Nằm ở vị trí bản lề giữa Đông và Tây Nam Bộ, giữa vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam và cận kề với thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn nhất cả nước, Long An có điều kiện thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Với 137,7 km biên giới, Long An có điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi hàng hoá với Campuchia và các nước Đông Nam Á khác. Với cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, Long An có khả năng phát triển công nghiệp, dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu.
Địa hình Long An bằng phẳng, có xu thế thấp dần từ phía Bắc - Đông Bắc xuống Nam – Tây Nam, trong đó khu vực phía Bắc và Đông Bắc tương đối cao, khu vực Đồng Tháp Mười thấp, trũng, chiếm 66,4% diện tích đất tự nhiên thường xuyên bị ngập lụt hàng năm. Địa hình bị chia cắt bởi hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Phần lớn diện tích của tỉnh Long An được xếp vào vùng đất ngập nước. Khu vực tương đối cao nằm ở phía Bắc và Đông Bắc. Do tiếp giáp giữa hai vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ nên vừa mang các đặc tính đặc trưng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long lại vừa mang những đặc tính riêng biệt của vùng miền Đông.
Nhiệt độ trung bình hàng tháng là 27,2 – 27,70C. Lượng mưa hàng năm biến động từ 1.200 – 1.400 mm. Mùa mưa chiếm trên 90% tổng lượng mưa cả năm.
Theo điều tra cơ bản, Long An có 6 nhóm đất chính: đất phù sa cổ (chiếm 21,5% diện tích), đất phù sa ngọt (chiếm 17,04% diện tích), đất phù sa nhiễm mặn (chiếm 1,26% diện tích), đất phèn (chiếm 55,47% diện tích) và đất than bùn (chiếm 0,05% diện tích). Phần lớn đất đai Long An được tạo thành ở dạng phù sa bồi lắng lẫn nhiều tạp chất hữu cơ nên đất có dạng cấu tạo bới rời, tính chất cơ lý rất kém, các vùng thấp, trũng tích tụ độc tố làm đất trở nên chua phèn, bất lợi trong tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Tính đến năm 2000, diện tích rừng của tỉnh Long An có 44.481 ha, tỷ lệ che phủ rừng chiếm 17,15%. Cây tràm và cây bạch đàn là hai loại cây trồng chủ yếu với tổng trữ lượng khoảng 1,26 triệu m3 gỗ tràm và bạch đàn. Ngoài ra Long An còn có khoảng 175 triệu cây phân tán. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên động thực vật của hệ sinh thái rừng tràm trên đất trũng phèn ở Long An đã bị khai thác và tàn phá nặng nề. Từ đó tạo ra những biến đổi về hệ sinh thái, gây ra ô nhiễm môi trường, những đổi thay môi trường sống tự nhiên của sinh vật, tác động đến quá trình phát triển bền vững. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giảm sút rừng là do quá trình tổ chức và khai thác thiếu quy hoạch, phần lớn diện tích rừng bị chuyển sang trồng lúa.
Long An có trữ lượng than bùn vào khoảng 2,5 triệu tấn, phân bố ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như Tân Lập – Mộc Hoá, Tân Lập – Thạnh Hoá (Tráp Rùng Rình), Tân Thạnh (xã Tân Hoà), Đức Huệ (xã Mỹ Quý Tây, Tráp Mốp Xanh). Với độ tro thấp, mùn cao, lượng khoáng cao, than bùn ở Long An là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất chất đốt và phân bón.
Ngoài ra, tỉnh còn có những mỏ đất sét ở khu vực phía bắc, tuy trữ lượng không lớn, nhưng có thể đáp ứng yêu cầu khai thác làm vật liệu xây dựng.
Long An có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Hiện tỉnh có khoảng 186 di tích lịch sử, có 7/53 di tích được xếp hạng di tích lịch sử như:
Lăng Mộ và đền thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An: Cách Thị xã Tân An 3,5km về phía Tây, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của Triều Nguyễn. Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm Mậu Thìn (1748) tại Giềng Cái Én (tỉnh Định Tường xưa) nay thuộc xã Khánh Hậu, Long An. Gia đình Ông Nguyễn Huỳnh Đức vốn họ Huỳnh và là dòng dõi của nhiều võ quan triều Lê. Thích binh nghiệp do huyết thống, ông gia nhập đạo quân Đông Sơn do tướng Đỗ Thành Nhơn tập hợp để chống lại quân Tây Sơn.
''Khu lưu niệm Nguyễn Thông'' thuộc ấp Bình Trị II -xã Phú Ngãi Trị - huyện Châu Thành, là nơi lưu niệm danh nhân Nguyễn Thông, một trí thức yêu nước, nhà hoạt động văn hóa lớn của Nam kỳ lục tỉnh nửa cuối thế kỷ XIX.
Chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc: nằm cạnh tỉnh lộ 835 thuộc địa phận xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc là một ngôi chùa cổ nhất Long An (trên 200 năm), đã nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học. Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được Thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808. Đến viếng chùa Tôn Thạnh, thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén nhang tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng ở nơi đây để viết nên những áng văn tuyệt tác, đã làm bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" để biểu dương tinh thần của các nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Vàm Nhựt Tảo: Là nơi giao hội giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, một vùng sông nước phẳng lặng hiền hòa thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Vào ngày 10/12/1861, vàm Nhựt Tảo đã nhấn chìm tàu L' Espérance của quân Pháp. Người đã làm nên sự kiện mà nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi là ''oanh thiên địa'' ấy chính là người anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực. Cách vàm 200m là chiếc cầu treo bắc qua sông Nhựt Tảo nối liền 2 xã An Nhựt Tân và Bình Trinh Đông. Những buổi bình minh đứng trên cầu treo nhìn ra vàm sông, ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp như tranh nơi đây. Trong tương lai, đền thờ, tượng đài anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực và những hạng mục công trình khác sẽ được xây dựng bên bờ vàm Nhựt Tảo.
Ngôi nhà 120 cột thuộc xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, cách thị xã Tân An khoảng 50 km (31 dặm). Ngôi nhà làm bằng gỗ quí (cẩm lai, gõ đỏ), được xây dựng trên 100 năm với vẻ rêu phong cổ kính, với kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh vi trong trang trí nội thất từ những bàn tay khéo léo, điêu luyện của 15 người thợ tài hoa ở miền bắc vào. Hoa văn ở đầu kèo, đầu cột làm cho người thăm có cảm giác như đang đứng giữa một khu rừng đầy hoa lá, cỏ cây, chim muông...
Cụm di tích kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ Bình Tả (gồm Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước) cách thị xã Tân An khoảng 40 km (25 dặm) về phía đông bắc, tại ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Đây là quần thể di tích văn hoá Óc Eo - văn hoá Phù Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở An Sơn(đông bắc tỉnh này) các di chỉ hậu kỳ đồ đá mới cách đây 3.000 năm và Rạch Núi đông nam tỉnh di chỉ đồ sắt cách đây 2.700 năm. Đáng chú ý là trên địa bàn Long An có tới 100 di tích văn hoá Óc Eo với 12.000 hiện vật.
Chùa Linh Sơn (chùa Núi): Chùa nằm trên khu di chỉ khảo cổ Rạch Núi. Chùa do hòa thượng Minh Nghĩa khai sáng vào giữa thế kỷ 19. Chùa được trùng tu sửa chữa vào các năm 1926, 1970 và 1988. Kiến trúc ngôi chính điện hiện nay do hòa thượng Thiên Lợi sửa chữa năm 1970. Trong chùa còn lưu giữ trên 100 bức tượng, trong đó có nhiều pho tượng cổ bằng gỗ quí như tượng cổ Tiêu Diện, cao 0,40 m (1,2 ft). Ngoài ra trong khuôn viên chùa có tháp hòa thượng Quảng Trí và hòa thượng Thiện Lợi.
Nhà bảo tàng Long An: ở ngay trung tâm thị xã Tân An, thuộc phường 4, trưng bày nhiều cổ vật quí hiếm có ý nghĩa văn hóa nghệ thuật, trong đó có nhiều hiện vật được khai quật từ các di chỉ văn hóa tại địa phương. Đến tham quan phòng trưng bày mỹ nghệ mỹ thuật truyền thống của Bảo tàng tỉnh Long An, du khách gần xa đều thích chiêm ngưỡng tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát) - một hiện vật chạm khắc gỗ độc đáo được các nghệ nhân tỉnh nhà sao chép từ tượng nguyên bản ở Chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc).
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười: Ngược dòng sông Vàm Cỏ Tây, thuyền du lịch sẽ đưa du khách đến trung tâm Đồng Tháp Mười, vùng du lịch sinh thái đặc trưng của vùng đất trũng Nam Bộ, cách Tân An khoảng 50 km (31 miles) thuộc các huyện Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa và Tân Thạnh. Đến đây du khách tận mắt nhìn thấy những cánh rừng tràm bạt ngàn, thoang thoảng hương thơm với từng đàn ong mật lượn quanh, những cánh đồng sen rộng lớn với muôn vàn đóa hoa sen khoe sắc dưới ánh nắng. Có nhiều loại động vật quí hiếm đang được bảo vệ tại vùng Đồng Tháp Mười như: Cò, Sếu đỏ, Rùa, Rắn... làm tăng vẻ đẹp vùng sinh thái. Đặc biệt khách có thể thưởng thức các món ăn Nam Bộ như canh chua bông điên điển, gỏi ngó sen, cá lóc nướng trui chấm muối ớt với vài ly rượu đế đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ.
Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa, tọa lạc tại xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cách biên giới Việt Nam- Campuchia khoảng 2 km. Qua khai quật phát hiện và thu thập những hiện vật, có thể xác định Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa thuộc văn hóa Óc Eo ở vùng Đồng Tháp Mười.
Cụm vườn Thanh Long (Châu Thành): Khoảng 5km (3 miles) xuôi về phía Nam thị xã Tân An là huyện Châu Thành, huyện nổi tiếng về trái thanh long và dưa hấu. Thanh long là loại trái cây đặc sản được trồng phổ biến ở vùng này, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Cành Thanh long được thả leo trên cây dông uốn mình như những con rồng xanh ngậm quả chín mọng đỏ rất hấp dẫn khách tham quan và thưởng thức nét đẹp của vườn cây, vị ngọt mát của loại trái cây này. Châu Thành cũng là nơi sản xuất rất nhiều giống lúa đặc sản như: Tài Nguyên, Nàng Thơm, Nếp ngắn ngày, v.v... với năng suất rất cao khoảng 7-8 tấn/ha.
Châu Thành còn có lễ làm Chay hay còn gọi là lễ hội rước Ông Tiêu diễn ra hàng năm vào ngày 16 tháng giêng âm lịch. Tục truyền rằng xưa kia dân làng thường hay bị thiên tai, mất mùa, con người sống không yên. Các người già ở Thị Trấn Tầm Vu xa xưa đã bài cúng những vị thần như Thần Hiệp Thạnh, Thần Dương Xuân Hội nên cuộc sống Huyện Châu Thành ngày càng tốt hơn.
Trong lễ hội này, người Tầm Vu làm một Ông Tiêu cao to trên ngôi đình, làm thuyền rồng dưới sông, các trò chơi dân gian như đập nồi, kéo co, lội bắt vịt trên sông làm cho ngày hội càng thêm rộn ràng vui tươi.
Vườn hoa kiểng Thanh Tâm: Vườn hoa nằm tại trung tâm thị xã Tân An, là vườn hoa cây kiểng bon sai nhiều loại, có loại trên 100 tuổi. Nhiều loại cây đạt huy chương vàng hội chợ hoa xuân các tỉnh phía Nam. Với tài nghệ của các nghệ nhân, các kỳ quan thế giới được thu nhỏ trong vườn: núi Phú Sĩ, đền Angco, Kim Tự Tháp, thành nội Huế... Thị xã Tân An là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An. Thành phố vừa nằm trên trục phát triển của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngõ kinh tế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có trục giao thông chính thủy bộ chạy qua trung tâm là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62 và sông Vàm Cỏ Tây.
Huyện Cần Đước nằm ở phía nam tỉnh Long An. Cần Đước vốn là tên gọi một làng nhỏ nằm ở mũi đất giao nhau giữa rạch Mương ông Quỳnh và rạch bến Bà. Phần đất huyện Cần Đước thuộc dinh Phiên Trấn (1698), rồi trấn Phiên An (1808), năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Cần Đước thuộc huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Đến năm 1867, Cần Đước mới là một huyện của phủ Phước Lộc, Năm 1871, phủ Phước Lộc sáp nhập vào tỉnh Chợ Lớn. Nằm giữa Gò Công-Cần Giuộc-Sài Gòn, lại là vùng giàu có về lúa gạo, Cần Đước được xem là một trong những địa bàn chủ yếu của nghĩa quân Trương Định. Trong hàng ngũ nghĩa quân đã xuất hiện những lãnh tụ người Cần Đước, như Thống binh Bùi Quang Diệu (quản Là), người chỉ huy đánh trận Cần Giuộc nổi tiếng, hay tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiến, một lãnh tụ nghĩa binh khác hoạt động tại Cần Đước, về sau bị Pháp bắt xử chém. Cần Đước cũng là nơi bổ sung lực lượng cho cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực. Đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước của nhân dân Cần Đước lại phát triển sôi nổi qua hoạt động của tổ chức Thiên Địa Hội, hội kín Nguyễn An Ninh lan ra đều khắp các xã.Cần Đước cũng được xem là một trong nhừng cái nôi của đờn ca tài tử, hiện ở đình Vạn Phước có thờ linh vị của ông Nguyễn Quang Đại - một nhạc quan triều đình nhà Nguyễn, trên đường xuôi Nam đã dừng chân tại Cần Đước chỉnh lý, sáng tác các bài bản tổ của nhạc lễ, nhạc tài tử và truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò lưu truyền các đời sau như nhạc Giai, nhạc Láo nổi tiếng... thành ngữ phổ biến ở lục tỉnh nam kỳ "Đờn nhứt xứ, võ vô địch" là để xưng tụng người Cần Đước xưa hào hoa và nghĩa hiệp.
Ngoài ra, Cần Đước còn có các nghề thủ công như dệt chiếu ở Long Cang, Long Định, chạm bạc ở Phước Vân, chạm gỗ ở Tân Lân, đóng ghe ở Long Hựu, Tân Chánh. Cho đến ngày nay những nghề thủ công trên vẫn được bảo tồn còn có bước sáng tạo, làm ra nhiều sản phẩm thủ công xuất khẩu,mới đây, một nhóm thợ đóng ghe Cần Đước được mời sang Nam Hàn làm chuyên gia đóng tàu gỗ nhỏ.
Có dịp xuôi dòng kinh Trà Cú, đến vàm Rạch Cây Gáo, du khách sẽ nhìn thấy một ngôi đình cổ nằm soi bóng bên dòng nước - đó là đình Vĩnh Phong, nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa, người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ tạo nên sự phồn thịnh của Thị trấn Thủ Thừa ngày nay. Đến với đình Vĩnh Phong, chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân thời trước, hiểu thêm về những đóng góp lớn lao của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta, nhất là con kênh Thủ Thừa nối liền 2 nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Tây dài hơn 9 km. Thơm (khóm, dứa), dưa gang, dưa hấu và mía ở Thủ Thừa và Bến Lức có tiếng. Mới đây, nghe nói công ty Hyoil (Hàn Quốc) đầu tư dự án sân golf 36 lỗ và khu nghỉ dưỡng Long An trên diện tích 280 ha thuộc xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, nằm bên sông Vàm Cỏ Tây, cách thị xã Tân An 7 km trên đường về Đồng Tháp Mười. Ngày 13.1.2004, cảng Bourbon Bến Lức do tập đoàn Bourbon đầu tư đã chính thức được đưa vào sử dụng và khai thác.Trong khi đó, 20km quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Long An (km1925 - km1945) xuất hiện không dưới 100 cái "ao" khổng lồ ở cả hai bên đường. Quan trọng hơn là 2 cây cầu Bến Lức và cầu Tân An có thể sập bất cứ lúc nào thì chưa biết bao giờ Bộ Giao Thông Vận Tải và Cục Đường bộ mới cho tu sửa? Cả 2 cầu này đều nằm trên tuyến đường huyết mạch nối Sài Gòn với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với lưu lượng xe rất lớn, ước tính khoảng 40 ngàn lượt xe hơi mỗi ngày.
Tân Thạnh là một huyện phía tây của tỉnh Long An, có diện tích trồng tràm lớn nhất tỉnh.
Ngã tư Đức Hòa tọa lạc tại trung tâm thị trấn Đức Hòa, được tạo thành bởi sự giao nhau của hai con lộ 9 và 10, cách Saigon khoảng 22 km và cách thị xã Tân An hơn 40 km về hướng Nam. Tại đây, vào ngày 4/6/1930, dưới sự lãnh đạo của Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần, khoảng 5000 dân các xã trong huyện đã biểu tình đòi quyền dân sinh dân chủ, chống sưu cao thuế nặng, chống lính vào làng đàn áp dân, đã châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940-1941 sau khi Châu Văn Liêm bị cò Dreuil rút súng lục bắn trúng vào giữa ngực.
Đức Hoà và Đức Huệ là 2 huyện phía bắc tỉnh Long An, giáp vùng "Mỏ Vẹt" của Campuchia nên trước 75 thường "mất an ninh" vì là "ổ VC" do nằm trên đường chuyển quân của VC từ Campuchia qua Hậu Nghĩa vào Long An hay Saigon. 2 quận này còn là đường buôn lậu quan trọng. Bởi vậy, ở ngã Tư Rạch Kiến (giao lộ 18 và 19) tại trung tâm xã Long Hòa, huyện Cần Đước trước 1975 có những sân bay dã chiến, bãi pháo binh, câu lạc bộ sĩ quan trong khu căn cứ Rạch Kiến (Mỹ) bố trí dọc 2 bên lộ 18 (nay là tỉnh lộ 826) từ Long Hòa đến Cầu Đồn (Tân Trạch) hình thành tuyến phòng thủ Vành đai Nam Sài Gòn giữa Cát Lái - Nhà Bè với Bình Đức - Mỹ Tho. Khu vực chính nằm ở hướng Đông Ngã Tư Rạch Kiến gồm hơn 20 doanh trại, phía Tây là trận địa pháo binh, phía Bắc là sân bay dã chiến. Khu căn cứ được phòng thủ bằng 6 lớp rào đủ loại xen kẻ với 3 tuyến bãi mìn claymore. Toàn bộ khu căn cứ chiếm diện tích khoảng 160.000 m2. Về mặt qui mô, căn cứ Rạch Kiến không thua gì căn cứ Đồng Dù của sư đoàn 25 Mỹ ở Bắc Sài Gòn.
Ngoài ra, Long An còn có các lễ hội như lễ Kỳ Yên, lễ cầu mưa, lễ tống phong với nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co, đánh vật, có khả năng thu hút được nhiều khách du lịch.
Các nghề thủ công truyền thống của tỉnh như nghề chạm gỗ (Cần Đước, Bến Lức), nghề kim hoàn (Phước Vân), nghề đóng ghe (Cần Đước)…cũng là nguồn thu hút khách du lịch lớn. Đây là những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, rất có ý nghĩa trong việc định hướng khai thác và quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Gạch Đồng Tâm Long An, Công ty Thuốc lá Long An hiện là 2 công ty "chủ lực" của Long An.
Dọc theo tuyến biên giới ở Long An, hiện nay có 5 cửa khẩu, bao gồm: cửa khẩu Tho Mo - Đức Huệ, cửa khẩu Bình Hiệp – Mộc Hoá, cửa khẩu Vàm Đồn – Vĩnh Hưng, cửa khẩu Kênh 28 – Vĩnh Hưng. Ngoài ra, còn có 5 điểm trao đổi hàng hoá khác như Voi Đình, Dóc Đinh thuộc huyện Đức Huệ, Tà Lọt thuộc huyện Mộc Hoá, Rạch Chanh, Tàu Nu, Cây Trâm Dồ thuộc huyện Vĩnh Hưng.
Thể thao Long An có Câu lạc bộ bóng đá Đồng Tâm Long An - 1 trong "Tứ đại gia" ở giải V-League cùng với Bình Dương, Đà Nẵng và Hoàng Anh Gia Lai.
32 năm qua, Long An có nhiều thay đổi so với những ngày đầu sau 30/4/75 nhưng tôi thấy vẫn chỉ quanh quẩn các cơ quan nhà nước và vài doanh nghiệp lớn chứ nhìn chung, đời sống người dân Long An còn nhiều khó khăn quá, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn nhiều.(10-2007)
No comments:
Post a Comment