Tuesday, January 31, 2012

Giải mã bí ẩn của các biểu tượng Ai Cập cổ đại

Theo dấu lịch sử để khám phá những biểu tượng cổ xưa huyền bí của đất nước Ai Cập.
Được mô tả trong các văn bản xưa như là “ Lời của thần linh”, các biểu tượng này được sử dụng thường xuyên trong các lễ nghi tôn giáo và phép thuật ở Ai Cập. Mỗi biểu tượng đều mang một ý nghĩa riêng biệt, đặc trưng cho văn hóa tín ngưỡng của người Ai Cập, làm giàu thêm cho bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước giàu truyền thống này.
Ankh
Biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu
Ankh là chữ tượng hình Ai Cập có nghĩa là "cuộc sống". Chỉ có các Pharaoh, Hoàng hậu và các vị thần mới được phép mang biểu tượng này vì nó được tin là sẽ đem lại sức mạnh cho người cầm nó có thể ban hay tước đoạt sinh mệnh từ những người khác.
Nó còn được coi như là “chìa khóa của sự sống” do chính hình dạng giống như chiếc chìa khóa của nó đã tạo nên niềm tin nó có thể mở khóa “cửa địa ngục”. Ankh cũng gợi lên hình ảnh của mặt trời mọc nơi đường chân trời, biểu thị cho sự tái sinh mỗi ngày.
Từ thời đại Middle Kingdom (1986 – 1759 BC), từ ankh còn được dùng để chỉ gương và thú vị là chiếc gương cũng được tạo ra dưới hình dạng của biểu tượng này.
Nó cũng là cảm hứng để tạo nên biểu tượng tượng trưng của vị thần Vệ Nữ của Hy Lạp, về sau được sử dụng rộng rãi như là biểu tượng của sao Kim, giới nữ hay kí hiệu của đồng.
Sau này khi Thiên chúa giáo ra đời, nó được Giáo hội cơ đốc Ai cập sử dụng làm biểu tượng như một dạng đặc biệt của hình tượng cây thánh giá.
Con mắt của Horus
Biểu tượng của trí tuệ, sự bảo vệ và sức khỏe
Có hình dáng trông giống như mắt của một chú chim ưng, biểu tượng này cũng được gọi là mắt của Ra. Horus, còn được gọi là thần mặt trời Ra, là một một vị thần mình người đầu chim ưng trong thế giới Ai Cập cổ đại.
Ông là vị thần đại diện cho sức khỏe, sự sống và tái sinh. Horus là con trai của Osiris và Isis. Mắt phải của ông là màu trắng, đại diện cho mặt trời, và mắt trái của ông là màu đen, đại diện cho mặt trăng.
Theo truyền thuyết Ai Cập, Seth, anh trai của Horus, đã giết hại thần Osiris. Horus đã chiến đấu với Seth để trả thù cho cái chết của người cha và bị mất mắt trái của ông trong cuộc chiến.Thoth, vị thần của phép thuật và mặt trăng, đã sử dụng quyền năng của mình để khôi phục lại con mắt của Horus.
Khi đưa con mắt này ra trước Osiris, Osiris đã được tái sinh trở lại. Con mắt của Horus, cũng được gọi là "Oudjat", tượng trưng cho sự bảo vệ chống lại cái ác và đem đến trí tuệ, sự uyên bác.
Ngày nay, chúng ta thấy có một biểu tượng tương tự trên các đơn thuốc, Rx, chính là có nguồn gốc từ biểu tượng này.
Vào thế kỉ thứ 2, Galen đã vay mượn biểu tượng huyền bí từ trong truyền thuyết của người Ai Cập và sử dụng nó để gây ấn tượng với những bệnh nhân của mình. Sau đó dần dần phát triển thành kí hiệu Rx ngày nay dành cho các toa thuốc. Nó mang ý nghĩa tượng trưng cho sự hồi phục và tính thống nhất.
Lông vũ của Maat
Biểu tượng của chân lý, đạo đức, cán cân công lý
Chiếc lông vũ được coi là vật tượng trưng của nữ thần Maat. Trái tim của người chết sẽ được đem ra cân để so với lông vũ của thần Matt trong Ngày phán xét cuối cùng.
Nếu đó là trái tim của một người thật thà, thì nó sẽ bằng trọng lượng với chiếc lông vũ và người đó sẽ được phép vào Vương quốc của Osiris. Còn nếu trái tim đó chất đầy với tội lỗi thì nó sẽ nặng hơn chiếc lông vũ và người đó sẽ bị đem đi làm mồi cho loài quái vật Ammut.
Phiên tòa Maat
Đó là trách nhiệm của các Pharaoh để thiết lập và duy trì luật Maat như là cách để giữ trật tự vũ trụ ở thế cân bằng. Khi một Pharaoh băng hà, Maat sẽ tạm thời biến mất và thế giới lại chìm trong sự hỗn mang, cho đến khi có sự lên ngôi của một vị Pharaoh mới.
Mỗi biểu tượng lại là một câu chuyện thần bí đằng sau.
Móc và néo
Biểu tượng của sức mạnh và quyền lực hoàng gia
Móc và néo thường đi với nhau như một cặp, được sử dụng phổ biến từ triều đại Middle Kingdom, là vật tượng trưng được sử dụng giống như quyền trượng khẳng định sức mạnh và quyền lực của nhà vua. Cặp đôi này có nguồn gốc từ vị thần nông nghiệp cổ đại của Ai Cập, Anedjti. Ông được miêu tả đội chiếc vương miện có gắn 2 chiếc lông vũ và tay cầm chiếc móc và néo đặc trưng.
Về sau, Anedjti đồng hóa làm một với Osiris và mọi đặc trưng trong nhân dạng của vị thần này cũng được chuyển giao sang thần Osiris.
Thần Osiris
Chiếc móc được cầm bên tay trái còn chiếc néo được cầm bên tay phải. Chiếc móc (heq) tượng trưng cho tính âm hay “quyền lực về mặt tinh thần” của một Pharaoh, khẳng định vai trò như là người bảo vệ của dân hay là “shepherd”- Chúa trời chịu trách nhiệm lãnh đạo, chăm lo cho những “con chiên” của mình. Chiếc néo (nekhakha) tượng trưng cho tính dương và khía cạnh về quyền lực hữu hình vì Pharaoh là người trần nhưng đại diện cho tất cả các vị thần cai quản 3 cõi : siêu hình, vũ trụ và trái đất. Nó cũng đại diện cho người nông dân – người tạo ra lương thực và coi sóc mọi sự sống trên đồng ruộng (chiếc néo được sử dụng như dụng cụ đập lúa của người nông dân trong thời Ai Cập cổ xưa).
Thông điệp của nó như là một lời nhắc nhở một người lãnh đạo có tài năng thực sự phải biết kết hợp kỷ luật với trí tuệ và sự hiểu biết, phải có lòng nhân từ để hòa dịu công lý và đưa ra những phán quyết đúng đắn nhất.
Tư thế cầm của chúng cũng mang những ý nghĩa khác nhau. Thời xa xưa, tư thế bắt chéo hai cánh tay vào nhau trước ngực là biểu thị cái chết và người chết thường được chôn theo tư thế này.
Tuy nhiên, cũng với tư thế này và với hai chiếc móc và néo được bắt chéo với nhau thì lại mang nghĩa là sự hồi sinh như trong các bức hình ta thường thấy ở quan tài của vua Tutankhamun. Còn khi cầm thẳng chúng ở trước mặt thì mang nghĩa là sự phán xét, hay được miêu tả gắn liền với thần Anubis, vị thần Cõi âm và là người phán xét trong phiên tòa Maat.
Người ta cho rằng kí tự X có nguồn gốc chính từ hình ảnh hai chiếc néo và chiếc móc bắt chéo với nhau và đó là biểu tượng của cái chết và sự tái sinh. Trong nguyên gốc, từ “ex” vốn là tượng trưng cho chữ X mang nghĩa là đã chết, khi người ta nói ex-husband nghĩa là để ám chỉ người chồng đã mất.
Bọ hung
Biểu tượng của sức mạnh, sáng tạo và sự biến đổi
Bọ hung là đại diện cho thần mặt trời Khepri liên quan đến sự hồi sinh. Loài bọ hung thường đẻ trứng trong phân các loài vật khác, cuộn tròn chúng lại như viên bi và lăn vào trong lỗ, là sự khởi đầu trong vòng đời của một chú bọ hung con. Người Ai Cập ví tập tính này giống như sự chuyển động của “ quả bóng” mặt trời lăn trên bầu trời và sự tái sinh hàng ngày của nó.
Những người Ai Cập cổ đại tin rằng một con bọ hung bay trên bầu trời mỗi buổi sáng sẽ gọi mặt trời lên. Con bọ hung vì thế là biểu tượng của mặt trời mọc, được sử dụng để bảo vệ khỏi quỷ dữ, nó còn là biểu tượng của sự tái sinh, sáng tạo, sự biến đổi, đem lại sức mạnh cho người đeo nó.
Bọ hung cánh lớn và bọ hung hình trái tim được coi là loài côn trùng may mắn và được đặt trên các xác ướp để bảo vệ họ chống lại ma quỷ. Khi Pharaoh Amenhotep III băng hà, hàng trăm vật kỉ niệm có hình bọ hung đã được làm để ghi dấu những cột mốc sự kiện trong cuộc đời của ông.
Hoa sen
Biểu tượng của Mặt trời, sự thanh cao, sức sáng tạo và sự tái sinh
Ai Cập có hai giống hoa sen bản địa sinh trưởng là loại sen trắng và sen xanh, sau này có thêm loại sen hồng được du nhập từ Ba Tư. Cả ba loại sen này đều được miêu tả trong nghệ thuật Ai cập nhưng giống sen xanh được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất.
Theo thuyết sáng tạo của người Ai Cập, trong buổi sơ khai, có một bông hoa sen khổng lồ mọc lên trên đại dương của sự hỗn mang. Từ bông sen đó, mặt trời ló dạng lần đầu tiên trên Trái đất.
Búp sen vàng trong bông sen xanh làm người Ai cập liên tưởng đến Mặt trời mọc lên từ nơi mặt biển nguyên sơn như trong truyền thuyết về sự ra đời của vạn vật. Vào buổi đêm, bông hoa cụp cánh và chìm dưới mặt nước để rồi đến bình minh, nó lại nở bung rực rỡ.
Các giống hoa màu xanh hay màu trắng được sử dụng rộng rãi trong các chế phẩm thuốc. Trong toán học, biểu tượng hoa sen tượng trưng cho con số 1000. Nó cũng là biểu tượng của Thượng Ai Cập và đại diện cho sự phục sinh của Isis.
Nền văn minh Ai Cập cổ đại với những câu chuyện kỳ bí luôn là “thỏi nam châm” có sức hút mãnh liệt với con người...
Có thể nói, kim tự tháp là một trong những công trình vĩ đại mà đến nay, khoa học hiện đại vẫn chưa lý giải hết được quá trình xây dựng nó. Đó là chưa kể đến những truyền thuyết xung quanh lăng mộ của các Pha-ra-ông bí ẩn luôn gắn liền với các kim tự tháp.
Để giải mã được một phần những bí ẩn của nền văn minh Ai Cập cổ, chúng mình sẽ “đột nhập” kim tự tháp thử một phen nhé!

Kim tự tháp là lăng mộ của các Pha-ra-ông được cho là nơi chôn giấu của cải, vật dụng khi còn sống của Pha-ra-ông. Đối với những tên trộm sa mạc, nơi đây chẳng khác gì mỏ vàng. Vì vậy, để bảo vệ sự yên bình cho Pha-ra-ông cũng như an toàn cho số của cải chôn theo, dưới thời vua Tutankhamun, các Pha-ra-ông thường được chôn sâu dưới lòng đất.
Người Ai Cập cổ có niềm tin mạnh mẽ về cuộc sống vĩnh hằng sau khi chết. Thậm chí, họ còn cho rằng đó mới là lúc bắt đầu cuộc sống thực sự của một con người. Vì vậy, các lăng mộ thường được chôn theo mọi thứ của Pha-ra-ông lúc còn sống để ngài có thể tiếp tục sống cuộc sống mới ở kiếp sau. Không kể vàng bạc, trang sức… họ đem chôn mọi vật dụng dùng hàng ngày của ngài, thậm chí là cả một cái… bô! Có thể, chú mèo của Pha-ra-ông cũng sẽ được ướp xác để tiếp tục bầu bạn với chủ nhân của mình dưới suối vàng.



Hầm mộ của nhà vua luôn là kho tàng đối với bọn đào mộ trộm.
Các Pha-ra-ông còn được chôn cùng nhiều hình nộm đầy tớ trong lăng mộ của mình. Các quan tư tế cho rằng các hình nộm này sẽ phục vụ Pha-ra-ông ở kiếp sau. Nhưng riêng những vị Pha-ra-ông chết trẻ, họ sẽ được chôn cùng người sống. Đó là những người đầy tớ bị “đánh vào đầu” để “đi theo nhà vua”. Người Ai Cập cổ cho rằng đó là minh chứng của sự trung thành.
Công nghệ hiện đại đã mô phỏng được khuôn mặt vua Tut dựa trên xác ướp của ngài.
Một số người tin rằng vị Pha-ra-ông trẻ Tutankhamun đã bị sát hại bởi chính bác ruột của mình - Ay - người mà sau này đã lên ngai vàng thay ngài. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều thương tổn đằng sau gáy của xác ướp Pha-ra-ông Tut (tên gọi khác của Tutankhamun). Họ đặt ra giả thuyết có khả năng ngài đã gặp tai nạn trong một chuyến đi săn.
Nhưng đến năm 2005, với công nghệ chụp X-Quang CT hiện đại, đội nghiên cứu đã phát hiện ra ngài từng bị gãy chân và đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết đầy tranh cãi của vị Pha-ra-ông trẻ tuổi. Thông thường, một người khó lòng "từ giã cõi đời" chỉ vì chiếc chân gẫy của mình nhưng dưới "bàn tay" của bệnh sốt rét, đây sẽ là một câu chuyện khác. Theo kết quả xét nghiệm ADN từ mẫu các xác ướp có trong lăng mộ, Pha-ra-ông Tut đã nhiễm vi-rút sốt rét và khiến chuyện gãy chân của ngài trở thành mối hiểm họa thực sự, có ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống.
Chiếc mặt nạ bằng vàng nặng 11 kg nổi tiếng của vị Pha-ra-ông trẻ tuổi.

Ngay cả quan tài của Pha-ra-ông cũng được làm bằng vàng. Quả thực đây là một kiệt tác nghệ thuật được chạm trổ rất tinh xảo.

Hình ảnh các nhà khảo cổ học khi tìm thấy xác ướp Pha-ra-ông Tut.
Vào những năm 1800, nhiều người tin rằng các kim tự tháp chứa đựng một sức mạnh vô hình nào đó khi nó có thể bảo quản, gìn giữ xác của Pha-ra-ông nguyên vẹn hay thậm chí có thể làm sắc lại lưỡi dao đã cùn.



Các kim tự tháp thường được ví như những chiếc máy tính làm từ đá, đài thiên văn thời cổ đại dành cho các nhà thiên văn học và chiêm tinh học. Đứng trên kim tự tháp, người Ai Cập cổ có thể tính tương đối chính xác chu kỳ của một ngôi sao, từ đó suy ra thời gian của các vụ mùa, thời gian hoàn thành các công trình xây dựng lớn...
Đối với người Ai Cập cổ, hình ảnh kim tự tháp còn biểu trưng cho quyền lực tuyệt đối của nhà vua và cũng là cách nhà vua đến với thần Ra (Thần Mặt Trời - vị thần quan trọng nhất trong tín ngưỡng Ai Cập cổ đại) sau khi qua đời. Điều này giống như việc quan niệm "lên thiên đường" của đạo Thiên Chúa.
Các kiến trúc sư của vua Napoleon (Pháp) từng nói rằng, nếu sử dụng khối lượng đá dùng để xây nên kim tự tháp lớn Giza thì họ có thể xây dựng được một bức tường vòng quanh nước Pháp.
Vua Napoleon đã từng đi vào kim tự tháp Ai Cập. Lúc trở ra, người ta trông thấy sắc mặt ông vô cùng nhợt nhạt, đi đứng cũng không vững. Mặc dù Napoleon từ chối nói về điều này nhưng theo một số người thì có thể ông đã nhìn thấy trước tương lai của mình.
Napoleon từng có chuyến "du hành" vào kim tự tháp.
Những người Hy Lạp cổ cho rằng các kim tự tháp được xây dựng trong khoảng thời gian trên 10 năm với sự góp sức của 10.000 nô lệ. Tất cả số nô lệ này đều bị đối xử rất tàn tệ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Chúng được xây dựng bởi 25.000 người đàn ông hay thậm chí là hơn cả thế. Những người này được đối xử rất tốt. Họ được cung cấp thịt bò và nước uống, và mỗi người chỉ bị buộc phục vụ cho việc xây kim tự tháp trong 5 năm. Đối với một số người, việc tham gia xây kim tự tháp là cả một sự tự hào to lớn.
Bên trong kim tự tháp là dày đặc các cơ quan, mật thất với đường đi lắt léo cùng nhiều cạm bẫy.
Ảnh mô phỏng việc xây dựng kim tự tháp của các nô lệ thời đó.
Sau nghi án nữ hoàng Cleopatra không xinh đẹp, hãy cùng chúng tớ đi tiếp cuộc hành trình tìm kiếm lời giải về bí ẩn ở Ai Cập cổ đại nhé!
Nội thất kim tự tháp

Trong các bản miêu tả bằng chữ tượng hình, nội thất kim tự tháp được khắc họa khá nhiều qua các ký hiệu về ngai vàng hay nhiều món đồ vật trang trí; đặc biệt là bên trong khu mộ cổ và cung điện.

Nhưng trên thực tế, trong các kim tự tháp lại không trang hoàng lộng lẫy đến vậy. Cho đến nay, kim tự tháp Giza qua khảo cứu được cho là trống rỗng.


Ngoài ra, không phải toàn bộ khu kim tự tháp đều là đá vôi màu tự nhiên 4000 năm như nhận định, mà nhiều đoạn, như các trụ cột - được sơn màu đỏ hoặc trắng. Những gam màu cơ bản hay những chữ viết ẩn vẫn còn nguyên vẹn trên các cổ vật, kỳ quan này.

Các Pha-ra-ông chôn cất cùng người hầu?

Hai Pha-ra-ông của triều đại Ai Cập đầu tiên được biết tới là sau khi chết, có người được chôn vùi cùng họ. Bởi vậy, giả định này mang tới bí ẩn về sự giết hại người hầu để đi theo hầu hạ Pha-ra-ông.

Các tượng Shabtis được chôn cất cùng Pha-ra-ông.

Nhưng các Pha-ra-ông sau đó nhận ra người hầu được sống có giá trị hơn nhiều so với chết đi. Vì vậy, họ đã lệnh sau khi chết sẽ chôn cất cùng các “shabtis” - những bức tượng theo họ sang thế giới bên kia.

Nô lệ xây dựng nên Kim tự tháp?

Quan điểm nô lệ xây dựng nên công trình vĩ đại này được phổ biến rộng rãi bởi báo cáo của nhà sử học Hy Lạp Herodotus từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Điều đó là không chính xác vì các nhà khảo cổ đã tìm ra những hài cốt của những người thợ được chôn cất trong các kim tự tháp bên cạnh kim tự tháp Giza. Được chôn cất bên cạnh những vị Pha-ra-ông không bao giờ là vinh dự của các nô lệ thời đó.

Khu kim tự tháp Giza - lăng mộ của các Pha-ra-ông.

Ngoài ra, số lượng lớn xương gia súc, chủ yếu là bò được khai quật ở gần kim tự tháp Giza, đó là món ăn chính của các thợ xây dựng. Việc xây dựng này đòi hỏi tay nghề, kỹ năng và chuyên môn cao nên không thể do nô lệ tạo dựng nhưng cũng không thể không kể đến công sức vận chuyển khối lượng lớn nguyên liệu xây dựng không nhỏ của họ.

Tóm lại, những người thợ xây có tay nghề mới là lực lượng chính, chứ không phải nô lệ.

Lời nguyền của các Pha-ra-ông

Những lời bùa chú trên bia mộ Ai Cập cổ khiến người ta sợ hãi nhất: "Bất cứ người nào đến quấy nhiễu sự yên ổn của Pha-ra-ông, thì cánh cửa tử thần sẽ giáng xuống đầu người đó". Nhiều lời bùa chú tựa như thần thoại đó, đã cảnh cáo trước cho những kẻ tham lam đời sau muốn nhòm ngó báu vật vô giá trong mộ và đề phòng việc đào trộm mộ.

Một bức tượng Pha-ra-ông.

Rất nhiều nhà khảo cổ từng khai quật lên những cổ vật, châu báu… trong khu lăng mộ rồi sau đó đột nhiên chết vì nhiễm độc, bệnh tật hay côn trùng cắn đốt...
Tìm hiểu sự bí ẩn về vị vua bị... hà mã giết chết, lời nguyền trong lăng mộ của vị vua 18 tuổi và "Ông tổ vĩ đại" của Ai Cập.
Các Pha-ra-ông Ai Cập cổ đại được coi như hiện thân của các vị thần, nắm trong tay quyền sinh tử của mọi người. Xuyên suốt 3.000 năm lịch sử của Ai Cập cổ đại, đã có khoảng 170 Pha-ra-ông lên ngôi và cai trị đất nước. Ngai vàng của các triều đại Ai Cập chủ yếu là “cha truyền con nối”, nhưng trong nhiều trường hợp, truyền thống này bị gián đoạn bởi những âm mưu ám sát, cướp ngôi.

Các Pha-ra-ông thường kết hôn với con gái, cháu gái hoặc chị em của mình vì họ cho rằng đó là cách duy nhất để duy trì “dòng máu hoàng gia”. Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra sự phức tạp trong lịch sử Ai Cập cổ đại; chưa kể là nếu nhìn nhận ở góc độ khoa học, việc làm trên sẽ gây ra hiện tượng thoái hóa giống do giao phối cận huyết.

1. Pha-ra-ông Menes


Pha-ra-ông Menes được cho là vị vua sáng lập ra Vương triều Ai Cập đầu tiên, cách đây khoảng 3.100 năm TCN. Tuy vậy, theo một số ghi chép lịch sử, Pha-ra-ông Menes có thể là một vị vua được hư cấu trong thần thoại giống như Romulus và Remus, cặp song sinh sáng lập ra nền văn minh La Mã cổ đại.


Tượng đá miêu tả chân dung Pha-ra-ông Menes.

Truyền thuyết Ai Cập cổ cho rằng Pha-ra-ông Menes là người đã hợp nhất vùng Thượng và Hạ Ai Cập thành một vương quốc, trở thành người đầu tiên trị vì đất nước. Vị Pha-ra-ông này từng được nhắc đến dưới nhiều cái tên khác nhau (Min, Meni…) trong những ghi chép lịch sử của các nền văn minh Hy Lạp cổ đại hay thậm chí là các vương triều Ai Cập cổ.


Di tích thành cổ Memphis cùng tượng nhân sư mang mặt vị Pha-ra-ông này.

Ông là người cho xây thành Memphis (Ai Cập) - ngôi thành lớn nhất thế giới thời đó, rồi lấy đây làm kinh đô. Theo truyền thuyết, sau khi trị vì vương quốc được 62 năm, Menes bị… hà mã giết chết trong một tai nạn.


2. Pha-ra-ông Tutankhamun (thường gọi là vua Tut)

Có lẽ, vị vua nổi tiếng nhất trong các triều đại Ai Cập cổ không ai khác chính là Pha-ra-ông Tutankhamun, hay còn được gọi là vua Tut. Theo nhiều nghiên cứu, ông được cho là vị vua thứ 12 trị vì triều đại Ai Cập thứ 18. Bằng nhiều phép tính khác nhau, các nhà khoa học cho rằng Pha-ra-ông Tutankhamun trị vì Ai Cập từ năm 1334 – 1325 TCN.


Pha-ra-ông Tutankhamun qua đời khi còn rất trẻ (18 tuổi). Cái chết bí ẩn của vua trẻ này đã khiến cả thế giới quan tâm khi lăng mộ của ông lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1922. Sau khi vua Tut qua đời, quan đại thần Ay (vốn là bác ruột của nhà vua) lên ngôi, trở thành vị Pha-ra-ông cuối cùng của vương triều thứ 18.


Rất nhiều giả thiết về cái chết của vị vua này được đưa ra và hầu hết đều nghiêng về một vụ ám sát. Trong nỗ lực hóa giải bí ẩn, các nhà khoa học đã chụp cắt lớp xác ướp 3.000 năm của vị vua Ai Cập cổ đại. Họ tìm ra mảnh xương gãy trên sọ của ông nhưng cho rằng vết nứt trên xương xuất hiện có thể do ông bị ngã hoặc một tai nạn trong quá trình ướp xác. Cho đến năm 2005, bằng kỹ thuật Y khoa hiện đại, người ta đã tìm ra nguyên nhân cái chết của Pha-ra-ông Tutankhamun: Bệnh sốt rét.


Đội nghiên cứu phát hiện ra ngài từng bị gãy chân và đây chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết đầy tranh cãi của vị Pha-ra-ông trẻ tuổi. Thông thường, một người khó lòng "từ giã cõi đời" chỉ vì chiếc chân gẫy của mình nhưng dưới "bàn tay" của bệnh sốt rét, đây sẽ là một câu chuyện khác. Theo kết quả xét nghiệm ADN từ mẫu các xác ướp có trong lăng mộ, vua Tut đã nhiễm vi-rút sốt rét và khiến chuyện gãy chân của ngài trở thành mối hiểm họa thực sự, ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống.


Tương truyền, sau khi qua đời, vua Tut được chôn cùng rất nhiều của cải, vàng bạc châu báu. Chính vì vậy mà lăng mộ của vị Pha-ra-ông này luôn là mục tiêu được bọn đào trộm mộ ưu tiên.

Lăng mộ vua Tut nổi tiếng vì các lời nguyền và những cái chết xoay quanh nó. Theo ghi chép, trong khi khám phá mộ Pha-ra-ông Tutankhamun, Huân tước Carnarvon đã thấy một dòng chữ: “Cái chết sẽ nhanh chóng đến với ngươi nếu dám xâm phạm sự thanh bình của Hoàng đế...”. Bất chấp lời cảnh báo, các nhà khảo cổ vẫn tiến hành công việc của mình. Hậu quả là ngay sau cuộc khai quật, nhà khảo cổ Carnarvon đã qua đời. Người ta lập tức cho rằng ông là một nạn nhân của lời nguyền.


Sau này, “lời nguyền” còn đeo bám rất nhiều người có liên quan đến cuộc khai quật như cậu em cùng cha khác mẹ của Huân tước Carnarvon, nữ hộ lý của ông, nhà tỷ phú Mỹ từng vào thăm hầm mộ, người thợ chụp ảnh và bác sĩ trực tiếp khám nghiệm xác ước, vợ Huân tước – bà Almina… Tuy nhiên, dưới góc nhìn của khoa học, các nhà nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân thực sự của những cái chết này: Họ đã hít phải khí độc trong hầm mộ cũng như các vi khuẩn độc hại có trên xác ướp. Thực tế, với sự thiếu hiểu biết, người dân Ai Cập đã thêu dệt nên các “lời nguyền độc đoán của Pha-ra-ông”.


3. Pha-ra-ông Ramesses II

Pha-ra-ông Ramesses II, hay còn được biết đến với tên Ramesses Đại đế, Ramses II hay Ozymandias theo nguồn tiếng Hy Lạp, được ghi nhận là một trong những vị vua vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ. Các nhà văn người Hy Lạp cổ đại như Herodotus cho rằng những thành công của ông dẫn tới huyền thoại về Sesostris (Pha-ra-ông với tài cầm quân vĩ đại, hiện chưa được xác định rõ là vua Ramesses II hay Seti I). Những người thừa kế vua Ramesses II, cũng như nhiều người Ai Cập cổ sau này, gọi ngài là "Ông tổ vĩ đại", người cha của quốc gia.


Tượng đá Pha-ra-ông Ramesses II.
Pha-ra-ông Ramesses II được sinh vào khoảng năm 1303 TCN. Ở tuổi 14, ông được vua cha Seti I chọn làm thái tử kế vị. Theo nhiều tài liệu, Ramesses Đại đế lên ngôi vua khi mới ngoài 20 tuổi, cai trị Ai Cập từ 1279 TCN – 1213 TCN (tổng cộng khoảng 66 năm 2 tháng theo Manetho). Ông là một trong những nhân vật thời xưa duy nhất được tin là sống đến 99 tuổi. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khảo cổ, giả thiết ông qua đời khi ở tuổi 90 hoặc 91 thì hợp lí hơn.


Hình ảnh oai vệ của Ramesses trên cỗ xe ngựa.

Sau khi qua đời, Pha-ra-ông Ramesses được chôn tại “Thung lũng các vị vua”. Thi hài ông sau này đã được đưa tới nhà xác Hoàng gia, nơi nó được tìm thấy năm 1881, và hiện nay là tại bảo tàng Ai Cập ở Cairo.


Tượng Ramesses II trước cửa đền thờ Abu Simbel.

Một số nhà khoa học khác cho rằng, cái gọi là bùa chú của Pha-ra-ông hay cái gọi là “năng lượng tháp”, rất có thể đến từ bản thân sự cấu tạo của kim tự tháp: thiết kế - cấu tạo của hầm mộ và lối đi trong mộ có thể sinh ra, tụ tập và phóng ra các tia xạ, các dao động từ và các sóng năng lượng, hoặc hình thành một trường vật nào đó, gây hại cho cơ thể con người.

Vẫn còn rất nhiều bí ẩn về nền văn minh cổ đại này mà khoa học còn phải nhiên cứu lâu dài.

Đã đến Ai Cập thăm kim tự tháp rồi thì đừng quên khám phá những bí ẩn li kì này bạn nhé!
Bí mật lăng mộ cổ
Hầu như tất cả kim tự tháp được phát hiện ở Ai Cập đều từng bị trộm mò vào trước đó. Đó là lí do vì sao phát hiện về khu mộ đá ngầm của vua Tutankhamun là vô cùng quan trọng. Tại Ai Cập, bên cạnh thời tiết khắc nghiệt thì nạn đào mộ trộm thực sự là mối nguy lớn nhất đối với sự yên nghỉ của các nhà vua.
Lực lượng đào mộ trộm ở đây nhiều đến mức nó từng là một trong những nghề nghiệp hấp dẫn, mang lại nhiều thu nhập nhất cho đám thanh niên. Tuy nhiên, không phải kẻ nào cũng thành công bởi hầu hết đều phải trả giá rất đắt bằng chính tính mạng của mình. Đám đào mộ trộm sẽ “đi theo Pha-ra-ông” sau một thời gian đột nhập lăng mộ vì nhiễm phải khí độc bên trong.
Một lăng mộ đang được khai quật.
Tương truyền, thời xa xưa, từng có một vị vua của Baghdad đột nhập vào trung tâm của đại kim tự tháp Giza. Ông ta phát hiện ra quan tài của Pha-ra-ông Cheops nhưng bên trong thì trống không. Lý giải cho điều này, các nhà khảo cổ cho rằng ông ta đã vào nhầm phòng vì bên trong kim tự tháp là rất nhiều phòng chứa xác ướp giả, tạo thành một mê cung đánh lừa bọn đào mộ trộm.
Với sự nổi tiếng và “chịu chơi” cho lăng mộ của mình, nơi chôn cất Pha-ra-ông Tutankhamun cũng đã bị trộm “viếng thăm” chỉ vài ngày sau khi “nhập quan”. Những tên trộm này đã để lộ dấu vết khi đánh rơi một túi đầy nhẫn trên đường hầm mà chúng đào vào.
Nhắc đến lăng mộ Tutankhamun, chúng ta không thể bỏ qua Lord Carnarvon, người tài trợ cho việc khai quật lăng mộ năm 1922. Ông đã qua đời một năm sau đó. Khi ông chết, những ngọn đuốc sáng của Cairo đã phụt tắt, con chó của ông chạy vào nhà sủa không ngừng. Nhiều người nói rằng đó chính là tai họa mà ông ấy phải chịu từ lời nguyền của các vị vua.

Chân dung Lord Carnarvon.
Ngoài vàng bạc châu báu được chôn theo, các xác ướp còn được chôn cùng với “Cuốn sách của Thần Chết” (The book of Dead). Đây không hẳn là những lời nguyền ám lên lũ trộm mộ mà chỉ là sách hướng dẫn làm thế nào có thể sống ở kiếp sau của các Pha-ra-ông.

Như đã đề cập trong kỳ trước, người Ai Cập cổ có niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống ở thế giới bên kia. Thậm chí, họ còn cho rằng khi một người từ giã thế gian thì mới chính là lúc anh ta bắt đầu cuộc sống thực sự.
Cuốn sách này từng được xuất bản rộng rãi.
Người chết sẽ phải vượt qua cửa ải trí tuệ của thần Horus.
Khu khai quật lăng mộ vua Djer.
Năm 1901, nhà sử học người Anh, Flinders Petrie đã khám phá ra lăng mộ của Pha-ra-ông Djer (nhà vua của triều đại Ai Cập đầu tiên). Khi đó, ông đã tìm thấy một cánh tay được quấn vải băng để bịt lại lỗ hổng trên bức tường. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa xác minh được đó là tay của ai. Nhiều giả thiết cho rằng đó là cái giá phải trả cho một tên trộm mộ.
Nhà sử học người Anh Flinders Petrie đã phát hiện ra lăng mộ Pha-ra-ông Djer.

Lăng mộ của các Pha-ra-ông thường có diện tích rất lớn vì nó được xem là cung điện của nhà vua ở thế giới bên kia.
Trong những năm 1880, một tên trộm đã bị tóm sau khi bán những món trang sức quý giá của gần 30 xác ướp. Được biết, tên trộm này từng là hướng dẫn viên du lịch đưa khách tham quan các lăng mộ cổ. Do không kiềm chế được lòng tham trước những món trang sức quý giá, hắn quyết định “chuyển nghề” thành một tên trộm.
Việc tàu Titanic chìm từng bị đổ lỗi do lời nguyền từ xác ướp được đặt trên tàu trên đường chuyển tới Mỹ. Câu chuyện này ám ảnh nhiều người trong thời gian dài và sau này các nhà khoa học đã chứng minh việc đó không hề có thực.
Lời nguyền của xác ướp từng bị cho là nguyên nhân làm chìm tàu Titanic.
Bí mật các xác ướp
Những xác ướp được đặt trong chiếc lều đặc biệt mang cái tên khá “kêu”: “The Beautiful House” (Tạm dịch: Ngôi nhà xinh đẹp) với ngụ ý các quan tư tế đang làm một việc nhân đạo, giúp xác ướp bắt đầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Ngôi nhà xinh đẹp" của các xác ướp. Sở dĩ, người Ai Cập cổ phải chọn một nơi hẻo lánh như vậy vì sẽ tránh được ánh mắt nhòm ngó của bọn đào mộ khi chuyển xác ướp đến các lăng mộ.
Trước khi tiến hành ướp xác, các quan tư tế sẽ phải loại một số cơ quan của xác ướp đi để giúp công việc bảo quản được tốt hơn. Các cơ quan này sẽ được cất trong các hũ nhỏ khác nhau, chôn theo xác ướp để đảm bảo rằng xác ướp vẫn đầy đủ mọi cơ quan khi bước sang thế giới bên kia.
Các đôi mắt của xác ướp được thay thế bằng đá đen. Tuy nhiên, dưới thời Ramesses IV, họ đã thay bằng hành. Điều đó sẽ khiến cho những người thời bấy giờ nhỏ nước mắt khi vào tham quan các lăng mộ, một cách để thể hiện sự thương tiếc đối với người quá cố.

Linh hồn các xác ướp Pha-ra-ông sẽ đi qua Duat - một nơi có những hồ nước sôi, sông lửa và những con rắn phun nọc độc! Đây chính là địa ngục theo trí tưởng tượng của người Ai Cập. Nếu vượt qua được tất cả và chứng minh cốt cách hoàng tộc trong mình, Pha-ra-ông sẽ được đến với thần Mặt Trời (thần Ra) – lên thiên đàng.
Thần ướp xác Anubis đang cân quả tim (sự thành thật) của người chết với một chiếc lông chim.
Sau khi vượt qua ải "cân tim", thần Anubis sẽ dẫn người chết đến gặp Diêm Vương.
Vua Charles II (Anh) từng thu nhặt và hứng những lớp bụi rơi ra từ các xác ướp để dùng chúng trên da của mình. Ông tin rằng “những sức mạnh linh thiêng, cao quý nhất” sẽ giúp thanh tẩy cơ thể ông khỏi bụi thế trần tục.
Vua Charles II từng là người rất tin vào sức mạnh của các xác ướp.

Các xác ướp bị đánh cắp rồi được gửi đến Mỹ những năm 1890 đều bị đem nghiền và trộn thành giấy gói. Sau đó, các khách hàng bắt đầu tử vong hàng loạt do dịch tả. Vào thời điểm đó, người ta cho đó là sự trả thù của xác ướp, nhưng thực tế, công nghệ tẩy trùng giấy ở thế kỷ 19 chưa thực sự phát triển nên các vi khuẩn có trong xác ướp đã gây ra căn bệnh này.

1 comment: