Monday, June 20, 2011

Về miền Tây Nam Việt trong mùa lụt

Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại về miền Tây Nam Việt bởi đó là nơi mà tôi đã sinh ra, cho dù tôi đã lớn lên trên Saigon suốt 17 năm và đã lưu vong trên đất Mỹ hơn 15 năm qua. Tháng 11 năm 2000, tôi về miền Tây lần này là vì 2 mục đích chính: tham gia cứu trợ nạn lụt và muốn biết miền Tây có thay đổi gì hay không?
1. Cứu trợ nạn lụt: Tôi tham gia 2 đoàn cứu trợ khác nhau nhưng đều là do các bạn trẻ ở Saigon tổ chức mà tôi liên lạc được từ lần cứu trợ năm ngoái.
Đoàn 1 là do một nhóm bạn trẻ kết hợp với một số nghệ sĩ và một ngôi chùa Phật Giáo ở quận 5 tổ chức đi cứu trợ cho tỉnh Đồng Tháp. Tôi hẹn gặp họ ở ngay tại chợ Cái Bè rồi qua Cao Lãnh sát nhập với toàn đoàn. Cũng may, không ai biết tôi là người từ Mỹ về nên mọi người hết sức thoải mái, tự nhiên trong việc xăn tay áo lên làm việc thiện. Các bạn đã liên lạc trước với những địa phương mà chúng tôi muốn đến cứu trợ, tìm hiểu rõ nhu cầu của đồng bào nên việc tổ chức rất chu đáo, chặt chẽ và không gặp khó khăn nào như tôi đã lo sợ từ lúc ở Mỹ. Trước tiên, họ mua ghe xuồng ở Long An, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Sa Đéc rồi chở về Cao Lãnh qua Tam Nông trước khi đi ngược lại Cao Lãnh mua tiếp thêm mì gói. Giá xuồng không tăng quá cao mà chủ yếu là chất lượng. Nếu mua xuồng loại ...dỏm thì cứ 3 chiếc với giá khoảng $ 100 USD, khá hơn thì phải $ 50/ chiếc (đủ chịu được ít nhất 3 mùa mưa lũ). Tất cả mền mùng, áo quần và mì gói đều quyên góp hay mua ở Saigon.
Ngay ngày đầu tiên tại Sa Đéc, chị trưởng nhóm đã thẳng thắn nói rõ: Ai tham gia đi thì tự túc ăn uống, góp trả tiền xe và xăng, tài xế tình nguyện (free), chỗ ở là ...vô chùa ngủ qua đêm (nhưng thực ra là ai cũng muốn thức để còn làm đủ thứ chuyện chuẩn bị cho hôm sau, cũng muốn vừa trò chuyện thật vui vưà ăn chè thiệt ngon!).
Chúng tôi đến xã Tân Hồng, Đồng Tháp, thăm mấy trăm gia đình còn lóp ngóp trong nước lụt. Nghe nói, cả huyện còn trên 1000 ha lúa ngập nước, dân đói nên phải đi mót lúa hay bắt chuột đồng, rắn, ếch... mà ăn cho qua ngày. Ở ấp Thống Nhất, tôi bắt gặp những cặp mắt già nua lẫn trẻ thơ đang thập thò trong những cái chòi rách nát trông chờ một miếng ăn! Trao cho họ một thùng mì, họ cứ nghĩ chúng tôi là “Nhà Nước” và chẳng thấy ai trong đoàn lên tiếng giải thích gì cả. Anh Ổi & chị Ban, một gia đình từ Camuchia về đây sống từ năm 1993 mà không có một đồng làm vốn nên được tặng cho một chiếc xuồng là đã rơm rớm nước mắt như vừa ...trúng số! Họ vẫn phải quấn một tấm bạt nhựa quanh người như cái phao vừa đựng lúa, vừa dìu người. “Phao nhựa” này mỏng manh, rất nguy hiểm, dễ bị vướng víu hay bị cái lưỡi liềm cắt trúng chân tay giữa những cánh đồng ngập nước mênh mông. Chính tại nơi này, tôi mới thấy một chiếc xuồng để sống qua mùa lũ là quý biết dường nào với người dân vùng này. Ở đây, nhiều gia đình quá đông con mà cha mẹ chỉ biết mót lúa, đi câu hay làm thuê tạm bợ, chẳng có nghề nghiệp gì thì làm sao nói đến chuyện ổn định cuộc sống. Họ lập gia đình quá sớm, cũng chưa thật sự trưởng thành đầy đủ trong suy nghĩ, cũng chẳng biết giải trí gì khác hơn là nhậu hay ...đi ngủ sớm và cũng chẳng ý thức gì về chuyện ...”kế hoạch hóa gia đình”! Buồn cười nhất là chuyện con trai ở đây bị ...”ế vợ” dài dài; trong khi con gái lại hối thúc lấy chồng quá sớm. Con đường liên huyện của Tân Hồng ngập đầy bã trấu, rơm và ...phân heo bò! Nước lũ vẫn mấp mé nền đường chỉ vài tấc. Tôi thử đề nghị bà con trồng cây, cây gì cũng được, từ cây ăn trái đến cây lấy bóng mát, kể cả cây so đũa cũng được, dọc theo các bờ bao, mấy nền đất cao, suốt các con lộ trong các xã, huyện, tỉnh chứ đừng để trống sẽ dễ sạt lở hơn. Khổ nỗi, chẳng mấy ai để ý, quan tâm gì đến cái “chuyện nhỏ” như vậy! Tôi cũng thắc mắc là tại sao chính quyền không nghĩ tới chuyện điều phối, sắp xếp lại chuyện quy hoạch và di dân sao cho phù hợp hơn với thực tế địa phương để người dân có thể vừa “sống chung với lũ,” vừa có thể tạm ổn định chứ không quá thấp thỏm trước những cơn thiên tai như năm nay? Các cán bộ đều ...im lặng, không thấy ai hỏi tới gì cả? Lạ thiệt! Hình như họ chỉ biết chờ cấp trên chỉ thị và an bài hết mọi thứ mà không còn sự chủ động sáng tạo gì nữa? Nguy hiểm quá!


Từ Tân Hồng, tôi được dẫn đi thăm nông trường Giồng Găng nằm sát biên giới Cambodia, nơi mà lũ đổ về từ thượng nguồn sông Mekong cũng thuộc huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Từ năm 1987, họ đã làm bờ bao kiên cố vì thực tình đó là công sự chiến đấu chống càn trong công tác phòng thủ chiến lược trên vùng biên giới này. Nhờ đó, mỗi khi mùa nước nổi càng dâng cao hơn thì họ càng phải củng cố bờ bao đơn sơ ban đầu này từ từ thành tuyến đê có đường lộ, có cống và máy bơm xả nước hẳn hoi như bây giờ. Với sự giúp đỡ của các kỹ sư thủy lợi, tuyến đê này cao khoảng 4m7, chân đê rộng 12m, mặt đê khoảng 4m, có hệ thống cống xả và tưới rải đều khắp tuyến đê với toàn bộ chu vi là 28km. Chính mặt đê cũng là nơi trú thân cho dân chúng khi lụt dâng cao. Họ đã đón lũ từ tháng 4, họ lập chế độ tuần tra giữ đê, ai cũng có bao cát và cây bạch đàn để phòng hộ đê. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, khi nước sông Tiền tuy có dâng cao nhưng vẫn từ từ chứ không quét hung bạo như miền Trung, nông trường Giồng Găng đã vượt thoát thiên tai một cách nhẹ nhõm. Có lẽ đây là một bài học cụ thể nhất cho những ai muốn “sống chung với lũ” ở khu tứ giác Long Xuyên này.
Hôm sau, một phái đoàn nghệ sĩ Saigon khác xuống nên cả đoàn tự nhiên vui hơn với nhiều câu chuyện tiếu lâm kích thích thêm nhiệt tình của mọi người trong đoàn. Chúng tôi đi về Cao Lãnh rồi đi đến Thanh Bình và Tam Nông, lấy xuồng vào tận Tràm Chim rồi chiều hôm đó trở về Cao Lãnh ngay để kịp tháp tùng một đoàn cứu trợ khác ngay tại chợ Long Xuyên. Đoàn 2 là do một nhóm bác sĩ, dược sĩ và nha sĩ trẻ kết hợp với một số hội viên Hồng Thập Tự ở Saigon tổ chức đi cứu trợ và khám bệnh cho tỉnh An Giang. Đoàn này có một vài anh chị là dân gốc địa phương và đã nhiều lần về khám bệnh miễn phí nên chúng tôi cũng không hề gặp khó khăn nào. An Giang hôm nay giàu hẳn lên sau 18 năm tôi mới trở lại. Tôi không có thời gian dạo phố vì đoàn cứu trợ khá kỷ luật và hơi gấp rút. Trước tiên, chúng tôi đến tặng đồ cứu trợ ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới rồi đi qua xã Vĩnh Trường, An Phú thuộc tỉnh An Giang. Sau đó, về Châu Đốc để khám bệnh rồi tổ chức phát chẩn luôn cho đồng bào bị lụt; phần còn lại giao cho một nhóm đi về một vài xã thuộc các huyện Hồng Ngự và Tân Châu. Sau 2 ngày làm “lon ton” cho các vị bác sĩ sai vặt, tôi phải vội chia tay để hối hả đi tiếp về Rạch Giá. Nhìn chung, các bạn trẻ đã khiến tôi hết sức cảm phục tấm lòng bác ái chứ không giống như thành kiến không tốt bấy lâu nay về đa số các vị “lương y” ở Mỹ chỉ biết kiếm tiền và háo danh đã hằn sâu trong tôi bấy lâu nay ( trừ BS Ngô Thế Vinh và BS Trần Tấn Phát là những người mà tôi luôn kính mến!). Có lẽ họ chưa vướng bận gia đình, chưa có quá nhiều món nợ phải trả nên họ vẫn tha thiết với những công tác từ thiện như vậy. Ở Việt Nam, tôi đã gặp và thật sự ngưỡng mộ những tấm lòng vàng hiếm hoi như thế đó giữa những đồng bào nghèo khổ, bất hạnh. May mắn thay cho Việt Nam!

2. Hội Nghị khắc phục hậu quả lụt của các tỉnh vùng ĐBSCL : Thực tế, Trung Ương họp với lãnh đạo 8 tỉnh bị lụt với những chỉ thị mà ai cũng có thể đoán biết trước kết quả, không cần chờ đến thông báo qua báo chí. Lãnh đạo các tỉnh cũng không cho thấy ý kiến nào mới lạ; trong khi thực tế là chương trình “sống chung với lũ” đã phác thảo từ khi ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng cho đến nay mới triển khai thực hiện chứ tôi vẫn chưa thấy sáng kiến mới mẻ nào khác, việc tiến hành xây tuyến đê và nghiên cứu “sống chung với lũ” như thế nào cho hiệu quả thì cũng có ...”nhúc nhích” chút đỉnh trước mùa lũ nặng nề năm nay nhưng nhìn chung là chương trình “sống chung với lũ” vẫn còn...bầy hầy quá đỗi! Ví dụ, đề nghị tất cả con đường trong vùng ngập lụt hàng năm sẽ là ...đường đất đỏ. Lý do: đỡ tốn kém. Bạn nghĩ sao về đề nghị hay ho này? Các giới chức lãnh đạo và chuyên môn trong nước đã chấp nhận giải pháp “sống chung với lũ” vì nghèo, không thể cãi lại thiên nhiên mà phải tận dụng thuận lợi để sống với “mùa nước nổi” (chủ yếu là ngư nghiệp và chế biến thủy sản) nhưng Bộ Phát Triển Nông Thôn, các trung tâm ngư nghiệp của Nhà Nước lại chưa đáp ứng hữu hiệu việc nghiên cứu các loại thủy hải sản nào là thích hợp cho việc nuôi và phát triển ở từng vùng sao cho người dân có thể thu gặt kết quả tốt nhất mà không ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên, con người và dòng sông Cửu Long bởi những hành động tự phát của nông dân như dịch nuôi tôm sú xuất cảng đã thay đổi dòng chảy tự nhiên? Có thể vì hoàn cảnh nghèo khó của xứ sở, vì trình độ chuyên môn (?) cũng hạn chế, vì sự ổn định (?) trong đời sống thường ngày của người dân địa phương, chính quyền đã không còn muốn chạy, né hay chống lại thiên nhiên nữa mà phải chọn cơ cấu kinh tế: 2 vụ lúa + 1 vụ tôm và du lịch “mùa nước nổi” cho vùng rừng tràm (đặc biệt là Tràm Chim Tam Nông, Đồng Tháp - xin xem bài “Tràm Chim Tam Nông” viết từ năm 1996). Khổ nỗi, chủ trương này vẫn chưa được giáo dục, thông tin đầy đủ đến mọi người dân nên vẫn chưa an tâm làm ăn mà vẫn còn chuyện phá rừng tràm bừa bãi, việc buôn lậu qua biên giới vẫn rầm rộ ngày đêm, việc dân bỏ xứ qua Miên, v.v... Hầu hết người dân địa phương mà tôi có dịp trò chuyện đều biết rất mù mờ, thậm chí hoàn toàn không biết và cũng không cần biết đến những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến sự sống còn và tương lai của họ & gia đình họ. Với họ, bữa cơm sắp tới mới là thực tế quan trọng nhất mà họ quan tâm lo lắng nhất. Họ đang sống trên vựa lúa lớn nhất nước, đang kiếm ăn trên mảnh đất phì nhiêu nhất nước, bên cạnh con sông lớn với nhiều cá tôm, chưa kể là còn biết bao tặng phẩm quý báu khác của Tạo Hóa dành cho họ; thế nhưng thực tế cho tôi thấy họ là một trong những người Việt Nam nghèo nhất nước, nhiều gia đình chen chúc trong những cái chòi trống trơn, hay chỉ là một chiếc xuồng, một cái bè trôi nổi phải kiếm từng chén cơm, con cá...mỗi bữa, phải bươn chải mưu sinh từng ngày mà vẫn nghèo và đói! Khi mưa bão, lũ lụt (thiên tai), họ chỉ biết chịu đựng và chấp nhận số phận không may của một kiếp người! Chính quyền địa phương cũng thiếu quan tâm (và khả năng?) trong việc tìm kiếm biện pháp giúp đỡ cho người dân nghèo ở đây sớm ổn định cuộc sống và thoát kiếp nghèo đói. Có lẽ chính quyền đã quá bận lo những việc “đại sự” gì đó mà “dân đen” thì chẳng đáng cho họ để ý hay chăng? Ngay như đề án “thoát lũ ra biển Tây” khởi xướng từ năm 1997 sẽ phải kiểm nghiệm lại xem hiệu quả ra sao; không thể quy hết tội lỗi cho những người nuôi tôm ở cửa sông hay ven biển khi mà các nhà khoa học đã và đang thay đổi dòng chảy của một con sông lớn trước khi ra biển đã tính toán thật kỹ và khoa học chưa? Các tuyến đê, kênh, cống, đập...cần được xem xét lại, các chương trình thủy lợi cũng nên kiểm tra sau cơn lụt thế kỷ này. Nhìn chung, Việt Nam đã cố gắng tối đa trong khả năng hạn hẹp để giảm thiểu tổn thất do cơn lụt năm nay, trong đó có công tác dự báo thời tiết & thủy văn và sự tham gia tích cực của quân đội & công an. Tôi không muốn bài bác hay bàn lui chương trình “sống chung với lũ” mà chỉ muốn có sự nghiên cứu khoa học để kiểm tra và đánh giá đúng mức hơn những gì mà chúng ta đã làm, đang làm và muốn làm để có thể đạt hiệu quả tốt nhất là sự an toàn và ổn định cho cuộc sống của người dân. Thật tình thì mỗi mùa nướớc lụt như vậy thì dòng sông Cửu Long đã đem phù sa bồi đắắp cho đồồng ruộng thêm màu mỡ. Phải chi chính quyền có kế hoạch hạn chế tác hại của lũ lụt qua việc thông báo kịp thời mực nước dâng cao đột ngột, huy động lực lượng để kịp ứng phó và di tản dân chúng, lập trại tạm cư và cứu trợ khẩn cấp thì sẽ bớt thiệt hại nhân mạng. Tôi cũng không đồng ý với việc các tỉnh đã dự tính làm đường …đất đỏ trong các vùng ngập lụt thay vì tu sửa và tráng nhựa (AC Paving) bởi họ cho rằng từ nay, hàng năm sẽ có lụt và không thể lãng phí tiền của để tráng nhựa lại những con đường sẽ bị nước lụt tàn phá vào mùa mưa mỗi năm. Tại sao họ không nghĩ tới chuyện vẫn tráng nhựa (AC Paving), thậm chí vẫn có thể tráng ximăng (Hà Tiên), vừa làm hệ thống cống & mương thoát nước (drainage system) cho đàng hoàng lại, vừa phải có biện pháp chống xói mòn (erosion control), bảo vệ dốc (slope protection) của tất cả các con đường bằng cách trồng cây (landscaping) và nhiều cách khác nữa, chưa kể đến việc phải tính toán lại chuyện thoát lũ ra biển sao cho hợp lý và khoa học hơn, cho dù phải đối đầu khá nan giải với đồng bào đang sống với nghề nuôi tôm vùng cửa sông & ven biển. Họ thật sự khó khăn trong bài toán vĩ mô lẫn vi mô, trong cách quản lý/ điều hành/ kết hợp lẫn trong việc tìm kiếm những biện pháp khoa học - kinh tế (chuyên môn) cho những vấn đề trước mắt và lâu dài của đồng bằng sông Cửu Long. Tôi rất mong những nhà khoa học, kinh tế, chuyên viên đã từng sinh ra và lớn lên từ đồng bằng sông Cửu Long sẽ góp sức cho trường đại học Cần Thơ và An Giang (mới mở!) nói riêng, cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung để người dân vùng đất này sẽ có một tương lai sáng sủa hơn. Chương trình “Nhà ở cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long” vẫn giậm chân tại chỗ khi mà ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và thí nghiệm hầu như ...nhỏ giọt (!), thành quả bước đầu cũng chưa thật sự hấp dẫn “đối tượng phục vụ” với những mobile homes, nhà tiền chế/ lắp ráp trên khung sắt, mái lợp tôn là chính. Giới kiến trúc và xây dựng trong nước cũng không mấy ai thích thú tham gia; trong khi tôi lại không đủ thời gian để học hỏi kinh nghiệm xây nhà của bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu có thể tìm ra cách cải tiến sao cho những phương cách xây dựng mới của ngoại quốc có thể áp dụng cho vùng đất nghèo khổ này của quê hương tôi. Một điểm đáng khen là chương trình thay cầu khỉ bằng cầu bê-tông hay cầu sắt đã tiến hành khá tốt đẹp khắp các tỉnh, chỉ còn khó khăn về kinh phí là chính. Nhiều con đường làng lầy lội cũng đã được tráng nhựa hay ximăng sạch sẽ.Qua chuyến đi này, tôi thấy có nhiều điều mà cộng đồng người Việt hải ngoại cùng với báo chí và giới truyền thông ở Mỹ đã sai lầm khi loan tin về trận lụt năm nay thiếu trung thực. Chẳng hạn như:- Nếu kết hợp với địa phương để đi cứu trợ với mục đích nhân đạo (không cố ý làm rùm beng lên với ý đồ chính trị!) thì hoàn toàn không bị cản trở hay gây khó khăn. Đừng cố tình lợi dụng danh nghĩa “cứu trợ” để hoạt động chính trị hay mưu đồ gì khác, chắc chắn sẽ chuốc lấy nguy hiểm cho bản thân và người đi chung đoàn bởi hệ thống an ninh của Việt Nam rất chặt chẽ và hiệu quả.

Tôi thắc mắc về số tiền quyên góp để cứu trợ nạn lụt năm nay mà nhiều nhóm người thuộc các cơ quan truyền thông Việt Ngữ, các chùa Phật giáo, nhiều đoàn thể/ tổ chức khác của cộng đồng người Việt ở Mỹ đã công bố lên đến hàng trăm ngàn dollars nhưng tại sao ở Việt Nam lại chỉ thấy ...nhỏ giọt? Số tiền đó đi về đâu? Có thật là đã chuyển tới tay đồng bào bị lụt ở miền Tây, hay đã ...rơi rớt ở đâu đó nên chưa có thể chuyển tới tay các nạn nhân ở miền Tây?- Trước khi đi Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi một số anh chị em bạn bè, quen biết đóng góp khoảng $ 2,000 USD để có thể mua được số ghe, quần áo và mì gói mà các bạn trẻ bên nhà đề nghị nhưng phải nói là lòng hảo tâm của các anh chị em Việt Nam ở Mỹ coi bộ ...cạn kiệt sau quá nhiều lần mở hầu bao đóng góp hay chăng nên cuối cùng khi rời LAX, tôi chỉ có được vỏn vẹn $ 1, 250 dollars quyên góp cho chuyến đi cứu trợ lần này, chủ yếu là do anh Hóa (báo Đi Tới) vận động được từ một vài độc giả, thân hữu từ Canada. Hóa ra Canada quả thật là “xứ lạnh, tình nồng” chứ ở Cali nắng ấm của tôi lại chỉ còn những “trái tim mùa đông” !!!- Các địa phương không tự ý gây khó khăn cho các đoàn cứu trợ tư nhân mà tôi tin hoàn toàn là do 3 nguyên nhân chính: một, do chỉ thị của Trung ương hay Cấp trên đối với những ai họ nghi ngờ; hai, do một số cán bộ địa phương vốn kém khả năng (dốt, tồi, dở!) nhưng lại thừa hách dịch (phách lối, kiêu căng) và tham lam (muốn có phần, muốn “ưu tiên” cho thân nhân hay quen biết), muốn khoe cho mọi người thấy quyền lực (power); ba, không có sự liên hệ để xin phép trước với địa phương nên vì tự ái mà họ kiếm chuyện. Cần phải hiểu là ở Việt Nam thì “phép vua thua lệ làng”! Chưa kể đến những ông Xã là những ông “Kẹ” có toàn quyền sinh sát!

Ở Mỹ, mỗi khi có thiên tai thì trách nhiệm cứu trợ thuộc về chính quyền là chính, còn mọi hành động quyên góp từ thiện đều chỉ là ...thứ yếu. Trái lại, ở Việt Nam, tôi thấy quyên góp từ thiện của nhân dân là chính, chính quyền chỉ hỗ trợ và giúp đỡ, nhiều nhất là sự huy động quân đội và chính quyền tham gia cứu trợ năm nay trước khi có lụt và vào lúc cấp bách nhất đã là điều ngạc nhiên và đáng khích lệ nhất từ 25 năm qua. Sau những kinh nghiệm không hay qua những trận bão lụt trong quá khứ, hình như chính quyền Việt Nam đã biết rút kinh nghiệm và làm tốt hơn công tác cứu trợ lũ lụt và dự báo thiên tai.3. Miền Tây Nam Việt năm 1999:- Đây là lần đầu tiên tôi có dịp đi từ Long An, tới Cần Thơ, về Sa Đéc và Đồng Tháp, đi Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên, bay qua Phú Quốc rồi trở qua Mỹ Tho, Vĩnh Long trước khi về lại Saigon. So với những năm 75 - 85 thì có thể thấy bộ mặt các tỉnh lỵ & thị trấn miền Tây Nam Việt đã khá hơn rất nhiều, đường phố tấp nập và vẫn tiếp tục mở mang thêm.

Qua chuyến đi này, tôi mới thấy rõ là đại đa số dân chúng ở miền Tây Nam Việt đã cho thấy họ chịu ảnh hưởng quá nặng bởi tư tưởng Khổng - Lão - Phật giáo, bị chèn ép khá lâu bởi chế độ phong kiến - thực dân - cộng sản và chính sách cai trị theo kiểu “phép vua thua lệ làng” với quá nhiều sai lầm! Họ quá sợ những viên chức Nhà Nước, dù chỉ là cán bộ “xã thôn” bởi cứ nghĩ cán bộ là QUAN, là đại diện cho VUA, cứ nghĩ ĐẢNG là VUA nên ngay từ Xã, huyện nên mội ông Xã, Huyện đã có thể là những ông Trời con (Thiên Tử?), cán bộ QUAN có nói trật, làm bậy cũng chẳng thấy ai lên tiếng! Nhiều cán bộ dốt / làm bậy mà chẳng thấy ai dám sửa sai nên cứ tưởng mình là ...hay/ đúng/ tài ba ...nên cứ tiếp tục làm tới, đến độ ...lố bịch không thể tưởng! Đa số mang tính an phận, từ trong tiềm thức tư tưởng của người dân cứ nghĩ là ...”Trời kêu ai, người ấy DẠ !” hay “Trời hành cơn lụt...” nên ...thôi kệ, cứ chịu đựng, miễn là có miếng ăn, manh áo và tiếp tục sống cho qua ngày! Tôi thật sự không hiểu vì sao tư tưởng này lại có thể ăn sâu vào ngay trong đầu của khá đông người trẻ? Có quá nhiều người trẻ thất nghiệp và thất học, lập gia đình và có (nhiều) con quá sớm, không có một chút hiểu biết căn bản nào về khoa học thường thức, ham chơi và thích “tứ đổ tường” (quá nhiều người hút thuốc và nhậu rượu!) hơn là biết lo cho tương lai của chính họ và gia đình họ. Một hiện tượng đang xảy ra khá phổ biến ở miền Tây Nam Việt mà tôi thấy được qua chuyến đi lần này là làn sóng các cô gái Việt Nam lấy chồng Việt kiều hay ngoại quốc (đa số là Đài Loan) như một ...cơn dịch! Bắt đầu từ những mụ tú bà và ma cô ở Saigon (nghe nói là từ các quận 1, 5, 11, Thủ Đức...) về các tỉnh miền Tây Nam Việt để “tuyển gái” cho các ổ điếm ở Cambodia, Thái Lan, v.v... và sau đó là ...”tuyển vợ” và gái cho bọn đàn ông ăn chơi từ Đài Loan, Trung Quốc, Hongkong, Thái Lan, Nhật Bản và cả một số nước ở Âu - Mỹ - Úc châu. Ngay cả cha mẹ cũng muốn bán con gái để trả nợ và đàn ông cũng muốn bỏ xứ qua Miên làm bất cứ công việc gì hái ra tiền nên chuyện con gái đi Miên là “cơn dịch” lớn ở các tỉnh miền Tây Nam Việt. Họ chỉ trở về nước khi mà “thân tàn, ma dại” với HIV/ AIDS, hay với những đau đớn thương tật trong khi chờ chết! Bây giờ, các bà mẹ đã không còn ngại ngùng gì khi “dâng hiến” các cô con gái của mình để đổi lấy những đồng dollars hứa hẹn một cuộc sống khá giả hơn; bất chấp đạo đức luân lý và ngay cả tương lai của con gái mình ra sao. Tại Cần Thơ, ai cũng biết là hàng tháng có hàng ngàn cô gái “đăng ký kết hôn” với ngoại kiều một cách vội vã; không kém gì dịch bia ôm, cà phê ôm, hớt tóc ôm.... mọc lên như nấm ở hầu hết miền Tây Nam Việt trong mấy năm “cởi mở” từ sau khi Việt Nam “mở cửa”! Sức mạnh dollars đã có tác dụng hơn bao giờ hết ở quê tôi, bất chấp tất cả, miễn là cuộc đời của họ thoát khỏi nghèo khổ cho dù họ thấy rõ họ chỉ là những con thiêu thân mà vẫn cứ lao vào những rủi ro, nguy hiểm! Trong khi đó, 12 tỉnh miền Tây Nam Việt lại chỉ có 1 trường đại học Cần Thơ (ĐHCT ) rất ...ọp ẹp, khập khiểng, chỉ biết “tự xoay sở là chính” (nguyên văn lời tâm sự của GS TTT, Hiệu Trưởng ĐHCT). Mới đây, An Giang mở thêm 1 trường đại học có tính “dân lập” thuộc địa phương do GS VTX làm Hiệu Trưởng. Nghe nói sẽ có thêm 1 trường đại học Tiền Giang. Thử hỏi: Đảng & Nhà Nước Việt Nam có công bằng hay không trong việc giáo dục - đào tạo với vựa lúa lớn nhất nước này? Tình trạng BẤT CÔNG này kéo dài 25 năm qua rồi mà lẽ nào không ai trong Bộ Chính Trị hay Bộ Giáo Dục & Đào tạo (trước kia là Bộ Đại Học & THCN) biết được “thiếu sót” này hay sao? Lẽ nào miền Tây Nam Việt chỉ cần đào tạo kỹ sư nông nghiệp để cùng nông dân trồng lúa nuôi 85 triệu dân cả nước là đủ rồi sao? Tức cười thật cho một chế độ giáo dục khập khiểng không thể tưởng tượng được như thế cứ tồn tại mà không ai thèm lên tiếng đòi hỏi một quyền lợi chính đáng một cách can đảm. Buồn tủi làm sao khi mà tiêu chuẩn chung là cứ một triệu dân sẽ có 1 trường đại học nhưng ở miền Tây Nam Việt thì tỉ lệ đó phải là ... 17/1. Trường ĐHCT cần được tu bổ, sửa chữa và mở rộng hơn nữa, cần có thêm nhiều khoa/ ngành, nhất là về xây dựng cơ bản, quy hoạch, môi sinh, kinh tế, quản trị kinh doanh và hành chánh, điện toán và nhiều ngành khoa học cơ bản khác nữa chứ không thể chỉ tập trung vào nông nghiệp và sư phạm là đủ. Giá như ĐHCT có được một bệnh viện có đủ các ngành cho y - nha - dược vừa phục vụ cho công tác giảng dạy & thực tập, vừa đáp ứng nhu cầu rất lớn của miền Tây Nam Việt. Song song là nhu cầu mở thêm nhiều trường đại học và chuyên nghiệp nữa ở vùng ĐBSCL, có thể là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, An Giang, Rạch Giá hay Bạc Liêu? Tốc độ phát triển quá chậm của các tỉnh vùng ĐBSCL là nguyên nhân chính khiến Nhà Nước chưa thấy sự cần thiết cho việc đầu tư để phát triển vùng đất này hay sao? Tôi rất muốn biết tại sao Việt Nam chưa đầu tư đúng mức cho các tỉnh vùng ĐBSCL khi mà đây là vựa lúa lớn nhất nước, tiềm năng rất phong phú, điều kiện tự nhiên quá thuận lợi, người dân lại cần cù, siêng năng và thông minh? Mong rằng các nhà lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL sẽ giải thích và lên tiếng về vấn đề này càng sớm càng tốt để sớm đánh thức một vùng đất nhiều hứa hẹn này.Có đến thăm ĐHCT, tôi mơi hiểu được những khó khăn của trường và đội ngũ trí thức vùng ĐBSCL. Qua chuyến đi lần nàý, tôi cũng thấy được vì sao các tỉnh vùng ĐBSCL lại ....nghèo như vậy! Thực ra, nếu đến thăm các thị trấn, tỉnh lỵ, ai cũng sẽ thấy các cao ốc nguy nga, đồ sộ của Tỉnh ủy & UBND Tỉnh, Công An Tỉnh, Ban Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh (Tỉnh Đội), Bưu Điện, Ngân Hàng Tỉnh, v.v... thì làm sao nói các tỉnh vùng ĐBSCL lại ....nghèo cho được? Chưa kể đến việc xây dựng quá nhiều nghĩa trang liệt sĩ, có cái đồ sộ, có cái màu mè không ra gì, trông thật ...lãng phí. Chẳng thà mỗi tỉnh làm một cái Đài tưởng niệm những người vì nước hy sinh coi cho đàng hoàng, mỹ thuật một chút thì được biết mấy! Dân còn nghèo, không có miếng ăn, chỗ ở cho ra hồn mà từ xã đến huyện, tỉnh cứ thi nhau xây Nghĩa Trang Liệt Sĩ rầm rộ như vậy để làm gì? Có lẽ người chết cũng khó lòng an nghĩ khi mà cứ nhìn xem đa số người dân sống ở các huyện & xã xa xôi một chút thuộc bất kỳ tỉnh nào thuộc các tỉnh vùng ĐBSCL thì ai cũng sẽ thấy dân nghèo như thế nào và sẽ hiểu vì sao họ lại nghèo đến như vậy. Lãnh đạo lố bịch và ...tồi đến thế là cùng! Đến năm 1999, tôi mới thấy các tỉnh vùng ĐBSCL hối hả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhưng vẫn quá ...nặng hình thức, thích đối phó hơn là có tính toán khoa học hơn, có giá trị kinh tế một cách thực tế hơn, có hiệu quả ích lợi lâu dài hơn. Nói thẳng là Vietnam hôm nay thích làm ăn “chụp giựt”, khoái “mánh mung” và “chấm mút” theo kiểu “ăn xổi, ở thì” hơn là đầu tư lâu dài để xây dựng đất nước và cải thiện đời sống người dân lương thiện. Nếu Việt Nam cứ thích “đùa dai” như vậy thì tôi tin sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ mắc bẫy của những tên bợm quốc tế! Nhìn sang Thái Lan, Mã Lai đi, Việt Nam sẽ có nhiều bài học quý báu để rút kinh nghiệm. Ngoại trừ thành tích sản xuất lúa gạo đứng đầu cả nước và sự có mặt của cầu Mỹ Thuận, thử hỏi 25 năm qua, các tỉnh vùng ĐBSCL có gì đáng khoe? Ruộng đất phì nhiêu, vườn cây ăn trái tươi tốt, khí hậu thuận hòa; vậy mà người dân vẫn nghèo khổ là bởi vì sao? Đa số quá chất phác, chân thật, cần cù, thông minh nhưng tại sao cuộc sống của họ vẫn không khá gì hơn sau 25 năm “giải phóng”? Tôi hy vọng các nhà quy hoạch VN sẽ thay đổi cách làm, cách suy nghĩ để vừa sắp xếp lại hợp lý, hợp tình hơn, vừa có tầm nhìn xa hơn cho sự phát triển của VN nói chung, miền Tây nói riêng. Phải thấy tầm quan trọng của việc xây dựng & phát triển cơ sở hạ tầng kiến trúc - xây dựng - giao thông vận tải, nhất là hệ thống cầu đường. Lãnh đạo địa phương vẫn yếu kém, tha hóa nên chưa có tầm nhìn vĩ mô, chưa đủ khả năng nhận ra những ưu & khuyết điểm của địa phương, chưa biết làm sao để cải thiện dân sinh; nói chi đến "cất cánh"? Từ Mỹ Tho qua Bến Tre đến Vĩnh Long, tôi thấy cán bộ vừa nhậu, vừa "chỉ đạo" thấy ...phát sợ. Bản chất nông dân lại thiếu trình độ nên tỉnh nào cũng ...bầy hầy, be bét, chưa khá nỗi! Ngân sách hạn chế nhưng quan tham thì nhiều mà nhân tài thì ...hầu như không có. Nói ra thì mất lòng nhưng thực tế cho thấy tỉnh nào cũng "xà quần" trong mớ bòng bong xã hội - kinh tế - giáo dục - y tế... nên quan chỉ biết củng cố địa vị, thu hốt bổng lộc mà không đưa ra cải cách đáng kể nào ! Làm sao huy động sức dân, thu hút đầu tư để đẩy tỉnh nhà khá lên, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống mà không hủy hoại môi sinh và nhiều di sản & truyền thống quý báu của địa phương? Quê tôi vốn là "địa linh nhân kiệt" nhưng sao dân vẫn nghèo, ít học, vệ sinh kém, bệnh tật đủ thứ mà không thấy người tài về đây giúp 1 tay?
Nói công bằng hơn, người dân các tỉnh vùng ĐBSCL có được gì bằng hay hơn so với các tỉnh ở các vùng khác? Có chăng là cái NGHÈO, BẤT CÔNG & LẠC HẬU như nhau trong suốt cả nước. Làm sao cải thiện đời sống + nâng cao dân trí cho thanh thiếu niên vùng này? Hệ thống cầu đường + y tế & chương trình dạy nghề bao giờ mới thật sự được quan tâm và đầu tư đúng mức ? Sau 15 năm “đổi mới”, tôi vẫn chỉ thấy một “thiểu số” có chức quyền, có thân nhân ở nước ngoài, hay đang làm việc cho các ông chủ tư bản nước ngoài thì khá hơn một chút. Đại đa số dân tôi vẫn NGHÈO so với các nước bạn trong vùng ĐNÁ. Ngay như các nhà lãnh đạo của Việt Nam lắm lúc tôi thấy họ vẫn còn thua lãnh đạo của Lào và Campuchia về cả ngoại giao lẫn trong chính sách đoàn kết dân tộc nữa kia mà, bạn thử suy nghĩ kỹ sẽ thấy tôi nói không sai đâu. Việt Nam chỉ giỏi đánh đấm mà thôi, bạn ạ. Cứ đánh nhau, cho dù nghèo cạp đất mà ăn cũng chịu-Việt Nam là thế sao? Tôi rất mong được thấy Việt Nam của tôi sẽ thay đổi tích cực hơn từ hôm nay.(9-1999)

No comments:

Post a Comment