Friday, August 26, 2011

Cần Thơ

"Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thì không muốn về."

Cầu Cần Thơ đã khởi công được một số trụ và đường dẫn khiến tôi hy vọng năm 2008 sẽ được về tham dự lễ khánh thành cây cầu dây văng thứ 2 của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng ngay sáng 26/9, 3 trụ giàn giáo cùng 2 nhịp cầu Cần Thơ đang thi công bất ngờ sập xuống. Đến sáng 27/9 xác định được 54 nạn nhân thiệt mạng, 181 người bị thương. Chưa thể xác định số còn bị vùi trong đống đổ nát. Tai nạn thảm khốc xảy ra thật bất ngờ cho người dân nghèo quê tôi khiến tôi cảm thấy bàng hoàng. Tôi vẫn mong ước sao vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngày càng khá hơn. Lần nào về Việt Nam, tôi cũng ghé thăm Cần Thơ với mong ước sẽ góp phần xây dựng Cần Thơ thành một trong những "đòn bẩy" chính để vực dậy vùng ÐBSCL.Cần Thơ bây giờ là 1 thành phố trực thuộc trung ương, đường phố mở rộng, đón gió lành lẫn gió độc từ muôn phương thổi về đây.
Cần Thơ nằm trên bờ phải sông Hậu, cách Saigon 169 km về phía tây nam. Từ Saigon, từ Vĩnh Long qua bắc Cần Thơ sẽ đến thành phố CầnThơ. Cần Thơ vốn là đất cũ tỉnh An Giang thời Lục tỉnh của nhà Nguyễn. Khi người Pháp chiếm Miền Tây Nam kỳ (1867) thì tỉnh An Giang bị cắt thành sáu tỉnh nhỏ: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Năm 1957, dưới thời Đệ nhất Cộng hòa tỉnh có tên là Phong Dinh. Năm 1976, VC đổi lại là tỉnh Hậu Giang, gồm ba tỉnh: Phong Dinh, Chương Thiện (Thị xã Vị Thanh) và tỉnh Ba Xuyên (Sóc Trăng) của Việt Nam Cộng hoà. Cuối năm 1991, tỉnh Hậu Giang lại chia thành hai tỉnh: Cần Thơ và Sóc Trăng. Ngày 1 tháng 1 năm 2004, tỉnh Cần Thơ được chia thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang ngày nay là Chương Thiện cũ và phần còn lại của tỉnh Hậu Giang. Vì là thành phố lớn nhất Miền Tây Lục tỉnh, thành phố Cần Thơ được mệnh danh là "Tây Đô"(thủ đô của miền Tây).
Thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương có diện tích là 138.959,99 ha và dân số là 1.112.121 người. Về Cần Thơ bây giờ thấy mọi thứ thay đổi thật nhanh, có cả những điều bất ngờ. Nhà xe Tô Châu đã xây lại, sức chứa trên ngàn người như một trung tâm thương mại. Đường phố trung tâm nội ô tương đối sạch đẹp và rộng rãi hơn, nhiều khu đô thị mới phát triển nhưng các vùng ven như Cái Sắn, Cái Răng.... thì vẫn còn tệ lắm !
Sau hơn 120 năm phát triển, thành phố đang là trung tâm quan trọng nhất của vùng đồng bằng sông Cửu Long về kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Cần Thơ nằm trên trục giao thông đường bộ chính là quốc lộ 4 cũ của miền Tây Nam Việt nên xe cộ các loại qua lại nườm nượp khiến kinh tế cũng khá hơn các tỉnh khác. Bây giờ đi từ Saigon xuống Cần Thơ bằng xe đò tốc hành có máy lạnh cũng thoải mái hơn xưa. Ði dạo Cần thơ, tôi thích đi xe ôm hơn cho dù Cần Thơ có 2 công ty taxi(Mai linh và Vip taxi) và 4 công ty xe khách chất lượng cao đang hoạt động (Mai linh Express,Hải cường,sài gòn,tô châu). Trước đây, trong nội ô còn có một phương tiện đặc trưng của vùng là xe lôi nhưng nay do mật độ phương tiện khá cao nên xe lôi bị hạn chế hoạt động vào những giờ nhất định tại một số khu vực của Thành phố.
TP Cần Thơ nằm bên bờ phía nam sông Hậu, một bộ phận của sông Mê Kông chảy qua 6 quốc gia, đặc biệt là phần trung và hạ lưu chảy qua Lào, Thái Lan và Campuchia nên tàu bè đi lại trên sông cũng tấp nập. Các tàu có trọng tải lớn (trên 1.000 tấn) có thể đi các nước và đến thành phố Cần Thơ dễ dàng.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long c
ó nhiu sông rch và kênh đào xuôi dc dày đc như mng nhn. Nhiu con kênh xuôi như kênh Ô Môn, Th Đi, Xà No, Cái Ln, Long Mỹ, Quan L- Phụng Hiệp... Nhiu con kênh ngang như cây cu bc ngang từ kênh xuôi này qua kênh xuôi kia. Ngoài ra, tuyến Cần Thơ - Xà No - Cái Tư là cầu nối quan trọng giữa Saigon, tỉnh Hậu Giang và Cà Mau.
Thành phố Cần Thơ có 3 bến cảng:
- Cảng Cần Thơ: Diện tích 60.000 m², có thể tiếp nhận tàu biển 10.000 tấn.
- Cảng Trà Nóc: Có diện tích 16 ha, cảng có 3 kho chứa lớn với dung lượng 40.000 tấn. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng có thể đạt đến 200.000 tấn/năm.
- Cảng Cái Cui: Có thể phục vụ cho tàu từ 10.000-20.000 tấn, khối lượng hàng hóa thông qua cảng là 4,2 triệu tấn/năm.
Thành phố Cần Thơ có sân bay Trà Nóc là sân bay lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sân bay hiện đang được thi công cải tạo để đến năm 2008 sẽ trở thành sân bay quốc tế.
Thành phố Cần Thơ có nhà máy nhiệt điện Cần Thơ có công suất 200 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện tại, đang xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn có công suất giai đoạn đầu là 600 MW, sau đó sẽ được nâng cấp lên 1.200 MW. Dự án đường ống dẫn khí Lô B (ngoài khơi biển Tây) - Ô Môn đưa khí vào cung cấp cho Trung tâm điện lực Ô Môn (tổng công suất dự kiến lên đến 2600 MW) đang được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai, dự kiến hoàn thành năm 2009. Đến thời điểm đó, Cần Thơ sẽ là một trong những trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam.
Thành phố Cần Thơ có 2 nhà máy cấp nước sạch có công suất 70.000 m³/ngày đêm, và dự kiến xây dựng thêm một số nhà máy để có thể cung cấp nước sạch 200.000 m³/ngày đêm.
Cây nông nghiệp chính của Cần Thơ là lúa. Sản lượng lúa tại Cần Thơ là 1.194,7 tấn. Ngoài ra có một số cây hoa màu khác nhưng sản lượng không đáng kể.
Ngành chăn nuôi ở Cần Thơ chủ yếu là nuôi heo và gia cầm. Số lượng heo là 149,3 ngàn con, số lượng gia cầm là 1553 ngàn con. Các gia súc khác như trâu bò chiếm số lượng không nhiều.
Ngành thủy sản ở Cần Thơ chủ yếu là nuôi trồng.
Công nghiệp Cần Thơ về cơ bản đã xây dựng được nhiều cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các đối tác nước ngoài tác nhập; điển hình là 2 khu công nghiệp tại Trà Nóc trực thuộc quận Bình Thủy và trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ cũng là một trong những dự án được Thành phố quan tâm đầu tư phát triển. Hầu hết dịch vụ mở ra là để phục vụ du lịch sức mua của dân vẫn còn thấp; đa số là lớp trẻ và thiểu số có tiền, mặt khác là nhờ Việt Kiều và khách nước ngoài về đây du lịch hay làm ăn. Du lịch sinh thái là đặc sản của Cần Thơ với nhiều món ăn ngon chứ thực ra Cần Thơ chẳng có "danh lam thắng cảnh" nào hấp dẫn du khách.
Cần Thơ có các trường đại học: trường Đại học Cần Thơ, trường đại học Y Dược Cần Thơ, Trường Đại học Dân lập Tây Đô và trung tâm Đại học Tại chức. Các trường cao đẳng và trường trung học chuyên nghiệp: trường Cao đẳng Cần Thơ, trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại, trường Trung học Y tế, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật.Trường Cao đẳng nghề. Thẳng thắn mà nói, đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường này vừa mỏng (vẫn phải mời thầy cô từ các trường ở Saigon và các nơi khác đến dạy vì các thầy cô tại chổ vẫn thiếu hụt trầm trọng) lại vừa yếu kém về trình độ chuyên môn lẫn khả năng giảng dạy/ sư phạm. Lớp trẻ từ nước ngoài về hiện là niềm hy vọng lớn nhất để chuẩn bị thay cho lớp già về hưu. Một số "thỉnh giảng" là người nước ngoài "tự nguyện" (volunteer) tham gia giảng dạy (chủ yếu là ngoại ngữ) với tư cách "khách mời" (visiting professor). Trang thiết bị và phương tiện/ đồ dùng dạy học cũng thiếu. Trình độ và thái độ học tập của sinh viên hôm nay cũng khác xưa nhiều. Dù chương trình dạy và học có thay đổi; nhất là khi áp dụng hệ thống tín chỉ (unit/ credit) như Mỹ và xài internet nhưng rõ ràng là vẫn có nhiều hạn chế nhất định do cơ chế, xã hội và tình hình chung của nền giáo dục trong nước. So với các trường đại học ở các địa phương khác thì ÐH Cần Thơ tương đối thoải mái và cởi mở hơn nhiều, từ Ban Giám Hiệu cho đến các thầy cô .
Các trường phổ thông trung học: Trường PTTH chuyên Lý Tự Trọng,Trường THPT Phan ngọc Hiển... Trường trung học Phan Thanh Giản trước là Collège de Cần Thơ ra đời năm 1917, tháng 8-1945 chính thức mang tên Trung học Phan Thanh Giản. Từ 1975 - 1983, trường tách làm hai, học sinh cấp ba ở khu mới tên là trường Đoàn Thị Điểm, học sinh cấp hai học ở địa điểm cũ mang tên An Cư I mà nay là Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Năm 1983: trường cấp ba trở lại khu vực hiện nay. Năm 1985, mở thêm phân hiệu Hưng Phú gồm 4 lớp.Tháng 11-1995, trường chính thức bị đổi thành Châu Văn Liêm. Trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ là 2 trường lâu đời nhất và là nơi đào tạo khá nhiều nhân tài cho miền Nam (như hc gi H Hu Tường, GS Nguyễn Văn Trường, GS Nguyễn Trung Quân, GS Nguyễn Văn Kiết (MTGPMN), nhà văn Nguyễn Văn Ba, etc...). Có thể nói trường Phan Thanh Giản trước 1975 đã giữ một vai trò quan trọng trong sinh hoạt thành phố Cần Thơ, từng thôi thúc việc thành lập Viện Ðại Học Cần Thơ với tờ báo Tiếng Gọi Miền Tây. Ðường Pasteur, Võ Tánh, Ngô Quyn, Phan Thanh Giản, Hoà Bình, Minh Mng... bây gi có nhiu nhà lu, hàng quán hơn, kéo dài đến khu B Tư Lnh Quân Ðoàn 4 cũ.
Về nghiên cứu thì có Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Cần Thơ có một số bệnh viện như Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ vừa xây xong đã phải đón nhận hàng trăm nạn nhân vụ cầu Cần Thơ. Các Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ, Bệnh viện Mắt-RHM, Bệnh viện y học cổ truyền Cần Thơ, Trung tâm chẩn đoán Y khoa Cần Thơ, Trung tâm Chống lao-phổi Cần Thơ, Trung tâm Da liễu Cần Thơ, Trung tâm tâm thần Cần Thơ, các bệnh viện thuộc các quận, huyện và Trung tâm phòng chống HIV/AIDS là một dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ.
Từ xưa đã nghe nhiều người ca tụng:"Cần Thơ ai dệt nên thơ", câu ca cho thấy nét trữ tình của vùng đất này đã khiến nhiều nhà thơ, nhạc sĩ sáng tác những bài thơ, ca khúc hay về Cần Thơ được nhiều người biết tới: Qua bến Ninh Kiều, Chiếc áo bà ba, Đàn sáo Hậu Giang... nhưng về Cần Thơ hôm nay thì tôi chỉ thấy cái đáng mến của người dân quê, chỉ mê các món ăn chứ chẳng thấy cái gì thật sự nổi bật? Các địa danh xưa thường nghe nói đến như Chợ Tham Tướng, cầu Tham Tướng, cầu Đầu Sấu, chợ nổi ngã 7 Phụng Hiệp... bây giờ đến coi mới biết cũng chẳng có gì độc đáo?
Hiện tại TP Cần Thơ có một số kênh truyền thông, phát sóng trong liên tục 24 giờ 7 ngày/tuần, bao gồm: Đài Phát thanh Truyền hình thành phố Cần Thơ, CVTV - Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ, Truyền hình cáp Tây Đô (Tây Đô CaTV), Truyền hình vệ tinh DTH (direct-to-home), Đài Phát thanh thành phố Cần Thơ, các đài truyền thanh ở các quận, huyện chỉ làm nhiệm vụ thông tin,tuyên truyền hay tiếp vận từ các đài khác mà không có chương trình thật sự hấp dẫn, phản ảnh nét riêng độc đáo của Cần thơ
Cần Thơ có sân vận động lớn nhất Việt Nam (hơn cả sân Mỹ Đình - 4 vạn chỗ ngồi), có thể chứa 50.000 người nhưng đội banh của Cần Thơ quá yếu nên thay vì tổ chức đá banh thì sân vận động lại tổ chức đua xe môtô và đây là môn thể thao được người dân Cần Thơ và các tỉnh lân cận ưa thích. Một năm thường tổ chức 3 lần đua là vào ngày mùng 4 Tết, ngày 30-4 và ngày 2-9. Hiện nay, đội bóng đá Cần Thơ đang đá ở giải hạng nhất Quốc gia.
Tản mạn du lịch Cần Thơ:
Buổi sáng ở Cần Thơ, thú vị nhất vẫn là ...xơi một tô hủ tiếu Tiều, nhâm nhi ly cà phê sữa đá và đón nắng gió sớm đến trên dòng sông Hậu hiền hòa. Sau đó, thuê một chiếc ghe máy nho nhỏ, vừa đủ chở hai người đi chợ nổi Cái Răng. Ngày xưa, Cần Thơ có chợ nổi ngã 7 Phụng Hiệp lớn & nổi tiếng nhất miền Tây nhưng bây giờ du khách ưa ghé qua hai chợ nổi là Phong Điền và Cái Răng cho dù so với chợ nổi Cái Bè thì ngày càng ...lép vế. Muốn đi chợ nổi Phong Điền phải đi thật sớm, chợ họp sớm và tan sớm. Đa phần mọi người đi Cái Răng, nơi đây họp trễ hơn, phù hợp cho những lữ khách thích ngủ nướng. Chợ nổi là một đặc trưng dễ thương của miền Tây, các ghe thuyền neo đậu lại để buôn bán (thông thường là bán sỉ nhưng cũng có một số món dành cho du khách: khóm, mía, dưa hấu...). Đặc biệt, do khó nhìn biết ghe nào bán món gì, mọi người thường treo tất cả những món mà mình có bán lên trên một cây sào trước mũi ghe gọi là "cây bẹo", trông rất vui mắt! Ở chợ nổi Cái Răng, mọi thứ được bày bán đều tươi xanh roi rói, giá thì rẻ… khỏi chê! Những ghe dưa hấu vừa mới được cắt khỏi liếp vườn xanh mướt, ghe nào ghe nấy chở khẳm lừ, những bó hành tím, rau cải, ớt, tỏi... được các bạn hàng tỉ mỉ buộc chặt lại từng chùm trông thấy mà mê.
Rời chợ nổi Cái Răng, chúng tôi tiếp tục thẳng tiến đến chợ nổi Phong Điền. So với chợ nổi Cái Răng, dân thương hồ tập trung về đây buôn bán không nhiều nhưng không khí sôi nổi, sung túc vẫn không thua kém là mấy. Vẫn là những tiếng rao inh ỏi, trả giá giữa người mua và người bán vang rền trên cả một khúc sông.
Dập dềnh trên sông nước, tàu bè qua lại tấp nập, nhìn về phía thành phố mới thấy rõ đặc trưng của vùng sông nước. Những căn nhà ven sông cũng coi như có hai mặt tiền, một phía đường bộ, một phía là đường sông. Trên đường đi, cô lái đò có ghé cho xem những bè cá, ở bên trên là một chiếc ghe bình thường, thân dưới ngập nước sâu, chuyên để nuôi cái loại cá bè thông dụng: cá lóc, điêu hồng, cá basa...
Quay về được tới bến Ninh Kiều thì trời đã trưa, thời tiết nóng bức và nắng gắt đến hoa cả mắt.
"Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân"
Đã từ lâu, người Cần Thơ luôn tự hào và kiêu hãnh mỗi khi nhắc đến Ninh Kiều - nơi bờ sông nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng. Công viên Ninh Kiều với nhiều loại cây kiểng, hoa đẹp kéo dài từ vàm rạch Cái Khế đến tận nhà lồng chợ cổ vừa mới trùng tu. Bến Ninh Kiều nằm ngay ngã 3 giữa sông Hậu và sông Cần Thơ. Ninh Kiều nay đã khác xưa nhiều lắm, không còn cảnh trên bến dưới thuyền, từ khi bến sông được tôn tạo thành công viên và chợ đã được di dời. Nhiều người Cần Thơ hầu như đã lãng quên cái tên từng một thời đi vào thơ nhạc như một “đặc sản” của vùng đồng bằng Nam bộ. Cái duy nhất còn lại như một nhắc nhở, vừa là điểm nhấn cho Ninh Kiều là ngôi chợ cổ, nhiều người còn gọi là "nhà lồng chợ" đã tồn tại hơn 100 năm. May mắn hơn số phận của hàng trăm ngôi nhà lồng chợ anh em cùng thời khắp đồng bằng châu thổ sông Cửu Long trong vòng mấy chục năm qua đã bị khai tử và thay thế bằng kiến trúc kiểu hình hộp kín bưng, nặng nề... Từ năm 2005, nhà lồng chợ Cần Thơ đã được trùng tu, khôi phục nguyên dạng như nó vốn có là kiểu kiến trúc thời thuộc Pháp với trần cong xương cá, mái ngói âm dương, chóp lợp ngói lưu ly... và không gian mở tối đa, hài hoà với đặc trưng của vùng sông nước. Chợ có tổng diện tích 1.723m2 hình chữ nhật, hai mặt chính, một mặt hướng ra sông và một mặt hướng thẳng ra con đường thiên đạo ngày xưa mà những người khai phá đã đặt viên gạch đầu tiên tạo nên đất Cần Thơ. Hiện nay, các lô sạp đang được sắp xếp lại thông thoáng để tạo sự thân thiện tối đa, nhiều hàng hoá đặc sản được đưa vào bán như nếp thơm, gạo nàng hương, lụa Tân Châu... Ngôi chợ cổ đang được xem như một điểm đến để thu hút khách du lịch, nằm trong chu trình du lịch sinh thái kết hợp với tham quan mua sắm, ẩm thực. Để nhà lồng chợ Cần Thơ thực sự là một điểm nhấn du lịch, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn như phải thay đổi cả không gian kinh doanh và thói quen sinh hoạt của những người dân xung quanh...
Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng những event du lịch ẩm thực bằng hình thức khôi phục lại cảnh quan trên bến dưới thuyền như một nét văn hoá đặc thù của vùng sông nước Nam bộ, để chợ không chỉ là chợ mà còn là một nơi để tìm về.
Ngày xưa, bến Ninh Kiều là một địa điểm mà du khách hay tìm đến nhất khi đến Cần Thơ. Nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Trước đây, trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gần bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ. Cảng này có khả năng tiếp nhận trọng tải 5.000 tấn. Gần bến Ninh Kiều còn có chợ Cần Thơ - một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây và khu căn c hi quân (VNCH) vùng 4 cũ.
Ngược dòng thời gian, bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô.
Con đường Hai Bà Trưng hiện nay trước đây là đường Lê Lợi, chạy dọc bờ sông Hậu, cây cối sầm uất (thời Pháp cai trị đặt tên "Le quai de Commerce", nhân dân gọi là bến Hàng Dương hay là bến Lê Lợi). Năm 1958, bến sông và công viên nằm cạnh con đường Lê Lợi được đặt tên bằng một trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn là Ninh Kiều. Đứng trên bến Ninh Kiều, nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lao mập mờ cây lá, tạo cho ta niềm rung cảm dạt dào. Ngược lại, nếu đứng từ bên kia Xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố sá rực rỡ ánh đèn soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp lánh như rắc ánh vàng thật lung linh tuyệt đẹp giữa trời nước bao la, không khí trong lành nhờ cơn gió từ dòng Hậu Giang đưa vào. Đến bến Ninh Kiều, du khách còn có thể tham quan các nhà hàng thuỷ tạ, chợ nổi trên sông, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản, vừa ngắm dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng,Nam Bộ. Ngày xưa khi qua bến Ninh Kiều, món ăn ngon nổi tiếng ở đây là món vịt nấu chao với khoai môn theo kiểu Tiều. Món cháo lòng, hủ tíu bò viên, nhiều món ăn của người Tiều ở đây ngon lắm.
Khu du lịch sinh thái Phù Sa nằm ở cồn Ấu - Cần Thơ, là khu mới mở, nằm đối diện bến Ninh Kiều, tập trung cũng khá đông du khách và khách địa phương. Mất 20 ngàn tiền đò qua sông, 15 ngàn vé vào cổng (vòng về miễn phí) là mọi người có thể nghỉ trưa thoải mái. Bãi bồi cồn Ấu có diện tích khoảng 30ha. Ở giữa cồn hiện là một phần của chiếc cầu Cần Thơ (một trong 2 mố cầu nằm trên cồn Ấu).
Rừng bần là nét đặc trưng của nhiều cồn nổi trên sông Hậu, trong đó có cồn Ấu. Cồn Ấu hội tụ nhiều đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long, vì thế, Công ty Cataco (công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ) quyết định đầu tư để biến vùng đất này thành khu du lịch sinh thái đặc trưng của đồng bằng.
Ấn tượng đầu tiên của du khách đến đây là việc đi xuồng và nhập vai thành những người dân chài, dân câu bình dị, mộc mạc. Những trái bần chín trên cây sẽ được nhân viên nhà hàng chế biến thành món ăn đặc sản là canh chua bần hay món cá rô kho bần rất độc đáo.Trong khu du lịch có 1 hồ nuôi cá sấu rộng 1 ha, du khách có thể câu cá sấu giải trí. Đặc biệt, tại đây còn có hồ bơi thiên nhiên, nằm ven sông Hậu, có nhiều trò chơi như lướt ván trên sông Hậu cũng được đầu tư để phục vụ du khách. Tại đây cũng có phòng nghỉ riêng biệt (giống resort) cho cả gia đình. Khu du lịch rộng, có sân chơi, nơi cắm trại, ăn uống, có vườn cây, ao cá sấu, bơi thuyền, vườn chim...khá thú vị nhưng vẫn còn thua các khu du lịch nổi tiếng như Bình Châu hay Giang Điền. Thú vị nhất là trong trưa nắng, ngồi dưới bóng mát gốc xoài và so đũa, thưởng thức những món đặc sản miền Tây như "tứ bửu" (cá lóc nướng trui, tôm hấp, thịt heo luộc và mắm cá lóc). Tất cả quấn bánh tráng rau sống, chấm với nước mắm me chua ngọt và ...chai Heineken ! Tiếc là không thể nào cho thêm vào bụng món Lẩu bần dù đã kêu ra tới nơi rồi. Nghe thiên hạ đồn rằng nêm nước bằng trái bần sẽ cho vị chua đặc biệt, rất thanh, khác hoàn toàn với nêm bằng me hay mẽ. Sau một buổi trưa no say và nóng nực, buổi chiều ngắm thành phố lên đèn trên tầng một nhà hàng Nam bộ, đối diện bến tàu Cần Thơ. Ngắm nhìn cuộc sống trôi qua dưới chân và lắng nghe âm thanh phố phường, đặc biệt là tiếng máy tàu "phành phành" đặc trưng của vùng sông nước là điều thú vị. Dù mang tên Nam bộ nhưng quán toàn là khách Tây, uống bia Cần Thơ và cố giải thích cho hai vợ chồng Na Uy tại sao HCM chưa bao giờ đặt chân đến bến Ninh Kiều mà lại có tượng ở đây. Khó thật !
Từ nhà hàng Nam bộ cũng thấy chợ Vòm lên đèn và con phố nho nhỏ bên dưới. Ở Cần Thơ ăn uống là sướng nhất vì có nhiều món lạ. Kêu đồ ăn ra mà chỉ đành nhìn thiên hạ thưởng thức chứ không còn bụng nào chứa nỗi nữa, như: nem cá cơm, chim đồng, bò đốt, nấm mối, gà nướng đất sét, ốc đồng nướng mỡ hành, cá cháy kho mặn hay nấu canh với trứng cá ngon không thua trứng cá caviar, chè bưởi tráng miệng.... 8 giờ tối, ráng đi chơi nốt những giờ phút cuối cùng của 1 ngày du lịch. Leo lên chiếc du thuyền vọng ra tiếng ca cải lương lớn nhất ở đây. Thuyền có tới ba sân khấu ca nhạc ở ba tầng khác nhau. Du khách vừa nghe nhạc, vừa ăn uống. Thông thường nhạc là những bài vọng cổ mùi mẫn hay những bài mang làn điệu dân ca. Nghe thử cho biết chứ ...chẳng có gì lạ (thậm chí, theo tôi,cái loa ca h quá ư n ào trên bến sông v đêm !).
Các tour du lịch tại Cần Thơ chủ yếu là du lịch trên sông nước và các vườn cây ăn trái như vườn du lịch Mỹ Khánh, vườn nhà ông Sáu Dương, vườn lan Bình Thuỷ, vườn vòng cung trên các tuyến sông Phong Ðiền, Phụng Hiệp và nhiều vườn du lịch gia đình khác ở Ô Môn, Thốt Nốt đang phát triển.
Từ Tp. Cần Thơ, đi theo quốc lộ 1A về hướng Sóc Trăng, qua cầu Ðầu Sáu, đến gần cầu Cái Răng rẽ phải khoảng 6km là đến vườn du lịch Mỹ Khánh.
Vườn Mỹ Khánh rộng 2,2ha với hơn 20 loại cây trái, hoa kiểng và nhiều loại động vật như chim các rùa, rắn, cua, tôm... Với diện tích 50.000m2, nằm ngay trên lộ vòng cung lịch sử giữa hai Chợ nổi Cái Răng và Phong Điền, thuận lợi cho việc tham quan cả đưởng thủy lẫn đường bộ. Ngoài bánh xèo, bánh khọt, dế cơm, ốc, cá rô, chim, chuột đồng, cá trê, cá ngát, ếch, cá lóc,... còn có các món ăn ĐẶC SẢN ĐỒNG QUÊ:Thỏ con, heo mọi, rắn, rùa, dơi quạ, chim cu, cua đinh, càng cuốc, cá sấu ... Ðặc biệt nhất là chương trình CƠM ĐIỀN CHỦ (800.000 VND/khách): sau khi đưa khách đến nhà xưa Nam Bộ, nhận phòng nghỉ và thay trang phục truyền thống của Gia đình Đại Điền Chủ, Khách thưởng thức trái cây, trà nóng và nghe máy hát đĩa quay tay. Cai tổng cùng các Tá Điền đấm bóp và đứng hầu quạt cho các thành viên của gia đình Điền Chủ. Cai Tổng và Tá Điền che dù đưa gia đình Điền Chủ tham quan điền, ghé làng nghề truyền thống: thưởng thức rượu nóng và bánh tráng. Trở về Nhà Xưa, Tá Điền mang thau nước có ướp hoa thơm cho các thành viên của gia đình Điền Chủ rửa tay. Tá điền đứng hầu bàn và quạt cho gia đình thưởng thức “Cơm Điền Chủ” – Các món ngon của năm 1930 – 1945.Tráng miệng: bánh, trái cây và trà nóng. Chủ Điền thưởng thức chương trình “Đờn Ca Tài Tử”. Tối:Cả gia đình Chủ Điền du ngoạn trên sông, thưởng thức chè, bánh ngọt, khoai nướng, bánh tét. Sáng hôm sau: Ăn sáng với các món như: Xôi đậu xanh - dừa - mè, cháo gà hoặc cháo cá. Cai tổng đưa gia đình Điền Chủ đi thăm điền bằng vỏ lãi. Trở về làng du lịch Mỹ Khánh. Cai tổng cùng các tá điền tiễn khách,kết thúc chương trình. Với hơn 20 loại trái cây, hệ thống nhà nghỉ Bungalow, nhà xưa Nam Bộ, vườn này còn có đàn ca tài tử, karaoke, có tổ chức tiệc, hội nghị, họp mặt... Ngày xưa, người ta lên án chế đ cường hào ác bá. Ngày nay, người ta mun sng li cái thưở "ăn trên, ngi tróc" tha hồ hưởng th vi k hu h, người phc v đó.
Khu du lịch Ba Láng ở cách Tp. Cần Thơ 9km (trên quốc lộ 1A theo hướng Sóc Trăng, qua cầu Cái Răng) rộng 4,2ha. Nơi đây có hồ ao sen nuôi động vật, 2 hồ tắm dành cho người lớn và trẻ em, có sân khấu ngoài trời, chuồng thú, khách sạn mini. Những miệt vườn ở đây được kết hợp loại hình kinh tế vườn và du lịch đã làm phong phú thêm tuyến du lịch miền sông nước Cửu Long.


Trên miền sông nước của 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiếc xuồng là phương tiện đi lại chủ yếu của mỗi gia đình, giống như chiếc xe đạp, xe máy của người dân ở các thành phố. Phần lớn các xuồng đều gắn máy "đuôi tôm", thỉnh thoảng mới gặp những xuồng chèo tay và thậm chí cả những xuồng chèo bằng... chân một cách điệu nghệ. Bởi vậy, bây giờ khá phổ biến phong trào du lịch trên sông bằng thuyền, tàu cao tốc, ghe tam bản ...


Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía tây nam vàm sông Cần Thơ, nay gồm các phường Bình Thủy, An Thới cùng hai xã Long Tuyền, Long Hòa thuộc thành phố Cần Thơ. Qua quá trình vận động phát triển hàng trăm năm, Long Tuyền cổ kính còn có vinh dự góp phần tạo nên thành phố trung tâm cả vùng châu thổ Nam Bộ hôm nay. Trước khi có "tỉnh Cần Thơ" trên bản đồ hành chính (1876) vùng đất này thuộc "lục ấp" rồi dần trở thành làng Bình Hưng (1844, đời Thiệu Trị thứ 13). Ðến năm 1852, nhân sự kiện đoàn hải thuyền của Tuần phủ Huỳnh Mẫn Ðạt thoát hiểm ngay trên sông Bình Thủy thuộc làng, nên cái tên Bình Thủy ra đời. Bình Thủy đã đẹp sao phải đổi lại là Long Tuyền (1908)? Các bậc tiền nhân đã lý giải và bình thật hay: "Rạch này (ý nói sông Bình Thủy) nước chảy uốn khúc như thân rồng nằm, miệng rộng và vàm sông Bình Thủy há toác ra ngậm trái châu là đất Cồn Linh án ngang vàm sông. Các chi lưu của bốn rạch tủa ra như bốn chân rồng. Ðoạn đuôi thon thon nằm vắt tận cuối làng. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng như muôn triệu vẩy rồng lấp la lấp lánh, ẩn hiện giữa những vườn cây trái xum xuê..."
Ðịa hình Long Tuyền như biểu tượng thu nhỏ của vùng đồng bằng sông nước mênh mang này. Sông Bình Thủy dài 15 km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị như điệu hò nơi đây vậy. Bà Ðồ, Bà Chủ Kiểu, Ông Ðội, Ông Quới, rạch Cam, rạch Chanh... Cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch rồi vườn cây kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.Các cụ đã tiên liệu Long Tuyền sẽ là một vùng "địa linh nhân kiệt", là "đất học". Và sự thật đúng như vậy. Làng cổ Long Tuyền là nơi sinh ra cụ Thủ khoa Nghi Chi Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872), một trong bốn Rồng vàng đất Nam Bộ. "Văn minh sông nước miệt vườn" Cần Thơ cũng đẹp hơn, đi xa hơn qua thơ văn của cụ, hay nói như nhà nghiên cứu văn học, giáo sư Lê Trí Viễn: "Nếu nói đến Mạc Thiên Tích là nói biển, nói núi, nói hồ ở Hà Tiên, đọc Trịnh Hoài Ðức là đọc cảnh vật miền Ðông thì với cụ Thủ khoa là nói về trời nước Hậu Giang vậy".
Lần đầu trong lịch sử văn hóa, cụ đã dân gian hóa nghệ thuật tuồng mà trước đó vốn là nghệ thuật cung đình. Vở tuồng nổi tiếng Kim Thạch kỳ duyên của Cụ được coi là cổ nhất nước ta từng lưu diễn khắp lục tỉnh, trên cả ba miền và cũng là vở tuồng đầu tiên của nước nhà được dịch ra tiếng Pháp. Vì vậy nhiều người quả quyết: Khi nói đến tuồng thì Trung Bộ có Ðào Tấn còn Nam Bộ chính là Bùi Hữu Nghĩa. Lại có nhà nghiên cứu văn học cho rằng trong thể loại văn tế, nếu Nguyễn Ðình Chiểu viết hay và cảm động nhất về những nghĩa sĩ tử vì nước thì Bùi Hữu Nghĩa viết hay nhất, cảm động nhất về những người thân yêu trong gia đình (tế vợ và con gái):
"Ðất chẳng phải chồng, sao nỡ thịt xương hòa với đất / Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử cho trời... Có linh chín suối đừng xao lãng /Thỉnh thoảng về thăm lúc tối trời", "Ðường ra ngõ vào còn đó, con đi đâu cho cỏ mọc rêu phong / Thúng may rổ vá còn đây, con đi đâu cho mốc meo đóng trắng", v.v. Những áng thơ "rút ruột" đó vẫn xao động xót xa lòng người đến tận bây giờ. Long Tuyền còn đó "Tao đàn Bà Ðồ" lưu danh hậu thế (bộ "Hằng Nga thi tập") từng là nơi "nhả ngọc phun châu" của những tài văn yêu nước chói sáng Nam Bộ thời cận đại như Phan Văn Trị (chán cảnh quan trường lui về ẩn dật tại Phong Ðiền, Cần Thơ), Nguyễn Ðình Chiểu, Huỳnh Mẫn Ðạt, Lê Quang Chiểu, Phan Hiến Ðạo, Cử Thanh... Trong 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, Long Tuyền có đến 409 gia đình liệt sĩ, 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... m
à cuộc sng hôm nay ca người dân Long Tuyền coi bộ vẫn còn nhiu khó khăn.
Ðã đến Cần Thơ, du khách thường tìm đến Long Tuyền bởi nơi đây ngoài cảnh sông nước hữu tình, còn có đến sáu di tích cấp quốc gia, chiếm gần một phần ba số di tích quốc gia cả tỉnh Cần Thơ.
Ðình Bình Thủy, tức Long Tuyền cổ miếu được dựng lên từ thuở "khai sinh lập địa" (1844) có quy mô diện tích vào loại lớn (trên 4.000 m2) trong các đình làng Cần Thơ, phản ánh phần nào tầm vóc của làng cổ Long Tuyền. Tiềm ẩn dưới mái đình này không chỉ là lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn Cần Thơ. Hằng năm, vào dịp lễ Kỳ Yên (thượng điền: 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch; hạ điền: 14, 15 tháng chạp) đều có lễ rước sắc thần; không khí náo nhiệt vui tươi của hội làng với nhiều trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều. Ðây là một lễ hội văn hóa thu hút hàng nghìn dân chúng khắp nơi, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước (cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang). Ðến đây nhớ ghé tham quan nhà cổ 130 tuổi ở Bình Thủy - một trong những ngôi nhà cổ chính trong phim "Amant" của đạo diễn người Pháp J.Annaud,tham quan làng Ðan Ðát, vườn cò Bằng Lăng nơi trú ngụ của hàng chục ngàn cò các loại.Rồi ghé viếng chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể và sau này là nhà cách mạng Ngô Gia Tự), Hội Linh cổ tự, Long Quang cổ tự, mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, trụ sở An Nam Cộng sản Ðảng... Và cũng không thể bỏ qua thắng cảnh vườn lan, nhà cổ Bình Thủy (26/1A đường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), nơi được coi là điểm sáng văn hóa về nguồn của đất phương Nam. Hình như ở vùng đồng bằng sông nước này chưa có chủ nhân ngôi nhà nào lại có dịp tiếp xúc, tạo tình quyến luyến với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như chủ nhân nhà cổ Bình Thủy: nhà thơ Xuân Diệu, Xuân Thủy, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lão thành Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Sơn Nam, nhà viết kịch Học Phi, v.v. Ðây cũng là ngôi nhà có duyên với "nghệ thuật thứ bảy" nhất bởi đã lọt vào khuôn hình của hàng chục bộ phim (Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Công tử Bạc Liêu, Cây tre trăm đốt, Tây Ðô và ban mai, Xương rồng Cần Thơ...),v.v. Ðặc biệt bộ phim nổi tiếng "Người tình" của đạo diễn người Pháp Annand cũng được quay hơn một tuần ở đây.
Cần Thơ có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ gìn giữ di tích. Ðình Bình Thủy đang được trùng tu với kinh phí trên 1 tỷ đồng; chùa Nam Nhã cũng được sửa sang thoáng đãng sạch sẽ hơn; làm đường vô Hội Linh cổ tự; dự án tu bổ vườn lan, nhà cổ Bình Thủy...
Phong khí văn hóa Long Tuyền là sự hòa quyện của đất, nước và con người nơi đây; là sự nở hoa của quá khứ trong lòng hiện tại; là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Long Tuyền tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Hoa, Khmer, Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc "văn minh miệt vườn sông nước" rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực, là cội nguồn sức mạnh giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động.
Về Cần Thơ, hẳn ai cũng nghe nhắc tới vườn cò Bằng Lăng, một trong những sân chim lớn nhất nơi miệt vườn chín dòng sông. Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Qua khỏi bắc Vàm Cống, từ ngã ba Lộ Tẻ xuôi theo Quốc lộ 80 khoảng 80 km, có cây cầu bắc qua con rạch nhỏ, cầu và rạch đều mang tên Bằng Lăng, một loại cây có hoa màu tím được lứa tuổi học trò ưa thích. Từ quốc lộ vào vườn cò chừng hơn 1 km nữa, len lỏi giữa cánh đồng lúa xanh mượt mà và nhiều kênh rạch chằng chịt. Chủ vườn cò là ông Nguyễn Ngọc Thuyền, dân ở đây thường gọi là ông Bảy Cò. Theo lời ông Bảy Cò thì vườn cò Bằng Lăng được hình thành từ năm 1983 theo kiểu tự phát. Vùng này trước kia là ruộng lúa, quanh bờ có một số tre, trúc, tầm vông, dừa nước, trâm bầu, me nước, mù u…
Khu di tích lịch sử Mộ Thủ Khoa Nghĩa: ông Bùi Hữu Nghĩa là nhà thơ làm quan triều Nguyễn, hiệu Nghị Chi. Ông sinh năm 1807 mất năm 1872. Mộ ông hiện đang nằm ở phường An Thới, Thành Phố Cần Thơ. Trên đường đi Bình Thuỷ, mộ nằm trong hẻm phía tay mặt có cổng chào ghi rõ “Mộ Thủ Khoa Nghĩa.”
Mộ Cụ Cử Trị:Cụ Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, Trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre). Những năm 1856-1857, Phan Văn Trị
đã cùng với Tôn Thọ Tường đã sáng lập nhóm Bạch Mai thị xã ở Gia Định. Đó là nhóm tụ hội thơ Phú của các vị khoa bảng.Phan Văn Trị là một trong những nhà thơ được nhân dân Nam Bộ yêu mến. Phan Văn Trị vừa dạy học, vừa tích cực giao thiệp với các sĩ phu có lòng ái quốc, cụ động viên học trò học thêm chữ quốc ngữ và cắt tóc ngắn phù hợp với trào lưu tiến bộ lúc đó. Đức độ và tài năng của Cử Trị đã làm cho nhiều người cảm phục. Hiện nay phần mộ của Phan Văn Trị cách UBND xã Nhơn Ái 1 km các bờ rạch Cái Tắc là 59 mét, trong khu vườn nhà ông Lê Trí Dũng, thuộc ấp Nhơn Lộc I, xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.
Dạo này, các công ty du lịch thường tổ chức tham quan các làng nghề Cần Thơ : lò hột vịt lộn, làng làm bánh tráng, xóm lợp Dì Thoa,xóm chằm lá Thới Long,xóm đắp lò trấu bằng đất sét,trại đóng ghe,đình làng Thuận Hưng,cù lao Tân Lộc,tham quan nhà cổ, nhà Bác Sáu Trần Văn Thế, nhà cổ Bác Ba Chà có sắc thần, ấn kiếm, hòm ấn, khai rượu, đèn dầu cổ, nhà cổ chú Mười Rơm, chợ đặc sản (cá, rùa, rắn, thu mua nấm rơm), lò đường thủ công,lò rèn thủ công,làng cá bè,lò nấu cồn,làng đan thúng, làng đan lưới Thơm Rơm,Làng đan lọp Thới Long. Du khách sẽ cùng người dân thăm xóm, giăng lưới, câu và nôm cá, quăng lưới đánh bắt cá, làm ruộng, cấy lúa, chèo xuồng, thăm vườn trái cây. Du khách sẽ dùng bữa cơm tối, nghe ca cổ và nghỉ lại với nhà vườn. Hình thức kinh doanh du lịch này lan rộng khắp các tỉnh miền Tây Nam Việt, tỉnh này bắt chước tỉnh kia, cạnh tranh ráo riết nhưng coi bộ hết "ăn khách". Chưa biết sẽ có sáng kiến nào hay ho hơn không nhưng nói thật là làm ăn kiểu này không khá ! Có lẽ phải có kế hoạch đào tạo tour guide đàng hoàng hơn, chương trình bài bản hơn, kết hợp chặt chẽ hơn.Trong khi chờ kết qu điều tra về chuyn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, từ khâu thiết kế đến khâu giám sát thi công, t khâu đa cht (soil test/ geotechnical) đến khâu vt liu (materials), từ ch đầu tư đến nhà thu chính và các nhà thu ph (sub-contractors) để làm sáng t nguyên nhân và trách nhiệm; nhất là sự yếu kém trong quản lý, cần tạm hoãn việc thi công để có thể hoàn thành công tác điều tra và đề xuất phương án khắc phục. Cần phải biết ai là người chịu trách nhiệm trước nhân dân về biến cố đau lòng này để an i cho các nạn nhân và các gia đình bị nạn. Cần tiếp tục hỗ trợ, chăm sóc chu đáo nạn nhân và các gia đình bị nạn nhằm bảo đảm giúp đỡ cụ thể trước mắt cũng như lâu dài cho các gia đình bị nạn ổn định cuộc sống. Phần lớn công nhân bị nạn là lao động phổ thông ăn lương công nhật (làm ngày nào, ăn lương ngày đó) nên không có bảo hiểm hay chế độ gì hết để có thể được đền bù phần nào. Ngẫm nghĩ mới thấy người Việt hiền thiệt, không ai kêu ca, oán trách, cũng chẳng ai bắt buộc lãnh đạo nào phải nhận trách nhiệm hay từ chức gì hết mà chỉ im lặng chịu đựng. Xin cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ cầu Cần Thơ.
Mong sao sau khi cầu Cần Thơ thành hình, cuộc sng người dân Cần Thơ sẽ khá hơn.(10-10-2007)

Vài nét về công trình cầu Cần Thơ
- Vị trí: bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ.- Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 15,85km; tổng chiều dài cầu 2.750m, trong đó cầu dây văng dài 1.010m, cầu dẫn 1.630m.
- Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.
- Khổ thông thuyền: 30mx300m và 39mx110m.
- Tốc độ xe chạy theo thiết kế: 80km/g (qua các khu dân cư 60km/g).
- Kỹ thuật: cầu được thiết kế vĩnh cửu theo dạng dây văng, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bêtông cốt thép dự ứng lực.
- Trụ tháp: dạng hình chữ Y ngược, cao 164,8m tính từ bệ cọc.
- Vốn đầu tư: khoảng 300 triệu USD, tương đương 4.841 tỉ đồng.
- Thời gian thực hiện: 2004-2008.

No comments:

Post a Comment