Đầu tiên là đến bán đảo Sơn Trà thăm chùa Linh Ứng - ngôi chùa lớn nhất Đà Nẳng hiện nay với tượng Phật Bà Quan Âm nhìn ra vịnh Đà Nẳng, bên kia cầu Thuận Phước là cảng Tiên Sa.
Đây là vùng núi đá vôi và đá cẩm thạch nên chân núi có nhiều xưởng mỹ nghệ với nhiều tượng đá rất đẹp và công phu nhưng chúng tôi chỉ ghé qua 1 xưởng thôi rồi hối hả trở ra khách sạn để kịp ăn tối.
Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn(Âm Hỏa sơn va Dương Hỏa sơn), Thổ Sơn.
Đêm ở Đà Nẳng cũng ồn ào, náo nhiệt như Sàigòn. Tôi chỉ kịp ghé thăm 1 anh bạn già nay đã về hưu, nghe anh nói đủ chuyện về Đà Nẳng hôm nay, đến khuya thì tôi đành cáo từ anh để trở về khách sạn. Anh tài xế taxi cũng coi bộ rất nhiều chuyện khi huyên thuyên nói đủ chuyện về Đà Nẳng hôm nay, nghe anh ta nói chứ tôi chỉ biết nghe thôi vì đó là những đề tài khá "nhạy cảm" ở VN. Về đến khách sạn Tourane, tôi vẫn thấy cô Bắc Kỳ ngồi tâm sự bên anh bồ người Pháp, ôm hôn nhau tỉnh bơ như người Hà Nội, tôi mới thấy gái Hà Nội bây giờ "cởi mở" dễ sợ! Tắm xong, tôi leo lên giường ngủ khò vì sáng mai phải đi sớm ra Hội An.
Hội An: Đây là lần thứ 4 tôi trở lại thăm Hội An. Lần đầu tới thăm Hội An là trước khi tôi vượt biên rời VN, lúc ấy VN thời bao cấp nên Hội An chẳng có ai du lịch đến chơi. Lần 2 là năm 1999 và lần 3 là năm 2000, khi Hội An hồi sinh với làn sóng du lịch ào ạt đổ vào và phong trào bảo tàng nhà cổ đang bùng lên với sự trợ giúp của nước ngoài.
Năm nay, tôi trở lại thăm Hội An khi lũ lụt đã bớt dù sông Hoài vẫn dâng cao và nước ngập vẫn còn đó trong nhiều khu phố Hội An; trừ khu trung tâm(như đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Trần Phú...) là khô ráo nên du khách dập dìu tấp nập, phố xá vẫn buôn bán. Tôi yêu thích phố cổ Hội An, đặc biệt là những mái nhà rêu xanh, những ngôi nhà gỗ xây theo kiểu Tàu với giếng trời & khoảng sân giữa nhà như 1 kiểu open space, cầu thang gỗ hẹp, mái nhà phô ra đà - kèo - xà... đều bằng gỗ, những cột tròn gỗ lim, những cánh cửa gỗ và balcony gỗ thấp lè tè... Hội An bây giờ kinh doanh khiếp thật với nhiều "đại gia" rất khá giả, biết làm ăn ra trò. Hội An hôm nay đã biết kết hợp du lịch với bảo tồn, kinh doanh và văn hoá. Tôi vẫn thích ngủ 1 đêm rằm ở Hội An tắt đèn điện, thắp đèn lồng đủ màu sặc sỡ... và dạo mát dọc theo bãi biển Cửa Đại. Tôi vẫn thích ăn cao lâu, uống bia Huế trong 1 nhà hàng là 1 nhà cổ của Hội An trong không khí rất Hội An cùng các cô cậu Tây balô lẫn các cô cậu trẻ trong nước xí xô xí xào rất cởi mở về mọi đề tài lý thú mà họ quan tâm. Sau đó, chúng tôi rảo bước dạo phố tìm rất khó mới thấy 1 quán café vắng teo chui vào ngồi nói chuyện đến khuya về Hội An hôm nay: từ chùa Cầu đến những hội quán bang hội người Hoa xưa & nay, từ di sản văn hoá - bảo tồn - bảo tàng đến kinh doanh - văn hoá - du lịch và lũ lụt vs thuỷ điện, etc... Sau 2 đêm ở Hội An với nhiều buồn vui lẫn lộn, tôi đi ra Đà Nẳng & Huế.
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
| ||
|
Phong cảnh bình lặng, thanh tịnh, chốn Thiền viện Trúc Lâm, núi Bạch Mã, Huế dưới góc nhìn của Đặng Vinh DựĐà Nẳng: Đi dọc theo đường ven biển (từ Lạc Long Quân ra Trường Sa - Hoàng Sa và men theo vịnh Đà Nẳng),chúng tôi đi đến núi Bạch Mã. Núi Bạch Mã là một dãy núi đẹp, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẳng, là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển. Dãy núi này nằm trong công viên quốc gia Bạch Mã, có đỉnh cao 1.444 m. Trên đỉnh núi hùng vĩ với thác, suối, rừng bốn mùa xanh tươi với nhiều loại động thực vật nhiệt đới, có thể nhìn thấy biển.Chúng tôi lên núi Bạch Mã trên con đường nhỏ, hẹp, dài 20 km. Một hệ thống cáp treo đưa du khách lên đỉnh núi và những biệt thự vừa được trùng tu, tôn tạo lại sẽ dành cho bạn một phòng ngủ đầy đủ tiện nghi.
Đến Bạch Mã, lần theo một chuỗi các đường mòn (trail) độc đáo chỉ dành cho những người yêu thích thiên nhiên hoang dã. Đó là các tuyến Đường mòn Trĩ Sao (dẫn bạn đến thác Trĩ Sao, ở đấy có rất nhiều chim trĩ sao đang sinh sống). Đường mòn thác Đỗ Quyên (dẫn đến đỉnh của thác Đỗ Quyên cao 300 m - nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên nở vào tháng 3 và tháng 4). Đường mòn thác Ngũ Hồ (5 hồ nước trong xanh duyên dáng sẽ chờ đón bạn tắm mát trong những trưa hè). Đường mòn Hải Vọng Đài (cuối con đường này bạn đã ở độ cao 1.450 m. Từ đây bạn có thể nhìn thấy cảnh quan bao la hùng vĩ của các dãy núi nối tiếp ra tận biển Đông. Đây là đường mòn được yêu thích nhất tại Bạch Mã, đặc biệt với nhiều biệt thự đỗ nát - bằng chứng của một thời du lịch vàng son nơi đây).
Khí hậu của Bạch Mã rất đặc biệt. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn 7-10 độ C so với những vùng lân cận. Đây cũng là một trong những vùng đất ẩm ướt nhất ở Việt Nam với lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 8.000 mm. Chính điều đó đã tạo nên thế giới sinh học phong phú và đa dạng của Bạch Mã với 2.147 loài thực vật và 1.493 loài động vật, trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam.Giữa rừng lau sậy, lồ ồ, tre nứa..., chúng tôi nhìn ngắm vẻ đẹp hoang sơ của VN và chúng tôi chợt mơ nghĩ đến tương lai với nhiều design kỳ thú cho vùng núi Bạch Mã này. Xuống núi, chúng tôi ghé qua trạm dừng chân Đèo Hải Vân của Miss Áo Dài(chị Thuỷ) trước khi qua đường hầm. Tại đây, tôi bắt gặp lại kiểu design quen thuộc của Mekong Express với quy mô lớn hơn nhiều với nhiều bungalow, wood deck và cả motel cho khách nghĩ qua đêm dưới chân Đèo Hải Vân. Tôi bất giác khâm phục chủ nhân Miss Áo Dài(chị Thuỷ) khi nhìn ngắm cơ ngơi của chị. Leo lên xe chui qua đường hầm, bên tai tôi vẫn nghe lời thuyết minh của cậu tour guide về đường hầm nhưng tôi vẫn nghĩ đến trạm dừng chân Đèo Hải Vân của Miss Áo Dài(chị Thuỷ, một sự đầu tư đáng nể tuy chưa biết có thành công về tài chánh hay không?
Huế: Vừa chui qua đường hầm Đèo Hải Vân, qua Lăng Cô và 2 đèo khác bên phía Huế, chúng tôi ghé đến 1 trạm dừng chân khác, tôi mới thấy VN hôm nay có nhiều "đại gia" giàu quá. Ngay phiá sau showroom với những kiểu bình gốm sứ thật đẹp, nhà hàng & những nhà vệ sinh sạch đẹp là bãi biển Lăng Cô tuyệt đẹp ! Giá như suốt con đường xuyên Việt từ Cà Mau đến Lạng Sơn - Quảng Ninh có nhiều hơn những trạm dừng chân với những nhà vệ sinh(restroom) & nhà hàng sạch đẹp như thế này thì vui & hay biết mấy ! Qua phi trường Phú Bài nhỏ hẹp và huyện Hương Thuỷ, chúng tôi vào đến thành phố Huế. Đây là lần thứ 4, tôi trở lại thăm Huế. Huế hôm nay có nhiều "đổi mới", nhất là khi chúng tôi ở trọ một khách sạn River View mà ngay bên dưới là 1 khiêu vũ trường nhạc sập sình đến nửa khuya và đầu ngõ mà bên trái là ĐH Sư Phạm nhưng bên phải là khu Tây balô ồn ào, náo nhiệt. Bên kia đường là công viên bờ sông Hương với bến tàu mà đêm xuống có thể lên tàu để ra giữa dòng mà ngồi nghe ca Huế rất lành mạnh. Công viên bờ sông Hương bây giờ có rất nhiều công trình điêu khắc của Điềm Phùng Thị, hình như hơi nhiều nên ....bội thực? Gần đó là cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân. Bên kia sông là bến Thương Bạc. Check-in xong, chúng tôi được đưa ngay đến Thành Nội để tham quan. Nhìn Phu Văn Lâu và Thành Nội đang xuống cấp thê thảm và phải chờ ngân sách trùng tu, chúng tôi bất giác chạnh lòng trước những tàn phá của thời gian & con người. Du khách chúng tôi chỉ biết "cỡi ngựa xem hoa" chứ chúng tôi biết làm sao hơn? Hàng năm Huế Festival tưng bừng mở hội ở đây nhưng vẫn không có ngân sách trùng tu là sao? Bước qua cầu Trung Đạo, vô Điện Thái Hoà, cung Diên Thọ... Cái hay là Thành Nội vẫn sạch đẹp !
Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng ( do vua Thiệu Trị cho xây dựng), nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, huy động tới mười nghìn thợ và lính.
Trong khoảng diện tích được giới hạn bởi vòng La thành dài 1.750 m lăng Minh Mạng là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn , xuyên qua một loạt các hạng mục công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Hình thể lăng tựa dáng một người nằm nghỉ trong tư thế thoải mái, đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Từ ngoài vào trong, các công trình được phân bố trên ba trục song song với nhau mà Thần đạo là trục trung tâm. Xen giữa những công trình kiến trúc là hồ nước ngát hương sen và những quả đồi phủ mượt bóng thông, tạo nên một phong cảnh vừa hữu tình vừa ngoạn mục.
Mở đầu Thần đạo là Đại Hồng Môn, cổng chính vào lăng, xây bằng vôi gạch, cao hơn 9 m, rộng 12 m. Cổng này có ba lối đi với 24 lá mái lô nhô cao thấp và các đồ án trang trí cá chép hóa rồng, long vân... được coi là tiêu biểu của loại cổng tam quan đời Nguyễn. Cổng chỉ mở một lần để đưa quan tài của vua vào trong lăng, sau đó được đóng kín, ra vào phải qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.
Sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, lát gạch Bát Tràng (sân rộng 45 x 45 m)
Cuối sân là Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh đức thần công” bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua chaMột khoảng sân rộng tiếp theo chia làm bốn bậc lớn nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp của con người trước sự mênh mông của kiến trúc, đó là sân triều lễ Hiển Đức Môn (trong ảnh nơi có giàn giáo chống đỡ) mở đầu cho khu vực tẩm điện (nơi thờ cúng vua), được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu trưng mặt đất (từ ý niệm trời tròn, đất vuông). Điện Sùng Ân nằm ở giữa được coi là trung tâm, chung quanh có Tả, Hữu Phối Điện (trước) và Tả, Hữu Tùng Phòng (sau) như những vệ tinh chung quanh. Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Ba chiếc cầu: Trung Đạo (giữa)... Hữu Bật (phải) ...
Tả phù (trái) bắc qua hồ Trừng Minh như dải lụa xanh, đưa du khách đến Minh Lâu - một công trình như đột khởi từ quả đồi có tên là Tam Tài Sơn.
Ở giữa hai hồ Trừng Minh và Tân Nguyệt (phía sau bức ảnh), trên đường thần đạo, là Minh Lâu. Minh Lâu nghĩa là lầu sáng, nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát, là nơi đi về của linh hồn tiên đế, là dấu chấm vuông kết thúc một thế giới hữu hạn; là “bộ ngực kiêu hãnh” của “con người” được ví bởi hình dáng của khu lăng. Minh Lâu là sự thể hiện cách lý giải về vũ trụ và nhân sinh quan của người xưa. Tòa nhà này hình vuông, hai tầng, tám mái, là một biểu trưng của triết học phương Đông
Hai bên Minh Lâu, về phía sau là hai trụ biểu uy nghi dựng trên Bình Sơn ... và Thành Sơn mang ý nghĩa nhà vua đã “bình thành công đức” trước khi về cõi vĩnh hằng Một cái hồ hình trăng non tên là Tân Nguyệt ôm lấy Bửu Thành. Bửu Thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, bên trong, sâu bên dưới là mộ vua. Đây là hình ảnh của thế giới vô biên. Hồ trăng non ví như yếu tố "Âm" bao bọc, che chở cho yếu tố "Dương" là Bửu Thành - biểu tượng của mặt trời. Kết cấu kiến trúc này thể hiện quan niệm của cổ nhân về sự biến hoá ra muôn vật. Đó là nhân tố tác thành vũ trụ. Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu Thành và đường dạo quanh lăng.
Cầu Quang Minh Chính Trực bắc ngang hồ Tân Nguyệt có 33 bậc tầng cấp đẫn vào nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, được giới hạn bởi Bửu Thành hình tròn. Hình tròn này nằm giữa những vòng tròn đồng tâm biểu trưng, được tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng trái đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố.
Phía sau Bửu thành là rừng thông xanh thẳm, đem lại một cảm giác u tịch. Trên mặt cắt kiến trúc dọc theo đường thần đạo, các công trình cao thấp theo một nhịp điệu vần luật nhất quán, âm dương xen kẽ, tạo nên nét đẹp riêng cho công trình kiến trúc lăng tẩm này. Bố cục kiến trúc đăng đối của các hạng mục chính trong lăng đem lại cho lăng một vẻ uy nghiêm cần có của công trình lăng mộ. Tuy vậy, ở ngoài rìa, men theo con đường dạo quanh co vòng quanh hai hồ nước và viền xung quanh lăng, xen lẫn với cây cối có các công trình kiến trúc nhỏ dùng để nghỉ chân ngắm cảnh như: đình Điếu Ngư, gác Nghênh Phong, hiên Tuần Lộc, sở Quan Lan, Tạ Hư Hoài ... làm cho toàn bộ quần thể lăng uy nghiêm nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên và duyên dáng tráng lệ.
Hai bên trục chính của lăng có nhiều công trình phụ đối xứng nhau từng cặp một. Hiện nay các công trình như Tả Phùng trên Tịnh Sơn; Hữu Tùng Phòng trên Ý Sơn; Tuần Lộc Hiên trên Đức Hoá Sơn; Linh Phượng Các trên Đạo Thống Sơn; Truy Tư Trai trên Phúc Ấm Sơn; Hư Hoài Tạ trên đảo Trấn Thuỷ đều không còn tồn tại.
Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một bảo tàng thơ chọn lọc của thi ca Việt Nam đầu thế kỉ 19.
Ngọ Môn. Đường trước khu vực này chỉ cho phép xích lô đổ khách. Vì chạy bộ cả quãng dài từ bến đỗ xe tới đây đám trẻ con đã mướt mát mồ hôi
Sen trong Hoàng Thành
Rời Thành Nội, chúng tôi theo Kim Long đi về chùa Linh Mụ. Ghé xem chiếc xe mà Thích Quảng Đức đã dùng trước khi tự thiêu. Rất nhiều hòn non bộ đẹp dọc theo 2 bên lối đi. Tháp Phước Duyên cao 7 tầng là điểm nhấn chính. Từ chùa Linh Mụ nhìn ra sông Hương, cảnh rất đẹp.Rời Kim Long, chúng tôi ghé qua tiệm Cố Đô mua mè xửng, mè đen và các loại bánh mứt nổi tiếng của Huế. Bên kia cầu Bạch Hổ là Ga Huế. Sau đó, chúng tôi đến chợ Đông Ba shopping. Ăn chiều ở nhà hàng Cung Đình, nghe nhạc Cung Đình xong, chúng tôi lại hối hả ra bến tàu lên tàu để ra giữa dòng mà ngồi nghe ca Huế đến khuya mới đi ăn chè Huế ở đường Trần Quang Khải rồi về khách sạn.
Sáng hôm sau, chúng tôi đến viếng Lăng Khải định, Lăng Minh Mạng và Lăng Tự đức, cảnh rất đẹp nhưng mọi thứ đều xuống cấp thê thảm và phải chờ ngân sách trùng tu, chúng tôi bất giác chạnh lòng trước những tàn phá của thời gian & con người. Ngạc nhiên thích thú nhất là khi chúng tôi đến thăm đền thờ Công Chúa Huyền Trân & Vua Trần Nhân Tông tại núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An,TP Huế. Trước khi vô ngôi đền thờ Công chúa Huyền Trân là cặp rồng đá khổng lồ rất đẹp chầu 2 bên cầu thang & lối đi vào và bên trong đền thờ là pho tượng Công chúa Huyền Trân. Sau đền thờ Công chúa Huyền Trân là đền thờ Vua Trần Nhân Tông. Rẻ trái là đường lên tượng Phật Di Lạc khổng lồ & Tháp chuông Hòa Bình trên đỉnh núi Ngũ Phong. Trong khu đền thờ Công chúa Huyền Trân còn có Thiền đường, nhà thư pháp, triển lãm phong lan và khu nhà dành riêng cho sáng tác âm nhạc, mỹ thuật, văn học nghệ thuật...
Tháp chuông Hòa Bình được thiết kế cao 7m, cổ lầu là nơi treo đại hồng chung. (Cân nặng 1,6 tấn, và đường kính miệng chuông 1,26m và chiều cao 1,6m.) Chuông này do nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Sính, ở Phường Đúc (Huế) thực hiện vào ngày 23/12/2006 .
Quảng Trị
Sáng hôm sau, theo quốc lộ 1A chuyển qua đường 9 Nam Lào rồi qua đường xa lộ Hồ Chí Minh/ Trường Sơn, tôi đến tham quan động Phong Nha. Trên đường đi, chúng tôi đi qua Quảng Trị & Quảng Bình. Có lẽ ấn tượng nhất là vì đây là lần thứ 2 tôi đi qua trở lại "đại lộ kinh hoàng" và nhất là cầu Hiền Lương. Năm 2000 là lần thứ nhất tôi đi qua "đại lộ kinh hoàng" vào đêm khuya với những câu chuyện ma của anh tài xế và trong lần thứ 2 này, tôi vẫn nghe những câu chuyện khó tin về "đại lộ kinh hoàng"; nhất là khi anh tour guide chỉ cho xem tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát ngay bên vệ đường. Anh bảo: đặc sản nổi tiếng nhất của Quảng Trị là bom - đạn - mìn,sản xuất nhiều nhất là các nghĩa trang. Các địa danh nổi tiếng nhất của Quảng Trị là Ái Tử, Đông Hà, Khe Sanh, Gio Linh... nhưng hôm nay chúng tôi chỉ có thể ghé thăm thánh địa La Vang.
Đường đi rất nhỏ hẹp, sình lầy nhưng nhà thờ đã được tu bổ khang trang hơn nhiều. La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế. Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798 và một nhà thờ đã được xây dựng gần nơi 3 cây đa, nơi Đức Mẹ hiện ra. Thánh địa La Vang được Tòa thánh Vatican phong là Tiểu Vương Cung Thánh đường La Vang từ năm 1961. Vào thăm thánh địa La Vang, chúng tôi có thể thấy vết đạn loang lổ trên di tích nhà thờ cũ. 3 cây đa, nơi Đức Mẹ hiện ra nay đúc lại bằng ximăng. Chúng tôi chụp hình và cầu nguyện xong rồi đến xem lá vằng - một loại cây lá chữa bệnh và cũng là tên gọi cho La vang hôm nay. Xem ra Quảng Trị vẫn là 1 trong những tỉnh nghèo nhất nước cho dù Đông Hà đã phát triển thành 1 trung tâm thương mại khá sầm uất. Khi ghé Đông Hà để ăn trưa và mua bán, tôi vẫn chưa thấy được dấu hiệu lạc quan nào cho 1 tương lai tươi sáng hơn vì hầu hết hàng hoá vẫn từ Thái Lan & TQ tràn sang chứ không hề được sản xuất tại đây cho dù Đông Hà đã nổi tiếng về buôn lậu từ Lào, từ Thái Lan ?
Từ quốc lộ 1A chuyển qua đường 9 Nam Lào ngang qua Làng Vây, trước khi đến Khe Sanh thì chuyển qua đường Trường Sơn đến liên tỉnh lộ 20, tôi đến tham quan động Phong Nha. Người Vân Kiều mới định cư sống tập trung ở đây.
Quảng BìnhĐi qua đường xa lộ Hồ Chí Minh/ Trường Sơn, chúng tôi chỉ thấy rừng Trường Sơn chập chùng xen lẫn với vài rừng cao su mới trồng và vài rừng thông lẻ loi do di dân từ miền Bắc mới trồng sau khi mới định cư. Đến trưa, chúng tôi mới đến Phong Nha. Chủ nhà hàng chỉ cho chúng tôi thấy mới tuần rồi nước lụt ngập hết tầng trệt, Chủ nhà hàng phải dồn hết gia đình lên lầu ở suốt mấy ngày liền. Xuống tàu, Chủ tàu cũng nói là họ phaỉ neo tàu trên núi ở suốt mấy ngày liền vì lũ lụt và chỉ cho chúng tôi ngấn nước còn hằn trên vách núi đá vôi. Sau đó, chúng tôi đến tham quan động Phong Nha.Lần này, chúng tôi may mắn được đến tham quan cả 4 hang(hang Cung Đình, hang Tiên và hang Kỳ Bí, sau đó lên thăm hang Khô) cho dù rất tối và hơi khó thở vì không đủ ánh sáng và oxygen.
Từ bãi cát đi sâu vào cả 4 hang động (hang Cung Đình, hang Tiên và hang Kỳ Bí, sau đó lên thăm hang Khô),chúng tôi mới thấy được vẻ đẹp kỳ bí tuyệt vời của thiên nhiên. Chụp hình, quay phim, tham quan xong, chúng tôi ngồi thuyền trở ra bến tàu. Ngồi nhìn cảnh đẹp 2 bên bờ sông Son, xa xa là tháp chuông nhà thờ và văn phòng khu bảo tồn công viên quốc gia Kẽ bàng - Phong Nha, tôi thấy quê hương VN của mình đẹp thật. Nói chuyện với anh Chủ tàu về cuộc sống hôm nay của gia đình anh: ngày xưa sống trôi nổi trên tàu; nay thì đã tạm ổn định hơn sau khi đã sắp xếp lại bến bãi, không còn giành giựt du khách hỗn loạn như trước nữa, rồi chuyện lũ lụt, chuyện ngày xưa du kích chống Tây đã từng trốn trong hang động, etc...
Chiều, chúng tôi được đi tắm tại bãi Đá Nhảy (bãi biển đẹp nhất tỉnh Quảng Bình) dưới chân đèo Đá Nhảy (còn gọi là đèo Lý Hòa thuộc địa phận xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), cách Thành phố Đồng Hới về phía Bắc khoảng 40km nhưng vì phải trở về Huế để ăn tối & nghỉ đêm nên tài xế phải chạy hối hả trong đêm khuya, qua cầu Hiền lương - Bến Hải lúc gần 8g đêm nên dù có ghé lại ở kỳ đài nhưng vì trời quá tối nên tôi cũng không chụp được rõ ràng hình ảnh chiếc cầu lịch sử năm xưa. Tài xế kể cho chúng tôi nghe về một hiểm họa mới xuất hiện trong vài năm gần đây trên quốc lộ 1A: nhiều tài xế nghiện ma tuý lái xe như điên, không làm chủ tốc độ nên gây ra nhiều tai nạn thảm khốc. Vì lái xe đường xa nên nhiều tài xế đã tranh thủ "phê" trước khi cầm lái những xe tải đi từ Bắc vào Nam.
Kỳ Đài Bắc Việt đã dời qua bên phải, xây lớn hơn; trong khi kỳ đài Nam Việt dĩ nhiên không còn lá cờ vàng 3 sọc đỏ mà thay vào đó là 1 khu tưởng niệm với tượng đài khác. Cầu Hiền lương ngày xưa nghe nói đã bị dân tháo bỏ để đem bán sắt vụn nên bây giờ có tới 2 chiếc cầu trên sông Bến Hải: 1 cầu sắt để tưởng niệm & 1 cầu bêtông để xe cộ qua lại thuận tiện hơn. Khi đi qua nơi này, ít nhiều lứa tuổi chúng tôi cũng có những suy nghĩ khi nhớ lại cuộc chiến năm xưa.
Về đến Huế cũng đã hơn 9g khuya nên bữa cơm tối chỉ ăn vội rồi đi tắm và lên giường ngay. Nằm thao thức trằn trọc 1 mình trong căn phòng lạnh, tôi khó ngủ được sau mấy ngày tham quan Hội An - Đà Nẳng - Huế - Quảng Trị - Quảng Bình. Thấy quê hương đổi mới tốt đẹp hơn thì cũng mừng nhưng cũng có nhiều vấn đề mà VN vẫn chưa có lời giải; nhất là khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn hơn với những bất công, bất cập, bất hợp lý đè nặng trên vai người dân nghèo thì làm sao không khỏi suy nghĩ chạnh lòng? Hình như nhiều người trong nước đang trút hết trách nhiệm lên vai ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng từ vụ Vinashin đến nhiều vụ tai tiếng khác mà không thấy vị lãnh đạo nào khác trong Bộ Chính Trị chia sẻ hay có ý kiến cụ thể về từng vụ việc? Thủ Tướng VN hôm nay có quyền hành rộng rãi hơn xưa nhiều nhưng khi ra Bắc thì ông Dũng lẫn ông Triết cũng đành ...bó tay khi xung quanh các ông là trùng điệp những mũi dùi sẳn sàng công kích, chỉ trích hơn là cộng tác để làm tốt hơn những việc ích nước,lợi dân. Tôi thất vọng nhất là khi thấy 2 ông đã đi vào vết xe đổ của những lãnh đạo trước khi vẫn "lên đồng" rập khuôn với những khẩu hiệu cũ xì, vẫn chứng tỏ sự kiên định lập trường "chuyên chính vô sản" nhằm bảo vệ D(ảng mà không dám tạo ra sự đột phá nào về chính trị, xã hội, giáo dục, y tế... Tệ nhất là chính sách đàn áp những người bất đồng chính kiến - đó là "hạ sách", thậm chí hết sức "thất sách" !
Tôi trở lại thăm Hội An - Đà Nẳng - Huế - Quảng Trị - Quảng Bình lần này sau cơn lũ, nghe dân than oán khá nhiều về chuyện người ta xây đập thuỷ điện vừa & nhỏ là để đốn rừng lấy gỗ hơn là đem lại nguồn điện & phúc lợi cho dân nghèo, nghe chuyện các "đại gia" làm từ thiện "dỏm" để tự đánh bóng & quảng cáo trong khi nhân viên Hội Chữ Thập Đỏ đi quyên góp khổ nhục giống hệt như đi ăn mày ! Chuyện dài quê tôi còn nhiều lắm. VN vẫn chưa biết làm sao để hạn chế tác hại lũ lụt hàng năm, để vực dậy kinh tế, để cải thiện đời sống và nâng cao dân trí ở miền Trung. Hình như họ vẫn trông mong du lịch sẽ là chiếc đũa thần kỳ diệu? 35 năm qua với hơn 20 năm "đổi mới", thực ra VN vẫn chỉ quanh quẩn trong quá trình sửa sai mà thôi chứ chưa tạo ra sự đột phá cần thiết cho "cơ chế" bao gồm cả kinh tế, chính trị, xã hội; nhất là khi lãnh đạo vẫn chưa dám đụng đến cái "gốc" mà chỉ lo o bế cái "ngọn"! Hình như các bác lãnh đạo vẫn thích ngồi xỗm trên đầu nhân dân và đảng viên CSVN vẫn đi bên lề lịch sử dân tộc?
No comments:
Post a Comment