Tuesday, September 20, 2011

Cruise Đông Bắc Mỹ & Canada

Sau những chuyến du thuyền (cruise) khởi hành từ Florida, Los Angeles, Seattle... tôi muốn tìm xem có chuyến cruise nào khởi hành từ miền Ðông Bắc nước Mỹ hay không. Tôi khám phá ra ở đó cũng có rất nhiều cruise đưa du khách thăm viếng các nơi.
Thành phố New York xinh đẹp nhìn từ tàu Carnival.
Chọn thành phố New York là điểm đến đầu tiên, tôi tìm hiểu về các cruise khởi hành từ đây.
Những chuyến cruise khởi hành từ New York:
Từ New York, chúng ta có thể đi cruise về đâu? Xin giới thiệu một vài tua như sau (theo thời giá năm 2010):
1. Từ New York đi Âu Châu: chuyến đi kéo dài 17 ngày đêm do hãng Costa Cruise tổ chức. Tàu sẽ ghé Boston, Halifax, Sydney (trùng tên, thành phố này thuộc Canada chớ không phải ở Úc), 5 ngày trên biển, sau đó tới La Havre (Paris), Dover (London), Bremerhaven (Ðức) và Copenhagen (Ðan Mạch). Giá tua rẻ nhứt là 900 đô la.
Tàu rời bến.
2. Từ New York đi Caribbean: chuyến đi kéo dài 8 ngày đêm do hãng Carnival tổ chức. Tàu sẽ ghé Grand Turk, Half Moon Cay, Nassau (Bahamas) và trở về New York. Giá tua rẻ nhứt là 800 đô la.
3. Từ New York lên Canada rồi trở lại: chuyến đi kéo dài 7 ngày do hãng Carnival tổ chức. Tàu sẽ ghé Boston, Portland, Halifax, Saint John. Giá vé rẻ nhứt là 480 đô la. Các hãng tàu khác như Princess, Norwegian cũng có chuyến đi tương tự nhưng giá mắc hơn và ghé nhiều thành phố hơn thậm chí đi vào tận Quebec-Canada. Chương trình này cũng hấp dẫn lắm nhưng du khách cần phải có nhiều ngày nghỉ.Các thành phố cảng khác ở miền đông bắc như Boston, Baltimore... cũng có các chuyến đi tương tự, nhưng bạn nên chọn cruise từ New York vì thành phố này có nhiều thắng cảnh rất đẹp để thăm viếng nếu bạn có thì giờ và tiền bạc.
Thành phố New York với những nhà chọc trời cao ngất.
Mua vé:
Tôi chọn chuyến cruise của hãng Carnival. Chuyến đi 7 ngày khởi hành ngày 2 tháng 10, 2010 sẽ từ New York qua Boston, Portland, Halifax và Saint John rồi trở về bến cũ. Chuyến đi này gọi là Canada... New England Cruise. Chúng tôi chọn mua vé đi vào đầu tháng 10 với hy vọng sẽ được ngắm lá vàng mùa thu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có đôi chút lo lắng về thời tiết vì mùa bão ở Ðại Tây Dương kéo dài từ tháng 6 tới tháng 11, mạnh và nhiều nhứt là hai tháng 8 và 9. Hy vọng chúng tôi sẽ không bị bão “rớt” vào tháng 10.
Ca nhạc và khiêu vũ trên tàu.
Ðể được giảm 20% giá vé, từ tháng 3, 2010 tôi đã mua vé tàu với giá 470 đô la một người và vé máy bay từ Los Angeles qua New York với giá 250 đô la một người (khá rẻ!). Tôi sẽ bay từ đêm Thứ Sáu, 1 tháng 10, tới New York sáng Thứ Bảy, 2 tháng 10, lúc 8 giờ sáng để có dư thì giờ di chuyển từ phi trường về bến tàu để lên tàu lúc 12 giờ trưa.
Ðể đến New York chúng ta có 3 phi trường để lựa chọn:
Phi trường La Guardia (LGA): nằm gần Manhattan. Ðây là phi trường nội địa dành cho các chuyến bay gần. Tuy nhiên, từ Los Angeles, ít có chuyến bay đáp trực tiếp xuống phi trường này.
Phi trường Newark (New Jersey): nằm cách Manhattan khoảng 25 km. Các chuyến bay đến phi trường này đôi khi có giá rẻ hơn hai phi trường còn lại là La Guardia và JFK.
Phi trường quốc tế John F. Kennedy (JFK): đây là phi trường lớn nhứt với các chuyến bay nội địa và quốc tế. Từ Los Angeles có chuyến bay trực tiếp đến đây. Tuy nhiên từ phi trường về trung tâm thành phố cũng hơi xa.
Chúng tôi sẽ bay từ Los Angeles (LAX) qua New York với hãng American Airline và sẽ đáp xuống phi trường quốc tế JFK.
Bay qua New York:
Trước ngày đi một tuần, tự nhiên, cái răng cấm của tôi lại nhức quá. Ði nha sĩ thì mới hay răng bị sâu khá nặng. Ông nha sĩ đục lỗ, cho thuốc trám tạm với hy vọng tôi sẽ bớt đau. Ðợi khi đi chơi về sẽ trám kỹ. Rút kinh nghiệm này, trước khi đi du lịch một, hai tháng, ta nên coi lại hàm răng, nếu có vấn đề gì thì đi chữa sớm. Ðợi tới gần ngày mới hay thì cũng rắc rối, sợ lên tàu mà nhức răng thì mệt lắm.
Cầu treo Verrazano, có nhịp giữa dài nhứt Bắc Mỹ
May là răng tôi không đau nặng nên tôi có thể khởi hành mà không phải trở lại khám nha sĩ một lần nữa trước khi đi.
Tối ngày 1 tháng 10, 2010, theo chương trình, chúng tôi rời khỏi nhà lúc 9:30. Chuyến bay của hãng American Airline khởi hành lúc nửa đêm hướng về phía Ðông. Sau hơn năm giờ bay, chúng tôi tới phi trường JFK (New York) khoảng 8 giờ sáng. Do có nhiều thời gian nên chúng tôi tà tà đánh răng, súc miệng, và ăn sáng ở phi trường. Sau đó chúng tôi mới ra ngoài tìm hiểu đường đi tới bến tàu.
Phương tiện di chuyển công cộng ở New York:
Ðể đi từ phi trường về bến tàu Carnival ở Manhattan ta có thể sử dụng một trong nhiều phương tiện:
Ði taxi: giá quy định là 50-60 đô la một chuyến, thời gian di chuyển là khoảng 1 giờ tùy tình trạng giao thông. Xe chở tối đa bốn người. Nếu có hai gia đình cùng đi thì đây là cách rẻ tiền và tiện lợi. Một gia đình thì hơi mắc.
Xe điện ngầm kết hợp với taxi: Ði xe điện của phi trường (Airtrain JFK) ra trạm xe điện thành phố. Sau đó đi xe điện về trung tâm. Rồi phải đi taxi tới bến tàu. Tiền xe sẽ rẻ hơn nhưng cực hơn đi taxi.
Shuttle: Ði chung xe từ phi trường về thẳng bến tàu. Giá vé là 18.5 đô la một người. Rẻ hơn taxi một chút, nhưng phải chờ khách cho đủ chuyến. Chúng tôi chọn đi theo cách này nên phải chờ hơn 30 phút mới có xe. Ðồng thời, xe còn đón và đưa nhiều người khác nên bạn chú ý không nên chọn cách này nếu không có dư thời giờ như chúng tôi.
Xem cảnh New York miễn phí:
Hơn 10 giờ sáng ngày 2 tháng 10, 2010, chúng tôi lên xe shuttle. Ðây là một xe van có thể chở được 7-10 người. Xe còn đón thêm nhiều người nữa trước khi rời phi trường về New York. Thời tiết hôm nay thật dễ chịu, khác xa ngày hôm qua bị “mưa gió tơi bời” theo lời kể của anh tài xế. Một cơn bão rớt đã quét qua New York đem theo mưa lớn và gây nhiều lụt lội. Chúng tôi may mắn tới chỉ sau có một ngày mà trời nắng ráo rất đẹp tuy hơi lạnh một chút. Từ phi trường JFK về ngoại ô New York xe chạy thong thả vì hôm nay nhằm ngày Thứ Bảy. Chỉ tới khi vào khu trung tâm thì mới thấy xe cộ đông đảo. Xe phải chạy vòng vòng nhiều nơi để cho hành khách xuống như các khách sạn, nhà ga, bến tàu... Mà trạm của chúng tôi lại là trạm chót nên chúng tôi có dịp ngắm cảnh New York miễn phí. Chúng tôi có dịp thấy Quảng Trường Time Square với đông đảo du khách, khu Broadway nơi có những rạp hát nổi tiếng và những con đường không có ánh sáng mặt trời vì những cao ốc cao tận trời xanh đã che hết ánh sáng. Ðồng thời, chúng tôi cũng thấy cảnh giao thông khá hỗn loạn của New York khi đường bị kẹt ở rất nhiều nơi. Ða số xe ở New York là các xe taxi màu vàng. Mà các vị tài xế taxi này chạy rất... ẩu. Họ không kể làn xe gì hết. Cứ chen lấn mà tới. Ông tài xế xe shuttle của chúng tôi cũng không vừa. Ông ta cũng lấn tới mỗi khi có khoảng trống. Ðường sá thì hẹp và không bằng phẳng. Khách đi đường thì rất đông đảo. Mà họ cũng hấp tấp băng qua đường chớ không chịu chờ đèn như ở các nơi khác. New York quả là một nơi hơi... lộn xộn. Ði vòng vòng New York cũng lâu, cuối cùng chúng tôi cũng được đưa tới bến tàu số 90 nơi chiếc Carnival Glory đang chờ đợi đón khách lên đường. Lúc này cũng đã gần 12 giờ trưa.
Thủ tục lên tàu:
Có khá nhiều du khách đến bến tàu lúc này nên họ phải sắp hàng khá dài. Chúng tôi tới sớm và đã chuẩn bị điền sẵn các chi tiết cần thiết từ Internet nên thủ tục lên tàu rất nhanh, chỉ cần đưa passport và thẻ tín dụng cho nhân viên làm giấy tờ thì sẽ có ngay thẻ Sail & Sign để lên tàu. Chỉ hơn 30 phút là chúng tôi đã có mặt trên tàu. Do còn sớm nên chưa có phòng mà phải kéo cả hành lý để lên lầu 9 mà ăn trưa tại nhà hàng buffet tên là Red Sail.
Lộ trình chuyến du ngoạn New England và Canada.
Tới gần 2 giờ, chúng tôi mới có phòng. Tương tự như các kỳ trước, phòng của chúng tôi tuy nhỏ nhưng đủ tiện nghi và sạch sẽ. Nghỉ ngơi một chút, tôi lên làu 10 để ngắm New York từ tàu Carnival.
New York nhìn từ tàu Carnival:
Bến tàu Carnival nằm trên bờ đông của sông Hudson gần góc đường 12th Ave. và đường 55th St. Khu này gọi là Upper West Side. Từ tầng 10 của tàu Carnival, thành phố New York hiện ra thật hoành tráng. Ở phía Nam là những tòa nhà chọc trời cao ngất tận mây. Trước mặt, bên tay phải là một du thuyền vĩ đại của hãng MSC. Phía sau là một Hàng Không Mẫu Hạm. Bên tay trái là một xa lộ rộng rãi trên đó xe cộ chạy như mắc cửi. Xa hơn là một chiếc cầu treo. Nhìn qua phía Ðông là tiểu bang New Jersey, nhà cửa thấp hơn một chút đồng thời có nhiều cây xanh hơn. Trên sông, tàu thuyền đi lại đông đúc. Cảnh tượng ở đây thật vui vẻ và đầy sinh động.
Giã từ New York:
Lúc 3:15, chúng tôi phải thực tập cấp cứu. Tàu này cũng dễ, chỉ cần ra đúng chỗ tập trung ở tầng 4 chớ không cần đem phao ra. Việc thực tập này có vẻ hình thức cho đúng thủ tục chớ không thực tiễn.
Hơn 4 giờ, tàu hụ còi và tách bến. Ða số du khách đều lên tầng 9 hay 10 để tham gia Sail Away Party để nhảy nhót theo tiếng nhạc hay xem cảnh New York khi tàu di chuyển trên đường ra cửa biển.
Thành phố New York dọc theo đoạn đường sông Hudson từ bến tàu ra biển thật đẹp. Dọc bờ là những nhà hàng, tiệm ăn, cầu tàu nhỏ. Xa hơn là những cao ốc cao tới tận trời xanh. Chúng tôi thấy có một Hàng Không Mẫu Hạm với những chiếc máy bay nhỏ trên sàn tàu. Tuy nhiên so với chiếc du thuyền MSC kế bên thì Hàng Không Mẫu Hạm này không lớn bằng. Chúng tôi cũng thấy tòa nhà chọc trời Empire State Building ở xa xa. Tuy nhiên chúng tôi lại không nhận ra được khu Tòa Tháp Ðôi đã sụp đổ nằm ở chỗ nào. Chiều nay nắng đẹp nên chụp hình rất thích. Trong gần 30 phút, chúng tôi có dịp ngắm cảnh thành phố New York thật vĩ đại và hoành tráng. Thảo nào có một du khách ở Nebraska cho biết, ông ta chọn tua du thuyền này chỉ vì để ngắm cảnh New York khi tàu khởi hành ra biển mà thôi.
Lúc này tàu đã ra gần tới cửa biển. Bên tay phải là tượng Nữ Thần Tự Do đang đưa cao ngọn đuốc chỉ đường. Tuy nhiên vì nhìn xa lại ngược sáng nên trông tượng nhỏ xíu không gây ấn tượng gì cho lắm.
Ðiều làm cho bà con nín thở là khi tàu chạy ngang dưới dạ cầu Verrazano là chiếc cầu treo có nhịp giữa dài nhứt Bắc Mỹ - 1280 mét. Cầu này bắc ngang cửa sông Hudson. Sàn cầu thấy rất cao so với mặt nước, thế nhưng du thuyền này cũng cao quá. Khi tàu chạy ngang dưới dạ cầu thì ta thấy hình như đỉnh đài ra đa và ống khói của tàu sắp quẹt vào đáy sàn cầu. Khoảng cách còn lại chắc không hơn 1 mét. Ðối với du khách thì trông thật là hú vía, nhưng tuần nào tàu cũng ra vô như vậy vì thông khoảng khi làm cầu phải bảo đảm cho tàu lưu thông dưới cầu mà không va chạm. Nếu không thì người ta đã không cho tàu vào rồi. Ðúng là sợ hảo thôi. Nhưng nhìn thấy thì cũng hơi sợ đó bạn ơi!Khi tàu đã ra cửa biển thì chúng tôi về phòng chuẩn bị đi ăn tối.
Tối đầu tiên trên tàu:
Ăn tối: Như đã trình bày trong các bài trước, ăn tối trên tàu gồm ba giai đoạn: ăn chơi, ăn thiệt và tráng miệng. Khách có thể gọi mấy món cũng được. Các món ăn đều ngon và thuộc loại mắc tiền như tôm hùm, tôm thẻ, thịt bò, cá hồi, thịt trừu,... Trong buổi ăn, một điều có thể làm khách Việt hơi bối rối, đó là chúng ta sẽ có dịp tiếp xúc và nói chuyện với những người ngoại quốc xa lạ ngồi cùng bàn. Tuy nhiên chúng tôi dễ làm quen và không mắc cỡ nên cũng dễ cư xử và giao thiệp. Nếu bạn không thích giao tiếp thì khi mua vé nên nói rõ với công ty tàu biển thì có thể họ sẽ xếp riêng cho bạn một bàn 2 người. Phần tôi thì: sao cũng được. Có khi nhờ nói chuyện với những người cùng tàu mà biết thêm được vài chuyện vui để kẻ hầu quý bạn. Trên chuyến tàu này, chúng tôi ngồi chung bàn với ông bà Lou và Rose, người ở tiểu bang Nebraska. Từ từ tôi sẽ kể những chuyện nghe được về các cuộc du ngoạn của hai người bạn mới này.
Ăn tối xong, chúng tôi ra phía trước tàu ở tầng ba để xem người ta mua sắm. Tối nay có bán hạ giá các mặt hàng miễn thuế như rượu và thuốc lá. Theo bảng giá thì nói hạ giá tới 50% nên tôi thấy thiên hạ sắp hàng mua quá chừng. Mới tối đầu tiên mà đã hạ giá rồi. Vấn đề là khi bạn mua rượu, họ không giao hàng liền đâu mà chờ tới ngày về mới giao hàng để bạn đem về Mỹ chớ không được khui ra để uống trên tàu.
Xem show Chào Mừng Du Khách:
Show này bắt đầu lúc 10 giờ. Mở đầu là một màn ca nhạc của vũ đoàn Carnival Glory gồm 4 nam và 9 nữ. Sau đó anh Trưởng Ban Ăn Chơi (Cruise Director) người Anh, tên là Gary, lên chào mừng du khách. Anh cho biết có rất nhiều cặp mới cưới nhau đi trên du thuyền này mà sao tối nay không thấy ai hết. Bây giờ họ đang làm gì, ở đâu? Thật ra, anh chỉ nói chơi mà thôi vì tôi thấy chuyến đi này có tới 90% du khách là... khứa lão, đa số già trên 60-70 tuổi. Có một cặp cưới nhau được 58 năm. Ngoài ra, kỳ này có một đoàn khách chừng 100 người Nhựt “già.” Họ có một cô hướng dẫn viên riêng để giúp đỡ (vì họ không biết tiếng Anh).
Gary cũng giới thiệu 4 người phụ tá. Trong chuyến đi này chuyện vui vẻ, ăn chơi, nhảy nhót cũng hơi yếu so với các chuyến đi khác mà tôi đã đi. Gary cũng phỏng vấn một số du khách và mời một em bé lên sân khấu để hỏi thăm. Anh nói anh sẽ tặng cho em một đồng cắc loại 25 xu. Anh nói tối nay em cứ để đồng cắc này dưới gối. Sáng ra, sẽ thấy nó biến thành... 10 đô la. Anh còn nhắc ba má em bé là em này thích “magic” lắm! Anh chàng Gary này ăn nói cũng có duyên nên được mọi người tán thưởng bằng những tràng cười thoải mái. Cuối cùng là một màn kể chuyện vui.
Show Chào Mừng Du Khách thật ra chỉ vui vui thôi chớ không có gì hay và kết thúc lúc 11 giờ khuya. Chúng tôi về phòng nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Boston vào ngày mai.
Từ Boston đến hải cảng tiếp theo là Portland thuộc tiểu bang Maine cũng gần nên tàu chỉ chạy từ 10 giờ tối hôm trước tới 6 giờ rưỡi sáng hôm sau thì cặp bến. Lúc 7:30 sáng tôi lên tầng 10 để ngắm cảnh thành phố Portland từ trên tầng 10 của du thuyền Carnival Glory.

Hải đăng Head Light, thắng cảnh xinh đẹp và nổi tiếng.

Tàu cặp bến thẳng góc với bờ cảng. Thành phố không lớn lắm và nằm trên đồi. Xen lẫn với nhà cửa tôi thấy ở đây có nhiều cây cối, một số lá cây phong đã đổi mà thành vàng đỏ khá đẹp. Bên tay phải tức phía Ðông tôi thấy kiến trúc ở đây không cao lắm. Còn đường sá thì hơi dốc và sáng nay có rất ít xe cộ di chuyển cho thấy đây là một thành phố nhỏ. Ở phía trước tàu là khu thị tứ của Portland và cũng là khu phố cổ với những căn nhà với tường xây gạch đỏ. Bên tay trái là một chiếc cầu cao bắc ngang cửa sông. Cầu nầy nối liền Portland và khu vực phía Nam có tên là cầu Casco Bay. Trên đồi cao nhô lên mái nhọn của một nhà thờ. Gần hơn là những cầu tàu thẳng góc với bờ cảng, ở đó có những tàu thuyền nho nhỏ đang cặp bến. Lúc nầy còn sớm nên trên vịnh không thấy có nhiều tàu ra vào. Sinh hoạt ở đây có vẻ còn yên ắng tuy hôm nay là ngày Thứ Hai đầu tuần.

Trước khi xuống tàu thăm viếng Portland thuộc tiểu bang Maine, ta hãy tìm hiểu sơ qua về thành phố nầy.

Portland, địa lý, lịch sử, kinh tế:

Thành phố lớn nhứt của tiểu bang Maine là hải cảng Portland nằm ở phía Ðông Nam gần biên giới New Hamshire. Dân số Portland chỉ vào khoảng 64,000 người nhưng nếu kể cả vùng ngoại ô thì lên tới 513,000.

Thong thả đi xe ngựa ngắm cảnh Portland, Maine.

Portland nằm ở cửa sông Fore chảy ra vịnh Casco. Ðây là cảng dầu lớn thứ hai trên bờ biển phía Ðông nước Mỹ. Ðây là hải cảng quan trọng của nước Mỹ vì nó nằm gần Châu Âu nhứt.

Ðược hình thành năm 1623, thành phố nầy lúc đầu sống bằng nghề ngư nghiệp. Có lúc nơi đây là thủ phủ của tiểu bang Maine, nhưng sau nầy thủ phủ tiểu bang chuyển về thị trấn Augusta trong đất liền.

Hồi thế kỷ thứ 19, Portland là cảng quan trọng cho Canada vì nó không bị đóng băng vào mùa Ðông. Tuy nhiên đến năm 1923 khi đường sắt đã nối tới Halifax thì nơi đây mất dần vị trí quan trọng.

Xe tour đưa du khách xem cảnh thành phố.

Trong Thế Chiến Thứ 2, Portland là cảng cung cấp quân nhu quan trọng của quân đồng minh.

Những năm cuối thế kỷ 20, Portland đã được chỉnh trang nhiều và thành một thành phố lớn trong đó ngành du lịch chiếm vị trí quan trọng. Hàng năm có trên 200,000 du khách đến Portland để thăm viếng khu Old Port, xem tranh tại khu Art District hay mua sắm tại cửa hàng của hãng LL Bean. Họ cũng đến thăm các hải đăng dọc bờ biển mà nổi tiếng nhứt là ngọn Portland Head Light... Ngoài ra, du khách đến Portland còn có dịp thưởng thức một món ăn độc đáo của nơi đây. Ðó là món tôm hùm.
Chơi gì ở Portland:

Portland là một thành phố nhỏ nên ít có di tích lịch sử hay các địa điểm du lịch nổi tiếng. Muốn có một chuyến du ngoạn thú vị thì du khách cần mua tua của hãng tàu. Vài tua được nhiều người chú ý là:

-Mt. Wahington & The Cog Railway: Nếu bạn đến New England vào mùa Thu và muốn xem lá đổi màu thì đây là tua giúp bạn thỏa lòng mong ước. Bạn sẽ được đi xe buýt đến trạm xe lửa để lên núi Washington (cao 1,917 mét) ở tiểu bang New Hamshire. Ăn trưa sẽ được đài thọ. Tua kéo dài 9 giờ, giá 180 đô la một người.

Bến du thuyền của hải cảng Portland.

-Best of Portland và Kennebunkport: Xe sẽ đưa bạn thăm viếng thành phố Portland và ngọn hải đăng Portland Head Light. Sau đó sẽ đến một hải cảng nhỏ tên là Kennebunkport để bạn mua sắm, ăn uống. Trong chuyến đi xe sẽ chạy ngang qua khu nhà của Tổng Thống Bush. Trong thời ông còn tại chức, nơi đây thường có dịp tiếp khách nước ngoài vào mùa Hè. Tua dài 5 giờ, giá tua 60 đô la một người.

-Lighthouse of Maine: Tiểu bang Maine có nhiều bờ biển đá nên có nhiều hải đăng đẹp và nổi tiếng. Tua nầy đưa khách đến thăm 4 ngọn hải đăng quanh vùng Portland để xem cảnh đẹp ở đây. Tua dài 3.5 giờ, giá tua: 46 đô la một người.

Chuyến thăm Portland của chúng tôi:

Chúng tôi rời tàu rất sớm lúc 8:30 với dự định sẽ mướn xe để tự lái đi chơi ở vùng Núi White Mountain thuộc tiểu bang New Hamshire cách tàu chỉ hơn 1 giờ lái xe. Ðây là một vùng có phong cảnh rất đẹp vào mùa Thu. Thế nhưng khi tới hãng xe Enterprise thì họ không còn xe để cho chúng tôi mướn. Portland là một thành phố nhỏ nên chỉ có một hãng cho mướn xe duy nhứt ở cách bến tàu chừng 2 km. Còn các hãng xe khác thì có văn phòng ở trong phi trường chớ không gần bến tàu. Do đó chuyến đi của chúng tôi không thực hiện được. Chúng tôi không biết thời tiết như thế nào nên không điện thoại dặn trước, do đó mới không có xe. Kinh nghiệm là nếu bạn muốn mướn xe để lái đi xa thì nên chú ý gọi điện thoại hay vào website của hãng trên Internet để dặn xe trước. Như thế bảo đảm sẽ không bị thất vọng như chúng tôi kỳ nầy.

Nhà thờ bên cạnh trường Công Giáo ở Portland.

Bây giờ, nếu chỉ muốn xem cảnh thành phố Portland thì tôi có thể mua vé xe buýt số 8A với giá 5 đô la một ngày. Xe chạy vòng vòng các địa điểm du lịch trong thành phố. Du khách muốn lên xuống bao nhiêu lần cũng được. Nhưng tôi muốn xem hải đăng Head Light nổi tiếng nên mua vé xe trolley để:

Ði tua xem phong cảnh Portland và hải đăng Head Light:

Dọc bến tàu có nhiều chỗ bán tua. Chúng tôi mua vé để đi Portland Trolley Tour với giá 18 đô la một người. Vào buổi chiều tôi sẽ trả thêm 15 đô để tiếp tục đi Portland Lighthouse Lovers Cruise nữa. Hai tua nầy, trên tàu cũng có bán vé (gọi là Portland Land and Sea Tour) nhưng giá mắc hơn nhiều.

Trước khi lên xe, người ta có tổ chức chụp hình cho du khách. Khi trở lại sẽ có hình kỷ niệm. Ai muốn mua thì trả 10 đô la một tấm, không mua thì thôi. Xe tua (gọi là trolley) là một xe buýt nhưng được trang trí rất đẹp và chỗ ngồi rộng rãi để du khách ngắm cảnh. Ðúng 9:30, ông tài xế kiêm hướng dẫn viên chào mừng mọi người và khởi hành về hướng đông. Chừng 10 phút sau xe đã tới một công viên nằm theo triền đồi sát bờ biển. Ðó là Eastern Promenade một khu xanh mát của thành phố để dân chúng có thể đến vui chơi ngắm cảnh. Từ đây, bạn có thể thấy tàu thuyền di chuyển trong vịnh và những hải đảo ở xa. Phong cảnh rất đẹp nhưng xe chỉ chạy chậm cho chúng tôi ngắm chớ không được xuống chụp hình. Nếu đi tự do bạn nên tới đây để ngắm tàu bè và hưởng không khí trong lành. Ông tài xế cho biết vào dịp lễ Ðộc Lập, nơi đây người ta sẽ tổ chức bắn pháo bông và có rất đông người tụ họp.

Xe lên dốc để trở lại hướng Tây. Dọc hai bên đường là những căn nhà rất đẹp kiểu Anh. Ðây là nơi người khá giả sinh sống. Bên tay trái có một tháp rất cao. Ðó là Portland Observatory. Tháp nầy cao 26 mét (nhưng ở trên đồi nên cao 68 mét so với mặt biển). Tháp xây năm 1807, có 7 tầng làm bằng gạch đỏ. Phòng quan sát trên đỉnh tháp màu trắng. Ở đó có đặt ống dòm để nhìn ra biển xa tới 48 km. Ngày nay tháp là một Danh Thắng Lịch Sử Quốc Gia (National Historic Landmark) và thuộc Sở Cứu Hỏa của Portland. Du khách có thể theo tua vào thăm tháp nếu đến trong mùa Hè.

Bây giờ xe đang đi ngang khu phố chính của thành phố Portland. Ðây là một thành phố cỡ vừa nên nhà cửa, kiến trúc ở đây không to lớn. Khách hàng đi lại trên đường cũng ít chớ không đông đảo. Xe cộ chạy trên đường cũng từ tốn chớ không hấp tấp, hối hả như ở Boston hay New York. Trong thành phố nầy có Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật và Viện Bảo Tàng dành riêng cho thiếu nhi nhưng chúng tôi cũng chỉ thấy bề ngoài chớ không có dịp vào xem bên trong. Ông tài xế cho biết trong Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Portland nầy ngoài các tranh của các tác giả địa phương còn có một số tranh quý của Van Gogh, Picasso... nữa

Xe chạy về phía Tây thành phố. Dọc đường là những khu phố có nhiều nhà cổ. Một căn nhà nổi tiếng ở đây là Victoria Mansion được xây từ năm 1869.

Từ giã khu trung tâm Portland, xe qua cầu Casco Bay để đi về phía Nam. Ðây là thành phố South Portland. Nhà cửa ở đây coi mới mẻ hơn khu Portland một chút. Sau đó, xe chạy vào khu Cape Elizabeth là một khu khá giả hơn nữa. Ông tài xế chỉ cho chúng tôi một căn biệt thự giá hơn một triệu đô la nằm bên đường gần bờ biển. Ông nói những biệt thự ở sát biển ở khu nầy thường có giá rất cao, một, hai triệu đô la là thường.

Xe rẽ trái vào khu công viên tên là Fort William Parks để chúng tôi thăm viếng một kiến trúc nổi tiếng của Portland đó là Hải Ðăng Head Light. Do thời giờ ngắn ngủi nên chúng tôi chỉ có 15 phút để xem và chụp hình mà thôi.

Hải đăng Head Light-Portland: Ðây là một kiến trúc cổ. Nó được xây cất năm 1787 do lịnh của Tổng Thống Washington. Hải đăng nầy xây bằng đá, hình lăng trụ, dưới to, trên nhỏ dần. Sau khi hoàn tất năm 1791, hải đăng cao 24 mét (31 mét so với mặt nước) nằm trên một mũi đá. Lúc đó đèn của hải đăng được thắp bằng mỡ cá voi. Sau nầy nó được thắp bằng dầu hỏa, rồi bằng điện. Ngày nay ngọn đèn nầy được tự động hóa chớ không cần người canh giữ. Với công suất 200,000 nến, ánh đèn có thể được trông thấy từ ngoài biển xa 24 dặm. Ngày nay hải đăng nầy được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và do Quân Ðội Biên Phòng quản lý.

Kế bên hải đăng có một nhà nhỏ của người canh giữ và có một nhà khác lớn hơn. Ðó là một bảo tàng về hải đăng và nơi bán đồ lưu niệm.

Một biệt thự to lớn ở Portland.

Sáng nay trời nắng đẹp nhưng gió mạnh nên lạnh quá. Nhưng phong cảnh ở đây cũng rất đẹp với bờ đá, với ngọn hải đăng màu trắng và những căn nhà lân cận với ngói đỏ nổi bật trên nền trời xanh. Sóng biển lại đánh ầm ầm vào vách đá trông thật hùng vĩ và thoáng đãng. Du khách đến thăm cũng nhiều nhưng do trời lạnh nên họ chỉ xem sơ và chụp hình rồi vội vã... trốn vào những tiệm bán đồ lưu niệm. Chúng tôi cũng vậy, do thời gian ngắn ngủi nên chỉ chụp hình bên ngoài chớ không biết du khách có được vào trong để leo lên coi ngọn đèn 200,000 nến hay không nữa? Ði chơi theo tua thì cái gì cũng hấp tấp như vậy.

Trên đường trở ra, bác tài còn kể nhiều chuyện về Portland nữa. Ông nói về cách bắt và nấu tôm hùm. Ông nói về những nhân vật nổi tiếng của địa phương và câu chuyện Portland bị cháy hồi năm 1866. Lúc đó, trong khi cả thành phố chuẩn bị ăn mừng Lễ Ðộc Lập thì bị cháy. Cả trăm căn nhà của dân chúng, hầu hết các căn tiệm dọc bờ cảng, và phân nửa số nhà thờ của thành phố đã bị cháy rụi trong vụ nầy. Có gần 10,000 người trở thành vô gia cư sau đó. Do đó nếu để ý các căn nhà gần cảng sẽ thấy người ta xây nhà bằng gạch đá để chống cháy. Ði du lịch theo tua thì không tự do cho lắm vì phải theo sự chỉ dẫn của người dẫn đầu, nhưng cũng có lợi là được nghe những câu chuyện của người địa phương đôi khi cũng khá hấp dẫn.

Xe đưa du khách về lại bến tàu lúc hơn 11 giờ trưa. Chúng tôi trở về tàu để ăn trưa. Sau đó, tôi có dịp đi dạo quanh bến cảng Portland để xem các nhà hàng bán tôm hùm, các tiệm bán đồ kỷ niệm và chụp hình bờ cảng với rất nhiều tàu bè, đồng thời tôi lại có dịp ngắm Portland từ ngoài biển khi đi theo tua trên tàu nhỏ...
Ði cruise quanh hải cảng Portland (Maine)
Xung quanh khu vực hải cảng Portland có nhiều hải đăng. Muốn đi xem hải đăng ở đây ta có thể tự mướn xe rồi theo bản đồ mà đến hay ta có thể mua tua của hãng tàu Carnival. Ðó là viếng thăm bằng đường bộ. Còn trưa nay, chúng tôi sẽ xem hải đăng theo đường thủy.
Du thuyền hai tầng sẽ đưa chúng tôi ngắm cảnh biển ở Portland.
Tôi mua cruise của hãng du lịch đã chở tôi đi chơi ở Portland hồi sáng nên được bớt giá. Thay vì phải trả 18 đô la thì tôi chỉ phải trả có 15 đô la cho chuyến cruise dài 90 phút.
Ðúng 1:30 trưa, chiếc tàu nhỏ đón nhận trên 100 hành khách sẽ khởi hành từ bến tàu Portland. Tàu có hai tầng. Ai sợ lạnh thì ngồi tầng dưới trong phòng kín. Ai không sợ lạnh thì lên tầng trên nơi có gió mạnh vì không có kiếng che nhưng thoáng hơn và dễ chụp hình, ngắm cảnh hơn. Mỗi tầng đều có người giải thích mỗi khi tàu chạy qua những địa điểm du lịch.
Tàu đã tách bến. Bên tay phải là một khu chung cư mới xây ngay trên bờ cảng. Mua nhà ở đây thì tha hồ ngắm tàu bè ra vào hải cảng nhưng cũng hơi ồn. Bên tay trái là một nhà hàng nổi. Dọc cảng, tàu thuyền nho nhỏ nhiều vô số. Xa hơn một chút là thành phố Portland nằm trên đồi với những kiến trúc với tường có màu đỏ, trắng. Phía trước mặt là chiếc du thuyền Carnival to lớn, “ngôi nhà” của chúng tôi đang nằm im lìm chờ chúng tôi trở lại.
Bây giờ tàu đã ra tới cửa vịnh. Bên tay trái là một đồn lính xưa tên Scammel nằm trên một đảo nhỏ. Bên phải là hải đăng Bud Light. Hải đăng nầy nhỏ, làm bằng gang, và chỉ cao chừng 5 mét. Nó nằm ngay ở cửa vịnh để đánh dấu cho tàu vào vịnh khi sương mù hay vào ban đêm.
Cách Bud Light chừng 1 km về phía Nam lại có một hải đăng khác tên là Spring Point Ledge Light. Hải đăng nầy lớn hơn và cao hơn. Chân đế của nó là một ống lăng trụ bằng thép chôn sâu vào đất. Thân hải đăng cũng làm bằng kim loại với đường kính chắc khoảng 5 mét. Trước đây hải đăng nằm trơ trọi bên bờ biển và cách bờ chừng 100 mét. Ngày nay có một kè đá khá dài dẫn từ bờ ra tới hải đăng nên người ta có thể đi bộ từ bờ ra hải đăng dễ dàng.
Hải đăng Spring Point Ledge.
Tàu chạy về phía Nam. Trong bờ là những căn nhà xinh đẹp nằm ẩn mình dưới những tàng cây. Nhiều đoạn bờ biển có đá cuội to lớn để chắn những cơn sóng khá mạnh đang đánh vào. Ông hướng dẫn cho biết những căn nhà sát biển nầy thuộc loại mắc tiền và sang trọng.
Xa xa về phía Nam, trên một mỏm đá đã thấy ánh đèn chớp chớp theo chu kỳ của hải đăng Head Light, một hải đăng lịch sử mà chúng tôi đã có dịp ghé thăm hồi sáng. Từ ngoài biển nhìn vào thì thấy hải đăng nho nhỏ chớ không to lớn chút nào. Ðối với tôi, nếu so với hải đăng trên núi Nhỏ ở Vũng Tàu thì hải đăng Head Light nầy không ấn tượng bằng vì nó nằm dưới thấp và ánh sáng của ngọn đèn cũng không mạnh bằng hải đăng ở Vũng Tàu.
Tàu đã quay lại. Lúc nầy nó chạy ngược chiều sóng nên lắc dữ. Gió cũng mạnh và trời cũng lạnh hơn. Bên tay phải tàu, ở phía xa xa là ngọn hải đăng tên là Ram Island Ledge Light. Hải đăng nầy được xây từ năm 1905. Nó khá cao, xây bằng đá và nằm trên một bãi đá ở giữa biển. Sóng biển đánh khá mạnh vào chân hải đăng làm nước văng lên tung tóe. Xưa kia, nơi đây đã xảy ra nhiều tai nạn do tàu va vào đá ngầm nên phải xây hải đăng ở đây để tàu bè biết mà tránh, nhứt là vào ban đêm hay khi có sương mù. Lúc đó hải đăng có người gác để thắp đèn còn ngày nay nó được vận hành tự động mà không cần người gác.
Khi kỹ thuật còn chưa phát triển, các hải đăng đóng vai trò rất quan trọng trong lưu thông hàng hải. Ngày nay, với hệ thống định vị GPS và ra đa, chắc sự quan trọng của nó cũng bớt đi nhiều. Ðến xem các hải đăng nầy cho vui và ngắm cảnh chớ thật ra, chúng tôi cũng không được leo lên hải đăng để coi các đèn to lớn trên đó.
Một vách đá có hình dạng giống đầu một người da đỏ(?).
Tàu chạy về hướng bắc. Bên tay phải là đảo Cushing. Du khách không được lên đảo vì đảo nầy có 45 căn nhà của... tư nhân. Ðây là nhà nghỉ mùa Hè của các đại gia. Mùa Ðông thì nơi đây không có ai ở. Từ tàu nhìn vào các căn biệt thự đó mà phát thèm vì nó đẹp và thơ mộng vì ở giữa một nơi yên tĩnh, có cảnh trí tuyệt đẹp với biển, với rừng, với cây xanh bóng mát.
Tàu chạy tới chỏm đá phía Bắc của hòn đảo. Chỏm đá nầy cũng đặc biệt vì có hình dáng giống như đầu của một người da đỏ. Xa xa chúng tôi lại thấy có một ngọn hải đăng nữa nhưng xa quá nên tôi không biết rõ hải đăng đó có tên gì. Portland quả là một nơi có nhiều hải đăng để du khách tìm hiểu.
Bây giờ tàu quay lại theo hướng Ðông Nam. Bên tay phải chúng tôi là đảo Peak, một đảo khá lớn ở phía Ðông Portland. Người hướng dẫn cho biết đảo nầy có nhiều cựu chiến binh từ thời Ðệ Nhị Thế Chiến về ở. Nhà cửa dọc biển cũng rất xinh đẹp. Phong cảnh cũng vậy. Ở đó có những bờ biển có nhiều đá chớ không phải là bãi cát. Nhưng nhà cửa trông mới mẻ và họ có trồng nhiều cây cỏ nên coi xanh mát, yên tĩnh. Lúc nầy có một chiếc phà đang chạy về đảo Peak. Hàng ngày có rất nhiều chuyến phà như vậy để người dân đảo Peak liên lạc với đất liền. Du khách theo các phà nầy ra thăm đảo cũng nhiều. Ra tới đảo họ sẽ mướn xe đạp để đạp vòng vòng ngắm cảnh. Ðó là một thú vui nhàn nhã mà lại tốt cho sức khỏe. Trên đảo có trường tiểu học, nhưng khi học sinh lớn lên, chúng phải vô Portland để học trung học.
Tàu đã gần trở về bến cũ. Nó đang chạy ở bờ phía đông của Portland. Từ đây, chúng tôi có thể thấy rõ Portland Observator là tháp cao mà ngày xưa từ đó người Portland sẽ canh giữ để biết khi nào có tàu vào cảng. Thành phố Portland nhìn từ ngoài biển cũng rất xinh đẹp. Chúng tôi chạy ngang chiếc Carnival rồi về bến cũ, chấm dứt một chuyến du ngoạn thú vị trên biển Portland. Chuyến cruise nầy tuy lạnh nhưng phong cảnh hai bên bờ rất đẹp. Nếu bạn có dịp đến Portland thì đừng quên bỏ thì giờ để tham gia vì nó rất đáng đồng tiền.
Tối thứ ba trên tàu:
Tối nay, chúng tôi ăn tối với ông bà Lou như thường lệ. Ông bà cho biết hôm nay đã theo tua đi xem các hải đăng của tàu Carnival tổ chức. Tua sẽ ghé 4 hải đăng. Mỗi nơi sẽ du khách sẽ xuống chơi trong vòng 30 phút. Giá vé 46 đô la một người. Ông bà cho biết cảm tưởng cũng không có gì hấp dẫn cho lắm. Khi tôi nói tôi có dịp đi cruise ra biển thì ông bà tỏ ý tiếc là đã không biết để cùng đi.
Những biệt thự xinh đẹp trên đảo Peak.
Xem show ca nhạc và ảo thuật Justin Illusion:
Tối nay lúc 8 giờ có chương trình ca nhạc và ảo thuật với ảo thuật gia Justin từ Los Angeles qua trình diễn. Chúng tôi tới sớm nên ngồi hàng ghế thứ hai từ sân khấu. Lúc đầu tôi tưởng chỉ là ảo thuật đơn giản, ai dè đây là một chương trình có ca vũ nhạc và cả ảo thuật nữa nên xem rất thích. Tôi xin kể vài tiết mục hấp dẫn:
Mở màn là một màn ca vũ nhạc. Giữa sân khấu có một cái sàn với bốn cây cột. Khói từ dưới bệ bốc lên ngày càng dày đặc. Khi khói tan hết thì... nhà ảo thuật xuất hiện. Không biết ông ta từ đâu ra.
Nhà ảo thuật bỏ một cô vũ công vào cái lồng nói trên, sau đó lấy màn che lại. Dở màn ra, cô gái đã biến mất. Thật nhanh và không biết cô gái đã biến đi đường nào, nhưng chắc chắn là cô ta... còn sống và chỉ ở sau hậu trường.
Chương trình ca nhạc tiếp diễn liên tục. Bây giờ người ta đẩy ra một cái quạt máy lớn. Quạt được che phân nửa trên. Phân nửa phía dưới cho thấy quạt vẫn chạy đều. Nhà ảo thuật đứng phía sau quạt, từ từ thò tay từ sau ra trước mà không bị quạt chém đứt. Sau đó, ông thò đầu và từ từ chui qua cánh quạt. Phần dưới quạt vẫn quay, nhưng cấu tạo của quạt hay lắm nên phần trên không quay nên ông ta mới chui qua dễ dàng không bị thương.
Phòng ăn buffet trên du thuyền Carnival.
Tiếp theo, nhà ảo thuật đứng trên một bệ cao chừng 1 mét. Trên bệ đã có một cô gái đang nằm trên một cái sàn trước mặt. Ông ta từ từ “làm phép” để nâng cô gái lên khỏi mặt đất và bay lơ lửng quanh mình của ông. Khán giả vỗ tay nhiệt liệt vì thấy hay quá.
Sau màn nầy, nhà ảo thuật lại có một trái cầu kích thước bằng một trái banh, không biết làm bằng kim loại hay thủy tinh. Ông ta có thể điều khiển để trái cầu nầy... bay lên bay xuống quanh mình ông ta mà không rớt xuống đất. Dĩ nhiên ông cũng có một cái vòng để quơ ngang trái banh để chứng tỏ nó không có dây treo gì cả. Ðối với các ảo thuật gia, trọng lực không có ý nghĩa gì hết vì họ có thể thắng trọng lực dễ dàng để làm nhiều vật bay lơ lửng trong không trung.
Ðó chỉ là một vài tiết mục đầu tiên. Trong 45 phút chương trình còn nhiều tiết mục khác rất thú vị. Ðiều làm chúng tôi thích thú ở đây là ảo thuật nhưng lại có ca vũ nhạc phụ theo nên làm cho chương trình không bị nhàm chán. Thêm vào đó là âm thanh, ánh sáng rất ngoạn mục, đôi khi lại có pháo nổ đì đùng làm cho chương trình thêm sống động. Một chương trình như vậy nếu coi ở Las Vegas thì giá vé bình thường chắc cũng hơn 100 đô la, trong khi chúng tôi lại ngồi rất gần sân khấu để xem thì vé còn mắc hơn rất nhiều. Ði cruise nầy bạn sẽ được coi một chương trình văn nghệ, ảo thuật rất đáng đồng tiền. Tôi thích quá nên “ăn gian,” vào lúc 10 giờ khi họ biểu diễn một lần nữa thì cũng có mặt tôi ở hàng ghế thứ hai. Kỳ nầy tôi chú ý rất nhiều coi ảo thuật gia có sơ hở gì để mình có thể khám phá ra điều bí mật sau mỗi tiết mục nhưng thú thật với bạn là ông ta làm hay quá, không một sơ hở nên tôi không khám phá được điều gì ngoài việc thưởng thức một chương trình rất thú vị.
Một ngày vui chơi trên tàu:
Ngày Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010 là một ngày vui chơi trên biển. Tàu sẽ chạy về hướng Ðông Bắc để tới Halifax, thủ phủ tỉnh bang Nova Scotia, Canada. Sáng ra mở TV coi trong mục kinh tế thì thấy vàng lên giá rất mạnh. Hôm nay một lượng Mỹ (ounce) giá 1,340 đô la. Tiền đô la ngày càng mất giá, còn tiền yen lại lên giá, thảo nào dân Nhựt đi du lịch nhiều quá. Như trên tàu nầy có tới trên 100 người Nhựt cùng đi.
Mùa Thu trên cảng Portland.
Hôm nay tàu chạy khá nhanh nên lắc dữ. Ai cũng lảo đảo như say rượu. Sáng nay chúng tôi dậy trễ vì không có việc gì làm. Các chương trình vui chơi thì không có gì hấp dẫn. Ở Canada, hàng năm có một ngày không vội vã, mọi việc cứ thong thả mà làm. Ðối với chúng tôi, hôm nay chính là ngày đó...
Vào buổi trưa, tôi có đi xem một show dạy cách làm ảo thuật thì thấy anh chàng ảo thuật gia nầy tiết lộ nhiều màn rất hay nhưng khó quá, phải nhanh tay tay mới làm được.
Vào buổi tối, khi ăn tối thì có ông xếp nhà hàng tới tận bàn để hỏi han rất lịch sự cho thấy tàu Carnival rất quan tâm đến sự thưởng thức của du khách. Ðiều nầy làm cho mình cảm thấy... hơi quan trọng (và khoái chí trong lòng!).
Xem show Livin' in America:
Ăn tối xong, lúc 8 giờ chúng tôi tới rạp hát để xem chương trình ca vũ nhạc Livin' in America. Show nầy có 9 nữ vũ công, 4 nam vũ công và 2 ca sĩ, một nam một nữ cùng trình diễn. Ban nhạc chỉ có 4 người: một trống, một đàn organ, một đàn ghi ta và một thổi kèn.
Chương trình ca vũ nầy có bốn hay năm giai đoạn. Họ trình diễn cách sinh hoạt của người Mỹ ở thành phố, nông thôn cũng như cách họ vui chơi giải trí, thể thao... Tôi đã xem một show tương tự trong chuyến cruise trước đây nên hôm nay cũng thấy bớt hay, mặc dù đây cũng là một chương trình ca vũ được tập luyện công phu đủ để du khách thưởng thức trong một đêm nhàn rỗi.
Bài và ảnh: Minh Tâm

7 siêu tàu du lịch “đỉnh” nhất năm 2011 Tin ảnh

Dưới đây là 7 siêu tàu du lịch có thiết kế đẹp, được trang bị tiện nghi hiện đại, dự kiến được hạ thuỷ trong năm nay.
Tàu Marina – hãng Oceania Cruises
Dự kiến hạ thủy: Tháng 2
Số hành khách có thể chở: 1.258
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 1)
Con tàu du hành mới này to gần gấp 2 lần các tàu du lịch hiện thời của hãng lữ hành Oceania. Tàu có biệt danh Foodie vì có nhiều lựa chọn về ẩm thực cho các du khách: nhà hàng Jacques chuyên món ăn Pháp, Red Ginger chuyên món ăn Á, một khu dạy nấu ăn và khu thưởng thức rượu La Reserve. Tàu Marina sẽ có mặt tại Mỹ và Caribê vào tháng 3/2011, Địa Trung Hải từ tháng 3 trở đi và phía bắc châu Âu từ tháng 5-7.
Disney Dream – hãng Disney Cruise Line
Dự kiến hạ thủy: 26/1
Số hành khách có thể chở: 2.500
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 2)
Disney Dream được mệnh danh là con thuyền mơ ước của các du khách nhí. Con tàu có vòng đu quay nước dưới biển đầu tiên trên thế giới và một khu vực dành riêng cho du khách “teen”. Đối với các ông bố bà mẹ, tàu có các quan bar và phòng khách chỉ dành cho người lớn. Các ô cửa sổ ảo trong các cabin cho phép du khách dễ dàng quan sát đại dương.
L’Austral – hãng Compagnie du Ponant
Dự kiến hạ thủy: 27/4
Số lượng khách: 264
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 3)
Đây sẽ là một du thuyền lớn với các cabin kiểu cách và phòng tắm hiện đại. Hành khách sẽ được phục vụ với món ăn các dịch vụ kiểu Pháp. L’Austral sẽ lướt sóng trên Địa Trung Hải vào tháng 10 tới.
Carnival Magic – hãng Carnival Cruise Line
Dự kiến hạ thủy: 1/5
Số hành khách: 3.690
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 4)
Tàu du hành mới nhất của Carnival sẽ không chỉ có quán rượu đầu tiên trên biển, RedFrog, mà còn phục vụ đồ uống riêng. Carnival Magic cũng có các hoạt động vui chơi giải trí trên tàu. Carnival Magic sẽ được đưa vào phục vụ trong các chuyến du ngoạn 7-12 đêm từ Barcelona đi Địa Trung Hải vào tháng 11 tới.
Seabourn Quest – hãng Yachts of Seabourn
Dự kiến hạ thuỷ: 9/6
Số hành khách: 450


7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 1)
Con tàu du hành mới này to gần gấp 2 lần các tàu du lịch hiện thời của hãng lữ hành Oceania. Tàu có biệt danh Foodie vì có nhiều lựa chọn về ẩm thực cho các du khách: nhà hàng Jacques chuyên món ăn Pháp, Red Ginger chuyên món ăn Á, một khu dạy nấu ăn và khu thưởng thức rượu La Reserve. Tàu Marina sẽ có mặt tại Mỹ và Caribê vào tháng 3/2011, Địa Trung Hải từ tháng 3 trở đi và phía bắc châu Âu từ tháng 5-7.

L’Austral – hãng Compagnie du Ponant
Dự kiến hạ thủy: 27/4
Số lượng khách: 264
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 3)
Đây sẽ là một du thuyền lớn với các cabin kiểu cách và phòng tắm hiện đại. Hành khách sẽ được phục vụ với món ăn các dịch vụ kiểu Pháp. L’Austral sẽ lướt sóng trên Địa Trung Hải vào tháng 10 tới.
Carnival Magic – hãng Carnival Cruise Line
Dự kiến hạ thủy: 1/5
Số hành khách: 3.690
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 5)
Đây là một du thuyền sang trọng, với khu nhà hàng ngoài trời. Du khách sẽ được phục vụ champagne và trứng cá muối. Du thuyền dự kiến thực hiện các chuyến hành trình trên biển Địa Trung Hải 7-14 đêm vào mùa hè năm nay.
Costa Favolosa – hãng Costa Cruises
Dự kiến hạ thuỷ: 4/7
Số hành khách: 3.000
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 6)
Combine favolosa, trong tiếng Italia có nghĩa là chuyện cổ tích, được thiết kế giống một lâu đài mê hoặc thời hiện đại. Tàu còn có một công viên nước để du khách vui chơi. Con tàu sẽ thực hiện các chuyến hành trình 7 đêm tới quần đảo Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia, xuất phát từ Venice.
Celebrity Silhouette – hãng Celebrity Cruises
Dự kiến hạ thuỷ: 23/7
Số hành khách: 2.850
7 siêu tàu du lịch ’đỉnh’ nhất năm 2011 - Tin180.com (Ảnh 7)
Không có nhiều con tàu du lịch nơi du khách có thể chạy bằng chân trần trên cỏ. Các hành khách của Celebrity Silhouette cũng phục vụ các đồ ăn đặc biệt tại nhà hàng Qsine ngay trên tàu. Celebrity Silhouette sẽ xuất phát từ Civitavecchia (Italia) trong chuyến hành trình ở đông Địa Trung Hải kéo dài 12 đêm vào mùa hè năm nay.

No comments:

Post a Comment