Monday, October 3, 2011

Đi chân đất để chữa bệnh

Hẳn mọi người chúng ta ai nấy đều biết đến cảm giác thoải mái như thế nào khi được bỏ giày vớ rồi dụi chân vào cỏ mát trong một ngày mùa hè nóng nắng. Nhưng có thể chúng ta chưa biết đi chân trần trong cỏ có thể làm sức khoẻ tốt hơn hay chữa lành một số bệnh. Một phương pháp trị bệnh mới có tên Earthing (tạm dịch là “Gắn Đất”) đang được nói tới ngày càng nhiều. Theo phương pháp này người bệnh chỉ cần tìm cách cho thân thể tiếp xúc trực tiếp với mặt đất, đó có thể là đi chân trần trên đất, hay nằm ngủ trên nền đất (như khi đi cắm trại).
Chân trần
Nguồn ảnh: oliveracosmeticsblog.files.wordpress.com
Lý thuyết của phương pháp chữa bệnh bằng cách đi đất này dựa trên căn bản là trái đất có tác dụng trực tiếp với nhịp độ sinh học của con người. Từ lâu người ta đã khám phá ra ánh sáng ảnh hưởng rất lớn đến nhịp độ sinh học của chúng ta, nhưng những nghiên cứu gần đây cho biết năng lượng phát ra từ dòng điện chạy trong trái đất cũng có ảnh hưởng đến nhịp độ ấy nữa.

Những người đề xướng thuyết Gắn Đất cho rằng năng lượng điện của trái đất di chuyển lên xuống tùy thuộc vào vị trí của trái đất và mặt trời, sự lên xuống này giống như cái máy giữ nhịp cho sự lên xuống của các kích thích tố trong cơ thể. Nếu được giữ nhịp nhàng, các kích thích tố sẽ giúp sự trao đổi chất và các bộ phận trong cơ thể được đều hòa và khoẻ mạnh.

Các nhà khoa học từ lâu đã nhận ra bề mặt của trái đất luôn luôn phát ra rất nhiều ion âm (negative ion; ion là một nguyên tử hay phân tử có tổng số [âm] điện tử không bằng tổng số proton ). Nhưng gần đây người ta mới khám phá ra rằng con người sẽ thu vào cả triệu ion âm nếu để da chạm thẳng vào đất. Khi vào trong máu, những ion âm sẽ trung hòa những ion dương (positive ion) mà ta thường xuyên nhận vào người từ các vật dụng bằng điện như điện thoại di động, máy vi tính, ti-vi, v.v... Ion dương là một trong những nguyên nhân gây ra mất ngủ, căng thẳng, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt, run rẩy, và cả sự viêm sưng của cơ thể.

Khi ta nối kết trực tiếp với trái đất (như đi chân trần), những ion âm đi qua da thịt và ngấm vào người qua màng niêm dịch của hệ thống tiêu hóa và hô hấp. Cơ thể ta nhờ đó cũng giữ được khả năng điện từ như trái đất. Ta gọi trạng thái này là “earthing” (gắn đất) để phân biệt với tình trạng “grounding” (tiếp đất), thuật ngữ được dùng cho các trang thiết bị giúp cho người xử dụng không bị điện giựt khi các dòng điện bị đoản mạch.

Theo những bài tường trình của California Institue for Human Science hay báo The Journal of Alternative and Complementary Medicine, nhiều người đã khỏi bệnh sau một thời gian chữa trị bằng phương pháp Gắn Đất. Đàn bà thấy rõ tác dụng của nó hơn đàn ông vì sức khoẻ của phụ nữ lệ thuộc nhiều vào các kích thích tố hơn.

Với cuộc sống hiện đại, người ta ít đi chân trần, ngủ không có đệm, kết quả là không hưởng được những ion âm không mất tiền do trái đất ban cho. Vậy làm thế nào để trị bịnh theo cách Gắn Đất?

Vô cùng đơn giản, ta chỉ cần bỏ giày vớ rồi đi, đứng, hay ngồi với hai chân chạm mặt đất. Tốt nhất là trên cỏ ướt hay cát ẩm vì nước và muối làm tăng thêm độ dẫn các ion âm vào người ta. Với mặt đất chỉ là đất thường hay bê-tông cũng được vì có nhiều khoáng chất và nước, nhưng nên tránh bề mặt trải nhựa đường hay phủ sơn.

Theo những người đề xướng thuyết Earthing, chỉ sau vài phút đi chân trần trên đất, hệ thống thần kinh của ta sẽ lắng dịu, tim đập điều hòa hơn, áp lực của máu bớt cao, và lượng cortison hạ xuống. Nhưng muốn thu vào ion âm đủ để trị những bệnh như thấp khớp, nhức đầu, ta cần đi bộ chân đất mỗi ngày ít nhất nửa tiếng.

Thế nhưng việc đi chân trần có nhiều cái khó của nó. Thứ nhất là dễ bị nhiễm trùng, như có thể bị mụn cóc ở lòng bàn chân (plantar warts), dễ bị các vật nhọn làm trầy sước dẫn đến sài uốn ván (tetanus), hoặc chạm phải những loại cây ngứa làm sưng tấy (như poisong ivy), v.v.. Vì thế người ta nghĩ ra một cách “gắn đất” bằng các tấm nệm, gọi là earthing mats. Đó chỉ là một miếng đệm mỏng có dây điện giá bán khoảng 60 đôla.

Người viết đọc ý kiến của những người đã xử dụng loại đệm “gắn đất” này (trên Amazon.com); có người khen nó giúp cho họ bớt đau nhức, nhưng cũng có người bảo chẳng có tác dụng gì. Cũng dễ hiểu thôi, đau nhức kinh niên là một chứng bệnh khó trị và rất khác biệt giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác.

Dưới đây là câu chuyện của một người đã áp dụng phương pháp Earthing.


Một giải pháp khác?
Nguồn ảnh: http://stuff4restaurants.com
Cô Gail LePine kể rằng cô từng bị chứng đau lưng tại vùng xương cùng khi mới 30 tuổi. Cô đã thử nhiều cách khác nhau, từ yoga đến mát-xa, từ nắn xương cho đến vật lý trị liệu, nhưng đau vẫn hoàn đau. Ngày kia, Gail đọc được một bài viết trên báo về phương pháp Earthing và cô bỗng nhớ ra ngày còn nhỏ cô rất thích chạy nhảy với đôi chân trần. Thế nhưng chữa bệnh bằng cách đi đất nghe vẫn kỳ kỳ thế nào ấy nên Gail đi hỏi ý kiến của anh cô, một bác sĩ. Ngạc nhiên thay, ông này cho rằng đó là một ý rất hay và khuyên cô nên thử. Thế là ngày hôm sau Gail bỏ giày, đi chân không, và ra làm vườn vài tiếng đồng hồ. Tối hôm đó, Gail ngủ được một giấc ngon, không bị cái đau ở hông và lưng hành hạ.

Câu chuyện của cô Gail LePine khiến người viết nhớ tới câu truyện dân gian “Mầm đá - Trạng Quỳnh”

Chúa Trịnh quanh năm ăn toàn sơn hào hải vị, chả thiếu thức gì, mà vẫn không thấy ngon miệng. Một hôm Chúa than với Quỳnh. Quỳnh thưa có món “mầm đá” rất ngon rất lạ xin mời Chúa dùng. Chúa rất vui, đòi Quỳnh làm ngay. Quỳnh bèn sai người đi nấu mầm đá. Nhưng món ăn này lâu chín quá, Quỳnh chạy vào bếp mấy lần mà vẫn chưa được. Bên ngoài Chúa Trịnh chờ lâu nên đói bụng. Thấy vậy, Quỳnh dâng một cái lọ đựng một chất nâu nâu mời Chúa dùng tạm. Chúa Trịnh thấy bên ngoài lọ có dán giấy đề hai chữ “Đại Phong”, nghĩ cũng là một món trên cả tuyệt vời nên vui vẻ ăn thử, ngờ đâu, món Đại Phong kia quả là tuyệt vời. Chúa ăn liền mấy chén cơm. Chúa Trịnh sau hỏi Quỳnh tại sao tên Đại Phong thì Quỳnh thưa rằng Đại nghĩa là lớn, Phong nghĩa là gió; Gió lớn thì đổ chùa; Chùa đổ thì tượng trong chùa đâm lo; “tượng lo” nói lái “lọ tương”. Hóa ra món Chúa Trịnh ăn ngon lành kia chẳng ghê gớm gì, nó chỉ là món tương tầm thường.

Trạng Quỳnh lấy cớ nấu mầm đá nhưng thật ra chỉ muốn cho Chúa Trịnh chờ thật lâu, đói bụng, nên ăn cái gì cũng thấy ngon dù món tương đạm bạc. Nhưng cách đó chỉ tạm một ngày một buổi, không chữa được căn bệnh chính của Chúa Trịnh. Nếu Chúa Trịnh ở vào thời đại ngày nay ông ta sẽ bị liệt vào loại người mắc chứng béo phì. Ông ta cũng có thể bị thêm những chứng bịnh khác như đau lưng, đau khớp gối, ăn không tiêu, táo bón, v.v... những bệnh thường gặp ở người ăn quá nhiều đồ ngon, đồ béo bổ và, nhất là, ít vận động.

Cũng tương tự, cô Gail kia không những đi chân trần trên cỏ mà còn phải vận động nữa. Vài tiếng đồng hồ làm vườn, vươn tay, vươn vai, đứng lên, cúi xuống,... đã giúp các cơ bắp hoạt động. Gân cốt giãn, bắp thịt giãn nên bớt đau lưng là phải.
Con người ngày nay ăn nhiều hơn nhưng ít vận động hơn, Vì thế hoạt động tay chân là điều rất cần thiết để giữ gìn sức khoẻ. Nếu không thể vào phòng tập thể dục một tiếng, ít ra nên làm vườn hay đi bộ nửa tiếng, nhất là dưới ánh nắng mặt trời để cơ thể tạo ra vitamin D, rất cần cho sự tạo thành xương và máu.

Nói như vậy không lẽ đi chân đất chữa bệnh là “lang băm” sao? Chưa hẳn thế.

Trước tiên, đi chân trần trên cỏ, trên cát... luôn luôn tạo cho ta một cảm giác thoải mái dễ chịu, ta sẽ thấy mình như được gắn liền với trái đất, cảm thấy ta và trái đất là một thực thế liền lạc. Với cuộc sống ngày càng văn minh, con người dần xa rời thiên nhiên và không cảm nhận, yêu mến thiên nhiên như cha ông chúng ta thuở trước, và vì thế dù sống trong môi trường tiến bộ chúng ta vẫn thường cảm thấy phiền muộn lo lắng. Nếu ta bỏ ra chút thì giờ tiếp xúc với thiên nhiên, đi chân trần dưới nắng và hít thở không khí, ta sẽ cảm thấy dễ chịu nhẹ nhàng hơn. Vì thế ở nhiều nơi người ta đã tạo ra những công viên chân đất - barefoot park, để con người có dịp tiếp xúc với trái đất thân yêu sau những lúc giam mình giữa đám máy móc.

Chân đất
Nguồn ảnh: Copyright Terry Whittaker
Sau nữa, Earthing là một cách trị bệnh không tốn kém và dễ làm nếu ta có chuẩn bị và cẩn thận, vậy tại sao không thử? Nhất là với các bạn gái, bây giờ các bạn có thể đòi người yêu đi dạo với mình trên cát biển. Anh ấy có thể không thích sự lãng mạn nhưng sẽ khó từ chối lý do vì sức khoẻ của cả hai.
Mộc Lan

1 comment: