Trong hai tuần lễ, từ 29-3 tới 12-4-2008, chúng tôi đáp chuyến hải-hành Nam Mỹ trên du-thuyền Star Princess khởi-hành từ Buenos Aires (Á-Căn-Ðình/ Argentina) và chấm dứt tại Valparaiso (Chí-Lợi/ Chile). Chuyến hải-hành này không ghé Nam Cực, mà là chuyến đi vòng và len lỏi qua hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, qua Cape Horn ở miền cực Nam Châu Mỹ, vòng từ Ðại-Tây-Dương sang Thái-Bình-Dương. Ðó là thủy-lộ mà ngày xưa những con tàu muốn đi từ bờ biển miền Ðông sang miền Tây nước Mỹ hoặc ngược lại phải trải qua, trước khi người ta thực-hiện được kinh đào Panama và nơi này vẫn thường được gọi là Fin del Mundo, "Tận cùng của Thế-giới".Nam Mỹ là vùng đất rộng lớn phía Nam của lục-địa Mỹ Châu mà chúng ta không ai là không biết và chúng tôi cũng tò mò muốn biết ngoài những bãi biển với những thiếu-nữ thân hình bốc lửa, những Hội hè cuồng-nhiệt ở Ba-Tây/ Brazil, những nhà độc-tài khét tiếng ở Á-Căn-Ðình và Chí-Lợi... Nam Mỹ còn có gì ở vùng cực Nam, đặc biệt là eo biển Magellan và vùng thủy-lộ phía Nam, nơi mà biết bao nhiêu tàu bè đã bị đắm vì sóng to, gió lớn, vì những hải-lưu bất thường... là đảo Tierra del Fuego huyền-bí với nhiều chuyện thêu dệt... nên chúng tôi hạ quyết-tâm, phen này làm chuyến hải-hành Nam Mỹ cho biết.
Rời phi-trường Los Angeles lúc ba giờ chiều, chúng tôi tới phi-trường George Bush, Houston lúc 8 giờ tối, giờ địa-phương. 9 giờ ruỡi tối, phi-cơ cất cánh, bay suốt đêm và 10 giờ ruỡi sáng ngày hôm sau, cũng giờ địa-phương, đưa chúng tôi tới Buenos Aires, thủ-đô Á-Căn-Ðình. Công-ty du-lịch tập-trung du-khách, đa số từ Mỹ đến, đưa lên mấy chiếc xe bus chở xuống bến tàu. Và sau khi làm thủ-tục linh-tinh này nọ, chúng tôi lên tàu, nhận phòng hồi 1 giờ 30 chiều cùng ngày.Sau một ngày một đêm ăn uống thất thường, ngủ gà ngủ vịt trên phi cơ, chúng tôi cảm thấy trước hết là đói bụng, sau đó là buồn ngủ... nên việc đầu tiên chúng tôi làm là lên nhà ăn dùng bữa trưa, kế đó đi dạo một vòng trên tàu cho biết đó biết đây, trong khi đó du-khách vẫn đang lục tục lên tàu... rồi sau đó chúng tôi về phòng, ngủ một giấc "trả thù" cho đến chiều.Du-thuyền Star Princess đóng năm 2001; trị giá 450 triệu đô-la; dài 951 feet/ 290 mét; rộng 118 feet/ 36 mét; cao 201 feet/ 61 mét; gồm 18 tầng; nặng 109 000 tấn; trọng-tải thực 7 1763 tấn; mang theo 2 649 tấn dầu; mang theo 2 731 tấn nước uống; tốc-độ trung-bình 22,5 hải-lý một giờ; gồm hai chân vịt, mỗi chiếc nặng 40 tấn. Số du-khách tối-đa trên tàu : 2 600 người; thủy-thủ-đoàn và số nhân-viên phục-vụ : 1 150 người. Du-thuyền có hai nhà ăn theo kiểu buffet, mở cửa từ 6 giờ sáng tới 10 giờ tối, với hàng trăm loại thực-phẩm khác nhau, tất cả đều ngon miệng, sạch sẽ và sáu nhà hàng ở tầng thứ 5, 6 và 7, mở cửa theo giờ giấc, sáng, trưa và chiều tối, thực-phẩm và nhân-viên phục-vụ được coi như thượng-đẳng ! Về phương-diện giải-trí, Nhà Hát mỗi tối có hai chương-trình giải-trí khác nhau, khai-mạc hồi 8 giờ 15 và 10 giờ 15; ban ngày chiếu phim hoặc hướng-dẫn mua sắm, cách dùng máy ảnh kỹ-thuật số, photoshop... Các phương-diện sinh-hoạt khác như sòng bài, phòng thể-dục thể-thao, bars, phòng internet, các tiệm bán đồ kỷ-niệm... và một số những sinh-hoạt khác giúp du-khách bận rộn, vui vẻ và... tiêu tiền suốt ngày... Cabin của chúng tôi ở tầng thứ 8, có cửa sổ nhìn ra biển, có bữa có thể ngắm được bình-minh hoặc hoàng-hôn trên biển. Phòng ngủ và phòng tắm có bồi phòng làm giường và dọn dẹp mỗi ngày hai lần.Chiều tối hôm đó, trong khi chúng tôi dùng bữa tối trong một nhà hàng trên tàu thì tàu Star Princess nhổ neo, đưa chúng tôi tới Uruguay.
URUGUAY.Uruguay là nước cộng-hòa nhỏ bé thứ nhì tại Nam Mỹ, diện-tích 176 215 cây số vuông, thường được gọi là "nước Thụy-Sĩ tại Nam Mỹ", vì điều-kiện dân-sinh tương-đối cao hơn nhiều quốc-gia tại Nam Mỹ và là một quốc-gia dân-chủ tiến-bộ nhất trong vùng. Uruguay có khoảng gần ba triệu rưỡi dân, trong đó khoảng 1 triệu 700 ngàn người sống tại thủ-đô Montevideo. Khoảng 95% dân Uruguay là hậu-duệ của di-dân người Âu châu; ngôn-ngữ chính là tiếng Tây-Ban-Nha và trên 50% dân theo Thiên Chúa giáo.Nhà thám-hiểm Tây-Ban-Nha Juan Diaz de Solis là người Âu châu đầu tiên tìm ra mảnh đất Uruguay, khi ông ta dong thuyền vào eo biển, thực ra là cửa sông Rio de la Plata, năm 1516. Ông đổ bộ lên miếng đất ở phía Ðông thủ-đô Montevideo ngày nay và ông tuyên-bố dành chủ-quyền vùng đất này cho vương-triều Tây-Ban-Nha. Sau đó không lâu, ông bị thổ-dân giết chết tại vùng đất sau này là thành phố Colonia, phía Tây Montevideo. Thuở ấy, mấy tay thám-hiểm Tây-Ban-Nha, Bồ-Ðào-Nha đi thám-hiểm tân thế-giới đều có mục-đích đi tìm vàng, bạc, nhưng vì không tìm thấy quý-kim hay có gì quý giá trên vùng đất này nên các tay thám-hiểm Tây-Ban-Nha bỏ đi và bỏ quên nó luôn trong khoảng 60 năm. Sau đó Tây-Ban-Nha quay trở lại, xây dựng một pháo-đài tại vùng đất nay là thủ-đô Montevideo. Năm 1603, người Tây-Ban-Nha đem bò và cừu đến Uruguay và ngày nay trở thành hai sản-phẩm chính của quốc-gia.Năm 1624, dân Tây-Ban-Nha đến định-cư tại Villa Soriano; năm 1680, dân Bồ-Ðào-Nha đến định-cư tại Colonia del Sacramento. Người Tây-Ban-Nha cai-trị xứ này một thời-gian khá dài. Năm 1811, nhà ái-quốc Josegervasio Artigas đánh thắng một toán quân Tây-Ban-Nha tại Las Piedras. Năm 1816, quân Bồ-Ðào-Nha xâm-chiếm Uruguay, rồi sau đó, năm 1821 sát-nhập Uruguay vào Ba-Tây. Năm 1825, Juan Antonio Lavalleja cùng 33 nhà cách-mạng lưu-vong từ Buenos Aires trở về Uruguay, với sự trợ giúp của quân-đội Á-Căn-Ðình, cố lật đổ nhà cầm quyền Ba-Tây, được một số người ái-quốc phụ giúp, họ tuyên-bố độc-lập với Tây-Ban-Nha và Ba-Tây năm 1825. Năm 1828, Uruguay mới chính-thức dành được độc-lập sau khi Anh Quốc, vì mục-đích thương-mại, muốn ổn-định tình-hình an-ninh trong vùng, làm trung-gian hòa-giải với ba quốc-gia cùng nhòm ngó miếng đất này là Tây-Ban-Nha, Ba-Tây và Á-Căn-Ðình.Uruguay là một quốc-gia dân-chủ, theo tổng-thống chế, chia thành 19 "Vùng", Vùng đầu tiên thành-lập năm 1816, vùng mới nhất năm 1885. Ban lãnh-đạo Vùng do dân trực-tiếp bầu-cử, 5 năm một lần. Uruguay được xem như là một quốc-gia dân-chủ, tiến-bộ và công bằng nhất trong vùng, so với cả hai nước láng giềng to lớn bên cạnh là Ba-Tây và Á-Căn-Ðình. Uruguay là quốc-gia đầu tiên tại Nam Mỹ ban-hành luật làm việc 8 giờ một ngày, 40 giờ một tuần; quyền-lợi của công-dân được bảo-vệ, được bảo-đảm về y-tế và xã-hội, giáo-quyền và chính-quyền độc-lập... Tính dân-chủ và hệ-thống bảo-đảm xã-hội được coi như tiến-bộ thứ nhì tại Mỹ Châu, chỉ sau nước Mỹ.Tối hôm qua tàu Star Princess rời bến Buenos Aires, chạy suốt đêm. Sáng nay, khi tàu cặp bến Montevideo, chúng tôi được xe bus và hướng-dẫn-viên đưa đi thăm trung-tâm thành phố, nơi có nhiều kiến-trúc mang dấu tích nhiều quốc-gia Âu Châu như Pháp, Tây-Ban-Nha, Anh, Ý, Croatia, Nga... thăm Plaza de la Independencia, xuống chụp hình bức tượng vị anh-hùng quốc-gia, dinh Quốc-khách, tòa nhà Quốc-hội... và sau đó xe bus chở chúng tôi lên đường tới một nông-trại cách Montevideo khoảng 30 cây số.Nông-trại Alcarez rộng hơn 3 500 mẫu, thuộc một gia-đình hậu-duệ người Tây-Ban-Nha, nay do một bà "già" khoảng 75 tuổi trông nom. Bà ta có cả thẩy 16 người vừa con, vừa cháu, vừa nội, vừa ngoại, trong số đó có hai người là thú y-sĩ; tất cả đều làm việc trong nông-trại. Trại nuôi bò, cừu, gà, heo... trồng khoai tây và đậu nành... sản-xuất sữa bò, thịt bò, thịt heo, thịt gà, xúc-xích, thịt cừu, lông cừu... Trại nằm sát phía Bắc bờ sông Rio de la Plata. Tại nông-trại, thoạt đầu, họ mời du-khách, khoảng 120 người, lên 10 xe bò, do tractor kéo, đi thăm nông-trại, thăm những khu chăn nuôi... thăm bờ sông Rio de la Plata, thấy sông rộng bát ngát, đứng bên này bờ sông không thấy phía bờ bên kia, nước chảy cuồn cuộn, sóng cao... phù sa đục ngàu.Trở về sân chính của nông-trại, thấy hai ông đầu bếp đang đốt một đống củi thật lớn, lửa cháy phừng phừng... sau đó họ lấy than từ đống lửa này để nướng thịt trên mấy cái bếp dã-chiến gồm mấy tấm lưới sắt rộng cỡ chiếc chiếu, kê nghiêng nghiêng ngoài trời.Một hồi sau chúng tôi được dọn cho món ăn khai-vị gồm thận cừu, thịt cừu, thịt gà, xúc-xích... đặt trên khoảng chục cái bếp nhỏ làm bằng nửa phi dầu, than cháy riu riu phía dưới... tất cả món ăn đều chặt nhỏ cỡ đầu ngón tay, mùi thịt nướng, mùi gia-vị bay toả bát ngát, hấp-dẫn vô cùng... mọi người đứng xung quanh, dùng cái tăm xâm vào miếng thịt, đứng nhai ngon lành... Họ cũng kèm vào đó một món mà họ gọi là "sweet bread", trông như miếng bánh bì nhỏ, làm bằng óc và hạch cổ (?) cừu hay bò; tôi thử một miếng nhưng thấy không ngon miệng nên không ăn. Mấy ông bà Mỹ sau khi ăn một hồi, tới khi biết "sweet bread" này làm bằng gì đều lắc đầu le lưỡi và không ai giám đụng đến nữa. Riêng hai món thận cừu và xúc-xích thì được mọi người chiếu cố tận-tình vì ngon quá cỡ. Tôi than với mấy ông bà quanh bếp rằng, với mấy món khai-vị này, tôi có đủ lượng cholesterol trong máu có thể dùng cho cả tháng ! Họ bật cười, có người nói : "Không sao, cứ ăn đi, khi về mình sẽ ăn kiêng sau... mấy món này quả là khoái-khẩu !".Sau đó nhà bếp dọn món xà-lách. Phòng ăn là một nhà kho, có nhiều cửa lớn, cửa nhỏ, rất thoáng, nhưng có gắn quạt trần... Xà-lách dọn trên ba bàn gỗ thật rộng. Khách sau khi lấy xà-lách đem về những bàn ăn làm bằng mấy tấm ván gỗ thô, ngồi trên những bành cỏ khô, rất có vẻ "đồng quê", "hoang-dã". Xà-lách cũng có đủ loại rau quả, dressings... sạch sẽ, ngon miệng ...Sau đó tới món ăn chính, du-khách sắp hàng ra sân lấy thịt cừu nướng, steak, thịt heo, thịt gà... do bốn năm ông đầu bếp đứng cắt tại trận... Tôi rất thích hai món thịt cừu nướng và steak vì họ ướp gia-vị rất thơm, ngon... thịt rất mềm và nướng vừa chín tới... ăn không chê vào đâu được. Khách ăn được bao nhiêu thì ăn... riêng tôi, sau khi thưởng thức mỗi thứ một miếng thì thấy là đã đủ no cho tới... chiều nên "tha", không ăn nữa !Sau đó là tráng miệng bằng hai ba loại bánh ngọt, hai ba loại cheese sản-xuất tại trại, rồi café, rượu sweet biskot (đây là đặc-sản miền Nam Mỹ, phần chính là rượu Gin, có pha thêm nước trái cây... lại có chút lòng trắng trứng gà nên màu đục đục, nhắp vào thì xộc lên mũi vì nồng-độ rất cao). Tôi chọn tách café latté, trông thì như cafe espresso bên Mỹ nhưng đặc hơn nhiều : cái tách nhỏ nhí, tôi bỏ vào bốn bịch đường Splenda mà vẫn còn thấy đắng !Khi đó, ban vũ gaucho gồm năm vũ-công xuất-hiện. Gaucho là tiếng để gọi mấy tay cao-bồi miền đồng cỏ Nam Mỹ. Họ đội mũ đen rộng vành, mặc áo hơi rộng, dài gần tới đầu gối, quần ống rộng, bỏ vào trong bốt, đôi bốt cao gần tới đầu gối, thắt lưng to bản, lưng giắt con giao găm lá liễu. Họ nhẩy từng cặp, đánh nhịp chân xuống sàn gỗ đôm đốp; hoặc vừa nhẩy vừa múa, hoặc vừa nhẩy vừa đánh trống... Rồi mấy tay gaucho vừa nhẩy vừa đánh hai sợi dây mà đầu dưới có hai cục xương (?), múa hai sợi dây rất nhanh quanh mình rất nhuần nhuyễn... họ lại còn đốt lửa cho cháy sợi dây rồi cũng tiếp-tục nhẩy múa như vậy...Trong khi đó, công-nhân trong trại đã cho di chuyển đến mấy con ngựa cho du-khách, ai muốn cưỡi ngựa thì ra sân cỏ. Ai không muốn cưỡi ngựa có thể ngồi trên tấm thảm da cột vào yên ngựa, ngựa do một tay gaucho điều-khiển, kéo người và tấm thảm chạy chậm chậm một vòng sân cỏ. Họ cũng đem đến một con bò sữa, bọng sữa căng cứng... và chỉ cho du-khách cách thức vắt sữa và thực tập ngay tại chỗ. Một ông gaucho khác đem đến một con cừu lông xù... ông ta trói con cừu một chân trước với một chân sau vắt tréo nhau, thế là con cừu nằm yên thu-lu trên sân, mắt nhìn lơ láo... Ông ta rút ra chiếc kéo thô rất sắc dắt ở thắt lưng và bắt đầu xén lông con cừu xem ra rất nhẹ nhàng và nhanh nhẹn; ông ta cũng hỏi du-khách xem có ai muốn xén thử, nhưng không thấy ai thử. Năm phút sau bộ lông tách khỏi con cừu, trải dài trên sân, con cừu trước đây to lớn xù xụ, nay hết lông, trông còn nhỏ nhí... ông gaucho mở trói, con cừu đứng yên một chút, chắc chờ cho... hoàn hồn, rồi vùng lên chạy vào đồng cỏ, miệng kêu be-be...Cũng trong thời-gian đó, bà chủ trang trại đi tới đi lui nói chuyện với du-khách bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Tây-Ban-Nha... bà cảm ơn du-khách đã đến thăm trang trại và mong sẽ được gặp lại quý khách nữa...Khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi ngỏ lời cảm ơn các công-nhân trong trại, các ông gauchos, các cô giúp việc... và rời trang trại. Xe bus chở chúng tôi về lại tàu mất khoảng 45 phút... nhiều người gật gù ngủ gà ngủ vịt trên xe.Chiều nay 8 giờ, tàu nhổ neo đi Falkland Islands.FALKLAND ISLAND.Falkland Islands là một quần-đảo gồm hai hòn đảo lớn và 776 đảo nhỏ xung quanh, nằm trong Ðại-Tây-Dương, phía cực Nam của Mỹ Châu, cách bờ biển Á-Căn-Ðình 300 miles/ 483 cây số về phía Ðông Nam. Ðảo lớn phía Ðông là East Falkland, đảo kia là West Falkland. Diện-tích tổng-cộng khoảng 4 700 square miles, dân-số 2 967 người. Thủ-phủ Stanley nằm ở phía Ðông bắc đảo East Falkland. Ða số dân-cư sống tại Stanley.Năm 1592, hạm-trưởng người Anh là John Davies tìm ra đảo này, nhưng ông này sau khi thấy hòn đảo, chắc là chán nản quá (!), bỏ đi. Gần 100 năm sau, năm 1690, một hạm-trưởng người Anh khác là John Strong đổ bộ lên đảo và ông ta đặt tên cho hai hòn đảo là Falklands và eo biển nằm giữa hai đảo là Falkland Sound; Falkland là tên vị bá-tước tư-lệnh Hải-quân Anh thời bấy giờ. Năm 1764, một người Pháp lập một trại định-cư tại Port Louis, East Falkland. Năm 1765, chính-phủ Anh phái hạm-trưởng John Byron đến chính-thức chiếm lĩnh quần-đảo Falkland, lập một trung-tâm định-cư tại Port Edgemont, West Falkland. Năm 1769, viên toàn-quyền Tây-Ban-Nha tại Buenos Aires mua trung-tâm định-cư của người Pháp, rồi chiếm cả hai đảo Falkland, kể cả phần đất tại West Falkland của người Anh. Sau một màn phản-đối ngoại-giao, Tây-Ban-Nha trao trả Port Edgemont lại cho người Anh. Năm 1811, cả Anh và Tây-Ban-Nha đều rút khỏi đảo, vì lý-do kinh-tế, bỏ trống hai đảo cho những tàu săn cá voi, tàu săn hải-mã và những bọn cướp biển tự-do ghé đảo nghỉ ngơi hoặc sửa chữa thuyền bè. Năm 1824, một người Ðức tên Louis Verner thiết-lập một trung-tâm định-cư khác tại Port Louis, với sự chấp-thuận của viên toàn-quyền Tây-Ban-Nha tại Buenos Aires; 4 năm sau ông ta được trao cho quyền quản-trị cả đảo East Falkland, và sau đó, chức Thống-đốc hòn đảo. Anh quốc phản-đối. Năm 1831, Mỹ gửi chiến-hạm Lexington đến Falkland, tuyên-bố Louis Verner là một tên hải-tặc, rồi tàn-phá Port Louis. Năm 1833, Anh quốc trở lại tái xác-nhận chủ-quyền quần-đảo Falkland, lập một căn-cứ Hải-quân tại Port Louis. Từ đó đến nay, Anh quốc liên-tục và thường-trực quản-trị quần-đảo Falkland. Trong suốt thời-gian đó, Á-Căn-Ðình chưa từng bao giờ xác-nhận chủ-quyền trên quần-đảo Falkland, cho tới năm 1994, khi Á-Căn-Ðình sửa đổi Hiến-pháp, nghĩa là 12 năm sau cuộc chiến giữa Anh và Á-Căn-Ðình về vấn-đề chủ-quyền quần-đảo Falkland.Ði du-lịch vùng này, khi đến Falkland Islands hoặc khi nói chuyện với người Anh, gọi tên quần-đảo này là Falkland, kẻo bạn bị kết-tội là "tiếp tay cùng quân nhận vơ" ! Nhưng khi ở Á-Căn-Ðình hoặc khi nói chuyện với người Á-Căn-Ðình, gọi tên quần-đảo này là Malvinas, kẻo bạn bị kết-tội là "tòng-phạm với quân xâm-lăng" !
Năm 1982, chính-phủ quân-nhân độc-tài của Á-Căn-Ðình do nhà độc-tài Leopoldo Galtieri lãnh đạo gặp nhiều khó khăn về kinh-tế, nội trị... muốn xoay hướng dân chúng, phát-động lòng ái-quốc của dân mà quên đi những khó khăn nội tại nên quyết-định "giải-phóng" đảo Falklands.Trước đó, một sĩ-quan Anh là hạm-trưởng của chiến-hạm Endurance là Nicholas Barker đã nhiều lần cảnh-báo chính-phủ Anh, vì chiến-hạm này là chiến-hạm duy-nhất của Anh ở miền Nam Ðại-Tây-Dương, đã bị bộ quốc-phòng Anh ra lệnh rút về cuối năm 1981, cho Á-Căn-Ðình cảm-tưởng là người Anh không muốn hoặc không thể giữ được lãnh-thổ Falklands. Tuy nhiên, việc Á-Căn-Ðình muốn tấn-công Falklands không làm Anh quốc ngạc-nhiên, vì Anh quốc trước đó đã mở được khóa mật-mã của Á-Căn-Ðình. Chính-phủ Anh, trưa ngày 1-4-1982 thông-báo cho thống-đốc đảo Falklands là Rex Hunt biết là quân Á-Căn-Ðình sẽ đổ bộ lên đảo trong ngày và chính-phủ Anh cho ông toàn-quyền quyết-định (có nghĩa là rút khỏi đảo hoặc giữ đảo).Trước đó ít ngày, ngày 19-3-1982 quân Á-Căn-Ðình đổ bộ lên đảo South Georgia, cách Falkland Islands 1 390 cây số về phía Ðông Nam, có lẽ vì họ sợ Anh quốc sẽ dùng đảo này làm một căn-cứ phản-công, rồi khuya ngày 1-4-1982 đổ quân lên hai điểm trên đảo East Falkland, tiến về thủ-đô Stanley.Thống-đốc Rex Hunt phối-trí lực-lượng Anh trên đảo, gồm 57 quân-nhân Thủy-quân Lục-chiến, 11 Hải-quân và vài ba chục "nhân-dân tự vệ" trên đảo, tổng cộng khoảng 90 người, phân chia nhiệm-vụ và địa-điểm phòng-vệ. Lực-lượng này thực ra đã là quá "nhiều" tại Falklands, vì Anh quốc không bố-trí nhiều quân trên đảo; sở dĩ có "nhiều" quân như vậy là vì các quân-nhân đang ở trong tình-trạng thay đổi nhiệm-sở, quân-nhân mới tới đồn-trú vừa đến và quân-nhân mãn-hạn chưa kịp rời đảo.Trong khi đó, Á-Căn-Ðình đổ bộ lên đảo 600 quân-nhân tinh-nhuệ thuộc Lực-lượng Ðặc-biệt, nhưng trong thời-gian này, chỉ có 80 quân-nhân Á-Căn-Ðình chạm súng với quân Anh. Sau một vài trận chạm súng nhỏ, quân Á-Căn-Ðình đến bao vây dinh thống-đốc, chạm súng một lần nữa tại đây và Á-Căn-Ðình cho sứ-giả đến khuyên thống-đốc đầu hàng. Sau mấy giờ thương-thảo, phe Anh quốc đầu hàng và Á-Căn-Ðình chiếm xong Falkland Islands. Quân-nhân Anh bị tước khí giới, đưa lên một chiếc phi-cơ C-130, chở sang Uruguay và trả về Anh quốc; các "nhân-dân tự vệ" sau khi bị tước khí-giới, được thư-thả về nhà.Chính-phủ Anh thời đó do bà thủ-tướng Margaret Thatcher lãnh-đạo quyết-định phải chiếm lại Falklands. Tuy nhiên, việc chiếm lại đảo không dễ dàng, vì Falklands ở quá xa chính-quốc tới 8 000 miles; căn-cứ quân-sự gần nhất của Anh đặt tại quần-đảo Ascension, tuy gần xích-đạo nhưng cũng còn cách Falkland tới 4 000 miles.Ngay lập tức, lực-lượng phản-công được thành-lập với Hải-quân Hoàng-gia Anh là lực-lượng chủ yếu. Anh quốc đưa các chiến-hạm từ Gilbralta, một số Hải-đoàn dự-bị cùng một số Hàng-hải thương-thuyền (có nhiệm-vụ chuyển quân), cùng hướng về phía đảo Ascension rồi cùng tiến về Falklands.Thoạt tiên, Hải-quân Hoàng-gia Anh và Thủy-quân Lục-chiến Anh tiến đến giải-phóng đảo South Georgia ngày 19-4-1982 và sau 6 ngày hành-quân, đổ bộ 76 quân-nhân lên đảo, quân Á-Căn-Ðình đầu hàng. Khi này thời-tiết vùng cực Nam bán-cầu đã sang Thu nên sương mù và mưa thường dầy đặc, làm cản trở tầm nhìn, gió mạnh và thời-tiết lạnh.Ðảo Falklands có tất cả 5 sân bay, nhưng chỉ có sân bay Stanley gần thủ-đô là có tráng bê-tông cho phi-cơ lên xuống an-toàn, nhưng phi-đạo lại quá ngắn khiến phi-cơ tác-chiến và oanh-tạc-cơ không hạ cánh được. Bốn sân bay kia chỉ là bãi đáp ngắn trên đất cỏ. Á-Căn-Ðình đặt một số phi-cơ tác-chiến hạng nhẹ và vài máy bay trực-thăng tại sân bay Stanley.
Ðể oanh-tạc lực-lượng Á-Căn-Ðình trên đảo Falkland, đặc-biệt là phi-trường Stanley và các dàn radar của Á-Căn-Ðình trên đảo, Anh quốc dùng oanh-tạc cơ Avro Vulcan B Mk 2, mỗi chiếc có thể mang theo 21 quả bom 1 000 lbs hoặc 4 hỏa-tiễn Shrike chuyên diệt radar. Oanh-tạc-cơ Avro Vulcan là phi-cơ nguyên được dự-trù để chở bom nguyên-tử tầm trung tại chiến-trường Âu Châu, không có khả-năng bay 4 000 miles, từ Ascension tới Falklands và cần phải tiếp-tế xăng trên không mấy lần mới bay tới nơi. Phi-cơ tiếp-tế xăng là loại oanh-tạc-cơ Handley Page Victor cải-biến, tầm bay cũng không khá gì hơn máy bay Vulcan nên chính nó cũng cần phải tiếp xăng như Vulcan trong khi bay, kết-quả là phải cần tới 11 phi-cơ tiếp xăng để có đủ xăng cho hai chiếc Avro Vulcan bay đến mục-tiêu, ném mấy quả bom rồi bay 4 000 miles trở về đảo Ascension ! Thời-gian bay đi và về, mỗi lượt 16 giờ ! Quả là một kỷ-lục trong chiến-tranh. Trong suốt cuộc chiến, có tất cả 5 đợt Vulcan bay đến Falkland.Ngoài ra Anh quốc cũng dùng phi-cơ Sea Harrier FRS Mk 1 (chiến-đấu cơ cất cánh lên thẳng như phi-cơ trực-thăng) cất-cánh từ chiến-hạm Hermes hoặc Invincible, ném bom chùm BL755 xuống phi-trường Stanley và vào những điểm tập-trung quân Á-Căn-Ðình. Trực-thăng cất cánh từ chiến-hạm được dùng để săn tàu ngầm và tàu nhỏ của hải-quân Á-Căn-Ðình, để đổ quân và cũng để chuyên chở quân-cụ từ tàu vào đất liền. Trong thời-gian này thời-tiết rất xấu, sương mù và mưa xuất-hiện liên miên, một số trực-thăng bị rơi vì đụng núi. Trong cuộc chiến này, thái-tử Anh là Andrew cũng tham-dự với tư-cách là một phi-công trực-thăng.
Gần sáng tàu cặp bến. 8 ruỡi chúng tôi xuống khỏi tàu, xe bus chờ sẵn đưa chúng tôi lên thăm thành phố, gồm ba bốn con đường tương-đối lớn, có cửa tiệm, có viện bảo-tàng, cơ-quan chính-phủ, khách-sạn, nhà hàng... rồi họ đưa ra khỏi thành phố, tới đường núi ngoằn ngoèo, khi lên, khi xuống dốc... rồi tới một cao-điểm, cho du-khách xuống chụp hình. Ðoạn đường này là chặng cuối của Pan-American Highway, chạy từ Alaska xuống tới đây. Từ cao-điểm, tôi thấy xa xa phía dưới có một cái hồ khá dài uốn éo qua mấy ngọn đồi, núi... sương mù dầy đặc ngay dưới chân, mưa lất-phất, gió lộng và lạnh... Chụp xong mấy tấm ảnh, tôi cùng hành-khách... vào xe bus ngồi cho khô và ấm. Xe chạy thêm khoảng 20 phút nữa, đưa chúng tôi tới cái hồ đó, có tên là Hidden Lake, xung quanh là núi, rừng cô-quạnh, hoàn toàn yên lặng, tiếng thông reo trong gió... Nơi đó có một khách-sạn khá xinh xắn đang sửa chữa. Bấm vài tấm ảnh, chúng tôi trở lại xe bus và họ chở tới xem một trang trại nuôi chó, có những con chó thuộc loại chó kéo "dog sled" trên Alaska, hàng trăm con, mỗi con có một cái chuồng nhỏ. Trang trại này cho thuê xe và chó, cho du-khách mùa Ðông thuê để du-lịch tuyết băng đồng.Chúng tôi được mời vào nhà ăn, họ đãi snack, gồm hai cái sandwich nhỏ, trái cây, rượu vang, rượu "sweet biskot" và café. Tôi thấy café nơi đây cũng đậm, chẳng khác gì café Uruguay tôi đã được thưởng-thức trong trang-trại Alcarez gần Montevideo.Sau bữa ăn, xe bus đưa chúng tôi về trung-tâm thành phố. Một số khách xuống đó đi mua quà kỷ-niệm, một số về lại tàu. Chúng tôi vào mấy tiệm mua mấy món quà kỷ-niệm... rồi đi xem một Bảo-tàng-viện ghi dấu lịch-sử phát-hiện và phát-triển Tierra del Fuego.Ði ngang một công-viên nhỏ trước dinh Thị-trưởng, chúng tôi thấy có bức tượng bán thân của bà Eva Peron bằng đồng thau sáng loáng, bèn ghé vào chụp vài tấm; bà nguyên là một ca-sĩ, vợ của hai đời thổng-thống nước Á-Căn-Ðình và đã từng được một số lớn dân Á-Căn-Ðình ái-mộ. Chắc quý bạn còn nhớ phim Evita ?Ushuaia cũng còn hai tuyến du-lịch khác nữa mà vì thời-gian giới-hạn, chúng tôi không đi xem được, là Công-viên Quốc-gia Tierra del Fuego, nghe nói phải đi bộ nhiều và qua nhiều vùng ẩm ướt và Tren del Fin del Mundo, "Ðường xe lửa ở Tận cùng Thế-giới". Mong rằng chúng tôi sẽ có thể trở lại trong tương-lai !Chúng tôi đi bộ từ trung-tâm thành phố về lại tàu, chỉ xa chừng hai ba trăm thước, lúc 3 giờ. Chiều nay 5 giờ tàu nhổ neo đi về hướng Tây, tới Strait of Magellan.
Eo biển MAGELLAN.Eo biển Magellan phân chia lục-địa Mỹ Châu với hòn đảo lớn ở ngay phía Nam là Tierra del Fuego. Eo biển rộng khoảng từ 3 tới 15 miles, hơi cong như hình chữ S, trải dài từ Ðông sang Tây, dài khoảng 350 miles/ 570 cây số. Phía Ðông ăn vào Ðại-Tây-Dương, phía Tây ăn vào Thái-Bình-Dương. Năm 1520, thuyền-trưởng Ferdinand Magellan người Bồ-Ðào-Nha làm việc cho quốc-vương Tây-Ban-Nha, là người đầu tiên đi qua eo biển này. Thực ra thuyền của ông Magellan đi trên Ðại-Tây-Dương, bị gió và hải-lưu "đẩy" vào eo biển này và ông phải vất vả 38 ngày sau mới thoát ra được Thái-Bình-Dương vì eo biển có nhiều đảo nhỏ lổn nhổn và nhiều ngõ ngách. Ðêm đêm, ông Magellan thấy thổ-dân đốt lửa trên đảo để sưởi cho ấm, mà ông nghĩ là họ tính phục-kích tàu của ông, ông đặt tên đảo đó là Tierra del Fuego, "Ðất có Lửa". Vì Ferdinand Magellan đi tới eo biển ngày 1 tháng 11, ngày lễ Chư Thánh Tử-Ðạo, ông đặt tên eo biển là Estrecho de Todos los Santos, "Eo biển Chư Thánh". Sau này quốc-vương Tây-Ban-Nha, để vinh-danh ông, đặt lại tên eo biển là Estrecho de Magellanes, "Strait of Magellan".
Magellan PenguinsEo biển tuy có phần nào che chắn được bão táp, gió lộng (có khi lên tới 110 cây số/ giờ) và biển động dữ dội khi Ðại-Tây-Dương đụng Thái-Bình-Dương, nhưng vì eo biển hay bị sương mù bao phủ, lại tương-đối hẹp và ngoằn ngoèo nên hơi khó cho tàu bè qua lại. Tuy vậy, trước khi kênh đào Panama được hoàn-thành năm 1914, thuyền bè từ Ðại-Tây-Dương sang Thái-Bình-Dương hay ngược lại vẫn phải sử-dụng eo biển này.
PUNTA ARENAS.Như trên đã đề-cập, Punra Arenas là thành phố ở cực Nam của lục-địa Mỹ Châu, thuộc về Chí-Lợi và được thành-lập năm 1848. Khoảng giữa thế-kỷ thứ 19, Punta Arenas là nơi "đầy ải" các quân-nhân ba-gai hay bất-trị. Năm 1851 và 1877 có hai cuộc nổi loạn của một số quân-nhân, cuộc nổi loạn đầu sát-hại thống-đốc Munoz Gamero và một tu-sĩ, phá-hoại nhà thờ và một nhà thương. Cuộc nổi loạn thứ hai phá hoại một phần thành phố và sát hại một số dân chúng vô can, nhưng rồi cả hai đều bị dẹp tan.
PUERTO MONTT, Chile.Puerto Montt là một hải-cảng ở miền Trung Nam nước Chí-Lợi, dân-số 176 000 người. Thành phố được đặt tên theo tên tổng-thống Chí-Lợi Manuel Montt, người cầm quyền trong thời-gian 1851-1861. Năm 1848, Tổng-thống là người cho phép các di-dân người Ðức đến khai phá vùng này và định-cư tại đây. Thành phố Puerto Montt được chính-thức thành-lập ngày 12-2-1853.Trước đó, vùng này hoàn-toàn là rừng ôn-đới dầy đặc cây cối... Năm 1848, chính-phủ cho người đến bạt rừng san phẳng một sô đất đai cho di-dân Ðức. Ðây là vùng đồi núi, núi lửa, hồ nước, thác nước, kinh rạch... phong-cảnh khá khác-biệt của một tỉnh miền trung Chí-Lợi. Puerto Montt tọa-lạc tại phía Tây dãy trường-sơn Andes, sương sống của lục-địa Nam Mỹ; phía Ðông trường-sơn là Bolivia và Á-Căn-Ðình. Miền này cũng có những trận động đất kinh người, như trận động đất năm 1963 phá tan tành cả nửa thành phố.Puerto Montt là thành phố xuất-cảng nông-phẩm, lâm-sản, ngư-sản, đặc-biệt là cá salmon nguyên được lấy giống từ Na-Uy, ươm giống trong các vùng sông ngòi, suối... trong vùng. Hai núi lửa Osorno và Calbuco Volcanos vẫn còn ở trong thời-kỳ hoạt-động, thỉnh thoảng nhả ra một cụm khói như nhắc nhở mọi người về sự hiện-diện chết người của chúng... cách thành phố khoảng 52 miles/ 85 cây số. Hai hồ lớn là Esmeralda và Llanquihue cách thành phố chừng 57 miles/ 90 cây số và là hai địa-điểm thể thao như du-thuyền, hòa nhạc... Thác nước Petrohue cách thành phố 52 miles/ 83 cây số... Hai thành phố nhỏ đầy thơ-mộng nằm bên bờ hồ là Fruitillar (32 miles/ 50 cây số) và Puerta Varas (13 miles/ 20 cây số). Ðảo Chiloe nằm trấn ngoài phía Thái-Bình-Dương cách thành phố 57 miles/ 90 cây số. Phi-trường quốc-tế El Tepual ngay cửa ngõ thành phố đón các chuyến bay từ miền Bắc xuống như Lima, Quito, La Paz, Santiago... từ miền Ðông tới như Buenos Aires, Sao Paulo, Puerto Allegre... hoặc từ miền Nam lên như Punta Arenas...Khí-hậu vùng này cũng chẳng khác mấy vùng cực Nam Mỹ Châu : khí-hậu lạnh, gió mạnh, mưa, sương mù, tuyết... muốn đến lúc nào thì đến, muốn đi lúc nào thì đi, muốn quay lại lúc nào thì quay...Vì lý-do bến tàu đã quá chật vì có nhiều tàu đến, du-khách từ tàu Star Princess phải xuống tàu con thoi chạy vào bến tàu của Puerto Montt, mất khoảng 20 phút, sóng đánh tàu con thoi chòng chành. Trời mưa rả rích, gió lạnh... Du-khách líu ríu lên xe bus. Xe bus chạy zích-zắc trong thành phố cho du-khách thấy một số nhà thờ, công-viên, khách-sạn, nhà hàng, công sở, siêu-thị... cùng nhà cửa kiểu cũ, kiểu mới của dân chúng. Sau đó xe hướng về phía Bắc, đưa chúng tôi tới thăm thành phố Frutillar.Frutillar ở phía Bắc hồ Llanquihue tuy nhỏ, nhưng là thành phố có những biệt-thự, nhà thờ, khách-sạn, vườn hoa công hoặc tư... rất đắt giá, nơi có một khu phố Germantown gồm những di-dân Ðức cốt-cán tới định-cư tại đây từ những ngày đầu. Các kiến-trúc trông hệt như một thành phố nhỏ, khá cổ kính bên Ðức, không to lớn lắm, nhưng xinh xắn và gọn ghẽ. Nhà nào cũng có một vườn hoa, cỏ cây chăm xóc, tỉa gọt kỹ-lưỡng. Hàng năm, vào tháng Hai, thành phố tưng-bừng tổ-chức Ðại nhạc-hội quốc-tế, qui-tụ một số ban nhạc lừng danh đến biểu-diễn nơi một nhạc-viện xây cất bên ven hồ, mới khánh-thành năm ngoái. Hồ Llanquihue là cái hồ thiên-nhiên lớn vào hàng thứ ba của Nam Mỹ. Nhìn qua phía Ðông là núi lửa Osorno (phun lửa lần chót hồi cuối thế-kỷ 19) hình-thể cân-đối, đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, được mệnh-danh là "Núi Phú-sĩ của Nam Mỹ". Xe ngừng cho du-khách xuống mua café, bánh ngọt... xem Viện Bảo-tàng của Di-dân Ðức và chụp hình mấy vườn hoa trong mưa... Một số du-khách đội mưa xuống, một số khác ngồi yên trong xe, vì không muốn hưởng-thụ cái ướt và lạnh của Germantown.Nói chuyện cùng cô hướng-dẫn-viên mắt xanh, tóc vàng, hậu-duệ của dân định-cư Ðức trước đây, cô cho biết dân-cư của Puerto Montt không phải chỉ toàn là dân Ðức, còn có hậu-duệ của các giống dân Âu Châu khác nữa, gồm cả một số dân địa-phương lai lung-tung... Tiếng Tây-Ban-Nha là ngôn-ngữ chính. Tại trung-học, học-sinh phải học thêm hai ngoại ngữ nữa là Ðức ngữ và Anh ngữ, thành ra gần như ai cũng nói được ba ngôn-ngữ đó. Du-khách đến Puerto Montt không phải chỉ là người ngoại-quốc, mà chính dân Chí-Lợi ở miền Bắc, miền Nam cũng ghé nơi đây, đặc biệt là khoảng tháng Giêng, tháng Hai, mùa hè của Nam Mỹ... để chiêm-ngưỡng thiên-nhiên xinh đẹp của vùng này, hoặc cũng có thể từ đây, lái xe vượt trường-sơn Andes, sang phía Ðông, là Á-Căn-Ðình, nơi cũng có nhiều phong-cảnh đẹp.Xe bus chở du-khách về trung-tâm thành phố, nơi có mấy cửa tiệm bán đồ kỷ-niệm. Trời vẫn còn mưa, gió, lạnh... Một số người xuống mua xắm. Riêng tôi bước xuống phía trước một casino có mái hiên de ra đường, chụp ảnh mấy con chó hoang chạy rong trên đường phố...Rồi xe bus chở chúng tôi về cầu tàu... chúng tôi lên thuyền con thoi về lại tàu. Lúc này khoảng 3 giờ chiều, tôi thấy đói và mệt. Chúng tôi lên nhà ăn ăn trưa. Nhìn vào thành phố, tôi thấy mưa đã tạnh, nắng vàng trải dài trên thành phố, nhà cửa, bảng tiệm, cây cối, công-viên... màu sắc lung-linh. Thật chán ! Thành phố này coi bộ không có cảm tình với đám du-khách chúng tôi, ít ra cũng là ngày hôm nay.Chiều nay vào 8 giờ tối tàu nhổ neo chạy lên phía Bắc và qua một ngày một đêm, tới hải-cảng Valparaiso.
VALPARAISO, Chile.Valparaiso, theo ngôn-ngữ Tây-Ban-Nha là "Thung-lũng Thiên-đàng", một hải-cảng quan-trọng ở miền trung của Chí-Lợi, cách thủ-đô Santiago 74 miles/ 120 cây số về phía Tây-Bắc, được Quốc-hội Chí-Lợi đặt tên là "Thủ-đô Văn-hóa của Chí-Lợi" năm 2003 và Bộ Văn-hóa của Chí-Lợi mới thành-lập, được đặt tại đây. Mậc dầu thủ-đô của Chí-Lợi là Santiago, nhưng Trụ-sở Quốc-hội của Chí-Lợi lại được đặt tại Valparaiso. Năm 2003, UNESCO công-nhận Valparaiso là "Di-sản Văn-hóa Thế-giới". Valparaiso trước đây do bộ-lạc thổ-dân Changos cư-ngụ, sống bằng ngư-nghiệp và săn thú. Năm 1536, hạm-trưởng Juan de Saavedra đổ bộ lên vùng này và ông đặt tên thành phố là Valparaiso, theo tên ngôi làng nơi mà ông sinh ra, là Valparaiso de Arriba, ở vùng Cuenca, Tây-Ban-Nha.
Trong thời-gian Tây-Ban-Nha cai-trị xứ này, Valparaiso chỉ là một làng nhỏ, có khoảng trăm căn nhà và một nhà thờ. Sau khi dành được độc-lập, chính-phủ Chí-Lợi phát-triển Valparaiso thành một hải-cảng quan-trọng, một căn-cứ lớn của Hải-quân Chí-Lợi, một trung-tâm Văn-hóa quan-trọng. Valparaiso cũng là một hải-cảng cung-cấp nhu yếu-phẩm cho tàu bè đi lại giữa Ðại-Tây-Dương và Thái-Bình-Dương qua Hảo Vọng-giác và Strait of Magellan ở phía Nam; không những thế, Valparaiso còn cung-cấp và hỗ-trợ công việc đi tìm và khai-thác Vàng tại California trong khoảng thời-gian 1848-1858. Vì vị-trí thuận-lợi và quan-trọng, Valparaiso còn thu hút cư-dân các quốc-gia Âu Châu như Anh, Ðức, Pháp, Thụy-sĩ, Ý, Croatia, Tây-Ban-Nha... đến lập-nghiệp. Các di-dân đã đóng góp các sinh-hoạt tại Valparaiso như người Anh đem túc-cầu đến Chí-Lợi, người Anh mở trường "The MacKay School"; người Pháp thành-lập trường Công-giáo tư đầu tiên tại Chí-Lợi khoảng 170 năm nay, là "Le Collège de Les Sacrés Coeurs"; người Ðức mở trường "Die Deutsche Schule", thành-lập cơ-quan Cứu-hỏa Tình-nguyện tại Chí-Lợi và vẫn phục-vụ theo thể-thức ấy cho tới nay. Valparaiso có cơ-sở Mua bán Cổ-phiếu đầu tiên tại Nam Mỹ, có Thư-viện Công-cộng đầu tiên, có tới 9 truờng Ðại-học và có tờ báo bằng ngôn-ngữ Tây-Ban-Nha xuất-bản liên-tục và lâu đời nhất trên thế-giới !Valparaiso bỗng nhiên mất uy-thế và sự phồn-thịnh thương-mại, khi kinh-đào Panama được khánh-thành năm 1914. Tuy vậy, dần dần, Valparaiso cũng ngóc đầu trở dậy được và trở thành một trung-tâm du-lịch, văn-hóa, giao-thông, thương-mại... Trung-tâm thành phố có khoảng 276 000 dân, nhưng toàn-thể Valparaiso và vùng phụ-cận có khoảng 803 000 dân, thành phố lớn thứ 6 trên toàn-quốc. Valparaiso cũng như nhiều thành phố tại Chí-Lợi, bị động đất đe doạ; trận động đất lớn nhất tại đây năm 1906 san bằng một phần thành phố và giết hại 20 ngàn dân.Ngày nay du-khách ghé Valparaiso sẽ lấy làm ngạc-nhiên khi thấy thành phố có những đường phố ngoằn ngoèo, nhiều ngôi nhà xây cất cheo leo trên đỉnh đồi và sườn đồi, đường xe điện dốc gần như 45 độ... nhiều kiểu kiến-trúc Âu Châu, không nhất-thiết là kiểu Tây-Ban-Nha như nhiều thành phố khác...Hôm nay, 11-4-2008 cũng là ngày chót của chúng tôi trên du-thuyền Star Princess.8 giờ rưỡi sáng, chúng tôi rời tàu; hành-lý nhân-viên trên tàu đã lấy đi từ tối hôm qua và tối nay chúng tôi sẽ nhận lại tại phi-trường Santiago trước khi lên máy bay.Xe bus chở chúng tôi ra làm thủ-thục hải-quan rồi lên xe bus khác chở ngang qua thành phố Valparaiso, lên đường tới thăm Concha Y Toro, một xưởng chế-biến rượu nho nổi tiếng của Chí-Lợi gần thủ-đô Santiago. Xe lên Pan-American Highway, xa-lộ nối liền lục-địa Bắc và Nam Mỹ, từ Alaska tới Trung Mỹ, tới Nam Mỹ và kết-thúc tại đảo Tierra del Fuego. Xa-lộ thẳng tắp và êm ru !
Dọc đường, xe bus ngừng tại một tiệm bán đồ kỷ-niệm và để du-khách dùng Banos, Phòng vệ-sinh Nam Nữ; dùng Phòng vệ-sinh này du-khách phải trả tiền, 25 centavos tiền địa-phương, khoảng mấy cents Mỹ; nếu không có 25 centavos, du-khách phải trả nguyên một dollar vì dân Chí-Lợi không chi-tiêu bạc cắc của mấy anh gringo !Sau đó xe bus chở chúng tôi tới xưởng chế-biến rượu nho Concha Y Toro, rộng lớn hàng ngàn mẫu. Xưởng nguyên của hậu-duệ người Tây-Ban-Nha, đã sản-xuất lối 30 loại rượu, từ khoảng 150 năm nay. Cậu thanh-niên hướng-dẫn-viên của hãng rượu tên Eduardo nói tiếng Anh hơi có accent, nói diễu rất có duyên và cậu chọc cười du-khách liên-miên... dẫn du-khách đến thăm ngôi nhà chính, nơi chủ-nhân trước kia cư-ngụ, nay là văn-phòng của hãng... dẫn du-khách đến một hầm rượu, cậu mở rượu vang ra đãi khách và biếu mỗi người một cái ly có tên hãng và yêu cầu du-khách giữ cái ly trên tay vì cậu ta sẽ còn đãi rượu nữa... nếu du-khách làm mất ly là mất rượu ! Du-khách cũng được biếu cái ly đó đem về làm kỷ-niệm. Rồi cậu dẫn du-khách ra ruộng nho, chỉ cho thấy có bao nhiêu loại nho, nho nào làm rượu gì, sản-lượng mỗi cây được khoảng 30 ki-lô, nhưng hãng hạn-chế chỉ cho mỗi cây sản-xuất khoảng 8 ki-lô để giữ cho phẩm-chất nho được tốt và đậm đà. Con mắt không chuyên-môn nhìn vào thì chỉ thấy có hai loại nho là nho đỏ và nho trắng quả nào quả nấy chỉ bằng đầu ngón tay út ! Riêng tôi, xin thú thật, tôi có "thủ-tiêu" hai quả, một quả nho đỏ và một quả nho trắng để nếm thử ! Các du-khách khác không thấy chùm nho nào cả, hỏi cậu Eduardo, cậu mỉm cười cho biết, mỗi khi toán du-khách 71 người đến đây (đó là tổng-số du-khách của hai xe bus thuộc nhóm chúng tôi mà cậu đã kín đáo đếm từ bao giờ !) thì tối-thiểu luống nho này cũng bị mất 71 quả, hoặc 142 quả ! Tưởng tượng, nếu có 10 chuyến du-khách một ngày, 30 ngày một tháng... nhưng không sao, cậu mời du-khách cứ thử ! Mấy luống nho gần đường nhất đã bị du-khách "thử" hết rồi, muốn tìm được quả nho, xin mời du-khách phải bước vào sâu vài luống...Cậu Eduardo dẫn du-khách về căn nhà ngang, cậu lại đem rượu vang ra đãi khách và giảng giải về đặc-tính của loại vang này... Cậu đưa du-khách xuống thăm hầm rượu, chỉ cho thấy hai loại thùng gỗ chứa rượu, một loại làm bằng gỗ oak của Mỹ (hãng mua thùng rỗng, 250 đô-la một thùng), một loại làm bằng gỗ oak của Pháp (450 đô-la một thùng); rượu nho sau khi chế-biến được chứa trong thùng đó cho tới khi "chín mùi" thì đem đóng chai. Thùng bằng gỗ oak đó dùng được năm lần, sau đó, đem thùng bán cho những hãng làm rượu mạnh, giá chỉ còn 25 đô-la một thùng ! Kế đó cậu lại mở rượu đã khách, chỉ cho khách thấy sự khác biệt của "vị" của rượu đựng trong thùng oak Mỹ và thùng oak Pháp. Sự khác-biệt chỉ là tùy sở-thích cá-nhân, vị "dịu" hoặc "gắt" !Rồi cậu dẫn du-khách về cửa tiệm bán rượu và các đồ kỷ-niệm khác của hãng... với đủ loại rượu vang, đủ mọi loại chai, khách có thể mua từng chai, hoặc nhiều chai đóng trong một hộp gỗ trông thô-sơ nhưng mỹ-thuật... Hãng cũng phụ-trách gửi rượu về Mỹ cho du-khách, nếu du-khách muốn, chỉ cần du-khách đưa cái Thẻ Tín-dụng ra cho cô bé bán hàng bé bé xinh xinh của hãng "cà" một cái !Rời hãng chế rượu vang, xe bus chạy khoảng 15 phút, đưa chúng tôi tới một nhà hàng kiểu trang-trại, La Vaquita Echá, nằm sâu trong con đường làng nhỏ hẹp... Họ dọn cho ăn bữa cơm "đồng quê", gồm đầy đủ cả món khai-vị, xà-lách, rượu vang trắng, vang đỏ, rượu "sweet briskot"; món ăn chính là cá salmon hoặc steak, cả hai đều là sản-phẩm địa-phương ! Rồi món tráng miệng bằng trái cây, uống café...Trong khi du-khách dùng bữa, một ông nhạc-sĩ đội mũ rộng vành, ôm cây đàn guitar, đi tới đi lui, hát những bài hát quen thuộc của miền Nam Mỹ; sau đó, ông ta đi từng bàn ngửa mũ... tôi nghĩ sau khoảng 15 phút trình-diễn, ít ra ông ta cũng thu được 60 đô-la của du-khách (theo IRS, tính ra 240 $ một giờ, một số lương khá cao !). Rồi một cặp trai gái, chàng là gaucho miền đồng ruộng, nàng là thôn-nữ nõn nà... ra nhẩy mấy điệu nhạc đồng quê Nam Mỹ giúp vui...Sau bữa cơm, chúng tôi giã từ chủ quán, xe bus chở chúng tôi lên Pan-American Highway một lần nữa, hướng về thủ-đô Santiago.
SANTIAGO.
Santiago, thủ-đô của nước cộng-hòa Chí-Lợi, do Pedro de Valdivia, một tay conquistador người Tây-Ban-Nha thành-lập ngày 12-2-1541, vì nơi này cao ráo, khí-hậu tốt và dễ phòng-thủ, mới đầu, chỉ có vài chục căn nhà. Không lâu sau đó, ngày 11-9-1541, xếp Michimalonco, thủ-lãnh thổ-dân Amerindian đem quân đến tàn phá thành phố thành bình-địa !Dần dần rồi thành phố cũng thành hình. Trong cuộc chiến dành độc-lập 1810-1818, thành phố bị hư hại một phần; năm 1818 khi quốc-gia được độc-lập, Chí-Lợi chọn Santiago làm thủ-đô.
Trong thế-kỷ 19, Santiago vẫn còn là một thành phố nhỏ, mấy kiến-trúc tương-đối lớn là Palacio de La Moneda là Viện phát-hành giấy bạc, mấy công-sở và mấy nhà thờ. Nhà thờ Compania de Jesús bị hỏa-hoạn thiêu rụi năm 1863 làm thiệt-mạng 2 000 người, là một tại-nạn đáng tiếc. Ðầu thế-kỷ 20 mới có một số kiến-trúc lớn được xây cất như Thư-viện Quốc-gia, Bảo-tàng-viện Quốc-gia và Nhà Ga Trung-ương...
Từ 1930 về sau, thành phố mới phát-triển nhanh và mạnh, vì dân chúng đổ về thủ-đô, kinh-tế, giao-thông, thương-mại... đều tăng-trưởng. Các kiến-trúc có nhiều nét khác nhau như Pháp, Ý, Anh, Tây-Ban-Nha...Trường-sơn Andes nằm ở phía Ðông thành phố, với các núi lửa Tapungato, Tupungatito, San Jose, Maipo... xung quanh. Trận động đất dữ dội năm 1985 tàn phá một số kiến-trúc ở trung-tâm thành phố.Ngày nay, Santiago 6 triệu 700 ngàn dân, là một trong ba thành phố lớn nhất Nam Mỹ, là Santiago, Buenos Aires và São Paulo. Thành phố hiện có 16 viện Bảo-tàng và 33 trường Ðại-học. Khi chúng tôi đến trung-tâm thành phố khoảng 2 rưỡi chiều, Plaza de Armas, công-trường chính gần như đông nghẹt người, xe không được phép đậu... một số du-khách muốn xuống chụp hình, cô hướng-dẫn-viên cũng chiều ý du-khách cho một số du-khách xuống với điều-kiện cô sẽ trở lại đón trong vòng 10 phút, ông tài xế phải lái xe chạy lòng vòng quanh công-trường. Tôi cũng nhẩy xuống theo, cấp-tốc chụp mấy cái tượng và sinh-hoạt buôn bán, trưng bày tranh ảnh, sản-phẩm, đồ chơi quanh đấy. Xong 10 phút, xe bus đến chở chúng tôi đi xem trung-tâm thành phố, với đủ mọi loại, mọi kiểu kiến-trúc của đủ mọi quốc-gia... nhiều nhà hàng của Pháp, Ðức, Ý, Trung-hoa... không biết có tiệm Phở nào không...Santiago có nhiều công-viên khá sạch sẽ, gọn gàng... chó chạy long nhong. Trả lời thắc mắc của tôi, cô hướng-dẫn-viên cho biết vì việc triệt-sản chó cái tốn khoảng 60 đô-la, một số tiền khá lớn so với lợi-tức của một thường dân Nam Mỹ, nên nhiều người chỉ giữ chó đực trong nhà, còn chó cái đem thả rông ngoài đường, đó là những con chó hoang mà tôi thấy ! Thành phố có quá nhiều công-trình đang xây cất, cần-trục ngất ngưởng trên trời : hãng xưởng, văn-phòng, trụ-sở, cơ-quan... và cư-xá : những cao-ốc với hàng trăm đơn-vị gia-cư, mỗi đơn-vị từ 1 tới 4 phòng ngủ.Santiago có một ngọn đồi, Cerro San Cristóbal, cao khoảng 800 mét, có đường xe điện dốc 45 độ đưa du-khách lên xuống. Từ trên có thể thấy tổng-quát cả thành phố. Trời chiều mù mù, gió tuy nhẹ nhưng lạnh, nắng quái buổi chiều vàng và yếu... tôi chụp mấy tấm ảnh panorama xuống thành phố rồi theo xe điện xuống núi.5 giờ chiều, xe bus chở du-khách tới khách-sạn Hyatt, tập-trung trước khi đưa ra phi-trường Santiago. Hành lý do nhân-viên du-thuyền thu-thập của du-khách từ tối hôm qua đã được xắp xếp đâu vào đấy tại cửa phi-trường. Nhân-viên phi-trường xếp hành-lý của chúng tôi lên xe đẩy tới cửa check-up vé máy bay... công việc phối-hợp thật chính-xác, nhẹ nhàng và thự-tự... Chúng tôi sắp hàng để check-in, hàng khá dài vì đa số là du-khách trở về Mỹ. 8 giờ, chúng tôi qua hàng rào thuế-quan và cư-trú, lên phòng chờ. 10 giờ tối phi-cơ cất cánh... 12 giờ, phi-cơ ghé lại phi-trường Lima, Peru khoảng một tiếng cho một số hành khách xuống, một số hành khách khác lên... rồi bay tiếp. Phi-cơ hạ cánh xuống phi-trường Los Angeles lúc 7 giờ 15 sáng...Ðây là lần đầu tiên chúng tôi du-hành tới Nam Mỹ. Với tôi, chuyến đi thật là thích thú và bổ ích... tôi học được nhiều điều đáng gọi là mở mang kiến-thức. Tôi có muốn quay lại đó lần nữa không ? Chắc chắn là có. Chuyến tới có thể chúng tôi sẽ bay xuống Nam Mỹ, thuê xe và lái đi đây đó theo ý của mình... Chuyến này có lẽ sẽ còn lý-thú hơn nhiều và tôi nghĩ rằng tôi sẽ viết được một bài hấp-dẫn hơn và chụp được nhiều ảnh đẹp hơn...Lê-Ngọc-MINH
No comments:
Post a Comment