Monday, June 20, 2011

Little Saigon

Tôi may mắn được định cư ở ngay miền Nam California khi vừa từ trại tị nạn đến Mỹ và sống gần khu vực tập trung nhiều người Việt nhất ở hải ngoại (135,548 người Việt/2000 Census) : Little Saigon.
A. "Little Saigon" (hay Tiểu Sài Gòn, Sài Gòn Nhỏ) thường là tên gọi những khu vực có nhiều người Việt sinh sống bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhất là tại Hoa KỳÚc. Các khu "Little Saigon" lớn có mặt trong thành phố Westminster, Garden Grove, San Jose (California), Houston (Texas). Riêng "Little Saigon" ở Westminster và Garden Grove nằm trong khu vực Quận Cam (Orange County, California) là có nhiều người Việt nhất ở hải ngoại, buôn bán sầm uất nhất và phát triển nhanh nhất. Cho nên "Little Saigon" trên khu phố Bolsa còn được mệnh danh là "thủ đô người Việt tị nạn". Những khu "Little Saigon"(LS) được hình thành từ sau những làn sóng tị nạn diễn ra sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 nhằm nhắc nhớ lại thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa với nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng những người Việt phải bỏ nước mà đi.

1. "Little Saigon" trên khu phố Bolsa:

a. Lịch sử: Trước kia, Westminster là vùng ngoại ô của người da trắng, họ sở hữu các vùng đất đai trồng cây ăn trái (nhiều vườn cam, dâu tây lớn) nhưng trong thập niên 1970 thì Westminster đã bị xuống dốc. Những người Việt tị nạn đầu tiên đến đây từ Camp Pendleton ở Oceanside, nằm cách Westminster 50 dặm về hướng Nam. Người Việt nam đến cư ngụ và lập nghiệp ở quận Cam từ năm 1975, càng ngày càng kéo về đông đảo, lập thành một khu buôn bán sầm uất. Lúc đầu, nền văn hoá khác biệt đã bị chống đối, khi thì âm thầm, khi thì sôi nổi. Tuy nhiên, cũng như bao lớp người di dân khác, hình bóng người Việt Nam trở nên quen thuộc và dễ thương hơn trong nền văn hoá đa dạng và hợp chủng này.Từ năm 1978, Đại lộ Bolsa trở thành khu trung tâm của Little Saigon nhờ các cơ sở thương mại do những người Việt đầu tiên lập nên. Tiểu Sài Gòn (Little Saigon) ở Westminster trở thành một khu văn hoá và thương mại, thuộc thị xã Westminster ở quận Cam, California. Khu vực này nằm trên đường Bolsa, kéo dài từ đường Brookhurst đến đường Magnolia. Cùng năm 1978, Nhật báo Người Việt đã được phát hành tại thành phố Garden Grove. Những người tị nạn người Việt sau này cũng đến đó để lập nghiệp, họ mua lại các cơ sở thương mại của người da trắng và lập nên một số khu phố thương mại. Về sau, cộng đồng người Việt tràn ra những thành phố lân cận như Garden Grove, Stanton, Fountain Valley, AnaheimSanta Ana.
Năm 1986, Uỷ Ban Phát Triển Little Saigon có 46 thành viên, gồm những ông Nguyễn Tư Mô, Trần đức Thanh Phong, Phạm đình Tuân, Frank Jao, Tony Lâm, Đỗ Ngọc Yến,... đã được 18 vị dân biểu và nghị sĩ tiểu bang giúp đỡ để đưa đề nghị thành lập Đặc Khu Tiểu Sài Gòn lên thống đốc tiểu bang. Ngày 17 tháng 6 năm 1988, thống đốc California George Deukmejian đã tới Westminster và chính thức đặt tên “Little Saigon” cho khu vực giáp giới với các đại lộ Westminster Boulevard, Bolsa Avenue, Magnolia Street và Euclid Street. Cùng năm đó, các bảng chỉ đường đến Little Saigon được chính thức đặt trên xa lộ (Freeway) 22 và 405.
Little Saigon tại Quận Cam là một vùng rộng lớn, với nhiều khu thương xá của người Việt và người Hoa, nằm phía Tây của Disneyland, giữa xa lộ California 22 và và xa lộ Liên bang 405. Ngoài các trụ sở thương mại, LS còn có nhà hàng bán các món ăn Việt Nam và Á châu như phở, bánh mì, bánh cuốn, hủ tíu + mì, các siêu thị bán thực phẩm Việt Nam. Nhiều bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán... người Việt cũng lập văn phòng tại đây để phục vụ thân chủ đồng hương.
Khu vực lân cận về phía Đông của Westminster là Santa Ana, phía Nam là Fountain Valley, phía Bắc là Garden Grove và Stanton cũng thuộc về Little Saigon nhưng có ít cơ sở kinh doanh của người Việt hơn so với Westminster hay Garden Grove.
b. Dân cư và các cơ sở kinh doanh:
Little Saigon tại Quận Orange ngày nay đã trở thành một cộng đồng cư dân trải rộng với nét nổi bật là những khu kinh doanh sầm uất bao gồm một tập hợp những cơ sở thương mại và dịch vụ của người Việt Nam và Trung Hoa. Tụ điểm của Little Saigon vẫn là Đại Lộ Bolsa Avenue (là nơi mà Asian Garden Mall và Little Saigon Plaza giữ vị thế trọng điểm) chạy xuyên qua thành phố Westminster. Biên giới của Little Saigon có thể được coi là nằm ở giữa khoảng đường Trask ở phía Bắc và đường McFadden ở phía Nam, đường Harbor ở phía Đông và đường Beach ở phía Tây. Ba phần tư dân số trong vùng này là người Mỹ gốc Việt.
Little Saigon được viền quanh và nối kết bằng những trung tâm buôn bán lớn và các thương xá bề thế. Cũng giống như nhiều cộng đồng Việt Nam ở các nơi khác, những tiệm ăn và giải khát cũng bán các thực phẩm đặc thù được chế biến theo nghệ thuật nấu nướng của Việt Nam, đặc biệt là món Phở thì ở đâu cũng có và kế đến là món bún bò Huế. Có khoảng trên 200 tiệm ăn như thế trong khu vực Little Saigon và các cửa tiệm này có khuynh hướng ngày một lan dần sang tới Garden Grove, Fountain Valley, Santa Ana và Huntington Beach. Ngoài ra, còn có nhiều siêu thị Việt Nam, những tiệm bán thức ăn nhỏ kiểu Việt Nam cùng những tiệm bánh tại Little Saigon chuyên môn phục vụ cà-phê và bánh mì kiểu Pháp - di sản của một thời thuộc địa đầy những biến động trong lịch sử cận đại Việt Nam. Qua bao năm tháng, cộng đồng dân Việt tại Little Saigon đầy sức sống này cũng đã quen với hiện tượng "tưng bừng khai trương" rồi lại "âm thầm đóng cửa" của những tiệm ăn thuần túy Việt Nam, kể cả những cửa hiệu bán món ăn nấu sẵn phục vụ nhanh (fast food) và những nhà hàng ăn bao bụng (buffet) theo kiểu các tiệm “all you can eat” của Mỹ. Những nhà hàng phục vụ món ăn Tàu theo khẩu vị Triều Châu hoặc Quảng Đông - Hongkong cũng có, dù ít hơn Los Angeles.
Thêm vào sự gia tăng các chợ Việt Nam trong khu vực, dây chuyền siêu thị Việt Nam ngày một bành trướng. Siêu Thị Thuận Phát (Sun Fat Supermarket) khai trương tại Westminster vào năm 2005 có lẽ là chợ lớn nhất hiện nay với nhiều cửa hàng dịch vụ nhỏ bên trong. Nhắm vào số cư dân người Việt Nam trong khu vực còn có các văn phòng chuyên khoa bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán, bảo hiểm, du lịch, di trú, cùng với những tiệm sửa xe hơi, tiệm cắt tóc, mỹ viện, cửa hiệu bán sách báo, bán băng và đĩa nhạc... Tất cả đều nói tiếng Việt Nam y như là đang ở Việt Nam. Thực phẩm và các món ăn thuần túy Việt Nam vẫn còn là một hấp dẫn đối với những du khách nào không phải là người Việt Nam đến viếng thăm Little Saigon. Có lẽ không có nơi nào ngoài Việt Nam có nhiều tiệm phở, nhiều siêu thị Việt Nam, nhiều văn phòng bác sĩ, nha sĩ, luật sư, kế toán, bảo hiểm... như ở đây. Hầu hết bảng hiệu vẫn xài tiếng Việt và có thể thấy nhiều thói quen, phong tục tập quán (tốt - xấu, hay - dở) của người Việt Nam vẫn thể hiện rõ nét trong sinh hoạt hàng ngày hay những ngày lễ hội, nhất là chợ hoa đã xuất hiện trên đường Bolsa vào dịp Tết từ năm 1994; đồng thời hàng hóa các loại từ Việt Nam cũng ào ạt tràn qua, không thiếu thứ gì.

Năm 1984, dây chuyền siêu thị của người Mỹ gốc Hoa, như Chợ 99 (99 Ranch Market hoặc 99 Price Market) hay Man Wah/ T&K... đã khai trương tại Little Saigon nhưng vì không cạnh tranh nổi với nhiều chợ Việt Nam trong vùng, ngôi chợ 99 tại đây của dây chuyền này đã phải đóng cửa và đã sang lại cho một người VN khác, mặc dù ở những thành phố lân cận vẫn còn một số các Chợ 99 hoạt động.Tòa nhà Thương Xá Phước Lộc Thọ (Asian Garden Mall - 9200 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683) hai tầng lầu lợp mái, mở cửa vào năm 1987, đã được nhà sáng lập và phát triển Little Saigon, Ông Triệu Phát (Frank Jao) lập nên – ông này là người Việt gốc Hoa sinh tại Hải Phòng, với sự yểm trợ tài chánh cuả các nhà đầu tư Trung Hoa từ bên Indonesia và Đài Loan. Ông Triệu Phát cũng còn phát triển 2 trung tâm mua bán bên kia đường là Asian Village (9191 Bolsa Avenue,Westminster, CA 92683) & Cultural Court (9223 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683) là nơi có dựng tượng Đức Khổng Phu Tử và hàng chục bức tượng Trung Hoa khác. Công Ty Bridgecreek Development ca Triệu Phát (Frank Jao) còn làm chủ nhiều khu shopping khác như: Bolsa Magnolia Center (9039 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683),Bolsa West Center (10451-10495 Bolsa Avenue, Westminster, CA92683), Dover II Center ( 9211 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), Far East Plaza (9121 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), Lê Lợi Retail (9356-9361 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), Liberty Square (9852-9938 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), Moran Project(15082-15232 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), Paris Professional Center(14550-14560 Bolsa Avenue, Westminster, CA 92683), etc... Có thể nói, Frank Jao cùng với nhiều doanh gia khác như Trần Dũ, Lê Minh Chiêu, Quách Nhứt Danh... là những tấm gương thành công tiêu biểu của người Việt ở đây.
Các cơ sở tài chánh vẫn hoạt động đều đặn tại Little Saigon mặc dù di dân từ Việt Nam có truyền thống hoài nghi các nhà băng và khuynh hướng lưu giữ tiền mặt hoặc tích trữ vàng trong nhà. Ngân Hàng First Vietnamese American Bank tại Westminster là ngân hàng đầu tiên của người Mỹ gốc Việt phục vụ nhiều chủng tộc tại California. Ngân hàng Saigon National Bank, nằm trên đường Brookhurst Street, là ngân hàng toàn quốc đầu tiên do người Mỹ gốc Việt sở hữu và điều hành tại Hoa Kỳ. Thêm vào đó, nhằm thu hút khách hàng Việt Nam, các ngân hàng của người Mỹ gốc Hoa cũng điều hành những chi nhánh nói tiếng Việt Nam ở Little Saigon, trong đó có Cathay Bank, East West Bank và Chinatrust Bank. Những ngân hàng chính yếu như Bank of America cũng có các chi nhánh trong đó hầu hết nhân viên đều nói tiếng Việt cùng với những bảng hiệu viết bằng tiếng Việt để hấp dẫn khách hàng. Từ năm 2004, 2 ngân hàng do người Việt Nam làm chủ đã xuất hiện ở khu Bolsa. Bolsa nói riêng, OC và Nam Cali nói chung đang có nhiều hơn những người gốc Hoa từ TQ, HK, Đài Loan... kéo về đây mua nhà, buôn bán nên họ ra sức móc nối với những người Việt gốc Hoa để làm giàu khi ra sức khai thác thị trường Á châu tại d9ây.
Năm 2003, tại Santa Ana, đã có những tranh cãi về một bảng hiệu Little Saigon và một cây cầu bắc ngang qua Đại lộ Bolsa (trước khu PLT và siêu thị 99) được đề nghị như một entry signage & landmark nhưng không thành công. Năm 2002,những bảng hiệu Little Saigon này mới thành hình trên đường Brookhurst, Euclid, First, Bolsa. Năm 2007,cây cầu bắc ngang qua Đại lộ Bolsa được đề nghị như một entry signage & landmark được Hội Đồng Thành Phố Westminster chấp thuận.
Năm 1987 chứng kiến sự xuất hiện của một số băng đảng tội phạm với những vụ tống tiền nhắm vào các cơ sở thương mại của người Việt Nam trong vùng Westminster. Nhiều nhóm thanh thiếu niên theo băng đảng trộm cướp hay phạm pháp; đồng thời xảy ra những bê bối trong vụ gian lận bảo hiểm y tế - xã hội đã khiến cho cộng đồng bị tai tiếng và phân hóa. Tuy nhiên, theo cuộc nghiên cứu hàng năm của Morgan Quitno về tình trạng an toàn của các thành thị Mỹ, cả Garden Grove lẫn Westminster đều an ninh hơn hầu hết các thành phố trên toàn quốc Hoa Kỳ sau khi nhiều người Việt tham gia vào hàng ngũ cảnh sát hay FBI, quân đội và các cơ quan công quyền. Khi nói về những hiện tượng "tiêu cực" ở Bolsa, người ta thường chỉ nói đến lớp trẻ mà quên rằng không ít bác sĩ, luật sư và nhiều thương gia cũng phạm pháp và làm cho CĐVN mang tai tiếng; nhất là từ lối làm ăn luồn lách, lươn lẹo, chạy theo đồng tiền mà coi thường đạo đức, luật pháp. Ồn ào nhất là vụ gian lận bảo hiểm - Medical- Medicare, dàn xếp những vụ đụng xe,hay những cuộc biểu tình và chụp nón cối cho nhau. Chưa kể là nhiều người nghèo vẫn không được các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ quan tâm chăm sóc đúng mức khi mà thành phần trí thức này chỉ biết tiền + tiếng hơn là y đức, mặc dù cũng có người tốt xen lẫn với những con sâu làm rầu nồi canh!
c.Truyền thông:
Nhìn chung, thành phố Westminster được coi là trung tâm văn hóa của cộng đồng người Mỹ gốc Việt với khá nhiều đài truyền hình, truyền thanh và báo chí Việt ngữ xuất phát từ Little Saigon và những vùng phụ cận (như Costa Mesa và Santa Ana). Ngoài ra, còn có các nhật báo Người Việt, Viễn Đông và Việt Báo. Nhiều tuần báo, nguyệt san và báo phục vụ giới trẻ cũng được phát hành. Đường Moran được xem là khu truyền thông Việt ngữ tại Bolsa tập trung nhiều tờ báo Việt ngữ lớn nhất hải ngoại. Nhật báo Người Việt và Viễn Đông còn có hội trường tại đây nữa. Thêm vào đó, Little Sàigòn còn có những chương trình phát thanh của Little Saigon TV, Vietnamese California Radio (VNCR), Little Saigon Radio (Miền Nam California: KVNR AM 1480) và Radio Bolsa (Miền Nam California: KALI-FM). Ngoài ra, một số quảng cáo và chương trình phát thanh và phát hình tại khu vực Los Angeles cũng có nói về những cơ sở làm ăn ở Little Saigon. Nội dung phát sóng bao gồm tin tức, thời sự, âm nhạc, talk show, tôn giáo, đọc truyện, v.v... Chương trình Việt ngữ của đài BBC và RFI được tiếp vận trực tiếp trên những đài này, mỗi ngày hai lần. Có chương trình truyền hình phát tin tức và âm nhạc trong ngày và cuối tuần có chương trình dài hơn. Đài Saigon Broadcasting Television Network (SBTN) được phát qua vệ tinh và có thể xem được trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhiều bài viết về cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Quận Orange vẫn thường thấy xuất hiện trên nhật báo The Orange County Register.
Little Saigon cũng trở thành một trung tâm lớn của kỹ nghệ sản xuất nhạc phổ thông Việt Nam với nhiều phòng thu âm, coi bộ còn nhiều hơn tại chính Việt Nam nữa. Hầu hết các chương trình ca nhạc hải ngoại đều được phát hành tại đây, trong đó có trung tâm Paris by Night, Asia, Vân Sơn, v.v... Vì thế, rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hải ngoại nổi tiếng cư ngụ tại khu vực này. Những ca khúc tiếng Việt thu âm từ Westminster được gởi đi theo đơn đặt hàng từ các cộng đồng Việt Nam trên khắp Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Đức cũng như được bán ra một cách bất hợp pháp tại Việt Nam. Có tới 30 phòng thu âm hoạt động tại Little Saigon nhưng do nạn sao chép băng, đĩa lậu đã làm giảm thiểu số lượng các công ty thu âm còn hoạt động. Trụ sở tại Mỹ của công ty băng và đĩa nhạc Thúy Nga Paris và Vân Sơn được đặt tại Westminster, trong khi trụ sở của Asia - một hãng băng và đĩa nhạc phổ thông lớn khác thì đóng tại thành phố Garden Grove lân cận.
d. Chính trị
Từ sinh hoạt chống Cộng của những người "tị nạn Cộng Sản", nhiều người Việt Nam đã trở thành đảng viên Cộng Hòa và tham gia tích cực hơn vào các sinh hoạt chính trị địa phương khi mà thế hệ thứ 2 trưởng thành hơn và nắm vững hệ thống chính trị của Mỹ hơn. Người Mỹ gốc Việt, dựa vào số đông, đã và đang nắm giữ quyền lực chính trị đáng kể tại hai thành phố Westminster và Garden Grove. Nhiều người tham gia vào các hoạt động chính trị tại địa phương và được bầu vào các chức vụ công. Từ ông Tony Lâm Quang là Nghị Viên đầu tiên ở thành phố Westminster, rồi tới thế hệ trẻ như Janet Nguyễn vào năm 2007 trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên lên làm giám sát viên quận trên toàn quốc. Trần Thái Văn đắc cử dân biểu tiểu bang California từ năm 2004 và trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào ngành lập pháp tiểu bang. Ðinh Việt từ Fullerton trở thành Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp ngay sau vụ "9-11".
* Sinh hoạt cộng đồng
Từ khuynh hướng tập trung trong các "ghetto" với những sinh hoạt chủ yếu là duy trì truyền thống dân tộc, Cộng Ðồng Việt Nam đã từng bước đi vào sinh hoạt "dòng chính" (main stream).
Năm 2003, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (tiếng Anh: Vietnam War Memorial) đã được xây dựng tại Westminster để vinh danh những người lính Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ đã hy sinh trong Chiến Tranh Việt Nam hồi thế kỷ trước.
Garden Grove Park gần trường Bolsa Grande High School tại Garden Grove là nơi tổ chức Hội Tết Việt Nam hàng năm do Tổng hội sinh viên Việt Nam Nam California (UVSA) tổ chức cho hàng trăm ngàn người tham dự với những vòng xe bay(carnival rides), những vũ điệu dân tộc, những ca khúc, những màn trình diễn thời trang, những cuộc thi thố tài n
ăng hay đẹp, những hình ảnh quê hương được tái hiện và những trò vui mang tính truyền thống khác. Cái hay của THSV trong suốt bao năm qua là tất cả sinh viên - học sinh đều làm hội Tết với tinh thần thiện nguyện không hề nhận thù lao mà tất cả tiền lời thu được đều đóng góp vào các sinh hoạt cộng đồng - xã hội, từ việc giúp đồng bào tị nạn đến các trường Việt ngữ. Hàng năm, từ năm 1997, vào ngày Tết Nguyên Đán, Little Saigon tại San Jose cũng có cuộc diễn hành Tết hoành tráng do Hội Diễn Hành Tết (Vietnamese Spring Festival, VSF) tổ chức, với sự kết hợp của nhiều hội đoàn, tổ chức. Từ năm 2003, Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế được tổ chức tại Đại học California tại Irvine và nhiều địa điểm quanh vùng Little Saigon của Quận Cam, (Vietnamese International Film Festival hay ViFF) là một đại hội điện ảnh diễn ra hai năm một lần tại UC Irvine.
Các trường dạyViệt Ngữ và giải Khuyến Học đã góp phần rất lớn vào việc giữ gìn ngôn ngữ - văn hóa Việt Nam. Sinh viên CSU Long Beach cũng tổ chức thi hoa hậu Áo dài Long Beach hàng năm. Viện Việt Học được thành lập trong mục đích duy trì văn hóa - ngôn ngữ Việt Nam.
Có lẽ không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều tổ chức, hội đoàn, đảng phái như ở Bolsa: hội ái hữu đồng hương, hội cựu học sinh hay cựu quân nhân, hội của các ngành nghề... cũng hình thành nhằm duy trì liên hệ và tương thân tương ái bên cạnh rất nhiều hội đoàn tôn giáo, tổ chức văn hóa - xã hội, đảng phái chính trị, nhóm văn nghệ, etc.... Có một dạo, các nhóm kình chống, nói xấu lẫn nhau hung hăng hơn là chống Cộng. Có những hội chỉ có vài ba "thành viên" mà hầu như trong cùng ...gia đình(?), cũng có kẻ xấu đội lốt hay trá hình để mưu cầu hư danh hay tham ô tiền bạc.
* Khuynh hướng chống Cộng và sức mạnh chính trị
Phần lớn những người tỵ nạn Việt Nam quy tụ tại Little Saigon từ những ngày đầu tiên đều là những kẻ nếu không căm thù thì cũng không ưa thích gì chủ nghĩa Cộng Sản. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì tuyệt đại đa số những người này đều tự bản thân hay có thân nhân gia nhập quân đội, cảnh sát hoặc làm việc trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước đây,
và họ đã phải bỏ nước ra đi để lánh nạn Cộng sản. Khuynh hướng chính trị nổi bật nhất tại Litle Saigon trong vòng vài thập niên đầu là chống Cộng, chống Cộng tới cùng. Lillte Saigon, trong trường hợp này, cũng chẳng khác gì “Little Havana” của dân Cuba lưu vong ở Miami bên Florida, từng thề quyết không đội trời chung với Fidel Castro và chủ nghĩa Cộng Sản cứng nhắc của Cuba.
Trong suốt hai thập niên đầu, lịch sử của Little Saigon thuộc Quận Orange vang động những cuộc biểu tình chống Cộng khiến người Việt tỵ nạn hải ngoại, dù ở xa đến đâu, cũng nghe, cũng biết. Ngoài cao điểm là cuộc biểu tình chống hành động thách thức của Trần Trường treo chân dung Hồ Chí Minh trong tiệm sang băng lậu Hi-Tek cuả mình ngay “giữa lòng Bolsa” (diễn ra hầu như suốt 53 ngày đêm hồi năm 1999), những hoạt động chống Cộng khác bao gồm các cuộc biểu tình lên án Cộng Sản vào những ngày kỹ niệm hay tưởng niệm lớn trong năm, trong những dịp có các phái đòan chính trị hay văn nghệ Cộng sản từ Việt Nam muốn ghé qua, và đặc biệt là trong Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư hằng năm mà trước đây thường bao gồm cả một cuộc diễn hành trên đường phố Little Saigon. Tổ chức “phục quốc”(gọi tắt là Mặt Trận, nay là đảng Việt Tân) của Phó Đề Đốc Hòang Cơ Minh cũng từng lấy Little Saigon và cộng đồng người Việt hải ngoại làm hậu phương vững chắc cho kế hoạch của nhóm ông đưa kháng chiến quân quay trở về nước để chống và đánh Cộng Sản. Sau này, có nhóm ông Nguyễn Hữu Chánh đứng ra lập "chính phủ lâm thời" với trụ sở và chương trình phát thanh trên đường Brookhurst cũng xôn xao Bolsa một dạo.
Biết dân chúng Little Saigon chống Cộng, các chính trị gia thuộc Đảng Cộng Hòa tại địa phương vẫn lấy Little Saigon làm chỗ dựa để có thể nắm giữ các ghế đại diện, như Lynn Doucher từng làm và suýt thành công trong kỳ bầu cử vừa qua. Nhóm hoạt động chính trị cuả Dân Biểu Trần Thái Văn (Van Tran) được coi là mạnh cũng nhờ vào khuynh hướng chống Cộng truyền thống của đa số cử tri Little Saigon. Bên phía đảng Dân Chủ, các chính trị gia có khuynh hướng trung dung cũng ra sức ve vãn cử tri Việt Nam bằng những hoạt động chống Cộng hay tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. Các đại biểu dân cử thuộc đảng Dân Chủ, như Loretta Sanchez và Lou Correa, thành công một phần cũng nhờ sách lược khôn khéo này.
Người Mỹ gốc Việt, dựa vào số đông, đã và đang nắm giữ quyền lực chính trị đáng kể tại hai thành phố Westminster và Garden Grove. Nhiều người trong cộng đồng đã được bầu vào các chức vụ công tại hai thành phố này. Trong cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 2007 để kiếm người thay thế Ông Lou Correa, vị giám sát viên Quận Orange phục vụ khu vực bao gồm luôn cả Little Saigon nay đã đắc cử vào Thượng Viện tiểu bang, hai ứng cử viên dẫn đầu đều là người Mỹ gốc Việt, thu đạt gần phân nửa tổng số phiếu bầu trong số 8 ứng cử viên cả thảy. Ứng cử viên Janet Nguyễn đã thắng cuộc bầu cử với hơn 24% số phiếu bầu. Điều cần ghi nhận là mặc dù chỉ chiếm có 25% số cử tri ghi danh trong khu vực tuyển cử , người Mỹ gốc Việt lại chiếm gần phân nửa số phiếu bầu khiếm diện. Janet Nguyễn nay trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên lên làm giám sát viên quận trên toàn quốc.
Một số người Mỹ gốc Việt khác hiện phục vụ trong hội đồng các thành phố Westminter và Garden Grove - đa số đều thuộc đảng Cộng Hòa và có khuynh hướng chống Cộng mạnh mẽ vì họ đều xuất thân từ gia đình những người tỵ nạn từng trốn chạy chế độ Cộng Sản nơi quê nhà-- đã thuyết phục Thành Phố Westminster nhìn nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ và tạo áp lực lên Thành Phố Garden Grove phải chỉ định một “khu không Cộng Sản” trong vùng, nhằm tránh khỏi những cuộc biểu tình chống Cộng gây thiệt hại nặng nề cho công quỹ và làm đình trệ hoạt động kinh tế của Little Saigon như cuộc biểu tình chống Trần Trường suốt gần hai tháng trời hồi năm 1999.
Năm 2003, cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon đã giúp gây quỹ xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Vietnam War Memorial) tại Westminster để vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đã hy sinh trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam hồi thế kỷ trước. Vào năm 2004, Trần Thái Văntrở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào ngành lập pháp tiểu bang, đại diện cho nhiều thành phố tại Quận Orange. Người Mỹ gốc Việt giờ đây đều đặn tham dự nhiều phiên họp của các hội đồng thành phố địa phương.
Khuynh hướng chống Cộng triệt để của người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon dường như đang có chiều hướng sút giảm đi, nhất là sau khi Cộng Sản Việt Nam khởi sự các chính sách đổi mới kinh tế và nới lỏng đường lối chính trị hà khắc trong nước. Một lý do khác của sự chuyển hướng này là những ràng buộc với quê hương không thể nào dứt bỏ được của người Việt tỵ nạn hải ngoại sau một thời gian khá dài sống xa quê hương trên những vùng “đất khách” mà họ cảm thấy thật khó mà hội nhập hoàn toàn, nhất là đối với những thành phần mà nơi chôn nhau cắt rốn vẫn là Việt Nam. Việt Nam – quê hương của những người dân bình thường chứ không phải của các cán bộ, đảng viên nhà nước hay thành phần “tư sản đỏ”- lúc nào cũng dẫy đầy những người thân yêu nghèo khó và thiếu thốn đủ mọi thứ, luôn luôn cần tới sự chi viện tài chánh và thăm nom từ những người đang ăn nên, làm ra tại hải ngoại, trong đó có các thị dân của Little Saigon.
Vì thế, mặc dù Little Saigon đầy nhiệt tình chống Cộng như vậy nhưng phong trào gởi tiền & quà về Việt Nam để giúp đỡ thân nhân qua cơn khốn khó ngày một dâng cao; nhất là mỗi khi có thiên tai hay biến cố thì phong trào vận động quyên góp lại rầm rộ dấy lên. Với tổng số tiền người Việt hải ngoại khắp thế giới gởi về cho Việt Nam hiện nay là 3 tỷ đôla mỗi năm hoàn toàn vô điều kiện và vô vụ lợi đã là một nguồn ngoại tệ đáng kể cho Việt Nam. Việc làm này không nhiều thì ít cũng đóng góp vào hầu bao của các thành phần cán bộ, đảng viên đang cai trị Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá rất cao về khả năng tham nhũng. Ngoài ra, ngay cả trước khi Cộng Sản Việt Nam được hưởng quy chế Quan Hệ Mậu Dịch Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR) với Hoa Kỳ vào năm 2005, các siêu thị và tiệm thực phẩm tại Little Saigon đã tràn ngập những hàng hóa và thực phẩm nhập cảng từ Việt Nam. Chưa hết, từ nhà tiên phong sáng lập nên Little Saigon –là Ông Triệu Phát—cho tới các vị cựu thủ tướng, bộ trưởng, tướng lãnh, viên chức cao cấp, sĩ quan, binh lính của Việt Nam Cộng Hòa trước kia cùng những thường dân từng bỏ nước ra đi để lánh nạn Cộng Sản, hầu như ai cũng có một lần trong đời rời Little Saigon về thăm lại quê hương Việt Nam. Và rồi, chiều hướng “lá rụng về cội” đã lên đến tột đỉnh với sự kiện nhạc sĩ Phạm Duy và cựu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, những người từng di tản khỏi Việt Nam sang sống lưu vong trên đất Mỹ từ năm 1975, đã cùng cả gia đình dọn về Việt Nam để xin chọn nơi này làm quê hương vĩnh viễn, hoặc đi đi, về về làm ăn.
Mới cách đây vài ba năm, thật không ai dám nghĩ rằng những ca sĩ được huấn luyện từ nước Việt Nam Cộng Sản lại có thể đến các cộng đồng tỵ nạn Việt Nam hải ngoại để trình diễn, mặc dù một số không nhỏ các ca sĩ hải ngoại từ Little Saigon – lúc đầu còn bí mật, sau này thành công khai - cũng đã từng về Việt Nam trình diễn nhiều lần rồi. Đó cũng chính là thời điểm mà Trung Tâm Thúy Nga và MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã phải khốn đốn vì cuốn băng nhạc Thúy Nga Paris 40, mang chủ đề “Mẹ,” bị người Việt hải ngoại khắp nơi, trong đó có dân chúng Little Saigon, kịch liệt lên án vì đã sơ ý để cho những phụ nữ có vẻ như là “bà mẹ kháng chiến” –thay vì các bà mẹ lính hay vợ lính của Việt Nam Cộng Hòa - có dịp kêu gào, phản kháng cuộc chiến tranh tàn bạo, bất nhân này nọ.
Hiện nay, người ta không thể nào đếm xuể số lượng các ca sĩ trong nước ra hải ngoại trình diễn, đa số đều tập trung về vùng Litlle Saigon, một thời từng là thành luỹ chống Cộng kiên cường của người Việt hải ngoại. Một bài báo mới đây của ký giả Lê Thụy, trên đặc san Người Việt Xuân Đinh Hợi 2007, nhan đề “Ba mươi mốt năm sau, lằn ranh phân chia giữa âm nhạc trong nước và hải ngoại không còn nữa?” đã nói lên sự sút giảm trong nỗ lực chống Cộng và trong tinh thần đề cao cảnh giác cao độ như từng thấy trước đây chống lại sách lược của Hà Nội nhằm trấn an người Việt hải ngoại qua hết nghị quyết này tới nghị quyết kia, ít nhất cũng là trên lãnh vực văn hóa, văn nghệ. Đó đây tại Little Saigon, đã thấy xuất hiệm một số sách báo và văn hóa phẩm từ Việt Nam đưa qua, một hiện tượng chưa hề có trước kia. Hồi gần đây, một số tờ báo Việt ngữ đặt căn cứ tại Little Saigon đã bắt đầu cử người đến tham dự các cuộc tiếp tân của tòa Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại San Francisco và có khi còn mở những cuộc tiếp xúc và phỏng vấn các giới chức cao cấp của Cộng Sản Việt Nam ghé qua đó nữa.
Những sự kiện này đã soi rọi thẳng vào tâm hồn Việt Nam, cho thấy rằng người Việt Nam ngày nay, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng đều bớt dần đi tính lý tưởng và mang nặng tính thực tiễn, cho nên họ rất uyển chuyển khi hành động và xử thế, không phải chỉ trong chuyện sinh sống, làm ăn mà còn cả trên lãnh vực chính trị nữa.
2.Giới thiệu qua vài quán ăn, dịch vụ ở Bolsa:

a. Nhà hàng Seafood (Tàu & Việt): nổi tiếng nhất là Tân Cảng chuyên trị tôm hùm ngon có tiếng ở quận Cam, cũng như các món hải sản khác (gỏi ốc vòi voi, cua rang me...) ở góc đường Bolsa & New Hope, Santa Ana. Ngoài ra, LS còn có trên 10 nhà hàng seafood (& dimsum) khác: Nhà hàng Seafood World và Nhà hàng Seafood Paracel trên đường Brookhurst, Nhà hàng Seafood Paradise & Nhà hàng Seafood Cove trên đường Westminster, Nhà hàng Seafood Palace I & II trên đường Beach và Western/ Lincoln, Nhà hàng Seafood Place trên đường Brookhurst/ Anaheim, Nhà hàng Seafood Kingdom trên đường Katella,Long Phụng Lầu trên đường Bolsa, Furiwa trên đường Brookhurst,etc...
b. Cơm tấm Thành 1 & 2 trên đường Bolsa & Harbor Blvd., cơm tấm Trần Quý Cáp 1 & 2 trên đường Harbor & Mc Fadden, cơm tấm Thuận Kiều trên đường Brookhurst ( và nhiều tiệm ở Los Angeles) có nhiều món để ăn chung với cơm tấm. Còn có bún, bánh hỏi.
c. Nhà hàng Như Ý có cá 8 món nổi tiếng và cá nướng trên đường Warner. Trước có nhà hàng Le Jardin trên đường Brookhurst ngon, sạch, đẹp nhưng đã dẹp. Cá nướng Bến Tre (trong chợ Saigon Mới) vừa rẻ, ngon và to go.
d. Thạch Chè Hiển Khánh chuyên trị chè - xôi- bánh trái đủ thứ với nước cốt dừa ngon tuyệt, có hai địa điểm: 1- trong khu chợ TDK trên đường Bolsa, 2- (gốc) trên đường Westminster Ave gần Mc Donald).
e. Lee's Sandwich chuyên trị bánh mì thịt nguội kiểu VN và Europe, thử càphê sữa đá ở đây, có nhiều địa điểm (ở đây chỉ lấy hai nơi mà hỏi tới dân quận Cam đều biết:1- ngay góc Westminster & Brookhurst St., 2- trên đường Bolsa Ave đối diện khu Phước Lộc Thọ). Bánh Mì Cali, Saigon Deli, etc... và hàng chục tiệm bánh mì & food to go khác. Có lẽ Ba Lẹ và Bánh Mì số 1 là "tiên phong" ở Bolsa.
f. Pag
olac chuyên trị bò bảy món trên đường Brookhurst St., Ánh Hồng trên đường Westminster Ave., Thiên Ân trên đường Harbor, Hồng Ân trên đường Westminster.
g. Brodard bán gỏi cuốn, nem nướng... ngay góc đường Westminster Ave với Brookhurst St.
h. Khu Bolsa có trên 20 tiệm phở. Phở gà Bolsa trên đường Brookhurst St., hay phở Nguyễn Huệ gần góc Ward và First St. là ngon nhất. Phở Bò ngon thì phải kể trên 10 quán trong số hàng chục quán phở khác: Thăng Long (mới, trên đường Bolsa vừa sạch sẽ, cao ráo lại free nước uống), Thanh Lịch, 79, 54, 86... sau khi hệ thống phở Hòa sa sút.
i. Tây Hồ có các món bánh cuốn, bánh ướt..., 1 trên đường Bolsa gần Phước Lộc Thọ Mall và tiệm 2 trong khu chợ TDK), Hồng Mai trong khu Catinal Plaza.
j. Quán Hỷ có các món ăn Huế cũng có thể gọi là ngon và khung cảnh có vẻ upscale hơn những quán ăn Huế khác, 1 trên đường Bolsa ngay trong khu chợ TDK, 2 trên đường Westminster; 3 trên đường Brookshurt (phở Huỳnh cũ). Nhiều quán bán món ăn Huế khác như Phở Công Lý (bún bò Huế ngon ), Gia Hội, Vỹ Dạ, Hương Giang, An Cựu Huế (bánh bèo chén, bánh canh tôm cua, bánh nậm, bánh bột lọc...ngon), Huế Rendez-vous, etc...
k. Chả Cá Hà Nội và các món Bắc (món chả cá Thăng Long, bún chả Hà Nội, bún thịt nướng...) phải kể đến Viễn Ðông của ông nghị Tony Lâm trên đường Brookhurst, nhà hàng Hà nội trên đường Bolsa, nhà hàng Hồ Tây trên đường Westminster, Bún Ban Mai, etc....
l. Nhà hàng Aysya, La Veranda, Favori, Song Long, Saigon Bistro hay Dalat Bistro... vừa sạch, đẹp, lịch sự, có nhiều món Việt - Tây - Tàu, nhất là Steak & bò lúc lắc.
m. Nhậu: có quán Hồng Liên,
n. Hủ tiếu hay mì: Lacai, Lục Đỉnh Ký, Triều Châu I (Newhope/First Street), Hồng Phúc...
o. Đồ ăn Thái Lan: Jasmine I & II, Thai Nakorn
p. Cơm gia đình: Ðồng Khánh,Thiên Thanh, Thanh Mai, Phương,etc...
q. Đồ ăn chay: Âu Lạc, Bồ Đề Tịnh Tâm Chay, Vạn Hạnh, etc...
r. Cháo: cháo cá chợ cũ
s. Mắm và Rau: Cây Dừa Deli
t. Bánh xèo: Vân (có bán bánh tét, bánh chưng, bánh ít...rẻ và ngon).
u. Thịt heo/ gà quay (BBQ): Liên Hoa, Hải Vị,Đường Sơn, BBQ World...
v. Quán café: Có lẽ không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều quán café như ở Bolsa. Nổi tiếng nhất là Lú, Dĩ Vãng...

Có lẽ Bolsa không thiếu món ăn nào hết; nhất là khi Bolsa gần Los Angeles và San Diego - những thành phố lớn nhất California với đủ sắc dân tứ xứ.
w. Có lẽ cũng không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều văn phòng luật sư, phòng mạch bác sĩ và nha sĩ, tiệm bán thuốc tây và các siêu thị rộng lớn do người Việt làm chủ nhiều như ở Bolsa. Mấy năm qua, xe đò Hoàng và nhiều hãng xe đò khác ra đời đáp ứng nhu cầu đi lại của người Việt Nam từ Bolsa đi San Jose, San Francisco (Bắc Cali) hay San Diego, Arizona... hay tham quan du lịch, hành hương qua các tiểu bang khác. Bolsa gần Disneyland, Knott Berry Farm, không xa với Universal Studio, Sea World, LA hay San Diego Zoo, Wildlife - Wild Animal Park hay Legoland... Trong khu chợ Bolsa, ngay tiệm Thái Sơn có bán hoa và trái cây tươi.3. Văn hóa & Giáo dục:a. "Little Saigon" bây giờ cũng tràn ngập hàng hóa, sản phẩm và ...du học sinh hay du khách từ Việt Nam qua. Sách báo, băng đĩa nhạc - phim ảnh đủ loại từ Việt Nam bán công khai khắp Bolsa. Ai chống Cộng thì cứ chống, ai mua vé du lịch hay gửi tiền về Việt Nam thì ....vô tư, thoải mái ra Bolsa tha hồ mà chọn nơi nào rẻ + tiện lợi nhất. Có lẽ không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều tiệệm sách báo + băng đĩa nhạc + phim ảnh, nhiều cửa hàng bán vé máy bay + dịch vụ gửi tiền+ hàng/ quà về Việt Nam như ở Bolsa.
b. Có lẽ không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều cơ sở tôn giáo, chùa và nhà thờ như ở Bolsa. Nếu Phật Giáo có trên 10 ngôi chùa lớn quanh vùng Bolsa như Huệ Quang, Việt Nam, Bảo Quang, Dược Sư, A Di Ðà, Bát Nhã,Diệu Quang, Pháp Hoa, Hương Tích, Hoa Nghiêm, Phổ Ðà, Trúc Lâm,... và hàng chục ngôi chùa lớn nhỏ ở các thành phố lân cận thì Thiên Chúa Giáo có Trung Tâm Công Giáo Việt Nam nguy nga ngay trên đường Century, Cao Ðài vừa hoàn thành Thánh Thất lớn nhất ở hải ngoại, nhiều nhà thờ Tin Lành, Công Giáo khác trong khu Bolsa cũng đông tín hữu với nhiều sinh hoạt vào cuối tuần. Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại.
c. Có lẽ cũng không có nơi nào ở hải ngoại có nhiều trường học và cơ sở văn hóa như ở Bolsa, nhất là các trường dạy tiếng Việt, làm Nail và làm tóc, thi quốc tịch, học lái xe, học nghề... do người Việt Nam làm chủ, bên cạnh các trường của Mỹ. Có 5 trường Community Colleges (Golden West, Santa Ana, Cypress, Orange Coast và Fullerton), 4 trường Universities (CSU Fullerton, Long Beach, Pomona và UC Irivine) và nhiều trường khác (Chapman University, UCLA, USC, UC Riverside, etc...) có rất đông sinh viên gốc Việt Nam đã và đang theo học. Hàng năm, Bolsa có thêm vài trăm "trí thức" mới ra trường để đi vào "dòng chính." 1 trong 13 trường đại học ở OC là University of California, Irvine (UCI - nhiều người gọi đùa là University of Chinese Immigrants vì trường đại học này hiện có quá nhiều sinh viên gốc Hoa và từ năm 1994, người Hoa từ TQ, HK, Đài Loan... đổ xô về OC ngày càng nhiều hơn, nhất là những nơi có trường học tốt như Irvine, Fullerton....
d. Bolsa cũng có vài trung tâm y tế do người Việt Nam làm chủ; trong đó có trung tâm Nhân Hòa có chương trình phục vụ cho người nghèo hay không có bảo hiểm y tế. Giới trẻ cũng hăng hái tham gia vào nhiều công tác xã hội - từ thiện, phục vụ cộng đồng. Ðơn giản nhất là chuyện sinh viên học sinh xuống đường Bolsa làm vệ sinh cho Bolsa sạch đẹp hơn. Phong trào hướng đạo rất mạnh với nhiều liên đoàn; sinh hoạt đều đặn bên các đoàn thanh thiếu niên Công Giáo hay Phật Tử, Tin Lành hay Cao Ðài, Hòa Hảo... hay tham gia với Tổng hội sinh viên Việt Nam Nam California (UVSA) hoặc các hội sinh viên, học sinh. Nhiều trung tâm dạy kèm sau giờ học cũng mở ra sau khi THSV/ Nam Califronia lập Tutoring Center miễn phí & Mentor program.
4. Little Saigon, nhìn về tương lai:

Vào năm 1996, Thành Phố Westmninster đạt danh hiệu “All-America City” (Thành Phố Tòan Mỹ) do Liên Đoàn Thành Thị Quốc Gia (National Civic League) trao tặng. Vinh dự này của Westminster càng thêm ý nghĩa khi, vào thời điểm này, Little Saigon đã trở thành một trung tâm du lịch đầy màu sắc Á Đông. Một sự trùng hợp khá lý thú là phần đông những người Việt Nam tỵ nạn cùng những đồng bào Việt gốc Hoa của họ, vốn mang trong bản thân tính bảo thủ cốt lõi của nền văn hòa chịu ảnh hưởng nặng nề của triết lý Khổng-Mạnh và có khuynh hướng ưa chuộng đảng Cộng Hòa --là đảng được coi như muốn chống Cộng đến cùng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam vừa qua-- lại đến định cư ngay trong lòng thành phố xưa kia vốn là Trú Khu Westminster của những người chủ trương tiết chế và cai rượu. Đây cũng là một thành phố mà tất cả các bảng tên đường đều được trang trọng viết bằng kiểu chữ Gô-tích (Gothic) cổ điễn, trong khi Quận Orange của cả Westnimster lẫn Little Saigon vẫn được coi là thành lũy hiếm hoi của những thành phần bảo thủ trong số cử tri Mỹ tại California, là tiểu bang vẫn thường xuyên bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ.
Thế nhưng, từ Westminster đến Litle Saigon, chiều hướng bảo thủ có vẻ như đang phai nhạt dần và khuynh hướng tự do, khai phóng dường như đang ngày càng lộ rõ khi các thế hệ trẻ hơn của những người tỵ nạn Đông Nam Á bắt đầu tham gia chính trị sau khi họ đã ổn định về kinh tế trên đất Mỹ.
Quận Orange là trái tim của nền chính trị thuộc đảng Cộng Hòa tại Miền Nam
California. Trong những năm đầu định cư, hầu hết người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon đều ghi danh là đảng viên Cộng Hịa. Cho tới hồi gần đây, tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Việt thuộc đảng Cộng Hòa vẫn còn vượt trội đảng Dân Chủ, với 55 % theo đảng Cộng Hòa và 22 % ghi danh theo đảng Dân Chủ. Năm 2000, trong niềm hy vọng giành được sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Việt thân đảng Cộng Hòa, ứng cử viên tổng thống (và từng là cựu tù binh chiến tranh tại Việt Nam), Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa John McCain, đã dừng chân tại Thương Xá Phước Lộc Thọ ở Little Saigon để vận động tuyển cử. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ gốc Việt khác tại Quận Orange, nhất là những thành phần sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nay cũng là các đảng viên Dân Chủ khi thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng chú tâm tới quyền lợi của người lao động tại Hoa Kỳ cũng như ưa thích những luật lệ cởi mở hơn trong các vấn đề phá thai, đồng tính luyến ái và quyền phụ nữ, thật là khác hẳn với các thế hệ trước đây của người Mỹ gốc Việt.
Lillte Saigon là nơi làm ăn phát đạt của những quán cà-phê, là nơi giới đàn ông Việt Nam và các bạn cùng trang lứa ưa lui tới ngồi nhâm nhi cà-phê và tán gẫu. Nhằm thu hút khách hàng, nhiều quán cà-phê(Lú, Dĩ Vãng...) đã tuyển dụng vào làm tiếp viên các thiếu nữ ăn mặc thật căng thẳng và bốc lửa, cô nào cũng có cặp chân dài trên đôi giày cao và thân hình đầy những đường cong, nét lượn thật hồi hộp... Miệng luôn điểm nụ cười, các cô uyển chuyển bước đi, tay nâng tách cà-phê tới tận bàn phục vụ khách hàng, và có khi còn ngồi thỏ thẻ chuyện trò với khách hồi lâu nữa. Vì e ngại sự lan tràn của những quán cà-phê như thế, Westminster, thành phố dẫu sao cũng còn gốc gác là một trú khu cai rượu (temperance colony) từ hồi thế kỷ thứ 18, đã khởi sự giới hạn việc cấp giấy phép hành nghề cho những quán cà-phê mới của các doanh gia người Mỹ gốc Việt tại Little Saigon. Những con số thống kê hồi gần đây cho thấy một số thị dân người Mỹ gốc Việt nay đang có chiều hướng đi khỏi Little Saigon để đến sinh sống tại các thành phố truyền thống của dân lao động Mỹ gốc Hispanic (Mễ), như là Santa Ana, hoặc lui hẳn về phía Nam, tới những vùng thượng lưu có đa số cư dân là Mỹ trắng, như Huntington Beach, Costa Mesa và Fountain Valley. Giới thượng lưu người Mỹ gốc Việt ngày nay tại Miền Nam California cũng còn đến mua nhà tại Irvine, Laguna Beach, Corona Del Mar, Balboa Island, Dana Point, Mission Viejo... hay lên khu Anaheim Hills nữa. Một số khá đông giới trẻ người Mỹ gốc Việt sinh ra trên đất Mỹ hiện nay đang theo học tại Đại Học University of California, Irvine. Trong khi du học sinh từ VN đang qua Mỹ nhiều hơn thì CSU Fullerton là trường đón nhận nhiều nhất. Khá đông du sinh này đã trốn ở lại Mỹ bằng cách kết hôn rồi chuyển tiền qua mua nhà, đầu tư và bảo lãnh tiếp thân nhân từ VN. Vì vậy, CĐVN ở OC hôm nay không chỉ có "tị nạn," "chống Cộng" mà còn có "di dân", "du sinh","thân Cộng" và VC nữa; chưa kể là rất nhiều an ninh - phản gián - tình báo CSVN xen lẫn với thành phần "đón gió trở cờ", "làm ăn với VC" nên Bolsa hôm nay phức tạp hơn nhiều, không biết ai là ai nữa! Có người gào thét chống Cộng buổi sáng thì chiều tối lại thấy âm thầm lên LAX về VN... Có kẻ hô hào biểu tình chống Cộng rất ồn ào, luôn chụp mũ người khác là VC nhưng chính anh em ruột cùng cha vợ, anh em vợ đều đang làm việc đắc lực cho CSVN. Có những kẻ thích "áo thụng vái nhau" để bao che/ dung túng cho tất cả sai trái của bè nhóm thân thuộc của họ, có những "băng đảng"thích làm ăn và làm chính trị y như Mafia hay VC vậy nên Bolsa đúng là chốn "gió tanh, mưa máu" !
Bolsa cũng rất vui khi "tưng bừng khai trương" rồi ..."âm thầm dẹp tiệm"! Bolsa nổi tiếng với nhiều chuyện khi có quá nhiều tờ báo, nhiều văn phòng luật sư, bác sĩ-nha sĩ-dược sĩ, nhiều chợ - nhà hàng - tiệm phở... Tai tiếng nhất ở Bolsa là chuyện bác sĩ & luật sư lưu manh gian lận Medical và Insurance, chuyện lập "chính phủ lưu vong" từ MTHCM và chú Chánh... đến Việt Tân. Dạo sau này ồn ào hơn là chuyện biểu tình và chụp mũ lẫn nhau, chuyện các cô cậu thích làm chính trị gia theo kiểu băng đảng, chuyện các tờ báo Việt Ngữ dính líu tới VC, v.v... Ít ai để ý đến "người tốt - việc tốt" trong CĐVN ở Bolsa. Hình như cá nhân, tổ chức nào vừa nổi lên là bị đánh te tua; riết rồi ai cũng sợ, hết ham và hết dám làm gì nữa! Thực ra 33 năm qua, Bolsa thay đổi và lớn mạnh hơn, giới trẻ hôm nay đã và đang góp phần làm cho Bolsa ngày càng tốt đẹp hơn chứ không quá bát nháo như xưa nữa.
Một bài viết về lịch sử Little Saigon trên Internet của bách khoa toàn thư Wikipedia, được hiệu đính vào ngày 13 Tháng Ba năm 2007, đã đưa ra cái nhìn về tương lai của Little Saigon thuộc Quận Orange như sau:
“Những thay đổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ mang thêm tính đa văn hóa vào Quận Orange. Và rồi, cũng như đối với các khu phố Tàu (Chinatown) trên đất Mỹ, chiều hướng này, một ngày nào đó, có thể sẽ làm mất đi bản sắc của “Little Saigon” khi thế hệ của lớp người già sinh đẻ tại Việt Nam mai một đi, và rồi có thêm nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc các thế hệ trẻ thích nghi với văn hóa Mỹ rời Little Saigon để dọn về sinh sống tại những cộng đồng cư dân khác giàu có hơn.”

Mặc dù có nhiều người luôn đả phá, chê bai, chỉ trích Cộng Ðồng Việt Nam trong khi họ chưa hề bỏ chút công sức nào vào việc xây dựng và phát triển tập thể này nhưng rõ ràng có một điều mà không ai có thể phủ nhận là Little Saigon vẫn tiếp tục mở rộng với tất cả tốt - xấu, tích cực - tiêu cực là do công sức, nỗ lực của rất nhiều người; trong đó có những người Việt Nam đã cống hiến, hy sinh, đóng góp hoàn toàn vô vị lợi mà chúng ta phải luôn trân trọng. Little Saigon và khu phố Bolsa hôm nay đã khá hơn sau 33 năm phát triển và không phải cộng đồng nào cũng làm được như vậy - đó là điều mà người Việt Nam có quyền tự hào.(4-2007)
































































































































1 comment:

  1. bài viết có cái nhìn rõ về cuộc sống người VN bên đó quá!
    Xem dự án Vinhomes Tân Cảng lớn nhất Việt Nam Bán căn hộ Central Park | Ban can ho Central Park

    ReplyDelete