Monday, October 3, 2011

Cây thuốc trị bệnh(2)

* 5 món sinh tố giúp phòng trị cao huyết áp, tiểu đường
Ít người biết rằng ớt xanh Đà Lạt có tác dụng tốt cho những người béo phì trong việc ngăn chặn nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như tiểu đường. Nên thường xuyên dùng nó như một loại sinh tố.
-Ớt xanh Đà Lạt chứa khá nhiều protid, đường, canxi, phospho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2, PP. Nó là loại rau quả chứa nhiều vitamin C nhất. Các chất trong loại quả này có tác dụng kích thích tuyến dịch vị, gia tăng sự bài tiết, vì thế tăng cường tác dụng tiêu hóa. Ngoài ra, còn kích thích tim đập nhanh, làm tăng tốc tuần hoàn, có tác dụng làm ấm, ức chế tích tụ mỡ, phòng ngừa béo phì. Ớt tính nóng, vị cay, có tác dụng tán hàn, kiện vị, tiêu thực, trị đau bụng do lạnh, nôn ói, tả lỵ.
Một số loại sinh tố khác cũng có ích cho bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp:
-Táo: Có hàm lượng đường fruitose cao nhất trong các loại trái cây. Ngoài ra, nó còn có acid malic, acid tannic, chất xơ, canxi, phospho, sắt, pectin, kali, lipid, protid và nhiều loại vitamin rất tốt cho cơ thể. Theo Đông y, táo tính mát, vị ngọt chua, có công hiệu kiện tỳ, ích vị, trị các chứng buồn nôn, chán ăn, bổ dưỡng tâm khí, dùng trong chứng tinh thần uể oải. Nó còn có tác dụng sinh tân, nhuận táo, chỉ khát, dùng trị ho, tâm phiền miệng khát do nhiệt.
Táo còn có tác dụng hấp thu vi khuẩn và độc tố, trị tiêu chảy. Bên cạnh đó, chất xơ, acid hữu cơ lại kích thích đường ruột, làm mềm phân nên giúp đại tiện thông. Táo chứa chất kali có lợi cho việc bài tiết natri, tốt cho người cao huyết áp. Acid hữu cơ trong táo còn kích thích bài tiết dịch vị, trợ giúp tiêu hóa.
-Mướp đắng, miền Nam Việt Nam gọi là Khổ qua: Chứa nhiều chất xơ thô, canxi, phospho, sắt, beta-caroten, vitamin B1, B2, PP, C, nhiều loại acid amin, 5-HT..., đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Mướp đắng tính hàn, vị đắng, có công dụng dưỡng huyết, bổ gan, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, dùng trị các chứng bệnh nhiệt phiền khát, trúng nắng phát sốt, kiết lỵ, ung nhọt, đau mắt đỏ do nhiệt... Các thử nghiệm đã chứng minh loại quả này chứa một chất tựa như insulin, làm giảm đường huyết rõ rệt, có thể dùng làm thuốc trị bệnh tiểu đường.
-Cần tây Đà Lạt(celery): Chứa canxi, sắt, phospho, giàu protid - gấp đôi so với các loại rau khác. Cần tây còn chứa nhiều acid amin tự do, tinh dầu, mannitol, inositol, nhiều loại vitamin, giúp tăng cảm giác thèm ăn, xúc tiến tuần hoàn máu và bổ não. Cần tây tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, trị đàm nhiều đầy ngực, lao hạch... Thử nghiệm đã chứng minh rau cần có tác dụng giảm áp rõ rệt, thời gian duy trì tùy theo liều lượng.
- Dưa leo: Chứa canxi, phospho, sắt, nhiều muối kali, chất nhầy, các acid amin, chất thơm, vitamin A, B1, B2, PP và C. Dưa leo tính mát, vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, trừ thấp, tiêu sưng.Các món sinh tố trên đều có thể giúp phòng trị bệnh cao huyết áp và tiểu đường. Tuy nhiên, nên cách 3 ngày dùng 1 lần vì hầu hết các loại trái cây đều mang tính mát (trừ ớt xanh). Việc dùng quá nhiều sẽ gây mất cân bằng hàn - nhiệt của cơ thể. Nên dùng cả phần vỏ của các loại trái cây trên để giữ được đầy đủ các hoạt chất.( Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

* Mắc bệnh tim &
bệnh tiểu đường
nên ăn nhiều súp lơ xanh(broccoli)
Các nhà nghiên cứu của trường ĐH Connecticut tiết lộ rằng ăn nhiều súp lơ xanh có thể giúp cơ thể chống lại bệnh tim.
Súp lơ xanh luôn là một nguồn thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa, vitamin và các chất xơ có khả năng chống lại các loại ung thư. Nghiên cứu mới đây của Dipak K. Das cho thấy nó còn rất tốt cho tim.
Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu mối liên quan giữa việc ăn súp lơ xanh với hoạt động của các cơ tim. Kết quả là sau 1 tháng liên tục ăn súp lơ xanh, chức năng tim được cải thiện và giảm được sự nguy hiểm đối với các cơ tim khi rơi vào tình trạng thiếu ôxy so với nhóm có chế độ ăn bình thường.
Các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng những lợi ích của súp lơ xanh chính là việc nó bổ sung các chất mà giúp tăng cường các protein bảo vệ tim có tên là thioredoxin. Nghiên cứu được đăng tải ngày 23/1 trên tạp chí Agricultural and Food Chemistry.(Theo Dân Trí)


Một nghiên cứu gần đây chứng minh rằng ăn súp lơ xanh có thể giúp bệnh nhân tiểu đường đảo ngược tổn hại mà bệnh gây nên đối với các mạch máu.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Warwick (Anh) tin rằng sulforaphane, một hợp chất có trong súp lơ, làm nên điều đó.
Sulforaphane kích thích quá trình sản xuất những enzyme bảo vệ mạch máu, đồng thời làm giảm nồng độ những chất gây tổn thương tế bào. Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, những loài rau thuộc họ cải bắp có tác dụng ngăn ngừa đau tim và đột quỵ.
Các chuyên gia tại Đại học Warwick kiểm tra những tác động của sulforaphane đối với tế bào mạch máu bị tổn thương bởi đường glucose – tác nhân gây bệnh tiểu đường.Kết quả cho thấy sulforaphane làm giảm 73% số lượng phân tử glucose trong mạch máu, nhờ đó mà số lượng tế bào bị tổn thương cũng giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sulforaphane kích hoạt nrf2 - một loại protein bảo vệ tế bào và mô khỏi những tổn hại nhờ khả năng kích hoạt các tác nhân chống oxy hóa và khử độc enzyme.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc các bệnh về tim cao gấp 5 lần so với người khỏe mạnh.
* 10 loại thực phẩm tự nhiên hàng đầu
Không cần phải dùng các loại thực phẩm chức năng tổng hợp đắt tiền, những thực phẩm tự nhiên dưới đây cũng được xem là các thực phẩm bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe, giúp tăng cường thể lực, phòng trừ nhiều căn bệnh.
1. Cá ngừ
Cá ngừ là một trong những loại thực phẩm hàng đầu tốt cho sức khoẻ, bởi lẽ trong nó có chứa một lượng lớn omega-3. Đây là loại axit béo mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp được.Omega-3 có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu, điều này đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch.Theo các chuyên gia, để duy trì sức khoẻ mỗi tuần bạn nên ăn ít nhất từ 2 đến 3 bữa ăn có cá.
2. Trứng
Lâu nay trứng luôn được xem như một loại thực phẩm chức năng rất tốt cho sức khoẻ. Trong một quả trứng có chứa 75 đơn vị calo, ngoài ra còn có chứa các loại vitamin A, B6, B12, D, folate, sắt, photpho và kẽm.Thêm vào đó, người ta còn tìm thấy trong lòng đỏ trứng gà các chất như carotenoids, lutein và zeaxanthin, đây là những chất rất bổ dưỡng và đặc biệt tốt đối với mắt và ngăn ngừa các tật về mắt.Tuy nhiên, trước khi ăn trứng, bạn cần kiểm tra mỡ máu bởi trứng làm tăng cholesterol xấu trong máu.Không nên ăn trứng rán vì sẽ càng làm cho lượng cholesterol trong máu tăng cao. Chỉ nên luộc hay kho. Mỗi tuần nên ăn từ 2 - 3 quả trứng.
3. Đậu
Việc thường xuyên ăn đậu có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ, loại trừ khả năng gây ung thư bởi trong đậu có chứa một lượng lớn chất chống oxy hoá, có khả năng ngừa ung thư một cách hiệu quả.Ước tính một phần đậu có chứa tới 80 đơn vị calo, rất ít chất béo, không có cholesterol, cung cấp một lượng lớn vitamin B, photpho và chất xơ.
4. Ca cao

Ăn ca cao giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và chứng tăng huyết áp.Riêng sô cô la, bạn nên ăn vừa phải (mỗi ngày 10g) để có được lợi ích tối ưu.
5. Quả hạnh
nhân (Pistachio)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết việc ăn quả hạnh nhân (Pistachio) có thể giúp giảm đáng kể lượng colesteron và nguy cơ hẹp động mạch vành, do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong quả hạnh có chứa rất nhiều selen và protein, các amino axit. Selen là một chất oxy hoá hữu hiệu, có khả năng phòng ngừa ung thư. Ngoài ra, trong quả hạnh còn có chứa rất nhiều kẽm, cần thiết cho hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch.Mỗi ngày bạn nên ăn trung bình 8 quả hạnh, tương đương với 30g. Bạn cũng cần lưu ý rằng trong quả hạnh rất giàu chất béo vì thế không nên ăn quá 3 lần/ tuần.
6. Tỏi
Tỏi không chỉ là một loại “gia vị” quen thuộc mà còn là một loại “thần dược” đối với sức khoẻ.Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có thể giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp cao, ung thư, tăng cường hệ thống miễn dịch, cũng như các bệnh liên quan đến chức năng phổi.Nhờ vào những tác dụng trên mỗi ngày bạn nên ăn 1 - 2 nhánh tỏi để bảo vệ sức khoẻ.
7. Sữa chua
Sữa chua không chỉ là một loại thần dược đối với các chị em phụ nữ, mà nó còn rất có ích về mặt sức khoẻ.Trong sữa chua có chứa một lượng lớn canxi và probiotics rất tốt cho hệ tiêu hoá.Sữa chua còn đặc biệt tốt đối với người ăn kiêng, bởi nó chứa rất ít chất béo. Chính bởi vậy, đừng quên bổ sung sữa chua vào thực đơn mỗi ngày.
8. Trái cây thuộc họ cam quýt
Loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, chanh, bưởi có chứa rất nhiều vitamin C, và chất chống oxy hoá giúp ngăn ngừa ung thư, phòng chống bệnh tim mạch và các bệnh về mắt.
9. Chuối
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong chuối có chứa rất nhiều kali, có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ.Thêm vào đó, kali còn có vai trò giúp cơ săn chắc, ổn định hệ thống dây thần kinh.Nó cũng có tác dụng giúp ngăn ngừa lượng canxi thất thoát qua đường tiểu.Thêm vào đó, ăn chuối cũng giúp loại trừ táo bón, giúp ngủ ngon.
10. Quả nam việt quấtQuả nam việt quất có chứa proanthocyanidins có tác dụng giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.Theo các chuyên gia mỗi ngày bạn nên uống 300ml cây nam việt quất để đạt được những ích lợi về mặt sức khoẻ.(Theo Dân Trí)
* Ẩm thực trị bướu cổ
Bướu cổ đơn thần hay sưng tuyến giáp trạng đơn thuần, gọi là “cổ to” hay Đông y gọi nó là “ảnh”. Nó là tổn thương bệnh lý khi tình trạng hấp thu iod không đầy đủ, tăng sinh dạng phản ứng bù đắp phát sinh ở tổ chức tuyến giáp trạng mà dẫn tới.
Khi trong ăn uống thiếu iod dài ngày, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu hợp thành chất của tuyến giáp trạng, khiến nó kích thích tuyến giáp trạng tiết quá nhiều dài ngày, kích thích tổ chức tuyến giáp trạng tăng sinh, sưng to, đến giai đoạn cuối, tế bào tuyến giáp phì đại, có thể phát sinh hoại tử, xuất huyết hoặc vôi hóa.
Sưng tuyến giáp trạng dạng đơn thuần có thể chia thành dạng địa phương và dạng phân tán. Trong một số vùng, do ở cách xa biển, lại do phong tục tập quán của địa phương nên bệnh bướu cổ đơn thuần xảy ra rất nhiều, ở đây tuyến giáp sưng to rõ rệt, thường dẫn tới chèn ép khí quản, thực quản, người bệnh nói khó khăn, nuốt khó, thở khó... Sưng tuyến giáp trạng dạng phân tán thường do các nguyên nhân thần kinh căng thẳng xúc động, giai đoạn mang thai... dẫn tới, thông thường tuyến giáp to vừa, ít có triệu chứng chèn ép.
Nguyên tắc ăn uống:Sưng tuyến giáp dạng địa phương thường do ăn uống thiếu iod gây nên, vì thế cần bổ sung thêm thức ăn có hàm lượng iod cao như hải sản sò, ngao, hải đới... và quan trọng nhất là muối iod cần dùng thường xuyên.
Sưng tuyến giáp trạng dạng phân tán tiêu hao iod trong cơ thể, trong các thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai, giai đoạn dậy thì... thường phát sinh bệnh, do đó trong thời kỳ này cần bảo đảm cung cấp đủ iod cho cơ thể qua các thức ăn có nhiều iod nhất là hải sản và sử dụng muối iod thường xuyên.
Nguyên nhân bệnh sưng tuyến giáp trạng dạng đơn thuần, Đông y cho rằng đó là sự ngưng kết của đờm ẩm, cách chữa nên tiêu đờm, làm mềm khối rắn, tan kết, thức ăn như hải tảo, sò biển, mẫu lệ, xuyên bối...
Một vài thức ăn có thể dẫn tới phát sinh bệnh nên ăn ít như cải củ, rau cải trắng...
Bài thuốc – món ăn:
Sò huyết, loại thực phẩm chứa nhiều iod.
Bài 1: Hải đới 100g, rửa sạch, nấu chín, ăn mỗi ngày 1 lần, dùng chữa sưng tuyến giáp trạng dạng địa phương.
Bài 2: Sứa 50g, rửa sạch, thịt mẫu lệ 50g, thêm gia vị, có thể ăn thường xuyên, dùng chữa sưng tuyến giáp trạng dạng địa phương.
Bài 3: Đậu tương 150g, thịt mẫu lệ 50g, thêm gia vị nấu ăn thường xuyên, dùng chữa bướu cổ đơn thuần.
Bài 4: Sò biển 50g, tử thái 50g, rửa sạch cho vào nồi nấu canh, có thể ăn thường xuyên, dùng cho người bị sưng tuyến giáp trạng dạng địa phương.
Bài 5: Hẹ 150g, thịt ngao sò 100g, rửa sạch thái vụn, xào chín, dùng cho người bướu cổ rõ rệt.
Bài 6: Hồng xanh 1.000g, rửa sạch giã nát, nước hồng cho vào nồi đun tới chín đặc, thêm mật ong bằng số lượng nước hồng vào, sắc tới đặc, đợi nguội dùng ăn, ngày 1 lần, mỗi lần 1 thìa canh, liệu trình 1 tháng, dùng cho người sưng tuyến giáp trạng rõ rệt.
Bệnh bướu cổ đơn thuần hay sưng tuyến giáp trạng dạng đơn thuần, việc phòng bệnh và điều trị không thể coi nhẹ. Lấy ăn uống để phòng và chữa trị có hiệu quả rất tốt, lấy nguyên tắc là tăng thêm hấp thu thức ăn chứa iod, làm mềm khối rắn kêt tụ, thông khí giải uất.(BS. Thu Hương - Thuốc&Sứckhỏe)
* Chế độ ăn uống của người mắc bệnh thận
Bệnh nhân mắc bệnh có liên quan đến thận nói chung, cần đặc biệt quan tâm tới chế độ ăn uống bởi nếu ăn uống nhiều muối và protein sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Khống chế Muốn khống chế các bệnh liên quan tới thận, bạn nên thực hiện theo những tiêu chí sau đây:
- Giảm cân nếu bạn thuộc tuýp người dư thừa cân nặng hay béo phì.
- Hạn chế các thực phẩm giàu protein.
- Nên lựa chọn những loại thực phẩm ít béo, bổ sung thêm rau xanh và trái cây để làm tăng hàm lượng kali trong cơ thế.
- Hạn chế ăn muối cũng như nêm muối vào trong quá trình chế biến món ăn. Theo các chuyên gia, người mắc bệnh thận không nên thu nạp quá 2,4g muối mỗi ngày tương đương với 1 thìa muối.
Nên tuân thủ
- Ăn từ 4 đến 5 phần trái cây tươi mỗi ngày.
- Ăn nhiều rau xanh.
Không nên:
- Hạn chế các loại thực phẩm như: Thịt lợn, thịt bò, thịt cừu, nội tạng, thịt gà, thịt gia cầm.
- Tất cả các loại cá và các hải sản khác.
- Tất cả các loại pho mát.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa.
Hạn chế các thực phẩm chứa muối như:- Thịt lợn muối, thịt hun khói, xúc xích.- Cá muối, cá nướng, cá đóng hộp.- Đối với các loại thực phẩm đông lạnh, bạn nên kiểm tra thông tin về hàm lượng muối có trong sản phẩm.
Ngoài ra, nếu có bất cứ thắc mắc nào về chế độ ăn uống bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Bởi chế độ ăn uống đôi khi còn phụ thuộc vào những nhân tố khác như loại rắc rối nào bạn đang gặp với thận, độ tuổi của bạn, giới tính, mức độ hoạt động, loại thuốc bạn đang sử dụng để điều trị bệnh, kết quả xét nghiệm máu, số lần đi tiểu mỗi ngày.(Theo Dân Trí)
* Đậu nành - Vị thuốc phòng và chữa xơ vữa động mạch
Xưa nay, Đậu nành (hay Đậu tương) vẫn được các nhà dinh dưỡng học đánh giá rất cao vì giàu protit và lipit
Xưa nay, Đậu nành (hay Đậu tương) vẫn được các nhà dinh dưỡng học đánh giá rất cao vì giàu protit và lipit. Trong 100g Đậu nành có từ 34 đến 40g protit và khoảng gần 20g lipit, nhiều hơn bất cứ một loại thịt động vật nào. Chất protein trong Đậu nành ở dưới dạng caséin thực vật không khác với caséin động vật có trong sữa, có đầy đủ các axit amin cần thiết cho sự phát triển và duy trì cơ thể con người. Ngoài ra, Đậu nành còn rất giàu vitamin và muối khoáng. Từ Đậu nành, nhân dân ta đã chế biến nhiều thức ăn ngon như: bột Đậu nành, sữa Đậu nành, Đậu phụ, Tào phớ, Tương…
Ngoài giá trị dinh dưỡng, Đậu nành và những món ăn chế biến từ Đậu nành còn có giá trị phòng và chữa bệnh, đặc biệt là khả năng làm hạ cholesterol trong máu những người bị xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch là một bệnh phổ biến ở những người có tuổi, gây nhiều chứng bệnh nghiêm trọng. Nguyên nhân và cơ chế của bệnh rất phức tạp, còn nhiều điều chưa rõ, nhưng cholesterol trong máu tăng cao là một biểu hiện quan trọng của bệnh. Bởi vậy, song song với việc tìm các thuốc làm giảm cholesterol máu, việc tìm ra một loại thức ăn làm hạ được cholesterol trong máu là rất cần thiết. Chính Đậu nành là loại thức ăn đáp ứng được yêu cầu này. Qua nghiên cứu, người ta thấy khẩu phần ăn có bổ sung Đậu nành (dưới các món sữa Đậu nành, Đậu phụ, bánh ngọt Đậu nành, bột Đậu…) đã làm thay đổi tốc độ chuyển hoá axit cholic và steroit. Lượng axit cholic và steroit trong phân những người uống sữa Đậu nành đều cao hơn bình thường.
Những người có cholesterol máu cao, ăn khẩu phần có bổ sung protit Đậu nành (thay cho protit động vật) đều hạ được cholesterol trong máu.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhiều bệnh nhân có cholesterol máu cao, trong đó gần một nửa có kèm theo cao huyết áp được điều trị với chế độ ăn có bổ sung Đậu nành hàm lượng cụ thể như sau: Đậu phụ 150g, hạt Đậu nành 80g dùng hằng ngày chế biến thành các món ăn khác nhau như sữa Đậu nành, chả giò, bánh ngọt… đã làm hạ tỷ lệ cholesterol máu trung bình từ 10 đến 20%. Đồng thời chế độ ăn trên còn làm hạ huyết áp ở gần 80% người bệnh có cholesterol máu cao kèm theo cao huyết áp. Như vậy, Đậu nành vừa làm hạ cholesterol máu, vừa làm hạ huyết áp nên có tác dụng rất tốt đối với người xơ vữa động mạch. Đây là một phương pháp chữa bệnh bằng món ăn không dùng thuốc rất hợp lý và an toàn. Đại đa số những người cao huyết áp ăn chế độ có Đậu nành một thời gian đều thấy giảm rõ rệt các triệu chứng như: nhức đầu, tức ngực, chóng mặt… Vì vậy những người đứng tuổi có cao huyết áp, tăng cholesterol máu, trong chế độ ăn hàng ngày nên bổ sung Đậu nành là cần thiết và có cơ sở khoa học để phòng và điều trị xơ vữa động mạch. (BS. Hương Liên)
* Đậu phụ với người bị tăng huyết ápĐậu phụ là một trong những thực phẩm rất thông dụng trong đời sống hằng ngày của nhân dân ta. Đối với những người bị bệnh tăng huyết áp, đậu phụ không chỉ là thức ăn lý tưởng mà còn có ý nghĩa như một vị thuốc rất dễ được cơ thể chấp nhận. Tuy nhiên, chế biến đậu phụ như thế nào để vừa đạt được hiệu quả trị liệu cao nhất lại vừa tạo ra cảm giác hấp dẫn và ngon miệng cũng là một vấn đề khá cần thiết. Dưới đây, xin được trình bày một số món ăn chế biến từ đậu phụ có tác dụng hỗ trợ phòng chống tăng huyết áp của thực liệu học cổ truyền để bạn đọc tham khảo.
Bài 1: Đậu phụ 300g, nấm hương 30g, măng tươi 30g, rau cải 100g, dầu thực vật, xì dầu, bột đao, nước dùng và gia vị vừa đủ. Măng và nấm rửa sạch thái phiến; đậu phụ xắt thành khối vuông nhỏ rồi chần qua nước sôi, để ráo nước. Đổ dầu thực vật vào chảo, phi hành cho thơm rồi cho nấm hương, măng, đậu phụ, nước dùng, xì dầu và gia vị vào đun to lửa cho sôi rồi lại tiếp tục dùng lửa nhỏ đun lim dim cho đến khi đậu phụ ngấm gia vị, tiếp đó cho rau cải thái nhỏ và một chút bột đao vào, đảo nhẹ tay rồi bắc ra, dùng làm canh ăn hằng ngày. Công dụng: bổ khí sinh tân, làm hạ mỡ máu, điều hòa huyết áp và chống ung thư, dùng cho người cơ thể suy nhược, tỳ vị hư yếu, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành và các bệnh ung thư.
Bài 2: Đậu phụ 100g, mộc nhĩ đen 15g, dầu thực vật, hành, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Đậu phụ xắt thành những khối vuông nhỏ, mộc nhĩ ngâm nước và rừa sạch. Đặt chảo lên bếp, đổ dầu thực vật vào và phi hành, gừng cho thơm, tiếp đó cho đậu phụ và một lượng nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho cạn bớt rồi cho mộc nhĩ và gia vị cho vừa rồi dùng làm canh ăn. Công dụng: ích khí hòa trung, sinh tân nhuận táo, dùng thích hợp cho những người bị tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, đau thắt ngực do thiểu năng động mạch vành.
Bài 3: Đậu phụ 200g, giá đậu tương 25g, cải canh 100g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Giá đỗ và cải canh rửa sạch, cắt ngắn; đậu phụ xắt thành những khối vuông nhỏ. Đặt chảo lên bếp, phi hành cho thơm rồi cho giá đỗ vào đảo nhanh tay, chế thêm một lượng nước vừa đủ rồi đun to lửa cho sôi, tiếp tục cho đậu phụ và cải canh vào, chế đủ gia vị, vặn nhỏ lửa nấu cho chín rồi dùng làm canh ăn. Công dụng: kiện tỳ ích khí, thanh nhiệt giải độc, dùng thích hợp cho những người béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, đau thắt ngực, suy nhược cơ thể, tỳ vị hư yếu.
Bài 4: Cua 500g, đậu phụ 200g, dầu thực vật, gừng tươi, xì dầu và gia vị vừa đủ. Cua rửa sạch, bỏ mai, giã nát lọc lấy nước cốt; đậu phụ xắt thành những khối vuông nhỏ. Đặt chảo lên bếp, phi hành và gừng cho thơm rồi đổ nước cua và đậu phụ vào, đun to lửa cho sôi, chế thêm gia vị, dùng làm canh ăn. Công dụng: thanh nhiệt hoạt huyết, dùng thích hợp cho những người béo bệu, tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, viêm gan, thưa xương, còi xương.
Bài 5: Đậu phụ 200g, nấm mỡ hoặc nấm rơm 100g, tỏi 25g, tôm nõn khô 25g, nước dùng, dầu vừng và gia vị vừa đủ. Đậu phụ xắt miếng, nấm rửa sạch thái phiến, tỏi giã nát. Cho đậu phụ, nấm, tôm và muối vào nồi nước dùng đun sôi vớt bọt, vặn nhỏ lửa đun kỹ rồi cho tỏi và gia vị vào, dùng làm canh ăn. Công dụng: bổ khí sinh tân, kiện tỳ ích vị, dùng thích hợp cho người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và các bệnh lý ung thư.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng, có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham. Tương truyền, đậu phụ là do Lưu An, cháu của Hán Cao tổ Lưu Bang (Trung Quốc) phát minh ra và được ghi lại sớm nhất trong sách Bản thảo cương mục, Bản thảo cầu chân, Tùy tức cư ẩm thực phổ... đều ca ngợi và có những kiến giải đặc sắc về đậu phụ trên cả hai phương diện thực phẩm và dược phẩm. Theo nghiên cứu hiện đại, đậu phụ không những giàu chất đạm với hệ số hấp thu cao mà còn chứa nhiều acid amin, các nguyên tố vi lượng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Bởi thế, các nhà dinh dưỡng học gọi đậu phụ là “thịt thực vật”. Hơn nữa, do không chứa cholesterol, thậm chí còn có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, đậu phụ quả thực là một trong những thực phẩm lý tưởng đối với những người tăng huyết áp nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung.(ThS. Hoàng Khánh Toàn – Sức khỏe và Đời sống)

1 comment: