Tản mạn: Đây là lần đầu tiên trong đời, chỉ vỏn vẹn 3 tuần lễ ngắn ngủi, tôi đã được đi suốt “con đường Cái Quan” từ cực Nam đến cực Bắc Việt Nam, được thấy tận mắt những gì tôi muốn biết, được sống chung và nghe đồng bào tôi tâm tình về chuyện đời thường cùng những ước mơ tương lai rất thực tế và đơn giản, được chia sẻ phần nào những khó khăn từ cuộc sống do những yếu tố chủ quan lẫn khách quan, trong khi thiên tai cứ dồn dập xảy đến hàng năm mà người dân Việt Nam đã và đang tiếp tục chịu đựng một cách bền bĩ, thầm lặng và kiên cường đến khó tin. Tôi đã đến được những nơi mà bấy lâu nay chỉ thấy qua phim ảnh, sách báo, hoặc chỉ được nghe kể lại với bao tò mò, thắc mắc. Tôi đã thỏa mãn với một chuyến đi vất vả nhưng đã làm được nhiều điều hữu ích cho bản thân, cho người thân, bạn bè và cho đồng bào của mình; ít ra là tôi đã làm được chút ít việc thiện trong một khoảng thời gian eo hẹp.
Phi trường Tân Sơn Nhất & một góc của Saigon: Tôi về đến phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 11:30 a.m. và ngạc nhiên trước vài đổi mới: hành khách không phải vào nhà ga bằng xe bus nữa mà đi bằng đường ống (tunnel) từ máy bay thẳng vào nhà ga (terminal) như những phi trường quốc tế tân tiến khác. Công an cửa khẩu ngồi trong những quầy khang trang hơn nhưng họ nói năng với du khách như tôi vẫn hách dịch, khó chịu ! Hải quan vẫn đòi “mãi lộ” nhưng không còn công khai trắng trợn như trước nữa. Tuy thân nhân và bè bạn tôi vẫn còn phải đứng lố nhố chờ đón tôi ngoài cửa nhưng rõ ràng là bến bãi cho xe bus, taxi, xe gắn máy, v.v... đã tương đối trật tự, nề nếp hơn trước nhiều lắm. Dường như mọi việc đang được cải tiến tốt đẹp hơn mà bản thân tôi thực tình phải nói là ngạc nhiên và thầm mừng cho Saigon. Có lẽ do ngài Tổng Thống Clinton vừa đến thăm Việt Nam hôm qua nên hôm nay tôi mới có được may mắn hưởng cái “Phúc” này chăng? Anh em từ Trường Đại Học Cần Thơ (ĐHCT) đón tôi tại phi trường Tân Sơn Nhất, đưa tôi về thăm nhà tôi và ăn trưa rồi sau đó đưa tôi về miền Tây ngay sau đó.Suốt từ phi trường về nhà tôi rồi ra tới Bình Chánh, tôi đã được nhìn thoáng qua một góc Saigon vào một buổi chiều tháng 11/2000 với lưu lượng xe các loại ngày càng đông đảo và khó chịu làm sao khi mà người ta cứ phải bấm kèn inh ỏi để len lỏi giữa dòng xe hỗn loạn. Anh Triều (tài xế) chọn con đường vành đai mới Nam Saigon từ Nhà Bè qua Bình Chánh để tránh bớt nạn kẹt xe. Tôi rất thất vọng khi thấy người dân Saigon hôm nay coi thường luật giao thông và sự an toàn tính mạng của chính họ:hầu hết xe gắn máy không ngừng lại trước đèn đỏ (trừ những nơi có cảnh sát giao thông!), không hề nhường nhịn nhau khi vượt qua ngã tư, tỉnh bơ lái xe ngược chiều, thậm chí có những anh lái xe ẩu mà còn trừng mắt sừng sộ khi mà chính họ đang vi phạm trắng trợn luật giao thông. Đây chính là một vấn đề không hay mà Saigon cần nghiêm khắc xử lý càng sớm càng tốt, bên cạnh 2 tệ nạn xã hội nguy hiểm nhất đang tràn lan khắp Saigon là ma túy và mãi dâm. Thái độ vô kỷ luật này cho thấy sự hỗn loạn và mặt tiêu cực trong quá trình phát triển và đô thị hóa hiện nay của Saigon nói riêng, Việt Nam nói chung mà những người lãnh đạo Việt Nam đã không quan tâm đầy đủ và đánh giá đúng mức để kịp thời đưa ra biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Đồng bằng sông Cửu Long: Trong suốt quãng đường từ Saigon về ĐHCT, tôi được nghe anh Gia - một cán bộ giảng dạy môn Thiết Kế Xa Lộ (Highway Design), còn rất trẻ, mới hoàn tất Cao Học (Master) từ Hòa Lan về - giới thiệu về ĐHCT., về chuyện lụt năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long, tâm tình về những ước mơ tương lai của anh Gia và giới trẻ Việt Nam hôm nay. Qua đó, tôi hiểu thêm một chút về ĐHCT, đồng bằng sông Cửu Long và lớp trẻ Việt Nam hôm nay - họ rất ham học, sống thực tế, không biết nhiều về quá khứ và đang hướng về một tương lai tràn đầy những mơ ước thực tế nhưng thật tươi sáng.
Cầu Bình Điền và Bến Lức đã sửa chữa xong. Tỉnh Long An có vẻ khang trang hơn với nhiều cao ốc mới và đường phố rộng rãi hơn. Những cánh đồng còn ngập nước ngay bên quốc lộ vẫn tấp nập dòng sinh hoạt đời thường. Tài xế cứ phải bóp còi inh ỏi mà người đi đường vẫn cứ tỉnh bơ dừng xe giữa đường quốc lộ hay đi ngược chiều, xe đò đua nhau chạy bạt mạng trong khi lơ xe đu tòng teng, miệng hét lớn, tay đập vào thành xe ầm ĩ mà tôi thấy hình như cũng có ít ai chịu tránh né, hầu như không thấy ai nhường nhịn nhau một cách lịch sự, ai cũng phớt tỉnh theo kiểu “đường ta, ta cứ đi.” Giá như luật giao thông chịu khó bắt đầu từ trường học (từ mẫu giáo đến đại học ), phường xã, các cơ quan để giáo dục và tuyên truyền về trật tự- an toàn giao thông thì hay biết mấy. Một xã hội thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật thì khó mà giàu mạnh được. Chúng tôi ghé Cai Lậy ăn qua loa rồi đi thẳng về Cần Thơ để kịp tháp tùng một nhóm cứu trợ đồng bào bị lụt ở Mộc Hóa, Cao Lãnh, Tam Nông và Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Qua cầu Mỹ Thuận, khi màn đêm buông xuống, những ngọn đèn pha sáng rực tỏa xuống mặt nước sông Tiền lấp lánh như những vì sao. Tôi thật vui và xúc động khi được đi trên chiếc cầu mà tôi đã mơ ước từ lâu. Tôi chỉ mong sao tất cả những con đường ở quê mình sẽ phẳng phiu, thênh thang và nối liền bởi những cây cầu đẹp và tiện lợi như thế này. Chương trình thay thế cầu khỉ bằng cầu đúc bê-tông đã xúc tiến, nhiều con đường hương lộ, tỉnh lộ nay đã sạch sẽ, khang trang hơn xưa với nhiều cây cầu bêtông mới và đèn thắp sáng. Chợ VL cũng xây sửa lại chút đỉnh nên bên ngoài có vẻ khang trang hơn nhưng bà con vẫn thích buôn thúng bán bưng ngay lề đường; coi vậy mà vui hơn nên tôi cũng ghé vô mua xoài và chôm chôm, uốống ly nước mía rồi đi tiếp. Từ ngã ba Cần Thơ ở thị xã Vĩnh Long về tới bến bắc Cần Thơ, tôi có thể thấy nước lụt còn mấp mé nhà cửa 2 bên quốc lộ và nước vẫn ngập trắng những cánh đồng. Vĩnh Long hình như không thay đổi gì nhiều. Tour du lịch xanh từ Cái Bè qua Vĩnh Long và khu du lịch Trường An coi bộ ăn khách, nhất là vừa ăn cơm trưa trong sân vườn, vừa thưởng thức đờn ca tài tử. Nhờ vậy, bà con quê tui cũng khá lên đôi chút.
Chúng tôi qua băc Cần Thơ khi trời đã tối mà xe vẫn tấp nập. Ngồi trên phà, nhìn dòng sông Hậu mênh mông và lộng gió mà mơ tưởng đến một chiếc cầu dây văng (suspension bridge) nửa sẽ bắc qua... Xe về đến Nhà Khách trường ĐHCT vào lúc 7:30 tối, đi ăn khuya với chú bảo vệ rồi ra bến Ninh Kiều thả bộ trong công viên để thấy phần nào sinh hoạt Cần Thơ về đêm. Tôi được nghe nói về những dự án cải thiện và phát triển của Cần Thơ và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thật không vui khi được biết con số các cô gái nghèo thích lấy chồng Việt Kiều ( có những người lớn tuổi đáng gọi là Cha, Chú; hay những kẻ đã có vợ con còn sống ở nước ngoài, hay đã ly dị hay ly thân!) hay ngoại kiều (chủ yếu là Đài Loan, Trung quốc, Đại Hàn,v,v...), thậm chí phải qua làm gái điếm ở Cambodia, Thái Lan và nhiều nơi khác trên thế giới. Tôi viết những dòng này với mong mỏi là xin quý vị đàn ông Việt Nam đang sống ở nước ngoài hãy suy nghĩ lại, nếu như đã và đang có ý định dùng dollars để về “hưởng thụ” trên thân xác của những người con gái nghèo và ngây thơ ở Việt Nam, xin hãy chấm dứt ngay hành động tàn nhẫn đến ghê tởm mà lương tâm tối thiểu của một người Việt Nam khó có thể chấp nhận. Tôi cũng mong chính quyền Việt Nam hãy có biện pháp cứng rắn hơn với những cá nhân và tổ chức “hôn nhân ...ma” để đưa gái Việt Nam ra nước ngoài làm điếm. “Con dại, cái mang”- nếu không muốn nói con hư là lỗi một phần tại cha mẹ. Tình trạng suy đồi hiện nay không thể không có trách nhiệm của những người lãnh đạo Việt Nam; hay nói khác đi, Đảng CS Việt Nam và chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm giải quyết triệt để những tệ nạn xã hội và tình trạng suy đồi hiện nay. Lịch sử sẽ không tha thứ cho mọi hành động dung túng, bao che hay cố tình nuôi dưỡng những điều tệ hại này từ phía chính quyền. Ngủ đêm tại Nhà Khách trường ĐH Cần Thơ, tôi được nghe nhiều người kể về trận lụt năm nay và sơ lược về kế hoạch khắc phục hậu quả lụt của chính phủ trung ương và các tỉnh bị lụt. Sáng hôm sau, tôi được đưa đi thăm 1 vòng trường ĐHCT và làm việc với anh Thuận, phó khoa Công Nghệ về phương hướng phát triển và những nhu cầu của Khoa trong việc giảng dạy và nghiên cứu. Phòng vi tính (computer) không rộng lắm, đa số là máy cũ, vì muốn tiết kiệm điện nên chủ yếu là lấy ánh sáng từ ngoài trời len qua các cửa sổ vào soi sáng chứ không có bao nhiêu ngọn đèn néon, phần lớn sinh viên đến đây để ...chơi games chứ không có bao nhiêu người đến học và tận dụng computer thật sự. Xưởng cơ khí khá rộng lớn nhưng đa số là máy cũ do Hòa Lan tặng hay bán rẻ. Anh Gia cho biết: Hòa Lan bảo trợ hầu hết hoạt động, từ khâu đào tạo cán bộ giảng dạy đến viện trợ cho nghiên cứu, trang bị cơ sở vật chất, v.v... Dọc theo lối đi trồng rất nhiều cây cảnh và cây cao bóng mát nhưng quá san sát và thiếu mỹ thuật. Nghe đâu một anh kinh doanh cây cảnh đã mượn danh và sân bãi nhà trường để kinh doanh nên anh ta cũng giúp trồng cây cảnh cho trường, kể ra kết hợp như thế cũng hay! Sắp tới, trường ĐHCT sẽ xây thêm phòng học và khu nhà ở mới cho giáo viên. Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ giảng dạy còn rất trẻ, trao đổi về tình trạng ngập lụt và hướng khắc phục. Qua đó, tôi hiểu rõ thêm về những nguyên nhân gây ra trận lụt thế kỷ này. Anh em đã trình bày cho tôi thấy bản đồ nước ngầm và nước chảy tràn (do Hòa Lan thiết kế, bảo trợ & giúp đỡ), dòng chảy của sông Mekong và sự bồi đắp phù sa ở Biển Hồ (Cambodia) khiến hồ này đang cạn dần nên lưu lượng nước và thủy sản đổ dồn về vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên ngày càng nhiều, tạo ra nguy cơ lớn nhất là một Biển Hồ thứ hai đang hình thành rõ rệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau đó, tôi có dịp nghe anh Minh trình bày về việc nghiên cứu mô hình nhà ở cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và nghe các anh chị khác nói về dự tính thành lập nhiều bộ môn và chuyên ngành mới với mục đích cụ thể là đào tạo xong, sử dụng ngay cho việc xây dựng & phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy thiếu thốn rất nhiều về cả cơ sở vật chất, tài liệu nghiên cứu và phương tiện giảng dạy lẫn giảng viên kinh nghiệm nhưng trường ĐHCT vẫn cố gắng tự xoay sở bằng nhiều cách khác nhau nhằm củng cố 7 khoa, 3 viện, 4 trung tâm của trường, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Hòa Lan. Thời gian eo hẹp, Cần Thơ cũng không có điểm du lịch nào hấp dẫn ngoài chợ nổi ngã bảy Phụng Hiệp (lớn hơn chợ nổi Cái Bè quê tôi) nên tôi phải gấp rút thu xếp sao cho kịp tháp tùng một đoàn cứu trợ gồm một nhóm bạn trẻ và một số nghệ sĩ Sàigòn. Tôi đến Cao Lãnh tham gia vào một đoàn cứu trơ mà đa số là giới trẻ. Họ rất hồn nhiên, trong sáng và chỉ biết làm việc thiện vì lòng từ tâm, không hề có hậu ý nào khác. Chúng tôi quyết định mua 80 chiếc xuồng loại khá (khoảng $50 USD/ chiếc), còn lại là mua gạo, mì gói, tấm bạt ny-lông. Mỗi người bỏ tiền túi trang trải chi phí vận chuyển, ăn ở. Nhóm này có sự liên hệ tốt với chính quyền địa phương nên chúng tôi đi từ Sa Đéc qua Cao Lãnh đến Tam Nông rồi về Mộc Hóa và Long Xuyên. (xem bài "Lụt miền Tây năm 2000" ) cũng được đón tiếp niềm nỡ với sự giúp đỡ của Hồng Thập Tự địa phương.
Sau đó, tôi đến Long Xuyên để tháp tùng với một nhóm cứu trợ khác mà đa số là các bác sĩ trẻ đi đến Hồng Ngự, Tân Châu, ăn trưa ở gần chùa Bà Chúa Xứ nên cũng có dịp ngó thấy núi Sam, đến viếng chùa Bà Chúa Xứ (xin xem bài “ Về miền Tây cuối năm 2000” viết về chuyến đi cứu trợ này). So với các tỉnh khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long Xuyên & Châu Đốc là thành phố giàu nhất và lớn thứ 2 & 3 sau Cần Thơ cho dù nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính yếu. Chợ và phố ở Châu Đốc cũng khang trang, sầm uất hơn. Ghé Châu Đốc là phải thưởng thức các loại mắm nổi tiếng, nhất là mắm lóc đu đủ nhưng tôi lại thích bún mắm, canh chua cá basa và đường Thốt Nốt nơi đây hơn hết. Đi xuồng qua xem làng bè nuôi cá để coi kỹ nghệ nuôi cá xuất khẩu rồi ghé 1 làng Champa (Chà Châu Giang) với nghề dệt thủ công cổ truyền. Nơi đây tôi đươc chỉ cho xem mực nước lụt dâng cao qua cột nhà sàn. Tôi cũng ghé thăm một đền thờ Hồi Giáo và cũng là trường dạy chữ & đạo cho các em. Nhìn chung, đồng bào nơi đây còn nghèo lăm. Chị chèo đò cho tôi qua sông chỉ mong kiêm được $15,000 VNĐ/ ngày là mừng rồi. Chị chỉ mới 26 tuổi mà đã có 3 đứa con, chồng là thương binh, chị là "trụ cột" chính nên trông già đi rất nhiều. Nhiều ông Tây bà đầm du lịch theo kiểu balô cũng đến đây để đi tàu lên Nam Vang hay Siem Rep, hay sẽ đi tiếp qua Hà Tiên. Họ rất thích thú với kiểu du lịch văn hóa như vậy, nhất là khi ngồi xuồng ba lá trên sông mênh mông sóng nước, hay đi giữa những xóm làng VN nghèo khổ, bình dị. Đi dạo trên công viên dọc bờ sông có tượng những chú cá basa rồi qua vườn Tao Ngộ rồi đến chùa Hùynh Đạo, đình Châu Phú mới thấy Châu Đốc hôm nay vươn lên nhờ biết khai thác du lịch, thủy sản dù chỉ là 1 tỉnh nhỏ ở miền Tây. Đêm ở thị xã Châu Đốc cũng vui và êm ả. Sau khi đến thắp nhang cầu khấn Phật Bà Quan Âm ở chùa Bồ Đề Đạo Tràng, tôi ghé qua mua bắp nướng rồi nhâm nhi ly chè, vừa nhìn sinh hoạt người dân Châu Đốc về đêm, vưà hóng gió từ dưới sông thổi lên mát rượi. Sáng hôm sau, lên chùa Bà Chúa xứ mới thấy dân mình rất tin tưởng thần thánh. Qua Lăng Thoại Ngọc Hầu và Tây An Tự rồi lên viếng chùa Hang (Phước Điền Tự) trên sườn một núi trong 7 ngọn núi ở Thất Sơn), nhìn qua biên giới Việt - Miên nhưng không thấy đâu là ranh giới giữa cánh đồng mênh mông vẫn trắng xoá nước lụt dâng cao, chỉ còn thấy những cây dừa và thốt nốt vươn cao trên trời xanh và biển nước.Tại Đồng Tháp, Hội Nghị khắc phục hậu quả lũ lụt vừa qua của chính phủ (xin xem bài “ Về miền Tây cuối năm 2000”) đã cho thấy giới chức lãnh đạo và chuyên môn trong nước đã chấp nhận giải pháp “sống chung với lũ” vì không thể cãi lại thiên nhiên mà phải tận dụng thuận lợi để sống với “mùa nước nổi” (chủ yếu là ngư nghiệp và chế biến thủy sản). Có thể vì hoàn cảnh nghèo khó của xứ sở, vì trình độ chuyên môn(?) cũng hạn chế, vì sự ổn định (?) trong đời sống thường ngày của người dân địa phương, chính quyền đã không còn muốn chạy, né hay chống lại thiên nhiên nữa mà phải chọn cơ cấu kinh tế: 2 vụ lúa + 1 vụ tôm và du lịch “mùa nước nổi” cho vùng rừng tràm ( đặc biệt là Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp - xin xem bài “Tràm Chim Tam Nông” viết từ năm 1996). Hầu hết người dân địa phương mà tôi có dịp trò chuyện đều biết rất mù mờ, thậm chí hoàn toàn không biết và cũng không cần biết đến những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến sự sống còn và tương lai của họ & gia đình họ. Với họ, bữa cơm sắp tới mới là thực tế quan trọng nhất mà họ quan tâm lo lắng nhất. Họ đang sống trên vựa lúa lớn nhất nước, đang kiếm ăn trên mảnh đất phì nhiêu nhất nước, bên cạnh con sông lớn với nhiều cá tôm, chưa kể là còn biết bao tặng phẩm quý báu khác của Tạo Hóa dành cho họ; thế nhưng thực tế cho tôi thấy họ là một trong những người Việt Nam nghèo nhất nước, nhiều gia đình chen chúc trong những cái chòi trống trơn, hay chỉ là một chiếc xuồng, một cái bè trôi nổi phải kiếm từng chén cơm, con cá...mỗi bữa, phải bươn chải mưu sinh từng ngày mà vẫn nghèo và đói! Khi mưa bão, lũ lụt (thiên tai), họ chỉ biết chịu đựng và chấp nhận số phận không may của một kiếp người! Chính quyền địa phương cũng thiếu quan tâm (và khả năng?) trong việc tìm kiếm biện pháp giúp đỡ cho người dân nghèo ở đây sớm ổn định cuộc sống và thoát kiếp nghèo đói. Có lẽ chính quyền đã quá bận lo những việc “đại sự” gì đó mà “dân đen” thì chẳng đáng cho họ để ý hay chăng? Hình như hầu hết lãnh đạo các tỉnh đều thiếu hiểu biết chuyên môn nên không có khả năng phán đoán hay dự báo mà lại ngại hỏi ý kiến của chuyên viên vì sợ lòi ra cái dốt + dở của mình, không nhạy bén giải quyết mà cứ chờ chỉ đạo, không biết huy động ai hay kết hợp với cơ quan/ lực lượng nào để làm việc hiệu quả, rất sợ trách nhiệm nên thích đùn đẩy. Trong khi đó Trung Ương và các Bộ lại không nắm vững tình hình địa phương, không kịp thời hổ trợ đúng mức, không có ý kiến chỉ đạo cụ thể, không xuống ngay thực địa để kịp đề ra biện pháp cấp bách ứng phó với diễn biến phức tạp; khổ nhất là trên nói, dưới không nghe; thậm chí ai cũng muốn tỏ ra là mình có quyền nhưng chẳng ai hành xử đúng chức năng. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có ý kiến làm đường đất đỏ trong các vùng ngập lụt thay vì tu sửa và tráng nhựa (AC Paving). Họ cho rằng từ nay, hàng năm sẽ có lụt và không thể lãng phí tiền của để tráng nhựa lại những con đường sẽ bị nước lụt tàn phá vào mùa mưa mỗi năm. Tại sao họ không nghĩ tới chuyện vẫn tráng nhựa (AC Paving), thậm chí vẫn có thể tráng ximăng (Hà Tiên), vừa làm hệ thống cống & mương thoát nước (drainage system) cho đàng hoàng lại, vừa phải có biện pháp chống xói mòn (erosion control), bảo vệ dốc (slope protection) của tất cả các con đường bằng cách trồng cây (landscaping) và nhiều cách khác nữa, chưa kể đến việc phải tính toán lại chuyện thoát lũ ra biển sao cho hợp lý và khoa học hơn, cho dù phải đối đầu khá nan giải với đồng bào đang sống với nghề nuôi tôm vùng cửa sông & ven biển. Họ thật sự khó khăn trong bài toán vĩ mô lẫn vi mô, trong cách quản lý/ điều hành/ kết hợp lẫn trong việc tìm kiếm những biện pháp khoa học - kinh tế (chuyên môn) cho những vấn đề trước mắt và lâu dài của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi rất mong những nhà khoa học, kinh tế, chuyên viên đã từng sinh ra và lớn lên từ đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp sức cho trường đại học Cần Thơ và An Giang (mới mở!) nói riêng, cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung để người dân vùng đất này sẽ có một tương lai sáng sủa hơn. Chương trình “Nhà ở cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” vẫn dậm chân tại chổ khi mà ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và thí nghiệm hầu như ...nhỏ giọt (!), thành quả bước đầu cũng chưa thật sự hấp dẫn “đối tượng phục vụ” với những mobile homes, nhà tiền chế/ lắp ráp trên khung sắt, mái lợp tôn là chính. Giới kiến trúc và xây dựng trong nước cũng không mấy ai thích thú tham gia; trong khi tôi lại không đủ thời gian để học hỏi kinh nghiệm xây nhà của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu có thể tìm ra cách cải tiến sao cho những phương cách xây dựng mới của ngoại quốc có thể áp dụng cho vùng đất nghèo khổ này của quê hương tôi.
Đến thành phố Rạch Giá vào buổi tối khi dãy đèn đường thắp sáng thành phố với hàng cây cảnh trên dãy phân cách lộ giới (landscaping median) khá đẹp. Khu chợ mới và dãy phố xung quanh đó trông thật khang trang. Chợ cũ đã giải tỏa, nay là một quãng trường rộng thoáng với tượng ông Nguyễn Trung Trực. Qua 1 đêm tại thành phố đang đổi mới nhanh chóng nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long này, trong khách sạn Phương Nam không được sạch sẽ và đàng hoàng cho lắm. Người dân ở đây đã có cuộc sống khá hơn, thành phố đẹp hơn xưa nhiều. Chợ Rạch Giá hôm nay đã thành công viên với tượng Nguyễn Trung Trực, chợ mới bây giờ dời về bên kia thành khu thương mại khang trang hơn nhưng coi bộ còn thưa vắng lắm. Sáng hôm sau, tôi đến xem miếng đất mà Rạch Giá đang ra sức đầu tư với chương trình lấn biển nghe chừng rất “vĩ đại”nhưng thực tế là tôi thấy chưa thích hợp trong giai đoạn hiện nay khi mà Rạch Giá còn rất nhiều vùng đất cần được đầu tư & khai thác đúng mức hơn, còn có nhiều vấn đề cấp thiết hơn nên giải quyết trước, chẳng hạn: giá như có thêm một quốc lộ mới dẫn vào Rạch Giá hơn là chỉ có 1 con đường “độc đạo” vừa nhỏ hẹp với phố xá tấp nập 2 bên đường, vừa xuống cấp mà việc tu bổ hay nâng cấp vá víu từng đoạn cũng không phải là hay lắm. Chính nhu cầu này rất cần cho Rạch Giá về kinh tế - giao thông- quốc phòng. Mong rằng Rạch Giá sẽ có chương trình phát triển & đầu tư đúng chổ, đúng lúc hơn là chỉ biết chạy theo lợi nhuận của những tập đoàn tư bản nước ngoài.
Sau đó, tôi đi Hà Tiên - mảnh đất cực Nam Việt Nam, cách Rạch Giá gần 100 km - bằng xe ôm. Anh tài xế xe ôm cũng là người hướng dẫn viên du lịch cho tôi ghé Kiên Lương trước, thấy khu nhà máy ximăng Hà Tiên bây giờ sao nhỏ quá. Vô Ba Hòn, qua khu du lịch Bình An, Sao Mai với nhiều resort & khách sạn mới mở, thấy các hòn núi đá vôi và nhiều hang động tuyệt đẹp (như hòn Phụ Tử, hòn Chồng, hang Cá Sấu, chùa Hang, v.v...). Trước khi vô Ba Hòn, tôi thấy 2 tòa nhà đồ sộ của Huyện Ủy và UBND Huyện bên cạnh một khu nhà phố mới xây với con đường vừa tráng nhựa. Trên đường vô Ba Hòn là những dãy núi đá vôi đẹp như những hòn non bộ. Chạy dọc theo bờ biển là những làng chài với hàng quán lưa thưa bên hàng dừa rợp mát êm ả. Càng đến gần hòn Phụ Tử, càng thấy nhiều khách sạn và resorts. Bên bãi biển là một ngôi chùa nhỏ cũ kỹ nằm sát bên một núi đá vôi đang cần tu bổ và những người bán hàng rong với nhiều loại thuốc nam, tắc kè, dơi phơi khô. Dãy nhà thay đồ và tắm nước ngọt lụp xụp, dơ bẩn, quả là không phù hợp cho một khu du lịch nổi tiếng này. Tắm biển, chụp hình xong thì tôi trở ra ngoài khu resorts tìm một quán ăn "đặc sản" trước khi đi tiếp về Hà Tiên. Ði qua cầu mới, nhìn về phía cầu nổi ngày xưa và thành phố Hà Tiên hôm nay, tôi chợt thấy vui cho Hà Tiên đang thay da, đổi thịt, sầm uất và khang trang hơn. Sau khi lấy phòng ở một khách sạn gần chợ Hà Tiên, tôi đi thăm lăng Mạc Cửu nhỏ nhắn rồi ra khu du lịch Mũi Nai. Ngoài một đoàn khách tham quan là giáo viên được đi nghĩ bồi dưỡng, khu này vắng hoe nên chỉ ngồi uống nước dừa nghe sóng vỗ buồn thiu chứ không có gì hấp dẫn. Đến 6 giờ chiều mới ghé cơ sở của nghệ nhân Phan Kỳ Sanh xem nhiều sản phẩm mỹ nghệ làm bằng đồi mồi. Sáng hôm sau, đi xem vài thắng cảnh, di tích, hang động nổi tiếng của Hà Tiên như Thạch Động, núi Đá Dựng, Phù Dung Cổ Tự (do một ái thiếp của Mạc Cửu lập ra), chùa Gạch, núi Lăng (khu mộ của gia tộc Mạc Cửu), chùa Tam Bảo (Mạc Cửu từng ở đây),v.v... mà thi sĩ Đông Hồ đã ca ngợi qua nhiều tác phẩm của ông và khu cửa khẩu Xà Xía với nhiều chùa Miên. Đến trưa, ăn cơm ở chợ Hà Tiên xong thì đi về Rạch Giá. Ðêm ngủ ở một khách sạn mini gần chợ mới Rạch Giá, tôi được nghe gia đình chủ K/S này hồ hỡi kể về sự phát triển của Rạch Giá khá nhanh từ khi ông Dũng lên. Nghe nói ông Dũng muốn phát triển Hà Tiên nhằm nối liền Rạch Giá với khu biên giới Campuchia nên đường phố mở rộng hơn, nhà cửa khang trang, chợ búa cũng tấp nập. Hà Tiên xứng đáng là 1 thắng cảnh bậc nhất mà Việt Nam chưa đầu tư đúng mức. Anh xe ôm chở tôi đi dạo phố ban đêm để thấy sinh hoạt của thị xã Rạch Giá rồi về ngủ sớm để sáng mai còn đi tàu cao tốc ra Phú Quốc. Sáng hôm sau, tôi đến viếng miếu thờ ông Nguyễn Trung Trực và Nhà Văn hóa Nguyễn Trung Trực cạnh bến đò. Tôi có cảm giác hầu hết các tỉnh miền Tây chưa được quy hoạch và đầu tư đúng mức, xây dựng rất bề bộn nhưng chỉ mang tính khoa trương hình thức chứ chưa thật sự nghiên cứu đầy đủ để đạt hiệu quả cao và mang tính đặc trưng của vùng này. Hình như các tỉnh dàn hàng ngang thi nhau xây các trụ sở, khách sạn - khu du lịch "hoành tráng" mà chưa tập trung vào những mũi dùi chính yếu nào để bật kinh tế vùng này lên? Các ông Tỉnh Ủy vẫn thích phô trương y hệt công tử Bạc Liêu thì dân nghèo phải chịu thôi !
Lần đầu tiên ra Phú Quốc - một hải đảo của Việt Nam, tôi thật hồi hộp và vui mừng. Từ Dương Đông qua An Thuận và Hàm Ninh, tôi có ghé qua Suối Tranh, Thác Tranh đang xây dựng thành khu du lịch và thấy con đường nối liền 2 phía của hải đảo này đang được mở rộng và nâng cấp. Chính sách bảo vệ rừng và động thực vật quý hiếm được thực hiện khá tốt ở PQ. Sân bay đang cải thiện và tu bổ. Cán bộ từ miền Bắc & Trung Việt kéo nhau ra đây lập nghiệp khá nhiều nên Phú Quốc hôm nay là vùng "đất hứa" của dân tứ xứ đổ về. Bến tàu Dương Đông, Dinh Cậu, chùa Sùng Hương là những thắng cảnh nhưng thiếu trùng tu. Khách sạn và nhà hàng cất dọc theo bãi tắm và bến tàu nhưng chính vì vậy sinh ra rất luộm thuộm, dơ bẩn với nhiều rác và hư hại. Cảng An Thới sầm uất, tấp nập và Hàm Ninh cũng đang cố gắng giúp Phú Quốc đi lên qua việc khai thác tài nguyên địa phương để làm kinh tế và chú ý đến tiềm năng du lịch với vốn thiên nhiên sẳn có. Quân đội làm kinh tế rất mạnh, từ trồng tiêu, làm nước mắm, khai thác & chế biến hải sản(nuôi ngọc trai chẳng hạn), mở khách sạn và kinh doanh du lịch. Nhiều khách sạn và nhà nghĩ nhỏ với sân vườn mới xây từ khu trụ sở UBND Huyện cho đến bãi Dài, như Tropicana, Saigon-Phú Quốc resort... giữa một rừng dừa xanh mát là khu sạch đẹp nhất. Hiện nay vào mùa cao điểm có khoảng 1000 - 2000 du khách đến Phú Quốc mỗi tuần vừa bằng tàu (cruise), vừa bằng máy bay từ Saigon, đa số là người Thái Lan và Tàu từ Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Đài Loan, Hongkong... nên sân bay Phú Quốc và cảng An Thới cũng được tân trang, mở rộng. Ða số du khách thích thú với những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hải sản, tiêu, nước mắm và ăn uống khá rẻ nhưng than phiền về cơ sở vật chất còn nghèo nàn và quanh quẩn đảo một, hai ngày là ...hết biết đi đâu nữa. Các bãi tắm, nhà hàng, khách sạn cũng chưa được đầu tư đúng mức; kể cả nhân viên tiếp tân và hướng dẫn du khách giỏi ngoại ngữ cũng thiếu, đa số là từ miền Bắắc mới vào. Ghé thăm một gia đình nuôi chó Phú Quốc "xuất khẩu" khiến tôi nhớ lại chú chó Phú Quốc mà một giáo viên đồng nghiệp đã cho tôi sau ngày 30/4/75 rất khôn và trung thành nhưng cũng dữ lắm. Những ngày chúng tôi phải ăn độn thì chú chó này cũng phải ăn khoai lang, khoai mì... Phú Quốc bây giờ cũng mọc lên nhiều quán karaoke, cà phê đèn mờ. Mãi dâm và AIDS đang lây lan khá nhanh ở Phú Quốc qua ngư phủ và số ít du khách. Quy chế ưu đãi dành cho những ai tình nguyện phục vụ hải đảo xa này đã thu hút khá nhiều nhân lực từ nhiều vùng đất khác đến đây định cư, lập nghiệp và xây dựng đảo này. Trên chuyến máy bay rất lịch sự của Hàng Không Việt Nam đưa tôi về lại Rạch Giá đã cho tôi “làm quen” được vài người dân Rạch Giá, biết thêm được vài điều về địa phương này(xin xem bài “ Về miền Tây cuối năm 2000”). Từ giã hải đảo xa nhất về phía Tây Nam của Tổ Quốc, tôi chỉ cầu mong sao cuộc sống của người dân ở đây sẽ ngày càng tốt đẹp hơn và hải đảo này cũng từng là một “điểm hẹn” cho mơ ước “Về Với Biển Đông” (xin xem bài “Về Với Biển Đông” viết từ năm 1994) của tôi. Trở về sân bay Rạch Sỏi, tôi đi xe đò về Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre và Gò Công trước khi về Saigon.
Trở lại Cần Thơ, tôi thật sự vui mừng khi thấy Cần Thơ trở thành "thành phố" trực thuộc trung ương (Hậu Giang bây giờ là Chương Thiện ngày xưa) nên đường sá trong trung tâm thành phố đang mở rộng, chợ mới đã xây xong. Nhà lầu, khách sạn, hàng quán và tiệm buôn mở ra nhiều hơn, kể cả siêu thị Métro và nhiều công ty, nhà máy nước ngoài đã xuất hiện. Lớp trẻ bây giờ cũng ăn diện và "quậy" hơn xưa, nhất là khi đi vô khu Métro, khu ĐHCT, khu hàng dương gần bến bắc và khu khách sạn dành cho nước ngoài. Cái Răng cũng trở thành khu chợ nổi với du khách tấp nập xuống tàu dạo chơi cho biết không khí "miệt vườn" nhưng về đêm thì quán café ôm và quán nhậu cũng nhiều không thua khu công nghiệp gần phi trường Trà Nóc và Bình Thuỷ. Cái Sắn cũng xây chợ mới và nhộn nhịp hơn. Qua Vĩnh Long, từ khi ông VVK xây xong cầu Mỹ Thuận, tôi chỉ thấy nhà lồng chợ gần mé sông có vẻ khang trang hơn một chút, sân trường Tống Phước Hiệp tráng cement sạch sẽ chứ Vĩnh Long cũng chưa có gì lạc quan hơn. Ngay như khu du lịch Trường An cũng èo uột, không có bao nhiêu du khách nước ngoài oài ghé chơi như bên Cái Bè hay cù lao An Thạnh nên chẳng khai thác được gì khác hơn là kinh tế "miệt vườn" với đờn ca tài tử nên coi bộ dân Vĩnh Long vẫn nghèo khổ lắm. Vô chợ VL, nhà lồng chợ cũng không thay đổi gì mà chỉ có măt tiền coi bộ khang trang, sạch đẹp hơn. Khu mé sông có nhà hàng và khách sạn, nhìn ra bến đò và nhà máy nước (Ty Cấp Thủy ngày xưa), gió sông lồng lộng mà chợt nhớ ngày xưa... Sân trường Tống Phước Hiệp bây giờ tráng ximăng rồi nhưng coi bộ chật hẹp, nhỏ bé quá. Ghé vô Văn Thánh Miếu, qua cầu Lộ, về Khu Văn Ba, trở lại cầu Lầu, đi ngang khu Tổng Giám Mục và ngã ba Cần Thơ với khu chợ nhỏ mà nhớ bến xe hồi nào... So với khu du lịch bên cù lao Tân Phong, An Thạnh gần Cái Bè thuộc Mỹ Tho, hình như dân Chợ Lách, Cái Nhum và Vũng Liêm cũng không khá hơn. Nhìn chung Vĩnh Long vẫn làm nông nghiệp chứ chẳng có gì khác, nhất là sau khi Trà Vinh trở về vị trí của 1 tỉnh riêng. Vậy mà trong dịp họp mặt đồng hương VL ở Nam Cali hàng năm, các bác VL cứ khoe rùm beng là nhờ có ông VVK nên bây giờ VL khá lắm - thiệt tình tôi không hiểu "khá" là sao ? Nhìn VL mà tôi buồn cho quê Nội của tôi nhiều hơn; nhất là khi thấy dân VL thích "hưởng" hơn là "làm ăn", quen sống tà tà chứ chưa có gì đáng lạc quan mà đã vội "nổ" khủng khiếp. Qua cầu Mỹ Thuận, tôi ghé An Hữu rồi vô Cái Bè. Từ chợ Cái Bè, tôi đi ghe vô khu làm bánh phồng sữa, kẹo dừa, kẹo đậu phọng... rồi vô Đông Hoà Hiệp thăm bên ngoại của tôi. Nhà ông Chín bây giờ là "di tích" dành cho du khách tham quan sau khi Nhật trùng tu và bảo quản. Đi về Trung Lương thăm cậu mợ của tôi rồi vô khu trung tâm thành phố Mỹ Tho, đi từ đường Lê Lợi qua vườn hoa Lạc Hồng đến bến phà Rạch Miễu cũng chẳng có gì thay đổi vì dù sao Mỹ Tho cũng khó quy hoạch và xây dựng mới. Trở lại bến bắc (phà) Vàm Cống và cầu Mỹ Thuận rồi ghé Rạch Miễu, tôi có một điều mâu thuẫn: vừa muốn có một cây cầu treo tại Vàm Cống và Rạch Miễu, tôi vừa muốn ngồi trên chiếc phà qua sông rộng trong gió mát nhìn thấy quê mình hôm nay mà nhớ lại thưở còn bé theo cha mẹ về quê chơi, sao mà bùi ngùi lẫn thích thú ! Sông Cửu Long mênh mông và đậm màu phù sa sẽ là một “xa lộ trữ tình” cho “du lịch xanh.” Nhìn chung Vĩnh Long, Mỹ Tho và Bến Tre bây giờ cũng chỉ tập trung khai thác “du lịch xanh”, du khách tấp nập về các vườn cây ăn trái hưởng thú nhà quê, nghe ca vọng cổ, ăn uống thoải mái trong không khí mát mẻ, thanh tịnh. Vĩnh Long, Mỹ Tho và Bến Tre vẫn là những tỉnh "nổi tiếng" ở miền Tây mà dân nghèo vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, dù dân Vĩnh Long - Mỹ Tho - Bến Tre không thiếu người làm lớn trong chính quyền cũ lẫn mới ! Mỹ Tho trông có vẻ khá hơn nhưng vẫn còn xô bồ, luộm thuộm như một cô gái quê đang cố che giấu bớt vẻ quê mùa, nghèo hèn của mình trước con mắt thiên hạ!. Chùa Vĩnh Tràng ở Mỹ Tho nằm trên đường từ Mỹ Tho ra ngoại ô đi về Gò Công cũng đã xuống cấp trầm trọng mà chính quyền chỉ biết khai thác kinh doanh du lịch chứ chưa đầu tư đúng mức cho việc bảo tồn và trùng tu. Mỹ Tho hôm nay ra sức kinh doanh du lịch “miệt vườn” cho du khách vào thăm các vườn cây ăn trái ở cồn Tân Long, cồn Qui, cồn Phụng, cù lao Thới Sơn, hay về tận cù lao Tân Phong, Ngũ Hiệp, chợ Cái Bè, Cai Lậy... Qua phà Rạch Miễu, tôi nghe bà con nói về dự án xây cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền tưởng chừng quy mô hơn cả cầu Mỹ Thuận (vốn khoảng 600 tỷ đồng Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2005 cùng lúc với cầu Cần Thơ, có chiều dài 3030m, rộng 12m, cũng dây văng/ suspension với 2 trụ tháp như cầu Mỹ Thuận) mà lòng thầm mừng cho Bến Tre. Bến Tre bây giờ khá hơn nhiều so với những năm trước 1985 nhưng nông ngư nghiệp vẫn chưa đủ giúp cho đồng bào quê tôi đỡ khổ hơn mà chỉ đủ ăn, nhà nào có thân nhân ở nước ngoài hay đang là đảng viên, cán bộ Nhà Nước thì đỡ hơn.
Về đến Gò Công - quê hương của Nam Phương Hoàng Hậu, viếng đền thờ ông Nguyễn Trung Trực và Phạm Đăng Hưng mà bùi ngùi khi Gò Công hôm nay cũng còn nghèo lắm. Một bên là biển ngập sình(với nghêu sò là chính), một bên là nghề làm ruộng, làm vườn (nổi tiếng với cây xơ-ri), nhiều cô gái Gò Công rất đẹp nhưng đa số vẫn phải ...tha phương cầu thực! Suốt một tuần ở miền Tây, tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy người dân quê tôi quá đỗi hiền lành, chỉ biết chịu đựng, không hề dám lên tiếng góp ý, đòi hỏi hay than phiền gì về một số cán bộ, viên chức Đảng & Nhà Nước quá yếu kém về khả năng quản lý và chuyên môn nhưng lại thừa kiêu căng, quan liêu, hách dịch như những ông Tướng thời chiến, thậm chí tham ô, hạch sách đủ điều, lắm lúc hết sức “nguyên tắc” ...một cách vô lý và dốt nát! (xin xem bài “ Về miền Tây cuối năm 2000”). Vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn được xây dựng và phát triển dựa trên nông ngư nghiệp là chính, bây giờ có thêm “du lịch xanh” nhưng kỹ nghệ thì ...hầu như chưa có gì đáng kể ! Theo tôi, đa số lãnh đạo các tỉnh miền Tây có lẽ mang tính nông dân, chưa thật sự muốn tạo ra thay đổi quan trọng nào đủ để làm sức bật cho vùng này vươn lên, có lẽ khả năng của họ chỉ thế thôi, khó có thể đòi hỏi gì khác hơn. Rất tiếc là thời gian về thăm nhà quá hạn chế nên tôi chưa được coi múa lu (như bài viết của ông Nguyễn Hữu Chung về nền văn minh cái lu), chưa được dự ngày Tết Chol Chnăm Thmây và lễ Hội miếu bà Chúa Xứ rất long trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long này (xin xem sách “Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng” của nhà văn - bác sĩ Ngô Thế Vinh). Miền Tây Nam Việt có tiềm năng rất lớn nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa khá - tại sao? Tôi vẫn cảm thấy nợ rất nhiều người dân quê tôi và tôi vẫn muốn đi để biết và hiểu nhiều hơn về con người và miền đất phương Nam này. Hẹn lần sau vậy!
Trở lại Saigon : Đến Bình Chánh là đã thấy Saigon hôm nay phát triển ra sao. Đường xá mở rộng thêm, nhà cửa tiếp tục sửa sang và xây mới san sát nhau, từ Xa Cảng miền Tây đến Hùng Vương (quận 5), trông thật ngợp mắt. Xe cộ nhiều quá (nhất là xe gắn máy của Trung Quốc) nên lúc nào cũng thấy cảnh chen lấn, kẹt xe, cũng nghe bóp còi ầm ĩ. Dân Saigon bàn tán xôn xao về chuyến đi của Clinton nhiều hơn là quan tâm đến chuyện Lý Tống rải truyền đơn. Tôi cũng tò mò vào quán phở 2000 để xem tiệm ăn mà Clinton đến ăn có gì ngon lạ hơn không? Sau đó, tôi ghé qua khách sạn New World(nơi Clinton tạm trú), rồi đến thăm trường Lê Quý Đôn. Tôi vui mừng khi thấy trường cũ của tôi hôm nay có hoa viên đẹp hơn, có tượng ông Lê Quý Đôn ngay lối cổng chính, các cổng khác đều xây sửa lại đẹp hơn, trừ phía Trần Quý Cáp (tức Võ Văn Tần bây giờ). Ra công trường Chiến Sĩ, theo đường Duy Tân đến khu nhà thờ Đức Bà thấy mấy cao ốc mới và đến ăn lunch special ngay trên đường Đồng Khởi(Tự Do cũ) mới nghe chuyện người Úc sẽ đến quay phim “Người Mỹ thầm lặng” ngay trước khu Nhà hát thành phố này. Tôi vào khu Eden tìm hiệu sách cũ để mua vài cuốn sách như ngày xưa tôi vẫn đến đây đọc sách ...ké! Đường Nguyễn Huệ có thêm 1 khu shopping mới, có nhà hàng Tàu ăn uống như ở Hongkong, Chinatown ở Los Angeles vậy, có lẽ ngon hơn so với nhà hàng Ngân Đình ngay Bến Bạch Đằng vừa bán mắc, restroom lại dơ bẩn , bê bối mà đa số khách cũng chỉ là Tàu Đài Loan dẫn gái bao vào đây ! Đường Lê Thánh Tôn đang mở rộng, nghe nói khu Sở Thú và chợ Thị Nghè đang sắp giải tỏa để xây con đường Nguyễn Hữu Cảnh thông ra xa lộ. Dự án xây đường ngầm qua sông Saigon (đường mới mở từ Bình Chánh qua quận 8, 5 & 1, tới cầu Calmette mới có đường hầm dài 1970 m qua sông Saigon về phía Thủ Thiêm cho đến ngã ba Cát Lái). Đường Xuyên Á đã khởi công và đó sẽ là trục xương sống phát triển của khu kỹ nghệ Saigon - Bình Dương - Biên Hòa. Trước cổng lăng ông Lê Văn Duyệt bây giờ là điểm buôn bán cây cảnh khá xô bồ. Chợ Bà Chiểu có vẻ khang trang, tấp nập. Đi về Gò Vấp, tôi mới thấy quận này đã có mật độ dân cư dày đặc cho dù ngã tư An Sương và xa lộ Đại Hàn vẫn tiếp tục mở rộng nhưng dường như không còn đất để chen chúc hơn nữa. Bãi rác Đông Thạnh vẫn tấp nập những người nghèo đi moi rác kiếm sống, đông nhất là trẻ em. Qua Thạnh Lộc để đi viếng chùa Bà và chùa Tây Tạng ở Bình Dương, tôi mới có thể thấy ngoại ô Saigon và tỉnh Bình Dương hôm nay phát triển nhanh chóng như thế nào. Tôi cũng có dịp đi lên khu Tân Sơn Nhất, theo đường Cộng Hòa lên Tân Bình và Hóc Môn để thấy Saigon bùng nổ (booming), có lẽ Củ Chi sẽ không còn là ngoại ô chỉ trong vòng vài năm nữa! Sắp tới sẽ xây cầu Phú Mỹ nối quận 2 và quận 7 để có thể giải tỏa lưu lượng xe ngày càng nhiều từ miền Tây qua miền Đông và ngược lại, cũng như hàng hóa sẽ từ cảng không phải đi qua trung tâm Saigon như xưa nay nữa. Xa lộ Long Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gấp rút thi công để nối khu kỹ nghệ và du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu với Saigon nhanh hơn. Các khu vui chơi của Saigon hôm nay đã bắt đầu vượt quá sức chứa, trong khi các quán ăn và các tụ điểm sân khấu ca nhạc kịch cũng tấp nập về đêm. Dân Saigon ăn chơi khiếp thật! Bất cứ thú vui mới nào được du nhập vào Saigon cũng đều được dân Saigon đón nhận mau chóng, nhất là những hình thức đua đòi, hưởng thụ trụy lạc! Bên cạnh đó, cần ghi nhận lớp trẻ hiếu học đang vươn lên rất nhanh về kỹ thuật, tin học, ngoại ngữ và khả năng hội nhập mau lẹ vào cộng đồng thế giới, nhất là sau khi việc du lịch ra nước ngoài dễ dàng hơn. Sách báo ở Saigon cũng đa dạng và phong phú hơn những nơi khác, kể cả Hà Nội. Trường học lúc nào cũng tấp nập, có lẽ cần xây thêm nhiều hơn trường mới và đào tạo giáo viên mới đáp ứng đủ nhu cầu dạy & học. Chương trình học khá nặng, nhất là bậc phổ thông nên có khi cha mẹ phải học chung với con hoặc phải cho con học thêm sau giờ chính khóa thì con em mới có thể học nỗi ! Giới con buôn giáo dục cũng đang đổ xô vào Saigon để đầu tư và kinh doanh một thị trường chữ nghĩa béo bở! Ðiều đáng mừng là từ khi có kinh tế thị trường, nhiều trường tư, bệnh viện tư đã mọc lên với chất lượng phục vụ tốt hơn bệnh viện - trường công nhưng dĩ nhiên chỉ có những người có tiền mới có quyền thụ hưởng "tiêu chuẩn" này - xã hội nào cũng vậy thôi. Saigon hôm nay hình như đang trở lại với hình ảnh Saigon trước 30/4/1975 ? Bây giờ, người ta mới thấy những cái hay của Saigon năm xưa? Dẫu muộn màng nhưng vẫn là sự khẳng định của những giá trị mà một thời kẻ chiếm đóng đã chối bỏ, đạp đổ, phủ nhận sạch trơn. Biết bao lãng phí, mất mát, thiệt hại cho Saigon trong suốt bao nhiêu năm qua. Ðối với họ là sự "đổi mới"; đối với tôi, đó là sự trở lại. Về VN lần này, tôi mới thấy VN đang "đổi mới"; nhất là khâu nào mà Nhà Nước không kham nỗi thì sẽ "xã hội hóa" như giáo dục và y tế, ngành nào còn kiếm ăn được thì Nhà Nước vẫn "độc quyền." Biết bao doanh nghiệp nhà nước vẫn thua lỗ mà Nhà Nước cứ "bao cấp" nếu như đơn vị đó do đảng viên lãnh đạo là "đồng chí" hay con cháu của các bác Tỉnh/ Thành ủy. Bây giờ đảng viên làm ăn khiếp lắm, với thẻ Ðảng làm "bùa hộ mệnh" nên ai cũng ra sức mua bán đất đai - nhà cửa, kinh doanh đủ thứ với shop này, công ty nọ, ăn mặc nói năng coi bộ xôm trò y như "doanh gia" chính hiệu - tôi gọi đó là "thời trang" (mode/ fashion) của đảng viên CSVN đang "lên đời" hôm nay. Bởi vậy, hầu hết cán bộ - đảng viên đều hết sức thán phục tài lãnh đạo ưu việt của Ðảng mà chẳng cần biết những sai lầm chết người mà Ðảng đã gây ra cho dân tộc này; miễn sao tất cả vẫn tiếp tục đoàn kết và trung thành tuyệt đối với Ðảng là Okay. Ngẫm nghĩ cho cùng, kể ra Ðảng ta hay thiệt ! Ðảng viên làm giàu được thì nhân dân ta mới sống và làm ăn được. Nhờ vậy, Saigon hôm nay vui đáo để ! Saigon đang sống lại thật huy hòang ! Saigon bây giờ có nhiều người ăn xài hơn cả Saigon của tôi dạo nào trước 1975, có tiền là có tất cả - trừ những chuyện chính trị !
Miền Bắc & Hà Nội:Sáng hôm sau, tôi đi ra Hạ Long với khá nhiều du khách nước ngoài. Qua cầu Chương Dương, chúng tôi được nghe anh hướng dẫn viên du lịch kể về lịch sử chiếc cầu Long Biên - Paul Doumer do hãng Eiffel thiết kế và hãng Daydé-pillié làm từ tháng 9/ 1898 và khánh thành vào 28/2/1902, với 19 nhịpdầm bằng thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. Nghe nói về cây cầu này, tôi mới thấy ảnh hưởng của “thực dân” Pháp vẫn còn lảng vảng đâu đây giữa lòng Hà Nội. Nhiều khách sạn lớn mới xây ven sông Hồng. Đê Yên Phụ vẫn đầy dẫy nhà lầu đủ kiểu mới xây, dù họ đã biết hậu quả sẽ ra sao khi đê vỡ. Đến Hải Dương mới thấy kỹ nghệ bánh đậu xanh đã giúp thành phố này mọc lên nhiều hơn những cao ốc đồ sộ. Ghé vào một tiệm thêu tranh bằng tay của các nghệ nhân mà đa số là trẻ em tàn tật và đó cũng là trạm dừng chân ăn sáng của đoàn du lịch chúng tôi. Hình như người ta dùng các em tàn tật này để kêu gọi lòng từ tâm nhân đạo của du khách giúp đỡ cho cơ sở sản xuất & kinh doanh của họ chứ không biết các em có thật sự được chăm sóc đàng hoàng từ chuyện kinh doanh này không? Tới Hạ Long đã xế trưa. Chúng tôi rất thích bữa ăn ngon lành tại khách sạn ven biển này. Bên kia đường, dọc theo bờ biển là khu du lịch do Singapore đầu tư và khai thác. Chúng tôi vội ra bến tàu để kịp chuyến tàu ra biển thăm vịnh Hạ Long. Tàu rộng rãi, bàn ghế lịch sự, thủy thủ lái cẩn thận, hướng dẫn viên am tường và lịch sự nên cả 8 người đều vui thích với chuyến đi ra vịnh hôm nay. Biển êm, gió lặng và mát mẻ, càng đến gần các đảo càng thấy quê hương mình đẹp quá! Chúng tôi đươc chỉ cho thấy bãi biển Titov - một phi hành gia Nga đã đến tắm biển với ông Hồ Chí Minh tại đây nên ông Hồ đã lấy tên ông Nga đặt cho bãi biển nhỏ hẹp này. Tàu càng đến gần động Thiên Cung và hang Đầu Gỗ, tôi càng thích thú với cảnh đẹp thiên nhiên quá đẹp của các hòn đảo mọc lên giữa vịnh Hạ long trông như một bức tranh thủy mạc vĩ đại. Các hang động này được Trung Quốc giúp đỡ trong việc thắp đèn và xây lối đi sạch sẽ hơn nhưng việc bảo tồn/ bảo vệ còn khá nhiều lỏng lẻo, sai sót; nhất là việc một số du khách Việt & ngoại kiều (chủ yếu là Hoa & Hàn !) vô ý thức đã viết tên & vẽ hình lên vách hang động một cách nhớp nhúa, trơ trẽn. Đêm hôm đó, khi dạo mát trên bờ vịnh Hạ Long, tôi được nghe nhiều góp ý rất cụ thể từ 1 người bạn chuyên viên ngân hàng Pháp, 1 nhà khoa học môi sinh Phần Lan và 1 bác sĩ Mỹ từ San Francisco về du lịch, bảo tồn và môi sinh. Bên kia thành phố Hạ Long là đảo Tuần Châu đang được nhiều “đại gia” đầu tư để trở thành hòn đảo du lịch thần tiên nhất miền Bắc Việt Nam. Hôm sau, chúng tôi có dịp thuê tàu dạo quanh vịnh Hạ Long bằng thuyền, ghé Cổng Trời và một số đảo nhỏ, hang động trong vịnh Hạ Long trước khi đi qua Hòn Gai, mỏ than nổi tiếng miền Bắc với "trai tứ chiến, gái giang hồ". Từ Hòn Gai chúng tôi ra bãi biển Trà Cổ ngay sau cơm trưa. Có lẽ đây là bãi biển cho du khách tắm vừa đẹp, vừa sạch, vừa vắng nằm ở cực Bắc Việt Nam, sát biên giới Việt - Hoa. Tôi định ra đảo Cát Bà và Đồ Sơn nhưng rất tiếc là chúng tôi phải lên đường đi miền núi. Đi dọc theo bờ biển mới thấy ngày xưa Pháp đã quy hoạch và xây dựng thành phố cảng và ven biển thiệt là hay và cảnh quan bờ biển Việt Nam rất đẹp. Chúng tôi nhìn thấy sự phát triển của vài thành phố ven biển miền Bắc Việt Nam nhưng thật sự không hài lòng với những kiểu nhà lầu có mái “bánh ú” (có lẽ nhà giàu ở đây thích phô trương và ngắm trăng ?) giống y hệt nhau vừa mới mọc lên nhan nhãn khắp nơi trông có vẻ như được đúc ra từ một lò (có lẽ được xây từ các bác thợ xây dựng quê ta chứ không phải thiết kế từ các KTS nhà nghề?),nhất là ở miền quê giữa những cánh đồng nhỏ chia cắt manh mún thành từng mảnh vụn hay ở những thị trấn đang phất lên từ thời "đổi mới". Quảng Ninh và các thành phố ven biển phiá Bắc đang khai thác tối đa tiềm năng du lịch và tài nguyên thiên nhiên; trong khi ảnh hưởng của TQ rõ ràng lan rộng trên khắp các mặt đời sống và kinh tế vùng này; kể cả Hà Nội.
Tôi ghé Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam trên đường Đinh Tiên Hoàng nhìn ra Hồ Gươm. Anh Thành (TTK) hỏi tôi nghĩ sao về chuyện nên giữ hay nên phá bỏ phố cổ? một phần hay toàn diện? Tôi là người mới lần đầu đến và ngủ qua đêm ở khu phố cổ Hà Nội, chưa biết rõ gì về đời sống, văn hóa, trong khi các anh chị em đã sinh ra, lớn lên và sống gắn bó gần hết đời mình nơi đây thì chắc chắn là các anh chị cũng hiểu rõ cái gì cần phải giữ lại, cái gì phải vứt bỏ để làm cái mới tốt đẹp hơn. Dưới mắt tôi, thành thật mà nói thì khu phố cổ Hà Nội cũng đã trở nên hỗn loạn, tạp nhạp, lai căng và quá cũ kỹ, thậm chí mất vệ sinh, không tốt cho sức khỏe và không an toàn cho tính mạng con người! Thẳng thắn mà nói cũng chẳng có bao nhiêu cái cũ (rất ít kiến trúc Á Đông & Trung Hoa còn sót lại, như những cổng thành, chùa miếu...; đa số là kiến trúc thời thực dân Pháp nhỏ hẹp, tối tăm, thiếu vệ sinh và an toàn!) đáng quý cần giữ lại khi mà cái “hồn” xưa , cái không khí quen thuộc, cái sinh hoạt văn hóa truyền thống tiêu biểu cho Hà Nội cũng không còn thấy trong khắp 36 phố phường mà tôi đi qua mấy hôm nay. Cái gọi là "phố cổ" đã hư hại, "xuống cấp" khá nhiều, chẳng còn được bao nhiêu mà người dân vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn cụ thể nào từ chính quyền(nhất là từ phía các chuyên gia kiến trúc & quy hoạch). Bảo tồn từng căn nhà, dãy phố hay khu phố cổ phải được nghiên cứu đàng hoàng rồi thực hiện theo đúng bài bản hẳn hoi chứ không thể bỏ mặc cho người dân "tự phát" theo khả năng tài chánh & hiểu biết của họ. Người Hà Nội hôm nay không khác gì người Saigon, thậm chí còn có những cái tân tiến vượt trội hơn về "hội nhập" và "à la mode/ fashion"! Giữ chăng là những di tích lịch sử tiêu biểu, những nét cổ truyền điển hình cho Hà Nội “vang bóng một thời” chứ còn mấy cái cũ mà Tây chẳng ra Tây, Ta cũng chẳng ra Ta thì giữ làm gì cho rối mắt và thêm bẩn! Chính người Hà Nội mới biết được họ muốn giữ lại cái gì? Tại sao cần phải giữ lại? Giữ lại như thế nào cho đàng hoàng mà không cản trở sự phát triển của xã hội, sự an toàn & vệ sinh cho người dân địa phương. Cây xanh và nhiều hồ là một điều mà tôi thích nhất nên rất mong Hà Nội bảo vệ và phát triển thêm cho một thủ đô văn minh và trong lành. Thực ra tôi có rất nhiều điều muốn chia sẻ với anh Thành nhưng anh là "cán bộ VC" mà tôi là người Việt đã phải bỏ nước ra đi vì không thể sống với chế độ CSVN, mới gặp nhau lần đầu, làm sao tôi dám nói thật hết tất cả những gì tôi muốn nói với anh? Vẫn chỉ là những bước thăm dò, những lời nói "xã giao" vì giữa chúng ta vẫn còn những "khoảng cách" do chính các anh tạo ra. Trong tôi vẫn còn đó những kỷ niệm không bao giờ quên về việc chế độ CSVN đã phân biệt đối xử, nghi kỵ, thù hằn và "vắt chanh bỏ vỏ" thì làm sao có thể vội vàng tin các anh một lần nữa mà trút hết ruột gan khi mà các anh vẫn "độc quyền yêu nước" và tôi vẫn có thể nhìn thấy sự thăm dò nghi ngại qua ánh mắt của anh? Cho dù BS Ngô Thế Vinh luôn kêu gọi tôi cứ "cho" hết đi vì dù sao họ cũng là "đồng bào" của mình nhưng thú thật, suốt hành trình đi từ Nam ra Bắc, tôi vẫn chưa hề thấy sự cởi mở chân thành nào từ phía anh chị em trí thức trong nước; nhất là sự chia sẻ thông tin khoa học kỹ thuật - giáo dục chứ tôi chẳng bao giờ thèm đếm xỉa gì đến "bí mật an ninh - quốc phòng" của các anh chị em bên nhà đâu! Nói thật, tôi rất buốn và giận khi thấy các anh chị em trí thức trong nước, nhất là thành phần cán bộ đảng viên vẫn còn "thủ" nhiều quá. Người Mỹ thường nói với chúng tôi là "hãy cho và nhận" ("give and take") nhưng hình như quý vị chỉ muốn "nhận" chứ không thèm "cho" gì hết thì làm sao chúng ta cùng làm việc cho quê hương và đồng bào mình được? Mong các anh chị em hãy suy nghĩ lại đi. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể nhất tâm đồng hành trên con đường cái quan này?
Miền Trung: Tôi mua vé của Sinh Café để đi từ Saigon ra Hà Nội và viếng Hạ Long với giá rẻ không ngờ. Xe bus khá rộng, đa số khách là người ngoại quốc (chủ yếu là từ Âu Châu). Ghé đổ xăng ở ngã ba Vũng Tàu , gần căn cứ Long Bình cũ mà nay là những dãy nhà cao tầng san sát nhau cũng là nơi buôn bán sầm uất. Một siêu thị của Pháp cũng khá tấp nập người ra vào. Cửa ngõ dẫn vào thành phố Biên Hòa hôm nay đã có thêm một cái cổng cao lớn khang trang. Chúng tôi ghé ăn sáng ở ngã ba Dầu Giây trong một tiệm ăn mà sau này tôi mới biết đó là một trong những chi nhánh của cả một hệ thống nhà hàng dọc theo các quốc lộ chẳng khác gì McDonald hay Burger King ở Mỹ. Rừng cây cao su bây giờ trông thưa thớt nhưng lại tấp nập khá nhiều quán lều dựng lên ven đường. Bắt đầu vào Bình Thuận, tôi thấy khá nhiều vườn cây thanh long xanh tươi trùm trên những cột trụ. Nghe nói đây là loại cây ăn trái xuất khẩu của tỉnh này nên du khách nào cũng muốn mua ăn thử chứ người Việt Nam chúng ta thì cũng chẳng lạ gì loại trái cây có vỏ màu đỏ tươi, ruột trắng chi chít những hạt đen như hột é, ăn khá ngon & mát miệng.
Vào đến Phan Thiết, xe bus ghé vào quán cơm Hoàng Yến và cũng là đại diện cho Sinh Café tại đây. Tôi thích món cá trê vàng chiên dòn chấm mắm gừng, canh chua cá, thịt kho tiêu, giá cũng rẻ. Sau đó, tôi vào Mũi Né, tới bãi Ông Địa, lên đồi cát xem bà con bắt và ăn con dông mà thấy tội cho cả con vật lẫn người đi săn bắt trên một vùng sa mạc nóng và cằn cỗi này của Việt Nam, qua Hòn Rơm. Nghe nói, một khu vui chơi theo kiểu Disneyland sẽ được xây lên ngay tại đây nên quá nhiều resort & khách sạn mọc lên dọc theo bờ biển. Tiếc là nhiều ngư dân cập thuyền sát bãi biển nên du khách cảm thấy không thoải mái khi muốn tắm biển ở đây. Ngủ một đêm tại Mũi Né, bạn sẽ thấy nơi đây có những bãi biển và đồi cát đẹp hơn Long Hải, Vũng Tàu nhiều và cũng không quá ồn ào, xô bồ, phức tạp. Về VN, thích nhất là nghĩ trọ ở các resorts với thiết kế gần gũi với thiên nhiên và bản sắc dân tộc, giá cũng rẻ, phục vụ tốt, thức ăn ngon. Ở Mũi Né, dạo này resort mọc lên nhiều hơn, nằm sát biển, chỉ ngại một điều: vệ sinh chung quá tệ do dân chài đánh bắt cá ngay khu bãi tắm. Ða số các khu nhà nghĩ mát (resort) nơi đây có lối thiết kế (design) bắt chước theo kiểu resort của Thái hay Mã Lai, có cả sân golf và landscaping trông khá đẹp nhưng chưa có nét độc đáo gì của một vùng biển Việt Nam mà tôi trông đợi! Kiến trúc Việt Nam vẫn chưa hình thành được một trường phái độc đáo tiêu biểu cho riêng dân tộc mình mà cứ thích cóp nhặt, vay mượn, sao chép từ xứ người một cách khó coi, thiếu tìm tòi, nghiên cứu! Rời Phan Thiết, nơi đang đổi mới và trù phú hẳn lên với kỹ nghệ du lịch và nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ chứ không chỉ có nước mắm nổi tiếng. Lần sau, tôi sẽ đi ra ghé Cổ Thạch và dinh Thầy Thím.
Trên đường đi Nha Trang, tôi ghé qua Ninh Thuận - vùng đất của người Chàm với những ngôi tháp cổ còn sót lại nay đang được trùng tu nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch là chính chứ chưa thật sự đáp ứng yêu cầu bảo tồn một di tích văn hóa - nghệ thuật có tính lịch sử với kỹ thuật & nghệ thuật khá độc đáo mà cho đến hôm nay các công trình nghiên cứu vẫn chưa giúp các chuyên viên trong & ngoài nước thấu hiểu tường tận về từng viên gạch và cách xây tô của người Champa xưa. Hy vọng rằng nền văn hóa này sẽ không bị mai một. Cây thuốc lá là nguồn thu nhập quan trọng cho người dân NinhThuận. Đến Cam Ranh vào lúc chiều xuống, trẻ em tan trường tíu tít về nhà khiến con đường chúng tôi đi lại vui hơn. Cam Ranh có vẻ phồn thịnh, đường sá rộng thoáng, phố chợ tấp nập, trái cây và hàng quán bán dọc 2 bên quốc lộ trông rất vui mắt. Vào đến Nha Trang lúc 7:30pm, check-in xong là chúng tôi chạy đi tắm ngay để kịp đi ăn cơm tối và xem một chương trình ca - múa dân tộc mà người tài xế xe bus quảng cáo trên đường di. Hóa ra là một chương trình phụ diễn giúp vui cho nhà hàng & khách sạn nên cũng ...không có gì độc đáo, đặc sắc như du khách mong đợi! Tôi bỏ ra biển, đi dọc theo bãi biển suốt con đường Trần Phú để nghe tiếng sóng biển mà nhớ lại 18 năm về trước đã ghé lại nơi đây. Nhiều khách sạn và quán ăn mới mọc lên nhưng con đường này vẫn còn êm vắng. Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật sớm để đi ra Dốc Lết tắm biển và ăn trưa xong lại vội vã về ghé Hòn Chồng, đến viếng Tháp Chàm Thiên Y A Na ngay trên dốc cầu đá gần Xóm Bống (rất nhiều tháp Chàm đang trùng tu như vậy) rồi qua viếng chùa thật nhanh để kịp đón chuyến tàu ra hòn Tằm rồi trở vào thăm khu hồ cá Trí Nguyên (aquarium hình chiếc thuyền buồm hóa thạch). Tối hôm đó, ăn nem nướng xong là tôi ra chợ Đầm xem có thay đổi gì không rồi đón xe bus của Sinh Café để đi tiếp về phía bắc, không còn thời gian để đi tắm bùn trị bệnh như nhiều người rủ rê. Đi suốt đêm, ngủ chập chờn trên xe bus, ngồi bên cạnh tôi là một người con của khách sạn Vĩnh Hưng ở Hội An mà tôi sẽ ngủ lại vào tối mai. Chị giới thiệu cho tôi về Hội An, nhất là đèn lồng mà chị đang sản xuất và chào hàng ở Nha Trang. Qua Đại Lãnh, tôi vẫn thấy nơi đây không khá hơn ngày xưa bao nhiêu cho dù đây là 1 trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam. Dừng lại ăn cháo khuya ở Sông Cầu, tôi chợt nhớ ngày xưa tôi cứ mơ mộng là sẽ thấy nơi đây trở thành một khu du lịch với vùng biển êm sóng lặng gió nhưng Sông Cầu ngày nay tuy khá hơn trước nhiều nhưng rõ ràng vẫn chưa có gì lạc quan hơn. Ngay cả Tuy Hòa, Phú Yên có khá hơn xưa song tôi chưa thấy một cơ sở đầu tư sản xuất nào đủ để đưa vùng này phát triển vững mạnh. Ngay chuyện nuôi tôm sú rầm rộ hiện nay có khác gì dịch nuôi chim cút dạo nào? Cả một vùng đang bị ô nhiễm và phá hoại một cách nghiêm trọng mà dường như chưa thấy ai đau xót, trong khi Phú Yên đang ra sức kinh doanh du lịch sinh thái, nghe nói có cả leo núi, du thuyền lòng hồ Sông Hinh, tham quan di tích Đá Bia & Nhất Tự Sơn, v.v... Tôi thắc mắc: Tại sao Phú Yên không bảo vệ những vốn quý đang có mà phải ra sức tạo thêm cái mới tốn kém hơn trong khi Phú Yên còn nghèo lắm? Qua Bồng Sơn, bước vào xứ dừa Bình Định, dừa nhiều nhất có lẽ là ở Tam Quan, không thua gì Bến Tre ở miền Tây Nam Việt! Bình Định còn khá nhiều tháp Chàm của một thời Đồ Bàn là kinh đô của vương quốc Champa nên vẫn hấp dẫn du khách và cảng Quy Nhơn còn tấp nập nên nhìn chung Quy Nhơn & Bình Định khá hơn xưa nhiều lắm. Đền thờ Tây Sơn Nguyễn Huệ đang được trùng tu. Quy Nhơn hôm nay đang phất lên; trong đó không thể không kể đến số tiền Việt Kiều gửi về cho thân nhân hàng năm rất nhiều nên buôn bán sầm uất hơn. Đến gần Sa Huỳnh thì cầu bị hư, xe kẹt lại từ 9:30pm đến gần 6 giờ sáng mới sửa chữa xong và giải tỏa được nạn kẹt xe. Suốt đêm, tôi cứ đi lại dọc theo đường xe lửa, nhìn ra hàng dừa bờ biển Sa Huỳnh chứ không tài nào chợp mắt nỗi. Tôi dự trù sẽ ghé bãi biển Sa Huỳnh - nơi có nhiều cổ vật thời đồ sắt, ghé ăn cua Huỳnh Đế nổi tiếng và tắm biển nhưng không còn kịp thời gian nữa. Người dân ở đây tuy nghèo nhưng có lẽ họ còn khá hơn nhiều so với người dân ở miền Tây Nam Việt đang sống ở những vùng ngoại ô hẻo lánh - không phải là nạn nhân của nạn lụt thế kỷ mà tôi vừa tiếp xúc tuần qua.
Qua Quảng Ngãi, con đường đang tu bổ và mở rộng nên còn lầy lội và trơn trợt dù cát rất dày. Nước sông Trà Khúc dâng cao mấp mé hàng chữ “Quảng Ngãi” mà phía bên trên kè đá là một nhà hàng & khách sạn Sơn Trà khang trang nhưng vắng khách. Lác đác vài người đi dọc theo bờ sông vớt củi trôi từ rừng trên núi xuống. Bên kia là thị xã khá tấp nập. Muốn ghé vào Dung Quất nhưng nơi đây đang xây dựng, bụi cát mịt mù mà tôi cũng không còn thời gian nên đành đi vào thị trấn để kịp đón xe ôm theo quốc lộ 26 đi hơn chục cây số vào thăm khu chứng tích Sơn Mỹ tức làng Mỹ Lai, với nhiều di tích về chuyện lính Mỹ đã tàn sát hơn 100 trăm thường dân Việt Nam sống ở làng Mỹ Lai vào năm 1968. Có 1 điều hơi buồn: tại sao thủ phạm tàn sát thường dân ở Mỹ Lai đã ra tòa nhận tội nhưng những thủ phạm đã ra lệnh tàn sát tập thể hàng ngàn thường dân ở Huế vào Tết Mậu Thân thì chưa thấy ai đưa ra điều tra hay xét xử ? Còn những thủ phạm đã pháo kích vào trường học ở Cai Lậy(Mỹ Tho), Bình Minh(Vĩnh Long) năm xưa, họ có thể sống tự do thoải mái được sao? Thôi thì cứ để “Tòa án” lương tâm & lịch sử sẽ “phán xét” họ ! Rời Mỹ Lai, tôi lại hối anh xe ôm đưa đi bãi biển du lịch Mỹ Khê, đòi xem cho được cua Huỳnh Đế (nửa cua nửa tôm) rất quý hiếm chỉ có ở vùng biển này. Trong quán, tôi còn ăn thử món con don (một loại nghêu/ hến nhỏ xíu) nấu canh ăn với bánh tráng (thiệt tình tôi không thấy “hấp dẫn” như lời giới thiệu của anh xe ôm!), cá bống (nhiều loại cá bống khác nhau, chỉ có điều là hơi nhiều xương!), mua thêm mấy bịch khô bò, kẹo gương, mạch nha, đường phèn. Rất tiếc là tôi không đến được thành cổ Châu Sa, căn cứ Chu Lai cũ, núi Thiên Ấn. Nghe nói Chu Lai sẽ thành "khu kinh tế ...mở" như ngoài Đà Nẳng và Tiên Sa cũng có dự án phát triển quy mô. Người dân Quảng Ngãi rất chịu khó, có nghị lực, ăn để mà sống chứ không hoang phí, biết lo lắng, cần kiệm từng chút một. Tạm biệt Quảng Ngãi, tôi lại hối hả ra Hội An. Đến “phố cổ” Hội An vào lúc trưa, tôi vội đi bộ ra khu “phố cổ”, mua vé xong là theo chân anh hướng dẫn viên du lịch tên Trương Hữu Trí - một người rất am tường về kiến trúc và lịch sử văn hóa của Hội An mà tôi hết sức khâm phục trình độ hiểu biết/ kiến thức lẫn tư cách của anh (Việt Nam cần có những hướng dẫn viên du lịch có trình độ như vậy!). Qua anh Trí, tôi mới được biết ảnh hưởng lớn lao của 5 nhóm lớn của cộng đồng người Hoa( Quảng, Triều Châu, Phúc Kiến...) tại vùng đất này, rõ ràng nhất là Chùa Cầu, các đình miếu, nhà phố cổ... chứ thực ra người Nhật cũng không có mấy “di tích” còn tồn tại đến hôm nay. Theo chân anh, tôi được ghé vào thăm hầu hết những di tích chính của phố cổ Hội An sau khi ăn trưa với món cao lâu và bánh xếp nước trông đẹp như một đóa hoa trong ngần mà chỉ ở Hội An mới có để thưởng thức. Tại nhà thờ của tộc Trần, tôi mua “ủng hộ” vài bộ pyjama bằng lụa cho 3 cô em gái của mình, vài pho tương với vài bộ ấm tách trà bằng gỗ và đá khá mỹ thuật và công phu. Ngủ đêm tại khách sạn Vĩnh Hưng 2 mà tôi có cảm tưởng như đang sống trong một nhà trọ Trung Hoa. Tiếc làm sao khi đêm hôm đó không phải là ngày rằm để tôi có thể thấy những ngọn đèn lồng lung linh thắp sáng phố cổ Hội An thay cho ánh đèn điện bình thường! Có lẽ sẽ phải hẹn với Hội An một đêm rằm có trăng sáng trên trời và những ngọn đèn lồng thắp sáng trước những căn nhà khu phố cổ Hội An này trong một tương lai không xa! Gần 200.000 du khách đã đến phố cổ Hội An, giúp Hội An vừa bảo tồn phố cổ, vừa nuôi sống người dân Hội An nên chính quyền lẫn dân chúng địa phương cũng biết ra sức bảo vệ và xây dựng Hội An tốt hơn.Tôi ra Đà Nẳng vào lúc sáng sớm để kịp dạo phố và xem Đà Nẳng hôm nay “đổi mới” ra sao. Trọ tại một khách sạn nhỏ dọc theo bãi biển Thanh Bình và dạo chợ Đà Nẳng rất sầm uất, khang trang với đường phố đang mở rộng, hàng hóa đủ loại giống như Saigon, xem chừng khá hơn Cần Thơ nhiều. Tôi theo một anh bạn đi viếng chùa rồi lại vội vã ra Non Nước và Ngũ Hành Sơn. Thích nhất là những bức tượng đá khắc chạm công phu rất đẹp từ bàn tay những người thợ đục đá và nghệ nhân vùng này, như trong vườn tượng của anh Nguyễn Long Bửu, cụ Lê Bền, anh Chí Linh. Tiếc là không còn thời giờ đi xem khu di tích cổ Mỹ Sơn được ! Đường ra Huế phải qua đèo Hải Vân. Con đường bây giờ đang tu sửa và mở rộng nên nhiều chặng khúc khuỷu , sình lầy, gập ghềnh với công nhân làm cầu đường còn sử dụng hết sức lạc hậu nhưng cũng không thể không lạc quan khi nghe nói đến dự án đường hầm xuyên qua đèo này đã khởi công. Từ trên đèo nhìn xuống biển, cảnh vẫn đẹp và thơ mộng như xưa, nhất là phía Lăng Cô. Đất nước tôi đang xây dựng và ra sức thoát khỏi cảnh nghèo đói nên có thể có nhiều điều khó có thể chấp nhận được ở xứ người thì vẫn phải …”mắt nhắm mắt mở” ở đây để người dân nghèo còn có cơ may sinh tồn giữa một vùng đất nghèo với khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn cứ phải bám đất để mà sống ! Có đi qua những nẻo đường quê nghèo này thì mới có thể thông cảm và thương nhiều hơn dân mình. Đường vào thành phố Huế hôm nay thay đổi khá nhiều so với ngày xưa, đang mở rộng nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nhỏ hẹp khi nhà lầu mọc thêm hai bên đường, bụi bặm vẫn mù mịt và giao thông còn hết sức xô bồ. Một anh kỹ sư trẻ than phiền với tôi về nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng hơn, việc bóc lột nhân công với đồng lương rẻ mạt và bữa ăn công nhân đạm bạc; nhất là ở các khu công nghiệp vừa mới xây dựng. Ðó là cái giá phải trả khá đắt cho việc tạo điều kiện dễ dãi cho nước ngoài đầu tư và tạo ra công ăn việc làm cho người dân nghèo ở đây. Tôi cũng thích thú khi nghe anh ấy nói về kiểu "phong trào" hay cứ làm thử rồi rút kinh nghiệm của lãnh đạo trong khi vốn ngân sách hạn hẹp mà cứ bị các doanh nghiệp nhà nước lặng lẽ rút ruột qua các vụ thất thoát, thua lỗ, lãng phí và tham ô rất ..."trí tuệ"! Hóa ra người dân biết rõ các "chiêu" làm ăn của quan tham nhưng họ chẳng dám lên tiếng mà thôi. Chia tay anh, trong tôi buồn vui lẫn lộn... Không phải ai cũng thờ ơ với vận mệnh đất nước, dù đang ở trong hay ngoài nước. Ði đến đâu, tôi cũng được nghe người Việt bày tỏ sự quan tâm, trăn trở với nhiều vấn đề khác nhau của VN và ai cũng có nhiều ý kiến đáng lắng nghe. Tiếc là thời gian quá hạn hẹp, tôi không thể nghe hết tất cả !
Đến Huế vào lúc 8 giờ tối, lúc trời đang mưa nên tuy Huế có thêm nhiều khu phố lầu buôn bán nhộn nhịp sáng trưng ánh đèn nhưng tôi lại thấy buồn ...ngủ nên chỉ còn biết check -in xong là đi tắm ra rồi ăn một tô bánh canh xong là lên giường ngủ một giấc tới sáng. Tờ mờ sáng, tôi đã vội vã đi bộ qua cầu Tràng Tiền chụp ảnh rồi chạy ngay đến chợ đông Ba, ngược qua Phu Văn Lâu vào cửa Thượng Tứ, đến xem hồ Tịnh Tâm, viếng Thành Nội, rồi vào điện Thái Hòa, ra cửa Ngăn thuê xe đi Kim Long ăn bún thịt nướng, vào lăng Minh Mạng thẳng thớm uy nghi, đến lăng Tự Đức qua những lối đi quanh co vào đến hồ sen thơ mộng, chạy ngược lại lăng Khải Định với lối trang hoàng nửa Tây nửa Tàu sặc sỡ và xa hoa một cách diêm dúa. Không còn thời giờ để đi lăng Gia Long, không có dịp ngồi đò nghe nhạc trên sông Hương, chỉ kịp ghé chùa Linh Mụ. Tôi vội vã đi ăn cơm hến Trương Định rồi ra cửa biển Thuận An, thấy nhiều thay đổi, đặc biệt nhất là một nghĩa địa với những ngôi mộ nguy nga như một khu phố tráng lệ của những người chết do những con cháu là Việt Kiều ở hải ngoại xây dựng với đầy vẻ phô trương diêm dúa. Sau đó, tôi lại đi xe ôm đến đầm Cầu Hai. Vùng này đang khá lên nhờ nghề nuôi tôm sú nhưng cũng đang làm ô nhiễm và hủy hoại hệ sinh thái của vùng nước lợ tiêu biểu cho khí hậu nhiệt đới gió mùa Việt Nam. Anh bạn cũ chở tôi ra Phá Tam Giang khi nắng chiều đã xuống nên tôi chỉ vội chụp vài tấm ảnh trước khi về khách sạn kịp đáp xe ra Hà Nội ngay tối hôm đó. Xe bus đưa tôi rời “cố đô” Huế để ra Quảng Trị vào lúc chiều tối. Đường khuya vắng lặng, trời tối mịt nên tôi không nhìn thấy được “đại lộ kinh hoàng” của mùa hè năm 1972, sông Thạch Hãn,Gio Linh...
Đến Bến Hải vào lúc nửa đêm nên tôi chỉ kịp nhìn thấy bên kia cầu mới phục hồi là chiếc cầu Hiền Lương lịch sử với 1 tấm biển kỷ niệm. Dỏng sông nhỏ này đã chia 2 quê tôi quá lâu và rất nhiều người đã chết ở đây. Tự dưng tôi có một cảm giác bồi hồi khó tả khi đi qua chiếc cầu "định mệnh" này của dân tộc tôi và tôi chợt ước mơ sẽ có một ngày đồng bào khắp nơi sẽ cùng về đây lập đàn cầu siêu giải oan cho tất cả nạn nhân chiến tranh - dù là VNCH hay VC cũng đều là người Việt, tất cả những ai đã hy sinh vì đất nước này cũng đều sẽ được siêu thoát và được Tổ Quốc Ghi Ơn. Tôi cũng cầu mong những người đã chết trên biển Đông hay trên đường vượt biên cũng sẽ được cầu siêu như vậy. May ra, lúc ấy VN mới hết oan khiên, thù hận & kiếp nạn.
Đường vào Quảng Bình gồ ghề với quá nhiều ổ gà, ổ voi mà anh tài xế chạy rất chậm và cẩn thận để không làm mất giấc ngủ của các anh chị Tây ba-lô. Tôi định dừng lại đây để ghé thăm động Phong Nha nhưng anh tài xế bảo tôi hãy đợi mùa hè sang năm vì lúc này mưa lắm! Xe chạy suốt đêm, ai cũng ngủ gà ngủ gật, qua Hà Tĩnh lúc nào không ai biết. Tờ mờ sáng, chúng tôi ghé Vinh để ăn sáng. Ở đây, chuyện buôn lậu đã trở thành một cách kiếm sống mà chính quyền phải chấp nhận ... “mắt nhắm, mắt mở” để người dân có thể sống và tồn tại! Có lẽ nhờ vậy mà người dân còn “bám trụ” Nghệ An – một tỉnh vốn nổi tiếng mà mãi đến nay tôi mới bước đến với nhìêu thất vọng khi thấy người dân nơi này quá nghèo! Xe phóng nhanh qua xứ Nghệ trên con đường gập ghềnh mà chẳng ai buồn muốn ghé lại quê hương của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và nhiều lãnh tụ cách mạng khác.
Miền Trung có nhiều “danh lam thắng cảnh” và tài nguyên, có biển và có núi rừng, người dân thông minh, cần cù, chịu khó nhưng tại sao vẫn không thể khá lên nỗi ? Trưa đến Thanh Hóa. Đường xá của tỉnh cực Bắc Trung Việt này vừa rộng lớn, nhà phố lại khang trang, quê hương của Tổng Bí Thư họ Lê quả là thịnh vượng hơn các tỉnh mà tôi vừa đi qua nhưng xem ra người dân vẫn còn nghèo lắm ! Ghé ăn sáng (mì gói + chai sữa đậu nành !), tôi hỏi thăm gia đình người chủ quán về bãi biển Sầm Sơn và hòn Trống Mái, thấy không tiện nên hẹn dịp khác vậy! Xe đi qua cầu Hàm Rồng, anh phụ xế tía lia kể về quá khứ anh hùng của người dân Thanh Hoá khi chống Mỹ rồi tiu nghỉu kết luận: "nhân dân ta anh hùng nhưng vẫn còn nghèo quá, anh a ! Xuất ngũ rồi em phải đi làm đủ nghề, vẫn không đủ ăn, giờ phụ xế thôi." Anh khuyên tôi nên ghé vào thăm đền thờ Lê Lai + Lê Lợi, Lê Đại Hành, Bà Triệu, di tích Đông Sơn và Lam Kinh, thành Nhà Hồ, núi Vọng Phu + núi Rồng + núi Ngọc, động Từ Thức, ra bãi tắm sầm Sơn hay khu Bến Én, v.v... Có lẽ lần sau, tôi phải mời BS NTV về thăm Thanh Hoá lần nữa, mong sao ông có thể thảo luận với tôi về chuyện làm sao để cho Thanh Hoá cất cánh?
Đi tới Ninh Bình, tôi đã đặt chân đến miền Bắc Việt Nam nhưng chỉ đi ngang qua thôi, không kịp ghé thăm Hoa Lư - kinh đô thời vua Đinh Tiên Hoàng, cũng chẳng biết làm sao để có thể đến rừng Cúc Phương nên có lẽ kỳ sau tôi sẽ phải cần đến một anh/ chị hướng dẫn viên hay một công ty du lịch địa phương. Càng gần đến Hà Nội, phố xá có vẻ khá hơn, đường đi cũng đông đúc và bớt gập ghềnh hơn.
Tôi đến Hà Nội vào lúc 5 giờ chiều, đường xá tấp nập người và xe. Anh phụ xế giới thiệu cho chúng tôi biết vài địa điểm như Công Viên LêNin, trường đại học Bách Khoa, hồ Hoàn Kiếm, chợ Đồng Xuân và 36 phố phường. Khách sạn Vạn Xuân, nơi mà tôi sẽ ngủ trọ suốt 3 ngày, nằm ngay giữa khu này! Tôi háo hức lấy phòng trọ (check - in), tắm rửa rồi đi ngay ra phố và loanh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm.
Ngay trước mặt tôi là sinh hoạt của một Hà Nội về đêm với 36 phố phường nhộn nhịp. Hồ Hoàn Kiếm lung linh ánh đèn. Là một thủ đô vừa muốn giữ những cái cũ nhưng lại thèm thuồng “đổi mới” nên vẫn cứ phân vân, lưỡng lự trước ngã ba đường giữa “kinh tế thị trường” và “chủ nghĩa xã hội.” Từ Hoàn Kiếm qua khách sạn Hữu Nghị theo Thụy Khê dọc hồ Tây về Hoàng Hoa Thám ngang khu Ba Đình và công viên Bách Thảo rồi trở về Ga Hà Nội. Đêm đầu tiên ở Hà Nội đập vào mắt tôi nhiều hình ảnh mà bấy lâu chỉ biết qua sách báo nên ít nhiều cũng gieo vào lòng tôi biết bao suy nghĩ. Bài hát "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa..." từ một quán đại diện café Sinh vừa cho thuê internet, vừa bán vé tour du lịch khiến tôi trở về thực tế là tôi phải lấy ngay một vé đi Hạ Long - một trong những "kỳ quan thiên nhiên" nổi tiếng. Sau đó, về khách sạn tắm cho mát rồi mở máy lạnh trước khi leo lên giường ngủ một giấc cho khoẻ !
Cô chuyên viên ngân hàng người Pháp và anh bác sĩ Mỹ rủ tôi tháp tùng một chuyến đi lên Cao Bằng và Lạng Sơn thay vì đi Sapa và Lào Cai để ngắm đỉnh Fansipan cao nhất Việt Nam như dự trù. Sáng hôm sau, chúng tôi theo con đường 4B đi từ Quảng Ninh lên Lạng Sơn và Cao Bằng vừa gần vừa nhìn cảnh quan đang xây dựng và mở mang tốt hơn. Tôi chỉ còn 2 ngày 1 đêm ở Cao - Lạng mà thời gian đi & về đã mất phân nửa ngày vì đường xa (trên biên giới phía Bắc giáp ranh TQ) và xấu (đang tu bổ). Sáng sớm, ăn phở xong, anh hướng dẫn du lịch đưa chúng tôi đi Lạng Sơn xem những núi và hang động đá vôi, nổi tiếng nhất là động Tam Thanh & Nhị Thanh nhưng sao nhỏ xíu ? Lái xe ngang qua hòn Vọng Phu với sự tích về nàng Tô Thị (nghe nói tượng này đã bị nung vôi?), nghe anh nói rất lạc quan tin tưởng về tương lai tươi sáng của vùng Cao - Bắc - Lạng, chúng tôi ai nấy cũng vui và mong cho quê mình ngày càng khá hơn vì thú thật là quê mình còn nghèo và ...dơ quá. Trong cơn mưa lạnh, đường xấu nên không ai hứng thú nữa vì nói thật là ở Mỹ cũng có nhiều cảnh đẹp tương tự hâp dẫn hơn nhiều nên đành kéo nhau đi coi động Tam Thanh(cũng nhỏ xíu, chẳng có gì đáng để coi), chợ Đồng Đăng (cách Lạng Sơn gần 14 km, vừa nhỏ vừa dơ!), ải Chi Lăng (trên đường đi Hữu Lũng và Bắc Giang, ngoài tấm bảng ra chẳng có gì để gọi là "di tích lịch sử" !) và thành nhà Mạc(đổ nát gần hết, chỉ còn trơ trọi vài bức tường lở loét). Qua cổng cao (8m) vả 30 bậc là động Tam Thanh với chùa Tam Thanh - danh lam thắng cảnh lịch sử của Lạng Sơn với nhũ đá và nhiều bia đá với những sự tích lịch sử. Đặc biệt là tượng A Di Đà cao khoảng 2 m tạc nổi trên vách đá. Thành nhà Mạc do Mạc Kính Cung xây vào thế kỷ 17 giữa 2 ngọn núi mà trên một mỏm đá cao từng có tượng nàng Tô Thị nhưng nay không còn nữa ! Nghe nói Lạng Sơn sẽ cho dựng lại tượng Tô Thị khác. Thành nhà Mạc là dấu tích của một cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" giữa Mạc và Trịnh - Lê. Từ trên cao nhìn xuống, thành này có nhiều ô (có lẽ để canh phòng và bắn tên?), nằm ở vị trí hiểm yếu trên con đường độc đạo giữa biên giới Việt - Hoa. Lên ải Chi Lăng trên đường đi từ Đồng Mõ đến Hữu Lũng. Trên vách núi đá vôi dựng đứng sẽ thấy một tấm bảng ghi "ải Chi Lăng", bên kia là con sông Thương nằm cạnh thung lũng nhỏ. Lòng chảo này có đến 5 ngọn núi: Hàm Quỷ, Nà Nông, Nà sản, Kỳ Lân và Mã Yên. Ải Chi Lăng là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đẫm máu giữa Việt Nam và quân xâm lược phương bắc.
Trở về Lạng Sơn, chúng tôi muốn đi chợ để thấy người Dao, Tày, Nùng, H’Mông... (chỉ có thể phân biệt qua trang phục riêng của mỗi sắc dân, trông rất đẹp!) buôn bán và trao đổi hàng hóa ra sao nên chúng tôi rủ nhau đi chợ Đồng Đăng. Người dân tộc thiểu số thường ra chợ trời này để bán hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách, bán gia súc, thú rừng và nhiều loại nông lâm sản khác đổi lấy hàng tiêu dùng từ Trung Quốc ngay tại thị trấn Bằng Tường (thuộc Trung quốc sát biên giới Hoa -Việt, thành phố buôn lậu tập trung hàng hoá TQ bán qua VN và ngược lại ), rộn rịp nhất là phiên chợ 23 (cúng ông Táo) và 30 Tết Âm lịch. Người dân 2 nước qua lại thoải mái, tự do buôn bán, chính quyền gần như thả nổi.
Trở về Lạng Sơn, chúng tôi muốn đi chợ để thấy người Dao, Tày, Nùng, H’Mông... (chỉ có thể phân biệt qua trang phục riêng của mỗi sắc dân, trông rất đẹp!) buôn bán và trao đổi hàng hóa ra sao nên chúng tôi rủ nhau đi chợ Đồng Đăng. Người dân tộc thiểu số thường ra chợ trời này để bán hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách, bán gia súc, thú rừng và nhiều loại nông lâm sản khác đổi lấy hàng tiêu dùng từ Trung Quốc ngay tại thị trấn Bằng Tường (thuộc Trung quốc sát biên giới Hoa -Việt, thành phố buôn lậu tập trung hàng hoá TQ bán qua VN và ngược lại ), rộn rịp nhất là phiên chợ 23 (cúng ông Táo) và 30 Tết Âm lịch. Người dân 2 nước qua lại thoải mái, tự do buôn bán, chính quyền gần như thả nổi.
Lạng Sơn nằm ngay địa đầu phiá Bắc với Ải Nam Quan nằm trên quốc lộ 1A cách biên giới khoảng 400 m chứ không phải ngay biên giới Việt – Hoa bây giờ, nơi mà tôi chỉ thấy một cột mốc số 0 dưới gốc cây si to mà người hướng dẫn du lịch nói rằng do ông Phạm Văn Đồng trồng để đánh dấu biên giới. Trước đó khoảng 100 m là một cái cổng gỗ trước đồn biên phòng & hải quan Việt Nam đang xây mới lại có vẻ khang trang, to lớn hơn nhiều. Sau khi làm thủ tục hải quan khá đơn giản, chúng tôi đi qua mua sắm ở thị trấn Bằng Tường rồi đứng chụp hình kỷ niệm ngay tại biên giới trước cửa khẩu Hữu Nghị tức Ải Nam Quan của Tàu rồi trở qua phía Việt Nam để kịp đi Cao Bằng rồi về Hà Nội. Ảnh hưởng của Trung Quốc rất sâu đậm ngay trên vùng đất biên giới này, nhất là qua cách ăn mặc, nói năng, buôn bán. Hầu hết người dân đều nói tiếng Hoa lưu loát nên khó biết được họ là Hoa hay Việt. Chính điều này khiến tôi hiểu rõ hơn về hiểm họa phương bắc.
Từ Na Sầm - Văn Lãng đi Cao Bằng, đường xa và xấu nhưng càng đến gần Cao Bằng, cảnh càng đẹp nhưng hoang sơ heo hút; nhất là khúc sông Kỳ Cùng và núi đá vôi. Chúng tôi chỉ ghé một làng dân tộc Tày, chụp hình và mua đồ lưu niệm rồi về Cao Bằng ngay. Chiều hôm đó, chúng tôi đi tiếp 90 km nữa để xem thác Bản Giốc ở huyện Trùng Khánh mà bên kia là đất Trung quốc. Trên sông Quây Sơn, thác Bản Giốc đẹp thật ! Nước từ trên cao (30 m) đổ xuống những mỏm núi đá vôi trông rất hùng vỹ. Bên kia là cột mốc số 53 phân chia lãnh thổ. Chung quanh là ruộng đồng xanh tươi. Cách đó 3 km là động Ngươn Ngao cũng rất đẹp nhưng nhỏ hẹp, khó đi lại. Trước khi về ngủ đêm trong 1 khách sạn nhỏ không được sạch sẽ cho lắm, chúng tôi được nghe nói khá nhiều về hang Pác-bó, suối LÊNIN... nhưng thời gian không cho phép đi xa hơn, vả lại tôi cũng chẳng muốn đi đến những nơi chốn ấy.
Sau đó, chúng tôi vội quay về Hà Nội, trong khi đoàn du lịch lữ hành tiếp tục đi về Lào Cai và Sapa. Tôi thấm mệt sau cuộc hành trình vội vã nhưng nhờ đó tôi mới biết thêm chút ít về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Đông Bắc. Họ còn nghèo khổ lắm, thiếu ăn, thiếu nước, thiếu gần như mọi thứ tiện nghi của một đời sống văn minh nhưng họ rất tự trọng, chất phác, thẳng thắn và hiếu khách. Một anh hướng dviên du lịch cho tôi biết hàng chục ngàn dân miền núi phía Bắc đã được kêu gọi di dân vào Tây Nguyên suốt mấy năm qua thay vì bám trụ vùng núi hình cánh cung với nhiều hang động đá vôi rất đẹp này. Vì thế, tôi đề nghị với 2 người bạn mới là sẽ cố gắng đi Tây Nguyên (Ban Mê Thuộc, Pleiku, Kontum), trở lại Đà Lạt & Blao (Lâm Đồng) -nơi mà tôi đã có một thời gian gắn bó với nhiều kỷ niệm. Xa lộ Trường Sơn đã khởi công để mở đường cho một hướng phát triển mới mà bắt đầu là sự di dân ồ ạt từ các tỉnh thành phía Bắc vào Tây Nguyên khai khẩn, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở cho sự ổn định chính trị & quốc phòng của một vùng chiến lược hiểm yếu của Việt Nam. Tôi cũng sẽ cố gắng đến vùng núi Tây Bắc và chiến trường Điện Biên Phủ, xem đỉnh Fansipan cao nhất Việt Nam (3143m), viếng Sapa & Lào Cai, thăm vùng núi Ba Vì, Tam Đảo, mong được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các cô gái dân tộc Thái nổi tiếng trong một ngày gần đây. Non nước phía Bắc còn rất nhiều cảnh đẹp mà tôi chưa được biết đến! Xin hẹn dịp khác vậy.
Về tới Hà Nội khi trời đã tối nên ghé ăn bát phở ngay trước hồ Hoàn Kiếm, gần chợ Đồng Xuân trước khi về khách sạn Vạn Xuân. Đường phố quanh hồ Hoàn Kiếm và chợ Đồng Xuân ban đêm cũng đông vui, ồn ào, tấp nập, người và xe chen chúc. Tối hôm đó, tôi thuê một chiếc xe đạp dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và 36 phố phường Hà Nội trước khi về check & gửi mail cho bạn bè ở Mỹ trong 1 quán café internet khá đông các bạn trẻ. Ai cũng có thể thấy giới trẻ Hà Nội hôm nay ăn mặc thời trang, cũng ăn chơi, hưởng thụ, trụy lạc không thua gì giới trẻ Saigon với khách sạn, vũ trường, áo quần, xe máy, sex, nhạc Mỹ và xì ke, ma túy! Hà Nội về đêm cũng ồn ào, náo nhiệt và giới trẻ đã hòa nhập vào thế giới rất hồn nhiên. Sáng sớm hôm sau, khi chạy bộ quanh bờ hồ, tôi gặp khá nhiều người Hà Nội tập thể dục hay xem báo, trò chuyện thời sự. Ðường Thanh Niên có lẽ là con đường đẹp nhất Hà Nội. Người Hà Nội cho tôi biết cảm tưởng của họ về chuyến viếng thăm Việt Nam của vợ chồng và con gái Tổng Thống Hoa Kỳ, hỏi thăm tôi về nước Mỹ và đời sống của xã hội tư bản. Một ông cụ trên 70 tuổi nói:”Tôi có nghe bài nói chuyện của Tổng thống nước Mỹ các anh, thế mà hay! Ai như Tổng Bí Thư nhà mình đã mời người ta sang thăm nước mình mà tuyên bố chẳng ra gì! Năm 2000 rồi mà còn cho rằng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, láo toét, nói khoác chẳng biết ngượng!” Tôi chỉ im lặng nghe mà chẳng dám góp 1 lời nào! Trước chùa Trấn Quốc, một cậu sinh viên khoa Anh văn đại học Hà Nội tâm tình:”Chúng em bây giờ chỉ lo học, nhất là Anh văn, để kiếm được việc làm thôi, anh ạ! Chẳng cần quan tâm gì đến chính trị, chẳng cần biết Đảng Đoàn là gì cả, các ông già lẩm cẩm ấy chỉ còn chờ ngày chết thôi ấy mà! Nghe ông tổng thống Mỹ nói mà thích hơn, người ta hướng về tương lai chứ có ai sống với quá khứ mãi như các ông già mình !” Một chị bán nữ trang kể chuyện bà Hillary đến thăm một hợp tác xã chăn nuôi với vẻ phấn khởi như kể chuyện thần thoại về một bà hoàng đi thăm dân tình mà chẳng nề hà dơ bẩn! Rõ ràng vợ chồng và con gái Tổng Thống Hoa Kỳ đã thành công trong chuyến viếng thăm Việt Nam ngắn ngủi này. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập phố chợ Hà Nội như nhiều chợ khác ở Việt Nam hôm nay, từ các loại gia dụng (xoong nồi, bình thủy, v.v..) cho đến mền mùng, vải, áo quần, đồ điện, đồ mũ/plastic cho đến xe đạp, xe gắn máy, giá rẻ và hợp sở thích tuy chất lượng kém. Ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, tôi thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng gia tăng, rõ nhất là về kinh tế, văn hóa - nghệ thuật và chính trị, buồn nhất là người Việt rất sợ người Trung Quốc, dù đó là du khách! Một số chi tiết khá thú vị qua trò chuyện với dân Hà Nội là chuyện "lách luật" của dân buôn bán Hà Nội, chuyện hầu hết công ty - tập đoàn - đầu mối làm ăn béo bở ở trong nước đều nằm trong tay các "cậu ấm, cô chiêu" hay gia đình thân thuộc của các "cụ" theo kiểu "nhất thế, nhì thân..." và chuyện "hội nhập" đã khiến lớp trẻ Hà Nội hôm nay đang buộc các "cụ" phải thay đổi "tư duy" để theo kịp nếp nghĩ - nếp sống mới. Càng nghe, càng thích thú vì sự sành sõi, lanh lợi của người dân Hà Nội, càng thấy tội nghiệp cho sự chân chất, ngây thơ của người dân miền Tây Nam Việt quê tôi.
Tôi về khách sạn để sáng mai sẽ tham gia City Tour hầu có thể thấy và biết thêm về thủ đô Việt Nam hôm nay. Tour bắt đầu từ khu Ba Đình nhưng lăng Hồ Chí Minh đang sửa chữa nên chúng tôi không vào trong mà chỉ đi ngang qua mặt tiền lăng này, bước qua Phủ Chủ Tịch và ngôi nhà sàn là nơi sống và làm việc trước đây của ông Hồ, kế đó là chùa Diên Hựu (xây năm 1049 từ đời vua Lý Thái Tông) với Một Cột - eo ơi, sao mà nhỏ xíu như một cái am nhỏ chứ không giống như sự tưởng tượng từ bé đến nay của tôi về một di tích tiêu biểu cho kiến trúc Việt Nam! Tiếp đó, chúng tôi đến Viện Bảo tàng Dân Tộc Học (hình như mô phỏng theo Viện Bảo tàng Văn Hóa Dân Tộc ở Seoul, Đại Hàn hay Wax Museum của Singapore?) ở quận Cầu Giấy, viếng chùa Trấn Quốc, hồ Tây & hồ Trúc Bạch trên con đường Thanh Niên(không hiểu sao cá chết thúi rùm và ô nhiễm hồ Tây như vậy mà Hà Nội vẫn ...chịu đựng?), Văn Miếu & Quốc Tử Giám với Khuê Văn Các, khách sạn Daewoo (nơi Clinton cư ngụ trong chuyến đi Việt Nam vừa qua), về đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm để xem tiêu bản 1 con rùa hồ Gươm (rùa dài 1,9m, ngang 1,5m, cao 0,3m) đặt trong lồng kiếng, phía sau có Tháp Bút, đình Trấn Ba và điện thờ anh hùng Trần Hưng Đạo, có cầu Thê Húc khá đẹp, v.v... Điều đáng nói nhất về văn hoá Hà Nội là chuyện "xin đểu" ở nhiều chùa và thái độ xấc láo cùng lối nói quá ngang ngược của những anh chị buôn bán đã khiến du khách như tôi ...sợ luôn vì không muốn nghe chửi theo kiểu "vợ thằng Đậu" ! Đi ngang qua các làng hoa cũ, như Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá... đã không còn nữa hay thu hẹp dần diện tích trồng hoa, thậm chí còn có nơi là những quán café với những “bông hoa biết nói “ và “khách mua hoa” là dân trong lẫn ngoài nước! Nghe nói chợ hoa ở đê Yên Phụ ngày Tết rất vui nhưng tôi phải trở về Mỹ sớm nên anh tài xế cho tôi đến làng hoa Quảng An -một trong những làng hoa cung cấp hoa cho ngày Tết ở thủ đô Hà Nội. Trên đường đi, anh tài xế thao thao nói cho tôi nghe về những di tích và ngày Hội ở Hà Nội và vùng phụ cận, như gò Đống Đa, đền Hùng, đền Hai Bà Trưng, Hội Gióng, v.v... nghe mà ham ! Thực ra lễ hội là một trong những sinh hoạt cần thiết trong kỹ nghệ du lịch và đó là cách tốt nhất để duy trì và bảo vệ truyền thống văn hoá dân tộc. Sau 3 ngày đi tour, tôi cảm thấy khó chịu trước những du khách từ Trung Quốc và Đài Loan cùng với một số người Việt đã thiếu tôn trọng những quy định tối thiểu cho việc bảo tồn và bảo tàng những di sản của quốc gia mà họ đến thăm viếng, chẳng có ý thức trong việc bảo vệ cây cỏ và giữ vệ sinh chung ; trong khi các hướng dẫn viên du lịch và cả nhân viên bảo vệ những địa điểm tham quan đó lại rất dè dặt, kiêng nể quá đáng những du khách bất lịch sự và thiếu ý thức này! Tôi đề nghị các cơ quan quản lý các cơ sở về văn hóa - du lịch và chính quyền đia phương cần nghiêm khắc hơn để giáo dục và yêu cầu mọi người, trong lẫn ngoài nước, phải triệt để tôn trọng những quy định về việc bảo tồn và giữ vệ sinh chung cho những danh lam thắng cảnh và đia điểm du lịch trong cả nước; không thể vì lợi nhỏ trước mắt mà bất chấp hậu quả xấu to lớn hơn về sau. Thủ đô Hà Nội đang mở rộng ra ngoại ô với nhiều hãng xưởng của ngoại quốc đầu tư và nhiều cao ốc, nhà hàng, tiệm buôn mới xây. Trường Đại Học kiến trúc nằm trên đường đi Hà Tây, cách Hà Nội trên 30 cây số là nơi đào tạo những kiến trúc sư và chuyên viên quy hoạch cho cả miền Bắc. Rất tiếc là tôi không có dịp đi xem Hội ở chùa Hương, không đến viếng chùa Đậu, chùa Tây phương, chùa Thầy, cũng không có cơ hội thấy mô hình “Làng Văn Hóa - Du lịch các Dân Tộc Việt Nam” ở ngay Hà Tây mà tôi đã mơ ước từ lâu (xin xem bài “Công Viên Văn Hóa Việt Nam” viết từ năm 1994) vì phải thu xếp đi lên miền núi để biết thêm về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những người con gái Thái đẹp nổi tiếng từ xưa đến nay!
Chia tay với Hội KTS Việt Nam, tôi hối hả ra taxi về khách sạn chuẩn bị đi ra phi trường Nội Bài để về Mỹ, kết thúc chuyến đi về VN lần này. So với Tân Sơn Nhất, Nội Bài quá cũ kỹ, thưa vắng, thảm nhăn nhúm, phòng vệ sinh (restroom/ WC) không có được 1 miếng giấy để lau khô hay chùi tay, hải quan & công an cũng quan liêu, hách dịch và gây khó dễ ! Nhà ga mới đang xây để xứng đáng là một phi trường quốc tế của thủ đô Hà Nội nên không biết dự án cải tạo và mở rộng phi trường này cũng sẽ lập lại y hệt những khuyết điểm của kế hoạch cải tạo, nâng cấp và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hay không? Có nên nghĩ đến một sân bay quốc tế hoàntoàn mới ở Long Thành thay cho TSN và tương tự như thế cho các tỉnh phía bắc thay cho Nội Bài? Kinh phí không nhỏ, kế hoạch cũng không dễ dàng, đơn giản khi vấn đề đất và cơ sở hạ tầng cùng với yếu tố quốc phòng luôn nan giải. Công an và hải quan ở Nội Bài cũng quan liêu hách dịch y hệt TSN, nhất là lối nói chuyện rất quan liêu hách dịch, gương mặt "hình sự" và không biết cười. Tệ hại nhất là nhà ga không có 1 Thông Báo cụ thể công khai về những hàng hóa cần khai báo hay không được đem lên máy bay mà cán bộ công an, hải quan rất ư tùy tiện quyếết địng tùy theo việc hành khách có chịu hối lộ hay không. Tôi mang theo một số sách báo mua ngay tại cửa hàng văn hoá phẩm của Nhà nước mà họ nhất định bắt buộộc tôi phải đem đi kiểm duyệt rồi mới được mang đi. Tôi yêu cầu họ hãy công khai kiểm duyệt ngay tại đây, nếu không thì tôi vứt bỏ tất cả sách báo này thì họ lại tỏ ra giận dữ, gắt gỏng ngay. Ða số hành khách đều ngạc nhiên khi họ thấy công an, hải quan không muốn cho tôi mang những cuốn sách tự điển, hồi ký, báo Tuổi Trẻ, Kiến Trúc, Thanh Niên... ra nước ngoài. Trong lúc chờ đợi "cấp trên" giải quyết, tôi có dịp trò chuyện với một số em đi "lao động hợp tác" và làm thuê (oshin) cho Đài Loan và Đại Hàn, có 3 người là du khách từ Hải Phòng đến thăm bà con ở Mỹ thì tôi mới có thể hiểu biết thêm về những người Việt Nam phải đi làm thuê ở đợ cho ngoại quốc, những suy nghĩ, tâm tư và hoàn cảnh của đồng bào tôi ở miền Bắc vốn đã sống dưới chế độ cộng sản rất lâu. Nhờ đó, tôi cảm thấy chuyến đi Việt Nam lần này đã cho tôi khá đủ những tài liệu thông tin bổ ích và giá trị về quê hương và đồng bào tôi hôm nay giúp tôi hiểu rõ hơn VN thời "mở cửa". Xin cám ơn những người mà tôi tình cờ quen biết trong chuyến đi này đã giúp cho tôi hiểu rõ hơn về Việt Nam, đã dành cho tôi những tình cảm trân trọng và thân thiết như ruột thịt chứ không xem tôi là một “Việt Kiều” - một danh xưng mà tôi ghét thậm tệ khi nghe người ta gọi mình như vậy! Thú vị làm sao khi tôi được nghe những lời thẳng thắn, mạnh bạo của một số bà con miền Bắc; trong khi đa số bà con miền Nam vẫn còn sợ sệt, nhút nhát không hề dám phê phán sai trái. Ai ai cũng sống thực tế hơn, lo kiếm tiền và cải thiện đời sống, lớp trẻ cũng có nhiều đam mê khác hơn là chuyện phấn đấu vào Đoàn & Đảng, chuộng học tiếng Anh, nghe nhạc Mỹ và lối sống phương Tây, xem Bill Gates như "thần tượng." Khi vợ chồng Bill Clinton vào Nam cũng là lúc tôi ra Bắc, đi đâu cũng nghe xôn xao xầm xì những chuyện bên lề về chuyến đi lịch sử này. Tôi mừng thầm khi thấy bà con khoái Mỹ hơn Tàu vì dù sao anh hàng xóm này cũng rất khó chơi và luôn thích chơi gác, chơi bẩn, chơi xỏ lá với người Việt của mình.
Kết Luận và Đề Nghị: Chiếc máy bay của Hàng Không Việt Nam đưa tôi rời Hà Nội vào lúc 5:35 pm chiều cuối năm 2000. Tạm biệt Việt Nam - quê hương tôi đã sinh ra và lớn lên để trở lại Los Angeles - quê hương thứ hai của tôi: Hoa Kỳ, với thực tế là phải “cày” để trả nợ đời và để cám ơn đất nước đã cưu mang và giúp tôi có được cơ hội sống còn và thăng tiến - điều mà trước đây ở Việt Nam, chính quyền cộng sản đã khước từ hết sức tàn nhẫn với một đứa “con Ngụy” như tôi ! Dù sao đi nữa, tôi vẫn thấy vui vô cùng khi lần đầu tiên trong đời được đi qua rất nhiều địa phương từ Nam ra Bắc, được nếm qua rất nhiều món ăn độc đáo của từng vùng, vẫn thấy nhớ Việt Nam như một nỗi nhớ nhà khi tôi phải rời xa. 21 ngày qua, tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc, làm quen với nhiều người, biết thêm nhiều điều, hiểu thêm về quê hương tôi hôm nay. Trên khắp nẻo đường quê hương, tôi đã có thể biết thêm về nhiều mảng đời với những số phận khác nhau, có quá nhiều những con người nghèo khổ đáng thương, cũng có những con người hết sức tốt bụng, giàu lòng hảo tâm, sống rất tình nghĩa, có những tấm gương cần cù hy sinh, nhẫn nại vươn lên....chứ không phải chỉ có người hư, kẻ xấu. Ở đâu cũng vậy. Tôi vẫn mong mọi người Việt Nam sẽ biết thương nhau như thương anh chị em ruột thịt của mình để không còn thù hận và chia rẻ, để cùng hợp sức xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ và giàu mạnh thật sự. Tôi hy vọng những người lãnh đạo Đảng và Nhà Nước VN hôm nay sẽ có những hành động sám hối cho những sai lầm của họ trong quá khứ bằng việc làm cụ thể nhất là làm sao cho đồng bào tôi có được một đời sống ngày càng khá hơn, đất nước ngày càng ấm no, tự do, sung sướng hơn. Tôi thật sự không quan tâm nếu như có ai đó lên án cá nhân tôi là có hành động và thái độ “tiếp tay Việt Cộng” khi viết ra những suy nghĩ này hôm nay, khi về VN không chỉ "cưỡi ngựa xem hoa" mà đã xăn tay áo lên làm những việc "thiện" để giúp người dân nghèo quê tôi. Tôi chỉ cần làm hết sức mình cho đồng bào nghèo khổ của tôi ở quê nhà,không chút tự tư, tự lợi là tôi đã có được niềm vui an lạc rồi; huống hồ là tôi lại được đi suốt con đường cái quan để tha hồ ngắm nhìn quê hương tôi hôm nay thì vui sướng biết bao. Giá như những người chống Cộng quá khích cực đoan cũng có được cơ hội về thăm Việt Nam để nhìn cho rõ đất nước và đồng bào mình như tôi thì chắc hẳn là họ sẽ có cái nhìn, suy nghĩ và hành động tích cực và hiệu quả hơn là chỉ biết chưởi bới, chụp mũ, tranh cãi, bôi nhọ lẫn nhau... hay chống Cộng theo kiểu ...lỗi thời ! Tôi cũng mong những người lãnh đạo Việt Nam hôm nay hãy tỏ ra thành tâm lắng nghe ý kiến của người dân và lương thiện hơn trong việc giải tỏa thù hận để đoàn kết dân tộc, xây dựng một Việt Nam thật sự giàu mạnh, dân chủ, tự do và tiến bộ. Người dân Việt Nam hôm nay đã không còn quá ngây thơ, khờ dại để tin vào những thủ đoạn chính trị lừa mị, bịp bợm, những trò láu cá vặt theo kiểu quân phiệt hay băng đảng mafia... Mỗi bên, dù Quốc Gia hay Cộng Sản, hãy nhìn về quyền lợi tối thượng của đất nước & dân tộc mà thành tâm và lương thiện hơn 1 chút nữa thì may ra Việt Nam sẽ có phước lớn trong thiên niên kỷ mới! Phải chi ai cũng biết sám hối và nhận trách nhiệm một cách can đảm thì Việt Nam của tôi đâu đến nỗi đau khổ, nghèo đói triền miên ? “Con đường Cái Quan” sẽ có thêm một người em là xa lộ Trường Sơn có vai trò quan trọng về chính trị, quốc phòng và kinh tế trong tương lai nhưng con đường đi tới tương lai của Việt Nam dường như vẫn mịt mờ như số phận của 80 triệu đồng bào tôi ở bên nhà. Cho nên họ cứ muốn ra đi tìm một hứa hẹn ở xứ người? Đi Suốt “Con đường Cái Quan,” một ước vọng mà tôi ôm ấp từ lâu mãi đến nay tôi mới có thể thực hiện được. Đồng bào tôi, dù sống ở đâu, họ vẫn cần cù, lam lũ, chịu khó để có được miếng ăn, manh áo, vẫn chịu đựng âm thầm như những người lính chỉ biết cúc cung tuân thủ tất cả mệnh lệnh từ cấp trên, cho dù phải đi vào chổ chết, cho dù cấp chỉ huy & lãnh đạo của họ hết sức dốt và tồi ! Tôi chỉ mong rằng một ngày nào đó, đồng bào tôi sẽ không còn nghèo đói, khổ sở, lạc hậu, không còn phân biệt kỳ thị vì dù ở miền Nam - Trung - Bắc , dù ở đồng bằng - miền núi & cao nguyên - duyên hải, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù là Quốc Gia hay Cộng Sản cũng đều có chung một cội nguồn lịch sử , sống chung một lãnh thổ Việt Nam, cũng đã chia sẻ biết bao ước vọng lẫn lầm than thì chúng ta vẫn cần biết thương yêu nhau, thông cảm và tin tưởng lẫn nhau để xây dựng và bảo vệ quê hương này của chúng ta - một “Gia Tài của Mẹ” (*) để lại cho chúng ta đã quá nhiều tang thương! Ngoài việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và kỹ nghệ du lịch đang phát triển, Việt Nam quê tôi hôm nay chỉ còn trông cậy vào ...viện trợ; đúng không? Vậy thì làm sao để VN thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu? Có lẽ VN cần có tiền để đầu tư nhiều hơn cho vấn đề cải thiện giáo dục - y tế - giao thông (ưu tiên cho quốc lộ 1 A này) - cơ sở vật chất hạ tầng.
Trong chuyến bay từ Taipei vào Saigon, tôi thật sự không ưa nỗi những anh Đài Loan đến với quê tôi như là một “nhà thổ” mà mục đích chính là để giải quyết sinh lý - dù dưới hình thức du lịch (sex tour) hay cưới vợ thì cũng vậy thôi. Thực tế là ai ở Việt Nam cũng biết là rất đông trong số những du khách từ Đài Loan, Trung quốc, Đại Hàn hay từ các nước Âu Châụ đến Việt Nam thay vì Thái Lan là do họ sợ AIDS/HIV chứ đâu phải ai trong bọn họ cũng đều đến Việt Nam để du lịch hay làm ăn một cách lương thiện. Danh dự của Việt Nam, sĩ diện của một dân tộc đã và đang bị những tên lưu manh này chà đạp mà sao chính quyền và các đoàn thể (phụ nữ, thanh niên...) không có biện pháp hành chánh nào xử lý kiên quyết hơn với những tổ chức sex tour và những cuộc hôn nhân như vậy? Vì muốn thoát khỏi nghèo đói, biết bao cô gái Việt Nam đã và đang tiếp tục làm những con thiêu thân lao vào chổ chết, bất chấp tất cả, mặc kệ rủi ro. Bên cạnh đó, phải kể đến chuyện một số “Việt kiều” bất lương cùng với bọn du khách sex tour và ma cô quốc tế đang biến Saigon và Việt Nam trở thành một Bangkok thứ hai với nhiều hình thức lường gạt các cô gái nhẹ dạ, tham tiền, muốn đi ra nước ngoài để rồi trở thành những nạn nhân đáng thương của bọn mãi dâm, buôn gái, hôn nhân trá hình hay tổ chức kinh doanh theo kiểu sex tour . Không hiểu tại sao Nhà nước Việt Nam lại mặc cho những tệ nạn này ngày càng lan rộng? “Nghèo cho sạch, rách cho thơm” - câu nói này hình như đã lỗi thời tại Việt Nam, khi mà dollars đang khiến các cô gái Việt Nam vốn hiền hậu, nết na trở thành những con thiêu thân mất hẳn lý trí và đạo đức ! Vì vậy mà hôm nay, tôi cũng xin được nói với những “Việt Kiều” trở về Việt Nam để “hưởng thụ” một điềụ: Nếu trở về Việt Nam bằng một tấm lòng với gia đình & quê hương thì hãy về nhưng xin đừng về Việt Nam để “hưởng thụ”, dụ dỗ, lừa gạt chính đồng bào ruột thịt của mình, thậm chí với những người con gái đáng tuổi con cháu mình. Đó là 1 tội ác khó có thể nào vay mà không phải trả, dù đó là chuyện “ăn bánh, trả tiền”! Tôi mong được thấy hành động từ phía chính quyền. Trách nhiệm giải quyết 2 vấn đề mãi dâm & ma túy này hoàn toàn thuộc về Đảng CS & Nhà Nước Việt Nam, nếu dung dưỡng thì đó sẽ là một trọng tội mà cả dân tộc và lịch sử sẽ không thể nào tha thứ. Tại sao cứ phải lo sợ cái gọi là “bóng ma” của “diễn biến hòa bình,” trong khi thực tế có 2 vấn đề (mãi dâm - ma túy) hoành hành dữ dội và đang phá nát xã hội, hủy hoại tuổi trẻ Việt Nam thì Đảng & Nhà nước lại chưa kiên quyết trừng trị, ngăn cấm? Có phải Đảng & Nhà nước cố tình dung dưỡng? hay có một số cán bộ quyền lực nào đó đang dùng 2 loại “vũ khí “ (ma túy & mãi dâm) đó làm biện pháp kinh tài bất chính nhằm thu lợi nhuận mà bất chấp tất cả, kể cả loại tội ác táng tận lương tâm nhất? Tôi không muốn tin đó là sự thật, nếu như họ còn biết họ là người Việt Nam. Saigon không thể là Bangkok thứ 2 và con gái Việt Nam không thể “làm đĩ” khắp mọi phương trời như vậy được. Đi ra nước ngoài với hy vọng có một tương lai tốt đẹp hơn là một nguyện vọng chính đáng nhưng tôi không thể chấp nhận quan niệm “...hy sinh đời bố, củng cố đời con” bất kể đạo đức, luân lý như vậy được! Phụ nữ Việt Nam luôn là một tấm gương sáng bao đời qua; thế mà hôm nay người con gái Việt Nam nỡ nào bất chấp tất cả để đổi lấy một mơ ước xa vời? Tôi rất mong được lên tiếng kêu gọi người Việt Nam trong nước và khắp thế giới hãy tiếp tay ngăn chận 2 thảm họa đang phát triển dữ dội tại Việt Nam để tuổi trẻ và tương lai Việt Nam của chúng ta không bị hủy hoại trong sự im lặng của cả một dân tộc. Nâng cao dân trí, cải thiện đời sống và luật pháp nghiêm minh có lẽ là phương cách hiệu quả nhất? Còn một thực tế khiến tôi cảm thấy buồn cho giới trí thức miền Nam khi thấy họ dường như chỉ lo cho gia đình & bản thân mà không đủ can đảm để tranh đấu cho lẽ phải, cho khoa học kỹ thuật, cho đồng bào của họ. Họ rất ngại va chạm với Đảng & Nhà nước, đôi lúc họ trở nên hèn yếu đến mức không thể nào ngờ được họ có thể ...tệ đến như vậy! Đảng CSVN đã trở thành một gánh nặng mà cả dân tộc cứ phải è cổ nai lưng nuôi Đảng để họ mặc tình lãnh đạo một cách ...mày mò suốt 26 năm qua mà cũng chẳng thấy ai lên tiếng, than phiền, phê bình khi họ sai lầm, thối nát? Kẽ sĩ miền Nam ngày nay đã không còn mấy ai có đủ khí tiết can đảm như cụ Đồ Chiểu năm xưa hay sao? Tại thành phố/ thị trấn, ai cũng có thể thấy nhà lầu và phố mới mọc lên nhiều hơn nhưng ra ngoại ô một chút là sẽ thấy người dân còn nghèo lắm, bám víu mảnh vườn với thu hoạch rất... “bèo” và bấp bênh ! “Phồn vinh giả tạo” là một thực tế hiện nay tại Việt Nam. Đa số người dân phải chạy từng bữa ăn thì hỏi làm sao họ quan tâm gì đến chuyện tự do, dân chủ, môi sinh! Xin những người Việt Nam sống ở xứ người hãy nhìn về Việt Nam thực tế hơn một chút! Ngày nào Việt Nam của chúng ta còn có những người lãnh đạo dốt + tồi + hèn, còn có chia rẻ, thù hận, còn sự phân biệt đối xử và kỳ thị địa phương thì Việt Nam sẽ khó mà cất cánh! Mong sao thế hệ tương lai sẽ sống an bình, hạnh phúc, sung sướng hơn thế hệ chúng tôi và hãy biết trân trọng những giá trị cao quý của cuộc sống mà cha anh đã hy sinh rất nhiều để tạo dựng và trao lại.
Bước qua năm 2001 - ngưỡng cửa thế kỷ 21, từ giã quê hương để tiếp tục sống tha hương mà chợt thấy Việt Nam vẫn còn biết bao điều khiến tôi trăn trở. (12/ 2000)
No comments:
Post a Comment