Friday, January 6, 2012

Lục bát giới thiệu đặc sản Huế

Thơ lục bát giới thiệu đặc sản Huế: Cơm hến, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh phu thê, bánh ram ít, bún thịt nướng Kim Long, mè xững,tôm chua, nem Huế, chả Huế, tré Huế, bánh khoái cá kình, bánh canh cá lóc Thủy Dương, bánh canh Nam Phổ, bánh ướt thịt nướng Kim Long, bánh khoái, chè hạt sen, chè bột lọc bọc thịt quay, chè đậu ngự.
CƠM HẾN

Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...
Mời anh buổi sáng chân thành món quê
BÁNH BÈO
Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ duyên đôi lòng
BÁNH NẬM
Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê
BÁNH BỘT LỌC
Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em
BÁNH PHU THÊ
Lá dừa ôm bột lọc trong
Ngọt ngào thơm nhụy đậu xanh ửng vàng
Phu thê vui chuyện xóm làng
Mừng nhau tác hợp thiếp chàng hòa duyên
MÈ XỮNG
Thơm tho mềm dẻo ngọt ngào
Mè vàng bột nhuyễn ôi chao! Tuyệt vời!
Món quà xứ Huế em ơi
Kẹo ngon mè xững tặng người tình chung
TÔM CHUA
Nguyên là đặc sản miền trong
Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang
Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng...
Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay
NEM HUẾ
Mời em khai vị món nem
Em nem anh chả tình thêm mặn mà
Nem thơm, chua, ngọt đậm đà
Nhờ ai quết nhuyễn thịt thà đêm đêm
CHẢ HUẾ
Mời anh thử miếng chả này
Nâng ly hào sảng hương say tận lòng
Cung đình chả phượng nem công
Đôi ta nem chả vốn dòng dân gian

TRÉ HUẾ
Tai heo, riềng, thính, tỏi, mè...
Các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm
Gói trong lá ổi tươi nguyên
Tré cùng nem chả ông ghiền, bà mê
BÁNH RAM ÍT
Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng
BÚN THỊT NƯỚNG KIM LONG
Thịt thơm bún trắng rau tươi
Nước mắm ớt tỏi em mời anh chan
Kim Long vườn cũ nắng tràn
Mời nhau "chút Huế" duyên càng đượm duyên
BÁNH KHOÁI CÁ KÌNH
Cá kình vừa béo vừa ngon
Em đổ bánh khoái xương dòn thịt thơm
Vừa ăn vừa nhấp rượu Chuồn
Món quê dân dã tiếng đồn gần xa
BÁNH CANH CÁ LÓC THỦY DƯƠNG
Bánh canh cá lóc Thủy Dương
Đang thành đặc sản phố phường Huế thơ
Sáng trưa chiều tối đêm khuya
Trẻ già trai gái tìm mê vị nhà
BÁNH CANH NAM PHỔ
Nhờ em dáo bột tài ba
Bánh canh Nam Phổ nhà nhà đều ưa
Nhụy tôm hồng thắm màu xưa
Tiếng rao thánh thót bài thơ Ưng Bình *
------
* Ưng Bình có bài thơ về Bánh canh Nam Phổ:
Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ có mùi hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì

BÁNH ƯỚT THỊT NƯỚNG KIM LONG
Kim Long tỏa khói chiều thơm
Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà
Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng
BÁNH KHOÁI

Bột tôm thịt trứng ửng vàng
Cùng chung khuôn bánh thơm tràn phố đông
Nước lèo rau sống tỏi nồng
Càng ăn càng khoái càng… không muốn về
CHÈ HẠT SEN
Hạt sen vừa bổ vừa thanh
Tan trên đầu lưỡi ngọt lành hương xưa
Chè sen mời gọi người thơ
Mát lòng du khách ngẩn ngơ bạn tình
CHÈ BỘT LỌC BỌC THỊT QUAY

Ngọt ngào bùi béo tìm nhau
Thịt quay nằm giữa trắng phau bột mềm
Quen nhau tình đã nên duyên
Chè ngon xứ Huế ngỡ quên đường về
CHÈ ĐẬU NGỰ
Thức ngon xưa tiến quân vương
Tinh hoa trời đất đượm hương kinh thành
Chè đậu ngự mát và thanh
Đêm, dâng chén ngọc an lành châu thân
Võ Quê
Hoa & Phong vị Huế là tác phẩm mới nhất vừa được NXB Thuận Hóa ấn hành của nhà thơ Võ Quê (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Thừa Thiên - Huế).
Điểm khác biệt của tập sách này là Võ Quê dùng thơ để giới thiệu những đặc sản của Huế. “Đặc sản” đầu tiên ở Huế trong thơ ông gồm các loài hoa, như: Hoa ngô đồng, Hoa quỳnh, Hoa sầu đông, Hoa tre, Hoa dã quỳ... Mỗi loài hoa được Võ Quê giới thiệu bằng một bài thơ, có loài hoa được giới thiệu bằng hai bài, như: Hoa khế, hoa sim. Tuy nhiên, nhiều loài hoa không chỉ riêng ở Huế mới có, vậy “đặc sản” hoa qua thơ Võ Quê sẽ thế nào? Thì đây: “Huế chiều nay trời lại mưa giông/ Cây khế hiên ngoài hoa vừa nở tím/ Con chim sâu hót chuyền trên cành mận/ Nhớ em rồi anh lao giữa cơn giông - Hoa khế 2).

Nhà thơ Võ Quê và tác phẩm

Có lẽ, những gì gắn với ký ức của mỗi người trong một “văn cảnh sống” nào đó đều có thể trở thành “đặc sản” chăng?!

“Phiêu diêu cùng hoa” đủ rồi hẳn nhiên phải đến phần “thực”, một nửa của tập thơ gồm các món ăn được Võ Quê dùng “quốc hồn quốc túy - lục bát” để giới thiệu đặc sản Huế. Món ngon xứ Huế thì nhiều vô cùng và món nào cũng có dư vị riêng, như: Bánh ướt tôm chấy, Bún bò Huế, Cơm hến, Bánh bột lọc, Nem, Chả, Tré. Không chỉ giới thiệu đặc sản “quê mình”, Võ Quê còn giới thiệu gốc tích của “miếng ngon nhớ lâu”, ví dụ như món Tôm chua: “Nguyên là đặc sản miền trong/ Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang/ Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng... / Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay”.

Đọc xong tập thơ này của nhà thơ Võ Quê, những ai từng có “kỷ niệm” với các đặc sản của Huế không khỏi “xốn xang trong dạ”.
Chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Lễ hội Lục bát năm Canh Dần mang tên “Ngàn năm hồn Việt”, do sáu cơ quan đồng tổ chức (Website www.lucbat.com, Trung tâm văn hoá TP. Hà Nội, Báo Người Cao Tuổi, CLB Thơ Việt Nam, Trung tâm TLVHNT Việt Nam, Báo Người Hà Nội) được tổ chức vào ngày Chủ nhật 12-9-2010, tại Triển lãm Vân Hồ, số 2, Hoa Lư, Hà Nội.
Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng, chủ nhiệm Website. Lucbat.com, đồng tổ chức Lễ hội lục bát năm Canh Dần.
Thưa nhà thơ, Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” năm nay có những điểm gì mới?
Cùng với việc đón khách từ 7 giờ sáng là việc tiếp nhận sách ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Mỗi tác giả, khách mời, người yêu thơ đến với Lễ hội Lục Bát Canh Dần, nên mang theo ít nhất một cuốn sách, để ủng hộ chương trình này. (Cuối buổi lễ, BTC sẽ trao tặng trực tiếp cho đại diện của địa chỉ được tiếp nhận). Mỗi người một chữ ký: Ban tổ chức sẽ thiết kế một số băng zôn dài 6,8 mét mời các tác giả và người yêu thơ cùng ký tên, (có thể lưu niệm cả địa chỉ, điện thoại, email…) ủng hộ việc tôn vinh Lục Bát là Quốc thơ và góp phần vận động để Lục Bát trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Lễ dâng hương Thơ lục bát sẽ do Tổng Biên tập báo Người cao tuổi và một Cao tăng Đại đức và chủ trì. Lần đầu tiên có Chúc văn Lễ dâng hương thơ lục bát, gồm 9 khổ, 68 câu đậm nét “Ngàn năm Hồn Việt”. Sau lễ dâng hương, Đại đức sẽ “phát lộc” tượng trưng cho một số khách mời tiêu biểu và người yêu thơ đăng ký trước. Đó là ấn phẩm “Lộc phát Canh Dần”, được trình bày đẹp và in trên giấy tốt và đóng bìa cứng trang trọng.
BTC sẽ dành không gian rộng cho việc biểu diễn và trưng bày các tác phẩm Thư họa Thơ Lục Bát và sách. Dự kiến, sẽ có các nhà thư họa đến từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Hải Dương, Hà Nội… biểu diễn tại chỗ. Các tác giả có thể mang theo những tác phẩm Thư họa Lục Bát, tác phẩm đã xuất bản, để trưng bày, giao lưu và cuối ngày thơ có thể ủng hộ thư viện vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, tác giả Đậu Phi Hùng và Nhóm Thư pháp Khánh Hòa sẽ trưng bày cuốn sách độc bản thơ Lục Bát khổ lớn.
Ban tổ chức khuyến khích và hoan nghênh các tác giả mặc trang phục dân tộc (nam: áo the, khăn xếp; nữ: áo tứ thân, áo dài). Khán giả và các phóng viên báo chí sẽ bình chọn và giới thiệu những gương mặt tiêu biểu tham gia Lễ hội Lục Bát; BTC sẽ có 3 tặng thưởng đặc biệt dành cho một nam, một nữ và một tập thể mặc cổ trang dân tộc đẹp nhất. BTC sẽ mời dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc tại Lễ hội để phục vụ các tác giả và người yêu thơ có nhu cầu.
Nhà sưu tầm cổ vật và giới thiệu văn hoá dân gian Trần Thế Kôi đóng vai trò gì trong Lễ hội lục bát?
Đây cũng chính là điểm nhấn trong lễ hội năm nay là việc sẽ tổ chức một số “Quán lục bát” trưng bày và giới thiệu những sản vật dân dã, “nhà quê”, đặc trưng văn hóa của các vùng miền, do các tác giả và người yêu thơ thơ lục bát mang đến. Đặc biệt, Nhà sưu tầm và giới thiệu di sản văn hóa Trần Thế Kôi (ĐT: 0988 592 879) sẽ có cuộc sắp đặt trình diễn 6 “Lục bát quán” độc đáo, ấn tượng, “không đụng hàng”, với những cô nàng áo mớ ba mớ bảy ngồi thêu thùa, bên gánh hàng hoa, bên cối đá, chum nước, ba ông đầu rau… để tôn vinh Hồn Việt và di sản văn hóa dân tộc. BTC Lễ hội sẽ Tổ chức một số chiếu thơ để giao lưu giữa các tác giả, câu lạc bộ yêu thơ lục bát; đồng thời, tổ chức thi sáng tác thơ Lục Bát tứ tuyệt, trao thưởng ngay trong ngày.
Cơ sở nào để tin rằng Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” thành công như mong đợi?
Xin được dẫn hai ví dụ, một là cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” đã quy tụ được tới 6 cơ quan báo chí cùng tổ chức và chỉ trong 6 tháng đã thu hút được hàng ngàn tác giả gửi hàng vạn tác phẩm tham gia. Website lucbat.com rất tự hào trong vai trò khởi xướng và phối hợp đồng tổ chức, đây là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của một trang web cộng đồng, phi lợi nhuận, đã được bạn đọc yêu thơ ghi nhận, với hàng vạn lượt người truy cập mỗi ngày.
Hai là, việc tổ chức Lễ hội lục bát lần thứ nhất năm Kỷ sửu thành công rực rỡ với hàng ngàn người tham gia, trong đó có rất nhiều bạn trẻ 9X, 8X tham gia, các “thi lão” ở các địa phương, đặc biệt các tác giả nước ngoài đã đặt vé máy bay, liên tục gọi điện, email, trao đổi thông tin Lễ hội để về nước hội ngộ trong ngôi nhà lục bát, trong tình yêu thơ lục bát. Điều đó đã mang lại niềm tin vững chắc cho chúng tôi vào tinh thần dân tộc, yêu truyền thống, yêu nét đẹp của văn hoá Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng vinh danh lục bát là “quốc thơ” thực sự không cần thiết trong thời điểm này, thậm chí “buồn cười” vì lục bát từ lâu đã mặc định là thể thơ truyền thống của người Việt, văn hoá Việt?
Lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta, được nhiều người xem như là “hồn vía” văn hóa Việt, là “cội nguồn” của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haikư, người Trung Quốc có Đường thi… thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ Lục bát. Đó là một trong những thể thơ đã có từ hàng ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói: Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam. Không thể thơ nào có khả năng bám sát đời sống nhân dân như Lục bát. Thơ Lục bát đã luôn được các thế hệ nhà thơ Việt Nam làm mới và không bao giờ xưa cũ.
Lục bát từ lâu đã ăn sâu bắt rễ trong nhân dân, thể hiện rõ tính dân tộc của thơ Việt Nam. Đã là người Việt, có ai không thuộc đôi câu lục bát. Từ người có học vị cao đến người dân không biết chữ, đều có thể thuộc và thậm chí ứng tác một đôi câu lục bát trong giao tiếp đời thường. Bởi thế, việc “chính danh” thơ lục bát là cần thiết, góp phần tôn vinh Lục bát. Việc văn bản hoá, công nhận lục bát là quốc thơ không làm mất đi hồn vía, không làm xơ cứng thể thơ này đi, mà điều quan trọng hơn, một lần nữa chúng ta khẳng định tầm quan trọng và sức sống mãnh liệt của thơ lục bát trong dòng chảy văn hoá Việt, tâm thức Việt. Hãy giúp cho thể thơ này trở thành “Quốc Thơ” của Việt Nam! Đó là một việc làm thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc duy trì Lễ hội lục bát được tổ chức hàng năm và khởi xướng đề nghị Thơ Lục bát được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể gặp phải những khó khăn nào khi lucbat.com là một trang Web phi lợi nhuận?
Để thực hiện những điều nêu trên, thật không dễ dàng đối với lucbat.com – một trang web hoạt động không có kinh phí Nhà nước, chỉ với tinh thần tự nguyện, tâm huyết và niềm đam mê của những người yêu thơ lục bát. Chúng ta đều biết thể hát quan họ, ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong khi đó các làn điệu dân ca quan họ, ca trù, hát chèo, chầu văn, hát xẩm, hát đúm, hát ru con, hát giã gạo, hát xoan, hát ghẹo, hát ví dặm, hát phường vải, hò Nam ai, Nam bình… Hiện nay, chúng ta có một kho tàng ca dao mà đa phần là lục bát, có tới hàng ngàn, hàng vạn câu, nhiều câu đã vượt thử thách của thời gian. Ca dao cổ, ca dao thời chống Pháp, chống Mỹ…, có rất nhiều câu hay, đến nay vẫn được lưu truyền. Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Như vậy, Lục bát là nguồn sinh, đã hoà nhập vào giá trị văn hoá chung của nhân loại.
Bởi thế, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí; sự ủng hộ giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, những trang Web văn chương, các tác giả và những người yêu thơ lục bát gần xa. Mong ước của chúng tôi là: Mỗi người chúng ta hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, tuỳ theo khả năng, để một ngày không xa, Thơ Lục bát sẽ không chỉ là ‘Quốc Thơ’ mà còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!
Lễ hội lục bát có gì khác so với những lễ hội truyền thống? Và như vậy món quà “Lễ hội lục bát – Ngàn năm hồn Việt” được tổ chức vào chủ nhật ngày 12/09/2010 tại Triển lãm Vân Hồ (2 Hoa Lư, Hà Nội) có ý nghĩa như thế nào khi khắp nơi đang hào hứng chào đón sự kiện Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi?
Khác với lễ hội cổ truyền, khi nó được truyền từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác, lặp đi lặp lại theo một chu kỳ riêng và trở thành quy luật, thì được gọi là lễ hội cổ truyền hay lễ hội dân gian, tuỳ theo cách gọi tên. Lễ hội là một phần của di sản văn hoá phi vật thể. Di sản văn hoá phi vật thể, được Unesco sử dụng trong Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” là lễ hội đương đại. Như với bất lễ hội đương đại nào, nếu chỉ được phát động mang tính thời sự phục vụ một nhiệm vụ tuyên truyền nhất định, thì khi khép lại sẽ lắng dần dư âm và thậm chí có thể chìm vào quên lãng.
Chúng tôi tin rằng Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” sẽ không chỉ có tính thời sự nhân kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Những người thực hiện Website lucbat.com đã cố gắng vận động tổ chức Lễ hội lục bát như một cách xây dựng thương hiệu. Một thương hiệu thơ và văn hóa rất xứng đáng được tôn vinh, được thường xuyên duy trì, bảo tồn xây dựng và phát triển mãi mãi, khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể thơ lục bát vốn được coi là hồn thiêng, là tinh tuý của dân tộc. Và Lễ Hội Lục bát sẽ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm như một ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa văn hoá truyền thống cha ông.
Trân trọng cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã dành cho cuộc trò chuyện hết sức cởi mở, bổ ích và thú vị này.
Lời giới thiệu tập thơ Lục bát Trịnh Anh Đạt
Trong cuộc thi thơ của Tạp chí Xứ Thanh cách đây chừng mười năm, là một thành viên Ban Chung khảo, tôi cảm thấy thật thú vị khi gặp bài thơ nhan đề Rau má mà Ban Sơ khảo đưa lên xét giải. Bởi cây rau má đối với người Thanh Hoá chẳng khác gì con cá gỗ đối với dân Nghệ Tĩnh quê tôi, nó là đề tài thường làm cho những người mới xa quê cảm thấy bị xúc phạm, có thể sinh ra cãi nhau, thậm chí choảng nhau, nhưng lại gây thích thú cho những ai từng trải, thành đạt. Bản thân tôi cũng đã từng nổi giận cách đây nửa thế kỷ khi có bạn sinh viên gọi tôi là dân cá gỗ, nhưng vài chục năm nay đã bao lần tôi viết bài ca ngợi con cá gỗ. Với cây rau má Thanh Hoá cũng vậy, ai là người làm thơ ca ngợi "đặc sản" này là "sâm", dù đi xa đến đâu, thì : "Vị riêng rau má em ơi. Vẫn còn ngai ngái trong người Xứ Thanh", và kết luận đầy tự hào với cây rau má:
Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má, ốc cua nên người.
Tôi phỏng đoán tác giả bài thơ phải là một người Thanh Hoá khá từng trải, sống xa quê và được Ban Tổ chức cuộc thi cho biết cụ thể hơn: Tác giả bài thơ, Trịnh Anh Đạt là một doanh nhân hiện đang sinh sống và kinh doanh ở Hải Phòng!
Bài thơ Rau má lần ấy trúng giải cuộc thi, và nhiểu người Thanh Hoá chuyền tay nhau chép sổ.
Quê Hà Trung (Thanh Hoá), Trịnh Anh Đạt thuộc thế hệ học sinh tốt nghiệp phổ thông đúng vào thời kỳ cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ lan ra miền Băc, cầu Hàm Rồng, Đò Lèn là mục tiêu bom đạn. Giống như hàng vạn thanh niên khác, anh lên đường nhập ngũ, trực tiếp phục vụ công tác vận tải trên tuyến đường Trường Sơn. Vốn là người yêu thơ, làm thơ khá sớm khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thực tế cuộc chiến chắp cánh cho tâm hồn thi sĩ. Từ buổi đầu ấy, sống trên đất Quảng Bình, anh cảm thông trước sự khắc khoải chờ chồng của biết bao người vợ đã thành bà mẹ:
Bao nhiêu bà mẹ chờ chồng
Núi không đủ đá để trồng Vọng Phu.
Nhưng những bài thơ chiến trận đầu tay ấy ít xuất hiện trong tập thơ lục bát này vì phần lớn viết bằng các thể thơ khác, hơn nữa, khi cuộc chiến đã lùi xa 35 năm, tự tác giả cũng khắt khe hơn khi tuyển chọn thơ mình. Trong tập thơ này, nếu có thiếu, là thiếu những bài thơ tả và kể các trận đánh, nhưng nỗi ám ảnh chiến tranh thì dai dẳng bám theo anh mỗi nơi mỗi lúc. Ngay khi bất chợt gặp một bông hoa chuối rừng, anh không chỉ nói được nét đẹp đặc trưng của loại hoa này:
Nồng say cháy cả niềm yêu
Úa tàn nguyên vẹn cánh diều nhẹ rơi
mà ký ức xui anh nhớ về thời trận mạc, phải kiếm tìm các loại rau rừng như tàu bay, môn thục...nên đối với người lính ngày ấy, chuối rừng đã mang "chức năng rau" là chính.
Trịnh Anh Đạt đến Đà Lạt khi "Chiều gom hết nắng trên từng búp thông", rồi đêm bắt đầu xuống, bạn đọc cứ nghĩ anh sẽ tả đêm Đà Lạt thơ mộng như bao nhà thơ khác, nhưng không, rừng Đà Lạt xui anh "Gặp thời chiến trận nỗi lòng nôn nao":
Cua tay áo, lại đèo cao
Pha đèn sương phủ hoá bao "đèn gầm"
Tiếng rừng vọng lại âm âm
Như tàu bay địch lượn gần đâu đây
Thế là, người cựu chiến binh này lên Đà Lạt không phải để du ngoạn, mà không gian và thời gian nơi đây lay nhớ lại thời chiến trận, nhớ đồng đội, làm lòng anh cất lên tiếng gọi:
Đồng đội ơi, đồng nghiệp ơi
Chạm rừng đêm có nhớ thời lửa bom?
Về thời hậu chiến, Trịnh Anh Đạt khá thành công ở những bài viết về thân phận những người phụ nữ. Chúng ta nhớ rằng, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thành công, thì giới tính ở nước ta bị chênh lệch, cụ thể là nữ giới nhiều hơn nam giới một triệu sáu trăm ngàn người. Với luật Hôn nhân một vợ một chồng của chúng ta thì tất nhiên có đúng một triệu sáu người phụ nữ sẽ không có chồng. Lẽ dĩ nhiên những người con gái đã đem tuổi xuân phục vụ chiến trận, hoà bình đã lỡ thì, sẽ nhận lấy những số phận hẩm hiu đó. Phần lớn các chị trở về quê tiếp tục công việc ruộng đồng, nhiều chị là công nhân nhà máy, xí nghiệp sống ở các khu chung cư, nỗi cô đơn khép hờ cánh cửa nhưng chẳng có ai vào, may chăng còn ngọn gió:
Lách qua khe cửa khép hờ
Gió trăng thuở ấy bây giờ vẫn...suông!
(Cánh cửa khép hờ)
Có chị thấy mình lạc lõng giữ cõi đời trần tục, đã tìm đến cõi thiền, nhưng cõi thiền cũng khó bề an ủi khi lòng người vẫn chìm đắm trong kỷ niệm một thời:
Bạn bè con bế, cháu bồng
Trầu em vàng úa, vôi nồng bạc tay
Cửa thiền cầu chút vận may
Chỉ màu thương nhớ xếp đầy nếp nhăn...
Với tấm lòng nhân ái, thông cảm trước nỗi đau của những cuộc đời bất hạnh, lục bát Trịnh Anh đạt là lời sẻ chia, có nhiều khổ thơ làm người đọc rưng rưng. Thế mạnh này cũng giúp anh thành công ở những bài thơ viết về gia đình, nhất là người mẹ. Anh thương mẹ vì một đời sống vì người khác, một đời chờ đợi những đứa con:
Quạnh hiu dột nát mái nhà
Hương trầm vẫn thắp thơm xa xóm làng.
Đó là thời chiến tranh gian khổ, đến khi hoà bình, con cái khá giả, mẹ vẫn quen cái tính chịu thương, chịu khó:
Phố đông, dâu thiết tha mời
Thật thà mẹ chẳng thích nơi ồn ào
Lụi lầm thân cuốc bờ ao
Cọng rơm, cái tép...thế nào cũng xong
(Mẹ)
Nhà thơ, chủ doanh nghiệp, chủ nhà này tỏ ra tinh tế khi dùng hai chữ dâu thiết tha mời chứ không phải con mời vì ông thấu đáo cái chuyện muôn đời quan hệ mẹ chồng nàng dâu, từ xưa đến nay hai "ngôi" ấy thường kỵ nhau, bởi vậy "dâu mời" bao giờ cũng có ý nghĩa hơn "con mời". Khổ thơ này không chỉ nói về một người mẹ cụ thể của tác giả, mà là ý nghĩ, tâm trạng chung của các bà mẹ Việt Nam quen sống ở làng quê. Ý nghĩa Riêng- Chung trong thờ là vậy.
Thơ tặng các em, Trịnh Anh đạt viết từ mặt trận "Trong tầm pháo kích trắng trời Thừa Thiên", vào đêm trung thu bất chợt thấy vầng trăng sáng:
Lòng càng thương nhớ các em
Thu này liệu có đốt đèn, trông trăng?
Hay là "Bé bé bằng bông"
Theo đi sơ tán phòng không nơi nao?
(Gửi về chùa Sét)
Liên tiếp những câu nghi vấn nối nhau vì tác giả không thể xác định được việc làm, nơi ở của những đứa em của mình trong hoàn cảnh ấy. Và dù không đề thời gian bài thơ ra đời thì những chi tiết của hai câu cuối khổ cũng mách chúng ta chuyện thời chiến tranh chống Mỹ. Tính thời sự có khi vô thức nhập vào tác phẩm là vậy.
Về người vợ, Trịnh Anh Đạt có những câu thơ cảm động:
Anh vào tuyến lửa xa xôi
Thương em nẫu cả khoảng trời nhớ nhung
Anh "ghi công" vợ những ngày mình đi xa:
Hậu phương không quản ngại ngần
Cha già, mẹ yếu xoay trần đàn em
(Đang chín mà em)
Đó cũng là cảm nghĩ của anh khi thấy vợ sắm sửa quần áo nâu sồng để tìm niềm vui chốn cửa phật, thương cho vợ, thương cho mình và cho bao lứa đôi thời xuân trẻ phải xa nhau, khi được gần nhau thì tuổi đà đứng bóng.
Chuyện thời cuộc, thế thái nhân tình trong tập thơ này có nhiều bài chạm tới. Khi khai thác khía cạnh bi hài của cuộc đời, tính dí dỏm của anh được huy động. Anh kể chuyện một ông lão cạnh nhà, tuổi già "nghèo răng", mắt "giàu thêm số kính", tuy nhà cao nhiều tầng nhưng bị nghèo đi bao thứ:
Cạnh bà nào có được đâu
Mấy thằng cháu ngoại chia nhau đón về!
Đọc câu này tôi nhớ lại chuyện vui của bác Thanh Tịnh. Đó là lần có một cán bộ trong cơ quan hí hửng khoe với bác rằng vợ mình vừa mới sinh con trai. Sau khi nghiêm túc bắt tay chúc mừng bạn, nhà thơ lão thành nói đùa: "Vợ sinh con trai chưa hẳn là niềm vui, vì khi nó ( con trai) có vợ mình mất con, nó có con thì mình mất vợ". Nhưng kể cho cùng, bà bận trông cháu ngoại, đối với ông còn "mất" hơn nhiều, vì còn phải đi xa, và chuyện này không lạ. Lạ hơn, vui hơn là ở chi tiết này:
Dăm ông bạn học ở quê
Tranh nhau xí chỗ nằm kề nghĩa trang!
(Tuổi đời nghèo khó)
Là người kinh doanh dịch vụ ngành du lịch ở Hải Phòng, Trịnh Anh Đạt chứng kiến không biết bao nhiêu kiểu xuất ngoại mà anh gọi chung là "thân phận những chuyến bay", bao gồm xuất khẩu lao động, làm dâu ngước ngoài, làm Ô Sin...Nói về mặt kinh tế, những đối tượng này đã đem về cho gia đình và đất nước một lượng ngoại tệ đáng kể, nhưng xét về mặt "thể diện quốc gia", rõ ràng mất nhiều hơn được, nên tác giả buồn là điều dễ hiểu:
Áo cơm bạc mặt kiếm tìm
Đành lòng làm suất Ô Sin xứ người.
Cũng như vậy, việc phải lấy chồng nước ngoài, nói chung chả mấy hay ho, là điều bất đắc dĩ, nên tác giả cảm thấy khó chịu với những ả "dâu Tây" chưa hiểu được thân phận mình:
Tóc đen nhuộm tím, nhuộm nâu
Vênh vang lườm nguýt ra dâu nước ngoài
Bữa nào xó bếp nướng khoai
Mà giờ ngọt giọng "bai bai" điệu đàng!
Tác giả ác cảm rồi quá lời chăng? Cũng có thể, nhưng cũng vì những đứa con gái ấy không hiểu được nỗi lòng của những người mẹ:
Máu tim mẹ ứa thành lời
Ngày mai con đã bay rồi... Ới con!
Nhưng đau buồn nhất là người ra đi với bao ước mơ, hy vọng thì trở về bằng một nhúm tro than hài cốt, chuyện đó trong đời ta đã từng nghe nói và gặp lại với nỗi xót thương trong tập thơ này.
Không điểm qua một số câu thơ viết về tình yêu sẽ là một điều thiếu sót, bởi bản thân tác giả là người đa tình, tinh tế và thể thơ lục bát là công cụ thuận lợi cho anh trang trải sự đa tình, tinh tế ấy. Ở đề tài này, nhiều cặp lục bát của anh thật chuẩn, ngọt ngào, có khi thấm đẫm chất dân gian:
Vào thu gặp rét bể khơi
Để anh mong nắng phía trời em yêu
(Rét thu)
Xa nhau chín nhớ mười mong
Gần nhau im lặng như không có gì
(Hẹn em)
Nhớ nhau đến rỗng không mình
Đèn em khêu bấc tìm hình bóng ai?
(Bìm bịp kêu chiều)
Bây giờ người của người ta
Khát khao chỉ biết xót xa phận mình
(Gương kia cứ ngự trên tường)
Đã trầu phải tỏ vân cau
Dậy hương cốm mới lụy tàu lá sen...
(Thư và tem)
Kể từ cuộc thi thơ lục bát đầu tiên của báo Giáo dục và Thời đại tổ chức cách đây chừng mười lăm năm, nhiều cuộc thi thơ lục bát của các báo đã diễn ra, nhiều tuyển thơ lục bát của nhiều tác giả, một tác giả xuất hiện. Nghĩa là thơ lục bát đang được mùa. Phải chăng tập thơ này của Trịnh Anh Đạt góp thêm bông lúa vàng vào MÙA THƠ LỤC BÁT?
Tháng 6- 2010, VƯƠNG TRỌNG
Nét độc đáo trong thói quen ăn chay của người Huế
Tục lệ ăn chay có từ bao giờ? Các món sẽ được nấu ra làm sao? Ăn như thế nào? Rất có thể bạn chưa biết hết đâu...
Ở Việt Nam, nhắc đến ăn chay không thể không nhắc tới Huế, nơi có nhiều món ăn chay nhất, thậm chí việc nấu đồ ăn chay ở Huế đã trở thành một nghệ thuật. Việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành thủ phủ của Phật giáo, tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong cả tầng lớp quý tộc lúc bấy giờ. Cho đến ngày nay, người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Nếu như bạn có dịp ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở nơi đây, bạn sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vườn chùa. Bữa cơm đạm bạc là thế nhưng lúc nào cũng thu hút rất nhiều người.
Người Huế không chỉ ăn chay vào ngày rằm, ngày mồng một hay ngày lễ, họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Dường như quanh năm, cơm chay đều thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của những gia đình người Huế. Họ định ngày ăn chay trong tháng gọi là trai kỳ; ăn chay hai ngày rằm, ngày ba mươi gọi là nhị trai; ăn chay bốn ngày gọi là tứ trai. Và cứ ngày mười bốn và cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.
Ở Huế, hầu hết các gia đình đều tự nấu những món chay cho bữa ăn. Bữa cơm chay thanh đạm cũng là cách mà người Huế bày tỏ sự quý mến và tấm chân thành với bạn bè. Đây là một nét văn hóa độc đáo mà có lẽ chỉ có riêng ở xứ Huế. Bữa ăn ngày Tết cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết ở Huế thường là mâm cỗ chay, cho đến ngày nay, tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng món chay vẫn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Huế.
Đến với Huế, bạn sẽ được thưởng thức từ cơm chay, bún chay… cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay… Củ, quả, đậu, dầu thực vật phút chốc đều biến thành những món ăn bắt mắt và hấp dẫn vô cùng. Đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán nom đẹp mắt vô cùng nhưng đều được chế tác từ thực vật. Điểm đặc biệt là ngay khi thưởng thức, vẫn cứ ngỡ như là thịt cá thật. Đó chính là cái tài chế tác từ những bàn tay nội trợ điệu nghệ xứ Huế. Sự kết hợp hài hòa màu sắc của rau, đậu, hoa quả đã được xào nấu bằng dầu thực vật, xì dầu, hoặc những món rau sống, khế chua, dưa hành, nộm hoa chuối...v.v, rồi bày trí các món ăn trên bàn ăn sao cho đẹp mắt cũng rất được quan tâm. Các món ăn thường được bày ít, và xếp trên những chiếc đĩa nho nhỏ, khiến thực khách thưởng thức rồi mà vẫn có cảm giác thòm thèm muốn ăn thêm chút nữa. Món khai vị cho một bữa tiệc chay ở Huế thường là cà rốt, đu đủ được tỉa thật khéo để trang trí xung quanh những lát chả phù được làm từ lá phù chúc màu vàng mơ, xen lẫn là mì căn gói bánh tráng chiên giòn làm nem rán. Súp măng cua được nấu từ bắp non, nấm rơm, hạt sen… Và tất nhiên không thể thiếu cơm và xôi rồi.
Không chỉ vậy, bạn còn có thể được thưởng thức bánh bèo, bánh lọc, bánh ít… với nhân chay. Và một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong những bữa cơm chay của người Huế chính là món chao. Chao là món ăn có vị gần giống như một món mặn, được chế biến từ đậu nành, làm thành đậu khuôn, đậu khuôn ủ lên men thì thành chao. Chao có hương vị rất hấp dẫn và bảo quản được lâu ngày.
Đất Huế thơ mộng, lại mang nét văn hóa ăn chay độc đáo, thật dễ khiến lòng người nhớ mãi không nguôi…

1 comment: