Ô nhiễm là mặt trái của nền kinh tế thị trường
(Dân trí) - Trung tướng Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, những mặt trái của nền kinh tế thị trường và việc thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường đang làm cho ô nhiễm môi trường ở Việt Nam ngày càng có xu hướng tăng lên.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo “Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của chúng ta”, Trung tướng Trần Đại Quan cho biết, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có tới 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải; phần lớn các hệ thống xử lý nước thải trong các khu công nghiệp còn lại không đạt tiêu chuẩn. Khi các khu công nghiệp này đi vào hoạt động sản xuất đều xả thẳng nước thải ra môi trường xung quanh, gây bức xúc cho nhân dân.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, chặt, phá, đốt rừng, khai thác khoáng sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép diễn ra ở nhiều địa phương trên toàn quốc, làm cho diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng gây ra thiên tai, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều. Một số loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Một con số của Cục Kiểm lâm cho thấy, mặc dù số động vật hoang dã được thu giữ mới chỉ bằng khoảng 10% số lượng buôn bán trái phép; nhưng chỉ tính riêng việc phát hiện và xử lý 66 vụ, với gần 150.000 cá thể thì có tới 141.000 động vật thuộc loài quý hiếm. Các vụ chặt phá rừng bừa bãi đều có chiều hướng gia tăng.
Hàng nghìn tấn phế thải trá hình được nhập khẩu vào nước ta dưới hình thức phế liệu tái chế cũng đang làm “đau đầu” các cơ quan chức năng. Theo Trung tướng Trần Đại Quang, trong những năm gần đây đã có hơn 3.500 container chứa ắc quy chì axit đã qua sử dụng được nhập khẩu vào VN. Số phế thải này khi bị phát hiện và thu giữ cũng gây rất nhiều khó khăn và tốn kém về tài chính cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý làm sạch môi trường.
Về vấn đề sức khoẻ con người, theo Vụ điều trị - Bộ Y tế, số lượng người bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật tăng nhanh. Trong 2 năm gần đây có hơn 6.100 trường hợp, trong đó có 246 trường hợp bị tử vong. So với những năm trước tăng hơn 500 vụ.
Để giải quyết “bài toán môi trường” tại VN, Trung tướng Trần Đại Quang cho rằng trước hết phải đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của môi trường đối với chất lượng cuộc sống của con người và phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội. Đồng thời phải nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm về môi trường. Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững chắc cho việc xử lý nghiêm minh tội phạm về môi trường.
Môi trường Việt Nam chịu nhiều mối đe dọa
(Dân trí) - Trung bình mỗi năm, cả nước sản xuất và nhập khẩu khoảng 36-40 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); ước tính có khoảng 30-35% lượng thuốc BVTV được nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch, trong đó có nhiều loại bị cấm…
Phá vỡ hệ sinh thái vì nuôi tôm xuất khẩu
Trong 10 năm trở lại đây, nạn buôn bán động, thực vật hoang dã thực sự bùng phát, trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách ở nước ta. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, hàng năm có từ 450-1.500 tấn và hàng chục vạn cá thể động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp, 40-50% tiêu thụ trong nước và phần còn lại được chuyển sang tiêu thụ tại Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam đang làm thoái hoá đất do sử dụng không hợp lý, phá vỡ hệ sinh thái trên cạn và ven biển do mở rộng diện tích canh tác.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam, ước tính tỷ lệ mất rừng khoảng 120 nghìn - 150 nghìn ha/năm. Trong hơn hai thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn Việt Nam đã giảm đi hơn một nửa, trung bình mỗi năm mất đi gần 20.000 ha rừng đước, hơn 80% rừng che phủ đã bị ảnh hưởng.
Trong đó, các đầm nuôi tôm chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này. Việc nuôi tôm trên cát còn làm ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng tới cảnh quan ven biển đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay.
Không những vậy, các yêu cầu về môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu cũng đang là thách thức lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng là, nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo và từ chối do không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm như thuỷ sản, hoa quả, thực phẩm chế biến.
Tiêu biểu như năm 2005 có 267 lô hàng bị cảnh báo về chất lượng, năm 2006 là 324 lô. Thậm chí, đến năm 2007, nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc và nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị cảnh báo hoặc trả lại, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản.
Nhập khẩu từ 36-40 nghìn tấn thuốc BVTV mỗi năm
Trong những năm gần đây, nhập khẩu hoá chất, thuốc BVTV, phụ gia thực phẩm không đúng tiêu chuẩn đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khoẻ con người. Có một thực tế là tình trạng ngộ độc thức ăn và hoá chất, ô nhiễm nguồn nước, đất do lưu tồn một số lượng lớn hoá chất vẫn chưa có phương án xử lý.
Trung bình mỗi năm, cả nước sản xuất và nhập khẩu một lượng thuốc BVTV khoảng 36-40 nghìn tấn. Thậm chí, ước tính khoảng 30-35% lượng thuốc BVTV được nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch, trong đó có nhiều loại được nhập vào Việt Nam bị cấm như Linda, Methammidopos, Monocrotophos…
Hiện nay, số lượng thực vật lạ có khoảng 83 loài thuộc 31 họ được nhập khẩu với các mục đích khác nhau như nuôi trồng thuỷ sản, làm cảnh, cải tạo giống… Trong số đó, có nhiều loài gây ra tình trạng biến đổi gen, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Việc di nhập một số sinh vật lạ như ốc bươu vàng, hải ly, cá cảnh làm ảnh hưởng đến đời sống của một số loài sinh vật khác.
Không chỉ có thuốc BVTV, việc nhập khẩu thiết bị máy móc thế hệ cũ cũng làm gia tăng hiện tượng phát thải, rác thải. Hiện nay, 70% kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước có công nghệ trung gian.
Đáng chú ý là xu hướng chuyển dịch đầu tư ở một số ngành sử dụng nhiều nguyên vật liệu, gây ô nhiễm môi trường từ các nước khác vào Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể gây sức ép đối với môi trường nước ta.
Chợ tạm, chợ cóc cũng gây ô nhiễm
Hoạt động thương mại dịch vụ cũng có nhiều tác động đến môi trường như kinh doanh các ngành hàng xăng dầu, hệ thống chợ, các cơ sở giết mổ gia súc...
Như đối với hệ thống bán lẻ xăng dầu, vấn đề quy hoạch chưa được hợp lý như gần khu dân cư, các điểm nút giao thông. Nhiều cửa hàng do tư nhân quản lý chưa tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh và an toàn, nhiều kho chứa xăng cũng chưa được nâng cấp.
Việc quy hoạch phát triển hệ thống chợ ở đô thị và nông thôn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường và cảnh quan đô thị. Tỷ lệ chợ tạm, chợ cóc vẫn còn nhiều ở thành phố, rác thải chưa được thu gom và xử lý triệt để, hệ thống xử lý nước thải còn thiếu hoặc chưa đúng quy định... Các cơ sở giết mổ ở phần lớn các đô thị còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và chưa có khu giết mổ tập trung.
Thực tế, còn có thể kể ra nhiều hoạt động thương mại khác tiềm ẩn nguy cơ suy thoái môi trường, đe doạ tính mạng và sức khoẻ con người như buôn lậu, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng.
Về vấn đề này, Thạc sỹ Hồ Trung Thanh, Viện Nghiên cứu thương mại cho biết: Không thể phủ nhận những kết quả đem lại từ hoạt động thương mại của Việt Nam trong những năm qua song chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại những hậu quả và mối nguy của các hoạt động thương mại đối với môi trường. Cần thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của ngành thương mại một cách tích cực, trong đó có việc xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm khi chưa quá muộn.
Môi trường Việt Nam đang tiến đến mức không kiểm soát nổi!
Giáo sư Võ Quý, người từng nhận giải thưởng "Hành tinh xanh" năm 2003, vừa được tạp chí Time bình chọn là "Anh hùng môi trường" năm 2008 cùng 34 nhân vật là các chính khách, nghệ sĩ, nhà khoa học khắp thế giới.
Trong ngôi nhà giản dị ở một hẻm nhỏ ven đô, thay vì kể về những thành tích và giải thưởng đầy vinh quang, vị anh hùng môi trường ngồi điểm lại những... thất bại của mình!
Trong suốt gần 60 năm đấu tranh không mệt mỏi cho cuộc sống trong lành hơn của con người, ông cho rằng những thất bại ấy ai cũng có thể rút ra từ đó những bài học để hành xử với thiên nhiên, con người và cộng đồng.
Ông nói: "Tôi nghiên cứu sinh vật. Công việc chính của tôi là phát hiện và bảo tồn những giống chim quý. Nhưng chim chóc phải gắn với thiên nhiên, và càng ngày tôi càng hiểu rằng muốn phát triển được công việc nghiên cứu khoa học chuyên ngành của mình thì càng cần có môi trường thiên nhiên tốt.
Lần đầu tiên tôi ý thức được sự khủng khiếp của việc tàn phá môi trường là vào năm 1971. Tôi vào Tây nguyên bằng cách vượt Trường Sơn, đi qua hàng chục cây số những cánh rừng chết khô, đen ngòm, không một tiếng chim hót, không một dấu chân thú.
Trước đó chỉ nghe nói Mỹ thả chất độc hóa học, nhưng đọc tài liệu Mỹ thấy khẳng định chỉ làm rụng lá, không làm chết cây. Đứng dưới những cánh rừng đó, từ hôm ấy tôi đã tự nhủ với mình là sau này hòa bình nhất định phải làm mọi cách để trả lại màu xanh cho những cánh rừng này.
Nhưng hòa bình rồi, thống nhất rồi mà rừng vẫn tiếp tục bị chặt phá. Vì mưu sinh người ta phải phá rừng. Và phá rừng thì lũ lụt, hạn hán đổ xuống, mất mùa, đói kém, lại càng phá rừng, ăn vào rừng như ăn vào chính da thịt mình, ăn vào tương lai của con cháu mình.
Ngay sau đó, tôi cũng đã tổng kết những nghiên cứu, giải pháp về môi trường VN của mình và viết thành cuốn sách VN - những vấn đề về môi trường - chiến lược phát triển của đất nước. Sách được đánh giá rất cao tại Hiệp hội Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (IUCN), và tôi được bầu làm chủ tịch tiểu ban phát triển chiến lược cho các nước đang phát triển.
Nhưng đó là đánh giá của bên ngoài. Còn trong nước, tôi thấy những cố gắng của mình đôi lúc lạc lõng, thậm chí còn bị coi là "cản trở phát triển". Những năm 1980-1990, tôi làm nhiều dự án môi trường ở miền núi, trung du, bị nhiều sự phản đối, nhất là ở Tây nguyên. Tôi và đồng sự thất bại cũng nhiều".
* Thưa GS, thất bại lớn nhất mà GS gặp phải có phải từ sự không đồng thuận trong nhận thức của chính quyền địa phương?- Chính quyền không có cái nhìn đúng về môi trường là một thách thức. Nhưng thách thức lớn nhất là không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Đã có những dự án tôi phải làm mất mười năm, qua ba lần thất bại, lần thứ tư mới thành công. Đó là một dự án khôi phục đất bị suy thoái ở Vĩnh Phú. Lần thứ nhất chúng tôi chọn một quả đồi làm mẫu cho dân đến xem. Trên đồi trồng rừng, dưới là những ruộng đồng mức, dưới nữa đắp đập thả cá, trông đẹp lắm.
Sau đó quay lại, tất cả cây trồng mất sạch, dân bê về nhà họ từ bao giờ. Lần thứ hai làm lại, thuê công an về trông, lại còn mất nhanh hơn. Trẻ con thả trâu bò lên đồi, công an đuổi, chúng đợi công an ngủ, lùa cả đàn trâu bò lên quần nát. Lần thứ ba chuyển địa điểm sang xã khác, không thuê công an mà nhờ các cụ phụ lão trông nom. Được vài hôm đã thấy các cụ nhắn tin kêu trả lại. Thì ra trẻ con tức tối vẽ bậy khắp các bức tường trong xóm: chúng vẽ những con chó giữ nhà. Các cụ giận dữ bảo: không làm chó giữ nhà cho các ông!
Lần thứ tư chúng tôi biết phải làm gì: mời người dân đến, thuyết trình dự án, hỏi ý kiến họ xem ai muốn tham gia, dự định trồng cây gì, bao nhiêu lâu, ký hợp đồng cụ thể, ai chịu trách nhiệm và quyền lợi đến đâu. Cuối cùng thì ổn. Và đó chính là mô hình vườn rừng đầu tiên thành công ở miền Bắc. Bây giờ nhiều người làm và làm tốt lắm rồi, nhưng để có mô hình đó chúng tôi mất đúng mười năm.
* Thưa GS, nhưng thực tế thiên tai lũ lụt đã và đang ngày càng nhiều, đó là hệ quả tất yếu của việc tàn phá môi trường. Có vẻ như các "sách lược môi trường" của GS chỉ được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao, còn trong nước thì...
- Xin được nói ngay là những thiên tai liên tiếp vừa qua như lũ quét, trận ngập lụt lịch sử ở Hà Nội... không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai. Lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết rừng thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét.
Theo tôi, tình hình môi trường ở VN đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi. Hơn 20 năm trước, chúng tôi đã cảnh báo về ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Vĩnh Phú, đêm ngủ ở nhà ông bí thư tỉnh ủy mà mùi hóa chất cay nồng từ nhà máy super phôtphat xộc vào mũi. Tôi bảo ông bí thư: "Chúng ta và con cháu sẽ ung thư hết vì thứ này". Nhưng ông bí thư bảo: "Đồng ruộng cần phân bón hơn, năng suất lúa thấp lắm, dân sợ đói hơn sợ ung thư".
Hồi đó mới có khoảng vài chục nhà máy như super phôtphat, bây giờ đã hàng ngàn cái như Vedan. Luật thì có nhưng lờ mờ, dân không biết mình có quyền đòi hỏi pháp luật bảo vệ khi bị ô nhiễm môi trường, người thực thi pháp luật thì không biết hay cố tình thực hiện sai, người làm đúng thì bị uy hiếp. Thực trạng đó không đổ lỗi cho dân, cũng không đổ lỗi cho nhà khoa học được, rõ ràng là do bộ máy và do những người lãnh đạo.
Nhưng tôi không nản đâu, sức mình làm được đến đâu thì cứ tiếp tục làm, rồi con cháu, học trò, người dân ở những nơi mình đã đến... Mỗi người cùng góp một chút nhận thức, một chút kiến thức, một chút hành động thì cả cộng đồng sẽ khác. Vì vấn đề môi trường, suy cho cùng, là của cộng đồng, của cả nhân loại cơ mà.
Môi trường VN kém bền vững nhất Đông Nam Á
Xét về độ an toàn của môi trường, Việt Nam đứng cuối bảng trong số 8 nước ASEAN, và xếp thứ 98 trên tổng số 117 nước đang phát triển. Một báo cáo công bố tại Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra ở Davos, Thuỵ Sĩ cho thấy như vậy.
Nếu tính cả 29 quốc gia phát triển thuộc Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), thì thứ hạng này của Việt Nam còn thấp hơn nữa.
Bản đánh giá môi trường mang tên 2005 Environmental Sustainability Index: Benchmarking National Environmental Stewardship, do các chuyên gia của Đại học Yale và Columbia, Mỹ, thực hiện. Các chuyên gia tính điểm trung bình của 21 chỉ số, như: lượng khí thải nhà kính, chất lượng nước, không khí, đất, sức khoẻ môi trường, trình độ khoa học và công nghệ, khả năng quản lý tài nguyên, khả năng giảm áp lực dân số..., từ đó cho ra chỉ số bền vững môi trường.Điểm số cao phản ánh khả năng bảo vệ môi trường trong nhiều thập kỷ tới. Nó cho môi trường có thể ở trong tình trạng tốt, ví như nước sạch, không khí trong lành, đa dạng sinh học cao.
Trong số 146 nước (tính cả các quốc gia và vùng lãnh thổ), Phần Lan đứng đầu do có tài nguyên dồi dào và mật độ dân số thấp, đứng cuối bảng là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều tiên. Tuy nhiên, không có quốc gia nào đạt điểm tuyệt đối về tất cả các chỉ số, Marc Levy, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. Chẳng hạn, Brazil, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng, nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất đa dạng sinh học do việc phá rừng.
Nauy, Uruguay, Thuỵ Điển và Iceland đứng từ thứ 2 đến thứ 5. Ở cuối bảng là lãnh thổ Đài Loan, Turkmenistan, Iraq và Uzbekistan xếp ngay trên Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên. http://www.vnexpress.net/Vietnam/Khoa-hoc/2005/01/3B9DB0A5/
Môi trường Việt Nam: Đợi nhà cháy mới dập lửa
Cũng giống như một người xây nhà, ngay từ trước khi xây dựng, anh đã phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để nó không bị cháy. Chúng ta không thể ngồi đợi nhà cháy rồi mang nước đến dập lửa. Môi trường Việt Nam đã đạt ngưỡng tới hạn.Bà Nguyễn Ngọc Lý, trưởng phòng Phát triển bền vững của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP chia sẻ góc nhìn về vấn đề môi trường Việt Nam hiện nay.
Môi trường Việt Nam đạt "ngưỡng tới hạn"
- Vấn đề ô nhiễm môi trường của Việt Nam đã "nóng" đến mức nào khi mà vài năm trở lại đây, nhiều làng ung thư xuất hiện, tình trạng ô nhiễm nước, khói bụi... ở các thành phố lớn đã đến mức báo động?
Xếp hạng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình về mức độ ô nhiễm khói bụi ở thành phố đông dân, nồng độ khí thải tăng cao và nhanh, hiện tượng nhiều dòng sông cục bộ chết, việc xuất hiện các làng ung thư... là những điểm nóng, cung cấp những bức tranh nhỏ lẻ, khiến người dân bức xúc về thực trạng môi trường Việt Nam hiện nay.Từ những bức tranh nhỏ lẻ đó, có thể thấy rõ, môi trường Việt Nam đã đến mức báo động, đạt "ngưỡng tới hạn". Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng môi trường. Nếu không có thảo luận, đề ra giải pháp, vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn.- Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì?Những nền kinh tế tăng trưởng cao trong thời gian ngắn đều bộc lộ những bức xúc về mặt môi trường. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, với ngưỡng GDP thấp, khi tăng trưởng gấp 2 lần, một số ô nhiễm do các ngành công nghiệp thải ra tăng gấp 3 lần.
Ở Việt Nam, vấn đề môi trường đã tồn tại từ rất lâu, và gặm nhấm từng bước. Tuy nhiên, 30 năm trước, vấn đề môi trường không đặt ra nhờ khả năng hấp thụ tự nhiên của môi trường.
Có thể hình dung sự phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh là một hộp đen trong diện tích tự nhiên hơn 300 nghìn km2. Môi trường cung cấp đầu vào của nền kinh tế và cũng chính môi trường nhận chất thải ra. Hộp đen kinh tế, xã hội Việt Nam ngày càng phình to ( trong 10 năm kinh tế phình ra gấp 2 lần, và trong 50 năm dân số phình ra gấp 3 lần). Trên một diện tích bất biến, thậm chí, có nguy cơ thu hẹp do mực nước biển dâng cao, hộp đen ngày càng lớn, quy trình tự nhiên hấp thụ chất thải ngày càng thu hẹp. Điều này khiến cho thực trạng môi trường Việt Nam trở nên nóng tới mức báo động, đạt ngưỡng.
Hai yếu tố phát triển kinh tế và dân số khiến hệ thống sinh thái hỗ trợ cho nền kinh tế không vững vàng như trước. Môi trường cũng như một con thuyền có mức tải nhất định, nếu quá tải, con thuyền sẽ chìm.
Chúng ta có thể hình dung trên diện tích của Việt Nam trong hơn 300 nghìn km2, con thuyền đó là hệ thống sinh thái, và hệ thống phải tải một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, sự phát triển dân sinh nhanh. Đến một lúc nào đó, con thuyền sẽ quá tải. Khả năng cứu vãn khó khăn hơn rất nhiều.
Môi trường chưa được cân nhắc ở mức, tầm cần có
- Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng môi trường, như bà đề cập là sự tăng trưởng quá nhanh của nền kinh tế. Phải chăng Việt Nam đang đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế?
Cần hết sức cân nhắc để đưa nhận định có sự đánh đổi hay không. Trên thực tế, không ai muốn đánh đổi tăng trưởng kinh tế hay bất kỳ điều gì để cho một điều khác.
Xuất phát từ một nước nghèo, trải qua chiến tranh, bị lùi sau các nước rất nhiều, nhu cầu vượt lên thành nước có thu nhập, tăng trưởng kinh tế cao là hoàn toàn lí giải được. Mong muốn có một nền kinh tế tăng trưởng cao là đúng và hợp pháp.
Điều đáng buồn là chúng ta chưa cân nhắc vấn đề môi trường ở mức, tầm cần có. Việt Nam cần xem môi trường là yếu tố quan trọng của sự phát triển kinh tế. Nếu không có hệ sinh thái hỗ trợ, bản thân nền kinh tế dù giàu có đến đâu cũng sụp đổ.
Việt Nam không thể tách bạch kinh tế, môi trường và phát triển xã hội. Ba vấn đề đều phải đưa lên bàn cân, và phải chọn giải pháp hữu hiệu, mang tính lâu dài, vừa có lợi cho kinh tế, vừa có lợi cho môi trường, có lợi cho xã hội dân sinh. Những vấn đề đó phải đặt ra một cách khoa học, chu đáo, kĩ lưỡng, cẩn thận.
- Hiện nay, hành xử của Việt Nam đối với môi trường như thế nào?
Nói đến môi trường, ai cũng bức xúc, từ lãnh đạo cao cấp đến người dân thường, bởi mỗi người đều phải chịu đựng hằng ngày. Nhận thức chính trị dễ tạo ra sự thống nhất. Tuy nhiên, từ đồng nhất này dẫn tới một nhận thức cao hơn, tạo tiền đề cho hành động là câu chuyện khác. Việt Nam còn lâu mới đạt mức đó.
Việt Nam chỉ nhìn ô nhiễm môi trường ở mức hữu cơ: ô nhiễm đất, nước, không khí... Chúng ta cần xem môi trường là một hệ thống sinh thái tương tác giữa môi trường, kinh tế và con người. Người ta phải giải quyết hệ thống tương tác đó. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ đưa ra một số liệu pháp chữa cháy mỗi khi có điểm nóng bùng lên. Trong khi đó, bản thân vấn đề môi trường không thể giải quyết bằng cách chữa cháy. Việc này đòi những giải pháp mang tính lâu dài, có độ chính xác kỹ thuật, sự cân nhắc kỹ lưỡng chính sách kinh tế tài chính và điều vô cùng quan trọng là một bộ luật nghiêm khắc, kỹ lưỡng, thấu đáo làm sao tất cả mọi người, mọi ngành có thể thực hiện được.
Cũng giống như một người xây nhà, ngay từ trước khi xây dựng, anh đã phải nghĩ đến chuyện làm thế nào để nó không bị cháy. Chúng ta không thể ngồi đợi nhà cháy rồi mang nước đến dập lửa.
Điều này cũng đặt ra vấn đề thay đổi cách nghĩ của người làm công tác môi trường, hiện phần lớn là các kỹ sư môi trường. Bản thân họ chính là người xử lý sự cố cháy nhà. Môi trường lại là sự tương tác của môi trường, kinh tế, xã hội, do đó, người kỹ sư chỉ giải quyết được một phần.
Việt Nam rất cần một đội ngũ cán bộ hiểu rõ sự tương tác đó, hiểu biết cả về kinh tế, xã hội, chế tài, luật pháp và quy trình tạo chất thải, từ đó, giải quyết được vấn đề về mặt chính sách. Chúng ta vẫn chưa có đột biến mạnh trong chất lượng quản lý môi trường.
Việt Nam cần biết mình muốn gì, muốn đến đâu
- Môi trường cần một giải pháp lâu dài nhưng đó là vấn đề bức xúc hằng ngày, đòi phải giải quyết ngay. Làm thế nào Việt Nam có thể dung hòa được hai mặt này?
Chừng nào Việt Nam đặt ra được mục tiêu cụ thể, xác định được chúng ta muốn gì, muốn đến đâu, thống nhất nguyên tắc thì các giải pháp tiếp theo sẽ đến tự nhiên. Có hai cách tiếp cận với vấn đề môi trường: chính sách ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp ngắn hạn là những việc có thể làm được ngay, không tốn tiền. Ví dụ, chỉ cần thay đổi hành vi vứt rác bừa bãi của người dân đã có thể mang lại hiệu quả cao. Một người vứt rác ngoài đường gây chi phí kinh tế cao, kéo theo đó sẽ là người nhặt rác, đổ rác, tiêu tốn công quỹ.
Chúng ta có thể xem xét lại các dự án, cân nhắc khía cạnh môi trường. Nhờ đó, giảm tốn kém cho bản thân dự án và hiệu quả môi trường lâu dài, thông qua tiết kiệm nguồn đầu vào, quản lý nguồn thải ra.
Hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy cũng cần được tính đến. Các nhà máy từ sản xuất nhỏ đến sản xuất lớn đều là mô hình đóng, hệ thống quản lý môi trường kỹ lưỡng, theo tiêu chuẩn ISO 14000. Việc kiểm tra phải được tiến hành từng ngày, từng quy trình sản xuất.
Áp dụng việc này hầu như không tốn tiền nhưng có thể giảm thiểu 30-40% những bức xúc hiện nay.
Về dài hạn, cần một bộ luật nghiêm khắc, có sự cưỡng ép thực hiện luật đó một cách thấu đáo. Mũ bảo hiểm bài học tốt nhất về thực hiện luật của Việt Nam trong nhiều năm qua. Khi có quy trình làm đơn giản, dễ hiểu, để mọi người dân tham gia, suy nghĩ, có thời gian chuẩn bị, có mức hình phạt qui định cao và ai cũng biết, có mốc giám sát, đánh giá... huy động tất cả lực lượng tham gia. Qua bài học về mũ bảo hiểm, chúng ta có thể lạc quan hơn về thực hiện luật của Việt Nam.
Thay đổi một hệ thống luật không dễ, đòi hỏi nền tảng khoa học, chuyên môn sâu sắc, hiểu biết thấu đáo quá trình, quy luật hệ sinh thái, sản xuất.
Chúng ta cũng cần xem xét chính sách quy hoạch tổng thể. Việc bảo vệ môi trường thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch tổng thể. Chính sách dài hạn khác như tài chế cho bảo vệ môi trường. Môi trường như một tài sản công, mở, không sản xuất những thứ có thể đo đếm được. Tài chế như thế nào để ai cũng bảo vệ tài sản công ấy? Đó là những chính sách cần nghiên cứu lâu dài, cẩn thận và khổ công.
Xem xét lại Luật là ưu tiên
- Giải pháp nào cho Việt Nam trong ứng phó với vấn đề môi trường "đã tới ngưỡng giới hạn" hiện nay?
Chắc chắn trong giải quyết vấn đề môi trường, chúng ta sẽ không có một câu trả lời đơn giản, ngắn và giải quyết được. Nếu có ưu tiên về kiến nghị, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn môi trường với tính chất lâu dài.
Việc đầu tiên tưởng rất khó, rất lâu chính là xem xét lại luật. Vấn đề đó tưởng chừng rất khó khăn, xa xôi nhưng thà bỏ hẳn một số năm vẫn là cách nhanh nhất để có bộ luật thực hiện tốt.Việc làm luật quá chậm là vô cùng dở nhưng ra luật quá nhanh để không thực hiện thì còn tồi tệ hơn. Có lẽ đến một lúc nào đấy, chúng ta cần xem xét rất kỹ bộ luật hiện nay, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương tự.
Đồng thời, những biện pháp ngắn hạn cần được làm hằng ngày. Báo chí là công cụ tốt để đăng tải vấn đề này tới cả cộng đồng, có tác động thay đổi căn bản trong cách nghĩ, thống nhất căn bản trong cách tiếp cận, tạo nhất trí cao về nguyên tắc làm việc.
- Trong giải quyết vấn đề môi trường, Việt Nam có thể nghiên cứu, học kinh nghiệm từ nước nào?
Tôi chỉ lấy hai so sánh nhãn tiền nhất là Nhật Bản, Singapore, hai nước nổi tiếng đất chật, nghèo tài nguyên. Singapore ngay từ ngày lập nước những năm 1950 đã phải mua nước sinh hoạt từ nước ngoài. Nhật Bản động đất liên miên. Đồng thời hai nước này cũng nổi tiếng về bảo vệ môi trường, quan hệ tổng thể, được công nhận trên thế giới. Hai nước đều có điểm chung là có một bộ luật kĩ lưỡng, khắc nghiệt, có chuyên môn cao, có thể thực thi được bởi tất cả mọi người. Bộ luật rất dễ thực hiện không cần quá nhiều người hướng dẫn thực hiện luật.
Luật môi trường của họ không những được biết đến và thực thi có hiệu quả trong nước mà nhiều nước khác cũng biết để học tập. Nên chăng Việt Nam cân nhắc cách làm luật, tổ chức thực hiện luật của các nước này. Dù không áp dụng được tất cả, nhưng chí ít, chúng ta có học họ phương pháp làm, cách tiếp cận, lộ trình làm và tính chuyên môn đặc biệt cao, khoa học và những kinh nghiệm với môi trường như một hệ tương tác.
- Xin cảm ơn bà!
http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/3279/index.aspx
No comments:
Post a Comment