Tuesday, October 25, 2011

Châu Đốc Mùa Nước Nổi


Nghe nói mùa này (tháng 9/2011) Châu Đốc là mùa nước nỗi, nên khi anh Đức Ala rũ đi là tôi khăn gói lên đường ngay.
Chúng tôi đi bằng phương tiện riêng của anh Đức Ala, có cả chị Đức Ala và bạn TTNghị.
Đường đi rất tốt, nhưng khởi hành khá muộn, 12 giờ trưa mới rời khỏi thành phố HCM.
Đọan tốc hành quá ngắn., Tuyến đường còn lại phải chấp hành giới hạn tốc độ, nên chúng tôi đến thành phố Châu Đốc thì đã qúa 8 giờ tối.
Đến Châu Đốc là bạn Nghị liên lạc với anh Huỳnh phúc Hậu liền. Gặp được anh Hậu qua điện thoại, nhưng tiếc thay hôm ấy anh Hậu rơi vào phiên trực bệnh viện, nên không đến cùng chúng tôi được.
Lái xe vòng ra chợ kiếm đồ dằn bụng xong về khách sạn tắm rửa nghỉ ngơi. Thế là hết ngày đầu tiên.
Sáng hôm sau dậy sớm, cũng nhờ chị Đức Ala mượn được cho hai cái xe Wave , nên việc di chuyển của ba chúng tôi rất là thoaĩ mái.
Làng “Chăm” An Phước
Có phương tiện trong tay, đầu tiên chúng tôi chạy xe đến làng người Chăm ở An Phước
Là lần đầu đến Châu đốc, cảnh sinh hoạt diễn diễn ra trước mắt, cái gì cũng hay cũng đẹp.
Hai bên đường những căn nhà sàn, nữa trên cạn, nữa dưới nước phân ranh bằng những chiếc cầu ván thô thiển soi mình trong màu nước phù sa vàng rực . Trước nhà những buồn chuối xanh mướt đẩy đà.
Đó đây bên ngưỡng cửa, mấy bà cụ già hay các thiếu nữ người Chăm ngồi chuyện trò tâm sự. Người mơí đến cứ tưởng như lạc vào một thời gian xa xưa nào đó!
Đề tài quả là vô tận cho ống kính.
Trên mặt lộ, những người đàn bà Chăm, áo quần sặc sỡ, tha thước từng tốp hòa mình vào sinh hoạt bán buôn náo nhiệt của một buổi chợ mới .
Ở đây người dân hiền hoà cởi mở, Họ sẵn sàng biếu một nụ cười khi thấy mình đưa máy lên …Sẵn sàng mời một chén trà nóng khi thấy mình đứng lâu ngoài ngõ…
” Con người trong môi trường của họ” ...luôn luôn là chủ đề nhiếp ảnh mà tôi rất yêu thích .












Tha La
Sau đó chúng tôi chạy đến cầu Tha La, nghe bạn TTNghị nói trước đây xóm này …ăn ảnh lắm, bây giờ xây dưng nhiều trở nên thành phố rồi.
Dầu sao từ trên cầu nhìn xuống cảnh sinh hoạt phía dưới cũng đẹp lắm .

Chắc là cầu này mới được xây dựng nên sạch sẽ khang trang. Hai bên bờ, gối cầu kè đá tảng rất là chắc chắn. Vài gia đình thuyền chài chọn phía dưới cầu để đậu thuyền làm nơi che mưa che nắng, thật là tiện dụng .


Con Đê – ( Tha La )
Đứng trên cầu thấy có người đang làm việc trên con đê nhỏ nằm dọc theo bờ sông, cả ba chúng tôi, Đức Nghị và tôi, men theo dốc cầu mà lần xuống tận con đê đó.
Có một cặp vợ chồng, còn trẻ lắm, sống trên con đê này.
Hai vợ chồng sống trong một túp lều tự họ dựng lên với một tấm vải nhựa màu trắng sọc xanh ôm lấy mấy thân cây tràm ốm yếu. Túp lều xem ra còn mới lắm.
Trong lều chỉ để những thứ gì không chịu được gío mưa. Những thứ còn lại được sắp xếp gọn gàng trước cửa lều.
Lúc ấy anh chồng đang tát thuyền, chị vợ đang sửa soạn buổi cơm trưa. Đúng là ” Một túp lều tranh hai quả tim vàng” hôm nay tôi đã gặp.
Đến hỏi thì mới biết là anh chị ấy không phải là người ở Châu Đốc, họ ở tận Cà Mâu lận. “Biết Châu Đốc đang là mùa nước nên tụi cháu gởi con cho ngoại mà lên đây vài tháng
Giữa một buổi trưa nhiều mây và nhiều gió như hôm nay, đảo mắt nhìn những thân cây vương khỏi mặt nước phủ bèo xanh mướt, in hình trên nền trời mây xám, nhẫn nại mà thách đố….và bên những con người thật thà chất phát, đứng trên con đê này, một con đê không lớn, không xa đường cái là bao, mà như thấy đã tách ra xa lắm cái thế giới ồn ào bon chen, chỉ cách đây có vài bước chân…
Phong cảnh thật hoàn hảo. Hạnh phúc thật hoàn toàn…!







Trên cái bếp có mớ than hồng , một nồi thịt kho sôi âm ỉ, mấy miếng thịt mỡ trắng ngần đang phập phồng theo nhịp sôi , tôi nói với chị là nồi thịt kho trông ngon quá, chị ngước nhìn chúng tơi rồi ngõ ý mời cùng ăn cơm với họ. Tôi nói đùa là chúng tôi đang đói sợ ăn hết của anh chị thôi. Lo gì chú, cháu còn gạo, còn đồ ăn có thiếu đâu, cần thì cháu lại nướng thêm con ếch con cá thôi mà .
Người ta có lòng như thế từ chối cũng ngaị, nhưng mà cũng phải nghĩ đến bữa cơm chiều của vọ chồng họ. Có biếu anh chị đó một món tiền sau khi ăn thì ngại không phải phép nên chẳng ai dám nghĩ tới . Thế là chúng tôi viện cớ có hẹn mà từ chối khéo.
Cho tới bây giờ tôi vẫn tiếc hụt cái bửa ăn thân tình, giữa bầu trời cao và gió lộng đó !

Cồn Tiên

Đến Cồn Tiên , dưới chân cầu , có đến hai ba lối rẽ, mọi người quyết định rẽ phải, dọc theo bờ sông.
Con đuờng nhỏ thẳng vào xóm , hai bên rất nhiều nhà ở, lẫn lộn to có nhỏ có, càng vào sâu càng đông đúc. Vào tầm tan sở nên xóm rất tấp nập, hình như mọi người trong xóm đều quen biết nhau nên đi đâu cũng thấy người tụ tập nói cười vui vẻ .
Chử nghĩa có bao nhiêu để hết ở con đê Tha La rồi, đến Cồn Tiên xin được mô tả sơ bộ thôi..!

.


Đến đây thì nhận được điện thoại anh Hậu. Ca trực bệnh viện của anh đã chấm dứt, không có ca mỗ nào và hiện anh đang đứng trên cầu … thế là chúng tôi lại xách máy chạy lên cầu đặng gặp anh.
Gặp nhau mừng mừng tủi tủi xong, anh dẫn chúng tôi cùng chạy xe về ngõ …trái (xin nhắc lại bạn nào quên hồi nãy anh Đức Ala dẫn đi phía …phải ).
Lúc đó đã khá chiều ….
Đường là con lộ bằng đất, chưa tráng nhựa nên đi có hơi lỡ chỡm. Trong xóm có một trường học.
Tan học chắc cũng đã lâu nên trên đường chỉ còn lác đát vài em học sinh cắp cặp. Trên đường về nhà, đến một đoạn rẽ, con đường các em đi mọi ngày giữa hai hàng tre xanh, nay là một giòng sông nhỏ, mấy em phải gọi máy cho mẹ … chèo thuyền ra đón.
Mùa nước nổi mà .
Anh Hậu nhắc bạn Nghị thay télé .
Chúng tôi đứng chờ, rôì ….
Xa xa sau luỹ tre làng, thuyền từ từ ló mũi. Thuyền trôi nhẹ nhàng giữa hai hàng tre gìa…”
trông như trong tranh ấy, đẹp lắm. Khổ cho mấy em học sinh hóa ra lại sung sướng cho ngưới cầm máy… Bất công thiệt .

Chúc các em ngủ ngon !
Sau cánh gà
Bạn Ala Đức

Bạn TTNghị

Mùa này những bầy cá linh, cá duồn... vừa đi vừa lớn, theo dòng nước lũ từ Biển Hồ đổ về miền sông nước Cửu Long. Từ tháng 7, "tháng bảy nước nhảy khỏi bờ", cá lớn nhanh như thổi. Khi trời chuyển sang thu, tiết trời se lạnh, điên điển vàng đồng, mực nước rút dần cũng là lúc con cá trưởng thành, bụng đầy mỡ và lấp lánh ánh bạc, mọi người tha hồ đánh bắt.

Cuối mùa lũ, gió chướng nổi lên, con nước quay đầu, lũ cá đã trưởng thành lại trở về nguồn. Đây là mùa cá nổi cuối mùa để người dân miền sông nước miền Tây chốt chặn thu gom. Cá về đồng đầu mùa chỉ có một đợt, nếu không bắt được thì chúng trôi tuột về xuôi và biến mất.

Trên cơm, dưới cá

Sáng sớm, trong gió thổi lạnh buốt và sương giăng mờ, nhiều ghe xuồng tập trung ở dọc sông Khánh An, sông Bình Di thuộc huyện đầu nguồn An Phú, nơi được mệnh danh là xứ cá của An Giang. Dưới dòng nước đục ngầu mênh mông, kẻ quăng chài, người thả lưới làm sôi động cả khúc sông. Chúng tôi cởi giầy (thứ đồ xa xỉ và vô dụng đối với dân đánh cá) để bước lên ghe anh Bảy Lù mục kích cảnh đánh cá mùa nước nổi mà theo anh thì "có gì đâu mà xem".
Cuối mùa lũ, gió chướng nổi lên, con nước quay đầu, lũ cá đã trưởng thành lại trở về nguồn. Đây là mùa cá nổi cuối mùa để người dân miền sông nước miền Tây chốt chặn thu gom

An Phú là nơi chứa một lượng cá khổng lồ hằng năm từ Biển Hồ Campuchia đổ về qua sông Hậu và sông Bình Di. Ngoài mùa nước nổi hằng năm, cứ tới con nước mùng 10/10 và 25/10 âm lịch là người dân An Phú bắt đầu vào vụ làm ăn mới. Ngày nào vợ chồng anh Bảy cũng bơi xuồng theo hai con sông trên để chài, đón con nước cá ra. Mỗi ngày trung bình vợ chồng anh kiếm khoảng 20 - 30kg. Cá linh, cá chốt thì cắt đầu làm mắm, còn cá chạch, cá lăng thì bán cho thương lái ở Châu Đốc.

Chỉ trong khoảng nửa tiếng và di chuyển trong 20m2 theo dọc bờ sông Châu Đốc thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sảng đã kiếm được hơn 4kg cá trắng đủ loại. Thỉnh thoảng, anh Sảng vừa la oai oái vừa chưởi thề vì bị cá chốt đâm ngạnh vào tay. Anh cho biết, hơn 10 năm trước cá chốt là nỗi lo sợ của ngư dân chứ không phải là đặc sản như bây giờ. Đi chài cá mà quăng nhằm bầy cá chốt thì có nước khóc ròng, phải treo chài lên cây, bẻ gai gỡ cá cả buổi. Khi trời sa mưa, cá chốt đẻ nổi ngầu mặt ruộng.
An Phú là nơi chứa một lượng cá khổng lồ hằng năm từ Biển Hồ Campuchia đổ về qua sông Hậu và sông Bình Di.

Xuôi theo dòng kênh Vĩnh Tế về huyện Tịnh Biên, tại các con đập Trà Sư, Tha La cũng náo nhiệt không kém. Người dân tập trung trên các con kênh, con đập mà đánh bắt cá bằng ghe cào, xuồng chài, câu, lưới, đặt lợp, đặc dớn... Phía trên cầu Tha La, hàng chục tay câu liên tiếp giựt cần, kéo lên những con cá lăng vàng ươm. Có người câu được 4 - 5kg cá lăng trong ngày. Loại cá này là đặc sản, chỉ xuất hiện trong các nhà hàng lớn. Anh Dư, một tay câu sành sỏi tiết lộ: "Mồi câu cá lăng phải chế biến từ cá linh ủ thuốc và gòn, thả câu sát đáy và kéo rê vào bụi rậm, gốc cây, hễ cá đớp là giật liền. Mỗi chỗ dính 2, 3 con thì dời nơi khác câu".

Cá linh - món quà thiên nhiên hào phóng

Về Châu Đốc, tại kênh 10 ấp Vĩnh Khánh, xã Vĩnh Tế, hơn 50 đầu xuồng ghe tập trung bủa cá. Vợ chồng anh Minh chị Mận đang quăng chài bắt cá cho biết, chỉ riêng con nước vừa rồi, anh đã chài hơn 2 tạ cá linh. Nơi đồng Láng Linh thuộc 3 huyện Châu Thành, Châu Phú, Tịnh Biên, vô số xuồng câu đang buông lưới và đặt dớn (bẫy tre đón cá). Những giác lưới trắng cá mà cá linh vẫn là "chủ đạo".
Cá linh là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước miền Tây.

Trong "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức đã gọi loài cá trắng nhỏ này là "linh ngư". Theo học giả Vương Hồng Sển, tương truyền khi Gia Long bôn tẩu, chuẩn bị từ Vàm Nao ra biển thì bỗng có đàn cá nhỏ phóng vào thuyền. Vua cho là điềm xấu nên không đi... Thực hư thế nào không biết nhưng cá linh đúng là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng sông nước miền Tây.

Chưa nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như ở sông Hậu và sông Tiền và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống cư dân Đồng bằng sông Cửu Long như cá linh. Mùa nước tháng 10 âm lịch là cá lũ lượt đổ ra sông rồi "xông" vào các miệng đáy. Người ta phải đổ đáy, lựa cá cả đêm vì nếu trễ có khi cá vào nhiều làm sập đáy. Trung bình mỗi mùa "cá lên" mỗi nhà thu hoạch hàng tấn cá là thường.
Phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông khiến cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết.

Nhưng gần đây do người dân khai thác quá mức lúc cá còn nhỏ bằng đủ loại phương tiện như cào, đăng xanh, xung điện... nên nguồn cá ngày càng kiệt. Việc khai thác quá mức và phương tiện đánh bắt quá tinh vi dọc theo các tuyến sông như đóng đáy, chận đăng, đặt gọ, dớn, kéo lưới, kéo vó, chài... mạnh ai nấy bắt, cá lớn cá nhỏ đều bị khai thác ráo riết. Ngoài ra, việc đắp đê bao cấy lúa hai, ba vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại hóa chất và thuốc trừ sâu đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho nguồn cá linh ngày càng giảm đi nhiều.

Ông Bốn Tánh, ngư dân ở An Phú chuyên nghề đặt đú trên những cánh đồng biên giới cho biết: "Càng ngày lượng cá càng ít đi thấy rõ. Trước đây, mỗi ngày tôi trút đú cả tấn cá, chở đầy xuồng. Còn hai năm gần đây kiếm vài chục ký không ra".
Năm nay, cá heo - thứ cá luôn đi theo đàn cá linh, cá duồn, thường kêu "éc éc" này được lên hàng đặc sản. Loại cá heo này lớn bằng 2, 3 ngón tay, có hình dạng như cá chép con, da bóng láng, mình vàng tươi điểm đuôi đỏ. Những năm trước khi nguồn cá dồi dào, cá dư thừa đem ủ làm phân bón cho thuốc rê Cao Lãnh, con cá heo chẳng ai đụng đến. Nay chúng được tận thu với giá cả trăm ngàn đồng/kg, được chế biến thành nhiều món hấp dẫn như kho tộ, nướng muối ớt, hấp, lẩu chua nhúng cá heo ăn với rau cỏ đồng quê như điên điển, bông súng, so đũa.
Mùa Nước Nỗi
ùa nước nổi về, bà con vùng lũ An Giang, Đồng Tháp ngoài việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản còn kiếm sống bằng nghề chở đất thuê.
Anh Năm - xã Cần Đăng (huyện Châu Thành, An Giang) cho biết: “Nước lên nhiều người thuê chở đất để lắp nền nhà hoặc chở đất cho các chủ lò gạch. Phương tiện làm nghề này chỉ cần một chiếc xuồng lườn và một cái leng là có thể đi lấy đất của người ta mà chẳng ai phiền hà câu nào. Có khi họ còn bo thêm tiền nếu như lấy đất đúng như ý của họ”.
Cả ngày trầm mình dưới nước nên những người làm nghề lấy đất thường bị nước ăn khắp cả mình. Nhiều nhất là ở kẽ tay, kẽ chân.
Tại cánh đồng của ông Nguyễn Văn Bi - xã Cần Đăng có đến 6-7 người ngụp lặn lấy đất. Lúc này, mực nước trên cánh đồng đã ngập sâu ngang cổ, các anh nhanh tay dùng leng hì hụp xắn lại từng thớ đất. Ôm từng khối đất nặng chịch chất lên xuồng rồi chở đến công đất lung (vùng đất trũng) đổ xuống.
Ông Bi giải thích, ông có 5 công đất ruộng (5.000m 2 ) nhưng công đất ngoài cùng thì gò (mặt đất cao), công đất kế thì trũng nên khó canh nước. Bởi vậy, mùa nước này ông quyết tâm sửa lại mảnh ruộng cho bằng phẳng, dù tốn đến bạc triệu cũng phải làm.
Mỗi xuồng đất như thế này chỉ có giá 25.000 đồng
Anh Năm - người có thâm niên trên 10 năm trong nghề chở đất - nói, một ngày người nào chở giỏi lắm được khoảng 40 xuồng đất là hết sức; còn thường thì khoảng 30 - 35 xuồng đất. Nghề lấy đất đòi hỏi phải quen việc và có sức khỏe thì mới chịu được với cái lạnh thấu xương của buổi sáng sớm. Thông thường mỗi ngày các anh làm việc xuyên suốt từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa dưới nước. Do trầm mình lâu trong nước nên hầu hết những người hành nghề chở đất cũng bị nước ăn khắp mình, nhiều nhất là những kẽ tay, kẽ chân.
Nhổ bông súng vùng biên
Tại huyện An Phú, An Giang những xã giáp ranh với nước bạn Campuchia như Phú Hội, Phú Hữu,… bà con nơi đây ngoài việc sang những cánh đồng Campuchia giăng lưới, đặt dớn bắt cá còn có việc nhổ bông súng mang về bán cho các chợ đầu mối ở An Giang.
Như gia đình của chị Rết - ở xã Phú Hội, nhà có 4 người, chia ra làm hai nhóm mỗi nhóm đi một chiếc xuồng sang những cánh đồng trắng xóa bông súng ở nước bạn để nhổ bông súng. Thông thường, từ 4 giờ sáng gia đình chị Rết đã khởi hành và có mặt tại cánh đồng khoảng 5 giờ. Họ nhổ bông súng đến khi nào đầy cả hai xuồng thì mới về nhà.
Nhiều bà con vùng lũ sống khỏe nhờ nghề nhổ bông súng
Chị Rết cho biết: “Nhà tui đã làm nghề này hơn 10 năm nay rồi. Những năm lũ lớn như thế này thì cọng bông súng dài lắm. Nước lên tới đâu thì bông súng ngoi lên tới đó. Bông súng mọc tự nhiên, chẳng phân thuốc gì mà vẫn xanh rì. Bông súng chấm dưới mắm kho là hết ý luôn!”
Chị cho biết, với 2 xuồng bông súng của chị có thể chia thành 100 bó. Mỗi bó 10 cọng và với giá bán 2.000 - 3.000 đồng như hiện nay thì cả nhà cũng kiếm được từ 200.000 – 300.000 đồng.
Không riêng gì tại An Giang, nhiều bà con vùng lũ tại Đồng Tháp cũng “sống khỏe” nhờ nghề này. Như gia đình của anh Nguyễn Thanh Minh – Hồng Ngự, Đồng Tháp đã có thâm niên nghề nhổ bông súng ngót nghét 9 năm nay.
Do cọng bông súng dài nên người dân phải cuộn tròn lại như thế này
“Hễ mùa nước nổi về, cả nhà tui có 5 người, suốt ngày lênh đênh trên chiếc xuồng để đi nhổ bông súng. Hôm nào sang đồng Campuchia nhổ thì phải dùng vỏ lãi để đi. Một là để an toàn và đi lại cũng nhanh hơn. Vả lại, nếu mình về trễ buổi chợ thì bán mất giá lắm!” - anh Minh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để tự do khai thác trên những cánh đồng nước bạn thì một số hộ dân ở An Giang, Đồng Tháp phải thuê đất (trong mùa nước nổi) của nông dân Campuchia để giăng câu, thả lưới hoặc nhổ bông súng. Đến khi nước rút họ đón đánh bắt đàn cá ra (cá theo nước ra khỏi đồng) xong thì trả lại đất cho bà con Campuchia cày cấy.
Săn rắn mùa nước nổi
Trong những nghề ăn theo mùa nước nổi thì nghề săn rắn là nguy hiểm nhất. Bởi thợ săn nếu sơ sảy bị rắn độc cắn sẽ chết ngay mà chẳng ai hay biết.
Khi nước ngập hết những cánh đồng, rắn tập trung lên những mô đất cao, tán cây nhiều vô số kể. Do đó mấy anh trai làng chỉ cần một cây chĩa, cái ná, súng chĩa,… và một chiếc xuồng là có thể “ra khơi” hành nghề.
Mạo hiểm săn rắn vào ban đêm
Như hai anh em của Sơn, ngụ xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) là người chuyên nghề săn bắt rắn mùa nước nổi. Bình quân mỗi ngày, hai anh em của Sơn đi khắp các tuyến đê bắt khoảng 3kg rắn các loại, mỗi ký bán cho bạn hàng từ 100.000 - 250.000 đồng/kg.
Anh Sơn cho biết: “Nghề này rất nguy hiểm, nhiều khi còn gặp rắn độc nên phải hết sức cẩn thận khi tiếp cận. Nếu sơ sảy bị loại rắn này cắn là vô phương cứu chữa. Vì thường người dân đi săn rắn hay đi một mình, lại giữa đồng nên chẳng ai hay biết khi mình gặp nạn”.
Ngoài ra, anh Sơn còn cho biết, tháng rồi anh bắn trúng con rắn lạ có nhiều khoanh màu trắng đỏ, không biết loại rắn gì mà nó phùng mang phun nọc độc còn hơn rắn hổ mang chúa. Trong lúc đó, anh chỉ biết dùng cây đập chết con rắn chứ không dám bắt sống.
Một con rắn hổ ngựa đã sa lưới
Nghề săn rắn có thể đi cả ban đêm. Vì thế cứ chiều tối là có cả chục chiếc xuống cui tập trung tại bến kênh Lò Gạch, xã Lương An Trà (Tri Tôn) để đi săn rắn. Trên mỗi chiếc xuồng có trang bị đủ đồ nghề, nào chĩa, ná, vợt, rọng,… Có xuồng dùng sào, có xuồng dùng máy để di chuyển đến những cánh đồng xa săn rắn.
Theo anh Sáu Nhí người có nhiều năm kinh nghiệm săn rắn cho biết, thông thường các thợ săn mỗi đêm cũng bắt được từ 3 – 4 kg rắn. Nhiều nhất là loại rắn lãi, rắn nước, hổ hành,... Với giá bán từ 100 - 250.000 đồng/kg thì anh em cũng kiếm được từ 300-600.000 mỗi đêm.
Cũng từ thu nhập hấp dẫn này mà nhiều trai làng nghèo, bất chấp hiểm nguy để mưu sinh trong mùa nước nổi.
Ngô Nguyễn
An toàn cho trẻ
Tại tỉnh An Giang, mấy ngày qua đã có hàng trăm điểm giữ trẻ ở các huyện đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên… đi vào hoạt động; trong đó nhiều nhất là huyện An Phú có 20 điểm với gần 1.000 trẻ được chăm sóc, bảo vệ.
Ở xã Phú Hội là nơi có nhiều điểm giữ trẻ tập trung nhất ở huyện An Phú. Mấy ngày qua nhiều con đường trên địa bàn xã này đã ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. UBND xã Phú Hội và Phòng LĐ-TB-XH huyện An Phú đã vận động người dân lập 3 điểm trông giữ trên 120 trẻ từ 1 đến 8 tuổi.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện An Phú, hầu hết các cháu được vận động đến điểm giữ trẻ đều là con nhà nghèo, cận nghèo sống trong vùng ngập lũ; nhiều cháu chưa đủ tuổi hoặc cha mẹ không có điều kiện đưa các cháu đến trường mẫu giáo. Tại các điểm giữ trẻ, mỗi ngày các cháu sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng tiền ăn. Riêng các bảo mẫu được nhận lương 700.000 đồng/tháng.

Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho các địa phương trong tỉnh 13 tỷ đồng để thuê mướn giáo viên, thuê nhà dân... tổ chức nên 400 điểm giữ trẻ và thu hút khoảng 4.000 trẻ em độ tuổi mầm non trong vùng lũ đến học. Nhờ gửi con em tại các điểm giữ trẻ mà các gia đình sống trong vùng lũ an tâm hơn trong lao động, sản xuất.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, trong mùa lũ năm nay huyện Hồng Ngự tổ chức 25 điểm, nhóm giữ trẻ trong cộng đồng thu hút hơn 400 trẻ em theo học.

Tuy nhiên, do nước lũ lên cao, một số nhà dân được thuê mướn làm điểm giữ trẻ bị ngập nên huyện Hồng Ngự cho 4 điểm, nhóm tạm nghỉ. Hiện địa phương chỉ còn 21 điểm, nhóm giữ trẻ hoạt động với 306 trẻ em theo học.
Ông Nguyễn Công Danh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Ngự, nói: “Để đảm bảo an toàn cho các cháu nghỉ học ở các điểm, nhóm giữ trẻ, chúng tôi căn dặn các phụ huynh phải giữ con em cẩn thận, không để các cháu đi đến các điểm nước lũ nguy hiểm”.
Huyện Tân Hồng tổ chức được 20 điểm, nhóm giữ trẻ trong mùa lũ thu hút 271 trẻ em theo học nhưng trước tình hình nước lũ đang dâng cao ảnh hưởng đến hoạt động của những điểm, nhóm giữ trẻ xã Tân Thành A, Phòng GD-ĐT huyện đã cho 3 điểm, nhóm giữ trẻ xã ngưng hoạt động. Có 35 trẻ ở các điểm, nhóm này được giao về gia đình quản lý.
Tương tự, để đảm bảo an toàn cho trẻ em vùng bị ngập sâu của địa phương, đến nay thị xã Hồng Ngự quyết định tạm ngưng hoạt động một số điểm, nhóm giữ trẻ cộng đồng ở các xã: An Bình A, An Bình B, Tân Hội, Bình Thạnh...
Cần trang bị áo phao cho học sinh khi đưa đón trong mùa lũ.
Gian nan “cô giáo mùa nước nổi”
Ghé thăm điểm giữ trẻ tại nhà chị Huỳnh Thị Liên, ở ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội (An Phú, An Giang), nơi đang trông giữ 40 cháu từ 1 đến 8 tuổi; chị Liên cho biết, từ năm 2006 đến nay, năm nào chị và mấy người trong xóm cũng tình nguyện nhận làm bảo mẫu giữ trẻ và được người dân gọi là “cô giáo mùa nước nổi”. Căn nhà sàn rộng chừng 60m² của chị Liên nằm ngay phía sau tuyến đê bao khá an toàn. Tuy nhiên, việc trông giữ 40 cháu bé vào mùa lũ dâng cao gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Liên chia sẻ: “Quanh đây nước đã ngập mênh mông, trông các cháu vất vả lắm, các cháu nhỏ thì hay quấy khóc, rồi phải làm vệ sinh, tắm rửa cho các cháu… Còn những cháu 4 - 8 tuổi thì rất hiếu động, rất thích nghịch nước nên không dám rời mắt khỏi chúng”.
Hiện điểm giữ trẻ của chị Liên có 3 “cô giáo”, đều là những người dân cùng xóm tự nguyện tham gia giúp chị Liên. Dù chỉ hoạt động trong 3 tháng mùa lũ nhưng các cô đều được đi tập huấn để vừa giữ các cháu an toàn vừa có thể dạy các cháu ca hát và tập đọc, tập viết. Nhìn các “cô giáo mùa nước nổi” tất tả đổ mồ hôi hột mới thấy khoản tiền lương 700.000 đồng/tháng chẳng thấm vào đâu.

Chúng tôi đến thăm một điểm giữ trẻ cộng đồng khác tại xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhóm trẻ này được tổ chức tại nhà riêng của gia đình chị Trần Thị Hoa. Chị Hoa và người thân trong gia đình mình tình nguyện phụ giúp với cô giáo để lo tiếp nhận và chăm sóc, nuôi giữ các cháu suốt ngày.
Theo chị Hoa, hiện nay số trẻ được gửi đến tăng cao hơn mùa khô. Cũng theo chị Hoa, do đặc điểm vùng nông thôn, phụ huynh thường xuyên không ở nhà mà phải lo bươn chải kiếm sống, không có giờ giấc cố định nên ở đây cũng không quy định thời gian, giữ đến khi nào cha mẹ rước. Do vậy, ngoài việc trông giữ, chăm sóc trẻ, các “cô giáo” còn phải kiêm luôn việc đưa rước các cháu.
Chị Đỗ Thị Tiền, một “cô giáo giữ trẻ”, tâm sự: “Trong số 40 cháu ở đây có hơn phân nửa là ở bên kia sông, nhiều nhà không có ghe nên sáng nào chúng tôi cũng phải mướn ghe đến từng nhà “gom” cháu đến lớp, chiều lại đưa về”.
Tương tự, ở điểm giữ trẻ của chị Nguyễn Thị Nhẹ, xã Vĩnh Trường, huyện An Phú, các cô cũng đang phải đưa rước hàng chục cháu ở cồn Vĩnh Trường. Chị Nhẹ cho biết: “Hiện tại ngày nào cũng đưa các cháu qua lại sông mà chưa có áo phao, chỉ mong ngành chức năng sớm cấp áo phao để đưa đón các cháu an toàn hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từ bao đời nay lũ đã trở thành quy luật đến hẹn lại lên. Ngoài trách nhiệm xây dựng các tuyến, cụm dân cư để tạo chỗ ở cho người dân vùng lũ, xây dựng điểm giữ trẻ mùa lũ, người dân, nhất là các gia đình có con nhỏ cũng cần nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là. Đó là cách tốt nhất bảo vệ trẻ em an toàn trong mùa lũ.
ĐÌNH TUYỂN
Nhìn lại cách người dân khai thác nguồn lợi từ lũ những năm trước cho thấy; mỗi năm bà con nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu lợi hàng ngàn tỷ đồng từ khai thác cá linh; cá ở biển Hồ đổ về.
Việc rong ruổi trên những chiếc xuồng xuôi theo những cánh đồng mênh mông nước hoặc dọc theo các bờ kênh để thả câu, giăng lưới, hái bông điên điển trong mùa lũ của họ đã trở thành một nếp sống có từ lâu đời. Có tỉnh lại có hẳn một đề án làm giàu trong mùa nước nổi không chỉ phát triển các giống rau màu nổi trên mặt nước như rau nhút, bông điên điển, nuôi cá theo đăng quầng mà còn mở tour du lịch đi thăm quan mùa nước nổi. Rõ ràng lũ đã trở thành nguồn lợi to lớn cho người dân toàn khu vực.
Tuy nhiên, sau 10 năm, mùa nước nổi năm nay (thường vào cuối tháng 8 đến tháng 9 hằng năm) lũ lụt ở ĐBSCL lại đột ngột xuất hiện với cường suất và mức nước đặc biệt lớn. Có thời điểm đã vượt mốc lũ lịch sử năm 2000, vượt báo động 3 đến gần 50cm, làm đảo lộn toàn bộ đời sống sinh hoạt, sản xuất của dân.
Người dân miền Tây đã quá quen sống chung với lũ



Cơn giông
Những con trâu trong lúc nông nhàn
Căn nhà giữa bể nước


Lũ về mang theo nhiều sản vật tự nhiên

Tuy nhiên, lũ năm nay lại rất lớn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn
Những đê bao bằng cát quanh nhà

Mọi sinh hoạt của người dân đều gắn chung với lũ
Hằng năm, khi mùa lũ về - nước mênh mông, cá vô đồng sinh sản nhiều, cũng là thời điểm người dân chuyên sống bằng nghề câu, lưới, lọp, lờ… vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên đều chuẩn bị “đồ nghề” để đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản, lo cho kế sinh nhai của gia đình. Lúc này, chỉ chống xuồng ra đồng thả tay lưới, giăng dàn câu, đặt lờ, lọp… bắt cá, tép… là có thể nuôi sống cả nhà. Thu nhập chính sau vụ lúa vào lúc nông nhàn là vậy! Nghề thả lưới, giăng câu, đặt lờ, lọp, trúm… của người dân các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng… nằm trong vùng Đồng Tháp Mười ngày càng thu hút người dân tham gia. Bởi nghề này vừa đơn giản - vừa tiện lợi, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Chỉ cần có một chiếc xuồng và vài trăm mét lưới, dàn câu… mỗi đêm cũng kiếm được vài chục ký cá là chuyện bình thường! Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ở các xã - ấp nào trong vùng Đồng Tháp Mười cũng có từ vài chục đến vài trăm hộ sống bằng nghề câu, lưới, lờ, lọp, trúm… trong mùa nước nổi. Với khoảng trên - dưới 1,5 triệu đồng vốn để mua xuồng, tay lưới hoặc dàn câu là trang bị được phương tiện - dụng cụ hành nghề kiếm sống vào mùa nước nổi. Còn hộ nào có sẵn xuồng, chỉ cần khoảng 700.000 đồng để mua tay lưới, dàn câu là đủ. Lưới 4 hoặc 5 phân đem giăng sẽ bắt được cá mè vinh, cá rô lớn; còn lưới 2,5 - 3 phân đem giăng sẽ bắt được cá linh, cá dãnh, cá rằm, cá sặc, cá thiểu… Và câu giăng thường bắt được cá lóc, ếch, rắn… Cùng với nghề thả lưới, giăng câu… nghề đặt lọp bắt tép ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười… cũng đang phát triển khá mạnh. Nhiều hộ ở đây, nhờ nghề đặt lọp bắt tép đã thoát khỏi cảnh khó khăn trong mùa nước nổi. Gia đình anh Lê Văn Hùng ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) có hơn 100 cái lọp tép, mỗi đêm vợ chồng anh khai thác được từ 5 – 7kg tép thương phẩm. Đêm nào trúng kiếm cũng được hơn chục kg, bán giá từ 10.000đồng - 12.000đồng/kg, thu hơn 100.000 đồng. Anh Hùng cho biết: “Từ hơn nửa tháng nay, mỗi đêm hai cha con tôi đổ gần 10kg tép, bán cho bạn hàng ở chợ được 10.000đồng/kg, thu hàng trăm ngàn đồng, đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình... Nhờ vậy, mà gia đình tôi ổn định cuộc sống tốt hơn”.
Lũ tràn đồng, người dân các huyện đầu nguồn An Phú ( An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Tân Hưng (Long An)... lại nhộn nhịp đi đặt lờ, lọp, giăng câu, giăng lưới... mưu sinh trong mùa nước nổi .
Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Không chỉ có đặt lọp tép, người dân Đồng Tháp Mười còn đi soi ếch, trúm lươn! Người đi soi ếch mang theo giỏ, bao, đèn pha, nơm… Trời tối, người đi soi thường tìm tới những nơi có vũng nước đọng, hố lá, đìa, bàu… và có tiếng ếch kêu nhiều. Sau đó, tắt đèn ngồi rình. Những con ếch bắt cặp say sưa kêu lục cục, người soi bước nhẹ nhàng đến mở đèn lên ra tay bắt từng cặp ếch bỏ vào giỏ. Nếu ếch lặn xuống hồ nước thì dùng nơm chụp. Chỉ cần soi vài giờ là bắt được 5 - 7 kg ếch, vừa cải thiện bữa ăn, vừa kiếm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình! Mỗi kg ếch giá bán dao động ở mức 40.000 - 60.000đồng tùy loại. Anh Ba Tài ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông cho biết: “Tôi sắm sẵn 120 cần câu để cho hai đứa con trai lớn đi cắm câu bắt ếch mỗi đêm. Từ lúc thu hoạch lúa hè thu xong tới nay, mỗi đêm hai đứa con tôi bắt được 7kg ếch. Đêm nào trúng kiếm cũng được cỡ 10kg ếch, bán được gần 400.000đồng, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình…” Nghề đặt trúm bắt lươn ở các huyện vùng sâu Đồng Tháp Mười cũng đang phát triển. Anh Lê Văn Quận ở xã An Phong, huyện Thanh Bình có bốn nhân khẩu hành nghề đặt trúm hơn bốn năm qua cho biết: “Từ ngày mùng 5/5 âm lịch đến nay, mỗi đêm tôi đặt hơn 50 ống trúm, kiếm cũng được khoảng 2 kg lươn. Đêm nào trúng thu hơn 3 kg, bán trên 250.000 đồng!”. Đặt trúm bắt lươn hiện đang là một nghề chính để tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình của anh Nguyễn Văn Tư ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi ngày, vào buổi xế trưa anh Tư cùng đứa con trai thay phiên nhau bơi xuồng dọc theo tuyến đê bao, mương vườn ở địa phương tìm nơi để đặt trúm... Đến 4 - 5 giờ sáng hôm sau đi dỡ trúm thu hoạch lươn. Mồi đặt lươn, anh Tư sử dụng là giun đất, cua, ốc chết, cá tép bị thối... Với 60 ống trúm, bình quân mỗi ngày gia đình anh Tư kiếm được khoảng 5kg lươn, bán cho những thương lái chở đi các chợ xã, huyện... bán giá 150.000đồng/kg lươn loại 1 và 120.000đồng/kg lươn loại 2, thu nhập được trên 400.000đồng/ngày. Anh Tư vui vẻ nói: “Tính bình quân từ nghề đặt trúm bắt lươn hằng năm, vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”.
Người dân huyện An Phú (An Giang) đánh bắt cá linh trong mùa nước nổi.
Ảnh: Phương Vy - TTXVN

Vào mùa nước nổi hằng năm, trên dòng Tiền giang (đoạn từ huyện Hồng Ngự đến xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) đã có hơn 100 xuồng, tắc ráng neo đậu trên sông để câu cá basa, cá hú. Thông thường, dàn câu cá basa, cá hú được làm bằng một đoạn sắt tròn, dài từ 5 - 7 tấc uốn cong như cây cung. Hai đầu đoạn sắt nối với một sợi dây gân. Trên đoạn dây gân kéo thẳng, người ta buộc túm từ 7 - 10 lưỡi câu phân chia đều nhau. Bên trên đoạn sắt được buộc bằng một sợi dây dài để thả dàn câu từ chiếc xuồng xuống đáy sông. Sợi dây này dài, ngắn tùy thuộc vào nơi thả câu. Còn mồi câu cá basa chủ yếu là trứng kiến vàng hoặc giun đất. Nghề này cũng đã nuôi sống được nhiều dân nghèo chuyên sống bằng nghề câu cá basa, cá hú qua mùa nước nổi. Tuy nhiên, nghề này cũng thường gặp những khó khăn, bất trắc. Mỗi khi gặp sóng to, gió lớn, mưa bão bất thường nổi lên, các ngư dân không kịp trở tay thì có thể mất hết đồ nghề. Thậm chí, tính mạng cũng rất nguy hiểm. Những năm trước, đã có nhiều người mất mạng vì đang câu cá bỗng sóng gió, mưa bão nổi lên thình lình, thu dọn không kịp…

Sinh hoạt đồng nước vào mùa lũ là một hoạt động thường niên, xuất hiện từ lâu đời ở vùng nông thôn Đồng Tháp Mười. Nghề câu, lưới, lọp, lờ, trúm… nhà nào cũng biết và làm ít- nhiều. Khá một chút xem như kiếm thêm thu nhập trong mùa nước nổi. Nhiều hộ thuộc diện nghèo đang rất cần đến nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm phương tiện, dụng cụ đánh bắt và khai thác thủy sản trong mùa nước nổi. Đây là những hoạt động khá hấp dẫn và là cách mưu sinh độc đáo của những người dân miền sông nước vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên…

Trần Trọng Trung

1 comment: