Friday, September 30, 2011

Dừa

Dọc theo bờ biển VN có những rừng dừa xanh mát, đẹp tuyệt vời, có tác dụng chắn gió bão và hạn chế tác động xâm thực của sóng.
I. Tổng quan về dừa:
Dừa (Cocos nucifera) là một loài cây trong họ Cau (Arecaceae). Nó cũng là thành viên duy nhất trong chi Cocos và là một loại cây lớn, thân đơn trục (nhiều khi gọi là nhóm thân cau dừa) có thể cao tới 30 m, với các lá đơn xẻ thùy lông chim 1 lần, cuống và gân chính dài 4–6 m các thùy với gân cấp 2 có thể dài 60–90 cm; lá kèm thường biến thành bẹ dạng lưới ôm lấy thân; các lá già khi rụng để lại vết sẹo trên thân.
Nguồn gốc của loài thực vật này là chủ đề gây tranh cãi, trong đó một số học giả cho rằng nó có nguồn gốc ở khu vực đông nam châu Á trong khi những người khác cho rằng nó có nguồn gốc ở miền tây bắc Nam Mỹ. Các mẫu hóa thạch tìm thấy ở New Zealand chỉ ra rằng các loại thực vật nhỏ tương tự như cây dừa đã mọc ở khu vực này từ khoảng 15 triệu năm trước. Thậm chí những hóa thạch có niên đại sớm hơn cũng đã được phát hiện tại Rajasthan và Maharashtra, Ấn Độ. Không phụ thuộc vào nguồn gốc của nó, dừa đã phổ biến khắp vùng nhiệt đới, có lẽ nhờ có sự trợ giúp của những người đi biển trong nhiều trường hợp. Quả của nó nhẹ và nổi trên mặt nước và có lẽ đã được phát tán rộng khắp nhờ các dòng hải lưu: quả thậm chí được thu nhặt trên biển tới tận Na Uy cũng còn khả năng nảy mầm được (trong các điều kiện thích hợp). Tại khu vực quần đảo Hawaii, người ta cho rằng dừa được đưa vào từ Polynesia, lần đầu tiên do những người đi biển gốc Polynesia đem từ quê hương của họ ở khu vực miền nam Thái Bình Dương tới đây.Dừa phát triển tốt trên đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn tốt cũng như nó ưa thích các nơi sinh sống có nhiều nắng và lượng mưa bình thường (750–2.000 mm hàng năm), điều này giúp nó trở thành loại cây định cư bên các bờ biển nhiệt đới một cách tương đối dễ dàng. Dừa cần độ ẩm cao (70–80%+) để có thể phát triển một cách tối ưu nhất, điều này lý giải tại sao nó rất ít khi được tìm thấy trong các khu vực có độ ẩm thấp (ví dụ khu vực Địa Trung Hải), thậm chí cả khi các khu vực này có nhiệt độ đủ cao. Nó rất khó trồng và phát triển trong các khu vực khô cằn.
H
oa của dừa là loại tạp tính (có cả hoa đực lẫn hoa cái và hoa lưỡng tính), với cả hoa đực và hoa cái trên cùng một cụm hoa. Dừa ra hoa liên tục với hoa cái tạo ra hạt. Người ta cho rằng dừa là loại cây thụ phấn chéo là chủ yếu, mặc dù một vài giống lùn lại là tự thụ phấn.
Về mặt thực vật học, dừa là loại quả khô đơn độc được biết đến như là quả hạch có xơ. Vỏ quả ngoài thường cứng, nhẵn, nổi rõ 3 gờ, lớp vỏ quả giữa là các sợi xơ gọi là xơ dừa và bên trong nó là lớp vỏ quả trong hay gáo dừa hoặc sọ dừa, lớp vỏ quả trong hóa gỗ, khá cứng, có ba lỗ mầm có thể nhìn thấy rất rõ từ phía mặt ngoài khi bóc hết lớp vỏ ngoài và vỏ giữa (gọi là các mắt dừa). Thông qua một trong các lỗ này thì rễ mầm sẽ thò ra khi phôi nảy mầm. Bám vào thành phía trong của lớp vỏ quả trong là vỏ ngoài của hạt với nội nhũ dạng anbumin dày, là lớp cùi thịt, gọi là cùi dừa, nó có màu trắng và là phần ăn được của hạt.
Khi nhìn từ một đầu, vỏ quả trong và các lỗ mầm trông giống như mặt của khỉ, từ trong tiếng Bồ Đào Nha để gọi nó là macaco, đôi khi được viết tắt thành coco, từ đây mà có tên gọi khoa học của dừa. Nucifera là từ trong tiếng Latinh để chỉ mang theo hột.
Khi quả dừa còn non, nội nhũ bên trong còn mỏng và mềm và có thể nạo dễ dàng.
Nhưng lý do chính để hái dừa vào giai đoạn này là để lấy nước dừa làm thức uống; những quả to có thể chứa tới 1 lít nước uống bổ dưỡng. Khi quả đã già và lớp vỏ ngoài chuyển thành màu nâu (khoảng vài tháng sau) thì nó sẽ rụng từ trên cây xuống. Vào thời điểm đó nội nhũ đã dày và cứng hơn, trong khi nước dừa sẽ có vị nồng hơn. Khi đó nếu uống nhiều có thể bị tiêu chảy, chỉ sau khoảng 15 phút.
Để lấy nước của quả dừa cần loại bỏ lớp vỏ ngoài và lớp xơ dừa sau đó dùng đũa/que chọc vào mắt lớn nhất của quả rồi đặt ống hút vào. Người ta có thể lấy nước bằng cách chặt bỏ một phần vỏ ở phần đối diện với
cuống dừa để phần vỏ cứng bên trong phơi ra, sau đó vạt đi phần của lớp vỏ cứng đó và rót nước dừa vào vật chứa (cốc, chén, bát, v.v.). Ngày nay, người ta còn dùng dao/máy bào bớt đi lớp vỏ bên ngoài làm gần lộ ra phần vỏ cứng phía đối diện cuống dừa, rồi cũng vạt bỏ đi phần này khi muốn lấy nước. Do quả dừa có điểm rạn tự nhiên nên có thể bổ quả dừa bằng các loại dao to, chẳng hạn dao mác, dao phay hay các loại tuốc vít bản bẹt và búa. Trên quả dừa đã lột bỏ vỏ có 3 lằn gân ứng với 3 mắt, kinh nghiệm cho thấy khi dùng sống dao hoặc lưỡi dao hơi cùn đập vuông góc vào gân chính (ứng với mắt lớn nhất - như chỉ bởi mũi tên đỏ trong hình) thì quả dừa sẽ bể đôi dễ dàng, đường bể thường thẳng và đều. Các nông dân ở Bến Tre thường dùng một loại dao đặc biệt lưỡi không bén (sắc)lắm gọi là cái rựa để bổ dừa.
Khi quả còn non thì lớp vỏ rất cứng, nhưng quả dừa non hiếm khi rụng, ngoại trừ
khi bị bệnh như nấm chẳng hạn hoặc do chuột, dơi ... phá hoại. Trong thời gian quả rụng tự nhiên, lớp vỏ trở thành màu nâu và xơ dừa trở nên mềm và khô hơn, như thế quả sẽ ít bị hư hại khi rụng. Có một vài trường hợp quả dừa rụng đột ngột và có thể gây thương vong cho người. Đây là chủ đề của bài báo ấn hành năm 1984 và đã được trao giải Ig Nobel năm 2001. Số lượng tử vong do dừa rơi được dùng để so sánh với số lượng các vụ tấn công của cá mập, với kết quả đưa ra là người ta bị chết do dừa rụng nhiều hơn là do bị cá mập tấn công. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy người ta bị tử vong theo kiểu này. Tuy nhiên, William Wyatt Gill, một nhà truyền giáo của Hiệp hội truyền giáo London (LMS) tới Mangaia đã ghi lại một chuyện trong đó Kaiara, người thiếp yêu của vua Tetui, đã bị chết do một quả dừa non bị rụng. Cây "tội phạm" này đã bị chặt bỏ ngay lập tức. Điều này xảy ra vào khoảng năm 1777, cùng thời gian viếng thăm của thuyền trưởng Cook.
Tại một số khu vực trên thế giới, những con khỉ đã huấn luyện được dùng vào việc hái dừa. Các trường huấn luyện khỉ vẫn tồn tại ở miền nam Thái Lan. Các cuộc thi được tổ chức hàng năm để tìm ra con khỉ hái dừa nhanh nhất.
Tại Việt Nam, dừa được trồng nhiều ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam, nhất là các vùng
duyên hải. Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất được mệnh danh là "xứ dừa". Cây dừa đã trở thành biếu tượng tại đây.
Tất cả các phần của quả dừa và cây dừa đều có thể được sử dụng. Dừa còn là loại cây cho quả tương đối nhiều (tới 75 quả mỗi năm); vì thế nó có giá trị kinh tế đáng kể. Tên gọi của dừa trong tiếng Phạn là kalpa vriksha, có thể dịch thành "cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống". Trong tiếng Mã Lai, dừa được gọi là pokok seribu guna tức là "cây có cả ngàn công dụng". Tại Philippines, nói chung dừa được gọi là "Cây của sự sống".
Cây dừa nhìn từ dưới lên
II. Công dụng của cây dừa:
Công dụng của các phần khác nhau của cây dừa bao gồm:
Phần cùi (cơm) dừa trắng ăn được và được sử dụng ở dạng tươi hay sấy khô trong một số món ăn. Cơm, nước dừa, nước cốt và dầu dừa đã trở thành thức ăn và nguồn dinh dưỡng cho hàng triệu người, thậm chí, nó còn có “nickname” là “cây của sự sống”. Thế nhưng, đi kèm với những lợi ích này, dừa lại chứa một lượng chất béo rất lớn, chưa kể đến lượng calorie đậm đặc trong nước cốt và kem dừa. Trong một ấn bản gần đây có tên “Khám phá vẻ đẹp và sức khoẻ – câu chuyện tình với dừa”, những chuyên gia quốc tế đã nêu ra những dấu hiệu không tốt, đồng thời, hết lời ca ngợi những đặc tính thực sự quý báu cho sức khoẻ của dừa và dầu dừa tinh chất – một loại dầu thần kỳ cho sức khoẻ. Trong tự nhiên, dầu dừa tinh chất là một trong những nguồn giàu axit béo trung tính nhất. Nó giúp bạn xây dựng và tăng cường hệ thống miễn dịch của mình. Chứa đựng hợp chất axit laudric, dầu dừa là một chất chống ôxy hoá tự nhiên, vừa ngăn ngừa sự lão hoá sớm vừa ngừa được những bệnh thoái hoá mô, xương. Dừa còn mang lại một vẻ đẹp tuyệt vời với làn da căng tràn, đầy sức sống.
Cùi dừa khô là nguyên liệu sản xuất dầu dừa.
Nước dừa nằm trong khoang bên trong quả dừa có chứa các chất như đường, đạm, chất chống ôxi hóa, các vitamin và khoáng chất, là nguồn cung cấp và tạo ra cân bằng điện giải đẳng trương tốt cũng như là nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Nước dừa được dùng làm nước giải khát tại nhiều vùng nhiệt đới. Nước dừa là vô trùng khi quả dừa chưa bị bổ ra, và có thể dùng làm dung dịch truyền ven. Nó cũng được dùng để sản xuất món tráng miệng dạng sệt có tên gọi Thạch dừa (nata de coco).
Cây cảnh: Những cây dừa lạ (do biến dị) được trồng làm cảnh, chủ yếu tại Philippines, tại đây nó được gọi là macapuno.
Sữa dừa, ở miền Nam gọi là nước cốt dừa, (chứa khoảng 17% chất béo) được tạo ra từ cơm dừa đã nạo nhỏ hòa với nước nóng hay sữa nóng. Nước cốt dừa là thành phần chủ yếu của các món ăn vùng Đông Nam Á và Việt Nam. Các bã sợi cơm dừa còn lại từ việc sản xuất sữa dừa được dùng làm thức ăn cho gia súc.
Kẹo dừa là món đồ ngọt thông dụng tại Việt Nam, nguyên liệu chính là nước cốt dừa cô đặc pha hương vị lá dứa, Sầu riêng hoặc Sôcôla(chocolat).
Mứt dừa được làm từ cơm dừa được cắt sợi và sên với đường cát để khô dùng trong ngày tết ở việt Nam.
Kem dừa là lớp chất nổi lên trên khi sữa dừa bị làm lạnh.
Nhựa dừa thu được từ việc rạch các cụm hoa dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa (ở Philippines gọi là tuba).
Gáo dừa khô bổ đôi được dùng làm bộ phận trong một số loại nhạc cụ như gia hồ và bản hồ của Trung Quốc hay đàn gáo của Việt Nam, chúng được đập vào nhau để tạo ra hiệu ứng âm thanh tựa như tiếng vó ngựa. Gáo dừa còn được dùng làm gáo múc nước và là nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ.
Xơ dừa được dùng làm dây thừng, chão, thảm, bàn chải, khảm thuyền cũng như làm vật liệ
u lèn; nó còn được dùng rộng rãi trong nghề làm vườn để làm chất độn trong phân bón.
Vỏ và xơ dừa có thể làm nguồn nhiên liệu hay để sản xuất than củi.
Lá là nguồn cung cấp vật liệu làm mái che, làm một số loại giỏ đựng đồ và làm chổi dừa.
Các gân giữa của các lá (chét) có độ cứng thích hợp cho việc làm các que xiên (để nướng thịt chẳng hạn) trong nấu ăn.
Các chồi non trên ngọn cây dừa có thể ăn được và nó đôi khi được thu hái để làm rau ăn (mặc dù kiểu thu hái này sẽ làm chết cây dừa).
Phần bên trong của lá non đang lớn cũng có thể thu hoạch làm tim dừa và nó được coi là một loại đặc sản. Kiểu thu hái này cũng làm chết cây dừa. Tim dừa thường được ăn trong các món rau trộn; các món rau trộn như thế đôi khi được gọi là "salad triệu phú".
Gỗ dừa có thể dùng làm đồ mỹ nghệ hoặc làm vật liệu cho một số công trình xây dựng đặc biệt (nổi tiếng nhất là cung điện Dừa tại Manila). Người Hawaii còn đục rỗng thân cây dừa để làm trống, thùng chứa hay các loại xuồng nhỏ.
Rễ dừa có thể dùng làm thuốc nhuộm, thuốc sát trùng để súc miệng hay chữa trị bệnh lỵ. Nó còn được dùng để đánh răng.
Củ hũ dừa là phần lõi trong thân cây dừa, đôi khi cũng được dùng làm món ăn.
Có thể nói Bến Tre là nơi diện tích trồng dừa lớn nhất trên cả nước, với khoảng 40.000 hectares. Bến Tre có nhiều loại dừa, dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị, kể cả các loại dừa từ nước ngoài mới nhập vào như dừa dầu (cơm dầy khoảng 4 phân, gần đặc ruột), dừa dứa (dừa uống nước, nước thơm mùi lá dứa).
Các loại dừa kể trên được trồng ở cả 3 vùng sinh thái : nước ngọt, nước lợ, nước mặn, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm, sản lượng hàng năm khoảng 200 triệu trái. Trong đó dừa công nghiệp chiếm 90%, dừa thực phẩm chưa đến 10%. Với sản lượng đó, hàng năm Bến Tre có thể cung cấp nguyên liệu để sản xuất hơn 20 tấn dầu, 15000 tấn than, 15000 tấn chỉ sơ dừa. Ngoài ra, từ dừa còn chế biến ra các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng như dầu ăn tinh luyện, bột sữa dừa, dừa đông lạnh, nước dừa giải khát, glycerin, các loại mứt, kẹo, than hoạt tính, xà bông, thảm, nệm, và nhiều sản phẩm thủ công khác. Có lẽ vì thế mà Bến Tre nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa vừa ngon vừa béo, với bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đố vừa ngọt vừa bùi. Người dân nơi đây tận dụng thứ cây trời cho này từ gốc đến ngọn, tạo những sản phẩm đậm đà thoảng hương thơm sông nước quê nhà. Dừa ở đây rất nhiều trái và lượng dầu cao. Ngoài nước uống và dầu, dừa còn cho các sản phẩm khác là than dừa, vỏ dừa làm thảm dừa, dây dừa. Kẹo Dừa Bến Tre của bà Phạm
Thị Tỏ là mặt hàng quen thuốc tại các chợ thức phẩm Á Đông ở Hoa Kỳ, Châu Âu và một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Hàng năm, lượng Kẹo Dừa Bến Tre xuất khẩu là bảy phần mười, ba phần còn lại phân phối trên thị trường nội địa. Bến Tre có hàng trăm mặt hàng trưng bày và hàng gia dụng làm từ cây dừa. Nước cốt dừa để sản xuất kẹo hay thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, còn xác dừa nạo ra và đã vắt hết nước cốt thì dùng để phơi khô làm phân bón hoặc chế ép để lấy dầu. Trước đây, khi mứt dừa còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa có thị trường rộng lớn khắp nước như hiện nay, người ta dùng chiếc dao bào để bào miếng cơm dừa ra thành từng dây, vừa tốn công, vừa chậm. Bây giờ, hầu hết các cơ sở sản xuất mứt dừa đều sử dụng máy quay ở khâu bào dừa. Một miếng dừa (nửa trái) đặt vào khuôn máy, máy tự động quay tròn miếng dừa để rồi cho ra một dây cơm dừa dài chừng 5 mét, liền lạc trước khi đem lên những chiếc thau (hoặc chảo) sên với đường cát để thành mứt dừa. Hình thức này giúp cho mứt dừa trông bắt mắt hơn trước đây. Mặt khác, dây mứt có chiều dài sẽ giúp người ta dễ làm hoa văn trang trí trong một hộp bánh mứt. Ở khâu đóng gói cũng đã cải tiến. Mứt dừa thành phẩm được vô bao bì, đóng gói bằng máy, có nhãn hiện hẳn hoi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.Trong sản xuất mứt dừa truyền thống, công đoạn sên mứt là khâu cực nhất và tinh tế nhất. Do đó, người đứng sên mứt phải có tay nghề, sức lực dẻo dai. Tất nhiên, thợ sên mứt sẽ là người được trả thù lao cao hơn thợ làm các khâu khác. Đứng bên lò sên mứt nóng hầm hập từ lửa hồng than miểng gáo, người thợ sên mứt với hai chiếc đũa lớn, phải khuấy mứt cho đều trong thau, thao tác liên tục nhiều giờ. Cứ thau mứt này vừa xuống thì thau khác nhanh chóng được đặt lên lò. Mồ hôi cứ thế không bao giờ dứt trên người của người thợ. Họ cũng có đôi mắt nghề rất tinh tường. Qua đôi tay và ánh mắt, họ biết ngay là mứt đã tới hay chưa để quyết định cho xuống chảo ngay để tránh mứt bị khét. Còn nếu như sên chưa tới, sau khi đóng gói, mứt dừa không để lâu được vì mứt sẽ bị lên dầu. Mùa Tết, tại các huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm và thị xã Bến Tre đều thấy có lò làm mứt dừa. Dù mứt dừa không sản xuất quanh năm suốt tháng, nhưng vào mùa tết, tính ra trên toàn tỉnh, các lò mứt thu thu dụng chừng vài ngàn lao động và cũng nhờ làm mứt dừa mà người lao động nghèo có thu nhập tương đối khá để vui xuân. Dân ở nông thôn Trung Quốc hiện rất thích mứt dừa. Đây là một thị trường rộng lớn mà vào dịp tết, nhiều thương nhân đã đưa mứt dừa sang đó bán. Mứt dừa “xuất ngoại”, tất nhiên giá bán sẽ có lợi hơn so với tại thị trường nội địa. Giá nguyên liệu tăng đã đẩy giá thành mứt dừa năm nay cao hơn so những năm trước đây. Để có thể cầm cự sản xuất để giữ mối cho những năm sau, giá mứt năm nay phải nhích lên khoảng 17.000-18.000 đồng/kg mứt dừa. Bây giờ làm mứt dừa thì không bỏ thứ gì. Ví như sẽ gỡ gạt lại ở vỏ dừa. Vỏ dừa hiện nay luôn hút hàng, có bao nhiêu vỏ dừa, các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu đều mua hết. Với miễng gáo dừa, ngoài đốt để sên mứt, các lò sản xuất than thiêu kết rất “đói” miễng gáo dừa để đốt thành than. Còn nước dừa (khi đập dừa ra để làm mứt), nước dừa trước đây đổ bỏ nhưng giờ người ta thu mua hết để…nấu thành nước màu dừa xuất khẩu. Dừa da (vỏ ngoài của phần cơm dừa được gọt ra), là nơi tích tụ nhiều dầu dừa nhất trong một trái dừa, dừa da đem phơi, bán cho các cơ sở làm dầu dừa. Và cả “cá kèo” ( phần cơm dừa dư ra từ một miếng dừa làm mứt) nữa. “Cá kèo” đem phơi khô, ép dầu, người sản xuất mứt dừa vớt lại ít tiền lời. Bên cạnh “mứt dừa dây” nói trên, những năm gần đây, người Bến Tre còn cho ra đời thêm một sản phẩm mứt dừa khá độc đáo đó là “mứt dừa bún”. Nếu mứt dừa dây làm từ cơm dừa thì mứt dừa bún phải làm từ cơm dừa còn non hơn dừa cứng cại để có độ dẻo. Tóm lại, chọn dừa cho đúng để làm mứt dừa bún là khâu chủ yếu. Với dừa được chọn lựa xong, người ta đem lên máy cắt, cắt đều cơm dừa thành từng cọng như cọng bún rồi đem lên chảo sên thành mứt như sên mứt dừa dây rồi thêm vào hương liệu như lá dứa, ca cao, cà phê chẳng hạn. Thế là sẽ có mứt bún mùi lá dứa, mùi ca cao, cà phê…ăn rất thơm ngon, càng ăn càng phát ghiền.
Dừa đặc ruột (hay dừa sáp, dừa kem) thuộc giống dừa cao, thụ phấn chéo. Khi bổ đôi quả dừa, bên trong lớp cơm dừa là chất lỏng sền sệt như kem, sáp.
Dừa sáp là loại trái cây đặc sản ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) được nhiều người dân ưa chuộng để làm quà biếu trong dịp Tết. Lợi dụng tình hình dừa sáp vốn đang khan hiếm, những ngày qua, nhiều quán ăn ven đường ở Trà Vinh đều treo bảng “Tại đây có bán dừa sáp”, với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/trái.
Tuy nhiên, không ít khách hàng đã bị lừa vì khi bổ ra thì đó chỉ là trái dừa bình thường, bên trong không hề lên sáp. Tương tự, nhiều quán giải khát ở thị xã Trà Vinh cũng treo thực đơn có món “sinh tố dừa sáp”, nhưng thực ra lại sử dụng cái dừa thường để xay sinh tố, hoặc có điểm chỉ trộn rất ít cái dừa sáp với dừa thường để bán với giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/ly.
Dừa đặc ruột xuất hiện tại Việt Nam rất lâu nhưng mới được quan tâm trong vài
năm trở lại đây. Tại Việt Nam, dừa đặc ruột được phát hiện đầu tiên tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Do số lượng dừa đặc ruột quá ít ỏi, đồng thời mỗi quầy dừa chỉ có vài trái đặc ruột nên người trồng dừa cho đó là sản phẩm của sự đột biến nên không quan tâm. Có lúc, hàng loạt cây dừa đặc ruột bị chặt bỏ. Mãi đến khi Viện Nghiên cứu Dầu thực vật (TP.HCM) phát hiện và về đây nghiên cứu, người dân mới chú ý đến giống dừa này. Trong khi đó, tại Philippines, dừa đặc ruột lại là một sản phẩm nổi tiếng. Người Philippines gọi dừa đặc ruột là Macapuno. Dừa Macapuno được sử dụng rất nhiều trong chế biến thực phẩm, hương liệu, mỹ phẩm. Kẹo dừa làm từ dừa đặc ruột là một trong những sản phẩm ngon nổi tiếng ở nước này.
Dừa đặc ruột cũng giống như các loại dừa đang phổ biến tại Việt Nam: dừa ta, dừa dâu, dừa bung, dừa bị, dừa xiêm… Một thành viên của nhóm nghiên cứu về giống dừa đặc ruột, ông Võ Văn Long, trưởng Phòng Kế hoạch và Nghiên cứu phát triển, cho biết: Dừa đặc ruột thuộc giống dừa cao. Đặc tính của giống dừa này là thụ phấn chéo. Dừa đặc ruột là sản phẩm của quá trình đột biến gene nhưng lại cho ra một giống dừa mới. Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ đặc ruột chỉ chiếm 20-25%/quầy dừa. Tỉ lệ đặc ruột/quầy thấp là do dừa đặc ruột trồng chung với những cây không đặc ruột. Cây đặc ruột sẽ thụ phấn với cây không đặc ruột sẽ cho ra cây có tỉ lệ đặc ruột thấp. Nếu trong vườn dừa, tất cả đều trồng giống dừa đặc ruột thì tỉ lệ đặc ruột sẽ cao hơn rất nhiều, có thể đạt tới 100% trái đặc ruột.
Viện Nghiên cứu Dầu thực vật đã nghiên cứu giống dừa này hơn 1 năm nay, nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công phôi trong ống nghiệm. Điều còn lại là chuyển cây ra đất. Theo bà Ngô Thị Lam Giang, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dầu thực vật, vào khoảng tháng 6-7/2004, Viện sẽ công bố kết quả nghiên cứu về nhân giống dừa này. Hiện nay, giá dừa đặc ruột bán tại vườn cao hơn nhiều lần so với dừa thường. Bình quân mỗi trái dừa đặc ruột 20.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 50.000 đồng. Trong khi đó, dừa bình thường mỗi trái chỉ khoảng 2.000 đồng. Sở dĩ dừa đặc ruột bán giá cao là do số lượng rất ít, và nhiều người muốn “thưởng thức của lạ” xem thử hương vị của nó như thế nào. Hiện tại, dừa đặc ruột được cung cấp chủ yếu cho các khách sạn. Theo ông Võ Văn Long, khác với dừa thường, dừa đặc ruột có độ dầu cao hơn, mùi hương đặc trưng hơn. Đây chính là đặc điểm quý mà chúng ta cần nghiên cứu để ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác. Đối với cây dừa, nếu chúng ta biết sử dụng những đặc tính riêng của chúng thì sẽ thu lại nguồn lợi kinh tế rất cao. Dừa sau khi hái xuống có thể sản xuất thạch dừa, cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính… Chẳng hạn, tại thời điểm cuối năm 2003, giá FOB (giá giao hàng tại cảng) của các mặt hàng đó như sau: mụn xơ dừa: 6.500 USD/tấn; than hoạt tính (làm từ gáo dừa): 1.000 - 1.200 USD/tấn; cơm dừa sấy khô: 600-700 USD/tấn. Đối với giống dừa đặc ruột, ông Long cảnh báo người dân "không nên quá kỳ vọng về nó". Thực ra, giá của dừa đặc ruột hiện nay chưa phản ánh đúng giá trị thật của nó. Hiện nay, do sức mua cao trong khi số lượng dừa đặc ruột cung cấp quá ít nên mới có giá bán cao. Khi giống dừa này được nhân rộng, trồng đại trà, nguồn cung ứng tăng lên, nhà vườn sẽ khó có thể giữ được giá như hiện nay.
Cây dừa được nhìn nhận như là một bộ phận gắn bó rất mật thiết đối với rất nhiều cộng đồng. Tại nhiều nước trên thế giới, dừa đã được gọi là “cây của cuộc sống” do tính hữu dụng của hầu hết các bộ phận trên cây dừa để làm ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cho người dân nông thôn và thành thị. Nó sản sinh ra nhiều sản phẩm các loại, có lẽ cho loài người nhiều sản phẩm hơn bất kỳ loại cây nào trên thế giới. Tại Indonesia, người dân nói rằng công dụng của dừa nhiều đến nỗi gần như có thể ví nó bằng với số ngày trong năm. Chính vì vậy, trước hết, tầm quan trọng của cây dừa gắn bó hết sức mật thiết với tính năng cung cấp thực phẩm, nước uống và lợp nhà cho người nông dân và bên cạnh đó phải kể đến cơm dừa, dầu dừa và những sản phẩm có giá trị khác để trao đổi và để bán, cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên dừa không chỉ là một loại cây trồng thương mại, nó còn mang ý nghĩa xã hội nữa. Các nông trại dừa thường là sỡ hữu riêng của gia đình và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một khi được trồng, dừa có thể cho trái đến hơn 40-60 năm. Ở một số vùng như là quần đảo và đảo san hô Thái Bình Dương, dừa là loại cây trồng duy nhất có thể chịu đựng được loại đất khô cằn ở đây mà không một loại cây trồng nào có thể sống nổi. Tại những vùng này, dừa là nguồn sống duy nhất của hàng triệu cư dân.
Theo những số liệu thống kê của hiệp hội dừa thế giới, có đến 70% sản lượng dừa được tiêu thụ ngay trong nước, trong khi đó 30% sản lượng còn lại được bán ra trên thị trường thế giới. Dừa được dùng hàng ngày trong các bữa ăn của người dân địa phương tại các xứ dừa. Người ta ước tính có đến hơn 100 sản phẩm được làm trực tiếp hay gián tiếp từ dừa. Những sản phẩm này hết sức đa dạng, từ những dụng cụ làm bếp giản đơn được đẽo gọt từ gỗ dừa phục vụ cho người dân trong nước, cho đến những sản phẩm cao cấp như các hóa chất chiết xuất từ dừa và than hoạt tính.
Dừa được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ tôn giáo của đạo Hindu. Các quả dừa được dâng lên các vị thần, và quả dừa thường được đập ra thành nhiều mảnh trên mặt đất hay trên một vật nào đó như là một phần của lễ khai mạc hay khánh thành một công trình xây dựng, nhà cửa, tàu bè, v.v.
Truyện cổ tích Indonesia về Hainuwele đề cập tới việc đưa cây dừa vào Seram.
Người dân bang Kerala ở miền nam Ấn Độ coi nó là "Quê hương của Dừa" (nalikerathinte nattil).
Tại Mỹ, từ "Coconut" (dừa) đôi khi được dùng như một từ lóng mang tính xúc phạm vừa phải để chỉ những người gốc châu Mỹ La tinh hay Ấn Độ. "Coconut" cũng là từ lóng tại Australia để chỉ những người gốc Tonga hay "Polynesia", nhưng lại không dùng để chỉ người Maori.
Tại Việt Nam, từ "làng dừa" trong một số ngữ cảnh được dùng để chỉ những người kém hiểu biết về lĩnh vực mà họ đang nói tới. Rất khó có loại cây trồng nào có giá trị sử dụng như cây dừa. Dù “ba chìm bảy nổi” do lắm thứ nhưng dừa vẫn một mực đi theo con người như hình với bóng, từ cái ăn đến cái ở, từ mở mắt chào đời đến răng long tóc bạc, còn cây dừa thì lá vẫn “tươi xanh mãi đến giờ”. Không biết cớ sự gì mà người đời lại khái quát “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Có lẽ do “Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ” mà vì vậy, đã tạo nên con người sống trên đất cù lao này vừa dịu dàng, thướt tha như “tóc dài bay trong gió”, vừa mạnh mẽ “như nước lũ tràn về”. Dừa là trạm canh gác, là điểm “chém dè” lúc túng đường khi bị ruồng bố, là cột cờ, là “trạm thông tin” dán áp phích tuyên truyền cổ động và cũng là nơi mà du kich núp bắn tiả. Dừa là vật liệu cho con người làm nhà che nắng, che mưa. Là cái nôi cho trẻ thơ, là cái giường cho tuổi già yên giấc ngủ. Trong lúc khốn khó, không chỉ có “cầu tre lắc lẻo”, mà “cây cầu dừa” bắt nối se duyên trai gái và trong thực tế rất vững chảy để nối lại tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Người Bến Tre đã sớm biết kết hợp chất béo của dừa, vị ngọt đậm đà của mía, độ mặn nồng của biển, hòa quyện với hương thơm đồng nội để tạo nên hương vị quê hương. Tép rang dừa, cá bóng kho dừa, mắm chưng với nước cốt dừa, bí đỏ hầm dừa, cơm/ nếp nấu với nước dừa,thịt heo kho với nước dừa… là những món ăn thường nhật khó quên. Lươn um dừa, ếch – nhái xào dừa, cút om nước dừa, thịt trâu xào lá lốt, thịt bò xào lá cách với nước cốt dừa mà ăn cơm thì ngon hết chỗ chê. Mấy ông bạn nhậu mà lấy ra làm đồ nhấm để “lai rai” với rượu đế thì giống như “rượu ngon lại có bạn hiền”. Trong những ngày tư, ngày tết, dù nghèo, nhưng cũng phải có nồi thịt heo kho tàu với dăm ba trứng vịt và tôm lóng, nhưng kho với nước dừa thì càng thấm đậm tình người, tình đất. “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” đi vào thơ ca và đến nay vẫn giữ vững thương hiệu, cũng có sự góp mặt của dừa. “Kẹo Mỏ Cày vừa thơm, vừa béo” tiếng bay khắp gần xa, và từ đó, không biết nhà thơ nào phát hiện thêm “Gái Mỏ Cày cũng vừa khéo vừa ngoan”, lại có dừa góp thêm hương vị.
Dừa không chỉ có vậy. Đến cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Trường Ngân
cũng đủ làm cho ta “mê hồn”, bởi bàn tay của ông chủ đã ngoài 60 tuổi, học chỉ mới lóp 8 trường làng, rồi đi bộ đội, xuất ngũ, nay ngồi trên máy vi tính và từ thực tế “vẽ” ra hơn 500 sản phẩm từ dừa phục vụ cho đời. Thân và gáo dừa làm đũa, muỗng, nĩa, đĩa, bình, ly, tách, hộp đựng thuốc, gạt tàn thuốc, gương, lược, túi xách tay, đồi mồi, tôm, cua, ếch, nhái, bình hoa, có cả các loại cúp bóng đá,… trông thật là xinh. Đồ chơi cho trẻ em là búp bê, thì rất khó tưởng tượng nổi khi có cả từ xe lôi có người kéo, đến xe ngựa, xe lôi đạp, xe lôi máy, rồi vespa, xe Jeep,… nó còn ẩn chứa một ý nghĩa thật thú vị là “ôn lại kiến thức cho đời”. Chà dừa (có người gọi là râu) là sản phẩm lồng đèn, lẵng hoa. Mo nan làm thuyền hoa. Cọng lá dừa làm giỏ xách, lẵng hoa. Sơ dừa làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá. Trái dừa nào có hình dáng đẹp thì làm 12 con giáp, năm nào con đó, nhưng “lọt vào năm Thìn và Tỵ, với Rồng và Rắn thì dài mà trái dừa lại tròn, phải mất gần 3 năm mới tạo được hình thù. Thật là khó”. Còn trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, cũng xuất sang được các nước khó tính như Pháp, Hà Lan. Trái dừa điếc cũng đến được Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với biểu tượng trái bóng bầu dục. Trầm lặng vào hình thù ngộ nghĩnh của 3 chú khỉ đang che mắt, che tai và che miệng sẽ lóe lên một triết lý phương Đông: Việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói. Hoặc có ý “chính trị” một tí là hộp danh thiếp từ mô hình cái mõ Đồng Khởi, sẽ cho ta cái “danh” trong “thiếp” vang vọng mãi như tiếng mõ năm xưa. Đúng là từ trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng, từ đồ chơi của em bé đến gương, lượt của phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi trang trọng, từ trong nước ra nước ngoài, thậm chí còn “ngang nhiên” đến các thị trường khó tính, cũng có mặt sản phẩm của hai chữ Trường Ngân. Không chỉ có Trường Ngân, mà tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước cũng có, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có, hợp tác xã cũng có và hàng ngàn hộ tư nhân, cá thể đang “phanh da xẻ thịt” cây dừa, làm tăng thêm giá trị. Cơm dừa hiện tại còn 3 sản phẩm chính. Dầu dừa thô là mặt hàng truyền thống, nhưng vì sức cạnh tranh yếu nên nhường chỗ cho cơm dừa nạo sấy, sản xuất ra để xuất khẩu, đem về ngoại tệ cho đất nước. Kẹo dừa vẫn là mặt hàng có thương hiệu mạnh. Sắp tới sẽ có sản phẩm mới là sữa dừa và bột sữa dừa ra đời góp mặt cùng bè bạn gần xa. Nước dừa ngày xưa không sử dụng, cùng lắm là mấy bà nông dân nấu cao lại, gọi là nước màu dừa, nay vẫn hái ra tiền, thậm chí là ngoại tệ, với một sản phẩm có cái tên mới nghe qua lạnh và cứng như đá, nhưng thực ra rất mềm mại, đó là thạch dừa. Vỏ dừa có hai thành phần chính, chỉ sơ dừa ngoài việc làm các loại thảm, còn một phần cùng với mụn dừa tạo ra nhiều sản phẩm khác như dán lót sàn, nệm ghế,… phục vụ cho người. Từ dừa, tất cả đều hái ra tiền, và cùng góp mặt với xã hội, giải quyết hàng chục ngàn lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Không chỉ xoá đói, giảm nghèo, mà dừa còn tham gia tích cực cho phát triển về sau. Nghĩ thật là hay. Sắp tới, Bến Tre tăng diện tích, tìm mọi cách nâng cao sản lượng và chất lượng vườn dừa là vậy.
Trái dừa là một trong 5 loại trái trong mâm ngũ quả tiêu biểu tại Việt Nam. Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả. Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành trong gia sự. Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định. Ví dụ:
- Mãng cầu (na) hay mãng cầu xiem có nghĩa là cầu xin, cầu nguyện, cau chúc.
- Dừa có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
- Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
- Xoài có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Tùy theo quan niệm của từng vùng, miền, người ta sử dụng những loại quả có ý nghĩa riêng. Ví dụ mâm ngũ quả của người Bắc bao giờ cũng có nải chuối - thể hiện sự che chở của đất trời cho con người, nhưng người Nam thì lại cho rằng từ chuối - có âm giống từ "chúi", thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được nên không dùng. Hay người Nam cũng không trưng quả cam bởi câu "quýt làm cam chịu" nhưng mâm ngũ quả của người Bắc thì không thể thiếu quả cam với màu vỏ vàng tươi rói. Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu "cầu vừa đủ xài sung"), thêm "chân đế" là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng. Trong khi với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt và "hoành tráng" là được...a. Để chữa khản tiếng, bạn có thể lấy nước dừa non 1 cốc, rau má 8 g; giã rau má, vắt lấy nước cốt pha với nước dừa uống. Nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, trị cảm nắng, thủy thũng, thổ huyết, máu cam. Trái dừa được xem là loại quả “kỳ diệu”, có gần như toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Protein dừa gồm các acid amin c ó chất lượng cao, nhiều vitamin trong nhóm B và các vitamin khác. Nước dừa cũng giàu chất khoáng; hàm lượng kali và magiê tương tự dịch tế bào của người nên thường được dùng cho bệnh nhân tiêu chảy. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích cho trẻ em tiêu chảy uống nước dừa pha muối. Nước dừa làm đẹp da, đen mượt tóc. Nhân dừa non (mềm như thạch) chứa nhiều enzym tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, đái tháo đường, lỵ, trĩ, viêm đại tràng.
Nước quả dừa xanh còn non được các nhà khoa học gọi là “nước khoáng thực vật” vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và đường ở dạng dễ tiêu hóa, lượng vitamin C đủ cho yêu cầu 1 ngày, cùng các loại vitamin B như axit folic. Nước dừa được dùng làm dịch truyền trong nhiều cuộc chiến tranh. Dừa được xem là món ăn trường xuân của người Philippines. Họ chế biến thứ đồ uống gọi là Nata dừa, gồm có nước dừa, đường, giấm, và “nước cái” (chứa vi khuẩn giúp lên men). Cựu tổng thống Philippin Fidel Romos cho rằng, nhờ ăn hằng ngày món này, ông thấy mình trẻ lại như ở tuổi 20. Nata dừa đã trở thành món tráng miệng cao cấp ở Nhật và được xem là có tác dụng ngừa ung thư.Lưu ý: Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị, cho nên cứ để nguyên quả mà uống. Tốt nhất là nên uống ngay tại gốc vừa chặt, tránh thả dừa xuống đất.
Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa, nhất là người đang có bệnh vì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh… Trước khi thi đấu thể thao, không nên uống nước dừa. Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều sẽ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối. Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng và giải khát, chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Nước dừa làm lên men có thể cất được một loại rượu ngon. Dùng nước dừa chải tóc làm tóc mềm, bóng và đen; trộn với dịch ép tỏi tây bôi lên da là thuốc dưỡng da. Cùi dừa chữa đau vùng thượng vị hoặc ép lấy dầu dừa chữa bỏng, mụn nhọt. Dầu dừa tinh chế để làm thực phẩm thay mỡ động vật, là chất béo dễ tiêu hóa phòng ngừa vữa xơ động mạch.
Một số cách dùng nước dừa bảo vệ sức khỏe:
- Kiết lỵ cấp tính: Rau má 50 g, nước dừa tươi một quả. Rửa sạch rau má, giã nhỏ, vắt lấy nước, pha với nước dừa uống. Mỗi ngày một quả.
- Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, rượu nho 1 chén, nước gừng 10 giọt, trộn đều uống. Lợi tiểu giải độc: Nước dừa non có tác dụng lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.
- Viêm thận phù nề: Nước dừa, nước rễ cỏ tranh, nước rễ cỏ lau. Mỗi thứ 30 g, trộn đều uống.
- Tẩy sán lá: Có tác dụng an toàn và hiệu lực hơn hạt cau. Không cần thuốc tẩy. Buổi sáng chưa ăn lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cho hết cùi dừa. Sau 3 giờ, ăn uống bình thường (thức ăn lỏng).
- Canh dừa khử độc rượu, bôi trơn khớp: Những người thường xuyên uống bia rượu hay cảm thấy đau nhức ở các khớp, hoạt động khó khăn hoặc khi hoạt động, các khớp có tiếng kêu. Để chữa khỏi, nên uống canh dừa. Lấy một quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp: 20 g đậu đen vo sạch cho vào trong quả dừa rồi đậy nắp lại, đặt lên 1 cái đĩa. Đặt cả dừa và đĩa vào nồi, chưng trong 4 giờ. Sau đó, có thể cho ít muối tùy ý để uống canh dừa. Mỗi tháng chỉ cần uống 1-2 lần thì chứng đau khớp sẽ hết, các khớp sẽ hoạt động mềm mại trở lại.
- Nước dừa non trị chứng cam (bụng ỏng, đít teo, suy dinh dưỡng ở trẻ): Nước dừa dùng nấu xôi, luộc gà… làm tăng vị thơm ngon và bổ dưỡng, thích hợp cho người gầy yếu. Người khỏe mạnh buổi sáng uống nước 1 quả dừa xiêm cũng rất tốt.
b. Ở xứ cù lao huyện Giồng Trôm (Bến Tre) dân trồng dừa tôn ông Đỗ Thành Thưởng, 72 tuổi là ông vua trồng dừa. Ông được nhiều nước trên thế giới biết đến qua việc bảo tồn những giống dừa quý. Ông Thưởng kể, năm 1995, giá dừa rất thấp, người trồng dừa thua lỗ nên rủ nhau đốn dừa trồng cây khác để có thu nhập. Lúc đầu, ông cũng thuê người triệt hạ cây dừa để trồng nhãn. Trong lúc đốn hạ hàng loạt cây dừa trĩu quả, ông cảm thấy như hàng nghìn nhát dao chém vào da thịt của mình. Vì qua nhiều đời, ngay cả trong chiến tranh khốc liệt, dòng họ ông đều sống dựa vào cây dừa. Ông phát hiện có một quả dừa bất thường, cuống quả dừa này không giống như bao cuống quả khác mà nó có hình giống như cánh chim đang xòe ra. Nghĩ vậy nên trong 2,5 ha bị triệt hạ để trồng nhãn, ông Thưởng để lại 500 m2 ươm và trồng từ những trái dừa có hình con chim xòe cánh. Giống dừa mà ông để lại cho trái rất nhiều, nước ngọt, cơm dày hơn những giống dừa khác, được nhiều người mua đem lên TP HCM bán cho người tiêu dùng. Từ đó, giống dừa hình con chim xòe cánh của ông Thưởng được người dân không chỉ ở TP HCM mà nhiều tỉnh khác trong khu vực biết đến, tìm mua với giá đắt hơn giống dừa xiêm từ 1.500 đến 2.000 đồng một quả. Đang định phục hồi giống dừa quý thì có một đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu dầu thực vật (OPI) tìm đến nhà ông đặt vấn đề, nếu ông quyết sống chết cùng cây dừa, họ sẽ cung cấp giống dừa lai PD 121 có năng suất và chất lượng không thua gì giống dừa mà ông đang bảo tồn. Vốn thương yêu cây dừa, ông Thưởng đồng ý và cam kết dù lâm vào bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng không bỏ cây dừa. Sau ba năm trồng và chăm sóc, dừa PD 121 đã cho trái. Trung bình mỗi cây cho khoảng 150 quả mỗi năm. Hiện, ông Thưởng có 18 giống dừa có năng suất và chất lượng cao, như dừa xanh dâu, dừa núm, xiêm xanh, xiêm đỏ, ta đỏ, tam quan, éo đỏ, xiêm đỏ xáp, sọc xòe, vàng Malaysia... Ông Thưởng cho biết ông đã nhân giống thành công một loại dừa lạ to hơn quả dừa xiêm một chút, nhưng nhỏ hơn quả dừa bị của ta, có năng suất cao nhất so với các giống dừa mà ông đang bảo tồn. Hiện có hàng trăm nông dân ở các tỉnh tìm đến đặt mua giống dừa này, vì nước rất ngọt và cơm lại rất dày. c. Kỹ sư Huỳnh Thanh Hùng và các cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre được gọi là “những nhà khoa học cứu dừa” nhờ biện pháp dùng ong ký sinh diệt bọ cánh cứng hại dừa. Hàng chục nghìn ha dừa đã được cứu nhờ đàn ong do Chi cục nhân giống. Bọ cánh cứng hại dừa được phát hiện ở Bến Tre vào tháng 5-1999 tại phường Phú Khương với 600 cây bị nhiễm. Chỉ sau bảy tháng bọ dừa cánh cứng đã xuất hiện ở tám huyện, thị xã trong tỉnh phát thành dịch trên diện tích 36.000 ha đất trồng dừa. Số liệu thống kê đến tháng 8-2002 tỉnh Bến Tre có 2.379.413 cây dừa bị hại và bọ dừa không chỉ hại cây dừa mà còn gây hại trên các loại cây cau, dừa nước... Cây dừa sẽ không còn là "dáng đứng" của Bến Tre nếu không có những nhà khoa học mày mò tìm ra phương pháp thích hợp nhân nuôi nhanh đàn ong ký sinh ngay tại xứ dừa. Sau khi được đi thực tế chứng kiến những vườn dừa ở tỉnh Bình Ðịnh bị bọ dừa xâm hại xơ xác, tàu lá cháy khô, kỹ sư Huỳnh Thanh Hùng, Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật Bến Tre, luôn canh cánh trong lòng nỗi lo: 36.000 ha dừa ở quê mình cũng sẽ xác xơ như ở Bình Ðịnh nếu không tăng nhanh đội quân ong ký sinh diệt bọ hại dừa. Ngày ấy, 10-3-2004, chi cục bắt tay vào việc nuôi nhân ong ký sinh trong điều kiện kinh phí hạn hẹp: 10 triệu đồng được tỉnh cấp, chi cục phải tính toán làm sao không thiếu mà mang lại hiệu quả cao. Tất cả số kinh phí này được tập trung cho việc nhân nuôi. Dụng cụ sản xuất lúc đầu hoàn toàn chưa có gì. Không có phòng thí nghiệm thích hợp, phải tận dụng cả phòng làm việc giám đốc làm nơi nhân nuôi ong. Phương tiện làm tổ cho ong sinh sản cũng chưa có dụng cụ chuyên dùng, đành ra chợ tìm mua những hộp dùng đựng thức ăn để trong tủ lạnh về tự chế thành tổ ong bằng cách dùng dao khoét ô vuông trên nắp hộp. Việc này rất khó vì nhựa cứng rất khó cắt, nhưng rồi sau đó cũng rút kinh nghiệm và cắt thành thạo nắp hộp bằng cách dùng mỏ hàn điện.
Trước khi bắt tay vào thực hiện, chi cục được các kỹ sư của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đến hướng dẫn và thao tác trực tiếp quy trình nuôi nhân ong ký sinh. Lứa ong này "mẹ tròn con vuông" nhưng khi các "thầy" về, đợt ong tiếp sau do chi cục cho tiếp xúc, đến ngày thứ 18 là đúng chu kỳ ong nở, nhưng ấu trùng vẫn im lìm đến khô cứng. Thất bại này làm chi cục mất cả con giống, phải đến Trung tâm bảo vệ thực vật phía nam nài nỉ xin 20 Mu-my (kén) về nuôi dưỡng và cho tiếp xúc với ấu trùng bọ dừa. Lần này, cũng không có kết quả. Hai lần thất bại, tập thể tổ sản xuất gồm năm kỹ sư buồn rầu đến mất ăn mất ngủ. Vì sao cũng tại nơi này mà các kỹ sư của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM nhân nuôi thành công, còn mình thì thất bại, do đâu? Khí trời mùa hè lúc này oi bức, trời nóng đến 34 - 35oC, càng làm cho tinh thần các kỹ sư thêm căng thẳng và họ chợt nghĩ ra, phải rồi nhiệt độ cao, ấu trùng ong ký sinh bị chết khô, làm sao nở được. Cái khó ló cái khôn, họ nghĩ ra điều kiện thích hợp để ấu trùng ong nở là nhiệt độ lạnh mát. Việc này có thể tạo nên dễ dàng bằng cách mở máy điều hòa. Và chi cục lại đến Trường đại học Nông Lâm TP.HCM xin con giống về ứng dụng thử phương pháp mở máy điều hòa nhiệt độ. Ngày thứ 18 ong nở, cả tập thể reo mừng như vỡ hội. Từ thành công này và những lần sau, tổ nhân nuôi ong có kinh nghiệm: ở nhiệt độ 28oC, ong sinh sản tốt và chi cục cho gắn nhiệt kế trong phòng nhân nuôi ong để theo dõi duy trì nhiệt độ.
Tạo ngân hàng ong: Ong nở rồi cũng chưa phải thành công mà khâu tiếp theo là thả nuôi dưỡng, nhân đàn. Công việc này cũng cần phải thực hiện nghiêm túc. Ong nở phải cho ăn bằng cách dán giấy vệ sinh tẩm mật ong vào thành hộp. Ong 2 - 3 ngày tuổi sẽ giao phối và tìm ấu trùng bọ dừa để ký sinh. Ấu trùng bọ dừa khi bị ong tiếp xúc đẻ trứng, vẫn phải cho ăn, thức ăn là đọt dừa non và cứ hai ngày phải thay đọt lá dừa một lần. Nuôi ấu trùng bọ dừa cũng là nuôi trứng ong ký sinh cho đến ngày thứ 18. Công việc này phải thực hiện nghiêm túc, vì bỏ cữ ăn của bọ dừa cũng làm ảnh hưởng đến những thai nhi ong ký sinh. Vì vậy cứ hai ngày thay đọt lá dừa một lần, ngày thay lá nhằm vào ngày nghỉ lễ, chủ nhật, tổ cũng không dám bỏ. Lá dừa làm thức ăn cho bọ dừa trong phòng thí nghiệm lúc đầu dễ tìm, nhà vườn sẵn sàng cho chặt, nhưng do các kỹ sư không kinh nghiệm, đã chặt nguyên đọt dừa thay vì chỉ cần tỉa nhánh lá dừa là đủ. Nhà vườn thấy các kỹ sư chặt nguyên đọt lá dừa, xót ruột, vì như vậy, sẽ làm cho cây dừa mất sức, giảm sản lượng trái, nên chỉ cho một lần không cho nữa. Không xin được đọt lá dừa, công trình nhân nuôi khó có thể tiếp tục, may sao Trung tâm thực nghiệm cây có dầu Ðồng Gò ở tỉnh (cơ sở Nhà nước), nơi này có hàng chục ha dừa sẵn sàng cho chi cục tỉa nhánh lá về nuôi ong. Nhưng công việc nuôi ong đâu phải có vậy. Sau khi ong ký sinh vào ấu trùng dừa và trở thành kén (Mu-my), công việc tiếp theo của tổ nhân nuôi là phải đi tìm bắt bọ dừa ở ngoài đồng về cho ong ký sinh tiếp xúc để tiếp tục có thêm nhiều đàn ong mới, đưa về các địa phương trong tỉnh diệt bọ dừa. Vì vậy cứ 18 ngày, tổ năm người gồm các kỹ sư: Huỳnh Thanh Hùng (giám đốc), Ngô Thị Ngọc Sương, Huỳnh Hữu Phước, Nguyễn Thị Nguyệt và Phùng Thị Lạc đều ra đồng tìm bắt bọ dừa, mỗi lần đi bắt bọ như vậy cũng rất vất vả, phải bắt từ 3.000 đến 4.000 con mới đủ nhân nuôi và cung ứng cho các địa phương đang cần. Mặc dù được tỉnh cấp 10 triệu đồng cho chi phí nhân nuôi ong ký sinh nhưng chi cục luôn tiết kiệm, mọi chi phí đi lại đều thanh toán bằng kinh phí hoạt động thường xuyên của chi cục. Kinh phí tỉnh cấp cho nhân nuôi, dùng vào việc thuê mướn những nông dân chuyên nghiệp leo những cây dừa cao bắt bọ dừa với giá 2.000 đồng/cây. Những cây thấp, năm kỹ sư (cả nam và nữ) đều tập leo để tiết kiệm chi phí cho việc nhân nuôi lâu dài.
Sau một năm nuôi, các kỹ sư đã nhân được 15.928 Mu-my (kén), mỗi Mu-my chứa t
ừ 40 đến 80 con ong ký sinh, số Mu-my này đã được treo thả đều khắp tỉnh. Kỹ sư Phùng Thị Lạc, Trưởng phòng Kiểm dịch của chi cục, cho biết: Kết quả điều tra tháng 11-2004 cho thấy tỷ lệ vườn dừa phục hồi đạt 86%, có nơi đạt 91%. Số cây dừa bị bọ dừa xâm hại giảm 84,4% so năm 2002 và 60% so năm 2003. Giám đốc Chi cục Huỳnh Thanh Hùng nói: Nhờ nuôi ong ký sinh mật độ bọ phá hại dừa đã giảm, nhưng chi cục vẫn còn tiếp tục nhân nuôi ong, bằng cách nhận ấu trùng bọ dừa từ các huyện mang đến. Công việc nhân nuôi ngày nay cũng có thêm kinh nghiệm là chúng tôi tìm bắt những con ong ký sinh ngoài đồng về nuôi nhân vì trong môi trường thiên nhiên, con ong khỏe mạnh hơn là mãi lấy giống ong trong phòng thí nghiệm nhân nuôi. Bây giờ, chi cục đã có "ngân hàng ong", sẵn sàng cung cấp và hướng dẫn cho các nhà vườn cách treo thả để diệt bọ dừa phá hại. Ong ký sinh diệt bọ dừa ở Bến Tre hiệu quả, đã có nhiều đoàn khách của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Lào, Thái-lan, Hiệp Hội dừa châu Á - Thái Bình Dương đến tham quan học hỏi và theo yêu cầu, chi cục đã xuất tặng đoàn Thái-lan từ 500 đến 600 Mu-my.
Cây dừa là nguồn sống chính của nông dân, ba năm trước bọ cánh cứng xâm hại, làm 36.000 ha dừa (2,4 triệu cây dừa) xơ xác. Sau một năm nhân nuôi thả ong ký sinh, hơn 30 nghìn ha dừa của tỉnh xanh tốt trở lại. Công sức của những người làm công tác bảo vệ thực vật ở Bến Tre đã được bù đắp.
d. Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, Công ty tư vấn AA (Hà Nội) đã nghiên cứu ra loại vật liệu bê tông nhẹ làm từ sợi hữu cơ như xơ dừa và sợi đay. Ông Nguyễn Huy Hiệu, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty, cho biết, bê tông OGAF có thành phần chính là xơ dừa và sợi đay, cộng thêm chất tạo bọt và phụ gia là lignin, chất thải của ngành công nghiệp giấy. Chính vì vậy, sản phẩm có giá thành rẻ hơn 40% so với gạch gốm, do tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tái sinh và chất thải công nghiệp. Trong khi đó, cường độ chịu lực của bêtông OGAF vẫn cao gấp 3 lần tường xây bằng gạch gốm.Các cấu kiện bêtông OGAF có khối lượng thể tích khoảng 1,0-1,3 tấn/m3, vừa nhẹ và dễ vận chuyển, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Công nghệ OGAF cũng đơn giản. Lao động địa phương có thể thực hiện được quy trình công nghệ nếu được hướng dẫn ngắn gọn. Như vậy, OGAF cho phép sử dụng tối đa nguồn nhân lực và nguyên liệu địa phương để sản xuất vật liệu, xây dựng nhà ở cho nhân dân trong chính khu vực đó. Sử dụng bê tông OGAF thay thế gạch gốm truyền thống còn giúp giảm đáng kể lượng tiêu hao nhiên liệu và lượng khí thải có hại cho môi trường. Đồng thời thay đổi thói quen phá rừng lấy gỗ làm nhà của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, ông Hiệu cho biết bê tông OGAF vẫn còn nhược điểm là bị thấm nước. Hiện nhóm đang cố gắng khắc phục hạn chế này. Việc sản xuất mới chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Nhóm mong muốn có kinh phí tài trợ để thiết kế và xây dựng thực nghiệm nhà ở bằng vật liệu bê tông OGAF cho các hộ gia đình gặp khó khăn. Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sẽ đào tạo các lao động địa phương để khi kết thúc giai đoạn xây dựng, các lao động địa phương sẽ tiếp quản thiết bị máy móc của dự án, tiếp tục ứng dụng công nghệ OGAF để xây dựng nhà ở cho nhân dân trong khu vực. Dự án đã được World Bank trao giải trong "Ngày Sáng tạo Việt Nam 2005" (Liên hệ: Ks. Nguyễn Huy Hiệu - Công ty cổ phần tư vấn AA. Phòng 604 - A2 Làng Hacinco, đường Hồng Liên, Thanh Xuân, Hà Nội. Điện thoại: 04.5571509).
e.Đi săn chuột dừa ở xã Quới Sơn (huyện Châu Thành, Bến Tre):
Có một loại chuột thích làm tổ và sống hẳn trên cây dừa. Ban đêm, chúng bò đi kiếm ăn. Nếu muốn biết chuột dừa ăn đêm thế nào, hãy cứ mắc mùng ngoài sân ngủ sẽ nghe tiếng chúng lạo xạo không ngừng. Chúng sột soạt nhấm nháp, cắn xé vỏ dừa bằng hai cái răng cửa sắc lẹm của mình; tiếng nước dừa ọc ạch chảy ra và cả tiếng chúng nhấm nháp cơm dừa. Đứa rung cành dừa, mấy đứa đứng chờ sẵn sàng bên dưới. Đúng như kế hoạch, khi chuột ta nhảy xuống đất, đứa nào cũng vụt mạnh tay cây chà xẹt qua mình nó. Chuột chạm đất, nhanh chân lủi vào bụi cây. Chúng tôi phóng tới chỗ chuột nấp nhưng đã phải thắng két lại, mém chút nữa đã đụng con rắn lục to đùng đang quấn mình trong bụi cây này. Con chuột cũng ranh thế, biết dựa hơi rắn. Nhân cơ hội chúng tôi hoảng hồn với rắn, chuột lủi vào một mô đất trốn mất. Con chuột nằm trong một hốc nhỏ, thò cái mõm xíu xiu ra thở. Một đứa dùng hai chân cào đất ra, tóm gọn lấy nó trong khi chúng tôi đứng phía sau “hậu thuẫn”. Có nhiều cách chế biến thịt chuột. Có thể lột da chuột và hấp chúng trong nồi cơm rồi xé phay ra và ăn với nước mắm ớt tỏi. Hoặc đem thịt chuột rô ti với nước cốt dừa. Hay nướng chuột bằng đất sét cũng ngon bá cháy... Mới nghe thôi mà tôi đã thèm rồi. Năm Tí mà được nhâm nhi thịt chuột dừa béo ngậy, thơm phức mùi dừa thì chẳng còn gì bằng.
f. “Công nghệ” làm ngọt dừa : Những điểm bán nước dừa xiêm quen thuộc
quanh hồ con Rùa của Sàigon và nhiều quán giải khát quanh một số công viên khác bán khá nhiều loại dừa xiêm - một loại giải khát rất phổ biến tại Sàigon trong nhiều năm qua bởi trong vô vàn thứ hoa quả đang bán trên thị trường, dừa thuộc dạng lành (không thuốc trừ sâu mà cũng chẳng chất bản quản…). Rất ít người biết rằng những quả dừa xiêm ngọt lịm đã bị tiêm thêm đường hoá học và vẻ trắng phau kia là nhờ dung dịch chuyên dùng để… tẩy vải. Với giá thành không quá đắt (10 - 15 nghìn đồng/quả), không ít người đến uống nước dừa tại chỗ hoặc mua đem về, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Với những quả dừa trắng phau, khách chỉ việc cắm ống hút vào lỗ mầm quả dừa là có thể thưởng thức nước dừa mát lạnh, ngọt lừ. Thế nhưng theo lời tiết lộ của một đầu mối chuyên giao dừa cho nhiều quán giải khát ở Sàigon: loại dừa xiêm trồng ở Bến Tre này có vị ngọt và thơm ngon được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ trên thị trường khá lớn nên thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu. Không bỏ lỡ cơ hội, nhiều hàng giải khát đã mua loại dừa có chất lượng kém hơn hẳn với giá khá rẻ (1 - 3 nghìn đồng, tùy thời điểm) rồi “phù phép” biến chúng thành “dừa Thái” hay dừa xiêm bán cho khách. Phương pháp thực hiện khá đơn giản, người bán hàng chỉ việc lóc vỏ quả dừa sao cho chỉ còn một lớp vỏ mỏng ngà rồi thêm đường hóa học bằng cách tiêm qua lỗ mầm trên đầu quả dừa. Vậy là loại nước dừa non có vị chua chua sẽ trở nên ngọt lừ và được bán với giá gấp 6 - 8 lần giá trị thực của nó. Để giữ cho vỏ dừa trắng phau cả ngày, không bị thâm đen do chảy nhựa, nhiều người bán hàng dùng phương pháp ngâm quả dừa trong nước phèn chua đặc. Nhưng cách này tỏ ra không mấy hiệu quả nên sau đó họ đã dùng một cách vừa nhanh vừa rẻ tiền là ngâm dừa bằng nước có pha thêm thuốc tẩy Javen - loại chuyên dùng tẩy trắng vải. Với một lượng nhỏ thuốc tẩy pha vào thùng nước, một lượng lớn quả dừa sẽ trắng phau suốt cả ngày. “Công nghệ” này còn được áp dụng để làm trắng măng. Đó cũng là lý do tại sao măng tre bán ở chợ hiện nay cứ trắng phau chứ không vàng vàng, thâm thâm như ngày xưa!
Độc hại dừa tiêm đường hóa học: Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng TP. HCM, đường hóa học (hay là chất ngọt tổng hợp) là chất không có trong tự nhiên, thường có vị ngọt gấp 200 lần so với đường kính saccharose (đường tự nhiên khai thác từ mía, củ cải đường) và tuyệt nhiên không hề có một giá trị dinh dưỡng nào khác và thường được chỉ định đối với người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại rất nhiều những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam. Nguyên do là loại đường hóa học này có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền... Hơn nữa các chất chuyển hóa của cyclamate như mono và di cyclohexylamin còn độc hại hơn cả cyclamate (chỉ cần 0,7% đã có tác dụng kích thích và gây ung thư cho chuột). Từ những nguy cơ gây bệnh khi sử dụng lâu dài, hiện nhiều nước trên thế giới (trong đó có VN) đã không cho phép sử dụng cyclamate làm phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, do đặc tính tạo ngọt cao, giá thành lại khá rẻ nên đường hoá học vẫn thường được bán ở tất cả các sạp hành khô trong chợ. Chỉ 1 viên đường hoá học (500 - 1.200đ) là đủ làm ngọt hàng chục quả dừa. Về vấn đề một số người bán hàng vì muốn bán được nhiều hàng để tăng lợi nhuận mà dùng nước tẩy để làm trắng củ, quả, ông Nguyễn Xuân Lãng, trưởng phòng Phân tích và Kiểm tra môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho biết: Chất tẩy Javen vốn dĩ chỉ dùng trong công nghiệp, nếu dùng để tẩy thực phẩm sẽ gây clo hoá các chất hữu cơ, sinh độc và dần dần ảnh hưởng đến cơ thể người. Thậm chí, thuốc tẩy Javen nồng độ cao khi vào đường tiêu hóa sẽ gây bỏng nặng, có thể làm loét, thủng dạ dày, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời.Theo kinh nghiệm của một người bán giải khát: để phát hiện quả dừa xiêm bị tiêm đường hoá học cần để ý đến phần cuống (mỏm) của quả dừa đó. Nếu phần mỏm này sùi bọt nước thì đích thị quả dừa đó bị “tiêm”. Tuy nhiên, những quả dừa đã tiêm đó đã được để vào trong tủ lạnh thì cũng đành “bó tay”, không phân biệt được. Chính vì vậy, cách tốt nhất để có được quả dừa an toàn, là người mua nên chọn loại quả dừa chưa bị bóc vỏ, còn nguyên ở chùm. Khi muốn uống nước dừa tại chỗ, hãy yêu cầu người phục vụ chặt tại chỗ, tuyệt đối không ngâm không rửa gì. Hãy bằng lòng với hình ảnh khi vạt vỏ ra xong, vỏ dừa sẽ thâm đen, đó chính nhựa do vỏ dừa tiết ra. Để tránh bị lừa khi mua dừa xiêm, hãy chọn mua ở các quầy hàng bảo đảm hoặc trong những siêu thị có uy tín chuyên cung cấp hoa quả tươi.
III. Những thách thức
:Theo các số liệu thống kê của tổ chức IPGRI vào năm 2000, trên thế giới đã có 86 quốc gia trồng dừa với tổng diện tích 11,6 triệu ha và cho đến nay, ước tính vào khoảng 90 quốc gia tham gia trồng dừa với diện tích gần 12 triệu ha. Nếu so với diện tích trồng dừa mà FAO ước tính vào năm 1993, thì diện tích trồng dừa của thế giới hiện đã tăng thêm 1 triệu ha trong vòng 10 năm. Tuy các nguồn số liệu có khác nhau chút ít giữa các tổ chức quan tâm đến ngành dừa thế giới, nhưng nói chung, đều thống nhất ở chỗ là ngành dừa đã nuôi sống khoảng 50 triệu dân trên thế giới, chủ yếu là dân châu Á vì khoảng 90% diện tích trồng dừa của thế giới nằm ở châu lục này. Các nước thành viên của Hiệp hội dừa châu Á – Thái Bình Dương (APCC) đã chiếm đến 85-90% tổng sản lượng dừa của toàn thế giới. Chỉ tính riêng 3 quốc gia là Philippines, Indonesia và Ấn Độ thì sản lượng dừa của ba nước này đã chiếm đến 2/3 tổng sản lượng dừa chung.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có diện tích trồng dừa cao trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế phát triển theo xu hướng kỹ thuật cao ngày nay, cây dừa không chỉ đơn thuần có giá trị thương mại mà còn có giá trị xã hội nữa. Những vườn dừa ở các tỉnh trung và nam Việt Nam thường do các hộ gia đình chăm sóc và truyền từ đời này sang đời khác. Một khi được trồng, dừa có thể cho quả từ 40 đến 60 năm. Như nhiều tài liệu nghiên cứu về thổ nhưỡng đã nhìn nhận, một số vùng trong khu vực Thái Bình Dương chỉ có thể trồng dừa để tận dụng những vùng đất khô cằn không thể trồng những loại cây khác. Bên cạnh đó, dừa còn là người bạn lâu đời của những nông dân nghèo Nam và Trung bộ trong điều kiện chưa có đủ điều kiện để chuyển sang trồng những loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chính vì vậy, cho đến thời điểm này, dừa vẫn là một loại cây nuôi sống hàng triệu người dân trên thế giới, trong đó có cả những nông dân Việt Nam.
Làm thế nào để giúp người dân trồng dừa có thu nhập khá hơn? Câu trả lời nằm ở những sản phẩm có giá trị cao chưa được khai thác đúng mức thông qua việc đánh giá và nhìn nhận tầm quan trọng của thị trường cho các sản phẩm này. Nếu tận dụng hết được mọi bộ phận của cây dừa thì lợi nhuận từ một số sản phẩm cao cấp, không đòi hỏi kỹ thuật cao sẽ giúp cho người trồng dừa có thể sống được và tận dụng nguồn lao động sẵn có ở các vùng nông thôn này.
Có 3 thuộc tính tự nhiên của dừa vẫn còn được sử dụng:
  • Dừa là đầu vào cho sản xuất. Nếu không bị đập vỡ, toàn bộ trái dừa rất cứng và bền. Nó có thể được cất giữ đến hàng tuần. Tính đều đặn của đầu ra và dễ dàng lưu trữ là một thuộc tính hiếm của các sản phẩm nông nghiệp và cho phép nền công nghiệp chế biến dừa vận hành tốt ở mức độ cao cuả đầu vào quanh năm. Chi phí cố định trung bình của quá trình chế biến giảm nhanh vì đầu vào trên một đơn vị tăng. Đây là điều cốt yếu của “sự tiết kiệm của quy mô” – dàn trải chi phí đầu tư máy móc cho nhiều đầu ra.
  • Toàn bộ trái dừa chứa một năng lượng lớn dư thừa so với bất kỳ những yêu cầu chế biến tương tự. 10.000 trái dừa có thể sản xuất ra hơn 3.500 kWh điện năng bằng cách sử dụng nồi hơi đơn ống và và công nghệ động cơ pit tông năng suất cao từ mụn dừa và khí sản xuất ra trong khi chế biến than vỏ dừa (Kaneff, Inall & Whelan 1987, Etherington & Hagan 1989). Yếu tố kinh tế nổi bật này càng làm khẳng định thêm tính ưu việt của quá trình chế biến hợp nhất.
  • Ưu điểm về lợi nhuận tiềm năng từ các công ty có nhiều sản phẩm. Nền công nghiệp có thể đa dạng hoá sản xuất.
Nhìn chung, cơ hội để ngành dừa có thể phát triển được chính là:
(1) Nhu cầu ngày càng tăng về dầu và chất béo, cũng như là nguồn thức ăn nuôi gia súc, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển khi thu nhập của các hộ gia đình tăng lên;
(2) Khả năng cho ra nhiều dạng sản phẩm khác nhau từ cây dừa, kể cả thực phẩm lẫn những sản phẩm khác, bên cạnh những sản phẩm truyền thống như cơm dừa, dầu dừa và sữa dừa.
Nhu cầu về các loại cây có dầu và các sản phẩm chứa dầu có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khía cạnh tăng dân số và thu nhập, giá tương đối, khẩu vị truyền thống và sự ưa chuộng, cũng như các chính sách của chính phủ. Có thể thấy dạng tăng nhu cầu về dầu mỡ không còn giới hạn trong các biên giới quốc gia nữa. Ở mức thu nhập thấp, với lượng nạp khoảng 2000 calo /người/ngày, dầu thực vật thường được xem là món xa xỉ. Điều này thực sự đúng trong thập niên 80 tại Bangladesh, Trung Quốc và Philippines. Lúc đó, lượng calo do các loại dầu thực vật đem lại chỉ chiếm khoảng 2-3% bữa ăn hàng ngày. Khi thu nhập trên đầu người tăng lên, nhu cầu hàng ngày về dầu thực vật xét về khía cạnh calo tăng đáng kể, từ mức dưới 100 calo /người lên đến 200 calo/người mỗi ngày. Còn nếu mức thu nhập đầu người cao hơn nữa thì mức tăng nhu cầu về dầu thực vật lại bắt đầu giảm. Mức tiêu thụ tuyệt đối có thể phụ thuộc vào khẩu vị và sự ưa chuộng lâu nay, hay nói cách khác, mức tiêu thụ tại Ý và Mỹ khá cao, còn ở Pháp và Thụy Sĩ thì khiêm tốn hơn (World Bank, 1988).
Nhu cầu dầu mỡ đang tăng mạnh, trước hết tại các quốc gia đang phát triển. Người ta đã ước tính rằng trong thâp niên 1990 các quốc gia đang phát triển tiêu thụ đến 50% tổng tiêu thụ dầu mỡ trên thế giới so với con số 45% so với thập niên 80, và chỉ 36% vào năm 1972 (IRHO, 1986). Tiêu thụ dầu mỡ tăng chủ yếu tại Trung Quốc, Indonesia và Brazil. Tại các nước công nghiệp, lượng tiêu thụ dầu mỡ rất khó tăng lên do độ co dãn về cầu theo thu nhập rất thấp, dân số lại tăng với tốc độ chậm hơn các nước đang phát triển, nếu không muốn nói là dân số không tăng lên mấy và ý thức của người dân tại các quốc gia công nghiệp về nguy cơ dầu mỡ gây hại cho sức khỏe (đặc biệt là các loại chất béo bão hòa thường được nghi ngờ là nguyên nhân gây ra các loại bệnh tim) rất cao. Nhìn chung lại, phần tăng sản lượng của thế giới về sản xuất dầu mỡ chủ yếu do các quốc gia đang phát triển, nơi mà tiêu thụ vẫn còn thấp nhưng nhu cầu sẽ có xu hướng tăng lên.
Tốc độ tăng về cầu các loại dầu mỡ thực vật khá chậm tại các nước EU và Mỹ trong những năm qua. Tuy nhiên, cơ hội thay đổi đáng kể giữa các loại dầu mỡ vẫn còn đó, đặc biệt là xu hướng thay các loại dầu mỡ động vật bằng dầu mỡ thực vật. Tại các nước công nghiệp, triển vọng tăng nhu cầu về dầu thực vật của Nhật là hứa hẹn hơn cả. Trong suốt nhiều thập niên qua, mức tiêu thụ dầu mỡ tính trên đầu người đã tăng mạnh nhờ cả ưu thế về tăng thu nhập lẫn thay đổi về khẩu vị (World Bank, 1988).
Trong tương lai, nguồn cầu lớn nhất về dầu và chất béo sẽ là Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này có dân số rất lớn. Trong những năm gần đây, thu nhập và lượng calo nạp vào cơ thể đã tăng lên một cách đáng kể do đời sống của các nước đang phát triển được cải thiện rất nhiều. Từ đó cho thấy xu hướng tiêu thụ dầu thực vật cũng sẽ tăng rất lớn so với 1970. Điều này cho thấy một thực tế là ngay cả khi mức thu nhập như hiện nay, nhu cầu tiềm năng tại cả hai quốc gia vẫn lớn hơn tốc độ tiêu thụ rất nhiều. Đấy là chưa kể đến việc Ngân hàng thế giới đã dự báo tốc độ tăng thu nhập tại cả hai quốc gia khá cao. Như vậy, hiển nhiên là Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm đến 1/3 dân số toàn cầu sẽ là những thị trường dầu ăn đầy hứa hẹn. Chỉ cần mỗi người tiêu thụ hai nước này tăng nhu cầu lên 1kg thì lượng dầu thực vật đã được tiêu thụ thêm 1,9 triệu tấn. Lượng cầu này còn gấp đôi kim ngạch xuất khẩu dầu cọ của Indonesia vào 1988. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lượng cầu về dầu thực vật hoàn toàn có thể tăng 2-3 kg trên đầu người tại cả hai nước này nếu thu nhập cứ tăng với mức độ đều đặn. Minh chứng này càng cho thấy sức ép đè nặng lên hai chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ, buộc họ phải xem xét lại các chính sách về giá nhập khẩu hiện nay (World Bank, 1988, 1991).
Một khi nhu cầu về dầu thực vật tại các nước đang phát triển tăng nhanh hơn nhu cầu của các nước công nghiệp, nhiều xu hướng thay đổi nhu cầu sẽ vẫn tiếp tục là điều hiển nhiên. Trong suốt nhiều thập niên qua, thị phần dầu mỡ động vật các sản phẩm từ sữa, (mỡ lợn, mỡ động vật, v.v…) đã giảm đáng kể tại nhiều quốc gia công nghiệp. Điều đáng nói ở đây là việc thay đổi thị phần nhu cầu giữa dầu mỡ động vật và dầu thực vật đã phản ánh khuynh hướng dịch chuyển cầu chung sang các quốc gia không có truyền thống dùng dầu mỡ động vật. Khi cầu tăng tại Tây Âu, Bắc Mỹ và các khu vực thuộc Mỹ Latinh khựng lại, thì cầu tại châu Phi và châu Á lại tăng, thị phần dầu mỡ động vật sẽ càng giảm mạnh. Bên cạnh đó, thị phần tiêu thụ dầu cọ sẽ tăng lên. Thị phần dầu nành vẫn còn ở mức ổn định.
Sự chọn lựa phương án đáp ứng nhu cầu dầu mỡ ngày càng tăng của các quốc gia đang phát triển sẽ theo hướng hoặc là nhập khẩu thêm (bằng nguồn ngoại tệ thu được từ việc xuất khẩu các mặt hàng khác), hoặc là tăng sản lượng trong nước. Những dự báo về việc tăng dân số và thu nhập dài hạn cho thấy nhu cầu bức bách về việc tăng sản lượng dầu mỡ tại các quốc gia đang phát triển nhằm cung ứng đủ lượng dầu mỡ cho các bữa ăn hàng ngày và tiết kiệm ngoại tệ.
Có rất nhiều thách thức đặt ra với người trồng dừa và ngành dừa nói chung. Những thách thức này tùy thuộc vào vị trí địa lý và những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau tại các quốc gia và khu vực. Giới trồng dừa đang tìm kiếm một loại cây có thể đáp ứng nhiều nhu cầu cùng một lúc như đảm bảo năng suất trung bình trong mọi điều kiện gieo trồng, năng suất tối ưu mà lại ít đòi hỏi chăm sóc và phân bón, có năng suất thu hoạch trái ổn định kèm theo những đặc tính tối ưu như sớm cho trái, cây không quá cao, trái không quá nhỏ và có thể chịu đựng được trong những điều kiện xấu như sâu bọ, bệnh và hạn hán.
Tuy nhiên, các nhà chế biến dừa sấy khô thì lại tìm kiếm những loại dừa dày cơm nhưng chứa ít phospholipid làm cho dừa sấy khô dễ bị đổi sang màu vàng trong quá trình bảo quản. Những nhà chế biến xơ dừa thì lại thích các loại dừa cho xơ cứng và dài. Tương tự như vậy, người cần gỗ dừa thì cần các loại dừa có thân cao và thẳng, người cần ép dầu dừa thì lại tìm kiếm loại dừa có hàm lượng dầu cao.
Chính vì vậy, rất nhiều viện nghiên cứu đang trên đường tìm kiếm để đáp ứng một, một vài hay càng nhiều yêu cầu càng tốt nhưng rất hiếm trường hợp thành công. Đây vẫn còn là một thách thức lớn nhất đối với các nhà nghiên cứu cải tạo giống dừa.
Ngoài ra, người trồng dừa và ngành dừa đang phải đương đầu với một số thách thức cụ thể sau:
1. Năng suất thấp, lợi nhuận thấp. So với hầu hết các loại cây cho dầu khác, nguồn thu từ dừa rất thấp. Trung bình , 1 ha dừa chỉ thu được khoảng 1 tấn dầu trong khi cùng với diện tích trên, nếu trồng cọ ta sẽ thu được khoảng 4 tấn dầu cọ. Nếu như diện tích trồng dừa có nhiều cây tuổi thọ cao thì con số này lại còn thấp hơn nữa.
2. Diện tích trồng dừa bị lão hóa ngày càng tăng. Do đặc điểm của cây dừa có thể cho trái từ 40-60 năm nên càng theo thời gian, diện tích dừa lão càng tăng.
3. Sâu bệnh. Có rất nhiều loại sâu bệnh đang đe dọa năng suất cho trái của dừa. Theo các báo cáo gần đây nhất của hiệp hội dừa thế giới, các loại sâu bệnh là nguyên nhân thất thoát hàng tỷ trái dừa mỗi năm trên thế giới, tương đương với 150.000 tấn cơm dừa.
4. Thiên tai. Thiên tai thường xảy ra không dự đoán trước được nhưng lại tàn phá trên quy mô lớn. Những trận bão lớn tại Philippines trong những năm qua, chẳng hạn đã phá hủy rất nhiều vườn dừa, làm giảm hẳn sản lượng dừa của Philippines sau đó.
5. Đốn chặt dừa bừa bãi. Khi giá thu mua dừa xuống quá thấp trong một thời gian dài, người nông dân dễ dàng đốn bỏ cây dừa để chuyển sang canh tác các loại hoa màu khác, hoặc để bán gỗ dừa, cổ hũ dừa v.v...
6. Chuyển diện tích trồng dừa sang mục đích sử dụng khác có thu nhập cao hơn. Việc phá bỏ các vườn dừa để lấy đất bán, kinh doanh hoặc sản xuất đã đe dọa đến sản lượng dừa thu hoạch của nhiều nước.
7. Diện tích trồng dừa bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa và xây dựng thêm nhà ở. Do dân số tăng lên và quá trình đô thị hóa lan cả đến một số vùng trồng dừa, người dân có thể phá bỏ bớt diện tích trồng dừa để lấy đất xây nhà.
8. Phá vỡ các vùng đất trồng dừa. Nếu không có sự khuyến khích của các chính sách từ trung ương đến địa phương, vì nhiều lý do như đã kể trên, diện tích trồng dừa có nguy cơ thu hẹp lại và bị phân tán nhỏ, manh mún, rất khó chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển và chế biến.
9. Khan hiếm lao động có tay nghề. Việc thu hoạch dừa đòi hỏi phải có đội ngũ hái dừa khéo léo, thành thạo và bảo đảm các quy tắc về an toàn lao động nhưng đội ngũ này ngày càng khan hiếm do công việc thu hoạch dừa không có thu nhập cao, lại nguy hiểm nên ít người chịu gắn bó với công việc này.
10. Giá dừa thấp và thường không ổn định. Thị trường dầu dừa lên xuống thất thường trong những năm gần đây do lượng cung về dừa không ổn định. Đây cũng chính là nguyên nhân làm cho các thị trường dầu dừa và cơm dừa càng khó ổn định hơn vì khách hàng có xu hướng tìm kiếm những loại dầu khác có nguồn cung ổn định hơn.
Tuy nhiên, các quốc gia trồng dừa vẫn tiếp tục khuyến khích nông dân trồng dừa trên quan điểm cây mang tính xã hội. Những quốc gia này tin tưởng rằng tiềm năng của cây dừa trong việc phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn. Ở một số tỉnh của các quốc gia có cùng quan điểm này, dừa vẫn là cây trụ cột cho nguồn thu của tỉnh và nền kinh tế nông thôn vẫn dựa vào dừa.
IV. Khả năng đa dạng hoá sản phẩm từ dừa:
Tiềm năng tăng thu nhập cho nông dân và tăng khả năng cạnh tranh của ngành dừa thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm từ dừa
Những sản phẩm dừa truyền thống trên thị trường hiện nay là cơm dừa và dầu dừa. Do sự cạnh tranh mạnh giữa dầu dừa và các loại dầu khác, nhu cầu về dầu dừa đang ở trong tình trạng không ổn định, kéo theo tình trạng giá dừa bấp bênh. Chính vì vậy, nếu người trồng dừa chỉ dựa vào việc lấy cơm dừa và dầu dừa để bán thì sẽ không hiệu quả và người trồng dừa vốn đã là những người nghèo sẽ khó thoát ra khỏi cảnh nghèo. Chính vì vậy, người ta đang tìm kiếm những giá trị khác của cây dừa ngoài việc lấy cơm dừa và dầu dừa.
Cây dừa là loại cây cho phép sử dụng tất cả những phần có trên thân nó. Ta có thể điểm sơ qua một vài mặt hàng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người dân như rễ dừa, thân dừa, tàu lá dừa và những mặt hàng có giá trị thương mại như xơ dừa, cơm dừa, nước dừa và dầu dừa. Những ứng dụng chính của dừa đã đáp ứng được nhiều thành phần của ngành công nghiệp:
4.1. Các sản phẩm giá trị gia tăng từ cơm dừa:
Cơm dừa ở trái tươi được dùng để ăn tươi hay làm các món mứt. Cơm dừa ở trái khô được đem sấy và ép thành dầu ăn, làm mỡ đặt và làm xà phòng. Theo một số cư dân tại PNG, com dừa còn có tác dụng y học. Người ta thường sử dụng cơm dừa mềm nướng cùng với gừng để làm dịu căng thẳng.

Bảng 1: Sản lượng cơm dừa hàng năm cuả các quốc gia sản xuất dừa chính trên thế giới

Dừa sấy khô được đóng gói được thực hiện ngay sau khi chế biến vào những gói nhỏ hay vào bao lớn. Yêu cầu về vệ sinh và quản lý chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết để đảm bảo tiêu chuẩn của các ngành công nghiệp thực phẩm và bánh kẹo. Các gói nhỏ có thể được bày bán trực tiếp cho khách hàng. Dừa sấy khô đóng vào bao lớn sẽ được các nhà sản xuất (thường là tại Anh hoặc Mỹ) chế biến thành các loại dừa tẩm ngọt, dừa tẩm kem hay dừa nướng.
Ngoài ra, từ cơm dừa còn có thể sản xuất ra các loại sản phẩm khác như dừa cọng, kem dừa, bột sữa dừa, phô mai dừa trắng mềm, yoghurt dừa.
- Dừa cọng: Dừa cọng hay những dừa lát mỏng là sản phẩm snack. Đầu tiên, sản phẩm snack này được làm từ việc cắt các lát mỏng dừa sấy khô được nướng, tẩm muối và đóng gói chân không trong các ống. Nó vẫn còn được sản xuất từ các xưởng dừa sấy khô tại Sri Lanka cho thị trường trong nước và nước ngoài. Nó được bán tại những điểm du lịch như Hawaii và vùng biển Caribbean.
- Kem dừa: Sản phẩm này được sản xuất từ những năm đầu 1980 tại một vài quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương. Thị trường nội địa thì rất nhỏ và hạn chế vì đã có sẵn dừa tươi và vì thế nó được sản xuất chủ yếu là cho thị trường xuất khẩu.
- Bột sữa dừa: Đây là bột sữa dừa khô dùng tương tự như sữa bột hàng ngày. Nó được đóng gói trong các bao bì 3 lớp ép và có thể bảo quản từ 12 đến 24 tháng. Sản phẩm này đang được sản xuất tại Philippine, Sri Lanka và Malaysia và có kế hoạch sản xuất tại Singapore và Indonesia.
- Phô mai dừa trắng mềm: Được làm từ sữa bò gầy và sữa dừa (60% sữa dừa và 40% sữa bò gầy) tại Viện công nghệ và khoa học thực phẩm, trường đại học Philippines, Los Banos, Laguna. Đây là một bước phát triển quan trọng bởi nó là một sự sử dụng mới của dừa và nhập khẩu sữa dừa để làm phô mai trắng mềm sẽ giảm đi.
- Yoghurt dừa: Tương tự như vậy, yoghurt dừa cũng được làm từ sữa bò gầy và sữa dừa (50% sữa dừa và 50% sữa bò gầy). Nói chung, các thực phẩm dinh dưỡng giá thấp có thể được sản xuất dễ dàng tại các vùng nông thôn trồng dừa.
Đó là một vài sản phẩm từ cơm dừa mà thị trường của những sản phẩm này vẫn còn nhiều do các sản phẩm chất béo có nguồn gốc thực vật, ít cholesterol vẫn còn được quan tâm và ưa chuộng cả trên thị trường trong nước và thế giới. Những sản phẩm đơn giản như dừa cọng (sản phẩm snack) không phải là khó với trình độ phát triển ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc marketing nhằm quảng bá sản phẩm mới này ở thị trường trong nước là vấn đề cần quan tâm đến. Để xuất khẩu các mặt hàng này ra thị trường thế giới chúng ta phải đặt nặng vấn đề vệ sinh thực phẩm nhằm vượt qua các “hàng rào kỹ thuật” mà các nước công nghiệp phát triển thường nêu ra.
4.2. Các sản phẩm giá trị gia tăng từ dầu dừa:
Dầu dừa có một vai trò khá quan trọng trong các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp thực phấm. Theo Banzon (1997), dầu dừa CNO có những đặc tính riêng biệt so với các loại dầu thực vật khác như:
Dầu dừa là một loại dầu no
Dầu dừa được tạo bởi các axit béo mạch ngắn
Dầu dừa chứa phần trăm glyxerit cao
Dầu dừa có điểm nóng chảy rõ ràng
Dầu dừa nhạt- và đây là điều mong muốn của các ngành công nghiệp thực phẩm.
Dầu dừa được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến dầu tinh luyện dùng trong đời sống hàng ngày, trong công nghiệp bánh kẹo... Đó là một công dụng mà chúng ta ai cũng biết rõ và Việt Nam cũng đang phát triển sử dụng dầu dừa theo hướng này. Tuy nhiên, một tương lai mở rộng cho dầu dừa khi nó đã và đang được nghiên cứu để làm nhiên liệu sinh học.
Theo Gerardo A. Santos - giám đốc khu vực, PCA-ZRC, San Ramon, thành phố Zamboanga, Philippines, việc sử dụng CNO như là nhiên liệu cho các động cơ diesel đã được biết đến từ lâu nhưng nhiên liệu từ CNO vẫn còn đắt tiền. Tuy nhiên, trong vòng 2 thập kỷ nay việc quan tâm đến các nhiên liệu thay thế từ các nguồn có thể tái tạo thay thế được lại lên cao một lần nữa vì các vấn đề dai dẳng cuả các nguồn nguyên liệu khai thác từ lòng đất và vấn đề mà cả thế giới quan tâm là môi trường sạch. CNO có thể được dùng như là một nhiên liệu trực tiếp thay thế cho dầu diesel rất tốt nhung trọng lượng phân tử lớn của CNO lại gây nên một số vấn đề cho vòi phun nhiên liệu của động cơ sau một khoảng thời gian sử dụng. Vì thế một phương pháp được đưa ra là điều chỉnh thành phần hoá học của CNO sao cho sản phẩm cuối cùng có thể giống như dầu diesel sử dụng đúng ngay cho những động cơ diesel thông thường. Một phương pháp khác được nghiên cứu bởi Công ty Xe hơi Ðức (Opel) nhằm chỉnh đổi thiết kế động cơ sao cho CNO nguyên thuỷ sau khi đã được tinh chế, có thể sử dụng trực tiếp như nhiên liệu thông thường. Giữa 2 phương pháp này thì việc chuyển đổi CNO sang methyl ester hay nhiên liệu sinh học được lựa chọn nhiều hơn vì nó chỉ đòi hỏi sự biến đổi nhiên liệu mà thôi. Việc chuyển đổi thành phần chính cuả CNO là triglyceride sang methyl ester có thể bằng nhiệt hay phương pháp cruzesterification-lấy theo tên nhà nghiên cứu Dr. Rico O. Cruz- cho phép thực hiện ở nhiệt độ phòng mà không cần dùng các loại máy móc đắt tiền nào khác. Phương pháp này đang được thử nghiệm tại PCA-ZRC tại San Ramon, thành phố Zamboanga.
Hiện nay, mọi người đều thừa nhận rằng việc sử dụng nhiên liệu sinh học sẽ giúp làm giảm đi sự thay đổi khí hậu (hiệu ứng nhà kính). Hầu hết việc ô nhiễm môi trường tạo nên hiệu ứng nhà kính đếu liên quan đến việc sử dụng các nguồn năng lượng không thể tái tạo được. Theo Patrice Courty - Cố vấn kỹ thuật SPC, Noumea, New Caledonia, việc sản xuất năng lượng từ dầu dừa sẽ loại bỏ việc cần thiết sử dụng năng lượng cho vận tải (trong trường hợp này là nhiên liệu diesel). Khí CO2 mà động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học thải ra chính là khí CO2 được hấp thụ lại bởi cây trồng mà từ đó ta chiết dầu, khác biệt với những sản phẩm mà dầu nhờn thải ra là khí carbon hoá thạch. Dầu dừa là nhiên liệu sinh học mà nguồn nhiên liệu tái tạo được này hấp thụ hầu hết khí CO2 mà nó thải ra khi bị đốt cháy. Nhiên liệu sinh học có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn và không chứa lưu huỳnh và chì. Những việc đo lường khí xả đã được tiến hành theo tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Những chất khí qui định (HC, CO, CO2, Nox, O2) và các chất rắn nhỏ trong khói đã cho những kết quả không nghi ngờ gì về nhận định trên. Về những yếu tố này, dầu dừa tốt hơn dầu nhờn. Vaitilingom đã làm thí nghiệm so sánh giữa dầu nhiên liệu và dầu dừa vào năm 1995 khi sử dụng một động cơ diesel (hiệu Deutz).
Thí nghiệm đã cho thấy rằng với dầu nhờn hay dầu dừa hiệu suất năng lượng chung rất giống nhau: 1 lít dầu nhiên liệu tạo ra 2.77 kWe; 1 lít dầu dừa tạo ra 2.63 kWe.
Điều này cho ta thấy rằng dầu dừa đang có một tương lai rất khả quan, nhất là trong thời điểm do hiệu ứng nhà kính mà khí hậu toàn cầu đang có những thay đổi xấu, gây bất lợi cho xã hội và nền kinh tế. Nhân loại đang cố gắng tìm kiếm những giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục những hậu quả này. Và việc nghiên cúu nhiên liệu sinh học mà dầu dừa là một ứng cử viên sáng giá phải chăng là một trong những giải pháp hữu hiệu này?
4.3. Nước dừa:
Nước dừa chứa đường, sinh tố C, một ít protein và nhiều chất điều hoà sinh trưởng như chất cytokinin nên là một thức uống bổ dưỡng. Theo APCC, nước dừa là loại thức uống an toàn, tinh khiết và không bị pha chế bởi bàn tay con người. Hiện nay, một số nghiên cứu trên thế giới về nước dừa đang có những kết quả thật khả quan. Theo FAO, nước dừa nên thương mại hoá như là một thức uống đầy năng lượng cho các vận động viên. FAO đã đệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ mới cho phép các nhà máy đóng chai nước dừa tinh khiết, vị ngon và đầy đủ muối, đường, vitamin là những chất rất cần thiết cho cho các vận động viên. Hiện giờ, phần lớn nước dừa vẫn còn được dùng “tươi” tại những vùng bờ biển nhiệt đới. Theo FAO, một khi được mở ra trong không khí, nước dừa mất phần lớn các đặc tính bổ dưỡng của mìmh rất nhanh và bắt đầu lên men. Các nhà sản xuất thực phẩm từ lâu đã quan tâm đến sản xuất đồ uống từ dừa như là một sản phẩm phụ của các quá trình sản xuất như chế biến kem sữa dừa và sấy khô dừa. Quá trình này hiện đang gặp phải một vài vấn đề. Phần lớn các công nghệ sản xuất thương mại hiện nay đang sử dụng phương pháp diệt khuẩn Pasteur nhiệt độ cao trong thời gian ngắn (giống như công nghệ sử dụng cho sữa dùng lâu ngày UHT). Tuy nhiên quá trình gia nhiệt này loại ra không chỉ khả năng nhiễm khuẩn mà còn ngay cả một vài chất bổ dưỡng và hầu hết các vị đặc trưng của nuớc dừa. Chính điều này đã làm hạn chế khả năng thương mại của sản phẩm này. Một quá trình mới đã được nghiên cứu nhằm hạn chế các nhược điểm này. Một quan chức của FAO cho rằng nuớc dừa là nguồn cạnh tranh tự nhiên trên thị trường 1 tỉ USD của nước uống thể thao. Ông cho rằng không có gì tốt hơn một sản phẩm thức uống tự nhiên với hương vị hấp dẫn, đầy giá trị dinh dưỡng cùng với tất cả những yêu cầu đặc trưng của thức uống thể thao như là của nước dừa. Dưới đây là bảng so sánh một số giá trị dinh dưỡng của nước dừa và các loại nước uống thể thao khác.
Như đã thấy trên đây, nước dừa đang có một tương lai rất khả quan trên thị trường nưóc uống của thế giới. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chỉ cần có một trình độ công nghệ tiên tiến ta có thể đẩy mạnh việc sản xuất và xuất khẩu một mặt hàng có tiềm năng rất lớn trên thi trường. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta cần phải nghiên cứu, nắm bắt đúng thời cơ, hài hoà với trình độ và thực tế của nền sản xuất nước nhà.
4.4. Đường dừa:
Nhựa ngọt ở buồng dừa có chứa 12-17% đường, được hầu hết người dân địa phương tại các quốc gia trồng dừa sử dụng để làm đường, xirô, mật, dấm chua bằng các cắt ngọn buồng dừa chưa nở, vít cong và hứng nhựa dừa. Sản xuất đường dừa là một trong những cơ hội mà mà các nhà sản xuất nhỏ có thể gia tăng giá trị cho cây dừa thông qua đa dạng hoá sản phẩm, cải tiến kỹ thuật và tăng cường khả năng tiếp cận với thị trường. Theo Josefina C. Suharto - nhân viên cuả APCC tại Jarkata, Indonesia, có quan sát cho rằng thu nhập hàng năm của nông dân trồng dừa tăng gấp 5 lần khi họ lấy nhựa dừa và làm thành đường hơn là chỉ trông chờ vào trái của nó mà thôi. Đường dừa từ Indonesia đã thu vào một lượng ngoại tệ 102.000 USD cho đất nước vào năm 1994. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan chỉ ra rằng sắp xếp các cây dừa để lấy đường thì sinh lợi nhiều hơn là để dừa sinh trái. Theo nghiên cứu của ông P.K. Thampan - chủ tịch Tổ chức phát triển cây trồng Peekay, Kerala, Ấn Độ thì tại Indonesia, người ta khuyến khích nông dân dành ra 30% cây dừa để lấy đường. Ta có thể sử dụng cây dừa vừa lấy đường vừa lấy trái. Điều này có thể làm được khi ta chỉ lấy nhựa từ các mo cau đã định sẵn hay là chỉ lấy nhựa để làm đường trong 6 tháng và để các tháng còn lại cho cây dừa sinh trái. Tại Philippine, người ta cho biết rằng các mo dừa có thể được dùng để lấy nhựa và cho sinh trái bằng cách chỉ cắt phần đầu của mo để lấy nhựa và để phần dưới của mo lại cho cây sinh trái. Các nghiên cứu tại Ấn Độ và các nước khác cho biết rằng 20-25% cây dừa trong mỗi vườn có thế cho sinh lợi thêm bằng cách lấy nhựa làm đường mà không có ảnh hưởng giảm sút gì rõ rệt trong việc sản xuất hàng năm của các vườn dừa này.
Sản xuất đường từ nhựa dừa tại nông trại có ưu điểm về mặt xã hội lẫn về kinh tế. Với điều kiện nông trại bình thường, 50-60 cây dừa không cần nhiều hơn 90 ngày làm việc trong 1 năm. Mặt khác, số lượng cây này khi tận dụng cho việc lấy nhựa cây và sản xuất đường dừa sẽ cung cấp việc làm toàn thời gian cho người lấy nhựa và cho 1 hoặc 2 thành viên là phụ nữ trong gia đình. Tại Thái Lan, đường dừa cũng là một mặt hàng được ưa chuộng. Đường dừa được sử dụng trong nấu nướng, làm đồ ăn tráng miệng và là nguyên liệu cho công nghệ thực phẩm như sản xuất bánh mứt. Đường dừa được sản xuất chính yếu tại gia trong những làng quê, nơi cây dừa sinh trưởng. Khối lượng xuất khẩu của đường dừa ngày càng tăng, ví dụ như năm 1993 Thái Lan đã xuất đi 409 tấn thì khối lượng này đã được tăng lên là 610 tấn vào năm 1995. Nhà nhập khẩu đường dừa lớn nhất là Mỹ, các thị trường khác là Malaysia, Australia, Hongkong, Japan, France, Saudi Arabia,vv.
Sản xuất đường dừa là một ngành tận dụng sức lao động không đòi hỏi nhiều về vốn đầu tư. Điều này có vẻ thích hợp với điều kiện của Việt nam với lực lượng lao động đông đảo. Với nguồn vốn “xóa đói giảm nghèo”, người nông dân có thể xây dựng cho mình một phân xưởng nhỏ cho từng hộ hoặc từng xóm có thể cùng làm chung. Tuy nhiên, theo các phiếu điều tra các hộ nông dân, hiện nay phần lớn các lao dộng trẻ từ nông thôn đã lên thành phố hoặc các khu công nghiệp đi làm, chăm sóc cây dừa phần lớn chỉ là những người lớn tuổi hoặc còn là học sinh nhỏ. Điều này làm hạn chế bớt ưu thế việc tận dụng nguồn lao động của sản xuất đường dừa. Vì thế, các địa phương cần phải nghiên cứu các phương án thích hợp cho việc sản xuất đường dừa như phối hợp nhiều hộ, xóm cùng làm một phân xưởng, phân công từng công việc phù hợp theo lứa tuổi để đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, việc này có nhược điểm là sản xuất thủ công, không có trình độ cơ giới hóa cao, dẫn đến năng suất không cao. Bước đầu nên chăng phối hợp nghiên cứu với các nhà sản xuất thực phẩm bánh kẹo trong nước nhằm tìm đầu ra cho đường dừa với sản lương nhỏ, tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân. Sau đó, khi thị trường trong nước đã ổn định và đầu tư thêm sức người (khi này, khi thấy đường dừa phát triển, sức trẻ nông dân sẽ ở lại cùng sản xuất) và sức của (các doanh nghiệp đầu tư để mở rộng sản xuất) ta sẽ bung ra thị trường nước ngoài sau khi đã điều nghiên các thị trường mục tiêu.
4.5. Các sản phẩm khác:
  1. Than gáo dừa có độ hút ẩm và khử màu cao. Cứ 20.000 gáo dừa cho 1 tấn than. Nếu không đốt mà tán nhỏ gáo dừa thành bột thì bột gáo dừa có thể làm chất độn cho nhựa dẻo để tăng sức chịu đựng ẩm độ và nhiệt độ. Theo APCC: Post-harvest Operations: than dừa là nguồn nhiên liệu tái tạo được đang thay thế than bùn mà việc sử dụng nó bị các nhà môi trường cảm nhận sẽ phá huỷ hình thái đất, môi trường sống của các loài động thực vật. Mục đích sử dụng quan trọng nhất của gáo dừa là cạc bon hoá chúng biến thành than thiêu kết là nguồn nguyên liệu cho sản xuất than hoạt tính có chất lượng cao. Những sử dụng khác như chế biến thành bột vỏ dừa... thì ít quan trọng hơn. Than hoạt tính được sử dụng trong các mặt nạ khí cho quân đội và công nghiệp, khôi phục bụi vàng, lọc nước, lọc không khí và tinh chế thực phẩm.... Một công dụng mới đang được nghiên cứu của than hoạt tính là dùng để hấp phụ halogen thoát ra từ các dụng cụ làm lạnh. Theo ông Tore Ovasuruy- trưởng phòng gây giống dừa thuộc Viện nghiên cứu dừa, Madang, PNG thì ngoài việc sử dụng trong công nghiệp, than thiêu kết còn là một vị thuốc quan trọng trong công đồng cư dân thôn quê. Một nhóm nhỏ ở vùng nông thôn PNG gần đây đã phát hiện rằng nước ép từ than thiêu kết này có tác dụng chữa bệnh mà co khi được yêu cầu để chữa cho cả các bệnh nhân ung thư. Để đạt được chất lượng than tốt cho mục đích này, xơ dừa cân phải được bóc sạch khỏi gáo dừa. Gáo dừa sau đó sẽ được đốt cháy cùng với củi cây xoài hay cây ổi hoặc nếu không có củi thì sử dụng ngay cả gáo dừa. Than này sau đó được rửa sạch, phơi nắng và nghiền thành bột mịn. Bột này có thể dùng ngay hay cất giữ để dành dùng về sau. Hiện nay, nguồn cung cấp than thiêu kết đang đi dần vào giới hạn vì thế việc nghiên cứu các giống cây trồng mới cho nguồn gáo dừa lớn, dày vỏ cũng là một vấn đề cần thiết.
  2. Xơ dừa: Sự tận dụng vỏ dừa khô để chuyển đổi thành xơ dừa và các sản phẩm từ xơ dừa đã được phát triển thương mại tại các quốc gia trồng dừa. Tại Ấn Độ và Sri Lanka sản xuất xơ dừa và các sản phẩm xơ dừa đã phát triển mạnh và các ngành công nghiệp liên quan đã mang lại sự tận dụng lao động và tăng thêm thu nhập cho nông dân vì trong hầu hết các trường hợp các người nông dân trồng dừa tham gia trực tiếp vào công việc chế biến trong giai đoạn đầu. Tại Kerala và Ấn Độ, công nghiệp sản xuất xơ dừa đã đảm bảo sự sống còn của gần nửa triệu người. Xơ dừa được ngâm nước cho rỉ, rửa sạch, phơi khô để làm dây thừng, thảm nhà, nệm. Cứ 1.000 vỏ xơ dừa cung cấp được 80-90 kg sợi dừa. Vườn An Hoá (Bến Tre) đã có tiểu công nghệ xe dây thừng từ lâu.Tại Kerala, người nông dân và các xưởng sản xuất kết hợp với nhau chặt chẽ để sản xuất chỉ xơ dừa. Người nông dân sau khi thu hoạch dừa sẽ chuẩn bị ngâm và lấy sợi. Một số hộ nông dân có xưởng kéo sợi riêng nhưng phần lớn người nông dân sẽ đem sợi đến xưởng để xe chỉ. Tại những vùng có ít lao động, người ta sẽ sử dụng máy móc nhiều để thay thế cho con người. Tại Ấn Độ và Sri Lanka, xơ dừa là một sản phẩm phụ vô cùng quan trọng. Thực tế, tại Ấn Độ, giá trị kinh tế của xơ dừa trắng trên trái còn lớn hơn cả dầu dừa vì xơ dừa trắng là nguồn thu ngoại tệ rất có giá trị. Trong trường hợp cần lấy xơ dừa, người ta thu hoạch dừa ngay trước khi dừa chín để có được xơ dừa mềm. Trong trường hợp cần xơ dừa nâu, người ta chờ dừa chín hoàn toàn và để khô. Những xơ dừa cứng như thế này có giá trị cao nhất. Có đường kính lớn, dài và độ cứng cao là những tính chất thật lý tưởng để làm các lông cứng cho bàn chải. Những đặc tính này cũng thật lý tưởng nếu các sợi xơ dừa được sử dụng một mình hay trộn lẫn với sợi đệm (mềm, mỏng) tạo thành các sợi xoắn sử dụng cho càc sợi được tráng cao su.... Theo APCC, xơ dừa là một loại sợi tự nhiên tuyệt vời có đặc tính chắc, bền và có thể bị phân hủy bởi vi khuẩn được. Chỉ xơ dừa bây giờ đã trở nên thông dụng và được sử dụng rộng rãi cho việc kiểm tra ngăn chặn sự xói mòn đặc biệt ở những vùng đòi hỏi vật tăng cường cho đất, bờ sông cũng như cho việc cải tạo đất. Là một sản phẩm phụ của ngành công nghiệp dừa, xơ dừa cũng có những ứng dụng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày trong việc thay thế các bao chứa bằng nhựa không thể phân hủy. Mụn dừa là sản phẩm phụ từ công nghệ sản xuất gáo dừa, chỉ xơ dừa và được coi là một nguôn ô nhiễm, hiện nay đang được tìm kiếm các chức năng sử dụng để bảo vệ môi trường. Hiện nay nó được sử dụng thay thế than bùn trong việc trồng cây trong chậu. Tại Sri Lanka mụn dừa đang được xuất khẩu và trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn. Theo APCC, những bánh ép từ mụn dừa được xem như chất phục hồi đất, chất dinh dưỡng thích hợp cho cải tạo đất và là chất lý tưởng cho hỗn hợp ươm giống. Ngoài gỗ dừa là nguồn nguyên liệu mới thay thế cho các loâi gỗ truyền thống, là câu trả lời cho công cuộc cải tạo rừng dự phòng thì một số cơ sở tại Bến tre đã nghiên cứu sản xuất các tấm gỗ ép từ mụn dừa. Việc này có thể giải quyết được mụn dừa phát sinh từ công nghiệp chế biến dừa, sử dụng nguồn chỉ xơ dừa kém chất lượng và tăng thêm thu nhập cho nông dân và nhà sản xuất. Tuy nhiên, giá thành hiện nay của gỗ ép này chưa cạnh tranh được với loại gỗ ép từ vụn gỗ truyền thống thông thường nên chưa khai thác được thị trường sản xuất đồ gỗ gia dụng. Vấn đề này còn đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu phương pháp giảm giá thành, tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ ép từ dừa này.
  3. Ngoài ra, người ta còn đang nghiên cứu trồng các loại nấm ăn được cho thị trường nội địa và ngoài nước sử dụng các mảnh vụn nhỏ từ vỏ dừa như là một chất trung gian.
  4. Rễ dừa: một số nông dân cho biết là dùng rễ dừa sắt uống là vị thuốc tốt để trị sốt và kiết lỵ. Tại một số quốc gia, rễ cây dừa được sử dụng như bàn chải đánh răng và một số người nói rằng nó có hiệu quả rất tốt cho sức khỏe của lợi răng.
  5. Tàu lá dừa sử dụng đan nón, giỏ, lợp nhà. Tại Ấn Độ, người ta sử dụng lá dừa để làm chổi và tăm. Nhu cầu về chổi ngày càng nhiều, đặc biệt cho nhu cầu quét dọn ở các thành phố và đô thị. Theo ông P.K. Thampan - chủ tịch Tổ chức phát triển cây trồng Peekay, Kerela, Ấn Độ thì hiện nay, loại chổi này chưa được cung cấp nhiều bởi vì việc sản xuất chổi tại gia chỉ đủ cho mục đích sử dụng tại địa phương mà thôi. Sự thay thế duy nhất của chổi dừa cho nguyên nhân vệ sinh qui mô lớn hiện nay là chổi làm từ mây song hay tre. Nhưng sự thay thế không được lựa chọn vì các nguồn nguyên liệu thiên nhiên đang cạn kiệt dần do sự khai thác và phá hoại môi trường. Trong trường hợp này sự tận dụng gân giữa của lá dừa trong thương mại là một sự đề nghị hấp dẫn để tăng mức độ kinh tế nông trại cho các hộ trồng dừa. Chổi và tăm làm từ lá dừa đang có tiềm năng trở thành một mặt hàng thu hút khách hàng rộng rãi tại Ấn Độ. Hiện nay tại Bến Tre có nhiều tổ hợp tác đã dùng lá dừa dể đan những mặt hàng mỹ phẩm rất đẹp, đang được các cơ quan ngoại thương chú ý đưa vào danh mục các mặt hàng xuất khẩu. Ngoài ra, lá dừa còn có một vài tác dụng y học chữa bệnh trong dân gian như tro cuống lá được sử dụng để khử trùng vết thương mới mà cư dân của đảo Baluan tại PNG thường dùng. Tro này sẽ giúp vết thương mau lành miệng hơn bình thường.
  6. Gáo dừa đã được biết đến từ xưa như là bát đựng thức ăn “truyền thống” nay cũng đã tìm được chỗ đứng của mình trong các nhà hàng tại Tây Ban Nha như là một loại bát đựng kem thật đẹp. Hiện nay nó được sử dụng làm chén, tách, bình đựng nước... thật trang nhã. Đây là những mặt hàng mỹ nghệ cần được khuyến khích phát triển để góp phần vào số mặt hàng xuất khẩu.(2-2008)

1 comment:

  1. Mình rất thích bài viết này,vì quê mình cũng là xứ dừa. Cám ơn bạn nhé!
    ……………………….
    Quốc Duy
    Bán máy bào gỗ đã qua sử dụng tốt nhất tại TPHCM

    ReplyDelete