Cà Mau, đông và đông nam giáp biển với 56 km bờ biển. Tỉnh lỵ hiện nay là Thị xã Bạc Liêu, cách Saigon 280 km.
http://www.baovanhoa.vn/Upload/101lieu.gif
Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.520,6 km² và dân số năm 2004 là ước tính khoảng 786.200 người với mật độ dân số 300,2 người/km². Nếu so với 64 tỉnh, thành phố thì Bạc Liêu đứng thứ 40 về diện tích và thứ 48 về dân số.
Trên địa bàn Bạc Liêu có 20 dân tộc nhưng chủ yếu là người Kinh, tiếp đến là người Khmer và người Hoa. Bạc Liêu là vùng đất trẻ, được hình thành chủ yếu do sự bồi lắng phù sa ở các cửa biển tạo nên. Phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh là đất bằng nằm ở độ cao trên dưới 1,2 m so với mặt biển, còn lại là những giồng cát và một số khu vực trũng ngập nước quanh năm. Địa hình có xu hướng thấp dần từ đông bắc xuống tây nam và khu vực nội đồng thấp hơn vùng gần bờ biển. Trên địa bàn tỉnh có nhiều kênh rạch lớn như kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, kênh Cạnh Đền, kênh Phó Sinh, kênh Giá Rai. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của Bạc Liêu nối với biển bằng cửa Gành Hào, cửa Nhà Mát và cửa Cái Cùng. Ngoài phần đất liền còn có vùng biển rộng 40.000 km², có tiềm năng hải sản tương đối lớn với 661 loài cá và 33 loài tôm.
Hiện nay, Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện(bao gồm thị xã Bạc Liêu và 6 huyện). Tỉnh Bạc Liêu được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899 do tách từ tỉnh Hà Tiên ra. Địa bàn tỉnh Bạc Liêu khi đó bao gồm cả tỉnh Cà Mau hiện nay.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chia tỉnh Bạc Liêu thành 2 tỉnh là Bạc Liêu và An Xuyên. Tỉnh Bạc Liêu nhỏ này gồm 4 quận: Giá Rai, Phước Long, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu, với 19 xã, 218 ấp, dân số năm 1965 là 76.630 người.
Năm 1976, hai tỉnh Bạc Liêu và An Xuyên lại hợp nhất thành tỉnh Minh Hải. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Hai tỉnh mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Bạc Liêu còn gìn giữ được nhiều di tích văn hóa rất có giá trị như chùa Bang , chùa Xiêm Cán , tháp Vĩnh Hưng , sân chim Bạc Liêu.
http://vhv.vn/CMS/VHV/data/upload/20101128/11096049-1.jpgĐất miền Hậu giang trù phú nên có nhiều phú nông. Dưới thời Pháp thuộc, nhiều gia đình hạng cự phú có con cái ăn tiêu phóng khoáng "thả cửa" nên danh từ "công tử Bạc Liêu" đã xuất hiện để chỉ giới dân chơi giàu có miền Lục tỉnh. Bạc Liêu xưa kia nổi tiếng là đất ăn chơi với nhiều giai thoại về "công tử Bạc Liêu", bởi người dân xứ này có tư duy khoáng đạt, thích giao lưu tìm bạn qua hội hè và qua sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Do cởi mở và có phần sành điệu nên đất Bạc Liêu không chỉ giữ được đôi chân phiêu lãng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang bất hủ, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với tầng lớp đại điền chủ Nam Kỳ lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, buộc họ phải đến đây xả túi xây cất dinh thự. Bởi thế, nhiều người tới thị xã Bạc Liêu ngày nay đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tại nơi đất chua phèn ngập mặn tận cùng của đất nước lại có những dãy nhà Tây sang trọng và đường bệ, khác hẳn những biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt. Đáng chú ý là những vật liệu chủ yếu trang trí nội thất các biệt thự này như cửa và chấn song cửa, gạch và đá cẩm thạch ốp tường hoặc lát nền đều được các đại điền chủ bỏ công tốn của sang tận Paris mua về.
Hình ảnh Chua Xiem Can.JPG
Bạc Liêu là một trong 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được biết đến không chỉ vì có những cánh đồng lúa trù phú, những cánh đồng muối trắng ven biển... mà còn có những vườn nhãn xum xuê và một vườn chim đậm nét thiên nhiên hoang dã. Minh Hải có tới 7 sân chim: Ngọc Hiển, Cái Nước, Vinh Lợi, U Minh, Trần Văn Thời, Giarai, Hồng Dân. Cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng biển, phía bên phải là vườn chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu. Theo tư liệu của Khu bảo tồn thiên nhiên vườn chim Bạc Liêu, địa danh này xuất hiện cách nay khoảng 100 năm. Vườn chim là một phần thảm rừng còn sót lại ven biển Đông do sự bồi tụ tự nhiên nên ngày càng xa biển hơn. Năm 1962, vườn chim được một hộ dân quản lý chăm sóc, bảo vệ và khai thác chim non. Sau đó, chính quyền địa phương sớm nhận thức vườn chim là tài sản thiên nhiên quý hiếm nên đã có sự đầu tư từng bước. Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh, vườn chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 46 loài chim. Trong số những loài ấy, có một loài đã được ghi vào sách đỏ như giang sen, cốc đế nhỏ...; rồi 109 loài thực vật thuộc 90 chi của 46 họ; 150 loài động vật, trong đó có 58 loài cá, 7 loài ếch nhái, 10 loài có vú, 8 loài bò sát và một số động vật khác cùng sống chung trong một quần thể đa dạng, thể hiện cao tính đa dạng sinh học. Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, nơi đây đã có không biết bao nhiêu thế hệ các loài chim sinh sôi, nảy nở. Hiện nay, qua tính toán sơ bộ, số lượng chim ở vườn chim còn khoảng 40.000 con và 5.000 tổ chim các loại. Riêng tại Bạc Liêu, nếu có dịp đi qua vùng đất này mà không ghé qua khu vườn nhãn cổ thụ hơn trăm tuổi thì có thể coi như chưa đến Bạc Liêu. Bởi đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan. Vườn nhãn cổ thụ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Theo lời kể của những người dân nơi đây, vườn nhãn đã được trồng hơn 100 năm nay. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang hai giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành (quê hương xứ nhãn) có vườn nhãn của gia đình ông Trương Kiết (hậu duệ đời thứ ba của ông Trương Hưng) rộng đến 3ha, lớn nhất ở Hiệp Thành, tuổi thọ đã trên trăm năm. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không xuể. Hằng năm cứ đến tháng năm là nhãn trổ bông và sau 4 tháng bắt đầu thu hoạch; mỗi năm chỉ có duy nhất một vụ. Theo ước tính của những người trồng nhãn, trung bình một cây nhãn cổ có thể cho đến 300-400kg/vụ, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhằm giữ gìn, bảo tồn khu vườn nhãn cổ thụ cũng như phát triển vùng du lịch sinh thái, tỉnh Bạc Liêu đã lập dự án phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tại đây. Dự án nằm trong tổng thể phát triển du lịch của tỉnh như: khu du lịch - dịch vụ cụm nhà công tử Bạc Liêu; khu du lịch bãi biển Nhà Mát - Hiệp Thành; vườn nhãn; khu du lịch sinh thái rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; dự án khôi phục, bảo vệ vườn chim Bạc Liêu... Trước 1975, mi ln vô khu vườn nhãn Bạc Liêu, tôi đu được tha h ăn nhãn ti ch, mang v thì mi tính tin.
Sừng sững giữa đồng bằng, tháp cổ Vĩnh Hưng (thuộc huyện Vĩnh Lợi- tỉnh Bạc Liêu) còn nguyên vẹn nhất so với các di tích đền tháp Óc Eo ở Nam bộ. Di chỉ văn hóa này ở cách Quốc lộ lA và thị xã Bạc Liêu 30 cây số; cách các trung tâm tỉnh lỵ trong vùng từ 100 đến hơn 200 km, cho nên không phải ai cũng biết và có điều kiện đến đây chiêm ngưỡng. Giữa những năm 1990 Bảo tàng tỉnh Minh Hải và Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai quật nơi này. Trên diện tích di chỉ rộng khoảng 3 ha đào 5 hố thám sát, sâu 30- 50 cm. Không tìm thấy tường thành bao quanh nhưng cả 5 hố đều có hiện vật và tầng văn hóa. Đã tìm thấy tượng linga, yoni, tượng Phật đồng 4 mặt và tượng đá VISNU đều rất đẹp và còn khá nguyên vẹn cùng cột gỗ có điêu khắc (tượng vũ nữ); bình có quai - vòi, mảnh gốm nồi, hũ... với chất liệu gốm, trang trí hoa văn đặc trưng của văn hóa Óc Eo. Đã xác định được tuổi hiện vật có niên đại cách nay từ 900 năm đến hơn 1.000 năm.Ngôi đền tháp cao hàng chục mét tồn tại hơn 10 thế kỷ, xung quanh là những cánh đồng lúa ngập nước cho thấy người xưa là bậc thầy trong xây dựng- xử lý nền móng. Vật liệu xây dựng và lối kiến trúc giống các tháp Chăm ở miền Trung. Gạch xây tháp Vĩnh Hưng gồm 3 loại.Những viên có kích thước lớn (gạch tổ ong) đặt ở phía dưới, viên có kích thước nhỏ ở phần thân và gần đỉnh tháp. Màu gạch đỏ, được sắp xếp rất khít với nhau hầu như không có mạch vữa. Có chuyên gia cho rằng người xưa xếp những viên gạch mộc (đất sét) rồi đốt lửa nung chín khối tháp. Từ chân tới đỉnh tháp có thể phải chia ra đốt làm nhiều đợt. Tuy nhiên giả thiết này chưa thuyết phục vì các viên gạch này chín đỏ đồng đều như nhau từ lớp gạch giữa đến mặt trong, mặt ngoài của tháp mà tường tháp dày hàng mét. Mặt sau đền tháp còn nguyên khối kiến trúc nhưng cửa vào và mặt tiền của tháp bị mưa nắng thời gian làm sụp lở, bào mòn. Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu đã gia cố cột đỡ bê tông và xây lại bằng gạch thẻ.Cũng như các tháp Chăm, tháp cổ Vĩnh Hưng và văn hóa Óc- Eo (thuộc Vương quốc cổ Phù Nam) còn nhiều điều bí ẩn.
Ở Giá Rai có đồng Nọc Nạn là một địa danh nổi tiếng khi nói về nạn cường hào ác bá.
Cổng tam quan Quan âm Phật đài
http://www.giacngo.vn/userimages/1/2009/03/20/baclieu.jpgKhu Quán Âm Phật Đài, phường Nhà Mát, Tx Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu:Đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài chỉ có 8km, thuộc khu du lịch Nhà Mát , phưòng Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu - nơi có sức thu hút lớn nhất ở Bạc Liêu đối với khách hành hương, một điểm du lịch mang màu sắc văn hóa Phật giáo tọa lạc trên bờ biển Bạc Liêu. Số lượng du khách từ các nơi đổ về đây chiêm bái những năm gần đây đều trên dưới hai trăm ngàn lượt người, riêng năm 2008 thì vượt trội hơn, con số mới nhất vừa ghi nhận được (3 tháng đầu năm) đã hơn ba trăm ngàn lượt.. Đây là một công trình văn hóa tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm đã được xây dựng từ năm 1973 do chủ trương của Ban đại diện Phật giáo tỉnh Bạc Liêu (ngày nay gọi là Ban trị sự Phật giáo tỉnh), suốt thời gian xây dựng đã được sự đóng góp nhiệt tình của bà con Phật tử và các nhà hảo tâm gần xa, nhất là Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh (Hội trưởng Hội Hồng Thập Tự thời điểm đó) đã đóng góp một phần công sức rất lớn. Thánh tượng cơ bản hoàn thành đầu năm 1975, tượng cao 11 mét (chưa kể chân đế), đứng sừng sững bên bờ biển Đông thuộc khu vực ấp Nhà Mát, xã Hiệp Thành (nay là phường Nhà Mát - thị xã Bạc Liêu), mặt xoay ra biển. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế, nhưng tới nay do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần bốn ngàn mét. Tượng đài tuy giản đơn, nhưng cảnh quan rất hùng vĩ và trang nghiêm dễ gây sự chú ý và ngưỡng mộ cho mọi người, đáp ứng một phần lớn nhu cầu tín ngưỡng cho ngư dân ở đây, nhất là những ngư dân thường đánh bắt xa bờ. Tượng Bồ Tát còn là “ngọn hải đăng” cho những người đi biển. Đến năm 1995, Ban đại diện Phật giáo thị xã Bạc Liêu được chính quyền cho phép trùng tu chân đế của tượng đài. Từ đó đến nay, đồng bào Phật tử và du khách đến chiêm bái càng lúc càng đông. Để đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách và thể hiện chủ trương về bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tỉnh nhà, năm 2004, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt dự án và cho phép Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu xây dựng Quán Âm Phật Đài trên diện tích 25.000 m2 chung quanh vị trí cũ tượng đài với nhiều hạng mục khác nhau, kinh phí đầu tư dự kiến trên 5 tỷ đồng. Công trình đang được tiến hành, hiện nay chỉ mới hoàn thành cổng Tam quan và một số hạng mục nhỏ, điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn còn đang xây dựng dỡ dang chờ sự đóng góp của đồng bào Phật tử và các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Mặc dù vậy, trong các ngày lễ người ta đến chiêm bái và tham quan đông đúc, nhất là vào lễ vía Quan Thế Âm trong ba ngày 19 tháng 2, 19 tháng 6, 19 tháng 9 âm lịch và trong ba ngày vía Bà 22, 23, 24, tháng 3 âm lịch hàng năm người ta đến rất đông, không những người dân địa phương mà người các tỉnh khác, kể cả du khách và Phật tử ở một số tỉnh xa từ miền Trung, miền Bắc cũng có mặt. Quan cảnh tham quan, chiêm bái thật vô cùng náo nhiệt. Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có một đoạn tả về tết Thanh Minh “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, nhưng chắc không thể hơn cái cảnh người người chen chúc nhau đi chật cả đường phía trước cổng cho đến con đường dẫn vào tượng đài, dòng người tấp nập tới lui luân chuyển cả ngày đêm, nhất là về đêm, số lượng người càng gia tăng nhiều hơn nữa. Du khách đến chiêm bái Quan Âm Phật Đài càng lúc càng đông nên các dịch vụ ở đây cũng rất đa dạng. Về phương tiện đi lại từ lâu đã có các dịch vụ xe chất lượng cao 16 chỗ ngồi như: Văn Minh, Tường Long, Hán Nghĩa, Hoàng Cung, Sài Gòn, Mai Linh….. giá mỗi vé từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Bạc Liêu khoảng 100.000 đồng, đoạn đường từ Thành phố Cần Thơ về Bạc Liêu thì có nhiều xe hơn, giá vé cũng khoảng trên dưới 50.000 đồng. Tại thị xã Bạc Liêu có nhiều khách sạn từ trong nội ô đến ngoài thị xã: KS Công Tử, Tiên Kim, Kiều Hối, Đạt Ngọc…., nhưng địa điểm thuận lợi nhất là: Khách Sạn Bạc Liêu ở gần cầu Quay (cầu Kim Sơn), tiền phòng nghỉ mỗi đêm cũng chỉ từ 200.000 đến 350.000 đồng. Phòng nghỉ ở đây lịch sự, đầy đủ tiện nghi hiện đại phục vụ cho du khách đến lưu trú. Đoạn đường từ trung tâm thị xã Bạc Liêu ra Quán Âm Phật Đài chỉ có 8km, du khách có thể di chuyển bằng taxi Bạc Liêu. Trong những ngày lễ các hàng quán xung quanh khu vực Quán Âm Phật Đài mở cửa suốt cả ngày lẩn đêm, phục vụ rất nhiều món ăn cả chay lẩn mặn. Nhiều quầy hàng bán đủ các loại đồ cần dùng cho du khách, kể cả những món quà lưu niệm, tranh ảnh nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa của miền “muối mặn đồng chua” này. Du khách khi đến Quán Âm Phật Đài Bạc Liêu, vừa để tham quan chiêm bái thánh tượng, thưởng thức cảnh quan của một vùng trời biển bao la, vừa để tìm hiểu lễ hội Quán Âm Nam Hải - một lễ hội Phật giáo nhưng mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.Văn hóa tâm linh thật sự là một món ăn cần thiết trong đời sống con người, nhất là trong du lịch lại là một yếu tố quan trọng trong vấn đề phục vụ và thu hút du khách. Ngôi nhà của ông Trần Kia cũng ở gần khu Phưòng Nhà Mát,trong khu vườn nhãn.
Bạc Liêu có tôm khô, tôm li (tôm thẻ x xâu), cua gch, và nhiều loại khô và mắm ngon khác, nhất là miệt Giá Rai, Hộ Phòng. Bún mắm ở Giá Rai ngon nổi tiếng. Trước 1975, mi ln tôi v Bạc Liêu, gia đình dượng 7 (dòng h Tăng rt khá gi) cho ăn lẩu mắm, lẩu lươn hay lẩu lịch, cá rô mề hay cá bống kèo kho tộ, cá chạch, canh chua cá dứa, tôm lụi, cua gạch rang muối hay rang me... và món cốn xại, xá bấu, dượng 7 còn cho thêm my ký tôm khô, cá khô, my con cua gch đem v Sàigòn.
Những hình ảnh tại nhà thờ Tắc Sậy và mộ phần cha Phanxicô Trương Bửu Diệp
http://www.nhomai.vn/forum/anhnhomai/203447e72c771ff3f.jpg
Tiểu Sử Cố Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp (1)
Sinh ngày 01-01- 1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02-02- 1897 tại họ đẬo Cồn Phứơc, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, tỉnh An Giang.
Cha là Micae Trương Văn Ðặng (1860- 1935)
Mẹ là Lucia Lê Thị Thanh
Gia đình sống tại họ đạo Cồn Phước.
Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Kampuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chớ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh người con gái tên là Trương Thị Thìn (1913), hiện còn sống tạị họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.
Năm 1909, Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Kampuchia (lúc đó các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc Giáo phận Pnom Penh, Kampuchia).
Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong Linh Mục tại Nam Vang, thời Ðức Cha Gioan Baotixita Chaballer. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là Bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.
http://helenkhanhvy.files.wordpress.com/2010/04/cha-truong-buu-diep.jpgNăm 1924- 1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Kampuchia. Năm 1927 – 1929, ngài về làm giáo sư Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng.
Tháng 3 năm 1930, ngài về họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm Cha Sở, ngài quan hệ,, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như : Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.
Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương năm 1945 – 1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề trên địa phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời:”Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”
0915-baclieu1.jpg
Ngày 12-3- 1946, ngài bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã chết thay thế cho giáo dân.Ngài mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn. Ngài đã báo mộng cho giáo dân biết ngài đã bị Việt Minh giết nên giáo dân đã đi tìm xác ngài. Xác ngài được vớt lên từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá.
DSC02118 by you.
Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 04-06-1989. Ngài là Cha Sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.
DSC02117 by you.

Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạn tại thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai:

picture avatar
Di tích Đồng Nọc Nạng là di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, di tích này nằm ở ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.Khu di tích này có diện tích hơn 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và bọn Tây cướp lúa... với tổng đầu tư trên 8 tỉ đồng.
Không biết món cốn xại, xá bấu có tự khi nào nhưng người Hoa (Minh Hương, Tiều) ở Bạc Liêu sử dụng cốn xại (cải muối), xá bấu (củ cải muối) trong bữa ăn hàng ngày. Đây được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa. Xuất phát từ tiết kiệm nên nguyên liệu để làm cũng đơn giản. Muốn làm cốn xại ngon thì cải làm cốn xại (cải tùa xại dùng để làm dưa cải) phải thật tươi non. Đầu tiên, cải được cắt thành miếng nhỏ hoặc để nguyên bắp, rồi đem phơi cho đến héo, nếu không khi làm cải dễ bị hư, đây được coi là khâu quan trọng nhất. Cải sau khi phơi xong, sẽ đem trộn với muối hột, đường, rượu và nhất định không thể thiếu củ riềng để tạo mùi. Cốn xại tính từ khi muối, đến khi ăn được cũng mất trên hai tuần. Đối với xá bấu thì cách làm đơn giản hơn. Xá bấu mua về chỉ cần rửa sạch, xắt từng cọng nhỏ phơi khô. Lúc muối, chuẩn bị các thứ gia vị như: đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với nhau. Khi nào thấy đường tan, thấm hết vào cọng xá bấu là ăn được. Món này ăn với cháo trắng thì thật tuyệt vời. Có người nói: "Đã là người Hoa thì phải biết ăn cháo trắng với xá bấu". Ngày nay, khi cuộc sống đã được nâng cao, thực phẩm ngày càng phong phú, trong đó có cả cốn xại, xá bấu đóng hộp. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình người Hoa hiện nay, Tết đến, người ta vẫn giữ nguyên cái tục làm cốn xại, xá bấu. Theo bà Thái Tú Anh, một người làm cốn xại có tiếng ở phường 2, Thị xã Bạc Liêu, làm cốn xại, xá bấu không chỉ để làm một món ăn truyền thống của dân tộc, mà nó còn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ. Mỗi khi ăn vào, được người khác khen bằng một câu "họ khan khụi" (tiếng Triều Châu có nghĩa là tay nghề khéo) và trước đây việc mai mối cũng nhờ vào những hũ cốn xại, xá bấu như thế này, nó đã giúp không ít người được nên vợ nên chồng từ tiếng đồn lành "họ khan khụi". Khi mới ra đời, cốn xại, xá bấu thường chỉ dùng để ăn cháo nhưng trải qua quá trình sinh sống lâu dài với các dân tộc anh em, hai món này cũng được chế biến thành những món ăn mang đậm phong cách của một vùng đất hào phóng, vốn được thiên nhiên ưu đãi, cụ thể như biến tấu từ món gỏi cốn xại. Cốn xại từ khi làm đến lúc ăn được không dưới hai tuần nhưng đối với cốn xại dùng để làm gỏi thì chỉ cần vài ngày. Khi làm món này, người ta lấy cốn xại trộn với củ kiệu, thịt luộc thái mỏng, tôm đồng luộc lột vỏ hoặc tôm khô và chấm nước mắm chua. Với món ăn này, người ăn sẽ cảm nhận được cái vị cay cay của cải mới, cái ngọt, béo của thịt, tôm, cộng thêm mùi thơm của lạc rang được trộn vào và cái vị hăng hăng của củ riềng, làm cho món gỏi cốn xại mang một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Nhiều người đã ví von rằng, ăn món gỏi cốn xại, có thể ăn đến nhức cái chân răng mới thôi. Rồi để góp phần làm phong phú thêm cái hương vị của mấy ngày Tết, cốn xại còn được ăn kèm với nhiều món khác như: bánh tét chiên, bánh phồng tôm, cá khô, thịt khô... Đây thật sự trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Khi nào có dịp về tỉnh Bạc Liêu, các bạn hãy ghé nhà hàng HƯƠNG BIỂN. Nhà hàng rộng và thoáng mát, có một bãi giữ xe rộng. Nhà hàng có các loại hải sản tươi sống như cá bống mú,tôm hùm, hải sâm, cá đuối và món lẩu cá kèo. Giá cả cũng bình dân, chỉ từ 14.000 đến 80.000 cho một món ăn. Địa chỉ của nhà hàng là: đường Hiệp Thành,thị xã Bạc Liêu Tỉnh Bạc Liêu. Điện thoại liên lạc:0781.835934
Không ai có thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của bà con người Hoa (Triều Châu) vào sự phát triển của Bạc Liêu và cũng không thể quên những người gốc Khmer đang sống nghèo khổ. Bạc Liêunhng rung lúa, rung mui và vi nhng con người cn cù, phóng khoáng, giàu tinh cm nên khi v Bạc Liêu, ai cũng thy đây là vùng đất trù phú ca min Nam.
4. Cà Mau:
Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam đã trở thành thành phố cấp II và đang phấn đấu trở thành một Cần Thơ thứ 2, phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông giáp tỉnh Bạc Liêu và biển Đông, phía nam giáp biển Đông và phía tây giáp vịnh Thái Lan. Trước 1975, tỉnh có tên là An Xuyên.
Dưới thời Việt Nam Cộng hoà tỉnh Cà Mau mang tên An Xuyên, còn tỉnh lỵ có tên là Quản Long. Dân số tính đến năm 1971 là 279.113. Có 20 dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn, gồm người Kinh chiếm 97,16%, người Khmer chiếm 1,86%, còn lại là người Hoa và các dân tộc ít người khác.
Diện tích: 5.211 km², rừng: 100.600 ha, ruộng lúa: 130.513 ha, cây công nghiệp: 33.591 ha, vườn: 8.334 ha. Diện tích nuôi thủy sản: 204.381 ha
Bờ biển: Bờ tây giáp vịnh Thái Lan dài 145 km; bờ phía đông giáp biển Đông dài 104 km.
http://vietnamopentour.com.vn/vn/images/tours/1705/SocTrang.jpegCà Mau là quê hương của hổ tướng Dương Công Trừng, Ngô Văn Lựu và Ngô Công Quý (nhà Nguyễn), tri huyện Nguyễn Hiền Năng nổi tiếng thanh liêm, 2 anh hùng kháng Pháp Ðỗ Thừa Luông & Ðỗ Thừa Tự, tiết phụ Nguyễn Thị Nương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật hài nổi tiếng Bác Ba Phi. Đất mũi Cà Mau – nơi cực Nam của đất nước là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Do vậy có sự giao thoa những nét sinh hoạt văn hoá đa sắc tộc thể hiện qua nhiều phong tục, tập quán phong phú và đặc sắc.
Cà Mau là vùng đất ngập nước rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài các tuyến tới hàng ngàn km. Chính vì vậy giao thông đường thủy giữ vai trò chủ yếu trong quan hệ giao thương. Điều kiện tự nhiên tạo cho Cà Mau một tiềm năng to lớn về du lịch sinh thái.


Du khách đến với vùng cực Nam này là đến với rừng ngập mặn, rừng tràm, biển đảo, các cụm dân cư, sân chim và các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Trước hết phải nói tới rừng ngập mặn với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đặc biệt bãi bồi đất mũi là vùng giao lưu của triều biển Đông và biển Tây, như một hiện tượng tự nhiên, hàng năm mở rộng ra biển tới vài trăm hecta. Cây mắm, cây bần, cây đước cứ theo thế mà phát triển mở rộng dần diện tích rừng ngập mặn đem lại nguồn lợi to lớn về tôm cá và nhiều loại thủy sinh khác. Sắp tới, cũng trên bãi bồi này một sản phẩm du lịch độc đáo chỉ có ở Đất Mũi sẽ ra đời, đó là các trò chơi trượt bùn, bắt cua, nghêu sò rất hấp dẫn với giới trẻ. Nếu thích biển đảo, xin mời du khách tới bãi Khai Long để tiến ra Hòn Khoai - một địa danh lịch sử. Bạn cũng có thể thoả mãn cảm giác mạnh nếu ngồi trên bo bo xuất phát từ thành phố Cà Mau lướt sóng theo dòng sông Trẹm để tới Hòn Đá Bạc. Đặc sản nơi đây là hàu sống, cua đá, cá bống mú, cá nâu. Dãy hàng quán trên bờ với các món ăn dân dã, đón bạn cùng những nụ cười hiền lành, chất phác, những ánh mắt thân thiện của người dân nơi đây.Nằm sâu trên đất liền là các loại rừng ngập nước với rừng tràm và các trảng cỏ ngập nước theo mùa. Với 239 loài thực vật cổ rừng tràm và rừng ngập mặn, 36 loài thú thuộc 17 họ, 194 loài chim, 260 loài cá và nhiều loài lưỡng cư, bò sát, trong số đó có những loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, rái cá lông mượt, mèo cá, sóc chuột lửa, cá sấu hoa cà, rùa, kỳ đà hoa, trăn gấm... U Minh Hạ là bảo tàng quý về hệ sinh thái. Hoa tràm nở quanh năm tạo nên đặc sản mật ong rừng có giá trị dinh dưỡng cao. Từ xa xưa nghề nuôi ong lấy mật đã là truyền thống của cư dân vùng này. Vào mùa mưa loài cá lóc theo con nước đổ về, sinh trưởng nơi đầm lầy, rất to và chắc thịt. Theo quy hoạch, trên toàn bộ 30.000 ha rừng U Minh Hạ có những khu rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng được đưa vào chương trình du lịch sinh thái . Gần đây, lâm ngư trường Sông Trẹm còn đưa vào một số loài thú quý hiếm để nuôi, phát triển và thuần dưỡng như: nai rừng, cá sấu, gấu, đà điểu... làm pong phú thêm hệ động vật và phục vụ du khách. Đất Mũi Cà Mau đang và sẽ là một điểm hẹn lý tưởng cho du khách bốn phương theo đủ các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ cuối tuần, nghiên cứu khoa học.
Đến với vùng đất cực Nam bạn có thể theo đường quốc lộ 1A (cách Hà Nội 2246 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 347 km), hoặc xuôi thuyền theo hệ thống sông ngòi, có thể lướt tầu cao tốc ven biển hay bằng đường hàng không đến sân bay Cà Mau giữa lòng thành phố trẻ.

Đài tưởng niệm khu di tích Hải Yến - Bình Hưng

http://static.panoramio.com/photos/original/48415493.jpgBiệt khu Hải Yến
Từ cảng Cà Mau, tôi đi tàu cao tốc ra Đất Mũi với giá $130.000/ lượt, khoảng 2g30' thì đến Rạch Cái Tàu sau khi ghé qua nhiều trạm rước khách(Đầm Cùng, Năm Căn, Nhưng Miên,Ông Trang, v.v...). Trời nắng cháy da. Tôi đón xe ôm vô khu du lịch Đất Mũi, lệ phí vô cửa:$10.000/ người. Khu này có nhà hàng, nhà trọ nhưng nổi bật nhất là Cột Mốc QG và con tàu ghi tọa độ, gần đó là mấy cây do các vị lãnh đạo Đảng & Nhà Nước trồng làm kỷ niệm. Trở ra chợ Đất Mũi ăn trưa, có món vọp hấp lá gừng là độc đáo nhưng 1 trái dừa giá $15.000 thì quả là ....đập đổ. Rời Đất Mũi trở về Cà Mau khoảng 5g chiều.
http://www.tinhdoancamau.com.vn/Images/capnhat/camau1.jpghttp://www.baocamau.com.vn/database/newsimg/Nam%202010/thang%2009/ngay%2011/camau1.JPGHồng Anh Thư Quán
http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/media/photos/2007/3/cm266/1/3.jpgĐình Tân Hưnghttp://www.camautravel.vn/gallery/album/6(2).jpg
Di tích cấp quốc gia có Đình Tân Hưng, Hồng Anh Thư Quán, Biệt khu Hải Yến Bình Hưng (của Nguyễn Lạc Hoá) và nhiều di tích từ thời Nguyễn Ánh bôn tẩu đến đây như Ao Ngự và ấp Giá Ngự, kinh Chắc Băng, kinh Cạnh Ðền.
Đường bộ: quốc lộ 1A và quốc lộ 63 cách Thành phố Hồ Chí Minh 380 km và thành phố Cần Thơ 180 km. Từ Thành phố Cà Mau có thể đi lại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng.
Đường thủy: Cà Mau có các (9) sông lớn như: sông Cửa Lớn, sông Bảy Háp, sông Gành Hào, sông Ông Đốc, sông Trẹm, sông Cái Tàu, sông Ðầm Chim, sông Ðầm dơi, sông Bạch Ngưu... rất thuận tiện cho giao thông đường thủy đi lại khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Saigon. Hệ thống sông rạch chủ yếu:Sông Bảy Hạp đổ ra biển Tây dài hơn 50 km, Sông Cửa Lớn dài 58 km, Sông Ông Đốc dài hơn 60 km, Sông Cái Tàu dài 43 km, Sông Trẹm từ Cái Tàu đổ về Kiên Giang dài 36 km, Sông Đồng Cùng dài khoảng 36 km, Sông Bạch Ngưu chảy qua địa phận Cà Mau 30 km, Sông Mương Điều dài 45 km (đổ ra biển Đông). Ngoài ra, còn nhiều sông, rạch nối các hệ thống sông trên. Có đầm Bà Tường (hay Thị Tường) y như hồ Tây ở Hà Nội. Trong Công viên 19-5 tại thành phố Cà Mau có một khu rừng rộng hơn 18 ha, với đủ loại cây cối, chim thú… Hơn 10.000 loài chim đã chọn nơi này làm "mảnh đất lành", bay về làm tổ, sinh con đẻ cái.
Đường không: đường bay từ sân bay Cà Mau đi Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng và nâng cấp, sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa Cà Mau, các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh. Các sân bay cũ ở Năm Căn, Hòn Khoai khi có nhu cầu và điều kiện có thể khôi phục và đưa vào sử dụng.








Cà Mau có 307 km bờ biển ở phía đông và Tây với rừng ngập mặn và nhiều hải sản, có cảng Năm Căn là cảng quan trọng trong hệ thống cảng ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể được đầu tư xây dựng để trở ở thành cảng lớn khi nó ở vị trí vòng cung đường biển của vùng Đông Nam Á. Cảng Năm Căn có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao thương với các nước trong vùng như: Singapore, Indonesia, Malaysia... Hiện nay, năng lực hàng hóa thông qua cảng trên 10.000 tấn/năm. Việc xây cảng này đã nảy sinh "tiêu cực" và làm cho dân ngao ngán thêm chuyện tham nhũng của các quan lớn địa phương.
Rừng U Minh rộng 20 vạn ha, có rừng tràm và rừng ngập mặn với nhiều chim thú và nhiều "đặc sản", dược liệu, mật ong.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 11,9% (năm 2006) GDP đạt 12.664 tỷ đồng
GDP đầu người 10,240 triệu đồng (năm 2006)
Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2002 còn 13,7%; tỷ lệ nhân dân sử dụng điện: 55% (năm 2002).
Cà Mau đang xây dựng tổ hợp công nghiệp khí – điện – đạm có tổng số vốn dự kiến trong giai đoạn 1 lên đến 1,4 tỉ USD. Tổ hợp công nghiệp này gồm một đường ống dẫn khí dài 289 km trên biển và 43 km trên bờ nối từ mỏ PM–3/CAA có công suất vận chuyển 2 tỷ m³ khí/năm vào khu nhà máy; hai nhà máy điện có tổng công suất 1500 MW và một nhà máy phân đạm với công suất 800.000 tấn/năm.
Cà Mau có nhiều món ăn ngon: từ bánh ú nước tro, tôm khô, khô cá khoai, cháo Tống miền Tây (cá lóc với rau đắng) đến các món nhậu bình dân khác.
http://muabanhangngay.com/images/Tom-kho-Ca-Mau-1.jpgtôm khôhttp://images.timnhanh.com/sanhdieu/20100615/source/banhtro2_1276589166.jpgbánh ú nước tro
Ði canô khoảng 110km, qua chợ nổi Cà Mau, ghé chợ Năm Căn - trạm trung chuyển giao thương quan trọng ở “mũi tàu đất nước”, qua rạch Tàu, vô rạch ông Trang để thấy những cánh đò ngược xuôi thương hồ, những cánh ghe mỏng manh mang biết bao nhiêu phận đời lam lũ sông nước... Trở lại đây để nhớ lại ngày tôi phải trốn chui trốn nhủi xuống ghe vượt biên và rồi bắt đầu cuộc sống của một "thuyền nhân - tị nạn" để bây giờ về đây nghe ngươi ta gọi mình là "Việt Kiều". Nhìn Cà Mau mùa nước nổi mêng mông với những bãi bồi và rừng nước mặn của một miền đất tận cùng phương Nam vươn dần ra biển lớn. Vừa nghe như một điệu buồn trong cái không gian văn hoá đời sống sông nước nhiều niềm vui mà cũng lắm ngậm ngùi của dân miệt này. Hàng năm, Mũi Cà Mau được bồi đắp thêm từ 100 – 150 mét nhưng người dân ở đây sao vẫn còn nghèo quá; nhất là mỗi mùa biển động lại thấy có thêm cảnh mẹ góa, con côi. Thanh niên đi biển về cũng chỉ ăn chơi, chẳng thấy tương lai vì ngay cả bữa cơm ngày mai cũng chưa biết là có hay không nữa.
http://www.hanoitourist.vn/images/tour/tour_1269280859.gifVề Đất Mũi, U Minh, Ngọc Hiển, Năm Căn…, bạn sẽ có dịp thưởng thức nhiều đặc sản hiếm: cá thòi lòi kho tiêu, đọt choại xào tép, rắn bông súng nướng mọi, cá kèo chiên muối ớt… Dân sành điệu về tới vùng này thì phải có món "tôm tít".
Tôm tích là quà đặc biệt của biển dành riêng cho bạn bè từ đất liền ra thăm đảo. Thịt tôm tích vừa ngon, ngọt, hiền lành vừa đậm đà hương biển, khác xa với mùi vị của tôm sú và tôm hùm. Để có một bữa tiệc tôm tích thật hấp dẫn, trước hết phải có ...rượu ngon và chọn cho được những con tôm còn nhảy xoi xói. Con càng lớn, càng có giá trị. Loại 4-6 con/kg mới thật sự là "đẳng cấp". Cách chế biến tôm tích không cầu kỳ lắm, chỉ cần hấp (bia hay rượu), luộc hoặc nướng, chấm muối tiêu chanh hoặc nước mắm me cũng đủ ...quấc cần câu. Những người khéo tay và có "tâm hồn" ăn uống còn bày cách ép mỏng những con tôm tít đem phơi khô, coi đó là món ngon hảo hạng dùng đãi khách hoặc biếu bạn bè. Tôm luộc xong, nếu là tôm lớn người ta đặt nguyên con lên dĩa và dùng dao cắt ra từng khoanh cho dễ bóc vỏ. Nếu đem nướng, phải quạt cho than hồng, luôn trở đều, vỏ tôm vừa chín vàng, bốc lên mùi thơm phức là được nhưng đã nhất là... cứ dùng tay bóc vỏ, cặp thêm miếng rau thơm, nhai lên cảm thấy dai dai, ngọt lịm. Nếu là tôm nhỏ để nguyên con cắn nghe giòn giòn. Thịt tôm tích màu đỏ hồng, thơm phưng phức, mềm mại nhưng không bở. Dân sành điệu dùng món này thường kèm thêm rau sống, cà chua, chuối chát, dưa leo và nếu như có thêm chút mù tạt càng ngon. Thịt tôm tích nếu đem cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm chua cay, chưa chắc có món cuốn nào bì kịp. Nếu như có thêm chai rượu đế hoặc vài lon bia thì bữa tiệc càng thêm hứng thú. Tại Rạch Gốc và Tam Giang (Cà Mau), người ta khai thác tôm tích bằng lưới cào hoặc đóng đáy. Sau khi lưới được tôm, bà con ngư dân thường bảo quản trong thùng ướp lạnh trước khi đưa đến nhà hàng. Nếu không, thịt tôm sẽ bủn mất ngon. Tại một vài bãi biển du lịch, nhiều người còn tổ chức những chuyến săn bắt tôm tích bằng cách móc mồi vào lưỡi câu để nhử bắt thật hấp dẫn. Trước đây, tôm tích, nghêu, sò, ốc hương là những món ăn dân dã được bày bán ở các vùng biển Hà Tiên, Kiên Lương (Kiên Giang), Đất Mũi, Khai Long, Năm Căn (Cà Mau)… Từ khi ngành du lịch phát triển, giá hải sản leo thang, đặc biệt là tôm tích có lúc lên đến 200.000 đồng/kg (loại 1) nên nó đã đi vào thực đơn của các nhà hàng đặc sản nổi tiếng ở Cà Mau.


Sau hơn một giờ đồng hồ đi bằng tàu cao tốc, du khách sẽ đến được với cửa biển Rạch Gốc(thuộc xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau). Ngoài các cảnh quan thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ thì chắc chắn những ai đến đây cũng sẽ rất thích thú với một món ăn mà từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương: ba khía. Ba khía Rạch Gốc đã có tiếng từ xưa đến nay vì chỉ có con ba khía vùng này mới thật sự ngon, hấp dẫn hơn cả. Khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch hàng năm là vào mùa ba khía. Loại ba khía này ăn trái mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác. Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là có thể ăn được. Muối ba khía không nên mặn quá, cũng không muối lạt quá. Vì nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, còn nếu lạt quá thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.Ba khía muối cho vừa ăn, bẻ ngoe, càng ra rồi trộn chung với tỏi, ớt băm nhỏ. Sau đó, nặn thêm chanh vào tạo vị chua cho bùi rồi thưởng thức. Còn cái mai của ba khía thì bỏ cơm nóng vào, trộn đều với gạch son, ăn rất đặc biệt. Vị mặn, ngọn, chua, cay hòa với mùi thơm của tỏi và thịt của ba khía chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Ngoài ra, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến rất đơn giản nhưng không kém phần đặc biệt; gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho chút ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị cho vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt, thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và chút chua, nồng của cơm mẻ; ba khía luộc ăn cùng với nước chấm sẽ là một món ăn không thể quên đối với du khách. Với hai món ăn độc đáo từ ba khía Rạch Gốc của vùng đất mũi, du khách nên đến tận địa phương vào những ngày tháng 7, tháng 8 Âm lịch này để được thưởng thức một cách trọn vẹn.
http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/media/photos/2008/12/4.12/xommui.jpgNgoài món cá rô, cá lóc nướng trui, cá trê vàng nướng vỉ ăn với nước mắm gừng hay món gỏi ong, cháo ong, ong mật chiên giòn,v.v…, nếu bạn đã đến U Minh thì đừng quên thưởng thức Lẫu mắm. Món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà, ngon hết biết! Nguyên liệu chính của món Lẫu mắm U Minh cũng là mắm sặc (nhưng phải là mắm ngon). Mắm được nấu rả thịt, lược kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẫu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sã bằm mịn, phần gốc sã đập giập cho vào lẫu. Bí quyết làm cho nước lẫu có vị béo, thơm và sánh người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Lẫu mắm hạp với nhiều loại thịt hay cá tùy thích nhưng lẫu mắm U Minh nhất định phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng mới trúng sách. Ngòai cá ra, lẫu mắm có thể được bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi,...Nhưng điều thú vị nhất khi ăn món lẫu mắm là được thưởng thức rất, rất nhiều lọai rau đồng. Lẫu mắm là món quy tụ nhiều loại rau hoang dã nhất. Có thể đúng khi nói rằng, không có món ăn nào trên thế giới lại được ăn kèm với nhiều lọai rau như lẫu mắm. Đặc biệt, lẫu mắm của xứ U Minh không thể nào thiếu đọt chọai, rau the, nhãn lòng, bông súng, rau trai, tàu bay, rau mác,v.v…. Người ăn sẽ được thưởng thức hương vị: ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay, của nhiều, rất nhiều lọai rau đồng sẵn có ở vùng đất U Minh. Lẫu mắm đã trở thành món không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng trong cả nước. Về nguyên tắc chế biến đều giống nhau. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng loại thịt cá nào và dùng rau nào ăn kèm cho hợp với phong thổ của quê hương. Song, dù bạn là người xứ nào nhưng với bữa tiệc lẫu mắm ở rừng U Minh chắc chắn sẽ là dư vị đậm đà, dung dị và nó gợi lại những ấn tượng quá khứ và kỷ niệm của lớp lớp tiền nhân thời khai hoang mở cõi. Lẩu cá dứa: Cá dứa là loại cá da trơn giống cá tra, cá bông lau nhưng sống ở môi trường nước mặn và lợ. Ở Cà Mau, vùng gần các cửa sông Rạch Gốc, Bồ Đề, Cửa Lớn là nơi có nhiều cá dứa sinh sống. Ngư dân đánh bắt cá dứa bằng lưới cào, câu lưỡi, đăng mé. Cá dứa có trọng lượng trung bình khoảng trên dưới 5kg, ít thấy cá to hơn. Cá dứa mua về rửa sạch, mổ bụng, bỏ ruột, cắt khoanh để ra dĩa. Bắc nửa nồi nước đun sôi, cho tí muối và cơm mẻ tán nhuyễn làm chất chua. Rau nhút, bạc hà, cà, khóm, giá sống, lèo nèo... xếp ra mâm.Bỏ khứa cá dứa vào trụng trong lẩu, chín tới đâu vớt ra ăn tới đó, cá không nên để lâu trong nồi sẽ bị nát. Rau nhúng dốt hay nhừ tùy ý thích của người dùng.Nước chấm có thể dùng muối ớt hay nước mắm nguyên chất. Lẩu cá dứa vừa ngon, bổ và giá bình dân, khoảng 50.000đ/kg.
http://seablogs.zenfs.com/u/js8yISScFwLiSRGICKkqtRUMeIuHEw--/photo/ap_20100207010328705.jpgTrong các loài hải sản đang có mặt ở biển Cà Mau, con hàu được xếp vào hàng sơn hào hải vị. Hàu có nhiều món, mỗi món một hương vị riêng nhưng hàu tái ở Cà Mau vẫn làm nhiều thực khách sành ăn khó mà từ chối. Ngoài sức hấp dẫn về hình thức, món ăn nầy còn cung cấp nguồn dinh duỡng cao và tinh khiết đến bất ngờ. Món hàu tái mù tạt là một trong những số đó. Sau khi tách bỏ vỏ, lấy ruột hàu mang về rửa lại nhiều lần bằng nước sạch, tiếp tục rửa qua nước củ gừng để hàu bớt tanh. Nguyên liệu đi kèm là mù tạt, một ít lá chanh non, ngò gai xắc mỏng, xì dầu, ớt hiểm. Món ăn này rất đơn giản, không cầu kỳ nấu nướng. Vì vậy, nó luôn giữ nguyên vị biển khiến thực khách ghiền hải sản ưa thích. Bây giờ đến cách ăn. Cho một ít mù tạt vào chén nước tương có sẵn lá chanh, ngò gai. Nặn thêm một lát chanh tươi. Gắp hàu bỏ vào. Dùng đũa lật qua lật lại, hàu đã chín. Tùy khẩu vị mỗi người mà nướng chín hay ăn tái như người Nhật. Thưởng thức món hàu tái mù tạt, thực khách thử thách khả năng ăn cay của mình. Một cảm giác cay nồng lâng lâng chuyển từ miệng, lên mắt như lúc ăn wasabi. Hàu tái cung cấp nhiều khoáng chất, dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe và nhất là mang lại cho người ăn một cảm giác cay cay sảng khoái ...rất khó tả.
Khu du lịch biển Khai Long nằm ở phía đông nam mũi Cà Mau, vừa được đưa vào khai thác du lịch. Đến đây, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ và mới mẻ với bãi biển trong xanh được bao bọc giữa bốn bề hệ sinh thái rừng ngập mặn. Khai Long có diện tích 150 ha, có bãi cát rộng mênh mông với chiều dài 3km, hằng năm cát cứ lấn dần ra biển như muốn nối liền với đảo Hòn Khoai. Không to lớn như những đảo biển khác trong nước, hòn Khoai và hòn Đá Bạc là hai hòn đảo có diện tích khiêm nhường nằm ở ngoài khơi tỉnh Cà Mau. Theo nhiều tài liệu ghi nhận, tuổi của hai đòn đảo này có đến hơn 180 triệu năm (thuộc Jura giữa - Trung sinh). Hòn Khoai là một thắng cảnh đẹp của Cà Mau, nằm ngoài biển Ðông, cách đất liền nơi gần nhất thuộc xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển chừng 15 km. Đây là cụm đảo nhỏ với diện tích gần 5 km2. Có lần vượt biên bị lạc ra Hòn Khoai nên tôi đã bị bắt và kéo về nhốt ở Cây Gừa. Hòn Khoai là một đảo đá có đồi và rừng gần như còn nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên thiên hoang dã luôn cuốn hút khách du quan. Thuở xưa, Hòn Khoai còn có tên là Hòn Giáng Hương, Hòn Ðộc Lập. Thời Pháp thuộc gọi đảo là Poulo Obi mà trên bản đồ hành chính Việt Nam, nó chỉ là một chấm nhỏ nằm phía nam mũi Cà Mau. Tuy nhiên, người địa phương vẫn quen gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như củ khoai khổng lồ. Nhưng cũng có nhiều tài liệu kể lại rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, nhiều người từ đất liền ra đây làm rẫy và trồng cây ăn trái. Ðến nay vẫn còn đây đó những bụi khoai mì, khoai mỡ... Có lẽ vì vậy mà nó mang tên Hòn Khoai chăng? Ngư dân địa phương còn dựa vào trí tưởng tượng và hình dáng của mỗi hòn đảo mà đặt tên như Hòn Tượng, Hòn Ðồi Mồi, Hòn Ðá Lẻ... Ðường lên đảo uốn theo hình trôn ốc bám theo sườn đồi, cây cối mọc um tùm che rợp lối đi. Mít và xoài ở đây rất nhiều và không ít cây đã thành cổ thụ. Trên đảo còn có nhiều cây là vị thuốc chữa trị được một số bệnh. Ở đây còn có nhiều loại hoa rừng mọc xen trong kẹt đá phô đủ mầu sắc. Du khách còn nghe tiếng róc rách của khe nước chảy, tiếng chim hót trong bụi cây, thật là chốn thần tiên ngoài biển cả.Bờ biển Hòn Khoai có nhiều long tu (rong biển hình râu rồng) đóng quanh những tảng đá. Loại rong này ăn rất mát và bổ. Ở đảo còn có nhiều chim quý, ngoài những bầy chim nhạn, chim én còn có chim cao các. Giống chim này lông đen, mỏ vàng, trên mỏ lại có thêm cái mỏ thứ hai như chim hồng hoàng vậy. Từ lâu, ngư dân vùng Rẫy Chệc, Rạch Tàu, Rạch Gốc thường ra Hòn Khoai để lấy nước ngọt. Không hiểu vì đâu, từ một mạch đá, suốt đêm ngày chảy ra một dòng nước trong mát lạ lùng và ngọt như nước mưa. Hòn Khoai còn là một vị trí đèn biển quan trọng ở biển Ðông và vịnh Thái-lan. Sau khi chiếm nước ta, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống đèn biển từ Cần Giờ, Côn Ðảo, Phú Quốc, Hòn Khoai nhằm phục vụ cho các loại tàu biển đi lại an toàn. Riêng ở đỉnh cao nhất của Hòn Khoai, tại độ cao 318 m, năm 1920 người Pháp xây dựng ngọn hải đăng mà cho đến nay kiến trúc này vẫn còn khá nguyên vẹn. Ngọn hải đăng hình khối vuông mỗi cạnh dài 4 m, cao 14,50 m, được xây bằng đá hộc và xi-măng. Tháp hải đăng Hòn Khoai được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Trước đây ngọn hải đăng này sử dụng bầu đèn chạy bằng dây cót nay được thay thế bằng bầu đèn hiện đại quay từ trường qua kính hội tụ có độ chiếu sáng xa đến 35 hải lý.Hòn Khoai chẳng những là danh lam thắng cảnh của Cà Mau mà còn là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta được sự chỉ huy của Phan Ngọc Hiển đã đánh chiếm Hòn Khoai từ tay giặc Pháp. Với những đặc điểm khí hậu mát mẻ, thời tiết tốt, phong cảnh đẹp, có rừng, có biển, ngày nay Hòn Khoai rất thích hợp với các loại hình du lịch về nguồn, dã ngoại, nghiên cứu, nghỉ ngơi. Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Hòn Khoai là di tích - thắng cảnh cấp quốc gia. Ra chơi ngoài các hòn sẽ thấy rất nhiều vích (rùa biển) lên bờ đẻ trứng.
Cũng như nhiều nơi khác, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc cũng là lễ hội cầu ngư: cầu cho biển lặng, gió hoà, ngư dân may mắn làm ăn phát đạt an khang. Lễ được tổ chức khá lớn, có hàng chục ngàn người trong tỉnh và vùng lân cận đến cúng viếng, tham dự lễ. Trong đó có nhiều ngư phủ của các tỉnh miền Trung và phía Nam đang khai thác cá ngoài khơi cũng nhớ ngày về dự. Nghinh Ông là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau có nguồn gốc xa xưa của người Chăm được người Việt tiếp thu, phát triển. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc gắn liền với tín ngưỡng và đền thờ cá Ông ở thị trấn Sông Đốc. Theo các bậc cao niên, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc có từ đầu thế kỷ XX. Đối tượng suy tôn ở đây là cá Ông - được vua triều Nguyễn sắc tặng Nam Hải đại tướng quân. Cửa biển Sông Đốc nằm ở biển Tây (tiến ra xa là vùng vịnh Thái Lan) là nơi hay xuất hiện cá voi, nhiều khi bị thương rất nặng dạt vào bờ được nhân dân cứu chữa, nếu không qua khỏi, bà con ngư dân thường cúng vái và xây cất đền thờ để gìn giữ xương cốt. Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc được tổ chức trong ba ngày: 14, 15, 16 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 15 diễn ra nghi lễ chính bắt đầu từ 14 giờ. Chủ lễ cùng ban trị sự lăng trang trọng thỉnh lư hương lên kiệu (long đình), được 8 học trò lễ khiêng và theo hầu. Những học trò lễ được chọn thường là những nữ sinh con em ngư dân ở thị trấn Sông Đốc. Các đội trống lân, cờ ngũ sắc, đội binh khí: kích, kiếm, bát xà mâu; đoàn múa mâm… ăn mặc lễ phục xếp thành hai hàng dài từ chánh điện ra tới ngoài sân. Khi diễu hành, bà con trong vùng cũng nhập đoàn đi theo. Trước đó đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh được trang trí cờ hoa neo đậu dưới bến sông. Chủ lễ trực tiếp rước lư hương lên tàu đã được trang trí rất công phu, lộng lẫy và lớn nhất (có khi được kết từ ba chiếc tàu lại). Tàu do chức sắc Lăng Ông và ngư phủ bầu chọn. Ra tới cửa biển, nhiều tàu khác tiếp tục được nhập vào đoàn diễu hành. Hàng trăm tàu đủ mọi kích cỡ, công suất, kiểu trang trí tạo ra một khung cảnh đầy màu sắc sống động cả một vùng cửa biển rộng lớn. Tiếng sóng nước, tiếng động cơ ầm ầm vang xa. Hàng ngàn người đủ mọi sắc áo đứng ngồi trên boong tàu vẫy cờ hoa.Trên đường diễu hành, nếu gặp cá Ông phun nước (Ông dội) thì đoàn tàu quay trở về ngay. Nếu không gặp thì đoàn tàu tiếp tục ra khơi và sau đó chủ lễ vái đọc lời nguyện cầu. Thường thì cách đất liền một, hai hải lý, chủ lễ sẽ làm lễ “xin keo”. Xin được keo tức là đã gặp “Ông” và rước “Ông” về. Tại Lăng sẽ tiếp tục diễn ra các nghi lễ, cúng bái đến tận khuya. Điện thờ được bày rất nhiều mâm (xôi, hoa quả, heo…) - chủ yếu là ngư dân tự nguyện hiến cúng. Nhân dịp này ngư dân trong vùng, khách thập phương đến thắp hương, cúng tiền và hiện vật thờ tự rất đông… . Số tiền này niêm yết công khai, sau đó dùng vào việc tổ chức, khánh tiết và xây dựng tu bổ đền.
Nghề hầm than và đóng đáy trên sông là những nghề thủ công có mặt từ lâu đời ở Năm Căn – Cà Mau, để lại nhiều dấn ấn khó phai mờ trong ký ức và tình cảm của người dân bản xứ và tạo sự bất ngờ thú vị cho khách thập phương mỗi khi tận mắt chứng kiến hoạt động của làng nghề. Năm Căn xưa(tức huyện Năm Căn và Ngọc Hiển bây giờ) là trung tâm của nghề hầm than bởi đây là quê hương của rừng ngặp mặn với đước là nguyên liệu chính và tốt nhất để làm than. Lúc cực thịnh (cách đây vài chục năm), rừng đước Năm Căn có hàng chục xóm hầm than như: Vàm Đầm, Xóm Thủ, Xóm Lớn, Hàng Vịnh, Ông Định, Nhưng Miên, Tắt Biển..., mỗi tháng cho ra lò hơn 6.000 tấn than. Tuy nhiên, do rừng ngày càng thu hẹp và bây giờ chẳng mấy ai dùng than nữa nên hiện tại chỉ còn một vài lò trong số đó được phục hồi. Đỏ lửa thường xuyên nhất trong các xóm lò than (hiện đã vào hợp tác xã) là Vàm Ông Định(Tân Ân Tây), Xóm Thủ (Tam Giang tây), Vàm Đầm (xã Tam Giang). Muốn hành nghề hầm than, nhất thiết phải có lò, thợ giỏi. Xây lò là cả một nghệ thuật, vât liệu xây lò là gạch thẻ và đất bùn. Lò hầm than có hình bầu tròn như chiếc nón cối úp trên đất. So với ngày trước, hầu hết lò than hiện nay có kích thước nhỏ hơn. Chiều cao của lò trên dưới 3 thước, đường kính 4 – 5 thước. Phía trước lò có một cái cửa vừa một người chui vào dùng để vô củi và ra than, đồng thời là nơi chụm củi đốt lò. Hai bên hông và phía cuối đối diện với cửa lò, có xây ba cái ống khói, cách khỏang đều nhau để khói bay ra. Củi hầm than là củi đước. Những thanh củi có chiều dài 1 thước, đường kính từ một tất trở lên gọi là củi đòn. Nhưng lọai này hiện nay rất hiếm. Khi vô lò, củi được dựng đứng chồng từng lớp lên nhau. Củi càng chồng khít, thì chất lượng và sản lượng than thu được càng cao. Đến sát nóc, người ta chừa ra một khỏang trống vài tấc để chứa dưỡng khí.Hầm than là công việc năng nhọc, đòi hỏi sự kiên nhẫn và kinh nghiệm. Sau khi hoàn tất việc chất củi, trong những ngày đầu, người thợ chỉ được đốt lửa ngọn. Dân gian gọi là "lữa dương". Thân lò bị nung nóng hấp cho củi trong lò tiết ra chất nước làm cho củi khô. Thời gian này kéo dài hay ngắn tùy theo củi khô hay ướt. Ba đến bốn ngày sau, người đốt lò nhìn vào khói bay ra để biết củi còn hay hết chất nước. khi thấy hết khói trắng, người đốt lò không đốt củi nữa, mà chỉ dùng sức nóng trong lò. Kế tiếp, người thợ thu hẹp cửa lò lại, dùng "lửa âm" (lửa trong tàn tro) giử nóng cho lò ở nhiệt độ nhất định không thay đổi. Hơi nóng trong lò bốc lên nóc, rồi dội trở xuống chân lò. Củi bắt đầu thành than, phía trên trước, sau đó chín lần xuống dưới. Giai đọan này, khói tỏa ra màu ngũ sắc trong rất đẹp mắt.Sau sáu đến bảy ngày, khói màu ngũ sắc bắt đầu lợt và biến thành xanh biếc. Lúc này, mùi khói chuyển từ hăng khét khó ngửi, sang mùi thơm như khoai lang nướng. Vậy là than đã chín! Người thợ bít hẳn cửa lò, chờ 3 – 4 ngày sau lò nguội hẳn thì lấy than ra. Than sẽ được để nguyên, hoặc cưa ngắn để tiện cho việc vận chuyển. Điều này tùy thuộc nhu cầu khách hàng tiêu thụ. Năng suất mỗi lò thu được trên dưới một tấn than, trị giá từ một triệu tám đến hai triệu rưỡi. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, vận chuyển, lợi nhuận thu được trên dưới một triệu đồng. Đa phần người làm than là dân nghèo nên khỏang thu nhập này thực sự đáng kể. Thu nhập của người dân sẽ tăng lên, nếu gắn với khai thác du lịch nhưng khả năng này vẫn còn bỏ ngõ. Hầm than là nghề cực nhọc, vất vả nhưng những người thợ lò vẫn quyết chí bám nghề. Đây là một nghề truyền thống độc đáo của vùng đất Cà Mau. Không biết các công ty du lịch Cà Mau có hổ trợ cụ thể gì cho những người làm than này không? Một chế độ bảo hiểm y tế? phụ cấp? Chính quyền cũng chỉ biết quản lý và "vắt" chứ chưa hề có biện pháp giúp đỡ nào !
http://www.fiditour.com/upload/images/SUB%20ALL%20TIN/2011/Thang4/Tuan04.04/19.04/t550587.jpgMũi Cà Mau, nơi tiếp giáp của 2 dòng hải lưu Bắc – Nam và Tây – Nam, với 2 chế độ thủy triều khác nhau (bán nhật triều và nhật triều), đã tạo nên một vùng lắng động phù sa rộng lớn hàng chục ngàn héc-ta nằm dọc theo bờ biển phía Tây – Nam tỉnh Cà Mau. Bởi thế, từ thuở khai hoang lập ấp, ông cha ta đã gọi vùng đất nầy là Bãi bồi Mũi Cà Mau. Tạo hóa đã hào phóng ban phát cho Mũi Cà Mau một khả năng kỳ diệu và độc đáo mà không nơi nào có được: Đó là khả năng "Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi" khi mà con người cứ tiếp tục sinh đẻ và khai phá ! Theo tài liệu của kỹ sư Phạm Đình Đôn (Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam bộ), vùng đất bãi bồi ven biển từ Mũi Cà Mau đến cửa sông Bãi Háp trong vòng hơn 60 năm qua đã lấn biển 8.318 héc-ta. Trung bình mỗi năm Mũi Cà Mau được mở rộng về phía Tây – Nam hơn 136 héc-ta. Tốc độ bồi diễn ra ngày càng nhanh. Đặc biệt là trong những năm gần đây, có năm bồi ra biển hơn 100 mét. Dấu tích của quá trình chinh phục biển khơi của Mũi Cà Mau đã để lại bao làng xóm thân thương: Xóm Ông Trang, xóm Rạch Tàu, xóm Mũi… Đến Mũi Cà Mau, khách tham quan sẽ thỏa thích mục kích trước một thực tế sinh động với vô số loài đặc hữu của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Diện tích rừng phòng hộ ven biển tầng tầng, lớp lớp chạy dài 254 ki-lô-mét bởi mắm, đước, sú, vẹt, trang, bần… như tấm áo chòang xanh bao quanh Mũi Cà Mau. Cùng với sự phong phú đa dạng của thảm thực vật ngập triều, bãi bồi Mũi Cà Mau còn được xem là vương quốc của các loài giáp xác, nhuyễn thể thuộc hệ sinh thái mặn. Nơi đây đã tìm thấy 69 lòai cá, tôm, cua, ghẹ,… cùng nhiều loài thân mềm như: hàu, sò huyết, sò lông, vọp, ốc len, điệp, bàn mai…Tất cả đều có thể được chế biến thành món khoái khẩu cho khách tham quan khi đến Mũi Cà Mau.
Người Đất Mũi có quyền tự hào về xứ sở quê hương mình bởi vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc được thiên phú những tiềm năng rừng và biển vừa kỳ vĩ, vừa bao la. Sự hoang sơ của vùng đất cực Nam nầy cần được chính quyền địa phương khai quật một cách hợp lý.
Các làng nghề mang tính đặc thù của địa phương, như: vót đủa đước, khắc tượng gỗ đước, làm khô,… cùng lúc với những nhà máy thủy hải sản đông lạnh xuất khẩu mang nhãn mác Đất Mũi đang được tổ chức, xây dựng để vừa tạo công ăn việc làm cho dân, vừa đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan. Ngoài ra, các nghề nuôi thủy sản truyền thống (hàu, nghêu, sò, vọp, ốc len…) cũng đang được người dân đầu tư phát triển. Mong rằng đây sẽ là những nghề và là những sản phẩm hấp dẫn khách mỗi khi đến Mũi Cà Mau tham quan du lịch (!?). Vùng đất chót vót phía Nam của Tổ quốc Việt Nam hiện đã được quy họach thành khu du lịch, nhằm hướng tới khai thác một cách bền vững tiềm năng sinh thái đa dạng và đặc thù của Mũi Cà Mau. Với vị trí địa lý "tận cùng thiên địa", Mũi Cà Mau chắc chắn sẽ có sức hút rất mạnh mẽ đối với khách tham quan và nghiên cứu khoa học trong nước cũng như nước ngoài. Nhiều ý tưởng táo bạo, nhiều công trình tầm cỡ đang triển khai để khi quốc lộ IA nối liền Thành phố Cà Mau với Mũi Cà Mau thì đời sống người dân Cà Mau sẽ khá hơn. Nghe nói tỉnh đã và đang đầu tư trên 14 tỷ đồng cho các công trình nhà hàng Đất Mũi, cầu xuyên rừng, biểu tượng Mũi Cà Mau, v.v…. Sắp tới sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng đền thờ Đất Mũi, đường nội bộ khu công viên, bờ kè chắn sóng, hứa hẹn nhiều điều lý thú và hấp dẫn khách đến với Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, muốn biến ý tưởng thành hiện thực đòi hỏi ý chí quyết tâm từ các nhà quản lý, ngành chức năng. Hiện tại còn nhiều điều phải được xúc tiến nhanh chóng để Mũi Cà Mau có thể vươn lên xứng tầm và tiềm năng của Cà Mau. Hai trong nhiều việc phải làm đó cần phải nói đến việc tổ chức các trường học và dạy nghề để sớm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân địa phương; phải có các loại hình dịch vụ cho cư dân địa phương vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng Đất Mũi. Điều nầy đang là dự định của ngành du lịch và chính quyền địa phương. Mũi Cà Mau không chỉ là điểm đến của khách địa phương, khách trong nước mà nơi đây còn có sức hút lớn đối với kiều bào nước ngòai về thăm quê hương, khách nước ngoài tìm đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã, đa dạng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Nơi đây được nhiều bạn bè quốc tế ví là ...Amazon Cà Mau. Người Việt mình đến ở Cà Mau từ thuở khai hoang trên 400 năm nhưng tới nay, Cà Mau vẫn luôn là “vùng đất xa lạ hoang dã” trong tâm tưởng của chúng ta bởi Cà Mau luôn tiến dần ra biển. Cà Mau là vùng ngập nước mặn, cây rừng bạt ngàn xanh tươi quanh năm, cảnh quan đặc biệt không nơi nào có. Cà Mau mang trong nó những địa danh như Ðầm Dơi, Chà Là, Bảy Háp, U Minh, Năm Căn, Cái Nước, mũi Ba Quan, vàm Rạch Gốc, sông Trèm Trẹm, Cái Tàu, Cái Ngay, Cái Bát, Rẫy Chệc& những tên nghe còn hoang dã và lạ tai.
Rừng Cà Mau có nhiều loại cây nghe cũng lạ tai. Nào là cây gừa, cây tràm (dùng đóng cừ làm nhà), cây đước cây vẹt (dùng làm than), nhum, mốp (làm nón cối), cây vông (làm guốc vông), su, cây đà (nhuộm áo quần, thuộc và nhuộm da bò), kè, cóc, mắm... Riêng cây mắm có nhiều ấn tượng đối với con người Cà Mau. Cây mắm là loại cây đặc trưng, gắn liền với lịch sử khẩn hoang Cà Mau. Bởi cây mắm là loại cây rể bám sâu dưới đất mặn, giữ đất không bị lở và còn có tác dụng làm giảm phèn rửa mặn đất. (Ðọc thêm truyện Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc).
Thân mắm dùng làm củi. Củi mắm chuyên dùng để đốt lò hầm than đước, than vẹt, cung cấp chất dốt cho người Sài Gòn và các thành thị miền Nam hàng thế kỷ, trước khi có bếp lò dầu hôi, lò điện, lò ga.
Rừng mắm Rạch Gốc, Rẫy Chệc ở Cà Mau bạt ngàn, xưa thuộc loại rừng cấm. Trái mắm chín rụng làm mồI nuôi ba khía. Mắm ba khía Cà Mau có tiếng ngon là nhờ ăn toàn trái cám.
Vào mùa mưa, đầu tháng 7, trái mắm bắt đầu chín và rụng cho đến hết tháng 8. Ðây là lúc con ba khía Rạch Gốc mập và chắc thịt, có gạch son đầy mai. Lúc nầy người ta bắt đầu đi bắt ba khía gọi là ngày Hội Ba Khía, giống như ngày Hội Còng Lột mùng 5 tháng 5 ở Gò Công vậy.
Thuở xưa, ba khía chưa là đặc sản thì chỉ có người nghèo mới ăn mà thôi. Người dân các nơi chưa biết ăn ba khía. Tới mùa trái mắm rụng, người địa phương chèo ghe vô rừng bắt ba khía. Rửa sạch từng con một, cho vào lu nước muối. Ðộ 7 ngày sau thành ba khía muối. Sau mới có tên là mắm ba khía. Mãi sau nầy mới có thương lái đem Ghe Mũi Nhọn (tên gọi bấy giờ) đến Cà Mau thâu gom ba khía và họ làm mắm tại chỗ. Ghe Mũi Nhọn là ghe dùng đi xa, làm theo kiểu ghe đi biển của người Hoa Nam, người Hoa phản Thanh phục Minh Thời Mạc Cửu đến Hà Tiên. Tiếng GHE cũng do đọc trại từ tiếng “Kha”, “Ca” theo âm giọng người Hoa Nam rồi biến âm thành GHE như ngày nay.
http://www.sotaydulich.com/userfiles/image/2011/01/10/Sotaydulich_Doc_mien_dat_nuoc_Hon_Da_Bac_o_Dat_mui_Ca_Mau_03.jpghòn Đá Bạc
Sotaydulich Sotay Dulich Khampha Kham Pha Bui Hon da Bac o dat mui Ca Mau
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng Cà Mau chưa có nhân sự, chưa có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất cũng như điều kiện hạ tầng du lịch và khả năng khai thác tiềm năng du lịch ở Mũi Cà Mau để nơi đây thật sự là điểm đến lý tưởng cho du khách trong ngoài nước đến tham quan và nghiên cứu khoa học. Liệu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân sẽ làm được gì cho Cà Mau khá hơn không? Mong sẽ thấy được hành động cụ thể chứ không chỉ là những lời nói suông.
ảnh
Rẻo đất cuối cùng của tổ quốc.
ảnh
Một nhà hàng vươn ra biển.
ảnh
Hàng rào ngăn nước biển xâm lấn.
ảnh
Trẻ em vùng đất mũi.
ảnh
Biểu tượng con tàu trên cực nam.
ảnh
Người dân sống trên sông nước là chính.

tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi








Cần Thơ:

Bạc Liêu:
Hình ảnh Nhà công tử Bạc Liêu
Hình ảnh Nha Cong tu Bac Lieu.JPG
Nhà công tử Bạc LiêuHình ảnh Chua Xiem Can.JPGHình ảnh Chua Xiem Can1.JPG
Chùa Xiêm Căn, Bạc Liêu
Hình ảnh Vuon nhan.JPG
Vườn nhãn Bạc Liêu
Hình ảnh Đường phố Bạc Liêu
Đường phố Bạc Liêu
Cổng tam quan Quan âm Phật đài
Quán thế Âm Phật đài Đồ ăn do chị Tần làmBún mắm Bạc Liêu
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
Du lịch sinh thái rừng tràm U Minh
Hình ảnh "Ngón chân cái" - giống như trên bản đồ Việt Nam - nhìn từ chòi cao xuống
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
tamtay.vn - photo - Cà Mau quê tôi
Mũi Cà Mau - Điểm toạ độ GPS 001 - nơi tận cùng của đất nước
Cây đước - loại cây đặc trưng của đất rừng U Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long
(10-2007)

No comments:

Post a Comment