Friday, September 30, 2011

Phượng vỹ


Chuyện một người yêu phượng vỹ

Mỗi độ hè về thì tôi lại có thể nhìn thấy những tàn cây jacaranda nở đầy hoa tim tím dọc theo nhiều con đường ở California và hoa jacaranda đã khiến tôi nhớ nhiều hơn màu hoa phượng vỹ (Royal Poinciana/ Caesalpinia) ở quê nhà, nhất là hai cây phượng vỹ thật to ngay trước cổng trường Lê Quí Đôn của tôi. Ai đã từng “mài đũng quần” trên ghế nhà trường ở Việt Nam chắc hẳn không thể không nhớ loài “hoa học trò” này. Cứ mỗi khi thấy hoa phượng nở đỏ rực trên cành, cùng với tiếng ve kêu vang rền là biết hè về, mùa thi đã đến và ngày bãi trường đã gần kề. Cánh phượng đỏ, hình trái tim, vừa mềm mại lại mượt mà như nhung vậy. Giữa trưa hè mà ngồi học bài hay ăn hàng dưới gốc cây phượng vỹ thì thật là thú vị nhưng hình ảnh mà tôi thích nhất vẫn là được ngắm các cô bạn tụm ba tụm năm lại trao nhau những cuốn lưu bút với một vài cánh hoa phượng đỏ ép vào giữa những trang giấy trắng học trò thật dễ thương. Đã có rất nhiều người yêu thích và ca tụng hoa phượng, trong số đó có Dũng - thằng bạn học đa tài và quá ư “lý tưởng” của tôi. Ngay từ năm học lớp 6 và có lẽ đến cuối đời, nó vẫn là người yêu phượng đến ...điên cuồng nhất! Dũng đã viết rất nhiều bài luận văn, nhiều bài thơ, bài nhạc để ca tụng vẻ đẹp của phượng. Không những vậy, nó còn vẽ tranh, chụp rất nhiều tấm ảnh để “miêu tả trọn vẹn nét đẹp của phượng”! Nó có cả một “công trình” sưu tầm, nghiên cứu về phượng với hy vọng sẽ “để lại cho đời sau những tác phẩm bất hủ về ...phượng”!!! Chưa hết, có lần nó đã đùa với chúng tôi:”Tao mà làm tổng trưởng giáo dục thì tao sẽ yêu cầu tất cả trường học ở Việt Nam trồng phượng khắp sân trường, hay ít ra cũng có 2 gốc phượng ngay trước cổng trường. Tao sẽ cấm học trò khắc bậy bạ lên thân cây phượng...”

Tôi còn nhớ trong một lần cô giáo dạy văn ra đề thi lục cá nguyệt cho môn tập làm văn của chúng tôi là “hãy miêu tả một loài hoa mà em thích nhất” thì bài văn của Dũng đã được điểm cao nhất. Khi cô giáo cho Dũng đứng lên đọc bài văn của nó, chúng tôi nhìn nhau cười khúc khích trước thái độ “trịnh trọng” và giọng đọc say sưa của nó nhưng nó vẫn cứ tỉnh bơ đọc. Đến khi cô giáo bảo chúng tôi lần lượt đọc những bài văn miêu tả hoa hồng, hoa lan, hoa cúc, hoa lục bình, hoa thược dược, hoa hướng dương... của chúng tôi xong thì nó mới đứng lên phê bình từng đứa chúng tôi sát sạt khiến cả lớp chúng tôi tranh cãi rùm beng lên với nhau. Dũng cứ một mực nói: “là học trò thì phải yêu hoa phượng vì hoa phượng là hoa học trò”, còn tụi tôi thì khăng khăng cãi lại: hoa nào cũng có những nét riêng, có hoa thơm nhưng có gai, có hoa đẹp mà không thơm, có cái tốt, cái xấu của từng loại, không thể bắt buộc phải “yêu” mỗi một loài hoa như Dũng nghĩ được, dù cho hoa phượng là “hoa học trò” đi nữa thì đâu thể nào bắt buộc tất cả học trò phải yêu chỉ mỗi một loài hoa phượng vỹ mà không có quyền tự do yêu thích loài hoa khác? Chưa kể là trình độ cảm nhận thẩm mỹ, sở thích, hoàn cảnh, điều kiện sống của mỗi người cũng khác nhau thì suy nghĩ của mỗi người không thể giống nhau như “người máy” được! Nói thế nào, Dũng cũng chẳng thèm nghe, cứ cãi bướng cho đến khi cô giáo nổi sùng phạt cấm túc hết cả lớp và bắt buộc mỗi đứa phải chép phạt 200 lần chỉ một câu: “Từ nay em không được cãi nhau trong lớp học”! Từ đó, chúng tôi cứ mặc kệ cho nó “si tình” với phượng.

Vậy mà nó vẫn không tha tụi tôi. Ngay sau ngày 30/4/75, Dũng đến trường với mảnh vải đỏ quấn quanh cánh tay, cùng với ban quân quản tập họp các thầy cô và học sinh trường tôi lại để chào mừng “cách mạng thành công” và bước vào giai đoạn học tập “cải tạo tư tưởng.” Lúc đó, tụi tôi bắt đầu thấy sợ nó, không còn coi nó là bạn học từ bé nữa vì nó đã ngang nhiên trở thành “cán bộ Đoàn,” với lý lịch bây giờ chúng tôi mới biết ba nó là một ông thợ mộc lỡ bị xe nhà binh Mỹ đụng gãy chân nên uất ức mà tham gia làm “nằm vùng,” đến sau Tết Mậu Thân bị lộ nên bị bắt và đày ra Côn Sơn. Cuối năm 1972, ông đã chết trong nhà tù Côn Sơn, được chôn cất bên cạnh những cây phượng vỹ và sau 30/4/75 thì gia đình nó trở thành “gia đình liệt sĩ.” Có lẽ từ quá khứ đó mà nó hoạt động tích cực trong mọi phong trào từ trường đến phường khóm; trong khi tụi tôi chưa biết tương lai sẽ ra sao khi mà cha vừa phải “tập trung cải tạo” và số phận “con Ngụy” của mình sẽ đau khổ như thế nào dưới chế độ mới. Ngay cả thầy cô cũng ái ngại trước một người học trò đang hừng hực “nhiệt tình cách mạng”!

Cuối học kỳ I của năm lớp 12, khi mà ngày lễ Giáng Sinh & Năm Mới không còn làm chúng tôi háo hức nữa mà phải ráo riết “làm
quen” với những “danh từ cách mạng” rất mới mẻ trước khi thi thì Dũng lại đến lớp với vẻ mặt hí hửng, mở tờ giấy ra khoe với chúng tôi: “ Các bạn, tôi vừa xin phép Ban Giám Hiệu cho phép tụi mình trông thêm 2 cây phượng ngay 2 bên cổng chính như là một “công trình” nhân dịp “Tết trồng cây nhớ Bác” sắp đến, vừa là một kỷ niệm tốt đẹp để lại cho đàn em của mình sau này. Các bạn có “nhất trí” không?” Eo ơi, nghĩ ngợi gì nữa cơ chứ, cả lớp chúng tôi đều vỗ tay trước “sáng kiến” vô cùng hay ho này của Dũng. Thầy chủ nhiệm cũng cười hớn hở đến bắt tay khen ngợi Dũng. Cho dù sắp đến ngày thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 (tú tài 2), tụi tôi vẫn phải thay phiên chăm sóc, tưới bón cho 2 cây phượng vỹ sao cho tươi tốt và làm vui lòng thằng bạn trưởng lớp của mình. Lắm lúc bực mình nó với đủ thứ phong trào văn nghệ, thể thao, báo chí, học tập, sinh hoạt nọ kia nhưng tụi tôi vẫn phải khâm phục nó ở chỗ nó rất khỏe, ăn uống kham khổ nhưng bao giờ nó cũng xung phong đi đầu trong mọi sinh hoạt, công tác mà điểm môn nào cũng cao nhất lớp. Hay nhất là cứ sáng thứ hai đầu tuần là nó lại đến chăm sóc 2 cây phượng để coi cây phượng có lớn lên thêm được vài phân nào hay không!

Ngay như đám đoàn viên TNCS. và con em cán bộ ngoài Bắc mới vào trường tôi cũng không thể nào trội hơn Dũng về mọi mặt nên cũng thường tỏ thái độ ganh tị, ghen ghét Dũng mỗi khi có dịp “phê & tự phê”. Khi trường tôi đi công tác thủy lợi, nó xắn đất, bắn leng rất “thiện nghệ”, lại còn “biểu diễn” nấu cơm, rồi đàn hát, ăn nói lưu loát như một cán bộ nồng cốt rất mẫu mực và tài giỏi, khiến biết bao cô bạn trong trường tôi cảm mến và bọn con trai tụi tôi cũng phải thán phục. Ai bảo “gươm lạc giữa rừng hoa” là sướng chứ nguyên cả lớp tôi chỉ có 11 đứa con trai thì con trai lại bị “lép vế”, cứ phải gánh hết mọi việc cho các o con gái chỉ hay làm điệu với mấy thằng con trai ...lớp khác nhưng lại giỏi “bắt nạt”, “ăn hiếp” và biết cách “đì te tua” đám con trai học cùng lớp - trừ với Dũng! Mấy o thường làm bộ hỏi bài hay nhờ Dũng làm giùm đủ thứ chuyện tào lao trên đời chứ hiếm khi nào thèm ngó đến 10 thằng “cù lần” còn lại trong lớp. Buổi tối cuối cùng trước khi trở về trường ôn tập chuẩn bị thi học kỳ 2, cô bí thư chi đoàn Thúy Liên vẫn cố lôi kéo đám con trai theo phe cô ta để moi móc phê bình Dũng là có “quan hệ nam nữ ...linh tinh,” có tinh thần “anh hùng cá nhân ...tiểu tư sản”(!) khiến cả bọn tụi tôi chỉ biết cười thầm mà ngao ngán. Tuổi học trò của chúng tôi đã không còn vô tư, ngây thơ trong trắng nữa khi mà người ta đã nhồi nhét vào đầu óc chúng tôi về chủ nghĩa Mác-Lê và tinh thần “đấu tranh giai cấp”, dạy chúng tôi phải biết phân biệt rạch ròi giữa ta và địch, gieo vào chúng tôi lòng “căm thù kẻ địch” và môn chính trị trở thành môn học quan trọng nhất quyết định kết quả đánh giá cả một quá trình học tập chứ không còn là những môn khoa học tự nhiên, nhân văn, xã hội thuần túy nữa. Tình bạn giữa chúng tôi cũng đổi thay rõ rệt khi mà trong lớp học đã có những đoàn viên TNCS. từ Bắc mới chuyển vào trường chúng tôi nhưng cái mặt của họ dường như lúc nào cũng vênh váo, ăn nói xấc xược, thái độ kiêu căng của kẻ chiến thắng nhưng cách ăn mặc thì hết sức ...quê mùa lạc hậu! Chính họ đã tạo ra một khoảng cách, với tật ưa soi mói, đố kỵ, ánh mắt họ cứ như dò xét từ lời nói, cử chỉ đến ...tư tưởng của thầy cô lẫn bạn bè. Sợ nhất là những buổi “phê & tự phê,” mỗi người làm phải một tờ tự kiểm, cứ cố moi ra cái xấu nào đó để bày tỏ thái độ thành khẩn rồi nghe họ “góp ý” bằng giọng dạy đời, kẻ cả rất khó ưa trước khi mình “rút kinh nghiệm để phấn đấu tốt hơn”! Có lẽ cũng phải cám ơn “cách mạng” đã sớm chỉ cho chúng tôi thấy được những kịch cỡm và dối trá của trò đời mà trước kia chẳng ai trong nhà trường và gia đình thèm dạy cho chúng tôi biết !
Thi tốt nghiệp phổ thông cấp 3 (tú tài 2) xong, tụi tôi lại bù đầu ngay với việc ôn thi vào Đại Học nên đứa nào cũng viện đủ lý do để “đào ngũ”, mặc cho trưởng lớp của mình muốn làm gì với 2 cây phượng vỹ thì làm! Bẵng cho đến khi có kết quả, tụi tôi lại chưng hửng: 8 đứa “con Ngụy” có cha “học tập cải tạo” đều “trợt vỏ chuối,” chỉ có Dũng và 2 đứa có cha mẹ là công nhân hay buôn bán nhỏ là “qua ải”. Thế mà Dũng lại xin “tạm hoãn” việc vào học ở đại học Y Dược để tình nguyện đi thanh niên xung phong. Nó giải thích với tụi tôi:”Đất nước đang cần mình xăn tay áo lên đắp đập, làm thủy lợi, đem nước ngọt về tưới cho đồng ruộng để có đủ lúa gạo nuôi dân, xây dựng và phát triển đất nước. Thanh niên phải lên đường ngay hôm nay, trước là đáp lời sông núi cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, sau là qua lao động sẽ tự cải tạo chính mình trở thành con người mới tiến bộ hơn. Còn việc học của mình đợi vài năm nữa cũng đâu có muộn.” Thấy nó “bôn-sê-vích” quá nên ngày nó đi lên nông trường Lê Minh Xuân cũng không có mấy đứa bạn cùng lớp đưa tiễn nó lên đường. Thực tình chúng tôi không ngờ nỗi Dũng lại thay đổi đến như vậy, nhất là qua những hành động và suy nghĩ quá ư ...“lý tưởng” của nó. Từ những ngày chúng tôi tham gia phong trào hướng đạo với thầy Linh vào năm lớp 6 cho đến lúc chúng tôi tổ chức được một đội túc cầu(soccer) đầu tiên của trường vào năm lớp 8, Dũng vẫn là một thằng bạn rất tốt và xuất sắc trong mọi lãnh vực. Hình ảnh của một đội trưởng nhất với nhiều chuyên hiệu, vừa biết đàn ca, vừa làm bích báo hay mà đẹp đã khiến cả trại hè Suối Tiên phải thán phục thiếu đoàn LQĐ của chúng tôi mới dạo nào. Chưa kể đến vai trò thủ quân đá vai tiếp ứng lên công về thủ hết sức dẻo dai, xông xáo luôn làm cho chúng tôi mến phục Dũng. Nó đến nhà đứa nào cũng được cha mẹ chúng tôi ân cần giữ lại ăn cơm vì sự lễ độ, khiêm tốn, bình dân và tánh thành thật tốt bụng của nó. Bất cứ điều gì người ta cần đến sự giúp đỡ của nó, nó đều vui vẻ, sốt sắng làm tới nơi tới chốn. Vậy mà chỉ một vài ngày sau 30/4/1975, Dũng đã trở nên một thanh niên tràn đầy “nhiệt tình cách mạng” và “lý tưởng” đến mức chúng tôi đâm ra dè dặt khi gặp nó và hầu hết thầy cô cũng...”hết ý” với nó!
Cuối năm 1981, khi tôi vừa ra khỏi trại giam Cây Gừa đến bến xe Hộ Phòng để về Sàigòn sau hơn 18 tháng “gỡ lịch” vì tội vượt biên ...hụt, bất chợt tôi gặp lại Dũng. Nó vừa đen sạm và dày dạn phong sương hơn cả tôi vừa ở tù lao động cải tạo ra mà còn ăn nói y hệt cán bộ nên tôi phải tỏ ra dè dặt hơn với nó chứ không còn dám giỡn chơi thoải mái như trước nữa. Dũng khoe nó đã “chuyển ngành” sau khi hoàn thành “nghĩa vụ quốc tế” trên chiến trường Campuchia, vừa học xong lớp “cán bộ kiểm sát nhân dân” và chuẩn bị cưới vợ. Tôi cứ tưởng vợ nó là Vân, là Nga, hay là Thủy - những cô bạn học cùng trường, cùng lớp ngày xưa vẫn “ái mộ” Dũng. Ai dè “cô dâu” lại là cô Phụng nào đó, lớn hơn nó đến 2 tuổi, từng là “dân chơi” có tiếng ở các vũ trường Saigon trước khi bị bắt vô trường “phục hồi nhân phẩm” Bình Triệu, rồi được chuyển qua đơn vị thanh niên xung phong của Dũng. Trong những ngày lăn lộn trên các nông trường và chiến trường biên giới Tây Nam, chú nai tơ Dũng đã bị lọt vào bẫy tình và nó đã về Cà Mau để “ra mắt” bên vợ của nó. Không biết cuộc tình này “lý tưởng” đến cỡ nào chứ nghe nó kể mà tôi cứ lo cho nó bởi tôi vẫn suy nghĩ hết sức cổ hủ: dù lấy vợ làm điếm hay lấy điếm làm vợ thì ...cũng vậy thôi! Dù biết tôi mới được “tạm tha,” nó chỉ biết “động viên” và “nhắc nhở” tôi phải cố gắng “phấn đấu” chứ không đãi tôi được một tô mì hay hủ tíu mà tôi thèm không chịu được khi ngó thấy mấy người khách cứ húp xì xụp hết sức ngon lành ngay trong một quán trước phòng vé của bến xe. Dũng “trưởng lớp” hết sức “chịu chơi” trước 1975 đã không còn nữa. Trước mặt tôi giờ đây là một cán bộ tên Dũng đã bị “nhuộm đỏ” từ đầu đến chân! Thật khó mà tin nỗi chủ nghĩa cộng sản đã làm bạn tôi thay đổi đến độ cuồng tín và ngây thơ đến như vậy.


Sau đó tôi lại vượt biên thất bại một lần nữa, phải “nằm ấp” ở Bà Rịa. Bạn học cũ biết được tôi sắp phải lao động cải tạo tận Phước Long nên mày mò đến nhờ Dũng tìm cách cứu tôi nhưng nó thẳng thừng từ chối “bảo lãnh,” còn nhắn với tôi là “học tập cho tốt rồi hãy về xây dựng cuộc sống mới cho đàng hoàng hơn!” Nghe kể lại mà tôi tức giận nó thì ít nhưng lo cho sự cuồng tín của nó thì nhiều, không chừng nó sẽ là Paven trong “Thép đã tôi thế đấy” hay “Ruồi trâu”(best seller về tuyên truyền trong thanh niên) của Liên Sô thì khổ cho nó. Bạn bè đều thương nó nhưng chưa ai dám nói thật với nó những suy nghĩ thầm kín từ đáy lòng mình về chế độ mới. Nói nôm na, chúng tôi cứ phải tập “nín thở” đểû “qua sông”!
Trốn tù, tôi lên Đà Lạt làm phó nhòm và bỏ luôn Saigon cho đến khi vượt thoát qua Mã Lai sau 23 ngày lênh đênh trên biển, vừa đói khát, vừa bị hải tặc Thái Lan cướp bóc te tua. May mắn khi một thuyền đánh cá Singapore đã cứu giúp chúng tôi để đưa vào Johor trước khi chuyển về đảo tị nạn Pulau-Bidong. 9 tháng sau, tôi đến Mỹ với 2 bàn tay trắng. Tất cả đều phải làm lại từ đầu trên xứ này, tuy cực khổ nhưng tôi vui mừng khi bước vào trường đại học - một ước mơ mà tôi đã bị “nhà trường xã hội chủ nghĩa” từ khước một cách tàn nhẫn khi còn ở trên quê hương mình chỉ vì tôi là một đứa “con Ngụy”!


Cuộc sống mới ở Mỹ cũng không cho tôi thời gian rỗi rảnh để tìm hỏi xem Dũng biến đổi dường nào. Tôi vừa “cày” full-time, vừa học 15, 16 units nên cũng chẳng cần biết cuộc sống của Dũng bây giờ ra sao? Thỉnh thoảng lái xe trên đường về nhìn thấy những tàn cây jacaranda nở đầy hoa tim tím vào đầu hè, tôi lại nhớ về mái trường Lê Quí Đôn năm xưa của tôi, với kiến trúc Pháp thật đẹp, với những cây phượng vỹ nở hoa đỏ rực rồi tôi lại nghĩ đến bạn bè cũ, trong đó có Dũng: Nó có còn yêu phượng vỹ nữa hay không? Nó có nhớ chăm sóc 2 gốc phượng năm xưa hay không? Thật tình mà nói, chúng tôi đã xa nhau không chỉ trong một khoảng cách địa lý mà cả trong cách nghĩ, cách sống từ khi Dũng quyết định chọn “con đường Bác đi”, còn tôi lại không muốn cuộc sống của mình cứ ngày càng bi đát!

Mãi đến cuối năm 1988, tôi nhận thư gia đình từ Việt Nam cho biết hôm đi lãnh quà do tôi gửi về, em tôi đã gặp vợ Dũng. Cô ấy được “chuyển ngành” qua Hải Quan - một ngành “béo bở” nhất ở Việt Nam hiện nay. Tình cờ khi xét thùng quà, cô thấy tấm hình tôi chụp chung với các thầy cô và bạn cũ trong buổi họp mặt cuối năm các cựu học sinh trường LQĐ., cô ấy liền hỏi thăm và khoe chồng cô ấy cũng là một cựu học sinh LQĐ. Qua chuyện trò và sự “gợi ý” của vợ Dũng, em tôi mới có dịp đến thăm vợ chồng Dũng tại nhà riêng, trước là “xã giao”, sau là “biết điều” một chút để lãnh cho xong mấy món quà “quý hiếm” từ Mỹ gửi về mà bớt ít thuế! Em tôi còn kể, Dũng đinh ninh tôi qua Mỹ mấy năm rồi thì bây giờ chắc cũng khá lắm. Nó không ngờ là tôi phải vừa “cày” toát mồ hôi với đồng lương tối thiểu của một assembler, vừa tằn tiện sống bám vào tiền student loan, scholarship, grant... để học cho xong một cái bằng cấp lận lưng hòng kiếm job khá hơn một chút để vừa nuôi sống bản thân, vừa còn giúp đỡ gia đình còn kẹt lại bên nhà. Nó mà biết tôi khổ sở như thế này thì chắc nó sẽ chửi tôi ngu khi cố “ôm chân đế quốc” để kiếm chút “bơ thừa, sữa cặn” (!). Thế cho nên tôi lập tức viết thư về bảo em tôi nên tránh tiếp xúc với vợ chồng Dũng, nhất là đừng cho nó biết gì về tôi, cả địa chỉ của tôi cũng nên giấu kín.
Bặt tin hoàn toàn cho đến năm 1992, tôi gặp lại Đạo - một hậu vệ trứ danh của lớp tôi ngày xưa vừa đến Mỹ theo diện di dân. Đạo cho tôi biết một tin giật gân: Vợ Dũng đã bỏ nhà đi theo một cán bộ thượng nghiệp cỡ gộc. Con gái Dũng, nó đặt tên là Phượng như dạo nào nó đã yêu thích hoa phượng, bây giờ cũng đã 10 tuổi. Phượng cũng không muốn sống với một ông bố nghèo mà “gàn”, cứ khư khư ôm mãi mớ “lý tưởng” cũ rích mà không chịu thay đổi theo trào lưu “đổi mới”! Đạo khuyên tôi nên viết thư thăm Dũng, hùn tiền mua ít quà tặng nó vì dũng bây giờ “rách” lắm rồi mà vẫn cố “giữ lấy lề”! Đạo cho biết 2 gốc phượng đã bị ban giám hiệu đốn bỏ vì nhà trường cần làm bãi giữ xe để thầy cô có thêm điều kiện “cải thiện đời sống.” Ngay cổng sau trường LQĐ cũng cho tư nhân thuê mặt bằng để mở quán cà phê và nhiều loại dịch vụ khác. Ngày xưa, trường tôi nổi tiếng nề nếp kỷ luật, thầy cô nghiêm khắc, phòng ốc khang trang. Vậy mà cuộc sống khó khăn đã làm thay đổi quá nhiều, trường tôi cũng không tránh được tai kiếp. Chính Dũng cũng không ngờ được tai kiếp lại đến với nó một cách bất ngờ và thảm thương!

Chỉ trong vòng 6 tháng, Dũng liên tiếp lãnh trọn nhiều cú đau điếng. Phượng, con gái của Dũng, vừa bị ông chồng Đài Loan bỏ rơi sau khi có bầu vừa gần 2 tháng! Dũng giận lắm mà không biết làm sao hơn khi mà chính vợ Dũng cũng sa lầy trong bùn nhơ: Phụng đã cùng lão giám đốc công ty ngoại thương nhận bao che cho nhiều vụ buôn lậu lớn. Qua nhiều chuyến hàng béo bở, Phụng cùng lão ta vui hưởng nhà cao, xe mới, áo quần sang trọng, du hí đó đây, xài tiền vung vít, làm nhiều trò chướng tai gai mắt nên một số “chóp bu” bực mình ngầm ra lệnh cho điều tra và bắt trọn ổ. Oái oăm thay, Dũng lại được giao trách nhiệm xử lý vụ án kinh tế có liên can đến nhiều “ô lọng” tầm cỡ này. Nó lại trở chứng gàn bướng, cứ muốn làm cho tới nơi tới chốn để “trong sạch hóa” hàng ngũ cán bộ, đảng viên như các đồng chí cấp cao trong Bộ Chính Trị vẫn ra rả kêu gọi, nhắc nhở. Mặc kệ những lá thư nặc danh, những cú điện thoại cảnh cáo, bỏ qua cả những lời khuyên can chân tình, Dũng cứ điên cuồng lao vào điều tra vụ án - nói đúng hơn là một vụ tranh ăn, trả thù lẫn nhau giưã các phe phái “cá mập” trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Đảng Hà Nội. Có lời đồn là Dũng ghen tức với lão giám đốc cướp vợ mình nên mới cố tình lợi dụng cơ hội này nhằm triệt hạ “tình địch”. Hư thực ra sao chưa rõ thì tôi nhận được một lá thư từ các bạn bên nhà gửi qua kèm theo mẫu tin trên báo Tuổi Trẻ về việc một cán bộ Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố đã bị một xe hơi đụng phải ngay trên đường từ cơ quan về nhà. Dũng chết ngay tại chổ. Đám tang của Dũng cũng chỉ có vài người trong gia đình quyến thuộc và ít bạn bè tiễn đưa nó đến nơi an nghĩ cuối cùng ở Thủ Đức, không có mặt của vợ lẫn con gái của nó. Thế là tôi đã vĩnh viễn mất đi một người bạn học cũ. Không biết Đảng có đau lòng khi mất đi một cán bộ gương mẫu, trung kiên như Dũng hay không mà chỉ nghe đâu vụ án đã “chìm xuồng” sau khi vài con cờ thí đã chịu vô tù thế cho các xếp lớn. Đau lòng cho Dũng là những tên tù loại này lại được ăn ngon, nằm giường nệm, có cả video và karaoke để giải trí trong lúc nằm khám nữa chứ! Dũng ơi, tao không hiểu giờ đây mày nghĩ sao về chế độ mà mày đã tận tụy cống hiến, hy sinh? Mong rằng giờ phút này, mày đã hiểu vì sao tụi tao phải bỏ nước ra đi, bất chấp tù đày, hải tặc, bão biển, đói khát và cả kiếp sống nhục nhằn của một người tị nạn phải chịu lưu vong. Trước ngày Dũng mất, Dũng đã uống rượu và than thở với một người bạn học cũ: Có không ít người vẫn hoài nghi là Đảng có thật sự sẽ xây dựng đất nước giàu mạnh, dân tộc ấm no, hạnh phúc; hay là Đảng chỉ muốn củng cố và bảo vệ địa vị lãnh đạo độc tôn của Đảng? Tiếc là Dũng chưa kịp tỉnh ra thì nó đã yên giấc ngàn thu. Những cán bộ trẻ có trình độ, lương thiện như Dũng hiện còn được là bao? Họ có làm được những gì mà họ mong ước sẽ làm cho đồng bào và quê hương của họ hay không? Bao nhiêu “chất xám” đã mất đi hay trôi dạt xứ người, chế độ “vắt chanh bỏ vỏ” vẫn cứ tồn tại với những tệ nạn tham nhũng, quan liêu hống hách, đĩ điếm, ma túy, cướp giật ngày càng lộng hành. Tuổi trẻ Việt Nam sẽ đi về đâu? Tương lai Việt Nam sẽ ra sao khi mà người ta chỉ muốn chụp giựt rồi bỏ chạy mà không cần đến lương thiện tối thiểu? Đất nước Việt Nam sẽ như thế nào khi mà cứ phải vơ vét rồi bán đổ bán tháo, bất kể ngày mai sẽ còn lại gì?
...Hè lại về, mùa hè năm 2000. Tôi không biết học trò ở Mỹ có thích hoa jacaranda hay một loài hoa học trò nào không chứ chúng tôi thật khó quên hoa phượng vỹ. Có lẽ một ngày nào đó, chúng tôi sẽ về trồng thêm nhiều cây phượng vỹ cho trường chúng tôi sẽ rợp mát hơn và sân trường sẽ đỏ tươi rực rỡ những cánh phượng giữa trưa hè. Chúng tôi cũng sẽ trồng bên mộ Dũng một gốc phượng hồng để một người yêu phượng vỹ như Dũng sẽ còn chút an ủi vì ít ra một trong những mơ ước của nó cũng có thể thành sự thật chứ không quá ảo tưởng như cái chủ nghĩa cộng sản mà nó đã lầm lỡ đi theo đã chết bất đắc kỳ tử mà người ta vẫn cứ dựng bảng tôn thờ để tiếp tục lừa mị và ...mộng du! Dũng đã nằm xuống, chúng tôi vẫn không sao ngăn được nước mắt thương tiếc cho một người bạn tài hoa, một người yêu phượng vỹ - nên cứ để cho chuyện của nó đi vào quá khứ như một câu chuyện cổ tích và tình bạn giữa nó với chúng tôi vẫn đẹp như thời còn cắp sách đến trường. Những đúng -sai. tốt - xấu, hay - dở của nó sẽ là bài học cho thế hệ đàn em của chúng tôi. Tuổi trẻ vốn dĩ nhiệt tình, lý tưởng nhưng cũng không thể suy nghĩ hay hành động một cách cuồng tín, nông cạn, bốc đồng, thiếu nhận định, phân tích, tổng hợp một cách kỹ càng, sáng suốt thì dễ dẫn đến những quyết định sai lầm, tai hại khó lường như chính cuộc đời Dũng. Dù sao, một người trẻ như Dũng đã có những nét đáng yêu bởi nói cho cùng, Dũng cũng đã sống trọn vẹn cho điều mà nó vẫn tin là tốt đẹp, không chút tự tư tự lợi, không hề tính toán hơn thiệt. không giống như chủ nghĩa cộng sản đã chết ở Nga và Đông Âu cả chục năm rồi mà đến bây giờ vẫn cứ làm khổ đồng bào tôi. Tuy Dũng không còn nữa nhưng chúng tôi vẫn hy vọng mơ ước của nó được thấy tất cả trường học tại Việt Nam sẽ trồng thật nhiều phượng vỹ, ít ra cũng có 2 gốc phượng ở 2 bên cổng trường sẽ sớm thành hiện thực bởi phượng vỹ đã là hoa học trò ở Việt Nam của chúng ta. Những cánh phượng hồng sẽ vừa góp phần tô điểm cho những mái trường, vừa lưu giữ những hình ảnh và kỷ niệm đẹp nhất về tuổi học trò của một đời người. (7-1991)
Các thiếu nữ trong tà áo dài trên con đường làng thuộc huyện Mỹ Đức, vùng nông thôn có nhiều hoa phượng nhất thủ đô.
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, câu đầu tiên của bài hát về loài hoa tuổi học trò đã in sâu trong lòng nhiều bạn trẻ.
hoa phuong

Thả cánh phượng rụng như mưa.
Tay trong tay, ngắt một vài cành phượng.
Cài hoa lên mái tóc.

Mơ màng trong khung cảnh đậm chất thơ.
Phượng là loài hoa gắn nhiều kỷ niệm nhất của thời áo trắng.

Xa xăm...
Khi đã héo tàn, phượng vẫn đầy mộng mơ.
Cùng tiếng ve kêu gọi hè về, nhiều ngày qua hoa phượng đang nở đỏ rực trên nhiều tuyến đường phố ở Hà Nội.
Trải dài trên đường Thanh Niên, soi bóng xuống hồ Trúc Bạch.
Lác đác bên hồ Gươm.
Rung rinh rủ mặt nước.
Từng chùm đỏ thắm nổi bật trên nền trời xanh.
Phượng chứa đựng nhiều kỷ niệm tuổi học trò.
Hồ Tây thơ mộng.
Nhỏ bé giữa một công trình khách sạn hiện đại.
Cùng sắc tím bằng lăng rạng rỡ dưới nắng.
Tỏa bóng mát thu hút các cô gái trẻ tới nghỉ chân.
Không biết đã từ bao giờ mà tôi đã yêu cái màu tím của bằng lăng, màu tím của những tà áo dài xứ Huế và yêu cả cái màu tím của Jacaranda xứ “chuột túi”.

Rời xa Việt Nam đến một mảnh đất xa xôi khác. Cứ tưởng sẽ không còn thấy được cái màu tím yêu thích từ thời còn cắp sách đến trường, ngắt vội vài cánh hoa bằng lăng tím dung để ép khô. Mùa đông lạnh lẽo nước Úc rồi cũng trôi qua nhanh mang theo một mùa xuân mới đến…cũng là lúc màu tím của Jacaranda khoe sắc.


Jacaranda theo cách gọi của người Việt chính là hoa phượng tím. Nhưng khác với Việt Nam, khi hoa phượng nở đỏ rực là lúc mùa hè đến, thì ở Úc Jacaranda như một loài hoa báo hiệu mùa xuân đã về. Mỗi khi mùa xuân đến, cả một vùng rực rỡ trong ánh tím đẹp đến mê hồn người.




Cũng có nhiều người lại ví von loài hoa này với bằng lăng tím, nhưng chỉ có điều mỗi khi nở rộ, lúc ấy chỉ thấy toàn hoa là hoa không thấy lá đâu. Cả một thành phố chỉ thấy một màu tím của Jacaranda.


Dọc hai bên đường đi lúc ấy cũng chỉ một sắc tím bao bọc hết cả một khoảng trời tỏa mùi hương ngào ngạt. Không những vậy, cánh hoa rơi rụng còn tạo thành những thảm hoa đẹp đến ngất ngây. Khác với nhiều nơi trên Thế giới, Úc nằm ở Nam bán cầu nên bốn mùa xuân hạ thu đông lại trở nên ngược với Việt nam hay các nước châu Âu, Mỹ ở phía Bắc bán cầu. Vì thế, nếu muốn được thưởng thức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa này bạn nên chọn đi vào tháng 9, 10, 11 vì đây là những tháng mà Jacranda nở rộ đẹp nhất.


Phượng vĩ hay phượng vỹ, xoan tây, me tây hoặc hoa nắng(tên khoa học: Delonix regia, họ Fabaceae), Royal Poinciana hay Flamboyant, là một loài thực vật có hoa sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới xuất xứ từ Mandagascar. Tên gọi trong tiếng Trung của nó là 鳳凰木 (phượng hoàng mộc), 金鳳 (kim hoàng).
Nguồn gốc, đặc điểm:
Phượng vĩ được miêu tả như là loài cây nhiều màu sắc nhất trên thế giới. Các bông hoa màu đỏ/da cam rực rỡ của nó cũng như các lá màu xanh lục sáng làm cho nó rất dễ nhận thấy.
Phượng vĩ có nguồn gốc từ Madagascar, tại đó người ta tìm thấy nó trong các cánh rừng ở miền tây Malagasy. Trong điều kiện hoang dã, nó là loài đang nguy cấp, nhưng nó được con người trồng ở rất nhiều nơi. Ngoài giá trị là cây cảnh, nó còn có tác dụng như một loài cây tạo bóng râm trong điều kiện nhiệt đới, do thông thường nó có thể cao tới một độ cao vừa phải (khoảng 5 m, mặc dù đôi khi có thể cao tới 12 m) nhưng có tán lá tỏa rộng và các tán lá dày dặc của nó tạo ra những bóng mát. Trong những khu vực với mùa khô rõ nét thì nó rụng lá trong thời kỳ khô hạn, nhưng ở những khu vực khác thì nó là loài cây thường xanh.

Các hoa của phượng vĩ lớn, với 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ da cam, dài tới 8 cm, còn cánh hoa thứ năm mọc thẳng, cánh hoa này lớn hơn một chút so với 4 cánh kia và lốm đốm màu trắng/vàng. Thứ flavida nguồn gốc tự nhiên có hoa màu vàng (kim phượng). Quả là loại quả đậu có màu nâu sẫm khi chín, dài tới 60 cm và rộng khoảng 5 cm; tuy nhiên, các hạt riêng rẽ lại nhỏ và cân nặng trung bình chỉ khoảng 0,4 g, hạt to cỡ hai ngón tay út, hạt ăn rất bùi và ngon. Các lá phức có bề ngoài giống như lông chim và có màu lục sáng, nhạt đặc trưng. Nó là loại lá phức lông chim kép: Mỗi lá dài khoảng 30-50 cm và có từ 20 đến 40 cặp lá chét sơ cấp hay lá chét lông chim lớn, và mỗi lá chét lông chim lớn lại được chia tiếp thành 10-20 cặp lá chét thứ cấp hay lá chét con. Phượng vĩ cần khí hậu nhiệt đới hay cận nhiệt đới để phát triển tốt, nhưng nó có thể chịu được các điều kiện khô hạn và đất mặn.

Khu vực trồng: Phượng vĩ được trồng khá phổ biến tại khu vực Caribe.

Tại Hoa Kỳ, nó được trồng ở khu vực Florida, thung lũng Rio Grande ở miền nam Texas, các sa mạc ở Arizona (đến tận Tucson) và California, Hawaii, Puerto Rico, quần đảo Virgin và Guam. Nó là loài cây biểu tượng chính thức của quần đảo Bắc Mariana (CNMI).
Phượng vĩ được coi là đã thích nghi với thủy thổ ở nhiều khu vực mà người ta trồng nó, và bị coi là loài xâm hại tại Australia, một phần là do các bóng râm cũng như bộ rễ của nó đã ngăn cản sự phát triển của nhiều loài thực vật bản địa mọc dưới tán lá của nó. Nó cũng được tìm thấy tại Ấn Độ, tại đây người ta gọi nó là gulmohar, hay tại Việt Nam.
Quả phượng vĩ được sử dụng tại khu vực Caribe trong vai trò của bộ gõ âm nhạc với tên gọi shak-shak hay maraca.

Cây phượng vĩ tại Blakiston St, Harare, Zimbabwe, 1975

Mùa nở hoa: Phượng vĩ nở hoa từ khoảng tháng 4 đến tháng 6, tùy theo khu vực.

Ý nghiã tên: Tên "phượng" là chữ ghép Hán Việt -- "Phượng Vỹ" có nghĩa là đuôi của con chim phượng. Đây có thể là một hình thức đặt tên gọi theo cảm xúc vì các lá phượng vỹ nhất là các lá non trông giống như hình vẽ đuôi của loài chim phượng.

Biểu tượng: Tại Việt Nam, phượng vĩ là biểu tượng gắn liền với tuổi học trò, do mùa nở hoa của nó trùng với thời điểm kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò. Do vậy, nó gắn liền với nhiều kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, và vì thế người ta gắn cho nó tên gọi "hoa học trò". Thành phố Hải Phòng là khu vực trồng rất nhiều phượng vĩ, vì thế thành phố này còn được gọi một cách văn chương là "thành phố Hoa Phượng Đỏ".

Nhà văn Duyên Anh có “Phượng Vỹ”, GS Thái Kim Lan có "Phượng trên trời, Hải đường dưới đất”... Viết về những kỷ niệm của tuổi trẻ với mùa hoa phượng vĩ những ca khúc: Mùa hè kỷ niệm (Anh Khoa - Việt Anh); Vào hạ (Lê Hựu Hà), Phượng và hạ (Vũ Hải); Mùa hè ơi (Nguyễn Ngọc Thiện); Phượng Hồng (Thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng), Nỗi Buồn Hoa Phượng & Phượng Buồn (Thanh Sơn),v.v... . Cải Lương Việt Nam có soạn giả Hoa Phượng, có bài Tân Cổ Giao Duyên “DƯỚI HÀNG PHƯỢNG VỸ”...
http://wsafrica.free.fr/images/pix/BM-Flamb9610006.jpg
Cây Điệp hay Kim phượng:






Tên thông dụng: cây Điệp (Poinciana, Peacock Flower, Red Bird of Paradise, Mexican Bird of Paradise, Dwarf Poinciana, Pride of Barbados, hay flamboyan-de-jardin).
Tên khoa học:
cây Điệp (Caesalpinia pulcherrima)

Cây Điệp ta đôi khi cũng được gọi là kim phượng khi có hoa màu vàng đậm. Tuy nhiên phượng vĩ là cây đại mộc còn kim phượng thực thụ là cây tiểu mộc (bụi cây cao khoảng 3 m), có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới thuộc châu Mỹ (đo Barbados vùng bin Caribbean) và An Đo ("Ratnagundhi"), hoa có 3 màu hoa với ba màu hoa cơ bản là màu vàng tươi, đỏ vàng, đỏ hồng hoặc đỏ pha vàng, có hoa gần như quanh năm, còn phượng vĩ chỉ ra hoa vào mùa hè.

Trong chi Caesalpinia thì loài cây phổ biến nhất được trồng là Caesalpinia pulcherrima (còn tên khoa học cũ là Poinciana pulcherrima). Tên gọi trong tiếng Việt của nó là kim phượng, phượng ta, điệp, điệp cúng. Tên gọi theo phiên âm Hán-Việt là: phiên hồ điệp (番蝴蝶), kim phượng hoa (金鳳花), khổng tước hoa (孔雀花), hoàng hồ điệp (黃蝴蝶). Nhìn bề ngoài, nó khá giống với cây phượng vĩ có danh pháp khoa học là Delonix regia cùng phân họ. Nó là một loài cây bụi cao tới 3 m, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới thuộc châu Mỹ. Lá của nó là loại lông chim kép, dài 20-40 cm và có từ 3-10 cặp lá chét, mỗi lá chét có từ 6-10 cặp lá chét nhỏ dài 15-25 mm và rộng 10-15 mm. Hoa của chúng mọc ra tại cành hoa dài tới 20 cm, mỗi hoa có 5 cánh màu vàng, da cam hay đỏ. Quả là loại quả đậu dài 6-12 cm. Nó được trồng làm cây cảnh rất phổ biến ở khu vực nhiệt đới.
Phượng tím có tên khoa học là Jacaranda mimosifolia (đồng nghĩa: Jacaranda acutifolia), thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae) bao gồm các loài chùm ớt, núc nác, đào tiên... Cây Jacaranda trắng(Jacaranda mimosifolia) xuất xứ từ Brazil và được trồng rất nhiều ở Australia, Nam Phi và nhiều nước khác; kể cả California.
Là một loài cây gỗ lớn (cao 10–15 m), tán lá tỏa rộng (7–10 m) nhưng cành lá thưa, lá phức bao gồm hai lần lá kép nên khi không có hoa, cây trông tương tự phượng vĩ nhưng vào mùa nở hoa thì trổ nhiều hoa hơn. Hoa hình ống dài 4–5 cm, từng chùm màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm mại, dễ bị dập nát, không hề giống hoa phượng. Mùa hoa nở kéo dài khá lâu, có thể đến 4–6 tháng.

Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, từ lâu đã được du
nhập vào Ấn Độ, Nepal..., tức thích hợp với khí hậu nhiệt
đới và cận nhiệt đới. Cây này đã được du nhập vào Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 1970, và có lẽ cũng thích hợp với những vùng mát như Tam Đảo, Lai Châu ở Việt Nam...
Cây thường được trồng làm cây cảnh ven đường và trong các công viên, nhưng tác dụng cho bóng mát kém vì tán lá quá thưa thớt. Riêng trong công viên, vì không phải quét dọn mỗi ngày như trên đường phố, sau vài ngày hoa rụng trên mặt đất sẽ có một thảm hoa màu tím khá bắt mắt.
Cây phải trồng bằng hạt, vì thế sau khi đã du nhập một số cây vào Việt Nam, việc nhân rộng khá chậm chạp vì không thể giâm cành. Cây trồng từ hạt ra hoa sau 2–3 năm, khi cây còn khá thấp (người lớn có thể với tay tới hoa).http://www.jamesharrisgallery.com/Artists/Marcelino%20Goncalves/Images/Jacaranda.jpghttp://lh6.ggpht.com/_IZdjvFGf_qM/R6vYvWqRf1I/AAAAAAAAAcA/5drPMbmaVjQ/Tasmanian+Trip+361.JPG Jacaranda trắng(Jacaranda mimosifolia)
http://farm4.static.flickr.com/3104/3087558224_a1e5412e20.jpg
Jacaranda white by bloomoon.