Sau 15 năm, tôi mới có dịp về thăm lại Mỹ Tho, Bến Tre và Vĩnh Long. Ngoài vài ngôi nhà mới xây cất khá đẹp và khang trang của cán bộ, hay dân buôn bán, hoặc người có thân nhân ở nước ngoài giúp đỡ, nhìn chung là cái nghèo vẫn còn đeo đẳng đại đa số người dân vùng này. Quốc lộ 4 đưa tôi từ Sàigòn về tới ba tỉnh này vẫn không thay đổi, tu bổ rất ít, chưa biết bao giờ mới được mở rộng và “nâng cấp”. Cho đến nay, tôi mới thấy có chiếc cầu treo Mỹ Thuận bắc ngang qua hai bờ sông Tiền giữa hai tỉnh Mỹ Tho -Vĩnh Long. Niềm mơ ước của hàng triệu người dân quê tôi, đã trở thành biểu tượng cho sự nối kết để vươn tới tương lai của đồng bằng sông Cửu Long.
Có những hình ảnh quen thuộc mà mười mấy năm qua vẫn còn đó. Chẳng hạn như việc bà con nông dân vẫn còn phơi lúa ngay trên đường quốc lộ, hay việc các cô tíu tít chào mời mua trái cây, kẹo bánh ở ngã ba Trung Lương, hay trên bến phà Rạch Miễu, hoặc các món ăn của quê hương tôi vẫn bày ra trước các hàng quán với nhiều màu sắc và mùi vị đầy sức hấp dẫn các giác quan của khách qua đường.
Bến xe Mỹ Tho ngày nay không còn ở khu Lò Gạch, gần Nhà Máy Nước (khu Giếng Nước) nữa mà đã dời ra ngoài phía ngã ba Trung Lương. Nhà ngoại tôi ở trên đường Lê Lợi, ngay trước mặt Tòa Án, với hàng cây me dốt xanh um. Con đường có lá me bay này cũng là con đường tình của những đôi tình nhân trẻ một thời, nay có thêm khá nhiều phố lầu trông cũng khang trang hơn. Thả bộ từ nhà ngoại ra nhà lồng chợ cũ, tôi có dịp nhìn lại nhà bảo sanh Trần Công (Điều Hòa) - nơi tôi đã chào đời; đi ngang qua tiệm mì Phánh Ký nổi tiếng ngày nào với những con tôm khô và tép mỡ “bá chấy”, muốn tìm lại để có thể vô ăn một tô hủ tíu Mỹ Tho chánh gốc nhưng cả hai đều không còn nữa... Chợ Mỹ Tho mới (Bình Hòa) trông sạch sẽ hơn nhưng xem chừng buôn bán không mấy sầm uất như chợ cũ (?). Tôi muốn ăn lại những món ăn, những trái cây quen thuộc của Mỹ Tho mà ở Mỹ không thể nào có, ví dụ như trái mận, trái xơ - ri, xoài cát, thanh long, chuối khô, hay một ly hột é với nước đá bào...
Khu mé sông vẫn tấp nập hàng quán nhưng sao tôi vẫn thấy thiếu vắng không khí vui vẻ, hào hứng của thưở nào. Nhà cậu tôi bên kia Cầu Quay vẫn nhỏ hẹp, vách vẫn dán đầy các tấm lịch có ảnh các nữ tài tử điện ảnh Trung Hoa, mái ngói cũ kỷ dột nát đó đây. Cậu bảo tôi: “Thời này sống lương thiện cũng khó lắm, con ạ!” Vườn hoa Lạc Hồng có trồng thêm cây cảnh, sửa sang chút đỉnh nhưng có vẻ bát nháo, hỗn độn, dù về đêm vẫn còn mấy xe bán mía ghim đốt đèn khí đá, vẫn còn nghe tiếng rao hàng lảnh lót thân quen. Mỹ Tho hôm nay cũng “lây” vài căn bệnh phổ biến của Sàigòn như sex (mại dâm, ăn chơi phóng túng...), tham nhũng, “trưởng giả học làm sang”..., chủ yếu là do Việt kiều và khách nước ngoài (phần lớn là bọn Tàu Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Đại Hàn) tạo ra nhưng không quá “lộng“ như Sàigòn. Mỹ Tho cũng đón tiếp khá nhiều thương nhân ngoại quốc, chủ yếu là khai thác & chế biến nông - thủy sản, thực phẩm và nước giải khát. Sân banh bây giờ cũng sắp “thị trường hóa,” Tỉnh Uûy và Bưu Điện xây lại khá đẹp, trong khi bệnh viện và các trường Nguyễn Đình Chiễu, Lê Ngọc Hân... không mấy thay đổi. Tôi chỉ ở lại Mỹ Tho trong một chiều tối ngắn ngủi nhưng dưới góc nhìn của một chuyên viên quy hoạch thành phố, tôi cảm thấy Mỹ Tho có rất nhiều việc cần thay đổi (chủ yếu là các tiện ích công cộng, cơ sở vật chất cần tu bổ và xây thêm) cũng như có những cái quý giá cần giữ lại (cần lưu ý yếu tố lịch sử, môi sinh và cảnh quan trong khi xây dựng và phát triển thành phố). Dù sao, tôi vẫn nợ Mỹ Tho, nơi mà tôi đã sinh ra và vẫn có ít nhiều những kỷ niệm khó quên.
Qua phà Rạch Miễu, tôi bước vào Bến Tre và về thăm lại làng An Hội - Cái Cối, nơi cha tôi đã sinh ra. Trước 1975, tôi chỉ có thể theo cha tôi về tới Châu Thành, ghé tiệm chụp hình của bác Đinh Bá Trung, qua Bình Nguyên II thăm bà nội, uống nước dừa xiêm, ăn tôm rang nước dừa, canh chua cá bông lau..., chỉ ở chơi trong một ngày rồi phải trở lại Mỹ Tho ngay trước khi sẩm tối bởi Bến Tre vốn “mất an ninh.” Nói tới Bến Tre là phải nhắc tới dừa và các sản phẩm từ dừa, như kẹo dừa và bánh phồng sữa (béo và thơm nức mùi dừa hơn Mỹ Tho). Đến hôm nay, Bến Tre và Quy Nhơn vẫn là 2 xứ dừa nổi tiếng nhất nước. Dừa là một trong những loại cây đa dụng nhất, từ rễ tới ngọn đều có ích cho con người. Lúc còn học đại học Pomona, tôi cứ mơ ước về những mẫu nhà ở cho nông dân miền Tây Nam Việt. Tôi có ý định nghiên cứu sản xuất vật liệu xây dựng với nguyên liệu từ chính mảnh đất này, chẳng hạn như dùng xơ và vỏ dừa trộn với thạch cao và vài hóa chất khác để tạo ra ván bột (drywall / sheetrock), thân dừa để làm kèo cột... Tôi rất mong các bạn trẻ và các chuyên viên bên nhà lẫn hải ngoại sẽ chú trọng hơn đến việc tận dụng nguyên vật liệu và nguồn lao động ở đây, trong đó có việc áp dụng khoa học kỹ thuật để cải thiện cuộc sống của người dân, từng bước xây dựng và phát triển toàn diện vùng đất này. Thế mà đến hôm nay, tôi vẫn cứ chỉ mơ ước, trong khi đồng bào tôi vẫn ước mơ một mái nhà cho ra hồn! Tuy vậy, Bến Tre đã có nhiều hơn những ngôi nhà mới và đẹp, bộ mặt thành phố đã khang trang và sầm uất hơn so với năm 1979, khi tôi về đây làm công tác nghiên cứu địa lý địa chất cho việc phân vùng kinh tế của Bến Tre. Dạo đó, tôi sợ Bến Tre lắm, sợ nhất là các ông du kích và công an. Cực chẳng đã, tôi phải khăn gói về công tác trong ba tháng ngay tại quê ba tôi chứ trong bụng vẫn ...ớn mấy “ông kẹ” Bến Tre. Ngay trên phà Rạch Miễu, bạn đã có thể thấy Cồn Phụng nổi tiếng với ông đạo Dừa nhưng bạn cũng có thể gặp rắc rối với du kích, công an ngay tại đây chỉ vì chiếc quần tây của bạn có ống hơi “loe” một chút, cũng có khi vì họ “khó chịu” với mái tóc hơi dài một tí của bạn. Có khi họ buồn tình ngoắc bạn lại và dẫn về nhốt mấy bữa chỉ vì họ thấy bạn “kênh” (?) và “khó ưa”, hoặc họ nghi bạn định vượt biên chẳng hạn. Vô số cớ để họ nhốt bạn. Tháng 11/79, tôi và 15 bạn khác từ Sàigòn về công tác lấy mẫu đất & động thực vật ở ngay tại Bình Đại. Mỗi toán gồm 5 người, được phân chia về ở một nhà dân, tự túc cơm nước. Chủ nhà tôi ở là hai vợ chồng già có 2 con là “liệt sĩ cách mạng” và 3 con theo Cộng Hòa, trong đó có một anh đã qua Mỹ. Một bữa trưa, khi cả toán vừa xúm lại ăn cơm thì hai bẹ nước đá từ bên ngoài cửa sổ vụt thẳng vào giữa bàn cơm. Chúng tôi hốt hoảng, nhất là 3 chị trong toán thì sợ ra mặt. Anh Phương chạy ngay ra ngoài thì bác trai chủ nhà vội nắm tay chận lại, bảo khẽ: “Thôi bỏ đi, cháu đừng rượt theo làm gì, hổng làm gì được tụi nó đâu.” Tôi thắc mắc. Chị Xuân khóc thút thít mà kể lại: “Chính thằng công an trưởng Bình Đại đó chứ ai. Nó theo tán tỉnh tui mấy bữa nay, cứ rủ tui đi ăn chè. Tui từ chối. Sáng nay, nó thấy tui đi chợ với anh Phương nên mặt nó hầm hầm, hăm dọa nọ kia. Ai dè, bây giờ nó lại khủng bố kiểu này nữa!”. Anh Phương bảo tôi chạy lên báo cáo với ông trưởng ban chỉ đạo công tác và thầy trưởng đoàn. Ngay chiều đó, sau buổi họp toàn đoàn, mỗi người trong toán chúng tôi phải nộp tự kiểm và lập tức di chuyển về xã Thừa Đức chứ không được ở lại thị trấn Bình Đại. Xuống ghe, chúng tôi hậm hực trong lòng khi thấy những cái mặt khó ưa của đám công an Bình Đại. Vừa tới Thừa Đức, chúng tôi lại chứng kiến một thảm kịch rùng rợn: một chiếc ghe chở hơn 100 người vượt biên đã bị công an biên phòng Thừa Đức bắn B 40 thẳng vào ghe. Khi chúng tôi tới thì thấy nhiều xác và quần áo tấp vào bờ, hay còn trôi bềnh bồng trên mặt biển. Thừa Đức trồng nhiều dưa hấu, dưa hoàng kim nhưng thú thật, chúng tôi đã bị ám ảnh bởi thảm kịch vừa thấy nên chẳng còn thấy ngon gì nữa. 3 ngày sau, chúng tôi đồng loạt lên đường về xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú - nơi mà người ta tự hào là cái nôi của phong trào Đồng Khởi. Gia đình mà chúng tôi có dịp sống chung là một “cơ sở cách mạng” trước đây, sống bằng nghề đi đóng đáy, với 3 cô con gái đã đến tuổi dậy thì. Oâng chủ nhà thường tỏ thái độ bất mãn, thất vọng về chế độ xã hội chủ nghĩa bằng giọng nói hằn hộc, uất ức khi kể về những “cống hiến” trong kháng chiến để bây giờ chỉ thấy bọn “ăn trên ngồi trốc” tha hồ hưởng thụ, còn những người như ông vẫn nghèo khổ, lam lũ. Chúng tôi là “con Ngụy” nên chỉ biết nghe và thích thú khi ông cho chúng tôi ăn tôm cá thoải mái ( có lẽ ông hy vọng 2 tên con trai này biết đâu sẽ là rễ của ông không chừng! ). Khổ nỗi, mới mấy ngày thì chúng tôi lại xuống ghe về lại huyện lỵ Thạnh Phú. Trên đường đi, chúng tôi lại một phen hết hồn: tàu chúng tôi bị công an bắn súng chỉ thiên, buộc cập vào đồn để trình giấy và kiểm tra vì tình nghi là tàu vượt biên. Cho dù ông trưởng đoàn là đảng viên “chính hiệu” vẫn phải khép nép trước thái độ hống hách và những họng súng “thị uy” của những “ông kẹ” địa phương này. Mãi đến khi “xác minh” với tỉnh xong, họ mới cho phép chúng tôi tiếp tục đi về huyện lỵ Thạnh Phú vào lúc trời gần sáng. Tại đây, tôi thích thú với chuyện đi bắt cò và còng hơn hết. Thằng con trai của ông bí thư xã dẫn chúng tôi ra đồng, nhìn nó lấy sình non trét đầy mình, từ đầu đến chân, chỉ chừa 2 con mắt. Xong rồi nó nằm xuống giữa ruộng, chờ bầy cò bay tới. Cò ma, cò lửa..., khá nhiều cò các loại nhưng con cò nào gần tầm tay với nhất, ưng ý nhất là chồm bắt ngay lập tức. Cháo cò không mấy ngon nhưng bắt cò thì quả là thích thú lắm, bạn ạ. Còn bắt còng thì đầy cả thùng thiếc, tha hồ cho các chị nấu cháo còng, bún riêu. Chuyến du khảo này đã báo động tình trạng ngập mặn ngày một nghiêm trọng trong lúc các túi nước ngọt đang bị teo lại, sẽ ảnh hưởng lớn đến vựa lúa và đời sống dân cư châu thổ sông Cửu Long.
Từ đó cho đến nay, tôi mới trở về thăm lại Bến Tre. Bên Cái Cối - An Hội, mấy lò đường của bà con bên bà nội tôi làm ăn khấm khá nên nhà cửa xây sửa mới và đủ tiện nghi y như dân thành phố. Tuy vậy, tôi vẫn thích về lại Bình Nguyên hơn là dạo loanh quanh chợ Bến Tre. Vừa qua thánh thất Cao đài, tôi đã nhớ lại con đường nhỏ rợp mát bóng dừa ngày xưa... Căn nhà ba gian hai chái giờ trông cũ kỷ, trống vắng, buồn thiu làm sao đó. Hầu hết những người trong nhà này đã chạy ra nước ngoài hay về Sàigòn, bỏ lại đây 2 vợ chồng già vui với bầy khướu, cưỡng, cu, sáo, vành khuyên, họa mi..., một đàn chó Phú Quốc hung hăng, một ao cá tra ú na ú nẩn. Nằm trên võng lắc lẻo dưới bóng dừa rợp mát, uống nước dừa xiêm thỏai mái, hay ăn cơm với tép bạc rang nước dừa... thì bạn mới thấy tưởng chừng là hạnh phúc, thần tiên! Bến Tre đang có nhiều công trình xây dựng mới (Sở Giáo Dục, Bệnh Viện Đa Khoa, Y Học Dân Tộc, Công Viên Đồng Khởi, hay mấy dãy nhà ở hai ba tầng cho cán bộ trả góp...) nhưng đường sá vẫn như xưa, quang cảnh không khác mấy, vui nhất là người dân đã dễ thở hơn trước. Tôi không còn gặp mấy “ông kẹ” như dạo nào nữa nhưng nỗi ám ảnh ngày xưa vẫn khó có thể nào quên, bạn ạ! Về thăm quê hương mình mà tôi vẫn cảm thấy lo sợ, vẫn chỉ dám quan sát, so sánh chứ không dám nói và làm một điều gì thật sự hữu ích cho đồng bào mình. Tôi vẫn cứ như còn nợ với bà con ở đây rất nhiều điều... nhưng vẫn chỉ có thể là một kẻ “cởi ngựa xem hoa” mà thôi! Rời Bến Tre, tôi đi về Cái Bè trước khi qua Vĩnh Long. Cái Bè là một quận phát triển khá nhanh của Mỹ Tho ngày nay, với phố chợ san sát, sầm uất hơn, ghe tàu tấp nập buôn bán, dân cư coi bộ khá giả hơn. Con lộ dẫn từ quốc lộ vô huyện lỵ đang mở rộng nhưng cầu sắt vẫn chưa sửa chữa, đường sá vẫn bụi mịt mù. Phía bên xã Đông Hòa Hiệp vẫn không thay đổi gì mấy, trong khi thị trấn Cái Bè đang trù phú rõ rệt. Từ Cái Bè, tôi đi An Hữu - thị trấn nằm sát với bến phà Mỹ Thuận, giáp ranh Vĩnh Long. Gia đình dì Hai tôi làm ăn khấm khá với vựa hột vịt, hột gà và lạp xưởng các loại chờ “xuất khẩu”. Mấy người con của dì Hai chẳng còn ham đi Mỹ nữa khi mà trong nhà đã có đủ tiện nghi như người ở nước ngoài. Tôi theo họ vô cù lao Tân Phong, An thạnh thì mới thấy quê tôi đã đỡ hơn trước rất nhiều. Các vườn cây ăn trái (chôm chôm, nhãn, mãng cầu, xoài, măng cụt, chanh, chuối,...) trĩu nặng, sum suê là hoa lợi đáng kể; trong khi các bãi ốc gạo đã bị nhà nước “quốc hữu hóa” dần, thu hoạch ngày càng suy giảm. Về miệt này, bạn phải hưởng cái thú tắm sông hay chèo tam bản mà thả hồn theo sông nước Tiền Giang, tha hồ ăn cá tôm và ốc gạo tươi rói, trái cây hái từ cành, cuộc sống không mấy lo lắng, muộn phiền. Mấy người bà con của tôi cứ bảo tôi về đây cưới vợ rồi làm ăn luôn ở đây thì sẽ hết bị stress - có lẽ cũng là một lời khuyên hữu lý! Hai ngày sau, tôi mới về Vĩnh Long.
Bắc Mỹ Thuận vẫn không thay đổi. Hàng quán y như xưa, với lủng lẳng mấy xâu chim, chuột đồng, heo quay trông thật hấp dẫn, chưa kể mùi tôm thịt nướng thơm ngào ngạt, mấy keo dưa chua rất bắt mắt... Tới đây, tôi bảo đảm bao tử bạn sẽ lên tiếng và bạn khó lòng bỏ đi mà không thưởng thức ít nhất một món gì đó. Con gái bán hàng ở đây lanh lắm nhưng không quá đanh đá, chanh chua. Mấy thúng ổi xá lị, xoài tượng, mấy rỗ nhãn, măng cụt hay vú sữa ở đây cũng không mắc lắm đâu, nếu so với các chợ ở Saigon thì ...quá xá rẻ! Ngay như một tô hủ tíu Vĩnh Long “chính hiệu” với nước sốt “tuyệt cú mèo”, hay một dĩa cơm tôm càng thịt nướng đúng nghĩa cũng chỉ bằng 1/10 giá ở Cali. Từ Mỹ Thuận về tới ngã ba Cần Thơ, tôi vẫn thấy quang cảnh không mấy thay đổi, có chăng là đường xá nhỏ hẹp hơn. Khu mé sông, gần dinh Tỉnh Trưởng giờ đây có thêm một tượng đài của mấy con rồng vàng, ngay trước một khách sạn mới xây vài ba năm, với hai chú lính vệ gác cửa. Gần đó là một vũ trường. Dọc mé sông, một dãy quán nước cho khách ngắm chiều về trên sông. Nhà máy nước gần đó trông tàn tạ làm sao, cho nên hệ thống nước của tỉnh cũng hom hem y như thế. Chạy qua khu Nhà Làng ngày xưa, nhìn lại Miếu Quốc Công và trường Tống Phước Hiệp rồi trường bán công Nguyễn Thông, cố tìm mấy tiệm mì, hủ tíu, quán cơm Kim Sơn và xe bán đồ ngọt ngày xưa trước khi trở vô khu chợ Vĩnh Long. Suốt 4 tháng Tết Mậu Thân (1968), gia đình tôi đã trải qua những giờ phút kinh hoàng ở Vĩnh Long. Căn nhà của ông nội tôi trên đường Đồng Khánh (nay là đường 3/2) với gốc anh đào thật đẹp giờ đã trở thành Ty Lương Thực Vĩnh Long. Bà cô tôi được nhà nước đổi cho một nhà khác ngay phía sau Ngân Hàng Nông Nghiệp Tỉnh, ở ngã ba Cần Thơ. Vĩnh Long có lẽ là tỉnh chậm phát triển nhất trong 3 tỉnh mà tôi ghé qua. Phố xá nhỏ hẹp, cũ kỷ, chẳng có bao nhiêu căn nhà mới, cho dù đây là quê hương của ông Võ Văn Kiệt. Tôi đi Chợ Lách, vô mấy vườn trái cây (với hầu hết các loại trái cây tiêu biểu của miền Nam, khoái nhất là sầu riêng, cóc, xoài...) và coi bộ người dân ở đây khá hơn. Về Tam Bình, không có gì mới, vẫn những mái nhà tranh, vẫn mấy khạp da bò với cái gáo sọ dừa, vẫn cái đèn dầu bóng hột vịt hay đèn măng-xông... Điện đã về nông thôn nhưng nông dân không đủ tiền để ăn no mặc ấm thì làm sao dám xài điện thoải mái như dân thành phố. Xuống Vũng Liêm, qua chợ xã Trung Hiếu cũng chỉ thấy lèo tèo chừng chục căn nhà mới, dù ghe xuồng tấp nập trên sông. Có điều lạ là nhà giàu ở miền quê bây giờ chỉ thích xây lầu với cửa kiếng (“chơi nổi” chăng?), trong khi đất trống còn nhiều và cũng không quá đắt như Saigon, hay lại không thích gió mát trong lành sao chứ ? Tôi cũng không hiểu vì sao Vĩnh Long không chạy theo sự thay đổi nhanh chóng của cả nước mà dường như còn tập tễnh bò đi những bước ngập ngừng.
Có lẽ ở tỉnh lỵ Vĩnh Long có một ngày nên sáng hôm sau tôi chưa kịp khám phá những sự đổi mới của Vĩnh Long chăng? Hy vọng Vĩnh Long sẽ trở mình và chuyển biến mau hơn, cả về xây dựng cơ sở vật chất, nhất là các khu vực kinh tế, y tế và giáo dục chứ không chỉ là khai thác du lịch từ hoàn cảnh tự nhiên sẵn có hay buôn bán nông - thủy sản mà thôi. Tương lai của miền đất Tây Nam Việt này sẽ ra sao khi mà số đông lực lượng lao động ở đây vẫn thích ăn nhậu, càphê, thuốc lá hơn là chịu khó học hỏi để vươn lên cải thiện cuộc sống của chính họ? Trong mười ngày ngắn ngủi, tôi chưa nhìn thấy hết và cũng chưa hiểu hết những địa phương này nhưng ở mỗi con người mà tôi có dịp tiếp xúc, tôi tìm được sự chân chất, đôn hậu, cởi mở, bình dân trong nếp sống bình dị và những khó khăn trong đời thường của họ. Họ mơ ước những điều rất đơn giản nhưng bao nhiêu năm qua vẫn chỉ là mơ ước. Một chiếc cầu bê-tông thay cho những thân dừa bắt làm cầu khỉ chông chênh. Một ánh đèn điện đủ thấy rõ mặt chữ trên báo khi chiều xuống. Một trạm xá với đủ phương tiện, thuốc men hơn cho người nghèo. Một sân phơi lúa. Một con đường tráng nhựa phẳng phiu hơn. Một căn nhà không dột nát trong mùa mưa bão. Một dòng nước ngọt tinh khiết. Một mái trường với đủ phương tiện tốt nhất cho việc đào tạo những chuyên viên cần thiết của một vựa lúa lớn nhất nước ? Một đời sống tạm ổn định và hứa hẹn tương lai cho vùng phù sa màu mỡ...Và còn gì nữa? Việt Nam đã có bao nhiêu bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư nhỉ ? Vậy mà quê tôi vẫn còn đó những ước mơ đơn giản ? Ngay như 3 tỉnh này cũng đã sản sinh bao nhiêu tên tuổi cho đất nước, ở cả 2 phía Quốc Gia - Cộng Sản. Vậy mà mảnh đất vẫn không giàu lên và đồng bào của tôi vẫn chỉ biết ước mơ, chờ đợi... Không lẽ lại phải trông cậy vào thế hệ con em của tôi hay sao? Sau chuyến về quê này, tôi mơ ước thật nhiều, chẳng hạn: - Giá như chính quyền sẽ tiếp tục xây dựng mới và mở rộng hệ thống cầu đường nối liền các cù lao và các tỉnh, giữa tỉnh và các quận, trước khi tiến tới xây cầu bê tông cho các xã và tráng nhựa cho tất cả hương lộ. Ngoài dự án xây cầu Mỹ Thuận, chúng ta cần có thêm cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, Vàm Cống chẳng hạn. Việc xây dựng hệ thống cơ bản, như cống rãnh, điện, nước (cho sinh hoạt, thuỷ lợi lẫn sản xuất), viễn thông cũng nên bắt đầu tiến hành song song với việc xây dựng và phát triển làng xã.
- Nên có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư ngoại quốc và Việt kiều hướng vào khu vực “miệt vườn” với rất nhiều loại cây ăn trái có giá trị xuất khẩu cao này, chẳng hạn như đầu tư vào việc lập các nhà máy đông lạnh và chế biến trái cây, cùng các loại nông ngư sản khác, kêu gọi đào tạo công nhân và chuyên viên có trình độ cho các ngành công nghiệp này (hóa thực phẩm, kiểm dịch & kiểm phẩm, kỹ thuật đông lạnh, việc làm bao bì và đóng gói xuất khẩu,v.v...). Nhiều ngành công nghiệp khác sẽ nảy sinh theo đà phát triển kinh tế chung, dựa vào nguồn tài nguyên, nhân lực và thế mạnh riêng của từng địa phương. Chính các ngành công nghiệp này có thể là “đòn bẩy” giúp cho khu vực này phát triển nhanh hơn, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống và từng bước nâng cao dân trí. Tuy nhiên, cần bảo vệ môi sinh và cảnh quan thiên nhiên.
- Khi quy hoạch, nên chú ý khai thác khu ven sông, cửa sông với việc xây dựng bến cảng, phố chợ để hình thành những khu thương mại, khu chế xuất, khu du lịch với vườn hoa và hàng quán, v.v...
- Nên tập trung nghiên cứu phương cách cải thiện đời sống dân chúng, nhất là nhà ở, điện, nước.
- Nên tập trung đầu tư nhiều hơn cho giáo dục để nâng cao dân trí, nhất là sự cần thiết phải có một trường đại học Tiền Giang đào tạo chuyên viên các ngành cần thiết cho sự phát triển khu vực này.
- Nên xây dựng các nhà máy xay lúa, nhà máy đông lạnh và đóng hộp trái cây, các kho bãi chứa lúa, kho bảo quản trái cây và các mặt hàng xuất khẩu khác (hợp tiêu chuẩn quốc tế) , đồng thời nghiên cứu cải tiến việc chuyển đến tay người tiêu thụ nhanh nhất những sản phẩm có chất lượng cao nhất, với giá cả hợp lý nhất. Việc xây dựng nhà máy phải đi đôi với việc huấn luyện tay nghề và kỷ luật lao động cho thợ thầy, đồng thời nâng cao học lực và cải thiện đời sống nhân công. Cũng nên nghĩ đến chuyện đa dạng hóa các ngành kỹ nghệ trong địa bàn này.
- Nên tiếp tục nghiên cứu các giống lúa, các phương pháp canh tác, trừ sâu, trị phèn, rửa mặn và ghép cây sinh học để tăng năng suất và chất lượng các giống lúa, các loại trái cây để có thể cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên cần chú ý chỉnh đốn việc thu mua độc quyền để bảo vệ quyền lợi và cải thiện đời sống người sản xuất. - Khi lập kế hoạch phát triển khu vực này, cần lưu ý việc bảo vệ môi sinh, vấn đề lũ lụt, chống xói lở đất, ngăn nhiễm, ngập mặn, rửa phèn trong đất & nước cùng với chương trình khai thác sông Cửu Long trong kế hoạch phát triển toàn lưu vực.
- Ngoài đại học Cần Thơ, tôi cũng mừng khi nghe đâu năm 2000 vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm đại học An Giang để đào tạo thêm chuyên viên cho địa phương. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trường dạy nghề, trường trung tiểu học mới để mở mang và nâng cao dân trí người dân quê tôi cũng như sẽ huấn luyện và cung cấp cho họ một cái nghề thật sự đủ nuôi thân và gia đình, khoan nói tới việc xây dựng quê nhà! Điều đáng buồn nhất là người thất học vẫn chiếm tỉ lệ quá cao so với cả nước dù họ là người làm ra hạt gạo nuôi cả nước và xuất khẩu nữa chứ!
- Mạng lưới y tế địa phương cần được tăng cường bác sĩ, chuyên viên và cơ sở vật chất với đủ tiện nghi và thuốc men hơn. Tăng cường giáo dục về vệ sinh chung, ngăn ngừa bệnh tật, bỏ rượu thuốc, cổ động việc rèn luyện thân thể qua thể dục thể thao và những môn giải trí lành mạnh.
Tôi mong sao những người trẻ thuộc thế hệ chúng tôi và đàn em của tôi sẽ nuôi dưỡng và cố gắng thực hiện những mơ ước này dưới sự chỉ dạy của thế hệ cha anh với tất cả tấm lòng và kinh nghiệm quý báu mà họ đã có.
Tôi tin quê tôi rồi sẽ khá hơn, trước mắt là thu ngắn khoảng cách giữa đô thị – nông thôn, giữa giàu – nghèo. Biết đâu đồng bằng Cửu Long sẽ là một vùng đất hứa của Việt Nam?
Viết riêng cho những người quê quán ở Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long.(10/1999)
No comments:
Post a Comment