Monday, October 3, 2011

An toàn thực phẩm(8)

“Khó xác định hóa chất “lạ thường” trong bún”
(Dân trí) - “Các loại hóa chất như Tinopal trong bún đôi khi chưa đủ hàm lượng để xét nghiệm có kết quả. Hóa chất có khi bị pha chế, trộn với các hỗn hợp khác tạo thành hỗn hợp hóa chất “lạ thường”, rất khó xác định”.

Ông có biết hiện nay nhiều cơ sở sử dụng bột sắn tươi, thạch cao để làm bún?
Đúng là hiện có một số nhà sản xuất có pha trộn chất bột khác hoặc phối trộn thêm thạch cao… để làm bún. Mặc dù trong công nghệ chế biến có cho phép pha chế bột thạch cao theo tỉ lệ 1g/1 tạ bột gạo nhưng bún ngon ở Việt Nam nếu muốn giữ được độ trong ngà của gạo thì không được làm như thế. Để giữ bún được lâu, nhiều cơ sở còn phun phóc môn vào. Làm thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chúng ta có tiêu chuẩn nào về bún không, thưa bác sĩ?
Ở Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn sợi bún phải như thế nào, nhưng theo cổ truyền, sợi bún phải mềm, dẻo, thơm. Quy trình làm bún bắt đầu bằng việc lựa gạo, lựa nước. Những hạt gạo thơm, dẻo được đem ngâm, ủ trong vòng 48 đến 72 giờ. Sau đó đem gạo đi xay, sẽ được một hỗn hợp bột nước. Sau khi tách nước, hỗn hợp bột còn lại sẽ được cho vào máy ép, kéo sợi. Nước rửa sợi bún sau khi đã được nấu chín phải là loại nước uống được.
Thực tế, có nhiều lò bún sử dụng hóa chất độc hại làm trắng bún. Hóa chất này có tên là gì và gây độc hại thế nào, thưa ông?
Thực trạng cơ sở sản xuất bún dùng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy rất nhiều. Một số cơ sở dùng hóa chất Tinopal - một loại chất tẩy trắng được dùng trong công nghiệp vải, sợi, bông… để làm trắng sợi bún. Theo quy định của Bộ Y tế, loại hóa chất này không cho phép dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm.
Hiện vẫn có một số chất khác có thể làm trắng bún trong danh mục cho phép của Bộ Y tế nhưng đây là loại hóa chất chuẩn mực, đắt tiền, nên người sản xuất ham lợi, mua hóa chất giá rẻ, trôi nổi trên thị trường mà không nghĩ tới mức độ độc hại gây ra cho người tiêu dùng.
Tinopal bản thân là loại chất tẩy nên khi dùng làm bún, con người ăn phải loại bún có “tẩm” hóa chất này nguy cơ bị tẩy ruột, tổn thương các tế bào nhung mao ở màng ruột, bong tróc các lớp tế bào… Một khi các kháng thể không còn sẽ tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công đến sức khỏe con người, gây nhiều loại bệnh…
Làm sao để phân biệt được bún sạch và bún có “tẩm” hóa chất?
Bún ngon (bún thủy tổ) là bún có màu trắng ngà của bột gạo, làm bằng bột gạo thơm, dẻo. Bún có phối chế bột khác hoặc có Tinopal thì cứng, dai, khô, trắng sáng, trắng bạch… Bún thủy tổ để lâu sẽ chua. Bún có hóa chất Tinopal thì để lâu khó thiu mà sẽ chuyển sang màu xanh, khô cứng. Thử làm một thực nghiệm nhỏ, bún thủy tổ khi dùng dán bao thư thì rất dính, còn bún có hóa chất đem dán bao thư không ăn, dùng tay nghiền sợi bún có cảm giác giống như nghiến phải dây chun hay hạt xốp.
Nhiều cơ sở sản xuất bún hiện nay "giản tiện" ngay từ khâu lựa gạo, nước đầu tiên.
Tại sao đến giờ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra ngăn chặn những cơ sở sản xuất bún có bỏ hóa chất, thưa ông?
Các đoàn kiểm tra lò bún cũng chỉ kiểm tra, xử phạt được nếu cơ sở đó vi phạm vệ sinh, điều kiện sản xuất không tốt chứ chưa thể kiểm tra đến công nghệ. Vì đó là “bí kíp” công nghệ, nhà nước chưa cho phép các đoàn kiểm tra làm việc này với các cơ sở sản xuất. Anh làm ra sợi bún, khi anh có đăng ký kinh doanh thì anh cũng công bố các tiêu chuẩn, thành phần, hàm lượng trong sản phẩm. Nếu có kiểm tra thì cũng chỉ căn cứ trên những gì anh đã công bố. Còn thực tại, nhiều cơ sở bún sản xuất “chui”, không đăng ký, mỗi lò sản xuất theo “công nghệ” riêng thì lấy gì mà căn cứ để kiểm tra, xử phạt.
Đoàn kiểm tra có thể lấy mẫu bún về kiểm tra thành phần, để tìm trong đó có bỏ hóa chất hay không?
Nếu đem phân tích mẫu bún để tìm hóa chất độc hại thì như đem kim bỏ biển. Các loại hóa chất như Tinopal trong bún đôi khi chưa đủ hàm lượng để xét nghiệm có kết quả. Mặt khác, các loại hóa chất này bị pha chế, trộn với các hỗn hợp khác thì phòng phân tích hóa học chưa có dụng cụ hay mẫu thử nào phù hợp để xác định loại hỗn hợp hóa chất “lạ thường” này.
Mỗi ngày, có hàng triệu người dùng bún trong các bữa ăn. Với thực trạng bún “dính” hóa chất như hiện nay, chúng ta cần làm gì để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng?
Bún cũng như nhiều mặt hàng thực phẩm khác đang bị thả nổi về chất lượng và người tiêu dùng phải gánh chịu. Người sản xuất bún, bán bún phải có đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm. Mặt khác, hiện hóa chất độc hại đang được bày bán trôi nổi trên thị trường. Chỉ khi nào hóa chất độc hại được quản lý chặt chẽ như quản lý vũ khí thì lúc đó thực phẩm mới an toàn đươc.
Xin cảm ơn ông!
Bún cũng bị nhái thương hiệu, logo
Bà Nguyễn Thị Bính, chủ cơ sở sản xuất bún Thủ Đức - Nguyễn Bính mới đây đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng phản ánh việc thương hiệu bún của gia đình bà đang bị nhiều cơ sở sản xuất bún “chui” làm nhái.
Theo bà Bính, thương hiệu bún của gia đình bà có tên là bún Thủ Đức - Nguyễn Bính (viết tắt: TĐ-NB), được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ thương hiệu, logo ngày 08/01/2008, theo Quyết định số: 327/QĐ-SHTT.
Nhưng thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện một loại bún Thủ Đức - Cát Tường (viết tắt: TĐ-CT), nhái thương hiệu, logo và bao bì của bún TĐ-NB. Ngày 10/10/2009, làm việc với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ông Nguyễn Cát Chinh - Giám đốc Công ty bún Cát Tường thừa nhận hành vi làm nhái của mình.
Trà ướp hóa chất
Ai cũng biết uống trà có lợi cho sức khỏe, thế nhưng hiện nay không ít loại trà bày bán trên thị trường, nhất là trà rẻ tiền được tẩm ướp hóa chất độc hại.
Trà bán tại thị trường TP HCM đủ chủng loại. Loại rẻ tiền, giá chỉ 15.000 - 20.000 đồng một kg, loại thường từ 30.000 - 70.000 đồng. Trà ô long, bạch mai, móc câu... giá bán từ 100.000 - 800.000 đồng. Nhiều loại được người bán đóng gói hoặc đóng lon sẵn (trọng lượng 100 - 350 gram) được bán từ 10.000 đồng- 30.000 đồng một sản phẩm. Tại các chợ, người bán còn trang bị sẵn vỏ hộp riêng, khách ưng ý loại nào thì đóng gói tại chỗ.
Tại khu vực chợ Bình Tây, TP HCM bày bán khá nhiều trà. Phần lớn hàng đóng gói đều ghi chữ Hán, chỉ một số ít có ghi địa chỉ nhà sản xuất trong nước. Các sản phẩm này đều không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần... Trong vai người mua trà xá (mua sỉ) để mang về quê bán, chúng tôi được bà T., kinh doanh mặt hàng trà gần khu vực chợ Bình Tây, trấn an: "Cứ yên tâm, trà đã được xử lý kỹ nên có thể bán trong vài năm vẫn không bị mốc và vẫn giữ được mùi vị".
Tại chợ hóa chất Kim Biên (quận 5), hầu như sạp nào cũng có các loại hóa chất hương lài, hương sen để tẩm trà. Chỉ cần hỏi mua hương lài, hương sen thì người bán nói ngay “để ướp trả hả?”. Ông H., chủ một sạp hóa chất tại chợ, khoe các mối ở tỉnh đặt hàng mỗi lần cả trăm kg, nhất là vào thời điểm cận Tết như hiện nay. Ngoài những mối ở tỉnh, ông H. còn có hàng chục mối tại TP HCM mua về tẩm ướp trà. Hương lài, hương sen có giá bán trên 200.000 đồng một kg, còn hóa chất chống mốc chỉ 25.000 đồng. Để giữ mùi hương và màu trà, tại đây còn bán cả hóa chất giữ mùi hương, giữ màu.
“Không chỉ trong quá trình chế biến, trà mới bị tẩm ướp hóa chất mà cả những cánh đồng trà cũng bị “đầu độc”, một chuyên gia trong lĩnh vực hóa học cảnh báo. Do trà là loại cây ưa thích của nhiều loại côn trùng, sâu rầy nên người trồng trà thường xuyên phun thuốc trừ sâu với nồng độ cao và mật độ dày. Theo các nhà chuyên môn, trà cũng bị phun thuốc trừ sâu thuộc loại cấm sử dụng và hóa chất giúp tăng trưởng để trà ra đọt nhanh, lá to. Khi thu hoạch, người trồng trà còn tẩm ướp thêm hóa chất chống mốc, chống nấm và côn trùng...
Ông Trần Hữu Thái, người có thâm niên trong ngành trà trên 20 năm, cho biết: "Để chế biến trà rẻ tiền cung cấp cho các quán cà phê cóc, quán ăn lề đường, người ta mua trà thô về rồi xịt hóa chất hương lài, hương sen với nồng độ khoảng 1%. Sau đó trùm trà bằng tấm bạt, ủ khoảng một tuần lễ". Còn tẩm ướp trà bằng hoa lài, hoa sen tự nhiên phải tuân thủ theo tỷ lệ 20% hoa, 80% trà và ủ trong phòng lạnh với nhiệt độ từ 18 - 22 độ C để các vi sinh trong trà lên men tự nhiên.
Theo giới chuyên môn, các mặt hàng trà giá rẻ bày bán trên thị trường có đến trên 90% được tẩm ướp hóa chất tổng hợp do có giá thành rẻ, giữ mùi lâu. Còn tẩm ướp bằng hương hoa tự nhiên, hoặc bằng phương pháp lên men tự nhiên sẽ đẩy giá thành cao gấp vài chục lần so với tẩm ướp bằng hóa chất, nhất là vào thời diểm trái mùa, giá hoa lài lên tới 90.000 đồng một kg nên ít người làm. Nếu uống phải trà có tẩm ướp từ hương liệu bằng hóa chất thì chẳng khác nào uống thuốc độc.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này hướng dẫn, hạn chế sử dụng trà có mùi thơm ngào ngạt, vì mùi càng thơm thì nồng độ tẩm ướp hóa chất càng cao, uống vào dễ dẫn đến sốc, mùi nồng lên mũi và có thể bị sặc. Đối với trà tẩm ướp hương tự nhiên, hoặc lên men tự nhiên sẽ có mùi thơm thoang thoảng, vị dịu dễ chịu.
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết: "Hóa chất hương lài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P- Dimethoxy penzin, đều là chất độc hại gốc hữu cơ. Chỉ cần ngửi những chất này cũng bị chóng mặt, xây xẩm; ngửi nhiều sẽ ngất xỉu do tác động đến hệ thần kinh. Chất giữ mùi hay còn gọi là chất định hương có tên là Fixateur, đây là chất cực độc do nó không phân hủy nên tích tụ trong gan dẫn đến ung thư. Các chất giữ màu chống ôxy hóa, chất chống mốc đều là chất độc hại, nguy hiểm đối với sức khỏe".
Toy Recall
Giới hữu trách phát hiện 32% đồ chơi trẻ em có chứa các loại kim loại nặng như chì, cadmium và chromium
VN sẽ kiểm tra hóa chất độc hại trong các sản phẩm TQGiới hữu trách Việt Nam sẽ kiểm tra đồ chơi và quần áo sản xuất ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc sau khi truyền thông Trung Quốc loan tin là có nhiều sản phẩm chứa hóa chất formaldehyde cao hơn mức an toàn.

Theo tin hôm thứ ba của hãng thông tấn Đức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Bùi Xuân Khu nói rằng cơ quan ông sẽ yêu cầu Cục quản lý Thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các mặt hàng quần áo và đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ tỉnh Quảng Đông.

Hôm 28 tháng 5, giới hữu trách Quảng Đông công bố một báo cáo cho biết gần 50% quần áo không đạt tiêu chuẩn an toàn, và có nhiều loại quần áo chứa chất formaldehyde cao hơn mức an toàn.

Ngoài ra, giới hữu trách còn phát giác 32% đồ chơi trẻ em có chứa các loại kim loại nặng, như chì, cadmium và chromium với mức cao hơn mức an toàn.

Tin tức vừa kể được công bố đúng vào dịp tết Thiếu nhi (1 tháng 6) ở Việt Nam, khiến cho nhiều người ở đây cảm thấy lo lắng.

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cho biết Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả điều tra để trấn an người tiêu dùng.

Chất formaldehyde đã gây xôn xao dư luận Việt Nam vào năm 2000, khi giới hữu trách phát giác những người sản xuất thực phẩm dùng hóa chất này làm chất bảo quản cho bánh phở.

Chính phủ đã đóng cửa những tiệm ăn dùng loại bánh phở độc hại và xử phạt một số nhà sản xuất, nhưng năm 2007 các nhân viên kiểm tra vẫn phát giác nhiều nhà sản xuất tiếp tục dùng hóa chất thường được dùng để ướp xác này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc phô nhiễm chất formaldehyde ở mức thấp có thể làm ngứa da, ngứa mắt và làm bùng ra những cơn hen suyễn.

Giới hữu trách ở một quốc gia xem hóa chất này là một chất gây ung thư, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận dứt khoát về việc này.
Rượu dỏm
Tùng, chủ quán nhậu vừa giải nghệ ở phường An Hòa, TP Cần Thơ, lúc cao hứng thường tuyên bố: hơn năm năm trong nghề nhưng ông không dám uống rượu đế bán tại quán...
Một lò nấu rượu thủ công như thế này chỉ có thể cho ra lò khoảng 40 lít rượu/ngày. Trong khi đó chỉ cần cồn công nghiệp, nước lã và hóa chất thì những thợ pha chế rượu dỏm có thể “sản xuất” 300- 400 lít rượu/ngày - Ảnh: Hùng Anh
Coi chừng “theo ông bà”
Lý do, theo Tùng, rất nhiều rượu đế bán ở các quán nhậu bình dân là... hàng dỏm, uống vô có ngày “theo ông bà”. Tùng bật mí: để có rượu đế giá rẻ 4.000-5.000 đồng/lít bán cho dân nhậu bình dân, các quán thường lấy rượu do những “thợ pha chế miệt vườn” đem bỏ mối với thành phần chủ yếu là nước lã, cồn công nghiệp và một loại hóa chất mà dân trong nghề gọi là “men Trung Quốc”. Theo lời Tùng, nhiều quán sau khi biết được “công thức pha chế” đã sản xuất rượu tại chỗ để kiếm lời nhiều hơn. “Dịch vụ” này đang nở rộ tại miền Tây.
Thấy chúng tôi tròn mắt không tin, Tùng vào nhà ôm ra “bộ đồ nghề” cũ gồm chiếc thau nhựa, một bình nhựa đựng cồn công nghiệp và gói “men Trung Quốc” trắng mịn như bột mì tinh, không mùi vị và biểu diễn “công nghệ chế biến rượu đế tốc hành”. Cho vài lít nước máy vào thau nhựa, đổ cồn công nghiệp và “men Trung Quốc” với liều lượng vừa đủ vào khoắng đều, thoáng chốc Tùng đã có một thau rượu đế. “Cứ vô chai, vô bình nhựa dán nhãn hiệu gì vào cũng được, ai kiểm tra mà sợ. Dân nhậu bình dân chỉ cần giá rẻ và uống phê là được” - Tùng thản nhiên nói. Tùng còn cho biết với công thức này, bình quân mỗi ngày một “nhà sản xuất” có thể cho ra lò 300-400 lít rượu trắng. Chi phí để sản xuất 10 lít rượu đế dỏm giá không quá 30.000 đồng.
Sản xuất “rượu thuốc” cũng không có gì khó: ra tiệm thuốc bắc mua vài vị có mùi thơm về ngâm chung với rễ cây mít, cây nhàu phơi khô sẽ được bình rượu màu… đẹp như rượu Tây và thơm như rượu ngâm thuốc bắc chính hiệu, bán với giá 8.000-10.000 đồng/lít, lời bể tay. “Quán nhậu đang mọc lên nhiều như nấm nên các lò nấu rượu thủ công không thể đáp ứng nổi. Chỉ có sản xuất rượu theo công thức này mới đủ lượng rượu cung ứng nhu cầu ăn nhậu ngày càng tăng của các đệ tử lưu linh” - Tùng nói.
Mang chuyện chế biến “rượu đế tốc hành giá rẻ” hỏi mấy ông chủ lò nấu rượu thủ công ở miền Tây, chúng tôi được xác nhận: nếu nấu rượu đàng hoàng bằng gạo, nếp thì không thể nào có giá 3.000- 4.000 đồng/lít. Ông Chín Cường, chủ lò rượu đế ở khu vực ngã ba An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết một lò nấu rượu thủ công bằng gạo, nếp mỗi ngày chỉ có thể nấu được tối đa 40 lít rượu 40 độ (sử dụng khoảng 50-60 lít gạo hoặc nếp) vì thời gian nấu một mẻ rượu rất lâu, mất khoảng bốn giờ (10 lít gạo/mẻ). Đó là chưa kể tình trạng rượu bị chua, bị khét do canh lửa không kỹ phải đổ bỏ. “Giá gạo thường hiện nay khoảng 6.000 đồng/kg, giá nếp không dưới 10.000 đồng/kg, bỏ mối rượu gạo dưới giá 5.000 đồng/lít, rượu nếp dưới giá 8.000 đồng/lít là chủ lò... sạt nghiệp” - ông Chín Cường nói.
Trong khi đó ông Trần Công Tạo, chủ doanh nghiệp sản xuất rượu Phú Lễ ở thị xã Bến Tre, cho biết rượu Phú Lễ được nấu bằng nếp theo phương pháp thủ công và giá thành sản xuất tại gốc (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) hiện nay là 12.000 đồng/lít rượu trắng. Do vậy rượu đế mang nhãn hiệu Phú Lễ đang bày bán trong các quán nhậu bình dân với giá 6.000 đồng/lít rượu trắng, 8.000 đồng/lít rượu thuốc là điều... không thể hiểu nổi.
Hàm lượng độc tố cao
Khi đặt vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm của các lò sản xuất rượu đế với các cơ quan chức năng, chúng tôi nhận được câu trả lời: không thể kiểm soát được qui trình sản xuất và chất lượng sản phẩm bởi hầu hết đều... không đăng ký hoạt động.
Một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang nói không thể thống kê được trên địa bàn có bao nhiều lò nấu rượu thủ công đang hoạt động. Chỉ biết hầu như ở ấp nào cũng có một, hai lò nấu rượu phục vụ nhu cầu đám tiệc trong xóm nhưng không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Riêng tình trạng pha chế rượu đế tốc hành bằng cồn công nghiệp và hóa chất thì “ai cũng biết rượu đế giá 2.500 - 3.000 đồng/lít là chuyện khó tin nhưng không kiểm soát được”.
Trong khi đó tại An Giang, nơi cách nay vài năm xảy ra những vụ ngộ độc rượu kinh hoàng làm nhiều người ở huyện Phú Tân mất mạng, một kết quả điều tra sơ bộ cuối năm 2006 cho thấy toàn tỉnh này có khoảng 1.650 lò nấu rượu đế thủ công đang hoạt động. Mỗi ngày cung ứng cho thị trường 50.000-80.000 lít rượu nhưng phần lớn không giấy phép hoạt động, không được đăng ký chất lượng. Khi các ngành chức năng kiểm tra ngẫu nhiên 310 mẫu rượu tại các lò thì có đến 303 mẫu không đạt chất lượng, hàm lượng độc tố methol furfural rất cao.
Bác sĩ Phạm Văn Bé, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, cho biết hiện nay các mẫu rượu đế không rõ nguồn gốc bày bán ở An Giang đều có hàm lượng tạp chất, độc tố rất cao. Riêng việc sử dụng cồn công nghiệp pha chế rượu đã bị nghiêm cấm vì hàm lượng methanol trong cồn có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người.
Điệp khúc bánh trung thu dỏm

TTO - Đang vào cao điểm mùa bánh trung thu, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại bánh trung thu không tên tuổi hoặc nhái logo của những nhãn hiệu bán chạy. Chiêu thức dụ người mua không mới, thế nhưng vẫn không ít người sập bẫy.
Nếu người mua đặt cỡ một hộp bốn cái trở lên thì "chiêu" thường gặp là bỏ kèm 1-2 bánh không nhãn hiệu với logo gần giống với bánh có tên tuổi bán chạy trên thị trường.
Trường hợp mua chỉ 1-2 bánh nướng hoặc bánh dẻo vẫn bị sập bẫy bánh dỏm như thường. Chị Kim Tuyến, nhà ở quận Tân Bình, trên đường đi làm về ghé một gian hàng bánh khá lớn trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận mua hai chiếc bánh nướng và bánh dẻo cho hai đứa con nhỏ ăn Trung thu sớm. Sợ mua ở những gian hàng nhỏ thường dễ bị trà trộn bánh dỏm nên chị chọn mua ở gian hàng có treo biển Kinh Đô và Đồng Khánh.
Chỉ tay vào một chiếc bánh dẻo thập cẩm có giá 26.000 đồng/cái và chiếc bánh nướng cũng nhân thập cẩm giá 40.000 đồng/cái, chị bảo nhân viên quầy lấy. Cô nhân viên không lấy ở quầy mà vào sau quầy lấy bánh để trong thùng giấy đóng luôn vào hộp và bao xốp. Đang mệt nên chị Tuyến không kiểm tra lại. Mang về nhà mới biết chiếc bánh dẻo có logo và bao bì giống nhãn một nhãn hiệu nổi tiếng, còn chiếc bánh nướng thì không tên tuổi, không địa chỉ và không cả thời hạn sử dụng. Cả hai chiếc bánh đều được bán ngang giá với nhãn hàng bánh trung thu có tên tuổi đang bán chạy trên thị trường.
Người tiêu dùng mua bánh về thưởng thức trong gia đình mất cảnh giác phải đành chịu, người mua mang biếu càng dễ bị sập bẫy hơn do mua xong thường mang đi biếu ngay nên khó phát hiện mua phải bánh dỏm.
Từ nhiều mùa bánh trung thu trước, tình trạng bán kèm bánh dỏm vẫn xảy ra ở nhiều đại lý do lợi nhuận bánh dỏm lên đến trên 50%. Theo cảnh báo của các doanh nghiệp sản xuất bánh tên tuổi và uy tín, để tránh tình trạng mua phải bánh dỏm bán kèm ở các đại lý, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ từng cái bánh xem có đúng logo của thương hiệu mình chọn không. Dấu hiệu dễ nhận ra của bánh dỏm là thường có bao bì in lem nhem, không có thương hiệu, địa chỉ, không mã vạch.
Các văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng những mùa trung thu trước thường nhận được nhiều đơn khiếu nại về chất lượng bánh trung thu với nội dung khiếu nại về bánh trung thu bị nấm mốc, nhân bánh có “vật lạ” (đinh sắt, côn trùng). Vì vậy người tiêu dùng càng phải cảnh giác cao để không bị mất tiền oan, mất vui một mùa Trung thu.Theo Tuổi trẻ
Kiểm tra hóa chất độc hại trong thuốc Đông dược
Vụ Y dược học Cổ truyền, Bộ Y tế hôm qua yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình cung ứng, sử dụng dược liệu, thuốc đông dược trên thị trường và tại các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.Đặc biệt, các đơn vị kiểm nghiệm tập trung lấy mẫu Chi tử đang lưu hành trên thị trường, trong các cơ sở điều trị và cơ sở sản xuất thuốc đông dược để kiểm tra hoá chất Rhodamine B.
Trước đó, Viện kiểm nghiệm thuốc trung ương cũng đã tiến hành lấy mẫu Chi tử được bán tại một số cửa hàng thuốc đông y trên địa bàn Hà Nội như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp (Gia Lâm) để xét nghiệm và đã phát hiện 25/57 mẫu có chất Rhodamine B có thể gây ung thư.
Ăn phải cá ngừ tẩm hóa chất, 78 công nhân ngộ độc
13h30 ngày 10/7, 78 công nhân của Công ty TNHH May Đỉnh Cao (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh TPHCM) đã phải nhập viện vì bị ngộ độc.
Tất cả các công nhân nhập viện đều có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ngứa đầu – mắt, một số ói và sốt nhẹ.
Theo chuyên viên của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, nguyên nhân của vụ ngộ độc trên có thể là do ăn cá ngừ có tẩm hóa chất. Đến 18h45’ cùng ngày, các công nhân đã được xuất viện.

Cùng ngày 10/7, Bệnh viện Đa khoa Kon Tum cũng tiếp nhận 11 bệnh nhân trong cùng một gia đình (trú tại số nhà 151 đường Hùng Vương, thị xã Kon Tum) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân là gia đình đó đã ăn phải nấm độc. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên toàn bộ 11 bệnh nhân này không ai bị tử vong.
Tết - nguy cơ ngộ độc gấp 3 ngày thường
GS.TS Nguyễn Thị Dụ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Thường thì vào các ngày lễ, Tết... là dịp cao điểm có số người bị ngộ độc nhiều nhất trong năm. Bằng chứng là Tết nào, chúng tôi cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm. chưa kể uống phải rượu giả...
Nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm, thưa GS?
Có hai loại ngộ độc thực phẩm thường mắc. Thứ nhất, đó là ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra. Loại ngộ độc thứ hai là ngộ độc thực phẩm do hoá chất, chẳng hạn khi bệnh nhân ăn phải hoá chất bảo quản hoa quả, hàn the có trong giò, chả v.v...
Người ta sử dụng hàn the để bảo quản thực phẩm (giò, chả...) được lâu hơn, giữ protein lâu không phân huỷ. Nếu người tiêu dùng ăn vào một lượng lớn, có thể xảy ra ngộ độc cấp. Còn nếu để nó tích luỹ lâu trong cơ thể, một thời gian sau người tiêu dùng sẽ mắc một số bệnh mạn tính, thậm chí là ung thư nặng, biến đổi gene, ảnh hưởng đến thai nhi...
Theo GS, khi bị ngộ độc thực phẩm, biểu hiện chung là như thế nào?
Biểu hiện chung của các ca ngộ độc thực phẩm là nôn, đau bụng từng cơn, ỉa chảy liên tục, rối loạn nước điện giải, đôi khi kèm tức ngực, khó thở... Khi có các dấu hiệu trên cần đưa ngay bệnh nhân đi cấp cứu, tránh để lâu chất độc có thể ngấm sâu và bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong.
Được biết, GS là chủ nhiệm đề tài về một loại thuốc chống độc rất hiệu quả, vậy khi nào thì sản phẩm thuốc này đến tay người tiêu dùng?
Sản phẩm này có tên là Antipois B-Mai, dạng nhũ, thành phần chính là than hoạt tính. Người bệnh nếu uống thuốc này vào thì ngay lập tức thuốc sẽ hút hết chất độc, không cho hấp thu vào máu. Thuốc này có thể bán rộng rãi mà không cần phải kê đơn, vì bản chất nó không có hại. Chúng tôi đã nhượng quyền cho Xí nghiệp dược phẩm Quy Nhơn sản xuất loại thuốc này.
Trong khi công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa lấy gì làm đảm bảo, và nguy cơ ngộ độc trong dịp Tết Bính Tuất 2006 là rất cao, GS có thể cho mọi người một lời khuyên?
Người tiêu dùng cần tránh ăn các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh, có nguy cơ ngộ độc cao, như: Tiết canh, chân gà nướng... Các bà nội trợ cần chú ý ngâm, rửa, gọt vỏ các loại rau quả. Không được để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống. Làm vệ sinh dụng cụ chế biến thật sạch trước và sau khi sử dụng. Trong bữa ăn, nên ăn ít hơn, bởi nếu ăn nhiều sẽ dễ bị bội thực, vì men tiêu hoá không đủ để tiêu hoá hết thức ăn.
Xin cảm ơn GS!

1 comment: