Cuộc sống của người dân phố thị bộn bề, tất bật, do vậy việc dành nhiều thời gian để chăm sóc người thân mỗi khi ốm đau là không phải dễ. Nghề nuôi bệnh đã ra đời từ đó...Nếu có những phút giây lắng lòng, ta sẽ thấy Sài Gòn là nơi bao dung cho những thân phận gieo neo tìm kế sinh nhai. Một trong rất nhiều nghề mới hình thành là nuôi người bệnh. Những người trẻ chất phác bỗng trở thành những người nuôi bệnh có tay nghề. Họ hết lòng vì người bệnh, sẵn sàng săn sóc cho người bệnh đến hơi thở cuối cùng.
9 giờ tối, những dãy nhà nuôi người bệnh ở Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM trở nên tĩnh mịch. Anh Cẩn vừa tắm rửa, thay tã, treo mùng, ẵm ông cụ lên giường... Thấy tôi đến, anh tắt radio rồi cười khì: "Cả dãy nhà 2A chỉ có mỗi cái radio, tôi và thằng Sơn nghe tin thể thao xong là chuyển ngay cho mấy bả nghe cải lương. Không có để nghe thì buồn lắm!". Tôi hỏi, chẳng lẽ anh chăm sóc bệnh nhân suốt cả đời. Anh nói: "Bệnh nhân muốn chăm sóc đến hơi thở cuối đời thì những người nuôi bệnh chúng tôi cũng sẵn sàng. Trừ khi nào bệnh nhân hoặc người thân không muốn nuôi nữa mới thôi". Nhìn qua giường bệnh nhân, giọng anh trầm hẳn: "Ông cụ như cha tôi, nên chuyện lau chùi khi cụ "đi" luôn trên giường là bình thường, dọn riết rồi quen". Vỗ vai tôi, anh cười: "Dẫu sao nghề này vẫn sống được. Ở lại bệnh viện suốt với bệnh nhân, nên ít tiêu xài. Chứ làm những công việc khác phải thuê nhà trọ, giá điện nước đắt đỏ... không đủ tiền gửi về nuôi con".
Ông cụ mà anh Cẩn đang chăm sóc vẫn ý thức được mọi chuyện xung quanh nhưng chỉ tội là nói không được, chỉ biết nhép miệng. Nên mỗi khi có người quen vào thăm thì anh Cẩn trở thành "phiên dịch viên". Anh bảo: "Làm nghề này mặc cảm lắm! Nhiều lúc ngại không dám gặp bạn bè nhưng nghĩ lại ông cụ như cha mình thì nỗi xấu hổ không còn nữa". Hóm hỉnh, anh hát: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai...".
Chị Trang - một người làm nghề nuôi bệnh khác - kể: "Thấy mẹ mình chăm sóc người bệnh hay hay nên mình theo nghề này luôn. Ngày mới vô nghề không dám chợp mắt vì lo cho bệnh nhân. Giờ thì quen với lịch sinh hoạt của ông cụ rồi! Cứ 22 giờ, 23 giờ rồi 3 giờ sáng... cho cụ đi vệ sinh là bảo đảm ngon giấc". Ông cụ chị Trang đang chăm sóc lúc nào cũng cười dù không biết buồn hay vui. Còn chị H. thì cho biết: "Bà cụ tôi đang nuôi bị đủ chứng bệnh. Bữa nào bà ăn không được là lo sốt vó! Có những lúc thấy bà xuống cân, xanh xao, mình ép ăn thì bị bà tát tới tấp vào mặt, phun cả thức ăn đang ngậm vào mặt. Rồi giận lẫy, đuổi đi không thèm chăm sóc nữa. Nhưng rồi... cũng phải tâm huyết với nghề". Vừa kể, chị H. chỉ tay về phía khuôn viên của bệnh viện: "Cứ mỗi sáng, tôi đẩy xe lăn để đưa bà cụ 76 tuổi bị nhũn não, gãy xương đùi đi tắm nắng, dỗ ngọt để bà ăn cho nhiều. Mỗi năm 365 ngày... vậy là đã 4 năm rồi đó. Để ăn được cái Tết ở quê nghe xa vời quá!".
Chị Hương Hoa - điều dưỡng bệnh viện nhận xét: "Làm nghề này đòi hỏi phải có tâm huyết. Nếu chỉ chịu cực, chăm sóc bệnh nhân tận tình thôi thì chưa đủ. Người nuôi bệnh cần phải biết tâm sự, gỡ rối những trăn trở cho người bệnh lúc gieo neo. Nên trước khi nuôi bệnh nhân, bệnh viện phải huấn luyện tay nghề cho họ. Như tâm lý chăm sóc người bệnh, kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, lão khoa, chăm sóc nhi, vệ sinh vô trùng trong cơ sở y tế... Sau khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận trên toàn quốc. Còn mức lương làm việc bao nhiêu là do sự thỏa thuận giữa người nuôi bệnh với thân nhân bệnh nhân, bệnh viện không can thiệp. Chỉ cần trên 18 tuổi thì ai học cũng được. Vì nhiều người rất cần học để chăm sóc cho người thân trong gia đình".
Ở Sài Gòn, nói đến nghề chăm sóc người bệnh, người ta nghĩ ngay đến Bệnh viện (BV) Điều dưỡng – Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM (gọi tắt là BV Điều dưỡng). Ở đó có cả trăm người hành nghề một cách chuyên nghiệp, được BV quản lý, có trang phục riêng, gọi là “Câu lạc bộ Chăm sóc tại gia”.
“Không nỡ lấy giá cao”
Nghề này cần tính chịu khó, nhẫn nại, nhẹ nhàng và phải biết thương người bệnh như người thân của mình. Tưởng chừng như chỉ có chị em phụ nữ mới bám trụ được với cái nghề này, nhưng trong số những người hành nghề có rất đông các anh. Có một đặc điểm là những người hành nghề hầu hết đến từ các tỉnh miền Tây, mà đặc biệt hơn nữa là có nhiều cặp vợ chồng cùng nhau gắn bó với cái nghề cần sự tận tụy, chịu khó này.Ông Nguyễn Văn Cẩn, 50 tuổi (quê Kiên Giang), 5 năm nay gắn bó việc chăm sóc cụ ông T.T (75 tuổi, ở Q.5, TP.HCM), bị di chứng của căn bệnh tai biến mạch máu não, phải nằm một chỗ. “Ban đầu lên TP.HCM tìm việc, bước vào nghề cũng vì miếng cơm manh áo, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng rồi dần dà có sự gắn bó với người mình chăm sóc. Họ cũng quý mến, thương yêu mình, riết rồi không muốn bỏ nghề, mặc dù tiền thù lao không phải là nhiều so với chuyện chăm sóc mọi việc cho một người bệnh nằm tại chỗ”, ông Cẩn tâm sự.
Vợ ông Cẩn là bà Triệu Thị Lựu cũng là đồng nghiệp với ông ở BV Điều dưỡng 5 năm nay. Bà nhớ lại “khách hàng” đầu tiên của mình khi mới vào nghề là cụ ông N.C (80 tuổi, ở Q.Tân Bình). Ba năm sau, cụ N.C bệnh nặng qua đời. Hiện bà Lựu đang chăm sóc cụ ông N.B.L (gần 70 tuổi, nhà ở Q.8) bị di chứng tai biến mạch máu não, nằm viện hơn 2 năm nay. Còn vợ chồng ông Trần Việt Hài (42 tuổi) và bà Võ Thị Oanh (quê Kiên Giang) thì đã gắn bó với nghề hơn 7 năm nay. Hiện ông Hài đang chăm sóc cụ ông N.X.V (69 tuổi, mắc bệnh sa sút trí tuệ, nằm ở khoa Nội 2), phí chăm sóc mỗi tháng 2,3 triệu đồng. “Đã gắn bó với ông cụ hơn 5 năm nay, nên tôi không nỡ tăng phí chăm sóc bằng với giá chung hiện tại (từ 2,5 triệu đồng trở lên)”, ông Hài nói. Vợ ông thì đang chăm sóc cụ ông N.V.Đ (81 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) bên cạnh phòng của chồng.
Xem bệnh viện là nhà
Phần lớn những bệnh nhân cần người túc trực chăm sóc ngày đêm là những người già, mắc bệnh mãn tính, tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ... Công việc của người làm “nghề chăm sóc” tuy không phải bươn chải, dầm mưa dãi nắng bên ngoài, nhưng rất cực nhọc, phải ở bên giường bệnh suốt ngày đêm để lo từ việc đút cho người bệnh ăn uống, đến tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân, báo bác sĩ mỗi khi bệnh trở nặng... Chính vì vậy mà quanh năm họ chỉ biết quẩn quanh bên giường bệnh, chỉ được về quê dăm ba ngày Tết, hoặc về lo quần áo, sách vở cho con cái mỗi khi chúng chuẩn bị tựu trường...
Bà Mai Thu Nguyệt, 53 tuổi (ở Q.8, TP.HCM), gắn bó với nghề 6 năm nay. Đường vào nghề của bà thực ra cũng hết sức tình cờ. Tuy nhà ở sát BV nhưng bà không hề biết có những người đang ngày đêm thay thân nhân người bệnh làm cái việc gọi là “dịch vụ chăm bệnh”. Một hôm có người nhà bệnh nhân ăn sáng cạnh nhà bà, nói cần người giúp và thế là bà... làm thử. Từ đó, bà Nguyệt “dính” luôn vào nghề, khi nhận “hợp đồng” chăm sóc cụ ông T.V.C (88 tuổi, ở Q.10, TP.HCM). “Nghề này phải chịu cực, nhất là ban đêm, cực hơn với những bệnh nhân tiêu tiểu không tự chủ. Như bệnh nhân của tôi, bình quân hằng đêm thức giấc 3-4 lần để chăm sóc. Suốt 6 năm qua, tôi xem BV như nhà của mình vậy”, bà Nguyệt tâm sự.
Còn vợ chồng ông Hài và bà Oanh, dù chăm sóc hai bệnh nhân ở hai phòng sát vách nhau, nhưng khoảng thời gian họ dành riêng cho nhau rất ít ỏi, vì ai cũng tất bật với bệnh nhân của mình. Ban đêm, mỗi người đều phải trải chiếu ngay dưới chân giường bệnh để canh bệnh nhân. Vợ chồng ông Cẩn và bà Lựu cũng vậy, tâm sự thật lòng: “Lên Sài Gòn 5 năm rồi mà chưa một lần bước chân ra trung tâm thành phố. Nghề này không bỏ đi đâu được hết, gia đình họ không có người phải thuê mình trông nom, nếu đi thì không ai trông coi người bệnh cả. Thi thoảng, vợ chồng ra phía trước gần BV ăn uống gì đó với nhau một tí rồi về, chứ không dám đi đâu xa. Ngay cả ba ngày Tết cũng vậy”.
Mải mê gắn bó với công việc, với người bệnh, đến nay đã 47 tuổi, bà Võ Thị Thanh Vân vẫn độc thân. “Suốt ngày tui chỉ quanh quẩn trong BV làm sao quen ai được”, bà Vân cười. Cha mẹ ở quê già yếu, bà Vân lên TP.HCM làm nghề này mỗi tháng dành dụm tiền để gửi về. Hơn 4 năm qua, bà Vân chăm sóc bệnh nhân P.V.N (76 tuổi) bị tai biến mạch máu não, nên công việc rất bận, chỉ những ngày Tết bệnh nhân về gia đình thì bà mới được về thăm nhà...
Không chỉ chăm sóc, mà những người hành nghề này còn trò chuyện, tâm sự với những bệnh nhân khi họ buồn vì lâu không thấy con cái vào thăm...Rất nhiều người chăm sóc người bệnh (CSNB) lúc đầu đến với công việc này chỉ với mục đích mưu sinh, nhưng dần dà họ gắn bó với nghề bởi tình thương giữa con người với con người, nhất là khi chứng kiến những cảnh đời lúc xế chiều của người bệnh...Mỗi người mỗi cảnh
Phần lớn người bệnh đến Bệnh viện (BV) Điều dưỡng bị di chứng của bệnh tai biến mạch máu não (liệt nửa người, tiêu tiểu không tự chủ, đi đứng phải có người dìu...), sa sút trí tuệ, bệnh của tuổi già... cần có người túc trực 24/24 tại BV để chăm sóc. Nhưng các gia đình ở thành phố, con cháu thường bận rộn với công việc, nên số đông họ phải thuê người ở lại BV để chăm sóc bố mẹ. Có những người do con cái đi làm xa, đưa bố mẹ vào BV, thuê người chăm sóc, trông nom, rồi nhiều khi cả năm mới có dịp ghé thăm một lần. Có người con cháu đông đúc, thành đạt, nhưng vì bận rộn với công việc, thi thoảng con cháu mới ghé vào BV thăm...
Trường hợp ông N.X.V (69 tuổi, TP.HCM), có người con trai đi làm ăn xa, có khi cả năm mới ghé vào BV thăm cha một lần, nhưng đã hơn một năm nay chưa thấy anh này trở lại. Hơn 5 năm qua, từ khi ông đổ bệnh nằm viện, hằng tháng gia đình nhờ một người hàng xóm đem tiền vào BV để trả viện phí và tiền công cho người chăm sóc (tổng cộng khoảng 6 triệu đồng). Cũng có tháng trễ nhưng đa phần người hàng xóm này đem tiền vào đúng hạn và đầy đủ. Anh Hài (người chăm sóc ông V.) cho biết: "Có những khi hết tiền, người nhà chưa đem tiền vô, ông cụ mặt buồn hiu vì sợ người nhà bỏ bê".
Ông Hài chăm sóc cụ ông này đã hơn 5 năm - Ảnh: Thanh Tùng
Ông T.V.C (88 tuổi, Q.10, TP.HCM) cũng có một người con trai đi làm ăn ở xa. Lúc chưa bị bệnh ông C. sống với mấy người cháu nội. Mấy tháng nay lâm bệnh vào viện, các cháu tuy khá giả nhưng cũng bận rộn việc kinh doanh, nên phải thuê một người chăm sóc ông. Ở BV riết rồi... quen, mới đây người nhà của ông vào BV thăm và hỏi: "có muốn về nhà chơi không?", ông bảo: "thôi, ở lại BV".
Bệnh nhân N.B.L (gần 70 tuổi, TP.HCM), bị di chứng tai biến mạch máu não, nằm ở BV Điều dưỡng hơn 2 năm nay. Ông L. chỉ có một người con gái đã lập gia đình, công việc bận rộn nên dù nhà ở cùng quận với BV nhưng cũng phải thuê người chăm sóc cha. Cứ mỗi mươi ngày, nửa tháng chị mới ghé thăm cha một lần. Còn bà N.T.N (78 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hơn 9 năm nay nằm viện vì di chứng tai biến mạch máu não, tăng huyết áp. Bà có hai người con, một trai, một gái. Con cái mỗi người mỗi việc mưu sinh nên cũng phải thuê người ở lại BV chăm sóc mẹ. Người con trai 30 tuổi tuy làm nghề dán decal xe, không khá giả nhưng đều đặn chiều nào cũng ghé qua BV thăm mẹ, còn cô con gái bận rộn hơn nên mỗi tuần vào thăm một lần.
Trường hợp cảm động là hai ông bà T.M.T (89 tuổi) và T.B.L (87 tuổi), nhà ở Q.3, TP.HCM. Ít ngày sau khi ông ngã bệnh cách nay 10 năm, bà buồn cũng đổ bệnh theo. Sau đó hai ông bà cùng vào BV Điều dưỡng ở chung một phòng trong suốt 9 năm qua, nhân viên BV ai cũng biết đôi vợ chồng già này. Bà M.L (57 tuổi), con của hai ông bà, cho biết việc ông bà ở chung phòng bệnh là mong muốn của hai ông bà khi mới vào viện, để tình nghĩa vợ chồng không xa cách lúc xế chiều. Kể về gia cảnh, bà M.L cho biết: "Bốn chị em chúng tôi chia nhau trong việc vào thăm hai cụ, cũng như chia nhau trả chi phí nằm viện, tiền công chăm sóc cho hai cụ (mỗi tháng khoảng 7-8 triệu đồng). Đứa em trai còn làm việc thì mỗi tháng 3-3,5 triệu đồng, cô em gái (cũng còn làm việc) thu nhập ít hơn thì 2 triệu đồng, tôi và một người chị nữa đã về hưu mỗi người góp độ 1,5 triệu đồng. Hai người em còn làm việc thì chỉ vô thăm vào ngày cuối tuần, còn hai chị gái nghỉ hưu có thời gian hơn, thay phiên nhau vào thăm hai cụ mỗi ngày"...
Ở viện đến cuối đời
Chị Phạm Thị Hương Hoa, Điều dưỡng trưởng khối của BV Điều dưỡng, cho biết ở BV có những cụ vì sống chung với người chăm sóc mình nhiều hơn so với con cháu, nên khi người chăm sóc có việc về quê là các cụ rất buồn, nhiều cụ nhất quyết không chịu ăn uống. Có trường hợp người chăm sóc mới về quê hôm trước, hôm sau gia đình bệnh nhân phải điều xe về quê để đón người lên gấp! Còn chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Điều dưỡng trưởng khoa Nội 2, BV Điều dưỡng, kể có những cụ ở BV nhiều năm, Tết được con cái đưa về nhà chơi có mấy ngày là lại đòi trở lại BV, mặc dù có cụ bệnh đã khỏi, tự sinh hoạt, đi đứng được.
Không ít người sau một thời gian nằm viện, bệnh đã khỏi, về nhà thấy con cái bận rộn, không ai chăm sóc... lại xin vào BV ở luôn để dưỡng bệnh, và nhất là "có bạn già ở BV trò chuyện vui hơn". Như trường hợp bà T.T.H (87 tuổi, Q.4, TP.HCM), một cán bộ hưu trí. Vì gia đình đơn chiếc, con cái lo làm ăn, ở nhà ồn ào... nên sau một thời gian nằm chữa trị bệnh hen phế quản ở BV Điều dưỡng, dù đã hết bệnh nhưng về nhà được một tháng bà quay lại BV ở hơn 10 năm, cho đến khi mất vào năm 2008.
Theo ghi nhận của PV, ở khoa Nội 2 BV Điều dưỡng có 70 bệnh nhân (hầu hết là lớn tuổi) thì có 50 trường hợp được gia đình thuê người chăm sóc. Điều đó cho thấy nhu cầu tìm người CSNB hiện rất cao.
Chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng
(Dân trí) - Giữa cái nắng chang chang của dải miền Trung trong khuôn viên khu điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An (xã Nghi Phong, Nghi Lộc) thật yên tĩnh, một sự yên tĩnh hiếm có. Cán bộ công nhân viên ở đây chăm sóc bệnh nhân với hết cả tấm lòng.
GĐ Nguyễn Thanh Tùng rất ôn tồn, vui vẻ với các bệnh nhân
Giám đốc khu điều dưỡng Nguyễn Thanh Tùng, vào những ngày trời nắn nóng, nhiệt độ trên 37 độ như thế này, rối loạn tâm thần của các bệnh nhân càng dễ xảy ra. Mùa hè là mùa vất vả nhất đối với cán bộ, bác sỹ và nhân viên khu điều dưỡng”.
Nơi ký ức chiến tranh không bao giờ phai mờ
Trung tâm hiện chăm sóc 54 thương binh, hầu hết đều bị ảnh hưởng thần kinh trong các cuộc chiến tranh. Trong ký ức của họ gần như chỉ có những trận đánh với bom đạn. Đang yên bình nhưng tiếng hét "Xung phong!" có thể vang lên bất cứ lúc nào. Và khi bệnh nhân đã lên cơn động kinh thì khu điều dưỡng như náo loạn lên và đó cũng là thời điểm khó khăn nhất của nhân viên khu điều dưỡng.
“Khi lên cơn thì họ khỏe khủng khiếp luôn, phải 4 anh thanh niên khỏe mạnh mới có thể giữ yên được họ để có thể tiêm thuốc”. Chị Lê Thị Mai - Phó phòng y tế khu điều dưỡng tâm sự. Vượt qua những cơn bĩ cực đó thì họ lại trở nên hiền lành, trầm mặc, ưu tư….chính những lúc đó họ cần có người chia sẻ nhất.
Các y tá, y sỹ trung tâm, ngoài công việc của người thầy thuốc còn là những người bạn, người thân của các thương binh đặc biệt này. Họ kể những câu chuyện về một cô giao liên trong chiến tranh, đến những trận đánh ác liệt nào đó mà họ đã từng trải qua… rồi trên khuôn mặt đờ đẫn của họ lại thoáng hiện lên nụ cười tươi rói.
Trong ký ức của họ dường như chỉ có sự ác liệt của chiến tranh và một thời tuổi trẻ hăm hở ra đi vì lý tưởng. Khi trở về họ trở thành những thương binh tâm thần kinh. Có người không còn thân nhân, có người vẫn còn gia đình nhưng họ lại quá nghèo, hơn nữa họ có thể lên cơn bất cứ lúc nào và gây nguy hiểm cho người thân của mình bất cứ lúc nào.
Làm việc bằng cả lòng biết ơn
Chị Mai kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra ở khu điều dưỡng từ lâu lắm rồi, một câu chuyện mà mỗi khi nhắc đến những nhân viên bệnh viên không khỏi khiếp sợ. Một bệnh nhân đột ngột lên cơn khi đang đứng bên giếng bơm nước. Bằng một sức mạnh khủng khiếp anh bẻ gãy cái cần bơm nước rồi cầm lên đánh vào đầu một bệnh nhân khác làm anh này chết ngay tại chỗ. Kể lại câu chuyện đó để thấy thêm những vất vả và cả những nguy hiểm của những y, bác sỹ, nhân viên của khu điều dưỡng.
Phút nghỉ ngơi thoải mái hiếm thấy của các bệnh nhân tại Trung tâm này
“Chúng tôi làm việc bằng cả lương tâm của người thầy thuốc và cả lòng biết ơn đối với những bệnh nhân của mình”. Đó là tâm sự của những y, bác sỹ và nhân viên khu trung tâm điều dưỡng tâm thần kinh thương binh Nghệ An. Bệnh nhân của họ là những người có quá khứ hào hùng, oanh liệt, đóng góp xương máu tuổi thanh xuân và cả những ký ức về gia đình, bè bạn… hy sinh vì tiếng gọi của Tổ quốc.
Trong tâm trí của nhữg người phục vụ tại đây, ngoài trách nhiệm của y, bác sỹ đối với bệnh nhân còn là tình yêu thương, tôn kính và lòng biết ơn đối với những người đã làm nên lịch sử hào hùng của đất nước. Để thuận tiện cho công việc rất nhiều anh chị em tình nguyện “cắm chốt” tại cơ quan. “Tính ra thì thời gian mính sống với vợ con ở nhà chỉ là 1/10 số ngày mình sống cùng anh em thương binh ở khu điều dưỡng này”, ông Nguyễn Duy Minh, Trưởng phòng tổ chức tâm sự.
Trung tâm có 42 cán bộ, trong đó 23 người trực tiếp chăm sóc 99 bệnh nhân (54 thương binh và 45 đối tượng xã hội khác) và duy nhất chỉ có một bác sỹ. Cho nên, công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như đội ngũ nhân viên hết sức khó khăn.
Mặc dầu khó khăn là thế nhưng công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Luôn có người túc trực tại các khu bệnh nhân để kịp thời thời phát hiện các biểu hiện lên cơn và có phương án cắt cơn. Quản lý đối tượng được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có tình trạng bệnh nhân bỏ trốn… Đơn vị cũng đã có nhiều biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ bữa ăn hàng ngày cho đối tượng…. Khám bệnh định kỳ vào thứ 3 hàng tuần, kê đơn cấp thuốc, cho đối tượng uống thuốc đúng giờ. Đặc biệt, là tổ chức đưa hàng chục bệnh nhân đi thăm lại chiến trường xưa.
Để tổ chức tốt lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ (27/7) sắp tới, Trung tâm đã mời các đoàn văn công và các đơn vị trường học đóng trên địa bàn đến tham gia. Trong đêm 26/7 sẽ có các tiết mục văn nghệ do chính các bệnh nhân biểu diễn…
Phút trầm tư của các bệnh nhân
Hiện nay nhiều công trình của khu điều dưỡng đang xuống cấp, đặc biệt là các bức tường bao, gây khó khăn cho công tác quản lý bênh nhân. Nhà tắm khép kín cho các bệnh nhân chưa có, các trang thiết bị y tế như máy đo huyết áp, cân, dụng cụ tiêm còn thiếu.
Trên đường ra khỏi khu dành cho bệnh nhân, một bệnh nhân chạy đến níu tay Giám đốc Tùng khoe: “Bác ơi, ngày mai em được đi dự đại hội đoàn toàn quốc đấy. Họ đã gửi giấy mời đây này”. Ông Tùng cười hiền từ: “Vậy à, chúc mừng anh nhé. Bây giờ anh về phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị để mai còn đi nhé”. Quay sang tôi ông Tùng nén tiếng thở dài: Không biết đến bao giờ họ mới có thể sống như những người bình thường?”.
Dịch vụ chăm sóc người già
Chỉ cần gọi điện thoại, bạn sẽ có ngay một người đến chăm sóc người thân lớn tuổi, bị bệnh, vừa chữa bệnh vừa làm bạn. Đây là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do một số học viên của lớp học “Chăm sóc sức khoẻ người già, người bệnh tật” - Trung tâm dịch vụ việc làm cho trí thức (Rajci) - tổ chức thực hiện. Từ khi có dịch vụ này, nhiều người già đã khỏe mạnh hơn, nhất là đỡ cô đơn khi con cháu không thường xuyên ở bên cạnh.
Đồng hành với người già
Đã 3 năm nay, sáng nào chị Nguyễn Thị Giáng Tiên cũng đi đến nhà bà Nguyễn Thị Hoàng, 78 tuổi. Việc đầu tiên của chị là hỏi thăm về giấc ngủ và sức khỏe của bà cụ, sau đó mát xa toàn thân cho bà. Chị cho biết: “Bà cụ bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người. Hàng ngày tôi đến chủ yếu để tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng vận động cho cụ”. Qua một thời gian kiên trì tập luyện, bà Hoàng đã đi lại được, nói chuyện dễ nghe hơn. Tuy đã có thể tự luyện tập được, nhưng bà vẫn muốn chị Tiên hằng ngày đến với mình như một người bạn thân thiết, biết lắng nghe những tâm sự của bà.
Chị Giáng Tiên tâm sự: “Làm nghề này phải biết tâm lý người già, người bệnh, những ngày đầu tiên họ thường bất hợp tác. Mình phải biết vỗ về, an ủi, động viên, thuyết phục...”. Khi đã trở nên thân thiết, bệnh nhân còn tâm sự với chị tất cả những gì mà họ cảm thấy cần giải tỏa. Chị nói: “Người già thường hay giận dỗi đối với những điều nhỏ nhặt, mình phải đồng cảm và làm cho họ hiểu rằng con cháu vẫn rất thương ông bà”. Chị còn gợi để cụ kể lại những chuyện xa xưa. Theo chị, người lớn tuổi thường sống trong hoài niệm, họ thích sống lại trong những câu chuyện mà họ cho là tốt đẹp.
Chị Thân Thị Sang, một thành viên trong nhóm cho biết thêm: “Làm nghề này cần phải có kiến thức về y khoa, khi đến gặp bệnh nhân phải hỏi cặn kẽ về bệnh, những lời căn dặn của bác sĩ trước khi xuất viện để từ đó có hướng giúp đỡ trị liệu phù hợp, chẳng hạn như bị bệnh tim thì không nên dùng máy xung điện trong vật lý trị liệu...”.
Cụ Phan Văn Đôn, 65 tuổi, bị tai biến dẫn đến liệt nửa người, nói ngọng, từ khi có người đến giúp đỡ luyện tập, cụ đã khỏe hơn rất nhiều, đi lại được, nói chuyện dễ nghe hơn. Cụ nói: “Trước đây tôi rất ngại làm phiền con cháu, muốn “đi” luôn cho chúng bớt khổ, nhưng từ khi có dịch vụ giúp đỡ người già, tôi đã bỏ suy nghĩ đó, cuộc sống của tôi hiện nay tốt hơn rất nhiều. Các cô này rất tốt, biết lắng nghe tôi nói và cho tôi những lời khuyên rất bổ ích”.
Chị Bùi Lan Hương, vừa học xong đã tìm được việc làm. Chị nói: “Nhu cầu của bệnh nhân rất nhiều, có khi làm không kịp. Tất nhiên khi làm việc phải có cái tâm, không thể chỉ vì tiền...”.
Học rồi mới hànhBà Trần Thị Túc, giám đốc Rajci, cho biết: “Hiện nay nhu cầu học các kiến thức về chăm sóc người già, người bệnh nặng rất cao. Các khóa học của chúng tôi được mở liên tục nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”. Đối tượng học các khóa học này rất đa dạng, đầu tiên là những người muốn làm nghề chăm sóc người già, họ học để có thêm hiểu biết về y khoa, tâm lý, kỹ thuật xoa bóp, vật lý trị liệu. Trong lớp có cả những Việt kiều... Chị Trịnh Thị Hoa, Việt kiều Mỹ, cho biết: “Nghề chăm sóc người già ở Mỹ hiện nay rất dễ kiếm việc làm, với mức lương mỗi tháng 1.500 USD, nếu biết thêm về vật lý trị liệu và xoa bóp thì lương còn cao hơn”.
Học viên cũng có thể là con cháu của những người già, người bệnh; họ học để có thể tự tay mình chăm sóc cho ông bà, cha mẹ. Đối tượng này đi học rất đều, dù mưa to gió lớn cỡ nào cũng không bỏ buổi nào.
Các lớp học thường hay tổ chức những buổi đi làm từ thiện, chăm sóc người già neo đơn đang được nuôi dưỡng ở các trung tâm. Bà Túc cho biết: “Các cụ không xúc động vì được nhận quà cho bằng việc được chăm sóc, xoa bóp...”.
Dịch vụ chăm sóc người bệnh, người già tại TPHCM
Chiều 16/4, Công ty TNHH Nhân Ái đã ra mắt dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi. Đây là công ty đầu tiên của thành phố được Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh về loại hình dịch vụ này (không hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh).
Với 40 người, trong đó có 4 người đã tốt nghiệp đại học, 2 điều dưỡng, 3 y sĩ, 2 dược tá, y tá so vơi nhu cầu rất lớn của những gia đình có điều kiện kinh tế, đơn chiếc, bận rộn... thì khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ, trong khi nhu cầu tuyển dụng của công ty phải có lực lượng nhân viên gấp 10 lần số hiện có.
Theo Sở Y tế thành phố, dịch vụ chăm sóc người bệnh, người già là nhu cầu có thật, nên việc ra mắt dịch vụ này nhằm đáp ứng yêu cầu rất lớn cho nhu cầu đó. Tuy nhiên công việc này không đơn giản, đòi hỏi người chăm sóc không chỉ biết về chuyên môn mà còn có tấm lòng thương yêu đối với người bệnh, nhất là người cao tuổi và trẻ em.Được biết, giá dịch vụ chăm sóc người bệnh, người cao tuổi ban ngày (8 giờ) là 50.000 đồng, nửa ngày (4 giờ) 30.000 đồng; ban đêm (8 giờ) 60.000 đồng và 4 giờ là 35.000 đồng.
Người Cao Tuổi Với Chăm Sóc Lâu Dài
Chuyện dân gian Nhật Bản, thế kỷ thứ XI kể rằng:
"Từ thuở xa xưa, dân chúng trong bộ lạc vẫn có một phong tục là phế bỏ người già khi họ tới tuổi 60.
Năm đo,ù có một lão nhân được hai đứa con khênh trên một cái ghế bành để mang lên bỏ trên ngọn núi hoang.
Dọc đường, cứ được một đoạn thì ông lão lại bẻ một cành cây. Hai anh con bèn hỏi bố: " Tại sao bố phải bẻ cành cây như vậy? Bộ bố muốn đánh dấu đường về sau khi chúng con để bố trên núi hay sao"?. Ông già không trả lời mà chỉ lẩm bẩm ngâm: "Bẻ cành, ta giúp con ta; Thân già có thác cũng đà hy sinh".
Hai anh em không để ý gì đến lời bố nói, tiếp tục khênh ông già lên núi, rồi bỏ đó.
Khi ra về, hai anh em bảo nhau chọn con đường khác. Loanh quanh từ khi mặt trời lặn tới lúc trăng lên, hai người vẫn lạc lõng trong rừng. Họ bèn quay lại chỗ ông bố.
Ông già hỏi: "Thế thì từ lúc đó tơí giờ các con đi đâu?"
"Chúng con đi về bằng con đường khác nên chúng con lạc đường. Xin bố chỉ đường cho chúng con". Rồi chúng khênh ông bố xuống núi theo sự chỉ dẫn của ông già qua vết cây mà ông ta đã bẻ.
Về đến nhà, hai anh em dấu cha ở dưới hầm và cung phụng rất chu đáo để tỏ lòng biết ơn.
Mấy tháng sau, vị lãnh chúa ra lệnh cho dân chúng phải làm một sợi dây bằng tro của rơm rạ.
Dân chúng cố gắng thực hiện bằng cách pha trộn tro với nước nhưng không sao làm được. Hai người con bèn hỏi ý kiến cha mình. Ông già nói:" Các con hãy làm như sau: lấy rơm bện thành dây, ngâm trong nước muối, phơi khô rồi đốt dây.”
Hai người con làm y như lời cha và mang dâng sợi thừng bằng tro lên vị lãnh chúa. Vị này hết sức hài lòng và phán: " Ta cảm thấy rất an lòng khi có nhiều người khôn ngoan như vậy trong nước. Ai chỉ cho các ngươi ý kiến tuyệt hảo này"?
Hai người con trình bầy mọi điều về cha mình. Lãnh chúa hiểu sự việc và ra lệnh cho thần dân là từ nay không ai được phế bỏ cha mẹ già vì họ có những kinh nghiệm quý báu.
Hai anh em ra về với nhiều quà thuởng.
Ngọn núi mà thiên hạ mang phế bỏ cha mẹ già có tên là "Núi Bỏ Người Già" hiện giờ chỉ còn là một di tích hoang vu, không ai dùng tới".
Đọc câu chuyện mà ngậm ngùi cho số phận người già của địa phương đó, vào thời điểm đó. Và thấy truyền thống Việt Nam từ ngàn xưa đối với ông bà cha mẹ thực là cao quý.
Trong gia đình Việt Nam, "tam tứ đại đồng đường" là chuyện trước đây thường thấy và là điều ước mơ của mọi gia đình. Đồng đường nhiều thế hệ được coi là một đại phước cũng như biểu tượng của sự đoàn tụ, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục.
Ngày nay, với nhịp thay đổi về kinh tế, xã hội trên toàn vũ, gia đình thu nhỏ xuống khuôn khổ ông bà cha mẹ, con cái , đôi khi có cả các cháu. Dù đang tỵ nạn nước ngoài hoặc sống tại quê hương, người Việt ta vẫn cố gắng duy trì liên hệ tốt đẹp này. Và các bậc cao niên đều êm đềm sống với con cháu để nương tựa giúp đỡ lẫn nhau.
Còn gì đẹp hơn là cảnh sáng ông đưa cháu đi học, chiều đón cháu về. Còn bà thì cơm nước giúp cho các con ngày ngày hai buổi đi làm. Rồi tối đến cả nhà đoàn tụ với nhau, trong mâm cơm gia đình tràn đầy những thương yêu.
Tuy nhiên, nhiều cụ muốn tôn trọng sự riêng tư của con cái cũng như có những niềm tự trọng, e ngại cảnh "cha mẹ nuôi con như trời như bể; con nuôi cha mẹ con kể từng ngày". Các cụ ở riêng rồi vài ngày qua lại thăm viếng nhau để giữ tình nghĩa gia đình. Ấy là nói khi mạnh khỏe còn tự lo tự liệu được chứ lúc tuổi già thì nhiều vị cũng mang một số bệnh tật, khó khăn mà bản thân không thể đối phó được.
Hãy tưởng tượng cảnh một lão bà chẳng may bị tai biến mạch máu não, tê liệt nửa thân, suốt ngày nằm trên giường hoặc một lão ông bị sa sút trí tuệ, không phân biệt ngày đêm. Con cháu đi làm, đi học, ở nhà một mình không có người giúp đỡ cơm nước thuốc men, tắm rửa thì các cụ phải rời tổ ấm mà vào tá túc nơi săn sóc chung cho những người cùng cảnh ngộ. Đó là quý vị trên 65 tuổi, sống một mình, có nhiều bệnh kinh niên, không thực hiện được các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Quyết định vào nhà người già là một hành động khó khăn, đôi khi buồn lòng cho cả cha mẹ lẫn con cháu.
Gia đình thì dằn vặt với mặc cảm là bỏ bố mẹ vào nursing homẹ. Còn các cụ cũng không dễ dàng chấp nhận vì cảm thấy như bị thân nhân ruồng bỏ. Vào đây là coi như cuộc đời tàn lụi dần cho tới ngày mãn phần; vào đây là mất hết tự do riêng tư, phải chịu sự điều động của người khác.
Cũng có người sẵn sàng vào nhà già vì nhận chân nhu cầu của mình và khả năng thân nhân cũng như không muốn đặt gánh nặng của mình lên họ, tránh sự lo âu cho con cháu.
Ngoài ra, còn trường hợp các cụ sau khi chữa bệnh ở nhà thương mà còn cần y tá chăm sóc ngày đêm để phục hồi cũng được đưa sang nursing home. Việc sống trong các cơ sở này kéo dài có khi cả năm, có khi suốt phần chót cuộc đời, tốn kém không phải là ít cho ngân sách gia đình và chính phủ.
Điều may mắn là ở Hoa Kỳ, gia đình có nhiều lựa chọn khi người thân cần các dịch vụ chăm sóc dài hạn này. Đó là chăm sóc tại gia (home health care), trung tâm sinh hoạt ban ngày, cơ quan chuyên trở cho người không lái xe được, dịch vụ hỗ trợ đời sống (assisted living), khu gia cư người già và các cơ sở điều trị-dưỡng lão (nursing homes).
Thường thường là ta cũng cần làm vài công việc sửa soạn trước để cuộc chăm sóc dài hạn được êm xuôi. Sau đây là mấy điều cần lưu ý:
a-Nếu quý cụ có trở ngại khó khăn trong công việc thông thường hàng ngày như tắm rửa, lái xe, trả hóa đơn, nấu thức ăn... thì hãy nói cho bác sĩ gia đình về nhu cầu của mình. Thầy thuốc sẽ giới thiệu một nhân viên xã hội chuyên về vấn đề người già để giúp ta sắp đặt một chương trình chăm sóc dài hạn, nhất là khi các cụ và thân nhân ở xa nhau.
b-Tìm hiểu xem trong cộng đồng mình ở có những dịch vụ giúp đỡ người già như thế nào. Thường thường mỗi thành phố, quận hạt đều có các dịch vụ như trung tâm sinh hoạt ban ngày, chương trình bữa ăn giao tận nhà hoặc ăn tại chỗ, chương trình chuyên trở người đau yếu...
c-Coi xem bảo hiểm trả phí tổn cho mình như thế nào. Chính phủ Liên bang chỉ trả một phần phí tổn cho chăm sóc ngắn hạn và ở nhà điều trị-dưỡng lão. Nên lưu ý là vấn đề tiền nong này rất phức tạp: bảo hiểm cũng như chính phủ trả rất giới hạn và thời gian trả thay đổi hàng năm nên cần hỏi cho kỹ càng.
Khi cần nhiều chăm sóc hơn thì có khi ta phải chuyển chỗ ở vào nhà người già, chẳng hạn:
a-Trợ giúp đời sống Mỹ gọi là assisted living với nhà ở, bữa ăn, giải trí, tắm rửa, mặc quần áo, cho uống thuốc, dọn phòng;
b-Hoặc nursing home có nhân viên y tế túc trực 24 giờ với dịch vụ y tế , phục hồi cho người già quá yếu hoặc người mà trí tuệ đã sút giảm.
Kiếm chỗ đúng với nhu cầu của mình:
Các nursing home đều phải tuân theo một số quy luật của chính phủ về kiến trúc cơ sở, quản trị, chăm sóc, giải trí, ăn uống...và được thường xuyên thanh tra, kiểm soát. Cơ quan xã hội địa phương có thể cung cấp cho ta danh sách các cơ sở này.
Liên lạc với nơi nào mà ta thấy "coi được". Hỏi họ về số khách hiện có, số giường trống, giá tiền, cách trả tiền, có tham gia vào Medicare, Medicaid ; hỏi về sự chuyên trở, các sinh hoạt như giải trí, dọn phòng, có dịch vụ cho người kém trí tuệ, cách cho uống thuốc...
Tới quan sát cơ sở để tận mắt coi cơ sở có sạch sẽ, khang trang, nhân viên có vui vẻ phục vụ; hỏi thăm người đang ở hoặc thân nhân của họ để xem dịch vụ có tốt không. Ta có thể hẹn trước nhưng cũng nên đến bất thình lình để tìm hiểu.
Khi đã quyết định chọn nơi nào thì coi xem chi phí nhiều ít, cách thức thanh toán, rồi nếu mọi sự thuận tiện thì ta ký giấy tờ giữ chỗ.
Nói chung, nursing home tại Hoa kỳ được tổ chức theo hai loại: N.H. vơi y tá thường trực Skilled nurse facility và Dịch vụ chăm sóc trung bình Intermediate care facilllity . Tùy theo nhu cầu của người già mà họ được nhận vào một trọng hai dịch vụ này.
SNF được dành cho những bệnh nhân bị bệnh lâu ngày hoặc sau khi xuất viện mà còn cần tiếp tục sự chăm sóc liên tục 24/24 giờ của y tá theo sự hướng dẫn của bác sĩ. SNF cũng cung cấp các dịch vụ khác như giúp bệnh nhân phục hồi khả năng diễn tả, giao tế, giải trí.
Còn ICF nhận những người không hoàn toàn tự chăm sóc được, không sống một mình được nhưng không cần điều dưỡng viên suốt ngày. Họ cũng không cần giúp đỡ trong việc ăn uống, tắm rửa.
Các cơ sở kể trên khác với khu gia cư "dành cho người già"ø. Nơi đây, người cao tuổi còn đi lại, làm được những việc nhẹ, tự chăm sóc thuốc men. Nhà ở và ăn uống được cung cấp đầy đủ. Các cụ tự do đi về, giao dịch với bạn bè, gia đình, giữ đời sống bình thường. Và yên trí là tới bữa sẽ có cơm canh nóng, đêm có nơi ngủ ấm cúng. Nhiều cụ rất thích sống như vậy, vì không bị cô lập như sống một mình lại không bị gò bó như ở trong nursing home.
Ngoài nursing home, bên Mỹ còn một vài dịch vụ chăm sóc người già khác được Medicare hỗ trợ và chỉ mới có ở một số tiểu bang. Đó là Program of All Inclusive Care of the Elderly (PACE) và Social Managed Care Plan. Trong các chương trình này, người già yếu được chăm sóc tại gia với sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng.
Vấn đề tài chánh
Biết về các dịch vụ chăm sóc đời sống già, ta cũng cần tìm hiểu xem lấy tiền ở đâu cho chi phí.
Bên Hoa kỳ có các nguồn trợ từ công quỹ giúp nên người già cũng đỡ lo phần nào.
a-Chương trình Medicare.
Đây là sự giúp đỡ chăm sóc y tế của chính quyền liên bang cho lão niên từ 65 tuổi trở lên và một số người bị suy thận kinh niên. Medicare có hai phần:
-- phần A trả tiền cho hầu hết các dịch vụ nằm bệnh viện bất kể lợi tức nhiều ít nhưng với nursing home và chăm sóc tại gia thì có vài giới hạn. NH phải ở trong danh sách được Medicare chấp nhận.
-- phần B trả chi phí bác sĩ và các chăm sóc khác ngoài bệnh viện, nhưng không tr tiền thuốc.
Nếu ta mua thêm medical supplement insurance (Medigap), thì bảo hiểm này sẽ phụ trả chi phí mà medicare không trả như y phí bệnh viện và bác sĩ căn bản hospital deductible, physician copayments.
Nhiều người cẩn thận mua thêm bảo hiểm tư nhân cho việc chăm sóc lâu dài trong nursing home và home health care.
b-Medicaid
Chương trình này được cả tiểu bang lẫn liên bang tài trợ để trang trải chăm sóc y tế cho dân chúng Hoa Kỳ có lợi thức thấp; người cần giúp đỡ tài chánh kể cả người trên 65 tuổi có Medicare.
Medicaid trả một phần tổng số chi phí nursing home, dịch vụ chăm sóc tại gia, tiếp liệu và dụng cụ y khoa.
Trước đây, tại nhiều tiểu bang, khi một người phối ngẫu ở trong nursing home, thì người này phải tiêu dùng hết lợi tức của mình rồi medicaid mới trả tiếp. Cho nên người ở nhà mà phụ thuộc vào lợi tức này gặp nhiều khó khăn. Nên từ năm 1989, luật cho phép người ở nhà giữ một số tiền cho chi phí của mình.
Công quỹ trả tiền cho NH đều rất giới hạn. Nhiều người tưởng rằng Medicare, Medicaid và Bảo hiểm Sức khỏe tư nhân trả hết cho các dịch vụ tại NH. Nhưng sự thực không phải vậy. Người già phải trả một tỷ lệ đáng kể chi phí này. Trung bình mỗi năm, chi phí cho một người ở trong NH lên tới trên 57,000 mỹ kim.
Tài trợ tài chánh là vấn đề khá phức tạp. Ta cần tìm hiểu thêm chi tiết qua các văn phòng An Sinh Xã Hội và bộ Y tế tại mỗi địa phương. Đôi khi phải tham khảo ý kiến luật sư, nếu ta có tài sản đáng kể để tránh khánh kiệt.
Kết luận.
Bên Mỹ, đã có thời kỳ người cao tuổi rất sợ phải vào nursing home vì nhiều lý do khác nhau: Sợ già và bệnh hoạn, sợ trở nên nghèo và là gánh nặng, sợ không biết tương lai sẽ ra sao, sợ mất tự do, nhân phẩm, sợ chết, sợ bị lạm dụng, đối xử không tốt. Đã có những kêu gào từ các bà mẹ tuổi cao, bệnh hoạn " con ơi, đừng bỏ mẹ vào nursing home".
Nhưng, cũng như các dịch vụ khác, có nursing home tốt, nursing home xấu. Và NH cũng là giải đáp cho nhiều trường hợp khó khăn của tuổi già...
Thăm một N.H, người ta cũng thấy nhiều tình thân nẩy nở giữa những cư dân ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Những chia xẻ từng miếng quà tấm bánh, kỷ niệm riêng tư; những giúp đỡ nhắc nhở uống thuốc, ăn cơm; những sinh hoạt ca hát chung với nhau
Và đôi khi cũng có một vài tình cảm yêu đương giữa những mái tóc bạc góa bụa, cô đơn. Gọi là sưởi ấm nhau trong mối tình già.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Người già và phúc lợi xã hội
Ước vọng sống lâu vẫn là điều mong muốn của con người từ ngàn xưa. Nó đứng trên cả tiền tài, danh vọng, đông con nhiều cháu. Chả thế mà thứ dân khi gặp nhau thì trang trọng chúc bách niên giai lão là thỏa mãn rồi. Còn vị quyền cao phủ chùm đất nước thì không bằng lòng với bách niên, mà đòi dân đen phải tung hô vạn tuế! vạn tuế! hoặc muôn năm! muôn năm! Nhưng trăm người trăm ý.
Á Đông ta có quan niệm "đa thọ, đa nhục". Chateaubriand ví tuổi già như con tầu đắm. Horace than phiền : tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành.
Còn Hippocrate thì so sánh tuổi đời với bốn mùa mà già là mùa Đông băng giá.
Có lẽ là khi về già, con người, giống như mọi sinh vật khác, thường thường đều trải qua những thay đổi về cấu tạo, về chức năng có thể đưa tới đau yếu, bệnh hoạn, Nên người già quan niệm sống lâu mà suy yếu, thiếu thốn, chẳng qua cũng chỉ như cây tầm gửi, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Rõ thực là "Khi vui thì muốn sống lâu, Khi buồn lại muốn thác mau cho rồi"!
Nhưng xin các cụ đừng nản chí.Tuổi già bên Mỹ hiện bây giờ đang được o bế, chiều chuộng rất nhiều. Dân số Mỹ hiện nay là 280 triệu, trong số đó người già lên tới trên dưới 40 triệu. Đây là một khối cử tri rất lớn mà các vị dân cử nào cũng muốn o bế. Và người Việt cao niên ta, tuy khiêm nhường, nhưng cũng có khoảng 400,000 vị. Với 400,000 cử tri con cháu Vua Hùng này ta dư sức đưa một người Mỹ gốc Việt vào thượng viện Hoa Kỳ.
Vì thế, năm nay đảng Cộng hòa đã lấy lòng lớp người cao tuổi này, bằng cách đề nghị sửa đổi đạo luật về Medicare.
Rồi các cơ sở thương mại, các dịch vụ y tế, xã hội, du lịch đều nhắm vào các cụ có một lợi tức cố định này để cung cấp các nhu cầu, dịch vụ mà làm giầu. Coi vậy thì thấy tuổi già Đông, Tây cũng trải qua nhiều vui buồn của thăng trầm.
Phong tục Việt Nam vốn trọng người già. Ta có câu:"Triều đình thượng tước, Hương đảng thượng xỉ", có ý nói là ở nơi triều đình thì chức tước cao được ngồi trên, còn tại chốn đình trung hương đảng thì người cao tuổi được coi trọng hơn. Vì được quý trọng nên dân ta đã có nhiều tục lệ tốt đối với người già.
Trong gia đình, Tết đến, con cháu tụ họp trước là để cúng gia tiên, sau là chúc tuổi thọ ông bà cha mẹ.Tăng thêm một tuổi là thêm thọ, một điều mà ai cũng mừng, cũng nhắc nhở chờ đợi: " Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm"- Anh Thợ
Ngoài xã hội, nhất là nơi thôn ấp, các vị cao niên từ 50 tuổi trở lên thì được xếp vào hạng bô lão, trên cả các hương chức quyền thế tại địa phương. Trong số bô lão, cụ nào cao tuổi hơn cả thì được tôn vinh là các Cụ Thượng, thường là trên 80. Tuổi 40 được mở tiệc tứ tuần đại khánh; 60 tuổi trở lên thì các cụ đã ăn mừng thọ, từ tiểu thọ, trung thọ rồi đại thọ ở tuổi ngoài 80.
Vì quan niệm tuổi thọ là tuổi Trời ban cho, nên các vị cao tuổi đều được kính trọng. Ra đường, gặp người già là mọi người phải cúi đầu chào hỏi cho lễ phép, phải nhường bước, phải nhường chỗ ngồi, phải đứng lên khi bô lão xuất hiện, không được ngắt lời bô lão khi thảo luận..
Trong làng xã thì có những tục rước lão, tiệc yến lão. Người già mặc quần áo đẹp, con cháu ôm cơi trầu, điếu ống theo hầu. Dân làng mang cờ quạt, võng cáng với trống chiêng tới đón mời lên Đình để hương chức và dân chúng chiêm ngưỡng, chúc tụng. Rồi dự yến tiệc.
Ngoài ra các cụ còn được làng xã dành cho một số quyền lợi về công điền, địa thổ, được miễn trừ hết sưu dịch. Quan niệm " kính già, già để tuổi cho " rất phổ biến.
Cũng như người Trung Hoa, xã hội ta vẫn coi gia đình là một đơn vị nền tảng với tôn ti trật tự rõ rệt. Chủ gia đình là người cao tuổi nhất, có toàn quyền quyết định về mọi sinh hoạt của thành viên. Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do người cao tuổi sắp đặt: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó.
Nhờ con cái thấm nhuần tư tưởng " Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra", nên người già Việt Nam đều sống với gia đình và được thân nhân chăm sóc, phụng dưỡng cho tơi' khi mãn phần. Chỉ khi nào vì quá nghèo lại không có thân nhân thì họ mới phải vào trong các nhà dưỡng lão do chính quyền hay các hội từ thiện tư nhân tài trợ.
Ở phương Tây, số phận và vai trò của người cao tuổi được ghi nhận đầy đủ hơn trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa.
Vào thuở bán khai con số người cao tuổi không nhiều lắm. Những người trên 65 tuổi chiếm không quá 3% dân số. Tùy từng địa phương, quốc gia, họ được đối xử khác nhau. Nhưng nói chung thì họ được chăm sóc, nuôi dưỡng cho tới khi mãn phần.
Người trẻ dành cho họ một niềm kính trọng và. một số biệt đãi. Chẳng hạn họ được uống rượu cho tới khi say, vì họ cần rượu để sưởi ấm cơ thể; được ăn những thức ăn hiếm như tim, phổi, gan, tủy sống của súc vật để bổ dưỡng. Tại vài bộ lạc bên Úc, con cháu còn dâng hiến máu của mình cho ông bà cha me uống hoặc vẩy trên mình, để tăng cường sức lực.
Nhưng, cũng như mọi sự việc khác trên đời, hung cát, cát hung theo nhau, sự kính trọng đó sói mòn dần, vì hoàn cảnh sinh sống, đòi hỏi kinh tế. Đã có người trẻ đặt vấn đề với người già và yêu cầu họ chuyển nhượng quyền hành. Tranh chấp giữa hai lớp tuổi mỗi ngày một căng thẳng. Đời sống người già trở nên khó khăn và đa số chỉ giữ vai trò tượng trưng, đại diện..
Người già còn bị cáo buộc là không còn ích lợi gì, trái lại suốt ngày chỉ ngồi nói chuyện tầm phào, gây mâu thuẫn khó chịu. Họ thường được gán cho những hư cấu, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chiạ Họ được xếp vào một nhóm người nom ai cũng giống ai, suy yếu, kém sức khỏe, không tự lo liệu được, phụ thuộc con cái, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, sống cô đơn xa lánh mọi người để mỗi ngày một hao mòn. Người già nhiều khi còn bị khai thác, lợi dụng, bỏ rơi không khác gì trong thời tiền sử.
Tuy nhiên, trong thế kỷ vừa qua, vấn đề người già đã là mối ưu tư lớn của mọi người. Sự gia tăng dân số kèm theo nhiều khó khăn của lớp người này trên thế giới đã được các quốc gia và tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu tâm tìm biện pháp giải quyết giúp đỡ. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới. Điều đáng ngại là sự gia tăng này lại xẩy ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ phương tiện ứng phó. Lý do sự gia tăng gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh, khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ là dấu hiệu của sự tiến bộ cũng như sự hoàn tất sinh học quan trọng trong thế kỷ 20.
Người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ. Căn cứ trên quan niệm đó, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh người cao tuổi, đồng thời cũng đề nghị nhiều chương trình để bảo đảm sự an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này, cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia.
Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi như: Họ phải có cơ hội được xử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, chăm sóc y tế, việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được xử dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng.
Ngoài ra, các quốc gia cũng cần tạo môi trường thuận lợi để khích lệ dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già; khuyến khích mọi lứa tuổi tham dự vào các chương trình, cũng như các cơ cấu đầu não có quyền quyết định chính sách chung; tăng cường các biện pháp và cơ chế để bảo đảm là người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã có công đóng góp nhiều cho sự phát triển quốc gia khi trước.
Riêng tại Mỹ. Chương trình Medicare được thành hình vào năm 1965. Đây là một loại bảo hiểm quốc gia cho người từ 65 tuổi trở lên, một số người dưới 65 tuổi mà bị tàn tật và bệnh nhân bị thận suy ở giai đoạn cuối, cần lọc máu và thay thận. Số người hưởng thụ lên đến 40 triệu.
Từ khi áp dụng, Medicare đã được điều chỉnh hàng năm để đáp ứng nhu cầu của người già, cũng như tùy theo ngân sách quốc giạ Vào tháng 11 các cụ đều nhận một cuốn chỉ nam về các thay đổi dịch vụ chăm sóc cho năm tới. Nhưng tương lai của Medicare dường như cũng ảm đạm, nên người già mà không sửa soạn tài chánh kinh tế cá nhân thì sợ rằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Và Medicare vẫn là đề tài được thảo luận của mọi người liên hệ tới.
Tháng 3 năm 2003, Tổng Thống Bush đã chuyển sang quốc hội một đề nghị canh cải Medicarẹ Đây là để thực hiện lời hứa với khối cử tri người già khi ông ra tranh cử cách đây hơn ba năm. Quốc hội đã thông quạTổng Thống Bush hớn hở thưa với quốc dân đồng bào rằng "øchỉ sáu tháng sau khi tôi ký ban hành đạo luật này, là các cụ sẽ trông thấy ích lợi về tiết kiệm tiền bạc và hệ thống Medicare của chúng sẽ rất tiến bộ và mạnh mẽ". Được đà, ông Bush tuyên bố sẽ đưa ra đề nghị hoàn chỉnh chương trình An Sinh Xã Hội vào năm tới. Chương trình này hiện giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn vì lạm phát, vì ngân quỹ thâm thủng. Một cách tổng quát, luật Medicare mới có những điểm chính như sau:
1-Trợ cấp bồi hoàn dược phẩm: Người có Medicare trả mỗi tháng 35 đồng tiền thuốc, 250 đô hàng năm. Sau đó chương trình sẽ trả 75% cho tới 2250 mỗi năm. Nếu dùng từ 2251 đến 5100 đô, thì bệnh nhân phải trả hết. Nhưng khi quá 5100 đô thì Medicare trả cho 95%.
2-Trả tiền khám bệnh lần đầu cho người mới được hưởng Medicare cũng như kiểm soát coi có bị tiểu đường, bệnh tim mạch
3-Cho phép dược phẩm generic chung được bào chế sớm để giảm giá thuốc; cấm nhập cảng thuốc từ các nước khác;
4-Tăng tiền y phí cho các bác sĩ điều trị người già. Hiện nay nhiều bác sĩ không muốn nhận Medicare vì bồi hoàn y phí rất thấp.
5-Tăng tiền cho các bệnh viện chữa bệnh nhân nghèo Và nhiều đề nghị hấp dẫn khác nữa.
Ảnh hưởng của luật này trong tương lai chưa biết tốt xấu ra sao, vì cũng có nhiều phê bình, chỉ trích. Nhất là từ phía đảng đối lập Dân Chủ. Nhưng việc trợ cấp bồi hoàn thuốc cũng đã giúp được nhiều người già, vì họ vẫn phải bỏ tiền túi ra muạ Khoản trợ cấp theo luật mới này lên đến cả mấy trăm tỷ mỹ kim. Cho tới nay, chỉ có người già mà kém lợi tức, lãnh welfare mới được giúp đỡ mua dược phẩm.
Phúc lợi của người già bên Mỹ, trong đó có đồng hương mình, như vậy cũng được cung cấp khá chu đáo. Thấy người ta hăng say tự do tranh luận tìm giải pháp để chăm sóc sức khỏe cho người già ở đây mà thấy se lòng. Nghĩ tới số phận hẩm hiu của đồng tuế ở nơi vẫn được coi là quê hương. Một giường bệnh vài ba người nằm. Muốn được chăm sóc, ngoài y phí, phải có "phong bì kính biếu" lót tay cho nhân viên y tế. Xếp hàng nửa ngày mới được khám bệnh. Trả tiền mua thuốc vừa hết tháng lương hưu...
Và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn khác nữa. Thực buồn...
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Bạc đãi người cao tuổi
Vào năm 1963, khi đạo luật Older Americans Act với điều VII Bảo Vệ Người Già được ban hành tại Mỹ thì nơi đây mới có 13 triệu lão ông lão bà mừng sinh nhật lần thứ 65. Ngày nay con số này đã tăng lên tới 35 triệu. Vấn đề chăm sóc bảo vệ người cao tuổi tại Mỹ đã liên tục được chính quyền cũng như các tổ chức tư nhân lưu tâm. Hàng năm, nhiều tiểu bang Hoa Kỳ vẫn chọn tháng 5 là thời gian để nhắc nhở mọi người về nghĩa cử này đối với người già. Tháng 6 năm 2005 tới đây, đạo luật Elder Justice Act sẽ được đưa ra quốc hội Hoa Kỳ để thảo luận. Một Hội Nghị về Người Già cũng được văn phòng Tổng Thống Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 12, 2005 tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Và vào ngày 17 tháng 11 năm 2002, Tổ Chức Y Tế Thế Giới họp tại Toronto đã công bố bản “Toronto Declaration on the Global Prevention of Elder Abuse” để đối phó với tệ nạn lạm dụng người già tại các quốc gia hội viên. Coi vậy thì ta thấy rằng vấn đề đối xử không tốt với người cao tuổi là chuyện có thực và cần được chấn chỉnh, giải quyết.
Bạc đãi người cao tuổi là một vấn đề thường thấy trong mọi xã hội, nhưng nhiều khi người ta hay tránh né, không muốn nói tới hoặc tìm hiểu thêm. Nhiều người lại không tin, cho rằng xã hội văn minh pháp quyền như hiện nay thì làm gì mà chuyện đối xử tồi tệ đó lại có thể xẩy ra, nhất là với những người tuổi cao, sức khỏe như ngọn đèn dầu sắp cạn, gần đất xa trời.
Nhưng trên thực tế thì cái sự việc đau lòng đó vẫn hiện diện đó đây. Vì tham lam tàn ác vẫn là một trong những bản tính xấu của loài người. Cho nên người già không những chỉ bị lạm dụng mà còn bị bỏ rơi, không được chăm sóc và nhiều khi còn bị khai thác. Riêng tại nước Mỹ “We Are the Poeple” này, hàng năm có cả từ nửa triệu tới một triệu người già bị bạc đãi. Và cứ một trường hợp được thông báo cho chính quyền thì có 5 trường hợp không được biết đến. Trong tương lai, con số này sẽ cao hơn vì tổng số những người cao tuổi nơi đây cũng như trên khắp thế giới mỗi ngày mỗi gia tăng. Có điều may là các giới chức liên hệ đã đặc biệt lưu tâm tới vấn đề và đưa ra những biện pháp đối phó, ngăn ngừa.
Ðịnh nghĩa
Theo định nghĩa, bạc đãi người già là một sư cố tình đối xử tàn tệ và gây thương tích về cả mặt tinh thần lẫn thể chất cho nhóm người này. Sự lạm dụng có thể xẩy ra một lần hoặc tái diễn. Đôi khi, hành động không tốt xẩy ra vì vô tình, vì không hiểu biết thấu đáo cách chăm sóc người cao tuổi vốn đã có sức khỏe kém và phải kéo dài cuộc sống phụ thuộc vào người khác.
Nạn nhân của sự lạm dụng thường thường là ở lứa tuổi trên 60 nhiều nhất là tuổi 80, nữ nhiều hơn nam, da trắng nhiều hơn dân da mầu. Người già gốc Á Châu được coi là ít bị ngược đãi, có lẽ nhờ con cháu còn giữ được truyền thống nhớ ơn và phụng dưỡng các đấng sinh thành.
Đa số nạn nhân đều suy yếu về sức khỏe tổng quát với một vài rối loạn về tâm thần, khó khăn tài chánh, nhiều khi phải nhờ vả thân nhân. Họ thường sống xa với xã hội, đôi khi sợ bị bỏ rơi nên cắn răng chịu đưng, không dám lên tiếng than phiền. Họ thường mãn phần sớm hơn người không bị bạc đãi.
Người lạm dụng phần lớn lại chính là thân nhân, và sự bạc đãi thường hay xảy ra ở ngay trong môi trường gia đình. Theo kết quả một nghiên cứu được công bố năm 1998 ở Hoa Kỳ, thì tỷ lệ con cái lạm dụng cha mẹ lên đến 43%; vợ chồng già đối xử không tốt với nhau là 30%. Một điểm đặc biệt, theo nghiên cứu này, thì sự bạc đãi ở ngoài gia đình như tại nhà người già, viện điều dưỡng người cao tuổi, chương trình sinh hoạt ban ngày, trong các trung tâm sinh hoạt cộng đồng lại rất thấp và số nam giới đối xử xấu với người nữ nhiều hơn.
Những yếu tố đưa đến bạc đãi
Với người cao tuổi nhận sự chăm sóc của thân nhân, con cái thì ta thấy có nhiều lý do đưa đến sự bạc đãi: người chăm sóc quá kiệt sức, bị căng thẳng vì hàng ngày phải liên tục lo lắng cho người già mà không được nghỉ ngơi, không có sự tiếp tay của người khác; có khó khăn về kinh tế; sợ mất việc vì phải bỏ nhiều thì giờ nghỉ ở nhà để chăm sóc người thân nên chuyển sự bực bội sang họ; chung sống trong một căn nhà nhỏ hẹp không đủ chỗ cho mọi người; thấy mình như bị bắt buộc phải lãnh trách nhiệm lo cho người thân mặc dù hoàn cảnh không cho phép. Đôi khi chính người chăm sóc lại có khó khăn với rượu chè, hút sách, có rối loạn tâm thần hoặc cũng đã từng là nạn nhân của bạo hành khi còn nhỏ.
Trong nhà dành cho người cao tuổi thì sự đối xử không tốt xẩy ra khi nhân viên làm việc quá sức, làm việc nhiều giờ liên tục lại không được trả lương đúng mức; bực mình vì sự ngang bướng, khó tính, đòi hỏi quá đáng của người già. Đôi khi nhân viên làm việc kém chu đáo vì không được huấn luyện cách chăm sóc những người đã già mà lại có sức khỏe yếu.
Tại một số quốc gia, bạc đãi xẩy ra vì phong tục tập quán không tôn trọng người già. Họ bị coi như không cần thiết, là gánh nặng cho gia đình, xã hội và bị bỏ rơi.
Có nhiều hình thức bạc đãi khác nhau.
1-Về thể chất.
Đụng chạm, tiếp cận tới cơ thể nạn nhân một cách không thích hợp như là đánh, đấm, đạp, cắn, tát, xô đẩy người cao tuổi. Với sự lạm dụng này, nạn nhân có thể mang nhiều thương tích trên mình như các vết bầm, vết cắt, sưng trên da; vết da cháy phỏng do đầu thuốc lá, hóa chất; thương tích không biết lý do như gẫy xương, bầm trên mắt, vết cào cấu trên da.
Nhiều nạn nhân bị bỏ rơi trong đói khát trở nên gầy ốm vì thiếu ăn, khô nước.Trong trường hợp này, người lạm dụng thường hay kiếm cách che đậy, không đưa nạn nhân đi nhà thương, không cho thân nhân thăm người già riêng rẽ; ấp úng không giải thích được những dấu vết của thương tích trên người nạn nhân. Nạn nhân thì e ngại, không dám nói ra và còn tìm cách tránh né bạn bè, thân nhân.
2- Lạm dụng tình dục:
Người già bị lợi dụng để làm tình dưới nhiều hình thức mà không có sự đồng ý như hãm hiếp, sờ soạng...Nạn nhân mang các thương tích nơi cơ quan sinh dục, ngực; quần áo bị sé rách vớí nhiều vết máu; đi lại, đứng ngồi khó khăn. Họ thường trở nên sợ hãi khi phải đối diện với người khác phái.
3- Hành hạ tâm thần:
Dùng những lời nói cay nghiệt để lăng mạ, xỉ nhục, làm mất uy tín, mất tự tin, đe dọa, gây sợ hãi, cô lập nạn nhân. Trước những hoàn cảnh này, nạn nhân thấy bất lực, lo sợ, buồn rầu, tự thu mình. Đôi khi họ trở nên mất định hướng, rối loạn, không diễn tả được tâm trạng lo âu của mình.
4- Khai thác tài chánh
Khi được người thân tín nhiệm giao cho việc quản trị chi thu thì lại lạm dụng, ăn bớt ăn sén, biển thủ, mạo chữ ký, lấy trộm, dối trá mua một nói mười để thủ lợi. Vì lòng tham, đôi khi không lo thực phẩm đầy đủ, giảm cung ứng các nhu cầu thường nhật nhưng vẫn kê khai chi tiêu lớn. Có trường hợp người lạm dụng còn làm những chuyện phi pháp như đổi di chúc, lạm dụng giấy ủy quyền để thủ phần lợi cho mình.
5-Bỏ rơi. Người già yếu bị bỏ mặc bởi người đã được phó thác việc trông nom chăm sóc sức khỏe đời sống.
6- Sao lãng, lơ là. Từ chối hoặc không hoàn thành trách nhiệm cung cấp thực phẩm, nhà ở, chăm sóc y tế cho người già yếu.
7-Không tự chăm lo. Nhiều người già cũng buông thả trong các nhu cầu đời sống hàng ngày, không ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, không uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ, không giữ vệ sinh cá nhân.
Tại các nhà điều dưỡng người già, ngoài các hình thức bạc đãi kể trên, người cao tuổi được cho dùng thuốc an thần hoặc bị cột buộc bằng dây để trấn áp, khỏi quấy rầy nhân viên. Khi vào thăm một số cơ sở điều dưỡng người cao tuổi, ta thấy các vị này ngủ nằm ngủ ngồi li bì dưới tác dụng của thuốc ngủ.
Vài dấu hiệu cho hay có sự lạm dụng
Theo lệ thường, người cao tuổi bị bạc đãi ít khi than phiền, tố cáo vì nhiều lý do.
Một số cảm thấy ngượng ngùng, bối rối khi đề cập tới việc bị hành hạ; một số ngại bị trả thù; một số không đủ khả năng để khai hoặc không ý thức được là mình đang bị đối xử tồi tệ.
Một vài dấu hiệu có thể khiến ta nghi là có lạm dụng như trên mình nạn nhân có những thương tích không giải thích được; bệnh tình đột nhiên trầm trọng hơn, gầy yếu không lý do; vệ sinh cơ thể tồi tệ; sống cô lập, sợ sệt; mất định hướng, rối loạn tâm trí, hoang tưởng, buồn rầu trầm cảm.
Chính quyền với vấn đề lạm dụng
Sự đối xử tồi tệ với người cao tuổi đã được chính quyền các quốc gia lưu tâm và nạn nhân đã được luật pháp bảo vệ. Mới đây, tại tiểu bang California, cơ quan tư pháp đã mở cuộc kiểm tra các nhà điều dưỡng dành cho người già. Kết quả cho thấy 1/3 các cơ sở này đều có những vi phạm trầm trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi.
Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi tiểu bang đều có biện pháp trừng trị kẻ lạm dụng ngưòi già. Nhân viên y tế nghi ngờ có dấu hiệu lạm dụng đều phải thông báo với nhà chức trách. Chính phủ cũng dành ngân khoản trợ cấp cho các tổ chức bảo vệ người già bị lợi dụng.
Có nhiều đường giây điện thoại khẩn cấp để giúp khám phá cũng như báo cáo khi có lạm dụng. Một số điện thoại miễn phí cho liên bang là số 800- 677. 1116. Vài tiểu bang còn có luật trừng phạt tù và tiền khi biết mà không báo cáo những trường hợp đối xử tồi tệ với người cao tuổi.
Tại Việt Nam ta xưa và nay cũng có những điều khoản luật lệ để bảo vệ người già, tránh sự lạm dụng, nhất là do người thân thuộc gây ra.
Ðể tránh đối xử không tốt với người già.
Ðiều quan hệ trước hết là làm sao để mọi người ý thức được rằng không một ai, dù ở tuổi nào, có thể trở thành nạn nhân của bạo hành, lạm dụng, hạ nhân phẩm và bỏ rơi.
Rồi hướng dẫn giáo dục quần chúng về nguy cơ của bạo hành, phát triển các cơ quan hỗ trợ cho việc chăm sóc người già, giảm căng thẳng cho người chăm sóc; phát hiện các trường hợp lạm dụng để chấn chỉnh quản lý nhà dưỡng lão. Vai trò của những người cung cấp dịch vụ y tế rất là quan trọng vì họ thường xuyên gặp các trường hợp đối xử tàn tệ này.
Tại các quốc gia, hầu hết người cao tuổi đều sống một mình hoặc với thân nhân, và chỉ có khoảng 10% sống trong các nhà dành cho người già. Cho nên sự đối xử xấu nếu có, thường xẩy ra ở nhà. Để tránh tình trạng này, ta cần lưu ý giải quyết những hoàn cảnh tạo ra sự việc.
Nhờ thân nhân tiếp tay trong việc chăm nuôi để tránh cảnh một mình phải gánh chịu mọi công việc từ trông nom đến cung cấp mọi nhu cầu vật chất. Sớm phát giác những dấu hiệu khó khăn về phần mình như căng thẳng, mệt mỏi trong việc chăm nuôi. Cầu cứu giúp đỡ ngay khi thấy cần.
Khi đi thăm thân nhân trong nhà người già, nên tìm hiểu xem nhân viên có được huấn luyện chu đáo cách thức săn sóc. Hỏi thân nhân coi nhân viên đối sử ra sao; phát hiện những triệu chứng, dấu hiệu bất thường trên cơ thể người già.
Về phần người cao tuổi cũng cần để ý tới mấy điều sau đây:
Khi sống một mình, cửa ngõ cần luôn luôn cài đóng, nhất là ban đêm; không mở cửa cho người lạ; khi nghi ngờ có người nhòm ngó mình thì báo cho thân nhân hay ngay; tìm hiểu xem trong khu phố có chương trình hàng xóm canh chừng cho nhau để khi cần thì liên lạc nhờ giúp đỡ.
Khi sống với thân nhân mà nghi ngờ bị lợi dụng thì nói cho thầy thuốc, bạn bè hoặc người thân khác hay ngay và yêu cầu họ tới thăm mình thường xuyên hơn. Các bác sĩ đều có bổn phận phải báo cáo với chính quyền về các trường hợp lạm dụng bạo hành xẩy ra ở bất cứ tuổi nào.
Trách nhiệm đối với bản thân, người cao tuổi cũng nên để ý tới việc tự chăm sóc để có sức khỏe tốt, sống liên hệ với cộng đồng để có giúp đỡ khi thấy cần, sửa soạn tiện nghi tối thiểu cho tuổi về già, hiểu rõ quyền lợi y tế xã hội của mình để khỏi bị thiệt thòi.
Kết luận
Sống tới tuổi cao là điều ai cũng mong muốn. Nhưng sống mà để bị lệ thuộc rồi bị lạm dụng lại là điều đáng tiếc. Cho nên có nhiều vị cao niên đã nghĩ rằng đa thọ, đa nhục là vì vậy.
Có câu nói: “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Ðã có nhiều trường hợp một mẹ nuôi bẩy con thành đạt mà bẩy con không đền đáp nuôi dưỡng được một mẹ già.
Giờ đây đốt đuốc đi tìm chắc cũng ít thấy cảnh quạt nồng ấm lạnh của người Hoàng Hương, hoặc biết chịu sự kham khổ để dành miếng ngon, miếng lành mà nuôi cha mẹ như gã Mao Nhung.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Ðức
Nhật Bản: Robot chăm sóc người già 'lên ngôi'
Nhằm cải thiện đời sống tinh thần của người cao tuổi, các công ty và các viện nghiên cứu ở Nhật Bản đang chạy đua nghiên cứu, chế tạo các robot giúp đỡ, chăm sóc và trò chuyện với người già.
Hầu hết các robot phục vụ người già đều được trang bị hệ thống nhận dạng giọng nói để trò chuyện và giúp họ điều khiển các thiết bị trong nhà. Chúng có hình dáng thích hợp và khá gần gũi với người già như thú nuôi.
Một trong số các robot này là Yorisoi ifbot của công ty Business Design Laboratory, được bán rộng rãi ở Nhật từ năm 2004 với giá 604.800 yen. Robot này nói chuyện chậm rãi, có thể thay đổi giọng nói để giúp người già nghe rõ hơn. Ngoài ra nó còn có thể bày tỏ tình cảm với người sử dụng, hát những bản nhạc xưa theo yêu cầu...
Các nhà nghiên cứu cho biết việc trò chuyện, trao đổi với Yorisoi ifbot có thể giúp người già bớt suy nhược tinh thần và cho phép người chăm sóc họ được nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn.
Một robot khác là Chapit của công ty Ray Tron, có thể giúp người già vận hành thiết bị điện tử trong nhà, chỉ cần họ ra lệnh “tôi muốn xem tivi” hoặc “tắt đèn”. Robot này trông giống một chú búp bê, có giọng nói nhỏ nhẹ và dễ thương như một đứa trẻ lên 5, dễ dàng lôi cuốn người già nói chuyện với nó. Nó có đôi mắt sáng, cổ có thể xoay làm cho người trò chuyện có cảm giác như thực.
Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu của ĐH Waseda đang cố gắng cải thiện sức khỏe người già bằng cách làm cho họ cười nhiều hơn với robot Tocco-chan. Nếu người sử dụng chạm vào các công tắc gắn trên đầu, tai và tay của robot, nó sẽ lập tức thực hiện các tư thế vui nhộn, rồi trò chuyện với giọng thong thả chậm rãi. Nhóm nghiên cứu này dự định thêm các chức năng khác vào robot để nó có thể tạo những tình huống vui nhộn cho đến khi người sử dụng nó bật cười.
Một vấn đề chính gây trở ngại việc phổ cập các loại robot cho những gia đình có người già ở Nhật là giá bán quá cao (giá thấp nhất của chúng hiện nay là 200.000 yen). Hiện các nhà sản xuất đang tìm cách giảm các sản phẩm này xuống thấp hơn nhằm giúp đưa chúng đến tay người già.
Ở viện dưỡng lão, người già sẽ được chăm sóc tốt hơn
Trước khi bố chồng tôi vào viện dưỡng lão , chúng tôi đã tự tay chăm sóc, sau đó thuê người làm cùng chăm ông cụ. Và bây giờ thì tất cả con cháu và chính mẹ chồng tôi đều nếu vẫn ở nhà thì ông cụ không thể được chăm sóc tốt như hiện nay, tại viện dưỡng lão (Lan Nguyen).
Người gửi: Lan Nguyen
Gửi tới: Ban Đời sống
Tiêu đề: Người Già Bệnh Sẽ Được Chăm Sóc Tốt Hơn Ở Viện Dưỡng Lão
Tôi và bố mẹ tôi đã nghĩ và rất quan tâm đến vấn đề viện dưỡng lão cho người già ở Việt Nam từ khi bà nội tôi bị bệnh nhũn não, phải nằm liệt giường 18 năm trước khi chết. Mấy năm đầu, con cháu chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc. Sau đó, bố mẹ tôi thuê một cô từ Bạc Liêu chăm bà ngày đêm do mẹ tôi sức khỏe suy yếu, không thể nâng được bà lên khi cần, còn tôi lập gia đình và đi xa.
Bà ngoại tôi cũng nằm liệt giường 1 năm trước khi chết. Cậu và dì tôi cũng thuê một cô bé từ quê lên trông bà vì cả hai phải đi làm suốt ngày. Mỗi lần tôi đến thăm đều thấy thương xót bà vô tận. Bà nằm ở một phòng trên lầu 3, hằng ngày cô người làm lên đưa cơm 3 lần. Còn mọi việc vệ sinh cá nhân thì hầu như không ai giúp đỡ nên căn phòng và giường luôn tỏa ra một mùi khai, thối hơn bất kỳ một nhà vệ sinh công cộng nào tôi từng gặp.
Tôi không trách cậu dì tôi vì họ phải đi làm rất vất vả, mỗi ngày đến tận khuya mới về, có khi qua đêm, nên lúc về đến nhà họ đã mệt lử, lại còn chăm sóc con cái. Những nguời con khác của bà đều ở xa, nên chỉ có thể về thăm 1-2 lần một năm. Cô người làm thì còn quá trẻ, nên sợ bẩn và không quen chăm người bệnh.
Mỗi lần bước vào phòng bà, tôi đều tự hỏi nếu bà được ở trong một căn phòng sạch sẽ, có người thăm hỏi, hẳn bà sẽ sống lâu hơn và con cháu đỡ xót xa hơn. Lúc đó bố tôi và tôi đã nghĩ đến việc lập một viện dưỡng lão cho người già, nhưng kế hoạch không được thực hiện, vì chúng tôi biết quan điểm về viện dưỡng lão ở Việt Nam còn có nhiều đối lập. Có thể rất nhiều nguời muốn gửi bố mẹ già vào viện dưỡng lão, có thể trả tiền cho dịch vụ này, nhưng dư luận xã hội sẽ ngăn cản họ. Hiện tôi sống ở Mỹ. Bố chồng tôi mới được chuyển vào viện dưỡng lão, hằng ngày tôi đưa mẹ chồng đến thăm cụ. Tôi quan sát và thấy rất rõ những ưu điểm của viện dưỡng lão nên muốn chia sẻ cùng độc giả Việt Nam. Hằng ngày vào mỗi buổi sáng, tất cả bệnh nhân đều được thay quần áo và vệ sinh cá nhân trước khi ăn sáng với sự giúp đỡ của hộ lý. Phòng ở có 2 giường cho 2 bệnh nhân hay là phòng riêng tuỳ theo số tiền bệnh nhân có thể trả. Sau khi ăn sáng, các cụ có thể nghỉ tại phòng hay tham gia sinh hoạt chung tại phòng cộng đồng, ở đó có TV, cờ tường, sách, tạp chí, cà phê, hoặc những trò chơi khác.
Tất cả các cụ đều được bác sĩ khám định kỳ thường xuyên. Vào mùa hè, vài ngày trong tuần, hộ lý đưa các cụ ra ngoài vườn hóng gió, ngắm cảnh. Mùa đông các cụ được xem phim, chơi trò đố chữ...
Tôi đến viện hằng ngày, nhưng chưa bao giờ có cảm tưởng đó là viện dưỡng lão hay bệnh viện, vì tất cả hành lang, phòng các cụ đều luôn rất sạch sẽ thơm tho và được trang trí đẹp mắt. Mỗi ngày lễ hội, viện đều tổ chức tiệc cho các cụ. Vì trước khi vào viện dưỡng lão, chúng tôi đã tự tay chăm sóc, sau đó thuê người làm cùng chăm ông cụ, nên bây giờ tất cả con cháu và chính mẹ chồng tôi đều phải thừa nhận rằng ông cụ không thể được chăm sóc tốt như thế nếu như vẫn ở nhà. Lý do đơn giản là chúng tôi và người giúp việc đều không phải là hộ lý chuyên nghiệp, được đào tạo và có kinh nghiệm để chăm sóc nguời bệnh. Chưa kể đến con cái lại còn rất nhiều trách nhiệm khác như công việc, gia đình... Ở viện dưỡng lão, tất cả mọi việc đều được lập thành quy trình và được chuyên môn hóa, nên dịch vụ được đảm bảo tốt. Các loại bệnh khác nhau được chia ra các khu khác nhau để đảm bảo quy trình và thủ tục chăm sóc cho phù hợp. Có lẽ khó khăn nhất của việc mở ra viện dưỡng lão ở Việt Nam bây giờ là sự cân bằng giữa khả năng chi trả cho dịch vụ này và chất lượng dịch vụ của viện dưỡng lão. Ở Mỹ, hầu hết người già tự trả cho dịch vụ này từ tiền tiết kiệm hoặc trợ cấp xã hội. Có một số người bán nhà rồi vào viện ở cho đến khi chết. Hằng ngày con cái vẫn đến thăm hỏi. Ở Việt Nam hầu hết người già không có tiền tiết kiệm, nhưng nếu con cái sẵn sàng trả, thì viện dưỡng lão là hoàn toàn có thể.
Chăm sóc người già bạn cần biết
Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến một lúc nào đó ta giật mình thấy sự già nua đang tiến dần. Đi bên cạnh tuổi già là biết bao điều lo toan, không phải cơm áo gạo tiền, không phải một mái ấm… mà chính là bản thân mình… Sự suy yếu về thể chất.
Chỉ cần một biến cố nhỏ xảy ra cho sức khỏe, người cao tuổi cũng không thể chống chọi được như thời trẻ trung. Chính sự thay đổi cơ thể trong quá trình tích tuổi đã làm cho sức khỏe ngày càng giảm sút. Cơ thể lúc trẻ cao lớn, khỏe mạnh là thế nhưng khi về già thì thấp bé lại do cả chiều cao và cân nặng đều giảm. Sự mất chiều cao này có thể do hiện tượng loãng xương và cân nặng giảm do khối cơ và lượng nước trong cơ thể giảm.
Người già xương cốt rệu rã. Nếu xương trẻ như cành cây non, dễ gãy khi bị chấn thương và cũng dễ lành, thì xương của người già lại chẳng khác gì cành gỗ mục, rất giòn và dễ gãy, nhưng lại khó lành. Chỉ cần gượng chân khi trượt một cái vỏ chuối, dù không té ngã cũng có thể dẫn đến gãy xương!
Trẻ khôn ra, già lú lại. Sự giảm số lượng tế bào vỏ não và vi tuần hoàn não đã gây nên hiện tượng giảm trí nhớ ở người cao tuổi, dẫn đến lẩm cẩm và lú lẫn khi về già.
Người già ăn uống, tiêu hóa khó khăn. Một số người cao tuổi khỏe mạnh thì có thể vẫn thấy thèm ăn, nhưng với người yếu hơn thì lại hay có cảm giác chán ăn do không thấy đói. Chán ăn, nhai nuốt khó do cơ nhai và xương hàm đều teo, răng thì lung lay và mất càng làm người già lười ăn hơn nữa. Như vậy lại càng dễ bị suy dinh dưỡng hơn. Các tuyến nước bọt cũng teo nên hoạt tính tiêu hóa của nước bọt giảm sút. Do đó, thức ăn cho người cao tuổi cần phải mềm để dễ nhai nuốt, nhưng không nên xay nhuyễn vì sẽ làm giảm mùi vị ngon của thức ăn. Trương lực và sức co bóp dạ dày cũng giảm dễ dẫn đến sa dạ dày, giảm bài tiết dịch vị nên tiêu hóa thức ăn kém. Nhu động ruột giảm nên dễ bị táo bón, táo bón kéo dài thì các vi sinh vật gây thối rữa trong ruột sẽ phát triển làm đầy hơi, đầy hơi lâu ngày sẽ đẩy cơ hoành lên cao gây khó thở, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ tim. Như vậy, chỉ một bộ máy tiêu hóa kém hoạt động cũng đã gây ra biết bao phiền toái cho người cao tuổi.
Không chỉ thế, sự dung nạp chất bột đường ở người cao tuổi cũng bị giảm nên dễ tăng đường huyết nếu chế độ ăn giàu bột đường nhất là các loại đường hấp thu nhanh. Men giúp ly giải mô mỡ cũng giảm hoạt động nên dễ có khuynh hướng thừa mỡ trong máu, tạo các mảng xơ làm cứng thành mạch gây ra cao huyết áp. Vì thế, người cao tuổi nên hạn chế chất béo, đặc biệt là mỡ động vật và nên thay bằng dầu thực vật. Khả năng tiêu hóa, hấp thu và tổng hợp chất đạm ở người cao tuổi kém, dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Do đó, người cao tuổi nên ăn cá vì cá chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa, lại có thêm một số acid béo cần thiết cho cơ thể có tác dụng bảo vệ. Ngoài ra, cũng nên thay đạm động vật bằng một số đạm thực vật như đậu nành và các loại đậu khác. Người cao tuổi cũng dễ bị thiếu nước do ít cảm thấy khát nước. Hoạt động tiêu hóa và hấp thu thường kém hiệu quả hơn lúc trẻ nên càng về già thì lại càng dễ bị suy dinh dưỡng. Đi kèm với suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu sinh tố (như sinh tố C) và các chất khoáng, nhất là Canxi nên dễ bị loãng xương (trường hợp thường gặp ở phụ nữ mãn kinh), thiếu sắt gây ra thiếu máu.
Nỗi lo lắng về tinh thần
Thời điểm bắt đầu nghỉ hưu, thường là giai đoạn chuyển đổi từ tuổi trung niên sang cao tuổi, nếu không được chuẩn bị chu đáo về mặt tinh thần thì người cao tuổi rất dễ bị sốc, vì không chỉ phải đối mặt với sự giảm sút sức khỏe bản thân rất rõ rệt mà còn phải chịu cảnh cô độc, luôn quanh quẩn trong nhà suốt ngày trong khi con cái đi làm vắng. Cảm giác không giúp ích cho đời, không làm ra tiền, lúc nào cũng chỉ đối mặt với bản thân, không biết nói chuyện với ai lại càng làm cho người già dễ cảm thấy tủi thân, bi quan, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Nhiều cụ già đã không tránh khỏi hiện tượng trầm cảm do sự cô độc gây ra. Cũng thật may vì người Việt Nam vẫn còn tập quán sống chung nhiều thế hệ trong một nhà. Ông bà được gần gũi, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của mình cho con cháu, được bồng bế cháu trên tay nên cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn.
Sống dựa vào đồng lương của con cháu cũng là một nỗi buồn mà người già hay day dứt, dẫn đến chỗ không dám ăn vì sợ tốn kém của con. Từ cuộc điều tra tình trạng dinh dưỡng của người cao tuổi 2001 do Trung tâm Dinh dưỡng tiến hành đã cho thấy tỉ lệ người cao tuổi sống chủ yếu bằng thu nhập bản thân rất thấp (28,3%). Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến họ luôn lo âu và không thoải mái về tinh thần vì phải sống dựa vào người khác. Cuộc điều tra cũng cho thấy gần 50% người cao tuổi nói rằng họ luôn lo âu, lo cho việc làm ăn của con cái dù chẳng giúp được gì, lo cho hạnh phúc của con, lo cho sức khỏe bản thân… Chỉ khoảng 34% người cao tuổi thấy thoải mái hoàn toàn về tinh thần.
Tục ngữ ta có câu “Muốn có tuổi cao niên, tránh ưu phiền hờn giận”. Điều này cũng đúng thôi vì sự hờn giận dễ làm huyết áp tăng cao, mà huyết áp tăng trong khi mạch máu không còn mềm dẻo nữa thì sẽ rất dễ vỡ, gây các tai biến tim mạch và có thể bị đột tử. Do đó, người cao tuổi nếu biết gìn giữ sức khỏe bằng chế độ ăn phù hợp, đi bộ thường xuyên, sống thanh thản, lạc quan thì sẽ kéo dài được tuổi thọ.
Hiện tượng lão hóa không thể dừng lại theo thời gian, nhưng nếu biết vận dụng thời gian rảnh rỗi khi về hưu để tập thể dục ở các công viên, tham gia các sinh hoạt của người cao tuổi, đàm đạo, uống trà cùng các bạn già, chăm sóc cây cảnh thì chẳng những sức khỏe của người cao tuổi sẽ hồi phục, xương và cơ bắp chắc lại, mà tinh thần cũng sảng khoái và yêu đời hơn. Con cháu sẽ rất vui mừng vì ông bà sống thọ và khỏe mạnh cùng gia đình.
vé máy bay eva airlines
vé máy bay 2 chiều đi mỹ
vé máy bay korean air
khuyến mãi vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich
ve may bay di canada