Monday, October 3, 2011

“CÂY THUỐC CÁ”

MỐI NGUY CƠ MỚI: “CÂY THUỐC CÁ” HAY TÁC GIẢ CỦA BÀI “CÂY THUỐC CÁ”?
Giới khoa bảng cũng như người Việt hải ngoại đầu năm nay đã chứng kiến một cuộc tranh luận trên báo chí giữa hai “nhà khoa học” Mai Thanh Truyết (MTT) và Nguyễn Minh Quang với ông Nguyễn Văn Tuấn (NVT) về vấn đề nhiễm độc Dioxins [1]. Và cuối cùng, theo thiển ý chúng tôi, dù hai ông MMT và NMQ không tiếp tục cuộc tranh luận nữa (hay ông đăng tải ở đâu đó), nhưng phần logic và thuyết phục đã nghiêng về phía NVT [2]. Bằng những dẫn chứng cụ thể, bằng phê bình nghiêm túc, phép phản biện khoa học, Ông Nguyễn Văn Tuấn đã chứng minh rằng ông MTT đã vấp phải những lỗi lầm nghiêm trọng trong công tác khoa học như lạm dụng khoa học, thiếu thành thật tri thức, nguỵ khoa học (pseudo-science) trích dẫn sai, suy diễn sai, tính toán nhầm lẫn, phát biểu ngoài khả năng cho phép vân vân. Những kết luận đó của ông NVT là xác đáng, có cơ sở và đáng tin cậy [3].
Bẵng đi một thời gian khá dài, câu chuyện tưởng như kết thúc, nghĩ rằng chắc ông MTT đã nhận thức được vấn đề, nhận thức được sự sai trái trong cách làm khoa học của mình ông thôi không có những tuyên bố phi khoa học nữa. Nhưng không, mới đây nhất ông Mai Thanh Truyết lại có loạt bài “nghiên cứu khoa học” mới [4] nói về “nguy cơ mới” là cây “thuốc cá”. và vấn đề liên quan đến “thuốc sát trùng” gốc phốt-pho hữu cơ, và lại nhắc về dioxins.
Thực ra thì ông hoàn toàn có quyền tuyên bố, có quyền nói bất cứ những gì ông muốn, nếu những lời tuyên bố đó không phương hại đến ai, đến cộng đồng, đến tổ chức nào. Nhưng đằng này ngược lại, đã mang danh “nhà khoa học” (mà thực ra ông có phải là nhà khoa học đâu, như NVT đã chỉ ra) lại đi tuyên bố những điều phi khoa học, không những thế ông đã có hành vi thiếu thành thật tri thức (intellectual dishonesty) tái diễn, bóp méo sự thật về thông tin khoa học, ông đã làm những việc mà chúng tôi thiết tưởng không một người làm khoa học thực thụ nào có can đảm lặp lại, trừ ông. Đối với giới làm khoa học thực thụ, giới khoa bảng Việt nam, ông không lừa được họ đâu, họ chỉ chặc lưỡi chỉ là một thứ “nghiên cứu” vớ vẩn, và không màng bình luận. Nhưng điều nguy hiểm ở đây là ông mang danh của một công chức, làm việc có dính dáng đến kỹ thuật, ông cố gắng quảng bá những tuyên bố đó thì nó lại gieo rắc một sự hoang mang rộng rãi trong quần chúng, những người không có điều kiện để tiếp cận khoa học, không có điều kiện để có kiến thức khoa học để nhìn nhận vấn đề ông tuyên bố nó như thế nào, khi họ nghe giới chữ nghĩa tuyên bố như vậy thì hẳn nhiên hậu quả có thể khó lường.
Tôi nói như vậy là có căn cứ. Tuy tôi ít học, mới tập tò con đường nghiên cứu khoa học thôi, nhưng tôi xin lấy bài viết “Mối nguy cơ mới: Cây Thuốc cá” của ông Mai Thanh Truyết ra phân tích để minh chứng.
Tôi không bàn luận về cách trình bày, cấu trúc , hành văn lối nguy biện phi khoa học, diễn dịch không có căn cứ vân vân, mà thiết nghĩ đọc lại loạt bài phê bình của NVT, thì trong bài viết ngắn này có đủ. Điều này còn chứng tỏ một lỗi lầm mang tính nhất quán, tái diễn, có chủ ý.
Mở đầu ông đặt một tít đề thật “kêu” Mối nguy cơ mới! Gần như bạn đọc khó mà có thể bỏ đi, vì cũng muốn tò mò xem vấn đề gì mà nguy cơ mới . Thì ra vấn đề ông cho là “mới” (mà thực ra có gì mới đâu, loại cây “thuốc cá” này thì con người đã sử dụng từ lâu, Rotenone được chiết xuất trong phòng thí nghiệm từ những năm đầu thế kỷ XX, và rầm rộ sử dụng trong công nghệ hải sản đã 50 năm, đã được nghiên cứu độc tính cũng 30 năm có lẻ) chính là nói đến hoạt chất hoá học Rotenone [5]. Và tôi xin chỉ ra, ngay cả tên hoá học đơn giản như vậy mà ông cũng đã viết sai. Không những một mà ông lặp lại lần nữa là Roterone. Có thể gọi là lỗi chính tả được không? Tôi cho ở đây là không. Khoa học là cần sự chính xác đến mức có thể. Màông lại chuyên ngành về hoá, có học vị Tiến sĩ chuyên ngành, thì chúng tôi là thế hệ học trò, không chấp nhận đó là lỗi lầm nhỏ. Không có một hoạt chất hoá học nào mang tên Roterone có công thức hoá học là C23 H22 O6 (thực ra cũng không có quy tắc viết một công thức hoá học nào như vậy, mà phải là C23 H22 O6) như ông MTT chỉ ra cả.Vâỵ viết Rotenone thành Roterone được thì tôi cũng có thể viết rotenone thành retinol ( là vitamin A) cũng được chứ!
Toàn bộ tiếp theo đó là những thông tin cắt dán, cắt đầu bỏ đuôi, mơ hồ, vô nghĩa, phi khoa học. Tóm lại là một mớ thông tin “rác rưởi” để ông gọi là “nghiên cứu”. Chứng minh?
Ông viết: “Đây là một loại thuốc sát trùng mạnh và độc hại cho con người, đã được EPA xếp vào loại hoá chất gây mầm bệnh ung thư (carcinogen). Khả năng gây 50% tử vong cho chuột (LD 50 ? Lethal dose 50%) là 132mg/Kg. Mức an toàn trong không khí là 5mg/m3 (TLV ? Threshold Limit Volume”.
Xin thưa ngay, tôi không biết ông hiểu thế nào là thuốc sát trùng (disinfectant) và thuốc trừ sâu/diệt côn trùng (pesticide, insecticide) không, và rotenone không được xếp vào nhóm “thuốc sát trùng”. Ông tiếp tục dùng “chữ nghĩa” để loè thiên hạ, “Khả năng gây tử vong 50% cho chuột là 132mg/Kg”. Trước hết nói đến liều gây tử vong 50% (LD50), cần phải hiểu đó là một thử nghiệm đo độc tính của một chất, quần thể nghiên cứu tuỳ loại, tuỳ theo mục đích mà người ta chọn, mỗi chủng loại có một ngưỡng nhạy cảm và phản ứng với một loại hoá chất ở mức khác nhau. LD50 ở chuột thực tế cũng rất dao động. Theo một báo cáo [6] cho thấy LD50 ở chuột (rat) là 132mg-1500mg/kg, và LD50 của loại chuột trắng (white mice) là 350mg/kg. Không những không thèm trích dẫn xuất xứ mà MTT còn cố tình cắt bỏ thông tin. Ông thừa hiểu là khi đưa con số dao động đến 1500mg/kg thì cái ý ông định nhấn mạnh là “độc hại” là “mạnh” của ông nó không còn giá trị mấy nữa. Nhưng thực tế thì ông khôn nhưng không chắc đã ngoan. Nhân đây tôi xin cung cấp ông số liệu này, LD50 ở chuột (rat) rất “khiêm tốn”, báo cáo của Ellenhorn và Barceloux [7] là 60-132mg/kg khi cho uống, và chỉ có 0,2mg đến 0,3mg/kg khi tiêm vào tĩnh mạch. Vậy ông hãy lấy số liệu này để đưa vào bài viết của ông cho nó có trọng lượng. Nhưng, ông đừng vội mừng, ai cũng thừa biết là mỗi một thực nghiệm khác nhau (môi trường thực nghiệm, đối tượng thực nghiệm, hoá chất sử dụng, máy móc đo, chuẩn độ cho từng loại máy v..v.. kể ra đến hàng chục) thì sẽ cho một kết quả khác nhau và không có thể đem chúng so với nhau là chỉ số nào cao hơn chỉ số nào được. Và ở đây LD50 ông nêu ra cũng chỉ ở chuột thôi chứ mỗi chủng loại khác nhau thì có một LD50 khác nhau. Chẳng hạn, ở thỏ khi tiêm vào da LD50 là 100-200mg/kg [7], tiêm tĩnh mạch là 0,35-0,65mg/kg [8]. Cũng chính vì độc tính của “cây thuốc cá” này đối với loại sinh vật dưới nước (đặc biệt là cá, tôm) cao, mà người ta sử dụng để suốt cá. Tuy nhiên, LD50 cũng khác nhau trên từng loại cá. Thí dụ LD50 của loại cá rainbow trout là 0,031mg/L, channel catfish là 0,0026mg/L, và bluegill là 0,02mg/L với nồng độ 44% rotenone tinh khiết [9]. Chính nhờ vào sự khác biệt về liều gây chết của các sinh vật sống dưới nước này mà người ta đã dùng Rotenone để loại trừ các giống cá tạp lai khi nuôi cá, hoặc trong công nghệ thể thao câu cá [10]. Như vậy ta có thể nói LD50 chỉ là một chỉ tiêu để đánh gía độc tính của một hoá chất lên từng đối tượng khác nhau. Mà dựa vào đó khi sử dụng người ta sẽ biết là mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào.
Ấy thế mà, MTT đưa một con số “không biết nói” đó ra, rồi nhảy phắt sang nói về độc tính của Rotenone lên cơ thể người: “Khi bị nhiểm (sic) cấp tính qua đường hô hấp hay ăn phải thức ăn đã bị nhiểm độc, con người có thể bị ói mửa, mất cảm giác (numbness), đường hô hấp có thể ngưng hoạt động tùy theo cường độ của hóa chất xâm nhập vào cơ thể. Nhưng nếu bị nhiểm lâu dài có thể gan và thận bị ung thư”, ý như rằng Rotenone độc như vậy đấy, nó nguy hiểm nhưng vậy đấy! Thế nhưng, với một phân tích nhỏ ở trên, ta có thể có ngay một hệ quả hiển nhiên là trên cơ thể người thì Rotenone cũng có một ngưỡng LD50 khác, ngưỡng tối thiểu gây độc khác, và tuỳ nồng độ của Rotenone trong cơ thể, mức độ tiếp xúc, cách tiếp xúc thì có một triệu chứng nhiễm độc khác nhau, từ nhẹ đến nặng.
Mà có một điều rằng, không có một hoá chất nào kể cả thuốc bổ mà không có tác dụng phụ hay không có độc tính cả, nhưng phải ở một ngưỡng nào đó. Đơn cử Vitamin A, một loại thuốc “thánh” đã cứu hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới khỏi bị mù do biến chứng của suy dinh dưỡng thiếu Protein năng lượng (PEM- Protein-energy Malnutrition), với một liều điều trị duy nhất cấp tính là 100000 đơn vị VitA, hay điều trị dự phòng 400đơn vị trong một ngày. Thế nhưng Vitamin A có thể gây ngộ độc cho trẻ ngay tức khắc nếu liều điều trị cấp này tăng lên gấp đôi, rất hay xảy ra trong các chiến dịch phòng chống thiếu VitaminA (do nhân viên y tế cho uống hai lần), làm cho trẻ biểu hiện phản ứng màng não như trong viêm màng não. Vitamin D, vân vân, tất cả đều có tác dụng phụ và độc tính.
Vậy sự thực Rotenone (“cây thuốc cá”) tác động lên môi trường, con người như thế nào? Trước hết, sơ lược về đặc tính hoá học của Rotenone, là một loại hoá chất không bền dưới ánh sáng, hay trong không khí, hoạt tính mất nhanh trong môi trường, rất độc cho cá nhưng lại không độc hại cho cây trồng [11]. Rotenone bị phân huỷ rất nhanh trong môi trường đất và nước; thời gian rotenone bị mất 50% hoạt tính chỉ có 1-3 ngày và hầu như không có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm [12]. Dưới ánh sáng mặt trời, Rotenone gần như mất hết độc tính trong vòng 5-6 ngày với nắng mùa xuân, và chỉ cần 2-3 ngày dưới nắng hè [13].
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Chương Trình Môi trường Quốc tế của Liên hiệp Quốc (UN International Environment Programme Labour Organisation) và của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [14] thì có thể tóm tắt vài điểm chính liên quan sau đây:
- Độc tính của Rotenone là ở mức độ trung bình đối với động vật có vú khi uống, nhưng mức độ gây độc thay đổi rất rộng đối với từng chủng loại khác nhau. Tác dụng gây độc mãn tính đã được ghi nhận chỉ trên thực nghiệm động vật khi nuôi cho ăn rotenone dài ngày.
- Các kinh nghiệm lâm sàng cho thấy Rotenone dường như có tác động lên con người, đặc biệt là trẻ em nhạy cảm hơn người lớn đối với loại nhiễm độc cấp tính. - Chưa có một bằng chứng nào về vai trò của rotenone là tác nhân gây ung thư, nhiễm độc gen, hay dị thai.
Và gần đây đã có báo cáo về mối liên hệ (link) giữa Rotenone với chứng Parkinson, nhưng chỉ mới là nghiên cứu thực nghiệm trên chuột mà thôi [15]. Tuy nhiên cũng đã có một nghiên cứu hồi cứu (retrospective) của Viện Đại học Stanford, California trên 1000 người bị mắc chứng Parkinson, cho thấy rằng nhóm người này có mức độ tiếp xúc với hoá chất diệt côn trùng nói chung [không phải chỉ Rotenone] cao gấp hai lần người bình thường. Tức là cũng chưa có bằng chứng gì cả.
Như vậy vấn đề có thể đã minh bạch hơn, để bạn đọc có thể thấy được tính nguy hiểm của thông tin mà ông MTT đưa ra về “cây thuốc cá” và có lẽ nó “độc” hơn gấp nhiều lần so với hoá chất Rotenone này!
Rồi sau đó ông viện dẫn đến chuyện các nhà nuôi trồng thuỷ sản Việt nam dùng cây thuốc cá để kích thích cho tôm sú tăng trưởng nhanh, và ông đưa đến kết luận là nhắc nhở người tiêu dùng thận trọng với sản phẩm của Việt nam! Chẳng có gì phi lý hơn, chẳng có gì dốt nát hơn (xin lỗi bạn đọc vì tôi không có từ khác), đến học sinh tiểu học chắc chúng cũng phì cười khi đọc phải. Ông MTT mở đầu là “cây thuốc cá là một thuốc sát trùng mạnh và độc hại cho con người”, thế sao dùng Rotenone để kích thích tôm tăng trưởng mà tôm không chết hả thưa ông MTT? Và ta đã thấy rằng Rotenone rất độc cho loài sinh vật dưới nước, đặc biệt là tôm cá, vậy mà đem cho vào không những tôm không chết mà lại còn được tăng trưởng nhanh hơn, vậy thì tốt quá chứ ông. Cần phải cổ xuý và vận động sử dụng chứ sao lại lo ngại. Ông có bị nhầm gì ở đây không vậy nhỉ! Xin nhường cho bạn đọc lời phán xét. Cũng như thế, ở trên ông cho là Rotenone rất độc, xuống dưới thì ông ghi: “Rotenone là một hóa chất không nằm trong danh mục phân tích của EPA, do đó có nhiều phần cũng không nằm trong danh sách kiểm phẩm của FDA”. Độc thì coi như đã đành vì Rotenone được xếp loại là pesticide, nhưng độc đến mức mà không nằm trong danh sách kiểm phẩm của EPA thì kể cũng lạ! Ông đưa thông tin này ra chẳng khác nào ông tự mâu thuẫn với mình, khổ thật!
Lý lẽ của ông nghe có vẻ tinh tế (hay tinh ranh!) mà có lúc lại hoá ấu trĩ, có những kết luận rất hùng hồn như “Xuất cảng để có ngoại tệ nặng cho nhu cầu phát triển trong nước là một việc cần phải làm của chính phủ ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng xuất cảng vì lợi nhuận mà không lưu tâm đến sức khỏe của người tiêu thụ qua việc xử dụng những quy trình sản xuất "tắc trách" chắc chắn sẽ bị loại trừ trong "cuộc chơi kinh tế" trên thế giới”, nhưng ông cũng có những lý luận và suy diễn đến nực cười, mà tôi cho là có lẽ ông đang viết chuyện cười để mua vui cho thiên hạ! Bằng chứng thêm nữa là, trong bài viết mới nhất của ông về Dioxin [16]. Ông viết: “Như vậy, nếu tính theo định mức 1 pg/ngày/Kg thì cơ thể một người cân nặng 50 Kg có thể hấp thụ 50 pg/ngày. Trong một năm sẽ hấp thụ: 18.250 pg hay 18,25 ng. Và trong 20 năm (sống trên đất Mỹ) lượng dioxin/dioxins trong gan và các mô mở là 365 ng/20 năm. Nếu ước tính thời gian bán hủy (half life) của dioxins là 10 năm, thì tổng lượng dioxins “cư ngụ” trong cơ thể mỗi người là 182,5 ng. Nếu so sánh với lượng dioxin trong máu hay trong sữa mẹ cuả cư dân sống ở vùng A Lưới, A So ( ppt hay pg) thì số lượng dioxins “di trú” thường xuyên trong cơ thể con người sống ở Hoa kỳ vẫn còn quá cao! Và nếu tỷ lệ dị thai, ung thư...của cư dân A So tăng cao như báo cáo Hatfield tường thuật thì chúng ta có thể “khẳng định” rằng tỷ lệ ung thư, sinh con có dị hình dị dạng ở Hoa kỳ sẽ cao gấp nhiều lần hơn!” Và ông có nêu lên một số con số về “định mức chấp nhận hấp thụ hàng ngày (tolerable daily intake – TDI) của dioxins được thay đổi và được ước tính bằng pg (hay 10 -12 ) như sau: Hòa Lan: 4 pg/ngày/Kg (cân lượng cơ thể); WHO: 10 pg/ngày/Kg; Đức: 1 pg/ngày/Kg …”. Có lẽ tôi không cần lý giải dài dòng, lý thuyết về sự khái quát hoá hay “ngoại suy” (extrapolation) ngớ ngẩn và phi lý này mà chỉ đưa ra một ví dụ nhỏ cho bạn đọc thấy: Một số nhà lâm sàng Nhi khoa có dùng một công thức sau đây để ước lượng chiều cao trung bình của trẻ: H(cm)= 75-80 + 5(n-1) trong đó H là chiều cao, n là tuổi của trẻ tính bằng năm. Vậy ta có: trẻ 1 tuổi cao khoảng 75-80cm, lấy số tròn là 80cm cho dễ tính, 10 tuổi cao 125cm, 20 tuổi cao175cm, 30 tuổi cao225cm, 40 tuổi cao 2,7m và cứ thế! Theo tôi, tôi có một đề nghị chân thành với ông MTT, là ông hãy đem báo cáo dioxin này đệ trình lên Tổng thống Mỹ, tôi đoan chắc ông sẽ được trọng thưởng huân chương bội tinh! Tại sao? Vì ông đã có công cứu được hàng tỷ sinh linh trên hành tinh này chứ không chỉ trên hai trăm triệu dân Mỹ. Ông hãy ra đề xuất là “Không được có một chút vết (trace) nào dioxin được cho phép ngấm vào cơ thể cả, nếu không hiểm hoạ dioxin cho thế giới loài người sẽ xảy trong những thập niên tới hay tới nữa, nếu quí vị cứ để định mức tối thiểu dioxin cho phép cơ thể thu nạp mỗi ngày là 1pg/kg”!
Và cũng chính nhờ đoạn kết luận của ông mà ông đã chỉ cho tôi thấy ông không phải là “nhà hoạt động khoa học” thuần tuý như ông hằng tự nhận, ông có một ý đồ nào khác. Nếu quả ông là một nhà hoạt động khoa học thực thụ, một người có tấm lòng với đất nước, với người dân Việt nam, và nếu ông có kiến thức có hiểu biết đi nữa thì một bài viết khoa học của ông nó phải khác, nó phải thể hiện cái đóng góp của ông, để giúp mọi người có cách chế khắc hay tránh phải các tai nạn trong việc sử dụng Rotenone, chứ không thể có kiểu viết bỏ ngỏ, không đầu không đuôi, nửa kín nửa hở, bóp méo sự thật, bẻ cong thông tin khoa học theo ý đồ của mình như vậy được.
Để bàn luận một bản “nghiên cứu khoa học” của ông MTT vỏ vẹn có 1 trang A4 mà mất cả đến 7 trang, thì tôi thực là kém cỏi, thiếu hiểu biết. Mà tôi cũng đã nhận như vậy từ đầu, tôi chỉ là một thực tập sinh. Nên tôi nghĩ tôi có thể dừng ở đây. Những góp ý của tôi có gì thiếu sót xin các vị niệm tình chỉ giáo, tôi rất biết ơn. Chỉ có một điều, chúng tôi xin ông MTT hãy đừng vì những mưu đồ nào đó mà ông cố tình lạm dụng uy tín của khoa học để làm những chuyện ô danh cho khoa học Việt nam. Chúng tôi, thế hệ đi sau không muốn có những tấm gương như vậy trong giới làm khoa học của người Việt (mà thực ông nhận vơ chứ ông có làm khoa học gì đâu!). Các ông chửi rủa Cộng sản nào là bưng bít thông tin, che đậy sự thật, mưu đồ chính trị v.v… nhưng đây mới là một hành động lợi dụng khoa học, bưng bít sự thật, bóp méo sự thật. Và có lẽ Cộng sản rất lấy làm vui mừng nếu ông MTT có đứng trong hàng ngũ chống lại họ.
Quang Nguyên
07/08/2002
Phụ chú:
[1] Xem trang nhà Vastvn http://www.vasrvn.org/ , mục nghiên cứu bài : Thư không niêm gửi tiến sĩ Toán Nguyễn Văn Tuấn cùng các bài khác của Mai Thanh Truyết, và loạt bài của Nguyễn Văn Tuấn đăng trên báo Người Việt số ra tháng 2-2002 và trên trang nhà Giao điểm http://www.giaodiem.com/ mục bài tháng 2/2002.
[2] Và hệ quả đã dẫn đến một số giới làm khoa học trẻ đã nhận thức được sự thật mà đã có kiến nghị yêu cầu ông MTT từ chức chủ tịch hội VASTVN (Hội Khoa học và Công nghệ của người Mỹ gốc Việt) (xin xem bài viết của Kevin Tran, http://www.giaodiem.com/ tháng 3-2002
[3] Về phía cá nhân chúng tôi, không phải là nhà khoa học thứ thiệt, chúng tôi chỉ là thực tập sinh tập tò trong lĩnh vực khoa học và nghiên cứu khoa học, khi đọc được những bài viết của ông NVT, chúng tôi cũng phải tự chất vấn, liệu những điều ông phê bình hai ông MMT và NMQ có nặng nề quá không, có quá đáng không, có “chụp mũ” người khác không, đặc biệt đến bài sau cùng, ông đã ngần ngại lo cho ông MTT bị mắc chứng vĩ cuồng .
Chúng tôi đã tự thẩm định về giá trị của những bài viết của hai ông MTT, đối chứng với lời phê bình của ông NVT. Thiển nghĩ cá nhân, những lời phê bình của ông NVT là hoàn toàn chính xác, rất logic, khoa bảng, và qua đó, bản thân tôi có thể nhìn nhận nó còn là những bài giáo khoa rất cơ bản cho những ai muốn bắt tay vào làm khoa học. Vậy chứng cứ nào để có thể nói rằng lý lẽ, tiếng nói của ông NVT có mức độ khả tín, chính xác cao hơn hai ông MTT? Bạn đọc có thể thắc mắc. Tôi chỉ còn biết tự đặt cho mình một tiêu chuẩn đánh giá cho khách quan. Theo chúng tôi, nếu là một nhà khoa học thực sự, hoặc chí ít cũng có bằng chứng là mình có hoạt động trong giới khoa học thì minh chứng hùng hồn nhất là phải có công trình nghiên cứu khoa học, công trình này phải được đăng tải trên những tập san khoa học liên quan có uy tín, có sự “kiểm chứng” của đồng nghiệp. Vậy theo nguyên tắc đơn giản đặt ra đó, chúng tôi tiến hành tìm kiếm thông tin qua hệ thống cung cấp thông tin khoa học có liên quan đến sức khoẻ con người môi trường có uy tín nhất hiện nay trên thế giới-Medline. Và kết quả, chúng tôi không tìm thấy một bài báo khoa học có tên của ông MTT hoặc NMQ cho dù là bài viết chỉ đứng tên đồng tác giả (xin nhắc lại, không tìm thấy một bài nào). Trong khi đó chúng tôi ghi nhận được trên 100 bài báo khoa học (scientific paper), mà trong đó ông NVT đứng tên tác giả chính (first author) và đồng tác giả, điều đáng làm tôi kinh ngạc và ngưỡng mộ là những bài báo này có bài được đăng tải trên những tập san khoa học được xếp vào hàng uy tín bậc nhất thế giới cũng như trong chuyên ngành, như Nature, The Lancet v..v…Tôi trộm nghĩ (và ước ao) giá như mình cũng có được một bài (chỉ một bài thôi) được đăng tải ở đây, thì tôi mãn nguyện cuộc đời đèn sách theo đuổi làm khoa học của tôi. Sau kết quả tìm kiếm như vậy, câu trả lời là tôi tin vào những phát biểu cũng như những lời phê phán của ông NVT về tác phong làm khoa học, và các tuyên bố “khoa học” cuả hai ông MTT và NMQ là có cơ sở và khả tín.
[4] Xin xem bài viết “ Mối nguy cơ mới: Cây Thuốc cá” và “Thẩm định mức tác hại của thuốc sát trùng gốc Organo-phosphate”, trong mục Nghiên cứu, http://www.vastvn.org/
[5] Rất vắn tắt Roterone là một hoạt chất hoá học, có trong loại cây thân leo mọc hoang dại vùng ven nước, có tên khoa học là Derris trifoliata, thuộc họ Leguminosae. Tên gọi tiếng Anh của cây này là Derris, ngoài ra còn có các tên gọi khác tuỳ theo địa phương như Tuba, hay Bagin (Guam), Upkesetik (Pohnpei), yuub (ở Yap) vân vân, tiếng Việt thì người viết bài này không được rõ tên gọi là gì, tôi nhớ ngày còn nhỏ, bà ngoại tôi có chỉ cho tôi một lần. Bà bảo đó là cây “suốt cá”, tức là dùng nó để suốt cho cá chết nổi lên bắt về ăn. Bà tôi bảo, nếu suốt cá như vậy thì đem về rộng trong cái chậu nước để ngoài nắng, đến chiều thì ăn được, nếu ăn ngay bị đau bụng ói mửa. Đến nay tôi đã hiểu được cơ chế của nó qua tìm hiểu viết bài này.
[6] Xem Eds The Argrochemicals Handbook, của Kidd H, James DR Third edition, Royal Society of Chemistry Information Sevices, Cambridge, UK, 1991, trang 2-13.
[7] Xin xem, Diagnosis and treatment of Human poisoning của Ellehorn MJ và Barceloux DG, Medical Toxology New York, Elsevier, 1988.
[8] Xin xem Pesticide in man, của Hayes Jr WJ, Baltimore, Williams&Wilkins, 1975, trang 271.
[9] Xin xem Handbook of Acute Toxicity of Chemicals to Fish and Aquatic Invertebrates. Resource Publication 137. của Johnson WW và Finley MT, US Department of the Interior, Fish and Wildlife Service, Washington DC, 1980, trang 2-51.
[10] Xem các tóm tắt của các báo cáo của hội nghị thường niên của AMERICAN FISHERIES SOCIETY "REFLECTIONS" August 20 - 24, 2000 St. Louis, MO Hosted by: Missouri Chapter of the American Fisheries Society and Missouri Department of Conservation
[11] Xin xem Martindale The Extra Pharmacopoeia của Reynolds JEF, 29th ed., London, Pharmaceutical Press, 1989, trang 1896; và Pesticide in man, của Hayes Jr WJ, Baltimore, Williams&Wilkins, 1975, trang 271.
[12] Xin xem Pesticide properties database for environment decision makingII, của Augustijn-Beckers PWM, Additional compound, Rev. Env. Cont. Tox., 1994, bộ 137, trang 2-52.
[13] Xin xem Eds The Argrochemicals Handbook, của Kidd H, James DR Third edition, Royal Society of Chemistry Information Sevices, Cambridge, UK, 1991, trang 2-13.
[14] Xin xem Health and Safety Guides số 73 của IPCS International Programme on Chemical Safety
[15] Xin xem ở http://www.fis.com/
[16] Xin xem bài Câu chuyện dioxin/dioxins ở http://www.vastvn.org/ mục nghiên cứu.
* Cây thuốc cá - giúp bà con nâng cao cuộc sống
Mỗi khi nhắc đến U Minh là người ta liên tưởng đến sự nghèo khó. Cuộc sống bấp bênh, có khi Nhà nước phải cứu đói. Đặc biệt là những cư dân ven rừng, cuộc sống của họ còn khó khăn hơn, cho nên tìm được một mô hình kinh tế thích hợp để ổn định đời sống cho họ là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Mô hình trồng cây thuốc cá là mô hình phù hợp với vùng đất U Minh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa nông dân ở Tập đoàn T29, xã Khánh An, huyện U Minh từng bước thoát nghèo.
Tập đoàn T29, Tiểu khu 066 hiện có 98 hộ, trong đó có 35 hộ mới nhận đất. Khi về đây định cư, bà con nông dân chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Có năm lúa thất, hoa màu rớt giá, đời sống nông dân vô cùng khó khăn. Người dân phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, trẻ em thất học. Nhiều người không sống được với vùng đất mới, phải chuyển đi nơi khác. Cũng có không ít người cố gắng bám trụ và hy vọng sẽ được đổi đời. Điều mong ước rồi cũng đến, năm 2000, chính quyền địa phương chấp thuận cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước ổn định đời sống cho người dân ven rừng. Cũng từ đó, xuất hiện nhiều hướng đi riêng, người lên liếp trồng cây ăn trái, người tiếp tục trồng hoa màu, nuôi cá... và cá biệt chỉ có vài ba hộ trồng cây thuốc cá. Chú Ngô Văn Lực nhận định: Phải công nhận rằng, cây thuốc cá rất phù hợp với vùng này. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch từ 10-18 tháng, có khi 20 tháng, kéo dài hơn hoa màu nhưng lợi nhuận từ loại cây này khá cao. Được biết, hiện nay cây thuốc cá có giá trung bình 15.000 đồng/1kg. Một công đất trồng người dân có thể thu hoạch từ 1.000 - 1.200kg. Như vậy, mỗi công trồng cây thuốc cá người dân thu được từ 15-17 triệu đồng. Có khi vào mùa vụ nuôi tôm, giá cây thuốc cá có thể lên đến 20.000 đồng/1kg. Đó là khoản thu nhập mà từ trước đến nay người dân U Minh hằng mơ ước.
Sau 10 tháng, cây thuốc cá bắt đầu cho thu hoạchXen canh trồng lúa, hoa màu với cây thuốc cá100% nông dân ở Tiểu khu 066 đều chuyển sang trồng cây thuốc cá
Từ những thành công bước đầu, đến nay toàn Tiểu khu 066 có 63 hộ triển khai trồng cây thuốc cá với tổng diện tích trên 78ha và được xem là nơi có diện tích trồng cây thuốc cá nhiều nhất tỉnh. Bình quân mỗi hộ đều canh tác từ 1ha trở lên. Hiện tại, có hộ thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm. Nếu như trước đây trồng hoa màu chỉ canh tác trên đất được 6 tháng mùa mưa, bây giờ nông dân đã biết tận dụng hết thời gian để trồng cây thuốc cá. Biết tính toán luân phiên trồng làm sao để lúc nào cũng có cây thu hoạch. Ngoài ra, nhiều hộ dân còn trồng xen canh với cây ăn trái, hoa màu. Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Đạt, ngoài trồng cây thuốc cá, anh còn trồng thêm 350 gốc xoài cát Hòa Lộc. Rồi tận dụng dưới mương để cấy lúa, năng suất thu hoạch cũng rất hiệu quả, nhiều hộ đủ lúa ăn trong năm. Nhiều người đã sắm được phương tiên đi lại và các vật dụng đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong gia đình, con cái được đến trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài, bà con nơi đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Bởi để trồng được một công cây thuốc cá, người nông dân phải bỏ ra 2 triệu đồng. Mỗi gia đình có từ 5-10 công đất thì thử hỏi tiền đâu đầu tư cho sản xuất. Vay tiền ngân hàng thì không được, do không có quyền sử dụng đất để tín chấp, cũng chẳng có cơ quan nào đứng ra bảo lãnh. Có chăng nhà nông ở đây phải đi mượn tiền, vay tiền, thậm chí phải vay nóng. Cho nên, thời gian tới nhiều người dân mong muốn Nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách ưu tiên để người dân an tâm sản xuất. Vì đây thật sự là một mô hình kinh tế hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống nhân dân ở U Minh.
Ngoài ra, bà con cũng mong mỏi trong thời gian sắp tới, các cấp lãnh đạo xã, huyện cần có chiến lược hỗ trợ thêm về khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong quá trình canh tác, cũng như định hướng những mô hình sản xuất phù hợp. Đặc biệt là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Theo anh Đỗ Thanh Lương, Chi Hội trưởng Hội Nông dân, trong “bốn nhà” thì Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nếu Nhà nước không tham gia cùng với người nông dân, chắc chắn bà con vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi. Cộng thêm hiện nay, tập quán canh tác của nông dân là thấy cái gì hiệu quả thì chuyển sang trồng. Sản phẩm làm ra giao dịch chỉ mang tính chất một chiều, giữa người nông dân với người mua, dễ bị thương lái ép giá, cho nên trước mắt Nhà nước cần có chính sách quản lý, đảm bảo về giá cả thị trường để nông dân an tâm sản xuất.
http://www.baoanhdatmui.vn/vcms/html/news_detail.php?nid=4268
*Cây thuốc cá làm sạch ao tôm
Thuốc cá là loại cây có rễ chứa độc tố làm chết cá nhưng không ảnh hưởng đến con tôm và môi trường nước, thích hợp cho việc làm sạch ao nuôi trước khi thả tôm. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm ở các vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh vì thế nhu cầu về rễ cây thuốc cá ngày càng cao.Anh Trần Văn Khải - ấp Bến Tranh, xã Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: ?Cây thuốc cá trồng dễ như trồng cây mì cây bắp. Chỉ việc cuốc luống rồi chặt thân cây ra từng khúc giăm lên?. Cây thích hợp với mọi loại đất và có khả năng kháng sâu bệnh cao. Thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch rễ khoảng 12 đến 18 tháng. Rễ cây thuốc cá có thể bảo quản lâu bằng cách ngâm trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu quanh năm của người nuôi tôm?.Trung bình một công thuốc cá cho thu hoạch khoảng 500kg rễ. Giá rễ thuốc cá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, vào đợt ?hút hàng? có thể lên đến 20.000 ? 30.000 đồng/kg. Anh Khải so sánh: Trồng thuốc cá khỏe hơn nhiều so với mía mà thu nhập lại cao hơn gấp mấy lần do không phải chi phí nhiều cho công cán, phân thuốc. Với 2 công đất trồng thuốc cá, năm ngoái anh Khải thu nhập được hơn 10 triệu đồng và năm nay, anh cho biết sẽ nâng diện tích trồng cây thuốc cá lên khoảng nửa hécta do diện tích mía không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
* Có nhiều loài cây được dùng để thuốc cá, chúng thuộc các chi thực vật khác nhau và có rất nhiều tên Việt Nam nhưng chúng đều chứa một hợp chất có tên là rotenon. Hợp chất này không độc với động vật máu nóng. Có độc tính với các động vật máu lạnh nên được dùng làm thuốc trừ sâu và chất gây mê cho cá (để bắt cá được nhiều hơn),v.v... Tên latinh dây cóc kèn: Derris indica.

1 comment: