Monday, October 3, 2011

An toàn thực phẩm(4)

Kiểm tra, đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến hành phi
Dầu tái chế dùng sản xuất hành phi tại cơ sở của bà Hồng Nguyệt bị niêm phong ngày 23.11 - Ảnh: Thanh Tùng
Ngay sáng qua 23.11, khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng sản xuất hành phi không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã khẩn cấp lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở phi hành.
Những cơ sở “3 không”
Tại hộ của bà Lê Thị Ngân Nga (ở số 97/10, tổ 5, ấp Giữa, xã Tân Phú Trung), điều kiện sản xuất hành phi rất không đảm bảo vệ sinh: từ sàn nhà, dụng cụ chế biến hành dơ bẩn, đến các nguyên liệu chế biến, hành phi thành phẩm vứt cạnh nhà vệ sinh, nhân viên mình trần không được khám sức khỏe, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, sử dụng dầu đen... Bình quân mỗi ngày, hộ bà Nga cho ra lò khoảng 200 kg hành phi thành phẩm, đem cung cấp cho các chợ đầu mối lớn ở Q.Thủ Đức, chợ Tân Xuân (H.Hóc Môn)... Từ đây, hành phi tỏa đến các tiệm hủ tiếu, bánh cuốn...
Cạnh bên hộ bà Nga là “xưởng” hành phi của bà Nguyễn Thị Nhắn (số 97/8) và của ông Nguyễn Văn Hòa (số 97/12). Qua kiểm tra, điều kiện sản xuất hai nơi này cũng tương tự: không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; thùng, thau đựng nguyên liệu dơ bẩn, sử dụng dầu đen... Đáng lưu ý, tại cơ sở của bà Nhắn, đoàn kiểm tra còn phát hiện một gói bột hóa chất, mà theo lời bà Nhắn là dùng để tẩy trắng dầu đen (?!)...
Tiến hành kiểm tra hai cơ sở khác kề nhau ở tổ 3 (ấp Giữa, xã Tân Phú Trung) của ông Phan Văn Sĩ (số 145) và ông Phan Văn Dũng (số 147), điều kiện vệ sinh có vẻ khá hơn nhưng cả hai cơ sở này cũng không đảm bảo các điều kiện vệ sinh theo quy định... Đoàn kiểm tra đã đình chỉ sản xuất hành phi cả 5 cơ sở trên, tạm giữ 132 kg dầu đen, lấy mẫu hành phi, dầu, hóa chất... để kiểm nghiệm.
Cơ sở chế biến dầu đen tẩu tán...
Buổi chiều cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP H.Củ Chi tiến hành kiểm tra cơ sở của bà Phạm Thị Hồng Nguyệt (số 106, tổ 5, ấp Giữa), nơi PV Báo Thanh Niên đã thâm nhập trước đó quay phim việc “chế biến” dầu đen để cung cấp cho các cơ sở hành phi. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra đến thì cơ sở này đã “dọn dẹp” gần như sạch sẽ, chỉ sót lại 4 thùng dầu đen (khoảng hơn 100 kg). Một thành viên trong đoàn kiểm tra nhận định: “Do sáng nay kiểm tra ở khu vực này nên đã bị động”.
Đoàn kiểm tra kết luận, hộ bà Nguyệt không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; cơ sở, dụng cụ, nguyên liệu... không đảm bảo vệ sinh... nên quyết định đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này.
Theo các chủ cơ sở chế biến hành phi, “làng hành phi” ấp Giữa có khoảng hơn chục cơ sở, giá mỗi ký hành phi thành phẩm được bỏ mối từ 20 - 40 ngàn đồng, tùy công nghệ chế biến, mức độ trộn tạp chất. Việc dùng dầu đen để phi hành, theo các chủ hộ chỉ mới hơn 1 năm nay. Dầu phi hành không chỉ tái chế một lần mà qua qua kiểm tra cho thấy chúng được tái sử dụng rất nhiều lần, đến nỗi phải dùng hóa chất để tẩy trắng như nói trên. Bên cạnh đó, để có lời hơn nữa, các cơ sở còn dùng củ cải trắng, bột mì, bột năng... trộn vào hành thật.
“Giống y như những gì Báo Thanh Niên phản ánh, từ điều kiện mất vệ sinh, đến công nghệ chế biến, trộn dầu đen... Tình trạng vệ sinh quá kém, có cả nhà vệ sinh trong khu chế biến; sử dụng nguồn nước giếng không qua xử lý; nguyên liệu không nguồn gốc...”, một thành viên đoàn kiểm tra nhìn nhận.
Điều đáng nói, “làng hành phi” này hoạt động hơn 10 năm nay, đa phần không có giấy đủ điều kiện ATVSTP, không giấy phép kinh doanh... nhưng chính quyền và cơ quan y tế địa phương “vẫn không hay biết” (?!), mà phải đến khi Thanh Niên lên tiếng phản ánh mới tiến hành kiểm tra. Đây là điều cần làm rõ, bởi chính sự buông lỏng quản lý đã tiếp tay cho hàng trăm tấn hành phi “bẩn” được tung ra thị trường trong hơn chục năm qua, trong đó không ít sản phẩm được phi bằng dầu đen tái chế, loại dầu mà các nhà chuyên môn cho là “thủ phạm” gây ra ung thư...
Thâm nhập “làng hành phi”
Cảnh sản xuất hành phi ở cơ sở nhà bà T. - Ảnh: Hoài Nam
Mỗi ngày, những cơ sở phi hành ở TP.HCM tung ra thị trường hàng chục tấn hành phi thành phẩm. Hành phi sau đó được làm gia vị cho rất nhiều món ăn tại quán xá bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng ở khách sạn cao cấp. Thế nhưng, ít ai biết được một lượng lớn hành phi đang sử dụng trên thị trường lại được chế biến bằng một công nghệ cực kỳ mất vệ sinh...
Từ phản ánh của một bạn đọc về tình trạng mất vệ sinh ở những lò chế biến hành phi, suốt gần hai tháng ròng rã, PV Thanh Niên đã tìm mọi cách thâm nhập để phanh phui một công nghệ sản xuất lạ đời chưa từng thấy!
Một trong những nơi tập trung phi hành cung cấp cho thị trường TP.HCM và cả một số tỉnh lân cận là làng hành phi ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mỗi ngày, làng hành phi này đưa ra thị trường hàng chục tấn hành thành phẩm. Ở đây, các lò phi hành phừng phực lửa ngày đêm, đi đến đâu cũng bắt gặp các hộ dân làm nghề lột vỏ hành thuê cho các cơ sở phi hành...
Cho vào... máy giặt
Trong vai một khách hàng, PV Thanh Niên đến ấp Giữa và thâm nhập vào cơ sở của hai chị em bà T., được xem là cơ sở phi hành lớn nhất của làng, mỗi ngày tung ra thị trường hàng tấn hành phi thành phẩm. Choáng ngợp ngay từ cổng là hàng trăm bao hành tươi xếp cao tận nóc nhà, với đủ các loại hành tây, hành ta.
Phía bên trái từ cổng vào là nhà chứa hành thành phẩm. Hàng trăm thùng nhựa chứa hành mới phi xong, thùng nào cũng nhơm nhớp dầu thừa của hành phi chảy ra, bị bụi bám lâu ngày không rửa tạo thành một lớp đất đã chuyển sang màu đen, bết lại như keo. Lúc này, thùng chứa thành phẩm xếp kín không còn chỗ trống, khiến hai công nhân tận dụng luôn miệng thùng làm nơi đóng hàng. Hai chân gác lên miệng thùng, tay cầm vá xúc hàng đổ vào từng bịch nilon (loại 5 kg) rồi lại quăng ngay xuống nền đất. Gần đó, bà chủ T. liên tục nhận điện thoại giao dịch với khách hàng...
Phía cuối đường vào là xưởng sản xuất, rộng chừng 200m2, được xây tường và che tôn cũ đã han gỉ, nền tráng xi măng. Chúng tôi đã suýt té ngửa khi bước vào xưởng, do bị trượt chân khi giẫm lên lớp đất nhem nhép nước và dầu dưới sàn. Trong xưởng, 23 lò xây thủ công đang phừng phực lửa.

Vô tư đóng gói hành thành phẩm - Ảnh: Hoài Nam
Hai máy bào hành đã gỉ sét được đặt trên nền xi măng ngay lối vào đang được hai công nhân vận hành hết công suất. Từng bao hành đã lột vỏ được đổ vào máy, hành bào chảy xuống văng cả ra ngoài nền xi măng lại được công nhân tay đầy mồ hôi, đất cát hốt vào chậu. Đây là công đoạn đầu tiên trong quy trình sản xuất. Tiếp đến, hành đã bào mỏng được cho vào những chiếc máy giặt cũ kỹ, sét gỉ để vắt nước, rồi được chuyển sang trộn tẩm bột mì trước khi đổ vào chảo phi.
Trộn tạp chất...
Mỗi lò phi hành có ít nhất một thanh niên phụ trách. Người thì cởi trần, người mặc những chiếc áo mỏng bết vào da thịt do mồ hôi túa ra như tắm bởi sức nóng hầm hập của những lò lửa và chảo dầu sôi ùng ục.

Một tấn hành tươi nếu không trộn chỉ cho ra khoảng 280 kg hành phi. Nhưng bình thường các chủ lò thu về tới 450 kg hành phi thành phẩm, đó là nhờ trộn nhiều thứ khác.

Một công nhân ở ấp Giữa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM
Ở một lò gần giữa xưởng, anh thợ bê chậu hành đã trộn bột mì đổ vào chảo dầu đen ngòm đang sôi. Một tay cầm vá đảo hành trong chảo, tay còn lại anh giơ lên quệt mồ hôi mặt đang chảy thành dòng. Chiếc áo mỏng không thấm hết mồ hôi nên mỗi khi anh giơ tay đảo hành, mồ hôi trên tay áo lại nhỏ tong tỏng vào chảo. Đến khi hành vừa đủ vàng, thợ phi cầm vá vớt ngay ra chậu phía dưới mà miệng và thành chậu bám đầy mùn cưa, bụi đất...
Đặc biệt, hành sau khi phi xong, chờ cho nguội bớt sẽ... được bỏ vào máy giặt để vắt kiệt dầu. Dầu thừa từ máy vắt hành sẽ được tái sử dụng để phi hành. Còn hành thành phẩm được đổ vào những thùng nhựa lớn, chuyển sang công đoạn đóng gói...
Tại cơ sở của một ông cũng tên T., mặc dù không quy mô bằng cơ sở của chị em bà T., nhưng mỗi ngày cho ra lò trên dưới một tấn hành phi thành phẩm. Hôm chúng tôi đến thì thấy một tấm bạt cũ lâu ngày không giặt đã chuyển sang màu ố vàng loang lổ do dầu, đất bụi bám vào, được trải xuống giữa nhà để làm “xưởng đóng gói hành thành phẩm”. Một công nhân chân đất, quần đùi vô tư giẫm lên đống hành thành phẩm giữa bạt để đóng gói...
Ở một góc, 7 lò phi hành đang rực lửa. Công nhân không mang đồ bảo hộ luôn tay với công việc bào hành, phi hành, tẩm bột, máy bào hành, máy vắt chạy hết công suất trên một nền đất ẩm ướt đầy dầu, nước, đất quyện vào nhau đen xì, nhớp nhúa...
Trong suốt gần hai tháng, chúng tôi đến nhiều cơ sở phi hành ở Củ Chi và Hóc Môn để ghi nhận “công nghệ” chế biến hành phi. Đi đến đâu cũng cảnh ruồi nhặng bay khắp xưởng, dầu, nước thải đen ngòm túa trên nền xưởng nhèm nhẹp, hành thành phẩm đổ ngay ra đất, những bịch hành đóng gói xong vứt lăn lóc dưới nền nhà...
Khó có thể tưởng tượng, những lát hành phi này sau đó lại được rắc lên những tô hủ tiếu, những dĩa bánh cuốn... ở những quán xá nơi đô thị.
Phi... dầu đen
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở ấp Giữa có tổng cộng 11 cơ sở phi hành, với 48 công nhân trực tiếp đứng lò. Các cơ sở phi hành ở đây tạo công ăn việc làm (thuê lột vỏ hành) cho khoảng 50% trong tổng số hơn 1 ngàn hộ dân ấp. Chủ nhiều lò hành phi cho biết hành thành phẩm từ đây được chuyển đến cho thương lái ở các chợ trong thành phố như An Đông, Chợ Lớn, Ông Tạ, Bình Tây... Tiếp theo, tiểu thương sẽ bán sỉ cho những nhà hàng lớn chế biến các món ăn và bán lẻ cho các quán bán hủ tíu, bánh cuốn, bánh ướt, xôi, gỏi...
Ngoài mối tiêu thụ trong thành phố, các lò hành phi còn cung cấp cho mối lái ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai... mỗi ngày hàng tấn hành phi thành phẩm.
Vốc một nắm hành thành phẩm còn ấm lên đưa ra trước mặt PV Thanh Niên, bà T. đầy tự tin: “Hành ở cơ sở tôi là nhất, chiên bằng dầu tốt và ít trộn. Đảm bảo không nơi nào hành và giá tốt hơn đây đâu”. Tuy nhiên thực tế, việc trộn bột vào hành trước khi phi nơi nào cũng có, mà theo tiết lộ của một số công nhân là để tăng trọng lượng hành và hành thêm giòn. Bình quân, cứ một tấn hành tươi được các chủ lò cho trộn khoảng 200 đến 300 kg bột mì, bột năng.
Bên cạnh đó, các chủ lò còn áp dụng thủ thuật bào cả hành tây, củ cải, củ mì để phi, sau đó trộn lẫn với hành ta phi nguyên chất mang đóng gói... nhằm hạ giá thành để cạnh tranh. “Một tấn hành tươi nếu không trộn chỉ cho ra khoảng 280 kg hành phi. Nhưng bình thường các chủ lò thu về tới 450 kg hành phi thành phẩm, đó là nhờ trộn nhiều thứ khác”, một công nhân nói. Có lẽ, do trộn nhiều tạp chất nên giá bán sỉ hành phi thành phẩm của các cơ sở ở đây thấp nhất là 19 ngàn đồng, còn cao nhất cũng chỉ 55 ngàn đồng/kg. “Nếu không dùng những thủ thuật để tăng trọng lượng thì một kg hành phi thành phẩm phải bán với giá 120 ngàn đồng mới có lời”, một chủ cơ sở cho biết.
Một điểm chung khác PV ghi nhận tại nhiều cơ sở phi hành ở ấp Giữa là loại dầu để phi hành thường có màu đen như nước cống (chủ cơ sở phi hành gọi là dầu đen), đựng trong những can nhựa bẩn. Khi mở nắp can thì mùi hôi, thậm chí mùi thối, bốc ra nồng nặc, rất khó chịu, nếu để ý kỹ sẽ thấy dầu lợn cợn những chất giống như đồ ăn dư thừa hoặc chất hữu cơ đóng vón...
Theo một số công nhân, loại dầu đen này được mua từ các cơ sở chế biến dầu phế thải, với giá chỉ từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg. Vậy dầu đen là dầu gì mà lại có mùi hôi thối nồng nặc? Theo chân một số người bỏ mối dầu, PV Thanh Niên tiếp tục thâm nhập các cơ sở chế biến dầu phế thải chuyên cung cấp cho các lò phi hành và phát hiện một công nghệ thu gom - chế biến dầu thừa cặn không thể tưởng tượng nổi!
Dầu phi hành được gom từ… hố ga!
Từ đầu mối một số người giao dầu cho các cơ sở hành phi, PV Thanh Niên đã thâm nhập các cơ sở chế biến dầu phế thải ở TP.HCM, chứng kiến “công nghệ” thu gom, chế biến dầu phi hành khủng khiếp.
Dầu đen = dầu thải để lắng
Một buổi sáng cuối tháng 10, PV bám theo một xe tải vừa bỏ mối dầu cho cơ sở T. ở làng hành phi. Khi ra đến QL22, chiếc xe tải này chạy thẳng hướng vào thành phố và dừng lại trước một ngôi nhà lớn, kín cổng cao tường trong con hẻm nhỏ thuộc đường Gò Cẩm Đệm, Q.Tân Bình. Cổng được hé ra đủ để phụ xe lôi hàng chục can không trên thùng xe xuống ném vào trong sân. Sau đó, cánh cổng nhanh chóng được khép lại. Nhìn qua khe cổng thấy trong sân hàng trăm can đựng dầu đen xếp dày đặc. Xác định đây chính là một trong những cơ sở chế biến dầu cung cấp cho những cơ sở phi hành, PV tìm phương án thâm nhập.
Hôm sau, trong vai chủ cơ sở phi hành, PV gõ cổng căn nhà này. Một thanh niên ngoài 20 tuổi ra mở cổng. Sau vài câu hỏi cùng ánh nhìn dò xét, thanh niên này hé cánh cổng vừa đủ cho khách lách người cùng xe gắn máy vào trong sân, rồi lại đóng sầm cửa và không quên cài then an toàn. Bên trong sân (rộng chừng 150m2) hàng trăm can loại 30 lít đầy dầu đen như nhớt thải xếp kín, hình như cơ sở đang chuẩn bị giao một lượng hàng lớn. Ông chủ cơ sở tên N. lúc này mới xuất hiện, vồn vã mời khách vào nhà sau khi người thanh niên báo có khách hỏi mua dầu đen để phi hành. Ông N. đưa khách ra sân, chỉ vào những chiếc can đầy dầu đen và nói: "Đấy, anh cứ xem và chọn".

Công nhân đang đổ dầu phế thải vào phuy để bơm lên bồn chờ lắng - Ảnh: Hoài Nam
Vừa giả bộ xem, thử dầu... PV vừa kín đáo quan sát thấy cơ sở của ông N. chẳng có máy móc gì ngoài một máy bơm nước được gắn trên miệng một thùng phuy đặt ngay dưới chiếc bồn lớn ở góc sân. Chiếc máy này có nhiệm vụ bơm dầu từ phuy lên bồn để chờ lắng. Hai thanh niên đang lấy dầu từ bồn chiết vào can và đóng nắp kín. Đến khi phần dầu cặn xuất hiện thì công việc chiết dầu vào can dừng lại, cả hai hì hục khiêng những can dầu "nguyên liệu" ở một góc sân đổ đầy vào phuy và bật máy cho bơm hết lên bồn, đến khi trong phuy chỉ còn lại cặn cùng các loại mỡ, xác cá, thịt đã bị rữa... thì lại đổ tiếp dầu "nguyên liệu" vào. Sau khi quan sát hết cơ sở chế biến của ông N., PV thử đề nghị mua một số loại dầu ở đây với giá 6.000 đồng/kg, lập tức ông N. nói lớn: "Dầu thối tôi đã bán 6.500 đồng rồi, tôi đang giao cho bà T. làm hành phi ở Củ Chi mỗi ngày gần 1 tấn loại 7.700 đồng". PV xuống nước chấp nhận mua với giá giao cho bà T., tức 7.700 đồng/kg, và hẹn hôm sau sẽ quay lại báo số lượng và đặt tiền cọc...
Sau khi tận mắt chứng kiến những can dầu đen xì lẫn các loại vật dụng bẩn ở cơ sở ông N., PV tiếp tục thâm nhập cơ sở chế biến dầu của bà H. nằm ngay trên QL22, huyện Hóc Môn. Kho của bà H. có hàng chục thùng phuy chứa đầy ắp dầu đen không đậy nắp, ruồi nhặng bu đầy; chưa kể loại can 30 lít xếp la liệt trên sàn, can nào can nấy đầy dầu đen xì, lợn cợn tạp chất... Vào sâu bên trong là nhà ở của bà H. Khoảng sân phía trước có một bồn 4 ngàn lít là "bể lắng". Dầu từ các phuy được bơm lên bồn, chờ lắng rồi chiết vào can đem bán. "Tôi bán duy nhất một loại dầu. Anh mua nhiều không, mỗi ngày làm hết mấy tấn hành tươi", bà H. hỏi lại sau khi PV hỏi giá dầu phi hành. "Cơ sở tôi mới mở, đang đi hỏi giá để quyết định", PV trả lời và tìm cách rút.

Một góc cơ sở Q.D
Để hiểu rõ hơn “công nghệ” chế biến dầu đen, PV tiếp tục thâm nhập cơ sở Q.D ở ngay làng hành phi. Cũng như hai cơ sở trước, cơ sở Q.D có hàng chục phuy để chứa dầu đen lẫn vô số các loại tạp chất bẩn đã bốc mùi và 2 chiếc bồn chứa lớn. "Dầu bẩn tụi em đổ vào phuy, nếu phuy đầy sẽ bơm lên bồn. Chờ khoảng 1 tuần cho lắng bớt cặn và nước là tụi em múc lần lượt hết phần dầu nổi lên đóng vào mỗi can 26 kg rồi mang giao cho các cơ sở hành phi. Đấy anh xem, dưới toàn cặn bẩn đây này", một công nhân ở cơ sở của Q.D vừa giải thích "công nghệ" chế biến dầu đen, vừa chỉ vào một thùng phuy đã cạn. Nhìn vào, PV thấy đầy bùn đất sền sệt, lẫn lộn trong đó là cả thịt động vật... đang trong thời kỳ thối rữa.
Không chỉ để phi hành...


"Dầu bẩn tụi em đổ vào phuy, nếu phuy đầy sẽ bơm lên bồn. Chờ khoảng 1 tuần cho lắng bớt cặn và nước là tụi em múc lần lượt hết phần dầu nổi lên đóng vào mỗi can 26 kg rồi mang giao cho các cơ sở hành phi…".

Một công nhân ở cơ sở của Q.D giải thích về "công nghệ" chế biến dầu đen


Trong những ngày thâm nhập, chúng tôi được biết mỗi chủ cơ sở đều có thế mạnh riêng, kể cả về mối bán, mua và thủ thuật chế biến. Ông chủ N. khoe liên tục xuất hàng tấn dầu đi Hà Nội. Ngoài ra, ông N. còn mang bỏ mối cho một nhà máy thép ở KCN Biên Hòa làm dầu bôi trơn phôi thép mới ra lò (?). Còn cơ sở hành phi lấy dầu của ông N. để sản xuất thì rất nhiều, trong lúc nói chuyện ông này kể tên hàng loạt cơ sở hành phi ở Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... là khách ruột. "Riêng bà T. hành phi ở Củ Chi mỗi ngày ít nhất cũng lấy của tôi 700 kg, nếu nhiều thì trên 1 tấn", ông N. khoe và đưa danh thiếp cho PV, trong đó ghi "Cung cấp sỉ lẻ các loại dầu xá, dầu chai nhãn hiệu VoCa, Ben83, SoBy...". Đầu tháng 10 vừa qua, cơ sở Q.D xuất đi Hà Nội 4 tấn dầu "thành phẩm". Không chỉ chế biến dầu đen cung cấp cho các lò phi hành, Q.D còn kiêm luôn cả cung cấp bộ trộn cho các cơ sở này, đồng thời cạnh tranh trực tiếp bằng việc phi hành tây, củ cải theo đơn đặt hàng. Hôm PV đến cơ sở này, thấy bên cạnh đội ngũ công nhân hì hục sang chiết dầu, hai lò phi hành của cơ sở cũng đỏ rực lửa, công nhân liên tục đảo, vớt hành từ trong chảo đổ ra rổ. Ngay lối vào khu sản xuất, một công nhân đang ngồi giạng chân cặm cụi bào củ cải, hành thành phẩm từng bao đầy ắp xếp cùng với những can dầu phế thải la liệt dưới nền đất đầy bụi... "Ai đặt hàng hành phi thì tôi làm. Nghề chính của tôi nhiều năm nay là chế biến dầu chứ không phải hành phi" - ông chủ Q.D cho biết.
Tương tự, cơ sở của bà H. ngoài các mối làm hành phi, các cơ sở làm sa tế ở thành phố cũng thường xuyên đến lấy dầu về chế biến. Chồng bà H. cho biết thêm, dầu "nguyên liệu" các đại lý đi thu gom mang đến bán có nhiều loại khác nhau, có loại nhiều tạp chất, có loại chỉ mới dùng qua một nước. Tất cả các loại này được cơ sở đổ vào phuy chờ lắng bớt, rồi bơm chung lên bồn. Mỗi ngày như vậy cơ sở của bà H. đều đặn đi bỏ mối cho cơ sở hành phi, làm sa tế hàng tấn dầu... "Làm như vậy các cơ sở khó tính mấy cũng không thể chê can này đẹp can kia xấu được", chồng bà H. tự hào.
Có thể khẳng định các cơ sở chế biến dầu đen để phi hành chỉ sử dụng công nghệ duy nhất là để "lắng" dầu "nguyên liệu". Nhưng dầu "nguyên liệu" được thu gom từ đâu mà trong đó lẫn các loại rác, rau, củ, cơm, thịt và xác động vật...? Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, nguồn dầu "nguyên liệu" chủ yếu từ dầu thải ở các nhà hàng, quán ăn, cơ sở sản xuất... trong đó dồi dào nhất là từ các nhà máy sấy trái cây. Theo chân những lái thu gom dầu thải, PV Thanh Niên phát hiện một lượng dầu "nguyên liệu" rất lớn được gom từ hố ga của các nhà máy chế biến nông sản, sau đó đem bán cho các cơ sở chế biến dầu đen...
3: Sự thật kinh hoàng
Để có được những thước phim cận cảnh lấy dầu từ hố ga đem bán cho các cơ sở “chế biến” dầu đen, thậm chí giao thẳng cho cơ sở phi hành, PV Thanh Niên đã vào đủ vai: đại lý thu gom dầu thải, nhân viên học việc, thợ hồ...
Hai nguồn “nguyên liệu”
Như Thanh Niên đã nêu, trong dầu “nguyên liệu” - để lắng thành dầu đen bán cho các cơ sở phi hành - có lẫn rất nhiều tạp chất như rau, rác, cơm, thịt, cá, xác động vật... và rất hôi thối. Suốt gần 2 tuần liền đeo bám các đại lý thu gom dầu thải, PV Thanh Niên nhận thấy sở dĩ dầu “nguyên liệu” có nhiều tạp chất nói trên là do thu gom từ các nhà hàng, quán nhậu trên khắp các quận 1, 3, 5, 7, Bình Thạnh, Tân Bình... Các nhà hàng sau khi chiên, xào đồ ăn, dầu thải được đầu bếp đổ lẫn vào xô, chậu chờ đại lý đến thu gom. Có nơi nhân viên bếp còn “tận thu”, vét sạch bát đĩa có dính dầu, thậm chí nhặt nhạnh cả mỡ gà, mỡ cá dư thừa trong quá trình làm đồ ăn sống... bỏ vào xô, chậu đựng dầu thừa cho nặng hơn. Vì thế, trong dầu “nguyên liệu” có cả thức ăn thừa.
Mỗi ngày một nhà hàng chỉ thải khoảng vài lít dầu, trong khi đại lý thu gom dầu mỗi chuyến chở 6-7 can 30 lít. Để đủ chuyến, đại lý thường 2-3 ngày mới ghé các nhà hàng trên một cung đường thu gom một lần. Dầu đã sử dụng, lại lẫn các tạp chất hữu cơ, để mấy ngày thành ra bốc mùi hôi thối.
Thế nhưng, suốt một buổi sáng đeo bám đại lý đi một loạt nhà hàng, quán nhậu ở Bình Thạnh và Tân Bình thu gom dầu thải, PV Thanh Niên nhận thấy anh này chỉ gom được 5 can, có nghĩa lượng dầu từ nguồn này rất hạn chế. Trong khi đó, những cơ sở chế biến dầu đen mà PV thâm nhập chế biến đến hàng tấn dầu mỗi ngày. Vậy nguồn dầu “nguyên liệu” chính từ đâu ra?
Nhiều ngày “mai phục” trước cổng cơ sở chế biến dầu đen Q.D, PV thấy một đại lý mỗi ngày đều đặn chở đến 3-4 chuyến, mỗi chuyến 5-6 can dầu “nguyên liệu” trong đó lẫn các loại trái cây và nông sản như cà rốt, đậu que, khoai tây... khác với dầu thải của nhà hàng. Lân la làm quen với lý do “xin theo làm nghề thu gom dầu thải”, PV được đại lý này giải thích: đó là dầu lấy từ hố ga các nhà máy chế biến nông sản. Cụ thể, trước khi trái cây hay hàng nông sản đưa vào sấy sẽ được chiên sơ bằng dầu. Mỗi ngày, một công ty cỡ vừa vừa cũng sấy hàng chục tấn nông sản. Lượng dầu sau khi chiên sẽ được gom lại để bán. Ngoài ra, sau mỗi ca công nhân đều tiến hành rửa dây chuyền chiên sấy. Nước rửa máy móc có lẫn dầu chiên, và cả dầu nhớt cùng tạp chất khác, chảy xuống một hố ga, chờ tạp chất và cặn lắng xuống, dầu thừa nổi lên thì đem hớt bán cho đại lý thu gom dầu thải. “Thế nên tụi tui gọi là dầu hố ga”, đại lý này thật thà.
Đeo bám
Để kiểm chứng lời kể trên, sau khi theo chân các đại lý đến một số nhà máy chế biến nông sản, PV Thanh Niên mượn một chiếc xe gắn máy cà tàng, sắm thêm 3 can nhựa, vào vai người thu gom dầu thải. Nhà máy đầu tiên mà PV tiếp cận là A.D.L ở xã Xuân Thới Thượng, H.Hóc Môn. Theo thông tin PV nắm được thì mỗi tháng nhà máy này bán hàng chục tấn dầu hố ga cho các đại lý thu gom với giá 6,5 ngàn đồng/kg. Việc mua bán này được giám sát chặt chẽ theo quy trình: dầu thải được công nhân múc sẵn từ hố ga ra can, ai có nhu cầu đến giao dịch với quản lý nhà máy ở văn phòng và hàng sẽ có người xếp lên xe (nếu phương tiện là ô tô), không cho khách hàng vào nơi chứa dầu thải. Vì vậy, dù trả giá cao hơn nhiều nhưng quản lý nhà máy vẫn cương quyết không cho PV vào “khu cấm địa”; định chuyển qua phương án đột nhập cũng thất bại do luôn có hai nhân viên trực camera quan sát 24/24 khu vực sản xuất...
Thất bại ở A.D.L, PV tiếp tục gõ cửa 3 nhà máy khác, nhưng cũng đều vấp phải sự cảnh giác cao độ. Đến công ty thứ 5 là Lusun trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, H.Hóc Môn, chuyên sấy trái cây và hàng nông sản xuất khẩu, công việc tiến triển hơn khi bảo vệ công ty chỉ vào liên hệ với văn phòng qua điện thoại. “Người mua tự múc hay nhân viên múc cho?”, chúng tôi hỏi và bảo vệ trả lời: “Các ông mua thì tự đi múc, dầu thối hoắc ai dám múc cho mấy ông (?!)”.
Cận cảnh
Tìm được điện thoại của văn phòng Công ty Lusun, PV liên hệ hỏi mua dầu thải, một giọng nữ gặng hỏi mua giá bao nhiêu. “Tụi tui vẫn mua một can 30 lít từ 140 - 170 ngàn đồng”, PV trả lời. Nữ nhân viên này cho biết công ty bán ký chứ không bán can. Sau khi thỏa thuận giá 6 ngàn đồng/kg, nhân viên Lusun cho biết sẽ liên lạc ngay khi có dầu. Nhưng chờ 3 ngày sau không thấy công ty gọi lại, PV chủ động liên lạc thì được trả lời: “Chưa có, có em sẽ gọi”. Thấy lạ vì ngày nào cũng có đại lý đến công ty gom dầu thải chở ra ngoài, PV quyết định tìm cách thâm nhập.
Trong những ngày theo chân đại lý đến cổng Lusun, thấy ngày nào cũng có một nhóm thợ hồ khoảng 15 người vào công ty đầu giờ sáng, PV làm quen và được một người giúp đỡ. 7 giờ 30 sáng một ngày cuối tháng 10, trong bộ đồ lấm lem như một thợ hồ, PV cùng nhóm thợ vào công ty qua cổng phụ và nhanh chóng tìm được hố ga chứa dầu thải nằm ở cuối hành lang, sau một lớp cửa nhà máy. Hố ga trống nắp, miệng vương vãi đầy dầu, mấy chiếc thùng nhựa để lăn lóc gần đó cùng chiếc ca nhựa lấm lem, nước bên trong hố ga sủi bọt ùng ục.
Khoảng 8 giờ sáng, khi PV ngụy trang camera vừa xong thì một người đàn ông tay xách 5 chiếc can cáu bẩn đi vào, dừng lại bên miệng hố ga. Đặt 5 chiếc can trống không xuống, anh này quay sang dựng những chiếc thùng nhựa lên, rồi lấy chiếc ca nhựa màu đỏ thản nhiên múc từng ca dầu đen nhợt lẫn với các loại rác thải từ dưới hố ga đổ vào thùng nhựa. Khi tất cả các thùng nhựa đầy, anh này bắt đầu chiết dầu từ thùng qua những chiếc can mang theo, khi chiết không quên lấy một miếng lưới lót ở miệng phễu để ngăn bớt rác chảy vào can. Cứ thế, cho đến khi 5 can nhựa loại 30 lít đầy ắp dầu thải...
Hố ga gom dầu của một công ty ở Củ Chi - ảnh: Hoài Nam
Ghi hình mấy ngày liên tiếp, trong vai thợ hồ PV đến bắt chuyện với người đàn ông thu gom dầu thải. H. (tên người đàn ông) cho biết làm nghề thu mua dầu phế thải đã nhiều năm để bán lại cho các cơ sở chế biến dầu phế thải ở thành phố và Lusun là một trong nhiều mối lấy hằng ngày của anh. “Tìm được công ty cho tự múc khó lắm, không biết vì sao họ không cho vào múc mà toàn múc sẵn ra can trước. Với lại, công ty này cho tự múc nên giá chỉ có 2 ngàn đồng/kg, tôi về lọc rác và đổ vào phi cho lắng bớt cặn, sau đó giao thẳng cho một cơ sở làm hành phi, còn bao nhiêu bỏ mối cho cơ sở Q.D với giá 6 ngàn đồng/kg”, H. kể. Vừa nói chuyện, H. vừa làm công việc của mình, đến khi 5 chiếc can đầy đến miệng thì cũng là lúc dầu trong hố ga cạn, bên dưới toàn nước đen xì. Cầm ca nhựa khoắng thấy toàn nước màu đen sền sệt bùn đất, rau rác, H. ném cái ca lên miệng hố ga, than: “Hôm nay được ít quá”.
PV cố ý phụ H. xách các can dầu ra ngoài để xem thực chất công ty bán dầu thải hay cho H. tự thu gom dọn vệ sinh. Khi ra đến gần cổng, H. xách 5 can đặt lên chiếc bàn cân, lập tức một nữ nhân viên ra xem trọng lượng. Tổng cộng 5 can được 146 kg, H. thanh toán 284 ngàn đồng (đã trừ bì) cho kế toán và được nhân viên ở đây cấp cho tờ giấy ra cổng. Tất cả như một quy trình đã được lập sẵn.Theo các đại lý thu gom dầu thải, dầu hố ga chiếm khoảng 70% lượng dầu “nguyên liệu” của các cơ sở chế biến dầu thải. Ngoài các loại rác hữu cơ, trong dầu này còn chứa cả dầu nhớt và chất độc hại khác khi rửa máy móc trôi xuống... Và những chất dơ bẩn, độc hại này vẫn hằng ngày theo một chu trình chế biến hành phi bẩn đi vào bao tử của nhiều người!

Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an vào cuộc
Hôm qua 24.11, Cục cảnh sát môi trường Bộ Công an (cơ quan thường trú phía Nam C36B) triển khai 3 mũi công tác đi kiểm tra một số công ty, cơ sở chế biến dầu phế thải mà Báo Thanh Niên phản ánh. Tại số nhà 13/30 đường Gò Cẩm Đệm quận Tân Bình do ông Trần Thanh Nghị làm chủ; qua kiểm tra có hơn 500 can dầu (mỗi can 26 kg) bị lập biên bản (trong đó có gần 50 can dầu đen sì). Một công nhân ở đây thừa nhận là người chuyên đi thu mua dầu phế thải ở các nhà hàng rồi về "chế biến" lại bỏ mối cho một số cơ sở hành phi. Còn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Tân Sơn Nhì (Hóc Môn) có 416 can dầu, 49 phi và một bồn 3 ngàn lít chứa đầy dầu có trọng lượng khoảng 23 tấn bị lập biên bản (toàn bộ là dầu phế thải). Bà Hoa thừa nhận chuyên đi mua dầu phế thải mang về chế biến bỏ mối cho các cơ sở hành phi, làm sa-tế và làm dầu bôi trơn.
Điều tra của Hoài Nam(TNOL)

1 comment: