Friday, August 26, 2011

Bình Dương


Nằm sát Saigon nên ngay khi còn bé, tôi đã đi Lái Thiêu - Búng - Bình Dương thường xuyên, có khi đi xe đạp theo đoàn hướng đạo lên cắm trại 2 ngày cuối tuần, có khi là "trại bay" sáng đi chiều về, lên ăn trái cây, tắm sông, ghé ăn bánh bèo bì chan nước cốt dừa, nem, thịt nướng...
Từ Saigon đi Lái Thiêu - Búng - Bình Dương có thể đi bằng nhiều ngõ khác nhau:
- Nếu từ Gia Định cũ(nay là quận Bình Thạnh), Phú Nhuận và Gò Vấp thì tôi sẽ đi qua khu An Phú Đông, Thạnh Lộc(trước thuộc Hóc Môn, nay là quận 12), qua Cầu Sắt Long Phú(bây giờ không cho xe hơi chạy nữa mà chỉ có xe 2 bánh và đi bộ từ SG qua) bắc ngang sông Bình Dương là tới Lái Thiêu. Ngày xưa, tôi vẫn đi xe đạp qua con đường này để lên Lái Thiêu cắắm trại, picnic(trại bay) hay ăn trái cây, tắm sông ở nhà một thằng bạn gần trường Câm & Điếc, gần bờ sông, có lò gốm lâu đời. Đường này gần nhà tôi hơn nên đi nhanh hơn, gần hơn và cũng râm mát hơn vì có nhiều cây 2 bên đường; chưa kể là có thể tà tà ngắm cảnh 2 bên đường với sông rạch mát mẻ và không khí miệt vườn thanh tịnh hơn.
- Nếu từ trung tâm Saigon thì phải qua Thị Nghè, Hàng Xanh và Bình Triệu - những "nút" nổi tiếng kẹt xe của Saigon cho dù đã mở ra đường Nguyễn Hữu Cảnh từ đường Lê Thánh Tôn qua khu Ba Son ra tới cầu xa lộ Biên Hòa. Hàng quán, nhà cửa mọc lên san sát mà lưu lượng xe các loại cũng tăng theo đà dân số tràn về Saigon ngày càng nhiều hơn. Bến xe miền Ðông, nhà ga Bình Triệu, khu Văn Thánh và các chợ quanh đó đã góp phần vào sự tấp nập, đông đảo và kẹt xe. Quẹo vô nhà thờ Fatima Bình Triệu mà ngày xưa tôi thường ghé vào cầu nguyện. Có lẽ ngày thường nên ít người mua hoa vào cầu nguyện. Kế bên là trường Luật mới có khá đông cô cậu sinh viên trẻ đang đến lớp. Họ sẽ là những người "cầm cân nẩy mực" và xây dựng hệ thống tư pháp, luật lệ, duy trì công lý cho Việt Nam mai này.
Quốc lộ 13 bây giờ là xa lộ 1K mới tốt hơn xa lộ Biên Hòa nhưng không có cây cao bóng mát, nhiều xe, đi xe 2 bánh cảm thấy nguy hiểm hơn mà đi xe taxi thì kẹt xe hoài; nhất là khu nhà ga Bình Triệu. Dọc đường có nhiều quán ăn, bây giờ có khu Dìn Ký vừa ghé vô ăn uống, vừa là khu du lịch.
Chúng tôi ghé vào ăn sáng ở tiệm Mỹ Liên (quán này có tiếng lâu đời ở chợ Lái Thiêu). Lâu lắm mới ăn món bánh bèo bì, bánh tằm bì chan nước cốt dừa với chút mỡ hành mà trước đây chỉ có ở chợ Búng hay Lái Thiêu. Bà Liên bây giờ xây lầu nhưng vẫn nhỏ hẹp như xưa, nhất là khu nhà bếp vừa đông người làm, vừa bừa bãi ngỗn ngang chứ chưa sắp xếp sạch sẽ, thứ tự ngăn nắp gọn gàng hơn, cầu tiêu lầy lội, thiếu vệ sinh ! Lái Thiêu bây giờ cũng thay đổi ít nhiều, nhất là miệt Cầu Ngang không còn tự do ra vào các vườn trái cây ăn thoải mái như xưa. Lề đường phía bên này tráng ximăng sạch sẽ, rộng rãi hơn. Các lò gốm bây giờ cũng đi vào "kinh tế thị trường" nên có những "đại gia" như Minh Long mới sống hùng, sống mạnh, ra hải ngoại được. Bình Dương hôm nay là những khu công nghiệp mới mọc lên với "đại gia" như Dũng Lò Vôi chuyên kinh doanh nhà đất với sự hổ trợ đắc lực của các "ô dù" tầm cỡ nên mới có khả năng lập ra khu du lịch Đại Nam. Rất nhiều công nhân từ miền Trung & Bắc lẫn miền Tây vô đây làm việc.

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Việt, phía bắc giáp Bình Phước, phía nam và tây nam giáp thành phố Saigon, phía tây giáp Tây Ninh, phía đông giáp Đồng Nai. Tỉnh lỵ của Bình Dương hiện nay là thị xã Thủ Dầu Một, cách trung tâm Saigon 30 km.
Vùng đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, từ thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa kia. Tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tháng 12 năm 1899 từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Thủ Dầu Một thành các tỉnh Bình Dương, Bình Long. Năm 1976, chính quyền mới hợp nhất tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (gồm hai tỉnh Bình Long và Phước Long cũ) thành tỉnh Sông Bé nhưng đến năm 1996 lại tách ra thành hai tỉnh như cũ và mở rộng đến địa phận Biên Hòa; trong đó có nghĩa trang quân đội cũ và khu khai thác đá núi Châu Thới (Dĩ An).
Bình Dương cũng là vùng đất chiến t
rường năm xưa với những địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ và đặc biệt là chiến khu Đ với trung tâm là huyện Tân Uyên, vùng Tam giác sắt trong đó có ba làng An (An Điền, An Tây và Phú An). VC từ KPC hay từ Trường Sơn qua Phước Long, Bình Long là tới Bình Dương - cửa ngõ chính vô Saigon. Chưa kể khu An Phú Đông, Thạnh Lộc là "ổ VC" từ xưa với rất nhiều đặc công, nằm vùng...
Bắt đầu những năm 90, với chính sách trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, Bình Dương phút chốc trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước. Nhiều nhà máy do nước ngoài đầu tư đã được xây dựng ở Bình Dương do chính sách thuế ưu đãi và cũng không xa Saigon.Thuở xưa, Bình Dương là một phần của đất Gia Định nên đến nay đã có trên 300 năm lịch sử với những di sản văn hoá đặc sắc mà tiêu biểu là đờn ca tài tử. Ca nhạc tài tử sau này nở rộ ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng cái nôi sản sinh thì vẫn là Gia Định, trong đó có Bình Dương. Bình Dương có các vùng đất đỏ trồng cao su và cà phê, vùng đất xám có đồng cỏ chăn nuôi và trồng hoa màu; vùng đồng bằng phù sa do sông bồi có nhiều ruộng lúa, hay vườn cây ăn trái như Lái Thiêu.
Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây Lái Thiêu, trải rộng trên diện tích 1.250 ha, thuộc địa bàn bốn xã: An Sơn, An Thạnh, Bình Nhâm và Hưng Định. Ai đi Bình Dương cũng ghé qua Lái Thiêu; nhất là vô những vườn cây ăn trái ở khu cầu ngang Lái Thiêu và Ðình thần Phú Long. Ðình thần Phú Long đã có từ năm 1825 với lối kiến trúc "Trùng thiềm điệp ốc" thuộc các thế kỷ 17 - 18. Ðình nằm trên một mẫu đất cách chợ Lái Thiêu 500 thước. Tiền diện hướng phía Tây Nam, sát bờ sông Sài Gòn chảy ngang. Cổng ngoài sát mặt quốc lộ 13- trung tâm thị trấn, đầu con đường nay đã tráng nhựa bóng láng dài 300 thước dẫn vào cổng trong sát tận sân đình. Hai cổng của đình đều xoay về hướng mặt trời mọc. Ðình uy nghi rộng lớn trong nhiều gian, từng bậc tam cấp bước vào đại sảnh lát gạch hoa thoáng mát. Ðình rộng 40 thước bề ngang vào sâu trên 50 thước. Mái đình lợp ngói âm dương, cổng đình, tường vách dọc ngang, chạm trổ hoa văn, họa tiết phần lớn cẩn li ti bằng từng miếng men sành sứ đồ cổ bóng mượt, ẩn hiện đủ sắc màu, phong phú với biết bao hình tượng đa dạng, điển tích cổ kính, sắc thái đặc thù giữa vùng sông nước thiên nhiên hài hòa. Những dịp đình cúng kỳ yên, rước sắc thần, cúng ông Quan Ðế, ông Hổ... hằng năm còn có đông tín hữu các đình bạn từ Cần Giuộc - Long An, Biên Hòa, Tây Ninh... và các tỉnh thành xa xôi về dự.

Xã Hưng Định, An Thạnh có vườn cây chiếm khoảng 140 ha, được quy hoạch thành từng loại cây "đặc sản". Có thể chèo ghe theo kênh rạch đi vào từng vườn; hay tản bộ qua cầu, theo đường đất đỏ len lỏi giữa các lùm cây rợp bóng mát, cây trái trĩu cành, du khách có thể giơ tay lên với được trái. Trước 1975, tôi thường đạp xe lên Lái Thiêu cắm trại, tắm sông, ghé thăm trường câm & điếc, hay vô coi những lò gốm, sành sứ... rồi sau đó là đi vô những vườn cây ăn trái quen biết ở đây để tha hồ ăn nhiều loại cây ăn trái ngon như sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, bòn bon, mãng cầu, chôm chôm (ngon nhất là loại chôm chôm tróc), dâu chua... Cây sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus, hay Durio Capparis thuộc về họ thảo mộc Malvacées hay Bombacacerae. Như thế thì nó cùng họ với cây gòn (gạo) có tên là Bombax và cây bông vải (Gossypium). Người Pháp gọi trái sầu riêng là Durian, hay Durion. Người Việt gọi là sầu riêng. Tên sầu riêng đúng ra là Djoerian là tên mà người Malaysia gọi. Đầu tiên, sầu riêng mọc ở rừng Malaysia và người bản xứ gọi là cây Djoerian. Khi người Trung Hoa sang Malaysia buôn bán, ăn quả sầu riêng thấy ngon nên họ mang hột về trồng tại Ấn Độ, Thailand, Cambodia. Đến khi người Pháp đặt chân tới đất Nam Kỳ, nghe nói có một số cố đạo đi truyền đạo tại xứ Lái Thiêu đã mang theo nhiều giống cây trái hoa quả ngon của các xứ khác tới đây trồng. Theo các vị cao niên Lái Thiêu kể lại thì cố đạo người Pháp có tên là Cernot (năm 1890) đã đem hột sầu riêng từ xứ Nam Dương về đây trồng cùng lúc với cây sa-pô-chê. Trước đây, ở họ đạo Tân Quy có mấy cây sầu riêng cổ thụ còn lại, cao tới 20 thước, tuổi thọ trăm năm và có lẽ là cây sầu riêng đầu tiên được trồng ở Lái Thiêu. Vì thời gian, các cây sầu riêng này đã chết, và những cây sầu riêng mọc sau này là các thế hệ thứ ba, thứ tư... Ngày nay, cây sầu riêng được nhân giống trồng ở nhiều tỉnh(Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre...) nhưng khi ra trái, ăn không ngon bằng sầu riêng trồng ở Lái Thiêu, có lẽ đất và nước ở đây thích hợp với sầu riêng hơn.
Các nhà thổ nhưỡng đã tìm thấy ở Bình Dương 7 loại đất khác nhau nhưng chủ yếu là đất xám và đất đỏ vàng. Theo kết quả tổng điều tra đất năm 2000 thì hai loại đất này chiếm 76,5% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó đất xám chiếm 52,5%; đất đỏ vàng chiếm 24,0%. Đây là hai loại đất rất thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Chính nhờ điều kiện thổ nhưỡng này mà Bình Dương không chỉ thích hợp với các loại cây trồng mà còn rất thuận lợi đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp.
Bình Dương còn là đất của nhiều làng nghề truyền thống với các nghệ nhân bàn tay vàng điêu khắc gỗ, làm đồ gốm và tranh sơn mài. Từ xa xưa, các sản phẩm gốm mỹ nghệ, sơn mài và điêu khắc của Bình Dương đã tham gia hội chợ quốc tế, đồng
thời cũng đã xuất khẩu sang Pháp và nhiều nước trong khu vực. Từ Saigon đi Bình Dương - đường sá mở rộng và tốt hơn xưa, nhất là đại lộ Bình Dương và đường đi chợ Búng - Lái Thiêu bây giờ thênh thang, vĩa hè lát gạch rộng rãi, có lan can và đèn thắp sáng.
Bình Dương có 13 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó nhiều khu công nghiệp đã cho thuê gần hết diện tích như Sóng Thần II, Đồng An, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, Sóng Thần 1-2-3. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút 938 dự án đầu tư, trong đó có 613 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 3,483 triệu USD và 225 dự án đầu tư trong nước có số vốn 2.656 tỉ đồng. Nhằm tăng sự thu hút đầu tư; hiện nay địa phương này đang tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công các khu công nghiệp mới để phát triển công nghiệp ra các huyện phía bắc của tỉnh (Mỹ Phước 1,2,3; 6 khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương, Tân Uyên).
Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Việt với đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình chủ yếu là những đồi thấp, thế đất bằng phẳng, nền địa chất ổn định, vững chắc, phổ biến là những dãy đồi phù sa cổ nối tiếp nhau với độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, độ dốc: 2-5° và độ chịu nén: 2kg/cm². Đặc biệt có một vài đồi núi thấp nhô lên giữa địa hình bằng phẳng như núi Châu Thới (Dĩ An) cao 82m và ba ngọn núi thuộc huyện Dầu Tiếng là núi Ông cao 284,6m, núi La Tha cao 198m, núi Cậu cao 155m.
Bình Dương có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, với nhiều kênh rạch, sông con, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và tạo điều kiện cho ghe thuyền đi lại thuận tiện. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km.
Thị xã Thủ Dầu Một nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, dân cư đông đúc, có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ...,một số ngành công nghiệp mới du nhập vào Bình Dương nên cũng đã giúp tạo ra công ăn việc làm, giúp Bình Dương phát triển và giải tỏa bớt áp lực dồn lên Saigon bấy lâu nay.
Nơi đây còn có nhiều chùa cổ như chùa Bà Hội Khánh, chùa núi Châu Thới, chùa Long Hưng, nổi tiếng nhất là chùa Bà Thiên Hậu có lễ hội rất lớn hàng năm.
Chùa Bà Bình Dương tọa lạc ở thị xã Thủ Dầu Một là một trong nhiều ngôi chùa của người Hoa được nhiều người biết đến. Chùa được thành lập giữa thế kỷ 19, nằm trên bờ rạch hương chủ Hiếu. Tuy dân gian gọi là Chùa Bà nhưng thực chất đây là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần được cư dân Châu Á thờ phụng và tôn kính. Nằm trên một diện tích khá lớn, chùa được xây dựng theo kiến trúc của các chùa miếu của người Hoa. Hai cổng vào sơn đỏ đưa khách tham quan đi qua một khoảng sân rộng. Nơi đây ở góc trên, có đặt một tháp nhỏ dùng đốt giấy vàng bạc khi cúng. Bàn thờ Thiên Phụ Địa Mẫu đặt ngay cửa vào với hai con rồng chầu hai bên. Bốn câu đối treo ngay cửa vào. Sân chùa cũng là nơi sinh hoạt bóng rổ của thanh thiếu niên Hoa trong tỉnh. Trên đỉnh Miếu, với hoa văn trang trí phổ biến tại nhiều nơi: Lưỡng long tranh châu và Cá hóa long. Hàng năm, vào ngày rằm (15) tháng giêng có lễ rước vía Bà. Cả ngày 14 và suốt đêm, tới ngày 15 tháng giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi lũ lượt hội về chợ Thủ cúng bái, vay tiền làm ăn, trả lễ tiền vay trước và rước hương lộc về nhà y như chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Ðốc. Thị xã Thủ Dầu Một dường như đã quá tải với lượng người có đến bốn năm trăm ngàn người như thức suốt ngày đêm trong những ngày lễ hội này.

Chùa Hội Khánh ở Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một có lẽ là ngôi chùa cổ nhất và có lối kiến trúc tiêu biểu của xứ Đàng trong ở Bình Dương. Đình Bà Lụa là một quần thể kiến trúc theo lối cổ đặc trưng của người Việt ở Nam Kỳ, xây trên sườn đồi thoai thoải cạnh bến sông, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một khoảng chừng 3km về phía Nam. Nghe nói nguyên mẫu của đình đã được người Pháp làm mô hình thu nhỏ đưa đến triển lãm tại hội chợ Marseille năm 1921. Giới nghiên cứu bảo tàng Nam kỳ người Pháp đánh giá cao giá trị văn hoá nghệ thuật và coi như là một trong những ngôi đình đẹp nhất ở Nam Kỳ.Chùa Tây Tạng được xây cất trên một đồi đất cạnh đường Thích Quảng Đức, thị xã Thủ Dầu Một vào những năm 20 của thế kỷ này. Chùa Tây Tạng là nơi thờ các vi Phật của các tín đồ Phật giáo nên trong chùa có rất nhiều pho tượng lớn, tôn kinh và trang nghiêm. Chùa Tây Tạng ở vị trí cao, thoáng mát giữa vùng cây cối xanh tươi. Đứng ở sân chùa có thể nhìn thấy phong cảnh hữu tình xung quanh. Chùa là nơi hành đạo và còn là nơi rất quyến rũ đối với du khách. KTS Đinh Hữu Tường từng làm việc chung với tôi trong suốt những năm cuối cùng của đời ông nên ông kể khá nhiều về chùa này cho tôi nghe.
Bình Dương cũng là tỉnh có đội bóng đá nổi tiếng, đăng quang giải bóng đá vô địch quốc gia năm 2007 trước 4 vòng đấu nên sân vận động cũng bề thế, nghe nói cũng thuê cầu thủ ngoại. Bình Dương hôm nay cũng giống như hầu hết các tỉnh khác là vừa có đài truyền hình lẫn đài phát thanh và tờ báo riêng để tuyên truyền.

Bình Dương Water Park (Công viên nước Bình Dương) trên Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành là khu du lịch "nổi" nhất nhưng bây giờ cũng ..."xìu" vì không còn hấp dẫn như lúc mới khai trương.
Khu du lịch Hồ Bình An nằm sát bên xa lộ Biên Hòa, đã từng là nơi đá gà của ông NCK trước 1975, ngày nay trở thành nơi vãn cảnh, nghỉ ngơi, khu du lịch vui chơi,câu cá hay cùng đàn hát, ăn uống theo kiểu picnic, như Suối Tiên, Suối Lồ Ô, Bửu Long...
Hồ Dầu Tiếng là một hồ chứa nước (reservoir) do con người tạo ra từ công trình thủy lợi. Với diện tích rộng trên 27.000 ha và 1,5 tỷ m3 nước, hồ không những có những khả năng tưới cho hàng trăm ngàn ha đất trồng mà còn là một vùng cảnh quan du lịch. Từ khu du lịch lòng hồ Dầu Tiếng, vượt qua 5km tỉnh lộ 751 đường tráng nhựa, xuyên rừng cao su là đến suối Trúc nằm trên một ngọn núi cao nhất trong cụm núi Cậu gồm 12 nhóm lớn nhỏ. Cụm núi Cậu được xem là đoạn cuối của dãy Trường Sơn và những ngọn núi này chỉ được gọi một cái tên chung là núi Cậu. Có lẽ do ngọn suối len mình giữa bạt ngàn rừng trúc thiên nhiên nên cư dân địa phương đặt tên là suối Trúc. Cũng có người gọi là suối Tre hoặc suối Tiên. Để thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của suối Trúc, du khách phải bắt đầu từ ngọn suối đi ngược lên thượng nguồn. Quang cảnh đầu tiên sẽ là những ghềnh đá bằng phẳng, vuông cạnh, được thiên nhiên sắp đặt thành những bậc thang dành cho ... “người khổng lồ”. Vừa qua khỏi những bậc thang của “người khổng lồ”, du khách sẽ được thưởng lãm những bãi đá “bát quái trận đồ”: Hàng triệu hòn đá lớn nhỏ được thiên nhiên xếp thành những bàn ăn thiên nhiên lý tưởng. Nếu chưa đói bụng, du khách tiếp tục tiến sâu hơn về phía thượng nguồn và tiếp tục thưởng ngoạn một bãi đá bằng phẳng bị nước mưa xâm thực tạo thành từng lọn sóng đá mà người dân địa phương cho rằng, đó là “chiếc giường” của “người khổng lồ”. Do suy nghĩ nhiều về vợ nên “người khổng lồ” lăn lộn, trằn trọc nhiều đêm làm cho “chiếc giường” đá nhăn nheo, bèo nhèo. Điều lạ là những nếp nhăn của đá nằm song song nhau theo một chiều tạo thành những gợn sóng đẹp mắt. “Giường đá” thường được những nhóm du lịch dã ngoại chọn làm nơi hạ trại. Chiếc giường này rộng hơn 3km2 nên có thể chứa khoảng 300 chiếc lều dã chiến. Qua khỏi “giường đá”, một đoạn suối ngắn sẽ dẫn du khách vào một quang cảnh rất nên thơ được gọi là “Hồ Than Thở” và “Thác Bậc Thang”. Một số du khách chọn nơi đây là nơi dừng chân để “tắm tiên” và bắt cá. Ở nơi đây, vào những ngày sau mưa, những ngọn thác hùng vĩ sẽ hình thành do lượng nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về tạo nên cảnh quang rất hoành tráng. Sau khi “tắm tiên”, bạn hãy chọn một nơi trên bãi đá bằng phẳng để ăn uống theo kiểu dã ngoại, nghỉ ngơi rồi trở về trước khi trời tối.
Một khách sạn tiêu chuẩn 3 sao ở số 87, đường Quốc lộ 13, Phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một cũng để phục vụ du lịch, hội nghị.
Nhiều khu du lịch đang được quy hoạch và xây dựng.
Nổi bật nhất là khu du lịch văn hoá - lịch sử Đại Nam ở Bình Dương: Xuôi theo quốc lộ 13, đoạn đi ngang xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, từ ngoài đường nhìn vào sẽ thấy nổi lên một cổng thật to và phía sau là dãy núi nhân tạo bằng bêtông cốt thép, dài khoảng 250 mét, cao 65,8 mét - nghĩa là cao bằng tòa nhà 15 tầng, tọa lạc trong một khu đất rộng 261 hécta. Đấy là một trong những hạng mục của khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam mà dự kiến cuối năm 2010 sẽ hoạt động. Chủ nhân của khu du lịch là ông Huỳnh Phi Dũng (bà con thường gọi là ông Dũng Lò vôi). Khu du lịch này sẽ là mô hình thu nhỏ nhiều "danh lam thắng cảnh." Miền Bắc biểu tượng là vịnh Hạ Long thu nhỏ bao gồm những núi đá vôi nổi lên trên diện tích 180.000m2 nước biển. Tại “vịnh Hạ Long”, du khách có thể đi thuyền buồm, được thiết kế theo đúng nguyên mẫu hồi thế kỷ XVIII, hoặc ngâm mình trong dòng nước biển thật từ Vũng Tàu chở về (có sức chứa 30 nghìn người cùng lúc). Miền Nam được thể hiện bằng con sông Cửu Long, có 9 rồng vàng, cũng với diện tích mặt nước 180.000m2, uốn lượn quanh co bên những hàng dừa, những mái nhà tranh. Trong khu này, có thể tìm thấy những trò chơi phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi như xem xiếc thú, đi xe lửa, vào nhà cười, tham quan bể cá; còn thanh niên thì có những tiết mục cảm giác mạnh như đi tàu lượn, trượt nước. Với những người già, có suối nước nóng, sân tập dưỡng sinh. Riêng khu vực miền Trung có Ngũ Hành Sơn, là điểm du lịch lịch sử với tòa Bảo tháp cao 9 tầng thờ các "anh hùng, liệt sĩ" đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, các chiến sĩ vô danh, các nữ tướng, 18 đời vua Hùng. Còn tầng tháp thứ 9 (tầng cuối cùng) là bàn thờ Tổ quốc với bản đồ Việt Nam đặt trên nền trống đồng cùng 4 câu thơ của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư...”. Cũng trong lòng ngọn Ngũ Hành Sơn, lịch sử Việt Nam sẽ được tái hiện qua từng thời kỳ, từ Lạc Long Quân, bà Âu Cơ đến sự tích bánh dầy, bánh chưng, sự tích quả dưa hấu. Từ Vua Lê Lợi đến Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc "kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ" và "đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước" 30/4/1975. Một ngôi chùa lớn, sức chứa 3.000 người, nằm dưới chân Ngũ Hành Sơn và được bao bọc bởi con sông đào, nước xanh biếc, đó là Đại Nam quốc tự. Trong chùa còn thờ 300 họ của người Việt. Bên cạnh đó, còn một mô hình 54 dân tộc Việt Nam thu nhỏ mà mỗi dân tộc được tái tạo bằng những biểu tượng đặc trưng như váy áo của người Thái, khèn của người Mông, áo tứ thân, xà tích bạc của phụ nữ miền Bắc...Khu du lịch văn hóa - lịch sử Đại Nam còn đưa cả thế giới về. Có thể nhìn thấy tháp Eiffel của Pháp, tượng Nữ thần Tự do của Mỹ, Angkor Wat của Campuchia, chùa Vàng Thái Lan, điện Kremlin của nước Nga... Chưa biết xây xong (dự kiến cuối năm 2010) sẽ ra sao nhưng nghe nói sơ qua là đã thấy vĩ đại không thua gì Disneyland. Chờ xem sao ! Thành thật mà nói là khi tôi ghé vào xem, được một cô hướng dẫn đi coi một số nơi đã hoàn tất và lái qua khu công trường đang xây dựng thì tôi có cảm giác đây là khu giải trí Suối Tiên thứ 2, với màu sắc và thiết kế rất ư ...Tàu pha lẫn màu sắc của đền chùa VN. Tôi không thấy được sự sáng tạo đáng kể nào mà hình như cóp nhặt, bắt chước từ nhiều nơi; nhất là Tàu ! Tôi không rõ ai là KTS phụ trách thiết kế công trình này, ai là người chọn lựa màu sắc, kiểu dáng... nên từ cách sắp xếp bố cục không gian cho đến đường nét truyền thống được cách tân hiện đại cũng có nhiều điều cần bàn thêm. Đây là một khu khách sạn - du lịch - vui chơi giải trí như casino Las Vegas chứ không thể coi là một công trình kiến trúc lịch sử để đời như tham vọng quá lớn của người chủ đầu tư. Có nhiều điều mà ông Dũng Lò Vôi cũng cần coi lại khi xác định mục tiêu chính của việc đầu tư là kinh tế hay kết hợp luôn với chính trị-văn hoá-lịch sử? Đừng quá tham mà sinh ra ..hổ lốn !
Bình Dương còn có:
- khu du lịch Châu Thới có diện tích 68 ha, bao gồm núi Châu Thới, núi Ông Huyện và phần đất xung quanh chân núi. Chùa núi Châu Thới thuộc địa phận xã Bình An, huyện Thuận An. Theo sử triều Nguyễn, chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ 17.Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan dựng năm 1970. ở điện Phật có 3 pho tượng Phật cổ bằng đá. Ðây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của xứ Gia Ðịnh xưa. Hàng năm có đông khách thập phương đến viếng thăm chùa và lễ Phật. Chùa nằm trên núi Châu Thới, phong cảnh yên tĩnh, trang nghiêm. Ðứng ở đây có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của các vùng xung quanh; trong đó có nghĩa trang quân đội cũ và khu khai thác đá núi Châu Thới.
- khu di tích lịch sử địa đạo tam giác sắt Tây Nam Bến Cát thuộc 3 xã An Điền, An Tây và Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Dưới lòng đất nơi đây là mạng lưới địa đạo với chiều dài 30km. Quanh đó sẽ là các nhà nghỉ, câu lạc bộ du thuyền, câu lạc bộ chim, cá kiếng, giải khát, chòi nghỉ, tượng kỷ niệm...
- khu trại giam Phú Lợi là một trong số nhà tù còn lại cũng sẽ làm di tích lịch sử.
Ông Nguyễn Minh Triết đã từng làm Bí Thư Tỉnh Ủy Bình Dương với nhiều thành tích "đổi mới" Bình dương trước khi được đề bạt làm Bí Thư Thành Ủy Saigon rồi làm Chủ Tịch nước. Giống như Mỹ, ông nào lên Chủ tịch thì tỉnh đó cũng "ăn theo" mà phất to vì vốn đầu tư nhiều hơn và có nhiều ưu đãi hơn. Nghe nói Tân Uyên có bí thư là bà con bên vợ ông Triết nên cũng nhờ vậy mà rộn rịp hơn và ông bí thư này cũng là một "ông hùm" với dinh cơ đồ sộ và biết nắm cơ hội làm ăn cho dù chỉ là quan huyện. Bộ phim truyện "Miền đất phúc" cũng chính là để tuyên truyền cho vùng đất này.
Thực tình mà nói, về thăm Lái Thiêu bây giờ sao mà ...bát nháo quá, không còn h
ấp dẫn như dạo nào nữa. Bấy lâu nay tôi cứ nghe nói Bình Dương "lên đời"; hóa ra là người ta thổi phồng nhiều quá. Ði hết thị xã Thủ Dầu Một, qua 13 khu công nghiệp, lên khu lòng hồ Dầu Tiếng, về nghĩa trang quân đội cũ, qua khu Châu Thới, Bình An, Dĩ An... Tuy có "đổi mới" nhưng nói thật là vẫn chưa khiến cho tôi lạc quan tin tưởng khi mà chuyện làm ăn vẫn chưa thật sự có căn cơ; nhất là về quy hoạch và xây dựng vẫn có rất nhiều điều cần bàn thêm. Hầu hết là "phồn vinh giả tạo" do đồng dollars của ngoại quốc đầu tư, viện trợ hay cho vay chứ dân mình vẫn chưa có gì thật sự vững chắc để làm vốn riêng của mình. Du lịch thì còn lắm điều cần làm, rất nhiều việc phải tính tới; trong đó có chuyện đầu tư như thế nào cho con người và miền đất này. Nếu có đi Bình Dương, mong bạn đừng quên ghé thăm những người cùi tại trại Bến Sắn Bình Dương. Ở Thủ Dầu Một có quán Cu Chì bán cháo vịt nổi tiếng nhưng ngôi nhà xưa mới thật đáng kể, ai ghé ăn cũng được tự do tham quan. Dọc theo đường đi có nhiều quán thịt rừng, quán café vườn nhưng nhìn Bình Dương đi vào "công nghiệp hoá" kiểu này thì tự dưng tôi lo cho Bình Dương quá, không khéo dân ở đây sẽ phải trả giá cho môi trường tự nhiên và những giá trị lâu đời mà Bình Dương đã có từ bấy lâu nay. Cái gì cũng có 2, 3 mặt; chỉ mong sao Bình Dương hiểu được cái gì cần giữ, cái gì phải đổi thay... Đành chịu thôi ! Đại lộ lớn nhất của Bình Dương hôm nay rộng thênh thang dẫn tới khu Đại Nam nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu vắng rất nhiều? Hình như người ta không mấy quan tâm đến cảnh quan (landscape) và quy hoạch?(10-2007)

No comments:

Post a Comment