Monday, October 3, 2011

Cơm chỉ

Đoạn trường... “cơm chỉ”!
http://nguyentl.free.fr/Public/Guy/heure-du-dejeuner-approche.JPG
Ở khu Quận Cam này thì có thể nói, không ai mà không biết đến “cơm chỉ”: thích món nào “chỉ” món đó, và thế là có ngay để “to go”. Có thể nói không quá đáng là cứ đi chừng 1-2 block đường, lại gặp một tiệm food-to-go do người Việt làm chủ. Nhớ cách đây hơn mười năm, khi tôi chưa sang Mỹ, cô bạn thân cứ rủ rỉ, rù rì, “dụ” tôi qua vùng Bolsa ở. Nào là “bồ qua đây đi, bên này mình không cần biết tiếng Anh vẫn sống phây phây”, rồi lại “qua đây tha hồ ăn đồ ăn Việt Nam cho nó sướng”. Nhưng có lẽ cái mục hấp dẫn nhất mà cô bạn “dụ” được tôi thì phải nói là cái món “cơm chỉ”. Tính tôi thì hơi lười nấu ăn, mà lại thích ăn đồ Việt Nam chính hiệu kia chứ. Lăn lóc ở xứ người hơn 20 năm, cho tới giờ, nói thiệt tình tôi vẫn không sao mê nổi mấy món đồ Mỹ. Kẹt lắm thì cũng ăn, nhưng ăn chừng đâu chỉ vài ngày là ngán lên tận cổ. Bởi vậy mới nói, có đi ăn lòng vòng thì cuối cùng tôi cũng quay về với quê hương đất tổ: món ăn Việt Nam.
Thế là tôi mua vé qua Cali thăm cô bạn, nhân dịp cũng để thám thính tình hình trước khi quyết định là sẽ có nên dọn qua ở luôn hay không.
Tôi còn nhớ, lần đầu tiên cô bạn chở tôi vào một quán food-to-go trên đường Bolsa là tôi khoái ngay. Chèn ơi, các món ăn Việt nam đầy dẫy ra đó, món nào trông cũng ngon và hấp dẫn. Mà chưa hết đâu nhe, chỉ có mỗi một đồng một món, làm tôi không thể nào tin được. Tôi nhẩm tính
(lúc ấy là chừng 10 năm về trước, chứ giờ thì có mắc hơn chút đỉnh rồi): một bữa cơm ba món, món canh, món mặn, món xào, và phần cơm 50 xu, chỉ tốn ba đồng rưỡi, mà lại vừa ngon vừa tiện lợi, khỏi mắc công chui vào bếp nấu nướng cho mình mẩy hôi mùi khói. Vừa đỡ tốn tiền, lại tiết kiệm thời gian. Đúng là danh bất hư truyền, xứ Mỹ có khác, cái gì cũng thiệt là tiện lợi.
Thế là tôi nói “yes” ngay, dọn sang miền Cali để tận hưởng cái nắng ấm và hương vị các món ăn Việt Nam khoái khẩu. Ngày ba bữa, tôi trở thành khách hàng quen thuộc của các cửa hàng “cơm chỉ”. Hầu như tiệm nào cũng nhẵn mặt tôi. Ăn riết rồi tôi thuộc lòng tiệm nào có món nào là ngon nhất. Khi thì tôi ngồi ăn tại chiếc bàn trước cửa tiệm, lúc lại to-go mang về nhà, hay mang theo đến sở làm. Lâu lâu tôi cũng “xé lẻ” đi ăn nhà hàng, mà sao thấy ngon thì cũng “dzậy dzậy”, nhưng giá cả lại “đau bụng” hơn, thành ra tôi ăn cơm chỉ nhiều hơn cơm tiệm. Đã có lúc tôi thắc mắc: “Sao nhiều tiệm quá vậy, đếm không xuể, mà tiệm nào cũng sống cả chục năm nay rồi, tức là phải có một số khá đông khách hàng đến mua, thì kể ra loại thức ăn này đã đáp ứng được nhu cầu nào đó của người Việt trên xứ Mỹ”. Anh bạn tôi, còn độc thân, và cũng thuộc loại dân lười nấu ăn, thì cho rằng, “Các tiệm food to go tồn tại, vì nó quá tiện dụng, nhất là cho những người bận rộn, mà lại quá rẻ, giới lao động thích là cái chắc...”. Có lẽ lúc người dân mình mới đến Mỹ từ nhiều năm trước, và khi số lượng người Việt Nam dọn về Cali ngày càng đông, thì mới nảy ra cái nhu cầu là ai cũng thèm đồ ăn Việt Nam, nhưng lại bận rộn với cuộc sống; ăn nhà hàng mỗi ngày thì chịu sao thấu, nên mới ra đời những cửa tiệm food-to-go như thế này.
Tôi cũng có quen một gia đình làm chủ hai tiệm cơm chỉ. Cả nhà 6 người, hai cô chú, ba mẹ vợ, hai con nhỏ, không ai đi làm, mà sống khá thoải mái từ thu nhập của hai cửa hiệu này. Thế thì quá tuyệt rồi còn gì, chủ thì làm ăn khá giả, khách hàng có nhiều món ăn để lựa chọn, giá cả rất ư là phải chăng, thành ra cả hai đàng đều... có lợi.
Nhưng - hãy khoan vội mừng - như tôi đã từng mừng cách đây vài năm...
Mới ba tháng trước đây, tôi ghé vào một tiệm cơm chỉ khá quen thuộc với người dân Bolsa, mua phần cơm với một món mặn, ngồi ăn tại chỗ. Xong tôi mua thêm một phần cơm, phần đồ xào, và phần canh khổ qua mang theo đi làm. Trưa đến giờ cơm, tôi mang ra ngồi vừa ăn, vừa thưởng thức. Bỗng dưng tôi nghe mùi gì hôi hôi và dường như có cái gì đó ngọ ngoạy trong miệng, tôi lật đật khạc tất cả vào một cái chén. Chèn đéc quỷ thần ơi, tin nổi không, trước mặt tôi là một chú gián thật to, màu nâu sẫm, còn nguyên con, với 4 cái chân và hai chiếc râu còn ngọ nguậy trong cái chén. Tá hỏa tam tinh, tôi chạy ào vô restroom, mở vòi nước và súc miệng ào ào cả chục lần, mà sau đó nghe cái miệng mình vẫn còn hôi... mùi gián. Đúng là chuyện khó tin nhưng... có thật 100 phần trăm! Không còn hứng thú gì mà ăn nổi bữa cơm nữa, tôi vội đem quăng hết phần cơm, phần đồ xào và nhất là chén canh khổ qua (nó làm cho đời tui “khổ quá”!) vô thùng rác. Thế là trưa đó nhịn đói, mà lại còn tức mình, vì cả buổi chiều, cái miệng vẫn cứ còn hôi hoài cái mùi con gián! Nhớ lại mà còn thấy ớn, nổi cả da gà!
Sáng hôm sau, tôi lái xe đến tiệm cơm chỉ này thật sớm, để phàn nàn. Cô bán hàng vào trong gọi ông chủ ra nói chuyện với tôi. Ông ta không những không xin lỗi một tiếng - gọi là phép lịch sự tối thiểu, mà lại còn vặn vẹo, sừng sộ lại với tôi nữa chứ: “Tiệm tui nấu thức ăn rất sạch sẽ, cô à. Cô ăn canh có gián là do trái khổ qua đó tụi tui mua từ chợ, cô muốn thưa thì cứ đi thưa... cái chợ nào bán trái khổ qua đó đi...”.
Tôi không tin nổi vào hai cái lỗ tai mình nữa. “Chú nói cái gì? Khi mua trái khổ qua về, tiệm chú nấu xắt thành lát nhỏ để nấu canh mà, bộ lúc chú xắt ra mà không rửa, không nhìn thấy con gián à? Hay là con gián lọt vô nồi canh do tiệm chú nấu dơ dáy, không vệ sinh...?”.
Lập tức ông này làm dữ hơn: “Sáng sớm cô đừng đến đây phá đám à nhe, tôi kêu cảnh sát bây giờ, cô đi về đi…”. Tôi tức ứ họng: “Ông có phải là ông chủ tiệm này không? Cho tui nói chuyện với ông chủ đi”. Ông ta chối phắt: “Ông chủ không ra, tiệm này có chuyện gì là tui giải quyết. Cô đi về đi…”.
Tôi giận dữ bỏ về. Trưa đó, tôi gọi lại tiệm, hỏi cho nói chuyện với “ông chủ”. Cũng lại tiếng nguời đàn ông bất lịch sự khi sáng: “Tui đã nói ông chủ không bao giờ ra tiệm, cô tưởng tui không nhận ra giọng cô hả?”, rồi ông ta cúp điện thoại cái cụp. Tôi giận điếng người..., tức nghẹn muốn chảy cả nước mắt.
Mấy ngày sau đó, tôi ôm hận canh cánh trong lòng, nhất định phải làm rõ chuyện. Nhưng rồi lại lu bu với công việc, chuyện này chuyện kia, rồi chừng hơn một tuần trôi qua, cái máu giận hừng hực trong tôi tự nhiên... không cánh mà bay.
Sau cái vụ đó, tôi bắt đầu e dè với food-to-go. Ăn thì cũng vẫn ăn, nhưng phải nói là ăn trong... cảnh giác cao độ. Múc một muỗng gì lên, là tôi nhìn tới nhìn lui, nhìn trước nhìn sau, xem có con gì, vật gì lạ không, rồi mới dám bỏ vô miệng.
Gặp lại cô bạn cũ, tôi kể lại câu chuyện có một không hai này, thì cô ta lớn tiếng: “Sao mà bồ khờ quá vậy? Tại sao không giữ lại chén canh khổ qua với con gián?”. Tôi thật thà đáp: “Lúc đó tởm quá, nên lật đật đem quăng ngay cho lẹ, chứ ai mà giữ làm chi…”. Cô bạn tôi gật gù: “Đó, người Việt Nam mình ‘ngu’ là ở chỗ đó đó, chứ bồ mà khôn hơn một chút, bình tĩnh một chút, giữ lại chén canh ‘kỷ niệm’ này, thì bây giờ bồ giàu sụ rồi…”. Tôi thắc mắc: “Sao lại giàu sụ?”. Cô ta bèn lên giọng giảng một bài mo-ran cho tôi: “Cái chén canh đó sẽ là bằng chứng hùng hồn nhất,để bồ đi thưa cái tiệm đó...”.
Rồi chưa hết, cô ta kể cho tôi nghe chuyện một bà khách nào đó vô tiệm thức ăn nhanh McDonald’s mua một ly cà phê. Khi bưng ra bàn, không hiểu sao mà bà làm ly cà phê đổ vào bàn tay bà bị phỏng. Ấy thế mà ba ta nạp đơn thưa McDonald’s mới lạ kia chứ. Lý do bà thưa: “Vì cửa tiệm không ghi rõ là ‘Cà phê nóng! Xin quý khách cẩn thận, kẻo bị phỏng!’”. Ái chà chà, cũng lại là một chuyện... thiệt khó tin nhưng có thật.
Tôi ngây thơ hỏi: “Nhưng lúc bà ta mua cà phê nóng, thì bà ta đã biết là nó phải nóng rồi, làm sao mà thưa được?”. Cô bạn tôi lên giọng sành đời: “Thế đấy bạn ạ, vậy mà cuối cùng tòa xử cho bà ta thắng kiện đó, và cửa hàng McDonald’s đã phải bồi thường cho bà một số tiền không nhỏ. Còn trường hợp như bồ mà nuốt nguyên cả con gián vô miệng, thì thắng kiện là cái chắc, bồ sẽ có ít nhất cũng vài trăm ngàn như chơi. Lần sau bồ đừng ... ngu nữa nhé…”.
Tôi ngồi, thẫn thờ, nghe cô bạn nói, rồi tự hỏi: “Có lẽ mình ngu thiệt ta ơi”. Rồi bỗng dưng một ý hay loé lên trong trí: “Hay là… mình cứ tảng lờ đến tiệm đó mua đồ ăn, nhưng check thật kỹ lưỡng; hễ mà ‘con gián’ xuất hiện lần thứ hai, là mình chơi tới cùng...”.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái mùi hôi và cái vị nhờm nhợm trong miệng ngày hôm đó, đã đủ mạnh để không cho phép tôi trở lại cái tiệm cơm chỉ đó nữa, dù biết rằng có lẽ còn những khách hàng khác, như tôi, cũng sẽ ăn nhằm con gián, con kiến, hay bất cứ con gì khác, chỉ mong là họ sẽ... không ngu như tôi.
Cũng lại mới tuần rồi, khi đang ngồi ăn trong một tiệm food-to-go, tôi nghe một anh khách trẻ bước vào và nói nhỏ với chị bán hàng: “Chị ra đây tôi nói chị cái này!”, rồi tôi nghe anh ta nhỏ giọng, “hôm qua, lúc hơn 6 giờ chiều, tôi đến đây mua ly chè đậu xanh. Đến chừng ăn, thì hình như nó muốn thiu rồi, nên tôi quăng, nói cho chị biết đó, làm ăn cho đàng hoàng...”.
Chị bán hàng lật đật xin lỗi: “Xin lỗi anh nhe, mấy hôm nay trời nóng, nên chè nấu xong mà để đến chiều là muốn thiu hà, tui xin lỗi anh...”.
Anh này cười ha hả: “Thôi, chuyện nhỏ, tui không có sue đâu, chị đừng lo…”. Rồi anh mua thêm mấy món ăn khác. Khi tính tiền, 5 đồng 25, chị bán hàng lên tiếng. “Thôi tính anh 4 đồng thôi, trừ lại tiền ly chè hôm qua, xin lỗi anh nhe, tui sẽ nói lại với ông chủ…”. Anh khách có vẻ hơi bất ngờ, nhưng sau đó vui vẻ đồng ý trả 4 đồng và ra về có vẻ hài lòng lắm...
Tôi ngồi đó, mỉm cười một mình. Sự việc này cũng gần tương tự như vậy, chỉ khác chút là anh khách nọ chưa nuốt phải nguyên con gián vô miệng, như tôi mà thôi. Không biết chừng lúc đó, liệu anh có sẽ còn tha thứ được hay không? Nhưng rõ ràng thái độ và sự thành khẩn xin lỗi của chị bán hàng, đã khiến cho người khách dễ dàng bỏ qua hơn. Phải nhìn nhận chị là một người “có văn hóa”, dù chị không giàu, không phải bà chủ tiệm, mà chỉ là một người làm lãnh lương. Ấy, bí quyết thành công khi làm thương mại là ở chỗ đó. Một người chủ không khéo léo đã đánh mất vĩnh viễn một khách hàng “trung thành” là tôi, trong khi một chị làm công lại làm hài lòng khách hàng nọ - người vừa than phiền chỉ mới cách đó vài phút, vì tôi biết chắc chắn là anh sẽ trở lại. Mà ngay cả tôi, người chỉ ngồi nghe hóng chuyện, cũng gật gù thầm khen cách xử sự của chị...
Đọc tới đây có lẽ các bạn sẽ nóng lòng muốn biết tên cái cửa tiệm “con gián” kia phải không? Biết để mà tránh. Biết để không bao giờ ghé vào cái tiệm này. Tôi bảo đảm đây là chuyện có thật 100 phần trăm. Bạn bè, người thân của tôi, thì từ khi nghe câu chuyện khó tin này, đã không còn ai dám ghé cái tiệm cơm chỉ đó nữa. Tiếng xấu đồn xa. Nhưng thôi bạn nhé, tôi sẽ không kể tên ra đây đâu.
Cơm chỉ - đúng là cả một đoạn trường, ai có qua cầu mới... hay.
Tác giả:Hoàng Thanh
w-foodtogoP1040033.jpg

Những khay thức ăn food-to-go giá cả nhẹ nhàng, tiện lợi cho người đi làm không có thời giờ vào bếp – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông.
Cám Ơn "Cơm chỉ"
Khi nghe nói đến danh động từ "Cơm chỉ", hẳn quý vị đều biết đó là những món ăn bình dân, đơn giản thuần tuý Việt Nam nhưng được gắn thêm tên gọi thoáng nghe có phần dí dỏm, xa lạ nhưng ý nghĩa không kém phần độc đáo. Tôi không nhớ danh động từ này được khai sinh từ lúc nào.
Khoảng vài năm trở lại đây, trên đường đi làm, tình cờ mở đài Little Saigon Radio nghe giọng nói ngọt ngào, dễ thương của một cô xướng ngôn viên trẻ đẹp nào đó đang giới thiệu những món ăn của một tiệm "food to go"... thơm, ngon, tươi, mới... nấu như mẹ nấu ở nhà mà nhiều người quen gọi là "Cơm chỉ ...". Chỉ món nào múc món đó. Kể từ đó, danh động từ "Cơm Chỉ" in vào trong tiềm thức tôi.
Dòng họ "Cơm chỉ" cũng có một quá trình khai sinh, hình thành và phát triển của nó. Tôi còn nhớ, sau khi từ giã tiểu bang miền lạnh về định cư tại miền Nam Cali nắng ấm, đời sống của một người độc thân, ở trọ (share phòng) thật giản dị, nhứt là về vấn đế ăn uống, nấu nướng hàng ngày. Chiều chiều trên đường đi làm về, nếu thích làm bếp có thể ghé vào một tiệm thực phẩm bên đường mua vỉ đùi gà hoặc cánh gà (thịt bò, heo chưa dám mua vì chưa biết cách nấu nướng) về luộc cho thêm hành tây, nêm mắm, muối, tiêu, đường, sẽ có ngay nồi súp gà. Nước luộc, bỏ thêm rau vào làm canh, thịt gà xé phay, bóp chút rau răm, lúc bấy giờ chưa biết cholesterol là gì nên da gà trộn chung với thịt ăn thoải mái. Những dịp cuối tuần nếu có bạn hiền đến thăm cũng vẫn thực đơn này chấm muối tiêu chanh ăn với cơm trắng vẫn ngon miệng và hấp dẫn như "Cao lương Mỹ Vị". Có lẽ hình ảnh và dư vị những bữa cơm độn ngô, khoai hoặc bo bo ở quê nhà từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 vẫn còn hằn sâu trong ký ức nên thịt gà luộc ăn với cơm trắng, gạo thơm không độn ngô, khoai là "Cao lương Mỹ Vị" chăng?
Muốn hiểu rõ dòng họ "Cơm Chỉ" , ta thử nhìn về quá khứ, khoảng từ đầu 1985 trở về trước, khu Little Saigon chưa được phát triển như hiện nay, các siêu thị Việt Nam chỉ là những ngôi chợ nho nhỏ nằm chung dãy với các cửa hàng bán lẻ, phòng mạch bác sĩ hoặc các văn phòng dịch vụ chưa dám sánh vai cùng các siêu thị của người bản xứ trong vùng, hãy còn e ấp như các cô thôn nữ vừa từ miền quê lên tỉnh. Các khu thương mại chưa có bộ mặt sầm uất, xứng với danh nghĩa "Thủ Đô Của Người Việt Tị Nạn" và các cửa hàng ăn uống cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Lớp người Việt Nam đầu tiên đến định cư tại đây,một quốc gia quá văn minh mọi sinh hoạt được máy móc hóa nên thời gian quý hơn vàng và qua nhanh như chớp khiến mọi người phải vội vã chạy đua vơí thời gian. Những ai may mắn có gia đình, hàn gngày đi làm còn có phần ăn mang theo cho bữa trưa tại nơi làm việc. Những người độc thân, nếu không mang theo một hộp pizza, một phần hamburger hay một miếng bánh mì thịt nguội, buổi trưa phải "get line bên cạnh xe "lunch" chờ mua những phần ăn lai căng theo thực đơn Mỹ, Mễ, hy vọng buổi tồi về nhà sẽ có những tô mì gói hoặc bữa ăn "Cao lương Mỹ Vị" như đã nói trên đây. Nhiều người không có thời gian tự nấu cho mình những bữa ăn hàng ngày.
Hiểu được nhu cầu và thông cảm hoàn cảnh này, một vài gia đình có lẽ vì không đủ khả năng hay không muốn bận rộn khi mở tiệm ăn lớn , họ mở những tiệm ăn nhỏ, nấu những món ăn thông thường, thuần túy quê hương bán từng món cho khách mua mang đi như hình thức "Drive Through" hay "Fast food" trong hệ thống tiệm ăn của người bản xứ, gọi bằng tên cúng cơm là "Food To Go". Mãi hơn hai mươi năm sau, khi được nhập "Việt tịch", tên "Food To Go" được đổi thành cơm chỉ. Một tên gọi giúp cho người mua được dễ dàng trong lĩnh vực ẩm thực.
Theo sự hiểu biết của tôi, tên "Cơm Chỉ" chưa có trong bất cứ bộ tự điển nào của Việt Nam, cũng không có chỗ trong văn học nghệ thuật của bốn ngàn năm văn hiến nhưng đã du nhập về tận quê nhà, được đổi tên là "Cơm Hộp". Nếu quý vị có về Việt Nam hẳn đã biết.
Bước vào thế kỷ 21, lĩnh vực hoạt động của ngành "Cơm Chỉ" đã có nhiều thay đổi và khả năng biến chế để chiều theo sở thích và khẩu vị của mọi người. Tuy nhiên, ta cũng nên nhìn về quá khứ để thấy sự vươn lên và tiện lợi của ngành "Cơm Chỉ" mà từ trước khi còn ở quê nhà có lẽ chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến hoặc nghĩ đến việc khai trương một tiệm "Cơm Chỉ".
Hiện tại, quanh vùng Little Saigon có cả chục tiệm "Cơm Chỉ". Những tiệm bán những món hàng vừa ăn chơi, vừa ăn thiệt thường nằm trên những khu phố có đông người qua lại, có nhiều tiệm phát triển thành hai, ba tiệm cùng mang chung một thương hiệu. Số còn lại mở chung trong các siêu thị lớn của người Việt Nam.Trong câu chuyện "trà dư, tửu hậu" hôm nay, tôi chỉ xin đề cập đến hai tiệm cơm chỉ đặc biệt đối với tôi. Tiệm thứ nhứt là "BM số 1 FTG" nằm trên đường Bolsa. Đây là một trong những tiệm "Cơm Chỉ" khai trương đầu tiên và tôi là người đầu tiên và thường xuyên đến tiệm này. Sau nhiều năm ăn cơm chỉ, ngày nay tôi đã là "sở hữu chủ" của một "mệnh phụ" và ba "nhóc tì" nhưng hôm nào "cơm không lành, canh không ngọt", "mệnh phụ" "giả vờ bệnh" không nấu nướng. Hoặc năm nào làm nhiều giờ phụ trội (over time), "bà xã" vui vẻ, thỏ thẻ rằng: "Em nhớ ba má quá" xin về Việt Nam ăn Tết hết tháng Giêng, thì nhờ tiệm "Cơm Chỉ" này mấy cha con tôi vẫn có những bữa ăn ngon lành. Thỉnh thoảng, trong bữa cơm chung với các con, câu giới thiệu tiệm "Cơm Chỉ" của Little Saigon Radio:. . . thơm, ngon, tươi, mới. . . nấu như mẹ nấu ở nhà hiện về trong tâm trí, tôi thấy tác giả nào đó nghĩ ra câu quảng cáo so sánh này hay và đúng quá, nhứt là mấy "nhóc tì", bất cứ món ăn nào có dính dáng đến "má mì" dù mua ở tiệm đem về hay nấu ở nhà chúng điều khen ngon.
Tiệm thứ hai là "HL Sandwich FTG" cũng ở trên đường Bolsa, tiệm này khai trương sau tiệm số một nhưng cũng thuộc thành phần "lão làng", ngày nay đã ngưng hoạt động nhưng đối với tôi có nhiều kỷ niệm đẹp, hay nói đúng hơn, đã làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi. Lúc bấy giờ tôi "share phòng" ở khu đường Magnolia, thuận đường lên freeway 405, chiều chiều đi làm về tôi thường ghé tiệm này mua phần ăn cho buổi tối thay vì cứ dùng thực đơn "Cao Lương, Mỹ Vị" hoài sợ sẽ quên dần hương vị quê hương.
Trong tiệm "Cơm Chỉ" này. Lúc bấy giờ, ngoài cô gái xinh đẹp con chủ tiệm đứng ở quày tính tiền, có hai cô thường trực đứng tại khu có những khay thức ăn nóng để phục vụ khách hàng. Hai cô này tuy dung nhan không làm nghiêng thành, đổ nước nhưng nét duyên dáng, mặn mà cũng làm say đắm những chàng thanh niên độc thân, sống cô đơn nơi đất khách, quê người. Thoạt tiên khi đến mua phần ăn, tôi không mấy quan tâm đến hai cô bán hàng duyên dáng, dễ thương này, chỉ nhìn vào những khay thức ăn quen thuộc, dễ gọi, không dám gọi những món lạ sợ nói không đúng tên món ăn cô bán hàng sẽ cười, xấu hổ lắm. Thời bấy giờ chưa có tên "Cơm Chỉ".
Dần dà, có lần một trong hai cô bán hàng ngẩng nhìn tôi, hỏi: "Sao anh cứ ăn những món này hoài không mua những món khác để thay đổi khẩu vị?" Kỷ niệm tình yêu tuổi trẻ đã xa như quê nhà. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tị nạn tôi được một người đẹp duyên dáng gọi "anh". Chỉ vậy thôi mà sao trong lồng ngực, con tim tôi thấy niềm vui rộn rã bởi tiếng "anh" nghe ngọt ngào làm sao. Nhờ sự "cố vấn" của cô bán hàng tử tế, tôi liều "nhắm mắt đưa tay" chỉ thêm vài món mới.
Nhân dịp này tôi muốn khoe cùng quý vị buổi chiều hôm ấy tôi có một bữa cơm thật ngon nhưng giấc ngủ đến với tối không trọn vẹn vì hình ảnh cô bán hàng và âm thanh "anh" luôn luôn ẩn, hiện chập chờn trong tâm trí.
Tôi không ngờ cuộc đời tôi bắt đầu thay đổi từ đây. Mỗi chiều khi đến mua phần ăn, tôi không mua theo ý mình như từ trước mà chỉ nói, cô bán cho tôi phần ăn, món nào cũng được tuỳ ý cô. Vô tình, tôi đã gián tiếp giao cho nàng quản lý vấn đề ăn uống của tôi. Kể từ hôm ấy, phần ăn tối của tôi nhiều hơn, nhìn hấp dẫn hơn và món ăn nhiều dinh dưởng hơn, mặc dù tôi cũng chỉ trả $2.00 (giá tiền một phầ ăn "Food to go" thời ấy).
Đọc được chút thiện cảm nàng dành cho tôi qua những phần ăn tôi mua hàng ngày, từ nay mỗi lần đến mua phần ăn tối, tôi không còn nhìn những khay thức ăn nữa, tha hồ ung dung đứng nhìn trộm cô bán hàng. Nàng đẹp, đẹp thật. Đôi môi chín mộng, ánh mắt long lanh, tóc mai loè xoè quyện chút mồ hôi với đôi má ửng hồng do hơi nóng từ những khay thức ăn tỏa lên. Mắt, môi, mũi, miệng hài hòa trên khuôn mặt rạng rỡ, phủ bờ vai bằng mái tóc đen mượt càng làm nổi bật nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ á đông đang độ xuân thì.
Chắc quý vị còn nhớ, hơn hai mươi năm trước, phong trào làm đẹp cho phụ nữ bằng phương pháp: "Hút, Bơm , Cộ, Cắt, Nâng, Xâm..." chưa được tân tiến và quảng cáo rầm rộ như hiện nay nên nàng vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp tự nhiên. Nàng đứng bên trong quày hàng nên tôi chỉ ngắm được nàng từ trên xuống đến nửa lưng chừng. Chỗ cần "bôm" của nàng tôi thấy đã quá lý tưởng, đẹp như người trong tranh. Chỗ muốn "hút" của nàng tôi thấy chưa cần thiết. Căn cứ vào hai "vùng chiến thuật" trên đây, tôi tưởng tượng vòng số bai của nàng chắc phải tuyệt vời lắm. Chỉ nghĩ đến đó thôi, tôi cũng thấy quên ăn, mất ngủ.
Nhìn hình dáng nàng hiện hữu trước mặt, lòng tôi nhen nhúm dâng lên một niềm ước mơ: "Đưa nàng về dinh." Câu hát quen thuộc: . . . "Anh đưa em đi về, về quê hương yêu dấu. . ." Tôi xin phép tác giã tự đổi lại: . . . "Anh đưa em đi về, về nơi anh đang sống. . . Anh đưa em đi về, về nơi anh share phòng. . ." Để đêm đêm tự hát cho riêng mình tôi nghe.
Thời ấy, tuổi thanh niên đang sung mãn và tràn đầy sức sống, nhưng tôi vụng về và nhút nhát làm sao. Nhiều lúc tôi muốn gọi nàng bằng "em", miệng đã mở ra nhiều lần nhưng nói chẳng nên lời.
Bốn chữ: "Đưa nàng về dinh" nghe đơn giản nhưng làm thế nào để được mở cửa xe hoa cho nàng bước lên cũng thật "trầy vi, tróc vẫy" và lắm công phu.
Cái khó khăn đầu tiên là làm thế nào để biết được nàng là hoa đã có chủ hay chưa. Tôi đem điều suy tư này tâm sự với một người bạn cùng tuổi, làm cùng sở và đã có gia đình. Theo kinh nghiệm bản thân, người bạn này bảo: "Dễ thôi, anh cứ nhìn vào ngón tay đeo nhẫn của cô ta là biết ngay. Các cô khi đã là hoa có chủ luôn luôn ngón tay áp út có chiếc nhẫn".
Nhờ bài học kinh nghiệm này tôi mới biết nàng là hoa đang sẵn sàng chờ người đón về cắm vào bình. Những giai đoạn kế tiếp, tôi xin phép quý vị kể vào dịp khác, dài dòng lắm. Bây giờ tôi tự hào nói cho quý vị biết nàng đang là một bình hoa đẹp được trang trí trong nhà tôi.
Cám ơn Thượng Đế đã cho con đi vượt biên được an toàn, đến được bến bờ tự do, có cuộc sống an cư, lạc nghiệp. Đặc biệt, có bình hoa đẹp trang trí trong nhà (bắt chước một xướng ngôn viên đẹp trai của một đài phát thanh "nịnh đầm" chút). Cám ơn "Food To Go" và "Cơm Chỉ" đã cho tôi điều kiện để rước được nàng tôi yêu về dinh và đặc biệt cám ơn "bà xã" đã cho anh chuỗi ngày hạnh phúc tuyệt vời nhiều hơn thời gian "cơm không lành, canh không ngọt".
Tác giả:Phúc Thiện Nhật
Trong quán cơm chỉ
Lạ là có không ít người Việt ở Mỹ cao ngạo vô lối, có cái nhìn “kỳ thị” với tầng lớp mà họ cho là kém hơn mình. http://www.phunuonline.com.vn/muasam/2009/Picture/P4249379.JPGChiều Chủ nhật, tôi bỗng dưng nổi cơn lười không muốn vào bếp nấu cơm nữa. Tôi nói Thảo ghé ngang quán hàng bán bánh mì, cơm chỉ gần góc đường Bolsa và Brookhurst (Quận Cam, California, nơi rất đông người Việt - BT) để mua hai phần bánh xèo về ăn, tiện thể, tôi cũng muốn mua vài cái bánh tiêu ăn thử, xem món bánh tiêu của quán hàng này ngon như thế nào mà cô em của Thảo nói là “phải” ghé mua mỗi lần đi xuống Little Sài Gòn.
Minh họa của họa sĩ Nguyễn Khánh Toàn.
Tôi đặt mua hai phần bánh xèo trước, rồi quay sang quầy hàng thức ăn ngọt để mua bánh tiêu. Đã có một người khách đứng ở quầy hàng trước tôi, và bà đang bảo bà bán hàng gói cho bà “tất cả” những cái bánh tiêu nằm trong khay bánh. Tôi hấp tấp hỏi bà bán hàng còn bánh tiêu không thì bà bảo là hết rồi. Tôi buồn tình buông hai tiếng - “Thế à!”, rồi đứng qua một bên, không xếp hàng nữa. Thấy vậy, người khách hàng đang “gồm thâu” hết mười mấy cái bánh tiêu trong khay quay lại hỏi tôi:
- Chị muốn mua mấy cái?

Tôi trả lời:

- Tôi chỉ muốn hai cái thôi.

Bà khách, mà tôi quên hỏi tên, nên tôi tạm gọi là “bà khách bánh tiêu”, nói với bà bán hàng:

- Dì để lại cho chị này hai cái đi.

Tôi quay sang cười với bà khách hàng, nói:

- Cám ơn chị. Tôi nghe cô em chồng quảng cáo bánh tiêu ở đây ngon nên muốn thử cho biết.

Bà khách bánh tiêu cũng cười:

- Chị không thấy tôi mua hết nguyên khay sao?

Bà khách bánh tiêu nhìn qua quầy hàng thức ăn mặn nói:

- Cho con hai hộp lớn sườn ram, một hộp canh khổ qua, và đổ cho con thêm hai phần bánh xèo.

Bà bán hàng ngoái cổ vào phía nhà bếp gọi lớn trước khi bước sang quầy hàng cơm chỉ:

- Hai phần bánh xèo nữa Tám ơi.

Sau khi mua xong thức ăn rồi, bà khách bánh tiêu cũng đứng vào một góc quán hàng, gần tôi, chờ bánh xèo. Bà nói:

- Bánh tiêu ở quán này ngon nhất vùng Little Saigon đó. Để qua đêm nướng lại ăn cũng còn ngon.

Vừa lúc đó có một người Mễ và một người Việt Nam bước vào. Ông Mễ chậm chạp với cái gậy chống trên tay, nhường bước cho người Việt Nam đứng xếp hàng trước. Anh chàng Việt Nam này còn rất trẻ, chắc khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi, nhưng ăn mặc bê bối luộm thuộm và dơ dáy làm sao. Anh gọi mua một hộp cơm phần ba món, có cả canh, một hộp cơm rang, thêm mấy món mặn nữa để riêng. Bà bán hàng vừa múc thức ăn vào hộp vừa nói với anh:

- Nhiều quá ăn sao hết.

Nhưng người khách hàng không đếm xỉa gì đến lời nói của bà bán hàng, anh chạy sang tủ nước lấy mấy lon coke lạnh đưa cho bà. Anh có vẻ vội vã như sắp phải đi ngay. Bà bán hàng vừa gói thức ăn vừa nói như phân bua với tôi và bà khách bánh tiêu:

- Mấy người này là vậy đó, có ai cho thì mua lung tung, mua nhiều quá hổng biết làm sao ăn hết.

Tôi ngạc nhiên nhìn bà bán hàng, rồi nhìn bà khách bánh tiêu như thầm hỏi: “Ai lại bán hàng mà phàn nàn là khách mua nhiều bao giờ”. Bà khách bánh tiêu có vẻ hiểu ý tôi nên thì thào giải thích:

- Anh chàng này là một trong những người homeless (vô gia cư, không nhà cửa. BT) đó, họ cứ đứng xớ rớ trước cửa mấy tiệm bán đồ ăn chờ xem có ai cho gì không.
Bà bán hàng cầm mấy cái túi thức ăn và nước để trên mặt quầy nhưng chưa giao cho người khách homeless, bà nói: - “Hết thảy $17.5” -, rồi chờ thâu tiền. Tôi cũng đứng nhìn xem anh homeless này có chừng bao nhiêu tiền mà dám tiêu nhiều như vậy cho một bữa cơm chiều. Nhưng không có dấu hiệu gì chứng tỏ là anh sẽ lấy tiền ra trả. Bà bán hàng nói lớn, trống không:

- Ai trả tiền cho “nó” đây?

Tôi nhìn quanh quất không biết bà hỏi ai, vì ở trong quán hàng này, ngoài bà bán hàng, có tôi, bà khách bánh tiêu, và ông Mễ, thì đâu còn ai nữa. Bà bán hàng nhìn người khách homeless đang giơ tay chờ đợi giao hàng, rồi nhìn sang bà khách bánh tiêu:

- Cô trả cho “nó” hả?

Bà khách bánh tiêu lắc đầu nói không, rồi quay sang tôi nói nhỏ:

- Tôi mới cho anh ta tiền hồi nãy.

Ông Mễ, tay cầm một tờ $20, nãy giờ đứng yên lặng trước quầy hàng, thấy ồn ào nên lên tiếng hỏi:

- What are you guys saying? I don’t understand. (Các vị đang nói chuyện gì vậy? Tôi không hiểu. BT)

Bà bán hàng lặng im, bà không biết phải trả lời ông Mễ ra sao, bà đưa mắt nhìn bà khách bánh tiêu như nhờ bà nói giúp. Bà khách bánh tiêu quay sang ông Mễ giải thích:

- We are talking about this man. He bought too much food, but he has no money to pay. What can we help you, sir? Do you need to buy anything? (Chúng tôi đang nói về anh chàng này. Anh ta lấy quá nhiều đồ ăn nhưng không có tiền trả. Chúng tôi có thể giúp gì, thưa ông. Ông có cần mua gì không ạ?. BT)

Ông Mễ lắc đầu:

- No, I don’t need anything. I promised to buy this man dinner. Just give him the food he wants. I will pay. (Không, tôi không cần mua gì. Tôi đã hứa sẽ mua bữa tối cho anh này. Bà hãy đưa đồ ăn cho anh ấy. Tôi sẽ trả tiền. BT)

Bà khách bánh tiêu quay lại nói với bà bán hàng:

- Ông Mễ nói ổng trả tiền cho người này.

Bà bán hàng há hốc miệng nhìn người khách Mễ, nhưng vẫn chưa chịu đưa mấy gói thức ăn cho người khách homeless. Bà khách bánh tiêu nhắc lại:

- Ông Mễ nói dì đưa đồ ăn cho người ta, ổng trả tiền.

Bà bán hàng luống cuống thả hai gói thức ăn và bịch nước trên quầy. Người khách homeless nhanh tay chộp lấy rồi phóng nhanh ra cửa.

Tôi ngạc nhiên nhìn ông Mễ, người đã rộng lòng chia chén cơm chiều nay cho người homeless. Ông chừng khoảng trên dưới bốn mươi tuổi thôi, khuôn mặt trắng trẻo, thân hình thon gọn, mạnh khỏe, nhưng hình như là hơi bị tật ở chân, vì ông phải nhờ vào chiếc gậy chống trên tay trong mỗi bước đi khập khễnh. Ông vừa cầm tiền thối lại vừa cau mày hỏi:

- What is going on? Why was there so much commotion in here? Why didn’t she give the food to the customer? (Có chuyện gì đang xảy ra vậy. Sao ồn ào thế? Sao bà ta không đưa thức ăn cho khách?. BT)

Một lần nữa bà khách bánh tiêu phải trả lời giúp bà bán hàng:

- Because the saleswoman did not know who would pay for the food. That man is homeless, you know. (Bởi vì bà ấy không biết ai sẽ trả tiền đồ ăn. Anh chàng này là dân lang thang mà, ông thấy đấy!. BT)

Tôi thêm vào:

- That man ordered too much food for one person to eat. The saleswoman was just afraid that the homeless man was taking advantage of the people who were trying to help him. (Anh ta yêu cầu quá nhiều đồ ăn mà một người có thể ăn được. Bà bán hàng e ngại ông ta lợi dụng những người có lòng tốt. BT).

Ông Mễ lắc đầu nói:

- It’s ok. We still have jobs, we still have money. It is good that we can share with the less fortunate. We do whatever our heart says. How people act is their business. Don’t judge them if we don’t know their circumstances. Maybe he got more food because he wanted to save some for tomorrow, or perhaps to share with those who are in the same boat. (Không sao mà. Chúng ta vẫn còn có việc làm. Chúng ta vẫn còn có tiền. Chia sẻ cho những người có số phận không may là điều tốt. Chúng ta làm những điều mà trái tim mách bảo. Còn họ cư xử thế nào đó là việc riêng của họ. Đừng kết tội họ nếu ta không biết rõ tình trạng người ta thế nào. Có thể anh ấy lấy nhiều đồ ăn vì muốn để dành cho ngày mai hoặc có thể để chia cho những người cùng cảnh ngộ. BT)

Nói xong, ông Mễ chống gậy chậm chạp bước khỏi quán hàng. Tôi, bà khách bánh tiêu, và bà bán hàng, đứng yên không nói được lời nào. Sự im lặng bao trùm lấy chúng tôi mãi đến mấy phút sau, khi bà bếp đem mấy phần bánh xèo ra để lên quầy hàng trước mặt, chúng tôi mới hết nỗi bàng hoàng.

Tôi với tay lấy túi thức ăn của mình, trả tiền rồi chào bà khách bánh tiêu đi ra xe. Tôi kể cho Thảo nghe chuyện người Mễ trả tiền cơm cho người homeless Việt Nam. Thảo gật gù khen:

- Ông Mễ đó thiệt hay nghen.

Suốt một quãng đường về tôi im lặng nghĩ lại chuyện vừa xảy ra trong quán hàng cơm chỉ. Tôi cảm thấy có chút hổ thẹn vì mình đã không có được một tấm lòng quảng đại như ông Mễ đó, một người khác chủng tộc đã giúp đỡ người đồng hương của tôi. Tôi đã không nghĩ đến cái việc nhỏ nhoi tôi có thể làm là mua cho người đồng hương khốn khổ đó một phần cơm. Không những thế, tôi còn có những ý nghĩ coi thường người khách homeless vì... trẻ mà không chịu tìm việc đi làm, chỉ biết sống nương nhờ vào người khác, vì... người gì đâu mà....

Tôi ngượng ngùng khi nhớ lại thái độ của mình khi đã cố tình bước lùi xa thêm một chút nữa, để “rộng chỗ” cho người đồng hương homeless khỏi “đụng chạm” vào tôi trong lúc anh lăng xăng chạy từ quầy hàng sang tủ nước. Ừ nhỉ, tại sao tôi lại nông nổi đến thế? Tôi không nghĩ được như ông Mễ: “Đừng xét đoán người khi không biết rõ hoàn cảnh của họ”.

Tại sao tôi không băn khoăn tự hỏi, biết đâu những người homeless này có những cái khó khăn mà họ đang phải phấn đấu để vượt qua?

Tại sao tôi không nghĩ là có thể vì một lý do nào đó nên họ không có cơ hội để tìm kiếm, giữ vững được công việc làm? Cũng có thể vì tuổi trẻ lầm lỡ, nên họ đã vướng mắc vào vòng lao lý, rồi vì cái quá khứ đen tối đó đã đưa họ vào tình cảnh hôm nay? Cũng có thể vì thất cơ lỡ vận nên họ mới trở thành homeless, không có một chốn nương thân, không biết ngày mai có gì ăn để sống?!

Ông Mễ tôi gặp chiều nay cao thượng quá, có một trái tim to lớn quá. Ông giúp người mà không cần biết là có bị lợi dụng hay không. Ông cũng chẳng quản ngại là cái người được ông giúp không cùng chung một quê hương, xứ sở với ông. Tôi cũng cầu mong cho người homeless Việt Nam trẻ đó có thể thoát qua cơn đói nghèo hôm nay và sau này anh cũng sẽ bắt chước ông Mễ ngày nào, đem bát cơm Phiếu Mẫu chia cho những người bất hạnh hơn anh.
Tác giả:BẢO TRÂN

1 comment: