Sáng nay trời nắng nên nhìn cảng này rất đẹp. Bên tay phải là khu chánh quyền và một khách sạn nằm gần bờ biển. Ở giữa cảng là nơi tàu neo vào bến. Một cầu tàu dài nối liền con tàu vào khu tiếp đón. Khu này chỉ là một căn nhà nhỏ sát bờ biển. Tôi không thấy có nhiều người ở đó vì tàu mới đến, chưa cho khách ra. Bên tay trái là khu chợ Roseau. Nhà ở đây không cao nhưng sơn màu sắc sặc sỡ. Xa hơn một chút là một cảng du thuyền khác. Ở đó, tôi thấy chiếc du thuyền Princess đang cặp bến. Xa hơn nữa là phi trường Roseau nơi thỉnh thoảng có một máy bay đang hạ cánh.
Trước khi xuống thăm đảo Dominica, ta hãy tìm hiểu sơ qua về đảo quốc này: Ở vùng biển Caribbean có hai hòn đảo có tên tương tự. Ðó là đảo quốc Dominica và nước Cộng Hòa Dominican. Nước sau lớn hơn và có chung biên giới với nước Haiti nơi mới vừa bị động đất. Còn đảo quốc Dominica nơi chúng tôi thăm viếng hôm nay là một đảo nhỏ hơn rất nhiều. Trong tiếng Latin tên của đảo quốc này có nghĩa là “Chủ Nhựt” vì đó là ngày hòn đảo được Chistopher Columbus tìm thấy. Dominica có nhiều nét giống đảo Phú Quốc và VN.
Ðịa lý:
Dominica là một đảo nhỏ nằm ở vĩ độ 15 (tương đương với vĩ độ của thành phố Quy Nhơn), phía Nam quần đảo Leeward trong vùng Caribbean. Phía Bắc Dominica là đảo Guadeloupe, phía Nam là đảo Martinique. Diện tích của đảo là 754 km2 (lớn hơn đảo Phú Quốc khoảng 25%).
Ðảo được bao phủ bởi núi rừng và có nhiều thác nước, sông, suối. Ở đây có cả hồ nước nóng.
Dân số toàn đảo ước chừng 71,000 người, hầu như toàn bộ là người da đen chỉ có một số ít khoảng 3,000 thổ dân Carib sống ở bờ biển phía Ðông và chừng vài trăm người da trắng. Thủ đô của đảo là thành phố Roseau.
Lịch sử:
Người Châu Âu kể cả Christopher Columbus tìm thấy Dominica năm 1493. Lúc đó trên đảo đã có thổ dân Carib sinh sống. Từ 1627 người Anh và sau đó là người Pháp năm 1635 đều tìm cách chiếm đảo mà đều thất bại. Tới năm 1763, người Anh mới chánh thức thành lập ở đây một chánh quyền và Dominica trở thành thuộc địa của Anh từ năm 1805.
Từ năm 1958 - 1962, Dominica là một tỉnh của Liên Bang Tây Ấn.
Năm 1978 Dominica được hoàn toàn độc lập. Quốc gia bắt đầu phát triển nhiều hơn trước từ năm 1980 dưới sự điều hành của nữ Thủ Tướng Mary Eugenia Charles.
Kinh tế:
Dominica là một nước nghèo trong vùng Caribbean. Họ không có những bãi biển đẹp để thu hút du khách nhưng cũng phải nhờ vào du lịch để sống còn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với sản phẩm là thuốc lá, chuối, rau, cam quít, dừa,... Công nghiệp còn yếu. Họ làm được xà bông, đồ gỗ, bê tông đúc sẵn, giày dép... Về du lịch, Dominica hướng về du lịch sinh thái nhờ có hệ thống rừng và phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp.
Chuyến thăm Dominica của chúng tôi:
Rời tàu lúc 10 giờ sáng, chúng tôi kiếm mấy tay cò tua để hỏi giá. Một anh cò cho biết: có hai tua thăm đảo:
- Tua ngắn kéo dài 2.5 giờ sẽ thăm Trafalgar Fall (thác Trafalgar) và Sulfur Spring (Suối Sulfur). Giá tua 25 đô la một người.
- Tua dài kéo dài 4 giờ sẽ thăm Emerald Pool (hồ Emerald) và thành phố Roseau. Giá tua 40 đô la.
Sau khi kiếm được 2 người bạn đồng hành, chúng tôi trả giá tua dài là 30 đô la một người. Anh cò chịu và đưa chúng tôi lên xe ngồi chờ để anh ta kiếm thêm khách. Chờ hơn 30 phút sau xe mới đầy 10 chỗ và chúng tôi khởi hành lúc gần 11 giờ trưa. Ðầu tiên xe chạy chậm chậm ngang thành phố Roseau để chúng tôi xem cho biết. Anh tài xế cho biết:
Thủ đô Roseau của Dominica: chỉ có 20,000 dân. Thành phố nằm ở cửa sông Roseau thuộc hướng tây nam hòn đảo. Ðây là nơi xuất cảng các loại nông phẩm của hải đảo như chanh, cam, chuối, rau cải, hạt cacao... Ngành dịch vụ cũng chiếm một vai trò quan trọng trong kinh tế của đảo.
Anh tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch chỉ cho chúng tôi xem những chợ cá, chợ thịt, chợ rau quả... Tất cả đều chưa phát triển và trông ọp ẹp như các chợ nhỏ ở Việt Nam. Dominica là một nước còn nghèo. Ðường sá không được tu sửa. Nhà cửa nhỏ, hẹp. Dân số ở đây 95% là da đen, nhưng họ rất thân thiện. Họ hay vẫy tay chào chúng tôi vì biết chúng tôi là du khách và đem lợi tức lại cho họ. Bác tài cho biết dân ở đây không thích ăn đồ Mỹ nên tôi thấy trong thành phố không có nhiều nhà hàng Mỹ, mà chỉ thấy có một tiệm KFC duy nhứt.Thành phố Roseau nhỏ xíu nên chỉ 10 phút sau là xe đã tới ngoại ô. Bây giờ xe đã đi ngang bến tàu nơi chiếc Princess đang neo đậu. Tiếp theo là phi trường Roseau, một phi trường nhỏ.
Ðường lên cao dần. Chúng tôi đang vào một con đèo nằm sát biển. Ðường sá nhỏ hẹp, quanh co trông nguy hiểm quá. Lúc này tôi bắt đầu lo lắng. Tôi sợ rằng rủi ro xe hư hay bị “ăn cướp” thì sẽ không về tàu kịp giờ và chuyến đi sẽ hỏng hoàn toàn. Nhưng đây chỉ là nỗi sợ hão mà thôi. Toàn chuyến đi tuy có nguy hiểm nhưng cũng an toàn về tới bến.
Sau khi đi ngang vài nhà máy sản xuất rượu rhum và dầu dừa, đường sá càng ngày càng dốc lên cao. Hai bên đường là rừng cây nhiệt đới rậm rạp. Chúng tôi đang chạy song song với một con sông. Mùa này nước cạn nhưng chúng tôi cũng thấy một nhóm du khách đang chơi “tubing,” nghĩa là ngồi trên ruột bánh xe trôi theo dòng nước để về phía hạ lưu.
Dọc đường, bác tài liên tục giới thiệu những loại cây ăn trái nhiệt đới mà chúng tôi gặp như xoài, thơm, chuối, cà phê ...
Mr. Nice:
Xe ngừng ở một quán nhỏ dọc đường cho khách giải lao. Ðây là quán của Mr. Nice. Anh ta là một người da đen dễ mến. Anh cắt trái cây như dừa, thơm mời du khách ăn thử. Anh ta không lấy tiền nhưng nói nếu ai muốn giúp đỡ thì cho típ. Bên kia đường là một quán nhỏ bán đồ thủ công. Ðây là một trạm dừng chân nghèo nàn và không có gì để coi!
Phong cảnh núi rừng ở Dominica:
Xe chạy càng lúc càng lên cao. Thời tiết bên ngoài càng lúc càng mát và giống như Ðà Lạt. Ðường đi cong cong, xa xa các ngọn núi cao ngất xanh rì. Dominica là một nơi có nhiều mưa. Lượng mưa hàng năm ở đây là 350” (gấp 30 lần Los Angeles) nên cây cối xanh tươi. Trên đỉnh núi lãng đãng những đám mây mù che phủ. Chúng tôi thật ngạc nhiên khi thấy ở vùng Caribbean là một vùng nhiệt đới mà nơi đây không khí mát lạnh, lại nhiều núi rừng. Thảo nào có người ví von rằng vùng núi ở Dominica là “Thụy Sĩ của vùng Caribbean.”
Hồ và thác Emerald (Emerald Pool):
Sau hơn mấy chục cây số đường rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tới nơi mình muốn lúc 12:30. Ðó là hồ và thác Emerald. Bác tài nói du khách cứ vào trong chơi. Hẹn 1:30 sẽ tập họp để về.
Phải trả 5 đô la một người để vào thăm công viên. Ðây là một công viên quốc gia. Từ đây vào thác phải đi xuyên rừng chừng 15 phút. Rừng này có nhiều cây cao, và có nhiều tầng nhiều lớp nên khá rậm rạp. Du khách hôm nay quá đông mà đường đi ven suối lại rất hẹp chỉ khoảng 1 mét mà thôi nên chúng tôi bị... kẹt đường. Phải gần 20 phút sau mới vào tới thác.
Thật ra, thác nước này rất nhỏ. Thác chỉ cao khoảng 12 mét là cùng. Lượng nước rớt xuống thác cũng ít. Bề ngang thác chừng 2-3 mét mà thôi. Chỗ nước rơi xuống trũng thành một hồ nhỏ đường kính chừng 20 mét. Thế mà thiên hạ thi nhau xuống hồ để ngâm.
Nước hồ mát và trong nhưng nhìn ngang lại có màu ngọc thạch vì có lẫn những khoáng chất. Do đó mà hồ có tên Ngọc Thạch Emerald. Truyền thuyết nói rằng ai tắm hồ này thì có thể trẻ hơn 10 tuổi. Tôi không tin điều này, nhưng bà xã tắm hồ này lên thì nói nước hồ làm cho da dẻ của mình được mềm mại và mịn màng. (Nói thêm cho vui: nếu tắm suối để được trẻ hơn 10 tuổi mà đúng, thì mấy em bé đi tắm phải cẩn thận, em nào tuổi mới lớn thì phải có cha mẹ đi theo để “ẵm” em về vì tắm xong sẽ “trẻ” quá nên chưa biết đi!!!).
Phải công nhận nước Dominica này biết cách làm du lịch. Một cái hồ và thác không đẹp lắm vẫn lôi cuốn được cả ngàn du khách đến thăm trong một ngày thì cũng thành công lắm rồi. Ðối với tôi, nơi đây không hấp dẫn gì và thua xa những cảnh đẹp ở Việt Nam như thác Prenn ở Ðà Lạt hay Suối Tranh ở Phú Quốc.
Vịnh Roseau nhìn từ trên cao:
Ðúng 1:30 chúng tôi lên xe trở về Roseau. Kỳ này bác tài chạy theo một đường khác. Tuy vậy đường cũng băng đèo vượt dốc khá nhiều. Có nhiều đoạn rất cong và dốc nên rất nguy hiểm, nhưng bác tài chạy quen rồi nên chúng tôi cũng an tâm. Chỉ sợ rủi ro xe bể bánh thì trễ chuyến tàu mà thôi. Chúng tôi về tới Roseau khoảng 2:30. Tôi cứ tưởng lúc này đã hết tua rồi. Ai dè bác tài còn chạy thêm một vòng thành phố, đi ngang trước một công viên rộng rãi có những cây đa thật lớn, đường kính ít ra cũng 10 mét. Cây đa này đã sống hơn 150 tuổi nên rễ rất nhiều và tàng rất lớn. Sau đó ông lại chạy vòng vèo lên sườn núi để ghé một điểm ngắm cảnh của vịnh Roseau từ trên cao. Từ đây, chúng tôi có thể nhìn xuống thủ đô Roseau với những nhà cửa nho nhỏ ở phía dưới. Xa xa là chiếc du thuyền vĩ đại và thân yêu đang nằm im lìm chờ chúng tôi trở lại. Tiếc rằng ngược sáng nên chụp hình không rõ. Hơn nữa, lúc này hơi nóng mà chúng tôi khá mệt sau chuyến đi xa nên sự hưởng thụ và xem phong cảnh cũng thiếu phần hào hứng như lúc sáng.
Gần 3 giờ, chúng tôi lên xe để trở lại tàu. Dọc đường xe chạy ngang các công sở của Dominica như Dinh Thống Ðốc, Tòa Nhà Quốc Hội, Tòa Nhà Thư Viện Quốc Gia... Nước Dominica nhỏ nên các sơ sở chánh quyền cũng nhỏ, chỉ là những tòa nhà có hai tầng mà thôi. Chúng tôi còn thấy nhà thờ Chánh Tòa của Roseau ngay trước mặt hải cảng nhưng làm biếng nên cũng không ghé thăm. Nhìn xa thì trông thấy nhà thờ làm bằng đá với tháp nhọn cũng bề thế lắm.
Với chuyến đi chơi hôm nay tôi nhận thấy, nước Dominica là một nước nhỏ, nghèo, thế mà họ cũng kiếm cách để chiêu dụ du khách đến vui chơi. Nghĩ lại đất nước Việt Nam mình thật xinh đẹp mà kỹ nghệ du lịch còn chưa phát triển lắm nên thật đáng tiếc.
Chúng tôi ăn trưa lúc hơn 3 giờ. Sau đó nghỉ ngơi một chút rồi đi xem người ta biểu diễn điêu khắc trên nước đá. Chiều nay, trời nóng nên thiên hạ ra tắm nắng, tắm hồ ... rất nhiều. Tôi lên chỗ bàn bóng bàn với hy vọng có người để chơi cho vui mà không có ai hết. Kỳ này tiết mục thể thao này hơi yếu vì trong đoàn du khách có ít người Á Châu như Tàu, Nhựt ... là những người thích đánh bóng bàn. Về người Việt thì tôi chỉ gặp duy nhứt hai anh chị kia người ở tiểu bang Virginia mà thôi.
Ðêm thứ ba trên tàu Carnival:
Ăn tối:
Ðúng 6 giờ chiều, chúng tôi có mặt ở nhà hàng Pacific để ăn tối. Tối nay tôi chọn món súp bí rợ cho món ăn chơi, món cá Victoria Perch (cá ở một hồ bên Phi Châu) và khoai tây để ăn chính và kem Cherry để tráng miệng. Những người khác chọn món tôm hùm Maine là món đặc biệt của tàu Carnival. Anh bồi bàn tử tế hỏi chúng tôi có muốn ăn thêm tôm hùm thì ổng gọi thêm nhưng chúng tôi từ chối. Trên tàu này, ai có sức thì tha hồ mà ăn, ngay cả món đắt tiền như tôm hùm thì cũng gọi thoải mái.
Giữa tiệc, những anh chị bồi bàn còn biểu diễn một màn văn nghệ là một bài ca Ý thật đặc sắc là bài L'amouré. Họ vừa ca vừa nhảy những điệu bộ thật vui nhộn nên được khán giả nhiệt tình ủng hộ bằng những tràng pháo tay dài và lớn.
Chụp hình:
Tối nay, du khách mặc đồ đẹp để có thể chụp hình kỷ niệm. Sau tiệc chúng tôi đi dọc hành lang trên lầu 5 thì thấy các nhiếp ảnh gia đứng đầy ở đó. Ai thích chụp hình kỷ niệm thì họ chụp. Họ có phông màn để làm nhiều cảnh khác nhau từ cảnh biển tới cảnh cổ điển, hay cao bồi viễn Tây ... Xem thiên hạ làm dáng chụp hình cũng vui. Giá một tấm hình cũng “rẻ” chỉ 10 đô la cho cỡ hình 5“x7.”
Tình cờ gặp ông thuyền trưởng:
Chúng tôi tà tà ra phía trước. Gần tới sòng bài thì tình cờ gặp ông thuyền trưởng đang đứng đó để chào mừng du khách. Thế là chúng tôi “nhào” vô nhờ người ta chụp một tấm hình với ông ta. Thuyền trưởng tàu này là người Ý. Chừng 30 phút sau, ông ta ra lan can ở lầu 5 để giới thiệu với du khách ban bệ của tàu. Theo ông, nhân viên của tàu là trên 1,000 người thuộc 50 quốc tịch. Riêng ban lãnh đạo cũng trên 10 người như sau: hai ông thuyền phó một ông chạy tàu, một ông lo máy móc, sau đó là các trưởng ban lo về an ninh, khách sạn, ẩm thực, văn nghệ vui chơi, y tế... Họ là người Ý, Nga, Nam Tư, Ấn Ðộ, Anh, Croatia... Ðó là nhân viên cao cấp. Nhân viên cấp thấp thường từ Phi Luật Tân, Nam Dương, Ấn Ðộ...
Xem show City Light:
Lúc 8:15, chúng tôi vào rạp hát ở lầu 3 để xem show City Light (Ánh Sáng Thành Ðô). Rạp hát chiếm 3 tầng 3, 4, 5 ở phía trước tàu. Khả năng rạp có thể chứa cả ngàn người nhưng hôm nay rạp chỉ đầy có phân nửa. Có thể do kinh tế khủng hoảng mà du khách ít đi?
Ðúng 8:30 show mở màn. Ðây là một show trình diễn kiểu Las Vegas nói về sinh hoạt ở các thành phố lớn của Mỹ (nhiều nhứt là các tiểu bang miền đông và trung tây) như Texas, Tennessy, Kansas... Sau đó là các hoạt cảnh về các môn thể thao Mỹ và một đoạn nói về sinh hoạt ở đồng quê... Cuối cùng dĩ nhiên phải nói về thành phố New York, nơi không bao giờ ngủ.
Ban vũ gồm 8 nữ vũ công xinh đẹp, 4 nam vũ công và hai ca sĩ, một nam, một nữ. Chương trình liên tục không nghỉ trong vòng một giờ mà các vũ công trình diễn thật mạnh mẽ đầy sức sống. Ban nhạc chỉ có 6 nhạc sĩ chơi trống, kèn, đàn guitar...
Ðây là một show được dàn dựng công phu, y trang đẹp đẽ, biểu diễn hoàn hảo không một khuyết điểm. Ánh sáng, phông màn... đều đẹp và mỹ thuật. Khuyết điểm duy nhứt là âm thanh hơi lớn, chúng tôi phải kiếm giấy vệ sinh bịt lỗ tai bớt thì mới thưởng thức một chương trình văn nghệ nhiều đặc sắc. Khán giả Mỹ rất nhiệt tình khen ngợi. Họ đã vỗ tay rất nhiều lần để tán thưởng.
Tối nay sau chương trình văn nghệ còn có show kể chuyện vui nhưng chúng tôi không tham gia mà đi ngủ sớm để sức ngày mai đi chơi ở Barbados.
Bài và ảnh: Minh Tâm
Dominica là một đảo quốc trong vùng Biển Caribê. Không nên nhầm lẫn nước này với Cộng hoà Dominica, một quốc gia khác trong vùng Caribê. Trong tiếng Latin tên của quốc gia này có nghĩa là "Chủ Nhật", đó là ngày hòn đảo được Crít-xtốp Cô-lông khám phá. Tên chính thức là Khối thịnh vượng chung Dominica. Tên của Dominica thời tiền Colombo là Wai'tu kubuli, có nghĩa "người cô ta cao." Người thổ dân Kalinago trên hòn đảo, thường bị gọi sai thành người 'Carib', có một vùng lãnh thổ giống với vùng lãnh thổ dành riêng cho người da đỏ của Canada. Vì hòn đảo này đã trải qua một giai đoạn chiếm đóng của Pháp và năm giữa hai lãnh thổ hải ngoại của Pháp (Guadeloupe ở phía bắc và Martinique ở phía nam), nên thỉnh thoảng nó được gọi là "Dominica thuộc Pháp". Nó cũng có tên hiệu "Hòn đảo thiên nhiên của vùng Caribê" vì vẻ đẹp tự nhiên chưa bị xâm phạm.
Dominica là một đảo quốc và là quốc gia không có biên giới trong vùng Biển Caribbea, phía cực nam Quần đảo Leeward. Kích thước quốc gia này khoảng 754 km² (291 dặm vuông). Thủ đô là Roseau.
Dominica phần lớn bao phủ bởi rừng mưa và là nơi có hồ sôi lớn thứ hai thế giới. Dominica cũng có rất nhiều thác nước, sông, suối. Một số loài thực vật và động vật dù đã tuyệt chủng trên các hòn đảo lân cận vẫn được tìm thấy trong những khu rừng Dominica. Trạng thái núi lửa của hòn đảo và sự thiếu vắng các bãi biển cát khiến Dominica trở thành một địa điểm lặn biển nổi tiếng. Dominica cũng là quốc gia có nhiều vùng bảo vệ, gồm cả Công viên quốc gia Cabrits.
Dominica đang có tranh cãi từ lâu với Venezuela về việc Venezuela tuyên bố chủ quyền vùng biển quanh Isla Aves (Đảo Chim), một hòn đảo nhỏ cách 70 dặm (110 km) phía tây đảo Dominica.
Dominica là một trong những đảo trẻ nhất vùng Tiểu Antilles, và nó vẫn đang được thành tạo bởi hoạt động địa nhiệt của núi lửa. Đây là một hòn đảo có nhiều núi non và những khu rừng mưa, nơi sinh sống của nhiều loài thực vật, động vật và chim quý hiếm. Tại một số vùng ở bờ biển phía tây có những vùng khí hậu khô, nhưng trong sâu trong đất liền lượng mưa khá lớn. Vẹt Sisserou là loài động vật được vẽ trên quốc kỳ Dominica. Nền kinh tế Dominica phụ thuộc nhiều vào cả du lịch và nông nghiệp.
Dominica lần đầu tiên được người Châu Âu, gồm cả Crít-xtốp Cô-lông, quan sát thấy năm 1493. Họ đã gặp những người thổ dân thuộc bộ tộc Carib, nhưng nhanh chóng rời hòn đảo này sau khi bị người Carib đánh bại. Truyện kể rằng khi được yêu cầu miêu tả hòn đảo ấy ở "Thế giới Mới," Colombo đã bóp một mảnh giấy da lởm chởm và ném lên trên bàn. Ông giải thích, đó chính là hình dáng của Dominica - được bao phủ bởi toàn những núi và hầu như không có nơi nào bằng phẳng. Năm 1627 Anh Quốc cũng đã tìm cách xâm chiếm Dominica nhưng thất bại. Năm 1635 Pháp tuyên bố chủ quyền với hòn đảo và gửi các nhà truyền giáo tới đó, nhưng họ không thể lấy Dominica từ tay người Caribs. Họ đã rời bỏ hòn đảo này, cùng với đảo Saint Vincent, trong những năm 1660.
Trong vài trăm năm tiếp sau Dominica tiếp tục ở tình trạng cô lập, và thậm chí còn có thêm nhiều người Caribs tới sống ở đây sau khi họ bị những người Châu Âu đuổi khỏi những hòn đảo lân cận trong vùng. Pháp đã chính thức chấm dứt chủ quyền với Dominica và nhường lại cho Anh Quốc năm 1763. Sau đó người Anh đã thiết lập ở đây một chính phủ và biến hòn đảo thành thuộc địa năm 1805. Công cuộc giải phóng nô lệ Châu Phi diễn ra trên toàn Đế chế Anh năm 1834, và tới năm 1838, Dominica đã trở thành thuộc địa đầu tiên của Anh tại Caribbea có cơ quan lập pháp do người da đen kiểm soát. Năm 1896, Anh Quốc tái chiếm quyền kiểm soát chính phủ Dominica và biến nước này thành một thuộc địa hoàng gia. Nửa thế kỷ sau, từ năm 1958 tới năm 1962, Dominica trở thành một tỉnh của nhà nước tồn tại ngắn ngủi Liên bang Tây Ấn. Năm 1978 Dominica cuối cùng trở thành một quốc gia độc lập. Sự giàu mạnh của Dominica đã có bước phát triển năm 1980 khi chính quyền cai trị độc tài và tham nhũng bị thay thế bởi chính quyền Mary Eugenia Charles, nữ thủ tướng đầu tiên vùng Caribê, người đã giữ chức vụ trong 15 năm. Năm 1995 Charles từ chức và được thay thế bởi Edison James.Kinh tế Dominica phụ thuộc vào cả du lịch và nông nghiệp. Bốn mươi phần trăm lao động Dominica làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp chính của Dominica gồm thuốc lá, chuối, rau, cam quít, cùi dừa, dầu dừa, và dầu tinh chất như dầu nguyệt quế. Các ngành công nghiệp của đất nước, ngoài du lịch, gồm xà phòng, đồ nội thất, bê tông đúc sẵn, và giày dép. Dominica được hưởng lợi thế có một trường y hải ngoại, Đại học Ross, tại thị trấn phía bắc Portsmouth. Khoảng 900 sinh viên đang sống và học tập tại Portsmouth.Kinh tế Dominica có tỷ lệ nghèo khổ (30%), thất nghiệp (23%) cao, và mức GDP trên đầu người thấp (US$5.400). Kinh tế Dominica đã bị ảnh hưởng mạnh vì các vấn đề trong ngành công nghiệp chuối. Toàn bộ nền kinh tế bị tác động khi thời tiết làm thiệt hại sản lượng thu hoạch chuối, hay khi giá chuối giảm. Liên minh Châu Âu dần bãi bỏ ưu đại tiếp cận thị trường của sản phẩm chuối từ nước này khiến nhu cầu giảm sút. Đối mặt với điều đó, chính phủ Dominica đã tư nhân hóa công nghiệp chuối. Tương tự, chính phủ tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và bãi bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả trong nỗ lực nhằm cải thiện nền kinh tế phát triển chậm chạp. Chính phủ cũng tìm cách phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Vì thiếu một cảng hàng không quốc tế cùng những bãi biển cát, đặc điểm tự nhiên với nhiều rừng mưa nhiệt đới cũng như cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ được bảo vệ tốt chính là những ưu thế phát triển du lịch sinh thái quốc gia. Quả vậy, cần nhớ rằng trong số toàn bộ những hòn đảo vùng Caribbea, Dominica là nơi duy nhất Christopher Columbus vẫn có thể nhận ra được.
Hầu như toàn bộ 70.000 người dân Dominica hiện nay đều là con cháu của những người nô lệ, được các chủ đồn điền thực dân đưa tới đây từ thế kỷ 18. Tuy nhiên, Dominica là một trong số ít hòn đảo vùng Đông Caribbea có một số dân là người da đỏ Carib thời tiền Columbo, khoảng 3000 người trong số đó sống ở bờ biển phía đông hòn đảo trên lãnh thổ của riêng họ. Chưa tới 200 người trên hòn đảo này là người da trắng.
Tốc độ tăng trưởng dân số Dominica rất thấp, chủ yếu vì sự di cư tới những nơi phát triển hơn Anh Quốc, Hoa Kỳ, hay Canada. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Dominica và được sử dụng rộng rãi; tuy nhiên, vì có lịch sử đô hộ của Pháp, "Patois", một loại ngôn ngữ creole dựa trên tiếng Pháp, là tiếng mẹ đẻ của 80% dân Dominica và đây là một trong những lý do khiến Dominica gia nhập Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie). Khoảng 80% dân số theo Thiên chúa giáo, dù trong những năm gần đây một số Nhà thờ tin lành đã được thành lập.
Dominica là nơi sinh sống của nhiều tộc người. Trong lịch sử tồn tại của nhiều bộ tộc thổ dân ở đây, chỉ bộ tộc Carib còn sót lại khi những người định cư Châu Âu đầu tiên tới hòn đảo. Những người định cư Pháp và Anh đều tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này, và đã nhập khẩu nô lệ từ Châu Phi. Những người Carib bản xứ có một khu dành riêng để tiếp tục sống theo cách truyền thống. Sự hòa trộn các nền văn hóa này là một yếu tố quan trọng của Dominica.
Nhà văn nổi tiếng Jean Rhys sinh ra và lớn lên tại Dominica. Hòn đảo này đã được gián tiếp miêu tả trong cuốn sách nổi tiếng nhất của bà, Wide Sargasso Sea. Người bạn của Rhys, nhà hoạt động chính trị và tác gia Phyllis Shand Allfrey, đã viết cuốn tiểu thuyết, The Orchid House ISBN 0-8135-2332-X, tại Dominica.
Thổ ngữ Dominica bao gồm cả Cocoy và Patois Pháp. "Cocoy", chủ yếu là ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Anh London do người định cư Anh mang sang và kiểu phát âm Châu Phi. Cocoy chủ yếu được dùng ở vùng phía đông bắc đảo. Tiếng patois Pháp được dùng nhiều hơn có nguồn gốc từ những người định cư Pháp sống ở các hòn đảo Guadeloupe và Martinique lân cận.
No comments:
Post a Comment