Friday, September 30, 2011

Thay đổi khí hậu(6)

Thay đổi khí hậu là một vấn đề đang được chú ý và quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới. Mời bạn đọc vài bài viết về đề tài này để chúng ta có thêm hiểu biết khi mà thực tế là ở Mỹ có rất nhiều người vẫn chưa nhận thức đầy đủ, rõ ràng về hiểm hoạ to lớn này; kể cả chính "ngài" Tổng Thống Hoa Kỳ của chúng ta nữa.
Bài 1: Nhân hội thảo về thay đổi khí hậu được tổ chức ở Bali,Indonesia
Ngày 7-12-2007, hội thảo về thay đổi khí hậu do Liên hợp quốc chủ trì diễn ra tại đảo quốc Bali, Indonesia. Đây là hội thảo khởi đầu nhằm tiến tới một nghị định thư mới thay thế cho nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực năm 2012 tới. Tuy nhiên, mọi việc có lẽ không suông sẽ như thế khi các nhà hoạch định môi trường không thống nhất quan điểm với các nhà kinh tế. Năm 2006 vừa qua Trung Quốc được xếp vào nước có mức phát thải cao nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ, trong đó 2 thành phố Lâm Phần và Thiên Tân của Trung quốc được xếp vào danh sách những thành phố có mức khí thải ô nhiễm nhất thế giới. Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc với tư cách là một nước đang phát triển và là phân xưởng lớn của thế giới nên sẽ không...mặn mà lắm với những thỏa thuận buộc phải cắt giảm khí thải trong tương lai vì điều này làm chậm tiến trình phát triển kinh tế của họ. Theo chân Trung Quốc có lẽ Mỹ là quốc gia "cứng đầu" nhất vì không ký vào bản cam kết cắt giảm khí thải ở Kyoto. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển vì một khi Mỹ không can thiệp vào mục tiêu chung của thế giới trong việc cắt giảm khi thải thì các nước đang phát triển không phải tuân theo điều cam kết đã nêu trong nghị định thư Kyoto. Nghị định thư Kyoto, tiến trình khởi đầu cho phát triển bền vững. Nghị định thư Kyoto của Công ước khí hậu là văn bản pháp lý để thực hiện Công ước khí hậu, đã có hiệu lực để thi hành kể từ ngày 16/2/2005. Nội dung quan trọng của Nghị định thư Kyoto là đưa ra chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính có tính ràng buộc pháp lý đối với các nước phát triển và cơ chế giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững thông qua thực hiện "Cơ chế phát triển sạch"(CDM: Clean Development Mechanism). Dự án CDM được đầu tư vào các lãnh vực như: năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto nên được hưởng những quyền lợi dành cho các nước phát triển trong việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới từ các nước phát triển thông qua các dự án CDM. Với sự phê chuẩn nghị định thư của nước Nga vào tháng 10 năm 2004, hiệp ước được ký kết vào 2004 cuối cùng đã bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1 năm 2005, do hiệp ước có hiệu lực 90 ngày sau khi phê chuẩn. Nghị định thư Kyoto là một thoả thuận ràng buộc quốc tế có tính pháp lý để giảm thiểu khí nhà kính phát thải gây thay đổi khí hậu. Bản thỏa thuận nêu cam kết của các nước công nghiệp hóa giảm phát thải 6 loại khí nhà kính 5% vào nằm 2012. Hơn thế nữa là đặt ra một mục tiêu cụ thể cho mỗi loại khí, các mục tiêu tổng thể đối với tất cả 6 loại khí sẽ được qui đổi "tương đương với CO2" để chỉ còn một số liệu. Sự cam kết ghi rõ rằng tất cả các bên ký kết vào Nghị định thư phải tuân thủ một số bước bao gồm: - thiết kế và triển khai các chương trình giảm thiểu và thích nghi với sự thay đổi khí hậu. - chuẩn bị một số liệu thống kê quốc gia về loại bỏ các phát thải bằng cách giảm cạcbon. - khuyến khích chuyển giao công nghệ thân thiện với khí hậu. - thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu và quan sát thay đổi khí hậu, các tác động và các chiến lược đối phó. Các nước đang phát triển vẫn chưa có ràng buộc pháp lý đối với những mục tiêu giảm phát thải, vì các quốc gia này chỉ chịu trách nhiệm một phần nhỏ của phát thải khí nhà kính trong quá khứ. Các mục tiêu giảm phát thải: Các yêu cầu để đạt được mục tiêu của nhóm 5%: - cắt giảm 8% phát thải của các nước Thụy sĩ, phần lớn các quốc gia Trung và Ðông Âu, và EU (sẽ đạt mục tiêu của nó bằng cách phân bổ các mức độ cắt giảm khác nhau trong số các nước thành viên); - Giảm 7% phát thải của Mỹ - Giảm 6% phát thải của Canada, Hungary, Nhật và Ba lan. - Nga, New Zealand và Ukraina ổn định mức phát thải của mình - Na Uy có thể tăng phát thải thêm 1% - Úc có thể tăng mức phát thải thêm 8% - Ai-xơ-len có thể tăng phát thải lên 10%. Một điều khoản trong hiệp ước cho phép một quốc gia đáp ứng được hạn ngạch của mình bằng cách giảm phát thải từ các nhà máy điện và xe ô tô. Các nước phát triển có thể cũng đạt được lời cam kết của mình bằng khấu trừ lượng khí nhà kính hấp thu bởi bồn hấp thụ cạcbon (carbon sink) (rừng, biển) từ tổng lượng phát thải của họ trong giai đoạn cam kết. Ðiều khoản này bao gồm các phát thải hấp thu hay thải ra bởi một số những thay đổi trong vấn đề sử dụng đất và hoạt động lâm nghiệp, như phá rừng. Những quan điểm về phát triển bền vững. Cách đây 35 năm, vào ngày 15/12/1972, tổ chức LHQ đã chọn ngày 05/ 06 hàng năm là ngày môi trường thế giới (world environment day). Cũng kể từ ngày đó, hàng năm LHQ cũng như chính phủ các nước trên thế giới đều tổ chức lễ kĩ niệm long trọng, tiến hành nhiều hoạt động bảo vệ môi trường có ý nghĩa thiết thực nhằm nhắc lại mối quan tâm chung của toàn thể nhân loại: Mọi quốc gia, mọi dân tộc trên thế giới, hãy cùng nhau chia sẽ trách nhiệm và hãy cùng nhau nỗ lực không ngừng, nhằm gìn giữ , cải thiện và bảo vệ môi trường cho sự phát triển bền vững của các thế hệ tương lai trên hành tinh xanh của chúng ta. Giữa môi trường và sự phát triển bền vững luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ðịnh nghĩa về môi trường lần đầu tiên được thảo luận trong hội nghị LHQ về môi trường nhân văn tại stockholm, tháng 06 /1972. Trong hội nghị này, khái niệm về môi trường và sự phát triển được đem ra thảo luận. Có hai quan điểm cơ bản là:- Quan điểm thứ nhất: Cho rằng: "Môi trường là không gian vật chất, nơi con người sinh sống". Theo quan điểm này, môi trường thường gắn liền với thế giới tự nhiên trong đó sự suy thoái và sự ô nhiễm được chấp nhận như là sự hi sinh tạm thời cho sự phát triển. Những người theo quan điểm này cho rằng : Ðể giải quyết vấn đề môi trường biện pháp chủ yếu là phát triển công nghệ kỹ thuật có hiệu quả cao. - Quan điểm thứ 2: Cho rằng: "Môi trường là toàn bộ các vấn đề tự nhiên và kinh tế -xã hội trong quá trình phát triển" . Theo quan điểm này thì giữa con người với tự nhiên, với tài nguyên thiên nhiên luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Việc thay đổi môi trường tự nhiên không chỉ là sự phát triển của thiên nhiên mà còn là do các quyết định về việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của con người. Nhận thức quan điểm này, hiện nay môi trường được hiểu theo nghĩa rộng nhất là: " Môi trường bao gồm các điều kiện hay ảnh hưởng, trong đó mỗi cá thể hay vật thể đang tồn tại, sống hay phát triển." Các điều kiện ảnh hưởng đến môi trường là:
1. Tổ hợp các điều kiện vật lý
2. Tổ hợp các điều kiện hóa học hay sinh học
3. Các điều kiện xã hội và văn hóa Như vậy, môi trường bao gồm các yếu tố vô sinh (đất, nước, không khí, khí hậu, âm thanh...) các yếu tố hữu sinh (con người, động thực vật, vi sinh vật ...) và tất cả các yếu tố xã hội tạo thành "chất lượng sống".
Khái niệm về sự phát triển bền vững ngày càng được chấp nhận trên thế giới và ở Việt Nam. Quan điểm về sự phát triển bền vững được phổ biến ở quy mô toàn cầu, sau khi báo cáo của Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED) được công bố. Theo đó " Phát triển bền vững là sự phát triển làm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại nhưng không hạn chế tiềm năng để đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ trong tương lai". Như vậy, phát triển bền vững bao gồm 2 nội dung chính :
1. Sự nhận thức về nhu cầu, đặc biệt là các nhu cầu thiết yếu của người nghèo để đưa ra các ưu tiên phát triển.
2. Sự hiện thực hóa các khả năng của con người, để đáp ứng các nhu cầu trong khi tài nguyên và môi trường là hạn chế. Sự phát triển bền vững luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, đặc biệt quan trọng với các quốc gia phát triển và đang phát triển. Sự bền vững về môi trường tự nhiên không thể được bảo đảm nếu các chính sách phát triển không chú ý đến việc xem xét sự thay đổi về tài nguyên, cùng sự phân phối giá thành và lợi tức. Lịch sử đã chứng minh quá trình phát triển của thế giới công nghiệp hóa là tập trung vào sản lượng. Vì vậy, trong những năm 50 - 60 của thế kỉ 20, các nước phát triển chỉ theo đuổi mô hình tuyệt đối: "Sản lượng và sự tăng trưởng" chủ yếu dựa vào khái niệm hiệu quả kinh tế. Trong những năm 70, cải thiện sự phân phối thu nhập là đòi hỏi của thế giới đang phát triển và kết quả là mô hình phát triển đã chuyển dịch sang tăng trưởng có bình đẳng (giảm đói nghèo) và nó có ý nghĩa quan trọng giống như hiêu quả kinh tế. Vào những năm 80, thế giới khẳng định sự suy thoái môi trường là vật cản chủ yếu của sự phát triển. Bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu
phát triển thứ 3 trong tam giác: Kinh tế -xã hội - môi trường của quá trình phát triển bền vững. Sự kết hợp hài hòa giữa 3 mục tiêu: Kinh tế- xã hội - môi trường sẽ bảo đảm tính bền vững của sự phát triển. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận vẫn lấy tiêu chí phát triển hiệu quả kinh tế như là trọng tâm của quá trình phát triển mà vẫn chưa thấy rõ các tác động tiêu cực gây ra đối với môi trường như tính đa dạng sinh học, khả năng phục hồi của nó, các tài nguyên thiên nhiên , sự ô nhiễm môi trường... thì hầu như còn bị lãng quên. Xu hướng chung của thế giới, cũng như nước ta trong thế kỷ 21, thực hiện công cuộc phát triển bền vững là một trong những nội dung và thách thức quan trọng nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao vẫn đạt được phát triển bền vững, đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết của xã hội ngày càng tăng, mà vẫn giữ gìn được môi trường và tài nguyên thiên nhiên: Ðất, nước, không khí, khoáng sản, động thực vật... trong sự tồn tại vốn có của nó cho các thế hệ mai sau. Mỗi năm chúng ta thải vào không khí một lướng lớn khoảng 7 tỷ tấn carbon. Xu thế phát triển hiệu ứng nhà kính ngày càng rõ rệt ở các đầu cực. Và cho đến lúc này ngoài những biện phát cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cần phải có những phát minh mới nhầm hạn chế phát thải gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vì một thế hệ tương lai bền vững hơn, mọi quốc gia cần phải có tiếng nói chung trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo: Nguyễn Phương Tiến Anh, Diễn đàn Trường Đại học Cần Thơ (tổng hợp từ nhiều nguồn- http://forum.ctu.edu.vn/viewtopic.php?p=72349&sid=62fb601eed2aeba9eede03230bf79607)
Bài 2: Nước biển dâng cao: Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng
Mực nước biển dâng cao (“sea level rise” - viết tắt SLR) do khí hậu thay đổi là một nguy cơ nghiêm trọng có tính toàn cầu, và nguy cơ này càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những nước có mật độ dân cư dày đặc ở những vùng đất thấp và ven biển như Việt Nam.
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều bằng chứng khoa học khẳng định và tái khẳng định nguy cơ này.Nguy cơ SLR có thể đến từ ba nguồn chính. Thứ nhất là sự gia tăng liên tục của hiệu ứng nhà kính, kéo theo nó là sự ấm dần lên của Trái đất. Theo các nhà khoa học, chỉ riêng hiện tượng này đã có thể làm mực nước biển dâng cao từ 1-3 mét trong thế kỷ 21. Thêm vào đó, việc các dải băng ở Greenland và West Antarctic đang tan nhanh, nhiều nơi tới hơn 1 mét mỗi tháng, có thể làm toàn bộ mực nước biển dâng cao tới 5 mét. Và thứ ba là việc khai thác nước ngầm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn, làm mặt đất bị sụt lún. Không cần phải là nhà môi trường học cũng có thể hình dung được nếu tình huống này thực sự xảy ra thì cuộc sống của hàng trăm triệu con người hiện đang sinh sống ở các vùng đất thấp ven biển trên khắp địa cầu sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến mức độ nào.
Xin tóm lược một số kết quả nghiên cứu mới công bố hồi tháng 2-2007 của một nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đánh giá tác động của SLR đối với 84 nước đang phát triển trong đó có Việt Nam - một trong năm nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của SLR.
Nhóm nghiên cứu của WB đã sử dụng các phần mềm Hệ thống thông tin địa lý (GIS), kết hợp với nhiều nguồn dữ liệu cập nhật và đáng tin cậy, để đánh giá và so sánh tác động của các tình huống tăng mực nước biển từ 1-5 mét đến sáu yếu tố chịu ảnh hưởng của SLR bao gồm đất đai, dân số, nông nghiệp, phạm vi đô thị, đất ngập nước, và GDP. Một cách khái lược, nghiên cứu này chỉ ra rằng nội trong thế kỷ 21, hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển sẽ phải di chuyển do tác động của SLR, đồng thời tác động về kinh tế và sinh thái sẽ rất nặng nề đối với tất cả các khu vực, trong đó Đông Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất, tiếp sau đó là Trung Đông và Bắc Phi. Nếu mực nước biển tăng từ 1 mét lên 5 mét thì phần trăm dân số chịu ảnh hưởng sẽ tăng từ 2% lên 8,6%; tác động đến GDP tăng từ 2,1% lên tới 10,2%; còn phần trăm diện tích đất đô thị bị ảnh hưởng sẽ tăng từ 1,7% lên đến gần 9% (xem biểu đồ).
Trong khu vực Đông Á, với đặc trưng về vị trí địa lý cũng như địa hình thì Việt Nam lại là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này có thể thấy rõ qua biểu đồ so sánh mức độ tác động của Việt Nam so với mức trung bình của khu vực Đông Á và toàn thế giới. Trong phạm vi nước ta thì hai khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long - vốn là hai khu vực đất thấp, gần biển, lại có mật độ cư dân rất cao. Cũng chính vì thế, chỉ cần mực nước biển dâng cao thêm 1 mét thì sẽ có 5,3% diện tích đất, 10,8% dân cư, 10,2% GDP, 10,9% diện tích đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp, và 28,9% diện tích đất trũng bị tác động. Mặc dù chưa thể ước lượng được thiệt hại tiềm tàng tính bằng tiền, nhưng với phạm vi và quy mô tác động như thế này, cuộc sống của hàng chục triệu người dân nước ta sẽ phải trải qua những biến động to lớn.
Cho đến nay, dường như cộng đồng quốc tế chưa thực sự nghiêm túc xem xét hệ
quả của SLR đối với việc quy hoạch định vị dân cư và cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Hy vọng rằng những kết quả có tính cảnh báo cao trong nghiên cứu của WB sẽ khuyến khích hoạt động hoạch định để các nước, đặc biệt là các nước nghèo, có đủ thời gian để chuẩn bị để thích nghi với những biến đổi trong môi trường tự nhiên. Mặc dù nghiên cứu không chỉ ra được một cách chính xác về thời gian, mức độ, và phạm vi của ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao, một số nghiên cứu gần đây cho rằng thời gian xảy ra điều này có thể đến sớm hơn, và mức độ ảnh hưởng có thể sẽ cao hơn những tính toán trước đây.
Không rõ chúng ta đã có những nghiên cứu tương tự nhằm đánh giá tác động của SLR nói riêng và sự thay đổi của thời tiết nói chung gây ra đối với Việt Nam hay chưa. Tuy nhiên, những lời cảnh báo nghiêm trọng của nhóm nghiên cứu WB đòi hỏi cộng đồng khoa học nước ta phải có những nghiên cứu cẩn trọng để kiểm định tính chính xác của lời cảnh báo, đồng thời lượng định một cách cụ thể những hậu quả tiềm tàng của SLR trong các tình huống khác nhau. Về phía Nhà nước, các quy hoạch và chính sách kinh tế - xã hội (chẳng hạn như chủ trương mới đây về phát triển kinh tế biển) cũng không thể không tính đến những tác động mà SLR có thể gây ra cho các tỉnh ven biển.
Đối với một số tỉnh có nguy cơ chịu tác động nghiêm trọng của SLR, chính quyền
Trung ương và địa phương cần có những chính sách thích hợp trên cơ sở những nghiên cứu khoa học đầy đủ và điều kiện đặc thù của địa phương. Ví dụ ĐBSCL, địa hình vốn đã thấp hơn so với mực nước biển nên nguy cơ nước mặn xâm lấn do SLR gây ra càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các tỉnh ở ĐBSCL cần chủ động tìm các giải pháp làm chậm tiến trình xâm mặn, giảm tác hại của nó và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để thích ứng với sự biến đổi của môi trường sống.
Theo Vũ Thành Tự Anh(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Bài 3:Thay đổi khí hậu có thể đẩy hơn một triệu loài tới nguy cơ diệt vong
Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature - thay đổi khí hậu có thể đẩy hơn một phần tư số loài động thực vật trên cạn tới nguy cơ diệt vong. Theo đó, trong thời gian từ nay cho tới 2050 sẽ có khoảng 15 tới 37% số loài ở những khu vực đa dạng nhất sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học tin rằng rất có thể sự tuyệt chủng cao cũng có thể xảy ra ở các nơi khác do sự biến đổi về khí hậu.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu sáu vùng, chiếm khoảng 20% diện tích đất liền và tính toán sự phân bố trong tương lai của 1.103 loài động thực vật. Có ba mức thay đổi được tính đến - thay đổi nhỏ, thay đổi ở mức trung bình và thay đổi lớn – dựa trên khả năng một số loài có thể phát tán, di chuyển thành công tới một vùng khác, nhờ đó hạn chế được ảnh hưởng và đã giảm được sự tuyệt chủng. Nghiên cứu đã sử dụng những mô hình toán học với sự trợ giúp của máy tính để mô phỏng những cách mà các loài có khả năng di chuyển phản ứng lại với những thay đổi về nhiệt độ và thời tiết. Đây là hợp tác lớn nhất của các nhà khoa học về vấn đề này. Lee Hannah – Trung tâm Khoa học ứng dụng đa dạng sinh học (CABS) thuộc Conservation
International (CI) nhận xét: “Nghiên cứu này làm sáng tỏ một điều là thay đổi khí hậu là yếu tố quan trọng nhất đe dọa sự tuyệt chủng trong thế kỷ này. Tác động tổng hợp của việc giảm đi các ổ sinh thái (đã được xem là một nhân tố quan trọng nhất đe dọa tới các loài) và những thay đổi khí hậu làm giảm khả năng di chuyển và sống sót của các loài.” Những dự báo về một số loài có thể tuyệt chủng dựa trên những thay đổi khí hậu từ nay đến 2050 không có nghĩa là những loài này sẽ bị tiêu diệt lúc đó. Nghiên cứu đã dự đoán rằng, tối thiểu sẽ có khoảng 18% (con số trung bình khi sử dụng các mô hình tính toán khác nhau) bị tuyệt chủng với viễn cảnh về thay đổi khí hậu cho đến 2050, khoảng 24% nếu có những thay đổi lớn hơn và 34% nếu có những thay đổi lớn. Như vậy, 15 – 20% các loài sinh vật trên cạn phải được bảo vệ khỏi tuyệt chủng với những thay đổi rất nhỏ về khí hậu. Chris Thomas – Đại học Tổng hợp Leeds cho biết: “Bằng các dự đoán ngoại suy với các nhóm động thực vật trên cạn khác, những phân tích của chúng tôi cho thấy rằng hàng triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng như là hậu quả của thay đổi khí hậu”. Sự thay dao động nhỏ về khí hậu có thể ảnh hưởng tới khả năng tồn tại trong ổ sinh thái ban đầu của một loài. Nhiệt độ tăng nhẹ có thể tác động tới sự di chuyển một loài về những nơi mát mẻ hơn. Nếu các ổ sinh thái của chúng bị phá hủy hoàn toàn, các loài này sẽ chẳng còn nơi ẩn náu. Theo Hannah, nghiên cứu này cần phải chia thành hai phần: “Trước tiên, phải giảm nhanh các khí nhà kính và chuyển qua sử dụng các công nghệ mới, sạch hơn có thể giúp bảo vệ vô số các loài.Thứ hai, chúng ta phải tìm các giải pháp để có thể xác định những thay đổi khí hậu sẽ tác động tới toàn bộ hệ sinh thái như thế nào, qua đó sẽ chuẩn bị những phương án khẩn cấp để bảo tồn chúng. Trong nghiên cứu này, CABS đã hợp tác với Viện thực vật Quốc gia Nam Phi để tính toán hơn 300 loài thực vật ở mũi Cape. Ở vùng này, 30 đến 40% các loài trong họ Proteaceae có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn như là hậu quả của việc thay đổi khí hậu từ nay tới 2050. Proteaceaelà họ thực vật có hoa bao gồm South Africa’s national flower, the King protea cũng như the daystar và the pincushions. Vùng Cape được xem như là một trong 25 “điểm nóng về đa dạng sinh học” với số lượng lớn các loài đặc hữu và đang bị đe dọa. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng một độ F trong thế kỷ trước, và trái đất đang ấm dần lên trong hai thập kỷ qua. Các nhà khoa học cho rằng sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ các hoạt động của con người làm biến đổi thành phần của khí quyển bằng việc thải ra các khí nhà kính như: carbon dioxide, methane và nitrous oxide đã giữ lại nhiệt phản xạ từ trái đất.
Đinh Văn Khương (Theo Conservation International-http://www.sinhhocvietnam.com/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=48)
Bài 4: Thay đổi khí hậu thử thách an ninh quốc gia
Hội đồng tình báo quốc gia (National Intelligence Council – NIC) vừa mới hoàn thành một bản đánh giá mới về vấn đề thay đổi khí hậu có thể đe dọa nền an ninh Hoa Kì như thế nào trong vòng 20 năm tới khi nó gây nhiều biến động chính trị, các phòng trào tị nạn lớn, khủng bố hay bất đồng về nguồn nước cũng như các nguồn tài nguyên khác giữa một số quốc gia.
Ủy ban tình báo thượng viện được trình báo tường tận vào thứ tư ngày 25 tháng 6 về các vấn đề chính. Dù bản đánh giá được coi là tài liệu mật nhưng một vài phân tích được sử dụng làm tài liệu mở, trong đó có rất nhiều nghiên cứu do Trung tâm Mạng lưới thông tin và Khoa học trái đất (CIESIN) thuộc đại học Columbia thực hiện. Theo nhiệm vụ NIC đề ra, CIESIN phải xếp thứ bậc các quốc gia dựa trên 3 nguy cơ thời tiết: mực nước biển tăng, tình trạng khan hiếm nước tăng và khả năng bị tổn hại nói chung dựa trên biến đổi nhiệt độ được lên kế hoạch so với khả năng thích nghi của các quốc gia. Phó giám đốc CIESIN Marc Levy đồng thời là đồng tác giả các nghiên cứu của CIESIN cho biết: “Chúng tôi có thể khoanh vùng các khu vực có biến đổi khí hậu cao dự đoán đồng thời cũng là các khu vực bất ổn trong lịch sử. Điều nay cho thấy khí hậu thay đổi có xu hướng làm trầm trọng thêm các nguy cơ chính trị”. Rất nhiều quốc gia chịu đựng nhiều hậu quả của khí hậu biến đổi cũng có tỉ lệ biến động lịch sử ít. Ví dụ, các đồng minh của Hoa Kì như Hà Lan đang phải đối mặt với những nguy cơ như mực nước biển tăng lên, bù lại họ có nền kinh tế và chính phủ mạnh do đó họ cũng không coi đây là nguy cơ lớn. Tuy nhiên các nước khác phải chịu đựng nguy cơ bị tác động do biến đổi khí hậu dự đoán và tỉ lệ thích nghi thấp bắt nguồn từ năng lực của các cơ quan tổ chức địa phương cũng như lịch sử hay xảy ra biến động và các mối bất hòa. Những nguy cơ này có xu hướng tập trung tại các vùng phía nam kém phát triển về kinh tế. Các quốc gia có tình trạng nguy hiểm cao hơn trong danh sách của CIESIN có thể khớp hoặc không khớp với danh sách của NIC là Nam Phi, Nepan, Ma-rốc, Băng-la-đet, Tuy-ni-zi, Pa-ra-guay, Yêmen, Xu-đăng và Bờ Biển Ngà.
Lượng mưa không đều hay các hiện tượng liên quan đến nhiệt độ khác có thể góp phần gây nên các biến động nguy hiểm do mùa màng thất thu hay một số vấn đề tại các quốc gia. Nhóm quốc gia này bao gồm Xu-Đăng, Iran, Irắc, Cô-oet, Công-gô, Êtiôpia và Jooc-dan. (Ảnh: iStockphoto/ Tobias Helbig) Dân số lớn nhất phải chung sống với nguy cơ mực nước biển tăng lên là ở Trung Quốc, Philippin, Ai Cập và Indonexia. Chỉ tính riêng Trung Quốc và Philippin đã có 64 triệu người sống ở vùng có độ cao thấp (cao hơn mực nước biển 1m). Tại Ai Cập – quốc gia nhận được hỗ trợ quân sự của Hoa Kì trong khoảng thời gian dài đồng thời là nước có xung đột nội bộ thường xuyên, 37% dân cư sống dưới mực nước biển 10m tại châu thổ sông Nin màu mỡ. Ở các quốc gia khác, lượng mưa không đều hay các hiện tượng liên quan đến nhiệt độ khác có thể góp phần gây nên các biến động nguy hiểm do mùa màng thất thu hay một số vấn đề khác. Nhóm quốc gia này bao gồm Xu-Đăng, Iran, Irắc, Cô-oet, Công-gô, Êtiôpia và Jooc-dan theo nghiên cứu của CIESIN. Các vấn đề an ninh có liên quan đến khí hậu có thể gây ảnh hưởng lớn khi chúng gây ra “suy thoái đáng kể hoặc tạm thời đối với một trong số các yếu tố thuộc năng lực quốc gia (như địa chính trị, quân sự, kinh tế cũng như liên kết xã hội) do chúng ảnh hưởng gián tiếp đến lãnh thổ Hoa Kì, ảnh hưởng gián tiếp đến Hoa Kì thông qua các nước đồng minh lớn hay đối tác kinh tế quan trọng. Do ảnh hưởng toàn cầu của các vấn đề nói trên nên nó đang làm suy giảm tài nguyên của Hoa Kì” (Theo tài liệu tóm tắt của NIC do InsideDefense.com trích dẫn lần đầu tiên thực hiện đánh giá này). “Tình trạng căng thẳng về tài nguyên và cơ sở hạ tầng sẽ làm trầm trọng thêm áp lực nội bộ quốc gia đồng thời làm phát sinh xích mích giữa các địa phương trong quá trình cạnh tranh hoặc bất đồng về tài nguyên cũng như trách nhiệm di dân”. Bản đánh giá do NIC thực hiện năm ngoái theo yêu cầu của Cơ quan tình báo Thượng viện thể hiện phần nào nhận thức của các cơ quan quân sự rằng vấn đề biến đổi khí hậu cần tính toán cẩn trọng. Một bản báo cáo năm 2007 do Trung tâm phân tích hải quân yêu cầu phải có đánh giá toàn diện về vấn đề. Luật bảo vệ quốc gia năm 2008 (National Defense Authorization Act) ủy thác cho Lầu năm góc “xác định khả năng đối phó của quân đội Hoa Kì với các hậu quả của biến đổi khí hậu”, đặc biệt là phải luôn luôn sẵn sàng trước bất cứ thảm họa tự nhiên nào do khí hậu khắc nghiệt gây ra. Theo InsideDefense.com, bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã thông qua Chiến lược quốc phòng quốc gia chưa ban hành tập trung vào các vấn đề khí
hậu và môi trường. Richard Engle – chuyên viên tình báo quốc gia đảm trách khoa học và công nghệ thuộc Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia – trong một bài phát biểu gần đây có đưa ra nhận xét về bản báo cáo như sau: “Chúng tôi muốn đạt được các chính sách khả thi cho cộng đồng chính sách. Do đó chúng tôi cần phải cụ thể”. Bản đánh giá ban đầu dự kiến được công bố rộng rãi nhưng lại được xếp vào nhóm tài liệu mật do lo ngại rằng nó sẽ làm trỗi dậy sự thù địch từ các chính phủ cách mạng (theo nguồn tin thân cận). Thomas Fingar, chủ tịch NIC, sẽ công bố rộng rãi một vài phần bản báo cáo dài 58 trang với tiêu đề “National Security Implications of Global Climate Change Through 2030” (tạm dịch là “Biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cho đến năm 2030”) trong phiên tòa ngày thứ 4. Kết quả quan trọng thể hiện quan điểm đồng tình của trên 16 cơ quan tình báo Hoa Kì. Cùng với CIESIN, các nguồn tin khác đóng góp trong bản báo cáo bao gồm Chương trình biến đổi khí hậu Hoa Kì, Trung tâm Phân tích hải quân, Ban hội thẩm biến đổi khí hậu liên chính phủ, tập đoàn Rand và đại học bang Arizona. Levy: “Các nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm tới việc tìm hiểu liệu biến đổi khí hậu có khiến các cuộc khủng hoảng như cuộc xung đột tại Darfur xảy ra thường xuyên hơn hay không, và liệu các viễn cảnh bạo lực khác có nảy sinh hay không. Khoa học nghiên cứu tác động của khí hậu không những mang đến cho chúng ta câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi đặt ra mà ít nhất hiện chúng ta cũng nhìn nhận nó một cách nghiêm túc”. Các tài liệu của CIESIN sẽ được công bố kể từ thứ 2, ngày 30 tháng 6.
Trà Mi (TheoScience Daily - http://khoahoc.com.vn/view.asp?Cat_ID=7&Cat_Sub_ID=3&news_id=20794)
Bài 5:Biến đổi khí hậu đe doạ sinh kế người dân VN
Đứng thứ 5 về khả năng dễ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã được Liên hợp quốc chọn là quốc gia để tiến hành nghiên cứu điển hình về biến đổi khí hậu và phát triển con người. Theo đó, sinh kế của người Việt đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những thay đổi toàn cầu, đòi hỏi một tầm nhìn dài hơi, một kế hoạch cụ thể và mang tính chiến lược.Tiến gần tới "điểm tràn"
Báo cáo phát triển con người năm nay đã dành nội dung chủ yếu cho biến đổi khí hậu, vấn đề được ghi nhận là "tình huống khẩn cấp" của một cuộc khủng hoảng gắn liền với ngày hôm nay và mai sau. Thế giới chỉ còn chưa đầy một thập kỷ để thay đổi tình hình.
7 năm trước, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã họp mặt, cùng nhau đưa ra các mục tiêu thúc đẩy tiến bộ trong phát triển con người: các mục tiêu thiên niên kỷ. Nhiều thành quả đã gặt hái. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, biến đổi khí hậu có thể sẽ chặn đứng và đẩy lùi thành quả của những nỗ lực giảm nghèo trên toàn thế giới. Nồng độ khí nhà kính đã vượt quá ngưỡng tự nhiên suốt 650 nghìn năm qua. Các tảng băng ở Nam Cực, ở Greenland đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. Đại dương xuất hiện hiện tượng axít hóa. Rừng nhiệt đới bị thu hẹp... Từng hiện tượng riêng hay các hiện tượng kết hợp với nhau đều đưa thế giới tiến gần tới "điểm tràn".
Theo tính toán, ngân quỹ các-bon cho toàn thế kỷ 21 có thể sẽ bị cạn kiệt vào năm 2032. Trong thế kỷ 21, nhiệt độ thế giới có thể tăng thêm 5 độ C, tương đương với sự thay đổi nhiệt độ từ thời kỳ băng hà, thời kỳ phần lớn châu Âu và Bắc Mỹ còn nằm dưới lớp băng dầy 1km. Trong khi đó, ngưỡng biến đổi khí hậu nguy hiệm là tăng thêm 2 độ C. Nếu vượt qua ngưỡng 2 độ này, kết quả phát triển con người sẽ bị đẩy lùi trên quy mô lớn, các thảm họa sinh thái không thể đảo ngược sẽ xảy ra.
Các chuyên gia nhấn mạnh, người nghèo phải hứng chịu những tác động đầu tiên và hủy hoại mạnh nhất. Đại bộ phận lượng khí nhà kính do các nước giàu và người dân ở các nước này thải ra, nhưng các nước nghèo và người dân của họ lại là người phải trả giá đắt nhất cho biến đổi khí hậu.
Thiên tai tập trung chủ yếu ở các nước nghèo. Trong 4 năm 2000 - 2004, trung bình thế giới có 326 thiên tai mỗi năm với khoảng 262 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó hơn 98% ở các nước đang phát triển. Mức chênh lệch rủi ro giữa các nước phát triển và đang phát triển là 79 lần.
Nguy cơ ảnh hưởng khí hậu gắn liền với bão, lụt thường thấy ở các cộng đồng nông thôn tại các vùng châu thổ sông Hằng, sông Cửu Long, sông Nin, và các khu nhà ổ chuột trong các đô thị ở các nước đang phát triển. Nếu không giải quyết, 40% dân số thế giới có một tương lai vô vọng.
Việt Nam và "bóng đen" biến đổi khí hậu
"Bóng ma biến đổi khí hậu" đã và đang được nhận diện ở Việt Nam, ban đầu bởi những người "trong ngành", lãnh đạo cấp cao, và đang mở rộng ra cộng đồng.
Trên thực tế, sinh kế của hàng chục triệu người Việt Nam đang bị đe dọa với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vấn đề này và những hệ quả của nó đang khiến cho cuộc sống người nghèo và những người cận nghèo Việt Nam ở vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng bị đe dọa.Lượng mưa thất thường và luôn biến đổi. Nhiệt độ tăng cao hơn, tình hình thời tiến khốc liệt hơn. Tần suất và cường độ của những đợt bão lũ, triều cường tăng đột biến. Các dịch bệnh xuất hiện và lan tràn... Tình trạng thiếu hụt nước tăng cao. Diện tích rừng ngập mặn cũng bị tác động. Phân bố rừng nguyên sinh, thứ sinh có thể dịch chuyển. Nguy cơ tuyệt chủng các loài động thực vật gia tăng. Nguy cơ cháy rừng, phát tán dịch bệnh ngày càng hiển hiện. Nguồn thủy, hải sản bị phân tán.
Riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà. Một phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có thể bị ngập lụt do nước biển dâng, các chuyên gia cảnh báo.
Theo tính toán, năm 2070 các loại cây trồng Việt Nam có thể sẽ lên tới độ cao 550 mét và hướng lên phía bắc 100 - 200 km so với hiện tại. Các loài cây á nhiệt đới suy giảm... Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh.
Bóng đen biến đổi khí hậu đang trùm lên toàn Việt Nam. Nếu không điều chỉnh, đất nước sẽ ngày càng ngập sâu vào "món nợ sinh thái" không bền vững mà các thế hệ mai sau sẽ là người phải trả.
Nhận diện và thích ứng
Tuy nhiên, dù là quốc gia tham gia Công ước quốc tế về vấn đề này rất sớm, là
nước đã sớm ký Nghị định thư Kyoto, nhưng tại Việt Nam, biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đăng đàn Quốc hội cách đây chưa lâu. Và nội dung biến đổi khí hậu vẫn còn mờ nhạt, chìm đi trong muôn ngàn vấn đề quốc kế dân sinh khác.
Trong lần gần đây, cũng chỉ duy nhất một vị đại biểu nêu vấn đề này trong chất vấn chính phủ. Cùng với những dấu hiệu ngày càng rõ ràng của thảm họa, nhận thức về biến đổi
khí hậu đang đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế, Bộ TN-MT khẳng định "biến đổi khí hậu là một thực tế đã, đang và sẽ xảy ra". Trước thực tế đó, "Việt Nam cần phải có một chiến lược dài hơn, trong một tầm nhìn dài hạn", "cần một quyết tâm lớn". Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam, ông Christopher Bahuet khuyến nghị, Việt Nam cần giải quyết ở cả ba cấp độ: cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế, trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế. Ở cấp độ cộng đồng, trong ngắn hạn, cần có các hỗ trợ khẩn cấp thông qua hỗ trợ thiên tai; về lâu dài, cần nâng cao năng lực thích ứng ở các vùng bị ảnh hưởng, ví dụ như xây dựng nhà cửa thích hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở cấp độ chính sách, cần xây dựng chiến lược ở cấp quốc gia cũng như địa phương. Các yếu tố thay đổi khí hậu cần được lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Michael Parisons, đại diện tổ chức hoạt động môi trường, Chính phủ cần tìm các biện pháp thích nghi cho người nghèo và những người cận nghèo, những người chịu tác động nhiều nhất. Nhờ đó, Chính phủ sẽ giúp cho người dân vừa thích ứng với điều kiện biến đổi, vừa bảo vệ tài sản cho họ, đảm bảo cho sinh kế.
Theo Phương Loan(VietNamNet-http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/11/757264/)
Môi trường sống tại VN theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới:
Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là điều được cơ quan chức năng và giới chuyên môn Việt Nam cũng như quốc tế cảnh báo suốt thời gian qua. Tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay thế nào?
Sài Gòn, Hà Nội ô nhiễm nặng nhất
Cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thực hiện theo Hệ thống Dự báo Ô nhiễm gọi tắt là ISSP trên 10 tỉnh thành, cho biết xếp theo thứ hạng về mức độ ô nhiễm về đất, nước và không khí, TP.HCM đứng đầu, kế đó là Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, và Cần Thơ.
Ngoài sự kiện chiếm đầu bảng, Sài Gòn và Hà Nội, hai thành phố kinh tế trọng điểm của cả nước, cũng chiếm đến nửa tổng lượng khí thải gây ô nhiễm.
Trong thời gian sau này vấn đề ô nhiễm môi trường được nhắc đến khá nhiều ở Việt Nam. Chính phủ đề ra một số biện pháp cải thiện môi sinh như ban hành luật bảo vệ môi trường và luật đa dạng sinh học; thực hiện việc thanh tra môi trường, và buộc dân chúng tuân theo các qui định về môi trường. Nhiều cuộc hội thảo theo xu hướng hội nhập quốc tế cũng được tổ chức, bàn về vấn đề môi trường đối với các doanh nghiệp.Tuy nhiên đến nay ô nhiễm vẫn là một thử thách của Việt Nam, như cái giá tất yếu của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đó là vì các qui định an tòan môi sinh chưa được triệt để tuân hành, từ phía doanh nghiệp lẫn quần chúng nói chung.
Nguyên Bộ trưởng Mai Ái Trực, từng cho đài Á châu Tự do hay rằng giới thẩm quyền có thiện chí thế nhưng công chúng chưa phát huy hết vai trò của mình:
“Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện bảo vệ môi trường. Người dân ngày càng quan tâm, tuy nhiên chưa ý thức được bản thân cần phải làm gì để đóng góp vào việc bảo vệ môi trường"

Những nguyên nhân gây ô nhiễm
Theo kết quả cuộc nghiên cứu về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam do World Bank thực hiện vừa qua, lượng phát thải gây ô nhiễm nhiều nhất đến từ các họat động kỹ nghệ. Kể về chi tiết, các ngành gây ô nhiễm môi sinh cao nhất ở Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, từ sản xuất thực phẩm như nước giải khát đến sản xuất kỹ nghệ như khoáng chất, kim lọai và giấy, gỗ, hoặc sản xuất hàng tiêu dùng như dệt may, trang phục v.v…
Riêng ở Sài Gòn và Hà Nội, lượng phát thải gây ô nhiễm nhiều nhất đến từ ngành công nghiệp hóa chất.
Kể từ khi kinh tế phát triển, sinh thái của không ít tỉnh, thành Việt Nam có dấu hiệu ngày càng ô nhiễm. Cục Bảo vệ Môi trường thừa nhận rằng ô nhiễm bụi là một vấn đề nghiêm trọng của đất nước thời gian này.
Lâu nay đã có nhiều phản ánh từ giới khoa học, báo chí và người dân trong nước trước tình trạng không khí, sông ngòi bị ô nhiễm, chủ yếu là do khí thải, chất thải công nghiệp. Theo đà phát triển kinh tế, những khu chế xuất ngày càng mọc lên nhiều ở Việt Nam. Trong lúc tạo dựng công ăn việc làm cho người dân, cải thiện mức sống của họ, họat động của nhiều nhà máy sản xuất mà không trang bị đầy đủ hệ thống xử lý đúng tiêu chuẩn cũng đồng thời góp phần vào việc làm môi trường ô nhiễm.
Theo qui định, các nhà máy sản xuất phải có hệ thống lọc khí thải, nước thải. Thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng được tuân hành.
Môi sinh một số vùng đã bị ảnh hưởng, và người dân nhiều nơi phải sống với khói, bụi, hoặc uống nước từ nguồn nhiễm bẩn, nhiễm độc vì chất thải công nghiệp xả thẳng ra sông ngòi ao rạch.
Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, có lần giải thích với phóng viên đài Á châu Tự do rằng chính phủ có qui định về an tòan môi trường, thế nhưng doanh nghiệp có hòan tòan tuân theo, và giới trách nhịêm có kiểm sóat được hữu hiệu hay không, là một vấn đề khác:
"Trước khi khu công nghiệp được đi vào họat động, họ phải trình duyệt, khẳng định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với tòan bộ khu công nghiệp (KCN) đó. Khi KCN đi vào hoạt động, nhà máy phải có bộ phận xử lý đạt mức độ nhất định mới được đưa ra hệ thống chung, và khi đó ban quản lý có thể họat động dưới sự kiểm sóat của cơ quan địa phương. Giai đọan thứ ba, khi KCN đã đầy cộng sở, nhà máy thì việc kiểm sóat chặt chẽ hơn, và người ta đòi hỏi cơ sở hạ tầng về mặt xử lý nước, xử lý rác, xử lý nước thải phải đầy đủ hơn. Thế rồi, đến giai đọan đầy đủ tất cả các nhà máy thì yêu cầu càng gắt gao hơn. Ban quản lý chung về mặt môi trường của KCN đó và một nhà máy trong KCN đó đều bị đòi hỏi rất gắt gao về vấn đề quản lý môi trường.Thế mà chúng tôi cũng chỉ thấy họ làm đến như thế thôi. Chúng tôi không có lực lượng để có thể rải ra hết từng nơi, theo dõi các KCN đó nó như thế nào. Sự quan tâm của chúng tôi thì cũng chỉ là gặp đâu làm đó thôi, chứ không có lực lượng để làm một hệ thống bài bản"

Quốc tế cảnh báo

Tương tự như cuộc nghiên cứu của World Bank đưa ra mới đây, vào mấy tháng trước, Chương trình Môi trường LHQ báo cáo rằng Hà Nội và Sài Gòn đứng đầu châu Á về mức ô nhiễm bụi.Hội nghị quốc tế về môi trường, diễn ra ở Thụy Sĩ năm 2006, đã xếp Việt Nam vào nước có môi sinh tệ nhất trong 8 quốc gia Đông Nam Á.
Nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học thế giới lâu nay không ngừng cảnh giác Việt Nam rằng tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và phát triển xã hội. Song song với việc công bố kết quả nghiên cứu về môi trường ở Việt Nam, World Bank có một số đề nghị nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi sinh do họat động kỹ nghệ.
Đại diện tổ chức này, ông Magda, trưởng phòng họat động và chính sách của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á-TBD- cho rằng việc can thiệp quản lý ô nhiễm trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam cần được chú trọng; vai trò của các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề quản lý ô nhiễm môi trường cần được làm rõ; việc giám sát và chế tài về ô nhiễm công nghiệp cần được củng cố.Ô nhiễm môi trường ở Việt Nam: chuyện vẫn mớiCác cơ sở sản xuất trong nước gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là nội dung bản thuyết trình của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ngày 22.4.2003, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch từng bước kiểm soát, hạn chế tốc độ gia tăng số cơ sở gây ô nhiễm. Năm 1999, kế hoạch tương tự đã từng được đệ trình Chính phủ.
Mọi ngành, mọi nhà thải ra chất độc
Đầu tiên là các cơ sở công nghiệp Hoá chất, sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón và khai thác chế biến khoáng sản thải ra cyanua vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) hơn 80 lần, NH3 cũng khoảng 80 lần còn H2S gấp 4 lần. Tiếp đến là các cơ sở dệt may, cơ sở công nghiệp giấy, với nước thải có độ kiềm cao (độ PH 9-11), chứa nhiều kim loại nặng, chất hữu cơ đa vòng thơm chứa Clo độc hại rất khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Loại nước thải này có chỉ số nhu cầu ô xy sinh hoá (BOD) có thể lên tới 700mg/l và nhu cầu ô xy hoá học (COD) cao tới 2.500 mg/l, có thể gấp 17 lần TCCP, thường không được xử lý trước khi đổ vào sông. Phát triển kinh tế chưa dung hoà với bảo vệ môi trường. Ông Phùng Văn Mui, Chánh thanh tra Cục môi trường “cụ thể hoá” rằng: “Cứ 4 đơn vị sản xuất thì có 1 cơ sở vi phạm”. Theo đúng luật thì nhiều nhà máy sẽ phải đóng cửa từ lâu, ví dụ như Gang thép Thái Nguyên. Nước thải của nhà máy này chứa nhiều phenon, kim loại nặng, NH4 (30mg/l), các hợp chất hữu cơ (120 mg/l), làm ô nhiễm sông Cầu nghiêm trọng, nhất là vào lúc không phải là mùa lũ trong năm.
Nước thải bẩn đổ vào sông là tình trạng phổ biến ở các đô thị, nghiêm trọng nhất là ở Hà Nội và TP.HCM. Một số cơ sở chế biến thực phẩm và giết mổ gia súc không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh lại bị quá tải lâu nay. ở Hà Nội, 62 cơ sở giết mổ gia súc (37 cơ sở giết mổ lợn, còn lại là giết mổ trâu, bò) thì có 6 cơ sở tư nhân, tất cả số này dù đã có đầu tư nâng cấp nhà xưởng, bể chứa & đường ống nước, nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và đều giết mổ thủ công. Chỉ có một cơ sở duy nhất tại Công ty Chế biến thực phẩm Lương Yên là có hệ thống nhà xưởng máy móc giết mổ hoàn chỉnh. Chất thải từ qúa trình giết mổ ở các cơ sở tư nhân đều chảy thẳng ra cống thoát nước thành phố, bể phốt là thứ hiếm hoi ở các lò mổ này. Vì thế, dù được nhân viên thú y kiểm định, không thể đảm bảo thịt đưa ra thị trường đủ tiêu chuẩn ATVSTP. Thực chất các lò mổ này hiện nay chỉ là điểm “thu gom” các lò mổ tự phát, nhỏ lẻ để cơ quan thú y dễ kiểm dịch hơn mà thôi. Bỏ ra hơn 5 tỉ đồng để đầu tư cho mỗi lò mổ hiện đại được “cơ giới hoá” là điều mới nằm trong “kế hoạch”. Tình trạng ở TP.HCM cũng tương tự.
Lò mổ “tự phát” tại nông thôn thì sao? Làng nào cũng có vài hộ gia đình làm nghề “hàng dát”. Tất nhiên, chất thải từ giết mổ thường chảy xuống ao, cũng như mọi loại chất thải sinh hoạt khác. Ao vẫn là nơi rửa bát, rửa rau, giặt chăn chiếu ở nhiều vùng nông thôn. Thuốc trừ sâu bị sử dụng bừa bãi, các loại bao, túi đựng thuốc trừ sâu vương vãi bên bờ ruộng, cạnh đường làng… nhiều nơi. Và cá, tôm dưới ao nước bẩn cũng sẽ bị nhiễm bẩn. Còn tại Hà Nội, nơi ao đã bị lấp hầu hết, các hồ đều là nơi “chứa tạm” nước cống và chống ngập lụt cho thành phố. Nhưng cá nuôi ở Hồ Tây (hồ ít ô nhiễm nhất) bán vẫn rất chạy, xí nghiệp nuôi cá Hồ Tây ăn nên làm ra, đồng thời dân quanh hồ không ít người đang kiếm sống bằng cách câu cá trộm. Trai, ốc tại các hồ ao ô nhiễm của Hà Nội cũng tiêu thụ tốt. Dịch bệnh ở tôm nuôi tại các địa phương rộ lên gần đây như Long An và nhiều tỉnh miền Trung có nguyên nhân mấu chốt là môi trường nơi nuôi tôm đã bị ô nhiễm.
Các làng nghề thủ công vừa phát đạt lại đã ô nhiễm, có thể kể đến làng gốm sứ Bát Tràng, các làng sơn mài ở Hà Tây, đồ gỗ Đồng Kỵ, làng rèn Vân Chàng...
Nguy cơ bệnh dịch từ nước thải & giải pháp
Sông đưa ô nhiễm đi, thế là quýt làm cam chịu. Thị xã Phủ Lý (Hà Nam) đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm do nước thải của Hà Nội theo sông Nhuệ chảy đến. Lượng nước thải khoảng 400.000 m3/ ngày gồm nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt… đang làm ô nhiễm nước ngầm ở Hà Nội. Đã xuất hiện nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, các loại tảo độc trên các sông có nước thải. Sông Sài Gòn, các con kênh đen và gây ô nhiễm nước ngầm TP.HCM cũng nghiêm trọng không kém.
Gần đây có giả thiết rằng con cầy hương là vật chủ mang virus gây bệnh SARS. Nếu giả thiết này là đúng, thì biết đâu trong thời gian tới, lại chẳng xuất hiện một loại vật nuôi tương tự được nhập lậu vào Việt Nam không được kiểm dịch, như trước đây nhập sâu làm thức ăn cho chim cảnh, nhập ốc bươu vàng về phá lúa, gần đây nhập lậu chân gà, nội tạng lợn được tẩm ướp hoá chất chống thối để hàng tháng không bị hư hỏng. Công tác kiểm dịch ở cửa khẩu biên giới còn nhiều bất cập, không ai dám đảm bảo một loại rác thải nào đó đem lại lợi nhuận cao lại không qua được biên giới.
Bệnh dịch xảy ra thì người dân chịu hết. Luật Môi trường của nước ta ra đời từ năm 1993 chưa có một lực lượng chuyên trách (kiểu như cảnh sát môi trường) để đảm bảo sẽ được thực thi. Các đợt xuống đường thu gom rác, vận động người dân không đổ rác ra đường không phải là biện pháp triệt để. Thùng rác còn là của hiếm trên hè phố thì chắc chắn người dân còn đổ rác ra lòng đường. Chỉnh trang đường phố với biết bao rào sắt ở các hè góc phố, bồn hoa cây cảnh với nhiều công & chi phí trồng tỉa, chăm sóc phải chăng là ít tốn kém và thiết thực hơn việc đặt thêm các thùng rác trên hè phố ở chính chỗ đó?
Hiện một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, thành phố Hồ Chí Minh chỉ cấp giấy phép khi nhà đầu tư cam kết và có hồ sơ giải pháp đảm bảo môi trường. Nhưng việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm ở các đô thị còn nan giải. Trước mắt chỉ có thể trông chờ vào ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Các đợt xuống đường làm sạch môi trường như dịp 27/4 vừa qua tại Hà Nội và TP.HCM có hàng vạn ngưòi tham gia, liệu có thể duy trì được lâu dài ? Từng có các phong trào người dân các khu tập thể ở Hà Nội những năm 70, hay phong trào quét dọn đường phố chiều thứ 7 duy trì được tới những năm 90 ở nhiều khu phố Hà Nội. Có khẩu hiệu tuyên truyền rằng đợt làm sạch môi trường 27/4 vừa qua nhằm “hướng tới SEA Games sắp tổ chức ở Việt Nam”. Sao không “vì một môi trường lâu dài ở Việt Nam” có phải sẽ thuyết phục người dân hơn không?
* Ý kiến: Nghèo nên cũng phải chịu lắm cái khổ, từ khói, bụi, rác, tiếng ồn, nước thải và đủ loại chất thải. VN đã và đang học nhiều bài học từ TQ qua kinh nghiệm phát triển; trong đó có nhiều bài học phải trả giá khá đắt. Hy vọng rằng chính quyền và trí thức VN sớm nhận thức được những vấn đề này để quan tâm đầy đủ, đúng mức hơn với những biện pháp, chính sách, hành động cụ thể, thiết thực chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào.

Hơn 170 người chết, gần 1,3 triệu người phải di tản vì lũ lụt đang hoành hành ở miền Nam Trung Quốc. Tại Mỹ, các dòng sông ở các bang Iowa, Kansas, Missouri, Wisconsin, Minnesota, Michigan, Illinois và Indiana dâng cao làm hàng chục người chết và hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại nặng. Thiệt hại kinh tế của Trung Quốc ước lên tới 1,5 tỉ USD, trong khi chỉ riêng bang Iowa, Mỹ tổn thất hàng tỉ USD với 83/89 hạt cần viện trợ của liên bang.
Trước đó, bão Nargis ập vào Myanmar làm 134.000 người chết và 1,5 triệu người mất nhà cửa... Có thể thấy thiên tai đang hoành hành khắp nơi trên thế giới với mức độ thiệt hại ngày càng nặng hơn. Một trong những nguyên nhân được các nhà khoa học khẳng định là do sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nỗ lực hạn chế tình trạng này bằng Hiệp ước khí hậu toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) đang gặp trở ngại sau cuộc họp kéo dài 10 ngày tại Bonn (Đức) mới đây. Đây là vòng thứ 2 trong số 8 vòng đàm phán dự kiến diễn ra trong giai đoạn 2008-2009 nhằm đưa ra một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không đạt được sự tiến bộ nào theo Kế hoạch hành động Bali, được đưa ra tại Indonesia hồi năm ngoái.
Vấn đề nằm ở chỗ các nước phát triển chưa có động thái nào cho thấy họ sẽ thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải mới, cụ thể là cắt giảm khoảng 25-40% khí thải vào năm 2020 so với mức năm 1990. Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ mục tiêu này nhưng các nước giàu khác như Mỹ, Canada, Nhật và Australia phản đối. Nhiều nhà quan sát cho rằng có rất ít tiến triển cho mục tiêu giảm 25-40% khí thải và hiệp ước mới chỉ có thể đạt được khi Tổng thống Mỹ George Bush hết nhiệm kỳ và một chính quyền mới lên thay thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, các nước phát triển còn bị chỉ trích không tăng cường chuyển giao công nghệ sạch cho các nước nghèo. Nhóm 77 nước đang phát triển (G-77) và Trung Quốc cho rằng họ không thể cắt giảm khí thải nếu không được hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ sạch từ các nước phát triển, vì cần sử dụng năng lượng cho tăng trưởng kinh tế. Các nước đang phát triển đề nghị thành lập một định chế tài chính, có thể cung cấp quỹ cho các nước đang phát triển thực hiện các hoạt động cắt giảm khí thải và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các nước phát triển lại cho rằng nếu chỉ có các nước giàu hành động, các nước mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... sẽ có nhiều lợi ích về mặt kinh tế và vì vậy tổng lượng khí thải thực tế không giảm. Họ cũng muốn lập cơ chế hỗ trợ các nước đang phát triển mua được công nghệ thân thiện môi trường với giá hợp lý hoặc tự chế tạo công nghệ mới. Tuy nhiên, các nước đang phát triển không hài lòng vì trong khi rất ít nguồn quỹ được thành lập theo hiệp ước, Anh, Nhật và Mỹ lại đề xuất đưa hàng tỉ USD của các quỹ môi trường vào Ngân hàng Thế giới (WB), một tổ chức do họ kiểm soát. G-77 và Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ động thái này và nhấn mạnh rằng nếu các cuộc đàm phán về môi trường tiến bộ, các nguồn quỹ theo đề nghị của các nước đang phát triển sẽ do UNFCCC điều hành. Với những khác biệt giữa các nước phát triển và đang phát triển tại Bonn, hiệp ước mới về biến đổi khí hậu khó được thông qua tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) vào cuối năm 2009 như dự kiến.
*VIỄN CẢNH THAY ĐỔI KHÍ HẬU HOA KỲ
John Marburger
Hoa Kỳ sẽ khởi xuất một chính sách mang tính thực tế và có trách nhiệm với ba mục tiêu chủ yếu là:
Ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và sử dụng năng lượng để có thể làm yếu đi đáng kể mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và việc tạo ra khí thải nhà kính.
Nâng cao các công cụ khoa học và sự hiểu biết cần thiết để giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề do thay đổi khí hậu gây ra.
Hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết tổng thế các vấn đề về thay đổi khí hậu.
Để đạt tới những mục tiêu này, Hoa Kỳ sẽ chi 5,2 tỷ đô-la trong năm tài khóa 2005 cho nghiên cứu khoa học về thay đổi khí hậu, về công nghệ năng lượng tiên tiến và các trợ giúp quốc tế có liên quan - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Những công nghệ theo định hướng khí hậu của Hoa Kỳ rất nhiều tham vọng nếu so sánh với các thách thức: phát triển các công nghệ hyđrô-cacbon để có thể giúp các phương tiện vận tải hoạt động hiệu quả hơn và không thải khí cacbon và mang lại các ứng dụng khác, xây dựng các nhà máy điện kiểu mới -"FutureGen" – có thể sản xuất năng lượng từ hyđrô-cacbon mà không thải khí cacbon vào khí quyển, và cam kết nghiên cứu các hình thức sản xuất năng lượng không thải khí cacbon như năng lượng hạt nhân để có thể đạt được hiệu quả kinh tế lớn về quy mô sản xuất. Viễn cảnh ở đây chính là tạo ra những công nghệ mới mà tất cả các quốc gia đều có thể sử dụng để đạt được mục tiêu hạn chế lượng khí thải nhà kính, đồng thời không ảnh hưởng đến việc nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống mà tất cả các quốc gia đều mong muốn.

Các sáng kiến khoa học về khí hậu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc xây dựng quy hoạch lâu dài mà từng khu vực trên thế giới phải thực hiện để đáp lại thách thức từ vấn đề thay đổi khí hậu. Thậm chí những tiến bộ khiêm tốn nhất trong nhận thức của chúng ta về thời tiết và khí hậu cũng có thể có tác động tích cực. Hoa Kỳ đang chi gần 2 tỷ đô-la mỗi năm cho lĩnh vực khoa học khí hậu trong khuôn khổ một kế hoạch chiến lược được xác định rõ ràng và được xây dựng cũng như xem xét lại với sự tham vấn của cộng đồng khoa học quốc tế và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Hợp tác quốc tế cũng quan trọng đối với việc theo dõi, hiểu biết, chuẩn bị sẵn sàng và giảm bớt tác động tiềm tàng của thay đổi khí hậu. Nếu so sánh thì Hoa Kỳ là nước tài trợ nhiều tiền nhất cho các hoạt động trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Thay đổi khí hậu (UNFCCC) và Ủy ban liên chính phủ về Thay đổi khí hậu (IPCC).
Các sáng kiến quốc tế mà chính phủ Hoa Kỳ tham gia bao gồm:
Hợp tác giảm khí thải mêtan (Methane to Markets Partnership) là một sáng kiến hành động nhằm làm giảm lượng khí thải mêtan để nâng cao tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và giảm lượng khí thải nhà kính. Mười bốn nước đã khởi xuất sáng kiến này tại một cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 16 tháng 11 năm 2004 tại Washington, D.C. [http://www.epa.gov/methane/international.html]
Hợp tác quốc tế vì một nền kinh tế hyđrô (International Partnership for a Hydrogen Economy) được hình thành để thực hiện các mục tiêu của Sáng kiến nhiên liệu hyđrô (Hydrogen Fuel Initiative) và Sáng kiến hợp tác ôtô tự do (Freedom Car Partnership) của Tổng thống Bush trên quy mô quốc tế. 15 nước và Liên minh châu Âu (EU) tham gia sáng kiến hợp tác này đang cùng nhau thúc đẩy sự chuyển đổi trên toàn cầu sang nền kinh tế hyđrô với mục tiêu làm cho các phương tiện sử dụng nhiên liệu này có sẵn trên thị trường vào năm 2020. [http://www.eere.energy.gov/hydrogenandfuelcells/international_activities.html]
Diễn đàn lãnh đạo về công nghệ phân lập cacbon là một khuôn khổ hợp tác với các đối tác trên quy mô toàn cầu, bao gồm các nước đang phát triển, về nghiên cứu và triển khai ứng dụng các công nghệ phân lập cacbon trong thập kỷ tới. [http://www.fe.doe.gov/programs/sequestration/cslf/]
Diễn đàn quốc tế của thế hệ 4 về năng lượng hạt nhân là một diễn đàn hợp tác đa phương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu và phát triển một thế hệ mới các hệ thống sản xuất năng lượng hạt nhân an toàn, giá cả phù hợp và dễ hạn chế phổ biến hạt nhân hơn. [http://gen-iv.ne.doe.gov/intl.html]
Hợp tác về năng lượng tái sinh và hiệu quả năng lượng được thành lập tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững ở Johannesburg, Nam Phi, vào tháng 8 năm 2002 và có mục đích đẩy nhanh và mở rộng thị trường thế giới cho năng lượng tái sinh và các công nghệ về hiệu quả năng lượng.
Các sáng kiến và quan hệ đối tác song phương này tập hợp khoảng 20 quốc gia phát triển và đang phát triển, cùng với Hoa Kỳ, chiếm hơn 70% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Hoa Kỳ đã đề xuất một sáng kiến táo bạo và nhận được sự hỗ trợ rộng rãi của quốc tế về việc phối hợp những hoạt động quan trắc trái đất, một cách tiếp cận theo kiểu “hệ thống của nhiều hệ thống” trong việc nâng cao hiểu biết về tình trạng môi trường trên toàn cầu, với sự tham gia của 55 quốc gia và Liên minh châu Âu. Một kế hoạch chiến lược 10 năm vừa được công bố cho biết mức độ tham gia của Hoa Kỳ trong một Hệ thống phối hợp quan trắc trái đất. Gần đây, những định hướng về hệ thống toàn cầu - Hệ thống tập hợp các hệ thống quan trắc trái đất trên toàn cầu hay GEOSS - được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của Nhóm làm việc về quan trắc trái đất tại Brussels. Kết quả cuối cùng sẽ là việc tiếp cận một lượng thông tin về môi trường lớn chưa từng thấy và được chuyển thành những sản phẩm dữ liệu mới mang lại lợi ích cho các cộng đồng xã hội và các nền kinh tế trên thế giới. Những hành động này hợp thành một cách tiếp cận thấu đáo và có tầm nhìn đối với thách thức to lớn về thay đổi khí hậu. Theo lời của Tổng thống Bush: "Cách tiếp cận của tôi công nhận rằng tăng trưởng kinh tế là giải pháp chứ không phải là vấn đề. Vì một quốc gia phát triển kinh tế là một quốc gia có thể thực hiện đầu tư và có thể mua các công nghệ mới”. Những hoạt động đầu tư này được thực hiện thay mặt cho tất cả các quốc gia và có ý nghĩa căn bản cho một nền kinh tế toàn cầu bền vững trong tương lai.
* Ảnh hưởng của khí hậu thay đổi đối với các nước đang phát triển ở Á ChâuThứ ba vừa qua, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc đã công bố một bản phúc trình, trong đó có nói rằng hiện tượng trái đất nóng dần đang đe dọa tới sinh kế của hàng triệu người ở Việt Nam. Chỉ riêng nạn nước biển dâng cao cũng có thể khiến cho 22 triệu người Việt Nam bị mất nhà cửa. Cảnh báo này được đưa ra trong lúc hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu thay đổi sắp khai mạc tại đảo Bali của Indonesia và nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cùng với nhiều nước đang phát triển ở Á Châu sẽ gánh chịu thiệt hại nhiều nhất của nạn khí hậu thay đổi. Xin mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Thủ phạm chính gây ra hiểm họa biến đổi khí hậu là những nước giàu có, nhưng các nước đang phát triển và chậm phát triển lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của hiểm họa này. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia quốc tế và đã được nhắc lại trong một bài bình luận mới đây trên tờ Nhân Dân ở Việt Nam, nhân dịp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố Báo cáo Phát triển Con Người 2007-2008. Bản báo cáo - có nhan đề 'Cuộc Chiến Chống Biến Đổi Khí Hậu: Đoàn Kết Nhân Loại Trong Một Thế Giới Phân Cách', đã được phổ biến trước hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra trên đảo du lịch Bali của Indonesia từ ngày mồng 3 đến ngày 14 tháng 12. Văn kiện này nói rằng trong 15 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể về phát triển con người, nhưng biến đổi khí hậu đang tạo ra một mối đe dọa thật sự đối với những thành tựu này, và không đâu nghiêm trọng hơn khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cũng theo báo cáo của UNDP, hơn 70 triệu người Bangladesh, 22 triệu người Việt Nam, và 6 triệu người Ai Cập có thể bị ảnh hưởng bởi lụt lội phát sinh từ hiện tượng trái đất nóng dần. Viễn cảnh này là một mối ưu tư lớn của các chuyên gia phát triển quốc tế, đặc biệt là đối với nguy cơ giảm thiểu sản lượng lương thực. Về việc này, ông Shailendra Yashwant của tổ chức Hòa Bình Xanh ở Bangkok cho biết như sau: "Nạn nghèo túng đang hoành hành ở các nước đang phát triển. Chính phủ ở các nước này vẫn chưa thể giải quyết vấn đề nghèo túng. Nhưng vấn đề biến đổi khí hậu lại xuất hiện, và thời tiết thay đổi sẽ tác động đến nông dân, tạo ra tình trạng giống như gặp nạn đói, và khiến cho tỉ lệ người nghèo đói gia tăng."Một số chính phủ ở Á Châu đã lên tiếng cảnh báo về những hiểm họa mà họ đang phải đối phó. Giới hữu trách Phnom Penh nói rằng mực nước biển dâng cao tạo ra tình trạng đồng lúa bị ngập mặn, gây hư hại cho mùa màng và hạn chế nguồn nước ngọt. Lũ lụt và hạn hán cũng sẽ khiến cho sản lượng lương thực bị sút giảm thêm. Hồi đầu tuần trước, triều cường đã khiến cho nhiều vùng ở thành phố Sài Gòn bị ngập lụt, có nơi nước lụt cao tới 1 mét rưỡi, và nhiều người ở Việt Nam đã bắt đầu cảm nhận một cách mạnh mẽ hơn về mối nguy của nạn biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia ven biển đã ra sức xây dựng và củng cố hệ thống đê biển để ứng phó. Tuy nhiên, theo ông Yashwan của tổ chức Hòa bình Xanh, chính phủ các nước cũng cần phải thực hiện những sửa đổi về mặt định chế để đối phó với hiểm họa này.Ông Yashwant nói: "Vào lúc này, có một điều rõ ràng là chúng ta không thể ngăn không cho mực nước biển dâng cao bằng cách xây đập hoặc xây tường ngăn nước biển. Điều mà chúng cần là một sách lược khung lớn hơn để di dời và tái định cư tất cả những người sinh sống ven biển và là những người chịu tác động nhiều nhất của nạn mực nước biển lên cao."Giáo sư Marcus Schuetz của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông tán đồng ý kiến của ông Yashwan và nói thêm rằng các chính phủ cần phải xem sự biến đổi khí hậu như một hiểm họa thuộc tầm cỡ quốc gia để huy động nguồn lực của mọi định chế xã hội, từ bệnh viện, ngân hàng, cho đến các nhà máy.Giáo sư Schuetz nói: "Hầu hết các vấn đề của chúng ta hiện nay thật ra là những vấn đề xã hội. Những vấn đề này không phải là các vấn đề thuần túy khoa học - không phải là những vấn đề mà chúng ta có thể dùng khoa học kỹ thuật để giải quyết."Tường thuật của tờ Nhân Dân cho biết Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu về những phương cách để giảm thiểu tác động và thích nghi với hiện tượng khí hậu thay đổi. Các chuyên gia của Việt Nam cũng đang nghiên cứu về những hệ quả khác nhau của vấn đề biến đổi khí hậu và đang soạn thảo một sách lược quốc gia để ứng phó với vấn đề này.Trong lúc cổ xướng cho những chương trình hợp tác quốc tế để khắc phục những hậu quả của hiện tượng trái đất nóng dần, một số chuyên gia phát triển quốc tế cũng đề cập tới sự tương phản rất rõ rệt về khả năng ứng phó của những nước nghèo và những nước giàu. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Giám đốc quốc gia của UNDP ở Indonesia, ông Hakan Bjorkman cho biết như sau: "Anh quốc chi tiêu hơn 1 tỉ đô la để chuẩn bị cho lụt lội. Với sự hỗ trợ của chính phủ, người dân Hà Lan đang đầu tư vào việc xây dựng các loại nhà nổi -- khi có lụt thì những ngôi nhà này có thể thực sự nổi trên mặt nước. Trong khi đó, tại Ethiopia, biện pháp thích nghi là để cho phụ nữ phải đi bộ xa hơn để lấy nước. Ở Bangladesh thì dân chúng dùng tre nứa để xây những nơi tránh lụt, và ở Việt Nam là dạy bơi cho phụ nữ và trẻ em."Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng các nước nghèo nên tận dụng một qui định được đề ra trong Nghị định thư Kyoto, đó là Cơ Chế Phát Triển Sạch để tranh thủ sự trợ giúp của các nước giàu nhằm ứng phó với những tác động của sự biến đổi khí hậu. Theo Cơ Chế Phát Triển Sạch, các nước công nghiệp tham gia nghị định thư được quyền thông qua việc tài trợ cho các dự án giảm khí thải carbon ở những nước phát triển để có thể được xem là đã chu toàn nghĩa vụ giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Về việc này, giáo sư Schuetz của Đại học Khoa học Hồng Kông giải thích như sau: "Theo cơ chế này, quí vị có thể đầu tư vào việc trồng rừng, bảo vệ rừng hoặc vào những hoạt động khác để bù vào số khí thải gây ô nhiễm môi trường mà quí vị thải ra. Một điều khác nữa là quí vị có thể tới những nơi mà việc sản xuất các nguồn năng lượng có thể tái sinh chưa được phổ biến để bắt đầu thực hiện những dự án như xây dựng nhà máy điện chạy bằng sức gió chẳng hạn."Tại hội nghị ở đảo Bali, hơn 13,000 tham dự viên đến từ 185 quốc gia trên thế giới sẽ bàn luận về việc soạn thảo một hiệp định để thay thế Nghị định thư Kyoto khi văn kiện này hết hiệu lực vào năm 2012. Và theo dự liệu, thỏa thuận Bali sẽ được đúc kết và phê chuẩn tại hội nghị ở Đan Mạch vào năm 2009.(Source:http://www.voanews.com/vietnamese/ar...TOKEN=41926190)
* Vài hình ảnh mới nhất về trận lụt tại Iowa & Illinois từ sông Mississippi với mực nước dâng cao kỷ lục:





































* Vài hình ảnh ...tưởng tượng về trận lụt "hồng thuỷ" qua kỹ xảo Photoshop(trích từ Advanced Photoshop Pictures Contest-http://www.freakingnews.com/Flood-Pictures--1546.asp):
Thử tưởng tượng nếu có một trận lụt khủng khiếp như "cơn hồng thuỷ" thì đập thuỷ điện Hoover,cầu Golden Gate, Tower Bridge ở London, rạp hát "con sò" Sydney, kim tự tháp Sphinx, thành phố Atlantis, toà Bạch Ốc, tượng Nữ Thần Tự Do, Mt Rushmore với tượng mấy vị TT Hoa Kỳ và các kỳ quan thế giới sẽ ra sao?
Hoa Kỳ vẫn chưa quên Katrina nhưng làm sao để tránh thảm họa và thiên tai từ sự tàn phá môi trường?
































No comments:

Post a Comment