Wednesday, October 12, 2011

Khám phá Hang động mới ở Bắc Kạn

TT - Một hang động mới với hệ thống nhũ đá, thạch thủy tự nhiên nhiều màu sắc huyền ảo chưa từng thấy vừa được phát hiện ngay trong lòng núi đoạn qua đèo Áng Toòng (xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn).
Nhóm PV Tuổi Trẻ đã đi tìm hiểu và thật sự ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của nó...
Một vòm động với những nhũ đá tuyệt đẹp - Ảnh: Việt Dũng
Một dải thạch nhũ đẹp lạ lùng - Ảnh: Khiết Hưng
Hang động này hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm bởi hệ thống các ngóc ngách vô cùng hiểm trở, chui xuống tận đáy sông Cầu...
Ngỡ ngàng
Ông Nguyễn Duy Nghĩa - phó trưởng phòng quản lý di tích và danh thắng Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn, một trong những chuyên gia đầu tiên khảo sát hang động - dẫn chúng tôi đến cửa hang và “bàn giao” cho anh Nông Văn Lễ - người dân tộc Tày, ở xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, một thanh niên bản địa thông thạo địa hình hang - dẫn tiếp xuống “âm ti”.
Theo ông Nghĩa, hang được phát lộ ngày 28-7-2011. Sau khi nổ mìn phá đá trên đoạn đèo Áng Toòng để thi công làm quốc lộ 3B (từ quốc lộ 3 đi huyện Na Rì), các công nhân đã phát hiện một động đá hun hút ăn sâu vào lòng núi. Sửng sốt bởi vẻ đẹp kỳ ảo của hệ thống những thạch vân, nhũ đá tuyệt đẹp, một số công nhân đã tiến vào tìm hiểu. Biết tin, một vài thợ chuyên săn tìm vàng ở địa phương cũng đã nhanh chân tìm đến “khai phá” hang động với mục đích tìm vàng.
Lễ bảo chính anh là người đầu tiên dám chui xuống mò mẫm từng ngóc ngách tối um trong hang để khám phá những hang động với những thạch nhũ, thạch thủy tuyệt đẹp, những đụn nước đùn lên từ dưới các khe đá, nước rỉ ra từ những vách đá bên trên...
Do chưa được bảo vệ, một số thạch nhũ, thạch thủy đã bị phá hủy và có người mang những tảng nhũ ra ngoài bán kiếm vài ba triệu đồng... Cũng chính vì thế, đơn vị thi công đã tạm san đất đá lấp gần kín cửa hang. Nhưng với những gì được chứng kiến, chúng tôi vẫn sững sờ.
Ngay từ cửa hang là một động lớn khá rộng rãi, vòm núi cao cùng những thạch nhũ đẹp huyền ảo do vẫn còn ánh sáng tự nhiên le lói hắt vào. Xung quanh động có ít nhất ba cửa hang lớn và rất nhiều cửa hang nhỏ chỉ đủ một người chui lọt tỏa đi khắp các hướng.
Lễ buộc đoạn dây thừng to dài 50m xuống và từ đó chúng tôi bắt đầu khám phá một trong những ngách mà theo anh dài khoảng 350m, chênh chếch lao sâu xuống đáy sông Cầu với độ cao chênh lệch so với bên ngoài khoảng 60m. Đã khám phá nhiều hệ thống hang động, trong đó có Pu Sam Cáp - “đệ nhất hang động Tây Bắc” ở Lai Châu, nhưng phải thừa nhận chúng tôi vẫn bị choáng ngợp vì vẻ đẹp đến ngỡ ngàng.
Càng vào sâu trong ngách, nhiều đoạn phải bò trườn qua các khe đá, nhiều đoạn lại phải bám dây tụt tít xuống. Đá trong hang không trơn trượt dù rất ướt, nhiều tảng vẫn còn “tuyết” xốp do “mồ hôi đá” tiết ra ngưng lại. Vào sâu được nửa đường, một số thành viên đã chào thua bởi mức độ mạo hiểm. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đến điểm cuối cùng, được cho đẹp nhất trong hang.
Đó là một động có khoảng vòm rộng hơn 20m, vòm trần cao 7m với hệ thống đá trắng và nhiều hình dáng tạo hình tự nhiên khác nhau. Trên lưng chừng vách hang có nhiều hồ treo, giếng trời với những “túi nước” mát lạnh, trong vắt luôn được bổ sung bởi những giọt nước tí tách nhỏ từ các thạch nhũ xuống, khi chụp lên ảnh cực đẹp.
Đặc biệt có rất nhiều thạch nhũ tự nhiên như những chiếc lá mỏng xếp chồng lên nhau, khi dùng ngón tay búng nhẹ tạo ra âm thanh không khác gì đàn đá. Lễ bảo đây chưa phải là điểm cuối cùng, bởi xung quanh vẫn còn rất nhiều ngóc ngách chưa biết dẫn đi đâu, tới đâu...
Cửa vào hang động - Ảnh: Việt Dũng
Leo xuống đoạn hang động đầu tiên - Ảnh: Việt Dũng
Hứa hẹn đầy tiềm năng
Theo ông Nghĩa, sau khi phát hiện hang động, tỉnh đã tiến hành khảo sát ban đầu và có biện pháp bảo vệ, tránh tình trạng người dân đập phá các thạch nhũ. Tại hang đá thứ hai, lòng hang có đoạn rộng, đoạn hẹp, đi lại khó khăn do có một giếng trời sâu gần 20m tại điểm đầu của hang. Tuy nhiên, qua được đoạn này mới thưởng thức hết vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.
Kết quả khảo sát ban đầu của các đơn vị chức năng thuộc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cho thấy hang động khá kỳ lạ, chứa nhiều loại đá khác nhau như đá xanh, đá vôi, trong khi những hang đá thường thấy ở VN chỉ có một loại đá. Chính vì thế, thạch vân, thạch nhũ trong hang chứa nhiều màu sắc khác nhau, từ nhũ vàng đến trắng trong, trắng đục tạo thành những mảng màu rực rỡ, huyền ảo.
Càng đi sâu vào lòng hang, các loại thạch nhũ càng nhiều, đặc biệt có loại thạch thủy như nhựa trắng đang chảy và thạch nhũ dạng sợi như những dây đá màu trắng dài hàng mét từ vòm hang rủ xuống. Trên vách hang, nhiều đoạn nhũ tạo thành những hình thù lạ mắt, thể hiện sự kỳ lạ của thiên nhiên. Đáng chú ý, lòng hang không có chút bùn đất và đáy hang có những mảng thạch vân hình xoáy ốc, được thiên nhiên khéo léo sắp xếp như một bức tranh thủy mặc.
Một tác phẩm của thiên nhiên trong hang mới ở Bắc Kạn - Ảnh: K.Hưng
Mạo hiểm leo xuống một hang động âm sâu xuống lòng đất - Ảnh: Việt Dũng
Trong một ngách hang - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nghĩa cho biết chưa dám so sánh trên quy mô cả nước vì còn cần sự đánh giá của các cơ quan chuyên môn cấp quốc gia, nhưng tại Bắc Kạn thì có thể nói đây là hang động đẹp và kỳ lạ nhất từ trước tới nay. Ngay sau khi khảo sát, ông đã có một báo cáo gửi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch để cơ quan này báo cáo UBND tỉnh.
Theo đánh giá của ông Nghĩa, vị trí, địa thế của hang rất có tiềm năng du lịch, nhất là du lịch mạo hiểm bởi hang chỉ cách trung tâm thị xã chưa đầy 15km. Trong hang động không khí đủ thoáng, đảm bảo đủ oxy cho nhiều người, có nhiều ngách hẹp dẫn đến các hang khác và có thể tạo thành một hệ thống hang động hoàn mỹ, hấp dẫn du khách.
Cũng theo ông Nghĩa, hiện UBND tỉnh Bắc Kạn đã có công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát để có biện pháp bảo vệ, phát huy món quà quý của thiên nhiên này.
Dưới đây là một số hình ảnh về hang động:
Các thạch nhũ muôn hình vạn trạng - Ảnh: Khiết Hưng
Vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên - Ảnh: Khiết Hưng
Khung cảnh đẹp tuyệt vời bên trong hang động - Ảnh: Việt Dũng
ĐỨC BÌNH - TUẤN THÀNH - MINH QUANG

1 comment: