Friday, January 6, 2012

Thanh Trà

Thanh trà là một loại trái ngon, đẹp, mới nổi lên và được thị trường ưa chuộng. Có thể nói, đây là đặc sản thứ hai, sau bưởi Năm roi, của huyện Bình Minh – Vĩnh Long vì đến nay, hầu như chỉ có Bình Minh là địa phương trồng nhiều thanh trà nhất và đây cũng là nơi có cây thanh trà tổ hơn 100 năm tuổi.
Thanh Trà xuất hiện theo đúng chu kỳ, cứ vào cuối tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch trái thanh trà. Thanh trà được trồng rất nhiều, tập trung ở ba ấp Đông Hưng, Đông Hòa và Mỹ Hòa (xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Tuy nhiên, Đông Hưng mới là “xuất phát điểm” của loại trái cây có vỏ và ruột màu vàng đẹp như mơ này.
Thanh trà có hai loại: trái chua và trái ngọt. Trái chua vỏ cứng, ăn giòn. Trái ngọt vỏ mềm. Trước khi thưởng thức thanh trà, người ta phải nắn hoặc xoa đều tay cho mềm để dễ lột bỏ vỏ. Trái chua thì chấm muối ớt. Nếu giằm với đường và đá đập nhuyễn thì chỉ cần gọt bỏ vỏ, là loại nước giải khát tuyệt hảo trong những ngày hè oi bức.
Trái Thanh trà ăn ngọt nhất là vào dịp tết Nguyên đán
Cây thanh trà trồng ngay hàng thẳng lối dọc theo các bờ mương. Nhưng càng thú vị hơn khi trong màu xanh thẫm của lá cây là dày đặc những trái thanh trà vàng hươm.
Vào mùa này bạn có thể bắt gặp trên đường phố những xe chở đầy Thanh Trà đi bán dạo
Thanh trà có thể ăn sống hoặc nấu canh đều được
Cách nay 5 năm, tôi có đến nhà bà Nguyễn Thị Tám, người địa phương gọi là bà Tư Bùa, ở ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành, người đang thừa hưởng cây thanh trà hơn 100 tuổi. Theo ông Huỳnh Văn Trượng, một cụ ông cùng xóm với bà Tư Ba cho biết, cây thanh trà trước sân nhà bà Tư Bùa có hơn 100 tuổi. Trước kia, cây này do ông Bùi Duy Trưng, còn gọi là ông Cả Ba, trồng. Cây này hiện nay được dân trong vùng coi như là cây thanh trà tổ.

Bà Tư Bùa với cây thanh trà 100 tuổi


Mỗi năm, cây thanh trà tổ này cho trái từ vài trăm kg đến hơn một tấn. Bà tư nói rằng, huê lợi mỗi năm từ cây thanh trà tổ này đem lại cho gia đình còn hơn canh tác 3 – 4 công ruộng. Mỗi năm, bà chỉ bón cho cây có 5 kg phân hóa học, ngoài ra, không sử dụng thêm phân bón, thuốc trừ sâu nào nữa.

Anh Nguyễn Thanh Minh - con trai của bà Tư – vòng tay ôm thử cây thanh trà tổ mà vẫn không hết. Ước tính, vòng tròn của cây hiện khoảng 2,5 mét. Từ cây thanh trà tổ này, hằng chục năm qua, nhiều người đến chiết cành, nhân giống ra rất nhiều. Theo anh Minh, trước giải phóng 1975, cây có trái chín chủ yếu cho bà con lối xóm và trẻ em ăn cho vui. Gần 30 năm qua, trái thanh trà mới được mang ra bán ở chợ và hiện nay, tới mùa cây có trái chín, thương lái khắp nơi đổ về mua, mang lên TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ.

Trái thanh trà


Điểm đặc biệt của thanh trà Bình Minh là tính chất quý hiếm của nó. Có thể nói, đến nay, cả vùng ĐBSCL chưa có nơi nào trồng nhiều thanh trà bằng nơi này, kể cả xứ Cái Mơn - xứ có nhiều giống trái ngon, cây quý. Khi đài truyền hình và báo đưa tin về thanh trà Bình Minh đến nay, nhiều người từ Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, kể cả ở Lâm Đồng, tìm đến ấp Đông Hưng 2 để mua cây giống. Nếu so sánh với bưởi Năm roi được được bác Bùi Văn Tước nhân giống cách nay hơn 50 năm từ cây bưởi tổ của nhà ông Hội đồng Huy thì cây thanh trà có niên đại lớn hơn bưởi Năm roi 50 năm và cây thanh trà tổ hiện nay là vật chứng cho thấy, thanh trà có lịch sử lâu dài hơn với chiều sâu 100 năm.

Bác Huỳnh Văn Trượng, người có hơn 3.000m2 đất trồng thanh trà, trong đó, có hai gốc thanh trà đã hơn 50 năm cho rằng, giá trị kinh tế của người trồng và giá trị buôn bán trên thị trường đã khiến cho thanh trà đang có chiều hướng phát triển nhanh. Ngoài chuyện cung ứng cho người tiêu dùng, thanh trà có khả năng dùng để xuất khẩu đưa vào nhà máy chế biến thành nước trái cây thanh trà… Cây thanh trà Bình Minh xứng đáng là đặc sản số 2 của huyện sau cây bưởi Năm roi.

Thanh trà là đặc sản thứ hai của Bình Minh


Hằng năm, từ sau Tết Nguyên đán, khách đến Bình Minh, nếu để ý sẽ thấy vài điểm bán trái thanh trà. Trái thanh trà nhìn rất đẹp, vì nó giống như trứng gà và có màu vàng cam. Giá thanh trà khá cao, đầu mùa, giá bán có thể lên đến 20.000 đồng/kg và vào cuối mùa, giá bán 10.000 – 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thương lái đến mua tại vườn cao nhất cũng chỉ 15.000 đồng và thấp là 4.000 – 5.000 đồng/kg.

Muốn đến xứ trồng thanh trà, khách đi từ thị trấn Cái Vồn dọc theo quốc lộ 54 về hướng Trà Ôn khoảng 8km là đến ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành. Thanh trà chua giá 5.000 – 7.000 đồng/kg và loại thanh trà Ngọt cao gấp 2 – 3 lần so với loại chua.

Bà Nguyễn Thị Lệ, người ở ấp Đông Hưng 2, trồng ba công thanh trà, cho rằng: “Năm nào cũng vậy, hái trái không đủ bán, ngoài thương lái Bình Minh còn thương lái từ Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh đem xe tải xuống mua, vì vậy người trồng thanh trà yên tâm không sợ hàng ế chợ”. Tại nhà bác Năm Trượng và bác Sáu Vẹn - hai vườn thanh trà có tiếng của ấp Đông Hưng 2 - mỗi năm, vào mùa trái chín, ngày nào, thương lái cũng đến ăn hàng. Người nhà không hái xuể, bác năm Trượng phải mướn người hái trái. Cả ấp Đông Hưng 2, hiện nay, ước tính có khoảng 15 – 20 héc ta đất trồng thanh trà, trong đó khoảng ½ đang cho trái.

Thanh trà có thể trồng hạt nhưng phải mất 10 năm thì cây mới cho trái, còn nếu trồng bằng cách chiết cành thì sau 3 – 5 năm, cây bắt đầu cho trái và muốn có trái nhiều, cây phải có tuổi thọ từ 20 – 50 năm. Cây càng già, trái càng nhiều. Một cây thanh trà 50 năm, mỗi năm, cho trái khoảng 500 – 700 kg.

Hiện nay, nhiều người dân các tỉnh tìm mua cây thanh trà về trồng và giá mỗi nhánh chiết khoảng 20.000 đồng. Cây thanh trà dễ trồng nhưng lớn rất chậm. Ít bị sâu bệnh, chỉ cần lượng phân bón rất nhỏ, khoảng 3 – 5 kg/cây/năm là đủ. Vì vậy, người trồng thanh trà có thể nói rất nhàn nhã. Trái thanh trà được thị trường ưa chuộng vì ăn ngon, màu đẹp và tên cũng rất đẹp. Trái sống có thể nấu canh chua cá ăn, trái chín để ăn, dùng làm nước đá thanh trà vừa thơm ngon, vừa khỏe.
Không biết cây Thanh Trà có mặt trên vùng đất Phú Xuân - Huế từ bao giờ? Nhưng theo sử sách triều Nguyễn hơn 200 năm trước, trong nhiều của ngon vật lạ tiến cung triều Nguyễn, cùng với gạo de An Cựu, nhãn Kim Long, chè Tuần..., Thanh Trà của làng Nguyệt Biều đã góp mặt như là đặc sản vườn nổi tiếng của vùng đất Phú Xuân. Hằng năm, cứ vào độ tháng 7, 8 là mùa thanh trà chín đẹp, quả thanh trà tươi xanh tròn trĩnh, múi thanh trà mọng nước. Thanh trà là loại trái cây đặc biệt chỉ trồng được ở Huế. Và ngay trên vùng đất này, cũng chỉ có một số xã ven bờ sông Hương mới trồng thành công giống cây trái “quý phái” khó tính này, như Nguyệt Biều, Lương Quán ven bờ Nam và Kim Long, Hương Long, Hương Hồ bờ Bắc. Đây là vùng đất ven bờ thượng nguồn sông Hương, có một lượng lớn phù sa bồi tụ hàng năm. Vườn thanh trà hầu như quanh năm tỏa ra một mùi hương đặc biệt, hương vị này như được kết tinh từ vị thơm, ngọt của đất và nước sông Hương. Đặc sản thì bao giờ cũng thuộc diện hiếm và quý, phải chăng ngoài đặc thù giống cây, yếu tố đất đai, khí hậu thì còn nhiều điều kiện riêng khác nữa mà chúng ta chưa khám phá hết bí ẩn. Chính vì vậy nếu lấy giống cây này sang trồng ở địa phương lân cận thì quả cứ bị chua, the, dù chế độ chăm sóc chẳng có gì thay đổi. Một điều cần phải nói rõ là sự khác giữa Thanh trà và Bưởi Thanh trà. Người Huế không ai gọi Thanh trà là Bưởi Thanh trà cả. Và ngoài đất Huế ra thì còn có 2 địa danh cũng có loại trái cây có tên gọi là Thanh trà. Thứ nhất là ở Biên Hòa (Đồng Nai) cũng có dòng Bưởi Thanh gồm Bưởi Thanh long, Bưởi Thanh trà, Bưởi Thanh dây. Giống Bưởi Thanh trà ở Đồng Nai tuy rất ngon nhưng đừng nên lẫn lộn giữa Bưởi Thanh trà ở Biên Hòa và giống Thanh Trà ở Huế. Loại thứ hai là trái Thanh trà ở miền Nam, một loại trái nhỏ như trái quất, có vị chua, thanh và thơm thơm.
Trái Thanh trà ở Huế khác các loại bưởi khác từ hình dáng đến hương vị. Da trái Thanh trà không xanh mà có màu vàng nắng. Thanh trà Thủy Biều có hình quả lê và đầu cuống lại không nhọn và tóp như bưởi Năm Roi. Kích cỡ của trái nhỏ nhắn hơn, không tròn trịa mà từ cuốn to dần lên. Trái thanh trà nhẹ hơn bưởi các loại, không chỉ vì nhỏ hơn mà còn vì ít nước hơn. Như bù lại với ngoại hình và trọng lượng “tao nhã” ấy, thanh trà thơm ngon đặc biệt, hương vị ngọt thanh giữ lại rất lâu trong miệng sau khi thưởng thức. Thanh trà không chỉ thơm ở những múi ruột của trái, mà thơm từ vỏ, từ lá, tất nhiên cả hoa thanh trà... Trái thanh trà Huế chín vào mùa thu và thu hoạch trong vòng hai tháng, tép của nó không to, có màu trắng ngà, dù có bổ đứt tép nước vẫn không tứa ra. Thanh trà sau khi thu hoạch, có thể để trên một tháng nhưng chất lượng vẫn không thay đổi. Nhờ đặc điểm ít nước mà thanh trà để dài ngày ít bị phân hủy hơn các loại bưởi có nhiều nước.
Người sành ăn Thanh trà thường ít khi dùng dao gọt vỏ cả trái hoặc cắt trái Thanh trà vì như vậy sẽ làm hỏng những múi Thanh trà phía trong. Người ta nhẹ nhàng gọt một lớp chỏm mỏng trên phần cuống của trái Thanh trà, sau đó dựng trái Thanh trà lên, dùng dao nhọn rạch từ 4 – 6 đường tùy theo trái to hay nhỏ kéo dài từ phần cuống trái cho đến phần ngọn của trái Thanh trà, độ sâu chỉ vừa chạm đúng vào múi Thanh trà phía trong. Tiếp theo mới dùng tay lột từng lớp vỏ Thanh trà để tách phần ruột Thanh trà ra khỏi vỏ. Làm như vậy múi Thanh trà phía trong vẫn còn nguyên vẹn không bị lưỡi dao cắt đứt và những hạt tinh dầu từ vỏ Thanh trà bắn ra thơm lừng không gian xung quang tạo nên cái vị kích thích tuyệt vời. Và cứ thế người ta cứ thủng tha thủng thỉnh, lột từng múi nhỏ, tách ra những tép nguyên, đủng đỉnh cho vào miệng nhỏ nhẻ nhai thong thả, ăn thật chậm rãi thưởng thứuc cái vị ngòn ngọt, thanh thanh, thơm thơm dường như sợ hương vị sớm tan đi, thú vui nhâm nhi sẽ chóng qua vậy. Ngoài cách ăn thông thường, người Huế còn dùng thanh trà cả trong lúc uống rượu, đó là món thanh trà trộn mực khô hay còn gọi là gỏi Thanh trà. Thanh trà lựa trái vừa độ chín, lột vỏ, bỏ hột, bóc lấy múi và tách rời riêng rẽ từng tép nhỏ. Pha nước mắm chanh tỏi gồm: nước mắm ngon, chanh, tỏi đập dập, ớt... tuyệt đối không dùng bột ngọt. Nướng mực khô trên bếp than hồng chỉ vừa chín để có được vị ngọt thơm và độ mềm, nếu mực chưa chín thì xem như hỏng mà quá lửa thì thịt mực sẽ bị khô cứng và không còn vị ngọt. Mực khô nướng xé tơi cho vào chảo, trộn đều cùng với các tép Thanh trà đã đã tách ra, cùng chút nước mắm chanh ớt tỏi, vừa xóc đều vừa rưới nước mắm chanh tỏi cho đến vừa dùng là được. Đến mùa thanh trà, trong thực đơn của các khách sạn sang trọng, các tiệm ăn và cả những quá ven đường bình dân đều có món thanh trà trộn mực khô.
Nếu bạn đến Huế vào những ngày tháng tám, ngoài tham quan những danh lam thắng cảnh của thành phố Huế, đừng quên ghé thăm vườn thanh trà và thưởng thức đặc sản thanh trà nơi đây. Không khó lắm để nhận ra quả thanh trà ngon, đó là những quả có vỏ mỏng, láng bóng, có màu vàng ươm. Và bạn hãy nhớ mua một ít quả thanh trà để làm quà cho bạn bè và người thân khi trở về. (Nếu mua ngay tại vườn thì hiện nay giá khoảng 7.000 – 8.000 đ/quả. Vào những khu chợ của Thành phố Huế như Đông Ba, An Cựu thì có lẽ sẽ cao hơn một ít.)
Thanh Trà / Plum Mango
Scientific: Bouea gandaria syn. Bouea macrophylla
Also known as Maprang, Marian plum, Gandaria, Marian mango

Thanh trà có vi chua ngọt nhẹ, có hột bên trong giống như xoài.
Thanh trà được dùng như một loại trái cây cho nhiều vitamin C với 75 mg/ per 100g trái thanh trà, hoặc dùng làm mứt.
Trái thanh trà non còn được dùng muối chua- pickle hay trong món rojack của người Mã Lai.

Picture by tuyetuss


Đoàn nhà văn Huế tham gia Trại sáng tác Hương Vân được bố trí ăn nghỉ tại nhà chị Hồ Diệu Hương ở thôn Lại Bằng. Chị niềm nở đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói. Rót nước xong, chị Hương đi một vòng quanh khu vườn xinh xắn, chọn hái mấy quả thanh trà mời chúng tôi. Nhà chị có đến mấy chục cây thanh trà, cây nào cũng trĩu quả. Chị thành thật:

- Bây chừ chưa đến vụ, nên thanh trà chưa thật ngon, mong các anh chị thông cảm.

Tôi vừa thưởng thức vài múi thanh trà ngọt thanh vừa tò mò hỏi chị về sự tích cây thanh trà. Chị Hương cũng không biết đích xác thanh trà ở Huế có từ lúc nào. Chỉ biết cách đây hơn hai trăm năm thanh trà Huế là một trong những đặc sản được chọn để tiến vua. Từ lâu, tôi đã được nghe cam Xã Đoài, bưởi Phúc Trạch, quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều. Bây giờ tôi mới biết thêm thanh trà Hương Vân cũng ngon không thua kém thanh trà Nguyệt Biều. Mà ở Hương Vân thì thanh trà làng Lại Bằng đứng đầu sổ. Trong cuộc thi do tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây, thanh trà của vườn nhà bên cạnh chị Diệu Hương đoạt giải cá nhân. Theo chị Hương thì loại đất phù sa ở làng chị có kết cấu đặc biệt mà đất các vùng khác không có. Tôi chợt nhớ chuyến đi Xã Đoài. Được biết nhiều người lấy giống từ cam Xã Đoài về trồng nhưng quả lại không ngon như cam trồng ở trên đất Xã Đoài. Rõ ràng kết cấu đất đai đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tất nhiên, ngoài yếu tố đất đai còn có bí quyết chăm bón. Cũng theo chị Hương: thanh trà ở Lại Bằng vỏ mỏng, múi dày, ít hạt, nhiều nước so với thanh trà của một số làng lân cận. Thanh trà không chỉ ăn ngon mà còn là một vị thuốc chống được nhiều thứ bệnh như cao huyết áp, tiểu đường… Cây thanh trà một thời từng là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Nhưng mấy năm lại đây mọi chuyện đã thay đổi. Sau nạn lụt thế kỷ 1999, cả vườn thanh trà nhà chị bị ngập nước, chết sạch. Phải chiết cành, gieo giống trở lại. Chờ bảy tám năm ròng mới thu hoạch. Kể từ khi xây đập thủy điện ở đầu nguồn sông Bồ, lượng phù sa ngày càng ít đi. Thanh trà vì thế mà hơi chậm quả và quả cũng không ngon như trước đây nữa. Bây giờ thanh trà không còn là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Diệu Hương.

Tôi hỏi chị:

- Vậy tại sao chị vẫn trồng thanh trà?

Chị nói:

- Tui trồng thanh trà chủ yếu làm quà biếu và như là thú chơi cây cảnh lúc về già.

Tôi được biết: chồng chị bị bệnh hiểm nghèo qua đời đã hơn mười năm nay. Cây thanh trà là kỷ niệm của anh chị. Mối tình anh chị đơm hoa kết trái dưới tán cây thanh trà. Cây thanh trà đã giúp anh chị vượt qua những năm tháng khó khăn, nuôi con ăn học nên người. Vì thế mà chị không nỡ bỏ nó. Thoáng trong mắt chị một nét buồn thăm thẳm…

Từ cây thanh trà ở làng Lại Bằng, tôi chợt nhớ cây bòng (bưởi) quê tôi. Bòng là loại cây cùng họ với thanh trà, chỉ có điều vỏ dày hơn, tép to hơn. Thời đó, bắt chước người lớn, bọn trẻ quê tôi cũng tổ chức đua thuyền. Thuyền chúng tôi phần lớn làm bằng vỏ quả bòng...

http://miennamseed.com.vn/1/wp-content/uploads/2011/04/14042011142137.jpgHàng trăm chủ vườn thanh trà Thủy Biều (đặc sản Huế) đang lo lắng vì quả chín sớm, thối cuống, chảy nhựa, rụng hàng loạt..., dù phải nửa cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch mới đến hạn thu hoạch.

Theo nhiều người trồng thanh trà ở Thủy Biều, tỷ lệ đậu trái năm nay cao hơn mọi năm, nhưng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho… côn trùng phát triển và do thiếu cảnh giác nên bệnh trên cây trái thanh trà phát triển đột biến vào thời kỳ sắp thu hoạch.


Hàng trăm vườn thanh trà của xã Thủy Biều đã có hiện tượng sâu bệnh. Nhiều vườn thanh trà nổi tiếng như Nguyệt Biều, Lương Quán… cũng có hơn 1/3 số trái vàng sớm, xám từng mảng, bị bệnh sâu cuốn dẫn đến thối cuống, chảy nhựa cuống trái.


Nhiều chủ vườn đang lo lắng và mong mỏi còn lại ít vốn để đầu tư vụ sau. Những hộ sản xuất giỏi, có kinh nghiệm trồng thanh trà trên 10 năm như ông Đặng Văn Mỹ (7 sào), ông Võ Văn Thạnh (1 mẫu) ở thôn Lương Quán, ông Trần Cường (5 sào), Hoàng Trọng Lâm (5 sào) ở thôn Trung Thượng... cũng dở khóc dở cười. Vườn ông Mỹ có khoảng 50 gốc thanh trà 5 - 30 tuổi. Bên cạnh 11 gốc chết vì nhiều nguyên nhân, còn khoảng 30 gốc cho trái, trong đó, có nhiều cây “lão làng” (trên 30 tuổi) hằng năm cho thu nhập không dưới 6 triệu đồng mỗi cây.
Thanh trà bị vàng sớm hàng loạt. Ảnh: Hạ Châu.
Nguyên nhân khiến trái thanh trà vàng sớm, theo ông Mỹ, là ong ruồi vàng chích. Loại công trùng này phát triển mạnh trong năm nay bởi thời tiết ở Huế mưa nắng với mật độ khá dày (khác với mọi năm nắng nóng kéo dài).


Tuy biết nguyên nhân bệnh vàng trái sớm nhưng nông dân vẫn không thể ngăn chặn, phòng ngừa. Do phát hiện bệnh và triển khai các phương án đối phó quá chậm nên “vô phương cứu chữa”. Hiện chỉ còn cách hạn chế sự lây lan của bệnh bằng cách là dùng bao lồng trái. Thế nhưng giá của mỗi bao là 1.000 đồng nên để bao hết hàng nghìn trái, mỗi hộ phải chi 1 - 1,5 triệu đồng.


Xã Thủy Biều hiện có hơn 800 hộ trồng thanh trà với 147 ha. Bình quân, mỗi gốc thanh trà hằng năm cho thu nhập 1 - 4 triệu đồng, mỗi trái thanh trà có giá 4.000 - 12.000 đồng. Mỗi vườn thanh trà khoảng 50 gốc hằng năm thu được 35 - 40 triệu đồng. Đặc sản Thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2007.
Bệnh chảy nhựa trên cây Thanh trà nên xử lý như thế nào? Giai đoạn nào xử lý có hiệu quả cao nhất?

Chảy gôm (chảy nhựa) là bệnh do các loài vi khuẩn hoặc các loài nấm gây nên. Bệnh thể hiện với đặc trưng chảy nhựa ở những vết nứt nẻ trên vỏ thân, cành.
Bệnh phát sinh và gây hại nặng ở các vườn trồng dày, cây ít được tỉa cành tạo tán, đất quá ẩm ướt; vườn không có rãnh thoát nước, nước mưa, nước tưới chảy tràn từ gốc nọ sang gốc kia… các cây có thân, cành, gốc nứt nẻ. Các vườn có tuổi từ 8-12 năm trở lên thường bị bệnh nặng. Trong các giống cây ăn quả có múi thì bưởi, chanh, đào, quất cảnh, quýt vỏ vàng Bắc sơn là những giống bị nhiễm bệnh nặng. Bệnh phát triển mạnh từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau. Cao điểm của bệnh vào thời kỳ cây nở hoa và mang quả non

Ở nước ta đã phát hiện được hai loài nấm gây bệnh này là Phytophthora Citrrophthora (nảy mầm ở nhiệt độ 35 độ C); nấm phytophthora Citricola (nảy mầm tốt ở nhiệt độ trên dưới 10 độ C). Như vậy cả mùa đông và mùa hè bệnh chảy gôm đều phát triển được. Nấm lây lan phát tán nhờ nước mưa và nước tưới. Cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây để hạn chế bệnh chảy gôm:
1. Tuỳ theo từng giống, trồng với mật độ thích hợp để khi cây 8-12 tuổi vẫn đảm bảo độ thông thoáng, vườn không quá rậm rạm.
2. Hàng năm phải vệ sinh vườn tược, tỉa cành, tạo tán cho cây.
3. Làm các rãnh tiêu nước trong màu mưa, dẫn nước tưới trong mùa khô.
4. Bón cân đối đạm, lân và kali, đặc biệt chú ý bón đủ kali. Mỗi năm bón vôi và phân chuồng một lần.
5. Dùng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Fosetyl Aluminium như Alpine 80WP, pha nồng độ 1-3%, phun ướt đẫm toàn bộ tán lá, hoặc quét lên thân cây đều cho kết quả tốt. Từ tháng 9 đến tháng 12, mỗi tháng phun thuốc 1 lần; từ tháng 1 đến tháng 5 cứ 10-15 ngày phun thuốc một lần. Không nên hoà thuốc với nước rồi tưới vào gốc cây, hiệu quả không cao.
Có thể dùng Thuốc Boóc đô hoặc Ridomin.

1 comment: