Sunday, June 19, 2011

Trung Quốc(3)






























































































































































































































































































































































































































































































































































































































































































TÀI NGUYÊN DU LỊCH TRUNG QUỐC
Trung Quốc là một quốc gia đất rộng vật cả, lãnh thổ rộng lớn, mỗi vùng mỗi nơi đều có những đặc sắc riêng. Vùng này chất phác cổ kinh, vùng kia thương mai sầm uất, vùng này hào phóng nguyên sơ, vùng kia văn minh thanh lịch. Có thể nói mảnh đất thần châu này non nước tú lệ, văn hoá sán lạn, lịch sử lâu đời, phòng tục đa dạng nhiều vẻ, quả là một đất nước giầu tài nguyên du lịch với sức hấp dẫn dịu kỳ
Trung Quốc nằm ở phía Đông cuả Châu Á,với diện tích khoảng 9.600.000 km2 bao gồm 56 dân tộc anh em như : Hán, Mãn, Mông cổ, Hồi, Tạng, Vây-uô Choang, Ca-dắc, Ta-gích, U-dơ-bếch, Kirgiz, Nga-la-tư, Olunchun, Owenk, Tartar, Tahur, Sibo, Triều Tiên, Mèo, Di, Bu-y, Hani, Động, Dao, Tu-chia, Li-su, Khương, Bạch, Na-xi, Pu-mi, Thái, Lê, Wa, Xá, Cao sơn, La-hu, Thuỷ, Đông Sơn, Ching-po, Pu-yi, Pu-lang, Mu-lao, Thổ, Che-la, Te-ang, Mao nam, Ke-lao, A-chang, Nu, Bảo an, Yu-ku, Kinh, Lo-pa, Mon-ba, Ho-che, Ki-no, Tu-lung . Trong đó dân tộc Hán là đông nhất, chiếm khoảng 92% dân số Trung Quốc.
Quốc Hoa: chưa quy định, gấu Panda là thú biểu tượng của TQ
Quốc khánh: Ngày mng 1 tháng 10
Tiền tệ: Nhân dân tệ ( RMB)
Thời gian: 8 giờ GMT
Dân số: Khoảng xấp xỉ 1 tỷ 260 triệu, là quốc gia có số dân đông nhất thế giới.
Đỉnh núi cao nhất: là đỉnh Cho-mô-lang-ma Trên dẫy núi Himalayas, độ cao 8848m so với mặt nước biển.
Diện tích đất :khoang 9.600.000 km2. Là quốc gia có diện tích lớn thứ ba trên thế giới.
NHỮNG DANH NÚI VÀ CỔ TÍCH
Tứ đại Danh sơn Phật Giáo
Ngũ đài sơn ở tỉnh Sơn Tây, Núi Nga Mi ở tỉnh Tứ Xuyên, Cửu Hoa Sơn ở An Huy, Phổ Đà Sơn ở tỉnh Chiết Giang

Ngũ Nhạc (Năm núi cao)
Bắc Nhạc Hằng Sơn ở tỉnh Sơn Tây, Tây Nhạc Hoa Sơn ở tỉnh Thiểm Tây, Đông Nhạc Thái Sơn ở tỉnh Sơn Đông, Nam Nhạc Hằng Sơn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Nhạc Tùng Sơn ở tỉnh Hà Nam.
Tam đại danh lầu Giang Nam
Hoàng Hạc Lầu ở Vũ Hán Hồ Bắc, Nhạc Dương Lầu ở Hồ Nam, Đằng Vương Các ở Nam Xương Giang Tây
Thất đại cổ đô
An Dương, Khai Phong, Lạc Dương, Tây An, Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu

Thất đại tường thành cổ
Tường Thành Huyện Thọ An Huy, Tường thành Kinh Châu Hồ Bắc, Tường thành Nam Kinh, Tường thành Tây An Thiểm Tây, Tường thành Hưng Thành Liêu Ninh, Tường thành Bình Dao Sơn Tây, Tường thành Sùng Vũ Phúc Kiến.


Bát đại danh quật (hang núi)
Mạc cao quật Đôn Hoàng Cam Túc, Thạch quật (hang đá) Mạch tích sơn Cam Túc, Thạch quật Vân cương Đại đồng Sơn Tây, Thạch quật Long Môn Lạc Dương Hà Nam, Thạch quật Đại Túc Tứ Xuyên, Thạch quật Núi Tu mi Cố Nguyên Ninh Hạ, Đông nghìn phật Cơ-chir Bái Thành Tân Cương, Động nghìn phật Pa-chi-lích Tu-lu-pan Tân Cương.

CÁC TỈNH VÀ THÀNH PHỐ TRUNG QUỐC:
Tỉnh
Jiangsu Giang Tô Gansu Cam Túc
Jiangxi Giang Tây Jilin Cát Lâm
Guangdong Quảng Đông Liaoning Liêu Ninh
Guizhou Quy Châu Qinghai Thanh Hải
Hainan Hải Nam Shaanxi Thiểm Tây
Hebe Bắc Shandong Sơn Đông
Heilongjiang Hắc Long Giang Shanxi Sơn Tây
Henan Hà Nam Sichuan Tứ Xuyên
Hubei Hồ Bắc Yunnan Vân Nam
Hunan Hồ Nam Zhejiang Chiết Giang
Khu tự trị dân tộc
Guangxi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây
Inner Mongolia Khu tự trị Nội Mông
Ningxia Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ
Tibet Khu tự trị TâyTạng
Xinjiang Khu tự trị dân tộc Vây-uô Tân Cương
Thành Phố Trực thuộc Trung ương
Bejing Bắc Kinh (Thủ đô)
Shanghai Thựơng Hải
Tianjin Thiên Tân
Chongqing Trùng Khánh

http://wulinmingshi.files.wordpress.com/2009/04/wutai-shan2.gif?w=450&h=301Khởi hành ngày 12/10/1998 từ Hoa Kỳ phái đoàn chúng tôi tới thành phố Thượng Hải vào lúc 6 giờ tối ngày 13/10/1998, chúng tôi ngủ tại khách sạn Galaxy và sáng sớm hôm sau thì được hướng dẫn đi thăm thị trấn Tô Châu bằng xe bus.

1. Cuộc viếng thăm thị trấn TôChâu (Suzhou)
Tô Châu (Suzhou) : Thị trấn Tô Châu cách thành phố Thượng Hải chừng 60 cây số về hướng tây. Tại đây, chúng tôi được lần lượt hướng dẫn đi xem Ðồi Hổ Khâu (Tiger Hill), Chùa Hàn Sơn (Hàn Sơn Tự ), vườn nhà họ Lưu (Lưu Viên), cầu Ngô Kiều và cổng thành cổ Cô Tô.
Ðồi Hổ Khâu (Tiger Hill)
Theo truyền thuyết, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc (năm 770-476 trước Công Nguyên) nơi đây là nước Ngô. Sau khi một ông vua nhà Ngô chôn cất vua cha tại ngọn đồi này thì ba ngày sau có con hổ trắng xuất hiện nên người ta gọi nơi đây là Ðồi Hổ Khâu.
Trong phạm vi đồi có một di tích mà người ta gọi là giếng rửa mắt. Giếng này có lịch sử là vào thời nhà Lương (năm 502 TL) có một vị sư trụ trì ở ngôi chùa gần đây, hàng ngày vị đó đi gánh nước từ sông lên chùa, một hôm vị đó đánh đổ thùng nước và thấy vết nuớc thấm sâu, vị đó liền đào giếng ở chỗ đó, và cứ tiếp tục đào sâu thì tìm thấy mạch nước rất trong và tốt, những người dân chúng quanh vùng dùng nuớc giếng rửa mắt thì sáng ra .
Ngay gần đó, còn có di tích vết thử kiếm của vua Hạp Lư. Vào thời Xuân Thu, vua nhà Ngô là Hạp Lư cho triệu người thợ rèn kiếm nổi tiếng là Can Tương và ra lệnh cho ông này rèn cho mình một thanh kiếm tốt, chém đá như bùn. Ông thợ Can Tương luyện kiếm, nấu sắt mãi không chảy. Về sau người vợ là Mạc Gia phải khấn cầu, cắt tóc và móng tay bỏ vào lò, đồng thời cả hai phải cắt ngón tay cho nhỏ máu của mình vào lò mới nấu chảy được sắt, và luyện được một cặp kiếm. Ông Can Tương biết tính tàn ác và đố kỵ của vua Hạp Lư, nếu dâng kiếm tốt thì thế nào cũng bị giết nên ông luyện ra một cặp kiếm, cây hùng (kiếm trống) mang tên là Can Tương và cây thư (kiếm mái) mang tên Mạc Gia. Ông dặn vợ cất cây kiếm thư đi, và nếu ông bị giết thì sẽ tặng cho người khác để trả thù cho ông. Sau đó ông mang thanh kiếm hùng đi dâng vua. Quả nhiên, Vua Hạp Lư thử kiếm chém xuống đá một nhát, chặt tảng đá ra làm hai, và khen là kiếm tốt, nhưng nhà vua sợ người thợ sẽ luyện kiếm tốt cho người khác hay là kẻ thù, nhà vua liền hô quân sĩ mang Can Tương đi chém đầu. Chỗ có tảng đá dài bị chặt đôi ra mà chúng tôi được xem ở đồi Hổ Khâu là nơi thử kiếm của Vua Hạp Lư ngày xưa.
Tiến sâu vào trong, người ta thấy gần nơi cái ao nhỏ có di tích Thiên Nhân Thạch (người ta gọi là tảng đá gật đầu). Tục truyền rằng ngày xưa có một vị sư đệ tử của nhà sư La Thập, giảng kinh rất giỏi. Một hôm vị đó giảng kinh Niết Bàn ở đồi Hổ Khâu này, giảng xong vị đó hỏi cử tọa lời mình giảng có phù hợp với ý Phật dạy không, thì lạ thay ngay cả mấy hòn đá chung quanh cũng gật đầu. Tại nước ta, trong chuyện Quan Âm Thị Kính đã có câu như sau:
Nhấp nhô đá cũng xếp quanh gật đầu
Ðó là từ điển tích "đá gật đầu" ở đồi Hổ Khâu này.
Phía sau Hổ Khâu có một cái tháp làm từ thời nhà Bắc Ngụy (sau nhà Hán). Tháp bị nghiêng đi một góc độ.
Kế đó phái đoàn lại được dẫn xem Khu vườn nhà họ Lưu (Lưu Viên).
Lưu Viên
Nơi đây là một khu vườn lớn của một vị phú hộ họ Lưu thời nhà Minh, ông xây cất khu vườn rất công phu, có những nhà nghỉ ngơi tiếp khách riêng từng mùa trong năm, khu nghỉ mùa đông, khu nghỉ mùa hạ. Trong khu vườn có rất nhiều giả sơn, và hồ sen lớn, cầu nhỏ bắc qua hồ. Trong các nhà nghỉ còn trưng bầy các bàn ghế cổ làm bằng gỗ quý, trên tường có treo những tranh cổ và những liễn đề thơ giá trị.
Sau khi bữa ăn trưa, chúng tôi được hướng dẫn đi xem ngay bên cạnh tiệm ăn, một xưởng thêu. Viên giám đốc giảng cho chúng tôi những kỹ thuật thêu rất công phu của xưởng này. Một người thợ phải có kinh nghiệm hàng 15 năm mới có thể thêu những bức thêu đẹp. Họ thêu bằng những sợi chỉ nhỏ đủ mầu, kể cả dùng tóc để thêu những thân con ngựa. Ngoài ra, chúng tôi còn được xem những tác phẩm tuyệt nghệ về ngành thêu, như những bức thêu tranh nổi, nhìn vào tranh con mèo mà thêu nổi lên như con mèo thật, hoặc những tấm vải thêu đặt trên khung quay, tấm vải này được thêu hai mặt, nghĩa là mặt trước thêu một đề tài, mặt sau thêu đề tài khác, cùng vào một miếng vải. Những bức thêu tuyệt tác này rất đắt cỡ từ 3 đến 5 ngàn dollars.
Kế đó chúng tôi được đưa đi thăm Hàn Sơn Tự, cách thị trấn Tô Châu chừng 6, 7 cây số.
Hàn Sơn Tự
Ngôi chùa này nằm bên bờ con sông đào, rất có thể là một nhánh của Ðại Vận Hà. Phía trước cửa chùa có một cây cầu đá bắc qua sông, nhưng đó không phải là Phong Kiều. Toàn bộ kiến trúc của chùa tương đối mới, người hướng dẫn cho biết ngôi chùa cũ đã bị phá hủy rất nhiều trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá. Ngôi chánh điện cũng kiến tạo bình thường như các ngôi chùa lớn ở Trung Hoa, không có vẻ gì đặc biệt cả.
Tại sao ngôi chùa lại có tên Hàn Sơn? Theo "Cao Tăng Truyện", thời Trinh Quán (790 TL) nhà Ðường, có sư Phong Can ở Chùa Quốc Thanh đi vân du vừa gặp lúc ngài Lư Khâu Dẫn đến trấn trị Ðài Sơn. Lư Khâu Dẫn hỏi sư rằng: Ở đây có người hiền không? Sư trả lời: Có Hàn Sơn Văn Thù và Thập Ðắc Phổ Hiền, hình dáng như người nghèo, lại tựa như người cuồng. Khi Lư Khâu dẫn tới trị nhậm, vào chùa thấy hai người, bèn cúi đầu chào. Hai người nói: Phong Can nhiễu sự! Ðoạn dắt tay nhau đi mất. Khi tìm di vật của họ thì chỉ tìm đuợc những bài kệ của hai vị, sau Lư Khâu Dẫn sưu tập các bài kệ thành ra hai quyển Hàn Sơn thi tập và Phong Can Thập Ðắc thi tập . Tương truyền, hai vị Hàn Sơn và Thập Ðắc về sau tu tại ngôi chùa ở Phong Kiều cách huyện Ngô, tỉnh Giang Tô, nên người ta gọi chùa này là Chùa Hàn Sơn.
Ngày nay trong khuôn viên Chùa Hàn Sơn có riêng một ngôi điện thờ hai vị sư Hàn Sơn và Thập Ðắc. Theo lời của người hướng dẫn viên du lịch thì các cặp thanh niên nam nữ ở địa phương sắp lấy nhau thường đến đây lễ để cầu mong được ban những phước lành hầu có hạnh phúc bền lâu. Tầng trên của điện thờ là tàng kinh các (nơi chứa kinh sách), và tầng trên nữa thì có thờ Tôn Hành Giả (tức Tôn Ngộ Không).
Bên trái Chùa có một ngôi tháp cao, kiến trúc tương đối mới. Hằng năm vào đêm trừ tịch (30 Tết), dân chúng vùng Tô Châu thường đến khuôn viên Chùa, duới chân tháp chuông, làm lễ giao thừa, và nhà chùa sẽ thỉnh 108 tiếng chuông để cầu xin Phật Tổ ban cho bá tánh những phước lành. (Phải chăng phong tục đánh chuông chùa nửa đêm này có liên quan đến bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế ?)
Chùa Hàn Sơn này được nhiều người biết đến là nhờ vào bài đuờng thi tuyệt tác Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế. Bài thơ đó đã được truyền tụng cả ngàn năm, và hầu hết các học trò của Trung Hoa đều phải học thuộc lòng bài này. Bài thơ đó như sau :
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Cụ Trần trọng Kim đã dịch bài thơ đóù theo thể lục bát như sau :
Quạ kêu trăng lặn sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Theo truyền thuyết thì nhà thơ Trương Kế chỉ là một thí sinh hỏng thi, khi đi về đến bến Phong Kiều, nhìn thấy cảnh đẹp Cô Tô, nửa đêm nằm trong khoang thuyền nên tức cảnh làm ra hai câu đầu, khi còn đang bí về các câu kế tiếp thì chợt nghe tiếng chuông Chùa Hàn Sơn nên bật ra ý thơ và làm ra hai câu kế tiếp. Bốn câu thơ trở nên một bài đường thi tuyệt tác truyền tụng cho đến ngày nay.
Nhưng người ta tự hỏi, thường thường thì các chùa chỉ có đánh chuông thu không vào lúc mặt trời lặn mà thôi, không hề có tục đánh chuông nửa đêm để làm mất giấc ngủ thiên hạ như vậy. Nhiều người muốn tìm hiểu tại sao chùa Hàn San lại đánh chuông nửa đêm. Vì vậy, người ta lại có một truyền thuyết khác khá vui về bài đường thi này.
Một đêm trăng kia, sư cụ trụ trì chùa Hàn San cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ :
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung.

Thao thức mãi trong phòng mà sư trụ trì cứ ngâm đi ngâm lại hai câu mà không nghĩ ra câu tiếp. Chú sa di theo hầu sư trụ trì cũng khá văn chương, chú quạt hầu thầy lâu quá, bèn xin phép ra ngoài đi tiểu. Ởû bên ngoài, ánh trăng chiếu xuống một vũng nước in rõ hình trăng tròn. Chú sa di đi tiểu xuống vũng nước làm hình ánh trăng tròn rung rinh bể ra làm nhiều mảnh. Tự nhiên, chú nảy ra ý của hai câu:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không.

Chú chạy vào thưa lên sư cụ trụ trì hai câu thơ của mình. Quả nhiên hai câu thơ của sư cụ ghép vào hai câu thơ của chú sa di thì thật là một bài thơ tuyệt tác. Ôâng Trần Trọng San đã dịch bài thơ như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ,
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không

Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ lấy làm đắc ý, bảo chú tiểu lên tháp đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ, cũng đêm đó trên thuyền ở bến Phong Kiều thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu kế tiếp cho hai câu :" Nguyệt lạc ô đề….". Tự nhiên chuông chùa Hàn Sơn đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc.
Chúng tôi đi vòng phía sau chùa thì gặp 1 gian thờ tổ, và một gian nhà ngang trong có trưng bầy các tấm bia đá (tấm bia nào cũng có khung kính bao bọc bên ngoài) đặc biệt có một tấm bia, với chữ khắc lớn cỡ 40cm, khắc nguyên bài thơ của Trương Kế với lạc khoản của Khang Hữu Vi vào cuối đời nhà Thanh. Còn các bia đá khác là những lời ca tụng cảnh chùa cũng như bài thơ của Trương Kế. Ðối diện với gian trưng bày các bia đá có 1 gian nhà ngang khác, trong có treo 3 cái chuông . Chúng tôi cũng không kịp hỏi người hướng dẫn về lịch sử những chuông này. Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết thì vào cỡ 10 thế kỷ về trước có một vị tăng Nhật Bản đã đưa chuông của chùa Hàn Sơn về Nhật. Gần đây chính phủ Nhật mới trao chuông này lại cho chính phủ Trung Quốc. Phải chăng một trong các quả chuông này là chuông đã gợi hứng cho Trương Kế làm thơ vào khoảng 12 thế kỷ trước.
Tiếp đóù, chúng tôi được hướng dẫn đi xem Ngô Kiều và thành cổ Tô Châu.
Ngô Kiều là một chiếc cầu đá xây cất bắc qua một nhánh sông đào. Ðây chính là một trong những kênh đào đầu tiên của nước Trung Hoa, có từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch). Kênh đào này có từ thời các vua Ngô Hạp Lư và Phù Sai, là công trình của Ngũ Tử Tư, nối thông được sông Hoài và Trường Giang. Ngô Kiều có những bậc đá lên cao rồi xuống thấp, chỉ dành cho người bộ hành qua mà thôi. Sau này người ta đắp hai cái rãnh để cho mọi người có thể đẩy xe đạp qua cầu.
Cách Ngô Kiều, cỡ 500m là một cửa thành cổ Cô Tô. Cô Tô vốn là thủ phủ của nước Ngô thời Xuân Thu (770-470 trước Tây Lịch). Vua nước Ngô là Phù Sai (con vua Hạp Lư) chiếm được nuớc Việt và bắt được vua Việt Câu Tiễn về giam lỏng. Trong thời gian bị giam cầm, Vua Việt Câu Tiễn chịu nhịn nhục, kể cả nịnh bợ vua Ngô bằng cách nếm phân để đoán bệnh, đồng thời nằm gai nếm mật để tự nhắc nhở khỏi quên thù xưa. Sau có người cận thần là Phạm Lãi bàn cách tiến dâng người đẹp Tây Thi, để cho vua Ngô ham mê tửu sắc mà quên viêc triều chính. Do đó, mà người ta gọi nàng Tây Thi là người đẹp Cô Tô. Về sau Vua Việt Câu Tiễn phục thù lấy lại được nước, giết được Vua Phù Sai và trả thù lại bằng cách lấy sọ của Vua Phù Sai làm cái bô đi tiểu.
Thành Cô Tô có tất cả 16 cửa thành, quãng cổng thành chúng tôi được xem là cái cổng thành duy nhất còn lại, một cổng thành được xây cất hàng 2400 năm về trước . Trước cổng thành có cái hào sâu nối vào sông đào và có cổng để mang thuyền vào trong thành được .
Chiều lúc 5 giờ , chúng tôi lên xe bus để trở về Thượng Hải. Sáng hôm sau, phái đoàn lấy máy bay đi Hoàng Sơn, để thăm viếng các Chùa ở Cửu Hoa Sơn và phong cảnh Hoàng Sơn. Như vậy chúng tôi đã không được xem thành phố Thượng Hải nhiều.

2. Cuộc hành hương tại Cửu Hoa Sơn
và viếng thăm Hoàng Sơn.
Trung Quốc có bốn cảnh núi lớn tại đó có rất nhiều Chùa đẹp, người Trung Quốc thường gọi là Tứ Ðại Phật Sơn.
- Thứ nhất là Ngũ Ðài Sơn (Wutai Shan) thuộc tỉnh Sơn Tây (Shanxi), nơi Văn Thù Bồ Tát hóa thân.
- Thứ hai là Cửu Hoa Sơn (Jiuhua Shan) thuộc tỉnh An Huy (Anhui), nơi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát hóa thân.
- Thứ ba là Nga Mi Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), nơi tu luyện của Phổ Hiền Bồ Tát.
- Thứ tư là Phổ Ðà Sơn thuộc tỉnh Triết Giang (Zhejiang), là nơi Bồ Tát Quán Thế Aâm thị hiện.
Trước khi tìm hiểu những danh lam Phật tích tại Trung Hoa, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua về lịch sử Phật Giáo Trung Quốc. (tham khảo các quyển Sử Trung Quốc và Lịch sử triết học Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê)
Thật là khó biết được chắc chắn Phật giáo vào Trung Hoa từ bao giờ. Trong cuốn Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc của Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm có chép lại bảy thuyết, nhưng chỉ có thuyết sau đây là đáng tin cậy .
Dưới đời Hán Minh Ðế Lưu Trang , nhà vua nằm mơ thấy một người từ phương Tây ánh sáng tỏa ra rực rỡ chiếu xuống cung điện nhà vua. Tỉnh dậy nhà vua kể lại giấc mộng cho các triều thần nghe, Thái Học văn nhân Phó Nghị giảng :" Thời Chu Chiêu Vương, Phật xuất thế ở phương Tây, mình tỏa ra ánh sáng. Có lẽ bệ hạ mơ thấy Phật". Nhà vua liền sai một đoàn sứ bộ gồm Trung Lang Tướng Thái Âm, Tiến sĩ Trần Cảnh, Vương Tuân cả thảy 18 người sang phương Tây thỉnh kinh. Khi đến nước Nguyệt Chi gần Tây Trúc gặp hai vị tăng là Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan đang hoằng dương Phật pháp. Phái đoàn bèn mời hai vị đó tới Trung Quốc. Hai vị chọn một con ngựa trắng để chở kinh Phật và tượng Phật để sang Ðông Thổ. Năm Vĩnh Bình thứ 10 (năm 67 TL) họ đến Lạc Dương. Hán Minh Ðế mừng rỡ sai dựng chùa Bạch Mã để thờ Phật và dịch kinh điển. Sau đó, hai vị này thấy phong cảnh Ngũ Ðài Sơn giống như cảnh núi Linh Thứu nên hai vị đó lập chùa ở núi này để dịch thuật kinh.
Hai vị đó đã phiên dịch được bộ kinh đầu tiên, kinh "Tứ Thập Nhị Chương". Riêng Trúc Pháp Lan dịch thêm được 5 bộ kinh nữa.
Sang thời Hán Hằng Ðế (148 TL). có một vị Thái Tử xứ An Tức (Parthia) là ngài An Thế Cao tới Lạc Dương, cùng với Nghiêm Phật Ðiêu dịch ra chữ Hán được 39 bộ kinh, tổng cộng 176 quyển .
Chúng ta cần ghi nhận là thời xưa muốn ghi chép, thì phải viết xuống thanh tre, vải lụa, hay thêu trên vải lụa. Mãi tới thời Hán Hòa Ðế (105 Tây Lịch), mới phát minh ra giấy. Ðó là công của vị hoạn quan tên là Thái Luân , phát minh ra giấy bằng lối dùng vỏ cây, giẻ rách và lưới cũ. Sau thời kỳ này thì mới phát minh ra mực (bằng khói đèn) thời Ngụy, Tấn (220-265 TL), tiếp đó sang thời nhà Tùy (581-617 TL) người ta làm ra bản in . Nhờ những phát minh kể trên người ta bắt đầu in kinh sách. Mãi đến cuối đời Ðuờng (618-907 TL), mới có việc in những loại sách thường thức.
Có điều đáng để ý là đạo Phật khi mới vào Trung Quốc thì các tín đồ Ðạo giáo (đạo Lão đã phát triển trước thời đó, nhưng không có tổ chức với hệ thống quy củ) đều thấy ngay nó hợp với họ; mà các vị tăng cũng thấy các tín đồ Ðạo giáo như là anh em của mình, còn các kẻ sĩ đạo Khổng thì xa với họ. Thực ra, Phật giáo và Ðạo giáo khác hẳn nhau : Phật giáo không nhận cái Ngã (ta) là thực, Ðạo thì trái lại; Phật tìm sự giải thoát ở Niết Bàn, Ðạo tìm sự trường sinh; nhưng cả hai tôn giáo đó có những điển giống nhau: thờ tự, trầm tư, luyện hơi thở, kiêng một số thức ăn v..v… Nhất là có truyện Lão Tử về già qua phương Tây, mà đạo Phật cũng ở phương Tây, cho nên tín đồ Ðạo giáo cho rằng Phật với Lão là một . Trong việc dịch kinh Phật, các vị tăng đã dùng ngay một số từ ngữ trong Ðạo Ðức Kinh mà lý giải Phậât giáo, do đó việc dịch kinh vào thời Hán không được chính xác.
Tới thời Ðông Tấn (đầu thế kỷ thứ 5) Pháp Hiển Ðại Sư qua Tây Trúc thỉnh kinh về dịch và từ đó mới có phong trào nghiên cứu đạo Phật, bỏ hẳn những bản dịch cũ đi mà dịch lại kinh cho đúng nghĩa hơn, chú thích rõ hơn.
Mãi tới đời Tùy (603 TL), nhất là đời Ðuờng (720 TL), mới có phong trào sáng tạo riêng Phật Giáo Trung Hoa, nhờ nhiều triều vua khuyến khích và nhờ nhiều vị cao tăng xuất hiện. Kết quả là Phật giáo Trung Hoa đời Ðường thịnh hơn ở Ấn Ðộ, và có nhiều nét đặc biệt (Ðại Thừa phát đạt hơn Tiểu Thừa, Thiền học phát triển) và truyền bá khắp cả Ðông Á. Ðó là một cống hiến của Trung Hoa cho tư tưởng Phật Giáo Ấn Ðộ.
Ðời Ðuờng lại có các vị cao tăng như Huyền Trang Ðại Sư và Nghĩa Tịnh đã qua Tây Trúc để thỉnh kinh đem về dịch. Ngài Huyền Trang (602-664 TL) đã sang Ấn Ðộ 10 năm và thỉnh về bằng đường bộ 657 bộ kinh . Trong 18 năm Ngài Huyền Trang đã tổ chức một ban dịch thuật, gồm những vị cao tăng thông cả Hoa Ngữ lẫn Phạn ngữ hợp tác. Công việc dịch thuật có phương pháp qui củ và kỹ lưỡng. Tới năm 663 Tây Lịch, Ngài đã dịch được 73 bộ, cộng là 1330 quyển. Ấy là chưa kể những quyển kinh Ngài cho dịch từ chữ Hán sang chữ Phạn.
Kế tiếp đó, Ngài Nghĩa Tịnh (631-713 TL) sống thời vua Cao Tôn và Võ Tắc Thiên. Ngài đã dùng đường biển qua Tây Trúc, sống ở đây 20 năm. Năm 695 TL, Ngài thỉnh về 400 bộ kinh nữa. Khi về tới Lạc Dương, Võ Tắc Thiên, rất mộ đạo, đi đón và giúp Ngài phương tiện dịch kinh. Nhưng Ngài không dịch được nhiều như Ngài Huyền Trang.
Công việc dịch kinh của hai Ngài chẳng những làm cho đạo Phật phát triển mạnh ở Ðông Á mà còn ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ và văn học Trung Hoa.
Ông Lương Khải Siêu đã viết về công nghiệp của Ngài như sau : " Dụng ngữ của Trung Quốc giàu thêm được trên 3 vạn ruỡi tiếng. Số đó căn cứ theo số danh từ trong quyển Phật Giáo Ðại Tự Ðiển. Có những tiếng dịch theo âm tiếng Phạn như: Niết Bàn, Sát Na, Phù đồ,v..v.., có tiếng thì dịch theo nghĩa như : chân như, vô minh, chúng sinh v..v..Mà thêm được 35 ngàn tiếng tức là thêm 35 ngàn quan niệm."
Nhờ dịch thuật kinh điển mà văn bạch thoại thời Ðường phát triển, vì lẽ khi dịch kinh người ta lựa những tiếng bình dị cho dễ hiểu. Do đó, dùng bạch thoại xen với cổ văn, lại thêm vì là kinh để tụng, cho nên phải chú trọng đến âm vận, và thứ văn đó gọi là biền văn. Do ảnh hưởng của Phạn ngữ, biền văn đã không dùng hư từ và đối ngẫu .
Vào thời xa xưa, số người biết đọc biết viết rất ít, sự truyền bá đạo Phật lan tràn tới những nơi hẻo lánh cũng đã mang theo sự hiểu biết văn tự, truyền bá văn học tới đó. Ðôi khi, trong một vùng xa xôi, vị tăng của chùa là người duy nhất biết đọc biết viết. Nhiều người trong dân gian cho con cái vào chùa đi tu, cũng mong con sẽ học hỏi được chút kiến thức. Trong lịch sử Trung Hoa, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lúc còn nhỏ cũng đã vào chùa đi tu, nhờ đó mà có kiến thức sau làm quan rồi sáng lập ra triều đại nhà Minh (Tại nuớc ta cũng có Vua Lý Công Uẩn cũng là sa di lúc còn nhỏ). Cũng vì đó, dưới thời nhà Minh đạo Phật phát triển rất mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Cửu Hoa Sơn (Jiuhuashan)
Theo khảo sát của ngành địa chất học, trước đây 200 triệu năm, Cửu Hoa Sơn vốn là biển cả. Cách nay 140 triệu năm, trái đất trải qua một cơn chuyển mình kịch liệt, bỗng nhiên mặt đất nổi lên giữa biển cả và biến thành lục địa. Những tảng nham thạch trên Thiên Ðài hiện nay chính là dấu tích còn lại từ thời xa xưa.
Cửu Hoa Sơn có tên cũ là Lăng Dương Sơn, gồm một dãy 9 ngọn núi cao diễm lệ, xa trông như chín anh em đứng kề vai nhau nên cũng được gọi là "Cửu Tử Sơn". Nhà thơ Lý Bạch từng ba lần đặt chân tới đây và đã đề thơ ca ngợi phong cảnh kỳ lạ này như sau:
Tích tại Cửu Giang Sơn
Dao vọng Cửu Hoa Sơn
Thiên hà quái lục thượng
Tú xuất cửu phù dung.

Từ đó, Cửu Tử Sơn được đổi tên thành Cửu Hoa Sơn.
Phong cảnh Cửu Hoa Sơn
Bên cạnh những Chùa cổ danh tiếng Cửu Hoa Sơn còn có những phong cảnh rất đẹp, trải rộng một khoảng diện tích trên 100km vuông ở phía nam tỉnh An Huy, giáp gần tới sông Trường Giang. Ngọn núi cao nhất là Thập Vương Ðỉnh (Xiwang) cao 1342m so với mặt biển, kế là ngọn Thất Hiền Ðỉnh (Qixian) cao 1337m, rồi tới ngọn Thiên Ðài Ðỉnh (Tiantai) cao 1306m. Ngoài ra còn hàng 30 ngọn núi khác cao ngoài 1000m. Trên một vài đỉnh núi có những tảng đá mang hình thù đặc biệt như Quán Âm thạch trên Quán Âm Ðỉnh, Mộc Ngư Thạch trên Thập Vương Ðỉnh, Hầu Tử Bái Quán Âm trên Nam Lạp Chúc Ðỉnh v...v... Các chùa nối liền nhau bằng những bậc đá, người ta ước lượng có trên 200 ngàn bậc đá tại đây. Trong núi còn có rất nhiều suối trong, có những suối mang truyền thuyết như Long Nữ Tuyền là nơi đức Kim Bồ Tát khát nước được Long Nữ hiện ra chỉ cho con suối, nên gọi là Long Nữ Tuyền, Kim Sa Tuyền là nơi nhà thơ Lý Bạch đã làm thơ và rửa nghiên mực ở đây. Phong cảnh mùa xuân ở Cửu Hoa Sơn đẹp tuyệt vời.
Lịch sử Phật giáo tại Cửu Hoa Sơn
Phật giáo bắt đầu có tại Cửu Hoa Sơn vào thời Nam Bắc Triều (420-589 TL) - Theo sử ghi lại thì vào đời Lương Vũ Ðế năm Thiên Giám thứ 2, đã có vị sư tên là Phục Hổ (Fuhu) đã tới núi này lập Chùa Phục Hổ. Vào cuối đời Ðông Hán, Cửu Hoa Sơn bắt đầu xây dựng chùa chiền và truyền bá Phật Giáo. Vào năm Vĩnh Huy thứ 4 nhà Ðuờng (tức năm 653 tây lịch) Ngài Kim Kiều Giác (Jin Qiao Jue), thuộc vương tộc Triều Tiên, vượt biển tới Cửu Hoa Sơn, thấy phong cảnh nơi đây mỹ lệ, bèn ẩn cư tu hành suốt 76 năm. Vào đời Ðường, năm Khai Nguyên 16 (tức năm 728 Tây Lịch) Ngài viên tịch. Theo sử liệu, khi Ngài Kim Kiều Giác qua đời, dung mạo vẫn tươi tỉnh như lúc còn sống. Núi vang những tiếng âm u, khỉ và chim đều ai oán khóc thương. Dưới đất phát ra ánh sáng rực rỡ. Nhục thân Ngài được giữ nguyên trong ba năm rồi chúng tăng thiếp vàng nhục thân của Ngài. Chúng tăng cho rằng Ngài là hóa thân của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, bèn chuyển Ngài vào Nhục Thân Bảo Ðiện. Từ đó, Cửu Hoa Sơn được coi như là nơi cho Phật Tử tới chiêm bái đức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. Vía Ngài vào ngày 30 tháng 7. âm lịch.
Từ cuối đời Ðường sang thời Ngũ Ðại, rồi qua đời Tống, đời Nguyên thì tại đây, Phật Giáo phát triển rất chậm tại Cửu Hoa Sơn. Nhưng sang đời nhà Minh và Thanh thì Phật Giáo phồn thịnh trở lại rất mạnh. Dưới thời nhà Minh, ba lần triều đình đã cho tiền để trùng tu lại Chùa Hóa Thành. Hai vị vua nhà Minh đã đến đây chiêm bái.
Sang đến năm Vạn Lịch thứ 1 (năm 1573 TL) dưới thời vua Minh Thần Tông, có Vô Hà Ðại Sư (Wu Xia) tới lập một cái am tại đỉnh Ðông Nhai để tu hành. Trong 28 năm, Ngài đã viết 81 phẩm Kinh Hoa Nghiêm bằng máu ở lưỡi và bột vàng. Ngài thọ126 tuổi. Trong ba năm nhục thân của Ngài còn nguyên vẹn. Các đệ tử cho Ngài là hóa thân Bồ Tát nên thiếp vàng nhục thân của Ngài, và truy thụy Ngài là "Bách Tuế Công." Sang niên hiệu Sùng Trinh ( 1630 TL), vua Minh Tư Tông sắc phong Ngài là "Ẩn Thân Bồ Tát". Ngày nay, nhục thân của Ngài vẫn còn được thờ tại Bách Tuế Cung.
Tiếp đó, cũng còn có các vị cao tăng khác như : Hải Ngọc Ðại Sư thọ 110 tuổi, tu tại Bách Tuế Cung nhục thân cũng được thiếp vàng và giữ cho tới ngày nay. Khoan Thành Ðại Sư tu tại Hoa Thiên Tự, cũng thọ tới 95 tuổi.
Sang đời nhà Thanh, hai vị vua là Khang Hy (Kangxi) và Càn Long (Qian Long) đã tới Cửu Hoa Sơn chiêm bái và ban cho 4 chữ cùng với bút tự "Cửu Hoa Thánh Cảnh" .
Vào thời nhà Thanh, Cửu Hoa Sơn có trên 150 ngôi chùa và từ 3 đến 4 ngàn tăng ni tu tập tại đây. Ða số các chùa tại đây đã bị phá hủy toàn diện hay một phần trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa, nhất là các tượng Phật cổ đã bị phá. Gần đây, từ năm 1987, người ta mới trùng tu lại các chùa. Ngày nay vùng Cửu Hoa Sơn có cả thẩy 79 ngôi chùa lớn nhỏ. Những ngôi chùa lớn ở đây ta phải kể: Hóa Thành Tự, Kỳ Viên Tự, Bách Tuế Cung, Ðông Nhai Tựï, Nhục Thân Bảo Ðiện, Cam Lộ Tự, Thiên Ðài Tự, Thiên Thai tự, Thiên Kiều Tự, Cổ Bái Kinh Ðài Tự.
Ngày nay các Chùa vẫn còn giữ được nhiều di vật Phật Giáo quý giá như chiếu dụ viết tay của các vua nhà Thanh như Khang Hy, Càn Long, cũng như bản "Aán Ðộ bối diện chân kinh" viết bằng tiếng Phạn. Các ấn ngọc do các Vua thời nhà Minh và Thanh ban cho.
Cuộc hành hương của phái đoàn Chùa Giác Hoàng tại Cửu Hoa Sơn
Chúng tôi tới phi trường Tunxi cỡ 8G30 sáng, xe bus chở chúng tôi ghé thị trấn Hoàng Sơn một lúc rồi đi thẳng đi Cửu Hoa Sơn. Từ Hoàng Sơn (hành trình 150km) chúng tôi đi ngang qua Thái Bình Hồ rồi tới khách sạn Cửu Long tại dưới chân Cửu Hoa Sơn lúc 1 giờ chiều. Ngay đó, chúng tôi được hướng dẫn lấy cable car (chữ nho gọi là huyền đạo, huyền là treo) lên thăm Chùa Thiên Ðài. Gần nơi bến cable car có một cây tùng rất cổ (1400 năm), có hình thù giống con phụng hoàng vẫy cánh , nên nó được mang tên là Phụng Hoàng Cổ Tùng. Người hướng dẫn đã không chỉ cho chúng tôi biết, mãi sau này đọc quyển sách giới thiệu Cửu Hoa Sơn mới rõ có cây tùng này. Cable car ở đây cũng khang trang, mỗi phòng ngồi được 6 người, chạy một lộ trình dài 1350m mang lên độ cao 476m, hết chừng 12 phút. Cable car chạy qua những rừng thông rất đẹp của Mẫn Viên, một vùng rừng thông của Cửu Hoa Sơn. Ra khỏi cable car, chúng tôi đi leo chừng vài chục bậc thang thì qua một cổng lớn rồi đi băng ngang sang Chùa Thiên Ðài. Chùa Thiên Ðài còn được gọi là Ðịa Tạng Thiền Lâm Tự được xây từ đời nhà Minh (thế kỷ thứ 14) và trùng tu lại vào thời Quang Tự nhà Thanh. Chánh Ðiện bề ngang chừng 30m sâu cỡ 8m xây trên sườn núi, trước mặt có sân rộng với 3 cái đỉnh lớn để thắp hương. Từ sân này, ta có thể nhìn ra cảnh bao quát chung quanh, núi non rất hùng vĩ. Những từng dưới, người ta còn đang xây cất lại. Sau đó , chúng tôi sang gian bên để chiêm ngưỡng vết chân của vị Bồ Tát, đây chỉ là vết chân còn trên khung bằng xi măng mà thôi.
Phía ngoài sân có cả chục người phu khiêng cáng mời chúng tôi dùng cáng đi lên thăm Chùa Thiên Thai, ở mãi trên đỉnh núi cao hơn. Nhưng vì hơi muộn rồi, chúng tôi không còn thì giờ để đi lên thăm chùa Thiên Thai và nếu trở xuống muộn thì e rằng không kịp chuyến cable car cuối cùng lúc 5 giờ chiều. Chúng tôi ra chụp ảnh thêm, dùng cable car đi xuống núi và về khách sạn.
Sáng sớm hôm sau 16/10/98 lúc 7G30, chúng tôi lại được dẫn lên thăm Bách Tuế Cung, lần này thì chúng tôi phải đi bộ và leo hơn 2000 bậc đá (hết 1 tiếng đồng hồ), lúc đầu trong phái đoàn ai ai cũng muốn thử sức trèo. Cùng đi với chúng tôi còn có hơn một chục người phu tự động mang theo cáng, họ chỉ chờ chúng tôi ai mệt quá thì dùng cáng và trả chừng 30 đô một chuyến (cả lên lẫn xuống). Cuối cùng chỉ có 7 vị là đi bộ nổi hết các bậc thang (trong số đó có kẻ viết bài này và Hòa Thượng Thanh Ðạm, mặc dù Thầy đã ngoại thất tuần rồi), kỳ dư các vị cao niên khác đều phải dùng cáng mà đi lên. Các bậc đá cũng khá rộng rãi cỡ trên 1m , cứ vài chục bậc thì lại có một chỗ phẳng để ngồi nghỉ chân, hai bên bậc đá họ trồng rất nhiều trúc hoặc tùng, gây cho khách bộ hành những cảm giác tĩnh mịch và đầy thi vị. Trên con đường lên , chúng tôi có gặp một vị sư Trung Quốc cũng lên hành hương, cứ ba bước vị đó lại quỳ lạy 1 lạy (tam bộ nhất bái). Gần tới chùa bậc đá nhỏ lại và hai bên có hàng tay vịn. Cuốn theo tay vịn là một giây xích sắt lớn, trên đó có móc nhiều ổ khóa. Sau này chúng tôi hỏi người hướng dẫn viên mới rõ, tại địa phuơng này các thanh niên nam nữ sắp lấy nhau, họ tới đây cầu nguyện cho lứa đôi được bền vững, và họ mang theo một ổ khóa rồi móc khóa vào xích sắt như một hành động khóa chặt mối luơng duyên với nhau lại. Ðây là một phong tục phổ thông ở Trung Hoa.
Lên hết bậc đá tới đỉnh núi có một cái sân rộng, rẽ sang bên trái ta sẽ thấy Bách Tuế Cung. Ngay ở cửa treo một cái bức hoành nền xanh chữ thiếp vàng ghi hai hàng chữ :
Ân tứ Bách Tuế Cung
Hộ Quốc Vạn Niên Tự,

Phần lạc khoản ghi là của Lê Nguyên Hồng, Tổng Thống Trung Hoa một thời gian ngắn , vào lúc sau cuộc cách mạng Tân Hợi 1911, kế vị Viên Thế Khải.
Chánh điện ở đây rất cổ kính và đơn sơ, chứng tỏ nơi đây là ngôi chùa nguyên thủy không bị hủy hoại nhiều trong cuộc Cách Mạng Văn Hóá. Chính giữa có bàn thờ đức Phật, bên trái người ta thờ nhục thân sơn son thiếp vàng của vị tổ sư là Vô Hà Ðại Sư, đặt trong một cái tủ kính.
Một cơ duyên khác, phái đoàn chúng tôi được vị sư trụ trì nơi đây mời vào phòng họp dùng trà đàm đạo. Vị sư trụ trì đã tặng chúng tôi mỗi người một miếng vải vàng trên có ấn dấu đỏ của Chùa (con dấu này là được Vua phong tặng cho chùa). Chúng tôi bước ra phía trước, bên kia sân rộng, sau khi lên mấy bậc đá là một kiến trúc mới, đó là Ngũ Bách La Hán Cung . Trong kinh Phật thường đề cập đến 500 La Hán theo hộ trì Phật. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, cũng có chuyện 500 La Hán kết tập Tam Tạng Kinh. Sau này căn cứ theo chuyện đó mà một số tự viện lập Ngũ Bách La Hán Cung.
Ngôi Ngũ Bách La Hán Cung hai tầng khá lớn này mới xây cách đây hai năm, vừa được khánh thành tháng trước (tháng 9/1998). trên cao hãy còn biểu ngữ nói về lễ khánh thành này. Ngoài sân hãy còn có những bia đá ghi công đức những người cúng tiền xây kiến trúc này (tất cả ghi là năm 1997). Tầng dưới là chánh điện rất rộng, với những tượng Phật lớn; tầng trên là bốn dãy tượng các vị La Hán, tượng nào cũng cao gần 1m dựng trong khung kính. Tượng và kiến trúc hoàn toàn là mới và rất đẹp. Ðặc biệt hành lang sau chánh điện khá rộng với những cột chùa sơn đỏ rất trang nhã và trông bao quát phía đàng sau là một phong cảnh dãy Cửu Hoa Sơn rất hùng vĩ.
Rời Bách Tuế Cung chúng tôi đi xuống lối khác, men theo những bậc đá tới thăm Ðông Nhai Thiền Tự. Ðây cũng là một kiến trúc mới làm gần đây. Vì chúng tôi đi xuống núi nên chúng tôi tới Chùa bằng phía sau. Vòng ra phía trước chùa là một bậc thang khá rộng, trông lên một đài lục giác có mái cong, trên cao có treo bức hoành phi với bốn chữ đại tự "Ðông Nhai Thiền Tự", từ căn nhà cao này nhìn ra bao quát cảnh trí chung quanh Cửu Hoa Sơn rất đẹp. Sau căn nhà nghỉ có thêm bậc đá nữa tiến lên chánh điện, bên phải chánh điệïn cũng có hành lang rộng trông ra phía dãy núi Cửu Hoa Sơn (giống như là hành lang của Ngũ Bách La Hán Cung). Phía đàng sau chánh điện có điện thờ Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.
Chúng tôi tiếp tục đi xuống núi qua môt cây cầu có ghi ba chữ đại tự " Phi Long Kiều", một lát sau thì đi qua Chùa Hoa Nghiêm. Ngôi chánh điện của Chùa này đang được trùng tu toàn diện, vật liệu xây cất ngổn ngang. Cột gỗ, xà, kèo đã được dựng lên nhưng chưa xây tường. Chúng tôi lại có cơ duyên, sư trụ trì mời toàn thể phái đoàn vào phòng khách dùng trà. Tại đây, vị trụ trì tặng chúng tôi mỗi người một cái đẫy vải mầu vàng trên có thêu hàng chữ "Cửu Hoa Sơn Hoa Nghiêm Tự" để làm kỷ niệm. Phái đoàn chúng tôi đã góp tiền để cúng vào việc tạo tác ngôi chùa. Sau đó, vị trụ trì ra ngoài chụp hình lưu niệm cùng phái đoàn và tiễn đưa.
Chúng tôi lại tiếp tục đi xuống thì tới Nhục Thân Bảo Ðiện, hay Nhục Thân Tự. Ngôi chùa này được xây từ năm Trinh Nguyên thứ 13 đời nhà Ðuờng (797 TL) và được trùng tu vào thời vua Ðồng Trị nhà Thanh (1862-1874). Chùa được xây cất ở ngay nơi mộ của đức Kim Bồ Tát (Kim Kiều Giác) . Truớc cửa chùa là một cái cổng lớn trên có bức hoành với bốn chữ "Phật Quang Dị Thải" (thải là tia sáng, còn đọc là thể) rồi tới hàng bậc đá rộng (cở 3m bề ngang) gồm 81 bậc, tiến lên một cái sân rộng trước chánh điện, trong sân có rải rác 4 đỉnh đồng lớn để thắp hương và đốt vàng mã. Từ sân này chúng ta có một cái nhìn bao quát xuống chân núi nhấp nhô những mái chùa rất đẹp. Phía trên cao nhất chánh điện có treo bức hoành phi nền đen chữ vàng ghi hàng chữ : "Hộ quốc nhục thân bảo điện", phía dưới là bức hoành phi nền vàng chữ đen ghi hàng chữ " Ðông Nam Ðệ Nhất Sơn" là bốn chữ vua nhà Thanh ban cho Cửu Hoa Sơn. Chúng ta không rõ trong lịch sử Trung Hoa, nhục thân đức Kim Bồ Tát đã giúp nhà vua những gì mà được phong hai chữ hộ quốc.
Trong chánh điện, ngay chính giữa là một cái bệ đá hoa, mà người ta nói là duới đó là nơi có nhục thân Kim Bồ Tát, phía trên bệ đá thờ tượng đức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. phía sau tượng là một bảo tháp bằng gỗ tám cạnh cao lên sát tới trần cao cỡ 5m, mỗi cạnh mỗi từng đều có những tượng đức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (có gần 100 pho như vậy). Giáp tường hai bên là hai hàng tượng của Thập Ðiện Diêm Vương đứng cao cỡ 2m.
Chúng tôi được hướng dẫn xuống qua 81 bậc đá trước cửa chùa, ra khỏi cổng chính và đi tiếp tới Ðịa Tạng Thiền Tự . Ðây là một ngôi chùa mới xây từ năm 1991, kiến trúc rất mới và giản dị, không nhiều mầu sắc như các chùa khác. Trong chánh điện có trần rất cao cỡ 10m, chính giữa có thờ Ðức Ðịa Tạng, hai bên là tượng hai vị thị giả. Thị giả bên tay trái là tượng vị tỳ kheo còn trẻ tên là Ðạo Minh tay cầm tích trượng, thị giả bên tay phải là tượng vị tôn giả có râu, đầu mang mão viên ngoại là Mẫn Công, cha của tỳ kheo Ðạo Minh. Ngài Mẫn Công nhờ con mà thành đạo và hai cha con trở thành hiệp thị của Bồ Tát Ðịa Tạng. Cả ba pho tương cao ngoài 2m, để trong một khung kính lớn. Hai bên giáp tường lại có thờ hai hàng Thập Ðiện Diêm Vương. Ngoài ra bên trái còn có thờ nhục thân của vị tổ thứ 9, chúng tôi chỉ được giới thiệu là quê quán ngài ở Giang Tô (không rõ có phải đây là nhục thân của Hải Ngọc Ðại Sư như đã nói ở trên không). Nhục thân được sơn đen, và đặt trong khung kính.
Vòng ra phía đàng sau là một bức tường cao trên có gắn những tượng nổi, chính giữa là tượng Ðức Ðịa Tạng, chung quanh là những tượng liên quan đến cảnh cửa tử như cảnh quỷ sứ nơi địa ngục, cảnh thuyền bát nhã, tượng đức Mục Kiền Liên v..v..
Chúng tôi xem trong quyển sách giới thiệu về Cửu Hoa Sơn, thì vùng núi này còn có hai ngôi Chùa cổ rất lớn nữa mà chúng tôi không được hướng dẫn đi xem là Kỳ Viên Tự và Hóa Thành Tự. Hai chùa cổ này có rất nhiều di tích lịch sử. Thật là đáng tiếc! (Trong sách này không thấy giới thiệu Ðịa Tạng Thiền Tự, do đó chúng tôi đoán đây là ngôi chùa hoàn toàn mới xây năm 1991 nên không thấy ghi trong sách).
Chúng tôi trở về khách sạn dùng cơm trưa, và ra xe bus lúc 2 giờ để đi Hoàng Sơn.
Tới thị trấn Hoàng Sơn lúc 5 giờ chiều, nghỉ lại khách sạn Ðào Nguyên (Tao Yuan) .
Giớùi thiệu Hoàng Sơn.
Hoàng Sơn là một dãy núi cao, có cả thảy 72 ngọn. Ngọn núi cao nhất là Hoàng Liên Ðỉnh (Lotus Peak) cao 1864m, kế đến là Quang Minh Ðỉnh. Tại đây có những cảnh rất đẹp, những đỉnh núi nhọn hoắt, vách núi thẳng đứng. Nhiều đỉnh núi có những tảng đá mang những hình thể đặc biệt, giống những người hay vật do đó được đặt tên như : Hoàng Liên vì nó trông như những cánh hoa sen; Phật Thủ vì nó trông như bàn tay Phật có năm tảng đá gần nhau như 5 ngón tay; Phi Vân Thạch vì chót vót đỉnh núi có một tảng đá cao; Hầu Tử Kiến Hải, là một tảng đá giống như con khỉ trông ra biển mây; Sư Tử Ðỉnh, vì có ngọn núi giống như đầu con sư tử v..v..
Trên các đỉnh núi hay vách núi có những cây tùng mọc cheo leo, cây tùng nào cũng có hình thù như những cây tán chồng chất lên thành nhiều tầng khác nhau. Loại tùng ở đây rất đặc biệt, rễ cây tiết ra chất dung dịch (acid) ăn vào chất thạch (granite) lâu dần tạo ra thành đất để tự sống. Do đó, ta thấy ở đây có những vách núi thẳng đứng, phẳng như một bức tường vậy mà có một cây tùng mọc cheo leo nhô ra, như một cánh tay vươn ra, thật là kỳ lạ.
Bốn mùa đều có những cảnh đẹp khác nhau. Vào mùa xuân thung lũng có đầy hoa thơm cỏ lạ; vào mùa hè cho ta những hình ảnh rõ ràng, những cảnh rạng đông hoặc hoàng hôn rất là thi vị; vào mùa thu mây thấp bay cuồn cuộn, đứng trên đỉnh núi trông như là một biển mây trắng nhấp nhô, ở giữa nhô lên những mỏm núi như những hải đảo; vào mùa đông tuyết phủ đọng trên những cành cây tùng mang lại một vẻ đẹp đặc biệt. Rất nhiều thi nhân Trung Hoa đời Ðuờng như : Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Bạch Cư Dị v..v.. đã tới đây thăm viếng và để lại những bài thơ tuyệt tác ca tụng nơi danh lam thắng cảnh này. Trước kia, môn hội họa chỉ có vẽ về nhân vật thôi, từ đời Ðuờng trở đi các họa sĩ như Lý Huấn, Vương Duy v..v..đã tới Hoàng Sơn vẽ phong cảnh núi non và khai sáng ra môn vẽ sơn thủy.
Cuộc du ngoạn Hoàng Sơn.
Sáng sớm ngày 17/10, chúng tôi được huớng dẫn đi thăm thắng cảnh Hoàng Sơn. (Chữ Hoàng ở đây có nghĩa là mầu vàng). Theo người hướng dẫn du lịch, ngày xưa Tần Thủy Hoàng đã tới núi này để lập đàn lễ cầu xin Trường Sinh Bất Tử. Chúng tôi lên Hoàng Sơn bằng xe treo (huyền đạo hay là cable car). Lên tới nơi, gió thổi mạnh và hơi lạnh, chúng tôi chia làm hai nhóm, ai cảm thấy xung sức thì theo người hướng dẫn đi thăm Quang Minh Ðỉnh, còn ai cảm thấy mệt mỏi, không đủ sức leo cao nhiều hơn thì đi theo về phía đông, nơi đây không phải leo dốc nhiều mà chỉ đi ngang thoai thoải, hẹn nhau gặp tại khách sạn Ðông Hải rồi ăn trưa tại đó. Trong đoàn du lịch có nhiều vị là độc giả trung thành của truyện kiếm hiệp Cô Gái Ðồ Long và Thần Ðiêu Ðại Hiệp khi nghe giới thiệu tới Quang Minh Ðỉnh thì nhớ ngay tới tích Hoàng Sơn Luận Kiếm trên Quang Minh Ðỉnh, đã hăng hái đi xem.
Những bậc đá đi thăm Hoàng Sơn rất rộng rãi, bề ngang cỡ 2m, bậc cao đều đặn và sạch sẽ. Thỉnh thoảng họ làm những bao lơn (point look-out) để du khách ngắm những phong cảnh hùng vĩ. Cũng có vài chỗ đặc biệt thì du khách phải trèo qua những tảng đá treo leo rồi mới tới những chỗ thưởng ngoạn nhỏ hẹp cỡ hai ba người lọt mà thôi: như chỗ ngắm ngọn núi sư tử (Lion Peak).
Về cảnh đẹp hùng vĩ của Hoàng Sơn, thì vĩ đại khó tả hết được. Những phong cảnh này chúng ta đã thấy rất nhiều trong những bức tranh sơn thủy của người Trung Hoa, ngày nay tới Hoàng Sơn thì đã thấy tận mắt là những cảnh đó.
Dọc đường chúng tôi gặïp rất nhiều người phu gánh những vật dụng hay thức ăn từ dưới chân núi lên tiếp tế cho khách sạn ở trên núi. Thỉnh thoảng cũng gặp những người phu quét lá hay rác ở dọc đường, chứng tỏ là chính quyền nơi đây rất chú trọng vào sự sạch sẽ và sự phục vụ du khách.
Khách sạn Ðông Hải ở ngay trên núi Hoàng Sơn rất sang trọng, xây cất dựa vào sườn núi, trông ra một phong cảnh núi non rất đẹp. Vào mùa hè, đa số du khách tới đây vào buổi chiều để được xem cảnh hoàng hôn, sau đó ngủ lại đêm để sáng sớm ngày hôm sau được xem cảnh rạng đông của Hoàng Sơn. Ðó là hai điểm mà du khách của khách sạn này được hưởng, còn như chúng tôi ở tại khách sạn dưới chân núi thì không được xem hai cảnh này. Tất cả các sách giới thiệu, giấy quảng cáo đều có ghi tiếng Anh và tiếng Nhật, chứng tỏ du khách Nhật Bản cũng tới đây rất đông.
Chúng tôi tự hỏi tại Trung Hoa chỗ nào có núi non đẹp đẽ, nơi đó đều có một vài ngôi Chùa. Tại sao tại Hoàng Sơn không thấy ngôi chùa nào cả? Chúng tôi đoán rằng ngày xưa tại đây chắc cũng có vài ngôi chùa nhỏ, nhưng trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá các chùa đã bị phá hủy, và khi chính quyền chỉnh trang lại Hoàng Sơn người ta không trùng tu lại các chùa, chủ ý để Hoàng Sơn là nơi thắng cảnh du lịch, không có mầu sắc tôn giáo xen vào.
Sau khi đi xem gần hết các phong cảnh, buổi chiều chúng tôi xuống núi và về khách sạn ăn tối, nghỉ đêm để sáng hôm sau lấy máy bay đi Bắc Kinh.
3 . Cuộc viếng thăm Bắc Kinh và Vạn Lý Trường Thành
Bắc Kinh là thủ đô của nước Trung Hoa ngày nay. Trong lịch sử, Bắc Kinh là nơi đóng đô của năm triều đại Trung Hoa, tức là triều Liêu (916-1201), triều Kim (1115-1234) thời đó gọi là Yên Kinh, triều Nguyên (1260-1368) thời đó gọi là Trung Ðô , triều Minh (1368-1622) và triều Thanh (1636-1911) gọi là Bắc Kinh.
Thành phố Bắc Kinh có diện tích là 16,000 km vuông, dân số 11 triệu (kể luôn cả 3.5 triệu dân ở vùng phụ cận). Ngày xưa Bắc Kinh chia ra làm nội thành và ngoại thành. Hoàng cung cũ nằm ở giữa nội thành.
Cuộc viếng thăm Bắc Kinh.
Chúng tôi từ Hoàng Sơn tới phi trường Bắc Kinh vào lúc 12 giờ trưa, chiều đến chúng tôi được hướng dẫn đi xem Di Hòa Viên ở cách trung tâm thành phố Bắc Kinh 12km về phía tây bắc.
Di Hòa Viên được Vua Càn Long xây dựng thành một nơi nghỉ mát mùa hạ để chúc thọ cho mẹ. Ðây là cả môt công trình xây cất vĩ đại, người ta cho khơi nước từ sông vào một cái hồ nhân tạo rất lớn, đất đào hồ vét lên đắp thành một ngọn đồi. Trên ngọn đồi này có xây một ngôi chùa. Gần đó, người ta xây một căn nhà thủy tọa có hình dáng giống như một chiến thuyền để nhà vua ngồi duyệt đội hải quân tập trận trong hồ.
Chạy dọc theo bờ hồ là những hàng cây liễu và một con đường đá, lác đác những cung điện nghỉ mát trông ra hồ. Những cung điện này được nối với nhau bằng một cái hành lang có mái che. Cột của hàng lang chạm trổ rất công phu, trên những xà ngang là những bứùc tranh cổ rất giá trị.
Ngoài ra, trong Di Hòa Viên còn có những vườn cây trồng đầy những hoa thơm cỏ lạ, những hòn giả sơn thật là đẹp mắt. Chúng tôi chỉ được đi xem có một phần Lâu Ðài Mùa Hạ, vì trời đã tối.
Buổi tối, sau khi được nếm món vịt Bắc Kinh (không ngon bằng ở Hoa Kỳ), chúng tôi đi xem xiệc nhào lộn do các em bé trình diễn. Buổi trình diễn thật là độc đáo. Các em được tập luyện thân hình mềm như sợi bún, co gập thân hình luồn vào những ống thật là gọn gàng.
Sáng hôm sau, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Thiên An Môn.
Ðây chỉ là một cái công trường rất lớn nằm trước Cấm Thành, phía bên kia là Quốc Hội. Tại đây còn có đài chiến sĩ của Hồng Quân. Công trường Thiên An Môn là nơi sinh viên Bắc Kinh đã biểu tình đòi tự do dân chủ vào tháng 5 năm 1989. Sau đó vào ngày 4 tháng 6 năm 1989 chính phủ Trung Cộng cho xe tăng tiến vào đàn áp dã man. Những hình ảnh người sinh viên hiên ngang đứng ngăn chặn trước xe tăng đã trở nên những tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của những người yêu chuộng tự do. Thiên An Môn trở thành nơi tượng trưng cho lòng khao khát tự do, ai ai tới Bắc Kinh cũng muốn ra đây chụp một tấm hình kỷ niệm.
Công viên này lúc nào cũng tấp nập du khách, cùng những công an chìm nổi rất nhiều.
Kế tiếp chúng tôi được hướng dẫn vào thăm Cấm Thành. Xin nói rõ vì ngôi cung điện cổ này bao vây bởi một bức thành dài sơn mầu đỏ, nên có tên Tử Cấm Thành (Tử đây có nghĩa là mầu đỏ xẫm, chứ đừng nhầm nghĩa với chữ tử là chết).
Mô tả Cấm Thành.
(Tham khảo tài liệu của Cụ Trần Văn Giáp)

Các cung điện, môn, viện trong Cấm Thành có 36 nơi, có nơi làm từ thời nhà Minh, có nơi làm từ thời nhà Thanh. Xin lược kê các nơi ấy sau đây, chia làm 4 mục, cung, điện, môn, viện.
Các Cung :
1. Kiền Thanh Cung, làm đời Minh; năm Gia Khánh (1797) nhà Thanh có tu sửa.
2. Khôn Ninh Cung, làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh (1655) có tu sửa.
3. Cảnh Dương Cung, làm đời Minh; năm Khang Hy thứ 25 nhà Thanh (1686) có tu sửa.
4. Thừa Kiền Cung làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh (1655) có tu sửa.
5. Cảnh Nhân Cung làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh (1655) có tu sửa.
6. Chung Túy Cung làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh (1655) có tu sửa.
7. Hàm Phúc Cung làm đời Minh; năm Khang Hy thứ 22 nhà Thanh (1683) có tu sửa.
8. Tràng Xuân Cung làm đời Minh; năm Khang Hy thứ 22 nhà Thanh (1683) có tu sửa.
9. Chừ Tú Cung làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 (1655) và năm Gia Khánh thứ 7 nhà Thanh (1802) có tu sửa lại.
10. Từ Ninh Cung làm đời Minh; năm Càn Long thứ 34 nhà Thanh (1769) có tu sửa lại.
11. Dực Khôn Cung làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 12 nhà Thanh (1655) có tu sửa.
12. Trùng Hoa Cung nguyên là một ngôi nhà thường đời Minh. Vua Càn Long nhà Thanh làm lại vào khoảng năm 1736.
13. Thọ Ninh Cung làm năm Càn Long thứ 37 nhà Thanh (1772).
14. Trai Cung, làm năm Ung chính thứ 9 nhà Thanh (1731); năm Gia Khánh thứ 6 (1801) có sửa lại.
Các Ðiện :
1. Thái Hòa Ðiện làm đời Minh năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417); năm Thuận Trị thứ 2 nhà Thanh (1645) tu sửa lại.
2. Trung Hòa Ðiện làm đời Minh; năm Thuận Trị thứ 2 nhà Thanh (1645) tu sửa lại.
3, Bảo Hòa Ðiện làm đời Minh (1420)
4. Giao Thái Ðiện làm đời Minh; năm Gia Khánh thứ 2 nhà Thanh (1797) tu sửa lại.
5. Thái Cực Ðiện, nguyên là Cung Khải Tường triều Minh, năm Khang Hy thứ 22 nhà Thanh (1683) có tu sửa lại.
6. Khẩm An Ðiện làm năm Gia Tĩnh thứ 14 triều Minh (1535)
7. Hoàng Cực Ðiện làm năm Khang Hy thứ 28 triều Thanh (1689) và năm Càn Long thứ 38 (1772) sửa lại.
8. Sùng Kinh Ðiện làm vào đời Càn Long khoảng năm 1736
9. Thể Hoà Ðiện làm vào năm Gia Khánh thứ 7 nhà Thanh (1802)
10. Thể Nguyên Ðiện làm năm Gia Khánh thứ 7 nhà Thanh (1802)
Các Môn
1. Ngọ Môn làm vào đời Minh, sửa lại nhiều lần.
2. Kiền Thanh Môn làm vào đời Minh; năm Thuận Trị thứ 7 nhà Thanh (1655) làm lại.
3. Thái Hoà Môn làm vào đời nhà Minh
4. Thần Vũ Môn làm vào đời nhà Minh, nguyên là Huyền Vũ Môn, đến đời Khang Hy đổi là Thần Vũ (vì húy tên vua Khang Hy là Huyền Việp)
5. Hoàng Cực Môn làm vào năm Càn Long thứ 37 (1772) nhà Thanh.
Các Viện
1. Ngự Hoa viên làm vào đời nhà Minh
2. Ngự Thư phòng làm vào đời Càn Long (thế kỷ 17)
3. Cửu Long Bích làm vào năm Càn Long thứ 38 nhà Thanh (1773)
4. Nôn Phương Trai làm vào thời Càn Long (thế kỷ 18)
5. Di Tình Thử sử làm vào đầu nhà Thanh (thế kỷ 18)
6. Lệ Cảnh Hiên làm vào thời Quang Tự (1875-1907)
Tất cả Cung, Ðiện, Viện trên đây đều thiết kế có trật tự, có nghệ thuật.
Phái đoàn chúng tôi đi qua khỏi Ngọ Môn qua một sân rộng thì tới Thái Hoà Môn. Tiếng môn là cái cửa, nhưng thật ra nó cũng lớn rộng chả thua gì một cung điện, trần và tường cũng được trang trí rất đẹp đẽ, vì ngày xưa đây là nơi phòng đợi rất lớn của những viên chức cao cấp để được nhà vua vời vào triều kiến. Ngày nay, cơ quan du lịch dùng nơi này làm nơi giới thiệu Tử Cấm Thành và bán đồ kỷ niệm.
Ði qua Thái Hòa Môn thì tới sân rồng, sân rộng bát ngát bề ngang hơn 1km bề dài non 1km, có thể chứa hàng ngàn người đứng chúc tụng nhà vua. Từ sân trông thẳng vào là Thái Hoà Ðiện nơi nhà vua ngự giá lâm triều. Ngôi Thái Hoà Ðiện làm trên nền cao 7m chia làm ba tầng nền, mỗi tầng nền có bao lơn đá chạm trổ rất công phu. Chính giữa có tấm bệ đá trên khắc chạm chín con rồng, dọc hai bên bệ đá là hai hàng bực đá để đi từ sân lên chính điện. Ðứng ngoài hành lang trông vào trong chính điện người ta vẫn còn bầy chiếc ngai vua đặt ở trên những bệ gổ chạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng. Thái Hoà Ðiện là nơi nhà vua ngự triều trong những buổi lễ lớn, những buổi đại lễ mà các quan triều thần mọi cấp đều phải tới dự, ăn mặc triều phục, đứng vào đúng vị trí tuỳ theo phẩm trật, tổng số người dự lên cả 2, 3 ngàn người.
Ði qua Thái Hòa Ðiện thì tới Trung Hoà Ðiện . Trung Hoà Ðiện xây cất trên nền nhà thấp hơn. Phía trong Trung Hòa Ðiện thì không có ngai vua ngự trên bệ cao nữa, mà chỉ có chiếc ngai ngự trên một bục cao, hai gian bên có những hàng ghế như phòng khách . Chính nơi đây là nơi nhà vua làm việc thường xuyên, tiếp súc với những cậïn thần giải quyết những vụ thường thức, hoặc sửa soạn sang Ðiện Thái Hòa thiết triều đại lễ.
Qua khỏi Trung Hòa Ðiện là Bảo Hòa Ðiện. Bảo Hoà Ðiệïn là nơi ngày xưa thời Minh gọi là Thần Ðiện . Thời vua Khang Hy, nhà vua và hoàng hậu thết tiệc quần thần và sứ thần các nơi vào dịp lễ giao thừa. Sang đời vua Càn Long, nhà vua dùng nơi đây để chấm thi Ðình (Ðình thí). Trong chính điện có ngai vua để trên bậc cao, có 3 hàng bậc để buớc lên bệ rồng.
Ba ngôi Ðiện : Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa xây ngang nhau cách nhau bởi 1 sân rộng. Hai bên phía tả hữu của ba ngôi điện là hai dãy nhà phụ thuộc . Phía sau 3 ngôi Ðiện này là một cái sân lớn, thẳng phía trước là Kiền Thanh Môn, để vào khu vực nhà vua và gia đình ở. Hai tả hữu sân đều có cổng đi sang các cung khác. Ðứng từ sân trông xa xa sang phía phải, chúng ta còn thấy một ngôi Chùa Lạt Ma và ngôi bảo tháp trắng.
Kiền Thanh Môn cũng là một kiến trúc lớn, cũng là nơi phòng khách rất lớn, nhiều khi nhà vua cũng ra đây làm việc (dưới hình thức bình thường bớt lễ nghi).
Kiền Thanh Cung được xây trên bệ đá cao cỡ 3m, có 3 hàng bệ đá bước lên hành lang cửa cung. Ðây là nơi nhà vua ở và làm việc cùng các quan đại thần bàn chuyện quốc sự . Thời Ung Chính nhà vua đã dấu di chúc chỉ định vị hoàng tử kế vị đàng sau bức hoành phi tại Kiền Thanh Cung này. Vua Ðồng Trị dùng nơi đây tiếp đãi sứ thần .
Tiến vào sâu nữa là Giao Thái Cung . Ðây là nơi Vua Càn Long dùng để chứa các quốc ấn . Sau này vua Gia Khánh cùng hoàng hậu ngự giá ra đây để quần thần chúc mừng trong dịp giao thừa.
Sau Giao Thái Cung là Côn Ninh Cung , nơi nhà vua thời Minh ăn ở . Bốn buồng bên phía tây là nơi nhà vua thờ Phật và nghe các Lạt Ma giảng pháp . Hai buồng bên trái là nơi ngủ của nhà vua. Các vua Khang Hy, Ðồng Trị và Quang Tự đã làm lễ cưới ở nơi đây. Riêng đám cưới của Vua Quang Trị rất xa xỉ tốn tới 10 triệu lạng bạc. Trông qua cửa kính, chúng ta còn thấy những phòng ngủ của vua và hoàng hậu.
Ra khỏi Giao Thái Cung thì ta đi qua một cửa lớn và vào Ngự Hoa Viên. Ngay gần cửa ra vào ta thấy một cây tùng cổ hàng trăm năm, cây này gồm hai thân cây cuộn soắn vào nhau, trông rất lạ. Trong vườn đủ loại hoa thơm cỏ lạ, và còn có một ngọn giả sơn rất lớn, trên đỉnh ngọn giả sơn có cả một ngôi điện thờ nhỏ.
Chúng tôi ra khỏi Tử Cấm Thành bằng cửa Bắc . Phía trên Bắc Môn người ta dùng làm nơi triển lãm văn hóa. Tất cảø xe bus đón du khách đều phải đậu nơi đây.
Buổi trưa, xe bus đón chúng tôi đi thăm Vạn Lý Trường Thành.
Mô tả và lịch sử Vạn Lý Trường Thành
Vạn Lý Trường Thành là công trình phòng ngự nổi tiếng của nhân dân Trung Hoa chống lại sự xâm lăng của các dân tộc du mục phương Bắc , trong suốt 2500 năm lịch sử.
Thực ra, Trường Thành đã có từ thời Chiến Quốc (475-221 trước Công Nguyên), lúc bấy giờ lãnh thổ Trung Hoa bị phân chia ra nhiều nước nhỏ, xâm lấn đánh nhau liên miên. Ðể phòng thủ, nước nào cũng xây dựng một bức trường thành. Ở phía nam có những trường thành của các nước Yên, Triệu, Tần. Khi nhà Tần (221-207 trước Công Nguyên) thống nhất Trung Quốc, nhà vua huy động hơn 30 vạn người xây nối các trường thành của các nước, đồng thời sửa sang thêm. Trải qua một thời gian bị gió mưa hủy hoại, đến nay trường thành nhà Tần đã không còn dấu tích. Từ nhà Tần về sau, trong các đời Hán, Bắc Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy v..v.. trường thành này đều có được tu sửa và xây dựng thêm.
Ðến thời nhà Minh (1368-1644), mặc dù Minh Thái Tổ đã dứt được nhà Nguyên, quân Mông Cổ phải lui về miền Bắc, nhưng họ vẫn duy trì một lực lượng đáng kể. Ðể đề phòng sự xâm nhập của Mông Cổ, vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đã huy động trên 1 triệu nhân công xây lại Trường Thành từ năm 1386 đến năm 1530 mới xong. Nếu tính từ Gia Cốc Quan đến Sơn Hải Quan thì Trường Thành đời nhà Minh dài trên 2500km. Ở giữa cứ cách 36 trượng lại đặt một vọng gác. Dọc theo Trường Thành nhà Minh lập ra 8 biên trấn để phòng thủ (Cam Túc, Cố Nguyên, Ninh Hạ, Du Lâm, Thái Nguyên, Ðại Ðồng, Nghi Phủ, Kế Châu), cùng với trấn Liêu Dương ở đông bắc gọi chung là Cửu Biên.
Trường Thành nhà Minh phần lớn được xây dựng trên các sống núi. Chổ cao nhất tới trên 1000m, chiều cao của tường thành từ 5m đến 10m tùy từng nơi. Mặt thành cũng rộng từ 5 đến 8m. Các đoạn thành có chỗ đắp bằng đất, có chỗ xen đá, trong đó có đoạn thành ở Bát Ðạt Lĩnh gần Bắc Kinh là kiên cố nhất. Toàn bộ đều xây gạch và các khối đá lớn. Hai bên mặt thành có lan can, giữa là một con đường bằng phẳng, xe ngựa đi lại được .
Hiện nay, từ Bắc Kinh du khách có thể thăm Vạn Lý Trường Thành ở hai nơi :
- Bát Ðạt Lĩnh, cách Bắc Kinh 70 km về phía Tây Bắc, nơi đây gần lăng vua nhà Minh.
- Mutianyu, mới tu sửa thành nơi du lịch, ở xa Bắc Kinh hơn, đi xe hết cả 2,3 tiếng đồng hồ mới tới nơi, nhưng nơi đây lại có cable car nên đi xem đỡ mệt hơn.
Viếng thăm Vạn Lý Trường Thành.
Chúng tôi được đưa đi thăm Vạn Lý Trường Thành ở Mutianyu, cách Bắc Kinh cỡ 1 giờ lái xe. Ðuờng đi là một xa lộ mới mở rộng rãi. Trên đuờng đi, chúng tôi thấy một nơi người ta đang xây cất một giải trí trường theo lối Tây Phương giống như Disney Land. Tới Mutianyu, chúng tôi được hướng dẫn đi cable car lên một nơi gần trường thành, sau đó đi bộ và leo một số bậc thang khá xa thì tới mặt Trường Thành. Trường Thành ở đây xây bằng gạch, rộng cỡ 4 hay 5m. có chỗ thì phải đi bộ dốc lên (không có bậc thang nhưng có tay vịn) , có chổ thì có bậc đá. Chúng tôi leo dốc một quãng thì lên tới một vọng gác ở đỉnh núi. Từ đây chúng tôi được nhìn bao quát ra chung quanh. Cảnh núi trùng trùng điệp điệp, Trường Thành trông giống như một con rồng lớn, uốn lượn trên các đỉnh núi cao. Ðây là một công trình duy nhất do con người xây dựng có thể nhìn thấy từ trên mặt trăng hay trên phi thuyền không gian.
Gần chiều tối, Ty du lịch tỉnh Sơn Tây cho xe bus xuống đón phái đoàn chúng tôi đi thị trấn Ðại Ðồng.

4. Viếng thăm Vân Cương Thạch Ðộng
& các di tích thuộc thị trấn Ðại Ðồng
Trung Hoa có ba cái động đá với nhiều di tích Phật Giáo (nhất là điêu khắc tượng Phật vào đá), đó là động Long Môn (tỉnh Hà Nam), động Ðôn Hoàng (tỉnh Cam Túc) và động Vân Cương (tỉnh Sơn Tây). Trong ba động ấy, Ðộng Vân Cương là có di tích lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất , có từ thời Bắc Ngụy (439 sau Công Nguyên).
Lịch sử Vân Cương Thạch Ðộng
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu hơn về nước Bắc Ngụy trong sử Trung Hoa.
Sau thời Tam Quốc (213-280 TL), Tấn truyền được có hai đời (265-317 TL) thì anh em tranh dành, nhờ vả rợ Ngũ Hồ chém giết nhau. Thời đó, Tây Bắc Trung Hoa có năm sắc tộc rợ: Hung Nô, Yết (chủng loại Mông Cổ), Tiên Ti (chủng loại Mãn Châu), Chi và Khương (chủng loại Tây Tạng). Lợi dụng sự phân tranh của Trung Hoa hai rợ Hung Nô và Tiên Ti chiếm phần đất miền Bắc và Tây Bắc Trung Hoa, từ đó bắt đầu thời kỳ Nam Bắc Triều kéo dài 250 năm.
Bắc Ngụy là tên nước của rợ Thác Bạt (tên một giòng họ làm chúa nhiều bộ lạc Hung Nô và Tiên Ti), chiếm cứ phía bắc tỉnh Sơn Tây ngày nay. Họ chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Á (Ấn Ðộ và Thổ Nhĩ Kỳ) nhiều hơn là Mông Cổ. Vua Thác Bạt chiếm cứ cả miền Ðông Hoa Bắc, bắt được nhiều tù binh Trung Hoa. Nhà vua do dự không biết dùng những tù binh đó vào việc gì. Theo lệ thì nhà vua phải chia đều cho các tù trưởng đã giúp mình thắng trận, nhưng đa số tù binh là nông dân, muốn cho họ làm ruộng để nuôi dân nuôi lính thì phải để cho họ ở lại quê họ, không thể phân phát cho các tù trưởng, vả lại phân phát như vậy thì làm cho các tù trưởng mạnh lên mà chính quyền trung ương yếu đi. Vua hỏi ý kiến bọn sĩ tộc Trung Hoa đã đầu hàng mà ông dùng ở trong triều. Họ bày mưu đừng chia cho các bộ lạc, mà cứ để nông dân tại quê, dưới quyền cai trị của một quan gốc gác trong miền, do triều đình bổ dụng, chỉ như vậy dân mới sản xuất đủ lúa nuôi chính quyền trung ương. Vậy là nông dân không phải làm nô lệ, mà các quan địa phương cai trị họ là người Hán, tất nhiên hợp tác với các quan cũng người Hán trong triều. Thế là tương lai của Thác Bạc nằm trong tay người Hán, cả về kinh tế lẫn chính trị, và người Thác Bạc bị Hán hóa trong vòng hơn một thế kỷ.
Lúc đầu, vua Thái Vũ khai sáng ra nhà Bắc Ngụy (năm 398 Tây Lịch), đóng đô ở Bình Thành (ngày nay là Ðại Ðồng), nhà vua thấy các tu sĩ Phật Giáo không có gì nguy hại cho chế độ cả, nên lệnh quân sĩ để yên cho họ. Ðến năm 435 Tây Lịch, thì có cuộc nổi dậy ở Lương Châu, nhà vua cho rằng nguyên do cuộc nổi loạn có tính cách tranh chấp tôn giáo giữa đạo Phật và đạo Lão. Vào năm 446 Tây Lịch, nhà vua nghe lời dèm siểm của hai vị quan, đã ra lệnh bắt bớ các tăng sĩ Phật giáo, đốt các chùa chiền. Mấy năm sau, vua Thái Vũ sinh ra bệnh tật, nên nhà vua sợ đó là cái nghiệp của mình về việc đốt chùa, nên khôi phục Phật giáo. Vị vua kế nghiệp là Văn Thành cũng chấn hưng lại Phật Giáo. Năm 452 Tây Lịch , Vua Văn Thành ra lệnh cho nhà sư Ðàm Diệu chỉ huy các dân công tạc 5 tượng Phật lớn (cao từ 21m đến 15m) tại 5 cái động đá ở núi Hằng Sơn, trong vòng gần 40 năm. Người đời sau này gọi 5 cái động này là "Ðàm Diệu Ngũ Ðộng"(động số 16 đến động 20) Trong sách vở không ghi rõ là do sự ép buộc của Vua Văn Thành hay do sự chiều ý của Sư Ðàm Diệu, mà 5 bức tượng lại có khuôn mặt giống 5 vị vua của triều Bắc Ngụy.
Ðến đời vua Hạo Văn (465-494Tây Lịch) rời đô xuống Lạc Dương, việc tạc tượng trong các thạch động khác vẫn tiếp tục.
Theo sử sách, chỉ từ thế kỷ 1 Công Nguyên, tại Ấn Ðộ mới sinh ra mỹ thuật Phật Giáo Kiền Ðà La (Fandhara) và thấy có hình tượng Ðức Phật Thích Ca ngồi. Người ta đã tìm thấy tượng Phật thuyết pháp bằng đá ở Mã Thổ Lạp (Manthura) tạc vào thế kỷ thứ 2; tượng Ðại Phật bằng đá ở Ba Mễ Dương, A Phú Hãn làm vào thế kỷ 1 và 3. Như vậy, chúng ta thấy kỹ thuật tạc tượng Phật vào núi đá, đã mang từ Ấn Ðộ vào đông bắc Trung Hoa từ thời thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên.
Mô tả Vân Cương Thạch Ðộng:
Vân Cương Thạch Ðộng có tất cả hơn 1,100 cái hang động và hang nhỏ (hốc) với 5,100 bức tượng. Nhưng chỉ có 53 cái động chính là đáng chú ý, có 9 bức tượng lớn cao trên trên 10m, cao dưới 10m có hàng 48,000 bức tượng Phật & Bồ Tát, và có hơn 3,000 tượng chư thiên hộ pháp. Những động chính chia làm 3 phần: Phần bên phải lối vào gồm động số 1 đến 4, phần chánh điện gồm động số 4 đến 13, phần bên trái từ động 14 đến 53.
Theo sách giới thiệu về Vân Cương Thạch Ðộng, động thứ nhất có một ngôi tháp cao đến trần, bốn tường chung quanh có khắc tượng Phật và Bồ Tát nhưng đa số tượng đã bị hư hao không còn nguyên vẹn. Duy còn bức tường quay về phía Nam thì có hình tượng Ngài Duy Ma Cật (Vimalakirti) và Ngài Văn Thù (Mansusri), theo như điển tích trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti Nirdesa Sutra).
Ðộng thứ hai cũng có ngôi tháp ở giữa, bốn tuờng chung quanh có điêu khắc tượng Phật, nhất là các tích tiền thân Ðức Phật (Jataka), cũng không còn nguyên vẹn, phía trước có con suối nhỏ nước chảy quanh năm.
Ðộng thứ ba là động lớn nhất trong tất cả các động, có phòng tiền đường và hậu đường, tiền đường dài 11 m, hậu đường sâu 42m, rộng 15m, cao 13m6. Trong động nơi chính giữa có tượng Phật Thích Ca ngồi ghế, cao 10m, đứng hai bên có tượng Bồ Tát đứng cao 6m2. Các tượng đều có khuôn mặt đầy đặn phúc hậu. Lối điêu khắc các tượng này khác với các động khác chứng tỏ các tượng này được khắc thời nhà Ðuờng (618 - 907) sau này.
Ðộng thứ 4 hình vuông, chính giữa là một cái cột, bốn mặt có điêu khắc tượng Phật, tường quanh bốn bên cũng khắc cả ngàn tượng Phật và sự tích Tiền Thân đức Phật (Jakata), tất cả đều bị hư hại, duy chỉ có tượng Di Lặc ngồi ở tường bên phải tương đối còn nguyên vẹn. Ngoài cửa động còn có bia đá ghi niên hiệu Chính Quang (520-525 Tây Lịch). Ðây là bia di tích nguyên vẹn ghi khắc từ thời Bắc Ngụy.
Ðộâng thứ 5 và 6 có một kiến trúc mặt tiền cao 5 tầng bằng gỗ xây cất năm 1651 đời nhà Thanh, được tu sửa lại năm 1955. Trong động thứ 5 hình bầu dục. Chính giữa là tượng Ðứùc Phật ngồi kết già cao 17m (đây là bức tượng lớn nhất trong Vân Cương Thạch Ðộng), chiều dài của chân xếp lại là 15m8, ngón tay giữa dài 2m3, bàn chân dài 4m6, đầu có chiều cao 5m6 và mũi dài 1m7. Hai bên tường có nhiều điêu khắc tượng Phật và Bồ Tát.
Ðộng thứ 6 phía trong hình vuông, ở chính giữa là ngôi tháp hai tầng (15m) cao tới tậïn trần, tầng trên cao 6m, tầng dưới cao 9m. Bốn mặt tháp tầng trên có điêu khắc Tứ Phương Phật, bốn mặt phiá tầng dưới, về phía Nam có có tạc tượng Thích Ca Mâu Ni, phía đông có tượng Ðức Bồ Tát, Phía tây có tượng Ðức A Di Ðà, phía bắc có hai tượng Thích Ca Mâu Ni và Phật Ða Bảo (Prabhutaratna) ngồi đối diện nhau, theo điển tích trong Kinh Pháp Hoa (Saddharma Pundarika Sutra) phẩm thứ 11 "Thấy Bảo Tháp". Trên trần và bốn tường chung quanh đều có điêu khắc các tượng Phật, Bồ Tát và các vị Thiên Long. Ðặc biệt là viền phía dưới tường và tháp là điêu khắc các tích Tiền Thân, hoặc đời Ðức Phật từ khi mới sanh tới thành đạo.
Ðộng thứ 7 và 8 đi đôi với nhau, có phần tiền điện và hậu điện. Ðộng thứ 7 có nhiều tượng bị hư hại, chỉ có trên trần có phần nguyên vẹn, khắc những thiên tướng bay quanh cái hoa sen. Tại bức tường phía nam có tượng 6 vị Bồ Tát, nét mặt cười tươi, tóc cuộn lên đầu, chân quỳ xuống.
Ðộng thứ 8 phiá bên phải có tượng thần Siva (Mahesvara) với 3 đầu 8 tay, cưỡi con bò. Về phía trái có tượng thần Vishnu (Kumarakadeva) với 5 đầu, 6 tay, cưỡi con công, tay cầm con chim bồ câu.
Ðộng thứ 9 và 10 đi liền với nhau, cũng có tiền điện và hậu điện, tiền điện hình bát giác, có hình voi đội cái cột. Cột đã bị thời gian hủy hoại nhiều. Trên tường hậu điện có những hốc nhỏ với những tượng Phât, Bồ Tát, hoặc tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi cạnh Phật Ða Bảo, tượng Di Lặc ngồi bắt chéo chân, tượng các vị thần Thiên Long. Trên phía trên gần sát trần thì khắc những hình thể chạm trổ rất đẹp, phần dưới tường thì điêu khắc những sự tích đức Phật. Ðộng thứ 10 còn khắc những cảnh Cực Lạc Quốc, cõi Nam Diêm Phù Ðề, Ðông Thắng Thần Châu v...v… đa số có lẽ là tượng đắp bằng đất thời nhà Thanh gần đây.
Ðộng 11 chính giữa có cái tháp cao tới trần, bốn phía có khắc tượng Phật, phần trên của búc tường phía đông có ghi 483 chữ, ghi lại lịch sử của động. Tường phía tây có tạc 7 tượng Phât đứng còn nguyên vẹn.
Ðộng thứ 12, bốn phía tường cũng có khắc những hình Phật. Ðặc biệt ở phần trên của tường chính có những hình các thiên thần cầm những nhạc cụ khác nhau, nhiều nhạc cụ rất kỳ lạ mà ngay nay không còn thấy.
Ðộng thứ 13 có tượng đức Di Lặc cao 12m95. Tay phải của bức tượng, có hai tượng nhỏ (tựa như thiên thần hộ pháp) dựa lưng vào nhau nâng cánh tay. Các nhà nghiên cứu cho là khi tạc cánh tay của bức tượng bị vết nứt rạn nên người ta cố tình dùng hai bức tượng nhỏ để nâng cánh tay và che vết nứt đi.
Ðộng thứ 14, phần mặt tiền bị xụp, chỉ còn phía trên bức tường có những tượng nhỏ còn nguyên mà thôi.
Ðộng thứ 15 hình vuông, bốn tường chung quanh có những hàng hốc nhỏ, mỗi hốc đều có tượng Phật nhỏ. Do đó người ta gọi động này là động Vạn Phật. Phần giữa của tường phía tây có khắc nổi những thiên long, sư tử, cá và rêu rong.
Ðộng 16 đến 20 mỗi động có 1 bức tượng Phật lớn tạc từ thời Bắc Ngụy do nhà sư Ðàm Diệu chủ trương.
Tại động thứ 16 có bức tượng Thích Ca Mâu Ni đứng trên tòa sen cao 13m5. Trên tường có nhiều hốc tượng Phật nhỏ.
Tại động thứ 17 có tượng Di Lặc ngồi chéo chân cao 15m6, tường bên đông có hốc (niche) tượng Phậât ngồi, tường bên tây tượng Phật đứng.
Ðộng thứ 18, tường chính có tạc tượng Phật đứng, cao 15m5, mặc áo cà sa hở vai hữu, trên áo cà sa còn cả ngàn hình phật. Hai bên tường còn có tạc 10 vị đệ tử Phật, nhưng chỉ còn một vài tượng là được nguyên vẹn. Trong số tượng đệ tử này có tượng tay cầm bình tịnh thủy, có tượng mỉm cười, có tượng ngoảnh đầu.
Ðộng thứ 19, phía giữa là tạc tượng Ðức Thích Ca ngồi trên ghế (bán già ỷ tượng), cao 16m7. Tường phía Nam có điêu khắc cảnh Ðức Thích Ca gặp La Hầu La.
Tại động thứ 20, không có cửa hay trần, gần như lộ thiên, tượng Phật ngồi kết già khoác áo hở vai hữu, hai tai rất dài, mũi cao, mắt nhìn xuống, tay chắp phía trước đã bị phá hủy nhiều. Bức tượng cao 13m7.
Theo truyền thuyết đã nói ở trên, các tượng ở động 16 đến dộng 20 có khuôn mặt giống 5 vị vua đời Ngụy. Khuôn mặt của bức tượng Thích Ca Mâu Ni của động 16 có nét mặt giống Vua Văn Thành nhà Ngụy, thậm chí cái nốt ruồi trên mặt và trên chân vua cũng đều hợp với tượng. Khuôn mặt tuợng Di Lặc ở động 17 có nét mặt giống vua Hiến Văn. Tượng của động 18 thì có nét mặt giống vua Thái Vũ. Tượng của động 19 giống vua Minh Nguyên và tượng của động 20 có khuôn mặt giống vua Ðạo Vũ. Các tượng của động 18, 19 và 20 tượng trưng cho tượng Tam Thế Phật.
Từ động 20 trở đi đến động 53 là các động nhỏ đục thẳng vào sườn núi, sắp xếp không có thứ tự thẳng hàng. Ða số động này là được điêu khắc sau khi nhà Ngụy đã rời đô từ Bình Thành (Ðại Ðồng) đi Lạc Dương.
Từ Vạn Lý Trường Thành, có xe bus của Ty Du Lịch Ðại Ðồng xuống đón chúng tôi, đi qua 600 km (hết gần 8 giờ đồng hồ) tới hotel của thị trấn Ðại Ðồng lúc 1 giờ sáng. Nghỉ qua một đêm ngắn, buổi sáng ngày 20/10/98 lúc 7 giờ chúng tôi khởi hành đi thăm Vân Cương Thạch Ðộng và Chùa Treo (Huyền Không Tự) .
Vân Cương Thạch Ðộng, nằm ở duới chân núi Vũ Châu, cách thị trấn Ðại Ðồng 16 km về phía tây. Bến xe bus đậu ngay tại dưới chân núi, trước cửa đi lên Thạch động có nhiều hàng quán bán đồ kỷ niệm, họ có cả một con lạc đà để du khách chụp hình kỷ niệm. Chúng tôi được hướng dẫn đi thẳng vào phần chính là động số 5 và 6 (do đó chúng tôi không có dịp xem động 1 đến 4). Trong động 5 và 6 người ta không cho phép chụp hình hay quay phim (nhưng chúng tôi cũng quay lén được khá nhiều). Bức tượng đá lớn trong động thứ 5 thật vĩ đại, Ðứùc Thích Ca mặc nguyên áo cà sa trùm cả hai vai (không hở vai hữu) có tay áo dài rộng, mắt Phật mở 3 phần và nhìn xuống. Thật là đúng với 32 vẻ đẹp. Những điều này chứng tỏ lối điêu khắc tượng Phật vào thời nhà Ðường sau này chứ không phải thời Bắc Ngụy. Sang động thứ 6, chúng tôi nhìn dưới ánh đèn điện ở các góc thấy ngôi tháp cao suốt đến trần, bốn mặt điêu khắc rấùt tinh vi, nhìn chung quanh đâu đâu cũng thấy tượng Phật. Dưới ánh đèn quá mờ, mà chúng tôi không có đủ thì giờ mà nhận thức ra tượng gì hoặc điển tích gì.
Ði ra phiá sân rồi sang động thứ 7 và 8, phiá ngoài vẫn có một mặt tiền xây cất như cổng chùa, mới xây dựng từ thời nhà Thanh, bên ngoài họ ngăn hàng rào không cho vào xem, chỉ đứng ngoài nhìn vào, tại đây có nhiều tượng đã bị hư mòn hoặc bị hủy hoại. Duy chỉ có tượng bảy vị Phật đứng trên cao là còn nguyên, có tô mầu sắc, không biết có phải là nguyên thủy như vậy không. Mặt tiền của động 9 và 10 có năm cái cột đá lớn, chiếc cột chính giữa có điêu khắc rất đẹp, nơi đây cũng lại có hàng rào ngay từ ngoài. Nhìn vào bên trong có nhiều tượng chạm trổ tinh vi, nhưng đa số cũng đã được tô mầu sắc. Sang các động 11, 12 và 13 cũng bị hàng rào không cho vào trong. Tại đây có nhiều điêu khắc các khung cửa, tượng Phật và các điển tích rất tinh vi. Nhưng đa số có tô mầu trong thời nhà Thanh. Người ta gọi 5 cái động từ số 9 đến 13 là Ngũ Hoa Ðộng. Qua các động 14-15, đi trong sân một quãng hơi dài, thì tới 5 cái động lớn đáng xem của Vân Cương Thạch Ðộng, động 16 đến 20. Như trên đã tả rõ, chúng tôi nhận thấy tượng Phật đầu có nhục kế, tóc hình xoắn ốc, tai dài chấm vai, vành tai tương đối lớn, đặc biệt mũi cao, chứng tỏ tượng Phật có nét người từ phương Tây qua. Trước bức tượng lộ thiên của động thứ 20 là có những cảnh đẹp, du khách ai ai cũng chụp hình tại đây. Sau đó, chúng tôi phải đi lối cầu thang dốc để lên những động kế tiếp (21 đến 53). Nhưng tại các động này mỗi động chỉ có 1 hay 2 tượng Phật đục nổi vào tường đá, có cái thì hư bị cụt đầu hay gẫy tay.
Trong phái đoàn của chúng tôi đã có vài vị đã đi thăm động Long Môn năm ngoái, các vị này đều công nhận là Vân Cương Thạch động đẹp hơn động Long Môn.
Sau khi chụp hình lưu niệm chúng tôi ra bus để đi thăm Chùa Treo.
Chùa Treo tên chính là Huyền Không Tự. (Huyền có nghĩa là treo chứ không phải là đen). Huyền Không Tự có nghĩa là Chùa treo trên không.
Ðây là một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo, ngôi chùa dựng ráp vào vách núi, chênh vênh trên suờn núi. Chùa có một lịch sử hơn 1400 năm (nghĩa là làm vào thời Bắc Ngụy). Ở duới đất nhìn lên thì chúng ta thấy, phần chính của chùa Treo ở phía bên phải, gồm hai gian, mỗi gian có 3 tầng, nối nhau bằng cầu thang chênh vênh ráp vào núi. Tất cả nền chùa của phần này được chống đỡ bằng những xà gỗ lớn cắm ngang vào vách núi, mỗi chiếc xà cách nhau chừng 1m, đồng thời xà gỗ tăng cường chống đỡ bằng những cột gỗ thẳng chống vào sườn núi.Còn phần bên trái là những nhà phụ thuộc và cổng vào Chùa, phần này làm trên khoảng nền vách đá rộng rãi vững chắc .
Chúng tôi xuống xe và được hướng dẫn đi qua một cái cầu gỗ treo bắc qua con suối rộng, tiếp đó đi một đoạn đường đất cỡ 500m rồi đi lên bậc thang cỡ 100 bậc thì lên một cái sân gạch , kế bên trái có một dẫy nhà dài, phần này làm trên khoảng núi đá vững chắc. Sau đó buớc qua một gian nhà nhỏ (tựa như cổng chùa) và bắt đầu bước lên một cái cầu thang nhỏ hẹp cỡ một người đi lọt, tiếp đó đi qua một cầu nhỏ cheo leo sang bên Chùa chính. Chùa chính chỉ có những điện thờ rất hẹp (cỡ chừng 2m bề sâu) , cộng với một hành lang chừng 80cm bề ngang đủ để 1 du khách đi qua (đi một chiều không đủ chỗ cho hai người tránh nhau) và lễ vọng vào trong điện thờ. Tầng trên cùng chúng tôi thấy có một ngôi điện thờ chung Tam Giáo: Phật, Lão, Khổng. Gian chính giữa có tượng Ðức Phật Thích Ca, gian bên trái có tượng thờ Thái Thượng Lão Quân, và gian bên phải có tượng thờ đức Khổng Tử.
Sau khi đi một vòng Chùa và chụp hình kỷ niệm, chúng tôi trở xuống và ra xe bus trở lại thị trấn Ðại Ðồng.
Sau khi ăn trưa, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Chùa Hoa Nghiêm. Chùa Hoa Nghiêm tọa lạc ngay phía tây thị trấn.
Chùa Hoa Nghiêm là một ngôi chùa cổ xây dựng từ thời nhà Liêu (ngang với thời Bắc Tống 916-1125 Tây Lịch). Chùa được chia làm hai phần : chùa trên và chùa dưới. Chùa trên (phía trong) là một trong những ngôi chánh điện lớn nhất Trung Hoa. Trong chánh điện có năm tượng Phật ngồi trên tòa sen sơn son thiếp vàng rất cổ, tường có vẽ những tranh cổ, trên trần trạm trổ rất tinh vi, mầu sắc đặc biệt. Tất cả còn nguyên vẹn, nên dân địa phương coi nơi đây là một di tích của nền văn hóa thời nhà Liêu và Kim (1200 TL, trước nhà Nguyên).
Chùa dưới (phía ngoài) ngày xưa làm nơi chứa kinh điển, chính giữa điện có 3 tượng Phật lớn với 28 mặït tượng chung quanh. vẻ mặt phúc hậu, tươi tắn .
Khi chúng tôi tới chùa thì nơi đây họ cho biết là chùa đang trong tình trạng tu bổ, nên không cho vào thăm hai ngôi chánh điện, chúng tôi đứùng bên ngoài hàng rào lễ vọng vào. Nhìn vào phía trong chúng tôi thấy có nhiều bức tượng Phật nhỏ (cỡ 1m2) mầu thiếp vàng đã phai nhạt, điều này chứng tỏ những tượng này là cổ và nguyên thủy, và đồng thời cũng biết là ngôi chùa này không bị phá hủy nhiều trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Cảnh chùa bên ngoài rất là đẹp, vẫn còn giữ được những nét cổ kính, như lầu chuông, lầu trống rất rộng lớn.
Kế đó, chúng tôi được dẫn đi xem Cửu Long Bích ở ngay thị trấn
Ngày xưa, người Trung Hoa rất tin phong thủy, nên phía trước những ngôi dinh thự lớn của quan đại thần người ta thường xây một bức tường lớn để án ngữ con đường cái đâm thẳng vào nhà, như để tránh những điều xấu.
Nguyên Cửu Long Bích này là bức tường dựng trước dinh thự của Hoàng tử thứ 13, con Vua Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (vào cỡ năm 1420 TL). Ðây là bức tường dài gần 50m, trên có đắp chín con rồng uốn khúc. Chúng ta không rõ bức tường này có là nguyên thủy không, nếu nó còn nguyên thủy thì Cửu Long Bích này cổ hơn cả bức Cửu Long Bích ở Bắc Kinh (làm thời nhà Thanh 1650 TL).
Trời đã về chiều, chúng tôi trở về khách sạn để ăn tối và sửa soạn ngày hôm sau đi thăm Ngũ Ðài Sơn.Cuộc viếng thăm Vân Cương Thạch Ðộng
của phái đoàn Chùa Giác Hoàn
5. Cuộc hành hương Ngũ Ðài Sơn
Lịch sử Ngũ Ðài Sơn.
Ngũ Ðài Sơn ( Wutaisan) nằm ở phía bắc của thị trấn Thái Nguyên (Taiyuan) 230km. Ngũ Ðài Sơn là nơi Phật tích lớn nhất trong tứ đại Phật Sơn ở Trung Hoa.
Ngũ Ðài Sơn có năm ngọn núi (trên đỉnh núi phẳng nên gọi là phong) , Vọng Hải Phong (Wanghai) ở phiá đông, Quế Nguyệt Phong (Guayue) ở phiá tây, Hiệp Ðầu Phong (Yedou) ở phía bắc, Cẩm Tú Phong (Jinxiu) tại phía Nam và Thuý Nham Phong (Cuiyan) ở trung tâm. Ngọn núi cao nhất là Hiệp Ðầu Phong cao 3058m. Thị trấn Ðài Hoài (Hoài có nghĩa là trong lòng), có độ cao 1,700m, nằm giữa thung lũng bao bọc chung quanh bởi năm ngọn núi. Tại thị trấn này có đủ sắc dân : Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, Thác bạt v..v..Ða số người dân ở đây giáng người thô kệch, sức vóc to lớn hơn người Trung Nguyên, gò má cao, môi dầy, mắt sếch, hàm răng trên hơi hô ra.
Ngày xưa, ngọn núi giữa còn có tên là Thanh Lương Sơn.
Thật ra, danh xưng Thanh Lương còn gắn với câu chuyện thần kỳ. Tương truyền, vào thời thượng cổ, Ngũ Ðài Sơn là khu vực có khí hậu khắc nghiệt khác thường, mùa đông nước đóng thành băng; mùa xuân cát bay đá lở, mùa hạ cực kỳ nóng bức. Vì thế, nông dân không thể trồng trọt cấy cầy gì cả. Ðể giải trừ khổ nạn này cho chúng sinh, Ðức Văn Thù Bồ Tát đến Long Cung cầu viện, mượn về một tảng đá tên là "Yết Long Thạch". Sau khi ném tảng đá xuống thì cả khu vực bỗng nhiên mát mẻ, trong lành. Từ đó người ta gọi tảng đá thần kỳ ấy là "Thanh Lương Thạch" và xây cất Chùa Thanh Lương để thờ.
Lịch sử Phậât Giáo ở Ngũ Ðài Sơn
Theo lịch sử Trung Quốc, vào nămVĩnh Bình thứ 10 (Ðông Hán năm 58-75 sau Công Nguyên) Vua Hán Minh Ðế cử một phái đoàn sang Tây Trúc thỉnh kinh, phái đoàn đã mang kinh về đồng thời thỉnh được hai vị sư Ấn Ðộ là Ca Diếp Ma Ðằng (Kasyapamatanga)và Trúc Pháp Lan (Zhufalan) về Trung Quốc giảng kinh và phiên dịch.
Mấy năm sau, hai vị tăng này đi qua vùng Ngũ Ðài Sơn thấy nơi đây có phong cảnh giống như núi Linh Thứu (nơi Ðức Phật thuyết giảng), nên tâu trình lên nhà vua. Vua Hán Minh Ðế liền cho xây dựng Chùa Linh Thứu tại đây. Như vậy, chùa Linh Thứu ở Ngũ Ðài Sơn có cùng một thời với chùa Bạch Mã ở Lạc Dương.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu chùa khác đã được xây cất trong các triều đại kế tiếp. Riêng đời nhà Ðuờng nơi đây đã có trên 300 ngôi chùa.
Ngũ Ðài Sơn là nơi phát triển Phật Giáo từ lúc sơ khai, nên các Chùa tại đây chịu ảnh hưởng nhiều về những cuộc thăng trầm của lịch sử Phật Giáo Trung Quốc. Vào những triều đại nhà vua sùng bái đạo Phật, thì nhân dân được khuyến khích xây cất thêm những tự viện mới hoặc các tự viện cũ được cấp tiền tu sửa. Nhưng vào những triều đại nhà vua nghe lời những cận thần dèm pha, hoặc vì những lý do kinh tế, nhà vua hạn chế sự truyền bá đạo, nhiều khi ra lệnh đập phá chùa, lấy chuông và đồ đồng để đúc tiền. Trong lịch sử Trung Hoa có bốn cuộc pháp nạn mà người ta gọi là nạn " Tam Vũ nhất Tôn".
Nạn thứ nhất xảy ra vào năm 446 sau Công nguyên, vua Thái Vũ (Tai-Wu) nhà Bắc Ngụy (North Wei), nghe lời dèm pha của hai vị quan là Thôi Hạo (Cui Hou) và Khấu Khiêm Chi (Kou Qian Zhi) cho rằng nguyên do cuộc nổi loạn ở Lương Châu (Liangzhou) là sự tranh chấp giữa Phật Giáo và Lão Giáo. Nhà vua đã ra lệnh đàn áp Phật Giáo, đốt chùa, phá tượng, giết tăng. Mấy năm sau, nhà vua lâm bệnh nặng, và cho rằng đây là quả báo của việc đốt phá chùa, nên nhà vua chuyển ý và bắt giữ hai viên quan siểm nịnh kia, và cho phục hồi Phật Giáo. Vị vua kế tiếp là Văn Thành Ðế (Wen Cheng) lại rất sùng bái và có công trong việc phát triển Phật Giáo.
Nạn thứ hai xảy ra vào năm 560 sau Công nguyên, thời Hậu Chu vua Chu Vũ Ðế. Nhà vua ra lệnh các quan trong triều bình luận về sự hay dở của ba đạo Phật, Lão, Khổng. Cuối cùng, vào năm 573 Tây Lịch, nhà vua ra lệnh triệt hạ đạo Phật và Lão, các kinh sách bị đốt, chùa và tượng bị phá hủy. Các tăng sĩ, đạo sĩ phải hoàn tục.
Nạn thứ ba xảy ra vào năm 840 Tây Lịch, thời vua Ðuờng Vũ Tông (Wuzong). Lúc lên ngôi nhà vua vốn tin đạo Lão; sau nghe lời sàm tấu của tể tướng Lý Ðức Dụ, và đạo sĩ Triệu Quy Chân, nhà vua cho là Phật giáo là tôn giáo của bọn man di Tây Vực, người Hán không nên theo. Nhà vua ra lệnh kê khai và giảm bớt số tăng ni trong nước, phá hủy bớt các chùa, sung công tuợng vàng, đồ thờ bằng đồng để đem đúc tiền. Nhiều ngôi chùa ở Ngũ Ðài Sơn bị phá hủy. Năm 846 Tây Lịch, vua Vũ Tông chết, Tuyên Tông lên thay, nhà vua này cho phục hưng lại Phật Giáo và kết tội tử hình đạo sĩ Triệu Quy Chân.
Nạn thứ tư , vào năm 955 Tây Lịch thời Hậu Chu, vua Chu Thế Tôn (Shizong). Vào lúc đó, nền kinh tế suy đồi, nhà nuớc thiếu tiền tiêu dùng, nên vua ra những lệnh bề ngoài có vẻ làm trong sạch Phật Giáo, nhưng bề trong thì dụng tâm sung công các tượng vàng, cũng như đồ thờ tự bằng đồng để đúc tiền. Năm Hiển Ðức thứ hai, nhà vua ra lệnh phá bỏ 3,336 ngôi chùa cùng sung công vô số các đồ thờ, tượng Phật để đúc tiền. Năm Hiển Ðức thứ 6, các nơi loan truyền một chuyện lạ là có một tượng Phật Ðại Bi rất linh thiêng, không ai dám đến gần. Chu Thế Tôn nghe nói thân chinh đến ngôi chùa này và tự tay cầm búa bổ vỡ ngực tượng Phật. Trên đường ra về, thì ngực nhà vua bỗng nổi lên một cái nhọt lớn, tới kinh đô thì chết. Vị vua kế tiếp phải ra lệnh ngưng ngay cuộc đàn áp Phật Giáo.
Bốn chữ "Tam Vũ Nhất Tôn" là chỉ vào ba vị vua: Ngụy Thái Vũ, Chu Vũ Ðế, Ðuờng Vũ Tông (ba Vũ) và Chu Thế Tôn (một Tông). Bốn nạn thời xưa chỉ ảnh hưởng tới một vài vùng nhỏ miền Tây Bắc Trung Hoa.
Thêm vào 4 nạn trên trong lịch sử còn có hai pháp nạn mới nhất là : vào thời kỳ chiếm đóng Sơn Tây quân đội Nhật bản đã lấy đi những tượng vàng, hay cổ vật; kế tiếp đó là cuộc Cách Mạng Văn Hoá gây tai hại cho toàn thể mọi nơi ở Trung Quốc, chùa chiền bị Vệ Binh Ðỏ đập phá nơi nơi.
Như vậy, một số chùa ở Ngũ Ðài Sơn đã bị hư hỏng theo thời gian, đa số bị đập phá trong các cuộc pháp nạn và Cách Mạng Văn Hoá.
Ngày nay, còn chừng hơn 50 ngôi chùa cổ lập sau thời nhà Ðường (thế kỷ thứ 9) vẫn giữ được nét cổ kính lộng lẫy. Nhiều chùa vẫn còn giữ được những ngôi tượng cổ và di vật thờ tự vô cùng quý giá. Tổng cộng các Chùa còn lưu giữ được 32,869 quyển kinh, trong số này 16,032 quyển được coi là kinh cổ quý giá. Chùa trên Ngũ Ðài Sơn chia ra làm hai tông phái: phái Phật giáo truyền thống và phái Lạt Ma.
Chùa theo phái Ðại Thừa phổ thông:
Hiển Thông Tự (Xiantong Temple ), Tháp Viện Tự (Tayuan Temple or Dagoba Temple), Vạn Phật Các (Wanfoge Temple), Quảng Tôn Tự (Guangzong Temple), Viên Chiếu Tự (Yuanzhao Temple), Nam Thiên Tự (Nanchan Temple), Phổ Quang Tự (Foguang Temple), Long Tuyền Tự (Longquan Temple), Nam Sơn Tự (Nanshan Temple), Kim Các Tự (Jin-ge Temple), Thanh Lương Tự (Qingliang Temple), Trúc Lâm Tự (Zhulin Temple), Pháp Hoa Tự (Fahua Temple), Diên Khánh Tự (Yanqing Temple), Quảng Tế Tự (Guangji Temple), Tôn Thắng Tự (Zunsheng Temple), Cổ Phật Tự (Gufo Temple), Linh Nham Tự (Lingyan Temple), Bí Ma Tự (Mimo Temple), Ngũ Lang Tự (Wulang Joss Temple), Bảo Hoa Tự (Baohua Temple), Linh Phong Tự (Lingfeng Temple), Vạn Phật Ðỗng (Wanfo Cave), Phật Mẩu Ðỗng (Fomu Cave), Quán Hải Tự (Guanhai Temple), Phổ Hóa Tự (Puhua Temple), Ðại Loa Ðỉnh Tự (Dailuoding Temple), Bích Sơn Tự (Bishan Temple), Cát Tường Tự (Jixiang Temple), Phong Lâm Tự (Fenglin Temple), Thù Tượng Tự (Shuxiang Temple), Thê Hiền Tự (Qixian Temple), Phàm Tiên Tự (Fanxian-shan Temple), Bạch Phật Ðuờng (Baifa Room), Văn Thù Tự (Temple of Manjusri),
Các Chùa theo phái Lạt Ma (đa số là Thiền tông):
La Hầu Tự (Luohou LamaTemple)ï, Bồ Tát Ðỉnh (Pusading LamaTemple), Từ Phước Tự (Cifu LamaTemple), Quảng Hóa Tự (Guanghua Lama Temple) , Thất Phật Tự (Qifo Lama Temple) , Tập Phúc Tự (Jifu Lama Temple), Ðài Lộc Tự (Tailu Lama Temple) , Phổ Thọ Tự (Pushou Lama Temple) , Kim Cang Ðỗng (Jin gang Gratto Lama Temple) , Phổ Lạc Viện (Pule Lama Yard), Quán Âm Ðỗng (Guanyin Cave Lama Temple), Ngọc Hoa Trì Tự (Yuhua Pool Lama Temple), Thiện Tài Ðỗng (Temple Of Sancai Cave Lama Temple), Thiết Ngõa Tự (Tiewa Lama Temple) , Thọ Ninh Tự (Shouning Lama Temple), Tam Tuyền Tự (Sanquan Lama Temple),
Tham khảo sách giới thiệu Ngũ Ðài Sơn, sau đây chúng tôi xin mô tả một vài ngôi cổ tự lớn của vùng Ngũ Ðài Sơn. (Người Trung Hoa hay có những truyền thuyết thần thoại chúng tôi cũng xin kể ra luôn)
Hiển Thông Tự (Xiantong Temple).
Chùa Hiển Thông (Xiantong)là ngôi chùa lâu đời nhất tại Ngũ Ðài Sơn, nằm ở trung tâm thị trấn Ðài Hoài. Chùa được xây vào năm thứ 11 của Vĩnh Bình niên (Yongping)(năm 68 sau Công Nguyên), do vua Ðông Hán Minh Ðế, và được đặt tên là Ðại Linh Thứu Tự (Linjiu temple). Sang đến đời nhà Ðường (684-705 TL) Võ Tắc Thiên hoàng đế đã cúng chùa bộ kinh Hoa Nghiêm, do đó chùa được đổi tên là Ðại Hoa Nghiêm Tự (Huayan Temple). Ðến thời Vạn Lịch triều Minh (1576 TL), Chùa đổi tên là Vĩnh Minh Tự. Vua Thuận Trị nhà Thanh (1644-1661 TL) trùng tu lại chùa và đặt tên là Ðại Hiển Thông Tự.
Chùa tọa lạc trên khoảng đất là 4 mẫu (4 ha) gồm có hơn 200 phòng, chia ra làm 3 phần: phần giữa là các điện thờ, hai bên là các dẫy nhà thiền. Từ ngoài vào trong có 7 dẫy điện: tiền điện, Ðại Văn Thù điện, Ðại Hùng Bảo điện, Vô Lượng điện, Thiên Bát Văn Thù điện, ngôi chùa đồng và hậu điện. Ða số những ngôi điện này xây cất lại vào thời nhà Minh.
Tại sân trước Ðại Văn Thù điện có hai căn nhà bát giác được xây ngày 19 tháng 7 năm Khang Hy thứ 46 đời nhà Thanh. Mỗi căn có dựng một tấm bia đá trắng cao 3m, rộng 1m. Tấm bia bên trái có bút tự của vua Khang Hy, nét chữ rất đẹp, vì vậy người ta gọi đây là Khang Hy Bi. Còn tấm bia bên phải thì không có chữ, người ta gọi là Vô Tự Bi. Có lẽ khi người ta dựng bia lên, hy vọng có ai ghi viết tặng gì thêm không, nhưng vì vua Khang Hy nổi tiếng có bút tự đẹp, nên không ai dám sánh. Nếu trông từ trên cao thì dãy 7 ngôi điện thờ giống như con rồng mà hai con mắt rồng là hai căn nhà bát giác.
Ðại Văn Thù điện được trùng tu thời nhà Thanh, có rộng 5 gian , dài 5 gian. Mái điện cong, một tầng. Chính giữa có tượng Ðức Văn Thù cưỡi kim sư. Phía sau là tượng Văn Thù ngũ phương. Hai hàng bên giáp tường là 12 pho tượng các vị Bồ Tát.
Sân giữa Văn Thù điện và Ðại Hùng Bảo điện có một cái đồng hồ bằng đá (dùng ánh mặt trời mà xem giờ).
Ðại Hùng Bảo điện rộng 720 thước vuông. Ðiện có ba lớp mái cong. Nơi đây cũng còn được gọi là Chuyển Giác Ðiện (Zhuanjiao Hall). Giữa những mái chùa có điêu khắc những chim Ca Lăng Tần Già, hai con rồng hai bên, chính giữa là con phượng. Trên cao ở giữa chánh điện có treo một bức hoành với bốn chữ " Chân Quyền Như Ứng" (Zhen Quan Ru Yin) bút tự của Vua Khang Hy. Nơi bàn thờ có là 3 bức tượng lớn :tượng Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sakymuni) chính giữa, tượng Ðức Dược Sư Quang Như Lai (Baisajyaguru-vaidurya-prabhasa) bên trái, tượng Ðức A Di Ðà (Amitaba) bên phảiø. Hai phía những gian bên có bàn thờ tượng Ðức Văn Thù (Manjusri), Phổ Hiền (Samantabhadra), Quán Thế Aâm (Avalokitesvara) và Ðịa Tạng (Ksitigarbha). Hai bên giáp tường là hai dãy tượng Thập Bát La Hán.
Vô Lượng Ðiện, lập từ thời nhà Minh (cũng có truyền thuyết là ngôi điện thờ này do vị sư tên là Vô Lượng xây lên). Ngôi điện khá lớn rộng 7 gian, sâu 4 gian. cao 20m. Ðặc biệt người ta không thấy cột hay xà nhà ở nơi đây; do đó dân địa phượng gọi là Vô Lương Ðiện (lương đây có nghĩa là xà nhà). Tại nơi cửa chính có treo bức hoành với bốn chữ " Pháp Phổ Ðề Trường" (Fa Pu Ti Chang). Mái điện có 3 tầng, giữa những tầng mái để trống cho có ánh sáng lọt vào. Trong điện có tượng Ðại Nhựt Như Lai (Vairocana) ở chính giữa ngồi trên tòa sen rất cao, phía bên trái là tượng Vô Lượng Thọ Phật (Amitayus) ngồi trên tòa sen thấp hơn Phía bên phải có một bảo tháp bằng gỗ chạm trổ cao tới trần. Tháp này được làm vào thời Vạn Lịch nhà Minh.
Sau Vô Lượng điện là Thiên Bát Văn Thù Ðiện. Ngôi điện này nhỏ hơn. Chính giữa điện có bứùc tượng đồng Ðức Văn Thù Thiên thủ cưỡi kim sư, với ngàn tay mỗi tay cầm bình bát. Hai bên điện có hai cái giá đựng kinh sách. Các vị sư khi tụng kinh thường hay xoay chuyển hai cái giá sách này.
Sau Thiên Bát Văn Thù Ðiện là một cái sân rộng, buớc lên chừng 10 bậc thì thấy ngôi Ðiện bằng đồng. Ngôi điện này làm từ thời nhà Minh năm Vạn Lịch thứ 38. Trước điện có một cái bia đá có khắc bốn chữ "Thanh Lương Diệu Cao" (Qing Liang Miao Gao) , đây là bút tự của Diệu Phong Ðại Sư (Miao Feng). Ngài là thầy dạy của mẹ Vua Vạn Lịch, sau được phong làm phương trượng tất cả các chùa ở Ngũ Ðài Sơn. Ngôi điện bằng đồng đen này nặng 50,000kg , có nhiều mái cong, hình vuông rộng mỗi bề 5m, cao 8m , dựïng trên 4 cột đồng vuông cạnh . Phía trong điện, chính giữa có tượng đồng Ðức Văn Thù, cao 1m, hai bên có hai cái bảo tháp nhỏ bằng đồng. Trên tường điện có gắn hàng ngàn tấm tượng Phật đúc nổi bằng đồng, sắp xếp theo từng dẫy dài.
Trước sân điện còn có năm cái bảo tháp bằng đồng, tượng trưng cho năm ngọn núi của Ngũ Ðài Sơn. Trong số năm bảo tháp này chỉ có hai cổ tháp hình bát giác là nguyên thủy đúc từ thời nhà Minh năm Vạn Lịch thứ 35 (1607 TL). Mỗi cổ tháp cao 7 m, đường kính 1m, có 13 tầng. Mỗi mặt tháp có chạm nổi một tượng Phật. Ba ngôi tháp kia là tháp mới làm thay thế vào tháp cũ đã bị phá hủy thời Cách Mạng Văn Hóa.
Sau cùng, nơi Hậu Ðiện năm 1993 người ta trưng bầy các di tích. Tại đây trưng bầy những ấn ngọc của các chùa ở Ngũ Ðài Sơn, bức tượng Phật nằm bằng ngọc Miến Ðiện, (do nuớc Miến Ðiện tặng), chùa bằng bạc, và nhiều các sách cổ. Ðặc biệt có bức tranh gồm 630,043 chữ nhỏ ly ti trong bộ kinh Hoa Nghiêm ghép lại thành bức tranh ngôi tháp bẩy từng . Bức tranh dài 5m7 rộng 1m7.
Tháp Viện Tự (Tayuan Temple)
Ngày xưa Tháp Viện Tự là một phần phía nam của chùa Hiển Thông, về sau tách rời ra. Nếu ta ra khỏi chùa Hiển Thông rẽ phải thì sẽ tới cổng sau của Tháp Viện Tự. Trên cổng có bức hoành ghi bốn chữ đại tự "Sơn Vân Thủy Nguyệt" ngụ ý nói đời người ta phù du như mây ở trên núi, ánh mặt trăng ở trên mặt nước.
Trong Tháp Viện tự có hai ngôi tháp : Thích Ca Mâu Ni Xá Lợi tháp (còn gọi là Ðại Bạch Tháp), Văn Thù Phát tháp (Phát là tóc) và hai ngôi điện lớn là: Ðại Từ Duyên Thọ Ðiện và Tàng Kinh Ðiện. Dưới thời nhà Minh có lúc Ðại Bạch Tháp bị đổi tên là Ðại Từ Duyên Thọ Tháp.
Năm Vĩnh Lạc (Yong Le) thứ 5 (1407 TL) Minh Thành Tổ (Chengzu) cho tu sửa Ðại Từ Duyên Thọ Tháp và lập một ngôi chùa lấy tên là Chùa Tháp Viện. Sang đến năm Vạn Lịch (Wanli) thứ 7 (1579 TL) Vua nhà Minh lại tu sửa ngôi tháp, ba năm sau vào tháng 7 của năm Vạn Lịch thứ 10 thì khánh thành và đổi tên là Thích Ca Mâu Ni Xá Lợi Tháp. Sau này vì mầu trắng của tháp, người ta gọi gọn là Ðại Bạch Tháp.
Nguyên thủy ngôi tháp này xây bằng đá trước thờiø nhà Nguyên, sau đó người ta xây ngôi tháp lớn hơn kiểu phái Lạt Ma lên nền cũ. Ngôi tháp này cao 56m4. Tầng dưới của tháp là ngôi điện thờ có Tượng Thích Ca Mâu Ni được thờ chính giữa, hai bên là tượng Ðức Văn Thù (Manjusri), Phổ Hiền (Samantabhadra) , Quán Thế Aâm (Avalokitesvara) và Ðịa Tạng (Ksitigarbha).. Chung quanh hành lang ngôi điện là dẫy 120 bánh xe chuyển pháp (kiểu Tây Tạng). Trên đỉnh tháp hình bầu rượu mạ vàng, cao 5m , chung quanh có treo 252 cái chuông đồng, khi gió thổi gây những tiếng nhạc rất hay.
Ngôi Văn Thù Phát Tháp có hình dáng giống Ðại Bạch Tháp nhưng nhỏ và thấp hơn, cao có 6m.
Phía bắc của Ðại Bạch Tháp là Tàng Kinh Ðiện. kiến trúc hai tầng. Phía trên cao nhất người ta thấy 4 chữ đại tự với bút tự của Vua Khang Hy (Kangxi) nhà Thanh: "Ðại Tàng Kinh Các" . Phía trước điện cũng có treo một bức hoành trên có bài thơ và bút tự của Vua Càn Long (Qianlong)nhà Thanh (1736 TL) . Bài thơ đại ý nói: ở đây có hai ngôi chùa nay chỉ còn có một. Mặc dầu dân gian tới đây chiêm bái Xá Lợi Phật và tóc của Ðức Văn Thù, nhưng mấy ai đã hiểu thấu giáo lý của các Ngài, ngay cả giáo lý Phật giáo.
Chính giữa Tàng Kinh điện, là một cái giá sách vĩ đại bằng gỗ xoay chuyển được. Giá sách có hai tầng, cao 11m2 , mỗi tầng chia làm 33 ngăn dọc, mổi ngăn chia làm nhiều hộc để chứa kinh. Chu vi tầng trên là 11m, chu vi tầng dưới là 7m. Giá sách có thể chứa hơn 20,000 quyển kinh, bằng chữ Hán, Mông Cổ hay Tây Tạng. Ngày nay, về vấn đề tiện nghi người ta chứa kinh tạng thêm tại tầng hai của Tàng Kinh Các. Trước giá sách có tượng Ðức Phật Ðại Nhật (Vairocana, Tỳ Lư Xá Na, phái Mật Tông cho là Phật Ðại Nhật là vị Phật đầu tiên) và 5 tượng Ngũ Phương Phật : Phật A Súc Bệ (Arsobhya) phương bắc, Phật Bảo Thắng (Baosheng) phương nam, Phật A Di Ðà (Amitabha) phương tây, Phật Thích Ca (Sakyamuni) phương bắc, Phật Như Lai (Tathagata) chính giữa. Hai bên là tượng 12 vị Bồ Tát như : Văn Thù, Phổ Hiền, v..v..
Ngôi Từ Thọ Ðiện nằm bên trái Ðại Bạch Tháp, do Vua Vạn Lịch nhà Minh cho xây cất lên để cầu thọ cho mẹ là Thái Hậu họ Lý vào năm 1573 Tây Lịch.
Sau đây là một vài truyền thuyết về Tháp Viện Tự :
Vào năm 200 trước Công Nguyên , Vua A Dục (Asoka) bên Aán Ðộ thống nhất được quốc gia, khuyến khích truyền bá đạo Phật trong nước. Nhà vua nghe nói xá lợi của Ðức Phật được chôn dưới 8 ngôi chùa. Nhà vua cho đào lên , phân chia đựng vào trong 84,000 bảo tháp nhỏ làm bằng ngũ kim hay ngọc quý và phân chia đi cho nhiều nước. Theo truyền thuyết thì Trung Hoa nhận được 19 bảo tháp xá lợi. Bảo tháp xá lợi trong Ðại Bạch Tháp là một trong 19 bảo tháp kể trên.
Người ta kể chuyện về sự tích tóc của Ðức Văn Thù như sau. Ngày xưa, tại một ngày đại lễ tại chùa Hiển Thông , nhân dân tới lễ rất đông. Trong đám đông có một thiếu phụ bụng chửa, tay phải bồng một em nhỏ, tay trái dắt một đứa nhỏ nữa theo sau là một con chó. Bà thấy mọi người cúng dường, mà bà thì không có tiền, bà liền cắt mớ tóc dài của bà để cúng dường. Sau đó, mọi người sắp hàng xuống nhà ăn để thụ trai. Vị thí chủ múc đồ ăn hôm đó rất khó chịu vì mọi người đến đông quá. Vị đó múc đồ ăn cho chư tăng thì đầy đặn, nhưng múc cho chúng sinh thì ít. Ðến lượt thiếu phụ kia và hai em nhỏ, thì vị đó chỉ múc cho hai phần, vì nghĩ rằng đứa nhỏ bồng trên còn bú mẹ. Thiếu phụ xin thêm hai phần nữa, một cho đứa nhỏ đang bồng và một cho con chó. Vị thí chủ cũng chiều ý. Nhưng một lần nữa, thiếu phụ lại xin một phần cho đứa trẻ còn đang ở trong bụng mẹ. Vị thí chủ mất bình tĩnh đuổi thiếu phụ ấy đi. Thiếu phụ ấy to tiếng cãi rằng :" Dù đứa trẻ chưa sinh ra nhưng vẫn là một chúng sinh, tại sao không cho thêm một phần?" Vị thí chủ đáp : " Bà ngoan cố lắm, đã đành đứa trẻ là một chúng sinh, nhưng ai ăn phần đó ?" Người thiếu phụ tức giận đáp : "Tôi không nhận các phần ăn, vì đứa con chưa sinh cũng không được một phần ăn, thật bất công!" Thiếu phụ liền bỏ ra khỏi phòng ăn . Liền khi thiếu phụ rời phòng ăn thì ánh hào quang rực rỡ chiếu vào phòng, thiếu phụ biến thành Ðức Bồ Tát Văn Thù, hai đứa trẻ biến thành hai đồng tử, và con chó biến thành con kim sư. Nhã nhạc vang lừng, Ðức Văn Thù cưỡi mây bay vào hư không. Dân chúng trong phòng liền quỳ lạy, rồi chạy ra khỏi phòng nhìn lên không trung van cầu Ðức Văn Thù trở lại, nhưng không được.
Từ đó mớ tóc của Ngài đuợc lưu giữ thờ cúng trong tháp. Chùa còn giữ tục lệ là khi cúng dường trai soạn, bao giờ cũng cấp đầy đủ, tăng hay chúng ai ai cũng đồng đều, bất cứ ai có lời thỉnh cầu nào, cũng đều không được từ chối. Phong tục đó còn giữ đến ngày nay.
Bồ Tát Ðỉnh Tự (Pusading Temple)
Từ xa Bồ Tát Ðỉnh Tự trông giống như điện Potala nhỏ (Tây Tạng) nằm trên ngọn đồi Linh Thứu. Cả hai Chùa Hiển Thông và Bồ Tát Ðỉnh đều nằm ở phía đông nam đồi Linh Thứu cách xa nhau chừng 1 km. Tại Ngũ Ðài Sơn, Chùa Hiển Thông là chùa chính cho phái Ðại Thừa chính thống, còn Chùa Bồ Tát Ðỉnh là chùa chính cho phái Lạt Ma (Mật Tông).
Chùa được xây dưới triều vua (Bắc) Ngụy Hiếu Văn . Sang năm Trinh Quán (Zhenguan) thứ 5 nhà Ðuờng, có vị trụ trì tên là Pháp Vân (Fayun) muốn tạc một tượng Ðức Văn Thù. Sư liền mời một người thợ tên là An Sinh (Ansheng) tới làm. Ông An Sinh liền hỏi sư Pháp Vân muốn tạc tượng như thế nào thì sư không trả lời được . Ông An Sinh cố tưởng tượng ra ngày đêm tạc tượng. Ông tạc 6 pho tượng, nhưng pho nào cũng bị nứùt hay gẫy. Người thợ liền ăn chay, sửa soạn thân tâm thanh tịnh, rồi quỳ xuống khấn cầu: "Con cầu xin Ðức Văn Thù, con đã tạc nhiều tượng Phật, nhưng con chưa bị nhiều thất bại như bây giờ, hôm nay con cầu nguyện xin Ngài thị hiện cho con được thấy tận mắt để con tạc tượng Ngài. " Khi ngẩng đầu lên, ông ta thấy ánh sáng rực rỡ, trong ánh hào quang có Ðức Văn Thù cưỡi kim sư , chỉ trong chốc lát Ngài bay lên không trung biến mất. Ông An Sinh mừng rở và y theo hình tướng đã thấy mà tạc tượng.
Tượng do ông An Sinh tạc ra, đặt ở ngọn đồi phía bắc của Ðại Hoa Nghiêm Tự, Ngọn đồi thì được đặt tên là Văn Thù Ðài (sau này là đồi Linh Thứu), rồi xây cất tự viện gọi là Bồ Tát Thị Hiện Các vào đời nhà Tống. Sang năm Vĩnh Lạc thứ nhất nhà Minh thì đổi tên là Chùa Ðại Văn Thù (còn gọi nôm na là Chùa Bồ Tát Ðỉnh ). Lúc đầu Chùa theo Ðại Thừa chính thống, sang năm Ðồng Trị (Shunzi) thứ 13 nhà Thanh (Qing) thì đổi sang Lạt Ma tông.
Chùa có hơn 430 phòng ốc và lâu các, chiếm một khoảnh đất rộng 27,000 mét vuông. Ngoài cổng chùa có bức tường chạm nổi chín con rồng phun nước. Sau đó là 108 bậc thang , trên cùng bậc thang là một cái cổng tam quan bằng gỗ làm từ năm Khang Hy thứ 53 nhà Thanh (1714 TL) Ðây là cái cổng chạm chổ công phu mầu sắc rất mỹ thuật, có bốn cột gỗ lớn, mái tam quan ba tầng lợp mái ngói mầu vàng. Ngay cổng giữa phía trên có bức hoành với 4 đại tự " Linh Phong Thắng Cảnh" (Ling Feng Sheng Jing) do chính vua Khang Hy viết và ban cho. Dưới chân cổng tam quan có chạm hai con sư tử đá, há miệng to ra. Nhưng con bên phải lại không có lưỡi.
Sau đây là truyền thuyết về con sư tử đá không lưỡi. Khi người ta xây cổng tam quan và tạc hai con sư tử thì trong chùa có chuyện lạ. Nhà bếp phụ trách nấu cháo vẫn nấu đủ số như mọi khi mà lạ thay cứ bị thiếu . Các chúng tăng lấy làm lạ hỏi thì nhà bếp trả lời là lạ quá sáng nay sau khi nấu cháo xong tôi vào lấy muối, trở ra thì thấy có hai con sư tử liếm sạch cơm nồi cháo. Hôm sau, sau khi nấu cháo, nhà bếp thủ sẵn một con dao lớn ngồi rình thì quả nhiên có hai con sư tử nhẩy qua cửa sổ vào liếm cháo. Bỗng nhiên một con kều gầm lên rồi cả hai chạy mất. Một con bị nhà bếp chém đút lưỡi, rơi vào nồi cháo. Nhà bếp đi ra sân thì thấy hai con sư tử đá, con bên phải bị mất cái lưỡi. Thì ra, hai con sư tử thấy cháo thì thèm và ra ăn vụng. Do đó, ở bậc thang trót, người ta làm một bức rào che cho hai con sư tử khỏi nhìn vào nhà bếp phía bên.
Tại sân chính hai bên có hai lầu chuông và lầu trống . Trong chánh điệän thì thờ theo phái Lạt Ma, chính giữa là tượng Ðại Nhật Phật; hai bên là tượng Dược Sư Phật và A Di Ðà Phật. Dưới 3 tượng Phật là tượng ngài Tôn Khách Ba (Tsung Kha Pa), tổ sư của ngành Lạt Ma áo vàng ngày nay cùng với các tượng đệ tử của ngài. Về phía hai bên tường có tượng hai vị Hộ Pháp Vi Ðà (Skanda) và Kim Cang (Vajra).
Trước Văn Thù Ðiện có tấm bia đá ghi bốn chữ : " Ngũ Ðài Thánh Cảnh" nét chữ của Vua Khang Hy . Trong Ðiện chính giữa là Tượng Ðức Văn Thù, hai bên là tượng Ðức Phổ Hiền và Ðức Quán Aâm. Dọc hai bên tường là dãy tượng Thập Bát La Hán bằng gỗ. Bên gian trái có treo một bức thêu lớn kiểu Tây Tạng, hình Ðức Văn Thù thiên thủ (ngàn tay).
Dãy nhà bên trái chánh điện là nhà bếp, nơi đây có một cái nồi đồng, đường kính 1m7, sâu 1m3 làn từ triều Vạn Lịch nhà Minh. Trên vành nồi có chạm những hình con cá bơi lôi lượn sóng. Người ta vẫn dùng nồi này nấu cháo để đãi chúng sinh trong dịp lể Phật Thành Ðạo (8 tháng 12).
Bên cạnh những truyền thuyết kể trên người ta còn biết trong truyện Thủy Hử có nhà sư Lỗ Trí Thâm(Lu Zhi Shen), vì phạm tội đánh chết người nên trốn vào ở chùa. Lỗ Trí Thâm xin tu tại Ðại Văn Thù Tự núi Ngũ Ðài Sơn này, nhưng vẫn còn tính hung hăng hay trốn xuống núi uống rượu, ăn thịt chó. Một hôm Lỗ Trí Thâm say rượu quá múa côn đập vỡ tượng Hộ Pháp và đánh nhau cả với gần 30 vị sư ở đây. Sau đó, Lỗ Trí Thâm bị đuổi khỏi Chùa và gia nhập nhóm Lương Sơn Bạc, nhưng lúc nào cũng vẫn mặc áo tăng bào.
Vạn Phật Các (Wanfoge Temple)
Chùa Vạn Phật có cổng đi vào từ phía tây, ngày xưa cũng là một phần của chùa Hiển Thông sau này tách ra. Chùa các hai ngôi điện chính : Văn Thù Ðiện và Ngũ Long Thần Ðiện.
Ngôi Văn Thù Ðiện xây năm Vạn Lịch thứ 44 đời nhà Minh., chính giữa có Văn Thù Bồ Tát và hai bên là Phổ Hiển và Quán Thế Âm Bồ Tát. Chung quanh điện có hàng ngàn tượng Bồ Tát gắn trên tường, trong điện còn có một đại hồng chung nặng 3,500kg làm thời nhà Thanh.
Ngôi điện Ngũ Long Thần xây vào thời nhà Thanh, ngay phía cửa là vị Ðệ Ngũ Long thần, đàng sau lưng là 4 vị Long Thần , Long Mẫu và Thần Mưa.
La Hầu Tự (Louhou Temple)
Chùa La Hầu tọa lạc tại phía đông của Chùa Hiển Thông, lập từ thời nhà Ðuờng. Có hai thuyết về tên La Hầu. Một thuyết cho là chữ La Hầu là tên một vị A La Hán, La Hầu La, con của Ðúc Phật Thích Ca. Một thuyết cho là chùa được xây cất bởi hai vị thí chủ người Tây Tạng một vị tên là La , vị kia tên là Hầu, do đó đặt tên chùa là La Hầu.
Chùa được sửa sang thời Hoằng Trị (Hongzhi) đời nhà Minh (1492 TL), có một cái bia ghi rõ điều này. Sang đến thời Vạn Lịch, Thái Hậu họ Lý cúng tiền để tu sửa. Ðến năm Càn Long thứ 57 nhà Thanh (1792 T.L) có hai vị thí chủ người Tây Tạng cúng dường tu bổ toàn diện ngôi chùa và biến thành tông phái Lạt Ma.
Chùa có hai di tích rất đặc biệt là "Tùng Ðiện" và "Liên Hoa kiến Phật". Tùng Ðiện ở bên phải sân chính, là một ngôi điện xây bằng gạch theo kiểu Tây Tạng. Tương truyền nơi đây có một cây cổ tùng, người ta đốn xuống lấy gỗ tạc tượng Ðức Văn Thù, tại nơi cây tùng đó người ta xây lên một ngôi điện thờ. Do đó, người ta gọi là " Tùng Ðiện".
Tại cổng chính có hai con sư tử đá rất lâu đời nhất của Ngũ Ðài Sơn, từ thời nhà Ðuờng. Sau sân rộng là dãy điện thờ : Thiên Vương Ðiện, Văn Thù Ðiện, Ðại Hùng Bảo Ðiện, và hậu điện.
" Liên Hoa Kiến Phật " bày ở nơi hậu điện, do hai vị thí chủ người Tây Tạng hiến cúng. Ðây là một cái đài hoa sen bằng gỗ xoay chuyển được, trên có cái hoa sen với tám cánh sen tỏa ra , trên mỗi cánh chạm trổ tinh vi hình một vị Bồ Tát ngồi. Chính giữa hoa là cái đài sen, có 4 tượng Phật nhìn ra bốn hướng. Phía bên phải của điện có một cầu thang đi xuống từng dưới. Nơi đây có một cái bàn quay, nếu ta quay cái bàn sang trái thì huy động máy móc làm cho các cánh hoa sen mở ra, trông thấy tượng Phật, nếu quay bàn sang phải thì cánh hoa sen cúp lại và che tuợng Phật đi. Thật là độc đáo.
Từ Phước Tự (Cifu Temple)
Phía trên của Chùa Bồ Tát Ðỉnh (ngay cửa sau) là Chùa Từ Phuớc. Ngôi chùa này bị Vệ Binh Ðỏ phá hủy hoàn toàn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Ngôi chùa hiện nay là mới xây lại.
Từ Phước Tự nguyên thuỷ là được xây bởi vị Lạt Ma Nạp Bố Hải tu tại Chùa Bồ Tát Ðỉnh, vào năm Ðạo Quang thứ hai triều Thanh (1822 TL) . Lúc đầu được mang tên là "Thiền Ðường Viện" sau đổi tên là Từ Phúc tự vào ngày 2 tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 9 (1829 TL) . Chùa có hơn 100 phòng, chia ra thành nơi Tiền Ðiện, Chánh Ðiện và hậu liêu. Nơi điện trước có thờ Ðức Di Lặc. Nơi Chánh điện có tượng Ðức Quán Thế Aâm Bồ Tát, 11 đầu và 8 tay (thay vì 3 đầu 6 tay như mọi nơi). Nơi hậu điện có bức bình gỗ chạm trổ tinh vi dài 2m cao 1m, điêu khắc cảnh trí Ngũ Ðài Sơn, cảnh những vị Lạt Ma múa Vajra (kim cương) theo kiểu Tây Tạng quanh đạo tràng (Bodhimanda). Bứùc bình này là tác phẩm điêu khắc thời Ðạo Quang nhà Thanh (1821 TL).
Phổ Hóa Tự (Puhua Temple)
Chùa Phổ Hóa ở cách 2 km thị trấn Ðài Hoài về phía nam. Chùa xây dựa lưng vào núi, phía truớc bằng phẳng, có con suối lớn chảy qua. Muốn vào chùa phải đi qua cây cầu lớn. Nguyên nơi đây ngày xưa là ngôi miếu thờ Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Khi Ðạo Phật phát triển mạnh ở Ngũ Ðài Sơn thì ngôi miếu thờ (đạo Lão) sửa sang lại và đổi tên là Ðế Thích Cung. Vua Ðế Thích ( Sakra-devnam-Indra) là vua nơi cung trời Ðao Lợi, có đến mừng khi Phật giáng sinh, và hằng hỗ trợ Tam Bảo. Chùa xây cất từ năm 1922 đến năm 1935 mới xong. Phiá trước chùa có bức tường chắn dài bằng gạch và đá, có chạm hình con rồng phun nước. Chùa có 5 cái sân rộng, từ sân chính vào có những dãy điện như Thiên Vương điện, Ðại Hùng Bảo Ðiện, Tam Ðại Sĩ điện. Ngoài ra hai bên còn có Ngọc Hoàng Các, Thiền phòng và Tăng Phòng. Ngày nay, vẫn còn tuợng thờ Vua Ðế Thích và Ngọc Hoàng Thượng Ðế tại nơi hậu cung.
Nói tóm lại, Phổ Hóa Tự là một lối biến thiên và hội nhập hai đạo Lão và Phật thành một nơi tôn thờ chung tại Ngũ Ðài Sơn.
Ðại Loa Ðỉnh Tự (Dailuoding Temple)
Xin ghi nhận nơi đây chữ Ðại có nghĩa là mầu xanh đậm (trên là chữ đại duới viết chữ hắc). Loa có nghĩa là con ốc. Ðại Loa Ðỉnh là ngọn núi hình xoáy chôn ốc, mùa xuân toàn thể mầu xanh đậm.
Chùa Ðại Loa Ðỉnh nằm ở trên núi Ðại Loa Ðỉnh, phía hữu ngạn sông Thanh Thủy ở thị trấn Ðài Hoài (Taihuai). Chùa bắt đầu xây dựng năm Thành Hóa đời nhà Minh (1548 TL), được trùng tu lại vào thời Vạn Lịch triều Minh (28 năm sau) gọi là Phật Ðỉnh Tự. Năm Càn Long thứ 16 nhà Thanh được đổi tên là Ðại Loa Ðỉnh Tự.
Ngày xưa, dân Trung Quốc muốn đi hành hương nguyên cả Ngũ Ðài Sơn thì phải mất cả mấy tháng trời mới lễ đủ các chùa của năm quả núi. Nay tại chánh điện Ðại Loa Ðỉnh có thờ năm bứùc tượng Văn Thù, giống như năm bức tượng Văn Thù của năm ngôi Chùa chính ở năm ngọn Ngũ Ðài Sơn. Nguời ta cho rằng thay vì phải leo cả năm ngọn núi mà lễ Ðức Văn Thù, thì nay chỉ lên Ðại Loa Ðỉnh cũng được lễ cả năm tượng Ðức Văn Thù.
Cuộc hành hương của phái đoàn Chùa Giác Hoàng .
Chúng tôi đi bằng xe bus tới phía sau Chùa Từ Phước. Chùa này đã bị phá hủy hoàn toàn trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, gần đây mới xây lại. Ðây là một chùa xây cất theo phái Lat Ma.
Sau khi vãn cảnh chùa Từ Phước chúng tôi được hướng dẫn băng qua sang cổng sau Chùa Bồ Tát Ðỉnh và xem nhà bếp của chùa có ba cái nồi lớn làm từ thời nhà Minh, mỗi nồi có bán kính 1m, sâu 1m. Chúng tôi đi ra phía trước thì gặp Văn Thù Ðiện. Sân trước của Văn Thù Ðiện khá rộng, nơi đây hãy còn thấy tấm hoành đá ghi bốn chữ "Ngũ Ðài Thánh Cảnh", tô mầu đỏ, là bút tự của Vua Khang Hy. Tại Văn Thù Ðiện, phái đoàn Chùa Giác Hoàng đã đảnh lễ Ðức Văn Thùø và tụng một thời kinh do sư cô Huệ Ân chủ sám.
Ði ra vòng phía trước, chúng tôi gặp ngôi Chánh Ðiện và sân chính, hai bên có lầu chuông và lầu trống. Nhìn ra phiá trước là cổng tam quan, với bốn đại tự "Linh Phong Thắng Cảnh" chữ vàng trên nền xanh. sau đó là 108 bậc thang buớc xuống, mỗi bậc đá rất rộng cỡ 5m bề ngang. Ðứng ở sân chùa ta có thể nhìn bao quát thị trấn Ðài Hoài, cảnh núi non hùng vĩ và các mái chùa trùng điệp, nổi bật nhất là ngọn tháp trắng (Ðại Bạch Tháp). Phong cảnh trông từ sân chùa nhìn ra Ngũ Ðài Sơn thật là đẹp.
Trong khi chúng tôi đi xuống bậc đá thì gặp một vị tăng Trung Hoa đang"nhất bộ nhất bái" đi lên chùa hành hương.
Chúng tôi tiếp tục đi xuống, cũng gặp mấy vị ni rất trẻ cỡ dưới 18 tuổi đang đi lên hành hương. Ðiều này, cho chúng tôi thấy mặc dầu sau mấy thập niên bị đàn áp bởi chế độ vô sản chuyên chế và bị phá hoại bởi cuộc Cách Mạng Văn Hóa, đạo Phật đang phát triển trở lại ở Trung Quốc.
Ði rẽ sang phía tay phải, chúng tôi đi qua cổng Chùa Viên Chiếu, nhưng chúng tôi không vào mà được hướng dẫn đi thăm Chùa Hiển Thông.
Chùa Hiển Thông là ngôi chùa lớn nhất của Ngũ Ðài Sơn. Cổng chính của chùa rất nguy nga, trông tương tự như cổng thành nhà vua, bề ngang cả chục thuớc sâu hàng 4,5 thước. Trên cao có tấm bảng viết dọc với bốn chữ vàng " Ðại Hiển Thông Tự" trên nền mầu xanh.
Trong sân trước Văn Thù Ðiện, có những cây tùng cao, trông như những cái tán che rợp sân chùa. hai bên còn hai căn nha øbát giác, mỗi căn có chứa 1 tấm bia đá, tấm bên trái có khắc bút tự của vua Khang Hi.
Sau khi đảnh lễ tại Văn Thù Ðiện, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong thì tới sân chính Ðại Hùøng Bảo Ðiện. Ðứng bên trái của sân chúng tôi có thể trông lên núi phía sau thì thấy lại cảnh Chùa Bồ Tát Ðỉnh với nhiều bậc thang và cổng tam quan rất là đẹp. Tại nơi chánh điện, Hòa Thượng Thanh Ðạm đã chủ lễ một khóa kinh cầu an cùng toàn thể phái đoàn Chùa Giác Hoàng .
Sau Ðại Hùng Bảo Ðiện là Vô Lượng Ðiện. Ngôi điện này xây bằng gạch, bên quét vôi sơn trắng trông rất dản dị, không có hành lang hay cửa võng, nhưng có đắp 6 bức hoành (mà chúng tôi không đọc hết được ) với nét chữ đại tự rất đẹp. Phía trong điện chính giữa là tượng Ðức Phật Ðại Nhật ngồi trên tòa sen rất cao. Những điều trên đã chứng tỏ là ngôi điện được tạo dựng thời sau này và thờ chính giữa là Phật Ðại Nhật (theo kiểu Mật Tông) nghĩa là lối thờ dung hòa Mật Tông và Ðại Thừa chính thống.
Ngôi điện kế tiếp sau là Thiên Bát Văn Thù Ðiện. Trong điện này, chính giữa có tượng Ðức Văn Thù ba mặt chung lưng vào nhau. mỗi mặt Ngài có 3 đầu và ngàn tay, mỗi tay có cầm bình bát. Do đó mà có tên Thiên Bát Văn Thù Ðiện.
Trở ra, buớc lên chừng 10 bậc ở phía sau, chúng tôi tới sân của ngôi điện bằng đồng. Như phần trên đã tả, ngôi điện này làm toàn bằng đồng kiến trúc thật là độc đáo. Trông ngôi điện nhỏ bằng đồng này, chúng tôi lại liên tưởng tới ngôi chùa vàng ở Nhật Bổn cũng có lối kiến trúc tương tự. (Nhưng chắc chắn là ngôi chùa vàng không cổ bằng ngôi chùa đồng này). Chúng ta nên rõ vào thời nhà Minh, dân chúng hãy còn tiêu tiền bằng đồng, như vậy số đồng để đúc ngôi điện này ngang với bao nhiêu quan tiền góp lại? Ngoài ra chúng tôi được người hướng dẫn chỉ cho vết kiếm chém vào chiếc cột đồng vuông ở phía tây bắc. Người ta kể có hai truyền thuyết: Thuyết thứ nhất, khi vua Khang Hy đến thăm ngôi điện này lần đầu, ông hỏi quần thần là cột đồng này trong có gì, không ai trả lời được ông liền lấy kiếm sắc chém vào cột, nhưng thấy cột trống rỗng không có gì. Thuyết thứ hai, vào lúc tàn thời nhà Minh, có viên tướng Lý Tự Thành làm loạn, không may ông bị quân Thanh đánh bại, ông chán đời cạo tóc đi tu tại Giáp Sơn Tự, tỉnh Hồ Nam. Khi tới thăm Ngũ Ðài Sơn, đứng trước ngôi điện này, ông nghĩ đến thời oanh liệt xa xưa, nên dùng giới đao chém vào cột đồng. Vết chém nay hãy còn và không hề ảnh hưởng tới kiến trúc ngôi điện.
Buớc ra phía sau là nơi Hậu Ðiện, như trên chúng tôi đã trình bầy theo tài liệu năm 1993 tại hậu điện người ta trưng bày di tích, ngày nay người ta sửa lại thành nơi thờ tự, chính giữa điện là tượng Ðức Văn Thù, ngồi trên tòa sen, hai bên có 8 bức tượng phái Lạt Ma(vì tượng đội nón chóp theo kiểu Lạt Ma) đựng trong khung kính.
Ra khỏi chùa Hiển Thông, chúng tôi được dẫn sang thăm Tháp Viện Tự.
Sân chùa cũng không lớn, các gian nhà ngang kiến trúc giản dị không mầu sắc. Tại ngôi điện lớn trên có bức hoành mầu xanh với sáu chữ vàng viết dọc: "Ðại Từ Duyên Thọ Bảo Ðiện", trong điện có thờ Ðức Thích Ca Mâu Ni và các vị Bồ Tát.
Ðứng từ xa chỉ thấy ngôi phù đồ mầu trắng cao vượt trên triền núi, nay vào tận chân tháp thì thấy ngôi tháp rất cao. Chúng tôi chỉ leo bậc thang lên 1 tầng trên tháp mà thôi, và đi quanh những sân chung quanh chân tháp. Sau đó, chúng tôi xuống tầng dưới và đi quanh hành lang vừa đi vừa quay 120 cái bánh xe chuyển pháp, vừa tụng niệm "Án Ma Ni Bát Minh Hồng".
Chúng tôi tiếp tục sang thăm Tàng Kinh Các, đây là ngôi điện hai tầng, trên cao nhất còn có bức hoành mầu xanh với 4 chữ đại tự mầu vàng viết dọc: "Ðại Tàng Kinh Các", phía dưới ngay cổng vào chính có treo tấm đá mầu đen, trên có khắc bài thơ của vua Càn Long.
Rời khỏi Chùa Tháp Viện, chúng tôi tiến sang Chùa Vạn Phật. Chùa cũng có sân khá rộng.
Phía trong Văn Thù Ðiện, chính giữa là tượng Ðức Văn Thù cưỡi Thanh Sư, nhưng hơi khác các bức tượng thường là đầu Ðúc Văn Thù để trần, và có khoác áo choàng bằng vải. các tượng các Ðức Bồ Tát kia cũng choàng áo khoác . Chung quanh tường rất nhiều hàng tượng Bồ Tát nhỏ.
Tại Ngũ Long Thần Ðiện, ngay phía cửa có treo một bức hoành mầu đen chữ vàng với hàng chữ "Hũu Cầu Tất Ứng", hành lang phía trước còn có hai cái giá cắm đầy các võ khí cổ xưa.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi dùng xe bus đến trạm cable car để đi lên thăm Ðại Loa Ðỉnh Tự. Cable car chúng tôi dùng lần này thì nhỏ (hai chỗ ngồi), giống như các loại cable car đi trượt tuyết. Ra khỏi cable car, chúng tôi phải đi bộ một quãng mới vào Chùa. Phía trước chùa là một cái sân rộng có cổng lớn, trên có bảng mầu xanh với ba chữ mầu vàng "Ðại Loa Ðỉnh". Vào phía trong trước là một ngôi điện nhỏ hình bát giác, có treo một tấm hoành mầu đen trên có hàng chữ " Phật Quang Phổ Chiếu, Hữu Cầu Tất Ứng". Phía sau có ngôi điện lớn hơn , trên có bức hoành mầu đen chữ vàng "Ngũ Phương Văn Thù Ðiện", ngôi điện này đang sửa chữa nên đóng cửa không được vào.
May nhờ trong phái đoàn có đạo hữu Quả Linh biết tiếng Trung Hoa, nên chúng tôi được vị trụ trì là Như Bảo mời vào đàm dạo và dùng trà. Sau đó, sư trụ trì đưa chúng tôi đi xem ngôi chánh điện mới đang xây cất. Tại đây, xây cất đã gần xong, trần trang trí rất đẹp, có hàng chục thùng gỗ đang khui, trong đựng các tượng đồng từ bên Ðài Loan và các tỉnh ở Trung Quốc gửi vể tiến cúng,
Như trên chúng tôi đã mô tả, chùa này được nhiều người tới chiêm ngưỡng vì chùa ở trên núi cao nhất vị trí rất đẹp, hơn nữa chùa lại thờ năm tượng Ðứùc Văn Thù, tượng trưng cho năm bức tượng của các chùa ở năm quả núi Ngũ Ðài Sơn. Dân ở đây quan niệm đi lễ một chùa Ðại Loa Ðỉnh cũng như đi lễ năm chùa ở mỗi ngọn núi Ngũ Ðài Sơn.
Trên đường về khách sạn, chúng tôi lại ghé vào chùa Phổ Hóa. Chùa này có bức tường rất lớn ngăn trước cổng chùa, trên tường có khắc con rồng phun nước.
Chùa tương đối mới, xây cất vào năm 1935. Sau khi vào chiêm bái, chúng tôi được một vị tăng tặng cho mấy tấm ảnh giới thiệu là cách đây 5 năm, nhân có một du khách Ðài Loan, chụp một bức hình dẫy núi trước mặt, sau đó nhận ra hình thể dãy núi giống như hình Ðức Phật nằm. Người hướng dẫn du lịch cho biết chúng tôi còn thì giờ, anh ta sẽ đưa chúng tôi tới trước cửa khách sạn Friendship. Tại đây, người ta đã cho xây một nhà mát hình bát giác và có một tấm bia đá khắc hàng chữ : Quan Phật Ðỉnh. Quả nhiên đứng tại sân này chúng tôi trông lên dãy núi trước mặt thì giống như tượng Ðức Phật nằm chắp tay trước ngực. Mọi người trong phái đoàn đều quay phim và chụp hình kỷ niệm.
Sáng ngày hôm sau chúng tôi dùng xe bus đi tới tỉnh Thái Nguyên. Chuyền đi dài cỡ 5 tiếng đồng hồ (250km), đường đi vòng vèo qua những đường đèo treo leo. Trong cuộc hành trình bằng xe bus này, Hòa Thượng Thanh Ðạm đã ban cho chúng tôi một bài pháp, giảng về danh từ Bồ Tát và các hạnh nguyện của các ngài.
Chúng tôi tới thị trấn Thái Nguyên vào lúc trưa. Thị trấn Thái Nguyên (thuộc tỉnh Sơn Tây) có hơn 2 triệu dân là một thị trấn có nhiều kỹ nghệ thép (vì gần Ðại Ðồng là nơi có nhiều mỏ than đá) và hóa học. Ðây cũng là nơi ngày xưa cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân đã dựng cơ nghiệp nhà Ðường ở đây.
Sau bữa ăn trưa, chúng tôi đi thăm chùa Trung Sơn . Chùa này có chứa những kinh cổ từ thời nhà Minh. Chùa khá rộng rãi với cổng tam quan trông rất cổ kính. Tại Chùa có Ðại Bi Ðiện thờ Ðức Quán Thế Âm. Ðiện này do con của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lập ra chùa này để tạo công đức cho mẹ.
Lúc 5 giờ chiều, chúng tôi lấy chuyến xe lửa đêm để đi thị trấn Tây An (tỉnh Thiểm Tây).
Nhà ga Thái Nguyên cũng khá khang trang, nhân viên hỏa xa đều ăn mặc đồng phục, chúng tôi được vào phòng đợi hạng nhất. Xe lửa đêm của Trung Hoa toa hạng nhất có giường ngủ cũng khá tươm tất, nhưng phòng vệ sinh ở đầu toa thì hơi bê bối. Chuyến xe lửa đêm mất chừng 7 tiếng, đi liên tục không ngừng. Sáng 7 giờ, chúng tôi tới ga thị trấn Tây An.

6. Cuộâc viếng thăm Tây An và hành hương các chùa trong vùng
Tới Tây An vào lúc 7 giờ sáng ngày 23/10. Xe bus đón chúng tôi đi vào thành phố, có đi qua cửa thành cổ thời xưa, đi qua lầu chuông và lầu trống.
Thời xưa thị trấn Tây An còn có tên là Trường An , được coi là thủ phủ của các triều Chu, Tần, Hán, Tuỳ và Ðuờng, qua 1062 năm,. Giữa đời Ðường mới đổi tên là Tây An. Thời xưa dân số thị trấn đã có lúc lên tới gần 1 triệu dân, ngày nay dân số là 3 triệu. Theo sách giới thiệu du lịch thì thị trấn Tây An có những di tích lịch sử đáng kể sau đây :
- Thành cổ Tây An, chu vi thành là 11km, có 4 cửa thành , có hào sâu. Trong thành có hai cái lầu rất lớn, một bên là lầu chuông, một bên là lầu trống . Kể từ tháng 6 vừa qua, mỗi buổi sáng sẽ có những đội quân ăn mặc theo thời cổ ngày xưa ra đánh 21 tiếng trống, và buổi chiều họ lại ra đánh 21 tiếng chuông thu không.
- Di tích làng Bành Tổ (Banpo Village), với những di tích cổ hàng 6000 năm, di tích này mới khai quật được từ năm 1953.
- Cung Hoa Thanh (Huaqing Palace), nơi vua Ðuờng Cao Tông ở với Dương Quý Phi, có suối nước nóng nơi Dương Quý Phi tắm.
- Viện bảo tàng những bia đá, chứa 114 bia đá trên có khắc nguyên bộ Tứ Thư từ thời nhà Ðuờng và nhiều bia cổ khác.
- Bảo tàng về Ðuờng Thái Tông Lý Thế Dân (Empreror Li Shimin Museum)
- Ðài kỷ niệm nơi có Hồng Môn Hội Yến (Hongmen feast), nơi Hạng Võ định giết Lưu Bang.
- Mộ Tần Thuỷ Hoàng và tượng binh (Emperor Qin Shihuang’s Terra-cotta)
- Mộ Ðuờng Cao Tông và Võ Tắc Thiên (Emperor Gaozong & Empress Wu Zetian’s Mausoleum)
- Mộ Vĩnh Thái Công Chúa (Yong Tai Mausoleum)
- Mộ Hán Vũ Ðế Lưu Triệt (Emperor Liu Che Mausoleum).
- Mộ Dương Quý Phi (Tomb of Lady Yang)
- Miếu thờ Tư Mã Thiên (Memorial Temple to Sima Qian)
- Gò Ngũ Trượng (nơi Khổng Minh mất) và đền thờ Vũ Hầu Khổng Minh (Wuzhang hillock & Wu Hou Temple),
- Pháp Môn Tự, nơi đây có thờ xá lợi Phật (ngón tay Phật)
- Ðại Hưng Sơn Tự, nơi Bất Không Kim Cang giảng dạy về Mật Tông. Chùa được Tông Kim Cương Nhật Bản quyên giúp tài chính để trùng tu lại năm 1986.
- Thảo Ðường Cổ Tự, có từ thời Ðông Tấn (317-420 TL) , ngày xưa là Vườn Tiêu Diêu, nơi Ngài Cưu Ma La Thập giảng kinh.
- Chùa Từ Ân và Tháp Ðại Nhạn , nơi Ngài Tam Tạng dịch kinh và sáng lập ra phái Pháp Tướng Tông.
- Chùa Hộ Quốc Hưng Giáo. Chùa lập ra sau khi Ngài Tam Tạng mất, Vua Ðuờng Lý Trị lập ngôi chùa này thờ ngài.
- Chùa Tiểu Thiên Nga.
- Chùa Thanh Long , nơi đệ tử của Ngài Cưu Ma La Thập lập ra phái Chân Ngôn Tông, và Ngài Hoằng Pháp (sư Nhật Bổn tên là Kukai) tu ở đây.
Ngay buổi sáng 23/10, chúng tôi được huớng dẫn đi thăm Chùa Từ Ân. Chùa này xây cất bởi hoàng tử thứ 3 nhà Ðuờng để báo hiếu cho Mẹ.
Năm 629 sau Công Nguyên, dưới thời vua Ðuờng Thái Tôn, Ngài Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh. Mười sáu năm sau Ngài trở về mang theo kinh sách Phật giáo. Sang thời vua Ðường Cao Tông Lý Trị, nhà vua cho lập một ngôi chùa để Ngài Tam Tạng dịch kinh và xây một ngôi tháp 7 tầng để chứa kinh, đó là tháp Ðại Nhạn ngày nay (cao 64m) mặc dầu tháp này được tu sửa nhiều lần. Muốn lên tầng trên cùng của tháp, chúng tôi phải leo 245 bậc thang để lên tới nơi. Trước khi lên tháp, họ bắt chúng tôi gửi lại tất cả xách tay (không mất tiền), chỉ cho phép máy ảnh hay máy thu hình lên thôi, họ cho biết là tháp rất yếu, nên họ muốn giảm thiểu sức nặng của du khách khi lên thăm tháp. Ðứng trong tháp có thể nhìn ra bao quát thành phố Tây An.
Buổi chiều chúng tôi đi thăm viện bảo tàng trưng bầy những tượng binh mã bằng đất tại mộ vua Tần Thủy Hoàng. Viện bảo tàng có 3 phần :
Phần đầu , chúng tôi được thuyết trình trên một cái xa bàn về ngôi mộ Vua Tần Thuỷ Hoàng, nơi người ta đào được các di tích cổ cũng như tượng đất, người ta cũng chỉ cho chúng tôi ngọn đồi mà ai ai cũng biết là ngôi mộ chính, nhưng chưa được khai quật. Tại sao? có lẽ tại người ta nghe đồn trong mộ có cả một hồ thuỷ ngân hoặc những máy móc hại người, ngoài ra người ta còn đồn là theo truyền thuyết nếu đào mả ấy lên thì nước Trung Hoa sẽ chia năm sẻ bảy và có nội chiến! Do đó, vì dị đoan người ta chưa dám khai quật? Chúng ta nên nhớ trong lịch sử Trung Hoa chỉ có hai lần nước Trung Hoa được thống nhất là thời Tần Thủy Hoàng và ngày nay. Ngoài ra nơi đây cũng trưng bầy những di tích mới đào lên được như hai chiếc xe dự chiến thời xưa, các bình cổ v..v…
Phần thứ hai, là một căn nhà lớn như một cái sân vận động, ở đây người ta bầy những tượng binh mã bằng đất nung đào được lên từ một nơi gần mộ vua Tần Thuỷ Hoàng.
Phần thứ ba là nơi người ta còn đang khai quật dở dang, trong căn nhà này hãy còn những nhà khảo cổ còn đang làm việc đào sới.
Chiều tối hôm đó, chúng tôi được hướng dẫn đi xem trình diễn vũ dân tộc đời nhà Ðường. Hàng trăm diễn viên và nhạc công đã dùng những nhạc cụ thời xưa để biểu diễn những điệu nhạc, điệu vũ thời nhà Ðường, như điệäu vũ múa lụa của Dương Quý Phi. Buổi trình diễn thật là xuất sắc.
* Sáng ngày hôm sau, (ngày 24/10/98) chúng tôi lấy xe bus (chuyến đi lâu chừng 3 giờ đồng hồ) tới thăm Chùa Pháp Môn, nơi có thờ ngón tay của Phật.
Di tích và lịch sử Chùa Pháp Môn:
Vào năm 1981, cơn giông tố làm xụp đổ một nửa tháp của Chùa Pháp Môn. Khi xây cất lại người ta đào thấy một cái hầm chứa những bảo vật từ thời xa xưa, như các đồ thờ và nhất là tìm thấy 1 lóng tay của Phật và 3 lóng tay của các bậc cao tăng, đựng trong những hộp ngà. Ngày nay, người ta xây một bảo tàng viện ở nơi nền chùa cũ để trưng bầy những di tích đã tìm thấy . Ðồng thời họ xây một ngôi chùa Pháp Môn mới bên cạnh đấy.
Xin nói thêm là trong lịch sử Trung Quốc (quyển Lịch sử Trung Quốc 5000 năm của Lâm Hán Ðạt và Tào Dư Chương), đã có những đoạn nói tới chùa Pháp Môn và ngón tay Phật như sau:
Nguyên vua Ðuờng Hiến Tông rất sùng bái đạo Phật. Nhà vua nghe nói chùa Pháp Môn ở Phượng Tường(?) có môt ngôi bảo tháp tên là Hộ Quốc Chân Thân Tháp. Trong tháp có thờ một xá lợi, tương truyền là đốt xương ngón tay của Phật Thích Ca Mâu Ni, cứ 30 năm mới mở ra một lần cho mọi người vào chiêm ngưỡng, lễ bái. Làm việc đó có thể cầu được mưa hòa gió thuận, mọi việc bình an. Nhà vua liền cử một đoàn 30 người đến chùa Pháp Môn, rước xá lợi về Trường An. Trước hết nhà vua để xá lợi đó trong hoàng cung thờ phụng, sau đó rước ra chùa cho mọi người chiêm bái. Tất cả vương công đai thần thấy hoàng đế cung kính thành tâm như thế thì cũng đều hùa theo, nhân dân thành Trường An cũng dốc lòng thành kính tới chiêm bái.
Hàn Dũ một vị quan , một nhà văn học , vốn không tin Phật giáo, nên càng không tin việc chiêm ngưỡng xương Phật. Ông dâng sớ lên nhà vua : "Trung Quốc thời xưa không có Phật giáo, chỉ từ thời Hán Minh Ðế, đạo Phật mới từ Tây Vực truyền vào. Trong lịch sử phàm những vương triều nào tin Phật giáo đều thọ mệnh ngắn, đủ thấy Phật không đáng tin."
Ðuờng Hiến Tông xem sớ tâu liền nổi giận, lập tức gọi tể tướng Bùi Ðộ tới, nghị phạt xử tử hình Hàn Dũ. Bùi Ðộ vội vàng xin cho Hàn Dũ. Ðuờng Hiến tông dịu cơn giận nói: "Hàn Dũ nói trẫm tin Phật quá mức, trẫm có thể tha thứ được, nhưng hắn lại nói là hoàng đế nào tin vào Phật thì mệnh đều ngắn. Như thế chẳng phải hắn rủa trẫm hay sao? Tội đó không thể tha được !" Sau đó, nhiều các quan trong triều xin giúp Hàn Dũ, nên Hàn Dũ chỉ bị cách chức đổi đi làm thứ sử Triều Châu.
Tại Triều Châu, Hàn Dũ mới có dịp làm bài Văn tế đuổi cá sấu, và sau này ông gặp một vị cao tăng tên là Ðại Diên đã thuyết phục ông, từ đóø ông tin vào giáo lý Phật Giáo không còn dám phỉ báng nữa.
Tại chánh điện Chùa Pháp Môn, HT Thanh Ðạm cùng các phật tử trong phái đoàn đã tụng một thời kinh cầu an. Sau đó, nhờ sự liên lạc của đạo hữu Quả Linh với ban quản trị Chùa, chúng tôi được vị sư trụ trì Tịnh Nhất Ðại Sư (đệ tử của Hòa Thượng Hư Vân) mời vào đàm đạo. Ðại sư cho biết ngài trụ trì tại Chùa này từ năm 1957 đến nay. Sau cuộc cách mạng văn hóa chùa được trùng tu nhờ khách thập phương chứ không có sự trợ giúp của chính quyền. Ðại Sư cho biết xá lợi thờ trong bảo tháp là lóng tay của một vị Ðại sư cao tăng thời xưa, còn xá lợi Phật (lóng tay của Phật và 2 lóng tay của các bậc cao tăng) thì được cất trong mật thất. Hôm nay, nhân Chùa sắp mở Ðại Hội nên có mang xá lợi Phật từ mật thất lên thờ tại điện thờ. Nay Ðại Sư đặc biệt cho phép phái đoàn Chùa Giác Hoàng vào chiêm bái. Ðại Sư gọi một vị đệ tử hướng dẫn chúng tôi lên điện thờ chiêm bái xá lợi. Tại đây, chúng tôi phải chờ ở phía ngoài điện gần 30 phút, vì bên trong có phái đoàn cao cấp điạ phương đang làm lễ bên trong. Sau đó, đến luợt phái đoàn chùa Giác Hoàng chúng tôi vào chiêm bái. Hòa Thượng Thanh Ðạm cùng phái đoàn đã tụng một thời kinh ngắn truớc xá lợi Phật (gồm ba chiếc hộp, chiếc hộp chính giữa là lóng tay của Ðức Phật, và hai bên là lóng tay của hai vị cao tăng khác). Thật là một duyên lớn trong đời chúng tôi là được vào chiêm bái (nhìn tận mắt khoảng không đầy một thước) và tụng kinh trước xá lợi của Ðúc Phật.
Sau đó, buổi trưa chúng tôi đi thăm một ngôi mộ cổ: Lăng Vĩnh Thái Công Chúa (Yongtai Princess) , gồm ba cái mộ bằng khối đá lớn nằm duới hầm sâu, có rất nhiều tranh cổ vẽ trên tường và cổ vật. Ngôi mộ này được tìm thấy vào năm 1960.
Nguyên Vĩnh Thái Công Chúa là con gái thứ ba của Thái Tử Lý Hiển (Li Xian), lấy chồng là Võ Diên Cơ (Wu Yanji), cháu Võ Tắc Thiên. Vì Võ Diên Cơ chê bai hai người sủng ái của Võ Tắc Thiên là anh em Trương Dị Chi (Zhang Yichi) và Trương Xương Chi, (Zhang zongchi), làm cho Võ Tắc Thiên tức giận và ra lệnh cho hai vợ chồng phải tự vẫn. Về sau Thái tử Lý Hiển lên ngôi vua (Ðuờng Trung Tông) nên khôi phục tước vị cho con gái và cho rời thi hài hai vợ chồng từ Lạc Dương về án táng ở Tây An.
Chiều chúng tôi tới thăm Kiền Lăng là nơi có mộ vua Ðường Cao Tông Lý Trị và vợ là hoàng đế Võ Tắc Thiên. Ðường vào lăng rất rộng, hai bên có hai hàng ngựa đá và tượng đá, nhưng đa số tượng bị phá cụt đầu, vào sâu hơn có 2 ngọn giả sơn trấn áp theo phong thuỷ, và hai cái bia đá lớn cao cỡ 5m. Tấm bia bên trái là bia Ðuờng Cao Tôn, còn bia bên phải là bia không chữ của Võ Tắc Thiên, ngụ ý là công nghiệp của Hoàng đế Võ Tắc Thiên không có chữ gì tả hết, và sẽ do người hậu thế phán xét. Lăng chính thì để ở trong ngọn núi phía xa, chúng tôi không đủ thì giờ vào được.
8. Du ngoạn sông Dương Tử
Vài nét chính về địa dư sông Trường Giang (Changjiang)
Trường Giang là con sông lớn nhất của Trung Quốc về độ dài, lượng chảy, diện tích, lưu vực và ảnh hưởng kinh tế.
Trường Giang phát nguyên từ cao nguyên tỉnh Thanh Hải (Qinghai), chảy về hướng Nam, dọc theo ranh giới cao nguyên Tây Tạng (Xicang) vào địa phận tỉnh Vân Nam (Yunnan), sau đó quặt sang hướng đông bắc vào tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), qua các tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Giang Tây (Jiangxi), An Huy (Anhui) và Giang Tô (Jiangsu) rồi đổ ra biển ở giữa Hoàng Hải và Ðông Hải. Người Trung Quốc gọi chung toàn bộ dòng sông là Trường Giang. Trong các sách cổ, người ta cũng quen gọi là Ðại Giang.
Tùy theo các địa phương chảy qua, con sông này mang nhiều tên khác nữa. Ðoạn thượng nguồn ở tỉnh Thanh Hải được gọi là Thông Thiên Hà (Tongtian). Ðoạn từ Thanh Hải chảy vào tỉnh Tứ Xuyên được gọi là Kim Sa Giang (Jinsha). Ðoạn từ thị trấn Nghi Tân (Yibin) đến Nghi Xương (Yichang) được gọi là Xuyên Giang. Ðoạn chảy ở gần Giang Lăng (Jiangling) tỉnh Hồ Bắc (xưa là đất Kinh Châu) còn được gọi là Kinh Giang. Cuối cùng, khi chảy qua đất Dương Châu (Yazhou) tỉnh Giang Tô nó được gọi là Dương Tử Giang. Ngày xưa các thương gia người Âu, khi vào Trung Quốc, tiếp xúc với thương cảng ở gần cửa sông, làm quen với tên sông Dương Tử, nên đã gán toàn bộ dòng sông này tên là Yang Tse Kiang.
Trường Giang có nhiều phụ lưu (nhánh sông phụ thuộc đổ vào). Bên trái thì có Nhã Lung Giang, Ðà Giang, Manh Giang, Gia Lăng Giang và Hán Thủy, bên phải thì có Ô Giang, Nguyên Giang, và Cảm Giang.
Ðoạn thượng lưu được giới hạn từ thượng nguồn đến thị trấn Nghi Tân dài 2,918 km, chảy trên cao nguyên Thanh Hải với độ cao 4000m, rồi đổi hướng đông bắc chảy đến Nghi Tân, nơi đây bắt đầu gọi là Kim Sa Giang. Nguồn cung cấp nước chính là nước băng tuyết tan.
Ðoạn trung lưu từ thị trấn Nghi Tân (chỗ hội lưu của Manh Giang và Kim Sa Giang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên đến thị trấn Nghi Xương ở tây nam tỉnh Hồ Bắc, dài 1,032km. Mực nước chảy tại Nghi Tân là 8,000m3/giây, chiều rộng của sông ngoài 300m.
Nhưng từ Nghi Tân, trở đi con sông lại nhận thêm phụ lưu Ðà Giang tại Lô Châu và Gia Lăng Giang tại Trùng Khánh. dòng sông đã chảy tăng lên 15,000m3/giây. Khi nước to lòng sông rộng tới 800m sâu 35m, mùa nuớc cạn thì xuống còn một nửa.
Từ thị trấn Phụng Tiết (Fengjie) đến thị trấn Nghi Xương (Yichang) dài 200km. Sông chảy xuyên qua một vùng núi đá vôi giữa hai tỉnh Tứ Xuyên và Hồ Bắc, tạo nên các hẻm vực sâu tới 500m. Dòng nuớc thu nhỏ chỉ còn 200-250m chiều ngang. Chỗ hẹp nhất còn 140m. Ðây là vùng Tam Hạp có những phong cảnh rất đẹp mà du khách thường được hướng dẫn đi xem. Cũng là nơi nhà nước Trung Quốc đang dự trù xây cất công trình thủy lợi lớn: Ðập Tam Hạp.
Ðoạn hạ lưu từ thị trấn Nghi Xương đến thị trấn Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô dài 1,520km. Ðoạn này lòng sông chảy trên địa hình bằng phẳng. Lòng sông rộng đến 2km. Từ Nghi Xương đến Vũ Hán (Wuhan) theo đường chim bay chỉ có 286km, nhưng vì dòng sông có nhiều uốn khúc nên dài tới 712km. Dòng sông cũng tiếp nhận nhiều phụ lưu, nên có nhiều hồ đã hình thành. Hai hồ lớn và nổi tiếng nhất là Ðộng Ðình Hồ (Dong Ting) và Phiên Dương Hồ (Po Yang).
Từ Trấn Giang ra đến cửa sông là khu vực châu thổ của Trường Giang, mà người ta thường gọi là Dương Tử Giang. Ra gần tới cửa biển bên trái của dòng sông thì có con sông đào lớn nhất là Ðại Vận Hà, rồi sông Dương Tử chia làm hai nhánh lớn. Thành phố Thượng Hải nằm ở bờ sông nhánh Nam. Ðại Vận Hà là một con sông đào vĩ dại nối liền hai con sông lớn nhất của Trung Hoa là sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, sông đào này chảy từ Bắc xuống Nam. Sông đào này đã có từ thời Xuân Thu (thế kỷ thứ 5 truớc Tây Lịch) được tiếp tục tu bổ và đào thêm vào các triều đại sau như nhà Tùy (600 Tây Lịch), nhà Tống (thế kỷ 10) nhà Nguyên (thế kỷ thứ 12) v...v...
Do lượng nước chảy qua Trường Giang vào mùa hạ rất lớn (như trận lụt tháng 8/1998 vừa qua luợng nước đã lên tới 80.000m3/giây) nên các tỉnh ở vùng hạ du (Hồ Bắc, An Huy và Giang Tô) hay bị ngập lụt, thiệt hại lớn lao.
Du ngoạn sông Dương Tử:
Như trên ta đã biết, cuộc du ngoạn này phải gọi là du ngoạn Trường Giang, (đoạn có tên là Xuyên Giang và Kinh Giang). Nhưng các hãng du lịch vẫn gọi là cuộc du ngoạn sông Dương Tử.
Có nhiều hãng tổ chức du ngoạn bằng du thuyền trên sông Dương Tử và cũng có nhiều hạng khác nhau, tùy theo loại thuyền lịch sự hay kém hơn. Theo chỗ chúng tôi được biết thì du thuyền Victoria là chiếc du thuyền lớn và lịch sự nhất (chúng tôi không rõ hãng nào). Kế đến là hãng Regal China Cruises (mà chúng tôi dự) hãng này có 3 chiếc du thuyền Princess Jeannie, Princess Elaine, Princess Sheena. Ba chiếc thuyền này chế tạo từ Ðông Ðức lúc trước đóng để bán cho Nga sô, nay Nga Sô không có tiền mua nên bán cho một hãng Hoa Kỳ để hợp doanh với Trung Quốc. Thuyền tương đối mới, trên du thuyền còn một vài vật dụng còn mang chữ Nga, phòng ngủ khá lịch sự và đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra còn những hãng khác với du thuyền phẩm chất kém hơn nữa.
Giá tiền tùy theo mùa, vào mùa du lịch (mùa Xuân) từ 25 tháng 4 đến 10 tháng 6 và (mùa hè) từ 8 tháng 9 đến 31 tháng 10, thời gian ngoài mùa (giá rẻ hơn) là từ 11 tháng 6 đến 7 tháng 9 (mùa nuớc lớn và lụt) và từ 1 tháng 11 đến 24 tháng 4 (mùa đông lạnh).
Hãng Regal có nhiều chuyến du lịch như :
Chuyến du lịch thăm Tam Hạp (Regal Three Gorges Passage) đi từ Trùng Khánh đi suôi dòng tới Vũ Hán gồm 3 ngày 4 đêm. Trong ba ngày lên bờ thăm phong cảnh 3 lần.
Chuyến du lịch thăm Tam Hạp từ Vũ Hán đi ngược dòng tới Trùng Khánh, gồm 6 ngày 5 đêm, giá rẻ hơn chuyến suôi dòng chút đỉnh và cũng lên bờ viếng cảnh 3 lần.
Chuyền du lịch thăm Tam Hạp đặc biệt (Three Gorges Supreme) rẻ tiền hơn nữa, khởi hành từ thị trấn Nghi Xương đi qua Tam Hạp tới thị trấn Phụng Tiết rồi từ Phụng Tiết trở về Nghi Xương, trong 4 ngày 3 đêm.
Chuyến du ngoạn Dương Tử đi từ Vũ Hán đến Thượng Hải, 5 ngày 4 đêm, được lên thị trấn Cửu Giang đi thăm núi Lư sơn, lên thị trấn Quý Trì để đi thăm Cửu Hoa Sơn, cuối cùng thăm thị trấn Nam Kinh rồi cặïp bến Thượng Hải. Chuyến này chỉ có từ tháng 11 trở đi, chắc là khi mùa đông, nước sông cạn thì họ dùng du thuyền chở khách thăm vùng vùng hạ lưu Dương Tử.
Hai bên bờ Tam Hạp có hàng chục di tích đáng xem, nhưng tùy theo hãng du thuyền họ tính thời gian thuận tiện mà chỉ dẫn du khách đi 3 nơi mà thôi.

Chuyến viếng thăm thành phố Trùng Khánh
và cuộc du ngoạn trên sông Dương Tử
Chúng tôi tới phi trường Trùng Khánh vào lúc 12 giờ trưa.
Thành phố Trùng Khánh là thành phố đông dân nhất Trung Hoa (30 triệu dân) rộng 80,000km vuông. Nơi đây là thủ phủ chống Nhật của Thống chế Tưởng Giới Thạch, và cũng là nơi quê quán của Ðặng Tiểu Bình. Thành phố nằm trong một cái thung lũng bao bọc bởi những núi cao, nhờ vị trí thiên nhiên đó mà trong trận Ðệ Nhị Thế Chiến những máy bay Nhật khi nhào xuống oanh tạc thường bị súng phòng không bắn dễ dàng.
Thành phố rất khang trang, có nhiều dốc và các hè phố đều có hàng rào cản, không cho khách bộ hành tự tiện băng qua phố. Nhất là chính quyền ở đây triệt để cấm dân chúng bày bán hay dựng xe ở vỉa hè, nên dân chúng vô phương dùng xe đạp được. Người hướng dẫn tự hào khoe với chúng tôi là Trùng Khánh là thành phố duy nhất từ năm 1980 tới nay hầu như không có xe đạp ngoài phố.
Chiều chúng tôi đi thăm ngọn đồi trông xuống thành phố Trùng Khánh và là nơi có dinh thự cũ của Tưởng Giới Thạch, sau này Ðặng Tiểu Bình cũng về đây làm việc. Tại đây vẫn còn di tích những hầm trú ẩn tránh bom từ thời Ðệ Nhị Thế Chiến.
Sáng 28/10/98 lúc 7 giờ sáng, xuống tầu Princess Jeannie của Hãng Regal China Cruise bắt đầu cuộc du ngoạn trên sông Dương Tử trong 4 ngày, 3 đêm.
Ngày đầu 28/10, buổi sáng nhân viên trên thuyền thuyết trình về phương tiện an ninh, và hành trình cuộc du ngoạn. Buổi chiều, thuyền ghé tỉnh Phong Ðô (Fengdu), chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Quỷ Thành (Ghost City). Qủy Thành được xây trên ngọn đồi, phải đi lên bằng cable car, ngoài cửa thành có những tượng quỷ sứ nặn bằng xi măng, phía trong có điện thờ vua Diêm Vương, phía sau có điện có bàn thờ Chúa Nữ Oa, hai bên có nhiều tượng các vị Phán Quan. Gian nhà bên có bầy cảnh dưới địa ngục A Tỳ. Ðây là một kiến trúc mới, phải gọi là cái miếu thì mới đúng, vì thờ những vị thần theo tập tục Lão Giáo của người Trung Hoa thời xưa.
Chiều tối, trên thuyền có buổi tiếp tân của thuyền trưởng, và tại phòng dạ vũ có các nhân viên của thuyền ra hát và múa (Jeannie Follie crew show).
Ngày thứ hai 29/10/98, sáng sớm 6g30ø chúng tôi được mời lên boong tầu xem cảnh Cù Ðuờng Hạp (Qutang gorge dài 8km). Ðứng trên boong tầu, gió thổi ù ù, thời tiết vào cuối thu cũng lạnh nên chúng tôi cũng phải mặc áo rất dầy.
Xin nói thêm là khi du ngoạn bằng tầu dọc sông Dương Tử (nhất là ở đoạn này) chúng ta cần thuộc truyện Tam Quốc Chí, vì hai bên bờ sông quãng này có rất nhiều di tích về thời Tam Quốc. Nếu ta mở bản đồ Trung Hoa vào thời Tam Quốc, thì dọc sông Trường Giang ngày xưa gần như là biên giới phân tranh của ba nước: Thục (kinh đô là Thành Ðô), Ngụy (kinh đô là Trường An) và Ngô (kinh đô là Giang Tả).
Người thuyết minh cho chúng tôi là một anh sinh viên người Hoa Kỳ tên là Brian, làm việc tạm cho hãng tầu du lịch. Anh này học tiếng Trung Hoa và hè thì sang đây để thực tập. Do đó, anh cũng ít thông suốt về lịch sử các địa điểm. Cũng may trên tầu họ phát cho chúng tôi một bản đồ với nhiều chi tiết về sông Dương Tử và ba cái hạp Cù Ðuờng Hạp, Vu Hạp và Tây Lăng Hạp (hạp là chỗ giòng sông hẹp lại cỡ 250 - 150m và hai bên vách núi cheo leo phong cảnh rất đẹp). Chữ nho của chúng tôi rất yếu, nên khi đọc chữ viết Trung Quốc (chữ được chữ không) cùng là đọc những tên phiên âm trong phần tiếng Anh thì chúng tôi cũng đoán ra được tên theo âm tiếng Việt.
Phong cảnh của Cù Ðường Hạp rất đẹp, sáng sớm sương mù còn bao phủ, hai bên vách núi cheo leo giữa là giòng sông, cảnh thật là hùng vĩ. Anh hướng dẫn Brian cho biết bên tay trái ngày xưa là nơi Khổng Minh bầy Bát Trận Ðồ, nơi này là cửa hạp nên lòng sông còn rộng. Vào sâu phía trong, gần đó là thị trấn Phụng Tiết với những nhà ở nằm bên sông. Hàng năm vào ngày 7 tháng giêng, dân chúng trong vùng tụ tập ở bãi sông nơi Bát Trận Ðồ khi xưa. Họ đánh chiêng trống và ca hát nhảy múa. Ðàn bà thì lấy những sợi chỉ lụa xâu các hòn sỏi mầu thành chuỗi, rồi cuốn lên đầu hay đeo vào cổ trẻ con để lấy khước.
Thuyền đi chừng một lát sau thì bên phải là Quỳ Môn (kuimen là Quỳ Môn chứ không phải là Quỷ Môn) với một vách núi bên phải thẳng đứng như một cánh cửa, bên trái thì sườn núi thoai thoải, chỗ này lòng sông đã hẹp lại. Anh Brian mô tả gần đó còn có Tỏa Giang Thiết Trụ là hai cọc sắt lớn cao 2m13 đóng ở lòng sông, xưa vào đời Tống người ta chăng xích sắt giửa hai cọc. Trong một trận thủy chiến, nuớc sông lên cao che lấp cọc, địch qua lại không thấy, lừa khi thủy triều xuống thì tấn công, địch vướng cọc và xích sắt không soay sở được. Chúng tôi chỉ được giới thiệu và xem hình thôi còn tận mắt thì không thấy.
Kế tiếp, phía bên trái người ta cho biết phía trên núi là Bạch Ðế Thành (đối diện với Quỳ Môn). Bạch Ðế Thành là nơi khi xưa Lưu Bị bị quân Ngô đánh thua trận lui về đây, trước khi mất đã phó thác con trai là Lưu Hậu Chủ cho Thừa Tướng Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Một cảnh đặc biệt khác của Cù Ðuờng Hạp là những con đường Sạn Ðạo (Cổ Sạn Ðạo) dài hàng chục cây số. Những đường sạn đạo này làm từ thời Hán, người xưa dùng để di chuyển dọc theo con sông khi nước lũ lụt, hoặc để cho phu kéo thuyền đi ngược dòng nước. (Phải chăng đây là những con đường sạn đạo khi xưa Lưu Bị lui quân vào đất Thục?). Người ta thấy có hai loại sạn đạo. Một loại do sức người đục lõm vào vách núi, sâu 2 m hay 3 m, cao 3 m, chạy dọc sườn núi thành những lối đi ven sườn núi cách mặt nước hàng bốn năm chục mét, người ta có thể dùng cáng 4 người khiêng di chuyển dễ dàng trên sạn đạo. Ðứng dưới thuyền, xa xa chúng tôi trông lên vách núi chỉ thấy như là một vết vạch ngang lõm vào núi, chạy dài dọc hàng chục cây số theo vách núi, không ai tưởng được đó là một con đường. Một loại sạn đạo khác người ta đục nhiều lỗ vào vách núi (cách nhau cỡ 1m) rồi cắm những thanh gỗ ngang, trên thanh gỗ đó bắc những tấm ván dọc thành những cầu khỉ treo vào vách núi để làm lối đi, những đoạn sạn đạo này thường ngắn. Người ta thấy rất nhiều hai loại sạn đạo này dọc theo Cù Ðuờng Hạp hay Tiểu Tam Hạp.
Trong truyện Tam Quốc , khi Lưu Bị và Khổng Minh cho lui quân vào Thục Trung bằng đường sạn đạo , sau khi rút lui tới Thục rồi thì ra lệnh "đốt đường sạn đạo", Khổng Minh giảng với các tướng là đốt đường về như vậy để binh sĩ nhất trí ở lại Hán Trung không nghĩ đến đường về quê hương nữa. Ta tự hỏi nếu sạn đạo là một con đường mòn hay đường đá thì làm sao mà đốt được, có đốt thì vẫn dùng được . Ngày nay tới đây ta mới hiểu là "đốt đường sạn đạo" nghĩa là đốt những chiếc cầu khỉ bằng gỗ cắm vào vách núi kia thì hết lối về thật. Về sau, khi Thục phồn thịnh rồi, Khổng Minh lại sai Ngụy Diên sửa sang lại đường sạn đạo để tiến quân ra tấn công quân Ngụy. Như vậy ta thấy đường sạn đạo này là một con đường rất quan trọng từ thời Hậïu Hán, con đường duy nhất di chuyển vào Thục.
Phong cảnh này đã được nhà thơ nổi tiếng Lý Bạch đã tả trong bài phú "Thục Ðạo Nan" như sau :
Thục đạo nan!
Y!Hu!Hi! Nguy hồ cao lai!
Thục đạo chi nan, nan vu thượng thanh thiên!
………………………..
Thượng hữu lục long hồi nhật chi cao tiêu
Hạ hữu xung ba nghịch triết chi hồi xuyên.
Hoàng hạc chi phi thượng bất đắc quá,
Viên nao dục độ, sầu phan viên!
……………………………..
Thục đạo chi nan, nan vu thượng htanh thiên!
Sử nhân thính thử, điêu chu nhan!
Liên phong khứ thiên bất doanh xích,
Khô tùng đảo quải, ỷ tuyệt bích.
Phi thoan, bộc lưu tranh huyên hôi,
Băng nhai, chuyển thạch, vạn hác lôi.
Kỳ hiểm dã như thử!
………………………………
Cụ Ngô Tất Tố đã dịch như sau :
Ðuờng Thục khó.
Ối! Chà! Gớm! Hiểm mà cao thay!
Ðuờng Thục đi khó, khó hơn đường lên trời!
……………………………
Trên là núi cao, như sáu con rồng ngăn bóng ác,
Dưới thì dòng sông quằn quại, thác dội sóng vỗ, nước chảy lùi.
Cánh con hạc vàng không thể vượt,
Khỉ vượn muốn qua, lo vịn noi!'
………………………..
Ðuờng Thục đi khó, khó hơn đường lên trời!
Nghe nói má hồng rầu, răn reo.
Dẫy núi cách trời chẳng đầy thước.
Thông khô vách đá vẫn treo ngược!
Suối tung ầm ầm, nuớc sáng choang.
Khe ngòi đá chuyển như sấm vang.
Nó hiểm là như thế.
Ðúng như vậy, ta đứng từ trên boong tầu nhìn lên hai bên là vách núi dài cả chục cây số, cao vời vợi, "gần như cách trời chẳng đầy thước", ngăn cả ánh nắng soi xuống lòng sông. Dưới là dòng sông chảy cuộn cuộn, và tầu rẽ sóng tiến tới thì thấy "nuớc chảy lùi" thật.
Chừng một lát sau thì qua hai cái khoảng hạp nhỏ nữa là Phong Sương Hạp và Kim Thác Hạp rồi ra khỏi vùng Cù Ðuờng Hạp.
Chúng tôi xuống phòng ăn sáng. Ăn xong lại lên boong tầu để xem tiếp phong cảnh Vu Hạp (Wu Gorge) .
Người hướng dẫn cho chúng tôi biết bên trái là Núi Vu Sơn, dãy núi này có 12 đỉnh, trong số đó chỉ có 9 đỉnh gần sông, từ dưới thuyền chúng tôi chỉ trông thấy một vài đỉnh mà thôi. Theo trong sách giới thiệu, thì đỉnh núi đẹp nhất là Thần Nữ Ðỉnh, từ đàng xa trông lên đỉnh núi giống như một tiên nữ thân hình mảnh mai trông xuống dòng sông, sách cũng trích dẫn truyền thuyết là ngày xưa có vị thần nữ là con gái Tây Vương Mẫu ở nơi Giao Trì, giáng trần giúp Vua nhà Hạ sẻ cắt sông Dương Tử, dạy dân làm dẫy, làm thuyền, trồng những cây thuốc. Do đó Thần Nữ được dân lập đền thờ. Chúng tôi không rõ vị Thần nữ này có liên quan đến điển tích thần nữ Vu Sơn gặp Sở Tương Vương trong mộng không?
Cảnh Vu sơn chốn này đã đuợc nhà thơ Ðỗ Phủ tả trong bài thơ Thu hứng như sau:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu San Vu Giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Ðế thành cao cấp mộ châm.
Cụ Ngô Tất Tố đã dịch ra như sau:
Vàng úa rừng phong hạt móc bay,
Non Vu hiu hắt phủ hơi may.
Giòng sông cồn cộn, trời tung sóng,
Ngọn ải mờ mờ, đất rợp mây.
Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở
Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy.
Giục ai kéo, thước lo đồ lạnh,
Ðập vải trờøi hôm rộn tiếng chày.
(Ðập vải: Bên Trung Hoa, cứ vào cuối thu, nhà nào cũng đập vải lo cắt áo may phòng mùa đông. Không hiểu sao Cụ Ngô Tất Tố lại không dịch đến một nơi nói trong thơ là Bạch Ðế Thành ở gần đó).
Ði một quãng thì tới Kim Khôi Ngân Giáp Hạp, cảnh núi thật là đặc biệt, vách núi có nhiều khía đều đặn tựa như là có vết dao băm nhỏ vào sườn núi. Cách một quãng nữa thì ta bên sườn núi một mặt phẳng cở 2m x 3m như một cái bảng, trên đó có khắc chữ nhưng đã mờ hết rồi, không nhận ra được nét chữ nữa. Ðó là Khổng Minh Bi, nơi Khổng Minh ghi lại bài thơ.
Ðến trưa, du thuyền cập bến thị trấn Ba Ðông, chúng tôi được chuyển xuống một chiếc tầu nhỏ, đi tới một bến thuyền khác, bến sông Thần Nông Khê (khê có nghĩa là con suối). Người hướng dẫn cuộc đi này là một cô gái trẻ tuổi, trắng trẻo, cô tự giới thiệu bằng tiếng Anh (tiếng Anh hơi khó nghe) cô là người Thổ Gia (Tujia) thuộc sắc tộc thiểu số vùng này. Cô kể cho chúng tôi một vài phong tục của người Thổ Gia như sau: Trai gái Thổ Gia lấy nhau đều phải qua sự mai mối, trước khi về nhà chồng, người con gái phải khóc hai tuần lễ cho đến khi người ta ném cô lên kiệu hoa về nhà chồng; mỗi khi có đám tang thì người Thổ Gia đặt một cái trống lớn trước quan tài, một người đánh trống trong khi mọi người nhảy múa quanh linh cữu.
Kế tiếp cô giới thiệu: Thần Nông Khê tiếp nhận nước của 17 con suối chảy từ những núi miền Bắc xuống phía Nam qua những khe núi, đổ vào sông Trường Giang. Vào đầu mùa ha, mực nước sông Trường Giang lên cao, nuớc Thần Nông Khê chảy rất siết. Lòng sông rất rộng. Nhưng nay vào đầu thu, mực nước thấp nên lòng sông nổi lên nhiều cồn cát sỏi, lòng sông chỉ còn hẹp cỡ 4m hay 5m mà thôi. Nay chúng ta muốn đi ngược dòng sông để ngắm cảnh, ta cần phải có phu kéo thuyền.
Chúng tôi phải mặc áo phao cứu cấp trước khi xuống những thuyền nhỏ (lớn hơn thuyền tam bản một chút). Mỗi thuyền chở được 8 du khách, giữa thuyền có một cái cột cao chừng 2m, đầu cột buộc một chiếc giây thừng khá lớn dài cỡ 50m để cho người trên bờ kéo. Mỗi thuyền có 4 người trên bờ kéo, đàng mũi thuyền có một người đẩy sào, đằng sau một người cầm lái hoặc đẩy sào. Người đằng trước cũng như đằng sau, có phận sự dùng sào để đẩy con thuyền ra giữa dòng sông, đừng để thuyền mắc cạn bên phải cũng như bên trái. Ðôi khi bên trái không có lối đi, thì 4 người phu (tất cả đều đóng khố) lại nhảy lên thuyền để chuyển sang bờ bên phải mà kéo, đôi khi họ phải lội bùn ngập đến tận háng, họ lội bì bõm ở bờ sông thật là công phu và cực nhọc. Họ kéo như vậy trong 2 tiếng đồøng hồ để đưa chúng tôi đi ngược dòng sông 1km5.
Ði một quãng chúng tôi thấy ở trên cao (cỡ 50m) có một chiếc cầu bằng giây treo ngang qua sông. Mỗi bên núi họ đang xây một cái chân cầu rất lớn, người ta cho biết đó sẽ là cây cầu sắt bắc ngang qua sông Thần Nông Khê. Trong tương lai, sau khi cái đập mới làm xong (đập Three Dam George) thì nơi đây sẽ ngập nước, các ngôi nhà ở nơi thấp sẽ bị ngập, và chính phủ đền cho họ những ngôi nhà đang xây ở trên cao.
Càng đi vào sâu thì nước sông càng trong, có thể trông suốt xuống đến đáy. Ðáy sông thì toàn những đá sỏi nhiều mầu trông thật là đẹp mắt. Hai bên vách núi cao thăm thẳm gần sát vào lòng sông. Cô hướng dẫn chỉ chúng tôi xem một ngôi mộ táng treo có cả ngàn năm nằm tít trên vách núi cao. Cảnh sông núi thật là hùng vĩ. Cuối cùng thuyền cặp vào bến nghỉ, đây chỉ là một cồn cát sỏi rộng nằm bên bờ sông. Tại đây đã có hàng chục người bán những đồ kỷ niệm.
Sau khi ăn trưa, chúng tôi lại lên thuyền ra về, lần này thì thuyền tự trôi theo dòng nước nên không cần người kéo. Dọc đuờng cô gái Thổ Gia cất tiếng hát một bài hát của người thổ dân, và hướng dẫn chúng tôi hát theo, thật là vui. Chúng tôi hỏi về lương của một người phu kéo thuyền được bao nhiêu thì cô trả lời là họ được lãnh cỡ 4 dollars cho một chuyến như vậy, và mỗi tuần chỉ được sắp xếp cho kéo một ngày mà thôi, vì có đông người ghi tên xin kéo thuyền. Ngay như cô làm việc hướng dẫn du lịch, lương cũng rất ít, cô sống về tiền thưởng của du khách.
Trước khi rời thuyền chúng tôi không quên tặng hậu hĩnh cho các phu kéo thuyền cũng như cô hướng dẫn, như là để thông cảm hoàn cảnh của một sắc tộc thiểu số sống trong một xã hội bon chen. Khi chia tay, chúng tôi đã chúc đùa cô hướng dẫn viên xinh đẹp là ước mong sang năm cô sẽ có dịp khóc dài cả hai tuần lễ. Cô chỉ cười mà thôi.
Cuộc du ngoạn sông Thần Nông cho chúng tôi một dịp nhìn thấy nguồn nhân công rẻ của dân tộc Trung Hoa rất lớn.
Trở về du thuyền, nghỉ ngơi đôi chút, đến 2g30 chiều, chúng tôi lại lên boong tầu để xem cảnh Tây Lăng Hạp.
Cảnh Tây Lăng Hạp cũng không có gì đặc biệt hơn Cù Ðường Hạp hay Vu Hạp. Tại quãng này cũng có hai quãng lòng sông hẹp mang tên khá ngộ nghĩnh là Binh Thư Bảo Kiếm Hạp và Ngưu Can Mã Phế Hạp, chúng tôi cũng không thấy có hình dáng gì liên quan đến tên cả.
Ðến 3g30 chiều thì chúng tôi đi ngang qua chốn Tam Ðầu Bình, là nơi Trung Quốc đang cho xây chiếc đập Tam Hiệp (Three Dam George). Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi xem công trường đang xây cất. Sông đoạn này chạy theo một khúc quanh cỡ 40 độ về phía trái. Bờ sông đoạn này đã xây vỉa xi măng rất cao. Phía trong còn thấy những cần trục cao, xa xa thấy một cây cầu xi măng lớn bắc qua sông. Cầu này khá lớn, mỗi chiều có hai hàng xe qua lại được. Du thuyền qua khỏi cây cầu thì cặp vào bến. Chúng tôi được hướng dẫn lên bờ, dùng xe bus đi thăm công trường xây cất đập Tam Hiệp. Sau hết chúng tôi được đưa tới một căn phòng trong đó có cái xa bàn về dự án đập Tam Hiệp, một thuyết trình viên cho biết: Năm 1996, dự án đập này được dự trù là 100 tỷ Yuan (nghĩa là hơn 10 tỷ dollars, không rõ sau cuộc kinh tế khủng khoảng ở Á Châu thì sẽ là bao nhiêu, các cơ quan quốc tế cho là dự án không thực hiện được nên không tài trợ, nên Trung Hoa tự làm lấy không có sự trợ giúp của tài chánh quốc tế). Dự án có hai giai đoạn, giai đoạn đầu là họ sẽ thiết lập một hệ thống vận chuyển thuyền qua lại đập, gồm 4 tầng hồ nước vận chuyển tầu bè (tiếng Anh gọi là ship lock, hay tiếng pháp gọi là écluse), tầu vào đập nước này rồi đóng cửa đập lại, bơm nước trong đập ra cho mực nước xuống ngang với đập kế tiếp, rồi mở cửa mang tầu vào đập kế tiếp, đóng lại bơm nuớc ra... Cứ như vậy cho hết 4 đập thì tầu được hạ ngang với mực nước ở hạ lưu, rồi di chuyển tầu ra sông. Vì họ dự trù mặt nuớc trên cao của đập sẽ cao hơn mặt nuớc phía dưới cả hơn 150m; trong nhà thủy điện, nuớc sẽ chảy từ trên cao hơn 150m chảy xuống và làm chuyển vận các máy phát điện. Xong giai đoạn 1, khi hệ thống vận chuyển tầu chạy tốt thì họ sẽ cho lấp 1 phần sông còn lại để xây cất phần đập thuỷ điện. Hiện nay họ đang làm giai đoạn 1. Họ dự trù sẽ bắt đầu giai đoạn 2 vào năm 2002, và sẽ xong toàn diện vào năm 2009. Thuyết trình viên cho biết trong thời gian xây cất đập việc du lịch sông Dương Tử không có gì trở ngại cả. Chúng tôi đứng xem xa bàn thì có hai toán du lịch Nhật và Pháp cùng tới. Một người Nhật nói với chúng tôi là họ không tin dự án này làm được vì lòng sông rộng quá, ông ta nói chúng ta sẽ được thấy dân Trung Hoa ném tiền qua cửa sổ trong vòng 10 năm tới. Nhưng người du khách Pháp thì tin là người Trung Hoa đã xây được Vạn Lý Trường Thành thì họ cũng sẽ thực hiện dự án này được, nhưng trong bao lâu thì không rõ. Sau đó, chúng tôi ra ngoài đi lên một đài cao để xem bao quát công trưòng xây cất đập này. Phong cảnh trông bao quát cả một công trường phá núi thành sông, từng bậc từng lớp đá cao hàng năm bảy thước, ta có cảm tưởng như cảnh công trường nô lệ xây Kim tự Tháp ngày xưa.
Chúng tôi trở về du thuyền lúc chạng vạng tối. Không rõ vì lý do gì, hay vì thuỷ triều không thuận lợi, thuyền chúng tôi ở lại bến này nguyên đêm, mãi đến cỡ 5 giờ sáng mới khởi hành.
Vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi tới đập nuớc Nghi Xương. Ðây là một công trình đập thủy điện cỡ trung, bên phải là đập thủy điện, bên trái là 3 cái đập vận chuyển thuyền bè (ship lock) qua lại (1 tầng thôi). Ðập thủy điện này khởi công xây cất năm1979 và hoàn tất năm 1989. Sau khi đi qua đập thuỷ điện này, chúng tôi mới rõ là người Trung Hoa đã có kinh nghiệm lập được một đập thủy điện cỡ trung rồi nay họ có cao vọng lập đập thủy điện Tam Hiệp cỡ lớn (chỉ cách đó chừng 200 dặm). Không rõ nếu làm xong đập Tam Hiệp thì đập Nghi Xương có còn nước mà hoạt động, năng lượng có bị giảm không ? Ngay bên cạnh đập nước là thị trấn Nghi Xương, nơi đây cũng là trung tâm kỹ nghệ, nhiều cao ốc thương mại.
Vì lý do nước thủy triều, chúng tôi lên bến thị trấn Kinh Châu quá muộn, lúc 4 giờ chiều. Nói tới Kinh Châu thì chúng ta nhớ lại một điển tích về đòn ngón chính trị thời xưa, vào thời Tam Quốc, lúc vua Lưu Bị còn lưu vong, phải dựa thế vào nhà Ngô (lúc đó là rể nhà Ngô) để đánh chiếm thành Kinh Châu, hứa năm sau nếu chiếm được thêm đất đai dựng được cơ nghiệp thì trả lại Kinh Châu cho nhà Ngô. Khổng Minh soạn thảo tờ cam đoan. Năm sau, nhà Ngô sai sứ sang đòi Kinh Châu, thì Khổng Minh mang giấy tờ cam đoan ra dẫn chứng là trong giấy nói cam kết là sang năm, vậy thì sang năm sẽ trả, rồi cứ sang năm rồi sang năm lờ luôn không trả, sinh ra chuyện chinh chiến.
Xe bus chở chúng tôi đến thăm đền thờ Quan Công và cổng thành cổ Kinh Châu vào lúc trời xẩm tối. Thêm một chuyện không may nữa là hôm đó, khu vực thành Kinh Châu bị cúp điện, do đó chúng tôi chả xem được gì mấy.
Trở về thuyền, đêm đó thuyền đi ngang qua Ðộng Ðình Hồ và Phiên Dương Hồ rồi tới Vũ Hán vào lúc sáng sớm.
Trước khi cập bến, một ban nhạc gồm các cô tiếp viên (nhân viên trên tầu), với quần áo đồng phục xanh đã đứng trên boong tầu, cử những bản nhạc hùng và tạm biệt cho du khách. Chúng tôi đổ bộ lên Vũ Hán và chấm dứt cuộc du ngoạn trên sông Dương Tử trong 4 ngày.
Theo thiển ý của tôi, thì cuộc thăm sông Dương Tử trong 4 ngày là quá dài, phong cảnh thì rất đẹp, nhưng xem mãi thì chán, chỉ có ai thuộc sử Trung Quốc , nhất là chuyện Tam Quốc chí thì mới thích. Tuy nhiên riêng tôi thì cho đây là một dịp cho các bậc cao niên xuống tầu vừa nghỉ ngơi vừa ngắm cảnh sau một cuộc hành hương quá dài (hơn hai tuần).
9.Viếng thăm thị trấn Vũ Hán và Hoàng Hạc Lâu
Chúng tôi chấm dứt cuộc du ngoạn sông Dương Tử và lên bờ tại thành phố Vũ Hán (Wuhan). Vũ Hán là một thành phố nằm ở ngã ba sông Dương Tử và Hán Thủy. Dân số Vũ Hán là 8 triệu dân, kể cả những dân cư sống ở trên thuyền bè, và là thành phố lớn thứ 5 của Trung Quốc.
Ngày xưa thị trấn Hán Dương nằm bên bờ sông Hán Thủy. Cách đây 400 năm sông Hán Thủy bỗng đổi giòng nước chảy và cắt đôi thị trấn làm hai. Do đó ngườùi ta gọi mộât bên sông là thị trấn Hán Dương và một bên là thị trấn Hán Khẩu. Còn thị trấn Vũ Xương thì nằm ở bên kia sông Dương Tử. Ngày nay, ba thị trấn có những cây cầu lớn bắc qua 2 con sông, giao thông với nhau dễ dàng và họp lại thành một thành phố lớn lấy tên là Vũ Hán.
Thành phố Vũ Hán phát triển rất tốt. Trong thành phố có rất ít xe đạp và nhiều xe chuyên chở công cộng, nhất là nhiều xe taxi Citroen , xe ráp lắp do công ty Citroen và Trung Quốc hợp doanh.
Tại các phố chính, người ta dựng các hàng rào sắt dọc hai bên lề đường để ngăn cản các khách bộ hành không thể băng qua phố được, muốn qua phố phải ra đầu phố để băng qua theo lệnh của đèn giao thông. Lề đường các hàng quán cũng như xe đạp hay xe gắn máy đều bị cấm, nên khách bộ hành đi lại rất thoải mái, và làm đẹp mắt thành phố. Buổi tối thì đèn sáng trưng với rất nhiều bảng hiệu quảng cáo bằng đèn điện (chả thua gì Hương Cảng). Chúng tôi hỏi người hướng dẫn du lịch về việc này, thì anh này cho biết vì Vũ Hán ở gần đập thủy điện Nghi Xương nên giá điện ở đây rất rẻ.
Nói tới Hán Dương thì ta phải nhớ tới một nơi di tích là Lầu Hoàng Hạc (hay Hoàng Hạc Lâu). Trung Hoa có ba cái lầu nổi tiếng mà được các nha thơ ca tụng là : Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán, Nhạc Dương lâu ở Ðộng Ðình Hồ và Ðằng Vương Các.
Theo truyền thuyết, ngày xưa có một quán ăn nằm tại bên bờ sông Dương Tử, hàng ngày có một vị khách tới quán ăn uống không trả tiền, rồi ngày này qua ngày khác, người chủ quán thấy tác phong người ăn chịu đứng đắn thì cứ để cho ăn chịu tới hơn một năm. Ngày nọ, người khách lạ kia nói với người chủ quán : "Ta cảm ơn ngươi đã để cho ta ăn uống chịu hàng năm trời, nay ta đền ơn ngươi bằng cách vẽ cho ngươi một bức tranh con hạc, nếu ai vỗ tay ba tiếng thì nó sẽ xuống nhảy múa cho mà coi." Nói xong, người khách lạ dùng cái vỏ cam vẽ lên trên tường quán ăn một con hạc mầu vàng, vẽ xong rồi bỏ đi.
Từ đó, hễ thực khách tới cứ vỗ tay ba tiếng thì con hạc nhảy ra khỏi tranh vẽ và nhảy múa cho mọi người xem. Vì có hiện tượng lạ này nên quán có tên là Hoàng Hạc Lâu, càng ngày càng đông khách, trở nên phát đạt, mở rộng ra và nổi tiếng khắp nơi. Mười năm sau, vị thực khách kia trở lại Hoàng Hạc Lâu và nói với người chủ quán rằng : "Ngày nay nhà ngươi khá giả rồi, như vậy ta trả ơn quá đủ rồi, đã đến lúc ta phải đi đây" . Nói xong ông vỗ tay ba tiếng, con hạc nhảy ra khỏi tranh, và ông khách cưỡi hạc bay lên không trung đi mất. Sau đó người chủ quán mới biết vị khách kia là Lã Ðồng Tân, một trong bát tiên.
Trong quyển sách giới thiệu Hoàng Hạc Lâu thì thời xưa cũng có chuyện tương tự nhưng vị tiên là Phí Y, sau đến đời nhà Minh trong truyện Thần Tiên thì người ta cho là vị tiên là Lã Ðồng Tân.
Còn vị trí của căn lầu này cũng có truyện truyền thuyết là ngày xưa có con Quy Tinh (rùa thần) đánh nhau với con Xà Tinh (rắn thần) tranh dành nguồn nuớc, hai bên làm dâng nuớc lên gây ngập lụt cho vùng này. Có một tiên ông cuỡi mây bay qua, dùng phất chủ đánh xuống chia hai con tinh ra, vì đuôi phất chủ đánh xuống mạnh quá gây thành một dòng sông (có lẽ là sông Hán Thủy) chia đôi thành đồi rắn và đồi rùa ở hai bên bờ sông. Hoàng Hạc Lâu nằm trên đồi rắn này.
Trong thời Ðuờng (năm 618-907), các nhà thơ văn thường lui tới Hoàng Hạc Lâu này để thưởng ngoạn và đồng thời trao đổi thơ phú, tựa như một trụ sở của văn đàn thời Ðuờng thịnh. Bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (cũng còn đọc là Thôi Hạo) là một trong áng thơ tuyệt tác tả cảnh nơi hữu tình này. Bài thơ đó như sau :
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tái không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã dịch ra như sau :
Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một mầu mây, vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Ðừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
Tương truyền nhà thơ Lý Bạch một hôm có đi qua Hoàng Hạc Lâu, thấy phong cảnh hữu tình, muốn phóng bút một vài câu thơ, nhưng thấy có bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu viết trên tường, bèn ngửa mặt than rằng :
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu
(có nghĩa: trước mắt có cảnh mà không thể nói được vì Thôi Hiệu đã có đề thơ ở trên rồi).
Ngoài ra, tướng Nhạc Phi thời nhà Tống, khi dừng quân ở Hoàng Hạc Lâu và đã có làm bài phú "Mãn Giang Hồng"
Theo sách giới thiệu Hoàng Hạc Lâu thì chiếc lầu đầu tiên được xây cất năm Hoàng Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam Quốc (223 Tây Lịch), đến nay suốt thời gian 1762 năm, đã có 12 lần bị phá hủy hay bị cháy, 12 lần xây cất lại, và cả hàng chục lần tu bổ. Ngày xưa, chốn này là một cái chòi quan sát quân sự và hướng dẫn thuyền bè qua lại trên sông Dương Tử. Nhờ ở vị trí thuận tiện và có phong cảnh hữu tình mà biến thành nơi các tao nhân mạc khách tới ngắm cảnh và uống rượu làm thơ. Thời xưa, kiến trúc Hoàng Hạc Lâu đều bằng gỗ, nên thường bị hư hại theo thời gian hay bị cháy. Tra cứu theo các tranh cổ còn lại, qua các đời nhà Hán, Ðuờng, Nguyên, Thanh, Hoàng Hạc Lâu đã được xây lại nhiều lần, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn. Hoàng Hạc Lâu luôn luôn giữ địa vị là nơi hội họp của các văn nhân mạc khách trong thời. Ðến năm Quang Tự thứ 10 nhà Thanh, (4 tháng 8 năm 1884) một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi Hoàng Hạc Lâu bằng gỗ này. Các viên chức địa phương đã nhiều lần dự trù xây cất lại, nhưng vì hoàn cảnh loạn ly đã làm cản trở việc xây cất. Mãi đến năm 1981, người ta mới xây cất lại nhưng trên vị trí khác.
Vị trí Lầu Hoàng Hạc ngày xưa nằm bên bờ sông Dương Tử và trên một ngọn đồi gọi là đồi rắn. Vì chỗ của lầu Hoàng Hạc khi xưa nằm ở chỗ bờ sông hẹp nhất, nên người ta dùng nơi này để bắc đầu cầu vào nơi này, và xây cất lui tòa Hoàng Hạc Lâu tân tạo vào phía trong (cũng trên đồi rắn) và họ thêm những tòa nhà phụ thuộc cùng là vườn trúc, tất cả được gọi là "Hoàng Hạc Lâu Công Viên". Cái tháp được mang tên "Hoàng Hạc Lâu" xây cất theo kiểu cũ thời Ðồng Trị nhà Thanh, nhưng vật liệu kiến trúc là xi măng. Lầu cao 51m, cao hơn thời xưa 20m. Bên ngoài thì có 5 mái cong , nhưng phía trong thì chia ra thành 9 từng, cao hơn thời xưa 2 tầng. Phía trong ngay từng nhất, thay vào cái tranh vẽ con hạc vàng, thì người ta làm một bức tường cao trên gắn nhửng gạch men nhỏ (mosaic) thành hình con hạc mầu vàng đang bay trên một ngọn tháp, thật không còn vẻ tao nhã cổ kính gì nữa mà là bức tường kiểu mới tại các tiệm ăn Tầu. Tại một tầng lầu, người ta trưng bầy những mô hình các kiểu Hoàng Hạc Lâu đã xây cất qua các triều đại. Mô hình đời nhà Ðuờng thì chỉ có một tầng, sang đời Nguyên thì có 2 tầng, và sang đời Minh thì có 3 tầng, cuối cùng đời nhà Thanh thì có 5 tầng. Tại một tầng lầu khác thì họ vẽ trên tường gạch men trắng những hình các nhà thơ danh tiếng như Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị, Tống Nhạc Phi v..v.. cũng có nơi họ trình bầy những bức liễn trong đó có một bức có ghi bài thơ của Thôi Hiệu. Ðó là những nơi bầy những di tích liên quan tới Hoàng Hạc Lâu, kỳ dư thì là nơi bán những kỷ niệm có tính cách thương mại.
Ngôi Hoàng Hạc Lâu chính mà chúng tôi được xem hoàn toàn không còn vẻ cổ kính tao nhã như ta đã đọc trong thơ, mà là cả một công viên có tính cách khai thác thương mại, cũng không còn ở nơi chốn cũ với phong cảnh hữu tình, mà ở ngay nơi thị tứ. Thời xa xưa kia, Lầu Hoàng Hạc xuất xứ là một quán ăn lớn ở vào một vị trí có phong cảnh đẹp được các văn nhân lui tới nhiều, trở nên một chốn văn đàn nổi tiếng . Ngày nay người Trung Hoa xây cất lại đúng cái địa vị xưa của nó (là một quán ăn !), họ trang trí giống như một tiệm ăn Tầu ở Mỹø hoặc một shopping center ở China Town, thật là thất vọng! Ðúng là chúng ta đi thăm chốn cũ, nhưng cảnh cũ thì không có!
Phía Nam công viên còn những cảnh khác như : Nam Lầu, Thái Bạch Ðuờng, Nhạc Phi Ðường, Bách Hạc Trì và bức tường chạm nổi hình nhà thơ Thôi Hiệu với bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Tuy nhiên, chúng tôi không có đủ thời gian tới thăm những chốn này.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi lấy máy bay tới Hong Kong và từ đó về Hoa Kỳ, chấm dứt cuộc hành hương du ngoạn Trung Quốc.
10. Kết luận và nhận xét về ngành du lịch Trung Quốc.
Mỗi năm Trung Quốc tiếp vào khoảng 8 triệu du khách tới thăm, mang lại cho họ một số ngoại tệ cả tỷ dollars, nên họ đã tổ chức ngành du lịch rất chu đáo, đúng tiêu chuẩn quốc tế. Những khách sạn hạng sang cỡ 4 sao, hay 3 sao đã có ở khắp nơi. Nhất là gần đây họ lại tiếp những du khách Á Ðông (như Việt Nam, Nhật Bản, Tân Gia Ba, Ðài Loan, Hồng Kông ) nên những nơi thắng cảnh và di tích Phật Giáo đều đã được khai thác triệt để. Những nơi này đều có những khách sạn tiện nghi, hướng dẫn viên đầy đủ kinh nghiệm.
Hiện nay Trung Quốc được cai trị theo lối địa phương tự lý. Mỗi tỉnh lo lấy ngưồn lợi của mình.Tuy gọi là tỉnh nhưng đất rộng và dân số đông như một tiểu bang ở Mỹ trực thuộc quyền trung ương, còn như những thành thị đông dân tập trung thì người Trung Hoa gọi là thị trấn, những đô thị lớn cỡ trên 10 triệu như : Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh người ta mới gọi là thành phố và trực thuộc trung ương không nằm trong quyền của tỉnh nữa.
Vì lối tổ chức địa phương, nên ngành du lịch cũng là nguồn lợi của tỉnh. Mỗi tỉnh đều có Ty du lịch, họ tổ chức thành những công ty du lịch quốc doanh. Họ lo lắng cung cấp mọi dịch vụ từ lúc du khách tới phạm vi tỉnh cho đến khi ra khỏi phạm vi tỉnh. Dịch vụ bao gồm cả cung cấp chuyên chở (đôi khi kể cả vé phi cơ nội địa), khách sạn, ẩm thực, hướng dẫn viên, vé vào xem những nơi thắng cảnh v..v.. Như vậy một Công Ty du lịch trung ương chỉ lo bắt mối với các công ty du lịch quốc tế, nhận một đoàn du khách đi thăm theo lộ trình đã định sẵn tại Trung Hoa. Khi tới mỗi tỉnh, công ty du lịch địa phương sẽ lo hết mọi chuyện, và sẽ thanh toán với Công Ty du lịch trung ương khi du khách rời khỏi tỉnh. Hướng dẫn viên của Công Ty Du Lịch trung ương chỉ lo thanh toán tiền, và hướng dẫn du khách tiếp tục sang tỉnh khác. Ðôi khi ở những tỉnh lớn có nhiều thắng cảnh, họ còn chia nguồn lợi xuống đến cấp quận. (Ví dụ, như đoàn chúng tôi đi thăm Cửu Hoa Sơn và Hoàng Sơn thuộc tỉnh An Huy. Khi tới tỉnh thì có hướng dẫn viên của Công Ty Du Lịch tỉnh mang xe bus tới đón và chở chúng tôi lên Cửu Hoa Sơn, lên tới Cửu Hoa Sơn thì lại thêm một hướng dẫn viên của Quận ở đây nữa.)
Họ tổ chức như vậy thì mỗi địa phương có phận sự chấn chỉnh ngành du lịch của mình làm sao cho thật tốt đẹp, hầu mang lại nhiều du khách. Họ lo giữ gìn sạch sẽ thắng cảnh, tạo các tiện nghi công cộng (lo nhà cầu đầy đủ và sạch sẽ), dạy dân chúng giữ lương thiện và trật tự đối với du khách. Họ ấn định những chỗ bán ấn phẩm quảng cáo cho thắng cảnh, những kỷ vật v..v.. Họ đã ấn định những tiệm ăn cung cấp bữa ăn cho du khách, và ngay bên cạnh đó là những nơi du khách ngừng lại nghỉ chân đồng thời mua những kỷ vật. Ðôi khi trong những lộ trình mang du khách đi xem thắng cảnh, hướng dẫn viên còn phải có nhiệm vụ dẫn du khách tới những nơi sản xuất hay bán những sản phẩm địa phương nữa. Tất cả những nơi này đều mang lại nguồn lợi cho dân địa phương nhiều lắm, do đó họ phải lo giữ gìn.
Như vậy Công Ty du lịch trung ương ở Trung Hoa cũng dễ làm việc, khi có lộ trình, họ chỉ việc tính những chi phí ở mỗi tỉnh sẽ tới, cung cấp và chi phí cho một hướng dẫn viên toàn chuyến, cộng với hoa hồng là họ có giá của chuyến đi.
Ngoài ra, vì những công ty du lịch là của quốc doanh, hoặc của thân thích của những nhà cầm quyền địa phương, nên họ dễ gài những công an vào ngành này, hầu theo dõi những du khách. Chúng tôi đơn cử một kinh nghiệm như sau. Khi tới Vũ Hán, đi thăm Hoàng Hạc Lâu, người hướng dẫn viên của chúng tôi là một thanh niên trẻ, tiếng Anh tạm được, anh cho chúng tôi cho biết anh ta là giáo sư , nhưng nay nghỉ dạy quay sang làm nghề hướng dẫn viên du lịch, như vậy làm 6 tháng đủ ăn cả năm , lương thì ít nhưng sống vào tiền thưởng của du khách, đôi lúc anh ta cũng phê bình Cuộc Cách Mạng Văn Hóa và cả Mao Trạch Ðông nặng nề, chứng tỏ anh ta là thành phần trí thức bất mãn với chế độ. Khi chúng tôi muốn vào mua kỷ vật anh ta nói cho biết là nơi này là của quốc doanh, bán mắc lắm tỏ ra khuyên chúng tôi đừng vào. Nhưng chúng tôi cũng cứ vào, một người trong chúng tôi mua một chiếc vòng đá. Khi ra về, tới nửa đường thì sực nhớ là mất chiếc ví đựng 400 dollars, anh hướng dẫn viên nhất định bắt quay xe lại cửa tiệm. Anh ta và người tài xế xe đã hướng dẫn người bạn chúng tôi vào khiếu nại, nhưng những người bán hàng không ai nhận cả. Sau đó người tài xế đòi gọi công an tới điều tra. Sau đó Công an tới lục soát đã tìm ra được ví tiền dấu sau mấy gói hàng và trả lại cho người chủ. Tiếp đó, họ đã mời chúng tôi về ty Công An làm báo cáo, làm chúng tôi mất cả hai tiếng đồng hồ ngồi chờ ngoài xe. Một điểm đáng ghi nhận là sự hăng hái quá nhiệt tình của anh tài xế trong vụ điều tra này làm cho chúng tôi nhận ra là anh ta chính là công an (chắc cũng khá cao cấp) của thị trấn, còn anh hướng dẫn viên kia là dân trí thức hăng hái là vì sĩ diện dân tộc chứ không phải là công an.
Như vậy, ngành du lịch Trung Hoa có thể nói là đầy đủ tiện nghi. Riêng vấn đề ẩm thực, đa số người Việt chúng ta hay có thành kiến cơm tầu là ngon hay sang . Do đó, khi đi du lịch Trung Hoa chúng ta hay nghĩ đến những món ăn chúng ta đã được thưởng thức ở các tửu lầu Trung Hoa ở Mỹ. Thực ra, những món ăn địa phương họ dọn ra cho chúng tôi cũng là thứ sang (đối với dân Trung Hoa), nhưng phẩm chất thì thua xa những món ăn Trung Hoa chúng ta đã được nếm ở Mỹ. Buổi nào họ cũng dọn ra cả 10 món, nhưng đa số chỉ là những món rau sào, thịt cá thưa thớt, tuy không cao lương mỹ vị , nhưng chỉ ăn tạm được và lạ miệng mà thôi. Ngay cả khi tới Bắc Kinh, chúng tôi đòi anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi ăn vịt Bắc Kinh sang nhất. Khi ăn xong chúng tôi vô cùng thất vọng vì thịt vịt nhiều mỡ và da không dòn (thua xa Peking Duck ở Mỹ). Hay là tại chúng tôi quen khẩu vị ở Mỹ rồi không thích ăn thịt nhiều mỡ.
Khi mua quà kỷ niệm, chúng ta nên nhớ lại phong tục của Á Châu là mặc cả trả giá. Họ biết là du lịch sang họ nói rất thách. Ở những nơi xa thành thị, chúng tôi đã trả giá bắt đầu bằng một phần mười giá họ nói, mặc cả dần dần lên. Còn những nơi thành thị thì cũng bắt đầu bằng giá một phần sáu. Nếu ta chỉ trả nửa giá là bị mua hố.
Còn một vấn đề nữa đáng lưu ý: mặc dù sống trong chế độ kinh tế thị trường, chỉ lo kiếm tiền , nhưng dân chúng ở đây đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của bộ máy tuyên truyền của Ðảng Cộng Sản Trung Hoa. Dưới con mắt họ, đối với dân tộc các nước Á Châu khác như Nhật Bản, Ðại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân hay Nam Dương là những nước thịnh vượng họ còn có chút nể vì; còn như đối với nước Việt Nam là nuớc được thế giới liệt kê vào hàng các nước nghèo nhất thế giới nên dân chúng ít có thiện cảm với người Việt. Ðôi khi, dân chúng buôn bán tò mò hỏi người hướng dẫn viên là đoàn du khách Á Châu này từ nước nào tới. chúng tôi đều phải dặn người hướng dẫn giảng cho họ là chúng tôi là người Mỹ gốcViệt từ Hoa Kỳ tới.
Vấn đề sức khoẻ, chúng tôi thấy các công ty du lịch họ đã rõ vấn đề nước uống, nên họ cung cấp hàng ngày cho chúng tôi nước suối (cỡ 50 xu một chai), thức ăn thì sào kỹ , nên chúng tôi không có vấn đề trong việc tiêu hóa. Tuy nhiên chúng tôi xin nhắc là những bảo hiểm sức khỏe của chúng ta có thường chỉ lo trong phạm vi nước Mỹ mà thôi. Chúng ta cần phải mua bảo hiểm sức khỏe riêng, kể cả tiền di tản về Mỹ nếu cần, trong thời gian du lịch ở nuớc ngoài. Tiền bảo hiểm chỉ tốn chừng 80$ (cho 3 tuần) tùy theo chuyến đi dài hay ngắn. Nếu trở bệnh không thể tiếp tục đi thêm được nữa thì gọi điện thoại về Mỹ đòi hỏi hãng bảo hiểm di tản mình về Hong Kong , Singapore hay Mỹ, chứ không nằm ở nhà thương địa phương. Vì các nhà thương địa phương ở Trung Hoa rất dơ bẩn, thiếu tiện nghi.
Chúng ta cần phải lượng sức khỏe của mình mà du lịch. Vì thời gian du lịch có hạn mà muốn được xem nhiều nơi nên phải di chuyển luôn luôn nơi này nơi nọ để xem các thắng cảnh. Thời gian di chuyển cộng lại gần bằng nửa thời gian du lịch. Ngày nào cũng dạy từ 5, 6 giờ sáng, ăn sáng xong là tất tả ra xe bus đi cho đến chiều tối mới về. Ấy là chưa kể đến những cuộc đi bộ dài dài, leo thang, leo dốc rất mệt sức.
Chúng ta sống ở Hoa Kỳ đã được xem rất nhiều phong cảnh đẹp, những kiến trúc vĩ đại, nhiều khi còn du lịch nhiều nơi Âu Mỹ nữa. Nếu chúng ta là những người biết rất ít về văn hóa hay nền văn minh cổ Trung Hoa chúng ta sẽ thất vọng khi mang so sánh những thắng cảnh hay kiến trúc chúng ta được xem trên thế giới với những thắng cảnh và kiến trúc cổ ở Trung Hoa. Muốn cuộc du lịch Trung Hoa có nhiều hứng thú, chúng ta nên đọc hay tra cứu trước về lịch sử, văn minh, điển tích xưa của Trung Hoa, có khi cũng cần biết cả những dã sử truyền thuyết nữa.
Mặc dầu đã được tu sửa lại để thu hút du khách, những thắng cảnh di tích Phật Giáo chúng tôi đã tới xem, đều được thuyết minh là đã bị tàn phá bởi cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Nhờ những tín tâm của các Phật Tử Á Châu tới thăm viếng, cúng dường nên những nơi di tích đã được trùng tu lại rất nhanh. Cuộc hành hương đã mang lại nhiều thich thú. Cơ duyên to lớn nhất là được vào chiêm bái xá lợi Phật.
Tháng 12-1998

No comments:

Post a Comment