New York là thành phố đông dân nhất nước Mỹ với dân số gần 8 triệu 400 ngàn người, nếu tính chung với vùng ngoại ô bao quanh gọi là Ðô Thị New York (Metropolitan New York) dân số lên đến gần 19 triệu người được xem là một trong những đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố New York nằm ở bờ biển phía Ðông trong vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ có hải cảng thiên nhiên và được chia làm 5 quận gồm các quận The Bronx, Brooklyn, Manhattan, Queens và Staten Island. New York dẫn đầu thế giới về thương mại, tài chánh, văn hóa, thời trang và giải trí có trung tâm thị trường chứng khoán New York Stock Exchange ở khu Wall Street và là nơi đặt trụ sở chính của tổ chức Liên Hiệp Quốc.
Buổi sáng hôm sau, từ thành phố New Haven thuộc tiểu bang Connecticut chúng tôi lái xe đi thăm New York, lộ trình theo xa lộ 95 đi về hướng Tây dài 73 miles (117 km) qua các thành phố nằm ven bờ biển. Ðây là lần thứ 3 đến thăm New York City, hai lần trước cách đây 30 năm lúc ban đầu mới định cư sinh sống ở New Haven và lúc đó tôi không có xe hơi nên đi bằng xe điện mất khoảng 1 giờ 30 phút tới Manhattan là khu trung tâm thành phố. Xa lộ 95 lấy tên Thống Ðốc John Davis Lodge của Connecticut làm tên xa lộ từ năm 1985 (trước kia là Connecticut Turnpike có thu lộ phí nhưng nay thì đã bãi bỏ) rất đông xe cộ và qua các phố thị nhà cửa liên tục. Giữa đoạn đường là Bridgeport thành phố lớn nhất của tiểu bang Connecticut là nơi có nhà hàng bánh mì Subway đầu tiên và nơi đây nổi tiếng với thị trưởng là ông Phineas Taylor Barnum (1810-1891) vừa là một nhà ảo thuật, chủ gánh xiệc vừa là một thương gia rất thành công lại còn là một người viết sách, chủ nhà xuất bản, ông lại là một bầu show vào năm 1850 làm một tua trình diễn cho nữ ca sĩ Jenny Lind và dám trả cho cô này 1,000$ một đêm cho suốt 150 đêm trình diễn. Hiện ở trung tâm thành phố gần bến tàu còn lưu lại nhà bảo tàng Barnum thu hút rất đông du khách đến viếng.
Khu nghèo Harlem
Trước khi vào quận Manhattan trung tâm của thành phố New York, xe chúng tôi chạy ngang qua khu Harlem nằm ở phía Bắc Manhattan với những dãy chung cư có lầu liên tục là nơi tập trung sinh sống của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu. Nguyên thủy nơi đây là một làng của người Hòa Lan từ năm 1658 và họ lấy tên thành phố Haarlem ở Hòa Lan để đặt tên nơi định cư mới của họ bên xứ Mỹ. Harlem được sáp nhập vào New York City từ 1873. Khoảng năm 1904 phong trào di cư của người da đen từ các tiểu bang miền Nam như Texas, Louisiana, Alabama v.v... về các tiểu bang miền Bắc trong đó có New York, Michigan để tìm việc làm trong các thành phố phát triển về kỹ nghệ hơn là ở miền Nam làm nông nghiệp. Phong trào di dân của người da đen kéo dài cho đến 1930 được gọi là The Great Migration ước lượng có khoảng 1.4 triệu người. Tại New York người di dân da đen vào khu Harlem nơi giá nhà rẻ hơn và họ làm việc ở Manhattan cũng như các quận lân cận của thành phố New York. Trong thập niên 1920 sau khi kết thúc Ðệ Nhất Thế Chiến khu Harlem rất phồn thịnh và số người da đen tăng lên rất nhanh. Cuộc sống sung túc, văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc của người da đen thăng hoa phát triển thành phong trào có tên là Harlem Renaissance tô điểm thêm màu sắc đa dạng cho nền văn hóa Hoa Kỳ. Thời kỳ này các hộp đêm nhạc Jazz như Renaissance Ballroom, Savoy Ball trong khu Harlem rất huy hoàng và giá thuê nhà ở đây cao không thua Manhattan. Người da đen lại rất sùng đạo, họ đến nhà thờ để sinh hoạt vừa tôn giáo vừa xã hội, ca hát vui chơi, người ta ước tính khu Harlem có đến 400 nhà thờ. Hoa Kỳ lại lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế Great Depression vào cuối năm 1929 (kéo dài cho tới Ðệ Nhị Thế Chiến) khiến kỹ nghệ, thương mại New York trì trệ và ảnh hưởng nặng nề trong khu Harlem. Người da đen mất việc làm, không tiền mua thực phẩm, trả tiền nhà khiến khu Harlem suy sụp, nhà cửa phố xá tiêu điều và tội ác gia tăng ảnh hưởng cho đến ngày nay. Năm 1979 tôi từng ngồi xe điện ngang qua Harlem nhìn thấy các chung cư hoang tàn, đổ nát, lau sậy mọc đầy trong nhà tưởng như chiến tranh bom đạn tàn phá nhưng nhớ lại nước Mỹ không bao giờ bị ngoại xâm. Ðường dây điện trên cao khu phố nào cũng treo lủng lẳng hàng chục... chiếc giày! Khu tồi tàn nhất ở Harlem là khu “Bradhurst” ở giữa Adam Clayton Powell Jr. Boulevard và Edgecombe, từ 139th St. đến 155th khiến báo New York Times từng mô tả: “Kể từ 1970 dân cư bỏ đi tìm đất hứa để lại nơi đây sự nghèo đói, không học vấn, không việc làm. Gần hai phần ba số gia đình có lợi tức hàng năm dưới 10,000$. Trong cộng đồng có mức tội phạm cao nhất thành phố, những khu đất trống đầy rác rến và những chung cư xiêu vẹo, nhiều dãy nhà bỏ hoang hoặc niêm phong mang đến cảm giác thiếu an ninh và cảnh hoang tàn xâm nhập khắp mọi nơi.”
Nhiều chương trình chỉnh trang đô thị, huấn nghệ người dân tốn hàng trăm triệu Mỹ kim được đưa ra trong đó có xây nhà máy lọc nước thải, xây công viên Riverbank State Park (1993), biến khu đường rày xe điện không còn hoạt động từ đường 125th thành công viên cây xanh, xây lối đi cho bộ hành, gắn đèn đường, đèn hiệu lưu thông v.v... Từ 1980 chánh quyền thành phố New York sở hữu hơn 60% bất động sản ở Harlem rồi sửa chữa và bán đấu giá dưới giá thị trường cho những gia đình thật sự cư ngụ và sẵn sàng chăm sóc căn nhà mình ở. Những chương trình này mang lại nhiều kết quả, hôm nay sau 30 năm tôi đi ngang qua Harlem trông thấy các khu phố tươm tất đàng hoàng hơn nhiều có nhiều quán cà phê Starbucks, siêu thị Harlem USA là siêu thị đầu tiên sau 30 năm, có rạp chiếu phim sau thời gian dài vắng bóng (xây năm 2000). Năm 2001 mở cửa nhà bảo tàng nghệ thuật da đen Studio Museum in Harlem và cùng năm này cựu Tổng Thống Bill Clinton đặt văn phòng của mình cũng ở Harlem.
Rời khu Harlem, đi về hướng Nam chúng tôi đi vào Manhattan nằm trên bán đảo là quận giàu có nhất của thành phố New York cũng là trung tâm của khu đô thị New York nơi tập trung toàn là nhà chọc trời và là trung tâm kinh tế, thương mại không những của nước Mỹ mà là của toàn cầu. Trước khi đặt chân vào trung tâm của thành phố thiết tưởng chúng ta cũng cần biết sơ qua về lịch sử nguồn gốc của đô thị New York.
Lịch sử thành phố New York
Vùng Manhattan vào năm 1524 khi người Âu Châu đầu tiên khám phá ra là nhà thám hiểm người Ý tên Giovanni da Verrazzano thì vùng này là một làng độ 5,000 dân của bộ lạc da đỏ Lenape. Ông Giovanni tuy người Ý nhưng làm việc cho triều đình Pháp thời vua Francis I và ông đặt tên vùng New York hiện nay là “New Angoulême”. Ông Giovanni thực sự chưa vượt quá cửa sông vào Manhattan nơi ngày nay gọi là The Narrows mà phải đợi đến 1609 một người Anh tên Henry Hudson làm cho hãng buôn Hòa Lan thực hiện chuyến đi từ Manhattan lên đến vùng Albany ngày nay để vẽ bản đồ. Theo gót ông Hudson, năm 1614 người Hòa Lan tới thành lập những trạm mua bán da thú ở phần đất nhìn ra biển cuối đảo Manhattan và gọi nơi này là “Nieuw Amsterdam” (New Amsterdam). Theo bản đồ vẽ năm 1660 New Amsterdam cũng có đường phố, cửa hàng, vườn rau và phía Ðông giáp với đất liền có xây thành lũy ngăn giặc.
Viên quan thuộc địa người Hòa Lan tên Peter Minuit mua đảo Manhattan từ bộ lạc Lenape vào năm 1626 bằng một xâu hột thủy tinh trị giá 24$ thời đó (sau này Hội Sử Học Hòa Lan tính lại là 1,000 USD). Có sách ghi là mua từ trưởng bộ lạc là người đàn ông đội nón nên mới có tên là Manhattan. Năm 1647 ông Peter Stuyvesant được bổ nhiệm làm giám quản thuộc địa New Amsterdam và năm 1653 thành lập thành phố.
Năm 1664, trong cuộc chiến giành thuộc địa với Hòa Lan, người Anh đánh chiếm New Amsterdam và đổi tên thành New York lấy tước hiệu của vua Anh James II thời đó là “Duke of York and Albany” để đặt tên cho New York và thị trấn thượng nguồn sông Hudson là Albany (nay là thủ phủ tiểu bang New York). Quan giám quản Hòa Lan Peter Stuyvesant và hội đồng thành phố trước khi bàn giao chủ quyền New Amsterdam cho người Anh đã thương lượng để người Anh tôn trọng quyền tự do kể cả tự do tín ngưỡng cho dân chúng trong thành phố. Từ đó New York lớn dần trở thành thương cảng quan trọng của người Anh, năm 1754 Ðại Học Columbia được thành lập theo lệnh vua Anh George Ðệ Nhị ở Manhattan Hạ (Lower Manhattan) như một trường của triều đình.
Dưới thời kỳ người Anh cai trị họ đã đặt luật thuế đánh trên sản phẩm đường mía xuất cảng sang Âu Châu cũng như bắt buộc các thuộc địa Bắc Mỹ phải mua tem phiếu để nuôi quân lính Anh cai trị các thuộc địa này. Một hội đồng do 13 thuộc địa thành lập tại New York năm 1765 có tên là “Stamp Act Congress” nhằm chống lại luật thuế này và đây là lần đầu tiên các thuộc địa đoàn kết trong cùng một mục tiêu chính trị và hội đồng là nền tảng của Continental Congress (được xem như Quốc Hội Liên Bang) những năm sau đó. Cuộc chiến tranh giành độc lập diễn ra từ 1775 và Manhattan là tâm điểm của chiến dịch New York (New York Campaign) gồm những trận chiến khốc liệt trong cuộc chiến Hoa Kỳ chống lại đế quốc Anh. Trong trận đánh đồn Washington ở Manhattan ngày 16 Tháng Mười Một, 1776 quân Cách Mạng thua trước quân Anh và phải rút lui bỏ ngõ thành phố New York, từ đó New York trở thành hậu cứ quân sự và chính trị của quân Anh trong suốt thời gian chiến tranh còn lại. Một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở New York năm 1776 trong thời gian quân Anh cai trị thiêu rụi 1/4 nhà cửa thành phố, trước đó cùng năm ngày 4 Tháng Bảy, 1776, Bảng Tuyên Ngôn Ðộc Lập được Continental Congress ban hành. Trận chiến giành độc lập kết thúc sau khi tướng Anh là Cornwallis đầu hàng ở Yorktown, Virginia năm 1781 và ngày 25 Tháng Mười Một, 1783, Tướng George Washington trở lại Manhattan và quân Anh cuối cùng rút khỏi thành phố. Quốc Hội Liên Bang (Congress of the Confederation) chọn New York làm thủ đô đầu tiên của Hoa Kỳ từ 4 Tháng Ba, 1789, đến 12 Tháng Tám, 1790. Hiến Pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn và thông qua, năm 1789 Tổng Thống đầu tiên George Washington tuyên thệ tại New York đồng thời Quốc Hội cũng như Tòa Án Tối Cao được thành lập.
Trong suốt thế kỷ 19 New York thay đổi và phát triển rất nhanh do làn sóng di dân của người Irish từ quần đảo nước Anh vì nạn đói do thất mùa khoai tây ở đó. Năm 1860 cứ trong 4 người New York là có một người sinh trưởng ở Ireland, lúc này dân số thành phố ước lượng 200,000 người. Thành phố lên kế hoạch chỉnh trang, đường phố được xây dựng khắp hết mọi nơi trên đảo Manhattan, bến cảng cho tàu thuyền được thành lập cũng như trước đó vào năm 1819 kinh đào Erie được khai thông nối các hải cảng bên bờ Ðại Tây Dương với các thương trường nông sản trong nội địa Bắc Mỹ. Công viên rộng lớn Central Park ngay giữa lòng Manhattan được thành lập năm 1857, trở thành công viên trồng cây cối đầu tiên trong thành phố Hoa Kỳ.
Sang thế kỷ 20 hệ thống xe điện ngầm New York City Subway được sử dụng năm 1904 nối liền các quận ngoại ô mới thành lập tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi cho người dân. Nửa đầu thế kỷ 20 thành phố New York trở thành trung tâm thế giới về kỹ nghệ, thương mại và truyền thông, tuy nhiên sự phát triển này phải trả cái giá nào đó, cùng năm 1904 chiếc tàu hơi nước General Slocum phát hỏa trên sông East River làm thiệt mạng 1,021 hành khách. Năm 1911 đám cháy ở xưởng may Triangle Shirtwaist Factory làm chết 146 nhân công từ đó mới có những luật lệ an toàn cho các hãng xưởng.
Trước 1890 dân số New York không phải là người da trắng chỉ có 36,620 người, trong thập niên 1920 làn sóng nhập cư của người da đen từ miền Nam đổ về thành phố rất đông để tìm việc làm trong các nhà máy, hãng xưởng tạo thành phong trào Phục Hưng Harlem về văn hóa, âm nhạc của người da đen. Thời gian này các nhà chọc trời đua nhau xây cất, thành phố mở rộng và dân số vượt quá 10 triệu người khiến New York trở thành đô thị lớn và đông dân nhất thế giới qua mặt cả London từng chiếm vị trí này trước đó. Những năm Ðại Suy Thoái (Great Depression) khiến thành phố đi xuống và người ta chứng kiến cuộc bầu cử chọn ông Fiorello Henry La Guardia làm thị trưởng kéo dài đến 3 nhiệm kỳ (1934-1945), ông có công phục hồi kinh tế thành phố và sau đó trở thành khuôn mặt sáng chói trên chính trường dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt chuẩn bị đưa nước Mỹ tham gia Thế Giới Ðại Chiến Lần Thứ Hai.
Sau Thế Chiến Thứ Hai các cựu quân nhân giải ngũ trở thành lực lượng sản xuất đưa nền kinh tế thăng hoa, lúc này mở mang việc xây cất nhà cửa ở khu phía Ðông quận Queens. New York từ cuộc chiến mà Hoa Kỳ thắng trận, trở thành thành phố dẫn đầu thế giới về kinh tế với thị trường chứng khoán Wall Street, dẫn đầu tư thế chính trị với trụ sở Liên Hiệp Quốc và phát triển văn hóa nghệ thuật thay thế cả Paris. Sau nhiều giai đoạn kinh tế khủng hoảng rồi cũng mau chóng phục hồi, New York vẫn giữ vững ngôi vị là Thủ Ðô Thế Giới, đối với người Mỹ gọi New York là “Big Apple.” Cái giá sáng chói nào cũng phải trả, New York là một trong những mục tiêu của khủng bố tấn công vào ngày 11 Tháng Chín, 2001, khiến gần 3,000 người thiệt mạng cùng với sự sụp đổ của tòa tháp đôi World Trade Center, tòa cao ốc tượng trưng cho sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rồi cũng lại đứng lên, ngay nơi đây đang xây cất tòa cao ốc “1 World Trade Center” (trước kia dự định là “Freedom Tower”) cùng với 3 cao ốc văn phòng và một Ðài Tưởng Niệm những người dân vô tội đã thiệt mạng.
Từ đầu thế kỷ trước khoảng năm 1900 New York nổi tiếng là thành phố có nhiều nhà chọc trời nhất thế giới, mặc dù ngày nay có vài thành phố ở Á Châu như Thượng Hải, Hồng Kông, Ðài Bắc, Kuala Lumpur có số nhà cao tầng nhiều hơn và cao hơn nhưng so về kiểu dáng thẩm mỹ những kiến trúc ở New York đồ sộ nhưng đẹp thanh tao, hài hòa, cổ kính không có tính cách lòe loẹt phô trương.
Trong những kiến trúc đó nổi tiếng đồ sộ và nghệ thuật là ngôi nhà Empire State Building cao 102 tầng theo kiểu kiến trúc Art Deco tọa lạc ở ngã tư Fifth Avenue và West 34th Street trong khu trung tâm Manhattan của thành phố New York. Một kiến trúc nổi tiếng khác là hai cao ốc của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Center) nay không còn nữa vì vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, 2001. Thời gian đầu định cư ở New Haven năm 1979, một lần xuống chơi New York tôi đã viếng một trong hai buyn đinh của World Trade Center, đó là dịp may vì hôm nay hai ngôi nhà chọc trời cao nhất thế giới thời đó không còn nữa.
Empire State Building
Lần này chúng tôi đến viếng Empire State Building tên gọi của nó lấy từ “nickname” của tiểu bang New York là Empire State (Tiểu Bang Ðế Vương). Empire State Building được xây từ năm 1929 đến 1931 thì hoàn tất gồm 102 tầng nếu tính luôn mái nhà cao 1,250 ft (381m) và bên trên mái có những giàn ăng ten gắn vào một tháp nhọn như cây kim vừa làm cột thu lôi, nếu tính luôn chiều cao kim nhọn là 1,454 ft (443.2m). Empire State Building từng là tòa cao ốc cao nhất thế giới thời ấy qua mặt Chrysler Building cao 319m xây trước đó một năm. Ðến năm 1972 cao ốc phía Bắc của World Trade Center hoàn tất Empire State Building mới xuống hạng nhì.
Tầng ngắm cảnh của Empire State Building nằm trên tầng lầu 86 mở cửa cho công chúng vào xem mỗi ngày từ 8 giờ sáng đến 2 giờ khuya với giá vé là 20$ cho người lớn 13 đến 61 tuổi, trẻ em (6-12) 14$ và cao niên trên 62 18$. Tầng ngắm cảnh chánh ở độ cao 1,050 ft (320m) được lên bằng thang máy có 4 bề được bao bọc bằng kính để nhìn xuống cảnh đẹp huy hoàng của thành phố. Tầng này có hệ thống điều hòa nhiệt độ trong Mùa Ðông cũng như Mùa Hè. Du khách có thể bước ra bên ngoài trời, nơi đây có ống dòm cực mạnh nhưng phải trả một lệ phí nhỏ. Muốn lên trên tầng cuối cùng là tầng 102 phải trả thêm 15$ bằng cách mua vé tại tầng 86 này hoặc ở tầng 2. Nếu mua vé trên mạng lưới tin học khỏi cần phải sắp hàng chờ đợi nhiều khi rất lâu. Trước khi vào thang máy để lên tầng ngắm cảnh phải qua thủ tục khám xét như lên phi cơ, tuy nhiên được mang theo máy ảnh và đồ đạc cần dùng nhưng không được mang nước trong chai. Ở tầng 86 có lối xe lăn cho người tàn tật. Buổi trưa khi chúng tôi lên đây trời nắng đẹp, rất hiếm khi có ở New York vì gần biển sương mù từ nước biển bốc lên và trên sàn ngắm cảnh ngoài trời rất đông du khách nhất là trẻ con đủ mọi quốc tịch.
Empire State Building do William F. Lamb thiết kế và bắt đầu khởi công xây dựng từ ngày 22 tháng 1 năm 1930 với một đội ngũ nhân công 3,400 người đa số di dân đến từ Âu Châu, có cả hàng trăm thợ sắt người da đỏ bộ lạc Mohawks đến từ Kahnawake (vùng bảo tồn người da đỏ) gần Montréal, Canada. Trong thời gian xây dựng có 5 nhân công thiệt mạng. Tòa buyn đinh Empire State được xây một phần để thi đua nhằm đoạt danh hiệu “buyn đinh cao nhất thế giới” tranh đua với hai buyn đinh khác: một ở số 40 Wall Street và tòa nhà Chrysler Building đang xây gần xong trước khi Empire State Building khởi công. Chrysler Building hoàn tất chiếm danh hiệu được gần một năm thì Empire State Building cũng xong và qua mặt. Thời gian xây dựng chỉ mất có 410 ngày, phí tổn gần 41 triệu đồng.
Empire State Building chính thức mở cửa vào ngày 1 tháng 5, 1931 với kiểu dáng tân thời vào thời ấy do Tổng Thống Hoa Kỳ Herbert Hoover bật hệ thống đèn cho tòa nhà bằng cách ấn một cái nút từ thủ đô Washington DC. Tòa nhà khánh thành vào lúc Hoa Kỳ đang trong thời kỳ Ðại Suy Thoái nên hầu hết các văn phòng trong cao ốc không ai mướn. Thêm vào đó tòa nhà ở quá xa các nhà ga xe điện như Grand Central Terminal, Penn Station, trạm xe buýt Port Authority Bus Terminal cách đó nhiều “blocks” đường trong khi cao ốc Chrysler thuận lợi hơn nên thành công. Trong năm đầu tầng ngắm cảnh của Empire State Building thu vào được 2 triệu đô la bằng với tiền cho mướn thu được. Bắt đầu năm 1950 Empire State Building mới có lời và năm sau 1951 bán cho Roger L. Stevens và những người hùn vốn với ông ta trong công ty địa ốc Charles F. Noyes & Company với số tiền 51 triệu đồng. Vào thời ấy đây là giá chưa từng có cho một kiến trúc đơn độc trong lịch sử thị trường địa ốc.
Lúc 9 giờ 40 phút sáng ngày Thứ Bảy 28 tháng 7, 1945 một chiếc phi cơ thả bom B-25 do Trung Tá William Franklin Smith, Jr. lái vì sương mù dày đặc đụng vào mặt phía Bắc của tòa cao ốc ở tầng 79 và 80 nơi National Catholic Welfare Council thuê mướn. Một động cơ bắn xuyên tòa cao ốc rơi xuống nằm trên mái nhà khu phố bên cạnh. Một động cơ khác dính với bánh xe lọt xuống khe trống nơi thang máy lên xuống. Ðám cháy bùng phát nhưng được dập tắt trong vòng 40 phút và 14 người thiệt mạng trong tai nạn này. Người điều khiển thang máy tên Betty Lou Oliver kẹt trong thang máy rơi xuống 75 tầng lầu nhưng may mắn sống sót, cô ta đạt danh hiệu của Guinness World Record kỷ lục sống sót về rơi thang máy xa nhất.
Khi thiết kế trên nóc bằng của tầng 102 dự trù là bãi đáp của khinh khí cầu (Dirigible), người ta dành một đường thang máy riêng để đưa du khách từ tầng ngắm cảnh 86 lên tầng 102. Sau nhiều chuyến bay thí nghiệm thấy nguy hiểm vì gió mạnh nên phải bãi bỏ và sau đó một giàn tháp ăng ten truyền thanh được dựng lên từ 1953. Hiện nay có hàng chục ăng ten, dĩa phát sóng của hàng chục cơ quan truyền thông gắn chi chít trên ngọn tháp. Khi hai tòa nhà World Trade xây xong cao hơn Empire State Building một số đài thường bị nhiễu sóng nên nhiều ăng ten đã chuyển sang gắn bên World Trade Center và sau biến cố khủng bố 2001 họ dời lại về Empire State Building.
Cao ốc Empire State là kiến trúc đầu tiên có hơn 100 tầng lầu, nó có 6,500 cửa sổ, 73 thang máy và 1,860 bậc thang từ mặt đất lên đến tầng 103. Diện tích bên trong là 2,768,591 sq. ft. (257,211 mét vuông). Có tất cả hơn 1,000 cơ sở thương mại tọa lạc trong đó với một “zip code” bưu điện riêng là 10118. Năm 2007 có khoảng 21,000 nhân viên mỗi ngày làm việc trong tòa nhà. Tòa Empire State Building được công nhận là Di Tích Lịch Sử Quốc Gia, Kiến Trúc Lịch Sử Quốc Gia cũng như của thành phố New York. Hàng năm từ 1978 người ta tổ chức một cuộc thi đua chạy bộ từ tầng dưới mặt đất lên đến tầng 86 với chiều cao thẳng đứng là 1,050 ft (320m) phải trèo 1,576 bậc thang. Kỷ lục hiện nay là 9 phút 33 giây về tay đua xe đạp người Úc Paul Crake vào năm 2007. Anh chàng này đạp xe cũng hay mà leo nấc thang cũng giỏi!
World Trade Center
Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới (World Trade Center) là một quần thể tập hợp 7 tòa kiến trúc nhưng trong đó có hai cao ốc nổi bật cao hơn hết, cùng chiều cao, cùng kiểu dáng và nằm cạnh nhau. Người ta thường gọi hai cao ốc đó là World Trade Center mà bỏ qua những cao ốc thấp hơn cùng nằm trong khu đó. Empire State Building nằm giữa đảo Manhattan và ở về hướng Bắc nhưng World Trade Center tọa lạc trong khu Tài Chánh gần cuối đảo và cạnh sông Hudson nên từ biển đi vào rất dễ nhìn thấy. Hai cao ốc World Trade Center được thiết kế bởi kiến trúc sư người Nhật tên Minoru Yamasaki từ đầu những năm 1960 áp dụng lối kiến trúc “tube-frame” rất thông dụng sau Thế Chiến Thứ Hai cho những cao ốc trên 40 tầng, dùng vật liệu là thép và bê tông xi măng rất vững chắc để chống gió bão và động đất. World Trade Center thuộc quyền sở hữu của công ty Port Authority Trans-Hudson (PATH) là một công ty đường sắt có những tuyến giao thông nối New York và những vùng ngoại ô lân cận. Lễ động thổ khởi công vào ngày 5 tháng 8, 1966. Cao ốc phía Bắc hoàn tất vào tháng 12, 1970 và cao ốc phía Nam hoàn thành vào tháng 7, 1971. Dưới nền móng phải đào sâu xuống và xây tường chắn để ngăn nước từ sông Hudson nên phải đào một khối lượng lớn đất đá. Số đất đá và vật liệu đào lên dùng để lấp biển tạo thành công viên Battery Park ở cuối đảo.
Hai cao ốc hình vuông như hai chiếc hộp dài, mỗi cao ốc có 110 tầng lầu, cả hai có 99 thang máy với diện tích sàn nhà là 4,300,000 sq. ft. (400,000m2) cho mỗi cao ốc. Chiều cao mái nhà là 1,368 ft. (417m) nếu tính luôn giàn ăng ten là 1,727 ft. (526.3m) được xem là buyn đinh cao nhất thế giới từ 1972 đến 1973 sau đó bị Sears Tower ở Chicago, Illinois vượt qua. Tổng số kinh phí cho hai cao ốc là 900 triệu và được cắt băng khánh thành ngày 4 tháng 4, 1973. Hàng ngày trong hai tòa nhà có khoảng 50,000 người làm việc và lối 200,000 khách hàng và du khách ghé qua. World Trade Center rất rộng lớn nên cũng có “Zip Code” bưu điện riêng là số 10048. World Trade Center từng bị hỏa hoạn vào ngày 13 tháng 2, 1975 và khủng bố đặt bom ngày 26 tháng 2, 1993 bị hư hại tầng đậu xe dưới hầm.
Biến cố quan trọng hơn hết làm đảo lộn nước Mỹ là buổi sáng ngày 11 tháng 9, 2001 bầu trời New York trong xanh rất đẹp, nhóm khủng bố Al-Qaeda đã cướp hai chiếc máy bay hành khách 767 để đâm vào hai tòa nhà. Sau 56 phút cháy cao ốc phía Nam bị sụp đổ và nửa giờ sau là cao ốc phía Bắc làm thiệt mạng tất cả 2,750 người. Tòa cao ốc 7 World Trade Center nằm bên cạnh cũng sụp đổ cùng trong ngày và những cao ốc khác mặc dù không bị sập nhưng cũng bị phá hủy vì hư hại nặng. Công việc dọn dẹp mất 8 tháng trời và tòa nhà đầu tiên được xây lại nằm nơi cao ốc số 7 được mở cửa hoạt động vào tháng 5, 2006. Trong kế hoạch xây dựng lại World Trade Center người ta sẽ xây thêm 5 cao ốc nữa với tên Freedom Tower và Tower 2, 3, 4 và 5 ngoài cao ốc số 7 đã xây xong và hoạt động. Ngoài ra một Bảo Tàng và Ðài Tưởng Niệm những nạn nhân, những lính cứu hỏa đã thiệt mạng trong biến cố 11 tháng 9, 2001.
Khoảng tháng 6, 1979 gia đình chúng tôi khi định cư ở New Haven được một đồng hương với vợ tôi ở Sóc Trăng là cô Ngọc đưa đến thăm World Trade Center (từ ngày di chuyển về Cali mất liên lạc với cô, mong cô đọc được gọi cho chúng tôi). Hôm đó chúng tôi mua vé lên khu ngoạn cảnh “Top of the World” ở tầng lầu 107 đi bằng thang máy lên rất nhanh. Lên đến nơi, bầu trời New York nhiều sương mù nên nhìn xuống không được rõ, không nhìn thấy được tượng Nữ Thần Tự Do ở ngoài đảo về phía Tây Nam, tuy nhiên nhìn xuống thành phố một rừng buyn đinh tua tủa mọc lên như cao ốc Empire State và Chrysler cũng như công viên Central Park là một khoảng xanh giữa thành phố.
Hai cao ốc World Trade Center ngày nay không còn soi mình ở cửa sông Hudson, ngạo nghễ trong thành phố New York nhưng sự mất mát đó cũng như 2,750 nhân mạng đã đánh động lòng yêu nước của người Mỹ. Từ ngày đó lá cờ Mỹ được người ta treo nhiều hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn...
Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) nằm trên đảo nhỏ ở phía Tây Nam thành phố, ngay cửa sông Hudson đi vào hải cảng New York. Tượng bằng đồng mô tả một người đàn bà mặc chiếc áo thời La Mã, tay phải cầm ngọn đuốc giơ cao, tay trái ôm một bảng khắc, đầu đội vương miện. Tượng được khánh thành ngày 28 tháng 10, 1886 do người Pháp trao tặng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày nước Mỹ ký kết bảng Tuyên Bố Ðộc Lập khỏi vương quốc Anh. Tượng Nữ Thần Tự Do to lớn đứng ở hải cảng New York để chào đón những di dân đi bằng tàu thuyền tới nước Mỹ, suốt hơn 124 năm qua từng là hình ảnh biểu tượng cho Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ, một quốc gia có nền dân chủ dựa trên hiến pháp cũng là một trong những nước giàu mạnh nhất trên giới.
Từ khu Phố Tàu New York chúng tôi lái xe về hướng Nam trên đường Broadway, đến công viên Battery ở cuối đảo Manhattan sẽ gặp bến phà South Ferry để sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do nằm ngoài đảo cách bờ chừng 2 km. Ở bến phà rất khó tìm chỗ đậu xe, thường là của tư nhân với giá khá cao nên tốt nhất đến đây bằng xe điện ngầm Subway và xuống ở trạm ga South Ferry. Từ phía bên thành phố New Jersey cũng có phà viếng tượng Nữ Thần Tự Do, bến phà ở công viên Liberty State Park nơi đây đậu xe dễ hơn. Du khách có thể đi từ bến phà New Jersey rồi khi trở về lên ở bến phà South Ferry và ngược lại. Ở bến phà có quày bán vé sang viếng tượng Nữ Thần Tự Do hoặc viếng thêm nhà Bảo Tàng Di Trú trên đảo Ellis nằm gần bờ, tuy nhiên muốn viếng cả hai nơi phải đi trước 2 giờ chiều mới có đủ thời giờ thăm cả hai đảo.
Tuy vé lên tượng Nữ Thần Tự Do được bán tại bến phà nhưng nếu muốn trèo lên vương miện, vì giới hạn số người lên đó nên thường hết vé. Do đó tốt nhất nên đặt mua trước trên Internet hay gọi điện thoại. Viếng tượng Nữ Thần Tự Do có hai loại vé: loại Crown Ticket là vé thăm cả 3 nơi là nhà Bảo Tàng dưới chân tượng, hành lang ngắm cảnh phía trên nóc của tòa nhà dùng làm bệ chân tượng và leo thang trôn ốc lên tới vương miện trên đầu tượng. Giá khá rẻ chỉ có 15 USD cho người lớn và trẻ em 12 tuổi trở lên, cao niên trên 62 là 13 USD và trẻ con từ 4 đến 12 tuổi là 8 USD. Loại vé không lên vương miện nghĩa là chỉ viếng Bảo Tàng và hành lang ngắm cảnh ngay phía dưới chân tượng thì giảm 3 USD cho mỗi loại vé. Còn vé xuống phà phải mua riêng cũng bằng giá vé viếng tượng Nữ Thần Tự Do mà không lên vương miện. Nếu chỉ mua vé phà không thôi thì chỉ dạo chơi công viên trên đảo Tự Do mà không vào nhà Bảo Tàng cũng như khỏi qua thủ tục khám xét về an ninh vì đề phòng khủng bố phá hoại tượng sau biến cố 11 tháng 9, 2001.
Chúng tôi đã mua vé trước trên Internet qua Website www.statueoflibertytickets.com trước vài ngày nên khi tới bến phà chỉ chờ phà sang đảo Tự Do (Liberty Island) cách bờ khoảng 2 km nên phà chạy 20 phút là tới. Phải sẵn sàng máy ảnh vì trên phà chụp những cao ốc khu Manhattan soi bóng trên mặt biển rất đẹp và tượng Nữ Thần Tự Do ngạo nghễ giữa biển trời bao la. Ðến đảo có tượng Nữ Thần Tự Do phải “check in” ở Information Center qua thủ tục khám xét rồi vào bên trong tòa nhà dùng làm bệ chân tượng nay làm nhà Bảo Tàng Tượng Nữ Thần Tự Do và bán quà kỷ niệm. Ðể lên nóc hành lang ngắm cảnh du khách phải dùng thang bộ. Trước kia có thang máy nhưng hiện nay đang đóng vì an ninh hay tu bổ gì đó? Tới nóc tòa nhà là hành lang ngắm cảnh nằm ngay dưới chân tượng, ở đây chụp ảnh, đi một vòng ngắm cảnh, nghỉ mệt sau đó tiếp tục vào bên trong để leo cầu thang bên trong bức tượng để lên chiếc vương miện trên đầu tượng.
Ðường lên vương miện
Ðường lên vương miện cũng khó khăn nhọc nhằn như trèo lên Vạn Lý Trường Thành, tuy không xa và mệt như trèo Vạn Lý Trường Thành nhưng ở đây lại nóng và ngộp! Nếu không đi thì không biết, nên khi tới New York là phải thăm tượng Nữ Thần Tự Do mà đến tượng rồi thì phải lên vương miện. Vương miện đã đóng cửa từ ngày khủng bố 11 tháng 9, 2001 mới mở lại nhân ngày Quốc Khánh 2009 vừa qua. Phải trèo 146 bậc thang trôn ốc bằng sắt mà chiều ngang rất hẹp chỉ vừa một người đi, tôi trèo hơi chậm nhưng những người phía dưới cũng kiên nhẫn chờ và bước chậm theo sau. Mỗi giờ chỉ cho vào 3 toán và mỗi toán khi lên tới phần đầu tượng bên trong vương miện chỉ cho vào mỗi lần 10 người. Ði bên trong tượng chỉ nhìn thấy chằng chịt những khung sắt có phần ghê rợn nhất là nóng bức vì không khí thường cao hơn bên ngoài khoảng 15 đến 20 độ F. Phía trong vương miện nhìn ra ngoài bằng 25 cửa sổ nhỏ, khung cửa lớn nhất cao khoảng 18” (46cm) nên tầm nhìn cũng giới hạn chỉ thấy một phần trời đất bên ngoài. Hôm nay có gió nên phần đầu tượng đong đưa tới lui, tuy được cho biết là an toàn nhưng cũng có cảm giác rờn rợn. Theo tài liệu khi xây tượng người ta để một độ hở cho đầu tượng di chuyển tới lui trong khoảng cách 3 inches (76mm) trong trường hợp sức gió lên đến 50 miles/giờ (80km/giờ) và ở phần cây đuốc cao hơn người ta để độ hở là 5 inches (130mm). Thà cho xê dịch còn hơn làm khít khao sẽ bị gãy đổ khi bị bão tố. Thời tiết xấu hay an ninh đe dọa, tượng được đóng cửa và hoàn lại tiền vé còn không thì dời lại ngày khác.
Kiến trúc tượng
Tượng Nữ Thần Tự Do lớp bên ngoài làm bằng đồng nguyên chất khi mới có màu đỏ nhưng nay màu xanh xám là vì phản ứng hóa học giống như rỉ sét do tiếp xúc với muối biển và những chất khác trong không khí. Lớp vỏ đồng bên ngoài được treo và nâng đỡ bằng hệ thống giàn giá bằng sắt bên trong thân tượng. Tượng diễn tả một người đàn bà vận chiếc áo choàng thời La Mã gọi là “stola”, đầu đội chiếc vương miện có 7 mũi nhọn tượng trưng cho tia nắng của vầng thái dương, chân tượng mang dép xăng đan đạp trên sợi dây xích đứt đoạn. Cánh tay mặt cầm ngọn đuốc đưa thẳng lên cao, riêng ánh lửa hiện nay được mạ vàng sáng loáng và tay trái ôm một tấm bảng khắc ngày 4 tháng 7 năm 1776 bằng số La Mã (VII IV MDCCLXXVI) là ngày Hoa Kỳ tuyên bố độc lập. Tượng cao 151 ft (46m) được đặt trên một bệ (pedestal) bằng đá hình chữ nhật phía dưới là phần nền móng hình ngôi sao 11 góc khiến tượng có tổng chiều cao là 305 ft (93m).
Lịch sử bức tượng
Một nhóm chính trị gia Pháp muốn có một món quà trao tặng nước Mỹ nhân dịp đánh dấu 100 năm ngày độc lập của Hoa Kỳ nên giao cho nhà điêu khắc Frédéric Bartholdi sứ mạng thiết kế một bức tượng nào đó và phải hoàn tất trước năm 1876. Bức tượng ông Bartholdi đề xướng có tên Nữ Thần Tự Do gây nhiều dư luận trong chính trường Pháp vì thời ấy tuy với chính thể dân chủ Ðệ Tam Cộng Hòa nhưng một số chính trị gia trong chính quyền Pháp muốn trở lại chế độ quân chủ có vua chúa hay ít ra cũng tự do dân chủ một nửa như dưới thời Hoàng Ðế Napoléon.
Tượng nhỏ dùng làm mẫu bằng đất nung được đắp năm 1870 (hiện được trưng bày trong Bảo Tàng Nghệ Thuật Lyon) và tượng đúc bằng đồng tỉ lệ nhỏ do nhóm Mỹ kiều ở Paris trao tặng thành phố Paris ngày 13 tháng 5, 1885 hiện còn lưu giữ ở Ile des Cygnes bên Pháp. Ðiêu khắc gia Bartholdi đặc trách xây tượng khi sang Ai Cập thấy kinh đào Suez mới xây có hải đăng to lớn ở cửa biển nên ông nảy sinh ý tưởng phải xây tượng Nữ Thần Tự Do thật to lớn vĩ đại và đặt ngọn hải đăng trên đó. Về Pháp ông đề nghị người Mỹ xây chân tượng còn Pháp sẽ trách nhiệm đúc tượng thật lớn và ráp ở Mỹ. Nhóm làm tượng ở Pháp ráo riết chương trình gây quỹ với những buổi hòa nhạc do nhạc trưởng Charles Gounod dàn dựng ở hí viện Paris Opera với đề tài “Tự Do Thắp Sáng Thế Giới” cũng như tổ chức xổ số và gây quỹ được khoảng $250,000. Ở Mỹ cũng có chương trình gây quỹ tương tự để kiếm tiền xây chân tượng.
Ông Bartholdi phải tìm kỹ sư về cấu trúc vì tượng đồng quá lớn phải làm giàn giá vững chắc bên trong nhất là đặt ở cửa biển thường bão tố và ông giao cho Gustave Eiffel (người thiết kế tháp Eiffel) có nhiệm vụ điều nghiên làm cây cột sắt chống đỡ với những sườn sắt để dựng được cái vỏ tượng đồng đứng lên vững vàng. Ông Eiffel được phụ tá trợ giúp chi tiết là kỹ sư về cấu trúc Maurice Koechlin. Ông Bartholdi muốn tượng hoàn tất và giao cho Hoa Kỳ đúng ngày 4 tháng 7 năm 1876 nhưng không kịp vì những trở ngại bất ngờ, lúc đó chỉ cánh tay phải cầm cây đuốc đã xong. Cánh tay ấy được vội chở sang Mỹ và trưng bày trong Hội Chợ Kỷ Niệm 100 Năm Ðộc Lập mở tại Philadelphia, khách viếng phải trả 50 xu để leo cầu thang lên ngọn đuốc. Số tiền được bổ sung vào ngân khoản xây tòa bệ chân tượng. Ở Paris nhân Hội Chợ Paris năm 1878 phần đầu bức tượng được trưng bày trong công viên Trocadéro Palace cũng như những phần khác của bức tượng được đưa ra cho công chúng xem ở Công Trường Chiến Thắng gần Khải Hoàn Môn.
Bên Mỹ đảo nhỏ tên Bedloe trước kia có đồn lính Fort Wood hình ngôi sao nằm gần hải cảng New York được Hạ Viện chấp thuận bằng đạo luật ngày 3 tháng 3, 1877 là nơi đặt tượng Nữ Thần Tự Do theo ý kiến của ông Bartholdi và ngày 18 tháng 2, 1879 giấy chứng nhận chủ quyền thiết kế (Design Patent) bức tượng được cấp cho ông Bartholdi mô tả rõ ràng về bức tượng cũng như họa đồ. Bên Pháp việc gây quỹ đã hoàn tất vào tháng 7, 1882 nhưng bên Mỹ vẫn còn thiếu tiền để xây chân tượng do kiến trúc sư Richard Morris Hunt phụ trách nên việc xây phải ngưng lại. Chủ báo “The World” là ông Josepth Pulitzer (sáng lập giải Pulitzer) dùng tờ báo của mình đứng ra hô hào chỉ trích những nhà tài phiệt không đóng góp cho bức tượng, nhờ vậy tài chánh cũng có thêm và công việc được tiếp tục vào tháng 5, 1885.
Bức tượng được đưa tới hải cảng New York vào ngày 17 tháng 6, 1885 bằng chiến hạm Pháp tên “ Isère” chạy bằng hơi nước do thuyền trưởng Lespinasse De Saune chỉ huy. Ðể chuyên chở không cồng kềnh, tượng được tháo ra làm 350 mảnh nhỏ xếp trong 214 thùng gỗ. Hoa tiêu hải cảng là Joseph Henderson hướng dẫn chiến thuyền “Isère” vào vịnh New York và cặp bến an toàn vào đảo Bedloe. Ðảo này mãi tới năm 1956 mới chính thức đổi tên thành đảo Liberty (Tự Do) mặc dù người ta đã gọi tên đó từ đầu thế kỷ.
Vận động tài chánh xây chân tượng kết thúc ngày 11 tháng 8, 1885 và chân tượng hoàn tất ngày 22 tháng 8, 1886 sau khi 2 cặp gồm 8 đà sắt khổng lồ được chôn trong bê tông đưa thẳng lên nhằm nối kết giữa bệ chân tượng và sườn sắt của thân tượng. Những phần của bức tượng sau 11 tháng nằm trong thùng chứa chờ đợi chân tượng hoàn thành nay được mang ra đem ráp vào mất 4 tháng. Ngày 28 tháng 10, 1886 khăn che tượng Nữ Thần Tự Do được Tổng Thống Grover Cleveland vén ra trước hàng ngàn cử tọa, trước đây ông này khi còn là thống đốc tiểu bang New York đã từng... phủ quyết dự luật cấp $50,000 để xây chân tượng! Mười năm sau đó nước Mỹ đã tặng lại cho Pháp 10 triệu đồng trong các chương trình từ thiện.
Tượng Nữ Thần Tự Do có nhiệm vụ như ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè từ ngoài khơi đi vào cảng New York từ năm 1886 đến 1902 và đặt dưới quyền quản lý của Hội Ðồng Hải Ðăng Hoa Kỳ. Ðây là ngọn hải đăng của Mỹ đầu tiên dùng đèn chiếu sáng chạy bằng điện có thể thấy từ ngoài khơi cách xa 24 miles (39km). Ngọn đèn hải đăng ban đêm quyến rũ hàng trăm chim biển bu vào và nằm chết dưới bệ tròn quanh ngọn đèn. Mỗi ngày người quản đăng giữ ngọn đèn phải ra dọn dẹp. Trong thời Ðại Chiến Thứ Nhất, năm 1916 vụ nổ kho thuốc súng do đặc công Ðức Quốc Xã phá hoại làm hư hại tượng Nữ Thần Tự Do, mức thiệt hại tính theo thời giá hiện nay là 2 triệu đồng và người ta thay ngọn đèn bằng lồng đèn hình ngọn lửa với kính cửa sổ nhà thờ màu vàng. Năm 1986 thay lồng đèn bằng ngọn đuốc có những ánh lửa là những miếng kim loại dát vàng được chiếu sáng bằng những ngọn đèn spotlights từ phía dưới rọi lên. Sau biến cố 9-11 đảo Liberty đóng cửa và mở lại vào tháng 12, 2001 và tượng được mở trở lại cho du khách viếng ngày 3 tháng 8, 2004. Vương miện và thang trôn ốc bên trong được mở cho du khách lên viếng từ 4 tháng 7, 2009.
Tượng Nữ Thần Tự Do chân đạp xích xiềng nô lệ, tay cầm ngọn đuốc soi đường đứng ở cửa biển đi vào New York hơn trăm năm đã từng chào đón không biết bao nhiêu đoàn người tỵ nạn từ Âu Châu đi thuyền tới nước Mỹ sau một cuộc hải hành gian nan liều chết ra đi. Có thể nói gia đình tôi là một trong số người đó, ngày 30 tháng 3, 1979 từ trại tỵ nạn Thái Lan chúng tôi đã vào nước Mỹ qua cửa phi trường New York. Trên chính quê hương bị ngược đãi kỳ thị trong khi trên xứ người được ân cần chào đón và chúng tôi đã lập cuộc đời mới, đóng góp ít nhiều trên đất mới. Trở lại đây thăm Nữ Thần Tự Do để nói lời cám ơn, mong ánh đuốc Tự Do của Bà soi rọi khắp mọi miền trên thế giới, xua tan bóng tối bất công, áp bức để mọi người được tự do, hạnh phúc...
New York là thành phố đông dân và lớn nhất Hoa Kỳ đồng thời cũng là thủ đô của thế giới về chứng khoán, thương mại, tài chánh, văn hóa, thời trang và giải trí. New York được người Mỹ thân ái gọi là “Quả Táo Lớn” (Big Apple) nhưng không hiểu rõ nghĩa là gì chỉ biết tên ấy do ký giả thể thao John Fitz Gerald viết trên tờ New York Morning Telegraph khoảng 1920 mãi đến thập niên 1970 tên gọi “Big Apple” mới được thông dụng. New York ngày xưa là cửa ngõ chào đón di dân tìm đời sống mới nên nơi đây đông đủ mọi sắc dân khiến New York trở thành một thành phố quốc tế với nhiều sắc thái đặc biệt.
Viếng đảo Ellis
Rời đảo có tượng Nữ Thần Tự Do chúng tôi xuống phà tiếp tục đi sang đảo Ellis nằm cách đó không đầy 1 km ở về hướng Bắc. Ellis ngày xưa là một đảo riêng biệt cách bờ thành phố New Jersey chừng 100 mét nhưng ngày nay có một cây cầu nối liền vào bờ, cây cầu không cho dân chúng sử dụng nên từ Manhattan hay New Jersey muốn ra đảo Ellis du khách đều phải dùng phà.
Ðảo Ellis từ 1892 đến 1954 là cơ sở thanh lọc di dân từ nước ngoài nhập cảnh vào New York để thay thế Trạm Di Trú Castle Garden ở Manhattan hoạt động từ 1855 đến 1890 của chính quyền tiểu bang New York. Kể từ khi có tòa nhà Di Trú trên đảo Ellis thì cơ sở thanh lọc mới này được giao cho chính quyền liên bang quản lý. Ngày nay di dân nhập cảnh không còn dùng tàu thủy nữa mà dùng phi cơ sau khi hồ sơ được Sở Di Trú chấp thuận qua tòa đại sứ Mỹ nên cơ sở thanh lọc trên đảo Ellis đóng cửa và hiện nay trở thành nhà Bảo Tàng Di Dân phục vụ về du lịch cùng với tượng Nữ Thần Tự Do nằm trong danh thắng quốc gia “Statue of Liberty National Monument” dưới sự quản lý của cơ quan công viên quốc gia US National Park Service.
Tòa nhà Di Trú ngày xưa trên đảo Ellis là một kiến trúc có 3 tầng lầu sơn màu huyết dụ với 4 ngọn tháp hình cầu nhìn như những kiến trúc ở Bắc Âu. Tòa nhà được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Edward Lippincott Tilton và William Alciphron Boring từng đoạt huy chương vàng tại Hội Chợ Paris năm 1900. Sở di trú liên bang trên đảo Ellis mở cửa hoạt động từ ngày 1 tháng 1, 1892 cho đến 12 tháng 11, 1954 đã từng kiểm tra khoảng 12 triệu người di dân nhập cảnh nước Mỹ. Trong 35 năm trước đó có khoảng 8 triệu người nhập cảnh được kiểm tra qua trạm Castle Garden ở Manhattan do tiểu bang New York phụ trách. Năm 1907 là năm số người qua trạm Ellis cao nhất với 1,004,756 di dân đến đây như ngày 17 tháng 4 có đến 11,747 người di dân đến đảo Ellis. Những ai nhìn thấy có vấn đề sức khỏe hoặc bịnh tật đều bị gởi trả về hay bị giữ ở bịnh viện trên đảo rất lâu. Thường các nhân viên y tế ở đây khám rất nhanh và vẽ các chữ tắt bịnh tật trên áo người di dân nên có nhiều người gian lận bằng cách lộn bề trong áo ra ngoài! Ai khỏe mạnh được nhân viên sở di trú chất vấn 29 câu hỏi như tên họ, nghề nghiệp và mang theo bao nhiêu tiền. Thông thường mỗi người được chấp thuận cho nhập cảnh chỉ mất từ 2 đến 5 giờ đồng hồ ở đảo Ellis tuy nhiên có tất cả hơn 3,000 người đã chết trong bịnh viện trên đảo này. Nhiều người bị từ chối không cho nhập cảnh vì nhân viên di trú nghĩ rằng họ sẽ là gánh nặng cho xã hội. Khoảng 2% bị từ chối vào nước Mỹ và được gởi trả về nguyên quán vì những lý do như mang bịnh truyền nhiễm, có tiền án hay bịnh tâm thần. Ðảo Ellis đôi lúc được gọi là “đảo nước mắt” hay “hòn đảo tan nát con tim” bởi vì số người bị từ chối này đã trải qua một chuyến vượt biển gian nan xuyên đại dương để mong được nhập cảnh vào Mỹ. Nhà văn Louis Adamic đến Mỹ từ nước Slovenia ở vùng Ðông Nam Âu Châu vào năm 1913 mô tả một đêm dài ở đảo Ellis là ông ta và nhiều di dân khác nằm ngủ trên những chiếc giường chồng trong một căn phòng lớn. Không có chăn ấm khiến ông run rẩy vì lạnh, suốt đêm không ngủ nằm nghe tiếng ngáy và tiếng mớ trong giấc mơ với hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Cơ sở ở đảo rất lớn nội căn phòng ăn có thể chứa hơn 1,000 người!
Trong thời Ðệ Nhất Thế Chiến, người Ðức đốt phá kho thuốc nổ ở cầu tàu Black Tom khiến tòa nhà di trú trên đảo Ellis hư hại. Người ta sửa chữa lại nhiều nơi trong đó có trần nhà hình cung ở tòa nhà chính hiện nay. Trong thời chiến đảo Ellis còn là nơi tạm giữ những thương buôn người Ðức cũng là trạm chuyển tiếp những thương bịnh binh từ chiến trường gởi về. Trong thời chiến số di dân đến giảm đáng kể chỉ có vài chục ngàn người đến trong một năm, ít hơn bình thường đến hàng trăm ngàn người. Sau Thế Chiến Thứ Nhất số di dân đến tăng trở lại với mức như trước đó.
Làn sóng di cư đông đảo chấm dứt vào năm 1924 sau khi Luật Di Trú mới được thông qua giới hạn số người nhập cảnh và cho phép chuyển thủ tục phỏng vấn qua các tòa đại sứ Mỹ ở nước ngoài. Sau thời gian đó tòa nhà trên đảo Ellis trở thành nơi tạm giữ chờ tống xuất những di dân nhập cảnh bất hợp pháp. Tiếp đến là Thế Chiến Thứ Hai cơ sở trên đảo trở thành căn cứ huấn luyện lực lượng tuần duyên và cũng là nơi tập trung để cô lập những sắc dân mà nước họ đang tuyên chiến với Hoa Kỳ để đề phòng dọ thám hay phá hoại, có 7,000 người Ðức, Ý và Nhật Bản bị giữ ở đây. Với đạo luật Nội An (Internal Security Act) 1950 nơi đây đã tạm giữ những thành viên của những tổ chức Cộng Sản và Phát Xít, cao điểm lên tới 1,500 người năm 1952, sau khi nới lỏng luật di trú số người bị giữ chỉ còn lại 30 người. Tháng 11 năm 1954, đảo Ellis đóng cửa và người ta bắt đầu vận động để tòa nhà này trở thành di tích lịch sử của Hoa Kỳ. Mãi tới ngày 15 tháng 10, 1966 đảo Ellis cùng với tượng Nữ Thần Tự Do trở thành Di Tích Lịch Sử Quốc Gia đặt dưới quyền quản lý của Sở Công Viên Quốc Gia. Ðảo Ellis nguyên thủy chỉ rộng có 3.3 acres nhưng ngày nay đến 27.5 acres vì được lấp dần ra biển bằng đất đào để xây hệ thống đường xe điện ngầm và những đường hầm xe hơi khác.
Chúng tôi vào tòa nhà chính màu đỏ 3 tầng lầu ngày xưa là nơi đón tiếp và thanh lọc di dân nay là nhà bảo tàng về di dân (Ellis Island Immigration Museum). Nhà bảo tàng này không có thu lệ phí và mở cửa mỗi ngày từ 8 giờ 30 sáng đến 6 giờ 15 chiều. Phải tuân theo các điều lệ về an ninh cũng như không được hút thuốc hoặc nhai kẹo cao su trên đảo Ellis cũng như đảo Nữ Thần Tự Do, con nít phải có sự giám hộ của người lớn. Ðồ ăn hoặc thức uống được dùng ở những nơi chỉ định như các quán ăn, giải khát.
Bên trong tòa nhà chính là viện bảo tàng trưng bày các đồ vật, hình ảnh, ấn phẩm, phim ảnh (video), những câu chuyện được đọc liên quan đến lịch sử dài 4 thế kỷ của người di dân đến nước Mỹ. Bên ngoài có bức tường vinh danh những di dân gọi là “American Immigrant Wall of Honor” hiện nay ghi tên trên 600,000 di dân bất kể đến cảng nào trên nước Mỹ. Có 2 phòng lớn được tái tạo như hồi tiên khởi là Phòng Hành Lý (The Baggage Room) ngày xưa mỗi ngày có hàng ngàn người qua đây để nhận hành lý trước khi lên lầu vào Phòng Khai Trình (Registry Room) để gặp nhân viên Sở Di Trú có những dãy băng ngồi chờ đợi. Nhà bảo tàng có những khu như Peopling of America trước kia là phòng vé xe lửa nơi người di dân mua vé để về nơi định cư nay triển lãm hình ảnh 400 năm chính sách thu nhận di dân. Khu khác là American Family Immigration History Center được mở cửa vào ngày 17 tháng 4, 2001 nơi đây trưng bày những quyển sổ ghi tên những con tàu đi vào hải cảng New York từ 1892 đến 1924. Du khách có thể vào xem 11 lãnh vực tài liệu như sổ nhật ký hành trình của những con tàu, hình ảnh của nó và danh sách hành khách theo chuyến tàu. Nhiều người nhận ra tên tuổi của tổ tiên mình ngày xưa đã qua đây để vào nước Mỹ.
Công viên Central Park
Du lịch là đi tìm hoa thơm cỏ lạ nên đến New York mà không vào Central Park là một điều thiếu sót. Người dân New York thường tự hào về công viên Central Park của mình vì giữa đô thị “ai ơi tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu!” Người giàu có ở Manhattan phải sống trong những chung cư trên những lầu cao hàng trăm tầng mà giữa thành phố lại dành ra một khu đất rộng lớn đến hơn 1 dặm vuông (843 acres hay 341 hectares) trồng cây làm nơi thư giãn vui chơi cho dân chúng. Central Park được mở cửa năm 1859, hoàn tất năm 1873 và được xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng về vườn cảnh (landscape) Frederick Law Olmsted và phụ tá là nhà kiến trúc Calvert Vaux. Công viên không có núi giả sơn, cỏ xén thẳng tắp, hoa trồng phẳng phiu đầy vẻ nhân tạo mà hầu hết cảnh trí đều trông rất thiên nhiên “buồng u tàu xụ trông thật u nhàn” bốn mùa, tám tiết cây cối hoa cỏ thay đổi với thiên nhiên. Trong công viên có những ao hồ thanh tịnh với lau sậy, hoa súng mọc đầy không thấy bờ trát xi măng, có nhiều lối ngõ quanh co cho người đi bộ, có hai nơi trượt băng tuyết vào mùa Ðông nhưng là hồ bơi cho những tháng Hè. Trong công viên có vườn bách thú Central Park Zoo hấp dẫn trẻ con và vườn hoa Central Park Conservatory Garden rộng 6 acres là nơi duy nhất mới thực sự thấy bàn tay con người nhúng vào gọi là “formal garden” theo kiểu vườn cảnh Anh, Pháp hoa cỏ cắt xén theo những đường nét hoa văn, hình học.
Công viên Central Park là nơi thiên nhiên hoang dã (nhưng thực sự do con người tạo ra) nên là ốc đảo quy tụ những loài chim di trú bay về đây nhất là trong hai mùa Xuân và Thu rất hấp dẫn đối với những người có thú ngắm chim (bird watchers) và người ta ước lượng có đến 275 giống chim nhìn thấy ở đây. Về những con số của Central Park: có khoảng 26,000 ngàn cây trong công viên (loại cây nhiều nhất là American Elm 1,700 cây). Có 36 cây cầu, 21 vườn chơi (playgrounds), 9,000 băng đá nếu đặt nối nhau sẽ dài đến 7 miles. Chu vi công viên là 6 miles (hình chữ nhật dài 2.5 miles, ngang 0.5 miles, chiều dài tất cả những con đường đi bộ là 58 miles. Có thể lái xe xuyên qua công viên trên những đường Park Drives với vận tốc tối đa là 25 mph (lưu ý vào cuối tuần có nhiều đường xe đóng lại dành cho người đi bộ). Mỗi năm có 25 triệu du khách vào xem. Giờ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 1 giờ đêm (công viên rất nguy hiểm vào ban đêm). Ðậu xe hơi khó trong công viên, nên tìm chỗ đậu bên ngoài có trả tiền. Có nhiều quán ăn trong công viên. Central Park nằm giữa khu Manhattan từ đường 59th St.từ hướng Nam kéo dài đến đường 110th St. ở hướng Bắc và từ 5th Ave. ở phía Ðông sang Central Park West (tức 8th St.) phía Tây. Central Park miễn phí trừ Sở Thú lệ phí $10 người lớn, $7 cao niên trên 65 và $5 trẻ con (3-12 tuổi).
Cũng như những thành phố khác trên nước Mỹ, New York có rất nhiều thắng cảnh, di tích, bảo tàng cần thăm viếng và mỗi nơi đều bán vé vào cửa. Tiết kiệm nhất là mua New York Pass, mua một lần đi hết các thắng cảnh có giá chia ra từ 1 đến 7 ngày khoảng $75 đến $190 cho người lớn (trẻ em rẻ hơn từ $55-$150), độc giả có thể mua ở trang mạng www.newyorkpass.com.
Về thức ăn ở New York vì là thành phố rất đông người di dân nên có các món ăn mọi miền trên thế giới. Người Ðông Âu và Ý Ðại Lợi có những món làm cho New York nổi tiếng như bánh tròn bagels, cheesecake và New York-style pizza. Ðịa phương New York có những món nổi tiếng như thịt bò New York Steak, New York Clam Chowder (cháo ngêu), món đặc sản của người Mỹ là Hamburger cũng xuất xứ từ New York do một người Ðức từ thành phố Hamburg sáng chế. Có hơn 4,000 xe bán thức ăn được chính quyền cấp giấy phép, nhiều chủ xe là di dân từ miền Trung Ðông bán các món như Falafel (viên tròn được chiên bằng bột vài thứ đậu), món thịt xâu Kebaks (làm bằng thịt cừu, dê) và những món ăn nhanh như Pretzels (bánh thắt nơ mà cựu Tổng Thống Bush “con” ăn bị mắc cổ dạo nào), Hamburger, Hotdogs v.v... Gần đây thêm món bánh mì thịt Sài Gòn mà có hai chủ nhân người Việt kiện nhau ra tòa vì tranh nhau bản quyền bánh mì thịt. Hai ông này Thúy Nga Paris cần phải... vinh danh vì phổ biến đặc sản quê hương trên thương trường quốc tế. Nhiều bạn trẻ cũng như sồn sồn gặp trong chợ hoa Tết Bolsa-Phước Lộc Thọ phê bình tôi dạo này viết ký sự du lịch cứ nói di tích lịch sử, thắng cảnh, món ăn khô khan mà không chi tiết cụ thể như nơi nào có nhiều hoa thơm cỏ lạ để các bạn đi tìm. Thể theo nguyện vọng yêu cầu của các bạn độc giả tôi xin hé mở ít thôi: Ở New York muốn tìm hoa thơm cỏ lạ về đêm khách du Xuân cứ thả bộ xuống công trường Times Square nơi đếm ngược thời gian để đốt pháo bông mỗi dịp giao thừa sang năm mới ắt sẽ gặp vô vàn các loài hoa nở về đêm đủ mọi sắc màu, quốc tịch tha hồ mà thưởng ngoạn... giao lưu:
“Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa bên sông Vân...”
(“Gái Xuân” thơ Nguyễn Bính, nhạc Từ Vũ)
Khu Chợ Tàu New York ở cuối đảo Manhattan nằm trong vùng hình chữ nhựt, phía Bắc có đường Canal Street (cùng biên giới với khu người Ý, Little Italy), phía Ðông là đường The Bowery ngày xưa là phố của người Hòa Lan, phía Nam là đường Worth Street của khu thương mại Soho và phía Tây là đường Baxter Street dưới chân cầu Manhattan.
Từ Ground Số Không tức khu đổ nát của World Trade Center chúng tôi lái xe đi về hướng Ðông không đầy 1 km là tới khu Phố Tàu. Ðường Canal là đại lộ huyết mạch của khu Phố Tàu Manhattan đồng thời cũng là đường biên giới phân cách với khu Little Italy ở về hướng Bắc. Ðường Canal có hai chiều xe lưu thông, qua khỏi ngã tư Baxter Street là bắt đầu vào Phố Tàu với dãy phố lầu hai bên đông đảo người đi mua sắm. Canal là phố “Hàng Bạc” rực rỡ các cửa tiệm vàng bạc kim cương bày biện các món nữ trang lộng lẫy trong những tủ kính đèn sáng rực. Những tiệm kim hoàn ở Bolsa trong Khu Phước Lộc Thọ hay ở Chợ Tàu Toronto đều ở trong những thương xá có mướn an ninh gác cổng, nếu nằm đơn lẻ thì ngoài an ninh còn thêm nhiều ngăn cửa sắt nhưng trên đường Canal này các tủ kim hoàn bày ra sát lối đi không có song sắt che chắn mà cũng không thấy an ninh đứng gác. Tuy nhiên thấy một vài xe cảnh sát đậu trên đường và rất nhiều xe nhỏ đi gắn giấy phạt những xe đậu bất hợp pháp. Ðã đi nhiều khu Phố Tàu trên đất Mỹ, Canada và Âu Châu, phải nhìn nhận rằng đây là khu kim hoàn lớn nhất trong các Phố Tàu vừa kể. Các tiệm kim hoàn ở đây đều có bảng hiệu bằng tiếng Mỹ như Season Jewelry, Centre Jewelry, New Fancy, Good Luck, Golden Jade và nhìn thấy có hai tiệm đề tên Việt Nam là Tiệm Vàng Kim Phượng và Minh Tâm Jewelry. Tôi có người quen ở New York nhưng nhà ở Jersey City, anh ta cho biết phần đông chủ các tiệm kim hoàn ở đây đều là người Hồng Kông nên cách bày trí cửa tiệm đèn đuốc sáng sủa như các tiệm kim hoàn ở Hồng Kông. Các tủ kính bên ngoài phần nhiều là hàng rẻ tiền, bày cho đẹp mắt chứ những món quý giá đều để bên trong. Chụp hình các tiệm kim hoàn là điều không nên, do đó tôi không có một tấm hình nào của phố kim hoàn đường Canal!
Ðại lộ Canal rất đông vui lúc nào cũng tấp nập bộ hành, phố Tàu xuyên qua 5 con đường là Baxter, Mulberry, Mott, Elizabeth và Bowey, ở những ngã tư lớn ngoài đèn lưu thông còn có cảnh sát đứng giữa ngã tư để điều hành lưu thông nhất là cho bộ hành băng qua đường. Ðường Canal còn là một con đường lớn ở Manhattan Hạ nối với New Jersey ở hướng Tây bằng cách đi qua đường hầm Holland Tunnel I-78 nằm dưới sông Hudson. Nối với Brooklyn ở hướng Ðông bằng Cầu Manhattan bắc ngang sông East cạnh khu Chợ Tàu. Ðường Canal theo như tên gọi vào đầu những năm 1800 là một con kinh đào để thoát nước cống rãnh từ ao chứa Collect Pond đổ ra sông Hudson. Ao này bị lấp vào năm 1811, con đường được xây bên trên và hoàn tất năm 1820. Sau khi có đường Canal chạy qua, những ao đầm xung quanh bị lấp dần để cất phố thương mại. Từ đầu những năm 1900 ngay ngã tư Canal và Bowery đã trở thành khu giao dịch vàng bạc, đến giữa thế kỷ các tiệm kim hoàn của người Ý và Mỹ di chuyển về Diamond District trên đường 47th Street và người Hồng Kông di cư sang tiếp tục kinh doanh nữ trang vàng bạc trên con đường này. Vào những năm 1920 cũng ở góc đường Canal và Bowery xây nên ngân hàng Citizens Savings Bank là một tòa nhà lớn với mái tròn, hiện vẫn còn và là ngân hàng HSBC Bank ngày nay.
Chúng tôi gởi xe ở bãi đậu nơi góc đường Canal và Baxter, cứ trao chìa khóa xe cho người giữ bãi, trong một khu đất hẹp họ đậu được hơn 20 xe, đuôi xe này nối sát với đầu xe kia, mỗi lần lấy xe họ phải dời đi ít nhất 2 chiếc bên ngoài. Nơi ngã tư này có nhiều nhà hàng đề tiếng Việt như Tân Thế Giới, bên cạnh là tiệm Fast Food BBQ có chữ “Xá Xíu, Heo Quay.” Khi đi về hướng Nam trên đường Baxter gặp nhiều tiệm ăn Việt Nam như Thái Sơn Restaurant, Phở Nha Trang, Phở Pasteur nằm bên cạnh rất nhiều dịch vụ Bail Bond (đóng tiền thế chân để ra khỏi nhà tù). Chúng tôi hơi lạnh cẳng không biết nơi đây có an ninh hay không, sao mà dịch vụ Bail Bond nhiều như vậy? Xem phim bộ Mafia Hồng Kông cũng khét tiếng, cho vay nặng lãi, không trả là mượn... ngón tay để khó nặn bài sập xám! Phía Bắc là khu Little Italy nổi tiếng trong chốn giang hồ với ông trùm God Father, không phải Trùm... Sò đâu nhé! Ðàn em God Father lia súng đại liên như ở chiến trường Pakistan, Baghdad! Ði thêm một chút nữa mới thấy bảng tòa án “New York Crimminal Court” bên phía Tây, hóa ra gần tòa án nên có nhiều tiệm Bail Bond. Phía Ðông là công viên Columbus Park nho nhỏ nhiều cây cối, xích đu, cầu tuột và rồi cũng an tâm khi thấy một nhóm chừng một chục người Hoa đang ngồi xếp bằng, tay mặt chắp trước ngực, tay trái thả xuống bụng, mắt bất động nhìn xuống đất tham thiền. Tìm bình an tâm hồn trong thế giới nhiều xua động!
Ði ngang công viên và trở lên hướng Bắc bằng đường Mulberry, đường này hẹp và hai bên nhiều tiệm buôn, cửa hàng bán đủ thứ cũng hải sản, rau cải, trái cây, bách hóa, đồ kỷ niệm, nhang đèn, tượng Phật và có vài tiệm ăn Việt như nhà hàng Xe Lửa, Phở Việt Hương,... Chúng tôi đi xuống con đường cuối cùng sát đường dốc cao lên cầu Manhattan là đại lộ Bowery đi về hướng Nam có rất nhiều nhà hàng Tàu lớn, bên ngoài đề bảng quảng cáo Lunch $3.99. Tuy nhiên món $3.99 là đậu hũ (tofu) cùng với chén canh và thố cơm, muốn ăn cho chắc bụng có thịt, cá phải $5.99 trở lên, tuy nhiên cũng còn rẻ so với vật giá ở đây một cái “hot dog” trong khu Soho bán đến $10.
Cũng trên đường Bowery này có tiệm Phở Tự Do và bên cạnh là một chợ thực phẩm Việt Nam hiệu là Tân Tín Hưng Supermarket ở số 121 Bowery Street. Nơi đây tôi thấy có bán chả lụa, bánh cuốn, cọng bạc hà cùng các loại rau thơm để nấu món canh chua và có cả hột vịt lộn nữa. Ðứng ở quầy tính tiền là người Việt, cô sẵn sàng giúp những ai tìm mua gia vị để nấu các món ăn Việt Nam. Tuy nhiên sách báo, dĩa nhạc Việt thì không thấy và hỏi cô ở New York này tìm mua các món ăn tinh thần đó ở đâu? Cô cũng không biết và nói là người Việt ở đây ít lắm, qua Cali là... thứ gì cũng có! Chắc thấy dáng điệu Hai Lúa lại hỏi han linh tinh các cái, chắc là sang tham quan, du lịch!
Khu Phố Tàu Manhattan tuy lớn nhưng đi một giờ cũng hết, theo nhận xét của tôi Phố Tàu New York đặc biệt có khu nữ trang vàng bạc sầm uất nhất, tuy nhiên không có những chợ thực phẩm lớn như ở các khu chợ Tàu khác và khó đậu xe, đậu xe một giờ mất khoảng $10. Những món bày bán ở đây cũng giống như các khu Chợ Tàu khác là những thứ người Á Ðông quen dùng ở xứ họ không thể tìm thấy ở những chợ người Mỹ. Nơi đây cũng có những anh chàng bán hàng giả như bóp xách phụ nữ, nước hoa, đồng hồ, phim dĩa DVD v.v... Dịch vụ Foot Massage tức ấn huyệt lòng bàn chân cũng thấy vài tiệm nhưng yết giá $40 một giờ chứ không rẻ như Bolsa $20 có nhiều nơi giảm giá xuống $15. Khu Phố Tàu New York cũng như San Francisco là địa điểm du lịch vẫn còn thu hút du khách Mỹ nên giá thuê bất động sản cũng khá cao, người Việt khó chen chân vào nên chỉ thấy được chừng chục cửa tiệm của người Việt, phần nhiều là tiệm Phở trên hai con đường phía Tây là Baxter và Mulberry Street.
Khu Phố Tàu Manhattan tuy lớn nhưng đi một giờ cũng hết, theo nhận xét của tôi Phố Tàu New York đặc biệt có khu nữ trang vàng bạc sầm uất nhất, tuy nhiên không có những chợ thực phẩm lớn như ở các khu chợ Tàu khác và khó đậu xe, đậu xe một giờ mất khoảng $10. Những món bày bán ở đây cũng giống như các khu Chợ Tàu khác là những thứ người Á Ðông quen dùng ở xứ họ không thể tìm thấy ở những chợ người Mỹ. Nơi đây cũng có những anh chàng bán hàng giả như bóp xách phụ nữ, nước hoa, đồng hồ, phim dĩa DVD v.v... Dịch vụ Foot Massage tức ấn huyệt lòng bàn chân cũng thấy vài tiệm nhưng yết giá $40 một giờ chứ không rẻ như Bolsa $20 có nhiều nơi giảm giá xuống $15. Khu Phố Tàu New York cũng như San Francisco là địa điểm du lịch vẫn còn thu hút du khách Mỹ nên giá thuê bất động sản cũng khá cao, người Việt khó chen chân vào nên chỉ thấy được chừng chục cửa tiệm của người Việt, phần nhiều là tiệm Phở trên hai con đường phía Tây là Baxter và Mulberry Street.
Sau vụ khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, vì rất gần địa điểm Ground 0 nên du khách đến Chợ Tàu giảm sút, sau đó giá địa ốc lên cao khiến chi phí thuê mướn đắt đỏ nên một số cửa hàng đã di chuyển đi nơi khác. Theo báo chí hiện Phố Tàu còn chừng 200 nhà hàng ăn, vài chục tiệm kim hoàn, sản phẩm điện tử trên đường Canal, lối 100 tiệm “gift shop,” tạp hóa, thực phẩm, ngày trước có nhiều xưởng may y phục nay dời sang xứ khác. Những năm gần đây di dân người Hoa gia tăng nhưng phần đông là sinh viên du học ở lại có nghề chuyên môn làm trong thương trường Mỹ họ có khuynh hướng sinh sống tại các thành phố lân cận như New Jersey, Brooklyn, Bronx nhà cửa rộng rãi lại không đắt đỏ như ở Manhattan và tại những nơi đó hiện nay vẫn có những chợ thực phẩm cho người Á Ðông.
Về lịch sử khu Phố Tàu Manhattan, thương gia người Quảng Ðông tên Ah Ken giữ “credit” là một trong những người đầu tiên làm thương mại tại khu này. Ông ta có một tiệm bán thuốc xì gà (cigar) ở phía dưới đường Mott Street, theo kể lại Ah Ken đến New York khoảng 1858 ngồi bán thuốc lá và xì gà lẻ gần hàng rào của Tòa Thị Chính, ai mua ông cho mồi thuốc bằng một ngọn đèn dầu trứng vịt. Phong trào đi tìm vàng ở California (1848) cũng như xây đường xe lửa xuyên quốc (1860) chấm dứt, một số đông người Hoa tìm đến miền Ðông trong đó có New York và Toronto và thành hình khu phố Tàu từ ngày đó. Những năm sau luật lệ dễ dàng hơn như Luật 1943 Magnuson Act cho phép người Hoa sống ở đây trở thành công dân Mỹ, năm 1948 cho phép người Hoa kết hôn với người da trắng và nhất là với Luật Di Trú 1965 dễ dãi cho di dân vào nước Mỹ, số người Hoa nhập cảnh vào rất đông, đẩy mạnh mức phát triển của khu Phố Tàu. Phố Tàu New York từ chục năm nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Hoa ở vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, hàng năm có nhiều lễ hội được tổ chức tại đây như ngày Tết Nguyên Ðán có diễn hành, múa lân, đốt pháo, ca nhạc cổ truyền.
Về lịch sử khu Phố Tàu Manhattan, thương gia người Quảng Ðông tên Ah Ken giữ “credit” là một trong những người đầu tiên làm thương mại tại khu này. Ông ta có một tiệm bán thuốc xì gà (cigar) ở phía dưới đường Mott Street, theo kể lại Ah Ken đến New York khoảng 1858 ngồi bán thuốc lá và xì gà lẻ gần hàng rào của Tòa Thị Chính, ai mua ông cho mồi thuốc bằng một ngọn đèn dầu trứng vịt. Phong trào đi tìm vàng ở California (1848) cũng như xây đường xe lửa xuyên quốc (1860) chấm dứt, một số đông người Hoa tìm đến miền Ðông trong đó có New York và Toronto và thành hình khu phố Tàu từ ngày đó. Những năm sau luật lệ dễ dàng hơn như Luật 1943 Magnuson Act cho phép người Hoa sống ở đây trở thành công dân Mỹ, năm 1948 cho phép người Hoa kết hôn với người da trắng và nhất là với Luật Di Trú 1965 dễ dãi cho di dân vào nước Mỹ, số người Hoa nhập cảnh vào rất đông, đẩy mạnh mức phát triển của khu Phố Tàu. Phố Tàu New York từ chục năm nay là trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Hoa ở vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ, hàng năm có nhiều lễ hội được tổ chức tại đây như ngày Tết Nguyên Ðán có diễn hành, múa lân, đốt pháo, ca nhạc cổ truyền.
Cộng đồng người Việt ở New York
Thông thường người Việt buôn bán cùng với người Hoa trong khu Chợ Tàu, chỉ một số nơi đông đảo người Việt như California, Texas mới có khu thương mại riêng đặc trưng người Việt. Nên muốn tìm hiểu sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam thường vào phố Tàu, phố Á Châu nhưng Phố Tàu New York thấy rất ít người Việt, nếu gặp cũng là người Việt gốc Hoa. Do đó không thu thập được bao nhiêu tin tức về cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại đây. Bèn trở về tìm hiểu trên mạng Internet: theo thống kê kiểm tra dân số US Census, cộng đồng người Việt ở New York năm 2000 là 13,010 người so với năm 1990 là 8,400 tức tăng 55% trong 10 năm. Người Việt chia ra sinh sống ở các quận như Brooklyn 4,011 người, Queens 3,737 người, Bronx 3,289 người, Manhattan 1,684 người và Stalen Island 289 người. Trong đó có 10,809 người Việt (77%) được sinh ra ở ngoài nước Mỹ. Năm nay 2010 kết quả thống kê dân số chưa có nhưng chắc số người Việt đã tăng lên mặc dù biến cố 11 Tháng Chín, 2001 cũng như giá nhà New York tăng cao vào những năm 2004-2006 đã khiến một số người di chuyển sang các tiểu bang khác.
Riêng số người Việt sống tại Manhattan theo thống kê trên chỉ có 1,684 người. Manhattan là một vùng đô thị đông dân, nhà cửa toàn là những cao ốc chọc trời giá đắt đỏ nhất thế giới nên người Việt cũng không muốn sống nơi đây mà ở quanh các thành phố bên ngoài. Hàng năm qua tin tức báo chí vẫn thấy cộng đồng người Việt New York tham dự cuộc diễn hành Văn Hóa Quốc Tế dành cho các cộng đồng di dân ở Hoa Kỳ với hàng trăm người mặc quốc phục và những chiếc xe hoa mang hình ảnh Việt Nam như em bé chăn trâu, những cô thôn nữ gặt lúa rất đẹp mắt. Số người tham gia diễn hành ngoài cộng đồng người Việt ở New York, phần đông đến từ các tiểu bang trên toàn nước Mỹ cũng như ở các nơi có đông người Việt như Canada, Pháp. Ðồng hương ở xa về tham dự diễn hành ở lại vài ba ngày được ông bà Trần Ðình Trường chủ nhân khách sạn Carter một khách sạn lớn ở trung tâm Manhattan cung ứng chỗ ở trong khách sạn. Ông Trần Ðình Trường trước 1975 là chủ hãng tàu Vishipco Lines có văn phòng trụ sở trên đường Hồng Thập Tự Sài Gòn (gần đường Công Lý). Hãng tàu của ông có những tàu lớn chạy đường biển như Trường Xuân, Trường Thanh, Trường Vinh, Trường Hải v.v... Biến cố 30 Tháng Tư, 1975, các tàu của ông rời Việt Nam chở hơn 8,500 người, riêng tàu Trường Xuân thuyền trưởng là ông Phạm Ngọc Lũy chở gần 4,000 người. Sau khi sang Mỹ ông kinh doanh trong nghề khách sạn và được xem là một trong những người Việt giàu nhất thế giới với tài sản hơn 1 tỷ Mỹ kim. Ông là một mạnh thường quân từng giúp đỡ trong nhiều công tác từ thiện như biến cố khủng bố 11 Tháng Chín, 2001, ở New York ông đã tặng quỹ cứu trợ nạn nhân với số tiền 2 triệu Mỹ kim.
Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhưng nhắc đến những việc làm tốt của những con người tốt cũng là điều nên làm. Thực sự tôi biết ông Trần Ðình Trường từ trước năm 1975, nói “quen biết” thì hơi quá. Thời gian 1969-1972 sau khi ra trường Công Chánh tôi làm ở Sở Hàng Hải Thương Thuyền thuộc Nha Thủy Vận, trụ sở nằm trong vòng rào Bộ Công Chánh và Giao Thông Vận Tải ở góc Lê Lợi-Pasteur thường cấp giấy tờ cho các tàu hãng ông. Những lần hãng Vishipco Lines xin mua tàu mới ở nước ngoài phải qua thủ tục “Xin Mua Tàu Biển” với sự xét duyệt và chấp thuận giá cả của Ủy Ban Liên Bộ Công Chánh, Tài Chánh (Quan Thuế), Kinh Tế để được đổi ngoại tệ theo giá chính thức. Thí dụ như giá chính thức 1 Mỹ kim ăn 80$VN nhưng ngoài thị trường tự do lên đến 200$VN, thường chủ hãng tàu muốn xin mua với giá cao để được đổi nhiều ngoại tệ theo giá chính thức có lợi hơn. Thời ấy ăn tô phở Pasteur trả 100$VN thì giá một tàu hàng viễn dương khoảng 5 triệu Mỹ kim trở lên. Ủy ban phải họp bàn nhiều lần, điều tra xem xét các chứng từ của hãng bán tàu rồi mới đồng ý giá cả. Tôi làm nhiệm vụ thư ký các phiên họp, tập trung các giấy tờ và trình cho ủy ban. Những buổi họp nhiều khi có sự tham dự của ông Trường để giải trình về giá cả. Ði theo ông là các thư ký, tôi còn nhớ các cô thư ký làm hãng ông cô nào cũng xinh, cũng đẹp và ông Trường bao giờ cũng lịch sự nhã nhặn trong tư cách của nhà kinh doanh lớn, nên thủ tục giấy tờ cho các tàu hãng ông đều mau lẹ, xuôi chèo mát mái. Sang Mỹ cá nhân ông thành công ở xứ người là điều tất yếu và cũng ở hải ngoại biết ông là mạnh thường quân có lòng hảo tâm giúp những số tiền lớn trong các công tác nhân đạo. Mới đây đã 40 năm và hôm nay mới có dịp nhắc về chuyện tàu bè hãng ông trong những năm miền Nam còn tự do và thịnh vượng.
New York là thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ, tọa lạc ở cửa sông Hudson thuộc miền Nam tiểu bang New York, bên bờ biển Ðại Tây Dương. Dân số vùng Ðô Thị New York (New York Metropolitan) là 18.7 triệu người, năm 2007 đứng thứ 5 trên thế giới sau Tokyo, Sao Paulo, Mexico City và Seoul. Là thành phố đông dân lại chật hẹp, nhất là khu Manhattan trung tâm thành phố nằm trên một đảo nhỏ nên vấn đề giao thông là một bài toán khó giải quyết, trên đường phố xe cộ lúc nào cũng bị kẹt. Tuy nhiên mạng lưới giao thông cộng cộng như xe điện ngầm, xe buýt rất là hữu hiệu và 54.6% dân New York hàng ngày sử dụng hệ thống giao thông công cộng, không giống như những thành phố lớn khác trên nước Mỹ có đến 90% dân chúng hàng ngày lái xe riêng để đi làm.
Sau khi qua khu Harlem trung tâm sinh hoạt văn hóa của người Mỹ gốc Phi Châu, chúng tôi lái xe về hướng Nam để vào Manhattan là trung tâm của New York với một rừng buyn đinh cao ngất trời. Ðây là khu thương mại, tài chánh với trụ sở các ngân hàng, các công ty có tầm hoạt động khắp thế giới, các viện bảo tàng, nhiều trường đại học. Manhattan nằm trên một đảo hẹp và dài, phía Tây có sông Hudson, phía Ðông có sông East River là những hải cảng thiên nhiên thuận tiện cho tàu bè cập bến. Ðường sá ở Manhattan nằm vuông vức như bàn cờ, đường ngang theo hướng Ðông Tây gọi là “cross-town” được đánh từ số 9 ở hướng Nam và tăng dần lên về phía Bắc đến 155 con đường gọi là Street. Ðường dọc theo hướng Bắc Nam có khoảng 12 đường cũng đánh số nhưng viết ra nguyên chữ như First Avenue, Second Avenue cho tới Twelth Avenue và một số đại lộ lớn có tên như Broadway, Park, Columbus v.v... Ðường ở Manhattan toàn là đường lưu thông một chiều, không cho quẹo phải khi đèn đỏ trừ một số ngã tư có bảng cho phép, không được cầm điện thoại di dộng nói chuyện lúc lái xe và nhiều đường không cho xe chở hàng (commercial truck hay moving truck) lưu thông. Hai cháu tôi ở New Haven thường đi công việc hãng xuống Manhattan nên có vẻ rành rẽ đường sá ở đây, cho biết đèn lưu thông trên những con đường chiều dọc Bắc Nam thời gian đèn xanh kéo dài hơn những con đường ngang “cross-town.” Nếu sử dụng những con đường ngang tránh ở khu trung tâm (giữa đường 30 và 50th Street) vì nạn kẹt xe chờ đợi rất lâu. Ðậu xe trên đường phố cũng rất khó khăn vì phải tránh các cây nước chữa cháy (fire hydrant), nơi đậu xe chữa lửa, nên đọc kỹ các bảng viết để tránh bị kéo xe hoặc giấy phạt. Ngoài ra có khoảng 100 ngã tư gắn máy hình tự động chụp những xe vượt đèn đỏ, giấy phạt gởi tới chủ xe chứ không cần biết người lái xe vi phạm luật là ai! Những con đường một chiều có nhiều “lane”, khi nghe tiếng rú còi của xe chữa lửa phải tránh ra khỏi “lane” ở giữa vì “lane” này chính là đường khẩn cấp.
Vấn đề giao thông tại New York
Muốn đến New York từ những nơi xa người ta sử dụng đường hàng không, vùng New York có 3 phi trường lớn là John F. Kennedy International, Newark Liberty International là 2 phi trường quốc tế và LaGuardia là phi trường cho những chuyến bay nội địa trong nước Mỹ và chính quyền đang nghiên cứu để xây thêm phi trường thứ tư. Ngoài ra còn có phi trường Stewart International gần Newburg là phi trường phòng hờ, giải quyết trong trường hợp 3 phi trường kia quá đông hoặc trở ngại. Trong năm 2005 có đến 100 triệu hành khách đi và đến 3 phi trường nói trên, người ta tính cứ 4 người rời nước Mỹ thì một người bay từ phi trường John F. Kennedy hoặc Newark.
Từ những thành phố Canada hay miền Ðông Hoa Kỳ như Washington D.C., Boston người ta đến New York bằng hệ thống xe điện Amtrak và xuống ở nhà ga Pennsylvania Station tọa lạc ở phía dưới thương xá Pennsylvania Plaza nằm ở đường Seventh Avenue, và 31st Street ở khu Midtown Manhattan. Tại nhà ga này có đường nối với 6 tuyến đường xe điện ngầm New York City Subway nên rất thuận tiện cho hành khách muốn đến các quận ngoại ô của New York. Mỗi ngày có 600,000 hành khách qua nhà ga này so với 140,000 qua nhà ga trung ương Grand Central Terminal.
Ga Grand Central tọa lạc trên đường 42nd Street và Park Avenue cũng ở khu Midtown Manhattan là nhà ga xe lửa lớn nhất thế giới khi mới xây (1871), có 2 tầng đều dưới mặt đất với 44 thềm ga (platform) và 67 đường ray. Ngày nay thêm nhà ga của hãng xe điện Long Island Rail Road ngay phía dưới 2 tầng có từ trước khiến ga Grand Central có đến 48 thềm ga và 75 đường ray chiếm diện tích 48 acres (19 ha.). Nhà ga lấy tên của nhà bưu điện trung ương Grand Central gần đó và phục vụ hành khách đi các tuyến Metro North Railroad về các thành phố phía Bắc New York như Harlem, Hudson, Westchester, Putnam, Dutchess Counties, thành phố Fairfield và New Haven của tiểu bang Connecticut v.v... Ga Grand Central cũng nối với các tuyến đường số 4, 5, 6, 7 của hệ thống New York City Subway để về nhiều hướng khác trong vùng New York. Hồi năm 1979 khi cư ngụ ở New Haven mỗi lần xuống New York chơi, tôi đều đến và đi từ nhà ga Grand Central này, bên trong rộng lớn và cổ xưa như các nhà ga ở Âu Châu.
Bước vào gian đại sảnh Main Concourse (phòng chờ đợi chính) của nhà ga là một cảnh tượng huy hoàng rộng lớn và đông đảo hành khách. Trong ánh sáng lung linh, phía trên trần buông xuống một lá quốc kỳ Mỹ giữa gian đại sảnh (lá quốc kỳ xuất hiện sau biến cố 11 Tháng Chín), phía xung quanh ngày xưa là những phòng bán vé, bây giờ bán vé bằng máy nên những căn phòng này là bàn chỉ dẫn, phát bản đồ hoặc bán vé cho du khách không sử dụng máy bán vé. Nơi đại sảnh cũng là địa điểm hẹn hò gặp gỡ nên bao giờ cũng có chiếc đồng hồ cổ điển. Chiếc đồng hồ có 4 mặt được đặt trên nóc của quầy chỉ dẫn ở giữa phòng rất dễ nhìn thấy, mặt đồng hồ làm bằng ngọc thạch theo lượng định của 2 nhà đấu giá Sotheby's và Christie's trị giá hiện nay của chiếc đồng hồ từ 10 đến 20 triệu Mỹ kim. Phía ngoài nhà ga ở mặt tiền nhìn ra đường 42nd Street còn có một đồng hồ khác mặt kính do nhà làm kính màu nổi tiếng của Mỹ là ông Louis Comfort Tiffany (1848-1933) thực hiện, xung quanh đồng hồ là tác phẩm điêu khắc của điêu khắc gia người Pháp Jules Felix Coutan (1848-1939) thiết kế. Vào năm 1914 khi dựng bức điêu khắc diễn tả 3 người trên chiếc đồng hồ này, ở thời đó đây là tác phẩm điêu khắc lớn nhất thế giới. Nguyên tượng cao 48 ft (14.6m) và chiếc đồng hồ to lớn nằm ở giữa có chu vi là 13 ft (4m).
Trần đại sảnh nhà ga Grand Central trang hoàng những chòm sao vũ trụ trên nền màu xanh ngọc thạch, trần nhà nguyên thủy được họa sĩ người Pháp Paul César Helleu vẽ năm 1912 và được sửa chữa vào cuối thập niên 1930 vì lớp vôi bên ngoài rơi xuống. Qua thời gian lớp sơn trang trí trần nhà trở nên đen đúa, người ta cho rằng bị khói than đá và dầu diesel chạy xe lửa đóng bám nhưng với kỹ thuật quang học Spectroscopy phân tích cho thấy rằng lớp khói đen bám không gì khác hơn là chất nicotine từ khói thuốc lá của hành khách vì thời đó hút thuốc là mốt thời trang và các bác sĩ cho rằng hút thuốc... bổ phổi! Sau 12 năm sửa chữa, trần nhà đại sảnh hoàn tất vào mùa Thu 1998, với cảnh những chòm sao vàng ánh lung linh trên nền trời xanh đậm nhưng một mảng trần đen đúa được chừa lại ở phía trên của nhà hàng Michael Jordan Steakhouse để du khách không quên những gì đã bám trên trần. Sao lại chừa phần đen trên nhà hàng của tay chơi bóng rổ ở Los Angeles này?
Ngay phía dưới phòng chờ đợi chánh Main Concourse là tầng ẩm thực (Dining Concourse), có nhiều hệ thống bán thức ăn nhanh và nhà hàng trong đó có quán Oyster Bar nổi tiếng với tường và trần là những vòm cong gắn gạch men màu của nhà thiết kế kiến trúc vùng Valencia (Tây Ban Nha) tên Rafael Guastavino (1842-1908). Nhà ga trung ương New York Grand Central Terminal đối với hệ thống xe lửa (ngày nay là xe điện) là trạm cuối cùng, nhưng với hệ thống xe điện ngầm lại là nhà ga trung ương vì hành khách có thể chuyển tiếp đi về mọi nơi trong vùng New York. Nhà ga Grand Central là di tích lịch sử, là kiến trúc địa hình to lớn (landmark) thuộc cấp quốc gia là nơi du khách cần viếng thăm mỗi khi tới New York.
Hệ thống xe điện ngầm ở New York
Trên đây là những phương tiện giao thông của du khách từ xa tới New York (phi cơ, xe điện) còn đa số người dân trong thành phố mỗi ngày đi làm đều sử dụng hệ thống xe điện ngầm. Những thành phố khác như London, Paris, Montréal, Washington, Madrid, Tokyo xe điện ngầm đều ngưng hoạt động từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng nhưng đặc biệt ở New York những tuyến đường xe điện ngầm đều hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Hiện nay hệ thống bao trùm hết các quận của New York như Manhattan, Brooklyn, Queens và Bronx, tất cả các tuyến đường đều chạy xuyên qua Manhattan. Hệ thống xe điện ngầm ở New York hiện có tất cả 468 nhà ga hoạt động 24 giờ mỗi ngày với 26 tuyến đường, chiều dài tổng cộng hệ thống là 229 miles (369 km) với khổ ngang đường rây là 1.435 mét theo đúng tiêu chuẩn thế giới. Hệ thống xe điện ngầm ở New York do chính quyền thành phố làm chủ và giao cho hãng Metropolitan Transportation Authority dưới tên MTA New York City Transit điều hành và khai thác. Mỗi ngày thường trong tuần trung bình có hơn 5 triệu hành khách sử dụng xe điện ngầm để đi làm việc, 2 ngày cuối tuần số khách ít hơn.
Về lịch sử, đoạn đường ngầm đầu tiên được khai trương cho công chúng sử dụng vào ngày 27 Tháng Mười Một, 1904, sau 35 năm tuyến đường xe trên cao đầu tiên ở New York là tuyến IRT Nine Avenue Line được dân chúng di chuyển hàng ngày. Trước đó vào năm 1888 một trận bão tuyết chôn ngập thành phố khiến cho chính quyền thấy cần phải làm hệ thống xe di chuyển trong lòng đất. Thưở ấy chưa có máy móc cơ giới tối tân để khoan ngầm dưới mặt đất nên người ta phải đào lộ thiên xây đường xe ngầm với tường và nóc hầm, xong lấp lại và xây đường sá bên trên. Tuy nhiên phương pháp này chỉ thực hiện được ở những nơi đất mềm còn những nơi có đá cứng người ta phải khoan ngầm như ở khu Harlem và đường hầm xuyên dưới sông East River. Ðoạn dưới đường Park Avenue khoảng giữa đường 33rd và 42nd Street phải dùng ống kim loại cast-iron cho đường xe chạy bên trong ống. Tuy nhiên không phải tất cả đường rây đều nằm trong lòng đất mà có đến 44% đường xe điện ngầm chạy trên mặt đất hay đường cao bên trên được xây bằng bê tông hay hợp kim cast-iron.
Về vấn đề an toàn từ năm 1918 đến nay có tất cả 55 tai nạn xe điện ngầm được ghi nhận nhưng phần lớn đều tai nạn nhỏ. Tai nạn chết người lớn nhất xảy ra vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1918, dưới đường Malbone Street gần ga Prospect Park làm thiệt mạng 93 người. Vấn đề tội ác như cướp bóc, giết người, hiếp dâm cũng xảy ra trong hệ thống có gần 1.5 tỷ người đi lại hàng năm, mức độ trầm trọng thay đổi có lúc cao lúc thấp nhưng từ thập niên 1990 đến nay giảm xuống một cách rõ rệt. Số người tự tử như nhảy xuống khi đoàn tàu tới, từ 1990 đến 2003 là 343 người. Sau biến cố 11 Tháng Chín, 2001, an ninh dưới các nhà ga, trên xe được tăng cường, lúc đầu cấm quay phim, chụp hình nhưng sau này được bãi bỏ nếu không dùng những máy lớn chuyên nghiệp và phải tuân thủ các điều khoản an ninh do hãng MTA đặt ra. Về những nghệ sĩ hè phố đàn hát để xin tiền, cơ quan MTA cũng cho phép họ hành nghề nhưng phải xin phép và đăng ký, hiện có hơn 100 nghệ sĩ đường phố hành nghề giúp vui dưới các nhà ga có “business lisence” đàng hoàng.
Ngoài xe điện ngầm giao thông công cộng ở New York còn có hệ thống xe buýt, xe điện chạy trên mặt đất và một sư đoàn hùng hậu taxi màu vàng gồm 12,000 chiếc có mặt khắp mọi nơi trong thành phố. Trước kia tôi có một người bạn làm nghề lái taxi ở New York, tôi hỏi sao không mua xe mà phải mướn xe? Anh ta cho biết muốn làm chủ một chiếc taxi ở đây không phải dễ vì ngoài xe còn đủ thứ giấy phép lên đến cả trăm ngàn đồng! Ở New York còn có xe điện trên không (aerial tramway) treo lơ lửng trên trời nối Manhattan với đảo Roosevelt Island cũng như hệ thống phà từ Manhattan đi các nơi trong cũng như ngoài New York. Tuyến phà bận rộn và đông khách nhất nước Mỹ là phà từ Lower Manhattan đi Staten Island thủy trình 5.2 mile (8.4km) hàng năm có đến 19 triệu hành khách.
Có thể nói không có loại xe nào mà ở New York không có, ngoài các loại xe giao thông như vừa kể, trong thành phố còn có rất nhiều người đi xe đạp, cỡi ngựa (cảnh sát), xe ngựa cho du khách còn có... xe lôi đạp có thùng phía sau. Lái xe hơi trong thành phố rất khó vì đông đúc và nạn kẹt xe, bình thường ở ngã tư đèn xanh xe không nhúc nhích được và chỉ di chuyển được khi đèn hết vàng sang đỏ và cảnh sát thông cảm mà không phạt nếu lỡ vượt đèn đỏ ngoại trừ 100 ngã tư có gắn máy chụp hình. Cũng có thể nói người nào đã từng lái xe ở New York được thì chuyện lái xe ở các xứ khác là chuyện dễ như... cơm sườn!Trịnh Hảo Tâm
1. Nhà hàng Caviar Russe
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 538 Madison Ave., New York, United States
Có vẻ thức ăn và thời trang không có mối quan hệ gì với nhau, nhưng ở Caviar Russe thì lại khác. Nhà hàng Caviar Russe nằm trên tầng 2 phục vụ chủ yếu các món ăn Mỹ, còn dưới tầng trệt là cửa hàng thời trang Spring Flowers. Chủ của Caviar Russe cũng kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, do đó các nguyên liệu ở đây đều được nhập từ đúng vùng sản xuất. Nhà hàng có quầy bar với rất nhiều các loại rượu nhập khẩu. Du khách cũng có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar. Vào chủ nhật, từ 11h sáng đến 3h chiều, nhà hàng chỉ phục vụ bữa sáng kết hợp bữa trưa dành cho những người ăn sáng muộn. Ở đây cũng có trà buổi chiều và thực đơn chọn sẵn của nhà hàng.
2. Nhà hàng Campagnola
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 1382 First Ave., New York, United States
Với cách trang trí mộc mạc cùng các bức trang sơn dầu treo trên nền tường màu kem Campagnola được gọi là “nhà hàng đồng quê” tọa lạc trong khu phố nhộn nhịp ở New York. Ở đây chủ yếu phục vụ các món ăn kiểu Ý. Nhà hàng lúc nào cũng đông đúc với những du khách đứng ở quầy bar, gần người chơi piano chơi các bản Sinatra hay các bản nhạc đồng quê khác. Nhà hàng chỉ phục vụ bữa tối từ 5h chiều đến nửa đêm từ thứ 3 đến thứ 7, từ 5h chiều-11h chiều vào chủ nhật và thứ 2. Du khách có thể thanh toán bằng thẻ Mastercard, Visa, American Express, Diners Club, Discover.
3. Nhà hàng Bruno Jamais
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 32$
Địa chỉ: 24 E. 81st St., New York, United States
Với những người sống ở khu Upper East Side hay những du khách thích thưởng thức các món ăn trong không khí của một câu lạc bộ thì Bruno Jamais Restaurant Club có thể đáp ứng được những nhu cầu này. Nhà hàng được thành lập vào năm 2002 phục vụ chủ yếu các món ăn Pháp và các loại rượu vang Pháp nổi tiếng. Vào thứ 5, thứ 6 và thứ 7, nhà hàng có DJ mở các bản nhạc hay nhất của thập niên 70 và 80. Ở đây có quầy bar phục vụ rất nhiều các loại rượu khác nhau, có phòng ăn riêng, phòng tổ chức tiệc và hát nhạc sống. Nhà hàng mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7 từ 6h chiều đến 4h sáng, đóng cửa vào chủ nhật.
4. Nhà hàng Brasserie Ruhlmann
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 45 Rockefeller Plz., New York, United States
Brasserie Ruhlmann nằm ở khu phí bắc của trung tâm thương mại Rockefeller. Đây là nơi tập trung các nhà hàng do đó sức cạnh tranh rất lớn do đó mỗi nhà hàng đều cố thu hút những người đi ăn trưa hay những du khách đi du lịch. Hai chủ của nhà hàng đều là những người buôn bán bia (họ mở cửa hàng La Goulue trên đại lộ Madison). Nhà hàng chủ yếu phục vụ các món ăn Pháp, phòng ăn được trang trí sử dụng những gam màu tối, lạnh. Ở đây có quầy bar, phòng ăn riêng, phòng tổ chức tiệc. Du khách có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar hay khu vực ăn ngoài trời. Nhà hàng mở cửa hàng ngày từ 11:30 trưa đến 10h tối.
5. Nhà hàng Brasserie 44
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 44 W. 44th St., New York, United States
Những màu tối của sảnh đường khách sạn Royalton đã được thay thế bởi màu nâu phá cách và nhà hàng trong khách sạn cũng được trang trí lại và gọi tên là Brasseries 44. Kiểu trang trí táo bạo của nhà hàng làm cho nó trông không giống một địa điểm ăn uống phục vụ các món ăn Mỹ mà trông có vẻ giống với một quán ăn sáng ở trong một khách sạn kiểu Hong Kong. Ở đây có quầy bar phục vụ các loại rượu, cốc tai. Nhà hàng nằm gần bến tàu điện ngầm ở công viên Bryant trên đại lộ số 5, hay ở trên đường số 42, vì vậy rất thuận tiện cho du khách.
6. Nhà hàng Blue Ribbon Sushi
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ:119 Sullivan St., New York, United States
Đây là nhà hàng phục vụ chủ yếu các món sushi cùng với các loại rượu sake phong phú. Đây là nhà hàng anh em của nhà hàng Blue Ribbon. Chủ nhân của nhà hàng Bruce Bromberg (người đồng sở hữu nhà hàng Blue Ribbon và Blue Ribbon Bakery cùng với anh trai Eric) đã được huấn luyện cùng với đầu bếp ba sao Pierre Gagnaire ở Pháp. Nhà hàng mở cửa hàng ngày, phục vụ từ trưa đến 2h sáng. Quầy bar của nhà hàng phục vụ bia, rượu, rượu sake và sojou. Nhà hàng không nhận đặt trước.
7. Nhà hàng Blue Hill at Stone Barns
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 80$
Địa chỉ: 630 Bedford Rd., Pocantico Hills, New York, United States
Blue Hill chuyên về các món ăn theo mùa với nguyên vật liệu do chính nhà hàng tự sản xuất. Ở đây chủ yếu phục vụ các món ăn Mỹ đương đại. Nhà hàng có quầy bar phục vụ rất nhiều loại rượu khác nhau. Thực đơn chọn sẵn 3 món của nhà hàng có giá 65$, 4 món với giá 78$. Từ thứ 4 đến chủ nhật từ 10:30 sáng đến 5h chiều, quán café của nhà hàng phục vụ cá bữa ăn nhẹ và các loại đặc sản được sản xuất tại địa phương. Phòng ăn riêng của nhà hàng có thể phục vụ 64 người trong những tiệc cưới. Vào mùa ấm, quầy coctai của nhà hàng được đặt ở ngoải trời với tầm nhìn ra trang trại Stone Barns.
8. Nhà hàng BLT Fish
Món ăn: Hải sản
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 21 W. 17th St., New York, United States
Nhà hàng có hai tầng phục vụ chủ yếu các món hải sản với cách thiết kế kì lạ. Tầng dưới là nơi phục vụ các món hải sản được gọi tên là “The Fish Shack” với một bức tranh cá maclin xanh dương được treo trên thường cùng một quầy bar phục vụ các đồ uống với nhưng cái tên rất kêu như là Mực Cá Mực hay Vết Cắn Cá Mập. Phòng ăn thực sự nằm ở tầng hai được gọi là BLT Fish. Du khách có thể lên tầng này sử dụng thang máy làm bằng kính. Bữa trưa của nhà hàng chỉ phục vụ ở tầng dưới Fish Shack. Tại đây du khách có thể xem đầu bếp chế biến các món ăn hay chọn chỗ ngồi ở quầy bar hoặc trong phòng ăn riêng.
9. Nhà hàng BiCE
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 7 E. 54th St., New York, New York, United States
Nếu có một nơi ăn uống lý tưởng nào vươn tầm ra thế giới thì có lẽ đó là nhà hàng BiCE. Kể từ địa điểm đầu tiên của nhà hàng được mở tại Milan vào năm 1926 đã có hàng tá các chi nhánh khác đã xuất hiện trên toàn cầu từ Montreal đến Dubai. Nhà hàng nằm ở khu giữa quận Manhattan phục vụ chủ yếu các món ăn Bắc Ý. Tại đây có quầy bar phục vụ các loại rượu, cốc tai. Nhà hàng có khu vực ngồi ăn ngoài trời và nhận tổ chức tiệc cưới.
10. Nhà hàng BG
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 754 Fifth Ave., 7th fl, New York, United States
Với phong cách trang trí táo bạo và sặc sở cho các thiết kế nhà cửa, cửa hàng hay khách sạn Avalon và Estrella, nhà trang trí Kelly Wearstler đã mang những đặc trưng trong thiết kế của vùng Los Angeles quê hương cô vào nhà hàng bảy tầng BG. Các phòng được sơn màu xanh lá cây và xanh dương nhạt cùng những tranh dán tường sơn bằng tay và những chiếc ghế kiểu thế kỉ 18. Cách trang trí này tạo ra cho du khách cảm giác bước từ một phòng này sang một phòng khác trong một ngôi nhà của ai đó. Nhà hàng phục vụ các món ăn Mỹ truyền thống và món Pháp. Ngoài bữa trưa và bữa tối, nhà hàng còn phục vụ các món ăn vào giờ uống trà.
11. Nhà hàng Ben & Jack's Steak House
Món ăn: Đồ nướng
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 219 E. 44th St., New York, United States
Nhà hàng được thành lập và năm 2005 chủ yếu phục vụ các món nướng truyền thống. Ngoài ra nhà hàng cũng phục vụ các loại hải sản. Nhà hàng có 6 phòng ăn riêng với chỗ ngồi từ 6 đến 250 phục vụ các sự kiện của công ty, sinh nhật hay các bữa tiệc tốt nghiệp. Ở đây cũng có quầy bar do đó thực khách cũng có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar. Nhà hàng nhận chuyển hàng đến tận nơi và đặt hàng qua mạng. Các bến tàu điện ngầm số 4, 5, 6, 7, S gần nhà hàng nằm trên đường số 42 ở Grand Central.
12. Nhà hàng Beacon
Món ăn: Đồ nướng
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 25 W. 56th St., New York, United States
Tất cả các món ăn ở đây đều được nướng trên ngọn lửa lớn từ vịt quay, gà quay đến lợn nướng với táo và sô cô la, thậm chí là sò. Du khách có thể xem các đầu bếp của nhà hàng nướng tất cả các món ăn này. Nhà hàng có quẩy bar phục vụ các loại cốc tai cổ điển. Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được ăn miễn phí và gọi món ăn từ thực đơn của “Người nhỏ bé”. Nhà hàng phục vụ bữa trưa và bữa tối tất cả các ngày trong tuần, có khu vực ăn riêng và khu vực tổ chức tiệc.
13. Nhà hàng Annona
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 112 Riverhead Rd., Westhampton Beach, New York, United States
Ô tô và thức ăn dường như là có mối quan hệ rất phức tạp và lâu đời đối với người Mỹ. Nhưng hiếm có nơi nào mà sự kết hợp này lại ấn tượng như ở Annona. Nhà hàng Annona được xây dựng ở tầng trên bởi người chủ của nó cũng là người buôn bán ô tô Hamptons nên ở tầng dưới là cửa hàng ô tô Manhattan Motorcars of the Hamptons bán các loại xe Bentleys và Ferraris, còn phía trên là nhà hàng phục vụ các món ăn kiểu Ý. Vào thứ 6 hàng tuần, từ 5:30-7:30 tối là giờ vàng, du khách mua một đồ uống ở quẩy bar sẽ được tặng một, và vào tối thứ 5, nhà hàng giảm giá một nửa cho các du khách mua cả chai rượu.
14. Nhà hàng Ammos Estiatorio
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 52 Vanderbilt Ave., New York, United States
Với cái tên được dịch ra là “nhà hàng cát”, Ammos Estiatorio là nhà hàng hai tầng thoáng đãng phục vụ chủ yếu các món ăn Hi Lạp và hải sản. Trần nhà được trang trí bằng những chiếc ô che nắng ở bãi biển tạo ra không khí như có gió thổi nhè nhẹ. Nhà hàng có món cá nướng đặc sản kiểu Hi Lạp cổ điển pha trộn dầu ô liu, muối biển và nước chanh. Ở đây cũng có quầy bar phục vụ các loại rượu và có biểu diễn nhạc sống. Ngoài ra, nhà hàng còn có khu vực phong ăn riêng và khu vực tổ chức tiệc. Nhà hàng phục vụ bữa trưa và bữa tối, đóng cửa vào thứ 7 và chủ nhật.
15. Nhà hàng Bateaux New York
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 160$
Địa chỉ: West Side Hwy. nr. 23rd St., New York, United States
Với mục đích đem lại cho du khách một ấn tượng khó quên, nhà hang Bateau New York được thiết kế trên một con tàu lớn xuất phát từ Chelsea Pier đi đến hạ khu Manhattan. Chuyến đi kéo dài khoảng 3 tiếng. Nhằm cạnh tranh với các đối thủ, mặc dù có lợi thế về vị trí và thiết kế có một không hai, nhà hang vẫn tập trung vào chất lượng thực đơn các món ăn quốc tế. Chuyến tàu khởi hành 20 phút trước bữa ăn. GIờ khởi hành cũng có thể thay đổi đặc biệt là các tháng mùa hè. Nhà hàng có biểu diễn nhạc sống và quầy bar với rất nhiều loại rượu. Giá tính theo đầu người đã bao gồm thức ăn, vé tàu và giải trí.16. Nhà hàng Barbetta
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 21 W. 46th St., New York, United States
Nhìn thoáng qua thì nhà hang 100 tuổi này có vẻ rất trang trọng và ngột ngạt nhưng đi qua phòng ăn và hướng thẳng ra ngoài thì bạn sẽ thấy một khu vường ngoài trời với những bức tượng điêu khắc hình cá voi, những chiếc bàn trắng sắp xếp xung quanh một đài phun nước nhỏ. Nhà hàng phục vụ chủ yếu các món ăn Ý, mở cửa hàng ngày từ trưa đến 2:30 chiều và từ 5:30 chiều đến nửa đêm. Ở đây cũng có quầy bar phục vụ các loại rượu phong phú về số lượng, mùi vị, chủng loại.
17. Bar Masa
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 50$
Địa chỉ: 10 Columbus Cir., 4th fl, New York,USA
Điện thoại: 212-823-9800
Nhà hàng nằm ở khu Time Warner Centre với cách bày trí sinh động. Nhà hàng là chi nhánh con của cửa hàng Masa với mục tiêu cung cấp các món ăn tiết kiệm hơn so với nhà hàng chính. Không gian được trang trí với gam màu nhẹ nhàng gồm một bàn dài cùng một hàng ghế và những tấm rèm bằng vải lanh cùng những dãy bàn khác. Thực đơn chính của nhà hàng là các món sushi và cơm cuốn rong biển. Nhà hàng phục vụ từ 11:30 sáng đến 3h chiều, và 6h chiều đến nửa đêm từ thứ 2 đến thứ 7, đóng cửa vào chủ nhật.
18. Asia de Cuba
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 45$
Địa chỉ: 237 Madison Ave., New York, United States
Điện thoại: 212-726-7755
Nhà hàng nằm trên đại lộ Madison, rất gần các khu mua sắm và khách sạn. Đây là một trong số những nhà hàng tồn tại lâu năm trong thành phố. Thực đơn chính ở đây là các món ăn Latin, ngoài ra còn có các món ăn khác. Các món ăn được phục vụ theo phong cách gia đình. Trung tâm của phòng ăn với khăn trải bàn trắng Phillippe Starck là một chiếc bàn lớn dài dành cho 36 người. Từ thứ 2 đến thứ 6, 5:30 chiều- 6h chiều, nhà hàng có thực đơn chọn sẵn gồm 3 món với giá 39$. Nhà hàng nằm gần bến tàu điện ngầm số 6 trên đường số 33, và 4,5,6,7 ở Grand Central trên đường số 42.
19. Anthos
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 36 W. 52nd St., New York, United States
Điện thoại: 212-582-6900
Người thiết kế thực đơn ở nhà hàng Anthos là Michael Psilakis-đầu bếp cũng là người thành lập nhà hàng Onera cách đây vài năm ở Upper West Side và nhà hàng 3 sao Dona. Nhà hàng Anthos nằm trong không gian yên tĩnh giữa những tòa tháp của thành phố. Nhà hàng được trang trí với một chiếc gương lớn cùng những bức tường sơn trắng treo các bức tranh ngẫu hứng. Ở đây phục vụ chủ yếu các món ăn Hi Lạp. Quán bar của nhà hàng nằm ở tầng trên với vô số các loại rượu khác nhau. Nhà hàng đóng cửa vào chủ nhật.
20. Alto
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 11 E. 53rd St., New York, United States
Điện thoại: 212-308-1099
Nhà hàng thuộc quyền sở hữu của Michael White với phong cách tinh tế, hiện đại được tính toán đặt ở vị trí giữa thành phố. Nhà hàng nằm ở phía sau một sân nhỏ, phía sau của cửa hàng Thomas Pink trên đại lộ Madison. Không gian trong nhà hàng được thiết kế gọn gàng tạo ra một cảm giác ấm cúng. Khi thực khách đã ổn định chỗ ngồi, thức ăn sẽ được phục vụ liên tục. Nhà hàng có quầy bar phục vụ nhiều loại rượu khác nhau do đó du khách cũng có thể thưởng thức bữa ăn tại quầy bar. Ngoài ra, nhà hàng cũng có không gian riêng và không gian dành cho các bữa tiệc đáp ứng nhu cầu của thực khách.
21. AJ Maxwell's
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 57 W. 48th St., New York, United States
Điện thoại: 212-262-6200
Nhắc đến các món nướng thì AJ Maxwell’s không phải là cái tên đầu tiên mà người New York thường nghĩ tới về một nhà hàng với phong cách cổ điển hay hào nhoáng. Nhưng nhà hàng theo kiểu câu lạc bộ này vẫn thu hút được nhiều thực khách. Nhà hàng được sắp xếp gọn gàng với những chiếc gương lớn, khăn ăn xếp hình hoa và những chùm đèn treo nhiều lớp. Ngoài các món nướng là chủ đạo thì nhà hàng còn phục vụ các món hải sản. Thực khách có thể ngồi ăn ở quầy bar, hay trong một khu vực riêng, hoặc mang về.
22. Ago
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 27$
Địa chỉ : 377 Greenwich St., New York, United States
Điện thoại: 212-925-3797
Vào năm 1999, Robert De Niro cùng với anh em nhà Weinstein, nhà Scott và một phát thanh viên của nền điện ảnh đã ủng hộ Agostino Sciandri thành lập nhà hàng Ago. Tên của nhà hàng được phát âm là AH-go (nhấn vào âm thứ nhất) chứ không phải là a-GO (nhấn vào âm thứ 2) như nhiều người nghĩ. Nhà hàng được trang trí theo kiểu Ý, nằm trong khu vực của những người nổi tiếng. Ở đây có quầy bar với rất nhiều các loại rượu khác nhau. Nhà hàng mở cửa từ 5:30-11:00 chiều từ chủ nhật đến thứ 5, thứ 6 và thứ 7 từ 5:30 chiều đến nửa đêm, nhận thanh toán bằng thẻ American Express, Mastercard, Visa.
23. Adour Alain Ducasse
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 2 E. 55th St., New York, United States
Điện thoại: 212-710-2277
Nhà hàng mở cửa vào năm 2008 ở khách sạn St. Regis thuộc sở hữu của Monsieur Ducasse. Tên của nhà hàng được đặt theo tên của dòng sông Adour chảy qua quên hương của Ducasse ở phía tây nam nước Pháp. Đồ nội thất trong quán được lấy cảm hứng trang trí từ các loại rượu. Ghế có màu đỏ tía được trang bị chỗ để túi xách tiện lợi. Nhà hàng có quầy bar tuy nhiên quầy bar chỉ có bốn chỗ ngồi. Nhà hàng phục vụ từ 5:30 chiều đến 10:30 tối từ chủ nhật đến thứ 5, 5:30 chiều đến 11h tối thứ 6 và thứ 7.
24. Abboccato
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 136 W. 55th St., New York, United States
Điện thoại: 212-265-4000
Chủ của nhà hàng là gia đình Livanos, đồng thời cũng là chủ của Molyvos và nhà hàng hải sản Oceana. Họ là những người kinh doanh nhà hàng giỏi. Nhà hàng phục vụ các món ăn theo kiểu Ý theo phong cách của vùng Umbria đặc biệt là món crudo (gỏi cá với dầu ô liu, muối biển cùng chanh hoặc dấm). Nhà hàng có phòng ăn riêng hay không gian tổ chức tiệc đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhà hàng nhận đặt trước trên mạng và giao hàng tận nơi. Nhà hàng gần các bến xe buýt N, Q, R, W ở đường số 57, B, D, E ở đại lộ số 7.
25. 44 & X Hell's Kitchen
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 25$
Địa chỉ: 622 Tenth Ave., New York, United States
Điện thoại: 212-977-1170
Nhà hàng phục vụ các món ăn Mỹ truyền thống, hải sản, các món ở miền Nam trong không gian được thiết kế bằng những gam màu sáng. Thực khách có thể chọn chỗ ngồi ngoài trời hoặc trong nhà hay ở quầy bar. Nhà hàng mở cửa từ 11:30 sáng-2:30 chiều, 5:30 chiều- nửa đêm từ thứ 2 đến thứ 6, 11:30 sáng-3h chiều, 5:30 chiều-nửa đêm vào thứ 7 và chủ nhật. Cuối tuần nhà hàng có phục vụ bữa sáng ăn vào buổi trưa. Nhà hàng nằm gần các bến tàu điện ngầm A, C, E ở đường số 42 và bến xe buýt Port Authority.
26. 15 East
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 75$
Địa chỉ: 15 E. 15th St., New York
Điện thoại: 212-647-0015
Với kích thước khiêm tốn và cách trang trí sử dụng gam màu lạnh, 15 East là nhà hàng phục vụ các món ăn Nhật truyền thống. Đầu bếp người Nhật Shimizu sử dụng tài năng của mình sáng tạo ra các món sushi của chính mình, không theo phong cách truyền thống. Thực khách có thể thấy 7 loại cá làm sushi khác nhau trên thực đơn, đặc biệt có lươn biển là đặc sản của nhà hàng. Nhà hàng có rượu sake và sojou cùng các loại rượu khác. Nhà hàng đóng cửa vào chủ nhật.
27. 'Cesca
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 32 $
Địa chỉ: 164 W. 75th St., New York, United States
Điện thoại: 212-787-6300
Nhà hàng được thành lập vào năm 2003 có độ rộng trung bình. Trước đây, nhà hàng có đầu bếp rất nổi tiếng Adam Platt nhận được giải thưởng 2 sao. Đầu bếp hiện nay của nhà hàng là Kevin Garcia, trước đây làm ở Del Posto. Đầu bếp mang đến cho thực khách một thực đơn phong phú các món ăn ở phía Nam nước Ý cùng với cách trang trí tao nhã, tinh tế. Nhà hàng có các món ăn Ý phục vụ theo mùa. Ở đây cũng có quán bar phục vụ các loại rượu. Nhà hàng nhận yêu cầu đặt trước qua mạng.
28. 21 Club
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 21 W. 52nd St., New York, United States
Điện thoại: 212-582-7200
Khi đến các nhà hàng sang trọng người ta phải mặc lễ phục đeo cà vạt và ở 21 Club cũng không phải là ngoại lệ. Thực đơn Mỹ cổ điển mang phong cách truyền thống đã được thêm chút hiện đại. Nhưng cách trang trí nhà hàng vẫn là những chiếc khăn trải bàn trắng và đỏ, các đồ trang trí vẫn được treo trên trần nhà, rượu Nixnon vẫn chứa trong hầm. Nhà hàng có thực đơn chọn sẵn cho bữa trưa từ thứ 2 đến thứ 6. Vào mùa hè, nhà hàng đóng cửa 3 tuần từ giữa tháng 8 đến ngày quốc tế lao động. Nhà hàng cũng tổ chức các tiệc cưới từ 10 người đến 800 người.
29. Öko
Món ăn: Kem, chè
Giá trung bình: 5 $
Địa chỉ: 152 Fifth Ave., Brooklyn, New York, United States
Điện thoại: 718-398-3671
Nhà hàng nằm trên đại lộ số 5, phục vụ chủ yếu các món tráng miệng và kem. Trong khi các quán khác như là Grom, Pinkberry, Yalato cạnh tranh ở Manhattan, thì nhà hàng xanh và thân thiện với môi trường này phục vụ chủ yếu hai loại sữa chua đông lạnh kiểu Hy Lạp ở khu Park Slop. Các bức tường và quầy hàng đều được làm từ hạt hướng dương ép, thìa và ống hút làm từ bột khoai tây. Thậm chí đĩa trông có vẻ làm từ nhựa trong nhưng thực chất lại làm từ ngô đã được chế biến. Tất cả mọi thứ ở đây đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên, hầu hết là các loại trái cây như là xoài, kiwi, quả mâm xôi, dừa gọt vỏ, quả hạnh thái lát hay mơ Thổ Nhĩ Kì. Nhà hàng phục vụ từ 8:30 sáng đến 10h tối từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7, chủ nhật từ 8:30 sáng đến 11h tối.
30. Grimaldi's Pizzeria
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 16$
Địa chỉ: 19 Old Fulton Street, Brooklyn, NY 11201
Nếu bạn là người bận rộn nhưng vẫn muốn có một bữa ăn ngon miệng thì Grimaldi sẽ làm bạn vừa lòng. Nhà hàng phục vụ thức ăn chính là pizza, điểm đặc biệt của Grimaldi là bánh pizza tại đây sẽ được nướng bằng than bên dưới bóng của cây cầu Brooklyn. Không chỉ thưởng thức bữa ăn trong khoảng thời gian phục vụ nhanh nhất có thể, khách hàng còn được chiêm ngưỡng khung cảnh Manhattan. Nếu bạn ưa thích sự lãng mạn, những bản nhạc cổ điển của Frank Sinatra sẽ khiến cho bữa ăn thêm phần ngon miệng. Không phải ngẫu nhiên mà Grimaldi pizza luôn là đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với những cửa hàng bánh pizza nổi tiếng khác như Totonno, Di Fara, John, và Lombardi.
Lỡ mình ít tiền đến Nữu Ước có mua sắm được gì không?Tại sao không? Đây là nơi mình có thể tiêu 100 đồng hay 10 triệu tùy túi tiền. Đâu phải chỉ có triệu phú mới đi phố ở Nữu Ước. Vả lại giàu có mà cứ sống ẩn núp, không biết vui chơi không biết tìm đến Nữu Ước mà lang thang dạo phố là thiếu sót rất nhiều.
LÊ THỊ HÀN
Toà nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng 16 acre tại Thành phố New York trong giai đoạn từ năm 1949 tới 1950, bên cạnh Khu phía Đông của thành phố. Khu đất này được John D. Rockefeller, Jr. mua với giá 8.5 triệu dollar, con trai ông Nelson là nhà thương thuyết chủ yếu với chuyên viên thiết kế William Zeckendorf, vào tháng 12 năm 1946. Sau đó John D. Rockefeller, Jr. tặng khu đất này cho Liên Hiệp Quốc.
Trụ sở được một đội các kiến trúc sư quốc tế gồm cả Le Corbusier (Thuỵ Sĩ), Oscar Niemeyer (Brasil) và đại diện từ nhiều nước khác thiết kế. Wallace K. Harrison, một cố vấn của Nelson Rockefeller, lãnh đạo đội. Đã xảy ra một vụ rắc rối giữa những người tham gia về thẩm quyền của từng người. Trụ sở Liên Hiệp Quốc chính thức mở cửa ngày 9 tháng 1 năm 1951. Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc nằm tại New York, trụ sở một số cơ quan khác của tổ chức này nằm tại Geneva, La Haye, Wien, Montréal, Copenhagen, Bonn và nhiều nơi khác.
Địa chỉ trụ sở Liên Hiệp Quốc là 760 United Nations Plaza, New York, NY 10017, USA. Vì những lý do an ninh, tất cả thư từ gửi tới địa chỉ trên đều được tiệt trùng.
Các tòa nhà Liên Hiệp Quốc đều không được coi là các khu vực tài phán chính trị riêng biệt Trước năm 1949, Liên Hiệp Quốc sử dụng nhiều địa điểm tại London và tiểu bang New York nhưng thực sự có một số quyền chủ quyền. Ví dụ, theo những thỏa thuận với các nước chủ nhà Cơ quan quản lý thư tín Liên Hiệp Quốc được phép in tem thư để gửi thư tín trong nước đó. Từ năm 1951 văn phòng tại New York, từ năm 1969 văn phòng tại Geneva, và từ năm 1979 văn phòng tại Wien đã in ấn tem riêng của mình. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng tiền tố viễn thông riêng, 4U, và về mặt không chính thức, các trụ sở tại New York, Geneva và Wien được coi là các thực thể riêng biệt đối với các mục đích radio không chuyên.
Bởi trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc đã trải qua một quá trình sử dụng khá dài, Liên Hiệp Quốc hiện đang trong quá trình xây dựng một trụ sở tạm do Fumihiko Maki thiết kế trên Đại lộ thứ nhất giữa Phố 41 và Phố 42 để dùng tạm khi công trình hiện nay đang được tu sửa.
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 538 Madison Ave., New York, United States
Có vẻ thức ăn và thời trang không có mối quan hệ gì với nhau, nhưng ở Caviar Russe thì lại khác. Nhà hàng Caviar Russe nằm trên tầng 2 phục vụ chủ yếu các món ăn Mỹ, còn dưới tầng trệt là cửa hàng thời trang Spring Flowers. Chủ của Caviar Russe cũng kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, do đó các nguyên liệu ở đây đều được nhập từ đúng vùng sản xuất. Nhà hàng có quầy bar với rất nhiều các loại rượu nhập khẩu. Du khách cũng có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar. Vào chủ nhật, từ 11h sáng đến 3h chiều, nhà hàng chỉ phục vụ bữa sáng kết hợp bữa trưa dành cho những người ăn sáng muộn. Ở đây cũng có trà buổi chiều và thực đơn chọn sẵn của nhà hàng.
2. Nhà hàng Campagnola
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 1382 First Ave., New York, United States
Với cách trang trí mộc mạc cùng các bức trang sơn dầu treo trên nền tường màu kem Campagnola được gọi là “nhà hàng đồng quê” tọa lạc trong khu phố nhộn nhịp ở New York. Ở đây chủ yếu phục vụ các món ăn kiểu Ý. Nhà hàng lúc nào cũng đông đúc với những du khách đứng ở quầy bar, gần người chơi piano chơi các bản Sinatra hay các bản nhạc đồng quê khác. Nhà hàng chỉ phục vụ bữa tối từ 5h chiều đến nửa đêm từ thứ 3 đến thứ 7, từ 5h chiều-11h chiều vào chủ nhật và thứ 2. Du khách có thể thanh toán bằng thẻ Mastercard, Visa, American Express, Diners Club, Discover.
3. Nhà hàng Bruno Jamais
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 32$
Địa chỉ: 24 E. 81st St., New York, United States
Với những người sống ở khu Upper East Side hay những du khách thích thưởng thức các món ăn trong không khí của một câu lạc bộ thì Bruno Jamais Restaurant Club có thể đáp ứng được những nhu cầu này. Nhà hàng được thành lập vào năm 2002 phục vụ chủ yếu các món ăn Pháp và các loại rượu vang Pháp nổi tiếng. Vào thứ 5, thứ 6 và thứ 7, nhà hàng có DJ mở các bản nhạc hay nhất của thập niên 70 và 80. Ở đây có quầy bar phục vụ rất nhiều các loại rượu khác nhau, có phòng ăn riêng, phòng tổ chức tiệc và hát nhạc sống. Nhà hàng mở cửa từ thứ 2 đến thứ 7 từ 6h chiều đến 4h sáng, đóng cửa vào chủ nhật.
4. Nhà hàng Brasserie Ruhlmann
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 45 Rockefeller Plz., New York, United States
Brasserie Ruhlmann nằm ở khu phí bắc của trung tâm thương mại Rockefeller. Đây là nơi tập trung các nhà hàng do đó sức cạnh tranh rất lớn do đó mỗi nhà hàng đều cố thu hút những người đi ăn trưa hay những du khách đi du lịch. Hai chủ của nhà hàng đều là những người buôn bán bia (họ mở cửa hàng La Goulue trên đại lộ Madison). Nhà hàng chủ yếu phục vụ các món ăn Pháp, phòng ăn được trang trí sử dụng những gam màu tối, lạnh. Ở đây có quầy bar, phòng ăn riêng, phòng tổ chức tiệc. Du khách có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar hay khu vực ăn ngoài trời. Nhà hàng mở cửa hàng ngày từ 11:30 trưa đến 10h tối.
5. Nhà hàng Brasserie 44
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 44 W. 44th St., New York, United States
Những màu tối của sảnh đường khách sạn Royalton đã được thay thế bởi màu nâu phá cách và nhà hàng trong khách sạn cũng được trang trí lại và gọi tên là Brasseries 44. Kiểu trang trí táo bạo của nhà hàng làm cho nó trông không giống một địa điểm ăn uống phục vụ các món ăn Mỹ mà trông có vẻ giống với một quán ăn sáng ở trong một khách sạn kiểu Hong Kong. Ở đây có quầy bar phục vụ các loại rượu, cốc tai. Nhà hàng nằm gần bến tàu điện ngầm ở công viên Bryant trên đại lộ số 5, hay ở trên đường số 42, vì vậy rất thuận tiện cho du khách.
6. Nhà hàng Blue Ribbon Sushi
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ:119 Sullivan St., New York, United States
Đây là nhà hàng phục vụ chủ yếu các món sushi cùng với các loại rượu sake phong phú. Đây là nhà hàng anh em của nhà hàng Blue Ribbon. Chủ nhân của nhà hàng Bruce Bromberg (người đồng sở hữu nhà hàng Blue Ribbon và Blue Ribbon Bakery cùng với anh trai Eric) đã được huấn luyện cùng với đầu bếp ba sao Pierre Gagnaire ở Pháp. Nhà hàng mở cửa hàng ngày, phục vụ từ trưa đến 2h sáng. Quầy bar của nhà hàng phục vụ bia, rượu, rượu sake và sojou. Nhà hàng không nhận đặt trước.
7. Nhà hàng Blue Hill at Stone Barns
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 80$
Địa chỉ: 630 Bedford Rd., Pocantico Hills, New York, United States
Blue Hill chuyên về các món ăn theo mùa với nguyên vật liệu do chính nhà hàng tự sản xuất. Ở đây chủ yếu phục vụ các món ăn Mỹ đương đại. Nhà hàng có quầy bar phục vụ rất nhiều loại rượu khác nhau. Thực đơn chọn sẵn 3 món của nhà hàng có giá 65$, 4 món với giá 78$. Từ thứ 4 đến chủ nhật từ 10:30 sáng đến 5h chiều, quán café của nhà hàng phục vụ cá bữa ăn nhẹ và các loại đặc sản được sản xuất tại địa phương. Phòng ăn riêng của nhà hàng có thể phục vụ 64 người trong những tiệc cưới. Vào mùa ấm, quầy coctai của nhà hàng được đặt ở ngoải trời với tầm nhìn ra trang trại Stone Barns.
8. Nhà hàng BLT Fish
Món ăn: Hải sản
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 21 W. 17th St., New York, United States
Nhà hàng có hai tầng phục vụ chủ yếu các món hải sản với cách thiết kế kì lạ. Tầng dưới là nơi phục vụ các món hải sản được gọi tên là “The Fish Shack” với một bức tranh cá maclin xanh dương được treo trên thường cùng một quầy bar phục vụ các đồ uống với nhưng cái tên rất kêu như là Mực Cá Mực hay Vết Cắn Cá Mập. Phòng ăn thực sự nằm ở tầng hai được gọi là BLT Fish. Du khách có thể lên tầng này sử dụng thang máy làm bằng kính. Bữa trưa của nhà hàng chỉ phục vụ ở tầng dưới Fish Shack. Tại đây du khách có thể xem đầu bếp chế biến các món ăn hay chọn chỗ ngồi ở quầy bar hoặc trong phòng ăn riêng.
9. Nhà hàng BiCE
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 7 E. 54th St., New York, New York, United States
Nếu có một nơi ăn uống lý tưởng nào vươn tầm ra thế giới thì có lẽ đó là nhà hàng BiCE. Kể từ địa điểm đầu tiên của nhà hàng được mở tại Milan vào năm 1926 đã có hàng tá các chi nhánh khác đã xuất hiện trên toàn cầu từ Montreal đến Dubai. Nhà hàng nằm ở khu giữa quận Manhattan phục vụ chủ yếu các món ăn Bắc Ý. Tại đây có quầy bar phục vụ các loại rượu, cốc tai. Nhà hàng có khu vực ngồi ăn ngoài trời và nhận tổ chức tiệc cưới.
10. Nhà hàng BG
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 754 Fifth Ave., 7th fl, New York, United States
Với phong cách trang trí táo bạo và sặc sở cho các thiết kế nhà cửa, cửa hàng hay khách sạn Avalon và Estrella, nhà trang trí Kelly Wearstler đã mang những đặc trưng trong thiết kế của vùng Los Angeles quê hương cô vào nhà hàng bảy tầng BG. Các phòng được sơn màu xanh lá cây và xanh dương nhạt cùng những tranh dán tường sơn bằng tay và những chiếc ghế kiểu thế kỉ 18. Cách trang trí này tạo ra cho du khách cảm giác bước từ một phòng này sang một phòng khác trong một ngôi nhà của ai đó. Nhà hàng phục vụ các món ăn Mỹ truyền thống và món Pháp. Ngoài bữa trưa và bữa tối, nhà hàng còn phục vụ các món ăn vào giờ uống trà.
11. Nhà hàng Ben & Jack's Steak House
Món ăn: Đồ nướng
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 219 E. 44th St., New York, United States
Nhà hàng được thành lập và năm 2005 chủ yếu phục vụ các món nướng truyền thống. Ngoài ra nhà hàng cũng phục vụ các loại hải sản. Nhà hàng có 6 phòng ăn riêng với chỗ ngồi từ 6 đến 250 phục vụ các sự kiện của công ty, sinh nhật hay các bữa tiệc tốt nghiệp. Ở đây cũng có quầy bar do đó thực khách cũng có thể chọn chỗ ngồi ở quầy bar. Nhà hàng nhận chuyển hàng đến tận nơi và đặt hàng qua mạng. Các bến tàu điện ngầm số 4, 5, 6, 7, S gần nhà hàng nằm trên đường số 42 ở Grand Central.
12. Nhà hàng Beacon
Món ăn: Đồ nướng
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 25 W. 56th St., New York, United States
Tất cả các món ăn ở đây đều được nướng trên ngọn lửa lớn từ vịt quay, gà quay đến lợn nướng với táo và sô cô la, thậm chí là sò. Du khách có thể xem các đầu bếp của nhà hàng nướng tất cả các món ăn này. Nhà hàng có quẩy bar phục vụ các loại cốc tai cổ điển. Trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được ăn miễn phí và gọi món ăn từ thực đơn của “Người nhỏ bé”. Nhà hàng phục vụ bữa trưa và bữa tối tất cả các ngày trong tuần, có khu vực ăn riêng và khu vực tổ chức tiệc.
13. Nhà hàng Annona
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 112 Riverhead Rd., Westhampton Beach, New York, United States
Ô tô và thức ăn dường như là có mối quan hệ rất phức tạp và lâu đời đối với người Mỹ. Nhưng hiếm có nơi nào mà sự kết hợp này lại ấn tượng như ở Annona. Nhà hàng Annona được xây dựng ở tầng trên bởi người chủ của nó cũng là người buôn bán ô tô Hamptons nên ở tầng dưới là cửa hàng ô tô Manhattan Motorcars of the Hamptons bán các loại xe Bentleys và Ferraris, còn phía trên là nhà hàng phục vụ các món ăn kiểu Ý. Vào thứ 6 hàng tuần, từ 5:30-7:30 tối là giờ vàng, du khách mua một đồ uống ở quẩy bar sẽ được tặng một, và vào tối thứ 5, nhà hàng giảm giá một nửa cho các du khách mua cả chai rượu.
14. Nhà hàng Ammos Estiatorio
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 52 Vanderbilt Ave., New York, United States
Với cái tên được dịch ra là “nhà hàng cát”, Ammos Estiatorio là nhà hàng hai tầng thoáng đãng phục vụ chủ yếu các món ăn Hi Lạp và hải sản. Trần nhà được trang trí bằng những chiếc ô che nắng ở bãi biển tạo ra không khí như có gió thổi nhè nhẹ. Nhà hàng có món cá nướng đặc sản kiểu Hi Lạp cổ điển pha trộn dầu ô liu, muối biển và nước chanh. Ở đây cũng có quầy bar phục vụ các loại rượu và có biểu diễn nhạc sống. Ngoài ra, nhà hàng còn có khu vực phong ăn riêng và khu vực tổ chức tiệc. Nhà hàng phục vụ bữa trưa và bữa tối, đóng cửa vào thứ 7 và chủ nhật.
15. Nhà hàng Bateaux New York
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 160$
Địa chỉ: West Side Hwy. nr. 23rd St., New York, United States
Với mục đích đem lại cho du khách một ấn tượng khó quên, nhà hang Bateau New York được thiết kế trên một con tàu lớn xuất phát từ Chelsea Pier đi đến hạ khu Manhattan. Chuyến đi kéo dài khoảng 3 tiếng. Nhằm cạnh tranh với các đối thủ, mặc dù có lợi thế về vị trí và thiết kế có một không hai, nhà hang vẫn tập trung vào chất lượng thực đơn các món ăn quốc tế. Chuyến tàu khởi hành 20 phút trước bữa ăn. GIờ khởi hành cũng có thể thay đổi đặc biệt là các tháng mùa hè. Nhà hàng có biểu diễn nhạc sống và quầy bar với rất nhiều loại rượu. Giá tính theo đầu người đã bao gồm thức ăn, vé tàu và giải trí.16. Nhà hàng Barbetta
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 21 W. 46th St., New York, United States
Nhìn thoáng qua thì nhà hang 100 tuổi này có vẻ rất trang trọng và ngột ngạt nhưng đi qua phòng ăn và hướng thẳng ra ngoài thì bạn sẽ thấy một khu vường ngoài trời với những bức tượng điêu khắc hình cá voi, những chiếc bàn trắng sắp xếp xung quanh một đài phun nước nhỏ. Nhà hàng phục vụ chủ yếu các món ăn Ý, mở cửa hàng ngày từ trưa đến 2:30 chiều và từ 5:30 chiều đến nửa đêm. Ở đây cũng có quầy bar phục vụ các loại rượu phong phú về số lượng, mùi vị, chủng loại.
17. Bar Masa
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 50$
Địa chỉ: 10 Columbus Cir., 4th fl, New York,USA
Điện thoại: 212-823-9800
Nhà hàng nằm ở khu Time Warner Centre với cách bày trí sinh động. Nhà hàng là chi nhánh con của cửa hàng Masa với mục tiêu cung cấp các món ăn tiết kiệm hơn so với nhà hàng chính. Không gian được trang trí với gam màu nhẹ nhàng gồm một bàn dài cùng một hàng ghế và những tấm rèm bằng vải lanh cùng những dãy bàn khác. Thực đơn chính của nhà hàng là các món sushi và cơm cuốn rong biển. Nhà hàng phục vụ từ 11:30 sáng đến 3h chiều, và 6h chiều đến nửa đêm từ thứ 2 đến thứ 7, đóng cửa vào chủ nhật.
18. Asia de Cuba
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 45$
Địa chỉ: 237 Madison Ave., New York, United States
Điện thoại: 212-726-7755
Nhà hàng nằm trên đại lộ Madison, rất gần các khu mua sắm và khách sạn. Đây là một trong số những nhà hàng tồn tại lâu năm trong thành phố. Thực đơn chính ở đây là các món ăn Latin, ngoài ra còn có các món ăn khác. Các món ăn được phục vụ theo phong cách gia đình. Trung tâm của phòng ăn với khăn trải bàn trắng Phillippe Starck là một chiếc bàn lớn dài dành cho 36 người. Từ thứ 2 đến thứ 6, 5:30 chiều- 6h chiều, nhà hàng có thực đơn chọn sẵn gồm 3 món với giá 39$. Nhà hàng nằm gần bến tàu điện ngầm số 6 trên đường số 33, và 4,5,6,7 ở Grand Central trên đường số 42.
19. Anthos
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 36 W. 52nd St., New York, United States
Điện thoại: 212-582-6900
Người thiết kế thực đơn ở nhà hàng Anthos là Michael Psilakis-đầu bếp cũng là người thành lập nhà hàng Onera cách đây vài năm ở Upper West Side và nhà hàng 3 sao Dona. Nhà hàng Anthos nằm trong không gian yên tĩnh giữa những tòa tháp của thành phố. Nhà hàng được trang trí với một chiếc gương lớn cùng những bức tường sơn trắng treo các bức tranh ngẫu hứng. Ở đây phục vụ chủ yếu các món ăn Hi Lạp. Quán bar của nhà hàng nằm ở tầng trên với vô số các loại rượu khác nhau. Nhà hàng đóng cửa vào chủ nhật.
20. Alto
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 11 E. 53rd St., New York, United States
Điện thoại: 212-308-1099
Nhà hàng thuộc quyền sở hữu của Michael White với phong cách tinh tế, hiện đại được tính toán đặt ở vị trí giữa thành phố. Nhà hàng nằm ở phía sau một sân nhỏ, phía sau của cửa hàng Thomas Pink trên đại lộ Madison. Không gian trong nhà hàng được thiết kế gọn gàng tạo ra một cảm giác ấm cúng. Khi thực khách đã ổn định chỗ ngồi, thức ăn sẽ được phục vụ liên tục. Nhà hàng có quầy bar phục vụ nhiều loại rượu khác nhau do đó du khách cũng có thể thưởng thức bữa ăn tại quầy bar. Ngoài ra, nhà hàng cũng có không gian riêng và không gian dành cho các bữa tiệc đáp ứng nhu cầu của thực khách.
21. AJ Maxwell's
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 57 W. 48th St., New York, United States
Điện thoại: 212-262-6200
Nhắc đến các món nướng thì AJ Maxwell’s không phải là cái tên đầu tiên mà người New York thường nghĩ tới về một nhà hàng với phong cách cổ điển hay hào nhoáng. Nhưng nhà hàng theo kiểu câu lạc bộ này vẫn thu hút được nhiều thực khách. Nhà hàng được sắp xếp gọn gàng với những chiếc gương lớn, khăn ăn xếp hình hoa và những chùm đèn treo nhiều lớp. Ngoài các món nướng là chủ đạo thì nhà hàng còn phục vụ các món hải sản. Thực khách có thể ngồi ăn ở quầy bar, hay trong một khu vực riêng, hoặc mang về.
22. Ago
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 27$
Địa chỉ : 377 Greenwich St., New York, United States
Điện thoại: 212-925-3797
Vào năm 1999, Robert De Niro cùng với anh em nhà Weinstein, nhà Scott và một phát thanh viên của nền điện ảnh đã ủng hộ Agostino Sciandri thành lập nhà hàng Ago. Tên của nhà hàng được phát âm là AH-go (nhấn vào âm thứ nhất) chứ không phải là a-GO (nhấn vào âm thứ 2) như nhiều người nghĩ. Nhà hàng được trang trí theo kiểu Ý, nằm trong khu vực của những người nổi tiếng. Ở đây có quầy bar với rất nhiều các loại rượu khác nhau. Nhà hàng mở cửa từ 5:30-11:00 chiều từ chủ nhật đến thứ 5, thứ 6 và thứ 7 từ 5:30 chiều đến nửa đêm, nhận thanh toán bằng thẻ American Express, Mastercard, Visa.
23. Adour Alain Ducasse
Món ăn: Món Pháp
Giá trung bình: 40$
Địa chỉ: 2 E. 55th St., New York, United States
Điện thoại: 212-710-2277
Nhà hàng mở cửa vào năm 2008 ở khách sạn St. Regis thuộc sở hữu của Monsieur Ducasse. Tên của nhà hàng được đặt theo tên của dòng sông Adour chảy qua quên hương của Ducasse ở phía tây nam nước Pháp. Đồ nội thất trong quán được lấy cảm hứng trang trí từ các loại rượu. Ghế có màu đỏ tía được trang bị chỗ để túi xách tiện lợi. Nhà hàng có quầy bar tuy nhiên quầy bar chỉ có bốn chỗ ngồi. Nhà hàng phục vụ từ 5:30 chiều đến 10:30 tối từ chủ nhật đến thứ 5, 5:30 chiều đến 11h tối thứ 6 và thứ 7.
24. Abboccato
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 30$
Địa chỉ: 136 W. 55th St., New York, United States
Điện thoại: 212-265-4000
Chủ của nhà hàng là gia đình Livanos, đồng thời cũng là chủ của Molyvos và nhà hàng hải sản Oceana. Họ là những người kinh doanh nhà hàng giỏi. Nhà hàng phục vụ các món ăn theo kiểu Ý theo phong cách của vùng Umbria đặc biệt là món crudo (gỏi cá với dầu ô liu, muối biển cùng chanh hoặc dấm). Nhà hàng có phòng ăn riêng hay không gian tổ chức tiệc đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhà hàng nhận đặt trước trên mạng và giao hàng tận nơi. Nhà hàng gần các bến xe buýt N, Q, R, W ở đường số 57, B, D, E ở đại lộ số 7.
25. 44 & X Hell's Kitchen
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 25$
Địa chỉ: 622 Tenth Ave., New York, United States
Điện thoại: 212-977-1170
Nhà hàng phục vụ các món ăn Mỹ truyền thống, hải sản, các món ở miền Nam trong không gian được thiết kế bằng những gam màu sáng. Thực khách có thể chọn chỗ ngồi ngoài trời hoặc trong nhà hay ở quầy bar. Nhà hàng mở cửa từ 11:30 sáng-2:30 chiều, 5:30 chiều- nửa đêm từ thứ 2 đến thứ 6, 11:30 sáng-3h chiều, 5:30 chiều-nửa đêm vào thứ 7 và chủ nhật. Cuối tuần nhà hàng có phục vụ bữa sáng ăn vào buổi trưa. Nhà hàng nằm gần các bến tàu điện ngầm A, C, E ở đường số 42 và bến xe buýt Port Authority.
26. 15 East
Món ăn: Món Nhật
Giá trung bình: 75$
Địa chỉ: 15 E. 15th St., New York
Điện thoại: 212-647-0015
Với kích thước khiêm tốn và cách trang trí sử dụng gam màu lạnh, 15 East là nhà hàng phục vụ các món ăn Nhật truyền thống. Đầu bếp người Nhật Shimizu sử dụng tài năng của mình sáng tạo ra các món sushi của chính mình, không theo phong cách truyền thống. Thực khách có thể thấy 7 loại cá làm sushi khác nhau trên thực đơn, đặc biệt có lươn biển là đặc sản của nhà hàng. Nhà hàng có rượu sake và sojou cùng các loại rượu khác. Nhà hàng đóng cửa vào chủ nhật.
27. 'Cesca
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 32 $
Địa chỉ: 164 W. 75th St., New York, United States
Điện thoại: 212-787-6300
Nhà hàng được thành lập vào năm 2003 có độ rộng trung bình. Trước đây, nhà hàng có đầu bếp rất nổi tiếng Adam Platt nhận được giải thưởng 2 sao. Đầu bếp hiện nay của nhà hàng là Kevin Garcia, trước đây làm ở Del Posto. Đầu bếp mang đến cho thực khách một thực đơn phong phú các món ăn ở phía Nam nước Ý cùng với cách trang trí tao nhã, tinh tế. Nhà hàng có các món ăn Ý phục vụ theo mùa. Ở đây cũng có quán bar phục vụ các loại rượu. Nhà hàng nhận yêu cầu đặt trước qua mạng.
28. 21 Club
Món ăn: Tổng hợp
Giá trung bình: 35$
Địa chỉ: 21 W. 52nd St., New York, United States
Điện thoại: 212-582-7200
Khi đến các nhà hàng sang trọng người ta phải mặc lễ phục đeo cà vạt và ở 21 Club cũng không phải là ngoại lệ. Thực đơn Mỹ cổ điển mang phong cách truyền thống đã được thêm chút hiện đại. Nhưng cách trang trí nhà hàng vẫn là những chiếc khăn trải bàn trắng và đỏ, các đồ trang trí vẫn được treo trên trần nhà, rượu Nixnon vẫn chứa trong hầm. Nhà hàng có thực đơn chọn sẵn cho bữa trưa từ thứ 2 đến thứ 6. Vào mùa hè, nhà hàng đóng cửa 3 tuần từ giữa tháng 8 đến ngày quốc tế lao động. Nhà hàng cũng tổ chức các tiệc cưới từ 10 người đến 800 người.
29. Öko
Món ăn: Kem, chè
Giá trung bình: 5 $
Địa chỉ: 152 Fifth Ave., Brooklyn, New York, United States
Điện thoại: 718-398-3671
Nhà hàng nằm trên đại lộ số 5, phục vụ chủ yếu các món tráng miệng và kem. Trong khi các quán khác như là Grom, Pinkberry, Yalato cạnh tranh ở Manhattan, thì nhà hàng xanh và thân thiện với môi trường này phục vụ chủ yếu hai loại sữa chua đông lạnh kiểu Hy Lạp ở khu Park Slop. Các bức tường và quầy hàng đều được làm từ hạt hướng dương ép, thìa và ống hút làm từ bột khoai tây. Thậm chí đĩa trông có vẻ làm từ nhựa trong nhưng thực chất lại làm từ ngô đã được chế biến. Tất cả mọi thứ ở đây đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên, hầu hết là các loại trái cây như là xoài, kiwi, quả mâm xôi, dừa gọt vỏ, quả hạnh thái lát hay mơ Thổ Nhĩ Kì. Nhà hàng phục vụ từ 8:30 sáng đến 10h tối từ thứ 2 đến thứ 6, thứ 7, chủ nhật từ 8:30 sáng đến 11h tối.
30. Grimaldi's Pizzeria
Món ăn: Món Ý
Giá trung bình: 16$
Địa chỉ: 19 Old Fulton Street, Brooklyn, NY 11201
Nếu bạn là người bận rộn nhưng vẫn muốn có một bữa ăn ngon miệng thì Grimaldi sẽ làm bạn vừa lòng. Nhà hàng phục vụ thức ăn chính là pizza, điểm đặc biệt của Grimaldi là bánh pizza tại đây sẽ được nướng bằng than bên dưới bóng của cây cầu Brooklyn. Không chỉ thưởng thức bữa ăn trong khoảng thời gian phục vụ nhanh nhất có thể, khách hàng còn được chiêm ngưỡng khung cảnh Manhattan. Nếu bạn ưa thích sự lãng mạn, những bản nhạc cổ điển của Frank Sinatra sẽ khiến cho bữa ăn thêm phần ngon miệng. Không phải ngẫu nhiên mà Grimaldi pizza luôn là đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với những cửa hàng bánh pizza nổi tiếng khác như Totonno, Di Fara, John, và Lombardi.
Lỡ mình ít tiền đến Nữu Ước có mua sắm được gì không?Tại sao không? Đây là nơi mình có thể tiêu 100 đồng hay 10 triệu tùy túi tiền. Đâu phải chỉ có triệu phú mới đi phố ở Nữu Ước. Vả lại giàu có mà cứ sống ẩn núp, không biết vui chơi không biết tìm đến Nữu Ước mà lang thang dạo phố là thiếu sót rất nhiều.
Sau khi đã biết đại lộ số 5, đại lộ Madison, đường 57, Esat side, Soho. Sau khi đã đi các tiệm bán áo quần rẽ, đi tiệm sách, hôm nay mình đi vào các cửa tiệm đặc thù của Nữu Ước. Các tiệm mà những người nhẹ túi tiền có thể vào, có thể mua được những đồ vật hấp dẫn.
Nữu Ước có Job Lot Trading và Push Cart bán mọi thứ từ áo quần đến vật dụng linh tinh trong nhà. Áo quần của tiệm này rất thường nhưng những vật dụng để tu bổ nhà cửa như kềm, búa, cưa kéo...rất rẻ. Job Lot Trading chuyên mua từng loạt hàng hóa của các tiệm bị phá sản rồi đem ra bán lại. Trong tiệm, hàng hóa bày ngổn ngang, không mời mọc tiếp đãi lịch sự như ở các thương xá lớn, nhờ vậy mà giữ được giá rẽ. Hàng hóa thay đổi luôn nên nếu hụt mua một món hàng nào đó thì khó lòng tìm lại. Nhiều khi vào đây không định mua gì cần thiết, chỉ muốn xem có gì hấp dẫn, vậy mà đi ra cũng tốn bộn tiền. Thấy của rẻ thí ham mua, nghĩ là một ngày nào đó mình sẽ cần đến. Mua về để dành, khi cần lại không biết để đâu.
Nếu chị khéo tay, có nhiều sáng kiến, không thích áo quần may sẵn thì đi xem vải vóc ở khu Union Square ở đường 14 hoặc vào khu Garment District giữa đường 34 và 40 từ đại lộ 5 qua đại lộ số 7. Có không biết bao nhiêu là tiệm, bán không thiếu một thứ vải vóc tơ lụa gì. Cườm hạt nhỏ hạt to, ribbons đủ các cỡ các màu, và nút thì hàng ngàn loại. Trong khu này mình có thể mua áo thun, kẹp cài tóc, quần áo lót v.v. nhưng phải mua từng tá. Phần lớn họ bán cho những người có môn bài mua sỉ, không bán lẽ. Có tiệm dễ dãi chịu cho mình mua nữa tá phần lớn họ chỉ bán số nhiều. Vài chục năm trước đây, khu này hoàn toàn do người Do Thái chiếm ngự, dạo sau này có rất nhiều tiệm do người Đại Hàn hoặc Trung Hoa làm chủ.
New York còn có những tiệm rất độc đáo, khó mà tìm thấy ở các nơi khác. Những tiệm bán búp bê thời xưa. Những “Bệnh viện Búp Bê” để làm lại hoặc sửa những con Búp bê đã cũ nhưng chủ nhân vì lý do tình cảm không muốn bỏ. Có những tiệm bán đồ da, sữa đồ da, có thể may lại toàn thể mặt trong của những chiếc áo da, áo lông đã cũ mèm; hoặc sửa lại những chiếc xách tay cổ lỗ sĩ mà khách hàng vẫn còn thích vì lý do tình cảm. Sữa lại có khi còn mắc tiền hơn mua đồ mới, nhưng nhiều người lại không thích đồ mới. Những loại tiệm này rất xưa, có khi hơn cả trăm năm, cha truyền con nối. Ngoài ra có những tiệm bán áo quần cũ. Áo quần đẹp thiếu mất một hột nút đặc biệt có thể đến tiệm Tender Buttons ở đường 62 và đại lộ Lexington để tìm. Ở đây bán hàng triệu loại nút, nếu không tìm đâu ra họ sẽ cố gắng làm lại cho mình.
Có người hỏi sao Nữu Ước không có chợ trời. Chợ trời rất hiếm ở Nữu Ước, có lẽ vì tiền thuê chỗ quá mắt. Muốn đi chợ trời thường phải ra ngoại ô. Nhưng loại chợ trời kiểu “bỏ túi” thì nhan nhản ngoài đường. Ở góc đường nào cũng có người ngồi bán đủ thứ từ áo thun cho đến đồng hồ, xách tay. Những người buôn bán dạo này đều phải xin giấy phép của thành phố mới được ngồi bán ở chỗ đã được chỉ định. Trong số những người bán dạo trên dường cũng có rất nhiều người bất hợp pháp. Những người này phần lớn là dân di cư từ các xứ Phi Châu hoăc Á Châu đến. Chú ý cho kỹ sẽ thấy họ để hàng hóa trên một tấm vải lớn hoặc khăn trải giường. Thường thường có hai người, một người lo đứng bán, người kia đứng dáo dác nhìn quanh xem nếu thấy cảnh sát từ ở xa là phải báo ngay để người kia cuốn gói chạy. Nếu để bị bắt vì bán bất hợp pháp, số tiền phạt có thể làm tiêu tán cả số tiền lời. Nhưng không phải vì vậy mà người ta bỏ cuộc, vì chợ trời “bỏ túi” này vẫn còn đầy.
Cảnh sát ở Nữu Ước cũng rất độc, họ rình bắt những người bán lậu này bằng cách đi như dạo chơi, không mặc đồng phục nên tinh mắt thế nào cũng khó biết mà tránh được. Cái cảnh dân di cư làm ăn vất vả này không lạ gì trên hè phố Nữu Ước từ cả bao nhiêu năm nay. Điều khác nhau là màu da, tiếng nói của dân cũ và dân mới đến mà thôi.
Du khách thường nghĩ chợ trời phải là một nơi rộng rãi nào đó, bàn xếp từng dãy, bày đủ các loại hàng hóa, từ đồ tiểu công nghệ, áo quần, giày dép.. Chợ trời kiểu đó không có ở Nữu Ước. Ở đây chợ trời chính là những hè đường, những góc phố.
Nơi có nhiều chợ trời hợp pháp và bất hợp pháp là Cooper Union trên Astor Place. Dọc theo đại lộ A giữa đường số 5 và số 7 đầy những tiệm nhỏ bán đồ đạc đã cũ, lủng củng đủ thứ, lượm được ở các khu nhà giàu.
Đi chợ trời ở Greenwich Village là gặp được nhiều sắc thái nhất. Greenwich village nằm ngay gần khu đại học Nữu Ước, bên cạnh hai trường thời trang, Fashion Institute và Parson nên sinh viên chuyên khoa về thời trang đem ra bán nhiều áo quần cũng như dồ trang sức kiểu mới của họ tự chế tạo để thử thị trường. Có đủ các loại y phục đủ kiểu, đủ màu, những đồ trang sức rất lạ mắt, những chiếc xách tay kiểu mới nhất đem bày bán nhan nhản. Đi vào đây những ngày cuối tuần, người ta chen lấn nhau, phần lớn là giới trẻ và du khách đi tìm những món hàng có một không hai. Nhưng phải coi chừng, có khi hên thì lựa được hàng tốt, cũng có khi tưởng mua rẻ nhưng thành ra mắc vì không trả lại được và vì phẩm chất chưa đúng tiêu chuẩn, mua về không dùng được cũng không trả lại được.
Nữu Ước chính là một chợ trời vĩ đại nằm trên các hè phố. Biết được ở góc nào bán thứ gì thì đi chợ trời này còn hấp dẫn hơn những xóm chợ trời họp ở một sân vận động hay một sân trường nào đó. Đi chợ trời này gặp những sạp hàng đơn sơ bên cạnh những nhà hàng lớn đồ sộ. Gặp những khuôn mặt của người bán lấm la lấm lét lo sợ cảnh sát đến bắt bên cạnh những nhà giàu đi bát phố không cần nghĩ, không cần xem giá hàng hóa mình muốn mua. Chỉ ở Nữu Ước mới chứng kiến được những cảnh như thế. Chỉ ở hè phố Nữu Ước mới thấy cái nghèo cái giàu đứng san sát bên nhau không hề biết. Chỉ ở hè phố Nữu ước mới không phân biệt được một người vừa mới di dân qua đi tìm cách sinh sống với một ông triệu phú ra đường với tấm áo khoác cũ mèm.Hôm nay mình sẽ đi dọc theo đại lộ Madison. Ngày xưa, Madison được cho là con đường bán nhiều y phục đàn ông hợp thời trang, và là con đường dành riêng cho giới chuyên về quảng cáo. Bây giờ đại lộ Madison được gọi là Đại Lộ Thời Trang. Các cửa hiệu của các nhà vẽ kiểu thời trang nổi tiếng thế giới - Ralph Lauren, Yves St. Laurent, Giorgio Armani, Versace, Vivienne Tam, Sonia Rykiel... đều nằm san sát trên đại lộ này từ đường 50 đến đường 98.
Thật ra đi phố trên đường này là thích nhất vì mình không những chỉ đi qua những khu phố xá sang trọng thôi mà còn qua các khu nhà ở, những phòng triển lãm hội họa rất đặc biệt. Lâu lâu lại gặp những tiệm ăn của dân địa phương hoặc những quán cà phê nhỏ rất ấm cúng. Dọc theo đây mình sẽ gặp những tòa nhà sang trọng nhất trong thành phố. Những gian hàng bán đồ cổ có nhiều bức tượng, nhiều bàn ghế đẹp mê hồn nhưng mình chỉ nhìn chứ không dám mua. Phải có một cái biệt thự thật đẹp mới xứng đáng để đem những món đồ quí giá đó về trưng bày. Có hôm thấy một tượng Phật bằng đồng xanh với khuôn mặt từ bi hiền hòa. Cầm lên hỏi giá. Người bán hàng trả lời $120,000, lúc đó ú ớ chưa biết nói sao. Chắc người bán hàng cũng quen gặp những hạng người như mình nên nói đỡ: - Những tượng này thường bán cho viện bảo tàng. Trong đầu, chạy một hàng số, 120 ngàn? Làm được bao nhiêu là chuyện khác? Mua được cái nhà, gửi con đi học Đại Học... Dĩ nhiên cái tượng Phật có một không hai, đúc từ cả ngàn năm trước...
Góc đường 56 và Madison là AT&T building, building này mới xây năm 1984, rất tân kỳ. Trong AT&T luôn luôn có triển lãm các kỹ thuật về hệ thống thông tin và truyền tin mới. Trong đó còn có 1 trung tâm cho công chúng tự do vào học hỏi gọi là Info-Quest. Ở đây triển lãm những mô hình, những sơ đồ giải thích về sự hình thành của các hệ thống truyền tin và thông tin. Khán giả có thể tự do rờ mó những người robot, những mô hình diễn tả sự phát triển các đường giây điện thoại, điện tín...
Tiệm Baccarat nằm ỏ góc đường 58 bán những sản phẩm bằng pha lê tráng lệ kiểu cách cho vua chúa và những gia đình quý phái dùng cả hai thế kỷ nay. Chị vào đây nhìn đồ pha lê của Baccarat bên cạnh đồ sứ của Raynaud Ceralene sáng lấp lánh như những tảng kim cương khổng lồ cũng thấy mát mắt rồi. Bên cạnh Baccarat là một tiệm khá mới và được dân chúng nhắc nhở đến nhiều nhất trong năm nay, đó là Barney's. Barney's bán y phục hạng sang cho đàn ông cũng như đàn bà. Tiệm đầu tiên ở đại lộ số 7 và 17, chuyên bán đủ loại áo quần cho đàn ông đủ cỡ, mập hay gầy bao nhiêu cũng tìm ra. Barney's bán từ đồ thật sang cho đến đồ vừa túi tiền cho nên dân Nữu Ước rất thích. Mấy năm gần đây nhờ hợp tác với nhà hàng Isetan của Nhật Barney’s có thêm vốn nên bành trướng ra nhiều tiểu bang khác. Barney's ở đường Madison trở thành tiệm chính với những tủ kính sáng chói, những cô bán hàng xinh đẹp tươi cười, những món hàng hóa trưng bày thật “chic”. Năm vừa rồi vì bành trướng quá mau, mở tiệm ở Cali, Tokyo v..v..không thu đủ vốn lại có hiềm khích với ban quản trị của Isetan, Barney's phải khai phá sản. Sở dĩ y phục của Barney bán không chạy ở Cali là vì Barney theo kiểu của dân Nữu Ước, xứ lạnh nên phần lớn dùng màu đen hoặc những màu rất đậm không hợp với khí hậu và lối sống của các vùng khác. Thường thường các hãng lớn ở đây có khi khai phá sản chỉ để “câu” giờ, một khi đã khai phá sản họ có quyền trì hoãn việc thanh toán nợ nần, nhờ vậy họ có thì giờ để tổ chức nội bộ, hoặc để tìm thêm người hoặc hãng đến chung thêm vốn. Cả năm rồi, Barney's vẫn còn nằm đó. Bây giờ Barney's ở Madison cũng như ở đường 17 vẫn bán những mặt hàng kiểu cách tân thời và hiện đại nhất.
Bên kia đường, đối diện với Barney là tiệm Ann Taylor. Ann Taylor bán y phục phụ nữ, từ giầy, mũ, áo quần đi làm việc mỗi ngày, đi dạ hội, hay để mặc cuối tuần cho đến nữ trang, không thiếu một thứ gì. Chỉ cần cầm tiền hay “thẻ nhựa” vào đây độ vài tiếng đồng hồ là có thể đi ra ăn diện như những người theo đúng thời trang. Góc đường 59 có Bally of Switzerland, tiệm này nổi tiếng cả thế giới về đồ da, từ ví xách đến giày dép, áo choàng, tất cả đều được làm công phu và rất đẹp. Sau đó hai bên đường có nào là Express, The Limited, Victoria Secrets, Laura Ashley, một tiệm nổi tiếng của Anh chuyên về đồ trang hoàng trong nhà.
Dọc Madison trên đường 65 là Giorgio Armani, một cửa hiệu sang trọng của ông vẽ kiểu thời trang người Ý, dùng toàn màu đen trắng, nhã nhặn nhưng rất sang. Trên đường 66 có Giovanni Versace, 67 và 68 có Emmanuel Ungaro, Kenzo, Missoni toàn tiệm của những nhà vẽ y phục thời trang nổi tiếng thế giới. Góc đường 70 có Matsuda, một hiệu của Nhật Bản. Bước qua đường 71 thấy Yves St. Laurent Rive Gauche với những chiếc áo dạ hội cực kỳ sang trọng. Nguyên cả đoạn phố này chỉ vào nhìn thôi chứ khó lòng mua được vì áo quần nào cũng bạc trăm, bạc ngàn..
Giữa 69 và 70 là The Metropolitan Opera Shop. Nếu ai thích nhạc cổ điển, opera v.v... thì nên viếng thăm tiệm này. Ở đây không thiếu video, sách, quà, những vật dụng liên quan đến opera và nhạc cổ. Ngoài ra có những sách vỡ tài liệu có tính cách giáo dục cho trẻ em, giấy viết thư và nhiều poster rất đẹp.
Polo/Ralph Lauren chiếm nguyên một khu phố của đường 72. Bán toàn áo quần đàn ông, đàn bà, đồ trang trí trong nhà trình bày lẫn lộn với những đồ cổ làm mình cảm thấy ấm cúng như ở trong nhà chứ không phải đi vào một tiệm bán quần áo. Ở đây vì mua áo quần nguyên giá đã đắt cho nên nếu cần, thợ sẽ sửa lại cho đúng kích thước của mình, không tốn tiền. Vài năm sau đó có ốm đi, mập ra họ cũng sẽ sửa lại không tốn tiền.
Đi lên nữa thì còn gặp nhiều tiệm nữa, nhưng chắc mình nghỉ ở đây. Lần sau phải đi đường 57, đường Lexington và đại lộ số 3. Cũng phải đi phố ở vùng hợp với túi tiền mình hơn, hoặc chị muốn mình có thể đi xem mấy tiệm sách lớn, tiệm bán đồ cổ.. Phải bỏ một ngày đi xem đấu giá. Có nhiều cuộc đấu giá có một không hai như lần đấu giá mấy tháng trước đây, gia tài của Jacqueline Kennedy Onnassis.
Đại lộ số 5 và đại lộ Madison mới chỉ giới thiệu cho mình những cửa hàng sang trọng với những y phục thời thượng của Nữu Ước. Nữu Ước còn là nơi qui tụ nhiều tiệm danh tiếng trên thế giới. Những cửa tiệm này thường nằm trên đường 57 như những tòa đại sứ thời trang có sứ mệnh làm cho dân Nữu Ước cũng như du khách từ mọi nơi biết những món hàng đặc biệt có trong gian hàng.
Các cửa tiệm trên đường 57 nằm trong những tòa nhà sát cạnh nhau nhưng không căn nào giống căn nào. Mình có thể đi vào Louis Vuitton, Chanel, Lladro, dù cho không mua gì đi nữa con mắt mình cũng làm việc một cách vui vẻ, vì chung quanh cái gì cũng trình bày rất nghệ thuật. Bước qua Laura Ashley, Hermes, Burberry, từ cách bày biện các đồ vật cho đến màu sắc của áo quần, mùi hương của mỹ phẩm, mùi phấn của hoa thật, bên cạnh các cô chào hàng xinh đẹp làm tăng giá trị của hàng hóa, làm mình thấy cái gì cũng đẹp mắt, cũng lôi cuốn.
Đi tiếp thêm về phía Đông, qua khỏi đại lộ Lexington đến gần đại lộ số 3 có Hammacher & Schlemmer bán rất nhiều đồ lẩm cẩm cho dân nhà giàu xài, từ máy trợ thính, cho đến máy xay trứng.
Buổi trưa thế nào mình cũng nên qua bên cạnh vào một nhà hàng mới mở cách đây hơn một năm. “Le Colonial”, một tiệm ăn Việt Nam do một số chủ nhà hàng người Pháp lập ra sau khi xem phim L'Indochine do Catherine Deneuve đóng. Nhà hàng này được giới nghệ sĩ cũng như các nhà vẽ kiểu thời trang ưa chuộng. Họ thường đến họp mặt tại đây. Cách trang trí đối với người Nữu Ước rất lạ vì khi vào trong tiệm mình có cảm tưởng như đang ở xứ nhiệt đới của thời thuộc địa. Giống như cảnh ngồi ăn ở khách sạn Metropole ở Hà nội thời giữa thế kỷ. Bàn ghế bằng mây nệm vải thô, xung quanh có những cây đu đủ, cây chuối, ngồi ăn uống rất thoải mái. Thức ăn ngon, rất lịch sự nhưng giá tiền thì không thể nào so sánh được với thức ăn Việt ở phố Tàu cũng như ở vùng Little Saigon của chị. Sáu cái bánh cuốn nhỏ ăn khai vị thôi mà đã mất $6.-
Ăn xong mình đi lên đường Lexington vào Bloomingdale. Bloomingdale ở New York cũng giống như Harrolds ở Luân Đôn, Isetan ở Tokyo hay Gallery Lafayette ở Paris. Chỉ có Bloomingdale hào nhoáng hơn, trẻ trung hơn và vĩ đại hơn. Vào cửa Bloomingdale mình phải sẵn sàng để ngửi rất nhiều mùi nước hoa mới ra. Ở các lối đi vào thang lầu tự động thường có những cô bán hàng sẵn sàng xịt nước hoa vào mình. Nếu không muốn xịt họ sẽ tặng mình một tờ giấy nhỏ đã thấm nước hoa, hy vọng trong lúc đi phố mình sẽ thích mùi nước hoa rồi quay lại mua. Ở Bloomingdale mình có thể mua bất cứ cái gì, từ chén bát, xon quánh, máy truyền hình, bàn ghế, đồ trẻ em cho đến khung ảnh, áo quần của mọi giới từ già trẻ lớn bé mập ốm... Trên tầng thứ 5 có một gian hàng đặc biệt bán nhiều hàng hóa trang hoàng trong nhà, thu thập từ rất nhiều nơi trên thế giới, như Bali, Indonesia hoặc Russia v.v. Có thì giờ và có tiền, đây là một tiệm có thể tìm được nhiều đồ để mua. Mỗi năm Bloomingdale có bán “sale” vài lần, nếu mình đến gặp những ngày bán hạ giá cũng có thể được bớt đến 50% giá chính thức.
Quên nhắc để chị đừng ngạc nhiên khi bị mấy tiệm ở Nữu Ước đánh thuế 8.5% - Ở ba tiểu bang lân cận, New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, mua áo quần không phải trả thuế cho nên mùa Giáng Sinh hoặc vào các dịp lễ lớn người Nữu Ước thường đổ xô qua các tiểu bang đó để mua sắm. Tuy vậy Nữu Ước vẫn không nghèo vì mất thuế. Du khách, người địa phương cần tiện nghi v.v... trả thuế mãi rồi cũng quen.
Xung quanh Bloomingdale's trên đường Lexington còn có Zara, một cửa hiệu bán y phục đàn bà của Tây Ban Nha, kiểu may rất Âu Châu và rất hợp thời trang với giá phải chăng. Bên cạnh có Urban Outfitters bán y phục thời trang cho con gái, nữ sinh và giới trẻ. Trước mặt là Banana Republic, Gap v.v...
Trên đường Lexington còn có rất nhiều tiệm giầy hợp túi tiền, hợp thời trang. Từ Nine West, Enzo cho đến các đại diện từ Brazil, Spain v.v.. Không có con đường nào bán nhiều giầy và ví như đường Lexington. Dân Nữu Ước đi bộ nhiều nên các tiệm giầy làm ăn rất khá.
Mấy năm gần đây có rất nhiều tiệm của những nhà vẽ kiểu chưa được danh tiếng lắm nổi lên nhan nhãn ở đại lộ Lexington cũng như đại lộ số 3. Người Nữu Ước nói là mình đi ngắm ở đại lộ số 5 và Madison, nhưng mua ở đại lộ Lexington và đại lộ số 3.
Dọc theo đại lộ số 3 và Lexington, từ đường 40 trở lên đến 68 có nhiều cửa tiệm nhỏ, thường là của tư nhân. Nếu mình chịu khó lục lọi cũng tìm được đồ đẹp. Ngoài ra, nếu thực sự muốn đi phố mua đồ rẻ thì mình phải làm một ngày khác.
New York vào thu rồi, mùa thu ở đây có rất nhiều triển lãm về thủ công nghệ, về đồ cổ v.v... Mình sẽ cố tạo thì giờ để đi xem. Ngoài ra New York mùa thu cũng là mùa đẹp nhất nên còn có nhiều sinh hoạt khác như Marathon ở Central Park, hoặc đi bộ 5 dặm để quyên tiền cho Hội Ung Thư Mỹ. Ngày 20 tháng 10 này mấy gia đình tụi này sẽ tham dự cuộc đi bộ đó. Sẽ lần lượt kể chị nghe.Thật ra đi phố ở Nữu Ước để xem áo quần tân thời đúng kiểu thì quá dễ. Cái khó là đi phố ở Nữu Ước mà tìm mua được đồ cũng tân thời cũng đúng kiểu với giá rẻ. Trong thư trước hứa với chị mình sẽ đi mua đồ rẽ. Hôm nay sẽ dẫn chị đi vùng Soho, East Village. Muốn rẻ hơn một chút, không cần chọn lựa lắm thì đi Lower East Side. Muốn thời thượng mà không ngại đồ giả thì đi Canal St. Ngoài ra cũng có những thương ốc chỉ bán đồ giá hạ, hôm nay sẽ ráng đi vài nơi.
Phần nhiều những người đi phố ở Soho là những người theo đúng thời trang mà không muốn trả giá biểu của đại lộ số 5. Đây là người mình thường thấy nhất trên đường phố New York. Rất “chic” và đúng kiểu.
Qua East Village, dân đi dạo phố thuộc giới trẻ hơn. Họ chỉ muốn mua đồ có một không hai. Phần lớn là sinh viên đại học hoặc học sinh năm cuối cùng bậc trung học, muốn tìm cho mình một lối ăn mặc riêng biệt vừa đẹp vừa không giống ai. Như vậy kể ra là khó, nhưng nhờ ở Nữu Ước họ có thể làm được. Các tiệm ở đây bán áo quần đủ thứ, đủ cở. Có khi mình nhìn tưởng là diêm dúa lắm nhưng đám trẻ mặc vào lại không đến nỗi gì. Dạo này giới sinh viên thích ăn mặc kiểu của thời 1960, áo polyester, quần ống voi, tóc thẳng.
Phải có cả tuần mới đi hết vùng Lower East Side, giữa đường Canal và East Houston... Ở đây toàn các tiệm của người Do Thái. Bây giờ dù họ có giàu sang hơn thời mới di dân và dù nhà họ không còn ở ngay trong vùng này nữa, các cửa tiệm bán áo quần, giày dép và đồ trang sức từ cả thế kỷ trước vẫn còn đây. Các khu phố chen chúc nhau, không có những tủ kính bóng loáng như trên đại lộ số 5 hay Madison. Không có người đẹp ăn mặc sang trọng đứng chào hàng. Thường các cửa tiệm ở đây là của gia đình, vợ chồng hoặc người trong nhà trông coi, hàng hóa tưởng như vất ngổn ngang, nhưng hỏi đến thứ gì họ cũng biết. Một số chỉ bán sỉ nên có khi phải mua từng nửa tá một lần. Áo quần theo kiểu các designer danh tiếng rẻ hơn giá mua ở các nhà hàng lớn từ 20 đến 40 phần trăm. Muốn đi phố ở đây nên đi vào ngày thường. Gần như chín mươi phần trăm các cửa hàng ở đây là của người Do Thái nên họ đóng cửa ngày thứ bảy. Chủ nhật thì chen chân không lọt. Phải rất cẩn thận, vì có nhiều chủ tiệm thấy mặt mình hơi ngơ ngác, biết mình từ xa đến là họ lên giá hoặc đưa đồ xấu. Cứ việc trả giá thả cửa và nhớ xem cho kỹ trước khi mua. Ở đây thường không có phòng thử và hàng mua rồi không được trả lại.
Canal St. ở ngay trong phố Tàu. Gần như mình có thể mua bất cư kiểu đồng hồ, kiểu ví xách tay nào mới nhất của các designers lớn ở đây với giá rẻ bằng một phần mười giá chính thức. Bởi lẽ người ta làm giả. Có người chủ trương, muốn theo mode, mua đồ giả cũng được, xài ví chưa hư đã qua kiểu mới rồi, dại gì mà trả giá đắt. Nếu nghĩ như vậy thì không cần đi đâu hết. Có thể mua đồng hồ Cartier hay Rolex vàng với giá $10, hay mua ví của Dior hoặc Fendi rẻ như cho. Các tiệm trên đường Canal mở một năm 364 ngày chỉ có nghỉ ngày Tết âm lịch mà thôi.
Nếu không có thì giờ để đi rảo nhiều nơi thì nên vào Century 21, ở ngay đường Church St trong vùng Wall Street. Century 21, là thiên đường của những người biết chọn lựa y phục. Ở đây bán đủ đồ cho cả gia đình xài, từ áo quần người lớn, con nít cho đến vật dụng trong nhà. Từ ly tách cho đến khăn trải bàn, từ đồ lót cho đến đồ đi dạ hội, nhan nhãn đầy tên các designers danh tiếng với giá phải chăng. Century 21 mở 1 tuần 7 ngày từ 8 giờ sáng để phục vụ những nhân viên làm việc xung quanh khu đó. Bất tiện nhất là Century cũng không có phòng thử quần áo. Nhưng nếu mua rồi mà không ưng ý có thể trả lại được. Chỉ khổ là khi đem đi trả có hơi vất vả, tiệm lúc nào cũng đông người, các người bán hàng có khi lại làm khó. Có khi mất cả tiếng đồng hồ mới trả lại được cái áo giá 10 đồng.
Ngoài ra còn có nhiều tiệm bán y phục và đồ trang sức kiểu mới nhất với giá phải chăng như Bolston, Loehman, Syms v.v... Bolston's có hơn 5 tiệm trong Manhattan. Mua áo quần ở Bolston nhiều khi không thấy nhãn ở đâu nhưng nếu rành thì nhận ra được designer mình thích và chỉ phải trả có một nửa giá chính thức. Muốn thời thượng hơn thì đi Loehman. Trước kia chỉ có ở Nữu Ước mới có Loehman, bây giờ Loehman đã có chi nhánh ở các thành phố lớn. Đi Loehman mình phải lục lọi tìm tòi có khi mua được áo quần đúng kiểu rất rẻ. Y phục đàn ông thì có Syms. Syms bây giờ bắt đầu có chi nhánh ở các tỉnh lớn. Tuy vậy hàng hóa ở các tiệm Nữu Ước cũng khác hàng hóa gửi đi các chi nhánh. Hệ thống định giá tiền ở Syms rất rõ ràng. Trên bảng giá tiền có ghi ngày tháng. Giá tiền cứ sụt xuống mỗi 10 ngày, cho đến 30 ngày nếu bán chưa được, giá sau cùng sẽ là giá hạ nhất. Người ta gọi Syms là tiệm dành cho những người “tiêu thụ có học” nghĩa là biết giá trị của những đồ Syms bán.
Gần đây Nữu Ước có Daffy ở đường 14, đường 42 và đường 57. Daffy bây giờ đang được ăn khách với châm ngôn là “Bán hàng hóa rẻ cho triệu phú”. Áo quần mặc mỗi ngày hoặc y phục tiệc tùng bán với giá ít nhất là rẻ đi một nửa. Daffy ăn khách nhờ bán nhiều y phục may ở Âu Châu, nhất là từ các xứ thời trang: Ý, Pháp và Tây Ban Nha. Ngoài y phục đàn ông và đàn bà, Daffy bán rất nhiều quần áo, giày dép trẻ em. Daffy có phòng thử và cho trả lại nên dễ mua sắm hơn.
Strawberry bán áo quần giày dép cho giới phụ nữ trẻ rất phải chăng, có chi nhánh ở đường 42 và một vài tiệm trên đại lộ số 3 và đại lộ Lexington. Con gái trẻ đi ra đường mặc đồ mua ở Strawberry có người tưởng là mua ở các phố trên đại lộ Madison dù chất liệu có xấu hơn nhưng kiểu thì bắt chước rất tài tình. Nếu chỉ mặc theo thời một vài lần thì cũng đáng.
Ngoài ra, T.J.Max, Filene Basement, Marshalls v.v... nằm dọc theo các đại lộ số 3, số 6, phía dưới đường 14, 17, dù bây giờ đã có chi nhánh trên một vài tỉnh lớn, nhưng y phục bán ở Nữu Ước cũng vẫn đúng kiểu hơn.
Ở Nữu Ước còn có những khu đặc biệt bán những vật dụng hàng hóa thật đặc biệt. Lần tới mình sẽ đi vào các khu đó để coi sách vỡ, vải vóc, v.vKhi trời bắt đầu trở lạnh, đêm đến sớm hơn, đèn trong thành phố sáng chói hơn. Dân Nữu Ước có người về nhà sớm để hưởng không khí đầm ấm trong gia đình, có người bắt đầu đi mua sắm, sửa soạn nhà cửa cho những ngày lễ lớn sắp đến. Du khách cũng đổ xô về, có nhiều người như một thông lệ muốn đến Nữu Ước chỉ để xem các cửa hàng treo đèn kết hoa, cũng có nhiều người từ các xứ Nam Mỹ đến để sắm sửa cho mùa lễ Giáng Sinh.
Có người có thì giờ và biết nhiều thì đi “lùng” quanh thành phố để tìm những đồ lạ, hoặc để trang hoàng trong nhà, hoặc để dành làm quà tặng bạn bè vào dịp lễ. Có người đi tìm đồ cổ, sách báo đã triệt bản, những dụng cụ có một không hai để làm quà cho những người bạn thuộc hạng “cái gì cũng có.” Hạng người này không quý khăn quàng vài trăm đồng của Hermes có thể mua được bất cứ lúc nào. Họ cũng không quý áo len mềm mại của Dior nhiều khi mặc ra đường đã thấy có người mặc áo giống mình. Họ quý những giây nịt làm bằng hột cườm của một dân tộc thiểu số nào đó hoặc một hộp đựng nữ trang bằng gỗ vẽ kiểu thô sơ không mua ở đâu khác ngoài các tiệm bán đồ đặc biệt hay bán đồ cổ ở Nữu Ước.
Nữu Ước có hàng trăm tiệm bán những vật lạ mắt, những nhà hàng bán đồ cổ nằm rãi rác cả thành phố mang những tên cũng lạ như những đồ vật họ bán. Đi mua sách, đi tìm đồ cổ, đi mua đồ đấu giá hoặc xem triễn lãm hội họa, làm gì ở đây cũng mất ít nhất là một ngày. Các chủ tiệm, các nhà sưu tầm, các ban tổ chức tốn cả tháng cả năm đem hàng về bán hoặc để trưng bày cho mình xem. Vậy bỏ ra một ngày để thưởng ngoạn cũng đáng lắm phải không? Vậy hôm nay mình đi đâu? Hay là mình đi coi sách.
Tiệm sách ở đây lúc nào cũng ấm cúng, không ai lăng xăng đến mời mọc, chỉ có các quyển sách nằm đó chờ mình tới xem thôi. Mình tha hồ ngắm nghía, mân mê hàng giờ. Im lặng đi vào, thản nhiên bước ra cũng chẳng ai làm phiền mình hết.
Nữu Ước có không biết bao nhiêu là tiệm sách. Từ sách chuyên khoa cho đến sách in chuyện rẻ tiền. Từ sách hoạt họa cho đến sách về phim ảnh, âm nhạc. Đi xem sách còn dể bị say hơn đi uống rượu, không bị giới hạn như bao tử, con mắt mình có thể xem đến vô cùng. Đi cả ngày không chán.
Quanh các phố gần các trường đại học lớn như Columbia hoặc đại học New York có rất nhiều tiệm sách bán sách in lậu. Tùy theo mình muốn tiểu thuyết hiện đại, sách khảo cứu hay sách cũ, thứ gì cũng có. Nếu mình tò mò muốn biết về văn hóa Trung Đông, muốn học hỏi thêm về cách họ dệt thảm, muốn hiểu về giáo lý đạo Hồi thì có thể đến Argosy Book Store ở đường 59. Đây là một tiệm sách cổ và sách cũ. Sáu tầng lầu toàn chứa sách lâu đời, có thể tìm được hàng ngàn quyển sách đã triệt bản.
Nếu xem Argosy chưa đủ thì có thể đi The Strand Bookstore, Inc. ở vùng Greenwich Village. Người Nữu Ước gọi ngắn là Strand. Strand có 8 dặm dài toàn là sách, hơn 2 triệu sách cũ, đây là nơi bán sách cũ lớn nhất thế giới. Gọi là sách cũ nhưng thật ra là những quyển sách nhà xuất bản gửi ra để điểm sách, có khi chỉ được dở ra đọc một lần. Vào một tiệm sách lớn như vậy tưởng là mình có thể lạc hoặc ngơ ngáo, nhưng đừng lo vì những người bán hàng ở đây rất lịch sự, sốt sắng hướng dẫn tìm sách mình muốn mua. Giá cả ở đây rất phải chăng.
Nếu thích Shakespeare thì đến Shakespeare & Co, ở đây không thiếu tài liệu gì liên quan đến Shakespeare. Đến Coliseum Books, Gotham Book Mart hay vào the Drama Book Shop, dĩ nhiên là ở ngay trung tâm kịch nghệ và có thể mua đủ sách kể cả các vở kịch của tài tử hay các đạo diễn nổi tiếng. Hay còn mê Nữu Ước thì đến Rockefeller Center vào New York Bound Bookshop mua sách, tranh ảnh về New York từ thời xưa đến nay.
Ngoài ra ở Nữu Ước, nếu muốn đọc sách bất cứ thứ tiếng gì cũng có. Không những chỉ ở trong thư viện, mà gần như quốc gia nào cũng có một tiệm sách nhỏ lớn gì đó ở quanh Manhattan. Vào Kinokuniya ở gần Grand Central một nhà sách Nhật, chị có thể mua từ nhật báo, tuần báo, dĩa nhạc, cho đến sách mới vừa xuất bản v..v. Vào tiệm sách Pháp ở trung tâm Rockerfeller, có thể mua tự điển La rousse đủ cở. Có thể tìm truyện , thơ từ La Martine , Sagan đến sách thời nay.
Nhưng đi coi sách thì phải đến Barnes & Noble. B & N bán sách vừa rẽ vừa dầy đủ, không thiếu một thứ gì. Nhất là muốn tìm sách trẻ em, ở đây có đến hơn 3 triệu sách mới sách cũ chuyện cho nhi đồng. Nhiều sách còn được giảm giá đến 75%. B & N có rất nhiều chi nhánh ở quanh thanh phố, và các tiểu bang khác. Tiệm lớn nhất nằm ở đại lộ số 5 và đường 17, nơi Bill Gates, thiên tài đại tỉ phú đã đến để nói chuyện về quyển sách mới vừa cập nhập hóa của ông tựa đề là “Con đường trước mặt” (The Road Ahead). Một tay Bill Gates đã gầy dựng Microsoft thành một hãng computer thành công nhất thế giới. Ông có một lối nhìn thông suốt về tương lai của kỹ thuật trong thời đại mới.
Gần như các tiệm sách lớn ở Nữu Ước ngày nào cũng có các tác giả đến để giới thiệu sách, mình có thì giờ đi loanh quoanh thế nào cũng gặp vài tác giả. Sách hoạt họa, bản đồ thời xưa, dĩa nhạc cổ điển có thể tìm thấy ở Forbidden Planet, Sohozat hay nhiều tiệm sách nhỏ ở Greenwich Village. .
Lần tới mình đi vào một vài tiệm đặc biệt, đi đấu giá, hoặc đúng ra đi xem thiên hạ đấu giá. Còn nhiều mục khác, phải đi xem kịch và bảo tàng viện v.v .nữa chứ!
Khó ai tưởng tượng được Nữu Ước sẽ ra thế nào nếu không có Central Park. Cũng như Tivoli ở Copenhagen hay Chapultepec ở Mexico City, vườn Luxembourg ở Paris, Central Park đối với người Nữu Ước là một vườn chơi công cộng vĩ đại. Một công viên mát rượi trong một thành phố đầy cả dinh thự cao ngất trời. Người Nữu Ước đến Central Park để thở, để chạy nhảy, để thả bộ nhìn ngắm nhau, nhìn sao, nhìn trăng trong những đêm đẹp trời. Hoặc có thể leo lên những mỏm đá cao, những đồi thoai thoải nhìn về hướng Manhattan thấy những nhà chọc trời vẽ hình trên bầu trời xanh, hay thấy đèn sáng ngời về đêm như những vì tinh tú lạ. Người Nữu Ước còn đến đây để nghe tiếng chim hót, nhìn hoa lá nở mỗi mùa, hay chỉ đến đây để quên những xô bồ phiền phức của cuộc sống.
Cũng khó ai tưởng tượng được Nữu Ước, thành phố xô bồ, đông đúc, đầy cả người, cả nhà chọc trời, cả cao ốc khắp nơi lại có khoảng 1,100 công viên và vườn cho trẻ con chơi, chiếm gần 37,000 mẫu đất rãi rác trong năm quận. Trong những công viên lớn có nhỏ có đó, Central Park quả là một kỳ công, không những chỉ là một công viên mà là một phối hợp của nghệ thuật, của kiến trúc, của những gợi hứng cho văn chương thi phú.
Bắt đầu từ năm 1840, một nhà thơ, nhà chủ báo, William Cullen Bryant cổ động xây dựng một công viên lớn nhất Nữu Ước để mọi người có dịp đến gặp nhau chuyện trò giải trí. Ông huy động được rất nhiều nhà văn lớn như Washington Irving, các nghệ sĩ, cũng như các nhà tài phiệt tham gia. Năm 1850 họ bắt đầu đồng ý về sơ đồ của công viên. Đến năm 1855, họ mua 840 mẫu đất chạy dài từ đường 59 đến đường 109 nằm giũa đại lộ số 5 và Central Park West, với giá 5 triệu Mỹ kim. Nhà báo Federick Law Olmstead, và kiến trúc sư Calvert Vaux đã trãi qua rất nhiều khó khăn trong công cuộc thiết kế công viên, mãi đến năm 1873 Central Park mới được hình thành. Họ phải bồi thêm 5 triệu thước vuông đất, trồng hơn 4 triệu loại cây và bụi hoa, di chuyển bao nhiêu tảng đá to đá nhỏ để xây đồi, làm cảnh.
Mỗi năm có khoảng 15 triệu người đến dạo chơi. Mỗi cuối tuần từ mùa xuân qua mùa thu có hơn 250,000 trẻ con và người lớn đến đây leo trèo nhảy múa. Nữu Ước ngày càng đông, phía Bắc của thành phố trở nên nguy hiểm, cho nên đi chơi ở Central Park nên đi lúc trời còn sáng, và đi càng về phía Nam càng tốt. Suốt cả mùa hè mình có thể đến đây nghe những buổi nhạc hòa tấu của Metropolitan Opera, New York Philharmonic hoặc những nhạc sĩ nổi tiếng khác. Ngoài ra còn có những buổi trình diễn của New York Shakespeare Festival cho công chúng không mất tiền.
Bên trong, cạnh cổng chính của công viên ở đại lộ số 5 và đường 59 là một cái hồ nhỏ xung quanh là bụi cây để dụ chim về.
Ghế đá nằm dọc theo bờ hồ để cho du khách cũng như dân địa phương vào ăn trưa, nghỉ mệt. Mùa đông mặt hồ đông cứng lại biến thành bãi trượt băng, nhưng nếu thực sự muốn trượt băng thì chơi ở Wollman Memorial, nơi Donald Trump đã giúp thành phố làm lại bãi trượt băng nhân tạo cho mùa đông. Vào mùa hè, một số ban nhac tổ chức chơi nhạc tại dây, từ tập dance cho đến dạ vũ, mỗi đêm thứ sáu và thứ bảy để dân chúng có thể đến khiêu vũ ngoài trời. Gặp những đêm trăng sáng, cả một vùng công viên trở thành nơi dạ vũ dưới trăng .
Central Park là thiên đường của con nít. Cả 840 mẫu đất chỉ dành cho chuyện vui chơi. Có Central Park Zoo ở đại lộ số 5 và đường 64, ngày xưa có đầy cả sư tử, khỉ, cọp , bây giờ ở vườn thú trẻ em có chim, có gấu v.v. các em có thể cho thú vật ăn những thứ nhân viên ở sở thú cho phép. Ngoài ra còn có Carousel, hoặc nếu trẻ con còn có sức chạy nhảy nữa thì đi đến Adventure Playgrounds ở đường 67. Chơi đã rồi các em muốn nghe chuyện cổ tích, thì đến gần đường 72, ở tượng Hans Christian Anderson, một nhà viết truyện trẻ em rất nổi tiếng, để nghe kể chuyện. Ở phía Tây của vườn thú trẻ em là The Mall, một khu rộng rất khang trang, bề ngang 40 foot, bề dài 1500 foot, mùa hè còn là sân khấu của những buổi hòa tấu không mất tiền.
Đoạn phía nam của central park là nơi lý tưởng để dạo chơi với trẻ em, với bạn vàng, hay với người yêu, ngay cả đi một mình có khi cũng không kém phần thú vị. Dẫn nhau vào chèo thuyền trên Conservatory Lake ở đường 72. Nhiều người không ngờ ở Nữu Ước lại có được một chỗ thơ mộng như vậy. Khi chèo thuyền xong có thể đi thả bộ vòng theo vùng Bethesda Fountain. Nếu không muốn chèo thuyền, có thể thuê xe ngựa đi từ đường 59 vào công viên để biết được cảm giác của người xưa . Cũng có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh khu này hoặc chạy bộ ngay phía bắc của bờ hồ gọi là Ramble. Đây là khu hoang dại nhất của công viên. Mỗi đầu xuân, mùi lá mới mùi hoa vừa nở tỏa hương thơm ngát. Đi bách bộ dọc theo những con đường ngoằn ngoèo, có nhiều bụi rậm, nhiều mỏm đá lồi lỏm rất thú vị.
Khi bắt đầu xây công viên người ta muốn xây 2 bảo tàng viện hai bên. Phía đông là Metropolitan Museum of Art, phía tây là Museum of Natural History. Museum of Natural History đã đồ sộ nhưng không thể nào so sánh được với Metropolitan Museum of Art. Sẽ viết về các viện bảo tàng ở Nữu Ước trong các thư sau.
Sau viện bảo tàng là Obelisk, thường được gọi là Cleopatra's Needle khoảng 1500 B.C. do chính phủ Hy Lạp tặng thành phố Nữu Ước. Tiếp theo là Receiving Reservoir, bể chứa nước rộng hơn 100 mẫu đất chạy dài từ đường 86 đến 96, sau đó là East Meadow, Conservatory Garden triển lãm hoa bốn mùa. Đoạn cuối của công viên về phía Đông là Harlem Meer, nơi đây mình cũng có thể chèo thuyền. Dạo sau này vùng Harlem Meer, vì gần khu Harlem có thể nguy hiểm nên du khách ít lên đến tận đó.
Dọc theo phía tây của công viên có North và South Meadows với 30 sân quần vợt và nhiều sân banh khác. Ngoài ra còn có Great Lawn, New Lake. Sau đó là Shakespeare Outdoor Theater có 2,300 chỗ ngồi. Vào mùa hè, tuần nào cũng có ban kịch trình diễn tại Shakespeare-in-the-Park cho công chúng xem không mất tiền. Vì chương trình miễn phí nên số người đi xem rất đông mình phải đến vài giờ trước khi trình diễn may ra mới có chỗ ngồi.
Vào đường 79 có Swedish School House dạy và biểu diễn cho trẻ em xem những màn múa rối. Tiếp theo là Sheep Meadow.
Đến đường 66 là Tavern on the Green.
Xây từ năm 1870 Tavern on the Green là một tiệm ăn lớn và nổi tiếng, nằm ngay giữa công viên. Những cây cao xung quanh tiệm ăn có cả triệu bóng đèn trắng nhỏ thắp sáng suốt năm.. Trong tiệm ăn, đầy cả hoa tùy mùa, phần lớn là hoa lan đủ màu đủ giống. Nhìn lên trần nhà, ngoài những bức tranh vẻ trên trần cón có rất nhiều đèn treo bằng pha lê đủ màu. Những đèn pha lê cổ đem từ Âu Châu qua từ hơn trăm năm nay, rất lớn và nhiều màu sắc. Thoạt nhìn thấy hơi quá lố, tuy nhiên cửa tiệm quá lớn, nằm giữa một khoảng rộng, nhất là khi ngồi trong phòng kính nhìn ra ngoài công viên bao la.... đèn trên cao, hoa bao quanh làm mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ngoài ra tiệm này mỗi ngày phục vụ cho rất nhiều loại du khách trên thế giới nên ai cũng thích những gì lạ mắt.
Những ngày mùa đông trời lạnh căm căm, đi từ xa đã thấy cả vùng đèn sáng trên những thân cây trụi hết lá, Tavern on the Green như một điểm ấm cho người Nữu Ước. Mỗi năm vào dịp Giáng sinh hay tân niên muốn ăn tối ở đây phải lo giữ chỗ từ hai ba tháng trước. Cũng vì rất nhiều người cứ giữ chỗ nhưng cuối cùng không đi nên nhà hàng buộc mình phải trả tiền ngay khi gửi chỗ. Tavern on the Green có nhiều phòng trang trí khác nhau. Có phòng treo toàn tranh vẻ cảnh công viên vào thế kỷ trước. Đi ăn ở Tavern on the Green ít nhất một lần để tưởng tượng cảnh người xưa đến đây bằng xe ngựa, ăn mặc lịch sự kiểu cách thế nào.
Nhiều người ở xa đến công viên Central Park, chỉ để xem Strawberryfield, “công viên tưởng niệm”John Lehnon. Strawberry Field nằm trong công viên central park ở ngay trước nhà Dakota. Dakota là cao ốc kiểu cũ, chỗ John Lennon và Yoko Ono cũng như nhiều nghệ sĩ danh tiếng ở. Năm 1980 John Lennon bị Mark David Chapman bắn một cách vô lý và điên cuồng ở ngay trước nhà. Để tưởng niệm một nghệ sĩ danh tiếng đã từng yêu mến Nữu Ước. Thành phố đặt tên khu công viên John Lennon hay dạo chơi là Strawberry Field, cũng là tên của một trong những bản nhạc của John. Mỗi năm cứ đến ngày 8 tháng 12 số người hâm mộ John Lennon đến đây hát những bản nhạc John sáng tác để tưởng niệm một người tài hoa mệnh yểu. Strawberry field có nhiều hoa xung quanh một vòng tròn lớn lát bằng đá mosiac ở giữa có khắc chữ Imagine, tên một trong những bài hát hay nhất của John Lennon.Năm nay mùa thu đến lúc nào không ai hay. Mùa hè qua quá mau. Cả mùa hè mà chỉ có ba tuần nóng, phần còn lại mưa nhiều và trời rất mát. Dân Nữu Ước thèm nắng, nhưng nắng mùa thu không đủ để làm ngăm da, chỉ làm cho thấy lá vàng, lá đỏ đẹp hơn.
Đến tháng Chín, sau ngày Labor Day, sau tuần đầu tháng, khi con cái bắt đầu vào trường, Nữu Ước tự nhiên sống lại. Mọi hoạt động của thành phố lại bắt đầu. Tháng Chín được kể như là tháng bắt đầu của mọi hoạt động trong năm, vì gần như các tổ chức các chương trình đều dựa theo thời khóa biểu của sinh viên và học sinh. Trời mát hơn, thỉnh thoảng có gió lành lạnh. Mọi người trở lại làm việc hăng say hơn, cuối tuần tham gia vào các hoạt động trong thành phố vì không còn đi biển đi núi được nữa. Thành phố tỉnh dậy như vào xuân với những tổ chức chạy NY Marathon, những chương trình đặc biệt về kịch nghệ, điện ảnh, hội họa.
Tuần đầu tháng Chín có Wigstock, ngày diễn hành để phô trương các đầu tóc giả, (xem lại lá thư về Soho, Greenwich Village). Tuần giữa tháng 9 có lễ các ông thánh ở phố Ý (xem Phố Ý, phố Tàu). Từ cuối tháng Chín đến đầu tháng Mười là Đại Hội Điện Ảnh tại Nữu Ước(New York Film Festival) tổ chức tại Alice Tully Hall trong Lincoln Center (Sẽ viết về Lincoln Center và cả nhà hát lớn ở đây trong một thư sau). Năm nay có phim “Sau Những Đám Mây” (Beyond The Clouds) do Jeanne Moreau, bây giờ đã 68 tuổi, đóng. Thường thường có thể mua vé trước 5 tuần bằng điện thoại. Vì lý do gì không đi được mình cũng có thể trả vé lại.
Lincoln center là một hội trường rất rộng, trong dó có nhiều rạp trình diễn nhiều chương trình khác nhau. Ở phía ngoài sân rất rộng của Lincoln Center, Mỗi hai tuần đầu tháng chín Hội Thủ Công Nghệ Mùa Thu (Autum Crafts Festival) đem về hơn 300 lô trưng bày đủ loại thủ công nghệ từ các nơi đem tới. Không những chỉ triển lãm thủ công nghệ mà thôi còn có những lô bán thức ăn lạ miệng, thơm phức. Những nghệ sĩ trình diễn giúp vui. Ai nấy đều muốn hưởng những ngày còn nắng ấm ngoài trời trước khi mùa Đông đến.
Qua tháng Mười, mới thật là tháng vào thu. Mùa thu Nữu Ước thật quyến rũ. Trời đẹp, cảnh đẹp, đường phố đẹp. Những kiến trúc của thành phố, những hoạt động ngoài đường, những khu phố lân cận nhau bày biện những chậu cúc vàng những trái bí đỏ. Người ta bắt đầu dùng lò sưởi. Các xe bán hạt dẻ, bán đồ ăn bên đường nướng thịt, mùi khói lên thơm phức. Cũng có thể người đi đường đói bụng, cũng có thể mùi thịt thơm quá khiến khách phương xa thèm thử của lạ, xếp hàng mua thức ăn. Chỉ cần có một ít thì giờ thư thả đi bộ dọc theo các đại lộ nhìn ngắm là thích thú nhất. Ai đến Nữu Ước vào mùa thu cũng bị quyến rũ bởi cái không khí vừa mát vừa khô. Công viên bắt đầu khoe lá đỏ lá vàng. Bên hè phố ai nấy đều bận rộn. Bận rộn thật ra là nghề của người Nữu Ước. Công việc đã bận rộn mà xung quanh lại luôn luôn có những hoạt động hấp dẫn. Thời khóa biểu nhà nào cũng đầy những hẹn hò, triển lãm, đi phố, tiệc tùng. Làm việc nhiều, chơi nhiều, đó là châm ngôn của dân Nữu Ước, thành phố dư ăn thiếu ngủ.
Thật ra để xem Nữu Ước mùa này, đẹp nhất là đáp chuyến tàu thủy Circle Line chạy quanh đảo Manhattan. Đi giữa Manhattan chỉ thấy toàn cả nhà chọc trời, nhưng từ ngoài sông nhìn vào Manhattan, không những chỉ thấy có sắt và đá mà còn thấy Manhattan và hai bên bờ sông Hudson đầy cả “cây vàng lá đỏ.”
Nhưng nếu thực muốn nhuốm mùa thu vào tận chân tóc thì đi thăm Vườn Bách Thảo của Nữu Ước. Với 250 mẫu đất, 27 khu vườn ngoài trời, mùa nào ở đây cũng đẹp. Mùa thu khu vườn thơm mùi hoa cúc. Đi dạo giữa những hàng cây thích (maple) lá đỏ, lá vàng, cứ một cơn gió thoảng qua, lá bay đầy trời. Mùi lá thơm giòn tưởng như nếu thả một cây diêm quẹt đâu đây, cả rừng sẽ cháy hết.
Chỗ dễ thương nhất để xem lá vàng là ngồi ở Iris and Gerald Cantor Roof Garden trên sân thượng của Metropolitan Museum of Art. Ở đây mình có thể ngồi với một ly cà phê, một dĩa bánh, nhìn bầu trời Nữu Ước trong xanh, nhìn những nhà chọc trời nằm sau đám cây lá đỏ lá vàng trong Central Park. Đẹp như trong tranh.
Không ai tưởng tượng được New York sẽ ra thế nào nếu không có Central Park. Năm 1850 Federick Law Olmsted và Calvert Vaux xây dựng nên Central Park từ một đám đất bỏ hoang, 840 mẫu đất trãi dài từ đường 59 đến đường 110 giữa đại lộ số 5 và Central Park West là hồn của Nữu Ước. Mùa nào cũng có nhiều hoạt động tổ chức tại đây. Hoạt động lớn nhất của mùa thu là New York Marathon, thường tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng mười. Mới vài năm trước đây người ta đổi thành tuần đầu của tháng 11, vì tháng mười ở Nữu Ước thỉnh thoảng lại có những ngày nắng ấm, gọi là Indian summer, làm cho hàng ngàn người chạy bộ mồ hôi nhễ nhại. Đến tuần marathon thành phố đầy cả du khách từ mọi nơi đến tham dự hoặc đến xem hàng ngàn ống chân chạy 26.3 dặm qua 5 quận của Nữu Ước.
Mùa thu ở đây không những chỉ đẹp vì những hoạt động ngoài trời thôi, những hoạt động trong nhà cũng rất thu hút. Đi xem ca nhạc kịch, đi dự đại hội điện ảnh, chen lấn với đám đông, đi xem triễn lãm hoặc đi xem những buổi biểu diễn thời trang trong các thương ốc lớn. Mặc áo ấm vào Greewich Village ngắm những tranh ảnh hàng hóa trưng bày trên hè phố cũng rất lý thú. Trời chưa lạnh lắm để mọi người phải trùm kín với những áo khoác dày cộm, cũng không nóng để các cô gái đẹp phải chảy mồ hôi nhễ nhại. Cứ thả bộ theo đại lộ số 5, đại lộ Madison sẽ gặp người đẹp tứ xứ đi nhan nhãn, áo quần giày dép đủ kiểu, đủ màu.
Nếu chị thích đồ cổ và đồ thủ công nghệ, chị sẽ tha hồ mà đi xem. Các nhà sưu tầm cũng như các nhà buôn bán đồ cổ bỏ cả năm, cả mùa hè đi khắp nơi mua sắm, góp nhặt những tác phẩm thủ công nghệ rất đặc biệt, những đồ cổ rất lạ đem về triển lãm. Một trong những trung tâm triển lãm lớn là New York Armory Antique. Trên 100 nhà sưu tầm nổi tiếng thế giới đem đồ cổ từ cả 5000 năm trước đến phô trương. Tầm sưu tầm rất rộng, gồm cả các vật dụng từ La Mã, Tàu, Anh, Pháp... từ bàn ghế đồ dùng trong nhà cho đến đồ trang trí. Dù mình không biết gì về đồ cổ, hay dù mình là người thẩm hiếu mình cũng có thể tìm thấy những vật dụng rất hay và lạ trong các cuộc triễn lãm này.Vài hôm nữa, chị sẽ được xem New York Marathon, cũng có thể chị sẽ thấy Yankees Parade trên máy truyền hình.
Tuần vừa rồi cả thành phố Nữu Ước mở hội. Đội Yankees thắng trận cầu quốc tế sau 18 năm. Đi đến đâu người ta cũng nói chuyện về đội banh Yankees, về cầu thủ này về ông bầu nọ. Sau khi thua hai trận đấu đầu trong loạt đấu chung kết, ai cũng sợ là Yankees thua Atlanta Braves, không ngờ cuối cùng đội Yankees thắng được. Vì thế mà dân Nữu Ước càng mừng hơn.
New York trở thành New York Yankees.
Cứ theo thông lệ ở đây là hễ đội banh nhà thắng trận thì cả đội sẽ đi diễn hành từ dưới khu Wall st. lên. Ai cũng nao nức chờ cuộc diễn hành. Hàng hóa kỷ niệm của các đội banh Mets, Giants... không có ai ngó ngàng tới. Mọi người chen lấn vào các cửa hàng để mua cho kỳ được bất cứ cái gì có dấu hiệu Yankees. Ở đâu cũng thấy cả trăm người sắp hàng đứng chờ. Người ta mua áo mũ v.v... để đi diễn hành dưới vùng Wall St., trên đường Broadway. Đoạn đường đi diễn hành này hai bên toàn là các cao ốc, đầy công sở, ngân hàng chi chít nhau làm cho con đường trở nên hẹp lại. Người ta gọi đoạn đường này là “thung lũng anh hùng”. Từ trên những tòa nhà cao, (chỉ có những cao ốc kiểu cũ mới mở cửa sổ được), người ta thả giấy computer. giấy vụn, confetti xuống đầy đường. Có người còn thảy cả giấy toilet, giấy sổ điện thoại xé vụn, tape của các máy tính, hễ vớ được giấy gì đem thả được là thả. Cả bầu trời đầy cả hoa giấy bay tứ tung, tưởng là tuyết đang rơi. Bởi vậy những cuộc diễn hành này được gọi là “ticker tape parade”.
Cuộc diễn hành bắt đầu từ 11:30 sáng, gần giờ nghỉ trưa nên rất nhiều người tham dự. Cảnh sát chận các con đường lân cận, mọi người chỉ được vào thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Dân chúng từ các quận xung quanh, từ ngoại ô đổ xô vào. Có người phải rời nhà từ sáng sớm, có gia đình phải vào Manhattan ở lại từ đêm trước. Có những gia đình đem cả ba thế hệ, ông bà, cháu chắt, ai cũng mặc đồ Yankees hoặc có đeo trên người dấu hiệu Yankees đi vào thành phố để dự cuộc diễn hành. Lần này tính đến hơn 3 triệu người, ai nấy hân hoan vui mừng. Người ta đứng đầy đường, đứng trên các cầu thang cao để dễ thấy hơn, có người còn leo lên cột điện để có thể nhìn thấy các cầu thủ từ đằng xa. Cha cõng con, bạn bè kéo nhau, la chí chóe, ai cũng muốn thấy một lần cho biết. Không biết lần tới là khi nào đội Yankees mới thắng lại?. Thường thường để tổ chức những cuộc diễn hành như thế này thành phố tốn cả triệu Mỹ kim. Nhưng thật ra thành phố không phải trả hết. Có nhiều hãng bảo trợ đứng ra chịu phí tổn đó để quảng cáo hàng hóa của họ. Xong cuộc diễn hành, ông thị trưởng thành phố Rudolph W. Giuliani tặng mỗi cầu thủ một cái chìa khóa tượng trưng để mở cửa tòa thị sảnh, kiểu từ thời 1812.
Xong cuộc diễn hành ngày thứ ba, thành phố sửa soạn cho New York Marathon (cuộc chạy đua trường kỳ) tổ chức ngày chủ nhật.
Đối với dân Nữu Ước, thế vận hội không quan trọng bằng New York Marathon, vì gần như mọi người đều tham dự vào cuộc chạy đua này, không trực tiếp cũng gián tiếp. Có rất nhiều người từ các tiểu bang xa về cũng như từ các nước ngoài vào. Có một số ít người chạy để chiếm kỷ lục, phần còn lại chạy để thử sức mình chứ không tính chuyện hơn thua.
New York Marathon bắt đầu từ 27 năm về trước. Ngân hàng Chase Manhattan đứng ra bảo trợ New york Marathon từ 20 năm nay. Số người chạy đua tăng từ 2,000 người cho đến gần 30,000 người.
Hôm chủ nhật vừa rồi trời khô ráo, vào khoảng 40 độ, hơi lạnh nếu mình không làm gì, nhưng rất lý tưởng với người chạy đường trường... 30,000 người bắt đầu một lộ trình dài 26.2 dặm, từ cầu Verrazano ở Staten Island qua Brooklyn, Queens, Bronx và chấm dứt tại Central Park. Dân địa phương ở 5 quận đổ xô ra đường chờ các người chạy qua để cổ võ, để ủng hộ tinh thần và hô hào cho họ đỡ thấy mệt. Ai cũng nghĩ là chuyến này một trong những người trong nhóm Kenyans sẽ đoạt giải vô địch đàn ông cũng như đàn bà. Mọi người rất ngạc nhiên khi Giacomo Leone, 25 tuổi, một người cảnh sát Ý, thắng trận Marathon thứ 27 với 2 giờ 9 phút 54 giây. Phần thưởng là $30,000 và 1 chiếc xe Toyota mới. Anuta Catuna, 28 tuổi, thắng phía đàn bà với 2 giờ 28 phút 18 giây. Chậm hơn kỷ lục năm 1994, 2 giờ 27 phút 38 giây và 1995, 2 giờ 28 phút, 6 giây. Cả hai kỷ lục đó đều do Tegla Loroupe, người Kenya, đoạt trong hai năm liên tiếp. Ai cũng tưởng Loroupe sẽ thắng nhưng vì Loroupe bị chóng mặt và đau chân nửa chừng nên không chạy mau được. Điều đáng khích lệ là Loroupe dù bị chóng mặt và đau chân vẫn tiếp tục chạy cho đến đích. Khi vừa đến đích người ta phải đem cô ta vào cho bác sĩ khám nghiệm. Hỏi tại sao không bỏ cuộc, Loroupe trả lời: “Tôi không quen bỏ cuộc.” Loroupe, 23 tuổi, đã thắng giải vô địch của New York Marathon 2 lần, 1994 và 1995. Năm 1994, lần đầu tiên thắng giải, Loroupe được dân Kenya đón tiếp như một nữ anh hùng. Họ cũng tổ chức một cuộc diễn hành như ticker-tape parade cho các đội banh thắng trận ở New York. Ngoài ra cô còn được chính phủ thưởng cho 9 con bò và 16 con cừu. Nhưng phần thưởng làm cô hãnh diện nhất là chiếc lông đà điểu, một vinh dự mà thường thường chỉ dành riêng cho đàn ông khi mang chiến thắng trở về. Người Kenya cũng như hầu hết các giống dân Phi Châu khác, vẫn còn trọng đàn ông hơn đàn bà nhiều. Đàn ông dễ được cử đi dự những cuộc tranh đua này hơn là đàn bà.
Central Park đầy cả người, đầy cả lá vàng lá đỏ. Ai cũng hân hoan đón các người chạy xong 26.2 dậm Marathon. Có người mệt thừ ra, có người xem như vẫn còn sức.
Cách đây ba tuần tụi này vừa tham dự buổi đi bộ “walk-a-thon” 5 dậm, bắt đầu từ Central Park vòng lên đường 119 qua Riverside và về lại Central Park. Buổi Walk-a-thon này cũng có hàng ngàn người tham dự, mục đích là để quyên tiền giúp American Cancer Society. Người ta chạy cả 26.2 dặm mà chỉ mất có hơn 2 tiếng đồng hồ. Mình đi có 5 dậm mà cũng mất chừng đó giờ, về nhà 2 chân mỏi rã rời.
Central Park lúc nào cũng có nhiều sinh hoạt để quần chúng tham gia. Cũng như Nữu Ước lúc nào cũng có những cuộc diễn hành, lớn có nhỏ có. Sau Marathon sẽ có diễn hành ngày Thanksgiving...Năm nay Thanksgiving đến trễ hơn thường lệ. Mọi năm, thứ năm của tuần cuối tháng 11 thường nhằm vào khoảng ngày 22 đến ngày 25. Năm nay mãi đến ngày 28 tháng 11 mới được ăn gà tây.
Trong dịp Thanksgiving dân Nữu Ước không những chỉ có ăn gà tây, hạt dẻ mà còn phải để thì giờ đi xem Macy’s Thanksgiving Parade. Thanksgiving sẽ mất rất nhiều ý nghĩa nếu không xem được parade hoặc trên máy truyền hình như cả 4 triệu dân khác trên toàn quốc, hoặc đến tận nơi, đứng khắp đường trong thành phố, chịu gió chịu lạnh xem cuộc diễn hành tận mắt như 1.5 triệu dân Nữu Ước.
Có thể đi xem người ta sửa soạn cho cuộc diễn hành từ đêm trước, từ lúc 5 giờ chiều đến 11 giờ khuya. Lúc đó người ta bắt đầu bơm khí nhẹ vào những chiếc bong bóng khổng lồ và treo đèn kết hoa vào những chiếc xe sẽ diễn hành. Năm nay trong đoàn xe diễn hành có 7 chiếc xe mới, Alice in Wonderland, Toby, The parade Dog, The World of Wilie Wonla, A United World, Party Time, Disney’s 101 Damatians and Westward. Không những chỉ sửa soạn cho các xe hoa mà thôi, còn phải tập dợt cho đoàn người và ban nhạc đi theo. Xe Disney’s với 101 Dalmatians linh động hết sức, Xung quanh xe đầy cả những người mặc bộ đồ trắng với lốm đốm đen đi lởn vởn giống hệt như các con thú trong truyệ. Phim này hiện đang rất thịnh hành, được xếp hạng nhất trong tuần. Mới cuối tuần này số tiền thu vào đã hơn 4 triệu Mỹ kim. Ngoài ra người ta bơm khí nhẹ vào hàng trăm chiếc bong bóng khổng lồ khác. Những chiếc bóng này sau khi được bơm khí vào sẽ rất nhẹ và bay bổng lên không. Cần cả trăm người, mỗi người cầm một đầu giây khi đi diễn hành mới giữ được. Không phải ai cũng cầm được. Những người cầm giây phải biết vị trí của mình, vì nếu không bong bóng sẽ bị xao động và mất thăng bằng. Năm nào người ta cũng phải thãi ra một số bong bóng đã cũ và thay vào một vài bong bóng mới. Năm nay đem vào 4 bong bóng mới. Rocky và Bullwinkle, dài 68 feet, rộng 35 feet, chứa 18,907 cubic feet khí nhẹ. Flying Fish dài 30 feet voi71 2,500 cubic feet khí nhẹ, Harold the Fisherman cao 32 feet và chiếc bong bóng mà trẻ con thích nhất năm nay là Peter Rabit dài 60 feet, rộng 22 feet chứa 12,128 cubic feet khí nhẹ. Sau vài tiếng đồng hồ sửa soạn mình sẽ thấy những bong bóng đủ màu đủ sắc, hình dạng giống đúc như những nhân vật trong các truyện nhi đồng hay trong các phim hoạt họa của Disney. Những chiếc bong bóng với những hình thù quen thuộc như Spiderman dài 78 feet, rộng 36 feet. Barney cao 58 feet rộng 36 feet với 11,000 cubic feet khí nhẹ. The Cat in the hat vơí chiếc mũ cao 1.8 feet, thân con mèo cao 58 rộng 40 feet với 12,128 cubic feet khí nhẹ. Cái bong bóng mập nhất là Garfield, bắt đầu bay từ năm 1985 dài 61 feet, rộng 35 feet, chứa 18,907 cubic feet khí nhẹ.
Thanksgiving parade bắt đầu từ năm 1927. Cuộc diễn hành đầu tiên, 70 năm về trước chỉ có 3 chiếc bong bóng lớn là Felix the Cat, một con rồng, một con voi và một vài bong bóng nhỏ. Đến ngày diễn hành, các bong bóng được thả lên trời, cột theo địa chỉ của Macy, và tiền bưu phí, hễ có ai nhận dược thì xin gửi trả lại cho Macy, nhưng phần lớn các bong bóng bay cao và bể trên trời. Năm 1934 bắt đầu có bong bóng hình Mickey Mouse. Trong suốt cả 70 năm từ khi có diễn hành ngày Thanhksgiving, chỉ có 3 năm là không làm được vì lý do chiến tranh. Năm 1942, 1943 và 1944. Năm 1958 lần đầ tiên ban vũ The Rockettes của Radio City Music Hall xuất hiện trong cuộc diễn hành bằng cách đi theo các xe hoa trình diễn màn nhảy với áo quần hở hang trong gió lạnh buốt của tháng 11. Từ đó thành một thông lệ, diễn hành năm nào cũng có The Rockettes nhảy theo.
Không gì thích bằng nhìn những khuôn mặt, những nụ cười trẻ thơ bên đường la hét vui đùa, những em bé mặc áo quần ấm áp, má ửng hồng thích thú khi nhận ra những tài tử nổi tiếng trong các chương trình truyền hình, những nhân vật trong phim truyện bay nhởn nhơ trên bầu trời. Betty Bops với khuôn mặt bầu bỉnh. Pink Panther với cái đuôi dài 66 feet. Ở đằng xa hiện đến, Clifford the Big Red Dog daì 30 feet như hệt trong truyện. Cuộc diễn hành kéo dài trong hai tiếng đồng hồ, nhưng những kỹ niệm trong đầu trẻ thơ sẽ được nhớ suốt đời. Những chiếc bong bóng, những loạt xe hoa, các ban nhạc, những tài tử quen thuộc ngồi trên xe hoa chạy quanh thành phố từ đường 77 xuống đến đường 34 trước mặt nhà hàng Macy.
Cuộc diễn hành này lớn nhất trong các cuộc diễn hành tại Nữu Ước. Với hơn 4,000 nhân viên của Macy tình nguyện đi diễn hành. Năm nay người ta dự đoán có 1.5 triệu người đứng hai bên hè phố đón xem hằng trăm chiếc bóng khổng lồ hàng ngàn người đi diễn hành ngang qua. Có cả thảy 13 giàn nhạc đi theo. 12 giàn nhạc là đại diện đến từ 12 tiểu bang. Một ban nhạc từ Anh quốc qua tham dự. Người điều khiển ban nhạc quyên được 2,000 Mỹ kim để đem ban nhạc qua Nữu Ước bằng cách cạo trọc đầu trước công chúng.
Chị thấy không, Nữu Ước thành phố lớn, thành phố xô bồ nhưng cũng là thành phố luôn luôn gắng giữ những truyền thống cũ. Giữ cho được một cuộc diễn hành vĩ đại như thế này trong 70 năm, qua bao nhiêu biến cố lịch sử cũng không phải là dễ. Giữ được những nụ cười, những tia mắt thích thú, những kỷ niệm đẹp trong đám trẻ con lớn lên cũng là một cố gắng vô cùng.
Sau ngày lễ “Tạ ơn” dân Nữu Ước cũng như du khách bắt đầu đi mua sắm cho ngày lễ lớn nhất trong năm, Lễ Giáng Sinh. Ngày thứ sáu cuối tháng 11 được gọi là “Black Friday”, nghĩa là ngày không cửa tiệm nào bị lỗ, ngày nhiều người đi mua sắm nhất trong năm. Gọi ngày đó là black vì theo kiểu kế toán cũ (khi chưa có máy điện toán), khi buôn bán không bị lỗ thì cứ viết vào sổ như thường nghĩa là bằng mực đen, nếu lỗ là phải ghi vào bằng mực đỏ. Có những cửa tiệm bán một ngày thứ sáu đó bằng tiền thu vào cả tháng.
Theo truyền thống ở đây, phần lớn đại gia đình tụ họp, gặp nhau vào ngày lễ Tạ Ơn. Khi đó họ hỏi nhau, đón ý nhau để biết ai thích thứ gì vào dịp Giáng Sinh. Ngày thứ sáu ngay sau ngày lễ Tạ ơn thường thường các công sở cho nghỉ bắc cầu, nhờ vậy các gia đình bắt đầu đi sắm sửa quà cho nhau vào dịp cuối tuần đó.
Các tiệm lớn tiệm nhỏ, đâu đâu cũng có dấu “SALE”, bán hạ giá. Các cửa hàng lúc nào cũng có lý do để SALE, hạ giá sau ngày lễ Tạ Ơn, hạ giá trước ngày lễ Tạ Ơn, hạ giá trước Christmas, sau Christmas... Riết rồi không biết khi nào họ bán giá thường và ai là người trả giá chính thức?
Nhưng dân Nữu Ước chỉ thật sự bắt đầu sửa soạn mừng lễ Giáng Sinh vào ngày thứ ba đầu tháng 12. Đã 64 năm nay, mỗi năm vào dịp này trung tâm Rockefeller làm lễ thắp sáng cây Giáng Sinh “Christmas Tree Lighting” cho thành phố. Con nít người lớn, ai cũng náo nức chờ đợi, chờ đợi từ ngày ban tổ chức bắt đầu chọn cây, cho đến ngày treo đèn kết hoa cho cây.
Hội đồng thành phố có một tập hồ sơ giày cộm trong đó có đầy đủ kích thước của các cây thông hội đủ điều kiện để được chọn đem về làm cây Giáng sinh cho thành phố. Để được làm cây của thành phố cũng không phải dễ. Phải hội đủ ít nhất là ba điều kiện sau đây: Thứ nhất cây thông phải cao trên 80 foot, phải sống trên đất Nữu Ước, và phải có hình dáng đẹp và mạnh.
Cây thông năm nay rất đặc biệt. Ban tổ chức đã để ý đến cây này từ cả mười năm nay nhưng bà Ann Dilger ở Arkmonk, Westchester (nơi trụ sở chính của hãng IBM) chưa chịu cho đốn vì nhiều lý do tình cảm riêng. Mãi đến năm nay bà mới chịu cống hiến cho thành phố, cho cả trăm ngàn người được nhìn ngắm tận mắt hay ở xa thì xem qua máy truyền hình.
Từ giữa tháng mười, người ta đã bắt đầu đến sửa soạn cho cây trước khi chặt. Người ta vén khéo các cành cây, dọn dẹp xung quanh gốc cây để đốn không bị nguy hiểm. Cây thông năm nay cao 90 foot, giống thông Norway, đã được đốn đưa về trung tâm từ ngày 13 tháng 11 để cho cả trăm nhân công sửa soạn dựng lên, trang hoàng để chờ ngày thắp đèn. Người ta phải canh giữ rất cẩn thận vì năm 1994 có hai người uống rượu say đến định đốt cây ngay tại trung tâm Rockerfeller. Xung quanh cây không những chỉ để đèn sáng đặc biệt để quay phim mà còn để những đèn báo động lỡ khi có người đến phá.
Ngày 3 tháng 12 vừa rồi, Joe Torre, giám đốc của đội banh Yankees được hân hạnh bật đèn, thắp sáng 26,000 bóng đèn lấp lánh trên cây Giáng sinh, đưa dân Nữu Ước vào mùa lễ huy hoàng nhất trong năm. Cả mấy chục ngàn người đứng quanh trung tâm từ sáng sớm chỉ đề chờ xem cây chính thức lên đèn. Mắt người đàn ông đứng trên bực thềm bật sáng, quay qua nói với một người không quen đứng bên cạnh “Đẹp quá sức tưởng tượng. Không hiểu sao cái ánh sáng này có thể làm tôi lên tinh thần đến như thế này. Tôi có cảm tưởng như mình sống lại, quên hết lo lắng...” Mọi người hò hét vui vẻ. Mấy đứa nhỏ chỉ chỏ, tụi con nít la lối: “Cây sáng lên rồi, cây sáng lên rồi.” Ngôi sao trên đỉnh cây sáng rực trên bầu trời, những ngọn đèn trang hoàn trên cây lấp lánh như hàng ngàn vì tinh tú đang nhảy múa. Rồi nhạc Giáng Sinh vang lên, những bài hát quen thuộc đưa mình vào ngay không khí hội hè, làm tâm hồn mọi người phơi phới chia vui với đám người vui thú chơi trượt băng.
Năm nay, lần đầu tiên đài NBC chiếu toàn bộ buổi lễ, không những chỉ 30 phút mà kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đài NBC còn dùng một màn ảnh vĩ đại phía dựng ở phía Đông của cao ốc General Electric để những người đứng ở xa dù không xem được cây thật cũng xem được mọi hoạt động diễn tến ở khu Rockefeller.
Cây Giáng Sinh sẽ nằm ở trung tâm Rockefeller cho đến ngày 2 tháng 1 của năm mới.
Khác với Thanksgiving Parade, nếu không đi xem ngày diễn hành hoặc không xem truyền hình được ngay ngày hôm đó thì không thấy lại được những cảnh trình diễn sống động. Với cây Giáng sinh, nếu mình không tiện đi xem được ngày thắp sáng cây Giáng Sinh mình cũng có thể đến trung tâm Rockerfeller xem cây Giáng sinh lúc đã treo đèn kết hoa bất cứ ngày nào cho đến khi họ dẹp đi. Chỉ thiếu cái cảm giác náo nức của ngày đầu tiên, khi cây được thắp sáng.
Trung tâm Rockefeller mùa nào cũng đông, đến mùa này lại càng đông hơn vì ai đến thăm Nữu Ước mùa Giáng Sinh cũng đến nhìn cây Giáng Sinh tận mắt. Từ bây giờ đến đầu năm Dương Lịch trung tâm sẽ đông nghẹt cả người. Mọi năm dự trù có hơn một triệu du khách đến thăm Nữu Ước mùa Giáng Sinh. Họ đến để mua sắm, để thăm bạn bè, để đi ăn đi xem ca vũ nhạc kịch, hay họ đến chỉ đi dạo phố, lấy năng lượng, và vui lây nguồn vui của người khác.
Về phần cây Giáng Sinh thì sau khi đã làm xong sứ mệnh của mình sẽ được đưa qua cho đoàn hướng đạo để họ biến các cành cây thành gỗ vụn lấp vào những công viên trong tiểu bang, các cành lớn và thân cây làm thành những thanh gỗ dài cho ngựa nhảy ngang. Những bóng đèn, đồ trang hoàng, ngôi sao trên đầu cây lại được bỏ vào hộp, cất đi cất lại hơn 60 năm nay để đến mùa Giáng Sinh năm sau lại đem ra dùng.
Cây Giáng Sinh đã thắp sáng, thành phố đã lên đèn, ra chiếc xe bán dạo ngửi mùi khói cay cay, cầm mấy hạt dẻ ấm trong tay; chỉ cần một chút tuyết nhẹ bay, một giọng nói quen thân, thần tiên đã ở trong tay mình rồi.. Đèn khắp thành phố sáng trưng. Năm nay du khách đổ xô về Nữu Ước nhiều hơn mọi năm khác. Chị đến đây vào dịp lễ Giáng Sinh không thể nào thuê được một phòng khách sạn ở ngay trong Manhattan. Có nhiều người muốn đến thăm Nữu Ước khoảng này phải ghi chỗ từ cả năm trước. Cũng có người đã quen biết Nữu Ước rồi, họ không cần ở khách sạn ngay trong thành phố, họ ở các quận lân cận hoặc ngoại ô, vừa rẻ hơn vừa ít đông đúc ồn ào. Nhưng đối với nhiều du khách, cái quyến rũ của Nữu Ước là cái tấp nập ồn ào đó. Đến Nữu Ước không cần đi đâu xa, chỉ cần ở ngay trong lòng thành phố là thấy thích rồi. Đâu có dễ tìm được một thành phố nào trên thế giới mà người ta ào ào ra đường, đi bộ dọc theo những đại lộ đèn đuốc tưng bừng, có tiền thì mua sắm, không có tiền thì ngắm cảnh vui chơi Có nhiều du khách nói họ đến Nữu Ước chỉ để thấy cảnh đàn ông đàn bà, người dạo phố ăn mặc chỉnh tề, nhất là đàn ông với những áo choàng dài, đậm màu, đàn bà với áo lông, áo da đi dạo trong cái không khí vừa lạnh đủ để mình cảm thấy cái thú vị của mùa lễ Giáng Sinh. Ai cũng xách đầy tay, ai cũng thích chen lấn, cũng mong được chia sẻ niềm vui với mọi người.
Ở trung tâm Rockerfeller, du khách đến xem cây Giáng Sinh của thành phố, chỉ chỏ trầm trồ các thiên thần và đèn đuốc xung quanh các loi đi. Họ đứng chen chúc nhau để làm sao nhìn cho được Kate Couric hoặc Bryant Gumbels của chương trình “Today” qua các cửa kính đài truyền hình NBC. Người ta đến Nữu Ước để xem màn ca vũ nhạc kịch mới nhất “Chicago” nhưng thất vọng vì vé đã bán hết nguyên cả tháng 12 từ lâu. Ở đâu cũng thấy người ta xếp hàng, đi xem nhà chọc trời Empire State Building hay Twin Towers, đi xem nhà hát thành phố Radio City Music Hall thậm chí đi ăn ở Hard Rock Cafe hoặc Planet Hollywood cũng phải đứng nối đuôi nhau. Đây là Nữu Ước hay Disney Word?
Chắc là cả hai. Có điều là ở Nữu Ước mình không tốn tiền vào cửa, những chương trình những nhà hàng mình nhìn thấy đều có thật trong một thế giới thật chứ không giả tưởng và thần tiên như Disney.
Người ta nối đuôi nhau đi xem những tủ kính trang hoàng cho mùa giáng sinh của các tiệm lớn. Mỗi tiệm lớn đều có một đề tài trang hoàng cho mùa Giáng Sinh riêng. Không có giám khảo, không ai tặng phần thưởng nhưng các cửa tiệm đều cố gắng làm cho tiệm của họ đặc biệt hơn các tiệm khác. Năm nay Bergdorf Goodman cho cô bé lọ lem chùi sàn mặc áo quần tân kỳ của John Gallino cùng với mấy bà chị ghẻ mặc áo dạ hội màu đen của Thierry Mugler. Người mẫu trong tủ kính của Saks Fifth Ave., mặc y phục kiểu thời 1968, xung quanh trang hoàng theo thế giới ngoài không gian. Lord & Taylor chú trọng về con nít hơn, cả khung cửa sổ đầy những hình ảnh trong giấc mơ của trẻ con. Nào là Raggedy Ann và Andy, tóc đỏ, áo quần sọc, môi đỏ choét. Bên cạnh gia đình những con gấu khổng lồ, từ gấu con, gấu mẹ gấu cha, gấu bà... Đề tài năm nay của tiệm Macy là cảnh sắm sửa cho lễ Giáng Sinh thời đầu thế kỷ... Nhưng lạ nhất năm nay là khung cửa Barneys với ông già râu, đeo kính cận thị; Sigmund Freud. Khách hàng nào không hiểu được mình, không hiểu được người nữa thì có thể vào đó đặt những câu hỏi cho nhà tâm lý học danh tiếng phân tích cho trước khi đi mua sắm. Xã hội bận rộn vội vã này rồi cũng đến lúc trở thành như vậy. Đem tình cảm mình ra cho người ta phân tích, Đem tâm hồn mình cho những chuyên gia đánh giá! Đến một lúc không ai tự thấy, không ai tự hiểu được những ao ước thầm kín, những niềm vui nhỏ nhặt của mình nữa.
Người ta nối đuôi nhau vào Tiffany, không biết để mua hột xoàn hay chỉ để ngắm nhìn. Các tiệm FAO Shwarzt, Warner Bros. đầy nghẹt cả người, ai đi ra cũng tay xách nách mang. Nghĩ đến những đứa trẻ con trong một vài ngày nữa, mở những gói quà, la hét, mừng rỡ... những niềm vui thần thoại mỗi năm chỉ đến có một lần.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng năm nay có nhiều du khách hơn mọi năm vì so với các ngoại tệ khác, đồng Mỹ kim đang hạ giá. Nghĩa là người Nhật, người Pháp đem tiền của họ qua đây mua được nhiều hàng hóa hơn là xài trong xứ họ. Đối với người ngoại quốc Nữu Ước vẫn còn rẻ hơn ở các thành phố lớn khác. Ngoài ra dạo này, các chương trình truyền hình như “Friend”, “Steinfeld” cũng như báo chí trong và ngoài nước hay viết và tả cho công chúng thấy là Nữu Ước không nguy hiểm như mọi người tưởng. Trên thực tế tỉ số tội phạm ở đây đã giảm đi nhiều, vả lại một thành phố với dân số trên mười triệu người, bằng dân số của nhiều nước nhỏ trên thế giới, thế nào cũng có những chuyện tranh chấp xảy ra.
Đối với dân địa phương, phần nhiều ai cũng biết mùa Giáng sinh thành phố sẽ ồn ào náo nhiệt nên không ai phàn nàn. Họ biết là đường xá sẽ đông đúc hơn, mỗi năm vào mùa này, ngoài số xe hơi thường ngày đã làm đông nghẹt thành phố, còn có hơn 80 ngàn chiếc xe chạy vào Manhattan chỉ để đi mua sắm và xem cảnh mấy ngày trước và sau lễ Giáng Sinh. Thành phố bận đến nỗi các nhà tổ chức du lịch không cần quảng cáo gì trong tháng 12 nữa. Họ dùng thì giờ và ngân khoản để hoạch định các chương trình cho tháng giêng vì tháng giêng không có lễ lạc gì, thành phố lạnh hơn, tuyết bắt đầu xuống nhiều và dân chúng bắt đầu buồn chán.
“Nhiều khi cũng mệt với những câu hỏi ngớ ngẩn của du khách, ông bán báo ở nhà ga Grand Central Terminal nói, nhưng riết rồi quen đi.” “Họ hỏi từ đây có đi bộ xuống Ngân Hàng dự trữ liêng bang, Phố Tàu hoặc xuống tượng Nữ Thần Tự Do được không?” Từ nhà ga Grand Central? Được, nhưng phải mất hơn cả tiếng đồng hồ. Nữu Ước là một thành phố có thể đi bộ đến rất nhiều nơi, tùy theo chân mình có đủ gân cốt không, tùy theo thời tiết bên ngoài có “hiệp lực” với mình không và nhất là liệu mình có đủ thì giờ không? Thành phố chia ra thành nhiều vùng, từ vùng này đến vùng kia đều có giao thông công cộng rất dễ dùng. Muốn khỏi tốn nhiều thì giờ di chuyển và đỡ phí sức thì nên đi taxi hoặc xe buýt.
Dù sao đi nữa, không thành phố nào qua mặt được Nữu Ước trong mùa Giáng Sinh. Ở đây muôn màu muôn sắc. Ở đây thành phố lúc nào cũng sống động. Ở đây là một kịch trường vĩ đại mà trong đó ai cũng hăng hái đóng một vai trò đặc sắc. Đối với du khách và những người khá giả khác, mùa Giáng Sinh của Nữu Ước là mùa để đi dạo phố, xem trình diễn, đi dạ hội...Người ta đi vội vã, rộn ràng từ nhà hàng lớn này qua nhà hàng khác, từ những tiệm ăn sang trọng này qua những tiệm ăn thật đặc biệt khác. Người ta tấp nập đi ra đi vào những khách sạn cực kỳ lộng lẫy đến những biệt thự tân kỳ. Một số người giàu sang, có thể chạy limousine dọc theo các khu phố chính, muốn mua sắm gì thì tài xế thả họ xuống rồi lại đến đón đi. họ không phải chen lấn, không phải khó chịu vì nạn kẹt xe. Phần lớn du khách đến đây ai cũng muốn thả bộ dọc theo hè phố để ngắm người, ngắm cảnh.
Đối với dân Nữu Ước, đi dọc theo đại lộ số 5 để đến Saks Fifth Ave., là đi ngang qua ông già ngồi xe lăn cầm ly xin tiền; hoặc đi ngang qua ông già ngồi bên lề với con chó đen dẫn đường. Họ ngồi đó, yên lặng chờ những người đi qua đi lại cho tiền lẻ. Giáng sinh ở Nữu Ước sẽ như thiếu một điều gì nếu không nghe được tiếng lẻng kẻng của những người làm việc cho đội cứu trợ Salvation Army. Họ đứng ở trung tâm Rockefeller bên cạnh những chiếc xe bán hạt dẻ, bán bánh mặn (pretzels) rung chuông suốt ngày, chỉ mong du khách bỏ tiền lẻ vào đầy những chiếc ấm đỏ.
Mùi hạt dẻ, mùi pretzels, chỉ là một phần nhỏ của hương vị mùa Giáng sinh. Quanh khắp thành phố, những cây trụi lá bỗng nhiên nở những hoa đèn, vàng co, trắng có, sáng chói. Những vòng lá thông xanh rờn mang nơ đỏ treo đầy các cánh cửa. Người ta đi từ cửa tiệm này qua cửa tiệm khác, vội vã mua sắm cho ngày lễ. Lòng ai cũng mở rộng, ly xin tiền của ông già đầy mau hơn, những chiếc ấm đỏ của đội cứu trợ kêu lẻng kẻng rộn ràng hơn. Có những người đàn bà ăn mặc thật tầm thường, tay cầm một nắm tiền lẻ, chen lấn đám đông, chỉ để đóng góp vào những chiếc ấm đỏ. Không biết phải đầy bao nhiêu chiếc ấm đỏ mới đủ chia cho những người nghèo khó. Những người làm cho đội cứu trợ phần lớn là những người tình nguyện. Họ đứng trước các nhà hàng lớn từ sáng. Họ chúc mọi người “Merry Christmas,” họ cười luôn miệng, họ cám ơn nhiệt thành những người đã cứu giúp. Họ đứng rung chuông cho đến khi tay lạnh, môi run, không còn nói được nhiều nữa. Đã hơn 100 năm nay, những người tình nguyện này làm việc cho chương trình cứu trợ Salvation Army khởi đầu từ năm 1865. Ai ai cũng nhiệt tình muốn đem công mình ra chia xẻ.
Từ các xa lộ lớn dẫn vào thành phố, góc đường nào cũng đầy những người bán dạo. Người bán hoa, người bán báo, có người đứng ngay giữa đường đợi khi đèn đỏ để chùi xe cho người lái qua. Các mùa khác nhiều khi không ai chú ý, hay có thấy họ cũng lên kính xe rồi bỏ đi, giả bộ làm ngơ. Đến mùa lễ lại khác, mọi người dễ dãi rộng lượng, ai cũng muốn chia xẻ. Cả thế giới bên ngoài gần như đổi khác. Những người lái xe, dù đã qua lại đây bao nhiêu lần cũng cảm thấy như mình mới thấy mấy người bán dạo lần đầu tiên. Trước đây, có lẽ mỗi lần đi ngang họ bận bịu với đời sống với ý nghĩ riêng nên không hề để ý, bây giờ thấy gì họ cũng mua, cũng cho. Ngay cả các ông cảnh sát cũng không đuổi những người bán dạo đi chỗ khác.
Đối với những người làm nghề bán dạo, mùa này là mùa tốt nhất trong năm. Dù trời có lạnh hơn, dù đứng giữa đường xe cộ qua lại có nguy hiểm hơn, họ cũng thấy phấn khởi hơn các mùa khác, vì những người lái xe ngang ai cũng tươi cười vui vẻ. Những người bán dạo ở đây không phải là ăn xin, họ cố gắng làm việc, họ cố gắng đánh đổi công sức của mình để lấy tiền, họ can đảm sống trong danh dự; trong sự cần mẫn của họ. Họ chỉ cần hảo tâm của mình. Một bó hoa, một tờ báo, một hộp lọc không khí trong phòng (air freshener), người ta trả họ 50 xu, 1 đồng, người ta để họ chùi cửa kính xe, cho họ 25 xu; 50 xu rồi cảm ơn, rồi chúc tụng nhau. Nhiều người bán dạo trông già vì giang nắng dầm mưa, cũng có những cô gái trẻ hơn. Họ cảm động khi nghe được tiếng cảm ơn của người lái xe và đưa tay nhận 50 xu. Cảm động vì có người chú ý đến mình, đối đãi đàng hoàng với mình. Những bàn tay xương xẩu, khô cằn và tím bầm vì lạnh., những khuôn mặt cằn cỗi nhưng chưa già nua sáng hẳn lên một phần vì ánh đèn một phần vì được chia xẻ. Đèn xa lộ đổi màu xanh. Loạt xe trước chạy đi. Những người bán đạo bước lui chờ đợi. Vài phút sau đèn lại đỏ, một loạt xe khác đứng lại, người ta đổ xô ra, buôn bán, chúc tụng. Những khuôn mặt khốn khổ lại thêm một lần sáng ra, lại thêm một lần hy vọng.
Ước gì ngày nào trong năm cũng là ngày lễ, mùa nào trong năm cũng là mùa lễ. Những khuôn mặt, những tâm hồn khốn khổ sẽ tươi vui hơn biết bao. Chị có biết trong ba tháng mùa Đông lạnh ngắt, ở Nữu Ước thiên hạ làm gì, và chỗ nào trong thành phố bận rộn nhất không?
Người ta đi xem ca vũ nhạc kịch ở Broadway, đi xem triển lãm ở các bảo tàng viện, hoặc đi xem những chương trình đặc biệt trình diễn tại nhà hát thành phố (Radio City Music Hall) hay ở Madison Square Garden.
Madison Square Garden thì lúc nào cũng bận rộn. Đây là một trong những hội trường thể thao lớn nhất thế giới. Dân chúng nườm nượp đến đây xem bóng chuyền, bóng rổ, ice hockey, tennis... Ngoài ra, Madison Square Garden còn là nơi gánh xiếc Ringling Brothers về mỗi năm với những màn trình diễn đặc sắc, với những con cọp, những đoàn voi, những con thú tinh khôn đã được những người hát xiệc dạy dỗ để làm trò cho hàng ngàn khán giả đến xem.
Năm nay Madison Square Garden được chọn làm nơi tổ chức phát giải Grammy lần thứ 39. Đây là lần đầu tiên Madison Square Garden được hân hạnh đón tiếp toàn thể giới ca nhạc sĩ.
Cũng như giải Nobel đối với các nhà khoa học và học giả, giải Oscar cho các tài tử điện ảnh và người làm phim, giải Grammy là một giải thưởng rất quan trọng trong giới ca nhạc sĩ và giới làm đĩa nhạc. Giải Grammy bắt đầu năm 1958 trên các đài truyền thanh. Năm 1971, lần đầu tiên Grammy được lên đài truyền hình. Hồi đó ban tổ chức phải đi năn nỉ người ta vào xem cho đầy rạp hát. Vào khoảng 1985, 1987 số người đi xem đã lên đến hơn 10,000 người. Trong lúc đó, Shrine Auditorium ở Los Angeles chỉ chứa được 5,500 người. Gần hai năm trước đây, ban tổ chức giải Grammy đề nghị nên làm tại Madison Square Garden vì hội trường này có thể chứa đến 12,000 người.
Dân Nữu Ước có thích được đứng ra tổ chức buổi Grammy này không? Chắc chắn là phải thích thú lắm. Bởi vì muốn tổ chức giải Grammy ở Madison Square Garden vào tháng hai, Nữu Ước phải gửi đội bóng rổ đi đánh ở sân người. Đó là một sự hy sinh rất lớn. Phải thích được tổ chức lắm Nữu Ước mới chịu ngưng đường tàu điện ngầm một đêm. Vì ngưng đường tàu điện ngầm là một việc rất ít khi Nữu Ước chịu làm. Ngưng một vài đường tàu trong một buổi tối cũng như cắt một mạch máu nhỏ. Sẽ gây ra rất nhiều bất tiện cho dân chúng. Nữu Ước thích được đứng ra tổ chức ngày Grammy đến nỗi có một hãng lớn ở đây, ngoài 10 triệu Mỹ kim trả tiền quảng cáo còn phải quyên thêm cho được 1.5 triệu Mỹ kim để giúp hội đồng Grammy bù vào chi phí. Ban tổ chức buổi Grammy tuyên bố là tổ chức tại Nữu Ước tốn nhiều tiền hơn là tổ chức ở Los Angeles nhiều, vì vậy họ xin hổ trợ thêm 1.5 Mỹ kim.
Nữu Ước cũng sẵn sàng hổ trợ. Nữu Ước hăm hở lắm. Nữu Ước muốn mình không những chỉ là trung tâm văn hóa, tài chánh, mà còn là trung tâm của văn nghệ, và kịch nhạc nữa. Người Nữu Ước thì cứ lo lắng không biết đi đấu ở sân người như vậy đội Knicks có thắng đủ điểm để vào trận chung kết hay không? Grammy có thật đáng để đánh đổi cho sự xáo trộn chương trình của đội Knicks, đội Rangers? Grammy's có đáng cho Nữu Ước hy sinh hay không? Ai cũng lo, nhưng ai cũng muốn thử. Bởi vậy gần như cả thành phố sửa soạn cho Grammy's. Không thử một lần thì không sao biết được mình có làm nổi hay không?
Đối với Madison Square Garden, đây là buổi trình diễn lớn nhất từ xưa đến nay. Còn lớn hơn cả ngày đại hội của đảng dân chủ cách đây bốn năm. Ban tổ chức giải Grammy cần 14 ngày để sửa soạn sân khấu và rạp hát, trong lúc những buổi hòa nhạc khác tổ chức tại đây chỉ cần 2 hoặc 3 ngày là cùng.
Trên trần của hội trường treo lủng lẳng 185,000 cân nhạc cụ và những đồ trang bị cần thiết, gấp hai ba lần những buổi trình diễn khác. Có tất cả 24 chiếc xe vận tải chở đèn đuốc, nhạc cụ v.v... trong lúc những lần tổ chức khác chỉ có 10 chiếc xe vận tải là nhiều. Người ta xây một thành phố nhỏ trong hội trường. Người ta thay những ghế nhựa thường để ngồi xem bóng rổ, bóng chuyền bằng những chiếc ghế nhung êm hơn. Người ta sửa sao cho ánh đèn chiếu xuống quan khách êm dịu hơn. Trang hoàng sao cho chung quanh rạp hát ấm cúng hơn để khán giả có cảm tưởng là mình ngồi trong rạp hát chứ không phải trong một sân chơi thể thao.
Sau buổi trình diễn, thành phố đóng cửa một đoạn đường tàu điện ngầm, trang hoàng một chiếc tàu đặc biệt để chở khách quý từ Madison Square Garden đến khách sạn Sherraton dự buổi dạ hội. Chỉ có Nữu Ước mới làm được. Chỉ có Nữu Ước mới chịu chơi như vậy. Có thành phố nào có thể tổ chức để cho cả ngàn khách đi dự tiệc khỏi phải chen lấn, khỏi phải lo tìm chỗ đậu xe, khỏi phải đi ra ngoài gió lạnh? Khách chỉ cần bước xuống tàu là đến khách sạn trong vòng 10 phút. Đúng là Nữu Ước tìm mọi cách để dụ giới cầm ca.
Đêm Grammy rất thành công.
Eric Clapton được giải nhất với bản “Change the World”, “Nếu tôi có thể làm cho thế giới đổi thay, tôi sẽ thay đổi cho em.” Giọng Eric Clapton ấm và tha thiết hơn, không còn buồn nhiều như mấy năm trước đây khi mới mất đứa con trai nhỏ trong bài hát “Tears in Heaven”.
LeAnn Kimes được giải nhất về country music với bản “blue”. Mới 14 tuổi, LeAnn mặc áo xanh cho đúng với nhan đề bài hát. Cầm phần thưởng trong tay,cô vừa cám ơn vừa khóc. “Tôi rất hãnh diện đã nhận được phần thưởng...”
Thật ra, tối nay những người “đoạt giải” không những chỉ là những người lên sân khấu cám ơn, mà còn là những nhạc sĩ, ca sĩ trình diễn trước công chúng. Theo kinh nghiệm của những năm trước đây, sau ngày phát giải Grammy, số bán dĩa của những ca sĩ đoạt giải tăng lên 26% trong lúc đó số bán dĩa của những ca sĩ, nhạc sĩ trình diễn trong chương trình đêm Grammy tăng lên từ 24 cho đến 30%.
Nữu Ước đã hãnh diện được tổ chức giải Grammy's tại Madison Square Garden. Madison Square Garden có tự tin là đã thâu thập được nhiều kinh nghiệm có thể đứng ra tổ chức nhiều buổi hòa nhạc khác trong tương lai.
Chị có tưởng tượng được một tỉ rưỡi người trong 170 nước trên thế giới xem buổi trao giải thưởng này. 11,000 nhạc sĩ, ca sĩ, chuyên gia thu nhạc v.v. đã tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào buổi trình diễn này. Nữu Ước được giới âm nhạc công nhận là muốn làm thì được.
Chờ xem sang năm Grammy sẽ được tổ chức ở đâu? Hôm nay là ngày St. Patrick. Ngày 17 tháng 3. Ở Nữu Ước nhất là ở miền Đông mà không viết về St. Patrick là thiếu sót.
St. Patrick là một trong những ngày lễ trọng đại của miền Đông nước Mỹ, vì dân gốc Ái Nhĩ Lan rất đông. Ở Boston, các trường học và công sở đều đóng cửa. Dân chúng đi diễn hành vinh danh ông Saint Patrick ở khắp mọi nẻo đường. Sáng hôm nay, người Ái Nhĩ Lan nào đi ra đường cũng mặc áo quần có màu xanh lá cây. Người Ai Nhĩ Lan dùng lá cụm ba (hình lá me) lam quốc huy. Trên khắp hè phố, ai cũng mặc áo có màu xanh lá cây, có người đội mũ lá me, có người vẽ hình lá me trên mặt. Phần lớn gắn huy chương hình lá me, hoặc những huy chương màu xanh lá cây có in sẵn: “Kiss me, I'm Irish” (Hôn tôi, tôi là người Ái Nhĩ Lan). Ai cũng tự hào, ai cũng muốn cho các người xung quanh biết mình là người Ái Nhĩ Lan. Không phải là người Ai Nhĩ Lan 100 phần trăm cũng có máu mủ không đời này thì cũng từ các đời trước, có người còn đeo bảng cho biết họ có bao nhiêu phần trăm dòng máu Ai nhĩ Lan trong người. Ai cũng thấy vinh hạnh được mang dòng máu đó trong người.
Tục truyền rằng ông Thánh Patrick sống từ năm 389AD đến năm 461. Có thuyết cho rằng ông sống trên 100 tuổi và là ông Thánh đã đem những con rắn độc ra khỏi xứ Ái Nhĩ Lan. Các học giả tin rằng thánh Patrick bị bắt cóc từ bên Anh đem qua làm nô lệ cho người Ái Nhĩ Lan khi ông mới trên 10 tuổi. Sáu năm sau đó ông tẩu thoát qua Pháp, vào giòng tu và trở về Ái Nhĩ Lan làm giám mục.
Có tất cả 47 tên thánh trong lịch Thiên Chúa Giáo của người Ái Nhĩ Lan, nhưng tên Thánh Patrick là tên phổ thông nhất. Đi qua Dublin hoặc đi về phía Nam của thành phố Boston, ra đường thử gọi tên Patrick, Pat, Patty, Patricia... thế nào cũng có người ngoảnh mặt lại nhìn.
Chỉ là một hòn đảo nhỏ, có 5 triệu dân số thôi, mà Ái Nhĩ Lan có ảnh hưởng văn hóa rất lớn đối với các nước khác trên thế giới. Mới đây giải Nobel văn chương năm 1995 vào tay một thi sĩ Ái Nhĩ Lan, Seamus Heany. Giải thưởng Văn Sách Quốc Gia của Mỹ (National Book Award) cũng được tặng cho người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, James Carroll.
Chính phủ Ái Nhĩ Lan muốn phổ biến văn hóa của mình mà không đủ phương tiện nên rất dễ dãi cho những công ty làm phim ảnh, báo chí v.v...Họ giảm thuế, khuyến khích việc khai thác truyền thống văn hóa, nên các nhà chế tạo dĩa nhạc, các công ty điện ảnh thực hiện được nhiều tác phẩm giá trị. Hiện thời có rất nhiều phim ảnh nổi tiếng về Ái Nhĩ Lan như “Michael Collins”. “Some Mother's Son” hoặc mới nhất là “The Devil's Own” do Harrison Ford và Brad Pitt đóng. Những phim này rất thành công vì có nhiều người Mỹ xuất thân từ Ái Nhĩ Lan muốn tìm hiểu về nguồn gốc của họ. Ai cũng rất hiếu kỳ về gốc rễ của mình. Về ca vũ thì có nhóm “Lord of the Dance”, nhóm “River dance” là danh tiếng. Nhóm “River Dance” vừa được giải Grammy.
Từ ngày được độc lập, tách rời Anh Quốc đến nay đã được 75 năm. Qua nhiều thế kỷ, tiếng mẹ đẻ của người Ái Nhĩ Lan gọi là Gaelic bị dân Anh cấm bây giờ vẫn tồn tại. Nạn đói khoai “Black 47”cách đây 150 năm, nạn đói khốn khổ đã đưa hàng trăm ngàn người Ai Nhĩ Lan di dân qua Mỹ. Nơi tụ tập nhiều dân Ai Nhĩ lan nhất nước Mỹ là tiểu bang Connecticut, New york và New Jersey. Tiếng nói của người Ái Nhĩ Lan bắt đầu được thế giới để ý... Những hạt mầm cấy từ cả thế kỷ nay, bây giờ đến lúc sinh sôi, nẩy nở, bây giờ đã trưởng thành. Những cánh hoa thơm, những trái chín mang giống Ái Nhĩ Lan bước ra, vinh danh xứ họ. Thật không có gì làm cho con người hãnh diện bằng được đi ra đường, được khoe với mọi người mình từ đâu đến. Nơi chôn nhau cắt rún của mình vẫn là thiên đường trên hạ giới.
Các đường phố lớn của Nữu Ước hôm nay đóng cửa từ 9:30 sáng đến 5:30 chiều, từ đại lộ số 5 qua đại lộ Madison qua luôn đại lộ Park từ đường số 44 đến đường số 90. Thành phố đầy nghẹt cả người từ mọi nơi đến để đi diễn hành vinh danh thánh Patrick. Người ta hớn hở reo vui, người ta đeo đầy những huy hiệu xanh rờn. Họ hát nhạc Ái Nhĩ Lan, họ múa điệu Ái Nhĩ Lan, họ vui sướng như điên cuồng. Tối nay, những tiệm rượu, nhất là những tiệm rượu đặc biệt của người Ái Nhĩ lan (Pub) sẽ đông cứng cả người. Họ sẽ uống thâu đêm. Nói đến người Ái Nhĩ Lan là phải nói đến rượu, khoai tây và thịt bò ướp mặn (corn beef).
Dù không phải là người Ái Nhĩ Lan, không xuất thân từ Ái Nhĩ Lan, người Nữu Ước nào cũng có những liên lạc với những gia đình gốc Ai Nhĩ lan, không ít thì nhiều. Cả thành phố hôm nay cùng mở hội liên hoan với nhau, cả thành phố đầy cả màu xanh lá me dù mùa xuân chưa tới.Ở Nữu Ước, rất nhiều thứ được đem ra đấu giá. Chiều thứ sáu, đọc trang rao vặt hay trang cuối tuần, lúc nào cũng đầy cả những chi tiết về đấu giá. Một công ty phá sản đem đấu giá tất cả dụng cụ bàn ghế trong sở. Một tiệm ăn thua lỗ đem bán đấu giá từ nồi niêu chén bát đến khăn ăn. Một gia đình giàu có để gia tài lại, con cháu không biết chia ra sao cho công bình, đem tất cả của cải ra đấu giá... Ngoài những buổi đấu giá lâu lâu mới xảy ra một lần, còn có những công ty luôn luôn đem đấu giá những hàng hóa của họ bán như thảm, tranh, đồ cổ v.v... Những công ty này có trụ sở riêng của họ để có thể tổ chức ở nhiều nơi khác nhau. Nhờ vậy hàng hóa của họ được nhiều người biết đến và cũng nhờ phương thức bán hàng kiểu đấu giá họ có thể bán mau hơn, vì chỉ có những người thật thích mới đến mua.
Những người mua đấu giá thường lại nghĩ là mình mua được giá rẻ. Không khí trong những buổi đấu giá rất căng thẳng. Người ta trả tiền để giành giật nhau! Có những món hàng được nhiều người cùng muốn một lúc. Không ai chịu thua ai, ai cũng muốn mình mua được món đó. Đến khi bắt đầu trả giá, người này lên một tiếng, người kia không nhường lại lên tiếp, vì vậy có khi phải mua mắc hơn giá mình định. Thì cũng chịu thôi. Tự an ủi, vì thích quá, không muốn lỡ cơ hội.
Đi mua đồ đấu giá trở thành một trò tiêu khiển cho một số người. Tùy theo sở thích và nhu cầu, mình có thể chọn đi buổi đấu giá về thứ gì. Trước hết mình phải có thì giờ. Phải có tiền. Phải chịu chơi. Muốn khỏi bị “hố” mình cần phải thông hiểu món hàng mình định mua. Thường thường tùy theo buổi đấu giá lớn hay nhỏ, các món hàng trị giá cao hay thấp, người ta để cho mình được quyền vào xem các món hàng một tuần, một ngày, một buổi hay vài giờ trước khi đấu giá. Có những buổi đấu giá rất lớn như gia tài của Jacqueline Onassis, các tác phẩm của Andy Warhol v.v... ban tổ chức phải in những món hàng đấu giá thành những tập đồ mục, trong đó liệt kê và giới thiệu từng món hàng với những chi tiết đặc thù của nó. Người mua nhiều khi không cần đến dự ngày đấu giá, họ chỉ cần gọi điện thoại thẳng đến ban tổ chức khi bắt đầu đấu. Có những người giàu có và kín đáo hơn, họ gửi đại diện đi đấu và không bao giờ lộ diện.
Khi nói đến cơ sở đấu giá thì phải nói đến Christies và Sotheby, cũng như khi nói đến nước ngọt là phải nói đến Coca Cola và Pepsi. Mỗi cơ sở có một đặc điểm riêng. Không lẫn lộn mà cũng không tách rời được.
Sotheby luôn luôn cho mình là tiền phong vì Sotheby được sáng lập từ năm 1774, trước Christie hai năm. Cả hai hãng đều được thành lập tại Luân Đôn. Năm 1964 Sotheby mở chi nhánh đầu tiên tại Nữu Ước, mãi đến 13 năm sau đó, Christie mới thực sự vào Mỹ. Từ đó hai hãng cạnh tranh sát nút với nhau. Sotheby năm nào cũng bán được nhiều hơn Christies. Duy chỉ có năm ngoái, 1996, tổng số bán của Sotheby tổng cộng 1,599 tỉ Mỹ kim (xuống 5% so với năm 1995 bán được 1.67 tỉ Mỹ kim), trong lúc đó tổng số bán của Christies là 1.602 tỉ Mỹ kim (tăng lên 9% từ 1.47 tỉ trong năm 1995). Lần đầu tiên trong 43 năm, Sotheby đứng sau Christies. Được đà, Christies dự định bành trướng ra các thị trường mới ở các nước Á Châu và ở Paris. Christies sắp mở một chi nhánh ở California. Cả hai hãng đều đang tìm cách xâm nhập vào các thị trường khác ngoài thị trường đồ cổ. Họ nhắm vào những dịch vụ hàng ngày liên quan đến những khách hàng triệu phú, tỉ phú. Họ nhắm phục vụ những khách hàng đó trong mọi việc từ mua bán, sửa sang nhà cửa. Từ trang hoàng cho đến thu dọn, tồn kho v.v...
Sotheby và Christies còn muốn nới rộng thị trường đấu giá bằng cách mở lớp dạy cho những người thích đấu giá để họ học hỏi thêm. Khi biết nhiều hơn về thị trường, về những thứ mình thích, người đi đấu giá sẽ tự tin hơn, sẽ không có cảm tưởng như đang bị đe dọa mỗi lần lên giá hoặc giữ giá. Nhờ vậy họ càng thích tham dự nhiều buổi đấu giá. Ngoài ra còn có nhiều lớp dạy cho những người mắt thường như mình có thể định giá những tác phẩm nghệ thuật, phân biệt những món đồ cổ thuộc thời đại nào, giả hay thật, có đáng với giá tiền mình muốn trả hay không.
Thật ra những món hàng khi đem ra đấu giá là những món hàng rất khó định giá. Vì giá trị tình cảm và lịch sử nhiều đồ dùng dù giản dị, dù bình thường bao nhiêu đi nữa cũng có thể mang lại một món tiền lớn nếu những đồ vật đó đã thuộc quyền sở hữu của một nhân vật, một gia đình danh tiếng. Tháng tám ở Nữu Ước nóng không thua gì Cali hay Saigòn. Chỉ có đỡ là không nóng triền miên như ở những vùng xứ nóng. Rủi ro đến Nữu Ước vào những ngày nóng thì chỉ muốn ngồi trong nhà hay vào những khu phố có máy lạnh thôi. Dân địa phương chịu không nổi, ào ào đi biển đi núi. Cuối tuần xa lộ đầy ngập cả xe ra biển, lên núi. Du khách ở xa đến chơi nhiều khi không có đủ thì giờ nên không than thở mấy. Dân quen chịu nóng thì đi thăm cảnh. Dân sợ nóng thì vào các viện bảo tàng, các rạp hát.
Mình đã đi viện bảo tàng Metropolitan rồi. Hôm nay từ Metropolitan đi dọc theo đại lộ số 5. Dọc đường có hai biệt thự xây từ đầu thế kỷ hai mươi mà không bị thay đổi theo kiểu mới, đó là Carnegie Mansion và Frick Mansion.
Ông Andrew Carnegie, một tỷ phú gia, gốc người Scottland, vừa thấp vừa mập. Năm 1900 ông xuất bản một quyển sách “Bửu bối cho người giàu” trong đó ông viết “ai chết giàu là chết dở!” Bởi vậy suốt 19 năm sau đó ông dồn tất cả thì giờ và năng lực của mình để làm việc thiện. Carnegie xây hằng trăm thư viện lớn nhỏ trong thành phố Nữu Ước. Ông sưu tập rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũ cũng như mới. Năm 1901 ông gọi các nhà kiến trúc sư lại, muốn xây một căn nhà giản dị nhất, bình thường nhất nhưng phải nhiều phòng nhất trong thành phố. Hồi đó đường 91 vẫn còn rất vắng, các kiến trúc sư chọn một miếng đất rộng, xây xong biệt thự Carnegie năm 1903, với 64 phòng và một khu vườn rất đẹp.
Ngoài ra Carnegie còn tạo ra rất nhiều quỹ tương trợ. Quỹ lớn nhất của ông lập ra là “Quỹ hòa bình”, tặng cho cá nhân hoặc hội đoàn đã có công giúp tạo hòa bình thế giới. “Quỹ anh hùng” để thưởng những người có công, có can đảm cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn. Chính ông là người đứng ra xây Carnegy Hall ở đường 57, để khuyến khích và tạo cơ hội cho các nhạc sĩ hòa tấu. Carnegy Hall là nơi tổ chức những buổi hòa nhạc lớn ở Nữu Ước. Boston Symphony Orchestra, New York Philharmony đều chơi ở đây. Người ta kể rằng, thời kỳ xây Carnegie Hall, thợ thuyền cứ hay la cà ở các quán rượu chung quanh xóm đó làm chậm trễ công việc. Ông giận quá, ra lệnh đóng cửa tất cả các tiệm rượu, các tiệm ăn có bán rượu trong khu Carnegie Hall trên đường 57 giữa đại lộ 6 và 7.
Sau khi Andrew Carnegie chết, vợ ông ở trong căn nhà rộng thênh thang trên đường 91 cho đến năm 1946 bà chính thức tặng căn nhà 64 phòng và toàn bộ sưu tập cho viện bảo tàng Smithsonian. Năm 1967 viện bảo tàng này liên hợp với Smithsonian dùng biệt thự đó để triển lãm bộ sưu tập của Carnegie và những đặc phẩm nghệ thuật trang trí nhà cửa của con cháu của Peter Cooper và của gia đình Hewitt. Viện bảo tàng từ đó có tên Cooper Hewitt Museum of Decorative Arts and Design, Smithsonian Institution. Ông Cooper cũng là một đại triệu phú tự xây dựng nên sự nghiệp bằng công lao kho nhọc của mình. Lúc lớn lên, nhà nghèo không đủ tiền đi học ông tự nhủ khi có tiền ông sẽ cố gắng giúp đỡ sinh viên nghèo. Cooper là người sáng lập ra Cooper Union, một đại học chuyên về khoa học kỹ thuật. Đại hoc Cooper Union rất đặc biệt, rất khó để được tuyển vào, nhưng một khi được nhận vào Cooper Union, sinh viên được đài thọ từ học phí đến tiền trọ. Cooper Union nằm ngay trong Manhattan ở vùng gần Greenwich Village.
Toàn bộ sưu tập đồ trang trí nhà cửa hằng ngày, từ áo kimono của Nhật bản đến ghế ngồi của các nước Á Châu, từ khăn bàn khăn choàng của Trung Hoa đến áo mũ giày dép, từ 1700 về trước đều được trình bày ở đây. Viện bảo tàng Cooper-Hewitt có rất nhiều phần triển lãm rất lạ. Những sưu tập nghệ thuật trang trí về đồ gốm, đồ dệt, giấy dán tường. Những nữ trang làm bằng cườm, hoa tai làm bằng lông chim, những bức tranh trình bày theo cốt chuyện...đi xem viện bảo tàng này thích ở điểm là những vật triễn lãm rất gần với mình. Thấy cái gì cũng quen thuộc cũng dễ dàng. Chị thích “The Beattles” thì chị có thể vào xem, không những chỉ xem bằng mắt mà còn có thể rờ vào chiếc xe Rolls Royce của họ đi thời xưa. Những sưu tập này được di chuyển luôn luôn, bởi vậy nếu thích nghệ thuật trang trí nên đến thăm viện bảo tàng này 1 năm ít nhất 2,3 lần.
Cooper Hewitt còn có một thư viện rất đầy đủ sách về hội họa về trang trí nhà cửa. Muốn xem phải hẹn trước. Đến đây không những chỉ xem triển lãm thôi còn có dịp xem nhạc hòa tấu ngoài vườn không mất tiền, gian hàng bán đồ kỷ niệm ở đây rất độc đáo.
Tưởng hôm nay đi được nhiều hơn một viện bảo tàng nhưng để nhiều thì giờ ở đây quá. Hẹn lần tới đi thêm Frick Collections, Whitney Museum..
Chỗ đi chơi ở Nữu Ước nhiều đến nỗi có nhiều người dù sinh sống ở đây lâu ngày vẫn không đi hết. Vậy nếu đến Nữu Ước thăm, ở một tuần, một tháng hay cả một năm mà vẫn thấy không đủ thì giờ cũng không có gì lạ. Khi đến Nữu Ước thường phải biết trước mình muốn làm gì nhất. Muốn đi xem hát, đi phố, đi xem viện bảo tàng v.v.Nếu đến Nữu Ước mà chỉ có thì giờ để đi thăm một viện bảo tàng thôi thì nên chọn Metropolitan Museum of Arts.
Viện bảo tàng Metropolitan rất lớn, đi xem một ngày, một tuần không thể nào hết được. Những người chuyên sưu tầm đã bỏ công thu thập hàng ngàn hàng vạn bảo vật về trưng bày ở đây. Viện bảo tàng này đã dồn rất nhiều tinh hoa của thế giới về Nữu Ước, chứa trong một tòa nhà bao la, không biết bao nhiêu là phòng. Thật cũng đáng công vì chị biết không, mỗi năm có hơn 3 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lẫy lừng đó. Số du khách đến thăm viện bảo tàng Metropolitan đông hơn số người đi thăm tượng nữ thần tự do hoặc nhà chọc trời Empire State.
The Metropolitan Museum of Arts nằm ngay bên phía Đông của Central Park trên đại lộ số 5 chạy dài từ đường 82 đến đường 86 là một lâu đài văn hóa nằm trong một khu vườn bao la. Dân Nữu Ước dùng viện bảo tàng này như một câu lạc bộ công cộng. Họ hẹn hò nhau ở đó, để dự những buổi diễn thuyết đặc biệt, để nghe hòa nhạc, để cùng nhau vào ăn trưa hay ăn tối, có khi ngồi uống trà buổi xế chiều trong những nhà hàng của viện bảo tàng. Nếu cần mua thiệp chúc Tết, tranh ảnh hay sách nghệ thuật vào gian hàng bán đồ kỷ niệm, ở đây không thiếu thứ gì. Họ còn bày bán cả những nữ trang làm theo kiểu thời xưa, những đồ sứ giả kiểu cổ, những khăn quàng theo mẫu của các họa sĩ danh tiếng... Metropolitan Museum of Arts lúc nào cũng cố gắng theo kịp trào lưu, không những chỉ về khía cạnh nghệ thuật mà còn về kỹ thuật. Năm 1907 Metropolitan Museum of Arts là viện bảo tàng đầu tiên trang bị máy lạnh, chỉ 5 năm sau khi phát minh ra máy lạnh.
Trong khi những viện bảo tàng khác thường chỉ trình bày những tác phẩm, quanh một vấn đề, một thời đại, một vài tác giả hoặc của một vị trí địa lý nào đó thôi. Viện bảo tàng này là viện bảo tàng lớn nhất nước Mỹ gần như bao gồm tất cả các giai đoạn nghệ thuật của tất cả các nước trên thế giới.
Điều khó nghĩ nhất của du khách là làm sao chọn đi xem phòng triển lãm nào trước. Làm sao để khỏi cảm thấy như văn hóa của cả thế giới đang muốn đổ ầm ập trên người mình. Làm sao để đừng thấy ngợp, thấy choáng váng, dù cho 5,000 năm nghệ thuật đang phô bày ngay trước mắt mình đó mình cũng biết từ tốn chọn lựa, thong thả đi ngắm nghía những tác phẩm đặc sắc đã được bao nhiêu người bỏ công tìm kiếm đem về đây triển lãm.
Đi qua dãy tầng cấp bằng đá trắng rộng và cao. Nhìn ngắm những khuôn mặt hớn hở ngồi đầy trên các bậc thang có người ngồi nghỉ mệt, có người ngồi chờ bạn đồng hành để cùng vào xem triển lãm. Trời nắng, trời mưa, lúc nào sân viện bảo tàng cũng đầy cả người. Bước vào trong là một phòng tiếp tân rộng với một bình hoa tươi vĩ đại. Đến đây là phải có ý niệm mình có bao nhiêu thì giờ sẽ đi xem phòng triển lãm nào. Vì phải mất gần ba tiếng đồng hồ mới chỉ đi ngang qua hết những phòng triển lãm không được dừng lại nhìn.
Phải mất cả ngày để chỉ xem được một phần của viện bảo tàng. Làm sao vừa có thể xem hội họa của Âu Châu vừa ngắm nhìn đồ sứ của Á Châu. Làm sao vừa có thể xem những pho tượng La Mã cùng một lúc xem tượng đầu của hoàng hậu Hatshepsut hay đứng trước các kỵ mã mặc áo giáp thời thượng cổ.
Rất nhiều du khách thích văn hóa Ai Cập. Đi về phía tay trái, trước khi đến Temple of Dendun, một tòa nhà được bảo tồn từ thứ kỷ thứ 15 trước Thiên Chúa, mình sẽ đi qua những phòng triển lãm văn hóa nghệ thuật của Ai Cập (Egyptian Galleries). Phòng triển lãm này trình bày theo thứ tự thời gian, qua một quá trình văn minh của 36 thế kỷ, từ năm 3000 trước Thiên Chúa đến năm 641. Viện bảo tàng Metropolitan có rất nhiều bảo vật nhờ những nhà khảo cổ đến Ai Cập thời chính phủ Ai Cập còn cho phép người ngoại quốc mang về một nửa số tài liệu ho khai quật được.
Có những du khách đến viện bảo tàng này chỉ để xem phần triển lãm của Mỹ Quốc (American Wing). Cầm bản đồ trong tay, mình có thể chọn đi vào các phòng triển lãm tranh của các họa sĩ Mỹ danh tiếng như George O'Keefe với hình bông hoa đỏ chói, Mary Cassatt, John Singer Sargent với những bức tranh đồng quê thơ mộng đầy màu xanh da trời hay của Edward Hopper. Phòng triển lãm này nổi tiếng nhờ những sưu tập về nghệ thuật sơ khai của Michael Rockefeller. Đẹp nhất là phòng kính đầy những tuyệt tác phẩm về kính vẽ (stained glass) của Tiffani, trong đó có những tấm Tiffani vẽ cho nhà riêng của ông ở Long Island. Ngoài ra còn có những bức kính vẽ thời Frank Lloyd Wright vẽ cho một trường mẫu giáo và của Louis Sullivan.
Phòng triển lãm nghệ thuật sơ khai trình bày văn hóa từ Phi Châu qua Mỹ Châu kéo dài 3000 năm, giới thiệu cho khán giả không biết bao nhiêu là dị biệt giữa văn minh của các quốc gia trên thế giới. Rất tiếc là Michael Rockefeller, con trai của Nelson Rockekeller bị chết đuối trong một chuyến đi khảo cổ ở New Guinea năm 1961. Michael có khiếu nhìn nghệ thuật rất đặc sắc, đã sưu tầm rất nhiều tác phẩm có một không hai.
Hội họa Âu Châu được trưng bày ở tầng lầu hai, nơi có hơn 30 gian phòng triển lãm nhiều tuyệt tác của Cezanne như “Rock in the Forest”, “Cypress”, của Van Gogh, cả một căn phòng dành riêng cho Rodin, 17 bức tranh của Rembrands, Renoir, Monet, hay của các họa sĩ Y Boticelli, Raphael hoặc của họa sĩ Tây Ban Nha El Greco với họa phẩm “View of Toledo”.,
Chỉ có những dân ở Nữu Ước lâu và thích đi thăm viện bảo tàng mới biết là tối thứ sáu và thứ bảy viện bảo tàng mở cửa cho đến 9 giờ tối. Mình có thể đến đó ăn cơm tối, có ban nhạc sống chơi chung quanh, có nến thắp trên bàn ăn mờ ảo, tình tứ. Cứ tưởng như mình đi dự dạ tiệc mà không cần ai mời, khỏi lo tiếp chuyện với ai. Mình tha hồ thả bộ đi ngắm tranh trong các phòng triển lãm lúc đó vắng người hơn, yên lặng hơn. Mình có thì giờ để nhìn ngắm mọi bảo vật cả chiều dài chiều rộng và chiều sâu...
Đã đến viện bảo tàng này, nên dành thì giờ đi xem phòng triển lãm nghệ thuật Á Châu. Đi xem tranh thủy mạc, ngắm những nét chấm phá rất tài tình, nhìn những trướng liễn của Trung Hoa. Chiêm ngưỡng những bình sứ cổ, những tấm bình phong đầy ý nghĩa, những đồ dùng trong nhà rất đơn sơ mà thanh nhã của Nhật. Xem lụa vẽ của Đại Hàn. Nhìn những đồ trang sức sặc sỡ, cầu kỳ của Ấn Độ. Gian hàng triển lãm nghệ thuật Á Châu trình bày theo thứ tự thời gian, từ trước Thiên Chúa đến thế kỷ 19 gồm có nhiều tác phẩm sưu tầm từ các nước bên Châu Á mà chưa chắc những viện bảo tàng Châu Á có được.
Ngoài ra trên các dãy hành lang, còn có rất nhiều ấn phẩm, nhiếp ảnh hay tranh hoạt họa, tranh treo tường... Phần triển lãm này được thay đổi luôn luôn. Metropolitan còn tổ chức rất nhiều chương trình đặc biệt hàng tuần trong mọi phòng triễn lãm riêng biệt, vì vậy lúc nào đến viện bảo tàng cũng có nhiều đề tài mới để xem.
Nếu chị tò mò muốn biết thêm về áo quần, giày dép của dân Viking thời xưa thì tha hồ ngẩn người ra mà nhìn những bộ áo giáp nặng nề, những vũ khí to lớn thời xưa. Gian phòng này chứa hơn 1,000 cây gươm, vũ khí cổ điển, đủ loại, dùng trong các chiến trận, các buổi lễ và diễn hành thời xưa..
Viện bảo tàng này có hơn 4,000 nhạc khí đủ cỡ, đủ loại sưu tập từ mọi nơi trên thế giới, nhưng chỉ bày ra độ 800 chiếc. Có cả dụng cụ âm thanh để du khách có thể nghe thử, chơi thử.
Có nhiều căn phòng chứa đầy bảo vật đem từ những dinh thự của các vua chúa hay từ lâu đài của các nhà quý tộc từ mấy trăm năm về trước.
Dù bảo tàng viện Metropolitan chứa rất nhiều di sản cho người lớn xem mới hiểu nhưng ban tổ chức không quên đám thanh thiếu niên. Họ dành một tầng lầu đặc biệt cho giới trẻ từ 6 đến 12 tuổi hay từ 10 đến 15 tuổi. Có những chương trình kéo dài cả năm cho con nít học vẽ hoặc học làm phim..v..v. Có những bà mẹ thích vào xem phần triễn lãm dành cho trẻ con hơn là phần của người lớn, vì như vậy có thể dễ hiểu hơn và chơi theo được với con cháu.
Thôi mình cũng nghỉ ở đây. Lần tới mình đi viện bảo tàng Cooper-Hewitt và Frick. Hai viện bảo tàng này không giống một viện bảo tàng nào hết, rất là hào hứng. Không có một thành phố nào có viện bảo tàng kiểu này, nằm ngay trong nhà một đại tỷ phú, người đã từng viết “chết giàu là chết dở”. Khi nghiệm ra được điều đó ông bắt đầu dùng hết tài sản của mình xây và sưu tập cho viện bảo tàng.
Toà nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc hiện nay được xây dựng trên một khu đất rộng 16 acre tại Thành phố New York trong giai đoạn từ năm 1949 tới 1950, bên cạnh Khu phía Đông của thành phố. Khu đất này được John D. Rockefeller, Jr. mua với giá 8.5 triệu dollar, con trai ông Nelson là nhà thương thuyết chủ yếu với chuyên viên thiết kế William Zeckendorf, vào tháng 12 năm 1946. Sau đó John D. Rockefeller, Jr. tặng khu đất này cho Liên Hiệp Quốc.
Trụ sở được một đội các kiến trúc sư quốc tế gồm cả Le Corbusier (Thuỵ Sĩ), Oscar Niemeyer (Brasil) và đại diện từ nhiều nước khác thiết kế. Wallace K. Harrison, một cố vấn của Nelson Rockefeller, lãnh đạo đội. Đã xảy ra một vụ rắc rối giữa những người tham gia về thẩm quyền của từng người. Trụ sở Liên Hiệp Quốc chính thức mở cửa ngày 9 tháng 1 năm 1951. Trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc nằm tại New York, trụ sở một số cơ quan khác của tổ chức này nằm tại Geneva, La Haye, Wien, Montréal, Copenhagen, Bonn và nhiều nơi khác.
Địa chỉ trụ sở Liên Hiệp Quốc là 760 United Nations Plaza, New York, NY 10017, USA. Vì những lý do an ninh, tất cả thư từ gửi tới địa chỉ trên đều được tiệt trùng.
Các tòa nhà Liên Hiệp Quốc đều không được coi là các khu vực tài phán chính trị riêng biệt Trước năm 1949, Liên Hiệp Quốc sử dụng nhiều địa điểm tại London và tiểu bang New York nhưng thực sự có một số quyền chủ quyền. Ví dụ, theo những thỏa thuận với các nước chủ nhà Cơ quan quản lý thư tín Liên Hiệp Quốc được phép in tem thư để gửi thư tín trong nước đó. Từ năm 1951 văn phòng tại New York, từ năm 1969 văn phòng tại Geneva, và từ năm 1979 văn phòng tại Wien đã in ấn tem riêng của mình. Các tổ chức của Liên Hiệp Quốc cũng sử dụng tiền tố viễn thông riêng, 4U, và về mặt không chính thức, các trụ sở tại New York, Geneva và Wien được coi là các thực thể riêng biệt đối với các mục đích radio không chuyên.
Bởi trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc đã trải qua một quá trình sử dụng khá dài, Liên Hiệp Quốc hiện đang trong quá trình xây dựng một trụ sở tạm do Fumihiko Maki thiết kế trên Đại lộ thứ nhất giữa Phố 41 và Phố 42 để dùng tạm khi công trình hiện nay đang được tu sửa.
No comments:
Post a Comment